Tuỳ bút - Biên khảo G Những lối về ấu thơ - Phạm Công Luận - Đặng Nguyễn Đông Vy

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi teacher.anh, 12/6/16.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    image.jpeg
    NHỮNG LỐI VỀ ẤU THƠ

    (Tái bản lần 6)

    Tác giả: Phạm Công Luận - Đặng Nguyễn Đông Vy
    NXB Hội nhà văn & Cty TNHH Sách Phương Nam liên doanh thực hiện
    Năm XB: 2014
    Số đăng ký KHXB: 56-2014/CXB/49-01/HNV
    Quyết định XB: 916/QĐ-NXB HNV.
    Khổ sách: 13 x 21cm
    Số trang: 224
    Loại thể: Tùy bút.

    Những người tham gia:

    - Nguồn sách: @teacher.anh
    - Scan, OCR: @teacher.anh
    - Soát lỗi lần 1: @teacher.anh
    - Biên tập và hiệu đính:
    - Soát lỗi lần 2:
    - Audio book: @teacher.anh (đang thu âm)
    - Tạo eBook: @tamchec
    - Review:

    Ngày hoàn thành:

    Về tác giả:

    Đặng Nguyễn Đông Vy:
    Sinh năm 1979, tại Khánh Hòa. Đặng Nguyễn Đông Vy là một cái tên không mấy xa lạ với độc giả, đặc biệt là độc giả của các tờ báo hướng đến đối tượng tuổi mới lớn: Hoa Học Trò, Sinh viên Việt Nam…

    Sách đã in:
    - Hãy tìm tôi giữa cánh đồng (sáng tác) - NXB Trẻ
    - Làm ơn hãy để con yên (biên dịch) - NXB Trẻ
    - Nếu biết trăm năm là hữu hạn... - NXB Hội nhà văn

    Phạm Công Luận
    Phạm Công Luận sinh ngày 15.10.1961 tại Sài Gòn, hiện là nhà báo.
    Sách đã in:
    - Chú bé Thất Sơn - NXB Trẻ
    - Đường phượng bay - NXB Kim Đồng
    - Những sắc màu Nhật Bản (viết chung với Asako Kato) - NXB Trẻ
    - Nếu biết trăm năm là hữu hạn...(bút danh Phạm Lữ Ân, đồng tác giả với Đặng Nguyễn Đông Vy) - NXB Hội nhà văn
    - Sài Gòn - Chuyện đời của phố - NXB Hội nhà văn

    Tác phẩm mới nhất của cặp đôi này:
    - Lạc giữa nhân gian - Đặng Nguyễn Đông Vy
    - Trên đường rong ruổi - Phạm Công Luận



    Một người lớn lên ở thôn quê, một người sinh ra nơi phố thị. Họ có những ký ức khác nhau nhưng cùng chung một nỗi nhớ chưa bao giờ nguôi về những ngày đã cũ
    ...
    Chúng ta không nhớ những ngày tháng, chúng ta nhớ những khoảnh khắc. Những gì quý giá nhất của cuộc đời nằm trong những ký ức mà chúng ta đã lãng quên.

    (Cesare Pavese)
    Lời đề tặng:
    Để nhớ những ngày tháng êm đềm...

    EBook này sẽ được thực hiện nhằm chia sẻ, phục vụ cộng đồng, góp phần nhỏ trong việc nâng cao dân trí, thúc đẩy văn hóa Đọc cho các bạn không có điều kiện mua sách giấy.

    Khi bạn có khả năng, hãy mua sách giấy để ủng hộ tác giả và Nhà xuất bản!

    Do chúng tôi chưa thể liên hệ được với gia đình tác giả để xin phép nên rất mong gia đình tác giả và bạn đọc thông cảm và lượng thứ.

    Cảm ơn các bạn đọc, những người giúp chúng tôi có động lực thực hiện số hóa cuốn sách này.


    Mục lục
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/6/17
    khoasdyn, tcb4, meetdak and 10 others like this.
  2. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Lan man Sài Gòn

    SÀI GÒN ĐẾN VỚI TÔI bằng những chiếc đĩa Limoges, thứ đĩa Pháp khá thông dụng ở những gia đình trung bình khi xưa. Hồi còn nhỏ, mỗi lần đám giỗ hay dịp Tết nhất má tôi thường lấy những cái đĩa Tây có in hiệu Limoges dưới đáy, lòng phẳng hay hai lòng ra lau chùi rất cẩn thận. Má bảo, những cái đĩa này là của ông ngoại con còm măng từ bên Pháp. Hồi đó ông làm ở Hỏa xa Đông Dưong, chỗ Hàng Chữ ngoài Sài Gòn. Ông có tiền, biết xài đồ tốt.

    Hàng Chữ thì tôi biết, khi được ông anh chở dạo quanh Sài Gòn những năm 60, thế kỷ trước. Ban đêm Hàng Chữ phát quang thông báo tin tức chạy dài trước một căn nhà to đùng ngó qua công viên Quách Thị Trang, chợ Bến Thành. Sau ngày giái phóng, nó tồn tại một thời gian rồi cũng thôi. Hàng Chữ nhìn thẳng phía trước, giờ là một màn hình ti vi to đùng City Vision. Hàng Chữ thành cô gái quê thẹn thùng nên rút lui. Chẳng hiểu những người bán cơm Lâm vố (rabiot) ngồi dưới Hàng Chữ mà ông Sơn Nam từng kể trôi dạt nơi đâu.

    Và xác cái cầu sắt năm xưa bắc ngang qua đường từ chợ Bển Thành sang phía bên kia ga Sài Gòn, giờ là công viên 23 tháng 9 giờ chắc mục rã. Giữa lúc giao thông hỗn loạn như bây giờ, tôi tin chắc nhiều người mong có lại chiếc cầu đi bộ đó để yên tâm qua đường sang công viên hay qua chợ.

    Sài Gòn từng là tên thành phố nhưng cũng để chỉ một khu vực nhỏ ở trung tâm. Đó là một thế giới mong đợi của tôi, mỗi tháng khi ông anh Hai đi dạy ở Tây Ninh về. Sau buổi cơm trưa sẽ là một cuộc du ngoạn của ba anh em. Tôỉ còn nhớ cảm giác vui sướng của một chú bé mười tuổi, tắm rửa sạch sẽ, áo còn thơm mùi vải mới ủi. Ông anh xức brilliantin trên đầu bóng mượt, dắt tay chị Tư và tôi ra đầu ngõ ngoài khu nhà thờ Phú Nhuận. Ở đó có một bến xe taxi mui bầu màu xanh. Khác với bây giờ, xe đợi đầy mới xuất bến, ngồi chen với khách lạ. Xe đưa ba anh em ra Sài Gòn. Thế nào cũng ghé hiệu sách Khai Trí. Ông anh mua truyện của Francois Sagan, Thomas Hardy. Chị Tư mua mấy tập dạy làm bánh của Kim Studio. Và tôi thế nào cũng có những tập truyện trong tủ sách tuổi thơ của ông Khai Trí. Bây giờ cảm động nhớ lại cảnh rất nhiều sinh viên đến coi ké cả ngày ở đó, ngồi la liệt, choán chỗ hiệu sách mà không bao giờ ông cho nhân viên đuổi. Mấy tập sách mỏng của tôi, hấp dẫn lành mạnh nhưng in giấy hơi vàng, bìa lúc nào cũng là mấy đứa bé cùng đọc sách. Sau này tôi mới hiểu ông Khai Trí mong muốn xuất bản truyện cho thiếu nhi và bán ra với giá rẻ, để những đứa trẻ nghèo vẫn có cơ hội xem được.

    Thường đi hiệu sách xong là vào xem ciné. Lần đầu tiên tôi thấy cảnh xếp hàng rất lịch sự để mua vé xem phim ở rạp Rex (nay không còn). Nhớ lần xem phim viễn tưởng Barbarella, nữ phi hành gia do Jane Fonda đóng, tôi đã giấu mặt mấy lần vào tay khi thấy cảnh nữ tài tử này thoát y bay lượn. Kết thúc chuyến dạo chơi thế nào cũng là màn kem trái dừa hay ra khu Tạ Thu Thâu ăn bì cuốn.

    Số lần đi Sài Gòn không nhiều, khoảng chục lần gì đó suốt thời tuổi thơ. Nhớ cái nắng đường Nguyễn Huệ những ngày cuối năm đi chợ hoa mua mai cành về chưng, trốn nắng dưới mái mấy cái Kiosque nay không còn nữa. Nhớ lần duy nhất vào Brodard ăn bánh patéchaud. Bây giờ mỗi lần vào đó, nhìn những người khách trên dưới năm mươi tóc đã hoa râm, tôi hình dung lại những ngày tuổi trẻ của họ, song hành với tuổi thơ tôi. Nhớ những tối Noel lang thang cùng bạn bè. Những ngày giáp Tết chạy vào tuốt Chợ Lớn xem người Hoa bày viết câu đối, bồi đầu lân để tô đậm thêm hương vị những cái Tết xa xưa.

    Nhớ năm đầu tiên cùng vợ mới cuới đi chợ hoa ban đêm.Đó cũng là Tết đầu tiên nàng ở lại Sài Gòn, không về quê ăn Tết. Một cảm giác rất lạ trong hạnh phúc êm đềm, đằm sâu mà tôi đang trải qua. Đứa con trai đầu lòng mới hoài thai. Và tôi mong nó cảm nhận được hạnh phúc của ba mẹ trong một đêm xuân tuyệt đẹp, dịu mát như vậy. Như ba, con sẽ sinh ra, lớn lên và gắn bó với thành phố này cả cuộc đời.

    Sài Gòn. Khi nghĩ về nó vẫn như mình chưa nghĩ chín. Vượt qua những ngày mưa gió, nắng nôi của cuộc kiếm sống lam lũ, tôi vẫn thấy yêu Sài Gòn như từng yêu, trong một buổi sáng ngày cuối năm, khi đường phố vắng thưa người các nơi về làm ăn. Đường phố lại rộng rênh, thỉnh thoảng một bóng xe vù qua. Vẻ vắng lặng của những ngày Sài Gòn xưa cũ. Dù sao, cuộc sống có tiến lên vẫn chừa cho mình những khoảng lặng để mà tiếp tục yêu Sài Gòn.
     
  3. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Trong lâu dài ký ức

    Mùi hương là vị phù thủy đầy uy lực, đưa bạn vượt qua hàng ngàn dặm và tất cả những tháng năm mà bạn đã sống.

    (HELEN KELLER)

    HÔM HĂM LĂM THÁNG CHẠP, cô bạn thân thuở nhỏ gửi email về từ Silicon Valley, viết rằng “V.ơi, sao tự nhiên mình nhớ da diết cái mùi gạo nếp sau khi ngâm lá dứa để gói bánh tét. Nhớ không chịu được, cái mùi thơm thơm ngọt ngào tỏa ra từ thúng nếp có màu xanh nhạt đó. Lạ ghê, Tết nhất không nhớ gì lại đi nhớ một cái mùi quá đỗi mơ hồ!”

    Có gì đâu mà lạ, bạn của tôi. Mùi hương chẳng phải là cội nguồn của nỗi nhớ đó sao, là thứ được lưu giữ lâu bền và mạnh mẽ nhất trong ký ức con người. Trong cuốn tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất, Marcel Proust viết thế này: “Từ một quá khứ xa xăm nơi không còn gì tồn tại nổi, sau khi mọi con người đã chết, sau khi mọi sự vật đã tan vỡ, thì chỉ còn độc nhất mỗi hương vị là lưu lại, trong một thời gian rất dài, điềm tĩnh và chung thủy tựa những bóng ma, mỏng manh mà rất kiên cường, mơ hồ nhưng vô cùng bền bỉ, và chỉ trong giây lát xuất hiện của nó, trong cái cốt lõi bé nhỏ mà rất đỗi tinh tế của nó chứa đựng cả tòa lâu đài mênh mông của ký ức”.

    Tôi nhớ có lần tôi hỏi bạn, trong bài hát Scarborough fair có một câu lặp lại ở tất cả các đoạn, nhưng dường như vô nghĩa: “parsley, sage, rosemary and thyme”. Đó chỉ là tên của bốn loại thảo mộc: ngò tây, xô thơm, hương thảo và húng tây. Nó liên quan gì đến Scarborough fair và tình yêu kia chứ? Bạn trả lời, nó có nghĩa đấy. Cả bốn loại thảo mộc này đều là biểu tượng của tình yêu, lòng chung thủy và những hoài niệm. Và đặc biệt nhất, tất cả đều có mùi thơm rất riêng. Chúng gợi lên nơi chàng trai nỗi nhớ da diết về “mùi hương xuân sắc” của người con gái mình yêu. Chúng như một tín hiệu nhắn gửi rằng: “Em yêu ơi, anh luôn mang theo mùi hương trong nỗi nhớ. Còn em, sao không trở về?”

    Bài hát sau đó đã được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển lời Việt với tựa đề Giàn thiên lý đã xa. Không biết vô tình hay hữu ý, nhưng thật tuyệt vời khi ông đã tìm được một hình ảnh tương đồng với những thảo mộc trong Scarborough fair, những bông hoa thiên lý dân dã, có mùi thơm thoảng dịu, màu xanh ngọt ngào để làm khởi đầu cho tình yêu, nỗi thất vọng, và cả những hoài niệm êm đềm của một “trái tim non”.

    Một sáng tháng Chạp, khi vừa mở bừng mắt dậy, tôi bỗng nghe phảng phất trong không gian một mùi nồng nồng quen thuộc lắm. A, mùi củ kiệu. Không cần chạy xuống bếp, cũng biết mẹ đã mua liền mấy thúng củ kiệu về chuẩn bị ngâm chua. Cái mùi củ kiệu ấy còn vương bám mọi ngóc ngách trong nhà đến vài ngày sau. Qua các công đoạn ngâm, phơi, cắt... cho đến khi đã yên vị hẳn trong lọ, những củ kiệu trở nên trắng tinh, thơm ngon và hấp dẫn. Bắt đầu từ đó, tôi biết Tết đã cận kề.

    Những ngày tiếp theo, khứu giác của tôi làm việc hết cỡ vào mỗi buổi sáng. Quấn mình trong chăn ấm, tôi thích thú gọi tên từng mùi: đây là mùi măng khô đang luộc trong nồi. Đây là mùi thịt kho hột vịt, nghe thoang thoảng vị béo của mỡ. Đây là mùi ngọt gắt của đường cát chưa tan hết trong chảo mứt đang xên. Đây là mùi đậu xanh vừa xát vỏ. Đây là mùi hoa vạn thọ, hẳn ba vừa mua mấy chậu về đặt trước hiên nhà. Còn đây chắc chắn là mùi khói của nồi bánh tét đang sôi. Và đây, mùi nhang trầm - hôm nay đã là Ba mươi rồi đó, dậy đi thôi để chuẩn bị rước ông bà về ăn Tết với cháu con.

    Có người nói với tôi rằng, đôi khi đang chạy xe trên đường, chợt nghe mùi vôi vữa là anh nhớ Tết, khi nhà nhà xây sửa, khi những bức tường đua nhau mặc áo mới. Tôi thì nhớ Tết khi ngửi thấy mùi vecni, nhớ lúc mấy chị em hè nhau đánh lại bộ salon bằng gỗ trong phòng khách. Thỉnh thoảng, khi tình cờ đi ngang xưởng mộc, một niềm vui lạ lẫm bỗng len vào tim tôi, khơi lại cảm giác êm đềm của những ngày giáp Tết, nỗi nôn nao chờ đợi Tết đến. Lạ vậy đó, mỗi năm Tết lại đến một lần, nhưng lần nào ngửi thấy mùi vecni, hay mùi củ kiệu... tôi đều có cảm giác như sắp được đón Tết lần đầu vậy.

    Có một tài liệu nghiên cứu viết rằng khứu giác của con người chúng ta có thể nhận biết được đến 10.000 mùi khác nhau. Phải chăng vì vậy mà chúng ta luôn bị bao vây bởi ký ức. Một mùi nước hoa ám ảnh. Mùi tóc thơm dịu dàng của cô bạn gái. Mùi khói chiều cuối năm. Mùi nhang trầm đêm Giao thừa. Mùi nếp ngâm lá dứa. Mùi củ kiệu hăng hăng. Mùi bông vạn thọ chưng trên bàn thờ... Phải chăng vì vậy mà khi nhớ Tết quê nhà, bạn không chỉ nhớ màu mai vàng rực rỡ, đào phai thắm hồng, dưa hấu đỏ, bánh chưng xanh, mà còn nhớ cả những mùi hương phảng phất mà vương vấn mãi trong tiềm thức. Biết gọi tên những mùi hương mơ hồ ấy là gì đây, chỉ biết nó luôn gợi lên nỗi nhớ thiết tha cái Tết quê nhà!
     
  4. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Quà vặt

    “HỒI NHỎ ĂN CÁI GÌ CŨNG NGON”. Câu nói thường nghe của nhiều người nhận rằng mình đã nếm đủ cao lương mỹ vị năm châu bốn bể. Câu nói đó là chân thành, không phải làm dáng. Nhưng khi có dịp thấy lại những món ăn hồi nhỏ bày ra trước mắt, chắc hầu hết sẽ lắc đầu. Điều đó chẳng khác nào gặp lại người một thời ta từng yêu tha thiết, nhưng rồi lại hối tiếc “biết vậy không gặp thì hơn!”.

    Như vậy, những món yêu thích hồi còn nhỏ ta ăn không chỉ bằng lưỡi, bằng miệng mà bằng cả tâm hồn, cảm xúc và tất nhiên bằng cả nhu cầu của một cơ thể đang lớn. Cái bánh nào ngon bằng bánh mẹ cho ta khi mới đi chợ về, được gói trong lớp giấy điều mỏng thấm loang vết dầu từ vỏ bánh. Chén cơm nào ngon bằng chén cơm ấm nóng trong một chiều mưa, sau một trận đá banh ngoài bãi cỏ gần nhà. Lúc ấy cơm ăn với cá, thịt, trứng chiên hay ba khía đều ngon, ôi, những cảm giác ẩm thực tuyệt vời nay không còn nữa. Bây giờ, những câu hỏi lẩn quẩn trong đầu khi ngồi trước bàn ăn thường là: nó có quá béo không? Có mặn quá không? Có nhiều đường quá không? Liệu có làm nặng dạ dày không?... Rồi sau khi tự trả lời xong các câu hỏi, ta bắt đầu ăn bằng thái độ chậc lưỡi làm liều hay tự tin vì đã tự thẩm định hàm lượng của chúng. Mệt quá nhỉ?

    Nhớ hồi nhỏ, trong xóm tôi có một gia đình gồm ông bà cụ già người Bắc. Hai ông bà đều mập mạp, sống kín đáo và khó tính. Phục vụ ông bà là một cô cháu họ không chồng tên là Vinh. Chị Vinh tính vui vẻ, hay cười hay nói. Dù rất ngán ông bà cụ, chúng tôi vẫn thích chơi với chị Vinh và thường dòm ngó cây khế chua nhà ấy. Thật ra, khế chua thì khó ăn, có nhặt được mang về thì chỉ có mấy bà chị khoái thôi chứ đám con trai chẳng mê. Nhưng ô mai khế (lũ con nít xóm tôi biết cái từ ô mai là qua chị Vinh) thì ngon tuyệt. Món này chị làm khá đơn giản, không tốn kém. Khế chua xắt ngang ra từng lát mỏng hình sao, chị sắp đầy mặt một cái mâm nhôm xong rắc muối bột lên rồi đem phơi trên mái bếp. Dưới cái nắng Sài Gòn vàng rộm, chỉ cần qua vài lần phơi cũng đủ để những lát khế sẫm màu lại thành nâu, sau đó khô cong. Đến lúc giở mâm, chị ra đứng trước nhà, ngó hai đầu xóm xem có đứa nào đứng gần đó bèn ngoắc lại. Chúng tôi chạy ù đến xem chị bóc ra từng mảng khế dính nhau, chia mỗi đứa một bụm tay xong còn bao nhiêu chị cất vào keo. Bọn tôi bụm tay ù về nhà, chưa kịp ăn mà nước bọt đã ứa chân răng, ô mai khế thơm mùi nắng, khô cong và chua chua, mặn mòi nhưng nhai sừn sựt trong miệng lại cảm giác có vị ngọt. Đến giờ, cảm giác ấy vẫn còn đọng lại, và tôi chưa thấy lại món ô mai khế đơn giản ấy lần nào nữa.

    Những năm tuổi l6, 17, cả nước khó khăn, bọn con trai tuổi ăn tuổi lớn như tôi lại ham đá banh nên lúc nào cũng thèm ăn. Khác với trẻ miền quê, ở Sài Gòn trẻ nít hay được phát tiền ăn. Thế là trưa nào tôi cũng rinh về một nải chuối bom. Thứ chuối này lạ, hồi nhỏ tôi không hề thấy mà chỉ biết có chuối già màu xanh ăn rất thơm, chuối sứ ngọt lịm nấu chè hay làm chuối nướng thì ngon, hoặc chuối cau vàng màu hoa cúc, ngọt, nhỏ trái và có mùi thơm đặc trưng. Chuối bom nghe đâu trồng nhiều ở miệt Long Khánh, trong các hố bom nên tên gọi như vậy, ăn ngọt nhưng không thơm, rẻ rề. Bây giờ chúng lại biến mất và những thứ chuối tôi thấy hồi nhỏ thì xuất hiện lại, đâu cũng có. Mỗi ngày tôi quất một nải chuối, chơi đá banh chán chê rồi ăn thêm kẹo đậu phộng, bánh tráng nướng, những món của con nhà nghèo, xong quất cả năm chén com với mắm ruốc xào thịt mà thấy sướng lạ. Ăn vậy mà vẫn còm nhom và cao nhòng.

    Lâu quá cũng không thấy những củ ấu đen. Những củ ấu trông tựa như bộ râu mép của một ông Tây sành điệu trong cuốn phim nào đó. Mỗi khi có dịp nếm lại, mùi củ ấu của tuổi thơ hiện về, cái mùi ngai ngái của loại củ sinh ra dưới bùn, dưới nước, nhân bùi và mát, không quá cứng và ngọt. Ăn củ ấu lại nhớ củ năn, cũng có vỏ đen, nhân trắng. Củ năn gọt ra bày trên dĩa, ăn giòn, ngọt và có mùi thơm riêng, hơi giống củ sắn (củ đậu) nhưng cứng hơn, vị sắc hơn. Ăn củ ấu cũng nhớ đến những hột mít, hột sầu riêng. Những hột mà ngày nhỏ, con nít nhà nghèo thường để dành đưa cho chị, cho mẹ luộc thành món ăn chơi rất thích. Thật thân thương khi nhớ lại đứa em gái nhỏ tròn quay của tôi. Mỗi buổi chiều ăn cơm xong mẹ cho một chén hột mít luộc, để nguội. Nó mang ra một góc tường khuất, say sưa bóc từng hột, say mê ăn đến hết sạch cả chén. Còn tôi mê ăn hột sầu riêng luộc vì thơm hơn, bùi và ít bột nên ít khô hơn.

    Sau này, cả nhà tôi không ai thèm ăn hột mít, hột sầu riêng. Ăn xong trái, hột gom lại đem đổ. Lúc nào nhìn chúng bị bỏ vào thùng rác, tôi cũng thấy tiêng tiếc dù biết có giữ lại luộc mình cũng chẳng ăn được bao nhiêu. Thỉnh thoảng lại thấy những món ăn tuổi nhỏ của mình xuất hiện và phổ biến ở một vùng đất nào đó. Ở Quảng Châu, tôi thấy lại những cái kẹo hồ lô gồm trái cây bọc đường ghim vào một que tre mà tôi từng mê tít từ chiếc xe đạp của một ông già Tàu thường vào xóm. ở Thượng Hải là khoai lang nướng thơm lừng. Ở Osaka là món kẹo bông gòn đựng trong những cái bao lớn và cả xi rô đá được phát trong một hội chợ đông vui nữa.

    Khi nào cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống bon chen này, muốn trở lại cái thời con nít ngây ngô và trong trẻo, tôi lại đến trước một cổng trường tiểu học và... đứng ngó. Ở đó luôn có một chú bảo vệ (lúc nào cũng là nỗi ám ảnh của đám học trò), một cái trống to đùng báo giờ vào lớp và chắc chắn có cả một đội ngũ bán hàng rong trước cổng trường. Lại là những trái cóc gọt vỏ ngâm nước tỉa hình cái bông, miếng xoài tượng xanh quệt mắm ruốc, cái bao kẹo bông gòn, miếng me tẩm đường, khoai mì luộc có dừa nạo và muối đậu... Nếu có con, mình sẽ không cho chúng mua nhưng khi mình ra về, chúng sẽ chen nhau, thò tiền qua cánh cổng sắt, mua và nhâm nhi để cảm thấy sung sướng y như mình thuở nhỏ.

    Dù sao đó cũng là một phần làm nên tuổi thơ của chúng ta, những món quà vặt...
     
  5. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Mộng đinh lăng

    VƯỜN NHÀ BÀ NGOẠI CÓ RẤT ÍT HOA, chỉ toàn lá. Dường như đối với ngoại, lá thì hữu dụng hơn hoa nhiều.

    Ngay bên cổng nhà là hai cây dừa, lá dừa dùng làm bánh phu thê khi nhà hàng xóm có đám cưới. Leo tràn trên bờ rào là một màu xanh mởn của lá sương sâm. Cứ dăm ngày, bà lại cắp rổ ra lặt về làm món sương sâm nước cốt dừa mát ngọt, thơm thơm mà lũ chúng tôi lúc nào cũng mê mẩn. Chuối thì bà trồng thành hàng cạnh bờ rào để Tết gói bánh tét khỏi phải mua, không thì lâu lâu cắt một hai lá gói bánh ú ăn chơi. Cạnh giếng là mấy cây dong, một bụi riềng, dăm khóm sả, một vạt lá lốt, một bụi trầu và hai bụi đinh lăng xanh rờn trồng ngay bên cửa bếp.

    Bà ngoại tôi quý nhất hai bụi đinh lăng này, ngày nào cũng tưới. Mỗi năm vào dịp Tết, tự tay bà sẽ chọn lặt từng ngọn lá đinh lăng để làm món nem bì.

    Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa gặp ai làm món nem bì ngon như bà. Chính món này làm ông ngoại phải lòng bà.

    Ông ngoại vốn là bạn cờ vong niên của ông cố, thỉnh thoảng vẫn đến chơi nhà, nhưng không bao giờ gặp mặt bà. Ngược lại, bà thì biết ông rất rõ vì bà vẫn nấp sau rèm nhìn trộm chàng trai trẻ ngồi chơi cờ ngoài phòng khách, ông cố là người khó tính nên bà thường phải tránh đi mỗi khi có khách đàn ông đến nhà. Tóc bà không bao giờ được cắt, và răng thì phải nhuộm hạt huyền.

    Một Tết nọ, ông cố mời ông ngoại đến nhà nếm món ruột của cô con gái rượu, ông ngoại đang mải mê ăn, mải mê nhấp rượu, chợt nghe ông cố hỏi: “Anh thấy răng, có được không?” ông ngoại liền gật đầu tới tấp: “Dạ được lắm, rất ngon”, ông cố cười ha hả: “Tui không hỏi nem có ngon không. Nem con gái tui làm là nhứt xứ rồi đó nờ. Chừ tui muốn hỏi là anh có ưng cái người làm món nem ni không?” Vậy là ông ngoại ưng luôn người con gái làm món nem bì ngon tê lưỡi đó, dù chưa một lần gặp mặt.

    Khi về lập nghiệp tại đất này, việc đầu tiên ông làm sau khi dựng ngôi nhà gõ nhỏ là trồng hai bụi đinh lăng để bà làm món nem bì cho ông nhắm rượu. Mỗi khi nhắm rượu, ông lại kể chuyện ngày xưa ông phải lòng bà vì món này. Bà lại cười lỏn lẻn, khoe hàm răng đen nhánh.

    Sau khi ông ngoại mất, cậu tôi vì muốn xây lại nhà đã tranh cãi với bà một trận ra trò. Bà nhất định giữ hai bụi đinh lăng ở nơi chúng đã được trồng xuống, mà nếu vậy ngôi nhà sẽ phải xây lệch qua một bên. Bà khăng khăng: “Tau chỉ còn có hai bụi cây này để nhớ đến thầy mi. Để yên đó!” Cậu tôi chịu thua, ngôi nhà không thể nằm giữa mảnh đất, và hai bụi đinh lăng giờ thành ra mọc cạnh cửa hông.

    Từ khi ông mất, bà ngoại chỉ làm món nem vào dịp Tết. Cứ đến 26 Tết, bà mới mua thịt, bì về rồi tự tay rang thính, tự tay thái thịt nạc thành từng miếng mỏng, thật mỏng, luộc sơ bì rồi thái chỉ, trộn với thính, tỏi, tiêu. Xong rồi nắn thành từng khối vuông, đệm vài lá đinh lăng xung quanh và gói lại bằng lá chuối tươi, buộc lạt, đem treo trên đầu bếp. Đến trưa Ba mươi lấy xuống đặt lên đĩa rồi mở gói. Thịt chín nhờ lên men có màu phớt hồng, thính vàng ruộm, điểm những sợi mỡ trắng và những sợi bì trong. Bên ngoài lớp lá gói vẫn nguyên màu xanh, lá đinh lăng lót trong úa màu. Bày thêm cạnh đĩa mấy tép tỏi bóc sẵn, mấy quả ớt hiểm đỏ tươi. Chưa ăn đã thấy thơm nức mũi. Lá đinh lăng vừa làm đẹp món ăn, lại có mùi hăng hăng nhẹ, vị hơi đăng đắng và cũng có tính an vị nên ăn với nem vừa chua thì rất bắt. Nhắm chung với chút rượu nữa thì uống đến mềm môi.

    Tôi đã ngồi xem bà làm món nem ấy suốt những cái Tết thời thơ ấu, nhưng đáng buồn là không chịu quan sát kỹ. Các dì và mẹ tôi cũng vậy, bởi cứ nghĩ rằng công thức chung là đơn giản. Chính vì vậy mà không chịu hỏi kỹ các công đoạn thái thịt, trộn, gói, tỉ lệ thịt, bì, thính chính xác ra sao. Vì vậy khi bà mất, món nem cũng thất truyền. Mẹ tôi nhớ mang máng cách làm, Tết năm nọ quyết tâm gói thử nhưng chỉ một lần rồi thôi vì ai cũng nhận ra là khác xa món nem bà làm ngày xưa. Ngồi bên mâm cơm ngày cuối năm, cả nhà ngậm ngùi nhớ ông, nhớ bà, nhớ món nem bì ngon tuyệt mà ứa nước mắt. Biết bao điều vì tưởng đơn giản mà chúng ta vô tình bỏ qua để rồi một ngày nào đó nó vuột mất, chẳng thể níu lại.

    Ngôi nhà còn được cơi nới thêm hai lần nữa, nhưng vẫn xây lệch, chừa lại hai bụi đinh lăng và khoảng sân rộng bên hông nhà. Lá non vẫn mọc, rồi già đi, không ai lặt hái nên ngày càng sum sê. Tôi nghe người ta nói cây đinh lăng khi được 100 năm tuổi sẽ thành cây thuốc quý.

    Cậu tôi thì kể rằng trưa Ba mươi năm nọ, cậu nằm ngủ quên bên cửa, mộng thấy đinh lăng hóa người...
     
  6. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Một ông thầy Sài Gòn
    Mùng ba Tết, bên chậu mai nở vàng rực, chúng tôi ngồi bên nhau, cắn hạt dưa mà hồi tưởng đến những gương mặt thân thương của trường cũ hơn ba mươi năm trước. Và không ai là không nhớ đến thầy Trần Văn Kỷ một người thầy rất đỗi bình thường như nhiều ông thầy ở thành phố này, nhưng cũng đặc biệt với lứa học trò chúng tôi thuở ấy...

    THẦY KỶ LÀM CHỦ NHIỆM LỚP CHÚNG TÔI năm lớp 11, từ năm 1978 đến đầu hè 1979. Những năm đó ai trải qua đều hiểu rõ cuộc sống ở Sài Gòn và cả nước thế nào. Ăn bo bo thay gạo, hoặc đổi món bằng khoai lang, khoai mì. Có khi là bột mì viện trợ đầy mọt. Học trò đứa nào cũng ốm nhách. Tin tức đầy chuyện lụt bắc lụt nam, máu đầm biên giới.

    Trong ngôi trường Nguyễn Thượng Hiền ở ngã tư Bảy Hiền, đám học sinh lớp lớn như 11,12 theo sắp xếp của nhà trường nhường dãy phòng học cao tầng cho lớp 10, xuống học dưới dãy nhà tole. Đó là những dãy nhà tiền chế của một căn cứ đóng quân của lính Nam Hàn trước 1975. Mỗi nhà đủ cho hai phòng học đâu lưng vào nhau, có các cánh cửa sổ nhôm chống ra các phía như những đôi cánh, mưa thì sập xuống. Ngồi học trong lớp, chúng tôi chỉ cần nhổm người lên là nhìn xuyên qua các lớp khác để mở thông thống các cửa sổ. Chung quanh lớp học là một số cây điệp vàng to lớn, sân bóng chuyền, các khoảnh cỏ và mương thoát nước.

    Học trò những năm đó bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc sống khó khăn. Đa phần lo học hành, vừa giúp đỡ cha mẹ kiếm sống thời buổi eo hẹp. Một số ít đứa, đặc biệt từ khu Lăng Cha Cả gần đó vốn có máu du đãng nhưng vẫn cắp sách đi học.

    Có đứa được bạn bè cho biết là nghiện hút. Thầy cô đa số đều ngán ngẩm bọn chúng. Trong lớp tôi, có một đứa to con, da bủng beo, nói giọng Bắc. Hắn lừ đừ, không ngán ai, trừ đứa nào trong lớp học giỏi và hiền hắn mới bỏ qua. Đi theo nó là một tên ra vẻ quân sư nho nhã, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng đầu têu mấy vụ chém nhau ngoài cổng trường. Đi theo hai đứa này có mấy tên nhút nhát và lười biếng.

    Thầy Kỷ xuất hiện lần đầu vào buổi ra chơi đầu tháng Chín. Giờ chơi, nam sinh thường lấy banh ra sút tại khoảng sân trước lớp. Cầu môn là mặt tiền lớp học. Đang chơi bóng, thầy xuất hiện, trạc tuổi bốn mươi, cao vừa phải nhưng dáng phong độ, gọn gàng, mái tóc được chải brilliantin cẩn thận. Thầy dừng lại ngó học trò sút banh về phía “thủ môn”. Nhìn một lát, thầy bước tới “Để thầy!” bằng giọng Nam bộ đặc sệt. Nói rồi thầy lùi lại, lấy đà sút một cú búa bổ. Banh bay như kẻ chỉ, lực rất mạnh. Tay thủ môn vốn chụp giỏi mà xiểng niểng khi trái banh bay tới, đi thẳng vào phía sau đánh “rầm!” khi chạm vào thành của lớp học. Sút xong, thầy mỉm cười lẳng lặng đi vào lớp. Lũ học trò bắt đầu thấy khoái ông thầy nầy.

    Chữ thầy viết trên bảng nhỏ và đẹp. Thầy giảng dễ hiểu, không cần dùng những từ ngữ uyên bác nhưng khúc mắc. Thầy yêu cầu cao khi làm bài tập, sửa lỗi tỉ mỉ nhưng cho điểm lại rộng. Môn toán là môn khó, nhưng có đứa trong lớp do dở toán nên thường lơ đểnh trong giờ thầy dạy, vừa nghe giảng vừa vẽ. Có lúc thầy ngừng giảng, nhìn vào tập nó rồi bảo: “Trò vẽ đẹp đó, nhưng muốn gì cũng phải cho xong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông mới theo được ngành học mình thích!”. Thầy chỉ nói vậy thôi. Giờ ra chơi, thầy ngồi lại bàn chăm chú đọc quyển sách dạy Toán bằng tiếng Pháp.

    Đám học trò cuối lớp bắt đầu quậy. Chúng gây hấn trong mấy buổi lao động và cả trong các buổi học, đụng chạm cả lớp kế bên mà thầy làm chủ nhiệm năm trước đó. Qua học sinh trong lớp, thầy biết chúng là thành phần bất trị. Những năm sau giải phóng, chúng chấp nhận đi học tiếp vì còn sợ chính quyền mới. Dù tay nào cũng đã trên hai mươi tuổi.

    Một buổi trưa, chuẩn bị ra về, chúng tôi nhìn thấy thầy kéo hai tên đầu têu ra góc sân vắng và nói dăm câu gì đó. Mặt thầy bình thản nhưng vẻ mặt hai đứa kia có vẻ căng thẳng. Một lát sau, cả hai bỏ đi sau khi gật đầu chào thầy.

    Sau này, chúng tôi biết gần như chính xác thầy nói như vầy: “Tôi vốn mồ côi cả cha lẫn mẹ, đã từng bán báo, đánh giày kiếm sống ngoài vỉa hè và đụng độ du đãng cũng nhiều. Tôi không biết các em là ai ngoài tư cách là học trò của tôi. Nhưng việc của lớp và bạn bè trong lớp, các em không được phá. Nếu bất bình điều gì, các em có thể gặp tôi để nói chuyện. Nếu không nói chuyện được với nhau, các em muốn dàn xếp bằng gì cũng được. Các em muốn đánh tay đôi, tôi cùng chấp nhận. Nếu muốn chơi bằng dây xích hay bằng thứ gì đó, tôi cũng đồng ý. Nhưng mọi việc phải ở ngoài sân trường, tuyệt đối không làm điều gì xấu trong trường học này. Khi nào các em muốn dàn xếp mọi chuyện như dân ngoài đường ngoài chợ, cứ bảo tôi và ta sẽ hẹn nhau ở một chỗ nào đó để giải quyết.”

    Chỉ vậy thôi mà kể từ đó, những trò gây hấn của hai đứa kia không hề xuất hiện nữa. Chúng vẫn lười biếng, trễ nải nhưng hoàn toàn không đụng chạm đến ai trong trường. Cuối năm đó, hai tên đứng đầu nhóm cũng không trở lại lớp đầu năm 12.

    Chúng tôi đi qua lớp 11 một cách êm đềm dưới sự dẫn dắt của thầy. Không đứa nào biết thầy đang trong giai đoạn chờ ngày ra tòa ly dị với người vợ có với thầy hai con trai. Lúc ấy, sau buổi dạy thầy thường đi uống bia rượu. Những loại bia rượu độc hại của những năm gạo không có mà ăn. Tuy vậy, chưa bao giờ chúng tôi thấy thầy say xỉn trong giờ dạy, và không thấy bất cứ lúc nào.

    Hai mươi lăm năm sau, một ngày Tết chúng tôi họp mặt lớp cũ do có một đứa bạn từ nước ngoài về chơi. Đứa bạn này là lớp trưởng nên câu chuyện dẫn dắt về thầy chủ nhiệm và về những đứa ngỗ ngáo nhất lớp. Nhiều người nghe tin những đứa ngỗ ngáo cùng lớp cũ đã chết do chích hút hay bỏ nhà ra đi. Đứa nào cũng nhắc đến thầy Kỷ nhưng không ai biết thầy sống ở đâu. Chỉ nhớ nhà thầy gần khu nhà quàn của bệnh viện Bình Dân.

    Sau Tết, tôi, đứa học trò thích vẽ trong giờ toán xách xe đi kiếm thầy trong cư xá Đô Thành gần bệnh viện. Tôi lần mò đến đúng căn nhà cũ của thầy nhưng nay là nhà của người em ruột thầy. Hai vợ chồng người em cho biết thầy đang nằm ở bệnh viện Bình Dân vì ung thư, và cho số phòng thầy nằm. Tôi đến thẳng bệnh viện thăm thầy.

    Thầy của tôi khác xưa nhiều lắm và thầy không hề nhớ tôi, là điều đương nhiên. Thầy chỉ có thể nhớ vài đứa là học sinh giỏi toán những năm đó. Tôi ra về và lập tức thông báo cho đám bạn cũ trong lớp, và báo cho thằng bạn là lớp trưởng lớp kế bên mà thầy từng làm chủ nhiệm. Lâu nay, hầu như không ai trong niên khóa đó liên lạc vớỉ thầy. Nhưng mọi người còn thương yêu thầy nhiều lắm. Một làn sóng học sinh cũ đã liên tục đến thăm thầy. Nhờ đó, họ đã có dịp gặp lại nhau.

    Thầy mất khi tôi đi ra Hà Nội công tác. Trở về, tôi chỉ còn có thể đến thắp nhang trước bàn thờ nhà thầy, cái nhà chỉ hơn hai mét bề ngang, phía trước còn tấm bảng đề tên thầy có dạy kèm môn toán. Vài ngày sau, tôi nhận được thư của hai con thầy từ Mỹ gửi về, nói lời cám ơn vì đã thăm viếng chu đáo khi thầy bệnh. Các con thầy đã nên người.
     
  7. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Sống với sách

    CÓ LẦN, sau khi xem được một quyển sách hay của nhà văn Trung Quốc Lâm Ngữ Đường do Nguyễn Hiến Lê dịch, ba tôi hứng thú kể tồi nghe câu chuyện về một thư viện trứ danh, thư viện Alexandria ở Ai Cập thời cổ đại. ông kể về giá trị của nó. Tôi nhớ nhất những chi tiết như: Lúc đó sách được tạo ra bằng việc ghi chép thủ công. Để có nhiều sách, nhân viên thư viện Alexandria đã phải đi khắp thành Athen, đặt tiền cọc để mượn sách mang về chép một hoặc nhiều bản. Ngoài ra, khi phát hiện có bản chép tay nào đó trên các tàu biển thả neo ngoài cảng, họ sẽ “tạm thời tịch thu” để sao chép, sau đó trả lại.

    Chuyện một thư viện cổ cách nay gần 2.500 năm trước đã rất linh hoạt trong việc tổ chức nguồn sách của mình khiến tôi vô cùng thích thú. Và ý muốn có một tủ sách gia đình bắt đầu xâm chiếm tôi.

    Hoàn cảnh sống nhà tôi hồi đó cùng giống như rất nhiều nhà trong xóm lao động ở Sài Gòn. Người lớn trong nhà hoặc buôn bán ngoài chợ, hoặc lái taxi, làm thợ hồ, thợ mộc. Con cái nhà nào cũng lóc nhóc, đi học thì có nhưng lôi thôi lếch thếch, đứa nào mực tím cũng dính tay dính áo. Nhưng ba tôi khác với mấy ông bố trong xóm là thích đọc sách. Nhà tôi có ông anh là giáo viên, ba má tôi giao phó hẳn việc học của mấy đứa tôi cho anh. Như nhiều thầy giáo khác, anh cũng mê sách. Và đam mê của các bậc phụ huynh này đã lan sang mấy anh em trong nhà.

    Sách của ba tôi không nhiều, chứa trong khoảng ba thùng cạc tông. Phần lớn sách ông mua từ hồi trai trẻ, chiếm nhiều là truyện Tàu như Tiết Nhơn Quý chinh đông, Đông Chu Liệt quốc, Tam Quốc chí... Có mấy tập thơ của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử là những người cùng thế hệ với ông. Trong số đó, tôi mê nhất bộ Việt Nam thi nhân tiền chiến của Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng, dù không nổi tiếng như quyển Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân nhưng cuốn này rất đầy đặn, phong phú và cập nhật nhiều bài thơ mới hơn.

    Mấy thùng sách của ba tôi để cạnh chỗ ông ngủ. Một cơn mưa dữ dội khiến nước tràn vào nhà, ngấm cả mấy cái thùng khiến cả nhà phải bày ra phơi suốt tháng. Rất may sách không bị hư hỏng nhiều.

    Sách của anh Hai tôi để trong một cái rương bằng thiếc. Đó là dấu vết một thời dạy học ở vùng biên giới Việt - Miên. Khi trở về Sài Gòn, anh đem rương về và nó thành một thế giới bí mật đầy quyến rũ với tôi. Có lúc tôi lục lọi được chúng. Trong đó có những tập quay roneo bài giảng cho sinh viên Văn khoa Sài Gòn trước 1975 nhưng lại có tác giả là Đinh Gia Khánh và Nguyễn Đình Thi của Hà Nội. Sau này tôi biết để có những bản sách văn hóa quý hiếm như vậy, các giáo sư Văn khoa đã tìm cách đặt sách từ Hà Nội qua Paris và từ Paris tìm cách mang về Sài Gòn phổ biến cho sinh viên. Trong rương có mấy quyển sách bàn về chuyện tình yêu nam nữ của Công giáo, có cả phần giáo dục giới tính. Tò mò xem, tôi ngượng quá nên bí mật đem... bỏ thùng rác. Khi biết được, ông anh nổi giận nhưng không giải thích khiến tôi tin chắc là mình... đúng. Tội nghiệp mấy quyển sách vô tội và hiền khô so với sách giáo dục giới tính bây giờ.

    Dù nhà có mấy thùng sách, vẫn không có một tủ sách đàng hoàng. Lúc ấy, nhớ đến hồi được làm “quản thư” tủ sách lớp năm của trường tiểu học Võ Tánh, tôi bắt đầu lập tủ sách gia đình. Trước hết, tôi xin những quyển sách nào ông anh không đọc nữa để đưa vào tủ sách của tôi.

    Thời kỳ này, quyển sách gây men hứng thú là quyển Con Nai , tác giả Mỹ tôi không nhớ tên nhưng người dịch là Trương Bảo Sơn. Ông này sau dịch những quyển nổi tiếng khác như Ông già và biển cả của Hemingway và Gió đông Gió tây của Pearl Buck. Quyển thứ hai là Phiêu lưu trên lưng ngỗng của Senma Largerlof, nhà văn Thụy Điển. Chi tiết mà tôi nhớ nhất là sự tiếc nuối mãnh liệt của cậu bé Nin trong truyện. Một đêm, cậu đến một thành nọ bên bờ biển. Có nhiều người buôn bán trong thành mời cậu mua sản vật ở đó nhưng cậu từ chối vì trong túi chỉ còn vài đồng xu. Sáng hôm sau, cả thành biến mất và cậu được kể rằng một trăm năm thành mới hiện ra một lần và lần đó, nếu ai mua bán với người trong thành dù chỉ một đồng xu cũng giúp thành sống lại sau một lời nguyền tự ngàn xưa.

    Thời điểm ấy là năm mới giải phỏng Sài Gòn. Nhiều nhà bán đổ tháo sách ra vỉa hè. Một bà trong xóm tôi không biết vì sao có được mấy bao tải sách của nhà xuất bản Phượng Giang, nhóm Tự Lực Văn Đoàn với bìa trắng, chữ đen và logo hình chim Phượng. Lập tức tôi xúm vào lựa và không nhớ tiền đâu mà mua được khá nhiều quyển của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Trần Tiêu... Bà này bán cho người khách duy nhất trong xóm là tôi và đến khi tôi không mua nữa thì bà đem đi bán... giấy vụn.

    Bộ sách này với khoảng hơn hai chục cuốn làm tăng giá trị tủ sách của tôi. Và suốt thời gian đó, đang học lớp tám, xem chừng tôi mê sách hơn mê học. Suốt ngày tôi có mặt ở đường Trần Quang Khải, nơi có bán sách báo vỉa hè để canh mua sách với tất cả tiền có trong tay.

    Một lần tôi lập một kế hoạch chôm sách đáng xấu hổ. Số là phường tôi ở có một căn nhà chủ bỏ đi nước ngoài năm 75. Nhà này biến thành trụ sở Hội liên hiệp thanh niên của phường. Trong nhà còn đủ bàn, ghế và một tủ sách nhỏ. Theo anh chị đến đó, tôi thường mượn sách để đọc tại chỗ ở cái trụ sở ấy. Cho đến một ngày, tôi phát hiện sách trên kệ thưa dần. Tôi hỏi và ông anh trả lời rằng chúng đã được số thanh niên ở đây đem xé ra quấn thuốc hút và... đi vệ sinh.

    Tôi phẫn uất quá. Nhìn lên kệ, tôi thấy quyển Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc mà lo. Quyển này tôi mê từ hồi chín mười tuổi khi ông anh mượn về xem. Sách dày, có nhiều bài ca dao tục ngữ hay và tôi biết chắc là nó sẽ bị tanh bành theo mấy quyển kia. Làm sao giải cứu nó?

    Một thằng bạn trong xóm thường lên trụ sở này chơi đã bày tôi cách chôm sách. Số là nhà này là căn hộ chung cư ở lầu 1, phía sau dãy nhà là một con hẻm. Vậy thì ngon ơ. Buổi trưa, tôi và thằng bạn lên chơi. Lúc nào cũng có người ở đó nên không thể bỏ vào bụng áo một quyển sách dày cộm được. Theo lệ thường, tôi mượn mấy tờ báo thiếu nhi xem tại bàn. Đợi lúc một anh vừa rời căn phòng phía sau ra đứng ngoài hành lang trò chuyện với khách, tôi đến kệ chộp ngay quyển sách đưa cho thằng bạn ngồi cạnh và biến nhanh xuống cầu thang, chạy ra con hẻm sau dãy nhà. Thằng bạn tôi lập tức xuống nhà bếp, mở cửa thông ra phía sau và ném sách xuống đường. Sách nặng, rơi bộp xuống đất, bung ngay bìa. Tôi chụp nhanh và lỉnh về nhà, tim đập thình thịch.

    Thằng bạn sau đó được mời đi ăn kem và nhanh chóng quên chuyện đó. Còn tôi đem sách đi đóng lại, bọc ny lon và sung sướng lật nó đọc hằng ngày. Thỉnh thoảng lương tâm tôi lại dậy lên chuyện chôm sách. Nhưng khi nhìn đến tủ sách hoàn toàn biến mất ở trụ sở kia, tôi cho qua cảm xúc này.

    Khi nhà có độ ngàn quyển sách, ba tôi bắt đầu đóng kệ. Nhà chật, kệ là những miếng ván đặt thẳng góc với tường, cố định bằng những sợi dây kẽm chằng giữ. Cái buồng nhỏ nhà tôi bốn phía đều có kệ sách. Mỗi tường hai kệ, vị chi là tám kệ. Ở giữa là cái giường rộng và lối đi. Nghĩ lại thật kinh cho hoàn cảnh sống chật chội lúc đó. Kệ sách là nơi bụi ưa thích, dù vài tháng tôi quét một lần vẫn thấy đầy bụi, phân chuột, phân gián, ông anh tôi bị lên cơn suyễn thường xuyên thời gian đó. Kệ sách, thứ mà cả nhà đều biết là quý trở thành gánh nặng không muốn rời bỏ.

    Một buổi chiều Chủ nhật, cảm thấy mình cũng có lỗi vì bắt mọi người hít bụi quá lâu, tôi bắt đầu ngồi phân loại sách. Có những quyển truyện đọc đi không muốn đọc lại. Có những quyển vô bổ, có cũng được, không có cũng không sao. Rất nhiều quyển làm dậy lên những cảm xúc mới mẻ. Niềm vui lớn khi mua được quyển sách hay trong chiều cuối tuần. Quyển sách kỷ niệm đứa bạn thân không gặp lại nữa. Một số lớn sách không dùng, tôi tặng một nhà sư mê đọc sách và khi ông chở tất cả về, tôi cảm thấy thanh thản vì đã không phụ những quyển sách chắt chiu lâu nay.

    Vừa rồi, tôi vui mừng tìm được quyển Sống với sách của Alan Powers. Ngoài nội dung rất hay, thật tâm đắc khi tác giả nói lên điều mình có lâu nay: sống với sách. Nếu không có sách, cuộc sống này sẽ khó khăn biết bao nhiêu với rất nhiều người, trong đó có tôi. Và với sách, chúng ta không cảm thấy bơ vơ. Sách góp phần không nhỏ nuôi dưỡng, chở che, xoa dịu tâm hồn mình và giúp mình lớn khôn. Dường như vấn đề nào trên đời này, kể cả cái chết, luôn có một quyển sách đang chờ ta ở đâu đó để lý giải cho ta, an ủi ta, trò chuyện với ta và dẫn dắt cho ta trên con đường đời gập ghềnh và đầy trắc trở này.
     
  8. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Một mảnh nhỏ của thiên đường

    Ngồi trong bóng râm vào một ngày nắng đẹp và nhìn ngắm cây cỏ xanh tươi là sự tĩnh dưỡng hoàn hảo nhất.

    (JANE AUSTEN)

    KHI TÌNH CỜ NHÌN THẤY CÂY LIỄU XANH rủ xuống những chùm bông đỏ trong vườn một biệt thự ở Phú Nhuận, tôi đã muốn sau này xây nhà xong, tôi sẽ trồng một cây liễu trước sân. vẻ mong manh của nó sẽ hợp với mảnh sân nhỏ xíu. Nhưng chợt nhớ câu “đông đào tây liễu”. Nên thôi.

    “Liễu mùa xuân xanh mơn mởn nhưng xin đừng trồng liễu trong vườn nhà. Cũng như chớ kết giao với hạng người khinh bạc. Dương liễu sum sê đấy nhưng không chịu nổi trận gió đầu thu, khác nào người khinh bạc dễ nhạt mối giao tình. Liễu kia còn thắm lại lúc xuân về chứ người khinh bạc một đi không hề trở lại.” [1]

    Vậy là phải tìm một loại cây khác cho mảnh sân của tôi. Một mảnh sân nhỏ chừng sáu mét vuông ở trước nhà, và một mảnh nhỏ hơn nữa ở góc giếng trời phía sau. Đó là chưa kể sân thượng. Chồng tôi bảo: “Nhà mình không đủ chỗ cho một mảnh vườn đúng nghĩa, nhưng ba khoảng xanh đó tùy em định liệu, trồng gì cũng được!”.

    Với những công chức bình thường, không áp phe, không chứng khoán, đủ tiền xây một cái nhà riêng ở Sài Gòn là đã nhiều cố gắng, nói chi đến vườn. Trong tâm trí nhiều người dân thành thị, vườn chỉ còn là một ký ức, một nỗi nhớ, êm đềm và xa xôi như nỗi nhớ nhà. Nên chi, một mảnh sân bé tí cũng đủ làm tôi mãn nguyện.

    Đầu tiên, tôi muốn trồng ở sân trước một cây xanh, để che bớt nắng vì nhà nằm hướng Tây Bắc. Tôi cũng thích những cây có hoa như cây bò cạp nước rủ từng chùm màu vàng mơ thỉnh thoảng bắt gặp ở Sài Gòn. Nhưng cây ấy thì lớn quá. Chồng tôi thích trồng cây ăn trái như mận chẳng hạn để nhớ thời thơ ấu leo trèo. Nhưng mận là giống rễ ngang, dễ làm hư sân.

    Hay trồng dây leo cho nó leo từ cổng lên tường? Dây leo gì cũng được, trừ sử quân tử. Thời còn đi học, căn gác trọ của tôi ở nằm giáp một bờ tường phủ đầy sử quân tử. Đêm đêm, những ngọn gió lùa vào cửa sổ mang theo một mùi thơm nồng nàn đến nhức đầu khiến tôi không thể nào học được. Tôi thích loài hồng leo thường mọc bên tường nhà, trổ hoa thành từng chùm dịu dàng ở Đà Lạt. Nhưng thời tiết Sài Gòn rất khó trồng. Hay trồng hoa đăng tiêu, vì đó là loài ưa nắng, không kén đất, dễ trồng. Những chùm hoa màu cam sẽ làm sáng rực một góc sân...

    Dù rằng nhà vẫn còn chưa xây, và dù đó chỉ là những khoảng xanh nhỏ xíu thôi, nhưng thật nhiều toan tính, nhiều đo đếm cân đong. Mắt chồng tôi sáng ngời khi nói về những mảng tường mà anh sẽ được trang trí, còn giọng tôi thì vô cùng sôi nổi khi nói về những loài cây và dây leo. Hạnh phúc như thể chúng tôi sẽ xây dựng, không phải một ngôi nhà phố hẹp, mà là... một mảnh nhỏ của thiên đường.

    Đã sống qua những năm tháng... không vườn, tôi chợt hiểu vì sao trong hình dung của con người từ thuở ban sơ cho đến tận bây giờ, thiên đường chưa bao giờ thiếu cỏ cây. Tôi cũng đồng cảm với Jared Diamond hơn khi ông phải viết những bộ sách đồ sộ như Sụp đổ hay Súng, vi trùng và thép với ngồn ngộn cứ liệu và bằng chứng chỉ để thuyết minh một điều đơn giản: sự tàn lụi hay phát triển rực rỡ của các nền văn minh phụ thuộc rất nhiều vào môi trường tự nhiên, và để kêu gọi xã hội loài người nhớ một điều tưởng chừng phải là bản năng: hãy bảo vệ thiên nhiên trong quá trình phát triển, hãy bảo vệ nguồn sinh khí của trái đất này.

    Đôi khi, chúng ta nghĩ về con người như một hệ vật thứ ba, ngoài thực vật và động vật. Chúng ta quên mất mình - đối với tự nhiên thì cũng giống như các loài động vật khác - cần cây cối như một sự cộng sinh. Chúng ta quên rằng mình là những Achilles - con của Đất - từ trong vô thức, vươn đến bầu trời với tất cả khát vọng, nhưng đồng thời, khi rời khỏi mặt đất cũng là lúc chúng ta trở nên hoang mang và dễ tổn thương nhất.

    Danh ngôn có câu “trái tim con người khi rời xa thiên nhiên sẽ trở nên khô cứng”.Vì vậy, tôi sẽ trồng cây trong vườn nhà mình. Không thể là liễu rủ thì sẽ là bông giấy. Không thể là cây lớn thì sẽ là cây nhỏ. Không thể là cây nhỏ thì sẽ là dây leo. Không thể là dây leo thì sẽ là cỏ dại. Bởi vì nhà thơ Walt Whitman đã tin rằng “một lá cỏ cũng không nhỏ nhoi hơn hành trình của những vì sao”. Và còn bởi, một ngôi nhà nhỏ nuôi dưỡng trong nó một gia đình hạnh phúc, đó cũng là một mảnh thiên đường.

    Mà thiên đường thì không thể thiếu cỏ cây.

    hinh.jpg




    [1] Trích truyện Hẹn Mùa Hoa Cúc của Ueda Akinari (Nguyễn Nam Trân dịch).
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/7/16
  9. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Đồ đạc trong nhà

    CÁI HỘP ĐỒNG nằm trong bộ đồ dùng ăn trầu của bà cố ngoại. Ông cố, người Minh Hương, sau một thời làm việc ở triều đình Huế trở về Khánh Hội, Sài Gòn sinh sống những năm cuối đời, lúc nào cũng búi tóc, bận bộ đồ dài thong dong, chân mang hài. Bà cố phong lưu trong thú vui ăn trầu cùng mấy bà bạn già. Bộ đồ trầu gồm một quả tròn bằng đồng to đùng mà sau này, lang thang ở chợ đồ cổ, tôi chưa hề thấy cái nào có kích thước tương tự. Như cách lồng vào nhau của thứ búp bê Matriosca Nga, bên trong cái quả lớn ấy là một quả nhỏ hơn và bên trong quả nhỏ là một quả nhỏ hơn nữa. Cál hộp đồng đặt bên cạnh cái quả và ống ngoáy trong khay trầu cẩn ốc, dài hơn tấc, có chân, không chạm khắc. Miệng hộp có một khay đậy bên trên, lòng sâu để đựng những món đồ nhỏ. Trên khay là cái nắp có núm. Hộp khá giản dị nhưng được đúc chắc chắn, sắc cạnh vẫn thể hiện nét sang trọng. Má tôi nói: “Dân dã không mấy ai xài thứ này!”.


    Ông cố, bà cố bên ngoại đã quá vãng từ lâu lắm rồi. Má tôi, từ một cô thiếu nữ trắng trẻo, mũi cao như Tây lai, da trắng như bông bưởi giờ đã bạc trắng tóc. Phảng phất trên khuôn mặt má còn nét đẹp xa xưa với đôi mắt sâu màu nâu, sống mũi cao. Má không ăn trầu, hàm răng trắng vẫn còn giữ được ở tuổi 80 dù đã trệu trạo. Bộ đồ ăn trầu nay chỉ còn sót lại cái hộp. Khi xây nhà, tôi lục trong hộc tủ thấy cái hộp xinh xinh, trong để cái la bàn nhỏ của ba tôi. Ba tôi nói: “Cái hộp này của ông nội tao để lại”. Má lắc đầu, ba mày nhớ lộn rồi, cái hộp đi theo má từ đó đến nay, có thể giống một cái hộp nào đó của bên nội. Tôi không để tâm tìm hiểu chính xác, dù trong bụng nghĩ rằng má nói đúng. Vậy là tôi có một cái hộp, dù không là thứ cổ ngoạn quý giá nhưng đó là kỷ niệm của ông bà cố, những người tôi chưa từng biết mặt. Đó cũng sẽ là kỷ niệm của má, và cũng là kỷ niệm của bên nội khi tôi hình dung bà nội khi xưa ở cù lao Phố, nhà gần chùa Đại Giác được mệnh danh ngôi chùa cổ nhất Nam Bộ. Ba không kể bà nội dùng cái hộp như thế nào, nhưng chắc bà nội cũng ăn trầu, cũng dùng cái hộp đồng nào đó đựng ít cau, ít trầu, ít vôi thuốc. Hoặc là đựng kim, chỉ, móc tai... hoặc vài thứ nữ trang nhỏ, đơn sơ của một phụ nữ miệt vườn.

    Má kể, cái hộp đồng từng lưu lạc theo má về Thủ Dầu Một. Lúc đó má còn là một thiếu phụ trẻ. Chồng trước đã mất, má một nách ẵm anh Hai, tất tưởi làm ăn, quên đi quá khứ tươi đẹp những ngày còn sống trong căn nhà to đùng đầy đồ đạc xưa, tràng kỷ, câu đối, tủ chưng, quạt Marelli, độc bình Càn Long. Làm ăn, buôn thúng bán mẹt, bôi mặt lem luốc trong thời Pháp thuộc để tránh lính Tây làm bậy. Thỉnh thoảng dưới ánh đèn dầu, má săm soi cái hộp đồng, nhớ hồi con gái, nhớ những ngày Tết theo bà ngoại đi sắm Tết ở chợ Bến Thành, chợ Cầu ông Lãnh. Nhớ những chuyến du ngoạn xuống miền Tây bằng xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, đi tầu xuống Cao Lãnh. Tất cả như một đoạn phim đen trắng nhảy hình cũ kĩ. Má nói, nhờ ký ức mà má vượt qua những ngày cực nhọc và buồn tủi đó.

    Hồi đó, một người lính Tây trẻ, mắt mơ màng, thường tìm cách lân la gặp má. Hắn vào nhà, nhìn má, nhìn cái hộp đồng trên bàn rồi bảo rằng: “Tôi không nghĩ cô xuất thân từ tầng lớp bình dân”. Má chỉ cười rồi từ đó cất hẳn cái hộp trong buồng. Mấy tháng sau, một người Việt minh bị lính Tây dí rần rộ ngoài đường bỗng chạy vào ngôi nhà má trọ, nhét vội xấp tài liệu vào gian bếp rồi biến mất. Má đứng tim khi thấy một tên lính Tây chạy nhào theo, lục lọi và tay lôi ra xấp giấy tờ. Chỉ vậy thôi là tiêu cái gia đình nhỏ này. Nhưng người lính thực dân bỗng ngước nhìn má rồi nhét trở lại xấp giấy vào đống củi, hô hào mấy tên lính xì xà xì xồ đi truy bắt tiếp. Cho đến giờ, má không thể quên đôi mắt sắc như dao của người lính Pháp nhìn má, đôi mắt mà má thường lẩn tránh khi anh ta đến nhà chơi, tay săm soi cái hộp đồng, miệng bập bẹ tiếng Việt lựa lời lấy lòng người thiếu phụ Việt ít nói.

    Đồ đạc trong căn nhà cũ vốn không nhiều, đa phần là bàn ghế sắm sửa những năm 60-70 thế kỷ trước. Khi nhắm mắt hình dung, tôi nhớ cái vịm sành Lái Thiêu phủ men da lươn bên ngoài, xanh trắng bên trong. Cái vịm má thường dùng để đánh bánh bông lan với một dụng cụ có cán gỗ, thân bằng thép uốn như lò xo. Những cái bánh bông lan thơm mùi trứng gà ăn trong thời thơ ấu có tình thương của má. Cái vịm của bà ngoại để lại, được mua khi gia đình đã sa sút, ông bà cố đã mất, ngôi nhà lớn đã bán đi. Tôi lau sạch cái vịm từng bỏ lăn lóc ngoài sân thượng, đem cất vào tủ cùng cái hộp đồng. Như một người tham lam và biển thủ kỷ niệm, tôi thở phào yên tâm rằng mình đã không bị đánh mất điều gì, giống như cảm xúc tôi vẫn thường có khi làm hoặc nói điều gì đó khiến ba mẹ già của mình tươi cười trong ánh hoàng hôn của cuộc đời.
     
  10. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Tủ chén kiểu của má

    THỈNH THOẢNG Ở CHỢ ĐỒ CŨ, lại thấy bày ra vài chục chén kiểu, thứ chén Nhật bằng sứ trắng, in họa tiết khá đa dạng như Trúc lâm thất hiền, Mai lan cúc trúc,... hầu hết có in triện Đại Nam, Đại Tín dưới đít chén. Đây là loại chén cao cấp, dù không phải được vẽ tay, cốt làm bằng cao lanh trắng mịn, mỏng nhìn thấu ánh sáng. Loại chén mà những nhà giàu ở Sài Gòn xưa, hoặc gia đình địa chủ, Hội đồng miệt vườn Nam bộ mua để dành chờ dịp giỗ quảy mang ra dùng. Nhiều chục chén cất trong tủ hàng bốn năm mươi năm vẫn trắng bong, không dấu vết trầy trụa vì chỉ được dùng mỗi năm vài lần giỗ, được nâng niu từng chút khi ra rửa ở cầu ao... Đó là loại chén dùng làm của. Bây giờ vẫn có người săn lùng mua ở đường Lê Công Kiều, bảo để dành cho con khi lấy chồng, lấy vợ. Một phong tục xưa như còn giữ lại.

    Trong nhà, phụ nữ thường mê chén, dĩa và thường mua cất để dành. Má tôi khi nhìn những chén vẽ phượng, cá hóa long bằng sứ tàu, non tuổi vì nhập vào Việt Nam chỉ trước 1945, tiếc rẻ: “Hồi xưa nhà mình nhiều loại chén này, hiệu đề Nội phủ đây mà”. Má nhớ hồi bà cô (cô ruột của má) đi lấy chồng, bà cố đã mất, bà cô không ngần ngại mang giỏ cần xé về, chất đầy chén Nội phủ, tô Phú quý bạch đầu vẽ chim hoa rất đẹp rồi mang về nhà chồng ở Phan Rí. Má lúc ấy bồng con đứng nhìn mà nước mắt lã chã. Ông ngoại lúc ấy đã mù, không quan tâm đến cô em đang chuyển của gia bảo ra đi. Rồi tàu ra Phan Rí chìm, không ai chết nhưng mấy giỏ cần xé đồ sứ cũng không còn. Má tiếc ngẩn ngơ và sau này, khi nào thấy có chén đẹp, má lại cắc củm mua về, bảo với ba là người ta tặng vì ba không thích mua những thứ chưa cần thiết như vậy. Rồi đến ngày giỗ, má lại chính tay mang ra rửa. Cứ thấy cách má cầm từng cái chén Hạt dưa (thành chén có điểm những hạt sứ trong veo, nhìn xuyên qua hình hạt gạo, hạt dưa) mới thấy má cưng chúng như thế nào. Chén sứ rửa xong long lanh như ngọc, hạt cơm trắng ngần xúc vào chén trông ngon mắt và tinh khiết lạ lùng. Đàn ông đến ăn giỗ khen một tiếng rồi lua cơm, khề khà chén rượu nhưng cánh phụ nữ vừa ăn vừa xuýt xoa, mơ ước. Tan giỗ, lại chính má tự tay rửa rồi lau sạch, bày trong tủ.

    Con cái lớn lên, không mấy khi để ý cái tủ chén và thú vui của má. Đến lúc nào đó, chị Tư của tôi mon men đến tủ, cầm cái chén ra tò mò ngắm rồi trầm trồ. Vậy là má có người kế thừa rồi. Từ đó má có đồng minh. Chị Tư lang thang đi lùng mua chén Bát Tràng vẽ tay do người Nhật hay Đài Loan đặt làm còn dư, men Búp Vông hơi xanh, vẽ rất kỹ không thua đồ Nội phủ. Có lần, tình cờ dự triển lãm của trường Mỹ nghệ Biên Hòa, chị Tư hí hửng mua được chục chén thành lá sen do trường làm, bằng gốm mà mỏng nhẹ, màu men xanh đồng trổ bông được tái tạo tuyệt đẹp. Má nhìn con mê mẩn ngắm chúng mà cười móm mém.

    Rồi chị cũng đi lấy chồng. Má cẩn thận gói mấy chén chị mua bằng mấy lớp giấy báo “Của con, con mang để dành sau này cho cháu ngoại của má. Còn đây là của cho con!”. Má chọn bộ chén hạt dưa đẹp nhất, hầu như không trầy trụa rồi gói vào xấp vải lanh, buộc rất đẹp. Tôi bước ra ngoài khi hai mẹ con bắt đầu sụt sịt bên những chồng chén đã được buộc kỹ.

    Bản thân việc chưng chén không dễ như chưng bình, chung chóe hay như một cái dĩa móc treo tường hoặc dựng đứng trên giá. Nhung khi được chưng trong tủ kính, một chồng chén đẹp đủ gợi không khí yên ấm, hạnh phúc và sung túc trong nghĩa vừa phải của một gia đình. Và sau đó, có thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ vun quén, giữ gìn và nâng niu hạnh phúc.
     
  11. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Ta ước mẹ ta thành hương bay về...

    KHOẢNG GIỮA THẬP NIÊN 1990, tôi có dịp đến thăm nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tại căn hộ của ông trong khu Chung cư quận 4. Nhà buổi sáng vắng vẻ, có mỗi mình ông ở nhà. So với bức ảnh đang tươi cười rất đẹp trai mà báo chí hay đăng; ông mập hơn và trông giống như một thầy giáo Trung học đôn hậu.

    Sau khi xong việc phỏng vấn, tôi ngồi nán lại nói chuyện với ông. Ông nhắc đến ông anh Phạm Hổ với bài thơ Những ngày xưa thân ái có liên quan đến ca khúc rất nổi tỉếng cùng tựa đề của ông sáng tác trước 1975. Ông trả lời tôi về ông anh cả của ông, Phạm Văn Ký, nhà văn viết bằng tiếng Pháp nổi tiếng xa quê hương đã lâu.

    Vui chuyện, ông đến bên tủ thờ và lấy cho tôi xem một cái ống ngoáy trầu bằng đồng cũ kỹ. Ông khoe: Cái này là kỷ niệm của má tôi. Mấy năm trước ông Phạm Hổ vào thăm có xin tôi mang ra Hà Nội nhưng tôi nhất định không chịu. Đối với tôi nó quý lắm.

    Bây giờ nhạc sĩ không còn nữa. Cái ống ngoáy trầu đó, có lẽ các con của ông vẫn còn đang giữ gìn như một bảo vật

    Ai cũng có một người mẹ, nhưng không phải ai cũng nói hay viết về mẹ được như các nghệ sĩ. Bài “Bông hồng cài áo" của ông tuy phổ từ một bài thơ nhưng niềm xúc động mà bài hát lan tỏa như kết tinh từ xúc cảm của ông, sau những lần mẹ ông viếng thăm ông trong lao tù trong những ngày tháng đấu tranh.

    Gần hai mươi năm sau cuộc gặp, ngồi trong bóng đêm và hát ru đứa con nhỏ bằng ca khúc đó, tôi bỗng nhớ đến mẹ tôi đang nằm ngoài phần mộ và ứa nước mắt. Ký ức như một cuốn phim quay chậm luôn làm người xem nhức nhối trong tim.

    Tôi lên năm tuổi. Buổi sáng Chủ nhật, tôi đòi má cho theo ra chợ. Má tôi có một sạp bán đồ tạp hóa ngoài chợ Ga, có kim chỉ, nút, xà bông, đồ nữ trang xi mạ. Đối diện là hàng thịt heo luôn oi nồng mùi thịt sống. Chợ chỉ có vậy thôi mà tôi luôn mê mẩn không khí chộn rộn ngoài đó.

    Má tôi không cho đi vì bà biết sẽ vướng bận không bán hàng cho khách được. Thế là tôi òa khóc, tay lấy ra khỏi đầu cái nón kết đã mang sẵn. Má tất bật đi rồi, tôi ngồi dựa vào ngạch cửa khóc và ngủ thiếp luôn tại chỗ.

    Giữa buổi sáng, má tạt về nhà lấy đồ. Bà thấy tôi ngủ ngồi trong hóc, tay còn cầm cái nón và trên bàn chân có một bãi phân gà do bầy gà con lang thang trong xóm phẹt lên. Má kêu tôi dậy, ôm thật chặt vào lòng và rửa mặt rửa chân cho tôi, dẫn tôi ra chợ.

    Có vậy thôi mà tôi nhớ mãi. Tôi nhớ đến cái ôm chặt vào lòng của má và nhớ hình ảnh bãi phân gà con trắng hếu trên mu bàn chân nhỏ của mình.

    Ký ức kỳ lạ thế đó và không thể giải thích được cái gì nó muốn lưu lại.

    Má tôi thương con và gần gũi con hơn ba nhưng má gánh kinh tế gia đình cũng nặng với bảy đứa con tuổi ăn học. Hằng tháng, ba tôi giao một số tiền cố định cho bà để chi tiêu trong nhà, luôn tự teo tóp đi theo thời giá, và việc cùa bà là lo chi phí còn lại. Nên bà buôn bán quanh năm không có ngày nghỉ. Tết đến, bà bán cho đến hết chiều Ba mươi và mùng Hai đã ra chợ. Hai ngày nghỉ trong năm, lũ con quý hơn vàng vì rất thương bà. Và bà cũng làm nhẹ áp lực khi các con sống với người cha nghiêm khắc.

    Một năm sau 1975, cả nhà tôi cạn kiệt. Ba má tôi buôn bán ế ẩm dù hàng họ toàn là những thứ cần thiết như kim chỉ, nút, xà bông vì cả xã hội ai cũng nghèo. Bà lo lắng đến đổ bệnh, phải vào bệnh viện nằm. Buổi trưa, em gái tôi lên mười tuổi vào thăm. Nó than nhà hết gạo, không biết nấu cơm làm sao vì việc nấu cơm buổi trưa do nó lo. Nghe vậy, bà gượng dậy đi thẳng ra chợ, mở cái sạp khóa kín với mớ hàng hóa nghèo nàn. Vậy mà cũng kiếm được món tiền còm mua gạo đổ vào lu. Bà bỏ luôn bệnh viện với mớ thuốc bằng xuyên tâm liên xanh rêu.

    Tỏi lớn lên, tham gia vào việc dọn hàng cho má mỗi ngày sau giờ học. Chiếc xe đạp tàng của tôi chở má phía sau, ghi - đông móc mỗi bên là hai cái giỏ hàng. Nhà gần nhưng xe yếu quá, nó lặc lè chở người và hàng. Đến một buổi trưa, nó bị gãy sụm ngay mối hàn của thân xe. Má tôi lăn quay giữa đường nhựa, tôi bị bốn cái giỏ đè lên. May mà đường phố lúc đó toàn xe đạp, nên không có chuyện gì xảy ra ngoài cái lưng và mông ê ẩm của hai mẹ con.

    Nhà còn mấy cái chén dĩa kiểu của Nhật kiểu Arita hay Noritake. Đó là kỷ niệm chắt chiu má còn giữ thời buôn bán. Ba tôi vốn con nhà nghèo nên không thích xài sang. Nhưng má tôi lại xuất thân có của ăn của để nên chuộng những đồ dùng đẹp và sang trọng. Bà lén ba tôi, mua cất trữ ở sạp bán hàng, thỉnh thoảng mang về và bảo có người tặng. Suốt đời, bà mơ đúc nhà lầu, lót gạch bông cho con nằm mát. Khi đủ điều kiện về tiền bạc, má tôi bàn đến thì ba gạt ra. Ba tôi bảo: “Khôn thì cất cái trại, dại thì cất cái nhà”.Tôi hiểu những lo lắng của ba khi tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng không biết sẽ xảy ra chuyện gì. Cuối cùng trại không có mà cũng chẳng có cái nhà đàng hoàng cho đến sau này anh em tôi chung tay cất lại căn nhà khi đã hết chiến tranh. Lúc đó, khi đang trong giai đoạn xây nhà, tôi đã đặt làm sẵn cái tủ thờ có chạm trổ, mua thêm bình bông, cái chò đựng ngũ quả và bộ lư, cặp chân đèn cùng cặp đèn nhỏ bóng đỏ. Nhà xong vừa lúc Tết đến, má xúng xính trong áo dài nâu đỏ và thắp nhang rước ông bà trong ngày Ba mươi tết. Đó là một niềm vui thật sự của má vì trước đó, tủ thờ chỉ là cái mặt tủ buýp phê thấp chỉ được chưng dọn nhang đèn khi Tết đến.

    Những năm đó má đã quá tuổi bảy mươi và tôi bỗng trở nên đa cảm kỳ lạ. Ra đường gặp một cụ già nhăn nheo đẩy cái xe bán bắp nướng hay ngồi vỉa hè bán mấy cái gương sen, tôi mủi lòng và nhớ đến má mình ở nhà. Má đã như chuối chín cây, còn tôi thắc thỏm nghĩ đến một ngày không mong đợi...

    Tôi se lòng nhớ đến cái ôm của má khi mình mới năm tuổi.

    Khi đó, má trẻ trung khỏe mạnh...

    Đôi khi giữa đêm, tôi mơ màng trong một giấc ngủ mệt mỏi và thấy mình trở lại ngôi nhà mái tôn cũ có cây táo gai Thái Lan. Ở đó, những buổi chiều khi màn đêm bắt đầu buông, má tôi gọi tôi từ hàng xóm về nhà, bắt tôi tắm rửa và xúc cho tôi tô cơm to với khứa cá kho, con tôm rim hay khúc lạp xưởng. Và đầy ắp trong đó là tình yêu thương của má... Những giấc mơ lặp đi lặp lại giục tôi quay về nhà cũ. Ở đó, sau khi thắp nhang cho ba má trên bàn thờ, tôi ra đứng nơi cái sân nhỏ trước nhà. Cây mai tứ quý cằn cỗi vì trồng trong cái chậu nhỏ so với tuổi ngũ tuần của nó. Dưới gốc mai ấy, tôi nhớ những ngày Tết má tôi treo lên đó những chữ Phước nhỏ, vài tấm thiệp xuân. Mai ra hoa thưa thớt nhưng cây mai vẫn đẹp vì kiểu trang trí này của bà. Ngôi nhà đông vui ngày xưa của tôi nay đã quạnh vắng, anh em lập gia đình tản mác khắp nơi. Bất giác tôi bùi ngùi nhớ lại bài thơ của Thanh Châu:

    Ta ước mẹ ta
    Thành hương bay về
    Vấn vương cành cũ
    Ta ước em ta
    Thành chim bay về
    Đậu bên song cửa
    Ta ước chị ta
    Lại bên thềm cũ
    Như xưa
    May lại cho ta
    Áo nhỏ
    Chiếc áo ngày xưa
    Áo đỏ
    Hoa đào...

    Tôi thấy mình, như bao người, đã không còn cách nào trở lại một quãng đời tươi đẹp xa xưa nữa. Ở đó có má hiền hậu của tôi. Dường như khi má mất rồi, cho dù đang bao nhiêu tuổi, chúng ta không còn lớn nữa, mà chỉ già đi, cho đến khi nào gặp lại người mẹ hiền của mình ở cõi u minh nào đó.

     
    Chỉnh sửa cuối: 23/7/16
  12. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Cổ tích mới cho con

    Ở MỘT MIỀN QUÊ XA XÔI NỌ, có một ngôi làng nhỏ, trong ngôi làng nhỏ ấy có một căn nhà gỗ xinh xinh của đôi vợ chồng già. Bao quanh căn nhà gỗ xinh xinh ấy, hẳn nhiên là một khu vườn thật đẹp. “Ồ không - những bông hoa hồng chu môi phản đối - phải nói là hai khu vườn mới đúng". Vì đó là hai “lãnh thổ” riêng biệt và hiếm khi nào chịu giao lưu với nhau. Khu vườn thứ nhất là khoảng sân trước nhà, đó là lãnh địa riêng của các nàng hoa cao quý: Hồng, Cúc, Phù dung và Hải đường. Chàng mặt trời oai vệ mỗi lần đi ngang qua đó đều dừng lại, nghiêng đầu đùa cợt đôỉ câu với các nàng.

    Khu vườn phía sau nhà là lãnh địa của đám nhà quê: chuối, dong riềng, sả, bồ ngót, khế... Chúng cam chịu phận “hậu cung”, khuất mình dưới tàng lá dày của cây xoài, cây ổi và cây mận. Chúng cố vươn những chiếc lá lên cao để chờ đón một tia nhìn hờ hững của chàng mặt trời.

    Nàng hoa Chuối - nhân vật chính của chúng ta sống ở nơi đó, dù không ai để ý đến nàng. Mọi người chi ưa tánchuyện với cô nàng hoa Khế có khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi môi chúm chím thẹn thùng, khoác chiếc áo màu tím nhẹ như tơ chiều hay nàng hoa Mận có làn da trắng lấp lánh như tuyết đầu xuân, đôi mắt trong leo lẻo như nước hồ, những ngón tay thon kiều diễm... Chàng Gió mê hoa Mận như điếu đổ. Lâu lâu chàng lùa qua một dạo, run run chạm tay vào tóc nàng.

    Chàng Gió cũng như những cư dân khác của vườn sau chẳng bao giờ thèm đếm xỉa đến hoa Chuối, vì nàng trông thật xấu xí với thân hình thô vụng, to quá khổ, quấn trong tấm áo dày màu tím đậm. Cô đơn và lạc lõng, hoa Chuối chỉ biết nép mình sau thân hình to lớn của ba, nàng tha thiết gọi mẹ - những tấm lá xòe rộng - ngả xuống che nàng lại. Ba mẹ nàng an ủi “Sao vậy con? Con rất xinh đẹp mà”. Nhưng nàng không tin. Nàng tự biết thân phận mình.

    Nhìn mà xem, trong thế giới cỏ cây này có ai nặng nề cục mịch như nàng không? Tất cả những nàng tiên hoa đều nhẹ như lông hồng. Cả những chàng tiên lá cũng vậy. Họ có thể tung mình bay theo những ngọn gió bất cứ lúc nào. Chỉ có nàng là kỳ dị nhất. Có đôi cánh gió nào nâng nổi thân mình quả tạ của nàng không?

    Thậm chí con người cũng chẳng xem nàng là hoa nữa. Hôm nọ, bà cụ vừa nhìn thấy nàng đã gọỉ với vào nhà: “Ông ơi, cây chuối của mình ra bắp rồi đó ông ạ”. Sao lại là “bắp” cơ chứ. Nàng khóc nức nở. Mình là hoa mà, mình chính là một bông hoa...

    Một ngày kia, chàng chim Sâu đưa tin từ vườn trước ra vườn sau: “Hôm nay nhà có khách”. Đó là vợ chồng cô con gái cùng với cháu ngoại của ông bà cụ từ thành phố về chơi.

    Cả khu vườn còn đang xôn xao chợt im bặt khi nhìn thấy một cậu bé con chạy ào ra vườn, ôi, cậu bé xinh xắn như mộtthiên thần. Đôi mắt cậu mới trong làm sao, nụ cườỉ của cậu mới rạng rỡ làm sao.

    Người mẹ cúi xuống sửa lại chiếc giày cho cậu và nói: “Đừng hái hoa của ông nghe con” Cậu đáp lại: “Những bông hoa hồng kia hả mẹ? Chúng chỉ hợp với bọn con gái thôi. Còn con chỉ thích cây và lá”. Rồi cậu cười, tiếng cười giòn tan trong trẻo vang khắp khu vườn rộng.

    Cậu bé chạy ào đến ôm lấy thân cây ổi mát rượi, cọ má vào đó khiến cô ổi cười khúc khích vì nhột. Những cư dân trong vườn xôn xao. Bác Mận vươn tán ra, vén những chiếc lá um tùm để khoe một chùm quả chín đỏ. Nàng tiên hoa Khế e ấp thả một bông hoa nhỏ xuống vạt áo cậu. Ai cũng muốn đón chào cậu, trao tặng cậu những trái cây ngon nhất, chiếc lá xanh nhất, ngọn gió mát nhất, bông hoa đẹp nhất.

    Đang tung tăng khắp chốn, cậu bé đột nhiên dừng lại trước bụi Chuối nằm im lìm cạnh chái bếp. Nàng hoa Chuối hoảng sợ quay mặt đi, khép chặt những chiếc bẹ tím lại, nhưng vô ích. Cậu bé nhìn chăm chú vào hoa Chuối với đôi mắt ngạc nhiên.

    Cậu hỏi: “Mẹ ơi, đây là cái gì hả mẹ?”

    “Đó là một bông hoa chuối con à.”

    “Ồ, bông hoa này lạ quá mẹ ơi.”

    Sắp rồi. Cậu ấy sắp chê mình rồi. Cậu ấy sẽ bảo là mình mập ú và xấu xí. Trái tim của nàng tiên hoa Chuối tan nát.

    Cậu bé giơ bàn tay nhỏ xíu lên sờ vào lớp áo tím dày cộm của hoa Chuối rồi mỉm cười:

    “Bông hoa này trông mũm mĩm và ngộ nghĩnh làm sao. Da của nó mát rượi. Và màu tím của nó thật đẹp phải không mẹ!” Hoa Chuối sững sờvì xúc động. Cả khu vườn đều ngoảnh lại nhìn nàng.

    Mẹ cậu bé từ tốn:

    “Phải đó, con à. Chuối là một loài cây rất có ích. Những chiếc lá chuối xanh rờn này dùng để gói bánh nè; trái chuối chín là thức ăn ngon và bổ nè; thân cây chuối làm thức ăn cho heo nè; cả bông hoa chuối này cũng là một món rau ngon nữa. Con biết không, giấu sau những lớp áo tím này là những trái chuối non, vài hôm nữa, nó sẽ trổ ra những buồng chuối ngon lành.”

    Chân bước theo mẹ vào nhà, cậu bé vẫn còn ngoái lại. “Ồ hay quá! Khi nào nó sẽ trổ buồng hả mẹ?”

    “Mẹ không biết con à, ngày mai mình về rồi, chắc là mình không kịp thấy nó trổ buồng đâu con”

    “Tiếc quá mẹ ơi, ước gì con được nhìn thấy hoa Chuối trổ buồng...”

    Cho đến tận khi đêm xuống, những cư dân của vườn sau vẫn còn xôn xao. Câu chuyện đã được anh chim Sâu mách lẻo ra tận vườn trước. Cái tên hoa Chuối vang lên khắp mọi ngõ ngách trong vườn. Giờ đây hoa Chuối không còn sầu muộn nữa. Nàng say sưa ca hát và uống cạn những giọt sương. Nàng tự hào vươn vai đón lấy ngọn gió mát lành. Nàng gom hết năng lượng của mình để cuốn nhẹ những lớp áo tím cũ bên ngoài, làm bật ra những buồng chuối non tí hon, nõn nà phơi mình trên lớp áo lụa mới mượt mà. Cả khu vườn nín thở ngắm nhìn vẻ đẹp viên mãn và kiêu hãnh của hoa Chuối dưới ánh trăng khuya.

    Sau khung cửa sổ, trong vòng tay mẹ, cậu bé chợt nhoẻn miệng cười trong giấc ngủ say. Cậu không biết những nụ cười và lời khen tặng của mình lúc ban chiều đã làm nên một điều kỳ diệu. Và vì thế, có một điều kỳ diệu khác sẽ đón chào cậu vào lúc bình minh.
     
  13. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Như ngôi nhà của thời thơ ấu
    NGÀY CHÚNG TÔI DỌN VỀ NHÀ MỚI, má chồng tôi tự tay chuẩn bị ba hũ đầy: gạo, muối và nước. Như một lời cầu chúc cho cuộc sống mới của chúng tôi sẽ không bao giờ thiếu thốn.

    Tự trong tâm, tôi thầm khấn thêm một thứ vô hình nữa sẽ luôn tràn đầy trong căn nhà này. Những tiếng cười.

    Tâm niệm ấy xuất hiện trong tôi vào một trưa cuối năm, khi tôi vừa từ Sàỉ Gòn về đến nhà trên chuyến tàu đêm. Vì mệt quá, tôi quẳng ngay hành lý và nằm ngủ nướng đến tận trưa lắc trên chiếc giường nhỏ cạnh cửa sổ.

    Bất chợt, sau giấc ngủ sâu khoan khoái, tôi bị đánh thức bởi tiếng cười. Đó là ba mẹ và các em tôi đang ngồi quây quần bên hiên nhà sau khi ăn cơm trưa. Chắc hẳn đó là khi ba và mẹ cùng nhắc lại một hành động ngộ nghĩnh nào đó của em tôi ngày xưa, khi nó mới lên hai tuổi. Hoặc đó là khi ba nhắc lại một chi tiết trong chuyện Azit Nesin mà cả nhà đều đã đọc. Những câu chuyện đó vẫn thường được nhắc lại, và lần nào chúng tôi cũng bò lăn ra mà cười. Rộn rã và bình yên.

    Những tiếng cười thân thuộc, sảng khoái làm trái tim tôi tràn ngập một niềm cảm động.

    Hạnh phúc. Tôi biết rằng để có tiếng cười đó thì phải có hạnh phúc. Hạnh phúc thực sự.

    Tôi nằm thật yên, nghe gió mát mơn man trên má, nghe tiếng lá xào xạc ngoài vườn, nghe tiếng gàu ai va vào thành giếng, tiếng nước rót từ gàu vào thùng thiếc, reo trong trẻo... và tôi tự nhủ, ước chi tổ ấm của mình sau này cũng mang lại cảm giác bình yên và đầy ắp tiếng cười như vậy.

    Một ngày cuối năm, cô bạn thân tíu tít gọi điện khoe rằng Tết này hai vợ chồng không đi đâu cả, không về quê nội mà cũng không về quê ngoại, chỉ ở nhà thôi. Nhà mới. Phải ở cho ấm nhà. Rồi cô nói thêm, không hiểu sao mới ở có mấy ngày mà đã cảm thấy yêu căn nhà mới của mình quá.

    Tôi cười. Ai không yêu căn nhà của mình thì thật đáng buồn, phải vậy không? Bạn đã bắt đầu yêu căn nhà của mình từ lúc nào vậy? Bạn có biết, điều gì đã làm mình phải lòng chốn ở?

    Với tôi, đó chắc chắn không phải là tình yêu sét đánh. Cho đến khi xây xong phần thô, và thậm chí đã xong phần hoàn thiện, lòng tôi vẫn tràn đầy lo âu. Bước vào căn nhà mới mà có cảm giác như bước vào chốn lạ. Khi đã dọn xong giường tủ, tự tay sắp đặt chén bát trong chiếc tủ bếp, hài lòng vì ngôi nhà hoàn tất và giống như hình dung ban đầu, tôi vẫn tự hỏi: mình sẽ yêu ngôi nhà này chăng?

    Ngày đầu tiên nằm nghỉ trưa trong căn phòng mới, tôi mỉm cười nghe tiếng con trai líu lo ngoài lan can: “Ba ơi, ba ơi, có một con sóc trên cây mít nhà chú út kìa. Ba thấy không?” “Đâu con? A, ba thấy rồi, ô ô... nó nhảy lên mái nhà rồi kìa”. Chợt hai cha con cười giòn giã. Tiếng cười đó làm lòng tôi xao động.

    Tôi chợt nhận ra, mình phải lòng chốn này, không phải vì nó đẹp, mà bởi vì nơi đó có tiếng cười thân quen của người bạn đời, của đứa con yêu. Tôi khám phá ra rằng tình yêu chốn ở cũng giống như mọi tình yêu khác. Đến từ sự thoải mái. Miếng gạch này, món đồ gỗ này, màu sơn này có thể quá u trầm với người hàng xóm nhiệt thành, nhưng nó thể hiện bản tính của tôi, nó khiến tôi thấy mình là mình. Vậy là đủ.

    Tôi chợt nhận ra, tình yêu đến khi tôi bắt đầu nhìn thấy những điều không hoàn hảo. Bởi nhờ đó mà tôi cảm thấy ngôi nhà đang sống, và bởi những điều không hoàn hảo ấy khiến nó thành duy nhất, khiến nó là của riêng mình.

    Ngôi nhà của tôi, dù hai vợ chồng luôn mong muốn có một ngôi nhà đẹp, thì nó vẫn không thể nào trông hoàn hảo như những mẫu nhà đẹp trên catalogue hay tạp chí.

    Đó là căn nhà của một người ưa thích bài trí và yêu nghệ thuật, nhưng cũng là căn nhà có cậu con trai nghịch ngợm và tò mò, nhà của một phụ nữ rất thích làm bếp nhưng đôi khi lơ đãng, nhà của một đôi vợ chồng ưa tiếp đón bạn bè, nhà có ba mẹ già thỉnh thoảng ghé thăm. Một căn nhà an toàn để có thể sống bình yên, sạch sẽ nhưng không cố gắng để hoàn hảo đến từng chi tiết.

    Và tôi hiểu rằng mình đã yêu nó qua từng ngày, yêu cả cái miếng gạch lót sàn bị mẻ chút xíu, phải vá lại bằng xi măng, mỗi ngày quét nhà, đi qua nó, nhìn hoài thấy thân quen, vết xước nhỏ trên bức tường kia là khi khiêng cái tủ về không cẩn thận bị va vào. Cánh cổng hơi thấp này có thể không đủ an toàn đối với những chủ nhà thận trọng, nhưng nó có cái vẻ thân thiện mà tôi mong muốn...

    Ngoài kia, hai cha con vẫn tíu tít chuyện trò. Một ngọn gió hiếm hoi của chốn đô thị len vào phòng, mơn man trên má tôi. Sự bình yên mà tôi tưởng là sở hữu riêng của tuổi thơ đột nhiên quay trở lại. Tôi cảm thấy nơi chốn này đúng là nhà của mình. Đúng là nơi mình mơ ước. Và tôi đã ngủ một giấc thật say. Như tôi đang ngủ trong ngôi nhà của thời thơ ấu.


     
  14. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Kìa thôn quê, dưới trăng vàngVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    CHIẾC ĐÈN TRUNG THU đầu tiên của tôi được làm bằng lon sữa bò. Một thằng bạn hàng xóm hào phóng lấy đinh đục lỗ, xỏ dây kẽm để làm thêm một cái đèn tặng tôi. Một lon làm bánh xe, một lon làm đèn. Thêm một thanh tre để đẩy. Vậy là xong. Ánh sáng lập lòe, âm thanh xủng xoẻng, lanh canh. Khắp xóm đều là những cái đèn lon như vậy. Chỉ một số ít nhà có khả năng mua đèn giấy xếp, giấy kính, đèn ông sao hay bướm bướm cho con. Đến những năm cuối cùng của thời thơ ấu, tôi mới được mua cho một chiếc đèn giấy xếp. Và tôi sung sướng xin mua thêm một chục cây nến nữa để chia cho lũ bạn làm đèn lon.

    Tôi biết rõ những đứa làm đèn lon chắc chắn không có loại nến nhỏ xíu đặc biệt dùng để thắp đèn Trung thu. Phải lân la những đứa khá giả có đèn lồng để xin xỏ. Chúng luôn dự trữ cả một bó nến. Hên thì xin được vài cây. Rủi thì chỉ lượm được một mẩu nhỏ, đành bẻ ra chia nhau, cũng thắp được một lát.

    Và chỉ cần thế thôi, vì những chiếc đèn lon cũng chỉ để mua vui chốc lát, đủ để đi theo đám múa lân đến con đường cuối xóm, rồi sẽ bị lũ trẻ vứt qua một bên để lao vào những trò chơi quen thuộc dưới ánh trăng.

    Rốt cuộc, ý niệm về Trung thu của trẻ con thành thị là bánh, là đèn chứ không phải là trăng, còn niềm vui Trung thu với trẻ con miền quê chính là trăng chứ không phải là đèn.

    Bởi lẽ, chỉ những ngày có trăng, lũ trẻ nhà quê mới được ra đường để chơi thay vì ru rú ở nhà quanh ánh đèn dầu chập chờn vàng vọt.

    Và cũng chỉ những ngày có trăng, cả nhà tôi mới có dịp khiêng cái phản gỗ ra giữa sân để hóng mát. Những đêm Trung thu cũng vậy. Không bánh, không đèn... gia đình tôi mừng Trung thu với ánh trăng suông.

    Chúng tôi nằm đó, ngửa mặt lên trời trên chiếc phản gỗ mát rượi, mặt gỗ lên nước bóng loáng dưới ánh trăng. Đêm mùa thu trời trong veo. Vài ngôi sao lấp lánh. Gió mát lạnh. Ánh trăng nhạt màu, mát mẻ và trong suốt, phủ đều không gian. Cảm giác như có một làn hơi nước mỏng màu vàng mơ tưới đều khắp chốn. Trong sân nhà tôi, làn hơi ấy được ướp bởihương bắp non thoang thoảng.

    Đó là những luống bắp đang kỳ trổ bông trồng trong sân nhà. Lá xanh ngắt, những trái bắp non cũng còn xanh vì mới bắt đầu ngậm sữa. Những sợi râu bắp vừa chớm ngả sang nâu. Trong ký ức của tôi, ánh trăng và hương bắp non dường như sinh ra cùng nhau và cho nhau. Chúng cùng trong lành và thanh khiết, dịu mát và ngọt ngào như nhau.

    Đêm Trung thu, chúng tôi nằm đó, ba mẹ và con cái, anh chị và em, giữa không gian bao la, ngửa mặt lên trời và hát.“Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát. Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác. Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời…”;“Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ…

    Trong tiếng trống múa lân văng vẳng xa dần, chúng tôi nghe ba đọc “Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa/ Vội vàng chi trăng sáng quá khách ơi/ Đêm nay rằm yến tiệc sáng trên trời...”;"... Ai lên cung Quế nhờ thăm hỏi/ Soi khắp trần gian có thấy ai?”

    Những đêm trăng như vậy, gác lại bộn bề giáo án của mẹ, gác lại những việc đồng áng nhọc nhằn của ba, chị em chúng tôi được làm quen với thơ, với nhạc, những Tản Đà, Lý Bạch, Vương Xương Linh...

    Chúng tôi nằm ngửa mặt lên trời, giữa mênh mông ánh nguyệt, nghe ba giải thích về quỹ đạo của mặt trăng, những hành tinh, và vũ trụ... Chúng tôi nghe kể về những câu chuyện cổ tích, và ước mơ.

    Đôi khi tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã học trong những đêm trăng đó nhiều hơn trong một năm. Tuổi thơ của tôi được bồi đắp tâm hồn bằng những đêm trăng, để không bao giờ mất hy vọng trong những buổi tối triền miên chia nhau một bóng đèn hột vịt tù mù.

    Có lẽ vì vậy mà những ngày này, khi đi qua rừng đèn Trung thu treo đặc trên lề đường, những con ong, con bướm, máy bay, tàu thủy sặc sỡ, giống như những món đồ chơi hơn là những chiếc đèn, tôi tự hỏi mình phải làm thế nào đây, làm thế nào để con trai tôi - một đứa trẻ lớn lên trong ánh đèn phố thị - hiểu được rằng vào đêm Trung thu, một bóng trăng vàng đáng được chờ mong hơn những chiếc đèn lồng được thắp sáng bằng... pin.

    Và tôi không biết mình sẽ kể cho con tôi nghe, về những chiếc đèn lon, về ánh trăng và hương bắp non như thế nào, như một kỷ niệm, hay như một câu chuyện cổ tích. Cónhững ký ức quá đẹp, đẹp đến nỗi một lúc nào đó trong đời, khi nhớ lại, ta bỗng băn khoăn không biết có phải nó đã từng thực sự xảy ra, hay chỉ là một giấc mơ, một tưởng tượng, một khát khao đã vô tình ăn sâu vào tiềm thức?

    Kìa thôn quê, dưới trăng vàng…



    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tựa bài đặt theo lời bài hát Khúc Ca Ngày Mùa (Lam Phương)
     
    chichi.myluckycharm and lichan like this.
  15. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Nhân gian trong một chén trà

    NHỮNG NĂM SAU GIẢI PHÓNG, đoạn đường Hai Bà Trưng gần Nhà hát Thành phố có một ông cụ bày một bàn gỗ dựa vách tường, trên để lỉnh kỉnh dăm cái tô chiết yêu, nải chuối sứ, mấy cái hũ đựng kẹo đậu phông, đường tán và một cái ghế dài đặt dọc cạnh bàn.

    Có lần, tôi theo cha ra chợ Bến Thành chơi lúc ông còn đứng sạp bán hàng nữ trang xi mạ ngoài đó. Trên đường về, ba tôi tấp chiếc xe Sachs vào đúng ngay cái bàn của ông cụ đó. Trong khoảng râm mát của lề đường tháng Chạp rụng đầy những bông hoa vàng không rõ tên, tôi khoan khoái duỗi chân ngồi bên băng ghế, tò mò nhìn những loại bánh kẹo đơn sơ trên bàn. Ông chủ quán chậm chạp bày hai cái tô ra, đổ nước lạnh vào một phần ba tô, rồi từ phía sát vách tường, ông lôi ra một cái ấm nhôm to đùng, nâng cao lên rót thẳng vào tô. Khói nghi ngút bốc từ làn nước mảnh như thác từ trên đổ xuống, bọt nước đùn lên trong khe. Rót đầy hai tô, ông ngồi phắt xuống, cất ấm vào chỗ cũ, trở lại tư thế ngồi đàng hoàng bên cái bàn rộng.

    Do có chút nước lạnh nên tô trà không nóng lắm, nhưng đó là lần đầu tiên tôi được uống một tô Trà Huế vun chùm bọt giữa đất Sài Gòn. Vị trà có mùi lá héo, pha mùi gừng thơm. Uống một hơi, mồ hôi túa ra mát cả người. Ba tôi chìa cho tôi miếng kẹo đậu phông giòn tan. Nhai một miếng, uống một ngụm trà, vị ngọt dường như thanh hơn và hương trà dường như đậm đà hơn.

    Đó cũng là lần cuối cùng tôi thấy một quán trà Huế giữa đất Sài Gòn. Nhiều năm sau, dù có dịp uống Mạt trà của Nhật ở Kamakura; Ô long ở khu phố Nam Kinh, Thượng Hải, hay có xao xuyến trước một nền văn hóa thưởng trà cầu kỳ, vẻ đẹp của ấm chén Nghi Hưng, ấm trà Tokoname, vẻ lộng lẫy của trà thất, nét sinh động hay kiều diễm của người mời trà, tôi vẫn nhớ như in buổi trưa tháng Chạp đó, với tô trà Huế mà mấy chục năm nay chưa từng thấy lại một kiểu uống đã rất thịnh hành của miền Nam.

    Má tôi kể hồi xưa khi con gái về nhà chồng vẫn bị để ý xem có giỏi pha trà Huế cho ba má chồng uống không. Những năm trước thế chiến thứ Hai, các chợ miền Đông Nam bộ và Sài Gòn Gia Định bán nhiều thứ trà tươi loại này. Mua từ chợ về, cô con dâu mang bỏ vào cối giã cho nát. Xong cứ để trong cối ủ một đêm, qua ngày hôm sau lấy ra phơi cho khô rồi dùng dần. Trà pha trong ấm lớn, rót vào tô làm sao nổi bọt càng nhiều càng ngon. Tô để rót trà luôn có sẵn nước nguội để bảo đảm trà không nóng phỏng môi khi uống.

    Ba tôi, người từng lang bạt làm ăn khắp nơi lại cho rằng trà Huế không cần ủ trong cối đá vì như vậy nó sẽ lên men, thành một thứ trà khác, ông kể các quán trà Huế cũng tương tự như quán ông cụ trên đường Hai Bà Trưng, có một bàn dài, vài ghế dài đặt xung quanh. Do quán thường đặt nơi thoáng rộng, góc chợ, lề đường trong xóm nên bày cả một cái nồi to đùng như nồi nấu bánh tét, luôn có lửa liu riu. Nguyên liệu lúc ấy sẵn lắm vì quanh vùng người ta thường trồng hàng rào bằng cây trà. Khi cắt về, họ lấy cả cành, lá, chặt khúc ra xong đem phơi nắng cho héo rồi mới giã trong cối cho nát. Sau đó thì bỏ vào bao bòng bột, thêm một ít gừng đã giã sẵn, rồi túm miệng bao cho vào nồi. Nấu sôi cho ra trà, từ đó thì để lửa nhỏ cho nước lúc nào cũng sôi tăm.

    Trên bàn ngoài mấy món đồ ăn lặt vặt có bày thêm một hàng tô da đá chứa sẵn một phần nước lạnh, và khay trầu cau. Có quán để cả ông Địa, tay lúc nào cũng có điếu thuốc đang rịn lửa. Dân phu phen, củi lục buổi trưa tấp vô ăn miếng trầu, miệng hô: “Cho một tô trà Huế!”. Chủ quán thường là một bà trộng tuổi lấy gáo dừa múc vào cái nồi, giơ cao tay rót vào tô và dứt khoát bọt phải nổi lên. Chú thợ bưng tô đánh ực, khà một tiếng, lấy tay áo quẹt miệng, bẻ miếng đường tán móng trâu nhai rụm rụm rồi nhanh chóng đứng dậy kiếm chỗ nghỉ ngơi, lưng áo đã tươm mồ hôi từ tô trà “quá đã”.

    Ba tôi kể trà Huế thường dành cho người nghèo. Giới trung lưu hay người có đồng ra đồng vào vẫn thường uống trà Tàu ở tiệm nước người Tàu, mát mẻ và có thể ngồi lâu. Thời đó không thấy ai nhắc đến và không mấy người biết trà Ô long (ngày nay, người Trung Quốc ra sức truyền bá trà Ô long đến mức họ gọi thế kỷ 21 là thế kỷ Ô long, có lẽ hàm nghĩa là thế kỷ vươn lên của người Trung Hoa). Giới học trò Việt cũng tập tành vào tiệm nước ở Chợ Lớn uống trà Phổ Nhĩ (trà đóng thành bánh, càng để lâu càng có giá). Và Phổ ky tiệm nước rất sợ loại khách này vì thường ngồi lâu đến nỗi phải đến nhắc là “Bạch thầu xà” (Trà trắng rồi!). Người ngại ra ngồi quán xá hay thích uống trà ở nhà thì mua trà Nghi Bồi Nham, trà đen ở tiệm chạp phô về uống. Gói trà thường bằng giấy bạch, in chữ đỏ. Ấm chén dùng loại bình thường của Lái Thiêu, người khá giả mua ấm sứ mỏng tang của Nhật hiệu Đại Nam, Đại Tín là sang. Thời đó, ấm Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần ít ai có. Sau 1954, người Bắc di cư vào Nam mang theo loại ấm đất nung tử sa vào, góp phần làm phong phú thú thưởng trà của Nam bộ.

    Vì sao lại gọi là trà Huế, một thức uống rất phổ biến của người miền Nam? Nhiều người cho rằng cách pha trà là kiểu thức của những lưu dân, hay nhà nho miệt ngoài, từ Hà Tĩnh, Nghệ An trở vào. Họ vì bị đày ải, hoặc bất mãn với triều đình Huế mà vào Nam sinh sống. Và món trà Huế, sau gần thế kỷ tồn tại trên quê hương mới, nay cũng đã hòa tan vào kiểu thưởng trà của người Nam bộ, giống như những lưu dân từ miền ngoài đã trở nên gắn bó, thấm nhuần và hòa tan vào tính cách người miền Nam, vốn cũng là dân Ngũ Quảng một thời đi khai phá lập nên quê hương mới.

    Năm 86, lần đầu ra Hà Nội, tôi “va chạm” với trà Bắc ngay trên chuyến tàu đêm. Một chú bé xách cái giỏ lỉnh kỉnh đồ đạc, trong đó có một bình thủy nước sôi, miệng hô vang khắp toa tàu “Chát chạt, xít xịt,búp bụp”. Nhiều người gọi uống thứ nước đắng ấy và tôi đã mất ngủ cả đêm khi bắt chước uống thứ chè Thái Nguyên chát xít (có nghĩa là nguyên chất) và nấu bằng búp chè như lời quảng cáo. Đến Hà Nội, tôi cảm thấy lạ lẫm và có phần thích thú những quán trà vỉa hè ngoài đó. Với cái ghế dài đặt áp vào chiếc bàn gỗ, với người bán là những bà cụ răng đen áo nâu, hoặc một ông cụ già nua hay chuyện, nó có vẻ gì đó gần gũi, thân mật của Hà Nội những năm xa xưa thời Vũ Bằng hay của những quán trà Huế Sài Gòn xưa. Bây giờ ở Hà Nội, những quán trà như vậy vẫn còn nhưng có lẽ không được ưa chuộng nữa. Trong các cơ quan mà tôi đến, giới công chức, viên chức dùng trà Lipton, thứ trà đen vụn rẻ tiền ở Anh quốc, thức uống được coi là sành điệu chỉ vì được cho là ít độc hại. Còn giới trẻ thì dùng trà Dihma. Nghĩ mà tiếc cho ngành chế biến trà Việt Nam vì chưa tạo đủ lực hấp dẫn với người thưởng ngoạn dù trà Bắc Thái vẫn được xếp vào loại trà ngon trên thế giới.

    Người uống trà Việt có cơ hội sở hữu những trà cụ khá đẹp khi làn sóng đồ sứ Giang Tây ào vào thị trường Việt mấy năm sau này. Cùng với đồ sứ là sản phẩm chính, thấp thoáng những chiếc ấm đất nung Nghi Hưng rất nổi tiếng trên thế giới làm bằng đất sét Tử Sa tỉnh Giang Tô, Trung Quốc với màu đỏ tía, vàng sậm và nâu đen. Chúng có giá rẻ vì được sản xuất hàng loạt bằng khuôn, đất loại thường, nhưng đủ đẹp và chuẩn để pha thứ trà ngon nhất. Khi tôi thử luộc ấm theo kinh nghiệm của Giáo sư Vũ Thế Ngọc, tác giả quyển Trà Kinh, loại ấm này chịu nhiệt rất tốt, có thể dầm trong nước sôi mấy ngày liền. Gần đây, thị trường có cả ấm trà Tử Sa xách tay từ Đài Loan về với chất đất rất mịn, dáng đẹp nhưng thích hợp với người sưu tập hơn người dùng vì giá ít nhất cũng cả triệu bạc.

    Về chung uống trà, người sành chơi không đầu tư vào nhiều như khi mua ấm nhưng có thể kiếm chung đẹp cũng bằng đất nung Nghi Hưng ở các tiệm trà, hoặc mua chung sứ Giang Tây. Người chơi đồ cổ thì uống trà bằng chung sứ Giang Tây thời Ung Chính, màu xanh trắng hay phủ da lươn, bên trong vẽ họa tiết rất đẹp. Hoặc uống bằng chung gốm Chu Đậu làm cách nay 500 năm, thời Lê sơ. Nghe cầu kỳ vậy nhưng cách nay vài năm. chúng được bán rất nhiều với giábằng vài lạng trà ở phố Lê Công Kiều từ những tốp thợ lặnkhai thác xác tàu đắm ngoài khơi.

    Thị trường trà tuy chưa mạnh như cà phê nhưng hiện nay có vẻ khởi sắc. Ở các cửa hàng chuyên trà và cả siêu thị đã thấy bán trà Ô long, trà Thiết Quan âm, Phổ nhĩ, trà ướp lài, trà xanh kiểu Nhật và dăm loại trà nổi tiếng khác. Dọc đường đi Đà Lạt, có những cửa hàng bán trà rất bài bản, có biểu diễn pha trà, nằm trong một khu du lịch rất đẹp. Sài Gòn và Hà Nội mở những trà quán với đủ kiểu thức cầu kỳ. Phải chăng thời của trà đang tìm cách quay lại? Cùng với cuộc sống hối hả, trà sẽ dần lấy lại vị thế của nó như một loại thức uống an toàn hơn cho sức khỏe, và bản thân việc uống trà cũng được xem như nghệ thuật thưởng ngoạn đem lại sự tịnh tâm cần thiết cho con người.

    Có thể cả năm trời ta quên mất loại thức uống này, nhưng ngày Tết đến, khi bày bàn thờ rước ông bà trưa Giao thừa, như một thói quen, ta pha một bình trà ướp sen thơm ngát để dâng cúng. Trong khói hương trầm, ta sẽ thấy lòng nhẹ tênh và lúc đó, hương trà phả ra thứ ký ức xa xưa thời còn bé thơ vui vầy ngày Tết với ông bà.

     
    Chỉnh sửa cuối: 23/10/16
    chichi.myluckycharm and lichan like this.
  16. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Sống trong hẻm phố

    NHỮNG CON HẺM NHỎ giữa thành phố lớn luôn hấp dẫn tôi. Chúng tránh được khói bụi, tiếng ồn, những đặc trưng của thành phố luôn được tiếng là quyến rũ người trẻ từ các vùng nông thôn. Những hẻm phố luôn mát mẻ vì nắng không rọi tới, trăng đêm luôn nằm trong khung tranh tạo thành từ nóc nhà, luôn lãng mạn khi trời lâm thâm, đứng dưới mái hiên ngắm mưa tạo thành rèm những mái tôn.

    Đi đâu tôi cũng tìm cách chui vào những con phố nhỏ, hy vọng cảm nhận một nhịp sống khác với nhịp sống khu trung tâm, khu phố quen thuộc vẫn được giới thiệu trong các guide book dành cho khách du lịch. Tôi tự lùng sục, tự khám phá những nét riêng độc đáo đó và nhận ra rằng đó mới là điều đọng lại lâu nhất sau một chuyến đi.

    Có thể đó chỉ là một con phố Tô Tịch bé nhỏ ở một góc xéo phố Hàng Bông bán những con cóc gỗ, đồ sơn mài tân thời phủ tạm bợ lớp son Nhật bóng bẩy và dễ vỡ. Đi trong lòng phố như trở lại tuổi thơ, ngắm chiếc mõ trâu, tượng chú Tễu, thằng Bờm. Ngồi trên cái ghế cóc nhỏ, uống chén trà bé xíu, nhai hạt dẻ Trùng Khánh rang còn nóng. Những ngưòi Tây đi qua, xem hàng khe khẽ, hỏi giá khe khẽ, xem nhiều hơn mua.

    Đó chỉ là tiếng đàn nhỏ trong ấp Ánh Sáng của Đà Lạt tháng 11 chớm đông. Con phố nhỏ với chục ngôi nhà hẹp sàn lót gỗ xù xì như chưa hề đánh bất cứ lớp xi nào. Thấp thoáng sau những căn nhà là cái thung lũng nhỏ trồng rau. Trời tạnh ráo và tươi sáng. Vọng ra từ lớp cửa kính là tiếng dương cầm rải bài Nhạc chiều của Schubert. Giàn trạng nguyên đỏ thắm gợi ký ức về một Noel đã cũ thời chiến tranh, ông cụ nhà số 9 với giọng Huế đặc sệt luôn khắc khoải về ngọn núi quê hương và mơ màng một chuyến lên Langbiang chụp ảnh.

    Đó là một con ngõ nhỏ ở Thượng Hải một chiều hè. Vài người đàn ông phương Bắc bụng phệ nằm trên ghế bố trước sân, nhấm nháp trà Ô Long. Sau lưng là căn nhà tù mù ánh đèn như chưa từng biết đến những thay đổi nơi phố Đông. Cửa tiệm bán những ấm đất cũ kỹ màu gan gà, da chu, tử sa với giá giật mình. Buổi tối xuống nhập nhoạng với tô mì gói ăn vội do anh chàng bán tạp hóa mặt phương phi như Lưu Bị, bán gói mì vài tệ và cho luôn nước sôi. Ngồi nhìn khách ăn, không buồn hỏi một câu, thỉnh thoảng lại sụt sịt mũi.

    Đó là con ngõ nhỏ ở gần ga Senkawa, Đông Kinh. Đầu ngõ, cửa hàng Ai Book mở cửa đến tận nửa đêm với những thanh niên trẻ gầy gò, trắng xanh vừa chui lên từ ga điện ngầm mải mê xem những tập tranh nude. Ngõ thẳng thớm, rải rác những chiếc xe đạp để qua đêm khóa vào hàng rào sắt. Dăm ba chậu hoa bé xíu trước những căn nhà bé xíu mái ngói màu đen. Dáng đi lầm lũi kín đáo của những người Nhật ăn mặc sang trọng dường như không thay đổi từ thời Edo. Cái máy bán nước ngọt ướp lạnh, cà phê nóng đứng một mình dưới sương và ánh đèn điện. Tiếng quạ kêu trong đêm thu đầy khắc khoải gọi nhớ bài thơ Ô y hạng. Cửa hàng bán đồ cũ vô cùng hấp dẫn với cravatte Valentino, gốm sứ Trung Hoa, búp bê Daruma rẻ không ngờ giữa kinh đô đắt đỏ nhất thế giới này. Cửa nhà người bạn đóng im ỉm với hộp thư đầy ắp...

    Đường phố hiện đại luôn giống nhau với những làn xe, đèn giao thông xanh đỏ và ôtô. Nhưng với hẻm phố, không gian sẽ hẹp hơn, gần gũi, và đậm đà hơi thở cuộc sống đời thường hơn... Dường như ai cũng có một ngõ phố của riêng mình. Đó là hẻm Xéo của Rowling bán đầy đũa thần và cú mà sau những cảnh quay trong Harry Potter, người thiếu phụ tài hoa ấy vẫn lang thang ngỡ ngàng... Đối với tôi đó là con hẻm thân yêu ở Phú Nhuận, xưa lát những tấm dale xi măng ở giữa, chừa hai bên để lũ gà tre bới đất. Hẻm nhỏ đi qua nhà ông Chín có cây mận ngọt, đi qua nhà bà Ba bán tạp hóa. Cái giếng cũ nay đã lấp. Những người già đã qua đời. Cây mai già khẳng khiu bốn mươi năm trước vẫn đơm hoa sau ngày lặt lá rằm tháng Chạp. Xóm ngõ đẹp hơn với nhà cao tầng, nhưng vẫn còn không khí êm đềm buổi chiều, chỉ văng vẳng tiếng đối thoại của các nhân vật trong một bộ phim nào đó trên tivi. Vẻ yên tĩnh của một xóm lao động hiền hòa nuôi nấng tâm hồn những người trẻ, thuở còn tắm mưa dưới máng xối những mái tôn nay đã trở nên hiếm dần. Con hẻm như ấp ủ giùm tôi tuổi thơ, tuổi mới lớn mộng mơ, những vụng dại ngây ngô và những bước trưởng thành, ở đó, má như còn hiện diện, ngồi trước hiên nhà với mái tóc bạc trắng từ bao giờ sau mỗi lần tôi đi xa trở về...
     
    chichi.myluckycharm thích bài này.
  17. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Lan man phương ngữ Nam bộ

    - SAO LÂU NAY ÔNG LẶN MẤT TIÊU VẬY? Đi đâu?

    - Quanh quẩn Sài Gòn thôi. Lóng rày tụi cò ke lục chốt nó quậy quá, làm ăn ẩu xị nhưng nhanh hơn mình nên mình thua. Nhiều khi giận nứt bong bóng nhưng không làm gì được.

    - Cỡ như ông nai rịa rí rang vậy mà ngán tụi nó hả?

    - Mình là dân tư chanh, tụi nó cũng đâu vừa. Nhưng thôi, chấp nó làm gì. Làm ăn kiểu xập xí xập ngầu như đám xây lố cố đó cũng có ngày dảnh sủi. Anh đừng để ý, tụi mình vô đây uống miếng nước.

    - Tui một ly xây chừng.

    - Ê bồi, một xây chừng với một xây cá nại...

    Các đại nhân quen dùng ngôn ngữ @ ngày nay chắc tròn mắt khi nghe màn đối thoại trên đây. Đừng tưởng đây là kiểu đối thoại xưa lắc, từ thời Gia Định báo. Người ta vẫn nghe những từ trên trong một quán cà phê đâu đó ở Sài Gòn, ở chợ Cầu Ông Lãnh giữa nhữngngười xa quê đã lâu về nước chơi. Hoặc từ người miệt vườn, hoặc ở Bạc Liêu Rạch Giá, lên Cần Thơ mua máy bơm nước, ngồi quán uống cà phê sữa, ăn hủ tíu bánh mì xíu mại. Những phưong ngữ tưởng đã chết đi từ lâu, bừng bừng sống lại gợi nhớ thời khẩn hoang, thời Bình Xuyên quậy tưng bừng ở sòng bạc Đại Thế Giới, thời dưới sông Cá Chốt trên bờ Triều Châu ở Bạc Liêu, sống chung, ăn tết chung với người Tiều, Quảng Đông, Khờ me, Chà và Maní... Cách nói không bao giờ các học giả coi là chính thống, nhưng lần hồi thành ngôn ngữ văn chương, được đưa vào tự điển và là một thứ sinh ngữ đầy sức sống. Nhiều từ xuất phát từ ngôn ngữ nước ngoài, do cộng đồng người thiểu số sống chung với người Việt, buôn bán qua lại, lấy vợ gả chồng qua lại, tìm một cách nói dễ hiểu với nhau mà thành.

    Trở lại màn đối thoại trên, có thể có người hiểu được nhưng dù sao cũng phải cắt nghĩa đoạn thăm hỏi giữa hai anh chàng Nam bộ này. Trong đó “lóng rày” nghĩa là dạo này. “Cò ke lục chốt”, còn gọi chà ke lục chốt chỉ người hèn hạ, mạt rệp, bọn nhóc, lính lác. “Ẩu xị” có khi là ba xí ba tú, chỉ làm ăn huỵch hoạch không đâu ra đâu. "Giận nứt bong bóng” đơn giản là giận muốn bể... bàng quang. Cơn giận căng như bàng quang đầy cứng đến nỗi muốn bục ra. Còn “Nai Rịa Rí Rang” là một từ thú vị, trong đó, mỗi từ nói lên một địa danh ở Nam bộ. Nai là Đồng Nai, Rịa là Bà Rịa, Rí là Phan Rí (thuộc Bình Thuận), Rang là Phan Rang (thuộc Ninh Thuận). Đây là thành ngữ khá xưa, hiếm người dùng còn chăng là ông già bà cả, chỉ người lịch duyệt, từng trải, đã từng đến Đồng Nai, Bà Rịa ăn gạo ngon, từng đến Phan Rí, Phan Rang ăn cá tươi. Trường hợp “dân tư chanh” mới thú vị, thật ra đó là từ dân tứ chiếng, nhưng khi ông Aubaret, một ông Tây viết báo cáo vềdân giang hồ tứ chiếng, do viết theo cách đọc của mình nên thành dân tư chanh. Từ này lọt ra ngoài và dân chúng xài luôn, xem như một ẩn ngữ nói về dân giang hồ (trường hợp này giống từ Đa Kao là một vùng đất thuộc quận 1. Hồi xưa, dân gọi đây là Đất Hộ nhưng khi người Pháp viết lên trên bản đồ, viết theo cách đọc lơ lớ của mình là Đa Kao, nay chết tên luôn). “Xấm xi xấm xải” là làm ăn xớn xác không xem trước xem sau. “Xây lố cố” là biến âm của cụm từ xây lũ cố từ tiếng Hán là tiểu lão ca có nghĩa là lũ trẻ nhỏ, con nít. “Dảnh sủi” có nghĩa là chết, có thể cũng từ tiếng Quảng Đông hay Triều Châu.
    “Xây chừng” là cà phê không sữa. Trong khi đó, “xây cá nại” là tách cà phê sữa nhỏ.

    Thời trước, sách báo cũng không nhiều bằng bây giờ và người bình dân làm ăn củi lục chắc cũng khó mà coi sách nên ý kiến các học giả bảo vệ trong sáng tiếng Việt chắc khó mà tới họ. Và thế là ngôn ngữ tiếp tục phát triển. Bây giờ, vào một quán cà phê thuộc loại thời thượng nhất ở Sài Gòn với các bạn trẻ 8X, một tiếng gọi bạc xỉu là có ngay một ly sữa nóng có pha chút cà phê. Và trong một quán nhậu bình dân, gọi tẩy là có ngay một ly bỏ đá lạnh, chỉ đợi rót bia vào.

    Ở miền Nam, thật thú vị khi có thành ngữ dùng trong cuộc sống hàng ngày có tên hai cô nghệ sĩ cải lương. Một bài báo khi nói về chuyện VFF phân trần sau vụ đội tuyển bóng đá Việt Nam thua Indonesia cách nay mấy năm, tác giả bài báo viết: “Còn thanh minh thanh nga gì nữa...”. Thanh minh thì ai cũng biết là giải thích cho rõ điều bị hiểu sai, hiểu lầm. Nhưng Thanh Minh - Thanh Nga chính là tên một đoàn cải lương nổi tiếng ở miền Nam những năm 60, trong đó, nghệ sĩ Thanh Nga đóng vai chính. Và qua thời gian, cụm từ này mang dùm ý nghĩa của từ thanh minh, làm đậm đà câu thoại và đã vào văn... viết. Còn từ “mút mùa lệ thủy"? Người ta dùng từ “mút mùa” để chỉ điều gì đến cùng, không bỏ dở. Và nhiều người cho rằng từ “lệ thủy” chính là chỉ cô đào Lệ Thủy nổi danh ở Sài Gòn với làn hơi vọng cổ dài và da diết, đến nỗi người ta cảm thấy không có từ nào xứng đáng để nhấn cho ý mút mùa bằng tên của nghệ sĩ này. Có một từ lóng đơn giản nhưng thật thú vị là từ chỉ chiếc xe đạp: xế điếc. Nó chỉ có sau khi người ta dùng từ xế nổ để chỉ xe gắn máy và đương nhiên xe không nổ thì thành... điếc. Thông minh và ý nhị!

    Một trường hợp thú vị khác. Khi xem kịch do người Việt ở xa đất nước diễn, có màn đối thoại sau:

    - Ông có thấy tui giống tiên nữ không?

    - Cái gì, bà mà giống tiên nữ. Bà ném về quỷ sứ thì có!

    Và trong một đoạn văn miêu tả: “Nhà tôi ở bên cầu Mỹ Thuận, ném về phía Vĩnh Long, ném về miệt vườn...".

    Đương nhiên ai cũng nhận ra “ném về” không có nghĩa là quăng về hay vứt, chọi về phía nào đó mà có nghĩa là thiên về. Một từ cổ mà những người Việt xa xứ đã lâu còn giữ và dùng.

    Anh bạn ở Hà Nội bảo rằng khi phim Mùa len trâu nổi lên, nhiều người ngoài đó không hiểu từ này. Và có nhiều phương ngữ Nam bộ quả là khó hiểu dù dần dà thành phổ biến ngoài đó. Có anh bạn nói về chuyện “quan hệ” với người nước ngoài bằng từ trả thù dân tộc. Nhung chắc anh và nhiều người dùng từ này không biết đó chính là câu cung khai của một tướng cướp tên là Điền Khắc Kim ở Sài Gòn với cảnh sát về tội làm bậy phụ nữ ngoại quốc.

    Có lẽ các nhà ngôn ngữ đã giải thích nhiều rồi. Chắc chắn nhiều người lớn nghe chói tai khi đám trẻ nói khác đi ngôn ngữ chính thống, chỉn chu. Trước đây, khi đề cập đến, tôi gọi nó là một hành lang ngôn ngữ chạy dọc theo dòng này. Và nó có sức sống của nó, khi nào người ta còn cảm thấy nó cần thiết như thứ ẩn ngữ, để không phải nói trực tiếp, động chạm thẳng đến đối tượng và tạo một cảm giác, một ấn tượng thú vị, khôi hài, đậm đà, làm duyên dáng thêm câu chuyện. Và tất nhiên, qua thời gian, những thứ kệch cỡm, lố lăng, học đòi cũng sẽ bị đào thải trong dòng cuộc sống cuồn cuộn chảy...

    new doc 1_6.jpg
     
  18. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Bếp phố thị

    CÓ THỂ QUANH NĂM ta quên cái bếp dù ăn cơm mỗi ngày từ nó. Bỗng dưng trước Tết độ bảy ngày, cái bếp trở thành tâm điểm khi mẹ ta bày lắm thứ để cúng đưa ông Táo về trời. Hai ngày trước Tết Nguyên đán, bếp nóng rực cả đêm, đội cái nồi nấu bánh tét bánh chưng to đùng. Bếp xên mứt, nấu măng, hầm thịt. Bếp trở thành sứ giả báo hiệu mùa xuân, dù đen nhẻm ở xó nhà chứ không rực rỡ như đào, mai hay xông xênh như chai rượu, thùng bia.

    Tôi đã từng qua những chiều mưa, tấp vào một quán bên đường mái lá, ăn chén cơm nóng chan canh chua lá giang, canh mồng tơi nóng hổi thơm ngọt vừa được múc ra từ cái nồi đặt trên bếp. Hoặc một đêm nào đó ngoài xã Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ những năm nghèo khó 80, nửa đêm thức dậy được tô cơm nguội chan canh nấu cá vừa bắt dưới sông. Những bếp lửa um khói nhà quê thường được đặt ở chái phụ bên hông nhà, có thêm chiếc chõng và cái bàn tre, tất tật đều ám khói đen của nhiên liệu đun chụm như rơm rạ, tre, củi vụn, than... Mưa rả rích, cánh cửa liếp không che đủ gió lạnh càng làm ấm áp tình bạn bè, tình thân mộc mạc giữa khách xa nhà và những mẹ già, cô em gái quê chân chất đang ngồi bên bếp lửa cắm cúi chụm cho lửa nồng đưọm để nồi canh, nồi chè mau chín.

    Đó là những cảm xúc hiếm có với những ai không được sinh ra ở nông thôn, nơi bếp thường chiếm một gian riêng, có chỗ thoát khói, ở thành thị cách nay mấy chục năm bếp dầu đã trở thành thứ tiện dụng đặt trong phòng bếp nhỏ xíu, thường ở cuối căn nhà ống. Nhà nào khá thì xây bàn bằng xi măng, ốp gạch men, trên đặt hai ba cái lò. Nhà thường thường thì kiếm đâu đó cái bàn bằng gỗ tạp, đặt hai cái bếp dầu cũng xong. Có nhà đặt luôn dưới đất, phụ nữ ngồi làm cá, lặt rau trên cái thớt dưới đất xong bỏ vào nồi, vào chảo, bắc lên bếp cũng trên nền xi măng. Bếp dầu đen nhẻm, mỗi khi tắt xong nồng nặc mùi. Những cái bếp gia đình nghèo thành thị chật chội, ướt át vì gần vòi nước rửa rau, rửa chén và gần cả đường cống. Ban đêm, những con gián, con chuột chui ra, lùng sục đồ ăn bị rơi vãi. Thương cho những bà mẹ, bà chị lúi húi dưới căn bếp chật để có bữa cơm nóng sốt, ngon lành với mấy thứ rau cá đạm bạc tằn tiện mua ngoài chợ. Sau buổi cơm lại lo đậy điệm, luôn áy náy khi thấy dấu vết những con vật ký sinh.

    Những năm thập niên 80, cái bếp dầu chán phèo cũng không còn xài vì thiếu dầu. Bọn trẻ thành phố do phải phụ gia đình mua nhu yếu phẩm nên bắt đầu làm quen với than quả bàng, than bánh nhồi bằng than đá vụn. Rồi đến mua củi theo tiêu chuẩn. Mấy thằng con trai mới lớn gầy rộc, đen nhẻm vì thiếu ăn, dùng nhiều sức chẻ củi thanh để chụm.

    Bếp nhà ai cũng đen thui vì khói từ củi tươi, củi nhiều dầu, và cả những súc củi ướt vì để lâu ngoài sân nhà. Thỉnh thoảng lại hưởng được một chút hương vị lãng mạn xa xưa, trong một đêm lửa trại ngồi nướng thịt chuột đồng, con cá con cua cùng bạn bè hay một buổi tối ngồi canh bánh chưng nhà cô bạn gái, lẩm nhẩm đọc thơ Trần Ngọc Châu: “Em đã hẹn gặp nhau đêm Ba mươi, bên bếp lửa nồi bánh chưng rất ấm, uống chung nhau một ly trà đậm, sẽ kể hoài mà không hết chuyện vui...”. Lúc đó, mới có không gian để nhìn ánh lửa bập bùng reo vui mà hoài vọng những điều xa xôi còn xa tít chân trời. Lúc đó, lòng còn trong trẻo, nhớ tới ánh lửa trong rừng đêm của phim Mười hai vị thần tháng... Lửa lách tách reo, những tàn lửa nhẹ bay lên bầu trời đêm của một cuộc trại hay không gian của một cái sân nhỏ ở đâu đó Phú Nhuận là những hình ảnh giản dị còn giữ mãi.

    Rồi đến lúc những cái bếp dầu dần được thay thế bằng bếp gas. Thêm vào đó là bao nhiêu thiết bị máy móc khác được trang bị cho nhà bếp. Bếp được dành chỗ rộng hơn nhờ diện tích nhà ở chiếm không gian trên tầng cao. Những người mẹ, người vợ thoải mái hơn và dần cảm thấy hài lòng khi có một không gian thể hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình. Cái bếp ở thành thị không mấy khi là nơi sum họp gia đình, nay được đặt trong một không gian rộng hơn, có cả bàn ăn. Người nội trợ thao tác bằng bấm hoặc bật nút nhanh gọn. Không khí như ấm cúng hơn bằng món ăn ngon, không cần hơi ấm của lửa. Đó cũng là lúc tình gia đình trở thành ngọn lửa không gì thay thế được. Và có khi bữa ăn không phải do mẹ ta, chị ta nấu, mà là của một cô nào đó, tháng trước còn lạ hoắc sống ở một vùng quê nào đó nay vào nhà mình nấu một món hoàn toàn khác khẩu vị. Khó ăn đó nhưng cũng ráng nuốt để còn xách cặp đi học, đi làm hay nghỉ ngơi, xem ti vi... Bếp lửa giờ đơn thuần là công cụ. Cuộc sống tiến lên, còn đòi hỏi gì nữa!

    Không thể đòi hỏi điều gì tốt hơn thế. Nhưng hôm nay, trời Sài Gòn bỗng dưng se lạnh như trong một mùa bão rớt. Người giúp việc ốm. Mẹ già lần xuống bếp, tráng một dĩa trứng với cà chua, chiên con cá dầm nước mắm. Bật giúp mẹ cái bếp gas. Nồi cơm chín tới, ngồi ăn cơm với mẹ như những ngày xa xưa khi mình còn nhỏ, khi tóc mẹ còn đen chứ không như bông lau bây giờ. Sao thấy con cá lóc chiên thơm giòn quá, nước mắm vừa ăn, dĩa trứng chiên nêm vừa phải, đậm đà. Ký ức còn đâu đây, khi dáng mẹ còng lưng nhen cái bếp đất nung chụm củi bằng những thanh gỗ mảnh ba chịu khó chẻ nhỏ. Những cái bếp phố thị chật hẹp nhưng vẫn ấm áp tình nhà.

    bep pho thi_5.jpg
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/2/17
  19. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Những người đi qua xóm

    CẬU ĐÃ HƠN SÁU MƯƠI, bộ tóc dày hơi gợn sóng đã hoa râm nhưng còn đẹp như những ngày thanh niên. Tuổi như cậu mà cao hơn mét bảy, lưng không thèm còng, giọng nói sang sảng khiến bọn thanh niên thèm thuồng: “Không biết già tới tuổi cậu, mình có giữ được phong độ thế không?”

    Khi từ nước ngoài trở về thăm nhà, cậu nheo mắt nhìn cái xóm cũ của mình: “Thay đổi nhiều quá, tìm không ra nhà nữa”. Cậu ngồi xuống bộ salon cũ, khoan khoái nhấp cà phê pha với sữa đặc có đường, như hồi trẻ, uống với sữa Con Chim, sữa Ông Thọ, loại sữa mà ra nước ngoài không ai dùng chung với cà phê. Cậu nhìn ra con đường nhỏ băng ngang nhà: “Nhìn mấy cái ghế đá là biết xóm này thay đổi quá rồi”.

    Sao lại nhìn thấy sự thay đổi từ chiếc ghế đá? Nhìn ra ngoài, hẻm phong quang, nhà nào cũng đặt chậu bông hai bên cổng, vừa che chắn ánh nắng trực tiếp xói vào nhà vừa đẹp xóm. Xen kẽ là những chiếc ghế đá để sát vách tường nhà. Buổi chiều mát, ông già bà cả, con nít ra ngồi chuyện trò. Hẻm đã trải nhựa không còn bụi nhiều như trước, ngồi đâu ai còn sợ hít bụi như hồi xưa. Cây xanh nhiều hơn, dù cư dân vẫn là những người cũ, sống tằn tiện với nghề sửa xe, thợ hồ, buôn bán vặt. Hẻm nâng cấp, dân cũng văn minh lên, dám mua chậu cây Biên Hòa, cây kiểng đẹp dù bình dân như mai chiếu thủy, mai tứ quý. Buổi chiều, nhà nào cũng có người ra quét đoạn đường nhựa trước nhà cho con nít chơi. Nhà nào lỡ đổ nước ra đường là bị cự, phải dùng chổi quét cho mau khô. Taxi đã tới tận nhà đón khách từ khi mở hẻm. Cư dân vui trông thấy, dù còn nghèo, thấy mình ở Phú Nhuận vậy là ngon rồi: “Hồi xưa ông nhạc sĩ Phạm Duy, nghệ sĩ Năm Châu cũng ở Phú Nhuận thôi. Cư xá Chu Mạnh Trinh chứ đâu. Bây giờ nhìn lên bản đồ, Phú Nhuận nằm giữa trung tâm thành phố”. Đúng là như vậy khi tính đoạn đường từ Phú Nhuận đi đâu cũng cỡ bốn đến sáu cây số, ra Sài Gòn hay về Gò Vấp, đi Chợ Lớn. Những cư dân cũ của xóm nghèo hãnh diện khi mình trụ được ở một vùng đất xưa, nơi có Đình Phú Nhuận, có tục hát Đình từ thuở nào còn duy trì đến nay, nơi có chợ Xã Tài, bến Tắm ngựa nổi tiếng...

    Cậu nhắc đến những người thuở xưa, giờ mất hết cả. Lạ quá, những người ta nhớ nhiều lại là những người mà thuở bé ta luôn khiếp sợ. Bà Chín khó tính lắm, tối Giao thừa má biểu qua nhà bà biếu lạp xưởng, mứt, bà cầm lấy, gởi lời cám ơn má nhưng chưa thấy cười bao giờ. Bà Sáu hay la con nít. Ông Mười cũng hay la con nít. Nhưng họ là những người đáng nhớ. Nhớ hồi ông bà Chín còn sống, dù rất ngán gặp bà nhưng con nít ai cũng khoái ông Chín. Cháu tiếc những bức tranh in trên giấy, hình những người Nhật cạo đầu phía trước, bận áo chùng, mắt trợn ngược, ông cho cháu hàng xấp, cháu ngắm nghía một thời gian rồi bỏ mất. Giờ mới tiếc ngẩn ngơ đó là những bức tranh Phù thế hội (Ukiyoe) của Utamaro mà ông bà đi du lịch Nhật Bổn những năm 60 mang về. Nhớ lần trèo trộm cây mận nhà bà Chín, cháu nín thở ngồi yên trên cây cả tiếng đồng hồ khi nhìn xuống thấy bà ngồi ăn cơm trước hiên. Vậy mà khi phát hiện, bà cho cháu cả rổ mận và nghiêm mặt, vẫn không cười, cấm không cho trèo cây vì dễ “té lọi giò”. Bà Sáu thì gần nhà cháu hơn, sống khiêm tốn vì chồng đã mất, ở vậy với cô con gái quá lứa. Cô Tư không đẹp dù trắng trẻo, cao và thẳng đuỗn nhưng may đồ đẹp, làm bánh khéo bán nuôi mẹ già. Nhớ hồi sau giải phóng, bà Sáu qua năn nỉ má mua giùm cây đàn Mandolin của cô Tư hồi còn nhỏ hay chơi. Bà cho luôn tập nhạc của cô. Một tập nhạc tuyệt đẹp với những bài hát mà bây giờ đã trở thành bất hủ, như Buồn tàn thu, Đàn chim Việt; Hòn Vọng phu kẻ dòng nhạc bằng mực tím, nét chữ viết lời bay bướm, chữ có đuôi, có móc... Cô Tư rồi cũng có chồng dù không tương xứng với học vấn nhưng đàng hoàng. Bà Sáu mất. Căn nhà bà ở trọ là cái quán bán cà phê pha bằng vợt vải cũng thay chủ, thành căn nhà lầu. Tết rồi cô Tư về thăm xóm, ghé má. Lưng cô còng hơn má, tóc bạc trắng, hàm răng giả trắng, quần áo trắng bong như bà Sáu thuở sinh thời, luôn giữ nếp một gia đình khá giả miệt vườn Vĩnh Long thời Pháp thuộc dù có sa sút tới cỡ nào.

    Cậu còn nhớ cả “con Lùng bán bánh ướt”. Con Lùng giờ đã thành bà Lùng. Ông Chệt ba bà Lùng nói giọng lơ lớ đi “bán muối” lâu rồi. Bà Lùng vẫn gánh bánh ướt vào xóm nhưng gần đây không thấy nữa. Cháu vẫn nhớ nước mắm giấm tỏi của ông Chệt pha ngon tuyệt, con dao của ông bén ngót, xắt bánh tôm ra từng miếng đẹp như múi cam. À, còn cái ông sửa giày dép không ai biết tên vẫn còn sót lại cậu à. Ông như không già đi hay là đã chớm khắc khổ từ hồi còn trẻ nên không thay đổi. Vẫn đi xe đạp vào xóm, gầy còm, ngồi lui cui sửa giày góc xóm, miệng vẫn móm xọm ngồi ép vào đầu gối mà hồi còn nhỏ, cháu cứ ngỡ ông bị móm do kiểu ngồi như vậy. Nhớ mới năm ngoái, ông vào xóm và khi tới gần nhà bà Mười có đám tang, ông lập tức nhảy phóc xuống xe dắt bộ, ngả mũ xuống ôm trước ngực và cúi đầu đi qua. Một cử chỉ mà lâu quá cháu không còn thấy nữa.

    Cậu đi một vòng quanh xóm với cháu. Sau khi mở hẻm, nhà nào cũng giữ được cái sân phía trước, vẫn còn nhiều những cái bàn thiên trước nhà mà hồi còn nhỏ, tụi con nít thường rình lúc tắm mưa chôm trái cây bày trên đó. Phòng khách tất cả các nhà đều bày tủ thờ ngó ra đường, bên trái là cái chò gỗ, bên phải là cái bình sứ Nhật in hình sơn thủy hay cái bình Lái Thiêu xanh trắng mộc mạc. Dăm ba người bạn hồi nhỏ bắt tay cậu, ai cũng nhàu nhĩ dáng vẻ qua thời gian. Chụp chung tấm ảnh, bâng quơ vài câu hỏi thăm e dè dù đã từng rất thân nhau, mời nhau dăm điếu thuốc. Mỏi chân rồi, cậu ngồi xuống ghế đá, nhìn lên một mảng trời xanh xuyên qua tán lá mít cuối xóm. Đã có những ngày mà trời cũng xanh như bây giờ, mây vẫn trắng như bây giờ mà nay sao thay đổi nhiều quá.

    Ôi những người đã đi qua xóm muôn năm cũ, dù chỉ thoáng chốc hay là ghé tạm một khoảng đời.
     
    bun_oc thích bài này.
Moderators: galaxy, teacher.anh
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này