Trà phiếm Sử ký - Tư Mã Thiên - Trần Quang Đức dịch

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tulipviet, 4/4/19.

Moderators: amylee
  1. tulipviet

    tulipviet Sinh viên năm II

    Có bác nào đọc Sử ký bản mới dịch này và các bản cũ rồi cho xin nhận xét với, mình thấy giới thiệu đây là bản dịch đầy đủ nhất đến hiện nay.

    ------------------
    [​IMG]
    Sử ký của Tư Mã Thiên, tập 1 của bộ 4 cuốn, do Trần Quang Đức dịch thuật, Nhã Nam biên soạn và phát hành.

    Vậy là sau Phan Ngọc, đã có một dịch giả trẻ tiếp tục hoàn thiện các tác phẩm này. Tôi cũng nghĩ, các tác phẩm kinh điển sẽ có nhiều bản dịch khác nhau, của các thế hệ dịch giả khác nhau và ngày càng hoàn thiện dần.

    Những bạn hâm mộ sách vở, nhất là sách sử, rất nên đọc cuốn sách đầy ý nghĩa này. Những bạn muốn Thoát Trung càng nên đọc vì sẽ hiểu thêm về dân tộc Hán, các mưu đồ & tính cách của các tinh hoa Hán. Chỉ hiểu họ, các bạn may ra mới thắng được họ... Nên cứ phải chi tiền và đọc sách đã, hehe.

    ---

    Sử Ký Tư Mã Thiên

    I.

    “Sử Ký” của Tư Mã Thiên nhất định là một trong những cuốn sách mà tôi yêu thích nhất. Và không chỉ có thế, Sử Ký Tư Mã Thiên luôn là nơi tôi tìm thấy những bài học đầy tính răn dạy cho chính mình.

    Mặc dù hầu như đã thuộc lòng mọi nhân vật, mọi điển tích trong truyện của ông, nhưng đến nay, tôi vẫn đọc lại Sử Ký. Tôi đọc những điều ông viết khi tôi cần tìm lời khuyên răn, khi cần tìm niềm tin và sự soi rọi cho mình.

    Những thăng trầm, những biến động, những thành bại, và cả sự sinh tử của con người, mà bề ngoài tưởng như ngẫu nhiên và bất tường, nhưng thực ra, lại chính là thứ “nhân quả”, bởi “người ta tư tưởng thế nào, thì sẽ trở thành con người như thế”. Điều đó có thể thấy rõ nét trong mọi truyện kể của ông.

    “Đêm, Hạng Vương thức dậy, uống rượu trong trướng. Có mỹ nhân thường đi theo tên là Ngu, có con ngựa thường hay cưỡi tên là Chuy, Hạng Vương đau đớn cảm khoái làm bài thơ: “Sức nhổ núi, khí trùm trời; Ngựa Chuy chùn lại bởi thời không may! Ngựa sao chùn lại thế này? Nàng Ngu biết tính sao đây hỡi nàng? Hạng Vương ca mấy lần, mỹ nhân họa theo. Hạng Vương khóc chảy nước mắt! Tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng lên nhìn.” (Trang 97). “Sức nhổ núi, khí trùm trời”, nhưng không biết dùng Trần Bình, muốn xua đuổi Phạm Tăng, có đất không muốn chia, có tước không muốn phong, làm sao lại than “Trời hại ta chứ không phải ta đánh không giỏi”! “Cao Tổ…tính nhân hậu, thương người, thích cho người, đầu óc rộng rãi, luôn nghĩ đến mưu đồ lớn, không lo làm ăn và công việc của người trong nhà…làm đình trưởng ở sông Tứ. Đối với tất cả các quan lại trong quận, Cao Tổ đều coi thường, đùa bỡn. Tính thích rượu và gái” (Trang 105). Nhưng Cao tổ dùng được Hàn Tín và Bành Việt làm tướng quân, dùng Tiêu Hà và Tào Tham làm tướng quốc, dùng Trần Bình và Trương Lương làm quân sư, thì làm sao mà thua được?

    Trong Sử Ký có hàng ngàn những điển tích ngắn nhưng đầy ý nghĩa. Và chỉ cần thế thôi, Tư Mã Thiên đã khắc họa chính xác nhất tính cách nhân vật của ông.

    Trong Hoài Âm hầu liệt truyện, bạn đọc không chỉ nhớ điển tích Tín chui háng ở chợ, một người không thể tự nuôi nổi thân, mà sẽ còn nhớ đến câu Tín nói “Nhà vua không muốn lấy thiên hạ sao mà lại chém tráng sĩ?”. Hay trong Trần Thừa tướng thế gia, bạn đọc không chỉ nhớ chuyện Bình bị chị dâu xua đuổi “ăn gì mà béo thế!”, mà còn nhớ việc Bình làm anh chia thịt ở chợ khảng khái nói “Nếu cho ta làm tể tướng cả thiên hạ thì cũng giỏi như chia thịt vậy”.

    Đó chẳng phải là “Ngọc tốt giấu kín nơi sâu, Rồng thần lặn không kẻ thấy, Chờ khi người biết đến mình, Chí lớn nọ đem ra vẫy vùng, Giúp tám cực mà chuyển xoay, Vỗ chín cõi yên rường mối” (Thơ Ngô Thời Nhậm).

    II.

    Suốt những năm tháng sinh viên, dù mải mê và thuộc lòng những trang viết của ông, nhưng tôi vẫn không thể đọc được bài đầu tiên “Thư trả lời Nhâm An”. Hay nói đúng hơn, tôi có đọc nhưng không hiểu nổi vì sao chỉ để từ chối Nhâm An mà ông phải viết dài đến thế. Có lẽ khi đó, tôi quá trẻ để hiểu những tâm sự của ông. Khi đó, tôi không hiểu nỗi khao khát của một con người “bất cơ”, từng đi khắp Trung Nguyên, muốn viết Sử Ký, muốn làm “một Khổng Tử sau 500 năm.”

    “Tôi đọc Ly tao, Thiên vấn, Chiêu hồn, Ai sinh, thương chí ông. Tôi sang Trường Sa, xem quãng sông Khuất Nguyên trẫm mình, không lần nào không khóc. Khi thấy Giả sinh viếng ông (), tôi lấy làm lạ tại sao tài giỏi như Khuất Nguyên, nếu sang chư hầu thì nước nào chả dùng, tại sao lại làm khổ mình như thế? Đến khi đọc bài phú Phục điểu “Sống kia như trôi chừ, chết kia như nghỉ”, thấy nói đến việc coi sống chết như nhau, coi thường việc đi hay ở. Bấy giờ lòng luống bâng khuâng, tự biết mình lầm…” (Trang 634). Có lẽ Tư Mã Thiên đã tìm thấy nơi Khuất Nguyên, một hình ảnh của chính mình?

    III.

    Có thể nói, độc giả sẽ không thể đọc Sử Ký Tư Mã Thiên mà không cảm thấy rạo rực trong bầu nhiệt huyết. Trong tác phẩm Sử Ký, mỗi nhân vật, mỗi con người của ông là lời phản bác và khinh miệt sự nản chí và hèn nhát, là những áng văn hùng hồn ca ngợi chủ nghĩa anh hùng. Một lòng can đảm mãnh liệt, một chủ nghĩa khắc kỷ không phải chỉ là lời nói mà còn bằng máu, tỏa sáng trong cuộc đời những người anh hùng như Dự Nhượng, Kinh Kha, Ngũ Tử Tư, Lạn Tương Như…, mang lại cho các nhân vật và chính ông sự nổi tiếng bất diệt.

    Như Phan Ngọc viết, “Sử Ký là cả một thế giới”, ở đó, sinh viên và nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo hay bậc tôi tớ, cả doanh nhân và chính khách đều có thể tìm được bài học cho mình. Mạnh Tử từng nói: "Nhà hiền triết là vạn thế sư biểu, là người thầy của cả trăm thế hệ". Tư Mã Thiên chính là một nhà hiền triết như thế.

    Đây là lần thứ 3, tôi mua Sử Ký. Lần đầu tiên, tôi mua năm 1988, được vài tháng thì mất. Lần thứ 2, tôi mua Sử Ký, loại bộ 2 tập, đến nay vẫn giữ, nhưng gáy đã sờn rách. Có thể nói, tôi yêu Sử Ký, yêu Tư Mã Thiên, và biết ơn dịch giả Phan Ngọc.

    Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.



    Vài nét thêm về tác phẩm:

    Sử ký của Tư Mã Thiên cùng với Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang là hai tập đại thành đầy đủ nhất về tư tưởng và lịch sử văn hóa Trung Hoa. So với lần xuất bản trước, trong lần xuất bản này, dịch giả Phan Ngọc đã bổ sung thêm một số bài. Cho đến nay, có thể coi như hầu hết bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên đã được dịch ra tiếng Việt.

    Bản dịch của Phan Ngọc là một tác phẩm rất có giá trị, được dịch công phu, in bìa cứng, với giấy trắng đẹp, ngôn ngữ ngắn gọn nhưng sâu sắc, cứng rắn nhưng trau chuốt. Ngoài ra, dịch giả Phan Ngọc còn bổ xung rất nhiều chú thích và giải thích thêm cho bản dịch, giúp độc giả Việt nam hiểu hơn các sự kiện, con người và văn hóa Trung Hoa.

    Với việc dịch Sử Ký Tư Mã Thiên, Phan Ngọc đã mang đến cho bạn đọc Việt nam một trong những “viên ngọc quí nhất” của kho tàng văn học Trung Hoa. Ông thực sự là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ dịch giả Việt nam đi sau học tập.

    27/4/2004

    ---

    Giả Nghị làm bài Điếu Khuất Nguyên “Úp rồng thần nơi chín vực, Náu hang sâu mà giữ vật báu, Nhìn chín châu mà tìm vua chừ! Có gì mà phải nhớ mong kinh đô ấy? Phượng hoàng liệng bay cao trên ngàn tầm, Nhằm đức sáng mà bay xuống”.

    [ii] Cuốn này dày tới 3000 trang, được Mao Trạch Đông đọc tới 18 lần trong đời. Vài năm trước, tôi có nghe nói Đại học Huế từng có dự định cho xuất bản cuốn sách này, nhưng có lẽ do eo hẹp tài chính mà đến nay tác phẩm này chưa được dịch và xuất bản. Mong rằng một ngày nào đó không xa, Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang, cũng sẽ được ra mắt độc giả Việt nam.
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Heoconmtv and thanhbinhtran like this.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này