Tin tức Tạp chí Bách Khoa được 'số hóa' toàn bộ

Thảo luận trong 'Tin tức - Sự kiện' bắt đầu bởi silence00, 7/11/17.

  1. silence00

    silence00 Sinh viên năm II

    Phạm Phú Minh

    Thời trước 1975 ở miền Nam báo chí tư nhân rất phong phú, nhất là từ sau năm 1963 thì nhật báo và các tạp chí xuất hiện rất nhiều. Nhưng những ai theo dõi tình hình báo chí cả hai thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa thì đều thấy tờ báo tồn tại lâu dài nhất của miền Nam Việt Nam chính là tờ bán nguyệt san BÁCH KHOA : số 1 ra đời vào ngày 15 tháng 01 năm 1957, số cuối cùng 426 ra ngày 19 tháng 4 năm 1975.

    Hôm nay chúng tôi xin loan báo một tin vui, là sau nhiều năm cố gắng, một nhóm bạn bè của báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ đã sưu tầm đầy đủ toàn bộ báo Bách Khoa, chỉnh đốn lại để thành một bộ báo số hóa có thể phổ biến cho mọi người.

    Việc chúng tôi nghĩ nên làm ngay sau khi hoàn tất việc sưu tầm là đến thăm ông Huỳnh Văn Lang, Chủ Nhiệm Sáng Lập tạp chí Bách Khoa để kính tặng ông đĩa DVD chứa đựng toàn bộ 426 số báo đã được điện tử hóa. Chiều ngày 16 tháng 10, 2017 vừa qua anh Trần Huy Bích và tôi đã tới thăm ông Huỳnh Văn Lang tại nhà ông trong thành phố Westminster Nam California, rất mừng thấy ông tuy đã ở tuổi 96, vẫn tương đối mạnh khỏe, nhất là tinh thần còn rất sáng suốt.

    Ông đã rất vui và cảm động nhận đĩa DVD chứa toàn bộ báo Bách Khoa do chúng tôi tặng, và nói : “Với công trình tìm tòi và lưu giữ như thế này, tạp chí Bách Khoa sẽ an toàn tồn tại nhiều trăm năm về sau”. Và chúng tôi đã được vị sáng lập tờ Bách Khoa kể lại không biết bao nhiêu là “chuyện xưa tích cũ”, thời gian từ Mỹ mới về nước để giúp ông Ngô Đình Diệm xây dựng chính quyền, những ngày đám chuyên viên trẻ tuổi còn “ngủ ghế bố” trong dinh Gia Long cho đến khi Thủ Tướng dời vào dinh Độc Lập. Mỗi câu chuyện như thế đối với tôi là một mảng lịch sử, qua giọng kể Nam Kỳ hấp dẫn và chân thành của ông. Thú vị nhất là ý tưởng lập hệ thống các trường Bách Khoa Bình Dân, rồi hội Văn Hóa Bình Dân để sau cùng là tạp chí Bách Khoa chào đời.

    [​IMG]
    Ông Huỳnh Văn Lang (bên phải), với DVD Bách Khoa trên tay, đang trò chuyện với Phạm Phú Minh. (Ảnh: Trần Huy Bích)
    Ông Huỳnh Văn Lang là người sáng lập, là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút của Bách Khoa từ số ra mắt cho đến cuộc đảo chánh 1963 chấm dứt Đệ Nhất Cộng Hòa. Ông nói : “Ngay khi quyết định ra báo, 30 thành viên của hội Nghiên cứu Kinh tế Tài chánh mà tôi đứng đầu mỗi người góp 1000 đồng (trừ một vị chỉ góp 500) để làm vốn. Hồi đó 30,000 đồng là một số tiền lớn, nhưng khi bắt tay làm báo thì tiền in nó ngốn mau lắm, tôi phải xoay xở liên tục cho đến khi tờ báo ổn định...”

    Qua buổi gặp gỡ và trò chuyện với ông Huỳnh Văn Lang, tôi hình dung ra hoạt động của một nhóm trí thức trẻ cách đây 60 năm, đồng lòng xắn tay áo lao vào những công việc cụ thể, trong buổi bình minh của một vận hội mới mẻ cho vùng phía Nam của đất nước.

    ***

    Cho tới nay, Bách Khoa là tờ báo tư nhân sống lâu nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tờ sống lâu thứ nhì là tạp chí Nam Phong của học giả Phạm Quỳnh, ra đời vào tháng Bảy năm 1917, đình bản ở số 210, ngày 10 tháng Mười Hai năm 1934. Trên Nam Phong số cuối này có dòng chữ Năm thứ mười tám, nhưng đó là chỉ mới bước vào năm thứ 18 thôi, trong thực tế Nam Phong thọ 17 năm 5 tháng. Trong khi đó báo Bách Khoa xuất bản từ tháng 1 năm 1957, tính tới tháng 1 năm 1975 là đủ 18 tuổi, tới hết tháng 4-1975 nó được 18 năm 3 tháng. Đó là chưa kể số lượng các số báo, Bách Khoa xuất bản 426 số; Nam Phong tổng cộng 210 số, chỉ bằng một nửa. Dễ hiểu, Nam Phong là nguyệt san (mỗi tháng ra một số), Bách Khoa là bán nguyệt san (mỗi tháng ra hai số).

    Do đời sống lâu dài của nó suốt gần 20 năm cộng với nội dung mà nó mang lại, Bách Khoa có thể coi là cái xương sống tinh thần của miền Nam từ khi đất nước chia cắt 1954 cho đến 1975. Cho đến nay, các bài viết về báo Bách Khoa trong và ngoài Việt Nam đã khá nhiều, từ các hồi ức của những người trực tiếp góp phần xây dựng tờ báo đến những nhà nghiên cứu về sau, chúng tôi chỉ xin tóm tắt một ít điểm chính để giới thiệu một cách tổng quát Bách Khoa với độc giả.

    Bách Khoa do ai sáng lập? Dưới đây là hình bìa trước và bìa sau của số đầu tiên. Ở bìa sau chúng ta thấy danh tính những người tạo ra nó:

    [​IMG]
    [​IMG]
    Chủ nhiệm sáng lập là Huỳnh Văn Lang, “hợp tác cùng các bạn” gồm ba mươi người liệt kê ngay bên dưới. Tập thể này là những chuyên viên của Hội Kinh tế/ Tài chánh thành lập từ 1955, đứng đầu là ông Huỳnh Văn Lang. Họ là những người hầu hết còn trẻ tuổi vào thời điểm đó, một số du học ngoại quốc mới về nước, tham gia chính quyền miền Nam với lý tưởng xây dựng một quốc gia Việt Nam tự do và phú cường. Sinh hoạt của Hội là họp mỗi hai tuần một lần, thảo luận về những vấn đề kinh tế tài chánh Việt Nam đang phải giải quyết. Sau một thời gian hoạt động nhóm chuyên viên này nhận thấy cần phổ biến rộng rãi các nghiên cứu của họ, nên đã quyết định tổ chức một tờ báo như là một “diễn đàn chung của tất cả những người tha thiết đến các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”: tờ BÁCH KHOA ra đời.

    Số đầu tiên ra mắt ngày 15 tháng 01 năm 1957 và những số kế tiếp các bài nòng cốt là của các cây bút “cơ hữu” như Huỳnh Văn Lang, Phạm Ngọc Thảo, Hoàng Minh Tuynh, Nguiễn-Ngu-Í... Các cây bút có tên tuổi dần dần tham gia ngày một đông : Nguyễn Hiến Lê xuất hiện vào số 4, Mặc Thu, Vi Huyền Đắc số 5, Võ Phiến số 7, Bùi Giáng số 8...

    Trong cuốn Hồi Ký của mình xuất bản sau 1975, học giả Nguyễn Hiến Lê, người bắt đầu viết cho Bách Khoa từ cuối tháng 2 năm 1957 và “dính” luôn với Bách Khoa cho đến số cuối ra ngày 19 tháng 4 năm 1975, đã viết:

    Trong lịch sử báo chí nước nhà, tờ Bách Khoa có địa vị đặc biệt. Không nhận trợ cấp của chính quyền mà sống được mười tám năm từ 1957 đến 1975, bằng tờ Nam Phong, có uy tín, tập hợp được nhiều cây bút giá trị như Nam Phong, trước sau các cộng tác viên được khoảng một trăm.”

    Nhà văn Võ Phiến, người cũng đã gắn bó với Bách Khoa suốt 18 năm, với các sáng tác truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, tạp luận, ngoài ra ngày càng viết nhiều mục với các bút hiệu khác nhau như Tràng Thiên, Thu Thủy. Ông tuy không phải là người làm việc trực tiếp trong tòa soạn Bách Khoa nhưng có thể coi như là người quan trọng tạo nên linh hồn của tờ báo. Ông kể :

    “Thoạt tiên là tờ báo của hai nhân vật trong chính quyền: các ông Huỳnh Văn Lang và Hoàng Minh Tuynh. Về sau các ông này rút lui ra khỏi chính quyền, rồi tờ Bách Khoa cũng dần dần chuyển về ông Lê Ngộ Châu.

    Các ông Huỳnh và Hoàng là những chuyên viên trong giới ngân hàng, rồi ngay ông Lê cũng không phải là một văn gia, ấy vậy mà Bách Khoa phải kể là một trong những tờ báo thành công nhất ở miền Nam trong ngót hai mươi năm. Đó là chỗ lý thú trong tình hình sinh hoạt của thời kỳ văn học này.”

    (Văn Học Miền Nam - tổng quan, Võ Phiến, trang 238)

    Đoạn này nhà văn Võ Phiến hình như cố tình viết không rõ về hai sự kiện ông Huỳnh Văn Lang và Hoàng Minh Tuynh “rút lui ra khỏi chính quyền” và việc “tờ Bách Khoa cũng dần dần chuyển về ông Lê Ngộ Châu”. Xem lại quyển Ký Ức Huỳnh Văn Lang (tập 1) do tác giả xuất bản năm 2011, có đoạn viết :

    Sau 6 tháng hoạt động, 30 thành viên toàn là chuyên môn quyết định, mỗi người bỏ ra 1000 đồng (trừ ra một GS chỉ chịu hùn 500 đồng thôi, vì xem như là bố thí), để phổ biến những nghiên cứu của Hội trên một tạp chí.

    Và Bách Khoa Tạp chí đã ra đời. Số 1 phát hành ngày 15 tháng 1 năm 1957, người viết kiêm chủ nhiệm và chủ bút cho đến năm 1963 phải giao cho anh thư ký tòa soạn Lê Ngộ Châu, vì bị chế độ ‘người lính cai trị’ bắt đi bắt lại ba bốn lần giam giữ sau trước gần ba năm.”

    (Ký Ức Huỳnh Văn Lang tập 1, trang 624)

    Sự kiện người Thư ký Toà soạn Lê Ngộ Châu được giao toàn quyền điều hành tiếp tục tờ Bách Khoa trong một biến cố bất ngờ như thế đã cho chúng ta hiểu rằng vị Thư ký Tòa soạn này đã thực sự đóng một vai trò rất tích cực đối với tờ báo từ nhiều năm tháng trước đó. Về tài làm báo cùng kiến thức, tính tình của ông Lê Ngộ Châu, xem lại hồi ức của nhiều nhà văn cộng tác, thấy ai cũng yêu mến và kính phục ông.

    Ý kiến của Nguyễn Hiến Lê, người cộng tác với Bách Khoa từ 1957 đến 1975:

    “Ông Châu làm việc rất siêng, đọc hết mọi bài nhận được, đăng hay không ông đều báo cho tác giả biết. (...) Tôi mến ông vì ông có tinh thần trách nhiệm, làm việc đàng hoàng, biết cương quyết giữ vững chủ trương cả khi báo suy, biết xét người, xét văn và có tình với người cộng tác: ai gặp nạn gì ông lại nhà thăm, tìm mọi cách giúp đỡ; nhất là sau vụ Mậu Thân, ông rất băn khoăn lo lắng về các anh em bị kẹt trong vòng máu lửa.”

    (Trích từ “Đời viết văn của tôi” của Nguyễn Hiến Lê)

    Nhà phê bình văn học Đặng Tiến, trong bài viết tưởng niệm khi nghe tin ông Lê Ngộ Châu qua đời (vào ngày 24 tháng 9 năm 2006), có đoạn đánh giá Lê Châu -như cách gọi của anh em văn nghệ- như sau:

    “Nhờ đức tính kín đáo, hòa nhã, Lê Châu đã tập hợp không những trên mặt báo nhiều khuôn mặt khác biệt, thậm chí trái ngược về hoàn cảnh, tính tình lẫn chính kiến, mà còn quy nạp được nhiều bè bạn đến từ những chân trời khác nhau, trong đời sống cụ thể hằng ngày. Chưa kể những tác giả sinh sống ở ngoài nước thường xuyên gửi bài về cộng tác.

    Lê Châu kiến thức rộng, thường xuyên giao tiếp với quan chức hay các nhà văn hóa danh vọng, nhưng luôn luôn từ tốn, trong cách ứng xử hàng ngày, với những người viết trẻ tuổi. Ông đặc biệt lưu tâm đến những người viết mới, viết từ các tỉnh nhỏ, đặc biệt là từ Miền Trung. Bách Khoa là một tờ báo phổ thông, chủ tâm vào những đề tài chính trị, quốc tế, kinh tế, khoa học, chỉ dành một phần cho văn học nghệ thuật, nhưng về lâu về dài đã có những đóng góp lớn lao cho bộ môn văn nghệ. Về sau, phần văn nghệ này lại là khối tài liệu quý giá.

    Lê Châu còn là gương sáng về đức khiêm tốn trí thức. Hai chữ Bách Khoa bình thường được dịch ra tiếng Pháp là Encyclopédie theo nghĩa từ điển bách khoa, hoặc tư trào Bách Khoa trong văn học Pháp thế kỷ XVIII ; nhưng Lê Châu không nhận từ này, cho rằng quá to tát so với tờ báo. Ông dịch Bách Khoa là Variétés, sát nghĩa là « tạp chí ». (...)

    “Lê Châu là kẻ sĩ theo truyền thống, luôn luôn mực thước, trong nếp trung dung của cửa Khổng sân Trình và theo nếp mực thước, juste mesure của bực trí thức tân học. Trong đời sống, ông là người bảo thủ ; trên cương vị chủ báo, ngược lại, ông khuyến khích văn chương trẻ và tư tưởng mới, nhưng chừng mực thôi.”

    (Tạp văn: Lê Ngộ Châu, 160 Phan Đình Phùng - Đặng Tiến)

    Trong cuốn Văn Học Miền Nam tổng quan, nhà văn Võ Phiến đã ghi lại một nhận xét của nhà văn Nguyễn Hiến Lê mà chắc ông cũng đồng ý: “Tuy vậy kể là cây bút chủ yếu của Bách Khoa từ trước đến sau vẫn là hai người : Võ Phiến và Nguyễn Hiến Lê (xem Hồi ký Đời viết văn của tôi của Nguyễn Hiến Lê)”.

    [​IMG]
    Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912 - 22.12.1984).
    Thế nào là cây bút chủ yếu của một tờ báo? Có cần đó là Chủ bút hay Chủ nhiệm không? Có cần là Thư ký toà soạn không? Không cần, vì những chức vụ ấy có những trách nhiệm khác phải lo, không đương nhiên phải viết lách gì cả ngoài những lá thư nhắc nhở nọ kia về việc điều hành, đường lối. Vậy có phải là người viết thường xuyên trong một thời gian dài cho tờ báo ấy? Có thể đó cũng là một điều kiện, nhưng số lượng các bài viết cũng không đương nhiên khiến cho một tác giả trở nên một cây bút chủ yếu, vì không ai đếm số bài để định giá mức độ ảnh hưởng của một cây bút.

    Theo chúng tôi, một cây bút gọi là chủ yếu của một tờ báo là một người thường xuyên, qua bài vở của mình, đem đến cho độc giả một ích lợi và ảnh hưởng tinh thần nhất định, được đa số độc giả biết giá trị và ham thích đón nhận. Hai vị Nguyễn Hiến Lê và Võ Phiến quả thật là những người như thế, có thể nói những đóng góp dài lâu của họ đã góp phần quan trọng tạo nên linh hồn của tờ báo.

    Thứ nhất, về phương diện bài vở, hai vị là những người đóng góp dài hơi nhất. Như trên đã nói, Nguyễn Hiến Lê gửi bài đầu tiên cho Bách Khoa ở số 4, ra ngày 1 tháng 3 năm 1957; Võ Phiến số 7, ra ngày 15 tháng 4, 1957. Từ thời điểm ban đầu đó, hai vị liên tục tham dự xây dựng nội dung tờ báo cho đến số cuối cùng, ra ngày 19 tháng 4, 1975. Về số lượng bài vở đã đăng trên Bách Khoa trong suốt 18 năm thì chắc chắn hai ông chia nhau ngôi thứ một/hai, có thể Võ Phiến nhiều hơn Nguyễn Hiến Lê, vì không những đóng góp phần sáng tác phong phú gồm truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, tạp bút..., ông còn viết các mục khác (Thời sự Văn nghệ, Thời sự Chính trị...) và dịch các tác giả Tây phương, dưới các bút danh Tràng Thiên, Thu Thủy.

    Báo Bách Khoa tại 160 Phan Đình Phùng Sài Gòn càng về các năm sau càng biến thành một địa chỉ thân mật cho mọi người cộng tác, với tình thân như gia đình. Theo lời kể của bà Võ Phiến (vào tháng 10, 2017), năm 1960 khi Võ Phiến từ Qui Nhơn dời vào Sài Gòn để làm việc với bộ Thông Tin, chính Lê Ngộ Châu là người lo đi tìm nhà để thuê cho bạn, yểm trợ ngay các nhu cầu cần thiết cho một gia đình từ tỉnh mới về nơi đô thị. Các văn thi sĩ cộng tác đều coi báo quán là nơi gần gũi, tin cậy; những người đóng góp bài vở từ khắp mọi miền đất nước, khi có dịp về Sài Gòn đều ghé thăm Bách Khoa, như về một loại “nhà tinh thần” của mình.

    Chính trong loại tình thân và tin cậy có tính chất đại gia đình ấy, những người như Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, với uy tín và năng lực của mình, đã biến thành những “cây bút chủ yếu” của tạp chí Bách Khoa. Trước sau họ vẫn chỉ là người “cộng tác” thôi, không bao giờ giữ một chức vụ nào của tổ chức tòa báo. Nhưng họ vẫn là những “cây bút chủ yếu” đúng nghĩa.

    [​IMG]
    Lê Ngộ Châu (trái) gặp lại Võ Phiến trong chuyến đi Mỹ năm 1994.
    ***

    Trong số những người tham gia vào Bách Khoa sớm nhất, phải kể đến Nguiễn-Ngu-Í (1921-1979, tên thật Nguyễn Hữu Ngư, còn có các bút hiệu Trần Hồng Hừng, Tân-Fong-Hiệb, Ngê-Bá-Lí v.v...). Ông là người đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với giới viết lách, từ những nhà văn lớp trước như Nhất Linh, Đông Hồ, Lê Văn Trương, Đỗ Đức Thu, Nguyễn Vỹ... đến lớp sau như Bình Nguyên Lộc, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Văn Trung... Nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã viết : “Ngu Í chuyên nghề phỏng vấn, từng trải, có nhiều nhiệt tâm, văn có duyên”. Các đề tài phỏng vấn của ông và câu trả lời của giới cầm bút thời ấy vẫn còn giá trị cho người nghiên cứu văn học ngày nay lẫn mai sau.

    [​IMG]
    Nhà báo Nguiễn-Ngu-Í.
    Ngoài tài phỏng vấn, Nguiễn-Ngu-Í cũng viết nhiều bài báo có giá trị, ví dụ bài Nhớ và Nghĩ về bài Quốc Ca Việt là một bài nghiên cứu tường tận về tác giả, trường hợp sáng tác, vai trò của bài hát đó trong xã hội từ năm 1942 trở về sau: đã được những ai đặt bao nhiêu nhan đề và lời ca, những ai đã sử dụng nó, với mục đích gì v.v... Thiết tưởng cộng đồng người Việt lưu vong vẫn dùng bản quốc ca Việt Nam Cộng Hòa trong bao nhiêu lễ lạc, biến cố của mình, cần hiểu biết rõ hơn về tiếng hát Này công dân ơi ! ấy qua bài nghiên cứu này.

    Sau cùng, nên nói đến một vấn đề tế nhị liên quan đến tờ báo Bách Khoa, là tên gọi của nó qua những năm tháng thăng trầm. Chúng ta vẫn gọi chung tờ báo là Bách Khoa từ số đầu đến số cuối, nhưng cũng nên biết rằng để giữ được hai tiếng Bách Khoa vững chắc và thân yêu ấy, nó phải theo thời mà có những biệt danh đi kèm. Đây là những cái mốc cho những biến thiên ấy:

    1. BÁCH KHOA : Số 1 (ngày 15-1-1957) đến số 193-194 (15-1-1965)

    2. BÁCH KHOA THỜI ĐẠI : số 195 (15-2-1965) đến số 312 (1-1-1970)

    3. trở lại tên BÁCH KHOA : số 313-314 (Xuân Canh Tuất) (15/1 và 1/2/1970) đến số 377 (15-9-1972)

    4. ĐẶC SAN BÁCH KHOA : số 378 (1-10-1972) - đến số 379 (15-10-1972)

    5. GIAI PHẨM BÁCH KHOA : số 380 (1-11-1972) đến số chót 426 (19-4-1975)

    Tất cả những việc vẽ vời “làm cho khác” tên gọi như thế thì hoặc là vì lý do chính trị (cho khác với tên gọi từ “chế độ cũ”), hoặc để thích ứng với chế độ kiểm duyệt hoặc luật báo chí về sau. Thời gian qua, những cái đó được hiểu chỉ là những thủ thuật né tránh để sống còn, và sống còn luôn luôn với cái tên khai sanh của nó: Bách Khoa. Vậy chúng ta trước sau chỉ nên gọi nó là BÁCH KHOA.

    22 tháng Mười, 2017.

    Phạm Phú Minh

    Nguồn Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Last edited by a moderator: 7/11/17
    philong61, memco, Thu VO and 7 others like this.
  2. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Hồi xưa nhà tôi cũng có bộ này, không nhớ là full hay không nhưng chắc chắn là nhiều, khoảng chục số đóng lại thành một cuốn dày bìa cứng, với khoảng 40 tập chăng? Ông tôi trước khi mất đã bán cho một ông hiệu trưởng trường đại học nào đó để ông ấy bổ sung vào thư viện của trường. Đây là một trong hai thứ trong nhà, theo tôi là có giá trị về mặt văn hóa, mà bị bán đi vào thời điểm trước khi ông qua đời. Ý ông có lẽ là chuyển sách đến cho một người yêu sách khác, hay để cho nó được phổ cập đến nhiều người đọc hơn, thay vì chỉ nằm trong tủ sách gia đình? Tóm lại cái gì thì cũng là đáng tiếc, nếu bây giờ thì đã thuyết phục ông giữ lại bộ này.

    Hồi đó còn nhỏ thì cũng chẳng nhớ là cái bộ này nó viết cái gì bên trong, mặc dù thỉnh thoảng nghịch ngợm cũng bê một cuốn xuống rồi tò mò xem mươi số trong đó bìa nào đẹp hơn. Giờ chỉ có hai điều đọng lại, thứ nhất là ấn tượng với cái ông "Nguiễn Ngu Í", đến cái tên mình cũng cực đoan viết theo lối i thay cho y, thứ hai là có một lần tòa soạn xin lỗi vì nhầm khi thông báo Thụy Sĩ (Switzerland) gia nhập Liên Hợp Quốc, hóa ra đó là nước Swaziland chứ không phải nước châu Âu giàu có trên.
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/11/17
    Bich Dung and Heoconmtv like this.
  3. deathshine

    deathshine Administrator Thành viên BQT

    Giờ muốn kiếm đọc tài liệu được số hoá này thì liên hệ ở đâu vậy các bạn?
     
    Heoconmtv thích bài này.
  4. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Đây nè Nắng:
    * Ghi chú: Độc giả nào muốn có đĩa DVD toàn bộ báo Bách Khoa, xin liên lạc với tác giả bài này ở địa chỉ: [email protected]
     
    Thu VO and deathshine like this.
  5. silence00

    silence00 Sinh viên năm II

    Hình như ở Sài Gòn, thư viện khoa học xã hội số hoá toàn bộ tạp chí từ năm 2016, bạn thử đến đây hỏi thử
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Heoconmtv and deathshine like this.
  6. deathshine

    deathshine Administrator Thành viên BQT

    Cảm ơn hai bạn.

    Cho mình hỏi đây là bản scan hay là bản đọc được trên điện thoại nhỉ?
    Dù mình thấy DVD thì đoán chắc là bản scan quá.
     
    Heoconmtv thích bài này.
  7. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Đó là bản scan thôi DS. Hơn 400 số ai ngồi chuyển text lại được? Soạn thành PDF text lại còn phải dàn trang này nọ cho đúng với nguyên bản. Mấy ông già chứ có phải thanh niên trẻ khỏe tham gia dự án 1000 đâu :D

    Đây là một tấm hình của một độc giả còm bên dưới bài viết về các cuốn Bách khoa được đóng lại thành một tập đây. Tôi nhớ các cuốn sau này (tầm 200 trở đi) thì có bìa màu nâu chứ không phải màu xanh như mấy cuốn đầu này.

    [​IMG]
     
  8. deathshine

    deathshine Administrator Thành viên BQT

    Giá mà có ai đó số hoá lại theo kiểu đọc được trên điện thoại nhỉ? Chắc là mọi người dễ dàng đọc được nhiều hơn vì tiện dụng.

    Đọc dòng giới thiệu của bạn @silence00 viết trên kia mà có chút buồn.
     
    Heoconmtv thích bài này.
  9. silence00

    silence00 Sinh viên năm II

    Bộ này nhóm số hóa tạp chí bán với giá 50 USD, nếu không muốn mua thì chờ khá lâu họ mới đưa lên internet miễn phí.
     
    Heoconmtv and deathshine like this.
  10. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Mình với Nắng góp mua đi, mình cũng thích bộ này.
     
  11. Despot

    Despot Lớp 11

    Ý Heo là góp mua chung rồi biên tập lại eBook cho mọi người đọc hả?
     
    Heoconmtv thích bài này.
  12. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Biên tập toàn bộ chắc lực bất tòng tâm
     
  13. Despot

    Despot Lớp 11

    Heo kêu gọi mọi người đi haha. Lập 1 dự án cho nó, mà thôi hôm qua mình đang bàn với Thư vô thư viện quốc gia VN và Pháp coi kiếm tạp chí hiếm về Đông Dương bổ sung cho dự án 1000 nè, Heo biết tạp chí gì không?
    Cái kia người ta kinh doanh mình động vô thì có sao không?
     
    Heoconmtv thích bài này.
  14. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Thư viện quốc gia thì có nhiều mà
     
    Despot thích bài này.
  15. Despot

    Despot Lớp 11

    Quan trọng là cái tên, mình muốn hỏi cái tên chớ bơi trong đó 1 hồi chắc đuối luôn :D
     
    Heoconmtv thích bài này.
  16. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

  17. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Theo thông tin của các bạn @doccocaubai@kurozz thì bộ này đã được public tại:

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Ai thích có thể tạo clone Fshare, drive... mây mưa các kiểu để lỡ nguồn có thể bị xóa mất (trên đời này chẳng có gì là vĩnh cửu).
     
    tran ngoc anh, Thu VO and Heoconmtv like this.
  18. cooldcs

    cooldcs Mầm non

    Đọc qua quyển 1 trong link trên thì thấy ảnh mờ quá. Chẳng nhẽ bỏ công ra scan toàn bộ tạp chí mà chất lượng lại tồi thế sao?
     
  19. Mục đích của việc số hóa tạp chí này là để nó đến được tay nhiều người nên không phải là vấn đề kinh doanh.

    Mỗi cuốn chỉ có hơn 100 trang kể cả quảng cáo nên nếu muốn làm thành ebook cũng không phải là chuyện khó. Tuy nhiên, vì là tạp chí của người Việt quốc gia nên sẽ có rất nhiều bài viết bị xếp vào loại "nhạy cảm". Cắt bỏ hết chăng? Vậy thà đừng làm. :D

    Tóm lại, tuy không khó nhưng kết quả vẫn là: bất khả thi đối với Tve-4U. :D

    Vì các ông hay bác đó đã (vô tình hay cố ý?) chọn color mode khi scan nên hình ảnh không được rõ ràng bằng nếu chọn grayscale hoặc đen-trắng, nhất là đối với những tài liệu giấy đã bị xuống cấp nhiều như tạp chí này. Đọc lướt vài tờ thì thấy vẫn dễ dàng, không có vấn đề gì.

    Nếu admin @Deathshine muốn đọc khi di chuyển thì một cái Kindle Fire HD 8 là giải quyết được vấn đề. Fire HD 8 chỉ lớn hơn smartphone một chút, nhẹ (312gr), pin lại lâu (12hrs). Mình đã download hết (thiếu số 26). Nghe con số 426 có vẻ rùng rợn nhưng khi làm thấy cũng rất mau :D.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/12/17
    Heoconmtv and deathshine like this.
  20. Muốn bỏ lên GD cho những bác, như mình, thấy bộ tạp chí này là một gia tài vô giá, nhưng dung lượng quá lớn. Đã zip lại rồi mà vẫn còn hơn 7GB :(. Đành để các bác download từng số vậy.
     
    Heoconmtv thích bài này.

Chia sẻ trang này