LS-Thế giới Lịch sử văn minh Ả Rập - Will Durant <Nguyễn Hiến Lê dịch>

Thảo luận trong 'Tủ sách Lịch sử - Địa lý' bắt đầu bởi conguyen, 30/9/13.

Moderators: Bọ Cạp
  1. conguyen

    conguyen Sinh viên năm IV

    Tác giả: Will Durant
    Người dịch: Nguyễn Hiến Lê
    Nhà xuất bản: Văn hoá Thông tin
    Năm xuất bản: 2006
    Số trang: 448

    MỤC LỤC:

    Niên biểu lịch sử Ả Rập
    Chương I: Mahomet - 569-632.
    Chương II: Kinh Coran.
    Chương III: Lưỡi gươm của Hồi giáo 632-1058.
    Chương IV: Xã hội Hồi giáo 632-1058.
    Chương V: Tư tưởng và nghệ thuật Hồi giáo phương Đông 632-1058.
    Chương VI: Hồi giáo phương Tây 641-1058.
    Chương VII: Thịnh và suy của Hồi giáo 1058-1258.
    Danh từ Ả Rập (do Pháp phiêm âm).


    Vài lời thưa trước


    Cuốn Lịch sử văn minh Ả Rập, cũng như các cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ, Lịch sử văn minh Trung Hoa…, cụ Nguyễn Hiến Lê cũng dịch từ bản Pháp dịch của nhà Rencontre ở Lausanne, Thuỵ Sĩ. Nguyên tác tiếng Anh là Cuốn II: Islamic Civilization: 569-1258 (Văn minh Hồi giáo: 569-1258) trong Tập IV: Age of Faith[1] (Thời Trung Cổ) trong bộ The Story of Civilization (Lịch sử văn minh) của Will Durant.

    Năm 569 là năm nhà tiên tri Mohomet, người khai sáng đạo Hồi, chào đời; năm 1258 là năm quân Mông Cổ cướp phá kinh đô Bagdad, chấm dứt triều đại Abbaside.

    Mahomet và các người nối nghiệp chinh phục trọn bán đảo Ả Rập, sau đó “chiếm được một nửa những nước ở châu Á thuộc về đế quốc Byzantin[2], trọn Ba Tư và Ai Cập, một phần lớn Bắc Phi”, chiếm phần lớn bán đảo Iberan[3], đảo Sicile, dựng nên một đế quyết rộng mênh mông, đến năm 750, trải dài từ Đại Tây Dương tới sông Indus gồm các miền Tây Á, Trung Á, Bắc Phi, một phần Tây Nam châu Âu. Sau năm 750 chính quyền trung ương suy yếu, nhiều lãnh tụ là người Ba Tư, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Berbère…, mỗi nhà hùng cứ một phương, đế quốc Hồi giáo bị chia cắt thành nhiều mảnh. Năm 1258, vị calife (vừa là vua vừa là giáo chủ Hồi giáo) cuối cùng của dòng Abbaside bị quân Mông Cổ giết, nhưng triều đại Mameluk ở Ai Cập vẫn còn và chính quân Ai Cập đã đánh đuổi bọn xâm lăng Mông Cổ “cứu được Syrie cho Hồi giáo, có lẽ cả châu Âu cho Kitô giáo nữa”.
     
  2. conguyen

    conguyen Sinh viên năm IV

    NIÊN BIỂU LỊCH SỬ Ả RẬP


    569-632 Mahomet.
    …..…610 Linh giác của Mahomet..
    …..…612 Ông trốn qua La Médine.
    …..…630 Ông chiếm La Mecque
    636-634 Abu Bekr làm calife[1].
    634-644 Omar làm calife.
    …..…635 Người Hồi giáo chiếm Damas.
    …..…637 Họ chiếm Jérusalem và Ctésiphon.
    …..…641 Họ chiếm Ba Tư và Ai Cập.
    …..…641 Họ thành lập thị trấn Le Caire (Fustat).
    …..…642 Dựng thánh thất[2] Amr ở Le Caire.
    644-656 Othman làm calife.
    656-660 Ali làm calife.
    660-680 Muawiya đệ nhất làm calife.
    660-750 Triều đại Omeyyade ở Damas.
    …..…662 Chữ số Ấn Độ truyền qua Syrie.
    …..…680 Husein bị giết ở Kerbela.
    680-683 Yezid đệ nhất làm calife.
    683-684 Muawiya II làm calife.
    685-705 Abd al-Malik làm calife.
    691-694 Dựng thánh thất al-Aqsa và Mái tròn trên đá ở Jérusalem.
    693-862 Chính quyền Hồi giáo ở Arménie.
    ……698 Hồi giáo chiếm Carthage.
    705-715 Walid đệ nhất làm calife.
    ……..705 Bắt đầu dựng đại thánh thất ở Damas.
    …..…711 Hồi giáo vô Y Pha Nho.
    715-717 Suleiman đệ nhất làm calife.
    717-720 Omar II làm calife.
    720-724 Yezid II làm calife.
    …..…732 Quân đội Hồi giáo bị đẩy lùi ở Tour.
    …..…743 Đồ chạm nổi ở Mshatta.
    743-744 Walid II làm calife.
    …..…750 Abul-Abbas al-Saffah khai sáng triều đại Abbasside.
    754-775 al-Mansur làm calife. Bagdad thành kinh đô.
    755-788 Abder-Rahman đệ nhất làm thống đốc[3] Cordoue.
    757-847 Các triết gia phái Mutazilite.
    ……..760 Giáo phái Ismailite xuất hiện.
    775-786 al-Mahdi làm calife.
    …..…786 Bắt đầu dựng Thánh thất màu lam ở Cordoue.
    786-809 Haroun al-Rashid làm calife.
    789-974 Triều đại Idriside ở Fez.
    …..…803 Dòng họ Barmécide mất ngôi.
    …..…803 Triết gia al-Kindi.
    808-909 Triều đại Aghlabite ở Kairouan.
    809-810 Hồi giáo chiếm hai đảo Corse và Sardaigne.
    809-877 Học giả Hunain Ibn Ishak.
    813-833 al-Mamoun làm calife.
    820-872 Triều đại Tahiride ở Ba Tư.
    822-852 Abd er-Rahman II làm thống đốc Cordoue.
    …..…827 Hồi giáo chiếm đảo Sicile.
    …..…830 “Toà Minh triết” ở Bagdad.
    …..…830 Cuốn “Đại số học” của al-Khwarizmi.
    844-926 Y sĩ al-Razi.
    …..…846 Hồi giáo tấn công La Mã.
    870-950 Triết gia al-Farabi.
    872-903 Triều đại Saffaride ở Ba Tư.
    973-935 Nhà thần học al-Ashari.
    …..…878 Thánh thất Ibn Talun ở Le Caire.
    …..…909 Bắt đầu có triều đại Fatimide ở Kairouan.
    912-961 Abd-er-Rahman làm calife ở Cordoue.
    ……..915 Sử gia al-Tabari.
    915-965 Thi sĩ al-Mutannabi.
    934-1020 Thi sĩ Ferdousi.
    940-998 Toán học gia Abu’l Wafa
    945-1058 Triều đại Buwayhide ở Bagdad.
    …...…951 Nhà địa lí học al-Masudi chết.
    961-976 al-Hakam làm calife ở Cordoue.
    965-1039 Nhà vật lí học al-Haitham.
    967-1049 Abu Said, thi sĩ theo giáo phái Soufi.
    969-1171 Triều đại Fatimide ở Le Caire.
    …...…970 Thánh thất El-Azhar ở Le Caire.
    973-1048 Nhà bác học al-Biruni.
    973-1058 Thi sĩ al- Ma’arri. ở
    976-1010 al-Hisham làm calife ở Cordoue.
    978-1002 Almanor, tể tướng ở Cordoue.
    980-1037 Triết gia Ibn Sina (Avicenne).
    …....…983 Nhóm “Huynh đệ Thành Ý”.
    990-1012 Thánh thất al-Hakim ở Le Caire.
    998-1030 Mahmud ở Ghazni.
    …..…1012 Người Berbère nổi loạn ở Cordoue.
    1017-1092 Tổng lí đại thần (vizir) Nizam al-Mulk.
    …...…1031 Hồi giáo hết làm chủ Cordoue.
    …...…1038 Quân Thổ Nhĩ Kỳ do Seljouk làm thủ lĩnh, xâm chiếm Ba Tư.
    1038-1123 Thi sĩ Omar Khayyam.
    1040-1095 al-Mutamid, thống đốc kiêm thi sĩ.
    …...…1058 Quân Seljouk chiếm Bagdad.
    1058-1111 Nhà thần học al-Ghazali[4]
    1059-1063 Tughril Beg làm chúa[5] Bagdad.
    …...…1060 Quân Seljouk chiếm Arménie.
    1063-1072 Alp Arslan làm chúa.
    …...…1071 Thổ thắng Hy Lạp ở Manzikert.
    1072-1092 Malik Shah làm chúa.
    1077-1327 Triều đại Roum ở Tiểu Á.
    ….…..1088 Bắt đầu dựng thánh thất Ngày Thứ Sáu ở Isfahan.
    …...…1090 Giáo phái “Ám sát” xuất hiện.
    1090-1147 Triều đại Almoravide ở Y Pha Nho.
    1091-1162 Y sĩ Ibn Zohr.
    ….…..1098 Nhà Fatimide chiếm Jérusalem.
    1100-1166 Địa lí gia al-Idrisi.
    …...…1106 Triết gia Ibn Bajja,
    1107-1185 Triết gia Ibn Tufail.
    1117-1151 Sanjar, chúa triều đại Seljouk.
    1126-1198 Triết gia Ibn Rushd (Averroès).
    1130-1269 Triều đại Almohade ở Maroc.
    1138-1193 Saladin.
    1148-1248 Triều đại Almohade ở Y Pha Nho.
    1162-1227 Gengis Khan (Thành Cát Tư Hãn).
    1175-1249 Triều đại Ayyoubite.
    1179-1220 Địa lí gia Yakut.
    …...…1181 Alcazar ở Séville.
    1184-1291 Thi sĩ Saadi.
    …...…1187 Saladin thắng Thập tự quân ở Hattin và chiếm Jérusalem.
    ….…..1188 Thi sĩ Nizami.
    …...…1196 Tháp Giralda ở Séville.
    1210-1273 Thi sĩ Jalad ud din Rumi.
    1211-1282 Nhà chuyên viết tiểu sử Ibn Khallikan.
    …...…1212 Kitô giáo thắng quân Maure ở Las Navas de Toledo.
    1218-1238 al-Kamil làm chúa ở Le Caire.
    …...…1219 Gengis Khan chiếm Transoxiane.
    …...…1245 Mông Cổ chiếm Jérusalem.
    …...…1248 Bắt đầu dựng cung điện Alhambra.
    1250-1517 Dòng Mameluk làm vua ở Ai Cập.
    …...…1252 Người Maure ở Y Pha Nho chỉ còn làm chủ được Grenade.
    …...…1258 Mông Cổ cướp phá Bagdad; triều đại Abbasside chấm dứt.
    …...…1260 Quân Mameluk đẩy lui quân Mông Cổ ở Ain Jaluk.
    1260-1277 Baibars làm chúa Mameluk...

    ------------------
    [1] Vừa là vua vừa làm giáo chủ Hồi giáo. Những cước chú đánh số Ả Rập này là của chúng tôi, những cước chú hoa thị * là của tác giả. [Trong ebook này, tất cả các chú thích tôi đều đánh số Ả Rập; để tiện phân biệt, về sau, các chú thích của Người dịch, tức cụ Nguyễn Hiến Lê, tôi ghi thêm: (ND). (Goldfish)].

    [2] Ta quen gọi là giáo đường Hồi giáo. Trong sách này, cụ Nguyễn Hiến Lê dùng từ “thánh thất” để khỏi lộn với giáo đường Kitô giáo. (ND).

    [3] Emir: như một tiểu vương, cũng có một tiểu triều đình. (ND).

    [4] Câu này tôi chép thêm theo bản tiếng Anh: 1058-1111: Al-Ghazali, theologian. (Goldfish)

    [5] Sultan: Vua Thổ Nhĩ Kì theo Hồi giáo. (ND).
     
    nhanpro54cdt, tango.baby and meocara like this.
  3. conguyen

    conguyen Sinh viên năm IV

    CHƯƠNG I

    MAHOMET 569-632

    I. BÁN ĐẢO Ả RẬP

    Năm 565, Justinien[1] mất. Năm năm sau, Mahomet sinh trong một gia đình nghèo tại một xứ ba phần tư là sa mạc, chỉ có lưa thưa ít bộ lạc du mục mà của cải, bảo vật gom cả lại cũng không đầy chính điện giáo đường Saint Sophie[2]. Lúc đó không ai ngờ được rằng chưa đầy một thế kỉ sau, bọn dân du mục đó chiếm được một nửa những nước ở châu Á thuộc về đế quốc Byzantin, trọn Ba Tư và Ai Cập, một phần lớn Bắc Phi và đương tiến lên Y Pha Nho nữa. Sự bộc phát của bán đảo Ả Rập là biến cố lạ lùng nhất trong lịch sử thời Trung cổ; hậu quả của nó là một nửa thế giới ở chung quanh Địa Trung Hải bị người Ả Rập xâm chiếm và cải giáo (biến đổi tín ngưỡng).

    Không có bán đảo nào lớn bằng bán đảo Ả Rập: chiều dài nhất được hai ngàn hai trăm cây số. Về phương diện địa chất, bán đảo đó tiếp tục sa mạc Sahara, là một phần của đai cát đi ngang qua Ba Tư, tới tận sa mạc Gobi. Tiếng Arabe (Ả Rập) có nghĩa là khô khan. Về phương diện địa lí nó là một cao nguyên mênh mông thình lình dựng đứng lên tới ba ngàn thước ở cách Hồng Hải năm chục cây số, rồi hạ lần lần xuống về phía Đông, qua những dãy núi hoang vu, tới vịnh Ba Tư. Ở giữa bán đảo nổi lên vài ốc đảo có cỏ, có làng mạc dưới bóng cây kè[3], với những giếng nước không mấy sâu; chung quanh, tứ phía đều là cát mênh mông trải ra tới mấy trăm cây số. Bốn chục năm tuyết mới đổ một lần, ban đêm lạnh tới không độ (00); ban ngày ánh nắng làm cháy da, máu muốn sôi lên; vì không khí đầy cát nên dân chúng phải bận áo dài và quàng khăn để che da thịt và tóc. Trời như ngày nào cũng trong sáng, không khí thì như thứ “rượu vang có bọt”. Trên bờ biển, thỉnh thoảng có những cơn mưa rào trút xuống, nên trồng trọt được, văn minh được: nhất là bờ biển ở phía Tây, trong miền Hedjaz, nơi có những thị trấn La Mecque và Médine; ở phía Tây Nam, trong miền Yemen, nơi có những vương quốc cổ của Ả Rập (…)[4].

    Ảnh này đã được co lại. Bấm vào thanh này để xem với kích cỡ đầy đủ. Ảnh gốc có kích thước 1494x1464.


    La Mecque và Médine (tức Mecca và Medina) nay thuộc Vương quốc Ả Rập Xê-út
    (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)

    Bên cạnh những tiểu quốc ở Bắc và Nam, ngay cả trong những tiểu quốc đó nữa, trước thời Hồi giáo, tổ chức chính trị là một tổ chức gia tộc gồm thị tộc và bộ lạc. Mỗi bộ lạc mang tên một ông tổ chung tưởng tượng nào đó: chẳng hạn bộ lạc Bani-Gassan tự cho mình là hậu duệ của Ghassan. Trước Mahomet, mặc dù người Hy Lạp gọi tất cả dân chúng trong bán đảo là sarakenoi (tức Sarrasin) – có lẽ do tiếng Ả Rập sharkiyum (nghĩa là phương Đông) mà ra, nhưng thực sự những dân tộc đó không thống nhất về chính trị. Vì sự giao thông khó khăn, cho nên các bộ lạc tất phải tự trị về kinh tế, và giữ tính cách địa phương hoặc tính cách riêng của bộ lạc. Người Ả Rập chỉ trung thành và có bổn phận đối với bộ lạc của họ thôi, mà bộ lạc càng nhỏ thì lòng hy sinh đối với bộ lạc càng lớn; họ làm cho bộ lạc tất cả những gì mà hạng người văn minh làm cho tổ quốc, tôn giáo hoặc “nòi giống” của mình – nghĩa là nói dối, ăn cắp, giết người hoặc chết cho bộ lạc, với một lương tâm trong sạch. Mỗi bộ lạc hoặc thị tộc do một sheik thống trị, vị này được các đầu mục bầu trong một gia đình đã nhiều đời giàu có hơn, tài trí hơn hoặc chiến đấu anh dũng hơn các gia đình khác.

    Nơi nào có làng thì dân chúng trồng trên các khu đất khô cằn được ít lúa và rau, nuôi ít gia súc và con ngựa đẹp; nhưng họ thấy trồng chà là, đào, hạnh, lựu, chanh, cam, chuối, vải… có lợi hơn nhiều; một số người trồng những hương thảo, như cây lài, cây oải hương (lavande), cây bách lí hương (thym); có kẻ nấu dầu hoa hồng mọc trên núi; có kẻ rạch thân vào loại cây để lấy nhựa mộc dược (myrrhe) hoặc nhựa thơm khác. Có thể một phần hai mươi dân chúng sống trong các thị trấn ở gần hoặc trên bờ biển phía Tây. Tại đó có nhiều hải cảng và chợ cho các thương thuyền trên Hồng Hải, còn ở phía trong nội địa, là những con đường lớn cho những thương đội muốn tới Syrie. Tương truyền từ năm 2743 trước T.L, Ả Rập đã buôn bán với Ai Cập, mà những thông thương hàng năm với Ấn Độ chắc cũng đã xảy ra từ hồi đó. Mỗi năm có những chợ phiên họp khi ở thị trấn này, khi ở thị trấn khác; chợ phiên lớn ở Ukaz gần La Mecque năm nào cũng thu hút mấy trăm con buôn, kép hát, nhà truyền giáo, con bạc, thi sĩ và gái điếm.

    Năm phần sáu dân chúng là người Bédouin du mục di chuyển với đàn gia súc từ đồng cỏ này tới đồng cỏ khác, tuỳ mùa và tuỳ các trận mưa mùa đông. Người Bédouin yêu ngựa lắm, nhưng trong sa mạc, lạc đà là con vật họ quí nhất. Loài lạc đà chỉ đi được mười hai cây số một giờ, điệu bộ lắc lư một cách trịnh trọng mà uyển chuyển, nhưng có thể nhịn nước năm ngày mùa hè và hai mươi ngày mùa đông; sửa nó uống được, nước tiểu của nó làm cho tóc mượt[5], phân nó có thể phơi khô để đốt; thịt nó mềm, ngon; người Bédouin vừa kiên nhẫn và dai sức như lạc đà, vừa dễ cảm và hăng hái như ngựa, có thể đương đầu với sa mạc được. Nhỏ con, mảnh khảnh, mạnh và bền sức, họ có thể sống mấy ngày với vài trái chà là và một ít sữa; rượu chà là làm cho họ quên tình cảnh của họ và kích thích trí tưởng tượng của họ. Để cuộc đời khỏi đều đều buồn chán, họ kiếm người yêu hoặc gây lộn; họ cũng nóng nảy như người Y Pha Nho đã được di truyền huyết thống hoặc thị tộc của họ trả thù liền kẻ nào nhục mạ hoặc làm hại họ hoặc thị tộc họ. Già nửa đời cuộc họ là chiến tranh giữa các bộ lạc với nhau; và khi họ chiếm được Syrie, Ba Tư, Ai Cập, Y Pha Nho rồi thì họ chinh phạt liên miên, tha hồ phóng túng cướp bóc, nhưng mỗi năm họ cũng bỏ ra vài thì kì “hưu chiến thiêng liêng” để đi hành hương hoặc buôn bán. Họ cho sa mạc là của riêng; ai đi ngang qua – ngoài những thời hưu chiến – mà không nộp tiền “mãi lộ” thì họ cho là kẻ ngoại nhân xâm nhập, như vậy họ có ăn cắp của kẻ đó thì cũng như một cách thu thuế rất lương thiện vậy thôi. Họ khinh thị trấn vì ở đó phải theo luật lệ, phải buôn bán, chứ không thể ăn cắp được; sa mạc tuy tàn nhẫn mà họ lại yêu vì họ được tự do. Khả ái mà lại khác khao, rộng rãi mà lại hà tiện, bất lương mà lại trung tín, người Bédouin dù nghèo tới đâu cũng vậy, hiên ngang nhìn đời, tự hào về dòng máu không pha của mình, vui vẻ mang dòng họ mình.

    Nhất là có một điểm ai cũng nhận: phụ nữ của họ đẹp vô song, một sắc đẹp tối (vì nước da của họ), dữ tợn, bừng bừng tình dục, đáng cho cả ngàn thi sĩ ngâm vịnh, nhưng mau tàn một cách bi thảm vì khí hậu quá nóng. Trước Mahomet – mà sau ông cũng vậy – người đàn bà Ả Rập chỉ được hưởng một thời tôn sùng ngắn ngủi rồi phải chịu cả cuộc đời dài vất vả. Họ thể bị cha chôn sống khi mới oe oe chào đời; người cha nào nhân từ lắm thì cũng xót xa cho số mình lỡ sinh ra con gái, mà tủi nhục không dám cho bạn bè thấy mặt con. Tuổi thơ của con gái được vài năm sung sướng, cha mẹ âu yếm vì nó đẹp, dễ thương, nhưng mới sáu bảy tuổi, cha mẹ nó đã gả nó cho một thanh niên trong thị tộc vì đằng nhà trai đã trả cho một số tiền mua nó. Chồng nó yêu nó như một tình nhân, sẵn sàng chiến đấu với cả thế giới để bảo vệ nó hoặc danh dự của mình; bọn con trai đã đam mê nó đã gây một tinh thần hiệp sĩ hơi khoa trương và tinh thần này đã xâm nhập từ Y Pha Nho.Nhưng một mặt phụ nữ được tôn sùng như một nữ thần, một mặt họ cũng chỉ là một động sản thuộc về cha, chồng hoặc con trai[6] và như mọi động sản khác, họ bị di tặng lại cho đời sau. Luôn luôn họ là tôi tớ, rất ít khi được là bạn trăm năm của đàn ông. Đàn ông bắt họ phải sinh nhiều con – đúng hơn là nhiều con trai – vì bổn phận của họ là phải “sản xuất” chiến sĩ. Chồng họ có thể đuổi họ đi lúc nào tuỳ ý.

    Nhưng nét kiều diễm bí mật của họ cùng với chiến tranh đã kích thích thi nhân, làm đề tài cho nhiều thi phẩm. Người Ả Rập Tiền Hồi giáo (nghĩa là trước khi có Hồi giáo) thường vô học nhưng rất thích thơ, gần ngang với ngựa, thích đàn bà và thích rượu. Họ không có các nhà bác học, các sử gia, nhưng say mê lời hùng biện, những mỹ từ và những câu thơ rất điêu luyện. Ngôn ngữ họ rất gần giống cổ ngữ Do Thái (hébreu), có những biến hoá rắc rối của mẫu âm, một dụng ngữ phong phú, những phân biệt tinh xác mới đầu diễn được những tế nghị trong thi ca, rồi sau diễn được những tế nhị trong triết học. Người Ả Rập tự hào về ngôn ngữ vừa cổ vừa phong phú của họ, trong khi nói cũng như trong khi viết, thích dùng những âm du dương để tạo những mỹ từ, họ say mê nghe các thi sĩ ngâm trong các làng xóm, thị trấn, trong các trại quân giữ sa mạc hoặc các chợ phiên, những bài thơ trường thiên nhịp nhàng trôi chảy kể lại những chuyện tình cùng những cuộc giao chiến của các vị anh hùng, vua chúa các bộ lạc của họ. Đối với họ, thi sĩ là sử gia, người giữ phổ hệ, nhà luân lí, nhà trào phúng, nhà tiên tri, người hô hào chiến đấu; và khi một thi sĩ được giải trong các cuộc thi thơ – những cuộc thi này rất nhiều – thì cả bộ lạc mừng rỡ, cảm thấy được vinh dự lây. Cuộc thi thơ lớn nhất được tổ chức mỗi năm ở chợ phiên Ukaz; suốt một tháng gần như ngày nào các thị tộc cũng đưa người ra tranh giải; không có ban giám khảo, mà chỉ có quần chúng bu lại nghe, hoặc tán thưởng nhiệt liệt, hoặc bĩu môi chê bai; bài thơ nào thắng cuộc thì được chép bằng những chữ vàng son rực rỡ, vì vậy mà gọi là “kim thi” (thơ bằng chữ vàng) và được giữ gìn như một quốc bảo trong các kho tàng của vua chúa. Người Ả Rập cũng gọi những bài thơ đó là Muallaka, có nghĩa là treo, vì tương truyền các bài thắng cuộc được viết bằng chữ vàng trên nền lụa Ai Cập treo ở tường điện Kaaba tại La Mecque.


    -------------------
    [1] Ông là hoàng đế của một đế quốc lớn, đế quốc Byzantin, tức đế quốc Hy Lạp ở phương Đông (empire grec d’Orient). (ND).

    [2] Do Justinien xây cất xong năm 537 ở Constantinople, kinh đô được đế quốc Byzantin. (ND).

    [3] Palmier: trỏ chung những cây như cây thốt nốt, cọ, chà là, dừa… (ND).

    [4] Bỏ một đoạn hai trang tiểu tiết in chữ nhỏ trong bản tiếng Pháp. (ND).

    [5] Doughty bảo các phụ nữ du mục tắm trẻ con bằng nước đái lạc đà để khỏi có chấy, rận… còn đàn ông, đàn bà đều chải tóc bằng thứ nước đó.

    [6] Vậy chẳng phải riêng Trung Hoa mới có chế độ “tam tòng”. (ND).
     
    meocara thích bài này.
  4. conguyen

    conguyen Sinh viên năm IV

    Người ta còn giữ được bảy bài trong số những Muallaka của thế kỉ thứ tư. Những bài đó thuộc vào thể kasida, một loại đoản ca tự sự, điêu luyện, tiết điệu và vần rất rắc rối, thường kể các chuyện tình hoặc các chiến tranh. Một trong những bài đó của thi sĩ Labid, một chiến sĩ ở mặt trận trở về quê hương, thấy nhà cửa hoang vu, vợ đã bỏ đi theo người khác. Labid tả cảnh đó, giọng đa cảm như Goldsmith[1] nhưng hùng hồn hơn, mạnh mẽ hơn. Trong một bài thơ khác, các phụ nữ Ả Rập khuyến khích bọn đàn ông ra trận, hăng hái chiến đấu:

    Can đảm lên! Can đảm lên! Để bảo vệ phụ nữ chúng em, hỡi các bậc tu mi! Vung gươm mà chém cho hăng vào!... Chúng em là con gái của sao mai; những tấm thảm chúng em dẫm lên thật là êm đềm; cổ chúng em đeo ngọc trai, tóc chúng em thơm mùi xạ. Những anh nào hùng dũng chiến đấu với địch thì chúng em sẽ ôm vào lòng; còn bọn nhút nhát đào tẩu thì chúng em sẽ gạt ra, không được các em hôn đâu!

    Đây là một bài ca rạo rực tình dục, tác giả là Imru’lkais:

    Cô em kia, mặt che tấm voan, cũng đẹp nữa; nàng bị canh giữ kĩ trong lều, vậy mà nàng cũng tiếp lén tôi!

    Tôi đã luồn qua được những dây cột lều, mặc dầu cha mẹ nàng, hạng khát máu, nằm trong bóng tối, rình để giết tôi.

    Tôi tới vào nửa đêm, giờ mà chòm sao Thất Tinh hiện lên những vòng ngọc trai trên cái đai của vòm trời.

    Tôi lén vô lều, ngừng lại. Nàng đã cởi hết những áo dài, chỉ còn giữ mỗi chiếc áo ngủ.

    Nàng mắng yêu tôi: “Dùng cái mưu thuật gì vậy?... điên thôi là điên!”.

    Chúng tôi cùng bước ra, nàng có ý tứ, kéo lết theo sau chiếc áo dài thêu để xoá hết vết chân của chúng tôi.

    Và chúng tôi trốn ra khỏi chỗ đốt lửa trại. Tại đó, xa các cặp mắt tọc mạch, chúng tôi nằm trên cát, trong bóng tối đồng loã.

    Tôi vuốt ve mái tóc của nàng, kéo mặt nàng lại sát mặt tôi, ôm thân thể của nàng mảnh mai như những vòng chân của nàng vậy.

    Mặt nàng đẹp quá, không ửng đỏ mà thanh tú, quí phái, ngực nàng nhẵn như thuỷ tinh, để hở dưới chiếc vòng đeo cổ.

    Y như một cặp ngọc trai còn thanh khiết ở dưới đáy biển, coi trong trẻo sáng đẹp mà không rờ tới được.

    Nàng e lệ nằm nhích ra, chìa một má ra, một làn môi, nàng y như một con nai tơ ở Wujra…

    Cổ nàng thon thon, trắng như sữa, như cổ con nai tơ, đeo chuỗi ngọc trai, hôn vào thấy dịu mát làm sao.

    Làn tóc mây của nàng loà xoà trên vai, đen như chùm chà là rũ ở trên cành…

    Thân hình nàng mảnh mai hơn chiếc dây thừng ở giếng nước. Cặp giò nàng nhẵn như những thân sậy đã tuốt lá ở bên bờ suối.

    Nàng ngủ cả buổi sáng, biếng nhác lăn qua lăn lại, gần giữa trưa mới dậy bận áo dài vào.

    Da tay nàng mịn màng, ngón tay nàng thon thon như những con trùng, nhẵn như những con rắn ở Thobya, những cây roi của Ishali.

    Nàng toả sáng trong bóng tối, y như một ngọn đèn lẻ loi chỉ hướng đi tới một tu viện.

    Các thi sĩ thời tiền Hồi giáo vừa ngâm thơ vừa gảy đàn hoạ theo; nhạc với thơ chỉ là một. Nhạc khí họ thích nhất là ống sáo, cây đàn “luth”, ống địch hoặc chiếc kèn (hautbois) bằng sậy và chiếc trống con. Bọn con hát trẻ thường được mời tới hát trong các bữa tiệc đàn ông; họ cũng hát trong những quán rượu; các vua chúa có một đoàn con hát để tiêu khiển cho vơi bớt nỗi lo lắng; và khi dân thành La Mecque tiến đánh Mahomet năm 624, họ dắt theo một đoàn con hát trẻ để đêm đốt lửa trại cho thêm vui và để kích thích họ khi ra trận. Ngay cả trong thời đại “dốt nát” đó, như họ nói, (tức thời Tiền Hồi giáo), bài hát Ả Rập cũng có giọng ai oán, không rườm rà, chỉ vài câu thơ cũng đủ cho họ hát cả giờ.

    Người Ả Rập trong sa mạc có một tôn giáo riêng, cổ lỗ nhưng tế nhị. Họ sợ và thờ vô số thần, thần tinh thú, thần mặt trăng và thần trong lòng đất; đôi khi họ cầu khấn trời đừng phạt họ; nhưng xét chung thì họ rất sợ bọn djinn (quỉ) rất đông ở chung quanh họ, tìm mọi cách để làm dịu cơn giận của các djinn; họ an mệnh, không chống với số mạng, cầu nguyện vắn tắt chứ không dài dòng như phụ nữ, và chịu nhận là không hiểu được sự vô biên của vũ trụ. Hình như họ ít khi nghĩ tới kiếp lai sinh; vậy mà đôi khi họ cũng buộc con lạc đà ở bên cạnh mồ mả và không cho nó ăn, để người chết có lạc đà mà cưỡi, khỏi bị cái nông nỗi đi bộ lên thiên đường. Thỉnh thoảng họ giết người để tế thần; và có nơi họ thờ những phiến đá thiêng.

    Trung tâm của sự thờ phụng đó là thành La Mecque. Thánh địa này phát triển không nhờ khí hậu tốt vì những núi đá trơ trọi ở chung quanh làm cho mùa hè ở đó nóng chịu không nổi; thung lũng đó là một chỗ hoang vu khô khan: trong cả khu thành không có một mãnh vườn, điều đó Mahomet đã biết. Nhưng nhờ vị trí - ở giữa đường trên bờ biển phía Tây, cách Hồng Hải sáu chục cây số - nó thành một chỗ ngừng chân tiện lợi cho các thương đoàn bất tận có khi gồm cả ngàn con lạc đà đi đi về về từ miền nam bán đảo Ả Rập (do đó, chở cả hàng hoá Ấn Độ và Trung Phi) lên miền Ai Cập, Palestine và Syrie. Những thương nhân đó hùn vốn lập hội, chi phối các chợ phiên ở Ukaz và cả những lễ nghi tôn giáo ở chung quanh điện Kaaba và phiến Đá Đen linh thiêng trong điện.

    Kaaba có nghĩa là một kiến trúc vuông, và là nguồn gốc tiếng cube (hình lập phương) của Pháp. Theo các người Hồi giáo chính thống, điện Kaaba được xây dựng lại mười lần. Lần đầu tiên, hồi mới có sử, là do các thiên thần từ trên thượng giới xuống xây cất; lần thứ nhì do Adam – thuỷ tổ loài người xây cất; ba là công của Seth, con của Adam; lần thứ tư là do thánh Abraham và Dmael[2], con trai của ngài và của bà Agar…; lần thứ bảy do Kusay, chúa bộ tộc Koraishite (ở gần La Meque); lần thứ tám do các chúa bộ lạc thời Mahomet (605); lần thứ chín và thứ mười do các thủ lĩnh Hồi giáo năm 681 và 696; điện Kaaba hiện nay là điện xây cất lần thứ mười đó. Điện dựng gần đúng trung tâm một khu có tường và trụ quan (portique) bao chung quanh, khu đó gọi là Masjid Al-Haram, có nghĩa là giáo đường linh thiêng. Điện là một toà nhà hình chữ nhật bằng đá, dài 13 thước, rộng 12 thước, cao 17 thước. Trong gốc Đông Nam, cách mặt đất khoảng 1 thước rưỡi, vừa tầm mắt người cho dễ hôn, có gắn phiến Đá đen, màu huyết đậm, hình trái soan, đường kính khoảng hai tấc. Nhiều tín đồ cho rằng phiến đá đó từ trên trời đem xuống – rất có thể nó là một vẫn thiết (méteorite); đa số tin rằng nó có ở điện Kaaba từ thờ Abraham. Các học giả Hồi giáo bảo nó là biểu tượng dòng dõi của Abraham bị Israël đuổi đi, mà sau thành thuỷ tổ của bộ lạc Koraishite (…).

    Ở thời Tiền Hồi giáo, trong điện Kaaba có nhiều ngẫu tượng, mỗi ngẫu tượng là một vị thần. Một trong những vị thần này tên là Allah, có lẽ là thần của bộ lạc Koraishite; ba vị thần khác là con gái của Allah: bà al-Uzza, bà al-Lat và bà Manah. Sự thờ phụng đó của người Ả Rập đã có từ thời thượng cổ vì sứ giả Hy Lạp Hérodote (484?-425? trước T.L.) đã chép rằng Al-il-Lat (tức al-Lat) là một vị thượng đẳng thần của Ả Rập. Bộ lạc Khoraishite thờ Allah là thần chính, như vậy là dọn đường cho tín ngưỡng nhất thần giáo; họ bảo dân chúng La Mecque rằng Allah là thần đất đai, vậy dân chúng phải đóng thuế cho thần một phần mùa màng và những gia súc con so. Người Koraishite tự nhận là hậu duệ của Abraham và Israël, chỉ định các thầy tư tế và các người giữ điện; họ quản lí lợi tức của điện. Một thiểu số quí phái, hậu duệ của Kusay, cai trị thành La Mecque về phần dân sự.

    Đầu thế kỉ thứ sáu, bộ lạc Koraishite chia làm hai phe: một phe do thương gia giàu có và từ tâm Hashim cầm đầu; một phe do một người cháu của Hashim, ghen ghét Hashim, tên Ymayya cầm đầu. Sự tranh chấp gắt gao đó sau này có ảnh hưởng quan trọng. Khi Hashim chết, một người con trai hay em của ông, tên là Abd-al-Muttlib lên thay, thành một trong những vị thủ lĩnh của La Mecque. Năm 568, con trai của Abd-al-Muttlib, tên là Abdallah cưới nàng Amina, cũng hậu duệ Kusay[3]. Abdallah ở với vợ được ba ngày rồi lên đường viễn thương (buôn bán ở xa) và chết ở dọc đường trong khi trở về Médine. Hai tháng sau (569), Amina sinh ra được một người con trai, sau này thành một trong những nhân vật quan trọng nhất thời Trung cổ.

    ----------------
    [1] Thi sĩ Anh (1728-1774). (ND).

    [2] Dmael: Bản tiếng Anh chép là: Ishmael. (Goldfish).

    [3] Kusay: sách in là Kassay, tôi tạm sửa lại theo hai chữ Kusay ở hai đoạn trên. Trong bản tiếng Anh, cả ba chữ tương ứng đều là Qusay. (Goldfish).
     
    lamtuquyen and nhanpro54cdt like this.
  5. conguyen

    conguyen Sinh viên năm IV

    Tựa sách: LỊCH SỬ VĂN MINH Ả RẬP
    Tên tác giả: Will Durant
    Tên dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
    Nhà xuất bản: Văn hoá Thông tin
    Năm xuất bản: 2006
    Mã số xuất bản (ISBN):
    Tóm tắt nội dung:
    Phần văn bản do anh Goldfish đánh máy, cũng như bổ sung hình ảnh, chú thích.
    Khi thực hiện eBook, tôi không mã hóa và hạn chế màu sắc văn bản trong eBook, vì có bạn bảo Kindle đọc không rõ nếu eBook có nhiều màu.
    ________________
    Link mf: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Nguồn e-thuvien.com
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 14/10/13
  6. conguyen

    conguyen Sinh viên năm IV

    Nguyên bản tiếng Anh:
    _________________
    Ghi chú: Các bạn down tệp đính kèm về máy sau đó giải nén và add tệp vừa được bung ra vào utorrent để down bằng kiểu torrent.

    Nguồn thepiratebay.sx
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 14/10/13
  7. conguyen

    conguyen Sinh viên năm IV

    Chỉnh sửa cuối: 14/10/13
    nhanpro54cdt thích bài này.
  8. quocsan

    quocsan Sinh viên năm I

    Bổ sung dạng EPUB. Trong file có luôn phần tiếng Anh “ISLAMIC CIVILIZATION: 569-1258”.
     

    Các file đính kèm:

  9. baohungvu

    baohungvu Mầm non

    Cảm ơn bạn về tài liệu này
     
    vancuong7975 thích bài này.
  10. nhanpro54cdt

    nhanpro54cdt Mầm non

    cảm ơn tất cả mọi người
     
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này