Mạc Ngôn và 7 tác phẩm mới

Thảo luận trong 'Tủ sách tác giả đoạt giải Nobel' bắt đầu bởi Foli, 30/9/13.

  1. Foli

    Foli Lớp 11

    Lần đầu tiên, Công ty sách Phương Nam giới thiệu bộ tác phẩm của Mạc Ngôn gồm 6 tiểu thuyết và một tập tạp văn bao gồm: Hoan Lạc, Trâu Thiến, Bạch Miên Hoa, Châu chấu đỏ, Ma chiến hữu, Con đường nước mắt, Người tỉnh nói chuyện mộng du. Bộ sách đã được công ty sách Phương Nam và nhà xuất bản văn học phối hợp ấn hành trong thời gian vừa qua.

    Xin trân trọng giới thiệu cùng thành viên TVE cuốn "Châu chấu đỏ" của Mạc Ngôn.

    [​IMG]

    CHÂU CHẤU ĐỎ
    (Mạc Ngôn)
    TRẦN TRUNG HỶ dịch

    Thể loại: Văn học nước ngoài
    Nhà xuất bản: VĂN HỌC
    Năm xuất bản: 2008
    Khổ: 13x21cm
    Số trang: 225
    Giá bìa: 28.000 VND
    Thực hiện ebook (TVE): lilypham
    Ngày hoàn thành: 24/10/2008


    Trích lời giới thiệu trên sóng VTT1, chuyên mục "Mỗi ngày một cuốn sách"

    Theo đánh giá của các nhà phê bình Trung Quốc thì Châu Chấu đỏ nằm trong bộ ba tác phẩm đã làm nên hiện tượng Mạc Ngôn hay gọi là Mạc Ngôn tam hồng, bao gồm Cao Lương đỏ, Củ cải đỏ trong suốt và Châu chấu đỏ. Cũng đúng thôi, vì từ nội dung đến giọng văn, Mạc Ngôn trong Châu chấu đỏ vẫn là Mạc Ngôn của Cao Lương đỏ, của Báu vật ở đời hay Rừng xanh lá đỏ thật. Một Mạc Ngôn với cách kể chuyện có phần nặng nề, hơi u ám, với những câu chuyện thật đến trần trụi, về con người, về những dục vọng, đố kỵ - mà trong rất nhiều trường hợp người ta đã không kiểm soát được.
    Châu chấu đỏ là tập hợp những câu chuyện lặt vặt mà nhân vật chính hồi tưởng lại về những gì mà anh ta đã sống qua, đã từng chứng kiến. Đó có thể là giáo sư đại học mà trên bục giảng lại khác xa với sự thật ngoài đời. “Tôi đã kịp nhận ra một vị giáo sư quen biết đang ôm chiếc eo thon thả của một cô sinh viên cũng khá quen biết, họ đi thong thả dưới vòm lá xanh um trên đường, đầu tóc của giáo sư bạc phơ, còn cô sinh viên trôngchẳng khác gì đóa hoa hồng đang chúm chím hé nở. Không ai chú ý đến họ”. Đó là câu chuyện ở thành phố.
    Còn câu chuyện ở vùng Cao Mật quê hương của nhân vật chính thì năm mươi năm trước, nạn châu chấu đã tràn qua một lần và giờ đây những người dân nghèo khó lại phải đối mặt với thảm họa đó một lần nữa.. Nhưng trong cái hoàn cảnh khốn khó vì xa xôi, hẻo lánh, kém phát triển và vì thiên tai ấy, thì con người vẫn chưa thể sống tốt, sống thật lòng với nhau. Nguyên nhân chính yếu ở đây tất nhiên không xuất phát từ cái sự sướng quá hóa hỏng như người thành phố mà cái chính là do quan niệm và hủ tục. Những người vợ, người chồng dù không yêu thương nhau nữa, thậm chí là căm ghét nhau nhưng vẫn cắn răng cùng sống chung dưới một mái nhà, để rồi người chồng thì thường thường say xỉn và người vợ thì trong những điều kiện thuận tiện sẵn sàng đổ lên đầu tất cả những gì bức bực bội chất chứa, và thậm chí trong một số trường hợp thì ngoại tình. Tất cả những câu chuyện được kể ra đã phản ánh một cách sắc sảo về một xã hội Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển mình. Nhiều thói xấu mới đã và đang tiếp tục phát sinh tại những đô thị trong khi không ít hủ tục và những quan niệm cũ kỹ và cả sự đói nghèo vẫn đang tồn tại ở những miền quê xa xôi. Những câu chuyện u ám đó đã được tác giả kể bằng một giọng văn rất nặng nề. Chính thủ pháp này đã khiến người đọc có cảm giác đặc biệt bức bối và khi đã có cảm thấy bức bối, thì người ta bị thúc bởi mong muốn rũ bỏ, muốn có một hành động thật mạnh mẽ để thoát khỏi những ám ảnh, những bất bình trước những sự thật khó chịu ấy. Và đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn của tác phẩm.



    *
    * *

    [​IMG]

    Một thiên truyện gần gũi với Cao lương đỏ.
    Chưa có bất kỳ ai viết về bông trắng như thế này.
    Một thiên sử thi đầy máu và nước mắt
    trên con đường tiến lên công nghiệp hóa...


    Thông tin về ebook :
    BẠCH MIÊN HOA

    Tác giả : Mạc Ngôn
    Người dịch : Trần Trung Hỷ
    (Theo bản tiếng Trung “Bạch miên hoa” - Nxb Dân tộc 2004)
    Nhà xuất bản Văn học 2008
    Khổ 13 x 21. Số trang : 206
    Thực hiện ebook : hoi_ls

    *
    * *

    [​IMG]

    Con đường chỉ là tượng trưng
    Không thể biết điểm dừng của nó là ở đâu,
    nhưng chắc chắn là nó luôn vươn về phía trước,
    ẩn hiện trong con đường là những bộn bề
    đời thường về dục vọng và tử vong.


    *
    * *


    [​IMG]

    ....Một tác phẩm viết về những niềm hoan lạc
    điên cuồng vào những năm 1987, viết về con đường rời khỏi
    gia đình không trở lại của một thanh niên. Trong
    khu rừng rậm rịt, vòng vo, mơ hồ hỗn độn của từ ngữ
    này, bất cứ lúc nào cũng có thể nghe thấy tiếng gõ cửa
    số phận con người....



    Thông tin về ebook :
    HOAN LẠC

    Tác giả : Mạc Ngôn
    Người dịch : Trần Trung Hỷ
    (Theo bản tiếng Trung “Hoan lạc” - Nxb Dân tộc 2004)
    Nhà xuất bản Văn học 2008
    Khổ 13 x 21. Số trang : 168
    Thực hiện ebook : hoi_ls

    *
    * *

    [​IMG]

    Một thiên truyện về những điều bình dị
    như hoa lá cỏ cây, như sương đêm, như mưa nhỏ...
    hàng ngày ở nông thôn. Trong sự chất phác
    ẩn tàng những điều kỳ diệu, trong những tiếng cười
    lấp lánh những thanh đao...


    ...Người con trai có gương mặt trắng và mái tóc xoăn tít hỏi ông Đỗ :
    - Bác ơi, bác dắt trâu đi đâu vậy?
    - Đến trạm thú y!
    - Nó bị làm sao?
    - Bị cắt mất dái!
    - Cắt dái? Sao lại cắt dái của nó?
    - Nó đòi làm chuyện bậy bạ!
    - Chuyện bậy bạ là chuyện gì?
    - Cậu nghĩ chuyện bậy bạ gì thì nó cũng nghĩ chuyện bậy bạ như thế!
    Người con trai có vẻ không bằng lòng, nói :
    - Sao bác lại đem cháu ra đặt ngang hàng với con trâu?
    - Tại sao không thể đặt cậu ngang hàng với trâu? Trời đất sinh ra vạn vật vốn là bình đẳng, con người và các loài vật vốn là một!...


    Thông tin về ebook :
    TRÂU THIẾN

    Tác giả : Mạc Ngôn
    Người dịch : Trần Trung Hỷ
    (Theo bản tiếng Trung “Ngưu” - Nxb Dân tộc 2004)
    Nhà xuất bản Văn học 2008
    Khổ 13 x 21. Số trang : 144
    Thực hiện ebook : hoi_ls

    *
    * *


    [​IMG]

    MA CHIẾN HỮU
    (Mạc Ngôn)
    TRẦN TRUNG HỶ dịch

    Vùng Cao Mật dường như là đề tài "vô tận" cho Mạc Ngôn thỏa chí vẫy vùng. Lần này, chúng ta cùng đến với "Ma chiến hữu" - một khía cạnh khai thác khác của Mạc Ngôn về vùng đất này. Giữa thực và ảo, giữa quá khứ và hiện tại đan xen nhau, với những người chiến sĩ từng tham gia chiến đấu, dường như cuộc sống hiện tại là chưa đủ. Họ khao khát với tình đồng đội, khao khát được hòa mình vào tập thể, cùng đồng chí của mình... dù chết. Tác phẩm vừa thực, vừa hoang đường... đã khắc họa rất rõ nét tâm lí của người lính năm xưa. Đâu đó, trong tác phẩm, tôi đã nhìn thấy chính hình ảnh những người chiến sĩ của nước mình, dường như ở đây có sự giao thoa văn hóa. Hãy đọc để cảm nhận, đọc để hiểu hơn về sự tàn khốc của chiến tranh,... đọc để cảm thông cho số phận người chiến sĩ... Nhất là đọc để yêu quý nền độc lập của nước mình (dù tác phẩm khắc họa hình ảnh của nước bạn - láng giềng)


    Thể loại: Văn học nước ngoài
    Nhà Xuất Bản : Nxb văn học
    Ngày xuất bản : 2008
    Số trang : 198
    Khổ: 13x21 cm
    Giá bìa: 23.000
    Thực hiện ebook (TVE): lilypham
    Ngày hoàn thành: 21/11/2008

    Một cách nghĩ khác về chiến tranh
    Một cách ca tụng riêng về
    chủ nghĩa anh hùng.
    Cuộc đối thoại giữa hai cõi âm dương,
    sự vướng luỵ giữa con người và ma quỷ.



    *
    * *



    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Tên sách: Người tỉnh nói chuyện mộng du
    Tác giả: Mạc Ngôn
    Thể loại: Văn học nước ngoài
    Nhà Xuất Bản : Nxb văn học
    Giá bìa: 54,000 VNĐ
    Số trang: 462
    Ngày Xuất Bản: 02-2008
    Nhà Xuất Bản: NXB Văn Học, Phương Nam Book
    Nguồn cung cấp (TVE-4U): Foli


    “会唱歌的墙越南文版由中国莫言作�� �授权方南文化公司出版
    DỊCH THEO BẢN TIẾNG TRUNG “BỨC TƯỜNG BIẾT HÁT”
    NXB NHÂN DÂN NHẬT BÁO, 2004
    SÁCH ĐƯỢC NHÀ VĂN TRUNG QUỐC MẠC NGÔN
    CHUYỂN GIAO BẢN QUYỀN CHO
    CÔNG TY VĂN HÓA PHƯƠNG NAM


    MỤC LỤC
    Vì sao tôi in tuyển tập này?
    Ghi chép tản mạn ở nước Nga
    Tạp cảm về chó
    Vó ngựa
    Chó, chim và ngựa
    Ngưỡng vọng trời sao
    Tường hát
    Ba bài tạp cảm về chuyện ăn
    Tắm nước nóng
    Mười hai bài tạp cảm
    Giấc mơ đại học của tôi
    Tôi và âm nhạc
    Những con cừu và... tôi
    Tôi và rượu
    Chuyện cũ quê hương
    Chuyện đọc thuở ấu thơ
    Mộng dài văn chương
    Ba bài bút ký về chuyện đọc sách
    Bàn về Faulkner
    Suy đoán về Mishima Yukio
    Người tỉnh nói chuyện mộng du
    Siêu việt cố hương
    “Gia tộc cao lương đỏ” bị vong lục
    Đầu trâu mặt ngựa
    Nàng tiên mê hoặc

    Thế tại sao lại có cuốn sách này?

    Bởi tôi nghĩ rằng, đang trong lúc trăm loài hoa quý đua nở thì cũng nên để cho một bông hoa đuôi chó ăn theo nở cùng; đang trong lúc muôn chim đang hót thì cứ để cho con quạ đen cất tiếng hòa vào tiếng hót của muôn chim. Cũng giống như chuyện xuất hiện và tồn tại của tôi bao lâu nay trên văn đàn khiến cho tất cả nam tác gia Trung Quốc đều trở thành Phan An, tập “tản văn tùy bút” này của tôi ra mắt tất nhiên sẽ làm cho tất cả những tập tản văn tùy bút chính hiệu vốn đã thâm sâu lại càng trở nên thâm sâu hơn, vốn đã cao thượng càng trở nên cao thượng hơn, vốn đã tốt đẹp càng trở nên tốt đẹp hơn, vốn đã uyên bác lại càng trở nên uyên bác hơn.

    Nhưng chẳng qua tất cả đều là mộng tưởng của tôi, thực ra trong thời đại này, có thêm một cuốn sách hay bớt đi một cuốn sách, cũng giống như trong chợ rau nhiều thêm một bó rau hoặc ít đi một bó rau, thậm chí là chưa chắc đã được như vậy.



    Files Kèm Theo




    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
  2. Foli

    Foli Lớp 11

    Tài “phù phép” của Mạc Ngôn​


    Nói theo chữ của các nhà lý luận thì cách “phù phép” của Mạc Ngôn chính là thi pháp, là phép “lạ hóa”, “huyền thoại hóa” hiện thực của ông.


    [​IMG]

    Những năm qua, bạn đọc đã quen thuộc với Mạc Ngôn qua nhiều bộ tiểu thuyết “trường thiên”, nhất là “Báu vật của đời” và “Đàn hương hình”.

    Lần này, dịch giả Trần Trung Hỷ (Đại học Huế), qua NXB Văn học và Công ty Sách Phương Nam đã cho ấn hành một lúc 6 tiểu thuyết “trung thiên” của ông - mỗi tập chỉ khoảng 200-300 trang.

    Số trang khiêm tốn, bối cảnh hạn hẹp - như “Trâu thiến” thì đúng là chỉ quanh chuyện thiến trâu và “Hoan lạc”, nếu tóm tắt chuyện, chỉ là cuộc đời một thanh niên nông thôn 4 “keo” thi hỏng đại học đã phải uống thuốc sâu tự tử - nhưng với tài “phù phép” của một tiểu thuyết gia thượng thặng, Mạc Ngôn vẫn lôi cuốn được độc giả và khi gấp sách lại, chúng ta không thôi suy ngẫm về lẽ sống ở đời.

    Nói theo chữ của các nhà lý luận thì cách “phù phép” của Mạc Ngôn chính là thi pháp, là phép “lạ hóa”, “huyền thoại hóa” hiện thực của ông. (Như trong “Báu vật của đời”, là việc ông tả cảnh… sờ vú ở “Chợ Tuyết”, là chuyện bộ râu Tư Mã Khố cứng như thép làm mẻ hết dao thợ cắt tóc…).

    Nói cách khác, ông đã tạo ra một “thế giới nghệ thuật” nhãn hiệu Mạc Ngôn khiến hiện thực ông miêu tả không chỉ có sức hấp dẫn mà gợi mở những ý tưởng sâu xa hơn.

    Trong “Trâu thiến”, cảnh hơn ba trăm cán bộ công chức của “công xã” ngộ độc do tranh ăn thịt con trâu thiến bị chết của dân không chỉ là sự mỉa mai tệ nạn các quan ăn tham phần của dân.

    Mạc Ngôn viết: “Một chuyện kinh động đất trời, kinh động nhân tâm…đến cả ủy ban cách mạng trung ương… Theo phân tích của các chuyên gia phá án, kẻ gây án có khả năng là những đặc vụ được phái đến từ Quốc Dân Đảng Đài Loan, tất nhiên cũng không ngoại trừ là thuộc giai cấp đối kháng ẩn tàng trong nước…Các thôn tiến hành quản thúc thật chặt bốn thành phần phản động trong thôn mình, ngay cả chuyện đi đái đi ỉa cũng phải có dân quân kèm…”.

    Như thế, đâu chỉ là chuyện “trâu thiến” nữa. Chưa hết, khi chuyên gia thiến trâu dọa người phụ trách chăn nuôi ở thôn rằng “thiến xong con trâu, tôi sẽ thiến nốt ông luôn” thì không ngờ kẻ bị dọa cười to: “Thiến tôi thì đâu cần đến tay bác sĩ thú y như ông…” vì lão đã nhờ bệnh viện thiến để thực hiện sinh đẻ có kế hoạch! Lại không còn là chuyện trâu thiến nữa, mà dính đến vấn đề tăng dân số đang làm Trung Quốc đau đầu…

    Hoan lạc” còn gợi những vấn đề đáng suy ngẫm hơn. Tên sách dễ gợi người ta nghĩ đến “sex”, nhưng Vĩnh Lạc, chàng “sinh viên hụt”, cho đến lúc uống thuốc sâu tự tử, chỉ duy nhất một lần được sờ vú cô láng giềng lớn tuổi Tiểu Thuý và khi đã sang “cõi khác”, mặc dù “cảm thấy mình thanh thản tự do…không ham muốn, không suy nghĩ…không phải ngửi thấy cái mùi xác chết thối và mùi tanh tưởi của những đồng tiền…Linh hồn hoan lạc của ta…”, nhưng rồi lại kêu lên: “Hoan lạc là gì? Ở đâu có hoan lạc?...Cội nguồn của hoan lạc là từ đâu?...”.

    Cuộc đời ngắn ngủi và bi thảm của Vĩnh Lạc với “ba điều ước” giản dị bất thành (một miếng ăn ngon, một chỗ ngồi trong trường đại học và một tình yêu) là những vấn đề muôn thuở của con người. Nhưng không chỉ có thế. “Hoan lạc” cho chúng ta thấy tình cảnh khốn khó của nông dân và sự bất công đã làm con người tha hóa như thế nào - thậm chí phải tìm đến cái chết.

    Những nhân vật quanh Vĩnh Lạc, có kẻ chỉ thoáng xuất hiện, cũng để lại dư âm xót xa về số phận con người. Hãy nghe một “cựu phó bí thư” nói với bí thư thôn: “…Tấm thẻ Đảng của lão là đem tính mạng ra mà đổi, còn thẻ Đảng của ông là do mẹ ông cởi dây lưng quần mà đổi lấy!”. Chị dâu của Vĩnh Lạc thì ngay khi biết tin Tiểu Thúy nhảy xuống sông tự tử vẫn quắc mắt chửi mẹ chồng chỉ vì mẹ hái cho Tiểu Thúy quả dưa chuột: “Bà ăn dưa chuột của tôi, bụng bà sẽ mọc đầy nhọt độc!...”.

    Người mẹ già nua không làm được gì nữa thì đành xách bị đi ăn xin để có tiền cho con nạp vào “lò luyện thi”.

    Rồi một anh bộ đội phục viên kiêm đảng viên cộng sản bị bệnh tâm thần, độc thoại với những “kẻ thù” của anh: “…Các người không đối xử với ông đây như con người… các người đều chê cười ông đây không có vợ. Ông đây đã từng có vợ, nó ngủ với người ta bị ông đây bắt tại trận. Dùng dây thừng trói chặt nó lại, dùng gậy đánh, dùng kềm lửa kẹp thịt nó, dùng bàn là để đốt da nó, nhúng đầu nó vào trong thùng tương ớt…nhưng nó thà chết chứ không chịu khuất phục! Nó mới là một đảng viên cộng sản chân chính!... Mày chuyên dùng quyền thế để chiếm đoạt vợ người khác! Chúng mày chỉ là những con khỉ mặc áo quần mới, đội mũ mới mà thôi!...”.

    Còn ông anh cả của Vĩnh Lạc thì cáu giận trước mọi gánh nặng mà nông dân phải gánh chịu (…”cán bộ thôn đi uống rượu cũng có đóng góp của nông dân”…) đã văng tục: “Cho dù ra thành phố đi hốt cứt cũng vinh dự hơn chết dần chết mòn ở cái xó xỉnh này…”Nhất nông nhì sĩ” cái khỉ mốc…Nhất nông cái cục cứt chó!...”.

    Trước những cảnh đời như thế, Vĩnh Lạc đã thốt lên: “Sinh ra trong một cái thôn thế này, ngay cả bảo kiếm bằng kim cương cũng phải han gỉ thôi!”…

    Trong sách “Mạc Ngôn và những lời tự bạch” (NXB Văn học, 2004), Mạc Ngôn đã thẳng thắn tuyên bố: “…Nhờ thoát khỏi khẩu hiệu “văn học phục vụ chính trị”, tôi mới viết được những tác phẩm văn học tương đối đúng với nghĩa của nó…”.

    Tuy vậy, với nhãn quan và tài năng của một nhà văn xuất thân từ một vùng đất nghèo khổ, từng chiến đấu trong hàng ngũ quân giải phóng, tác phẩm của ông lại có tính “chính trị ” rất cao. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung quốc đã phải chú ý đến sự “hài hòa” trong đường lối của mình, chính là vì những vùng nông thôn đã bị bần cùng hóa, chịu quá nhiều bất công như “Hoan lạc” đã miêu tả? Và hình như vấn đề nông dân và nông thôn đang là “điểm nóng” không chỉ của Trung Quốc…”.

    Nguyễn Khắc Phê​
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/10/13
  3. Foli

    Foli Lớp 11

    Dịch giả Trần Trung Hỷ:

    "Mạc Ngôn là vua của vương quốc Cao Mật"​



    TT - Bắt đầu từ Báu vật của đời từng là hiện tượng trong làng văn hóa đọc khi được dịch giả Trần Đình Hiến chuyển ngữ sang tiếng Việt, nhà văn Mạc Ngôn tiếp tục chinh phục bạn đọc VN với một loạt tiểu thuyết như Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Cao lương đỏ... Tất cả đều xuất phát từ những hiện thực ngổn ngang và trần trụi của làng quê Cao Mật quê hương ông.

    Mới đây, Công ty văn hóa Phương Nam đã mua bản quyền và xuất bản một loạt mười tác phẩm của Mạc Ngôn trong vòng chưa đầy một năm. Cái làng quê Cao Mật đó có "bảo bối" gì khiến Mạc Ngôn viết mãi mà không ngán? CTV Tuổi Trẻ hỏi chuyện dịch giả TRẦN TRUNG HỶ - người chuyển ngữ mười tác phẩm mới đây của nhà văn Trung Quốc này.

    * Một nhà văn từng nói: "Tiểu thuyết của Mạc Ngôn đều xuất phát từ chiếc bao gai Đông Bắc Cao Mật rách tả tơi". Ông vừa dịch ba cuốn tiểu thuyết dày, sáu cuốn truyện vừa và một cuốn tạp văn, tất cả đều từ cái "bao rách" của Mạc Ngôn mà ra, có thấy ngán không?

    - "Chiếc bao gai rách nát" là một cách nói rất hình tượng về một vùng đất "vừa anh hùng vừa thổ phỉ” Đông Bắc Cao Mật - nơi nhà văn đã khai thác không biết mệt mỏi trong những sáng tác của mình. Vấn đề là ở chỗ phải khai thác như thế nào để người đọc không ngán, điều này phụ thuộc vào tài năng và bản lĩnh của nhà văn. Tôi đã đọc Mạc Ngôn trước khi dịch Mạc Ngôn, cũng giống như tất cả mọi người, tôi chưa cảm thấy ngán.

    Nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn có cùng nội dung phản ánh (chẳng hạn Báu vật của đời Sống đọa thác đày) nhưng mỗi tác phẩm lại có một sức hấp dẫn riêng, quyết định vẫn là do phong cách và cảm hứng nhân văn của tác phẩm. Ngòi bút của Mạc Ngôn vừa truyền thống vừa hiện đại, do vậy ông không hề trộn lẫn với ai khác.

    * Theo ông, điều gì ở làng Đông Bắc Cao Mật ấy khiến Mạc Ngôn có thể viết trường hơi như thế?

    - Mạc Ngôn tuyên bố là ông đã xây dựng Đông Bắc Cao Mật thành vương quốc riêng của mình và ông sẽ là "vua" của vương quốc ấy. Hiện thực vô cùng phong phú và sinh động này kích thích cảm hứng sáng tạo của Mạc Ngôn. Có vấn đề mang tính thời đại như chiến tranh, hòa bình, thân phận con người, những thay đổi xã hội... Nhưng cũng có những chuyện vô cùng bình dị như cây bông, con trâu, đội dân công làm đường... đã đi vào sáng tác Mạc Ngôn.

    Nói thế để chứng minh rằng cái đẹp không bao giờ thiếu trong cuộc sống này, vấn đề là nhà văn đủ dũng cảm để khai thác và đủ tài năng để biến nó thành nghệ thuật hay không mà thôi.

    * Trong phần lời tựa cho tập tạp văn Người tỉnh nói chuyện mộng du, Mạc Ngôn viết: "Tôi vẫn thường nghĩ rằng người viết tiểu thuyết lúc nào cũng cố ý giả trang, bôi phấn bôi kem lòe loẹt khiến độc giả khó mà hình dung được gương mặt thật của tác giả; nhưng trong tạp văn, tác giả thường quên hóa trang khi viết, vì vậy bộ mặt thật của họ dễ dàng chường ra trước mắt độc giả”. Cái sự "chường ra" trong tập tạp văn này cho thấy một chân dung Mạc Ngôn như thế nào?

    - Đây là quan niệm của Mạc Ngôn về thể loại được biểu hiện qua giọng điệu có chút bỡn cợt. Quả thật là chân dung Mạc Ngôn xuất hiện trong tập Người tỉnh nói chuyện mộng du khá chân thực, thậm chí có chút "đen đen" nữa. Trong Sống đọa thác đày, giọng điệu của Mạc Ngôn khá cay đắng khi miêu tả diện mạo và tính cách của mình với tư cách là một nhân vật. Nhìn chung, nhân vật Mạc Ngôn này trùng khít với "chân dung" Mạc Ngôn trong tập tạp văn nói trên. Nhưng tôi nghĩ rất khó có thể xác định rằng đó là "chân dung đích thực" của ông này.

    * Ông có động lực và áp lực gì khi dịch một lèo 10 cuốn của tác giả này trong vòng chưa đầy một năm?

    - Thật ra, tôi đến với Mạc Ngôn khá tình cờ. Khi Công ty văn hóa Phương Nam ngỏ ý mời tôi dịch Sống đọa thác đày, tôi rất phân vân, vừa muốn thử sức mình trong lĩnh vực mới nhưng vừa ngại ngùng vì nhiều lý do, trong đó thành công của Trần Đình Hiến là một trong những lý do quan trọng nhất. Nhưng rồi sau ba tháng, Sống đọa thác đày cũng hoàn thành và tôi bắt đầu say mê...

    Tôi nghĩ thành công của dịch giả Trần Đình Hiến vừa là áp lực nhưng đồng thời cũng là động lực để tôi lao vào công việc này. Lúc này, áp lực lớn nhất của tôi chính là sự say mê và sức hấp dẫn từ những nguyên tác của Mạc Ngôn.

    LÂM LÊ thực hiện​





    [​IMG]

    Dịch giả Trần Trung Hỷ sinh năm 1960 tại Quảng Ngãi.

    Tiến sĩ văn học về thơ Đường. Đã từng du học bảy năm ở Trung Quốc.

    Hiện ông đang làm việc tại Ban đào tạo sau đại học của Đại học Huế.

    Đã dịch các tác phẩm của Mạc Ngôn: Sống đọa thác đày, Thập tam bộ, Tứ thập nhất pháo, Châu chấu đỏ, Trâu thiến, Con đường nước mắt, Ma chiến hữu, Hoan lạc, Bạch miên hoa, Người tỉnh nói chuyện mộng du (tạp bút). Hiện ông đang dịch cuốn Tùy tưởng lục của Ba Kim.
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/10/13
  4. Foli

    Foli Lớp 11

  5. lilypham

    lilypham Lớp 12

    Người tỉnh nói chuyện mộng du - Mạc Ngôn

    Để cảm ơn Foli đã gửi file thì mình ngồi làm ebook luôn vậy, đang lười. Foli xem ok không nhé :)

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Tên sách: Người tỉnh nói chuyện mộng du
    Tác giả: Mạc Ngôn
    Thể loại: Văn học nước ngoài
    Nhà Xuất Bản : Nxb văn học
    Giá bìa: 54,000 VNĐ
    Số trang: 462
    Ngày Xuất Bản: 02-2008
    Nhà Xuất Bản: NXB Văn Học, Phương Nam Book
    Nguồn cung cấp (TVE-4U): Foli

    “会唱歌的墙越南文版由中国莫言作家授权方南文化公司出版
    DỊCH THEO BẢN TIẾNG TRUNG “BỨC TƯỜNG BIẾT HÁT”
    NXB NHÂN DÂN NHẬT BÁO, 2004
    SÁCH ĐƯỢC NHÀ VĂN TRUNG QUỐC MẠC NGÔN
    CHUYỂN GIAO BẢN QUYỀN CHO
    CÔNG TY VĂN HÓA PHƯƠNG NAM

    MỤC LỤC
    Vì sao tôi in tuyển tập này?
    Ghi chép tản mạn ở nước Nga
    Tạp cảm về chó
    Vó ngựa
    Chó, chim và ngựa
    Ngưỡng vọng trời sao
    Tường hát
    Ba bài tạp cảm về chuyện ăn
    Tắm nước nóng
    Mười hai bài tạp cảm
    Giấc mơ đại học của tôi
    Tôi và âm nhạc
    Những con cừu và... tôi
    Tôi và rượu
    Chuyện cũ quê hương
    Chuyện đọc thuở ấu thơ
    Mộng dài văn chương
    Ba bài bút ký về chuyện đọc sách
    Bàn về Faulkner
    Suy đoán về Mishima Yukio
    Người tỉnh nói chuyện mộng du
    Siêu việt cố hương
    “Gia tộc cao lương đỏ” bị vong lục
    Đầu trâu mặt ngựa
    Nàng tiên mê hoặc

     

    Các file đính kèm:

Chia sẻ trang này