Tuỳ bút - Biên khảo G Tiểu thuyết hiện đại - Dorothy Brewster & John Angus Burrell

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi teacher.anh, 26/6/15.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 5

    TIỂU THUYẾT ANH VÀ MỸ TRONG THẾ KỶ 20 (tt)

    Willa Cather

    Willa Cather thuộc loại văn sĩ khác hẳn. Những tác phẩm hay nhất và tiêu biểu nhất của cô có liên hệ đến những kỷ niệm người và cảnh xứ Nebraska, nơi cô sinh sống thủa nhỏ. Cô nói rằng phương pháp viết văn của cô “chỉ là thú vui ôn lại trong trí óc những người và địa điểm mà tôi tưởng rằng đã quên mất”.

    Toàn bộ tác phẩm của cô có thể chia làm ba phần: một phần nói về miền Trung Tây có dân cư lành mạnh; một phần nói về tân mưu đồ nắm giữ kinh tế làm đồi bại cả miền đó và toàn quốc; và phần cuối kể lại việc cô trở lui về thế giới cũ với cuộc sống hiền hòa. Cuốn My Antonia (1918) có lẽ tiêu biểu đúng nhất cho thời kỳ thứ nhất. Trong cuốn A Lost Lady (1923) được gọt rũa như một viên ngọc quí, cô hỗn hợp miền Tây cố kính lành mạnh và có màu sắc huy hoàng với lòng ích kỷ xâm lăng của thế hệ mới, do nhân vật Ivy Peters tiêu biểu; rồi đến cuốn The Professor's House (1925), nói rõ sự bất mãn của cô với người đương thời. Cuốn sách đó kết thúc thời kỳ thứ hai. Từ sau khi cho xuất bản cuốn Death comes for the Archbishop (1927), cô sống trong một không khí ẩn dật và nhớ nhung quê hương. Những tác phẩm cuối cùng của cô chỉ còn là hình bóng phai mờ của những ký ức đã một thời linh lợi. Và cuốn The Old Beauty (1948) xuất bản sau khi cô tạ thế, chỉ nhai lại những đề tài thuở xưa đã làm rung cảm bao tâm hồn.

    Tuy cô Cather dụng công nhiều vào việc viết tiểu thuyết, những truyện ngắn của cô cũng làm cho ta phải kính phục. Trong đề tài này, một trong những đề tài mà cô lưu luyến nhất — người nghệ sĩ, và đặc biệt là ca sĩ — luôn luôn được cô đề cập tới. Truyện ngắn nổi danh và tế nhị Paul’s Case kể truyện một nghệ sĩ mới phôi thai, một thanh niên dễ xúc động, bị kiệt lực trong khi cố gắng chạy theo cái Đẹp.

    Đứng trên cương vị nhà văn, cô Cather quan tâm nhất tới những giá trị mỹ thuật, mà sơ lãng những vấn đề xã hội, kinh tế hay chính trị. Cô lựa chọn sự việc nào đáng tả nhất, và lời văn nào thích hợp nhất để diễn tả cho đúng, không ngần ngại cắt bỏ tất cả những sự việc hay lời văn nào mà cô cho là không thỏa đáng hay không đủ chính xác.

    Do đó phần nhiều tác phẩm của cô đều ngắn và được mài dũa tuyệt diệu. Cô không có thiện cảm với lối tả chân mà cô gọi là “lối thu góp rất nhiều tài liệu, cắt nghĩa những diễn biến một cách máy móc không khác gì phương pháp sản xuất và thương mại, rồi tả tỉ mỉ những cảm giác cơ thể”.

    Sherwood Anderson, người kể truyện ngắn.

    Một tác giả đã công nhận công lao khai phá tiền phong của Dreiser là Sherwood Anderson, ông này không đạt tới cường độ đạo lý như Dreiser, và cũng không phải là một nhà văn thuần túy duy mỹ như cô Cather. Hình như ông chỉ là một nhà văn tài tử, đi tìm những mẫu người Mỹ mà ông gọi là “lố bịch”. Điều này đặc biệt áp dụng cho cuốn Winesburg, Ohio (1921). Căn cứ vào cuốn A story teller's story (1924) là một tự truyện nửa thật nửa vẽ vời thêm , ta được biết rằng ông luôn luôn nghĩ rằng đời ông kỳ dị hơn cuộc đời của những nhân vật lố bịch ông đã tả. Ông nhắc lại đề tài một cá nhân bất mãn và ham muốn sống đầy đủ hơn là hoàn cảnh cho phép. Đó là trạng huống thông thường của người Mỹ mơ tưởng giàu sang và quyền thế, và Anderson đã chọn viết về những kẻ không đủ sức mạnh để thành công. Không hẳn ông coi họ là đã thất bại. Ẩn ý mà ông ngụ trong truyện là hoàn cảnh đã không đáp ứng nguyện vọng của họ vì không nhận thức được hoặc không chấp nhận những đức tính của họ. Tuy Sherwood Anderson có viết nhiều bộ tiểu thuyết, trong đó có hai cuốn Poor White (1920) và Dark Laughter (1925) được nổi tiếng nhất, nhưng ông trội nhất về truyện ngắn.

    Sinclair Lewis, nhà văn trào phúng.

    Khi hai cuốn Main Street (1920) và Babbitt (1922) xuất hiện trên văn đàn, thì các độc giả Mỹ nhận thấy ở trong con người tác giả Sinclair Lewis có một cái gì mới mẻ và chân thật. Không cần phải chua cay, và vẫn giữ nhiều nụ cười hóm hỉnh, Lewis đã châm biếm nhiều khía cạnh của đời sống Mỹ. Nhân vật chính trong truyện Main Street là bà Carol Kennicott, luôn luôn vọng động, lộn xộn và nhiều khi tức cười, được tả như là một phụ nữ đáng thương, phung phí một quãng dài cuộc đời để đi tìm cái mà bà tin tưởng là văn hóa. Còn anh chàng George F. Babbitt đã trở thành một nhân vật quen thuộc trong truyền thống Mỹ. Tác giả dùng lời lẽ văn hoa châm biếm Babbitt chỉ để che dấu những đức tính căn bản của con người anh ta. Nhưng cách tác giả trình bày Babbitt bị sa bẫy vào trong hoàn cảnh và gục ngã dưới những giá trị tình cảm hời hợt của xã hội anh, thực là một cách miêu tả nhân vật tuyệt diệu, đồng thời cũng là một sự phân tích bén nhọn một phần rộng lớn của đời sốngMỹ. Lewis quả thực là một bậc thầy về lối tả điệu bộ, giọng và lời nói. Những nhân vật ông tả điển hình đến nỗi nhiều khi độc giả phải khó chịu vì dễ dàng nhận thấy chính mình trong những nhân vật đó. Nhưng thực ra thì những nhân vật này không phải là người xấu. George Babbitt có những đức tính và nết tốt đủ để được tha thứ, và bà Carol Kennicott cũng vậy, vì rồi san bà cũng hiểu biết rằng khi bà muốn buộc người khác phải theo ý muốn và sở thích của bà thì bà chỉ làm cho bản thân bà và đức phu quân là bác sĩ Will Kennicott khổ sở mà thôi. Cuối cùng bà nhận thức được bài học là cuộc đời quan trọng hơn nghệ thuật nhỉều.

    Trong hai cuốn tiểu thuyết trên, và cả trong các cuốn Arrowsmith (1925) và Dodsiworth (1929), Lewis đã trình bầy những người Mỹ cố hết sức để vượt lên một cuộc đời ngoài khả năng của họ, và đã thất bại hoặc chỉ thành công sau khi phí phạm năng lực đáng lẽ có thể dùng một cách hữu ích hơn. Và tác giả tự hỏi: Tại sao lại thế? Đó là lỗi của cá nhân hay cá nhân là nạn nhân của hoàn cảnh? Và Lewis kết luận một cách khôn ngoan rằng sự trạng đó là do phản ứng của người lên hoàn cảnh, hay ngược lại. Điều phiền là cá nhân khó có thể tự điều khiển vì bị sóng gió lý thuyết đương thời lôi cuốn vùi dập. Vậy mà chính cái ý thức phản kháng mà George Babbitt cảm thấy trong suốt đời anh lại là đức tính cứu độ anh, đã cho anh đủ sức để nói với con anh vào cuối quyển sách: “Suốt đời, cha chưa làm được một việc nào cha muốn ... Cha nghĩ rằng trong hàng trăm bước đường cha chưa đi được một phần nhỏ. Có thể rồi ra con sẽ đi xa hơn cha… Người đời sẽ tìm cách bắt nạt con và buộc con vào khuôn phép của họ. Con phải bảo thẳng cho họ biết rằng con bất cần. Cha sẽ trợ giúp cho con”.

    Nhưng Arrowsmith và Dodsworth thì trí lực đầy đủ và cũng thông minh hơn Babbitt, nên đã thấy rõ cạm bẫy và sáng suốt lựa chọn con đường đi, bám chặt vào cái gì họ đã tin tưởng là tốt. Họ cũng phải tranh đấu với những lực lượng xã hội đã cản trở Babbitt, nhưng lập trường của họ mạnh mẽ và hoàn bị hơn.

    F.Scott Fitzgerald, nghệ của thất vọng.

    F. Scott Fitzgerald là một trong số ít nghệ sĩ chân chính của Mỹ. Sảng tác trong khoảng từ năm 1920 tới năm 1930, ông đã sống trong cái không khí quái đản của thời cấm rượu, tiệm rượu lậu, cướp bóc, đầu cơ, chợ đen, và kết thúc bằng cuộc khủng hoảng năm 1929. Cái thời kỳ đó đã được ghi lại đầy đủ trong cuốn The Great Gatsby Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (1925) mô tả rất linh động sự nghiệp phù trầm và cái chết của nhân vật chính trong truyện. Giọng văn tuy nhẹ nhàng nhưng không che dấu nổi tính cách nghiêm trọng của vấn đề được nêu ra. Fitzgerald đã đem nghệ thuật để diễn tả cái xã hôi lộn xộn đó, vừa bạo tàn vừa bệnh hoạn, làm cho chúng ta nhận thức được cái kỳ diệu của thi văn và đau thương, của trắc ẩn và khủng khiếp. Những yếu tố đó đã góp phần vào loại văn bi tráng.

    Ernest Hemingway.

    Thoạt đầu thì Ernest Hemingway viết truyện ngắn. Rồi đến năm 1927 ông xuất bản cuốn tiểu thuyết The Sun also Rises (Mặt trời vẫn mọc), miẻu tả những cố gắng đau khổ và vô ích của “thế hệ lạc lõng” sau đệ nhất thế chiến. Cũng như hai cuốn Antic Hay của Aldous Huxley và Vile Bodies của Evelyn Waugh, cuốn truyện này của Hemingway trình bày thế hệ trẻ cố gắng tranh đấu trong niềm thất vọng và đau buồn. Đối với họ, chỉ còn những cảm giác xác thịt tức thời như trai gái, rượu chè, bạo tàn, là đáng kể. Những cái đó cho họ ảo tưởng là họ sống thực. Tác giả đã khôn khéo không giải thích thời đại đó, độc giả chỉ có thể hiểu ngầm ẩn ý của ông.

    Nhưng trong cuốn tiểu thuyết có nhiều tham vọng nhất của ông, cuốn For Whom the Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai) (1940), Hemingway đã già dặn và khúc triết hơn khi ông tả những biến cố xã hội và chính trị mà chính bản thân ông đã trải qua trong cuộe nội biến Tây Ban Nha. Hơn bất cứ tác phẩm khác nào, tác phẩm này cho ta thấy rõ ông thâm hiểu nhân loại; ông quan tâm đến những cái gì khác hơn là cảm giác xác thịt; tầm con mắt của ông đã được mở rộng vô cùng. Trừ những đoạn tình ái liên miên mà vài độc giả có thể cho là nhàm chán, cuốn tiểu thuyết này đã cho ta thấy rõ sức mạnh của văn tài Hemingway, một sức mạnh mà độc giả, bằng cứ vào các tác phẩm trước của ông, không thể nào tiên liệu được.

    (Còn tiếp...)
     
    Ban Tang Du Tử and tducchau like this.
  2. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 5

    TIỂU THUYẾT ANH VÀ MỸ TRONG THẾ KỶ 20 (tt)

    Gertrude Stein, nhà văn thí nghiệm kỹ thuật mới.


    Người ta thường bàn tán về cô Gertrude Stein đã ảnh hưởng tới văn nghiệp của Hemingway như thế nào. Cô đã khuyến khích Hemingway sáng tác, điều đó thật rõ rệt, nhưng ảnh hưởng chỉ có thế thôi. Cô Stein bước vào làng văn với một tập truyện ngắn : Three Lives (1909) theo truyền thống tả chân chính thống của thế kỷ 19. Nhưng ngay trong tác phẩm đầu tay này, cô đã bắt đầu thí nghiệm một kỹ thuật mới, là nhắc đi nhắc lại để có hiệu lực thôi miên độc giả. Phương pháp này được xử dụng trong những tác phẩm kế tiếp, và khiến ta nghĩ đến một hình thức âm hưởng (1). Nhiều truyện ngắn của cô rất nhẹ nhàng, vui vẻ và hóm hỉnh, nhờ ở lối hành văn của cô có cá tính kỳ lạ. Có lẽ tác phẩm giản dị nhất và cũng được nhiều người đọc nhất, là cuốn Wars I have seen, trong đó cô kể lại đời sống của cô ở Pháp trong đệ nhị thế chiến.


    John Dos Passos.


    Yới cuốn Three Soldiers (1921), John Dos Passos xuất hiện như một nhà văn lớp mới. Cuốn sách đó kết án những đau khổ, xuẩn ngốc và tất cả những hậu quả tai hại của chiến tranh. Rồi sau Dos Passos viết những tiểu thuyết có tầm nhìn xa và lối kỹ thuật độc đáo. Dưới đây, trong chương kết toán tình hình tiểu thuyết thế giới, chủng tôi sẽ nói đến cuốn U.S.A. của ông, một bức họa toàn cảnh đời sống Mỹ.


    John Steinbeck, nghệ với một thông điệp.


    John Steinbeck vừa là một nhà văn, vừa là người trình bày những ý nguyện của xã hội. Ta phải nhận định rằng ông trước hết là một nghệ sĩ, và những thông điệp ông gửi cho dân chúng được ẩn ý khéo léo trong lối ông bi-kịch-hóa vấn đề đem trình bày. Điều này thật rõ rệt trong tác phẩm đầu tay của ông, cuốn In Dubious Battle (1936). Nhưng đến cuốn tiểu thuyết quan trọng hơn, cuốn The Grapes of Wrath (Chùm nho uất hận) (1939), nghệ thuật có hơi sút kém để diễn tả ẩn ý, chỉ sút kém chút ít thôi. Trong tác phẩm này, Steinbeck vẽ lên hình ảnh kỳ dị của những người Mỹ mất gốc, và theo rõi họ di cư từ miền bão cát tới California. Nhưng tới đây họ thấy điều kiện sinh sống hầu như không chịu đựng nổi và cũng khốn khổ như ở những nơi họ đã rời bỏ. Nhờ về lối văn hóm hỉnh, những họa cảnh tả chân, nhiệt huyết phẫn nộ chống bạo tàn và cảm tình nồng hậu đối với nhân loại, cuốn sách này được coi là tác phẩm xuất chúng của Steinbeck.


    Thomas Wolfe, người chủ trương viết truyện nhân.


    Trong cương vị sử gia chuyên vẽ tâm hồn cá nhân, đau khổ và cuồng say khi va chạm với cuộc đời thiên hình vạn trạng, Thomas Wolfe là một tiểu thuyết gia độc đáo. Từ cuốn tiểu thuyết đầu tay Look Homeward, Angel (Hãy nhìn về nhà, hỡi thiên thần) (1929), rồi qua các cuốn Of Time and the River (1935), The Web and the Rock (1939) và You can't go Home Again (1940), độc giả có thể nghĩ rằng tất cả những tác phẩm đó đều nói về Thomas Wolfe, vì cốt truyện dùng làm tấm màn che đậy tác giả dưới nhân vật chính quá mỏng manh, khiến họ nhận thức ngay rằng tác giả chính là nhân vật Eugene Gant hoặc George Webber trong truyện. Trong cuốn On Native Grounds Alfred Kazin đã viết về Thomas Wolfe như sau: “Trí tưởng tượng của ông luôn luôn giao động giữa lòng sùng bái bản thân và lòng sùng bái những sở thích riêng cùng với khuynh hướng tượng trưng. Nghệ thuật của ông tùy thuộc vào sự giải quyết phương trình đó”.


    Trong mọi tiểu thuyết ông sáng tác đều có những cảnh tả chân thật hùng vĩ, và những khúc ca bằng văn xuôi, tất cả đền ca ngợi những cuộc chiến đấu của nhân vật chính. Và mặc dầu Thomas Wolfe thiếu nghệ thuật ta thường đòi hỏi trong việc lựa chọn cẩn thận những chi tiết và sự việc đáng nói, mặc dầu sách của ông nhiều khi bị coi là dài quá độ cần thiết, ta vẫn nhận thấy ở đó có một xúc cảm và sinh khí khiến cho tác phẩm của ông đáng được lưu ý và có giá trị.


    Tóm lược.


    Khi ta hồi tưởng lại những nhà văn vừa được nói đến ở trên, ta nhận thấy trong những tác phẩm của họ, luôn luôn có một xung đột giữa xu hướng lãng mạn và xu hướng tả chân, về cách trình bày cũng như về cách giải thích cuộc đời. Và ta phải kết luận rằng, ngay trong trường hợp đề tài được trình bầy dưới một lớp áo khoác lăng mạn, thì căn bản của đề tài vẫn là thực trạng, với tất cả những mâu thuẫn kịch liệt mà nó bao hàm. Hơn nữa, ta lại nhận thấy trong cuộc giằng co văn học này, phái tả chân đã mạnh hơn.


    Và cuối cùng, dù ẩn ý trong tác phẩm của Willa Cather hay Sherwood Anderson hay văn sĩ khác, hoặc phơi bày trong lối văn châm biếm hoa hòe của Huxley hay Fitzgerald, thì tất cả các nhà văn đều đồng ý rằng đời sống hiện đại có nhiều khía cạnh đáng kết tội hơn là đáng khen. Tại sao vậy? Có lẽ ta chỉ có thể kết luận rằng các nhà viết truyện từ năm 1900 trở đi đều cảm thông sâu sắc nỗi niềm chán nản và sức tàn phá đã hoành hành trong thời đại chúng ta.


    (Hết chương 5)

    (1) Echolalia


     
    Ban Tang Du Tử and tducchau like this.
  3. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 6

    TIỂU THUYẾT ÂU CHÂU TRONG THẾ KỶ 20

    Tiểu thuyết được viết bằng nhiều thứ ngôn ngữ.

    Trong khuôn khổ tập khảo luận này, không thể nào xem xét chi tiết thể văn truyện của Âu châu như chúng ta đã nghiên cứu thể văn truyện của Anh và của Mỹ trong các chương trên. Cuốn Columbia Dictionary of Modern European Literature đã dành cho các văn học Âu châu tới 29 mục, hoặc 33 mục nếu kể cả những tiểu mục. Đây là danh sách những văn học đó: Pháp, Tây Ban Nha, xứ Catalonia, Bồ Đào Nha, Ý, Thụy Sĩ (gồm có Pháp văn, Đức văn và Alamannic), Đức, Hung, Tiệp, Nam Tư (gồm có Serbian và Croatian) Slovakian, Albanian, Lỗ, Bảo Gia Lợi, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ukrainian, Ba Lan, Lithuanian, Lettish (hay Latvian), Estonian, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Icelandic, Đan Mạch, Hòa Lan, Bỉ (gồm có Flemish và Walloon). Tất cả đều có góp phần xây dựng tiểu thuyết ở thế kỷ 20.

    Tuy nhiên, những văn học đó không được đồng đều phiên dịch sang Anh ngữ, và những tài liệu tổng yếu hữu ích cùng những ý kiến giúp cho việc nghiên cứu có thể thực hành được đều phải ỷ lại vào những bản dịch. Dù sao đi nữa thì người nào chịu khó đọc những mục trong cuốn Dictionary cũng sẽ có lợi: được ghi chép danh tính các tiểu thuyết gia, được thấy vai trò của thể văn truyện so sánh với thơ văn và kịch trong nền văn học các nước, và sự phổ biến rộng lớn của vài loại truyện. Về phương diện này ta thấy những truyền thống lớn về tiểu thuyết ở thế kỷ 19, đặc biệt là của Anh, Pháp và Nga, và với mức độ thấp kém hơn của Đức và Scandinavia, đã ảnh hưởng nhiều tới văn học các quốc gia khác.

    Ví dụ ta thấy một nhà văn Thổ nhĩ kỳ đã bị ảnh hưởng của tiểu thuyết Scandinavian và Nga khi ông tả người nhà quê xứ Anatolia. Ở xứ Catalonia, tiểu thuyết lịch sử theo lối viết của Scott rất được thịnh hành. Ở Bồ đào nha có một nhà văn được tôn là Zola của Bồ (ông Eça de Queiroz), và tiểu thuyết Bồ vẫn chịu ảnh hưởng của ông. Ở Esthonia những tiểu thuyết tả chân hoặc tự nhiên trình bày những điều kiện xã hội hiện đại với giọng văn u buồn và giản dị, xuất hiện ở thế kỷ 20; một cuốn, Truth and Justice, được coi là bức họa vĩ đại cuộc sinh hoạt xã hội ở Estonia trong 25 năm cuối thế kỷ 19 cho tới ngày nay, làm người ta liên tưởng ngay tới tập truyện Rougon-Macquart của Zola. Một người xứ Albania viết truyện ngắn theo ảnh hưởng của Maupassant và O. Henry. Ngoài ra, còn có những tiểu thuyết địa phương ở Catalonia, Bỉ và Sicily. Văn học Slovakian cống hiến tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết xã hội dâm dật, tiểu thuyết xã hội nói về cuộc xung đột giữa nông dân và giới kỹ nghệ. Và ta phải kinh ngạc khi đọc thấy rằng một nhà văn danh tiếng Hy lạp viết truyện ngắn đã phải tuyên bố rằng ông đã giữ mình ra ngoài ảnh hưởng ngoại bang “một phần lớn”.

    Tuy nhiên, phần nhiều những văn học đó cũng có truyền thống bản xứ rất mạnh mẽ. Đôi khi truyền thống bản xứ đã tiếp tục không gián đoạn từ nhiều thế kỷ, như ở Iceland, quê hương của những dã sử anh hùng. Ở những văn học khác, truyền thống bản xứ có khi bị những biến thiên của sự thống trị chính trị hay tôn giáo, hay ngoại bang, làm cho tan rã, và trong một khoảng thời gian lâu dài đã chỉ tồn tại trong giới lưu vong, hoặc nhờ nông dân mù chữ truyền khẩu mà còn lại một phần nào. Truyền thống bản xứ nhiều khi được phục hồi cùng với sự phục hồi quốc gia, và khi đó thì đặc biệt chú ý tới lịch sử, ca dao và huyền sử anh hùng gần như đã bị chìm trong lãng quên. Rồi đến các ngôn ngữ bản xứ hay thổ ngữ, luôn cả văn học, đã bị cuộc thống trị của ngoại bang bóp nghẹt, cũng được phục hồi cùng với những trận chiến mới và cách mạng. Những người lưu vong ở ngoại quốc trở về, bèn mở những tạp chí để truyền bá ý kiến và trường phái văn học, như trường phái tượng trưng hay tự nhiên của Pháp. Trong một thời gian, ảnh hưởng văn chương của ngoại quốc chở theo đủ mọi thứ (1), nhưng rồi bị các người ái quốc đánh đổ, và cuối cùng thì được biến chế để dung hợp với truyền thống bản xứ. Nhờ đó ta thấy các danh từ phê bình được lưu thông rộng rãi trong mọi quốc gia khi phải thảo luận về thể văn truyện của một quốc gia nào. Ở đâu người ta cũng dùng chung những danh từ như: tiểu thuyết chủ nhân đạo, tiểu thuyết địa phương, tiểu sử tiểu-thuyết-hóa, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết xã hội, v.v... Nhưng ta phải cẩn thận đề phòng: những danh từ chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa phô diễn (2), chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, tất cả những danh từ đó cần phải giải thích trong khuôn khổ những điều kiện xã hội và văn hóa đặc biệt của truyền thống mỗi quốc gia. Ví dụ chủ nghĩa tả chân của Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Scandinavia, đều có những đặc tính khác nhau, mặc dầu tất cả đều nhằm vào việc dùng tiểu thuyết để ảnh hưởng đến nếp sống một phần nào. Một tiểu thuyết tả chân của xứ Iceland hay của Anh cũng vậy, có thể được độc giả Mỹ coi như là một tiểu thuyết lãng mạn, bởi vì nó xa lạ với những kinh nghiệm của hắn.

    Hơn nữa, phần nhiều những nhận xét tổng quát của chúng ta về tiểu thuyết Âu châu đều căn cứ một phần lớn vào những bản dịch sang Anh ngữ.

    Những điểm cần nhớ khi đọc các bản dịch.

    Trước hết, những bộ tiểu thuyết của một quốc gia được chọn để dịch sang một thứ tiếng khác có thể không tiêu biểu cho nền tiểu thuyết nước đó, rồi bản dịch lại có thể nghèo nàn hay thiếu sót. Lẽ tự nhiên, các nhà xuất bản chỉ chọn cho khách hàng của mình những cuốn tiểu thuyết ngoại quốc nào mà họ hy vọng sẽ bán chạy. Những cuốn được chọn đó có thể không phải là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật nhất, hay có ý nghĩa chính trị nhất, hay được người nước kia coi là tác phẩm xuất chúng nhất.

    Thứ hai, ta nên để ý đến điều này: Trong những địa hạt khác như ngôn ngữ học, triết học, khoa học, những sự phán xét hoàn toàn uyên bác có thể có được, nhưng còn về truyện thì vấn đề giải trí lại là vấn đề quan trọng bậc nhất. Ở lãnh vực này, việc thưởng thức tác phẩm có những hàng rào mới và cũ ngăn cách giữa quốc gia này với quốc gia kia, và độc giả cần phải lưu tâm đề phòng, chớ vội tưởng rằng tác phẩm được dịch là tác phẩm xứng đáng nhất để đại diện cho văn hóa ngoại quốc. Có thể người ta đã chọn tác phẩm này vì nó ít xáo trộn hoặc khuyến khích những thiên kiến của chúng ta. Ai cũng biết rằng ngưòi Âu phê bình về việc Sinclair Lewis được giải thưởng Nobel đã để lộ khoái tâm của họ được thấy chính một người Mỹ chế diễu những khuyết điểm của nền văn minh Mỹ (3).

    Để bổ khuyết phần nào tình trạng trên, thỉnh thoảng một tổ chức như American - Scandinavian Foundation đã cố gắng làm cho việc lựa chọn sách để dịch và việc dịch thuật phải hoàn hảo hơn. Hay một nhà xuất bản được thành lập, như French Book Club, để đảm bảo cho mỗi năm có một số tiểu thuyết hay của Pháp được dịch sang Anh ngữ, và ngược lại. Dù sao đi nữa thì vẫn còn tình trạng này: trong việc chọn lựa tiểu thuyết ngoại quốc để dịch, người ta căn cứ vào nhiều yếu tố ít dính dáng tới giá trị nghệ thuật.


    (Còn tiếp...)

    (1) Nghĩa là tư tưởng, triết lý, tôn giáo, chế độ, v.v…
    (2) Expressionism: một chủ nghĩa nghệ thuật khởi thủy ở Âu châu vào khoảng đệ nhất thế chiến, chủ trương nghệ sĩ phải tự do phô diễn những phản ứng tình cảm của mình hơn là miêu tả bề ngoài các sự vật.
    (3) Nghĩa là độc giả Âu thích tác phẩm của Sinclair Lewis không phải vì giá trị văn chương, mà chỉ vì nỏ thỏa lòng đố kỵ của họ đối với người Mỹ.
     
    Ban Tang Du Tử and tducchau like this.
  4. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 6

    TIỂU THUYẾT ÂU CHÂU TRONG THẾ KỶ 20

    Tiểu thuyết Âu châu và các nhà văn lưu vong.

    Tác phẩm văn chương vượt qua biên giới không phải là một sự kiện mới mẻ trong lịch sử, và trong quá khứ đã từng có nhiều nhà văn lưu vong trứ danh. Nhưng trong khoảng 30 năm gần đây, sự đảo lộn tình hình xã hội và chính trị đã khiến cho mộtsố nhà văn, một số lớn chưa từng thấy trong lịch sử, đã phải lưu vong, hoặc tự ý, hoặc bắt buộc. Dù đứng trên quan điểm nhân loại hay cá nhân mà xét, thì đây cũng là một tai họa không thể ước lượng được. Biết bao nhiêu cuộc đời đã bị bật gốc, biết bao nhiêu nhà văn đã bị cắt lìa với quần chúng độc giả quen thuộc và với ngôn ngữ vẫn thường dùng, rồi một số lớn đã bị thủ tiêu hoặc dồn đến bước đường cùng là tự tử.

    Nhưng đứng trên quan điểm reo rắc hạt giống truyền thống văn chương trên khắp ba bốn đại lục, thì tai họa trên lại đưa đến kết quả hữu ích bất ngờ. Chúng ta hầu như đã quên Stefan Zweig, tự tử ở Ba tây sau khi rời sinh quán là thành Vienne sang đó tị nạn, nhưng chúng ta còn nhớ Thomas Mann. Chắc chắn là tác phẩm của nhà văn này đã không được phổ biến rộng rãi và không được một quần chúng đông đảo thưởng thức, nếu không nhờ có sự hợp tác của Hitler (1). Thường thường thì khi một nhà văn lưu vong tới đâu, việc dịch thuật tác phẩm của nhà văn đó liền được khuyến khích. Tạm thời bỏ qua phần đau khổ và mất mát do biến cố đã gây nên, chúng ta phải ghi nhận việc reo rắc các ảnh hưởng văn chương đi đôi với việc các nhà văn đã phải tản mác lưu vong, tản mác với một kích thước chưa từng thấy. Kết quả tối hậu của sự kiện này tới nền văn hóa hoàn cầu như thế nào, chưa ai có thể ước lượng được.

    Những đề tài của tiểu thuyết Âu châu.

    Nói một cách bao quát, những tiểu thuyết Âu được phiên dịch sang Anh ngữ nhiều nhất là những truyện phản ảnh những mối ưu tư, phong trào và quan điểm của toàn thể nhân loại hơn là của một quốc gia hay địa phương nào. Độc giả nói chung, khác với người chuyên học về ngôn ngữ và văn chương, rất thích những truyện đó.

    Vậy ta thử xét xem tiểu thuyết gia Âu châu ở thế kỷ 20 viết gì trong truyện của họ? Họ cũng viết về những cái mà nhà văn Mỹ và Anh đồng thời viết, nhưng có điểm thì họ nhấn mạnh hơn, có điểm thì họ phớt qua. Ví dụ họ viết nhiều hơn về những cuộc tranh đấu ác liệt giữa tôn giáo nọ với tôn giáo kia, dân tộc này với dân tộc kia, giai cấp này với giai cấp kia, về chiến tranh và xáo trộn xã hội, về tinh thần tùng phục những chế độ cũ và tôn sùng những cổ tục, viết nhiều hơn về những sự kiện gần tàn và ít hơn về những sự kiện mới chởm nở. Trong tác phẩm của họ, ta nhận thấy giọng thất vọng nhiều hơn là hy vọng. Còn những đề tài như: cá nhân đấu tranh để thực hiện hoài bão, các đoàn thể đấu tranh cho công bình xã hội, quan hệ gia đình cố gắng giữ vững, thế hệ trẻ phân ly với thế hệ già, những ham muốn vật chất mạnh mẽ thế nào, tìm giải pháp cho những khó khăn và mơ ước sự đào thoát,v.v., tất cả những đề tài đó, tiểu thuyết Âu châu cũng xử dụng như tiểu thuyết Anh Mỹ.

    Tuy nhiên, tiểu thuyết Âu châu lưu tâm nhiều hơn tiểu thuyết Mỹ về những vấn đề chế độ xã hội và giá trị đạo đức, ít nhất là tới những năm khủng hoảng hồi 1930. Chính các tiểu thuyết gia Âu châu đã cho chúng ta quan niệm về một xã hội bệnh hoạn, không phải là thứ bệnh nhẹ chỉ cần để ý tới là chữa khỏi được như các truyện Mỹ đều quan niệm theo đặc tính lạc quan của người Mỹ ở đầu thế kỷ 20. Cuốn Magic Mountain của Thomas Mann mà được nhiều người biết đến nhất, đã viết về xã hội bệnh hoạn. Nhưng Schnitzler, Wassermann, Rolland, Hamsun, Blasco Ibanez, Gide, Proust, Kafka, Sartre, mỗi nhà văn với một giọng nói riêng, một tâm trạng riêng và một quan niệm triết lý riêng, đã biểu lộ nỗi niềm băn khoăn sâu sắc, và đã nêu ra những vấn đề cần được thảo luận. Đó là những vấn đề phát khởi từ sự kém hoặc mất tin tưởng ở những giá trị của lý trí, công bình, tiến bộ, tôn giáo, tình ái, và đi đến bước cuối cùng là mất tin tưởng ở chính ngay bản thân con người. Những trạng thái thất vọng và phù phiếm là triệu chứng của bệnh hoạn. Rồi những lực lượng trong cá nhân và trong xã hội mất thăng bằng, không bị kiềm chế nữa. Trong sự giải thích những sự kiện đó, các tiểu thuyết gia đã bị ảnh hưởng bởi thuyết Mác-xít, hoặc bởi thuyết của Freud (2). Nhưng hầu hết tất cả đều biết rõ luật định mệnh chi phối mọi sự việc ở đời, hoặc định mệnh kinh tế, hoặc định mệnh tâm lý, dù họ vẫn hoài nghi cả hai và châm biếm nay luật định mệnh này, mai luật định mệnh kia.

    Cá nhân và những áp bức của đoàn thể.

    Người Mỹ đọc tiểu thuyết Âu châu thấy trong đó cá nhân bị các lực lượng xã hội áp bức mạnh hơn là ở trong tiểu thuyết Mỹ. Cá nhân bị áp bức nên sức phản kháng cũng oanh liệt hơn hoặc tuyệt vọng hơn. Tuyệt vọng nhất là thế giới khủng khiếp như một cơn ác mộng của Franz Kafka, trong đó bất kể nạn nhân làm gì cũng bị xã hội dương bẫy tròng vào cổ. Còn oanh liệt nhất là thế giới của vai nhạc sĩ trong tác phẩm của Rolland, hay của vai lãnh tụ lao động trong tác phẩm của Nexo: họ có một sức mạnh lớn hơn cả những sức mạnh đe dọa đè bẹp họ.

    Trong truyện Âu châu ta lại thấy nhân cách của cá nhân được đánh giá rất cao và miêu tả dưới thiên hình vạn trạng. Nhà văn Hamsun tạo ra Isaak, là mẫu người lý tưởng của đồng ruộng; nhà văn Rolland tạo ra Jean Christophe, là một nhạc sĩ có thiên tài sáng tác; nhà văn Gorky tạo ra vai người Mẹ, một phụ nữ quê mùa thất học, một linh hồn câm nhưng rồi trở nên hoạt bát ; nhà văn Blasco Ibanez tạo ra Gabriel Luna, người cách mạng sẵn sàng hy sinh vì chính nghĩa; nhà văn Sholokhov tạo ra Gregor Melekhov, một chiến sĩ Cossack có những cuộc tranh đấu nội tâm và chống ngoại cảnh phản ảnh trung thực đồng bào anh đang lâm vào cảnh nội chiến; Gide tạo ra Michel, người chủ trương vô đạo đức, cố gắng tìm giải phóng bằng những con đường ngoắt nghéo lạ lùng; nhà văn Mann tạo ra Hans Castorp, có khả năng kỳ diệu hấp thụ mọi luồng tư tưởng và cảm giác của xã hội bệnh hoạn; và nhà văn Martin du Gard thì tạo ra Jacques Thibault mà nghiệp căn là chống đối với bất kỳ hành động nào của người đời.

    Truyện Âu châu không những miêu tả những cá nhân độc đáo, mà còn miêu tả, tuy ít hơn, quần chúng nữa, không phải là thứ quần chúng vô danh, nhạt nhẽo, thiếu bản sắc như một sự đe dọa hay hứa hẹn mơ hồ, mà là thứ quần chúng muôn mầu sắc, đi từ những nhóm nông dân một làng Ý của nhà văn Silone tới những chiến sĩ Cossack trên sông Don của nhà văn Sholokhov, từ thợ thuyền trong một xí nghiệp ở một thành phố Nga của nhà văn Gorky tới giới vô sản tỉnh Copenhague của nhà văn Nexo hoặc những người lao động có ý thức chính trị trong thành phố Paris của nhà văn Aragon.

    Trường giang tiểu thuyết và truyện ngắn Âu châu. Một nhận xét về hình thức.

    Tiểu thuyết Âu châu thường kéo dài ra nhiều cuốn mới hết. Có lẽ thể thức này khởi thủy một cách hệ thống từ Zola, khi nhà văn này dùng tập truyện về giòng họ Rougon — Macquart để trắc nghiệm những thuyết của ông về di truyền và hoàn cảnh, mà ông coi như là một phòng thí nghiệm tốt cho tiểu thuyết. Sau Zola, có vài tiểu thuyết gia, tuy không tuyên bố ầm ỹ về một chân lý “khoa học”, cũng trắc nghiệm những lý thuyết triết lý và xã hội của họ một cách tương tự. Đặc điểm của nhà văn Âu châu là họ lưu ý hơn các nhà văn Anh Mỹ tới những hệ thống tư tưởng vừa phức tạp, vừa nhất thể, kết hợp với nhau thật chặt chẽ. Những nhà văn như Romains, Sartre, Aragon, Mann, Proust, đã phiêu lưu từ cuốn này sang cuốn khác trong một tập truyện, dưới sự hướng dẫn của các chủ nghĩa nhất trí (3), hiện sinh (4), cộng sản, hay một chủ nghĩa nào khác không được định nghĩa rõ rệt về con người và xã hội. Cuộc phiên lưu của các nhà văn đó có thể rất dài, khiến ta nhớ tới tên cuốn sách The Long Journey của Johannes Jensen. Cuốn tiếu thuyết này tả sự tiến hóa của con người Bắc phương từ thời kỳ Âu châu ngập băng tuyết tới thời đại Columbus (5). Và đã đi xa như vậy thì lý nào lại chịu dừng chân ở đây? Thế cho nên những tiểu thuyết dài của xứ Scandinavia còn lấy tài liệu cả ở những dã sử được lưu truyền.

    Trái ngược với những tập tiểu thuyết tràng giang là tiểu thuyết ngắn (6), đứng giữa khoảng cách tiểu thuyết dài và truyện ngắn. Về môn này, những nhà văn Âu châu, đặc biệt là các nhà văn Pháp và Đức, đã viết ra những tác phẩm rất có giá trị. Thomas Mann, André Gide, Stefan Zweig, Arthur Schnitzler, đã thành công trong loại truyện này tới một trình độ hoàn toàn mà ít nhà văn Anh Mỹ có thể đạt tới. Chỉ có Henry James là đã xuất chúng trong việc viết tiểu thuyết ngắn.Ưu điểm về hình thể của loại truyện này là “dùng tài liệu biệt lập và diễn tả thật sâu sắc, tự kìm hãm trong công việc mài rũa tỉ mĩ, nhưng hiệu quả tối hậu lại là tràn trề ý nghĩa” (Ludwig Lewisohn).

    Trong những chương sau, chúng tôi sẽ bình luận rõ ràng hơn về tiểu thuyết Âu châu trong thế kỷ 20, đặc biệt là tác phẩm của năm tiểu thuyết gia Âu sẽ được thảo luận chi tiết. Vài loại đã thịnh hành cả ở trong và ngoài Âu châu cũng sẽ được phân tích.


    (Hết chương 6).


    (1) Hitler đã khủng bố dân tộc ông, khiến ông phải lưu vong. Nói rằng Hitler đã hợp tác trong công việc reo rắc văn hóa khắp hoàn cầu là một lối khôi hài (humour) đặc biệt của Anh-Mỹ.
    (2) Sigmund Freud (1856—1939): một nhà vật lý học và phân tích tâm lý học, chủ trương rằng bệnh thần kinh là do dục tình bị đè nén trong phần vộ thức của lương tri.
    (3) Unanimism: một văn phái xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, chủ trương diễn tả dưới hình thức nhất trí những tình cảm phức tạp của những đoàn thể rộng lớn (gia đình, làng mạc, quốc gia, v.v.)
    (4) Existentialism: một chủ nghĩa triết lý chủ trương rằng con người, lúc đầu sống gần như siêu hình, tự tạo ra mình bằng hành động.
    (5) Columbus: người đã khám phá ra Mỹ châu năm1492.
    (6) Novelette, nouvelle hay petit roman.
     
    Ban Tang Du Tử and tducchau like this.
  5. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    PHẦN THỨ TƯ

    NHỮNG LOẠI TIỂU THUYẾT CHÍNH YẾU

    CHƯƠNG 7

    TIỂU THUYẾT GIA ĐÌNH



    Tiểu sử gia đình.

    Trong thế kỷ 19, Anthony Trollope đã viết tiểu sử của một số gia đình thành những tập tiểu thuyết. Một số nhân vật xuất hiện lần lượt từ quyển này sang quyển khác, gây nên cảm tưởng một cuộc đời tiếp tục trong một xã hội bình ổn. Những biến cố xảy ra ít có tính chất kịch. Tác phẩm của ông khác hẳn với tiểu thuyết của những tác giả thời trước kể truyện một số người chỉ liên hệ với nhau bởi những tình tiết của câu truyện, và có những mâu thuẫn, quyết định và số phận hoàn toàn nằm trong giới hạn của một quyển tiểu thuyết mà thôi.

    Trái lại, tiểu thuyết ghi tiểu sử của một giòng họ có khi bao gồm thời gian nhiều thế hệ, cho độc giả một cảm tưởng điềm tĩnh mà ít khi tìm thấy trong những cuốn tiểu thuyết chứa đầy tình tiết gay cấn. Khi một tác giả định viết về một gia đình qua một thời gian khá lâu, thì hẳn nhiên tác giả đó phải có thái độ trầm tư mặc tưởng và lãnh đạm với thế sự thăng trầm. Và đồng thời, khi các biến cố lần lượt diễn tiến, thì tác giả cũng có khuynh hướng coi thời gian như là một nhân vật có vai trò quan trọng trong truyện. Trong một tiểu thuyết đầy kịch tính, độc giả bị lôi cuốn vào các cuộc xung đột, và thường chia xẻ những mối lo âu và ham muốn của các nhân vật trong truyện. Trái lại, đọc một tập tiểu sử gia đình, độc giả thấy, theo giòng thời gian, thế hệ này qua rồi thế hệ kia tiếp theo, và không còn quan tâm nhiều nữa đến những vấn đề cá nhân. Độc giả sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc suy ngẫm về tính chất cuộc đời, tùy theo thời gian đem lại những sự biến đổi tuy chậm chạp nhưng không thể nào tránh được. Những biến cố mà ở một tiểu thuyết khác được coi là bi thảm thì ở đây lại kém đi phần xót xa và tăng thêm phần cảm khái, vì độc giả không còn chú ý đến cá nhân và số phận các nhân vật trong truyện bằng ý nghĩa cuộc phiêu lưu của con người, cuộc phiêu lưu muôn thủa được mệnh danh là cuộc đời.

    Loại tiểu thuyết này cũng có cái nguy hiểm của nó, vì rồi độc giả sẽ coi cá nhân như là không đáng kể, và ngay cuộc đời cũng chẳng còn gì là quan trọng nữa. Đó là không kể loại tiểu thuyết này có thề trở thành một chuỗi tình tiết rời rạc, độc giả khỏng còn nhận thấy một chủ đề nào liên lạc tình tiết nọ với tình tiết kia để chú ý nữa.

    Định nghĩa tiểu thuyết gia đình.

    Một phần nào chúng ta có thể coi tiểu thuyết gia đình chính là truyện nhà thời nữ hoàng Victoria được mở rộng và kéo dài ra; nó chỉ khác loại tiểu thuyết kia ở chỗ những rắc rối trong đời sống các nhân vật được trình bày liên hệ mật thiết với toàn khối gia đình. Nó hàm tính chất của một dã sử, và có ý miêu tả một giòng họ từ thế hệ này sang thế hệ khác, trải qua nhiều biến cố, đặc biệt là những biến cố kinh tế và xã hội.

    Trong những năm gần đây, loại tiểu thuyết này rất được phổ thông. Bà Virginia Woolf đã thí nghiệm loại này với cuốn The Years. Một vài tiểu thuyết gia nữa cũng đã theo đường lối ấy: Marcia Davenport với cuốn Valley of Decision, Phyllis Bentley với cuốn Sleep in Peace, Margaret A. Barnes với cuốn Years of Grace, Rumer Godden với cuốn Three Tenses, Mazo de la Roche với tập Jalna.

    Mann: Buddenbrooks. Tiểu thuyết gia đình của Đức.

    Loại tiểu thuyết gia đình không phải chỉ xuất hiện ở Anh và Mỹ mà thôi; Đức, Hòa lan, Pháp và những xứ Scandinavia cũng có. Nhà văn Thomas Mann đã viết về gia đình Buddenbrook, phát triển và tàn tạ như thế nào qua bốn thế hệ Giòng họ Buddenbrook thuộc thành phần thương gia ở Lübeck. Độc giả được theo rõi số phận họ từ thế kỷ 18 tới một phần lớn thế kỷ 19, và được chứng kiến những đức tính tốt cũng như những tật xấu của cái đoàn thể chặt chẽ kết hợp này. Hơn thế nữa, họ có những nhược điểm thường không bị người đời cho là tật xấu, nhưng rồi những nhược điểm đó đã làm cho họ không những bị trụy lạc đạo đức, mà còn mất cả cái khiếu thiên bẩm về thương nghiệp mà họ sẵn có. Họ có một tin tưởng mạnh mẽ là gia đình chỉ được phồn thịnh khi mọi ham muốn cá nhân đều nằm trong quyền lợi của “bản hiệu và gia đình”. Vị gia trưởng đã viết cho con gái như sau, khi cô này muốn lấy một sinh viên: “Con ạ, chúng ta không phải là những đơn vị tự do, riêng rẽ và độc lập, nhưng là những vòng nối trong một giây chuỗi”.

    Và Thomas Mann đã cho độc giả thấy rằng giây chuỗi đó không thể toàn vẹn khi một người trong gia-đình chống đối lại áp bức của đoàn thể vì thấy rằng tâm tính mình không thích -hợp với công việc buôn bán. Hoặc khi nghệ thuật, triết lý hay âm nhạc xâm nhập vào cái thế giới này, thì những sợi giây nối kết gia đình cũng không còn giữ vững được nữa.


    (còn tiếp...)
     
    Ban Tang Du Tử and tducchau like this.
  6. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 7

    TIỂU THUYẾT GIA ĐÌNH (tt)


    Couperus: Book of the Small Souls. Tiểu thuyết gia đình của Hòa Lan.

    Trong tác phẩm The Book of Small Souls, Louis Couperus miêu tả cái kiến trúc gia đình cổ thời ở Hòa Lan, với hệ thống phụ hệ đã ăn sâu cội rễ của giai cấp trung lưu sang trọng. Tác phẩm đó phân tích những khuynh hướng mâu thuẫn của di truyền bằng cách miêu tả các nhân vật thuộc về một xã hội bất động, quan lại, sống những ngày tháng trống rỗng trong những câu truyện ngồi lê đôi mách, và luôn luôn tuân theo những ước thúc của xã hội.

    Đó là chuyện bốn thế hệ của giòng họ Van Lowe, khởi thủy từ trước cuộc đệ nhất thế chiến.

    Thời gian lần lần trôi qua, và lần lần “những tiềm tàng âm hiểm của di truyền và những va chạm hàng ngày trong sự giao tế phá hủy sinh lực của giòng họ và dẫn dắt tới suy tàn”. Cuộc sống của dân Hòa lan được trình bày “không theo diễn tiến của lịch sử có biến chuyển và tình tiết bi hùng, nhưng một cách bất động, như một quốc gia thôi hoạt động thương mại, quyết định sống trong cảnh phong lưu, không có cơ hội cho thiên tài được nẩy nở, và hoàn toàn lệ thuộc vào tập quán, cổ truyền và những động tác đều đặn gần như máy móc (trích trong cuốn What's in a novel? tr.136, của Haines).

    Galsworthy: Forsyte Saga. Tiểu thuyết gia đình của Anh.

    Cuốn Forsyte Saga của John Galsworthy là tỷ dụ điển hình của loại tiểu sử gia đình. Đó là chuyện một thế gia vọng tộc Anh ở thế kỷ 19 và 20. Chắc chắn tác giả đã lấy ngay gia đình mình làm mẫu để miêu tả giòng họ Forsyte; hiển nhiên tác giả đã đặt tên như vậy để tỏ ý rằng họ biết lo xa (1). Nhưng Galsworthy đă viết trong bài Tựa: “Có quá nhiều người đã viết và tuyên bố rằng tôi đã dùng gia đình họ làm mẫu để mỉêu tả giòng họ Forsyte, khiến tôi gần như được khuyến khích tin tưởng rằng những nhân vật đó quả thật là một loài người điền hình”.

    Galsworthy là phát ngôn viên cho những người có uy quyền nhất trong một xã hội vụ lợi. Mọi người trong giòng họ Forsyte đều có chung ý thức sâu xa về quyền tư hữu. Chỉ có một thiểu số là chống đối lại cái ý thức đó thôi. Đó là chàng thanh niên Jolyon Forsyte thoát ly gia đình để trở thành một họa sĩ; cô Irene duyên dáng chẳng may phải nhập tịch, vào cái thế giới đó và chàng kiến trúc sư Bosinney đầy kiêu hãnh dám thách đố nó. Những sự chống đối này gây nên những cuộc xung đột bi thảm. Rồi về sau, phần lớn những tâm hồn chống đối phải đầu hàng ý thức tham lam tư hữu của bộ lạc Forsyte. Cũng như chúng ta từng thấy trong cuốn Buddenbrooks của Thomas Mann, ở đây những người không đồng chí hướng với gia đình cũng là những vòng lỏng lẻo của giòng chuỗi liên kết gia đình.

    Galsworthy không những chỉ làm công việc miêu tả sự thịnh suy của giòng họ Forsyte, mà còn có ý định phân tích cái xã hội đã nuôi dưỡng cho giòng họ đó được trở nên giàu có và hách dịch, ông tỉ mỉ ghi chép mọi sinh hoạt hàng ngày của các nhân vật một cách thật vô tư; tuy nhiên, ta cũng nhận thấy ông hàm ý khinh ghét những bất công và bất bình đẳng nhờ đó mà giai cấp ông được vinh thân phì gia. Ông cho rằng cơ cấu kinh tế của đời sống xã hội thật là vô lý, nó do những người có uy quyền thiết lập nên tự nhiên những người này được ưu đãi. Tất cả đều dựa trên tin tưởng rằng quyền vụ lợi và tư hữu là những giá trị quan trọng nhất ở đời. Những người trong họ Forsyte ít có cảm tình với lời Kình Thánh dạy rằng kẻ nào được của thế thì sẽ mất linh hồn.

    Chính chàng trẻ tuổi Jolyon, vì đã thoát ly gia đình nên mới có thể nhìn sự việc với một con mắt sáng suốt, đã phân tích cho chúng ta rõ tâm lý của gia đình Forsyte. Chàng làm công việc mổ xẻ đó cho Bosinney nghe. Anh có thể nhận thấy ngay một người trong gia đình Forsyte với ý thức tư hữu của hắn. “Là một người trong giòng họ Forsyte, đáng lẽ tôi không có gì để nói cả. Nhưng tôi lại là một loại tạp chủng hoàn toàn, tôi không nói dối anh đâu. Anh khác tôi cũng như tôi khác ông bác James của tôi, ỏng là kiểu mẫu hoàn toàn nhất của giòng họ Forsyte, ông có một ý thức tư hữu cực độ, còn anh chẳng có một chút nào ý thức đó cả. Giá không có tôi đứng giữa thì anh sẽ là một loại khác hẳn giòng họ tôi. Tỏi là cái vòng thiếu hụt trong cái giây chuỗi đó”. Ta lại phải hiểu rằng cái ý thức tư hữu đó, giòng họ Forsyte đem áp dụng cho cả phụ nữ, nhà cửa, tiền bạc hay danh tiếng. Chính nhờ về sự giàu sang của bọn họ mà nghệ thuật, văn chương, khoa học, và cả tôn giáo nữa mới phát khởi được.

    Galsworthy đã nêu ra nhiều vấn đề, nhưng ông có đưa ra được phương thuốc hay giải pháp nào không? Chắc chắn là ông không thể chấp nhận được một giải đáp bằng phương thức cách mạng lật đổ trật tự hiện hữu. Chính ông đã bảo chúng ta rằng: “Bản tính con người, dưới những tham vọng và ỵ phục luôn thay đổi, vẫn và sẽ mãi mãi giống con người Forsyte, có thể lại còn tệ hơn thế nữa”. Ông hy vọng rằng “nếu những tật xấu và bậy bạ của giòng họ Forsyte được phơi bày cho họ thấy, thì may ra nhiều người sẽ hiểu rằng họ đang sống dựa vào những giá trị phù phiếm và phù du”. Nhưng điều tin tưởng mãnh liệt nhất của ông, một điều hình như không thực tế nếu không muốn nói là thật tình huyền bí trong thời đó, là ý thức Duy Mỹ có thể dẫn dắt đến một trật tự tốt đẹp hơn. Ông đã kết luận bài Tựa như sau: « Nhưng, mặc dầu tác phẩm này thiên nhiều về việc ham chuộng cái Đẹp và đòi hỏi Tự do trong một thế giới có ý thức tư hữu, nó vẫn không thể tránh được lỗi là ướp giai cấp trung lưu sang trọng thành một cái xác khô... Nếu cùng với những giai cấp khác, giai cấp trung lưu sang trọng tiếp tục đi vào con đường tiêu diệt, thì đây, trên những trang giấy này, xác khô của nó được trình bày dưới tấm kính trong Viện-Bảo-tàng Văn học cho du khách thưởng ngoạn. Xác nó ở đây, được ướp ngay trong nước cốt của nó, là ý thức tư hữu ».

    H.H. Richardson: The Fortunes of Richard Mahony.

    Tiểu thuyết gia đình của Úc châu.

    Henry Handel Richardson đã viết ba cuốn tiểu thuyết gồm thành một tập lấy tên là The Fortunes of Richard Mahony (1917 —1931). Tập này chép truyện một giòng họ, nên có thể sắp xếp vào loại tiểu sử gia đình. Nhưng một đằng khác, ta cũng có thể coi nó là một tiểu sử cá nhân, vì trong truvện có một nhân vật xuất chúng là một vị bác sĩ người Anh đã di cư sang Úc châu từ thủa niên thiếu. Nhờ về cách miêu tả tỉ mỉ và chính xác đời sống ở Úc châu trong hậu bán thế kỷ 19, tác phẩm này rất xứng đáng được chú ý. Truyện rất bạo tàn, biến thành một tấn bi kịch tuyệt vọng, trái với những tiểu thuyết gia đình khác thường dùng thời gian trôi qua để khiến độc giả có thái độ điềm nhiên trước những nỗi niềm đau khổ của các nhân vật.


    Tiểu thuyết gia đình ở Pháp.

    Dù thuộc giai cấp trung lưu hay nông dân, gia đình Pháp cũng có một ý thức tư hữu mạnh mẽ không kém gì nhóm Forsyte ở Anh quốc. Gia đình Pháp thường có gốc rễ ăn sâu vào đời sống ở nơi chốn rau cắt rốn, nên những cách sinh hoạt đặc biệt ở các miền khác nhau như Savoie, Provence, Bourgogne, khiển cho nhiều tiểu thuyết gia đình Pháp có sắc thái địa phương.

    Tiểu thuyết của François Mauriac.

    François Mauriac thích đặt khung cảnh truyện trong vùng Landes ở phía tây nam nước Pháp. Danh từ “vở kịch” áp dụng cho tác phẩm ông đúng hơn là danh từ “truyện gia đình”. Chính ông đã nói: « Tôi là một nhà soạn kịch mà viết tiểu thuyết». Những gia đình ông kể truyện đều có trong thâm tâm những mối thù hằn và luyến ái rất mãnh liệt, và đều có khuynh hướng tư hữu cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ đều sống trong đạo lý Gia Tô giáo. Tác giả đã dùng ý thức tội lỗi của họ để làm nền tảng cho sự phân tích tâm lý. Thỉnh thoảng, ta thấy có nhân vật được Chúa ban ân quay về với đạo. Còn ái tình, chính thức hay tội lỗi, thì thường tạo ra một không khí bi kịch.

    (còn tiếp...)
     
    Ban Tang Du Tử and tducchau like this.
  7. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 7

    TIỂU THUYẾT GIA ĐÌNH (tt)

    Duhamel: La Chronique des Pasquier.


    Georges Duhamel viết tập truyện Giòng họ Pasquier gồm có nhiều cuốn, theo rõi cuộc đời thăng trầm của một gia đình trung lưu xuất thân là nông dân. Giòng họ Pasquier quan niệm gia đình như một «hệ thống tôn ti hữu hạn» buộc người trong gia đình phải tùng phục. Nhưng rồi những nhân vật trẻ tuổi dùng nghị lực của họ vào hoạt động khoa học tài chính, âm nhạc, kịch trường. Do đó quan niệm gia đình dần dần yếu kém đi. Trong cái quá trình đó các lực lượng xã hội là thất vọng và phá hoại lại giúp sức cho cá nhân càng chóng phân ly gia đình.

    Martin du Card: Les Thibault.

    Trong một chương sau chúng ta sẽ bình luận về sự tác phẩm Les Thibault của Martin du Gard phát triển thành một bức họa toàn cảnh các quốc gia xô đẩy nhau vào cuộc đệ nhất thế chiến. Giỏng họ Thibault, một đoàn thể nhỏ bé hơn giòng họ Forsyte, nhưng cũng có những đặc điểm tương tự. Họ là dân thành thị; sau khi gây dựng được một sản nghiệp đồ sộ, họ khéo léo gửi tiền vào những nơi chắc chắn để sinh lợi. Người cha bổn tính độc tài, tự nguyện đứng ra cải cách xã hội, và được các giới Gia Tô giáo mà ông lui tới khuyến khích. Chính đứa con trai nhỏ của ông lại là nạn nhân của một việc cải cách của ông: cải cách học đường. Sự cải cách đó đã đem lại kết quả là đứa trẻ chống đối và trốn khỏi trường học. Người con lớn làm bác sĩ và thành công trong việc tự tạo lấy cuộc đời. Tác giả theo rõi tỉ mỉ sự nghiệp của vị bác sĩ này, có nhiều vấn đề được nêu lên (kể cả vấn đề giết cha vì nhân đạo). Người con nhỏ rồi giao du thân thiết với một gia đình theo đạo Tin Lành — gia đình Fontanin — và luyến ái con gái của họ. Do đó, quan hệ giữa Công giáo và Tin Lành giáo được đặt thành vấn đề. Tác giả đã trình bày đề tài này với trực giác sáng suốt và lòng hiểu biết rộng rãi. Ông Fontanin là một người chồng và cha vô trách nhiệm, bà Fontanin phải cực nhọc mới giữ được gia đình toàn vẹn. Trong suốt câu truyện, độc giả cảm thấy gia đình thuộc giai cấp trung lưu Pháp rất mạnh mẽ, nhất là khi phải đương đầu với những cuộc khủng hoảng tài chính, với những cuộc tình duyên ngang trái, với nếp sống độc tài trong gia đình và với những hành vi chống đối sự độc tài đó.


    Tóm tắt.

    Tiểu thuyết gia đình chắc chắn không phải là một loại văn «thuần nhất ». Nhiều loại khác được pha trộn vào đó, khiến cho ta thấy rằng không những việc xếp loại là khó khăn mà có lẽ còn không quan trọng nữa. Chỉ có một vài cuốn tiểu thuyết như cuốn Buddenbrooks hay ba cuốn độc đáo của tập Forsyte là xuất chúng trong việc xây dựng cốt truyện một cách nghệ thuật và khéo léo điều chế tài liệu. Nhiều cuốn khác thì lại thành công trong việc hỗn hợp hai loại văn. Ví dụ cuốn Kristin Lavransdatter của Undset vừa là tiểu thuyết lịch sử, vừa là tiểu sử gia đình. Rồi các độc giả thành ra mê thích đọc những tiểu thuyết gia đình. Đến các thính giả vô tuyến truyền thanh cũng chăm chú theo rõi những câu truyện gia đình như truyện One Man's Family trên làn sóng điện trong nhiều năm. Do đó các tác giả được khuyến khích tiếp tục mãi đường lối đó. Người ta còn nhớ rằng nhà văn Trollope đã phát khóc khi phải chấm rứt chuyện bà Proudie, và nhà văn Galsworthy đa cảm thấy khó tìm cách kết thúc câu truyện về Soames Forsyte vì nhân vật này, sau một thời gian lâu dài, đã thuần thục tính nết và gần như trở nên đáng yêu.

    (Hết chương 7).
     
    Ban Tang Du Tử and tducchau like this.
  8. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 8

    TIỂU THUYẾT NÔNG DÂN

    Giải thưởng Nobel và tiểu thuyết nông dân.


    Những giải thưởng Nobel về văn chương cấp phát trong thế kỷ 20 năm đã làm sáng tỏ dư luận thế giới về các tác phẩm văn chương. Năm 1909, người được giải thưỏng là bà Selma Lagerlöf, xuất chúng nhất trong việc miêu tả người nông dân xứ Thụy điển như trong cuốn Jerusalem (1). Rồi đến năm 1920 thì nhà văn Na Uy Knut Hamsun được giải thưởng về cuốn Growth of the Soil; đó có lẽ là dấu hiệu sự thiên hạ đã quá chán ghét chiến tranh và tàn phá. Năm 1924, giải thưởng được trao cho nhà văn Ba lan Reymont, tác giả cuốn The Peasants viết vào khoảng đầu thế kỷ 20. Cuốn tiểu thuyết này như là một thiên anh hùng ca về đồng ruộng, tả người nông dân bám lấy mảnh đất, có những bản năng chất phác, biết tự trọng, và sinh hoạt theo nhịp bốn mùa tuần hoàn. Đến năm 1938 thì đến lượt người nông dân Trung Hoa được chú ý tới ; bà Pearl Buck đã đoạt giải thưởng Nobel với cuốn Good Earth và những cuốn tiếp theo. Năm sau lại một truyện nông dân được giải thưởng, đó là tác phẩm Meek Heritage của Sillanpää, tả cuộc đời người nông dân xứ Phần Lan. Trên đây chỉ mới nêu tên mấy nhà văn được giải thưởng Nobel. Ngoài ra còn vô số nhà văn khác nữa cũng viết truyện về đời sống thôn quê, thuộc đủ quốc gia: Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, Đức, Đan Mạch, Nga và cả Ấn Độ nữa. Nhà văn Mulk Raj Anand của xứ này đã viết một tập ba quyển (1939 — 1942) đều tả đời sống của anh nông dân Lai Singh.


    Định nghĩa danh từ “nông dân”.

    Nông dân là hạng người nào? Tại sao độc giả ở thế kỷ 20 lại lưu ý tới lối sinh hoạt của hắn? Khi thế kỷ bắt đầu, gần như chưa có ai lưu ý tới hắn kia mà. Theo cuốn Encyclopedia Britannica, giai cấp nông dân hầu như đã bị xóa bỏ sau cuộc cách mạng kỹ nghệ, mặc dầu họ còn là thành phần chính yếu của dân số Đông Âu. Trong bài “The Deserted Village” (1770), Oliver Goldsmith đã viết câu thơ như sau:

    Những nông dân dũng cảm, xưa kia đã từng là hãnh diện cho tổ quốc,
    Một khi đã bị tan rã rồi, không bao giờ lại có thể thay thế được.


    Ở Anh quốc, nông dân được miêu tả như là đã hết sinh lực trong cuốn tiểu thuyết về xứ Wessexcủa Hardy. Trong truyện này, ta thấy một ban đồng ca quê mùa nói lên những điều xử thế khôn ngoan và chế riễu những xuẩn động và bất hạnh của những nhân vật lãnh tụ. Và trước đấy một chút, trong những tiểu thuyết của Charles Kingsley, ta cũng đã từng thấy nông dân tuyệt vọng trong những cuộc nổi loạn vô hiệu quả. Thực ra thì những biến cố xảy ra cho đám nông dân dũng cảm chưa bao giờ được diễn tả trong tiểu thuyết, mà phần nhiều bị chôn vùi trong những bài báo cáo của Quốc Hội. Ngay cuốn tự điển Oxford cũng chỉ ghi dưới mục “nông dân” ý kiến rằng “danh từ này lúc đầu chỉ áp dụng cho ngoại quốc”. Ở “ngoại quốc” như ở Pháp thì nông dân xứ Normandie được nổi danh nhờ những truyện của Maupassant, và Zola thì làm cho các văn hữu phải nổi xùng với lối tả chân thái quá của ông về đời sống nông dân trong cuốn La Terre. Ở Nga, nông dân được một nhóm ở thế kỷ 19, gọi là nhóm bảo tồn dân tộc tính của dân Slaves, đưa lên bệ cao, trong khi nhiều nhóm khác lại khinh rẻ, mãi đến khi nông dân nhập vào thành phần giai cấp vô sản mới thôi. Nhà văn Tolstoy là người bênh vực đám nông dân, đã từng tuyên bố rằng người ta sẵn sàng làm đủ mọi thứ cho nông dân, trừ việc thôi đè nén họ!

    Nhưng còn nông dân Mỹ thì thực sự chưa có một nhà văn nào nói tới. Nông dân Na Uy sang tân thế giới đã biến thành người phiêu lưu tiền phong và trại chủ, như tả trong truyện Giants in the Earth của Rolvaag. Tuy nhiên kẻ nào trồng trọt thì kẻ ấy là một “người làm ruộng” (2) lệ thuộc vào ruộng vườn. Hắn có thể là một người cấy rẽ, một người tá điền, một người lao động vô định sở, hễ chỗ nào có gặt hái thì tới làm giúp, hay là một tiểu trại chủ khai thác tư điền lúc kinh tế phồn thịnh và trở thành một người “lang thang” (3) trong thời khủng hoảng, nhưng không bao giờ hắn thuộc thành phần một giai cấp nông dân.


    H. G. Wells viết về nông dân.

    Viết về những lực lượng xã hội ở Anh và Mỹ (Social forces in England and America) trước đệ nhất thế chiến, H. G. Wells đã đặt nông dân vào đúng vị trí của họ. Ông sáng chế ra một danh từ: đời sống xã hội bình thường, và tả đời sống ấy như sau: đã có từ đời thượng cổ, và là số phận của đại đa số nhân dân, dù ta ngược giòng lịch sử hay truyền thuyết xa tới đâu cũng vậy. Đời sống đó tập trung vào một cộng đồng nhỏ làm việc cày cấy và chăn nuôi súc vật; đơn vị xã hội là gia đình; cộng đồng phần lớn tuân theo tục lệ mà tự cai trị ; tôn giáo cũng vậy, phần nhiều là tự tạo lấy và tự sinh tồn. Đời sống đỏ vẫn còn là đời sống của nhiều thôn xã Âu châu và của hầu hết toàn thể Á châu, một đời sống bám lấy nguồn gốc, tự tại trên điền thổ, và “từ dưới là đất chịu ảnh hưởng các mùa nóng lạnh, từ trên là bầu trời có mưa nắng thay đổi, đã nảy sinh ra phần lớn các truyền thống, chế độ, tính tình, tín ngưỡng, dị đoan, và những bài ca hát và truyện cổ tích căn bản của loài người”.

    Nhưng đời sống của nhân loại không phải chỉ đóng khung trong đời sống bình thường đó. có những lực lượng mâu thuẫn với đời sống xã hội bình thường, ví dụ tính tò mò, chán lao động hay ham thích lang thang, đã làm nảy nở những đường lối sinh hoạt mới. Hoạt động thương mại và du lịch gia tăng, và một thiểu số gồm thương gia, thủy thủ, dân thành thị, vua và quý tộc, đứng ra làm lịch sử với những hoạt động có thể nói là bất thường của họ. Còn đời sống xã hội bình thường thì lặng lẽ trôi đi, không để lại một thành tích lịch sử nào, câm lặng như lúa chín ngoài đồng. Một đôi khi, vào thời chiến tranh, nó còn bị những lực lượng thặng dư (4) kia quét sạch, nhưng rồi sau đó bao giờ nó cũng lại quay về. Đời sống của nông dân Gallic (5), của nông dân Pháp ở thế kỷ 13, 17, 19, cho ta thấy một tính chất đồng dạng, một không khí chung mà Wells khinh bỉ gọi là đời sống của trâu bò, gà vịt, đòi sống chỉ biết khổ cực lao động, cày bừa xong rồi thì coi sóc công việc trong nhà. Nhưng trong hai thế kỷ gần đây, cái đời sống ít dừng lại một nơi (6) và thặng dư của nhân loại lại dần dần trở thành quan trọng hơn đối với đời sống xã hội bình thường. Những thành quả của đời sống thặng dư, máy móc và khoa học của nó, đã tạo ra những khả năng mới cho con người. Và Wells kết luận rất tiên tri: “Tất cả tư tưởng xã hội, tất cả hoạt động chính trị của thời đại chúng ta, đều thực sự xoay quanh cuộc xung đột giữa hệ thống cũ mà chúng tôi đã mệnh danh những điểm cốt yếu là đời sống bình thường, và những khích thích hãy còn mơ hồ và chưa thành hình, nhưng rồi hoặc sẽ đưa nhân loại tới chỗ tuyệt diệt, hoặc sẽ thay thế đời sống bình thường cũ bằng một lối hợp tác nhân loại mới mẻ hơn và vi diệu hơn”.

    Nông dân xứ Scandinavia của Hamsun.

    Trong con mắt của tiểu thuyết gia Wells, những khả năng mới và bao la của khoa học và máy móc là tất cả. Trái lại, đối với Knut Hamsun, con người lý tưởng hóa đời sống xã hội bình thường, thì những khả năng trên chỉ là mối đe dọa làm cho nhân loại bị suy tàn và trụy lạc. Xin nhắc lại câu sau này ở cuối quyển Growth of the Soil của viên cảnh sát trưởng Geissler là một người mất gốc nói với con của Isak đã ở lại trung thành với đồng ruộng: “Các anh sống ở đây với trời cao đất rộng, và đồng thể với trời đất, đồng thể với tất cả những gì rộng rãi và có gốc rễ sâu xa. Các anh có tất cả để sống nhờ nó, để sống vì nó, để tin tưởng ở nó, các anh sinh ra rồi sản xuất, các anh là sự cần thiết cho quả đất. Các anh đảm bảo cho sự sống được tiếp tục. Từ thế hệ này qua thế hệ kia, các anh chỉ sống nhờ về đất cát phì nhiêu, và khi các anh chết đi thì một thế hệ khác lại tiếp tục như cũ. Đó là cái được gọi là cuộc sống vĩnh viễn”.

    Thủa trẻ đi phiêu lưu đây đó, Hamsun đã chịu cảnh đói khát ở các thị trấn lớn, do đó ông không còn tin tưởng ở nền văn minh kỹ nghệ thời nay. Trong tác phẩm hay nhất của ông, hình như ông chỉ kể truyện một nông dân xứ Na Uy mà thôi nhưng thật ra ông đã nói lên những nguyện vọng và an ủi những thất vọng của một tâm hồn trí thức phức tạp. Cuốn sách bề ngoài có tính chất tả chân, nhưng thực ra lại là giấc mơ một thời đại hoàng kim ở đồng ruộng.

    (Còn tiếp...)


    (1) Thực ra bà Selma Lagerlöf được giải thưởng Nobel về cuốn Saga de Goesta Berling chứ không phải về cuốn Jerusalem.

    (2) Paysan: sở dĩ tác giả dùng danh từ paysan chứ không dùng danh từ peasant là cốt ý nói rằng người làm ruộng (paysan) ở vào quãng đầu thế kỷ 20 không họp thành một giai cấp nông dân thực sự, không có một lối sinh hoạt đặc biệt khác những giai cấp khác, hoặc không có cả ý thức giai cấp.

    (3) Okie: tiếng lóng dùng để chỉ một người đã mất tài sản hoặc phải bỏ điền thổ đi kiếm ăn nơi khác. Có nói đến trong cuốn The Grapes of Wralh của John Steinbeck.


    (4) Surplus forces, surplus life: lực lượng thặng dư, đời sống thặng dư. Tác giả muốn nói rằng đời sống bình thường chỉ cần dùng hoạt động canh nông thôi, còn những hoạt động khác như khoa học, mỹ thuật, v.v .. đều thừa (thừa đối với lối sinh hoạt bình thường).

    (5) Gallic: Gaulois, dân xứ Gaule, tên cũ của nước Pháp.

    (6) Less localized life: Hoạt động thương mại, hàng hải, khoa học, mỹ thuật, buộc người ta phải di chuyển từ chỗ này tới chỗ kia. Còn hoạt động canh nông (mà tác gia coi là hoạt động bình thường của nhân loại) thì bắt buộc con người phải ở yên một chỗ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 10/9/15
    Ban Tang Du Tử, chis and tducchau like this.
  9. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 8

    TIỂU THUYẾT NÔNG DÂN (tt)

    Vai trò quan trọng của nông dân trong các tiểu thuyết ở thế kỷ 20.

    Trước cuộc đệ nhất thế chiến, đời sống xã hội bình thường vẫn còn tồn tại ở Đông Âu và Á châu. Nhưng rồi những cuộc chiến tranh, cách mạng và xung đột xã hội ở thế kỷ 20 đã làm tan rã nó tới một mức độ chưa từng thấy trong lịch sử. Nông dân bị bật gốc, di động, tập hợp thành những khối, dồn vào hàng ngũ quân đội, lôi kéo vào những phong trào kháng chiến. Họ bị tuyên truyền hay bắt buộc phải ủng hộ những chính phái và lãnh tụ nọ kia; họ đã được nhồi sọ với những khẩu hiệu tôn sùng đồng ruộng, tôn sùng nhân dân, tôn sùng máu sắt. Trong lịch sử cận đại, hầu như người ta đã làm đủ mọi việc với nông dân, trừ việc viết thẳng rằng họ là yếu tố không đáng kể, và mặc quách họ với những nhịp sống muôn thủa của Thiên nhiên. Do đó ta không lấy gì làm lạ rằng các nhà viết truyện đã săn sóc họ và nâng họ lên từ vai trò phụ thuộc tới vai trò tối cao. Kinh nghiệm của họ, từ trước vẫn là một điều lạ lùng khó hiểu, thì nay được các nhà văn cố gắng làm cho quần chúng đông đảo độc giả trung lưu có thể hiểu được và xúc động. Nhà văn cho rằng độc giả không thể hiểu được hiện tại của nông dân nếu không biết quá khứ của họ. Do đó mới xuất hiện một kiểu truyện đi từ một quá khứ ít thay đổi trong nhiều thế hệ tới một hiện tại trong đó những ranh giới cũ lu mờ nhanh chóng.

    Những nhân vật thuộc thành phần nông dân trong các truyện của Lagerlöf, Sillanpää, Buck, Nexö, Gorky, Bates, Silone, Vittorini.

    Có thể là Hamsun đã mơ mộng quay về một cộng đồng vững chãi theo chế độ phụ quyền giản dị của đám nông dân. Nhưng những người nông dân chậm chạp nặng nề của bà Selma Lagerlöf, tuy muốn bám vào nơi quê cha đất tổ, vẫn quả quyết di cư sang thánh địa Jerusalem, vì họ có tín ngưỡng tôn giáo rất mãnh liệt. Người nông dân Phần Lan của nhà văn Sillanpää, có thể coi là điển hình cho nông dân mạt hạng nhất trên trái đất, thì bị lôi kéo hoạt động với một nhóm người mà hắn chỉ hiểu lờ mờ là một “đoàn thể” trước khi chết. Hắn bị bắn tan xác trong một cuộc phản cách mạng, nhưng ngay trong bộ óc khô héo của hắn cũng đã lờ mờ xuất hiện hình ảnh một “quá trình được mệnh danh là sự xây dựng một triết lý cuộc đời”. Trong cuốn
    The Good Earth của bà Pearl Buck, anh Wang chỉ là một nông dân hiền lành, nhưng đến cuốn Sons thì con anh đã trở thành một hảo hán hỗn danh là Wang-đại-hổ, và đến cuốn A House Divided thì cháu anh lại biến thành Wang-thư-sinh. Anh nông dân Pelle của nhà văn Nexö thì leo lên địa vị một lãnh tụ công nhân ở thành phố Copenhague. Trong cuốn Mother của Gorky, người đàn bà nông dân, bản tính phục tòng và lại thất học, đã được con bà và đồng chí của anh ta giảng giải cho biết phải tranh đấu cho những nguồn hy vọng mới, và bà đã chết vì lý tưởng đó. Gorky thích đề cập tới đề tài những “tâm hồn câm lặng trở thành hoạt bát”, nhưng không phải chỉ có nông dân Nga, mà cả nông dân Tây Ban Nha và Ý Đại Lợi cũng đã đứng lên nói ra nguyện vọng của họ.

    Tiểu thuyết gia phải cho độc giả hiểu thấu người nông dân, dù tác giả đã lựa chọn cho câu truyện xảy ra ở đâu và vào thời gian nào, ví dụ trong các khóm cây ô liu xứ Andalusia vào khoảng năm 1930. Cuốn The Olive Field của Ralph Bates tả cảnh mặt trời hừng hực nóng, núi khô cằn rám nắng mầu nâu, khóm cây ô liu giồng trên sườn núi, lúc thì nở hoa và kết quả, lúc thì tàn tạ vì hạn hán hay mưa đá. Độc giả cảm thấy tất cả những điều đó qua người nông dân, những con người mà đờisống từ thế hệ nọ sang thế hệ kia đều bị chi phối bởi sự chăm chút ô liu, những con người bị lệ thuộc vào các đại điền chủ gần như nông nô thời phong kiến, những con người bị Giáo hội kiểm soát chặt chẽ từng hành động. Tuy nhiên, trong đời sống làng mạc, họ vẫn có dịp phát triển những cá tính rất khác nhau và, trong những ngày gần đây, những ý kiến chính trị kỳ lạ phong phú.

    Người nông dân miền quê Abruzzi dưới chế độ của Etcetera, tức là Mussolini, như thế nào? Nhà văn Ignazio Silone đã nói rõ cho chúng ta biết trong hai cuốn FontamaraBread and Wine. Giọng hài hước của ông có làm nhẹ bớt nhưng không che dấu nổi mối băn khoăn và niềm thống khổ của những nông dân chạy loạn khi họ hỏi, ở cuối quyển Fontamara: Đổ ra bao nhiêu máu rồi, căm hờn và tuyệt vọng mãi, chúng ta còn phải làm gì nữa đây? Trong cuốn Bread and Wine, chính tácgiả Silone đã nêu ra câu hỏi sơ đẳng mà ông cho là chủ chốt của mọi cuộc cách mạng: Con người là gì ? Ông viết: “Có những kẻ mắc bệnh thần kinh; đối với họ thì cách mạng là một hình thức giống như say rượu. Họ cho rằng thà làm con sư tử trong một ngày còn hơn làm con cừu trong trăm ngày. Nhưng đối với đám dân khốn khổ thì cách mạng có một ý nghĩa khác: cách mạng là một cuộc giải phóng một nhu cầu đòi hỏi chân thật và giản dị, một thái độ chối bỏ số phận con cừu và luôn cả số phận consư tử, mà chỉ đòi hỏi số phận con người”.

    Tiếng nói của nông dân xứ Sicily được phát biểu trong một đoản thiên tiểu thuyết của Elio Vittorini, gần đây vừa được dịch sang Anh ngữ, lấy tên là In Sicily. Một người con, chán nản phải sống trong một hoàn cảnh bực bội, bỏ nhà ra đi; mười lăm năm sau, anh bất thình lình muốn trở về thăm quê cũ, và ở lại đấy ba hôm với bà mẹ. Việc xảy ra vào khoảng năm 1930. Anh thấy nông dân vẫn nghèo khổ như họ từng nghèo khổ trước đó; cha anh đã bỏ mẹ anh; một người em của anh đi lính đã chết. Nhưng mẹ anh vẫn còn sống tủi nhục gần như là nửa sống nửa chết. Truyện này có ý nghĩa một ngụ ngôn. Người con phiêu lưu lại tìm thấy mấu chốt để tin tưởng; cuộc du lịch ngắn của hắn, theo hắn nghĩ, là một cuộc du lịch trong tâm tư từ trạng thái hoài nghi tới trạng thái quyết định lại số phận của nhân loại. Câu truyện tuy quê kệch nhưng duyên dáng khiến ta nhớ lại sự phấn khởi của Ernest Hemingway khi ông viết bài Tựa cho cuốn truyện này. Và chính Hemingway cũng đã tranh đấu cho nông dân Tây Ban Nha, như một người ngoại quốc có thể làm, trong cuốn For Whom the Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai).

    Tóm tắt.

    Những nhà văn viết truyện về đời sống nông dân thường ngả về cảm tình hay huyền bí. Triết lý phát xít quốc xã một phần cũng đã tôn sùng nhân dân và đồng ruộng, và khắp đâu đâu cũng theo như vậy. Nhưng những cuốn tiểu thuyết nói trên kia và những cuốn khác trình bày nông dân, đã mở ra những chân trời kinh nghiệm mới, và đã cho chúng ta một hiểu biết mới về phẩm giá và sức sáng tạo của con người.

    Trong một đoạn đã dẫn chứng trên đây, nhà văn Hamsun gọi nông dân là “những yếu tố cần thiết cho trái đất”, vì họ đảm bảo sự sống được tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hình như ông không nhìn thấy họ thay đổi. Khó mà tìm được một đoạn văn nào cũng diễn tả khéo như thế quan điểm ngược lại, quan điểm người nông dân có thay đổi, một quan điểm tiêu biểu cho tiểu thuyết hơn là quan điểm của Hamsun. Họa chăng câu dẫn chiếu sau đây có thể dùng được. Câu này trích ở cuốn tiểu sử đã tiểu thuyết hóa của Han Suyin lấy tên là Destination Chungking và đã được dịch từ Hoa văn sang Anh ngữ (1942). Han là một nữ sinh viên, sinh trưởng trong một gia đình khá giả. Cô đã tìm hiểu tinh chất cuộc đấu tranh xã hội ở Trung Hoa. Cô ngắm nhìn những người dân quê qua lại trên đường cái, nào là thợ nề, nào là phu chở hàng, nào là nông phu, nào là thợ thuyền. Cũng như Hamsun, cô coi họ là “những yếu tố cần thiết”; không có họ thì quan lại, trí thức không thể làm gì được. “Họ đi lại như trong một giấc mơ chậm chạp, và hình như có cả triệu người xuất hiện từ đám sương mờ ra rồi lại biến vào đám sương mờ. Một người bỗng dừng lại. Thong thả, hắn thốt lên một tiếng than phiền, đặt gánh nặng xuống đất, rồi đứng thở dốc. Rồi hắn băng qua đường. Hắn trông thấy một tờ nhật trình dán trên tường. Hắn dừng lại trước chỗ đó. Hắn giơ tay lên. Hắn lần theo ngón tay mà đọc các giòng chữ, môi mấp máy đọc từng chữ. Thong thả, khó khăn, hắn đọc... Và có một sự gì lạ kỳ thức tỉnh trong tâm hồn chúng ta, bắt đầu nêu ra cho chúng ta nhiều câu hỏi. Đó là một cử chỉ có ý nghĩa sâu sắc, và tôi đang ngắm hắn, tự nhiên thấy mình sung sướng, tin tưởng vào tương lai, bởi vì tôi đã trông thấy nhân loại ở trong đám sương mờ một buổi bình minh, giơ ngón tay lên để đọc nhật trình”.

    (Hết chương 8).
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/9/15
    Ban Tang Du Tử and tducchau like this.
  10. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 9

    TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ

    Tiểu thuyết lịch sử được ưa chuộng. Đọc để đào thoát hay để tìm hiểu hiện tại?

    Từ thời Sir Walter Scott, tiểu thuyết lịch sử không những không hề bị độc giả chán ghét, mà trải qua nhiều thời kỳ lại sản xuất rất phong phú và thu hút thêm rất nhiều độc giả. Nói cho thật đơn giản thì phần đóng góp lớn của Scott vào nền tiểu thuyết chỉ là nhận xét rằng con người có hiện tại, nhưng cũng có quá khứ nữa. Tại sao thỉnh thoảng người ta lại thích đọc truyện về quá khứ hơn là truyện về hiện tại? Câu trả lời dễ dàng nhất và cũng hay nói tới nhất là: tại người ta muốn đào thoát khỏi những ưu tư hiện tại. Một triệu người đọc truyện Gone with the Wind Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (1936) có phải là vì họ quan tâm đến cuộc nội chiến không? (1) Hay chỉ vì, trong những năm rối loạn và kinh tế khủng hoảng (2), họ tạm bợ tìm thấy một cảm tưởng đào thoát hiện tại trong những sự khốn khổ của một thế hệ trước? Thêm vào đó, truyện lại có ghi một mối tình lãng mạn, và đưa ra một nhân vật giống như thần tượng Byron (3) của họ. Đọc tiểu thuyết lịch sử là để đưa mình vào những thời đại khác, những sự khốn khổ khác, vì khi người ta khốn khổ thì ưa đi tìm bạn tương tri. Những tiểu thuyết lấy đề tài ở lịch sử chúng ta — như là cuốn Northwest Passage, Drums along the Mohawk (4) được độc giả hoan nghênh, sự kiện này có phải là bằng chứng rằng chúng ta thành khẩn quan tâm tới ý nghĩa của quá khứ quốc gia chúng ta không? Hay là những tác giả tiểu thuyết lịch sử tránh né những vấn đề của hiện tại để làm vừa lòng những độc giả cùng chung ý muốn? Hay là, ít nhất trong vài trường hợp, phải chăng họ rút lui về vị trí trong quá khứ để có thể từ đó giải quyết tinh tường hơn những vấn đề hiện lại?

    Tương quan giữa tiểu thuyết lịch sử sự kiện lịch sử cùng những biến cố hiện đại.

    Tiểu thuyết lịch sử có thể thoát thai từ ước ao của một tác giả muốn đào thoát khỏi hiện tại và đồng thời thỏa mãn ước ao tương tự của độc giả. Nhưng tiểu thuyết lịch sử còn có nhiều tác dụng khác nữa. Nó có thể soi sáng những thời kỳ quá khứ con người đã trải qua, với mục đích rõ ràng là gạn lọc những tình trạng tiến thoái lưỡng nan của hiện tại. Nó giúp ta làm những bảng so sánh, đối chiếu thời đại nọ với thời đại kia. có điều kỳ lạ là khi ta ngược giòng thời gian, ta thấy có những thời quá khứ hình như rất gần chúng ta, và những thời đại khác lại hình như lùi về xa, bất chấp thời gian lịch sử thật sự. Ví dụ, đế quốc La Mã ở thời Claudius (5) đã là đề tài cho hai cuốn tiểu thuyết của Robert Graves, hình như rất gần ta vì ta thấy thời đại đó cũng có những cảnh tượng như thời nay: tài sản phong phú, dân gian tập trung vào những thị trấn khổng lồ, số người vô sản và thất nghiệp nhiều vô kể, chính giới tham nhũng, khuynh hướng độc tài, v.v. Trái lại thôn quê ở vùng New England ngày hôm qua lại hình như rất xa lạ với ta khi ta thấy dân quê nơi đó tụ tập ở thị trấn để bàn việc công, và nền văn hóa đượm mầu tôn giáo và dân chủ.


    Tác giả tiểu thuyết lịch sử xử dụng qná khứ như một khí cụ để vẽ lên những điểm tương đồng giữa quá khứ và hiện tại, và do đó làm sáng tỏ hiện tại. Muốn được vậy, nhà văn cần phải có một quan điểm mới về quá khứ, một phương pháp chọn lựa và lưu ý mới mẻ, soi sáng chỗ nầy và ẩn nặc chỗ kia. Nếu ông ta chọn lựa thích đáng, hợp với sở thích của độc giả, và được nhiều nhà văn khác đi theo đường lối đó, thì tiểu thuyết ông viết ra có thể cho ta biết về tư tưởng người đương thời nhiều hơn là về quá khứ. Trong khi đối chiếu các thời đại lịch sử, người ta cũng có thể rơi vào những cạm bẫy, vì đối chiếu có thể quá cứng nhắc, khiến cho lịch sử bị xuyên tạc, hoặc đối chiếu có thể quá mập mờ, khiến trở thành vô nghĩa.

    Lion Feuchtwanger.


    Lion Feuchtwanger tiêu biểu cho những nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử để soi sáng hiện tại. Ông viết về mọi thời đại, từ thế kỷ thứ nhất tới thế kỷ 18, từ Josephus (6) tới Benjamin Franklin (7). Chính ông đã nói: «Tôi không quan tâm đến lịch sử vì lịch sử... Khi tôi cần tả một cái ghế của thế kỷ 18 hay một bộ y phục của thế kỷ thứ 2, tôi cố gắng tả cho thật chính xác. Nhưng những đồ trang hoàng của thời xưa đó, tôi chỉ ngẫu nhiên đem chúng vào tác phẩm thôi. Còn bản ý của tôi là chỉ dùng những khía cạnh nào của lịch sử có ý nghĩa với chúng ta ngày nay, tới nay vẫn còn đầy sinh khí, và có thể giúp đỡ chúng ta hiểu việc ngày nay. Tôi tin tưởng rằng, từ hai nghìn năm nay, tâm lý con người không có thay đổi chút nào, và con người thủa xưa bạo tàn và tham lam không hơn không kém con người thời nay. Xem xét thế sự thăng trầm thời xưa rất có ích, vì hoặc nó giống hệt thế sự thăng trầm ngày nay, hoặc không giống thì nó cũng giúp ta nhận định rõ sự biến chuyển của công việc ngày nay. Do đó mà tôi viết tiểu thuyết lịch sử (trích tạp chí « New York Times Book Review », số ra ngày 20 tháng 10 năm 1940).


    (Còn tiếp...)


    (1) Tiểu thuyết Gone with the Wind Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link kể lại cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ giữa hai miền Nam Bắc trong những năm 1861 — 1865.
    (2) Năm xuất bản cuốn tiểu thuyết đó (1936) chính là năm mà Hoa Kỳ và gần khắp thế giới đang bị khủng hoảng kinh tế.
    (3) Byron (1788 — 1841): một thi sĩ lãng mạn Anh.
    (4) Mohawk: một bộ lạc da đỏ ở Bắc Mỹ.
    (5) Claudius (10 — 54): một hoàng đế La Mã.
    (6) Josephus (37 — 95): một sử gia Do Thái.
    (7) B. Franklin (1706 — 1790): một chính trị gia và bác học Mỹ. Ông đã sáng chế ra cột thu lôi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/9/15
  11. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 9

    TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ (tt)

    Naomi Mitchison.

    Trong cuốn The Blood of the Martyrs, bà Naomi Mitchison so sánh cuộc cách mạng và chế độ độc tài giữa thời Nero
    (1) và thời Hitler. Lấy tư cách là một nhà văn ở thế kỷ 20 giải thích truyện những vị thánh tử vì đạo, bà đã liên hệ ý nghĩa của câu truyện xưa với những biến cố của thế kỷ 20. Mục đích của bà kể lại câu truyện xảy ra năm 64 là nói lên những nguyện vọng căn bản của các cuộc cách mạng: là mang những tín đồ Thiên Chúa giáo đầu tiên ra khỏi giáo hội chánh thức và đưa họ trở về với tình thân ái giữa mọi người; là đặt họ vào trong truyền thống cách mạng của nhà lãnh tụ nô lệ Spartacus (2) sống trước họ và những bậc anh hùng như Sacco và Vanzetti (3) sống sau họ. Tín đồ Thiên Chúa giáo bị tố cáo là đã đốt cháy thành La Mã. Bà Mitchison đã khéo lựa chọn chi tiết và lời nói để khiến độc giả khi đọc tới đoạn văn đó phải nghĩ đến vụ đốt cháy tòa nhà Quốc Hội ở Đức mà bọn quốc xã đã đổ tội cho đảng viên Cộng sản và người Do Thái. Nhan đề các chương càng làm cho những điểm tương đồng thêm rõ rệt: Đồng chí, Lãnh tụ, Cứu cánh và phương tiện, Những khó khăn của mặt trận thống nhất, Thuyết chủ trương công hiệu, v.v... Rồi cả những tiếng thường dùng trong văn đàm thoại thời nay cũng làm cho ta quên đi những điểm khác biệt giữa thế kỷ thứ nhất và thế kỷ 20. Đó là bút pháp trái hẳn với bút pháp dùng những danh từ cổ để nhấn mạnh những điểm khác biệt giữa quá khứ và hiện tại.


    Chúng ta có thể nêu ra vấn đề: Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử có làm đúng không khi giả thuyết rằng dù ở năm 64 hay ở năm 1934, phản ứng tâm lý với những tình trạng tương tự vẫn giống hệt nhau, rằng «bản chất con người không có gì thay đổi? » Hay là trái lại, nhà văn đó phải tự kềm chế, không được thả mình tự do so sánh quá khứ với hiện tại, theo kiểu nhà văn Thomas Mann, khi ông này tìm cách giải thích tư tưởng và tính tình của người dân cổ Ai Cập thì để ý đến yếu tố không-thời gian trong quá trình phát triển của nhân loại?



    Dù sao đi nữa thì phần đông tiểu thuyết gia và độc giả đều tin tưởng rằng bản tính con người không hề thay đổi từ trước tới nay, và sự tin tưởng đó dắt ta tới sự tin tưởng những biến cố dị thường đã xảy ra ở những thời xa xăm.


    Undset: Kristin Lavransdatter.

    Sở dĩ cuốn Kristin Lavransdatier (Kristin con gái của Lavrans) của Sigrid Undset có sức hấp dẫn mạnh mẽ là vì nó giải thích nhân vật và nguyên động lực hành động ở thế kỷ 14 theo lối giải thích ngày nay. Trật tự xã hội của xử Scandinavia ngày nay vẫn còn tính cách thời Trung cổ, có rất nhiều dị đoan lạ kỳ, quan niệm và các nghi lễ tôn giáo để kiểm soát dân chúng một cách chặt chẽ mà ngày nay chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, vợ chồng thời đó cũng vẫn yêu thương và làm khổ nhau như ngày nay. Cốt truyện tập trung vào sự tương giao tình cảm giữa Kristin và Erlend suốt trong thời gian hai mươi lăm năm. Sự hai vợ chồng phải dung hợp tính tình với nhau là một vấn dề rất thông thường trong bất kỳ xã hội nào và thời đại nào; do đó nhiều khi độc giả có cảm tưởng rằng Kristin và Erlend là người cùng thời với chúng ta. Tuy nhiên, chỗ khéo của tác giả là làm cho những nhân vật đó vẫn thuộc về xứ sở và thời đại của họ; cả xã hội thử thời cũng được làm sống lại về cả phương diện hình thức, thể chất và tinh thần.


    Graves : Claudius, Belisarius, v.v…

    Robert Graves, một trong số những nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử nhiều nhất, không màng đến những truyện tân thời được khoác một tấm áo bịa đặt mà đem trưng là có nhãn hiệu lịch sử. Ông nói rằng truyện của ông nghiêm trang đứng đắn hơn. Đặc biệt ông chú ý đến những truyện quá khứ đã bị sai lạc hay mất mát đi một phần; ông muốn làm cho chúng được sống lại, tức là dùng kỹ thuật “hồi sinh”, theo danh từ của ông. Ông đã xử dụng kỹ thuật đó để viết truyện về Claudius, Milton, Hercules, Belisarius, và cả đức Chúa Jesus nữa. Theo ý ông, truyện hoàng đế Claudius đã bị xuyên tạc hay chỉ được bốn sử gia danh tiếng kể lại một phần thôi. Những chiến trận và cuộc đời tình ái của Belisarius, viên tướng đại tài của đế quốc Byzantine ở thế kỷ thứ 6, và là bộ thuộc của hoàng đế Justinian, đã do Procopius kể lại theo kiểu cổ điển không có gì là lãng mạn cả. Nhà văn Graves kể lại câu truyện đó theo một lối khác; ông mượn tên Eugenius nói lên; tên này là một hoạn quan hầu hạ bà Antonia, bạn của hoàng hậu Theodora. Cuốn truyện là cả một bức họa vĩ đại, kể lại nào là những cuộc xung đột gay cấn ở trường đua ngựa giữa phái mặc áo xanh màu thiên thanh và phái mặc áo xanh màu lá cây, nào là những cuộc đấu lý về Thần học hết sức tỉ mỉ như chẻ sợi tóc làm đôi, nào là tính ghen tuông của hoàng đế Justinian, nào là những chiến trận ở Tiểu Á tế Á, ở Phi châu và ở Ỷ Đại Lợi, nào là cuộc phòng thủ thành La Mã và thành Constantinople, nào là bệnh dịch hạch hoành hành ra sao, nào là phong tục của các sắc dân AngloSaxons, Visigoths, Vandals, Franks, Hung nô, Ostrogoths, nào là truyện bộ ba tình nhân Belisarius-Antonina-Theodosius, nào là số phận đại tướng Belisarius sau khi bị thất sủng, mù, và đi hành phất ở ngoài đường. Ở những đoạn nói về cuộc phòng thủ thành La Mã, ta được chứng kiến một nền văn minh đang tan rã, ví dụ người Goths chặt đứt cả mười bốn ống dẫn nước cho thành phố, và dân chúng bó buộc phải tản cư lang thang trên các nẻo đường. Các cảnh khốn khổ dồn dập ấy, nào là dịch hạch, nào là hỏa hoạn, nào là chiến tranh, nào là do các nhà cầm quyền bạo tàn và ngu dốt gây ra, hình như chính là cảnh khốn khổ của thời đại chúng ta. Nhưng vì khéo léo chỉ đưa ra quan điểm của người kể truyện, tức là tên hoạn quan Eugenius, để nhận xét, nên tác giả đã tránh được cho câu truyện khỏi dùng tới lời so sánh và giải thích trực tiếp của thế kỷ hai mươi.

    Tiểu thuyết lịch sử có thể ngược giòng quá khứ tới đâu?

    Storm Jameson nhận định rằng “điểm quan tâm chính yếu của tiểu thuyết là cho ta biết các nhân vật sinh hoạt như thế nào trong thời của họ”. Theo quan điểm đó thì hiển nhiên đặc điểm của tiểu thuyết lịch sử là viết về một thời nào đó khác thời tác giả đang sống. Thời đó là thời quá khứ, tất nhiên, nhưng quá khứ tới đâu?

    Nếu chỉ kể những điều chính mình được biết, thì tác giả có thể viết về những sự việc đã xảy ra mà ông còn ghi nhớ, hoặc mở rộng ra là những điều ghi nhớ của người già cả hơn kể lại cho tác giả nghe, nhưng những người này cũng thuộc thế hệ còn sống trong đời tác giả. Ví dụ nhà văn Tolstoy viết truyện War and Peace Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link theo ký ức của thân phụ ông xưa kia là sĩ quan trong những trận chiến thời hoàng đế Napoleon. Stephen Crane thì hồi nhỏ được các người sống sót trong trận nội chiến kể cho nghe nhiều chi tiết về trận này. Trong trường hợp này, tuy nhà văn viết về một thời đại đã để lại trong ký ức ít nhiều kỷ niệm, nhưng khi viết truyện ông cũng phải đem vào đó nhiều yếu tố ngoài phạm vi kinh nghiệm bản thân. Và nếu tác phẩm của ông được gọi là tiểu thuyết lịch sử chứ không chỉ là tiểu sử bản thân, thì lại càng phải vượt ra ngoài việc miêu tả con người nghệ sĩ của mình và làm sống lại thời gian đã trôi qua của đời mình.

    Đó là nói về quá khứ cận đại, Còn đi ngược giòng thời gian xa hơn nữa, tác giả có thể tới những thời quá khứ không còn để lại chút tài liệu nào để khảo cứu, những quãng thời gian mà lịch sử phai mờ đi, hoặc lóe lên, để biến thành huyền thoại hay thần thoại. Ví dụ truyện Minos (4) ở thành Crete với mê hồn trận của hắn, hoặc truyện Hercules (5) trong cuốn Hercules my Shipmate, hoặc truyện Lilith (6) đã ra đời trước cả bà Eva (7).

    Thần thoại, huyền thoại và lịch sử.


    Trong cuốn Corn King and Spring Queen, bà Naomi Mitchison đã viết về dân Hy Lạp Scythian ở xứ Marob trên bờ phía bắc Hắc hải trong thế kỷ thứ 3 trước kỷ nguyên. Để viết cuốn tiểu thuyết đó, bà đã phải dựa vào một ít di tích, những đồ vật mà dân tộc đó đã chế tạo ra, và ngày nay được trưng bày ở vài viện bảo tàng, và vào cuốn Golden Bough của Frazer có giải thích ý nghĩa các lễ nghi phù thủy và hội hè của dân tộc đó. Để viết tập truyện về Joseph (8), Thomas Mann đã phải xử dụng khoa học tâm lý tối tân để soi sáng tâm trạng vô thức mịt mù, và những công trình nghiên cứu của khoa khảo cổ học và nhân chủng học để đẩy xa ranh giới sự hiểu biết đến tận đời Tiền sử còn đầy sương mù che kín.

    Tuy nhiên, cả hai nhà văn trên đều chỉ viết về những nơi đã có ánh sáng khảo cứu rọi vào, như Sparte, Ai Cập, đã có sẵn những truyền thuyết về người và việc có thể dùng làm khung cho câu truyện. Như vậy ta thấy rằng, ở một đầu thời gian thì nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử xử dụng kỷ ức của những người đương thời, và ở đầu thời gian kia thì xử dụng những ký ức mù mờ của nhân loại qua thần thoại. Hình dáng một chiếc vòng vàng hay một mảnh đồ sứ đã vỡ cũng có thể giúp ta hiểu biết chút ít về thời đại đã chế tạo ra chúng. Trong trường hợp này, sử liệu chỉ có thế thôi, chỉ nằm trong mấy mẩu huyền thoại, thần thoại hoặc mấy đồ vật di tích, và nhà văn phải lựa chọn trong đó để viết thành truyện.

    (Còn tiếp...)


    (1) Nero (37 — 68): một bạo chúa đế quốc La Mã.
    (2) Spartacus (? —71 trước kỷ nguyên): một nô lệ đã cầm đầu cuộc khỏi nghĩa chống lại đế quốc La Mã.
    (3) Nikola Sacco (1891 — 1927) và Bartholomeo Vanzetli (1888 — 1927) hai chính trị gia gốc Ý, sang Mỹ và đã bị xử tử.
    (4) Minos: một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. Đã tạo ra một dinh cơ có muôn nghìn lối đi, ai vào đấy thì lạc mất đường ra.
    (5) Hercules: một vị anh hùng trong thần thoại Hy Lạp, nổi tiếng là lực sĩ số một.
    (6) Lilith: một quỷ cái trong Thánh Kinh.
    (7) Eva: người phụ nữ đầu tiên của nhân loại.
    (8) Joseph: một trưởng lão Do Thái.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/9/15
    Ban Tang Du Tử and tducchau like this.
  12. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 9

    TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ (tt)

    Việc lựa chọn những thời kỳ lịch sử những cuộc xung đột gay cấn.

    Khi lựa chọn thời đại để làm khung cảnh cho tiểu thuyết lịch sử, nhà văn vẫn có thể noi gương của Walter Scott. Ông này đã thành công rất nhiều, và tác phẩm của ông chứng tỏ rằng những thời đại gay cấn và rực rỡ nhất là những thời đại trong đó xảy ra những cuộc khủng hoảng vì các lực lượng xã hội xung đột nhau. Đó là những thời đại chứa đựng những mâu thuẫn sâu sắc. Tính tình những nhân vật lịch sử trong những thời đại đó, vừa do mâu thuẫn của thời đại tạo thành, vừa do mâu thuẫn của bản thân tạo thành. Ví dụ đại đế Peter (1) đã được Alexey Tolstoy miêu tả, hay vua Henri de Navarre (2) đã được Heinrich Mann giải thích.

    Đôi khi những khuynh hướng trái ngược nhau phải đặt vào hai nhân vật kình địch mới thật nổi bật, ví dụ Napoleon và Kutuzov (3) trong truyện War and Peace Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link của Leo Tolstoy. Lại có khi những danh nhân lịch sử chỉ được giữ vai trò thứ yếu trong truyện, và những mâu thuẫn của thời đại lại đặt vào một nhân vật hoàn toàn tưởng tượng, như vai Gregor Melekhov trong tác phẩm của Sholokhov.

    Sự chính xác về những chi tiết lịch sử.

    Dù có một trực giác thật bén nhọn để hiểu biết tinh thần thời đại đã được lựa chọn, nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử cũng phải rất thận trọng về hình thức và nội dung câu truyện. Nhất là khi tác giả viết về một ngoại quốc và một thời đại khác, thì lại càng phải cố gắng tưởng tượng và khảo cứu công phu. Nhà văn Liam O’Flaherty, viết về “những năm đói kém khoảng 1840” ở xứ Ái Nhĩ Lan, chắc đã được chứng kiến vào khoảng năm 1930, gần một thế kỷ sau khi xẩy ra câu truyện, cảnh tượng những nhà lá cùng khổ, những cửa hàng xơ xác tại các làng nhỏ, và những dinh thự tàn tạ mà ông tả trong cuốn tiểu thuyết Famine. Những thực ấp và lâu đài của các nhân vật Rostov và Bolkonsky trong tác phẩm của Tolstoy, chắc chắn nhà văn này và những người đồng thời cũng đã sinh sống ở đó.

    Nhưng trường hợp của Mann viết về lâu đài của Potiphar ở cổ thành Thèbes thì lại khác. Độc giả được biết về lâu đài đó, có những dãy phòng lớn, đình tạ và hoa viên tráng lệ, cũng rõ ràng như căn nhà của gia đình Buddenbrook ở thành Lübeck vào thế kỷ 19. Muốn đạt tới kết quả đó, tác giả đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn mà chỉ nghĩ đến cũng đủ làm cho chúng ta phải mệt nhoài, ở đây, tác giả không có sẵn một hình ảnh để nhớ lại; cái gì cũng phải tưởng tượng, nhưng tưởng tượng trên căn bản một công phu nghiên cứu kỹ càng.

    Bà Hope Muntz đã phải tốn 16 năm để nghiên cứu sử liệu mới viết nổi cuốn tiểu thuyết The Golden Warrior nói về William the Conqueror (4) và Harold the Saxon (5). Tiểu thuyết này thật sống động, và coi bề ngoài thì hình như tác giả không hề dụng ý tô điểm vẽ vời. Còn bà Sylvia Townsend Warner thì đã phải mất 10 năm để thâm hiểu cuộc sống trong một tu viện ở Anh vào thế kỷ 14, đến nỗi độc giả cảm thấy rằng chắc bà đã sống ở tu viện mới viết nổi cuốn tiểu thuyết The Corner that held them. Nếu một tác phẩm không thực hiện được một cách chi tiết và cụ thể hình ảnh của “thời đại khác”, thì tác phẩm đó có thể là một bài luận khá về những lực lượng thúc đẩy lịch sử tiến tới, nhưng nhất định nó không phải là một tiểu thuyết. Ngược lại, một tác phẩm rất phong phú về chi tiết nhưng lại không hiểu thấu sự biến thiên của lịch sử, thì cũng không phải là một tiểu thuyết, mà chỉ là một cuộc triển lãm những cổ vật trưng bày trong viện bảo tàng, một truyện tưởng tượng với y phục sặc sỡ hay một truyện quá khứ mà thôi.

    Truyện với y phục sặc sỡ truyện quá khứ.

    Truyện quá khứ rất là thú vị với những ghi nhận về sự thay đổi phiến diện của những cách chuyên chở và bài trí nhà cửa, những bài dân ca đã thất lạc và chưa trở lại, những kiểu y phục và mẫu anh hùng khác hẳn thời đại chúng ta. Nếu thời quá khứ đó gần thời hiện đại, thì những độc giả có tuổi sẽ nghĩ: “Thủa chúng ta còn trẻ cảm động biết bao!”. Còn độc giả trẻ tuổi, chưa có ký ức gì, thì lại nghĩ: “Sao thời đó lại kỳ quặc thế nhỉ!”

    Định nghĩa tỷ dụ.

    Những truyện đó chỉ là những tiểu thuyết về thời quá khứ, và chỉ vì nhân nhượng mà ta gọi chúng là tiểu thuyết lịch sử. Gọi theo tên hiệu này hay tên hiệu nọ tùy thuộc cách nhà phê bình định nghĩa, đọc và ưa thích (hay chán ghét) chúng. Vì khi thích một cuốn truyện nào thì nhà phê bình thường muốn đưa nó vào một loại văn học có danh.

    Vậy vấn đề đặt ra là: một tiểu thuyết có thể xếp vào loại tiểu thuyết lịch sử được không chỉ vì nó làm sống lại không khí thời xưa, một không gian, một thời gian, một lối sống, tuy không có nhân vật thực hay biến cố thực nào được ghi trong đó? Đây là trường hợp cuốn tiểu thuyết Sapphira and the Slave Girl của Willa Cather. Trong cuốn What’s in a Novel? Haines coi tác phẩm đó là một tiểu thuyết lịch sử vì nó phục hồi đời sống hàng ngày ở miền quê Virginia trước cuộc nội chiến, và rất tế nhị đào sâu vào “tính chất của chế độ nô lệ ảnh hưởng tới con người như thế nào”. Cuốn A Clouded Star của Anne Parrish lại còn có lý do hơn để được gọi là tiểu thuyết lịch sử, vì nó kể lại truyện của một nữ nô có thực, cô Harriet Tubman, dưới hình thức một phong dao và huyền thoại.

    Có lẽ điểm quan trọng là tìm ra một định nghĩa mềm dẻo. Ta có thể ưa sắp xếp cuốn Anthony Adverse của Hervey Allen vào loại tiểu thuyết “đãng tử”, theo đúng sự sắp xếp của cuốn Literary History of the United States. Hay là ta có thể không đồng ý với một nhà văn tuyên bố rằng ông không viết tiểu thuyết lịch sử. Nhà văn L.H. Myers, viết ba cuốn truyện họp thành tập The Root and the Flower về Ấn Độ trong thế kỷ 16, nói rằng sự kiện có thật và sự kiện tưởng tượng đã được trộn lẫn với nhau, có lẽ thường đúng như vậy. Khi viết cuốn tiểu thuyết Corn King and Spring Queen, bà Naomi Mitchison có ghi rất nhiều tài liệu bà đã tham khảo, và một giáo sư trứ danh về cổ sử đã tán dương tác phẩm của bà là lịch sử chính hiệu, là cổ học chính hiệu, và đồng thời cũng là khảo cứu chính hiệu về phong tục. Nhưng bà lại viết như sau về tác phẩm của bà, cũng có thể rất đúng đối với nhiều truyện lịch sử:

    “Những việc kể trong cuốn truyện này xẩy ra trong khoảng từ năm 228 tới năm 187 trước kỷ nguyên. Một vài việc đó đã thực sự xảy ra, và những việc kỳ quái nhất lại do Plutarch và vài người khác tự nhận là sử gia cho rằng đã thực sự xảy ra. Thật là khó tin được rằng sau hơn hai nghìn năm, ta có thể biết được tư tưởng và chi tiết hành động của nhân vật trong truyện. Rất ít hy vọng rằng Kleomenes thành Sparte đúng hệt Kleomenes tôi đã tả trong truyện. Tuy nhiên, trong trình độ hiểu biết của chúng ta ngày nay, tôi nghi ngờ một quan niệm nào khác lại có thể gần sự thật hơn. Viết tiểu thuyết lịch sử chẳng khác nào trò chơi ú tim trong bóng tối, và nếu trong trò chơi này ta chộp được một bàn tay hay một khuôn mặt, thì đã là may mắn lắm rồi. Vậy thì xứ Marob tôi tả trong truyện có thế đúng sự thật hay không đúng sự thật như bất cứ xứ nào khác trên thế giới mà thôi”.

    Bà Naomi đã viết ra một truyện rất hay, và căn cứ vào giọng văn rất giản dị, độc giả không bao giờ có thể ngờ rằng bà đã phải khảo cứu công phu tới chừng nào mới viết nổi. Một sử gia Anh nổi tiếng là ông G.M.Trevelyan đã khen cuốn The Golden Warrior của Hope Muntz là đã tránh được những đoạn “tả cảnh vô lối có tham vọng khảo cổ” và những suy luận thời nay về việc người Normands xâm lăng Anh quốc đem lại những kết quả nào; tác giả đã không đem vào truyện những ý kiến và vấn đề ngày nay nên truyện vẫn giữ được vẻ hồn nhiên và tươi đẹp. Tuy nhiên, ông Trevelyan nhận rằng những ý kiến và vấn đề ngày nay không phải là không có ẩn tàng trong truyện, và chính vì thế có lẽ lại đập mạnh vào trí óc độc giả vì “truyện dã sử có những tính chất rất liên quan tới nhân loại, và trình bày những nhân vật anh hùng tung hoành ở chân trời góc biển”.

    Cũng có khi một tác giả lại muốn độc giả nhận thấy minh bạch những ý nghĩ của mình, đặc biệt là khi tác giả đó giải thích lịch sử khác hẳn với lối giải thích vẫn được chấp nhận từ trước, hay khi tác giả thấy có những cuộc xung đột ngày nay chưa được giải quyết, nhưng thời xưa đã kết liễu bằng một chiến bại hay một chiến thắng tạm thời. Ví dụ ta có thể đặt vấn đề xem những tiểu thuyết của Howard Fast, như The Unvanquished, Citizen Tom Paine (Tom Paine nhà cách mạng đơn độc), Freedom Road (Con đường tự do), có phải là những tác phẩm hay nhất vì chúng trình bày ý kiến một cách thẳng thắng sáng sủa. Dù sao đi nữa thì khi một tiểu thuyết gia có một cái búa tốt, tất nhiên một số độc giả sẽ đồng ý rằng nhà văn đó có quyền mài nó cho sắc (6).

    (Còn tiếp...)



    (1) Peter the Great (1672 — 1725): Vị hoàng đế đã cải cách nước Nga cũ thành một cường quốc.
    (2) Henri de Navarre (1553-1610): sau lấy tên là Henri IV.
    (3) Kutuzov (1745 — 1813): một vị đại tướng Nga, đã dùng chiến lược tiêu thổ kháng chiến để thắng Napoléon.
    (4) William the Conqueror (1028-1087): quận công xứ Normandie, đã xâm chiếm nước Anh năm 1066.
    (5) Harold the Saxon (1022-1066): vua Anh, bị William đánh bại ở trận Hastings năm 1066.
    (6) Nguyên văn: If a novelist has a good axe, some readers will agree that it needs grinding. Ý nghĩa của câu này là mỗi tác giả viết tiểu thuyết lịch sử theo sở thích của mình. Tác giả này có thể trình bày quá khứ với những cảm nghĩ của người quá khứ, nhưng tác giả kia có thể trình bày quá khứ với những cảm nghĩ của người thời nay.
     
    Ban Tang Du Tử, tducchau and 4DHN like this.
  13. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 9

    TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ (tt)


    Tiểu thuyết về lịch sử hiện đại.



    Có ý kiến cho rằng cuốn tiểu thuyết lịch sử hay nhất là cuốn tác giả viết về thời đại của ông, ví dự cuốn Vanity Fair Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link của Thackeray có giá trị lịch sử hơn cuốn Henry Esmond cũng do ông viết. Và mới đây, nhà văn John Hersey đã thử định nghĩa một loại tiểu thuyết mới, gọi là “tiểu thuyết về lịch sử hiện đại” (trong một bài đăng trong tạp chí “Atlantic Monthly” rồi sau được in lại trong cuốn The Writer’s Book của Helen Hull). Ông Hersey phản đối việc coi những tiểu thuyết viết về những biến cố mới xảy ra chỉ có giá trị như những bài viết trên báo hàng ngày. “Chỉ cần một chút thời gian là ta có thể nhận loại tiểu thuyết về lịch sử hiện đại là có lý do chính đáng, cần thời gian để quên đi những tác phẩm tồi, và để đọc một cách vô tư những tác phẩm hay”. Ta có thể thảo luận về những tiêu chuẩn ông đưa ra để căn cứ vào đó mà nhận biết những tác phẩm nào là tác phẩm hay. Ít nhất một trong những tiêu chuẩn ấy cũng đủ đề khởi sự thảo luận: đó là tiêu chuẩn buộc tiểu thuyết về lịch sử hiện đại phải vượt khỏi thời-gian-tính hơn là có thời-gian-tính (1). Một tiêu chuẩn khác có lẽ dễ được chấp nhận hơn: Tác giả không có nhiệm vụ soi sáng các biến cố, “mà chỉ có nhiệm vụ soi sáng con người mắc míu vào biến cố, vì nhân vật là mục tiêu của bất kỳ loại tiểu thuyết nào”.

    Loại tiểu thuyết về lịch sử hiện đại theo ông Hersey định nghĩa có thể gồm nhiều tiểu thuyết lấy những sự việc xảy ra trong những trận chiến và cách mạng gần đây làm đề tài, như cuốn La Condition Humaine (Thân phận con người)L’Espoir (Niềm hy vọng) của Malraux, viết về những biến cố xảy ra ở Trung Hoa năm 1927 và ở Tây Ban Nha năm 1937. Cuốn Thieves in the Night (Những tên trộm trong đêm) của Koestler nói về xứ Palestine và hoạt động của nhóm khủng bố ở đó, cuốn The Storm của Ehrenburg, cuốn The Seventh Cross (Cây thập tự thứ bảy) của Anna Segher và nhiều cuốn khác nữa cũng thuộc về loại này.

    Hersey: The Wall, và Aldridge: The Diplomat.

    Trong số đó có hai cuốn rất hay, có thể tiêu biểu cho loại tiểu thuyết về lịch sử hiện đại, là The Wall của Hersey, và The Diplomat của James Aldridge. Cuốn The Wall kể lại một biến cố độc đáo, một thảm cảnh dã man của thời hiện đại; đó là vụ bọn Quốc Xã, sau khi xâm chiếm Ba Lan, dồn dân Do Thái vào một khu vực thành Warsaw, rồi tiêu diệt họ một cách bạo tàn không thể tưởng tượng được. Vì vụ này cả năm châu đã biết đến, và có liên hệ với những vụ khủng bố dã man khác nên tác giả không cần phải giải thích nhiều về hoàn cảnh và nguyên nhân của nó cho độc giả hiểu. Hersey bèn giả thiết rằng đã tìm thấy vài tài liệu chôn dấu trong khu phố người Do Thái; ông đã xử dụng tiểu sảo cổ điển được gọi là “thủ bút tìm thấy trong một cái chai”. (2) Thật ra thì trong vụ tàn sát ở Warsaw cũng có nhiều tài liệu nhật ký, được chôn dấu, nhưng truyện của Hersey là một truyện bịa đặt, các tên người cũng đều là tên bịa đặt. Tác giả chỉ dùng tiểu sảo đó để đưa ra một nhân vật ghi vào cuốn sổ nhật ký những việc xảy ra hàng ngày, do đó tạo nên một không khí thân mật, hồi hộp và căng thẳng. Như vậy, kẻ giữ nhật ký sẽ có dịp nhận xét về người và tình hình biến chuyển, và nếu cần thì bổ khuyết nhận xét đó khi có một biến cố mới xảy ra. Kết quả là độc giả có cảm tưởng như chính mình đang sống trong những giờ phút gay cấn đó.

    The Diplomat là một cuốn tiểu thuyết già dặn, viết về giới ngoại giao dùng chính trị áp lực trong thế giới ngày nay. Truyện xây dựng theo mẫu một cuộc tranh đua giữa hai người về cả phương diện tình ái lẫn mục đích đời người. Trong cuộc tranh đấu này, những lực lượng xung đột trên thế giới được phơi bày rõ rệt, nhưng kết quả tối hậu thì lại rất mơ hồ. Một người là một nhà ngoại giao Anh đầy kinh nghiệm, còn người kia là một nhà bác học trẻ tuổi được bổ nhiệm làm tùy viên kỹ thuật cho nhà ngoại giao. Sứ mệnh của họ là can thiệp vào vấn đề Trung Đông, đương bị Anh và Sô viết tranh dành ảnh hưởng. Truyện xảy ra khoảng 1945 — 1946. Ông Aldridge tuyên bố rằng: “Tất cả nhân vật và sự việc trong truyện này đều là tưởng tượng, nhưng dù là đã đưa ra một sứ mệnh tưởng tượng, tôi vẫn không thể nào tránh khỏi có những nhân vật lịch sử có thật đang sống lù lù. Trong vài đoạn trong truyện, tôi đã tả vài chính khách đương thời trong vai trò của họ và dưới tên thật của họ, và như bất cứ một văn sĩ nào viết tiểu thuyết lịch sử, tôi đã để các nhân vật đó nói ra những lời họ phải nói. Tuy nhiên, tất cả những tình tiết và đàm thoại trong truyện đều chỉ là những hình ảnh (3). Ngay sứ mệnh của nhà ngoại giao trong truyện cũng chỉ là một hình ảnh, và mặc dầu có thể đã có một sứ mệnh thực như thế, tính chất thực này chỉ có thể nhận định khi đối chiếu những sự kiện lịch sử trong những năm gần đây mà thôi”. Trên cương vị một đệ tam nhân, tác giả trình bày câu chuyện, nhưng lại được ba nhân vật chính trong truyện bổ khuyết theo quan điểm riêng của họ. Câu truyện có kịch tính rất mạnh, nhờ về lối văn kể chuyện xen lẫn với những mẩu đàm thoại và những đoạn tả cảnh hoạt bát và kích thích. Truyện càng diễn tiến thì địa bàn càng lan rộng tới những vùng rộng lớn ở Âu châu và Trung Đông, từ Moscow tới Iran, rồi tới những thành trì ở những miền núi xa xăm của dân Kurds, và cuối cùng thì tới London để kết thúc cuộc tranh giữa những bộ óc và những mục tiêu cuộc đời.

    Ta thấy rằng truyện Le Diplomat mở rộng địa bàn, trái hẳn với truyện The Wall thì lại thu hẹp địa bàn, từ ngoại thành tới nội thành, rồi đến những nơi ẩn nấp ở dưới mặt đất hay ở từng thượng, và cuối cùng tới những cống rãnh. Chiến trường đã khác nhau, quang cảnh cuộc tranh đấu cũng khác nhau: tuy nhiên, bản chất vẫn là một cuộc tranh đấu mà thôi, dù diễn ra trong các tòa đại sứ hay trong các khu phố nghèo: đó là cuộc tranh đấu để dành lấy quyền hành, dùng sinh mạng con người làm vật hy sinh, cả đề tài hai cuốn truyện đều có một ý nghĩa rất nghiêm trọng: tác giả muốn nói rằng nhân loại cần phải đoàn kết và thương yêu lẫn nhau, và trong hoạt động ngoại giao cần phải hướng về việc thực hiện hạnh phúc cho nhân loại. Cả hai cuốn truyện đều “rọi sáng vào những con người bị lôi kéo vào trong biến cố”, và cũng luôn thể rọi sáng vào những biến cố.

    (Hết chương 9).



    (1) Nghĩa là vấn đề nêu trong cuốn tiểu thuyết phải có giá trị vững chắc mãi mãi, chứ nếu chỉ có giá trị thời sự, chỉ dựa vào lòng hiếu kỳ của thời nhân, thì nó sẽ sớm bị lu mờ.
    (2) Thời xưa, các thuyền sắp bị đắm thường đem những tài liệu quý giá (ví dụ việc khám phá ra một đất đai mới) nhét vào trong một cái chai, rồi vứt xuống bể, với hy vọng rằng chai đó rồi sẽ được vớt lên và công lao khó nhọc của đoàn thủy thủ chiếc tầu đắm sẽ không bị uổng phí. Do đó, muốn làm cho tiểu thuyết được hấp dẫn, nhiều nhà văn đã giả thiết rằng mình (hoặc một nhân vật trong truyện) đã tìm thấy một tài liệu mật chưa công bố, chứa trong một cái chai vớt ở biển lên, hay trong một cái hộp chôn dưới đất.
    (3) Nghĩa là bịa đặt, nhưng phản ảnh đúng những sự việc có thật.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/9/15
    Ban Tang Du Tử and tducchau like this.
  14. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 10

    TIỂU THUYẾT QUAN SÁT THẾ GIỚI

    Vài vấn đề đặt ra cho tiểu thuyết gia hiện đại.

    Năm 1938, một tiểu thuyết gia Anh là cô Storm Jameson cho xuất bản một thiên luận ngắn nhan đề là The Novel in Contemporary Life. Trong thiên luận này, cô đặt ra vấn đề viết loại tiểu thuyết quan sát thế giới. Cô nói rằng nhà văn viết tiểu thuyết phải trình bày “nhân vật trong cách họ sinh sống ở thời đại của họ; những đam mê và yêu ghét của họ vừa góp phần vào những luồng tư tưởng của xã hội thử thời, vừa bị những luồng tư tưởng mạnh mẽ đó chi phối. Ngoài ra, tiểu thuyết còn có thể làm vài việc khác, như hướng về mỹ thuật, thi văn chẳng hạn... Nhưng phần cốt yếu của tiểu thuyết vẫn là miêu tả, bằng cách này hay cách nọ, hoàn cảnh và không khí xã hội trong đó các nhân vật hoạt động. Tác giả có thể thực hiện mục đích đó bằng nhiều cách. Hoặc là theo cách của Zola, hoặc là mở rộng cá tính đến mức độc giả có thể nhìn thấy hình ảnh của xã hội qua cá nhân và những hành động của cá nhân”.

    Rồi cô Jameson đưa ra một bức họa đã ám ảnh nhiều trí óc trong thời tiền chiến thứ hai, bức họa một xã hội rối loạn và đầy thảm họa, càng chế tạo ra những vũ khí tàn sát khủng khiếp, càng lăn một cách máy móc tới chỗ tự diệt. Nhưng may thay, xã hội cũng như cá nhân đều có bản năng tự tồn, nhờ đó có thể bắt đầu một đời sống mới, và bổn phận của nhà văn viết tiểu thuyết là phải tìm ra đời sống mới đó, bất kỳ ở đâu. Cô Jameson viết: “Xã hội thay đổi, chết đi rồi tái sinh, cái quá trình biến đổi đó là đề tài khó khăn của tiểu thuyết hiện đại”. Cô không muốn đem chính trị vào tiểu thuyết, vì chính trị chỉ là một trong nhiều hoạt động của con người. Thật vậy, bài học mà nhà văn muốn nói với độc giả là: “Đây là tấm vải xã hội mà tôi dệt cho anh coi. Anh hãy nhìn cho kỹ, và sẽ thấy người trong xã hội làm việc, đau khổ, sung sướng và chết trong đó, cũng như con cá sống trong nước. Anh hãy nhìn nữa đi, và sẽ thấy cái hệ thống xã hội cũng xê dịch, biến đổi, cùng với con người”.

    Cái khó khăn lớn lao cho tiểu thuyết gia hiện đại là ở cái tính chất luôn luôn biến đổi đó. Nhà văn phải “dựng lên một quan niệm thích đáng về đời sống trong một khoảnh khắc, khi mà mọi sự vật chung quanh đều thay đổi. Nhà văn phải hiểu, tức là cảm thông thật nhiều và trên nhiều bình diện, và phải biết lùi lại đủ xa để có thể thu toàn diện sự xê dịch trong ống kính. Nhà văn sẽ thấy rằng lịch sử nhân loại có những giai đoạn trong đó cái gì thuộc về cá nhân không quan trọng bằng những mối lo âu, hy vọng và khích thích mà hắn chia sẻ với số đông người trong xã hội”.

    Những ưu tư và mục tiêu kể trên đã là những thử thách cho tiểu thuyết gia ở thế kỷ 20. Đi tìm những giá trị xã hội cũng như những giá trị cá nhân; miêu tả xã hội (thường là một xã hội già nua) cũng như miêu tả nghệ sĩ (thường là một nghệ sĩ trẻ tuổi); ý nghĩa đặc biệt của các đoàn thể cũng như cá nhân, đời sống tập thể cũng như đời sống cá nhân; những công việc đó, liệu nhà văn có thể làm được không trong khuôn khổ cũ của tiểu thuyết, hay phải thí nghiệm những thể thức mới?

    Vấn đề thể thức : tiểu thuyết học hỏi tiểu thuyết trường giang.

    Các tiểu thuyết gia đã xử dụng hai thể thức, khi thành công khi thất bại. Một cái mang tên Đức là bildungsroman (tên này xuất hiện với cuốn Wilhelm Meister của Goethe), tức là tiểu thuyết học hỏi (1), tiểu thuyết của một chàng thanh niên tập sự vào đời. Loại tiểu thuyết này cho phép tác giả được xây dựng câu truyện lỏng lẻo và tự do trình bày ý kiến. Cuốn Magic Mountain (Núi thần) của Mann đôi khi được gọi là một bildungsroman vì chàng Hans Castorp trong truyện này có thể coi như một hậu duệ của thầy Wilhelm.

    Thể thức thứ nhì mang tên Pháp là roman fleuve, tiểu thuyết trường giang (2). Danh từ này được phổ thông sau khi cuốn Jean-Christophe của Romain Rolland ra đời. Tác phẩm đó có phải là một tiểu thuyết không? Rolland trả lời rằng đó là một con người mà ông tạo ra. Ông coi đời sống của nhân vật trong truyện và cuốn truyện như là một con sông: độc giả được xuôi giòng con sông của một đời người. Con sông có thiên hình vạn trạng: lúc từ nguồn chảy ra, lúc tiếp nhận chi nhánh, lúc đổ thành thác, lúc có những giòng nước chảy xuyên và chảy ngược, lúc phân tách ra nhiều chi để từ trung châu đổ vào biển. Đọc tiểu thuyết trường giang cũng vậy, lúc thì độc giả khoái chí, lúc thì kinh sợ về khả năng của loại tiểu thuyết này. Hai mươi bẩy cuốn tiểu thuyết Les Hommes de Bonne Volonté của Jules Romains đã mở rộng quan niệm tiểu thuyết tràng giang đến nỗi ngay cuốn Jean Christophe của Romain Rolland cũng bị vài phê bình gia cho là chưa đúng quan niệm chính thống. Và cuốn War and Peace Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link của Tolstoy, mặc dầu bị Henry James phê bình là thiếu hình thức, cũng chỉ là một hòn đảo nhỏ có hình thể rõ rệt nếu đem so với một tiểu thuyết trường giang.

    Những vấn đề độc giả ý thức phê bình phải lưu ý.

    Để nhận xét một số ít tiểu thuyết quan trọng đáp ứng với định nghĩa rộng rãi của cô Jameson, ta có thể dùng hai lối. Một là cố gắng tìm cái gì biến đổi rối loạn trong những xã hội được miêu tả. Cái gì đang nẩy nở và cái gì đang tàn tạ? Những lực lượng nào đang xung đột nhau? Ý kiến của tác giả về sự biến đổi của xã hội so sánh với ý kiến của chúng ta như thế nào? Tác giả có bỏ sót yếu tố nào mà chúng ta cho là cần thiết cho sự hiểu biết không? Ví dụ vài giai cấp xã hội, hay vài lý thuyết lịch sử, đạo đức, tôn giáo. Và bức họa của tác giả đã bị sai lạc đi như thế nào vì những thiếu sót đó, hay vì tác giả đã quá nhấn mạnh vào vài khía cạnh xã hội mà bỏ qua những khía cạnh khác? Tất cả những vấn đề đó, nếu đào sâu được thì rất bổ ích, nhưng trong phạm vi cuốn sách này tiếc rằng không thể làm được.

    Lối thứ hai thì dễ thực hiện hơn: độc giả có thể nhận xét xem các tiểu thuyết gia đã giải quyết vấn đề nghệ thuật của họ như thế nào? Chúng ta có thể so sánh các phương pháp với nhau, và thử nhận định tại sao phương pháp này lại hữu hiệu hơn phương pháp kia.

    So sánh kỹ thuật trong cuốn Magic Mountain của Mann với kỹ thuật trong cuốn U.S.A. của Dos Passos

    Trong số những tiểu thuyết nên nhận xét qua, có hai cuốn Magic Mountain của Mann và U.S.A. của Dos Passos là đều xử dụng tài liệu rất khéo, nhưng với những kỹ thuật rất khác nhau. Tác phẩm của Mann nằm trong truyền thống của loại bildungsroman; tác phẩm của Dos Passos thì rõ rệt là một cuộc thí nghiệm mới. Cả hai đều lấy tình trạng suy tàn hay bệnh hoạn của một nền văn minh làm đề tài: văn minh Âu châu trước cuộc đệ nhất thế chiến, và văn minh Mỹ quốc trong 30 năm đầu của thế kỷ 20. Cốt truyện cuốn Magic Mountain hướng tâm, hướng về phía trong đang phát triển. Chàng Hans Castorp là trung tâm, là “đài thu thanh”, và mọi tình tiết trong truyện đều chiếu về anh ta và sự phát triển tinh thần của anh. Trái lại, cốt truyện của U.S.A. lại ly tâm, đi từ trung tâm tới phía ngoài đang phát triển, có tới hàng tá “đài thu thanh” trên một vòng tròn rộng lớn. Và đáng lẽ chỉ có một thì lại có tới bốn trung tâm. Cuốn tiểu thuyết có nhiều phần liên hệ mật thiết với nhau: một là những tiểu sử bịa đặt (ta có thể gọi đó là truyện của những người Mỹ điển hình); hai là tiểu sử của hai mươi lăm lãnh tụ có thực trên chính trường, thương trường, báo giới, khoa học giới và nghệ thuật giới lúc đó; ba là những đoạn văn như phim thời sự cho ta biết về bối cảnh thời đó; và bốn là những đoạn văn như ngòi bút phóng sự qua đó Dos Passos trình bày kinh nghiệm bản thân dưới hình thức “một giòng lương tri”.

    Trong cuốn Magic Mountain, bệnh nhân (3) bị giữ ở một chỗ biệt lập để bác sĩ khám nghiệm trong một thời gian. Độc giả có cảm tưởng đứng trước một thủ tục làm việc rất trật tự, mặc dầu một thế giới tinh thần nhiễu loạn đến cực độ được phát giác. Trái lại, trong cuốn U.S.A. bệnh nhân tản mác trên khắp địa cầu, và độc giả có cảm tưởng đứng trước một cảnh tan vỡ, mỗi người trôi nổi đi một nơi. Hơn nữa, nhân vật trong truyện U.S.A., những nhân vật tưởng tượng, gần như không bao giờ suy tư; trái với nhân vật trong truyện Magic Moutain thì ít làm gì ngoài công việc đó. Những cuộc tranh luận trí thức của họ cho ta thấy có những lực lượng rất hùng cường xung đột với nhau, mặc dầu chỉ là xung đột suông về những lý thuyết trừu tượng; các lực lượng xung đột đó, xây dựng cũng có, mà phá hoại cũng có. Trái lại trong cuốn U.S.A. không có cuộc xung đột nào, và nhiều phê bình gia đã lưu ý chúng ta về điểm này. Nhân vật tưởng tượng trong truyện bị trào lưu lôi cuốn tới thành công hay thất bại. Chỉ có những vị lãnh tụ: Wilson, Debs, Veblen, v.v... là hình như có những dục tình mạnh mẽ khác với quần chúng, “có người thì bơi xuôi giòng, có người thì bơi ngược giòng, nhưng tất cả đều bơi”, như T. K. Whipple đã nhận định. Nhưng những lực lượng phá hoại hình như đè bẹp hẳn những lực lượng xây dựng. Trong một bài viết trong tạp chí “New York Times Book Review”, số ra ngày 19 tháng giêng năm 1947, Malcolm Cowley đã gọi những chương cuối của cuốn U.S.A. là một “nhỡn quan sâu sắc và độc đáo về những cá nhân tàn tạ và xã hội tan rã hơn là một bài khảo cứu vô tư; về phương diện sử học thì có chỗ đáng chỉ trích, nhưng về phương diện tiểu thuyết thì tuyệt vời”.

    Upton Sinclair

    Tuy rằng đều tin tưởng chắc chắn vào một tương lai tốt đẹp của nhân loại, hai nhà văn Maxim Gorky và Upton Sinclair, trong những tác phẩm đầu tay, đã miêu tả rất mạnh mẽ và nhiệt tâm những trở ngại cho việc tiến tới tương lai đó. Nhưng đến tuổi già họ lại viết những thiên ký sự dài, trong đó họ duy trì lòng tin tưởng và bền bỉ phân tích những động lực lịch sử. Họ không phí thì giờ để thí nghiệm những đường lối nghệ thuật mới, mà đi thẳng ngay vào câu truyện bằng cách tạo ra một nhân vật chính để dẫn dắt câu truyện tiến tới. Khởi đầu cho loạt truyện của Sinclair là cuốn World’s End (1940) dùng con mắt của chàng thanh niên Lanny Bud để nhìn những biến cố xảy ra ngay trước cuộc đệ nhất thế chiến. Rồi một loạt truyện liên tiếp ra đời, đều theo sát lịch sử hiện đại. Trong những cuốn này, nhân vật Lanny vẫn được ở những thế tiện lợi nhất để nhận xét và ảnh hưởng vào các biến cố. Về sau, dù chàng trở thành một thứ Siêu nhân, độc giả cũng ít người phàn nàn về điều đó. Lý do là các cuốn truyện tiếp tục với những tình tiết éo le và những nhân vật có thực, dễ nhận thấy qua những nhân vật tưởng tượng, vì những truyện đó chính là truyện của thế giới ngày nay đang trải qua nhiều cuộc khủng hoảng và xung đột. Khi tiểu thuyết đã là lịch sử biến hình như vậy, thì chẳng có lý do gì để không tiếp tục mãi mãi.

    (Còn tiếp...)


    (1) Nguyên văn: the learning novel
    (2) Nguyên văn: the river novel
    (3) Tức là các nhân vật trong truyện. Nhà văn nhận xét nhân vật cũng như bác sĩ khám nghiệm bệnh nhân.
     
    Ban Tang Du Tử and tducchau like this.
  15. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 10

    TIỂU THUYẾT QUAN SÁT THẾ GIỚI (tt)


    Maxim Gorky.

    Tuy nhiên, từ lợi thế một trật tự xã hội mới, Gorky nhận thấy tập ký sự 40 năm của ông chấm dứt vào năm 1917, một niên hiệu cũng quan trọng như năm 1789 (1). So với những nhà văn khác cũng nhận xét bao quát về số phận nền văn minh hiện đại, ông có ưu thế vì ông không cần phải suy tư xem những lực lượng phá hoại nằm trong lòng trật tự cũ rồi sẽ đi tới kết cục nào. Đã có sẵn cuộc cách mạng 1917 trước mắt, ông có thể làm một cuộc giảo nghiệm trên xác chết (2) chứ không cần phải đi tìm căn bệnh của người sống. Ông đã sinh trưởng trong trật tự cũ, đã tham gia vào những cuộc xung đột ở thời kỳ đó, đã bắc cầu từ trật tự cũ sang trật tự mới, và đã dự phần vào việc tái tạo xã hội. Nhờ có một trí nhớ tuyệt diệu, ông thuật lại những cuộc xung đột xã hội và những cuộc cách mạng văn hóa ở Nga trong thời tiền cách mạng bắt đầu từ năm 1880. Để nhìn thế cuộc thăng trầm, ông đã chọn con mắt bàng quan của Clim Samghin, một anh chàng không bao giờ trực tiếp tham gia vào các biến cố, trừ phi bị bắt buộc hay ngẫu nhiên, vì anh ta là một người trí thức, xa lánh việc đời, lãnh đạm, hoài nghi, luôn luôn tự vấn tâm về mỗi hành động. Sự lựa chọn này rất có ý nghĩa, vì không có một nhân vật nào lại khác xa Gorky như thế (Gorky đã tự thuật tiểu sử của ông trong cuốn My Chilhood và những cuốn kế tiếp). Trước kia Gorky đã nhiệt thành kính phục những nhà trí thức và văn hóa của họ, nhưng tấm lòng kính phục ấy đã mất đi sau khi ông nhận thức được vai trò thiếu minh bạch và vô giá trị của giới trí thức thời tiền cách mạng. Quá nhiều nhà trí thức tự mình chẳng có chút giá trị nào cả, họ chỉ có tài lấy cuộc đời và tư tưởng của người khác làm của mình. Nhân vật Clim là một sáng chế rất đáng được lưu ý vì anh tiêu biểu cho kỹ thuật mở rộng cá nhân đến nỗi “ta có thể thấy hình ảnh xã hội ở trong con người anh”, như cô Jameson đã viết trong một đoạn đã được trích dẫn ở trên. Trong trường hợp này, Clim là một thành phần rất có ý nghĩa của xã hội Nga. Anh đại diện cho nhóm trí thức biết hết mọi lý thuyết nhưng chẳng thực hành cái nào. Khi cuộc cách mạng 1917 đã bùng nổ ở ngoài phố, anh còn tựa cửa sổ nhìn ra những xe thiết giáp. “Anh định bụng rằng sáng nay anh sẽ đi ra ngoài để nhìn cuộc cách mạng tiến hành ra sao, rồi sau đó mới quyết định thế đứng của anh trong cuộc cách mạng”. (Độc giả nên so sánh anh với Lannỵ Budd).

    Gorky có thiên tài về truyện ngắn, nhưng không nắm vững kỹ thuật viết truyện dài. Có lẽ ông đã làm cho cuốn tiểu thuyết của ông (3) bị yếu đi phần nào bằng 1ối chọn một nhân vật bàng quan làm trung tâm câu truyện, làm nguyên lý thống nhất mọi tình tiết. Đó là một khách bàng quan không có hứng thú về vai trò của mình vì nhiều khi anh ta cho người đời là vô dụng chỉ làm cho anh ta thêm chán nản. Độc giả rất có thể lâỵ cái khó chịu đó. Ta hãy so sánh Clim với anh Pierre trong cuốn War and Peace Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link của Tolstoy. Trái với Clim, Pierre luôn luôn thích thú được biết người mới và lý thuyết mới. Chính Gorky cũng hơi giống như vậy. Nhưng mặc dầu xây dựng kém cỏi, cuốn tiểu thuyết của Gorky vẫn có giá trị nhờ về những tình tiết có rất nhiều kịch tính. Và tuy câu truyện chia cắt ra nhiều đoạn nhỏ, đọc nó ta vẫn thấy hứng thú nhờ về bút pháp của Gorky rất bóng bẩy bay bướm. Đây là một tỷ dụ điển hình: “Khi hắn nói chuyện, bộ râu kếch sù của hắn phấp phới qua lại trên tấm áo sa-tanh, như một cái lưỡi khổng lồ sẵn sàng liếm mọi vật”.

    Rolland: Jean Christophe.

    Chàng Jean Christophe trong cuốn Jean Christophe của Holland, và chàng Christian Wahnschaffe trong cuốn The World's Illusion của Wassermann đều không phải là những nhân vật điển hình của thời đại, nhưng được sáng tạo như những vị anh hùng để thể hiện những lý tưởng cao siêu nhất, những xung đột bén nhọn nhất và những tuyệt vọng sâu xa nhất của tác giả. Được hoàn thành không bao lâu trước cuộc đệ nhất thế chiến, cuốn tiểu thuyết của Rolland đầy những lời cảnh cáo tiên tri, với mục đích báo trước tai nạn ghê gớm mà Rolland trông thấy đang tiến gần đến nhân loại, ông muốn kêu gọi ý thức người Âu châu phải vượt qua những mối hiềm khích giữa các quốc gia. Trong tình bè bạn giữa nhân vật Pháp là nhà trí thức Olivier và nhân vật Đức là một nhạc sĩ, ông tượng trưng sự liên minh tinh thần giữa hai đại dân tộc đều cần nương tựa vào nhau: “Chúng ta là đôi cánh của Tây phương. Nếu một cánh bị gãy, toàn thể Tây phương sẽ không bay bổng được nữa”. Cuốn truyện Jean Christophe là bức họa một người, mà cũng là bức họa một thế hệ; tác giả vừa có trực giác soi sáng tâm hồn cá nhân, vừa có một nhãn quan rộng rãi nhìn thấu thời đại. Trước khi chàng thanh niên Jean Christophe lên Paris, thì tác phẩm viết theo kiểu một cuốn tiểu sử, tỉ mỉ theo dõi sự phát triển của một nghệ sĩ. Rồi sau biến thành một pho bách khoa toàn thư, theo nhận xét của những nhà phê bình. Việc đôi bạn trong truyện bị lôi cuốn vào đời sống văn hóa, chính trị và xã hội của thời đại, tuy có hiến cho tác giả dịp phân tích xã hội, nhưng không phải là không có nguỵ hiểm. Stefan Zweig, mặc dầu là người hâm mộ Rolland, lại viết tiểu sử cho ông, cũng đã phải so sánh những đoạn viết về lịch sử và phê bình trong cuốn Jean Christophe với những khúc ca lạnh lẽo trong một vở bi nhạc kịch. Cuốn sách chỉ hay nhất khi tác giả kiểm soát được hứng viết (4).

    Wassermann: The World’s Illusion.

    Sở dĩ chàng Christian Wahnschaffe tự phụ được thấy rõ thực chất của xã hội dưới tấm màn ảo ảnh, là vì chàng có khiếu thí nghiệm những cuộc lên đồng cầu cơ, và sẵn sàng hối quá để trở về đạo như thánh Paul. Thực ra thì sự này cũng chẳng có gì thật mới mẻ, tuy hơi hiếm. Người sáng tác ra nhân vật Christian, là nhà văn Jakob Wassermann, coi cõi đời là một chiến trường giữa những lực lượng vĩ đại Thiện và Ác. Cuốn tự truyện của ông My Life as German and as Jew giúp ta hiểu tại sao ông lại có nhân sinh quan như vậy, tại sao ông đem vào tác phẩm ý chính là công bằng, với những ý liên hệ là tội lỗi, trách nhiệm xã hội và cá nhân, đau khổ và đền tội. Ông đặt cho nhân vật chính tên Christian để tỏ tinh thần Gia Tô giáo, cũng như tên Pilgrim (người hành hương) của Bunyan. Christian xuất thân trong một xã hội giàu có, gồm những người thuộc đủ quốc tịch, và chỉ đi tìm thú ăn chơi. (Nhân tiện đây độc giả có thể ghi rằng Lanny Budd cũng thuộc về xã hội đó). Chàng Christian dung mạo đẹp đẽ, lại hưởng hạnh phúc và được mọi người mến yêu, nhưng riêng chàng thì chẳng có cảm tình với ai cả. Dần dần, trong những lúc thông cảm huyền bí, chàng bắt đầu biết đến cái xã hội hạ lưu nghèo khổ, chịu áp bức, và đầy tội lỗi. Chàng quyết định dấn thân vào đó. Như trong đoạn văn sau đây: “Chàng đi tới cửa sổ. Chàng nhìn thấy bầu trời trước mắt, sao Hôm, và biển chuyển động. Và chàng biết rằng tất cả chỉ là ảo ảnh, cái im lặng vô cùng này, ngôi sao nhấp nhánh kia, mặt biển lóe sáng nọ, tất cả những cảnh tượng đó chỉ là một bộ y phục hay một tấm màn vẽ, tâm hồn không nên vì đó mà tự cho mình được quyền an tĩnh. Đằng sau ảo ảnh đó là khủng khiếp, là ghê tởm và đau khổ vô bờ bến”. Thế giới mà chàng dần dần nhận thấy, những chế độ do người tạo ra, đều ẩn nặc một cái gì không ổn, chỉ lấy óc suy xét thông thường thì không thể nào hiểu được. “Người ta phải lặn tới đáy cuộc đời để tìm ra cội rễ của cái gì không ổn đó”. Chàng Christian đã dấn thân đi khám phá, và kết quả, dưới con mắt nghệ sĩ, là thấy có những mâu thuẫn sâu sắc giữa những vùng sâu thăm thẳm và những vùng cao tuyệt vời của một trật tự xã hội bị chia rẽ, không có hy vọng nào hàn gắn lại được nữa.

    Nếu tiểu thuyết gia Rolland mong mỏi được trở thành một nhà hùng biện, thì trái lại Wassermann, một người có khiếu về lối kế truyện, lại muốn thành một nhà viết kịch. J. W. Krutch viết trong báo “Nation”, số ra ngày 18 tháng 11 năm 1925 như sau: “Wassermann ý thức sự mâu thuẫn giữa lòng khao khát uy quyền và lòng khao khát ẩn dật một cách mạnh mẽ đến nỗi cái ý thức đó đè nặng lên trí óc ông và khiến ông nhìn thấy mọi nhân vật và biến cố đều chỉ là thành phần của một cuộc xung đột toàn diện giữa hai lực lượng Thiện và Ác”. Những tác phẩm của ông tuy có thông cảm rộng rãi và sức tin tưởng say mê, nhưng vì khuynh hướng đóng khung cuộc đời vào vài lý thuyết cứng nhắc nên rốt cuộc lại làm cho nhân sinh quan của ông càng thêm khó hiểu.

    Martin du Gard: Summer of 1914.

    Vào khoảng năm 1920, Roger Martin du Gard bắt đầu viết tập tiểu thuyết gia đình Thibault, gồm nhiều cuốn. Trên nhiều phương diện, tiểu thuyết Pháp này giống tiểu thuyết gia đình trưởng giả Forsyte của nhà văn Anh Galsworthy. Năm 1930, khi sắp xuất bản cuốn thứ tám, thì Martin du Gard bị tai nạn khiến ông phải vào nằm nhà thương trong nhiều tuần lễ. Trong thời gian này, ông thấy cuốn thứ tám không hợp ý, bèn hủy bỏ nó đi, và bắt đầu viết một cuốn khác, phải mất sáu năm mới hoàn thành, nhưng lại đem cho ông giải thưởng Nobel năm 1937. Trong cuốn này, đặt tên là Summer of 1914, tiểu thuyết thay đổi hẳn tính chất. Từ phạm vi một tiểu thuyết gia đình, nó mở rộng thành một bức họa toàn cảnh Âu châu lăn vào chiến tranh. Nó gồm tới nghìn trang đều viết về thời gian 44 ngày trôi qua giữa cuộc ám sát ở Sarajevo (5) ngày 28 tháng 6 năm 1914 và cuộc rút lui của quân đội Pháp ra khỏi tỉnh Alsace ngày mồng 10 tháng 8. Những nhân vật chính trong truyện này, đã được trình bày đầy đủ trong những cuốn trước, vẫn là gia quyến Thibault theo Công giáo, gia quyến Fontanin theo đạo Tin lành, và những người liên hệ với hai giòng họ đó. Thêm vào đó có vài nhân vật khác nữa, có tầm quan trọng quốc tế, một số ít là nhân vật có thực, còn số đông là nhân vật tưởng tượng. Những biến cố ghi trong truyện là những biến cố trong cuộc khủng hoảng đương chín mùi sẽ đẩy Âu châu vào vực thẳm đệ nhất thế chiến. Chúng ta có thể nghĩ rằng Martin du Gard, vào khoảng năm 1930, bắt đầu nhận thấy rằng Âu châu lại sắp lao đầu vào một thế chiến khác, nên cảm thấy cần phải phân tích và hiểu rõ cuộc thế chiến trước. Vì thay đổi mục tiêu như thế, nên cuốn tiểu thuyết hơi mất thế quân bình, hai phần không tương xứng nữa (6). Mặc dù vậy, nó vẫn không rời rạc. Những lực lượng phá hoại phát sinh trong thế giới nhỏ bé của gia đình tư hữu và cuối cùng phá tan nó, cũng là những lực lượng, ở một tỷ lệ vô cùng rộng lớn hơn, phá hoại trật tự của toàn thể Âu châu.

    Ví dụ ta thấy rằng chàng Jacques, người con út trong gia đình Thibault, vừa là kẻ chống đối gia đình, vừa là đảng viên của một đảng quốc tế ở Genève. Đảng này gồm có nhiều chính khách lưu vong, mỗi người tiêu biểu cho một đường lối cách mạng khác nhau. Riêng Jacques thì vừa là đảng viên xã hội, vừa theo chủ nghĩa hòa bình; thần tượng của anh là Jean Jaurès (7). Vụ ám sát nhà lãnh tụ này khi chiến tranh bùng nổ là một nhát đập choáng váng vào đầu óc anh. Nhưng dù anh theo chủ nghĩa nào, bản chất anh vẫn là con người say mê hành động theo cá nhân chủ nghĩa: cái chết bi thảm của anh đủ chứng tỏ điều đó. Nó chỉ là kết quả của một kế hoạch anh hùng ngớ ngẩn để chấm dứt chiến tranh, và anh tin rằng anh đã làm một hành động hy sinh tối thượng cho chủ nghĩa quốc tế. Nhưng trong một lúc sáng suốt trước khi nhắm mắt, anh nhận thấy rằng mình đã làm một hành động ngang tàng cuối cùng để trung thành với bản năng chống đối vẫn ngự trị tâm hồn anh từ thủa nhỏ. Bởi vì hình như không có một cách nào khác để khẳng định nhân cách của mình hơn là sự từ chối cuộc đời, từ chối thế giới, từ chối “hết thảy cái gì người ta làm với cuộc đời”.

    Những người thuộc nhóm Geneva cũng là những con người nói rất nhiều, y như nhân vật trong cuốn The Magic Mountain, nhưng họ không bị say mê để ngồi yên lý thuyết suông. Do đó, những cuộc tranh luận trong cuốn Summer of 1914 về phương tiện và cứu cánh chính trị, cải cách ôn hòa hay cách mạng dữ dội, bạo động hay bất bạo động, đều dẫn đến kết quả thảm khốc tức khắc. Chàng phi công, lãnh tụ của nhóm Geneva, lý luận nước đôi và hành động cũng nước đôi, khiến cho Jacques phải thất vọng. Đến tháng bảy năm 1914, Jacques được cử đi Berlin, Vienna, Brussels, Paris, với sứ mệnh hô hào quốc tế hành động và các tổ chức lao động và xã hội đứng lên để ngăn cản chiến tranh. Nhờ có kinh nghiệm, và do sự nghiên cứu kỹ lưỡng sử liệu, Martin du Gard đã thành công trong việc giải thích chiến tranh đã xảy ra như thế nào và vì những nguyên nhân nào.

    Sau khi cuộc đệ nhị thế chiến bùng nổ, Martin du Gard viết thêm một đoạn kết cho tập truyện Gia đình Thibault, theo thể thức một cuốn nhật ký của bác sĩ Antoine là anh ruột của Jacques. Nhờ quen thân với một nhân vật trọng yếu trong bộ Ngoại giao Pháp, nên Antoine có thể phân tích sáng tỏ đường lối ngoại giao và chính sách dùng sức mạnh làm hậu thuẫn cho ngoại giao. Trong cuốn tiểu thuyết giài này, Martin du Gard đã xen lẫn những dục tình riêng tư với những rối loạn xã hội thành một tấn kịch vừa cảm động, vừa có tính cách trí thức rất thu hút.

    (Còn tiếp...)

    (1) 1789: cách mạng Pháp 1917: cách mạng Nga.
    (2) Xác chết của trật tự xã hội cũ.
    (3) Đó là tập Forty Years, or the Life of Klim Samghin, gồm có bốn cuốn; The Bystander, The Magnet, Other Fires, và The Spectre lần lượt xuất bản từ năm 1930 đến năm 1938.
    (4) Nghĩa là Rolland đã nhiều khi lạc đầu đề, biến tiểu thuyết của mình thành một pho bách khoa nói về đủ vấn đề, chứ không chịu tập trung vào một đề tài.
    (5) Một tỉnh của Nam Tư. Ngày 28-6-1914, hoàng thân François-Fernand của Áo bị một người cách mạng Serbe ám sát. Đế quốc Áo-Hung bèn nhân cơ hội đó đòi xâm chiếm Serbie. Nga bênh Serbie, Pháp và Đức rồi toàn thế giới liền bị lôi cuốn vào đại chiến.
    (6) Phần tả con người tranh đấu trong phạm vi gia đình, và phần tả con người tranh đấu trên chính trường quốc gia và quốc tế.
    (7) Jean Jaurès (1859 — 1914): một lãnh tụ của đảng xã hội Pháp, và là chủ nhiệm tờ báo Humanité. Trước hiểm họa chiến tranh sắp bùng nổ, ông cố gắng hô hào vô sản thế giới cứu vãn hòa bình, nhưng không được ai hưởng ứng, và bị ám sát ngay trước ngày khai chiến.
     
    Ban Tang Du Tử and tducchau like this.
  16. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 10

    TIỂU THUYẾT QUAN SÁT THẾ GIỚI (tt)


    Triết trong truyện.

    Trong thế kỷ trước, Zola đã viết 28 cuốn tiểu thuyết về giòng họ Rougon-Macquart để chứng minh triết lý của ông, là thuyết định mệnh khoa học. Jules Romains cũng viết tới 27 cuốn tiểu thuyết để chứng minh triết lý của ông, là thuyết nhất trí. Jean Paul Sartre vẫn còn đương viết giở tập truyện bao hàm triết lý của ông, là thuyết hiện sinh.


    Gia đình mà Zola đã tạo ra là một gia đình rất phức tạp, có đủ chi nhánh để cung ứng nhân vật cho toàn tập truyện. Remains thì xử dụng không phải chỉ một gia đình; nhân vật của ông là những “người có thiện chí”. Lát nữa chúng ta sẽ xem ông định nghĩa thế nào là người có thiện chí, Sartre lưu ý chúng ta đến những đường lối vào tương lai hơn là đến con người, và gọi tập truyện ba cuốn của ông là Les Chemins de la Liberté. Và cuối cùng, xin ghi thêm tập truyện chưa hoàn tất của Louis Aragon, lấy tên chung là The Real World theo triết lý của ông là triết lý cộng sản.

    Theo như trên, ta thấy rằng nhiều tiểu thuyết gia có sẵn một quan niệm về cuộc đời, và chọn những biến cố (một cách hữu ý hay vô tình) khả dĩ diễn tả quan niệm đó, còn nhân vật trong truyện thì phải lệ thuộc vào các biến cố. Nhưng cũng có khi đường lối đi lại khác thế. Nếu truyện hay, độc giả có thể chú ý rất ít tới quan niệm cuộc đời hay triết lý của tác giả. Hoặc tác giả chẳng cần nói rõ triết lý của mình cho độc giả biết. Đó là trường hợp của nhà văn Hardy; sau khi thôi không viết tiểu thuyết nữa, ông tự kiềm chế không bàn đến triết lý cho tới khi viết vở kịch The Dynasts, Nhưng Tolstoy thì không chịu im lặng như thế; trong cuốn War and Peace, ông nghị luận rất nhiều về triết lý lịch sử. Nhất là người Pháp thì luôn luôn muốn giải thích rõ ràng những lý thuyết văn học; lịch sử văn học của họ đầy rẫy những cuộc bút chiến của các trường phái. Vậy chúng ta có thể nghiên cứu những tác phẩm của Zola, Romains, Sartre, để tìm hiều triết lý của họ.

    Jules Romains : thuyết nhất trí.

    Khoảng đầu thế kỷ này, cùng với nhiều nhà văn trẻ tuổi khác bất mãn với những chủ trương đương thịnh hành là sùng bái cá nhân, lối sống tài tử, nghệ thuật vị nghệ thuật, Jules Romains gia nhập một nhóm tự xưng danh là nhóm nhất trí. Trong một thời gian, họ sống chung với nhau trong một tu viện cổ và trình bày ý kiến của họ về đời sống nhất trí (La vie unanime). Rồi nhóm đó tan đi, nhưng Remains vẫn tiếp tục sáng tác theo đường lối đó. Lý thuyết này lấy nhóm làm đơn vị, bất kể nhóm rộng hay hẹp, và theo lối tổ chức nào. Các hội viên của nhóm có thể thay đổi đi, nhưng nhóm vẫn giữ một tâm lý liên tục. Quan niệm này một phần nào có tính cách huyền bí, và trong một bài đăng trong báo “Nation” số ra ngày 20 tháng 5 năm 1939, Romains đã viết nhiều về linh hồn, cá nhân và tập thể. Ông nói rằng tinh thần, tư tưởng một người có thể truyền sang người khác, rằng giống như hai tấm thân xác thịt tiếp cận nhau, hai linhh hồn cũng có thể hòa hợp với nhau, ông đã cố biện minh chống lại lời tố cáo ông đã “thần thánh hóa đoàn thể”, và đã mở đường cho những chính thể độc tài.

    Nhưng lý thuyết nhất trí đem áp dụng vào địa hạt tiểu thuyết như thế nào? Trong bài tựa cho cuốn truyện thứ nhất, Romains gạt ra ngoài, vì cho là không thích hợp nữa, tiểu sử tiểu-thuyết-hóa, tiểu thuyết gia đình, và những tập tiểu thuyết, như của Balzac, miêu tả toàn cảnh xã hội mà lại phân chia ra từng đoạn một, từng địa phương một, từng giai cấp một. Ông đi tìm một lối xây dựng truyện khiến độc giả thoát ly thói quen tập trung chú ý vào mỗi cá nhân. Trong khoảng từ 1930 đến 1945, ông đã viết nhiều cuốn truyện về quãng thời gian từ 1908 tới 1933, và đều lấy nhóm làm trung tâm. Nhóm đó có thể là một đôi bạn, một bọn người đương xem một họa sĩ vẽ bảng hiệu, hay một tổ chức tôn giáo, chính trị, binh đội rất chặt chẽ. Và nhóm cũng có thể gồm cả những cảnh trí vô tri, trong một tinh thần vật chất huyền bí, như tường nhà, đường xá; một chuyến hỏa xa hay tàu thủy cũng là một nhóm vừa vật chất, vừa nhân tính. (Ở trình độ truyện phố thông, thì khách sạn, nhà cho thuê, v.v…cũng biến thành nhóm, tuy máy móc nhưng tiện lợi để xây dựng cốt truyện).

    Những người có thiện chí.

    Kỹ thuật nhất trí đã được phân tích trong nhiều bài phê bình. Nó có thể đem lại những hiệu quả rất mạnh mẽ, ví dụ “những bức họa vĩ đại vẽ dân chúng thành Paris đi làm việc năm 1908, những đoàn quân tiến ra Verdun năm 1916, và cuộc điểm binh chiến thắng 1919”. (Độc giả có thể khảo cứu cuốn Columbia Dictionary of Modern European Literature, mục Remains).

    Thế nào là người có thiện chí? Trong bài tựa cho tập truyện Romains cho rằng vô số hành động của con người phát sinh từ lòng ích kỷ, dục tình, hoặc tội ác và điên khùng; trong số đó cũng có vài hành động phát xuất từ những tâm hồn tinh khiết. Rồi ý chí và mục tiêu hành động của người này truyền sang người khác, khó mà cắt nghĩa được; đứng bên ngoài mà xét thì hình như toàn nhóm đồng ý để hành động như vậy. Trong khối những ý chí đó, chắc chắn phải có một số là thiện chí; ta có thể nhận thức chúng dần dần bằng cách xem xét hành động của chúng và kết luận của những hành động đó. Trong bài đăng trong báo “Nation” (đã được trích lục ở trên kia), Romains xác định lại tin tưởng rằng những người có ý chí là những người làm lịch sử, và ông rất quan tâm đến điểm ý chí đó có phải là thiện chí hay không. Ông nói rằng biến cố lịch sử ví như là những ngã tư đường, lịch sử hướng về con đường nào là tùy thuộc ý chí của một người hay của một nhóm người, hay tùy thuộc sự mọi người khoanh tay để phó mặc số phận cho may rủi. Con đường mà lịch sử đi vào, tuy trước đấy chỉ là một trong nhiều con đường khác mà lịch sử đều có thể theo, nhưng một khi mà lịch sử đã đi vào con đường đó rồi thì không thể quay trở lại nữa, và sẽ có những kết quả vô cùng trọng đại.

    Jules Romains hiểu biết rất nhiều để có thể tả mỗi khía cạnh của xã hội thời nay. Trong cuốn Verdun, một trong những cuốn hay nhất trong tập Les Hommes de Bonne Volonté, sự am hiểu về binh pháp của ông thật là kỳ diệu; trong những cuốn khác, ông cũng tỏ ra rất am hiểu về chính trị, hình pháp học, tài chính, y tế, ngoại giao của Vatican, và cả vấn đề nam nữ quan hệ nữa. Ông đã cho chúng ta “một tấn kịch nhân loại muôn mầu sắc, trong đó không có vai chính nào khác là chính nước Pháp”. Còn vấn đề thuyết nhất trí có đem cho tiểu thuyết một triết lý thống nhất không, tin lại là một vấn đề mà chúng tôi xin để dành cho tương lai giải quyết.

    (Hết chương 10).
     
    Ban Tang Du Tử and tducchau like this.
  17. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 11

    NHỮNG LOẠI TIỂU THUYẾT KHÁC

    Bà Virginia Woolf kết luận cuốn Phases of Fiction như sau: “Hồi tưởng lại quãng đường đã qua, chúng ta thấy hình như tiểu thuyết có thể làm nhiệm vụ của bất cứ loại văn nào, dù là truyện ngắn truyện dài, hài kịch, bi kịch, phê bình, thông tin, triết lý hoặc thi ca”. Tiểu thuyết tiếp đón bất cứ quý khách nào đến thăm. “Ngày nay tiểu thuyết thu hút mọi văn sĩ mà trước đây có lẽ chỉ chuyên về thi ca, kịch, bút chiến hoặc lịch sử”.

    Truyện không tưởng.

    Loại truyện không tưởng là một loại văn thu hút văn sĩ đủ khuynh hướng, dù khác nhau rất xa như thi sĩ và phê bình gia thời cuộc. E.M.Forstercoi cuốn Tristram Shandy của Sterne là tác phẩm tiêu biểu nhất cho loại truyện này. Và chính ông Porster cũng đã viết truyện không tưởng, như cuốn
    The Celestial Omnibus, một danh từ mà giá chúng tôi mượn để gọi chương tạp nhạp này cũng rất thích hợp. Ông nói rằng truyện không tưởng đòi hỏi một cái gì khác thường, một trí tưởng tượng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, “một khi đã đi, vào lãnh vực không tưởng rồi, thì có điểm nào khác biệt nữa không giữa một hiện tượng hoàn toàn hư vô và một hiện tượng mượn ở một sự kiện có thực?” Nhiều người cho rằng lối thứ hai dễ tin hơn. Và người ta đã dùng nhiều cách để thuyết phục độc giả tin tưởng vào “một cái gì khác thường”, ví dụ đem một vị thần tiên, một hồn ma, một thiên thần, một con khỉ, một tên lùn, một pháp sư, v.v... can thiệp vào đời sống bình thường. Hoặc ngược lại, đem một con người thường vào cõi đất hoang vu, vào tương lai hay quá khứ, vào lòng quả đất hay vào kích thước thứ tư, tạo ra một cù lao có những hiện tượng kỳ lạ xảy ra khi gió nồm thổi, v.v... Trong cuốn A Study of Literature, David Daiches định nghĩa loại truyện không tưởng là loại văn trong đó tác giả cố gắng cho các biến cố diễn tiến một cách khác thường, ngoài ý liệu thông thường của độc giả. Làm như vậy, hoặc tác giả muốn cho độc giả phải dự liệu một cách thận trọng hơn cách diễn tiến của thế sự, hoặc vì quá chán ghét thế sự xoay vần trên coi đời lố lăng này, hoặc chỉ để độc giả mua vui trong một vài trống canh... Tác giả cũng có thể sáng tác truyện không tưởng với ý định trình bày một trật tự đạo đức hay một ý nghĩa cuộc đời hoàn toàn khác với những gì thường được mọi người chấp nhận hay tưởng tượng”.

    Độc giả ở thế kỷ 20 đã được tuyên truyền để chấp nhận đủ thứ truyện không tưởng. Nào là truyện không tưởng khoa học của H G. Wells; nhà văn này dùng tiểu thuyết làm một cái khung lỏng lẻo để lồng vào đó những đoạn đàm thoại dí dỏm và dài dằng dặc trình bày ý kiến của ông, đặc biệt là sự tiên tri khủng khiếp về một thế giới không tưởng hoàn toàn máy móc. Nào là truyện của Anatole France giải thích một cách châm biếm sự diễn tiến của lịch sử (trong cuốn L’ile des Pingoouins (Đảo Pingouins)). Nào là James Branch Cabell sáng tác những huyền thoại đặc kỳ và một thế giới đa tình đầy mộng mị và thất vọng lãng mạn.

    Dưới đây xin ghi vài nhan đề truyện không tưởng, đủ thấy loại truyện này có phạm vi rộng
    rãi và phức tạp biết bao:

    Walter de la Mare:
    Memoirs of a Midget (Hồi ức của một người lùn).
    Norman Douglas: South Wind (Gió nồm).
    G.K. Chesterton: The Man who was Thursday (Chàng trai ngày thứ năm).
    Sylvia Townsend Warner: Mr Fortune’s Maggot và Lolly Willowes.
    Norman Matson: Flecker’s Magic.
    David Garnett: Lady into Fox.
    Max Beerbohm : Zuleika Dobson.
    Virginia Woolf: O
    rlando.
    Robert Nathan: One more Spring.
    Christopher Morley: Thunder on the Left.
    Elinor Wylie: The Venetian glass Nephew.
    Clemence Dane: The Arrogant History of White Ben.
    John Erskine: Helen of Troy (Cái chết của nàng Helen thành Troy).
    Ronald Firbank:
    Five Novels (tái xuất bản năm 1950).
    Karel Capek: The Absolute at Large và Krakatit.
    George Orwell: Animal Farm và 1984.
    Rex Warner: Wild Goose Chase, và Aerodrome.

    Trong vài cuốn tiểu thuyết trên, chỉ có một phần nhỏ không tưởng trong một thế giới điềm đạm thực tế, bởi vì người ta tránh sao khỏi có lúc mơ mộng, và nhiều khi trong mộng lại mơ tưởng những điều kỳ quái và mọi tình tiết dựa vào đó mà phát sinh.

    Tiểu thuyết chiến tranh.


    Thế kỷ 19 đã để lại cho thế kỷ 20 một cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất về chiến tranh, là cuốn War and Peace (Chiến tranh và hòa bình) của Tolstoy, và những tác phẩm cổ điển ít quan trọng hơn như cuốn Downfall của Zola và cuốn Red Badge of Courage của Stephen Crane. Hai cuộc thế chiến ở thế kỷ 20 đã kích thích nghệ thuật tiểu thuyết rất nhiều. Đây chỉ xin ghi một ít nhan đề những tiểu thuyết lấy chiến tranh làm đề tài:

    Henri Barbusse: Under Fire (Khói lửa).
    E.M. Remarque: All Quiet on the Western Front (Phía Tây không có gì lạ).
    Arnold Zweig: The Case of Sergeant Grischa.
    Jaroslav Hasek: The Good Soldier Schweik (Người lính Schweik Xuất sắc).
    Ludwig Renn: War.
    Franz Werfel: The Forty Days of Musa Dagh.
    Ernst Glaeser: The
    Class of 1902.
    Theodor Plivier: The Kaiser’s Coolies, và Stalingrad.
    C.E. Montague: Disenchantment.
    John Dos Passos : Three Soldiers (Ba người lính).
    E.E. Cummings: The Enormous Room (Phòng to).
    Maxence van der Meersch: Invasion.
    James Aldridge: Signed with their Honour.
    Ilya Ehrenburg:
    The Storm.
    Norman Mailer: The Naked and the Dead.
    Irwin Shaw: The Young Lions.
    Ernest Hemingway: Farewell to Arms (Giã từ vũ khí).
    Joseph Kessel: Army of Shadows (Đạo quân bóng tối).


    Tiểu thuyết về sự liên quan giữa các chủng tộc.

    Đối với công dân của Hiệp Chủng quốc hay của Liên Hiệp Nam Phi, liên quan giữa các chủng tộc có nghĩa là liên quan giữa người da trắng và người da đen trong một tiểu bang, khi vấn đề này được xử dụng làm đề tài cho tiểu thuyết. Cuốn
    Cry, the Beloved Country (1948)(Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu) của Alan Paton đặt câu truyện ở Nam Phi, là một tác phẩm tuyệt diệu, cũng như cuốn God's Step-Children (1924) của Sarah Gertrude Millin. Cuốn The Negro Caravan là một tuyển tập tác phẩm của các văn sĩ da đen và nói về người da đen ở Hiệp Chủng quốc, được xuất bản năm 1944; tuyển tập này rất có giá trị, có cả những bài phê bình và tiểu sử của các tác giả. Dưới đây là danh sách vài cuốn tiểu thuyết đã được lựa chọn, để thấy rõ tuyển tập này quan trọng chừng nào:

    Langston Hughes: Not without Laughter, và Ways of White Folks.
    Richard Wright:
    Uncle Tom’s Children (Con cháu của chú Tom), Native Son (Con của đất mẹ), Black Boy (Cậu bé da đen).
    Zora Neale Hurston: Their eyes were watching God.
    William Attaway: Blood on the Forge.
    Walter White:
    Fire in the Flint.

    Văn sĩ da trắng cũng có viết về vấn đề liên quan giữa các chủng tộc, ví dụ cuốn Strange Fruit của Lillian Smith và cuốn Scarlet Sister Mary của Julia Peterkin.


    Tiểu thuyết quốc tế.

    Loại tiểu thuyết nói về vấn đề giao tế giữa các quốc gia trên thế giới sớm xuất hiện ở văn học Mỹ với cuốn The Marble Faun của Hawthorne; cuốn này trình bày con người theo Thanh giáo va chạm với người Công giáo và Dị giáo (1) ở thành La Mã.

    Nhưng đến Henry James và đồ đệ ông là Edith Wharton mới thật làm nổi bật những điểm tương phản, mỉa mai hài hước hay bi thảm do sự tiếp xúc giữa người Âu và người Mỹ gây nên. Cuốn Passageto India của E. M. Forster nói về vấn đề giao tế giữa người Anh và người Ấn Độ với một thái độ vô tư, một giọng mỉa mai và một trực giác sáng suốt chưa tác phẩm khác nào có thể vượt được. Gần đây mới xuất bản nhiều cuốn tiểu thuyết lấy người Mỹ và Anh sinh sống ở Ấn Độ làm đề tài; đó là những cuốn The Rains Came của Louis Bromfield, Indigo của Christine Weston, nhiều tiểu thuyết của Rumer Godden (Black Narcissus, The River), và cuốn The Prevalence of Witches của Aubrey Menen vừa mỉa mai, vừa thú vị vô cùng. Cuốn Futility của William Gerhardi dẫn dắt người Anh và người Nga tới tình hữu nghị vui vẻ. Pearl Buck mang sinh viên Trung Hoa sang Hiệp Chủng quốc và nghiên cứu những điểm tương phản nảy nở trong tư tưởng và tập quán của họ khi họ thở hút không khí của tân lục địa. Trong cuốn Black Valley, Raymond Weaver kể một cách hóm hỉnh và mỉa mai truyện những nhà truyền giáo Tây phương đi cứu vớt linh hồn người Nhật, và có lẽ cả linh hồn của chính họ?


    Tiểu thuyết về những cuộc xung đột hiện tại.

    Trong thế giới của thế kỷ 20, sự việc có thật lại thành một địch thủ đáng sợ của sự việc bịa đặt, ngay trong những lãnh vực mà tiểu thuyết xưa nay vẫn có ưu thế; kích thích, nghẹt thở, căng thẳng, chiến đẩu một mất một còn, phản bội, anh hùng, bí mật, bất ngờ. Càng ngày tiểu thuyết gia càng thấy khó mà sáng tạo ra một thế giới vừa mở rộng để đón độc giả bước vào, vừa đóng cửa không cho sự việc có thực lọt vào. Tác giả và độc giả đều cảm thấy khó mà giữ cho thế giới của tưởng tượng tránh khỏi những sự xâm nhập bất ngờ đó, khi mà thế giới thực sự họ đang sống đầy rẫy những biến cố kinh khủng trong vòng vài chục năm gần đây.

    Do đó, ta thấy tiểu thuyết dần dần lấy những biến cố thực sự đã xảy ra làm khung cho cốt truyện: đào thoát dưới muôn hình vạn trạng, rượt bắt, tranh đấu để thắng kẻ rượt bắt, khủng bố và tra tấn, hành động trả thù, lương tâm rạn nứt vì không biết nên trung thành với chủ nghĩa nào, những thử thách trường kỳ phải chịu đựng để bảo toàn tính mệnh và giữ vững tinh thần, hy vọng một tương lai tươi sáng hơn, và tin tưởng vào lòng nhân của con người. Những nhà văn lấy xã hội đang xáo trộn giữa các lực lượng xung đột nhau làm đề tài cho tiểu thuyết, đã chứng kiến một trận chiến mà kết cục còn vô định. Nhiều khi chính bản thân họ đã tham gia vào những cuộc xung đột, và vẫn tiếp tục tranh đấu trên bước đường lưu vong.
    Họ đã được thấy những chính nghĩa mà họ hằng tin tưởng bị thất bại ê chề. Do đó, những tác phẩm họ viết ra phần nhiều thiên vị, vụn vặt, mập mờ, khi thì hăng hái hy vọng và phẫn nộ, khi lại lạnh lẽo hoài nghi và thất vọng. Nhân vật trong truyện lại chưa được xây dựng vững chãi, khó hiểu, hoặc đen quá hoặc trắng quá (2), và những lý thuyết chính trị và xã hội đem trình bày thì mơ hồ và mâu thuẫn. Rất ít tác phẩm được sáng sủa và cân đối, cho độc giả hiểu rõ những hành động và nguyên động lực tâm lý, nắm vững hướng đi và tương quan của các lực lượng xã hội.

    Vậy thì, so với những bài báo có giá trị, tiểu thuyết có thể làm gì hơn được không? Có lẽ tiểu thuyết có một ý nghĩa tượng trưng mà bài báo không thể có, và các tiểu thuyết gia đều cố gắng để đạt tới ý nghĩa tượng trưng đó. Ví dụ Hersey với cuốn Bell for Adano, hay Seghers với cuốn The Seventh Cross, hay Maltz với cuốn The Cross and the Arrow, hay Wasilewska với cuốn The Rainbow. Tiểu thuyết lại còn có thể rọi ánh sáng trực giác vào những nguyên nhân và động lực tâm lý, ít nhất cũng phải sâu sắc hơn những bài báo chỉ có thể phỏng đoán vội vàng. Hay là tiểu thuyết có thể cung cấp cho độc giả một kinh nghiệm không vụn vặt như bài báo, mà đầy đủ hơn.

    Về phần độc giả, thì mỗi độc giả đặt vào tiểu thuyết những ý kiến sẵn có của mình, những hy vọng và sợ hãi đã bị phóng đại bởi kỹ thuật tuyêntruyền rộng lớn ngày nay. Do đó, cùng về một cuốn tiểu thuyết, mỗi độc giả có thể cảm nghĩ một cách khác, và cảm nghĩ của người này thì người kia không thể hiểu được.


    (Hết chương 11).


    (1) Người theo Thanh giáo (Puritanism) chủ trương lối sống khắc khổ, khác với người theo Công giáo và nhất là Dị giáo có lối sống phóng túng hơn. Dị giáo (Paganism) nghĩa là vô thần, là danh từ Gia Tô Giáo lúc mới xuất hiện gán cho tín ngưỡng đa thần (polytheism) của người La Mã và Hy Lạp cổ.
    (2) Nghĩa là hoàn toàn ác hoặc hoàn toàn thiện, không đúng sự thực ở đời.
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/10/15
    Ban Tang Du Tử, tducchau and eta128 like this.
  18. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 12

    TRUYỆN NGẮN

    Dù theo khía cạnh nào mà nghiên cứu truyện ngắn trong thời gian 50 năm qua, chúng ta vẫnphải đề cập tới việc thay đổi kỹ thuật của nó. Chúng ta đã biết rằng trong thế kỷ 19 Edgar Allen Poe đã ấn định cho truyện ngắn một thể thức được cả Hiệp Chủng quốc, Pháp và Anh đều bắt chước. Tuy trong kiểu mẫu của Poe có một đôi chỗ đã bị sửa đổi đi, nhưng nói chung mọi người vẫn đồng lòng chấp nhận nguyên tắc của nó là mỗi truyện ngắn chỉ được gây một ấn tượng duy nhất trong trí óc độc giả. Người Mỹ viết truyện ngắn cũng nhiều, chỉ xin kể ra đây vài tên: Bret Harte, Ambrose Bierce và O. Henry, ở Anh quốc thì có Henry James, Ruydard Kipling và Robert Louis Stevenson; những tác giả này đã đưa truyện ngắn tới mức hoàn toàn nhất. Ở Pháp cũng vậy, những tác giả xuất chúng nhất về truyện ngắn là Alphonse Daudet, Théophile Gautier và Guy de Maupassant.

    Ngay những truyện ngắn đầu tay của văn sĩ Nga Anton Chekhov cũng chịu ảnh hưởng của Mỹ và Tây Âu.

    Truyện ngắn kiểu chính thống.

    Truyện ngắn kiểu chính thống có những đặc điểm sau đây: một cốt truyện được xây dựng thận trọng, các tình tiết được xếp đặt khéo léo cho câu truyện tiến hành không ngừng, và tới một lúc nào đó thì đạt tới tột điểm gay cấn. Theo thể thức này, thường thường tác giả có khuynh hướng nhấn mạnh vào những hành động bề ngoài mà ít chú ý tới tâm lý nhân vật, trừ phi tác giả là một nghệ sĩ có đại tài. Trong trường hợp sau này, thì hai phần, hành động và tâm lý, được giữ thế quân bình mỹ thuật.

    Truyện ngắn kiểu chính thống có thể bắt chước dễ dàng, nên hàng trăm văn sĩ kém tài đã xử dụng nó. Kết quả là họ chẳng đem lại cho truyện ngắn một cái gì thêm, ngoài một hình thức hoàn toàn. Do đó, ta có thể phỏng đoán rằng chỉ trong một thời gian là cái dụng cụ đó sẽ bị nhụt đi. Quả thật, những nhà văn kém tài xử dụng nó hình như không lãnh hội được rằng truyện chỉ có thể vừa ý độc giả khi nó cho ta biết về những con người thực sự. Sau khi O.Henry tạ thế năm 1910, kiểu truyện ngắn chỉ cần một cốt truyện thôi bị suy tàn cực độ.

    Truyện ngắn của Chekhov.

    Chính văn sĩ Nga Anton Chekhov là nhà văn đầu tiên nghĩ ra một thể thức truyện ngắn mới, căn cứ vào sự nhận xét con người cũng tỉ mỉ như một bác sĩ khám nghiệm bệnh nhân, ông lựa chọn, trong quá trình biến chuyển của lương tri, những thời khắc có ý nghĩa nhất trong đời người, và nghiên cứu những thời khắc đó rất thận trọng. Và ông khám phá ra rằng những thời khắc thường được người ta coi là có ý nghĩa nhất lại chẳng có chút ý nghĩa nào cả. Ví dụ lúc kết hôn hay khi có tang một người thân yêu, thì đương sự lại chỉ có những tư tưởng vẩn vơ vô nghĩa. Trái lại, có những thời khắc khác tới một cách bất thần, thì đương sự lại có những tư tưởng tối ư quan trọng. Chekhov bèn đem những thời khắc đó nối lại với nhau để tiến hành câu truyện. Hoặc có độc giả tỏ ý bất mãn với cái kỹ thuật viết truyện đó, cho rằng truyện thiếu đầu thiếu đuôi, chỉ có quãng giữa. Nhưng nghệ sĩ Chekhov rất am tường ông phải làm gì để đạt tới nghệ thuật. Trong một bức thư, ông nói rằng những nhà viết truyện phải xén cắt phần đầu và phần đuôi đi, vì ở đó họ dễ có khuynh hướng kéo dài vô ích. Dù sao đi nữa, khi Chekhov chối bỏ kiểu chính thống viết truyện, nếu có mất đi một phần nào nghệ thuật, thì lại được đền bù bằng một hiểu thấu sâu sắc hơn những nguyên động lực của nhân vật.

    Katherine Mansfield.

    Katherine Mansfield, một nữ văn sĩ Anh trẻ tuổi, chịu ảnh hưởng của Chekhov, và cuốn truyện đầu tay của cô, Bliss and other Stories (1922) đã đem lại cho truyện ngắn một sinh lực mới. Nhiều nhà văn khác đã bắt chước 1ối viết đó. Trong tác phẩm của cô, tình tiết vừa ít vừa chẳng có gì gay cấn, nhưng cách nhận xét và miêu tả thì tinh tế dị thường. Cô rất say mê nghiên cứu những trạng thái tâm lý phức tạp, tiếp cận với trạng thái bệnh hoạn thần kinh, nhất là khi chúng phát lộ ở những tâm hồn ti tiểu. Ta có thể cho rằng cô chỉ khéo léo, tinh ranh và hóm hỉnh, nhưng dù sao đi nữa cô cũng là một nghệ sĩ chân chính, vì cô đã vạch trần tính chất buồn nản của trạng thái hỗn loạn thần kinh, và tính chất bỉ ổi của những tâm hồn ti tiểu. Cô chỉ xuất bản được một số ít truyện trước khi từ trần quá sớm.

    A. E. Coppard.

    Một văn sĩ viết truyện ngắn bị lãng quên quá đáng là văn sĩ Anh A. E. Coppard, đã có nhiều tác phẩm xuất bản (Xin độc giả xem bảng sách tham khảo). Trong tác phẩm của ông, ta thấy miêu tả vừa thị trấn vừa thôn quê Anh quốc, và có đủ hạng người thuộc đủ giai cấp, gồm văn sĩ, người trung gian thương mại, người bô-hê-miêng, v.v… Văn ông mạnh mẽ, đầy sinh lực và hóm hỉnh, gần giống lối văn của Henry Fielding. Với truyện ngắn, ông có thể làm đủ mọi thứ, từ việc đảo lộn tình thế hai lần một cách đột ngột bất ngờ theo kiểu O. Henry như trong cuốn truyện hay nhất của ông là cuốn Fifty pounds, chỉ có một sự việc nhỏ nhặt mà ông làm thành một câu truyện thật gay cấn, đến cuốn Big Game, trong đó ông biến một giấc mơ thành một câu truyện được xây dựng rất cân đối đẹp đẽ.

    Sherwood Anderson.


    Cuốn Winesburg, Ohio của Sherwood Anderson là một tập truyện ngắn lý thú, có hiệu lực gần như một tiểu thuyết, vì một nhân vật là George Willard xuất hiện trong nhiều truyện, do đó gây cho toàn tập một cảm tưởng thống nhất. Trong tập truyện, ta có dịp quan sát nhiều nhân vật mà tác giả gọi là “lố bịch” qua con mắt của George Willard. Chàng này chỉ muốn đào thoát khỏi cái hoàn cảnh mà hắn cảm thấy là đã nuôi dưỡng nên những con người khốn khổ và thất vọng. Chàng muốn leo lên một địa vị nào khác, và chàng không chịu để cho những định kiến, lòng ghen ghét và lời chế nhạo của người dân tỉnh nhỏ giữ chàng lại. Điều này được diễn tả một cách vô cùng cảm động trong truyện ngắn Mother.

    Ring Lardner.

    Về nhiều phương diện, ta có thể coi Ring Lardner là nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc nhất trong khoảng đầu thế kỷ 20, ông có biệt tài viết những mẫu đàm thoại rất tự nhiên, giọng văn lại khôi hài và ý thức châm biếm rất phong phú. Dù bề ngoài truyện của ông hình như độc ác, nhưng thực ra chứa đựng ý nghĩa về giá trị và nhân phẩm con người, và rất nhiều tình thương nhân loại. Trong những truyện hay nhất của ông, ta thấy có một giọng châm biếm chua cay, nhưng chỉ nhằm vào những kẻ ác cần phải châm biếm, như trong truyện
    The Champion, Haircut, The Love Nest. Ngoài ra, tác giả cũng có giọng mỉa mai bình thản và khôi hài ý nhị trong truyện The Golden Honeymoon, I Can’t Breathe, Liberty Hall, Travelogue. Luôn luôn ông giữ giọng khôi hài, cả ngay khi ông đang mỉa mai nhất. Cuốn Roundup gồm nhiều truyện ngắn hay nhất.

    Tiếp đây xin ghi một bảng danh sách những cuốn truyện đã tham khảo.

    (Hết chương 12).
     
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  19. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    SÁCH THAM KHẢO

    Truyện ngắn.

    Bates, H.E. (Anh): Thirty-One Selected Stories, 1947.
    Beer, Thomas (Mỹ): The Collected Stories of Thomas Beer, 1947.
    Blackwood, Algernon (Anh): The Willows and Other Queer Tales, 1932.
    Boyle, Kay (Mỹ): Thirty Stories, 1936.
    Coppard, A.E. (Anh): Collected Tales of A. E. Coppard, 1948.
    Hemingway, Ernest (Mỹ): The Short Stories, 1942.
    James, Henry (Mỹ): Selected Stories, nhà xuất bản Clifton Fadiman, 1945.
    Lardner, Ring (Mỹ): The Portable Ring Lardner, 1946.
    Mansfield, Katherine (Anh): Bliss,1920; The Garden Party, 1922; The Dove’s Nest, 1923.
    Munro, Hector H. "Saki" (Anh): The Stories of Saki, 1930.
    Parker, Dorothy (Mỹ): Here Lies the Collected Stories of Dorothy Parker, 1939.
    Porter, Katherine Anne (Mỹ): Flowering Judas, 1930; Pale Horse, Pale Rider, 1939; The Leaning Tower, 1944.
    Porter, William Sydney (Mỹ) (bí danh O. Henry): Cabbages and Kings,1904 (Trung Mỹ); The Heart of the West, 1907 (Texas); The Four Million, 1909 (New York).
    Saroyan, William (Mỹ): Forty-eight Saroyan Stories,1942.
    Steele, Wilbur Daniel (Mỹ): Urkey Island,1926 (tập này tiêu biểu cho truyện ngắn của tác giả).


    Những tuyển tập lựa chọn.

    Brewster, Dorotby (Mỹ): A Book of Modern Short Stories 1928; A Book of Contemporary Short Stories 1937.
    Burrell, A. and Cerf, B. (Mỹ): The Bedside Book of Famous American Stories, 1936.
    Cerf, B. and Moriarity, H.C, (Mỹ): The Bedside Book of Famous British Stories, 1940.
    Foley, Martha (Mỹ):The Best Short Stories (xuất bản hàng năm tiếp những tập tương tự của Edward J. O’Brien).
    Gilkes, Lillian, and Bower, Warren (Mỹ): Short Story Craft,1949 (có những truyện ngắn tân thời đã lựa chọn để chứng minh những kỹ thuật viết truyện).
    Gordon, Caroline, and Tate, Allen (Mỹ): The House of Fiction,1950 (tuyển tập truyện ngắn, có thêm lời phê bình).
    Maugham, w. Somerset (Anh): Tellers of Tales, 1939. Tái xuất bản với nhan đề The Greatest Siories of AU Time.
    O’Brien, Edward J. (Anh): Short story Case Book, 1935.
    Snow, Edgar (Mỹ): Living China,1936 (truyện ngắn Trung Hoa tân thời, có bài luận công phu về văn học tân Trung Hoa của Nym Wales).
    Wang, Chi-Chen (Trung Hoa): dịch và xuất bản dưới nhan đề Contemporary Chinese Stories, 1944.
    Graham, Stephen (Anh): Great Russian Short Stories, 1929
    Van Doren, Mark (Mỹ): The Night of the Summer Solstice and Other Stories of the Russian War, 1943.
    Yarmolinsky, A. (Mỹ): ATreasury of Great Russian Short Stories (to 1917), 1944.
     
    Chỉnh sửa cuối: 20/10/15
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  20. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    PHẦN THỨ NĂM
    NGHIÊN CỨU CHI TIẾT VỀ CÁC TÁC GIẢ XUẤT CHÚNG

    CHƯƠNG 13
    JAMES JOYCE


    Đành rằng cuốn Ulysses của Joyce khó đọc, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu với tác phẩm cuối cùng của ông là cuốn Finnegan’s Wake.Thật ra thì những tác phẩm đầu tay của Joyce không có gì là khó khăn cả. Trước khi đọc cuốn Ulysses, ta nên đọc cuốn Dubliners, một tập truyện ngắn có lối văn giản dị và đi thẳng vào vấn đề. Những truyện ngắn đó cũng dễ đọc như những truyện hoang đường của Kipling, hoặc những truyện ngắn của Daudet và Maupassant. Đọc chúng, không những rất thú vị, ta còn nhận thấy ở đấy những phương pháp và kỹ thuật mà sau này Joyce sẽ xử dụng. Ví dụ trong truyện Araby, tác giả đã khai thác những ý nghĩ mơ mộng của một đứa bé khốn khó, đứng tần ngần trước một cửa hiệu bách hóa để mua một món quà biếu. Rồi đến cuốn Ulysses thì tác giả lại càng xử dụng kỹ thuật lấy ý nghĩ mơ mộng để khám phá tính tình của các nhân vật. Thật vậy, khi người ta thả hồn vào mơ mộng thì tư tưởng rất hồn nhiên và phóng khoáng, phản ảnh đúng những mối hy vọng và lo sợ của đáy lòng, những ham muốn, yêu thích và ghét hận thầm kín, không bị ý thức kiểm soát. Lẽ tự nhiên, mơ mộng không phải là phương tiện duy nhất để vạch rõ tính tình, nhưng khi một tác giả như Joyce biết xử dụng nó khéo léo, thì nó thật là một phương tiện đắc lực.

    Những tiểu thuyết xuất hiện trong những năm đầu của triều đại nữ hoàng Victoria [1] đã làm cho chúng ta quen thuộc với những phương pháp mà ngày nay chúng ta ta coi là có tính cách ước lệ hơn, trong đó tác giả phác họa hình dung và cử chỉ của các nhân vật để tả tính tình của họ. Tác giả cũng xử dụng đàm thoại rất nhiều để độc giả được nghe các nhân vật tự miệng nói ra những điều họ nghĩ. Trong bài luận Mr Bennett and Mrs Brown, bà Virginia Woolf bảo rằng tất cả những phương tiện đó đều hữu ích; tuy nhiên, bà lại nói thêm rằng điểm chính yếu của tính tình phải được khám phá bằng lối xử dụng những tư tưởng mơ mộng. Căn cứ nhiều nhất vào những tác phẩm của Joyce, một danh từ ngày nay được người ta coi rất quan trọng, là giòng lương tri [2], được dùng làm phương pháp khám phá tính tình. Truyện ngắn Araby mở đầu cho lối dùng phương pháp này. Ta có thể nói rằng ít nhất nó cũng tự nhiên hơn lối độc thoại được dùng trong các vở kịch, ví dụ trong vở Hamlet.

    Trong cuốn Ulysses tác giả miêu tả đời sống của dân thành Dublin ở Ái Nhĩ Lan trong một ngày thôi, ngàỵ 16 tháng 6 năm 1904. Tác giả đã viết về những người này trong cuốn Dubliners.Trong truyện Ivy Day in the Committee Room, tác giả tả các nhân vật kỷ niệm bậc anh hùng Charles Parnell của xứ Ái Nhĩ Lan với rượu bia và thi văn. Rồi đến truyện The Dead, tác giả trình bày rất sống động một đảng Ái Nhĩ Lan, trong bữa tiệc có âm nhạc và diễn văn, hộị họp trong một gia đình trung lưu của thành Dublin. Tất cả những truyện kể trên đều có xử dụng giòng lương tri, nhưng phần nhiều vẫn lưu giữ phương pháp cổ điển hơn là lối đàm thoại của kịch và lối thuật lại các sự việc để giải thích.

    Joyce: A portrait of the Artist as a Young Man.

    Sau những truyện ngắn, Joyce viết cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên là cuốn A Portrait of the Artist as a Young Man (1913) (Chân dung một chàng trai trẻ). Đúng như ý nghĩa nhan đề cuốn tiểu thuyết, đây là bức họa cuộc đời thanh xuân của một chàng trẻ tuổi tên là Stephen Dedalus. Chàng cảm thấy mình có đủ khả năng để trở thành một nghệ sĩ, nhưng lại vấp phải rất nhiều trở ngại cần phải vượt qua mới có thể đạt được chí nguyện. Trong những đoạn đầu cuốn tiểu thuyết, ta thấy chàng chưa tin chắc vào mình, và chỉ đến những đoạn cuối chàng mới trải qua một thử thách tình cảm sâu xa làm cho chàng tin tưởng rằng định mệnh đã an bài cho chàng làm nghệ sĩ, và chàng có đủ tài năng và can đảm để chiến đấu chống mọi trở ngại.

    Đời đã dạy cho chúng ta biết rằng nghệ sĩ thường tự cho mình là trung tâm thế giới; đôi khi họ chỉ nghĩ đến họ, tàn bạo khi giao thiệp với người khác, nhất là khi cuộc giao tế đó lại xung đột với sự nghiệp nghệ thuật. Nhưng chàng Stephen đã phải trả giá bài học đó bằng kinh nghiệm bảnthân đau đớn. Có nhiều người rất khó chịu về cuốn Portrait vì trong đó chàng Stephen tự cảm thấy phải vứt bỏ hết, phải đoạn tuyệt với những mối giao tế vẫn được coi là căn bản bất khả xâm phạm của xã hội loài người. Chàng cảm thấy rằng ở xứ Ái Nhĩ Lan có ba cái lưới nó chùm lên mình chàng và không cho phép chàng được làm công việc mà chàng tin tưởng nhất. Đó là chính kiến quốc gia ở Ái Nhĩ Lan, nguyện vọng tái lập ngôn ngữ cổ Ái Nhĩ Lan, và Công giáo [3]. Chàng cảm thấy rằng ba cái lưới đó cản trở sự phát triển tri thức và sự nghiệp nghệ thuật của chàng. Thêm vào đó, gia đình chàng cũng là một trở ngại, vì đã mất địa vị trong một xã hội trung lưu giàu sang nên phải dựa vào sự bao bọc của chàng. Và chàng sẽ cố gắng hết sức để thoát khỏi các màng lưới đó.

    Trong đoạn cuối truyện Portrait, khi Stephen sắp rời Dublin đi Paris, chàng nói rằng:

    “Tôi không muốn phục vụ cái gì tôi không còn tin tưởng nữa, dù là gia đình tôi, tổ quốc tôi, hay tôn giáo tôi. Vả tôi sẽ cố gắng phát biểu cá tính của tôi bằng lối sinh hoạt hay nghệ thuật, tự do và triệt để được chừng nào hay chừng nấy. Để tự vệ, tôi sẽ chỉ dùng những khí giới mà tôi tự cho phép được xử dụng, là im lặng, lưu vong và khôn khéo”.

    Tiếp sau câu này là lời tiên tri gan dạ của Stephen ở cuối cuốn Portrait: “Tôi ra đi để tiếp xúc lần thứ một triệu với thực chất của kinh nghiệm, và để rèn đúc trong tâm hồn tôi ý thức chủng tộc mà cho tới nay vẫn chưa xây dựng được”.

    Ulysses. Đối chiếu với tác phẩm của Homere.

    Mặc dầu cuốn Ulysses là một tác phẩm rất phức tạp, nó vẫn là một tiểu thuyết, một câu truyện miêu tả vài khía cạnh của cuộc đời. Nếu chúng ta nhớ rõ những đề tài chính của nó, thì sẽ hiểu dễ dàng hơn, mặc dù tác giả đã dùng một lối văn nhiều khi cầu kỳ tối nghĩa. Joyce muốn viết một cuốn Odyssey [4] tân thời, nhưng không phải để thuật lại những cuộc phiêu lưu của Ulysses, mà để trình bày những cuộc phiêu lưu trí thức và tinh thần của nhân vật ông tạo ra. Ta nhận thấy rằng có nhiều đoạn hiển nhiên đối chiếu nhân vật của Homere với nhân vật của Joyce. Leopold Bloom là vai Ulysses trong truyện; hắn là một người lưu vong ở ngay trên quê hương Ái Nhĩ Lan, vì hắn là dân Ái Nhĩ Lan gốc Do Thái nên cảm thấy mình xa lạ với quê hương dù ở Palestine [5] hay ở Ái Nhĩ Lan cũng vậy. Cũng như Ulysses thời trước, Bloom gần như câm lặng từ đầu đến cuối câu truyện (trừ phi độc giả hiểu hắn qua tư tưởng và tình cảm mà hắn biểu lộ bằng mơ mộng). Hắn cũng rất khôn khéo [6] trong công việc giao tế, đặc biệt là với nàng Molly, vợ hắn. Còn nhân vật thứ hai trong truyện là Stephen Dedalus, thì bị đưa vào một tình trạng hắn phải gỡ cho ra, như Telemachus [7] vậy. Stephen không đi tìm cha, vì anh đã từ bỏ cha (và cả mẹ nữa trước khi mẹ chết), nhưng anh đi tìm một người cha tinh thần. Vừa dịp Bloom có đứa con là Rudy mới sinh ra được vài tuần thì chết yểu, nên ông đau đớn vô cùng, một phần lớn vì ông muốn có một đứa con trai. Câu truyện đến lúc gay cấn nhất thì Bloom và Stephen gặp nhau, và mặc dầu giữa hai người không có liên lạc tiếp tục, họ cũng cảm thấy như là đã đạt được mục đích tìm kiếm cái họ đang theo đuổi. Do sự gặp gỡ này, họ đều có thêm can đảm và ham muốn làm cho cuộc đời họ được khả quan hơn.

    Ngoài điểm trên, truyện của Joyce còn có nhiều điểm tương tự nữa với tác phẩm của Homere, và nếu độc giả thuộc làu cuốn Odyssey thì sẽ không bị lạc lối khi đọc cuốn Ulysses. Ở đây không thể kể ra hết được, nhưng có những sách khác, ví dụ của Stuart Gilbert, đã vạch rõ những điểm tương tự đó.

    Một đề tài rất quan trọng của cuốn Ulysses là ý thức tội lỗi của Stephen về cái chết của mẹ hắn. Hắn đang ở Paris thì bị gọi về để nhìn mặt mẹ hấp hối. Riêng điều này đủ làm cho hắn đau đớn, nhưng chưa đau đớn bằng điều sự nghiệp nghệ thuật của hắn lúc đó bị tan vỡ; hắn chán nản vô cùng. Và khi bà mẹ hấp hối bảo hắn cầu nguyện cho bà, thì hắn từ chối, bởi vì hắn cảm thấy rằng tín ngưỡng của bà là một cái lưới dương lên để chụp lên mình hắn. Joyce viết:

    “Đau đớn, mà chưa phải là đau đớn vì tình yêu, cắn rứt tâm hồn hắn. Trong một giấc mơ, hắn nhìn thấy bà mẹ đã chết tiến tới gần hắn, im lặng, thân thể tàn tạ quấn trong bộ vải khâm liệm mầu nâu tỏa ra một mùi hương nến, vừa thở vừa cúi xuống hắn, không nói một tiếng, nhưng đầy trách móc. Hắn như ngửi thấy một mùi ngây ngất của tro tàn ẩm ướt”.

    Trước khi cuốn truyện kết liễu, Stephen phải tìm ra cách nào giải quỵểt cái đau đớn cắn rứt đó.

    Bút pháp trong cuốn Ulysses.

    Nếu cả quyển sách được viết giản dị như đoạn văn trích dẫn trên đây, thì đã chẳng có khó khăn nào. Nhưng Joyce, một người có biệt tài về bút pháp, luôn luôn thí nghiệm những lối hành văn kỳ dị. Nhiều khi ông riễu cợt, nhại lối hành văn của các văn sĩ khác. Điều này được sớm nhận thấy trong cuốn Joyce nhạo báo chí, viết những truyện thời sự và những bài xã luận chế riễu. Tuy phần lớn những bài đó lố lăng và vô trách nhiệm, tính chất châm biếm của chúng cũng có ý nghĩa rất sâu xa. Trong một đoạn ta thấy Bloom ve vãn cô Gerty MacDowell, và Joyce đã tả màn ve vãn đó theo lối tiểu thuyết tình cảm rẻ tiền của thế kỷ 19. Thoạt kỳ thủy đoạn văn này viết theo kiểu nhại chế riễu.

    Rồi tới khi các nhân vật được miêu tả vững chắc, thì tác giả lại dùng lối văn nghiêm trang, cảnh nằm trong nhà thương cho ta thi vị một câu truyện thời Trung Cổ, như cuốn Morte d’Arthur [8] của Malory. Rồi có một đoạn khác tả Stephen cùng bạn hữu tranh luận về Shakespeare trong Thư viện quốc gia. Trong đoạn này, Joyce bắt chước lối phê bình văn học ấn tượng [9], tuy không thật đúng trước con mắt học giả, nhưng cũng lý thú và đôi khi rất bay bướm. Đoạn mệnh danh là “TheLonger Catechism” rất thú vị, mường tượng lối văn của Aquinas [10] về hình thức và giọng văn, nếu không nói là về cả tinh thần. Đoạn cuối cuốn sách là đoạn nói về Molly Bloom suy nghĩ mơ mộng, vừa dài vừa không có dấu chấm; nó khó hiểu vì chính tác giả đã không đặt dấu chấm [11]. Nhưng nếu độc giả chịu khó đặt thêm dấu chấm, thì sẽ thấy không có gì là khó hiểu cho lắm.

    [...]

    (Còn tiếp...)


    [1] Victoria: nữ hoàng Anh đã trị vì từ năm 1837 đến năm 1901. Như vậy những năm đầu của triều đại Victoria có thề đặt vào khoảng những năm 1837 — 1870.

    [2] Stream of consciousness: Tư tưởng con người luôn luôn lướt từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, cũng như giòng sông chảy không ngừng. Đây là quan niệm động về tâm lý, trái với quan niệm tĩnh cho rằng tư tưởng có những đoạn, khúc, có giới hạng phân minh.

    [3] Người xứ Ireland thuộc dòng Celtes, khác với người Anh thuộc giòng Anglo-Saxons. Họ lại trung thành với Công giáo, trong khi người Anh theo đạo Tin Lành. Đảo Ireland bị Anh quốc chinh phục từ thế kỷ 12 và luôn luôn nổi dậy chống nền đô hộ của chính quyền Anh. Mãi đến năm 1921 họ mới được công nhận là một quốc gia độc lập nhưng phải nằm trong Cộng đồng đế quốc Anh. Và đến năm 1937 thì nam bộ Ái Nhĩ Lan được tuyên bố hoàn toàn độc lập và trở tbành một nước Cộng hòa.

    [4] Odyssey: tác phẩm cổ Hy Lạp của Homere, thuật lại những cuộc phiêu lưu của Ulysses sau khi chiến thắng thành Troy. Sau nhiều năm lênh đênh trên mặt biển, lưu lạc từ xứ này qua xứ khác, Ulysses mới về tới quê hương.

    [5] Palestine: nguyên quán của dân tộc Do Thái.

    [6] Ulysses nổi tiếng là con người khôn khéo, đa mưu túc kế.

    [7] Telemachus : con của Ulysses. Khi vua cha đi đánh thành Troy thì Telemachus hãy còn bé. Khi lớn lên, đi tìm cha và trải qua nhiều cuộc phiêu lưu.

    [8] Morie d’Arthur nguyên là một anh-hùng-ca của Pháp viết về vua Arthur, rồi được Sir Thomas Malory đem dịch sang Anh văn. Arthur là tên một vị vua anh hùng hoang đường, lãnh tụ đám hiệp sĩ Bàn Tròn (chevaliers de laTable Ronde).

    [9] Impressionism: một trường phái chủ trương nghệ sĩ chỉ cần phát biểu cảm giác của mình, và có thể gạt bỏ mọi miêu tả.

    [10] Thomas Aquinas (1225 — 1274): một triết học gia Ý, kiêm thần học gia nổi tiếng.

    [11] Sở dĩ tác giả không đặt dấu chấm là muốn dùng hình thức mông lung của câu văn để hình dung trạng thái mông lung của tư tưởng khi người ta mơ mộng vẩn vơ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/1/16
    1953snake, chis, eta128 and 1 other person like this.
Moderators: galaxy, teacher.anh
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này