1B2W W Tố Tâm: Tiếng nói trực diện của tình yêu.

Thảo luận trong 'Hai tuần một tác phẩm' bắt đầu bởi tducchau, 28/6/15.

  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    TỐ TÂM: TIẾNG NÓI TRỰC DIỆN CỦA TÌNH YÊU

    Ngày nay, đã chín mươi năm qua sau bao biến cố bể dâu, đọc lại Tố Tâm, chúng ta vẫn cảm được rất rõ những nguồn sống tiềm tàng trong sách; tiếng nói thời đại hằn trên từng trang vẫn không hề cũ. Và nếu ai đó đã từng "đi qua" Tố Tâm trong lứa tuổi trẻ thơ mà đến với văn học, thì hẳn vẫn còn giữ nguyên ký ức về những giọt nước mắt nóng bỏng đã nhỏ đầm đìa mặt giấy sau khi gấp trang sách cuối cùng.

    Sức mạnh của Tố Tâm chính là ở đấy.

    Nó không phải là một câu chuyện kể về nhân tình thế thái, ở đó có đủ mọi cảnh đời mực thước và đảo điên, có những con người thiện lương và gian trá, những số phận may mắn và bất hạnh... bện chặt lấy nhau, hoạt động như những trò rối trước mắt độc giả. Những mô hình tiểu thuyết loại này, vào đầu những năm 20 của thế kỉ XX, nhìn trong thể tài và ngôn ngữ văn xuôi tiếng Việt thì đã có phần mới mẻ, nhưng về chủ đề và kết cấu duờng như vẫn không làm ai ngỡ ngàng cho lắm, vì phảng phất đã thấy ở đâu đó rồi; tư duy nghệ thuật truyền thống cũng từng đả động đến nó rồi:

    Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le ...
    (Lục Vân Tiên)​

    Đó là mô hình loại truyện thế sự mà Hoàng Ngọc Phách không làm. Ông không có tham vọng phanh phui mọi ngóc ngách cuộc đời mà chỉ thu hẹp lại ở một góc bức tranh xã hội: kể một câu chuyện tình. Nhưng đây cũng không phải là một câu chuyện tình yêu gay cấn, ly kỳ thường thấy trong các truyện thơ "giai nhân tài tử" mà theo trình tự muôn thuở, cặp tình nhân trong truyện sẽ bị đẩy vào mọi tình huống phức tạp: hội ngộ, trắc trở, lưu lạc, đoàn viên... để thỏa mãn trí tò mò của người đọc. Tố Tâm, trái lại, là câu chuyện tình hết sức đơn giản của hai con nguời trẻ trung, tài sắc, gặp gỡ, quen biết và yêu nhau. Những chuyện tình như thế thông thường hẳn không ai để ý làm gì, nhưng vào tay Hoàng Ngọc Phách, chúng đã bất ngờ gây nên cả một làn sóng xúc cảm giây chuyền và làm thay đổi cách nhìn của độc giả. Độc giả không còn đứng ngoài vận mệnh các nhân vật để xót thương hay căm giận, khen ngợi hay chê bai, mà tham gia hẳn vào câu chuyện như một nhân vật hóa thân [1].

    "Vừa đọc được một phần đầu tâm hồn đã thấy mê man chìm đắm với câu chuyện vui thú êm đềm ... hình như mình đã bị bao bọc trong một hoàn cảnh riêng đầy dẫy những tình yêu đằm thắm" [2].

    Do đâu có điều đó? Sự thật, Hoàng Ngọc Phách đã không chỉ kể một chuyện tình. Ông còn giúp bạn đọc mở một cánh cửa đi vào thế giới bí ẩn của tình yêu. Nói như Trúc Hà:

    "Nay đã có ngưòi chịu khó đem ngọn bút tinh tế vẽ vời mọi nỗi u ẩn, ly kỳ, bí mật của ái tình ra một cách rõ ràng sáng sủa” [3]

    Và như Trần Đình Ý:

    "Ông đã rọi một luồng ánh sáng lên thứ tình cảm đó mà bề ngoài tưởng như giản dị song đi sâu vào lại rất phức tạp" [4].

    Đã đành, đó là cánh cửa không hẳn mới lạ với đại đa số người Việt - Truyện Kiều, Sơ kính tân trang chẳng đã mở rồi còn gì - nhưng mới lạ ở chỗ nó được mở một cách đột ngột, trực diện: không có một duyên cớ gì khác bên ngoài tình yêu, dẫn dắt hoặc che khuất cõi lòng hai con người này. Chúng cứ thế hiện ra với tất cả sự lạ lùng, với vẻ đẹp đơn sơ, chân chất, và cả sự ngang trái đa đoan đủ làm người ta say đắm. Đó là điều mà Đào Đăng Vĩ gọi bằng "chân dung của những tâm hồn". Để cho tiếng nói của tình yêu tự thầm thì với độc giả, chiếm lĩnh và mách bảo trái tim độc giả, Hoàng Ngọc Phách lần đầu đã đi một bước đột khởi, vượt qua ranh giới tự sựước lệ của tiểu thuyết tình truyền thống, góp thêm vào đấy một sắc điệu mới: hội thoại trữ tình.

    Nhưng tình yêu xét cho cùng vẫn là một lời tự bạch. Cho nên, cũng là lần đầu tiên, Hoàng Ngọc Phách đưa người ta đi vào nơi kín đáo trong tâm thức, phát hiện ra cõi thẳm sâu ảo diệu của chính mình, bắt người ta không được tránh né mà can đảm tự nhìn thẳng vào nó. Người ta chợt hiểu rằng đây cũng là một phương diện sống không sao thiếu được. Một phương diện sống đôi khi còn khó khăn, phiền toái hơn cả những phương diện khác của đời sống. Nhưng lạ thay, nhu cầu thức nhận nó, cảm giác nó, bộc bạch với nó lại là một cái gì lớn lao và hệ trọng, một hứng thú sống, một niềm hạnh phúc nếu không hơn thì cũng không thua kém bất kỳ hạnh phúc nào khác. Vì thế, cũng có thể nói như một nhà nghiên cứu gần đây: Tố Tâm đã làm được "một cuộc cách mạng vào cõi thầm kín" [5] khi ông giúp người đọc khám phá cái ẩn số của sức mạnh nội giới mà mỗi người thường dễ xao lãng.

    Và chỉ với bấy nhiêu thôi, Tố Tâm đã vượt lên trên thời đại rất xa.

    Từ truyện thơ "giai nhân tài tử" đến đây là cả một bước ngoặt trọng đại, tuy trong đó vẫn có những yếu tố kế thừa. Năm 1988, Cao Thị Như Quỳnh và John C. Schafer dựa vào 9 điểm khu biệt giữa hai thể loại romance (truyện kể hư cấu, quyện lẫn chất sử thi và chất trữ tình) và novel (tiểu thuyết) của văn học Anh thời cận đại do Lennard Davis đề xuất [6], đã phân tích khá kỹ sự khác nhau giữa truyện thơ Việt Nam cổ điển mà Lục Vân Tiên là một hình mẫu, và tiểu thuyết Tố Tâm. Theo các tác giả thì về xuất xứ, Tố Tâm không còn lấy nguồn gốc giả tưởng từ những câu chuyện Trung Quốc đời Hán đời Đuờng, hoặc những chuyện "có vẻ như thật" trong sử sách, mà lấy ngay chuyện đời trong thời đại tác giả sống, xảy ra ở sát nách mình (phố X. số nhà 58, và theo cách diễn dạt của dư luận đương thời là chuyện cô tiểu thư nọ ở số nhà 52 phố Hàng Ngang [7]). Về cách viết, Tố Tâm không phải là một câu chuyện mô phỏng anh hùng ca mà chỉ là một chuyện bình thường, viết dưới hình thức đưa tin như tân văn, báo chí. Về mục đích, Tố Tâm không còn hướng tới tầng lớp thượng lưu mà dành cho người đọc trung lưu trở xuống. Về chủ đề, Tố Tâm đã đoạn tuyệt với loại truyện đạo lý, bắt nhân vật biểu trưng cho lòng trinh bạch và đức hạnh để bước sang loại truyện chống lại lề thói, lấy những việc làm bất hợp pháp và những mối tình bị cấm đoán làm nội dung phô bày. Về kết cấu, Tố Tâm là một truyện văn xuôi ngắn gọn viết theo lời kể của một trong hai nhân vật chính, nó đã thoát khỏi kiểu truyện chương hồi mà Phạm Quỳnh gọi là kết cấu "đuờng thẳng" [8], xâu chuỗi các "thứ", "lớp" lại với nhau mà thành [9].

    Những nhận xét này của hai tác giả đều có chỗ xác đáng. Chỉ có điều, trên một số phương diện được gọi là đổi mới, nếu so với truyện nôm thì không phải đến Tố Tâm mà nhiều tiểu thuyết đầu thế kỷ XX cũng đã đạt được. Giới hạn trong tuơng quan lịch sử đó của thể loại, ta có thể nói, cái mới đột xuất của Tố TâmTố Tâm đã chuyển hướng sáng tác từ môi trường nhãn giới sang môi trường tâm giới, từ khuynh hướng đạo lý sang khuynh hướng tâm lý, từ bút pháp chuyện kể sang bút pháp tự thuật, từ loại hình tiểu thuyết lấy sự chỉ vẽ "thói đời" làm đối tượng sang loại hình tiểu thuyết lấy sự mách bảo của con tim làm đối tượng, từ sự đồng nhất đơn giản xung đột nghệ thuật với xung đột xã hội đến sự hóa thân tinh tế xung đột xã hội trong xung đột nội tâm. Đó là cả một thay đổi lớn lao trong quan niệm nghệ thuật. Tố Tâm đã chạm đến một điều kiêng kỵ: để cho cái "tôi" được ngang nhiên phơi bày chân tướng, không phải cái "tôi" ngông lên trời của Tản Đà trong Giấc mộng con mà là cái "tôi" trần trụi, sống thực, giữa cõi đời đích thực và ngay trong mỗi người. Đó là một nhu cầu còn đang ấp ủ, song cũng ngày một trở thành bức xúc trong tâm trạng một lớp người khai sinh cùng với nền học mới (Pháp -Việt), và trong điều kiện một đất nước có nhiều thị trấn, phố xá mọc thêm, với công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp trong và sau Thế chiến I.

    Tố Tâm
    đã đến như một "tiếng sét" để cho nhu cầu ấy bùng lên trong văn chương, nhưng trước khi hội đủ điều kiện cho một trào lưu văn học bắt nguồn từ nhu cầu ấy, thì đời sống người dân thành thị đã đón lấy nó như một tiếng dội khiến cho nhu cầu ấy được dấy động, tức thì, kịch liệt, tự phát, làm xao xuyến nhân tâm…

    Một tiếng nói đi trước thời đại bao giờ cũng gây nên những ảnh hưởng thuận và không thuận.

    ______

    [1] Khi nói người đọc nhập thân vào truyện Tố Tâm chứ không đứng ngoài vận mệnh các nhân vật, chúng tôi không hề có ý đặt Tố Tâm lên trên các kiệt tác như Truyện Kiều... Nhiều cuộc điều tra điền dã trước đây đã cho thấy rất nhiều tầng lớp công chúng mê say Truyện Kiều, đắm mình vào trong truyện. Nhiều người còn tưởng tượng ra Kiều là một con người bằng xương bằng thịt, sống ở đâu đó, ngay trong thời đại mình.
    [2][3] Trúc Hà. Cảm tưởng sau khi đọc Tố Tâm. Phụ nữ tân văn, số 187, ngày 16-1-1933. In lại trong 13 năm tranh luận văn học, do Thanh Lãng sưu tập, tập II. Nhà xuất bản (Nxb.) Văn học, Tp. Hồ Chí Minh 1995; tr .187-198.
    [4] Trần Đình Ý. Hai cuốn sách, hai thời đại (Deux livres, deux époques). L’Annam nouveau, tháng 11-1935. Nguyên văn: "Il a projeté une vive lumière sur ce sentiment, simple en apparence mais, au fond, très complexe". In lại sau sách Tố Tâm in lần thứ tư. Nxb. Nam Ký, Hà Nội, 1937.
    [5] Chữ dùng của Hoàng Ngọc Hiến trong Văn học và học văn. Trường cao đẳng Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh và Trường viết văn Nguyễn Du cùng xb, Hà Nội, 1990; tr .48. Trần Thị Trâm dẫn dụng lại trong Bí quyết thành công của Hoàng Ngọc Phách. Tạp chí Văn học, số 5 -1995; tr. 18.
    [6] Lennard J.Davis. Tiểu thuyết hiện thực, nguồn gốc của tiểu thuyết Anh (Faxtual Fictions: The Origins of the English Novel). Đại học tổng hợp Columbia xb, New York, 1983.
    [7] Xem Vũ Bằng. Song An Hoàng Ngọc Phách, người của một cuốn sách. Tạp chí Văn học, số 113, số đặc biệt "Song An Hoàng Ngọc Phách, nạn nhân của Tố Tâm", Sài Gòn, l-X-1970; tr.101.
    [8] Xem Phạm Quỳnh. Bàn về tiểu thuyết. Nam phong tạp chí, N2 48, Janvier 1921; tr.8. In lại trong Thượng Chi văn tập, tập III. Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963; tr. 236.
    [9] Cao Thị Như Quỳnh và John C.Schafer. Từ truyện thơ đến tiểu thuyết: sự phát triển của tiểu thuyết văn xuôi ở Việt Nam (From verse Narrative to Novel: The Development of Prose Fiction in Vietnam). The Journal of Asian Studies, N- 4, November 1988, tr.756-777.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/7/15
    P_Legion, Cải, superlazy and 8 others like this.
  2. hanhdb

    hanhdb Sinh viên năm II

    Rốt cuộc anh Tờ Râu sau cơn bạo bệnh xách đao xuống núi. Chém một phát rúng động làng nước, đi một đường roi thất kinh bát đảo quần hùng.
    Em đọc lời bình của anh vừa uống Cô ca Cô la, nghẹn ngào nấc nhớ Tố Tâm tiểu thư... Mà anh xem lại, hình như có sạn chính tả đó. Hay đội trưởng dân phòng "chánh tả tự vị" cố ý gài Bi em???
     
    Last edited by a moderator: 29/6/15
    Cải, teacher.anh, lichan and 3 others like this.
  3. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Tố Tâm và triết lý yêu 50/50


    Tố tâm là một chuyện tình. Một chuyện tình kinh điển với những lãng mạn sến súa cũng như những ngoắt nghéo, éo le.

    Thế nhưng tại sao Tố Tâm không sớm chết đi như bao câu chuyện tình dễ lấy đi nước mắt người ta, rồi dễ trôi vào quên lãng.

    Có lẽ vì Tố Tâm mang một triết lý về tình yêu nhiều hơn là một câu chuyện tình.

    Người ta – những người đọc của những năm đầu khi cuốn sách xuất bản – đã thuộc lòng từng đoạn văn, hoặc đem những lời văn ấy ra như một lời kinh để nói chuyện với nhau.

    Bởi vì lẽ ấy, nên Tố Tâm sống cả một cuộc đời thực, chứ không chỉ là một câu chuyện tình được thêu dệt, hay mơ mộng.

    Cái sức mạnh đi vào đời thực ấy xuất phát từ những cảm xúc tâm lý phù hợp với thực tiễn, đúng như cách mọi tình nhân sẽ làm vậy nếu đã bước vào đường yêu.

    Đạm Thủy và Tố Tâm yêu nhau. Yêu cao thượng bởi sự đồng điệu của tâm hồn. Thế nhưng Đạm Thủy có hôn ước từ gia đình, và trăm nỗi hiếu thuận nên không thể nào mà khước từ được. Cuối cùng Tố Tâm đành cất bước theo chồng cũng vì chữ hiếu với mẹ già, thêm nữa mối tình ấy đã tuyệt vọng, chính Đạm Thủy cũng giục cô nên gởi thân vào nơi xứng đáng.

    Kết thúc truyện, Tố Tâm chết vì bệnh, sau khi vừa kết hôn được hơn 1 tháng. Bệnh không ăn được, không ngủ được, đau khổ dằn vặt, chỉ e là tâm bệnh mà thôi.

    Cốt truyện chỉ có vậy, nhưng những khúc chiết trong tâm tư của cặp đôi này mới làm nên độ sáng của tác phẩm.

    Mọi cung bật của tình yêu được trải ra trên chữ và dừng lại trước dục vọng. Để biến mối tình này muôn đời đẹp, dang dở và đau thương.

    Khởi đầu e dè mà tình cảm chỉ lấp lánh qua ánh mắt, nét mặt. Bắt đầu với những say sưa, thơ dại, hồn nhiên. Kết thúc với chua chát, day dứt, tan nát.

    Đọc Tố Tâm, ta thấy tình yêu đẹp, cũng thấy tình yêu đáng sợ. Đẹp bởi hai người xa lạ có thể trân trọng nhau, thương yêu nhau đến chừng ấy. Sợ bởi vì ái tình là thứ trầm mê mà khiến con người ta vạn kiếp bất phục.

    Cái triết lý ái tình của Tố Tâm có lẽ là: “Muốn hưởng lấy cuộc ái ân đằm thắm trong cảnh vợ chồng thì tìm lấy mà biết sự thực ở đời những chuyện viển vông mơ màng toàn là một thứ rượu ngọt, ngon, thơm, mà rất công phạt, nhấp vào thì ngà ngà say, trong người thấy nhẹ nhàng phấn chấn, nhưng dần dần đốt cháy hết ruột gan người”. Và cái triết lý đó được rút ra từ một mối tình cuồng mê.

    Liệu có một cái kết nào khác cho mối tình Tố Tâm? Cả hai vượt qua luân thường, nghĩa vụ, trách nhiệm để ở bên nhau nơi cùng trời cuối đất? Có thể. Nếu ngày đó không thể, thì bây giờ có lẽ cũng có thể.

    Hoặc là, cả hai giữ được mình “chàng lấy vợ, thiếp theo chồng”, an ổn sống tiếp với một mối tình chôn sống.

    Nhưng dù sao, ái tình vẫn là rượu độc. Nên con người ta khi yêu, hãy cứ yêu 50% trái tim, giữ lại cho mình 50% xúc cảm. Và mặc dù chúng ta cần phải “mơ giấc mơ xuân của đời mình” (Charlote – Phim Thành phố dục vọng). Nhưng giấc mơ nào mà không phải tỉnh lại phải không?


    {:Bang Tang Du Tu 1:}
     
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    :)!
    Cảm ơn Bi thật nhiều... View cái 'còm' của Bi, mình đang 'cầm hơi' bằng chai Đản Thạch mà đâu đó... 'châu sa' cũng chực trào phun như dòng Vĩnh Hảo... :p!
    Không... Bi a(!), một khi, 'nhời đã thưa trước' rồi, thì... có chăng... là 'hữu tình' chớ đâu có 'cố ý...' đâu Bi! :D!
    Giúp mình đi! ... Nha!... :)!...
     
    Chỉnh sửa cuối: 29/6/15
    teacher.anh and lichan like this.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    TỐ TÂM:
    Ý NGHĨA XÃ HỘI CỦA
    "SỐNG CHẾT VÌ TÌNH"


    Hẳn có người sẽ hỏi: Vậy đâu là ý nghĩa xã hội của tình yêu trong Tố Tâm? Không phải đến ngày nay mà ngay sau khi cuốn sách ra đời, nhiều người đã đặt dấu hỏi về điều này và tự đưa ra lời giải đáp.

    Trong một bài phê bình trên báo Loa năm 1935, Trương Tửu nêu vấn đề "xung đột âm thầm giữa cá nhân và gia đình" tiềm tàng trong xã hội Việt Nam từ mấy ngàn năm trước, do sự đối kháng giữa lễ giáo phong kiến cổ hủ "đàn áp những tình cảm thiên nhiên của lòng nguời" và "tâm hồn dồi dào" của người bình dân Việt Nam "biết cảm xúc tất cả những tình tha thiết của loài người", biết "khao khát sống một cuộc đời đầy đủ, lý thú hơn cái đời nhân tạo ngoài xã hội". Sự xung đột ấy cứ nhóm lên rồi lại được giải tỏa trong thực tế, năm này qua tháng khác, đã nhiều thế kỷ, nhưng chỉ đến đầu thế kỷ XX, với những ảnh hưởng có tính chất bắt buộc của tư trào lãng mạn trong văn chương Pháp, người thanh niên Việt Nam mới có dịp "bước vào hai thế giới tân kỳ: mỹ thuật và ái tình"; và họ bắt đầu "có linh cảm (le pressentiment) sắp phải vật lộn với một cái quá khứ kiên cố nếu muốn toại ý nguyện mình".

    "Ông Song An Hoàng Ngọc Phách là người đầu tiên đánh cái dấu ấy trong lịch sử hiện đại". "Ông ... mượn cái thảm trạng của Đạm Thủy và Tố Tâm để bày ra cái nguy hiểm của ái tình trong phạm vi xã hội lúc ông viết truyện. Ông thấy rằng, nếu lòng gia quyến còn mãnh liệt thì ai vướng vào ái tình chỉ mua chuốc lấy nỗi đau lòng” [1]

    Đồng một ý ấy, từ hai năm trước, Trúc Hà đã viết trên Phụ nữ tân văn:

    "Giá như Tố Tâm sanh về thời đại cũ không cần học hành gì, phận gái chỉ biết những phép tắc lề lối trong gia đình thì cuộc đời của Tố Tâm thu xếp, xoay trở theo chiều nào cũng dễ. Trái lại, Tố Tâm lại ở vào xã hội mới, được tự do học tập, tự do giao thiệp, con tim khối óc cũng đồng thời được tự do mở mang, như thế mà muốn ép vào trong cái khuôn khổ luân lý cũ, tất không thể nào được” [2].

    Và năm năm sau, trong Dưới mắt tôi, Trương Chính cũng nhắc lại, có ý tô đậm hơn:

    "Hồi chế độ gia đình còn được tín ngưỡng như một tôn giáo, những tai nạn bởi nó gây nên thực là tàn nhẫn, thảm khốc. Một đôi trai gái biết nhau, cảm phục nhau rồi yêu mến nhau, không được đường hoàng hưởng hạnh phúc. Gia đình là bức tường ngăn kiên cố giữa hai người. Kết quả: nàng chết và chàng phải suốt đời mang trong lòng một vết thương sâu hiểm. Không một chế độ nào trái với lẽ tự nhiên hơn thế nữa. Viết Tố Tâm, tác giả đã vô tình nêu lên một vấn đề luân lý quan trọng" [3].

    Cả ba ý kiến đều có chỗ chừng mực khi cho rằng trong Tố Tâm, mâu thuẫn giữa mối tình của hai nhân vật chính và chế độ đại gia đình chỉ mới như một "linh cảm", một hậu quả không ai muốn có, một bài học "vô tình". Sự thực là thế. So với những tác phẩm nêu thẳng vấn đề đấu tranh "cũ-mới" từ giữa những năm 30 trở đi thì tấn kịch “cũ-mới" mà Hoàng Ngọc Phách đặt ra còn quá mập mờ, dè dặt. Có thể nhà văn hồn nhiên cảm nhận nó từ trực giác chứ chưa tự giác. Ông chưa phải dàn một thế trận gay go, căng thẳng giữa "hiếu" và "tình", giữa "ái tình” và “lễ giáo" trong đó các cô gái mới phải đặt các "bà Án", "cụ Tuần", "cậu Cử", "cậu Ấm"... vào hàng đối thủ, để rồi xẩy ra những tấn kịch chia tay cao thượng kiểu Nửa chừng xuân, những màn xô xát đổ máu trong Đoạn tuyệt, hay những "sen" cảm hóa vụng về trong Cô giáo Minh. Chỉ bằng một vài hình ảnh thấp thoáng phía sau, cuốn sách tự để cho người đọc thấm thía dần dần tất cả gánh nặng tự nhiên, vô hình mà ám ảnh, của những thế lực gia đình, tập quán, tông pháp ... đang ngự trị giữa đời sống, nằm ngay trong mỗi người, đè trĩu lên mối tình của người trong cuộc.

    Hoàng Ngọc Phách không một chút nào muốn tố cáo những thế lực ấy. Trái lại là khác, ông dõi theo bước chân nhân vật, "chịu khó thăm dò ỏ đáy con sông tình kia mà cắm biển", giúp mọi người biết đâu là "ghềnh cao vực thẳm" khi đặt chân vào chốn tình trường [4].

    Ông như muốn tường minh với mọi người rằng:

    "Ký giả chép lại truyện gọi là tỏ lòng thương đôi lứa thiếu niên xô nhau vào bể ái, lôi kéo nhau đến nỗi kẻ bị trọng thuơng, người không cần sống, để đời thiệt mất một người thiếu nữ chung tình" [5].

    Ông hình như còn muốn khuyến cáo người ta chớ có dại dột đi ra ngoài khuôn phép.

    "Chỉ vì quá mơ màng những chuyện ngoài vòng đời, nhỡ nhầm vào một cuộc tình ái, nên việc đời chếch lệch mà thành như mây tan như khói tỏa, rút lại không đuợc ích gì, cảnh huống ấy bạn thiếu niên nên lưu ý [6].

    Thế nhưng, xin bạn đọc chớ có nhầm! Giữa những điều ông nói ra trong tư cách người viết tựa, tức là một người đã kết thúc một quá trình dài nung nấu sáng tạo để trở lại với lý trí bình thản và tư cách mô phạm của mình trong cuộc sống hàng ngày, với cái tiếng nói vô ngôn cũng của người đó nhưng là tiếng nói dồn nén, hàm ẩn sau từng trang tác phẩm, tự nó bật ra một cách nóng hổi và cảm tính, như những tia sáng của tâm thức chợt lóe lên ngay giữa lúc tác giả đang dồn hết cảm hứng vào sự sáng tạo xuất thần, là hai loại phát ngôn khác nhau. Loại phát ngôn thứ hai tuy không được nêu thành quan điểm hẳn hoi song lại nằm ở giữa các dòng văn, hiển lộ dần dần qua văn bản, chiếm lĩnh cảm xúc và suy nghĩ của người đọc sau khi đọc từng trang tác phẩm. Tất nhiên, đây là hai tiếng nói không hoàn toàn biệt lập, thậm chí trong những trường hợp nào đấy còn có mối liên quan khăng khít. Nhưng nói chung, trong rất nhiều trường hợp, không thể giản đơn nhập chúng lại với nhau, vì chúng bắt nguồn từ hai phương thức tư duy khác nhau. Tiếng nói thứ nhất là ngôn ngữ của lý trí chính thống, phát biểu cho tư tưởng, quan điểm của nhà văn về các khuynh hướng chính trị xã hội mà ông muốn tham gia với tư cách của một công dân. Chúng đến với lý tính người nghe và dừng lại ở đấy. Còn tiếng nói thứ hai mới chính là tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, nó biểu đạt một cái nhìn nghệ thuật về con nguời và cuộc sống, một quan niệm được ủ kín trong chiều sâu nhận thức thẩm mỹ của tác giả; nó thôi thúc nhà văn tìm tòi, phát hiện những hiện thực không dễ dàng nhìn thấy. Nhưng nó chỉ tham gia vào quá trình tư duy nghệ thuật khi nhà văn đã thật sự dồn tinh lực cho sự sáng tạo, như đang trong một cơn sốt, một sự "diệu ngộ", như có thần hứng đến trong đầu.

    Điều tưởng chừng khó hiểu song lại là một sự thực khó chối cãi trên đây sẽ giúp ta phân định được hai con người Hoàng Ngọc Phách trong Tố Tâm mà sự hiện diện cùng lúc vẫn không tỏ ra cấn cái tý nào. Tuy thế, để khỏi sa vào một sự luẩn quẩn, rằng không biết tiếng nói nào mới là chính yếu, cũng cần đòi hỏi ở chúng ta một cách đọc văn bản nghệ thuật thật thông suốt và nhất quán. Nếu lý trí của tư tưởng thường khi đẩy Hoàng Ngọc Phách trở về chỗ đứng bảo thủ, bắt ông quẩn quanh trong cái chân lý không mấy mới mẻ: yêu nhau ngoài khuôn phép là lao vào giữa "ghềnh cao vực thẳm", thì lý trí của con tim lại có tác dụng bứt ông khỏi cái mặc cảm nặng nề ấy, và giúp ông phát hiện ra một chân lý còn quan trọng hơn nhiều: tình yêu, khi đã thực sự là tình yêu, thì chẳng có chông gai nào ngăn trở được. Chân lý thứ hai đã lật nhào những cách nghĩ thuần lý và tư biện của tác giả. Và nhân vật Tố Tâm của ông chính là hiện thân của loại tình yêu say đắm đó. Tố Tâm yêu Đạm Thủy với một mối tình tri kỷ của những người cùng sở thích và ý hướng. Cho nên, nàng yêu mà không cần hỏi ý mẹ, biết Đạm Thủy đã có vợ chưa cưới mà vẫn cứ yêu, không được phép mẹ mà vẫn cứ đi chơi xa với người yêu, vâng lời mẹ đi lấy chồng mà vẫn không yêu chồng. Rồi để hết tâm hồn cho mối tình chung thủy, nàng đã trằn trọc nhớ thương Đạm Thủy đến nỗi bị bạo bệnh quật ngã. Một hình ảnh như thế so với đương thời thật hết sức lãng mạn, và một mối tình dẫn đến kết cục của Tố Tâm thì chỉ là tình vô vọng. Nhưng chính ở cái kết cục "không có hậu" ấy của tác phẩm, Hoàng Ngọc Phách lại chứng tỏ một cảm quan đúng đắn và táo bạo, nó giúp ông hoàn thành trọn vẹn cái chân lý nghệ thuật mà ông đã khám phá ra: tình yêu cao quý không những có khả năng vượt lên mọi chông gai trắc trở, mà còn đòi hỏi một sự hy sinh vô điều kiện cho người mình yêu. Nó tuyệt không chấp nhận những tính toan vị kỷ. "Tác giả đã bắt Tố Tâm ở vào hoàn cảnh đó thì cái chết của Tố Tâm là tất phải có" [5]. Tuy người trong cuộc vẫn cố giữ mình, không để lẫn một yếu tố vật dục nào làm cho mối tình trở nên vẩn đục, song nói như Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang: chìm trong một tình yêu không thể kết thúc bằng đám cưới, Tố Tâm rõ ràng đã bộc lộ một thái độ đi ngược với truyền thống [6].

    Khỏi phải nói, tiểu thuyết Tố Tâm đã mang một giá trị tố cáo nằm ngoài ý muốn chủ quan của tác giả. Sự ra đời của nó đáp ứng đúng những khát khao hạnh phúc cá nhân, đòi hỏi tự do tình cảm đang âm ỷ trong lòng cả một xã hội. Nó chưa trở thành một mâu thuẫn gay gắt giữa cá nhân và gia đình như giai đoạn sau, nhưng đã bắt đầu hiện ra như một xu thế ám ảnh. Một thế hệ những bậc cha mẹ mà Thiếu Sơn mệnh danh là "phái đạo đức", đánh hơi thấy ở Tố Tâm cái nguy cơ làm phá vỡ sự yên ổn của nề nếp cũ, đã lên tiếng phản đối tác phẩm, cho rằng cuốn sách làm cho bao nhiêu thiếu nữ "con nhà" phải dẫn đến buớc "Hồ Tây trẫm mình". Thì một thế hệ đông đảo, trẻ trung hơn, lại đứng ra bênh vực cho Tố Tâm, bỏi họ tìm thấy ở cái chết của Tố Tâm không phải một dấu hiệu tuyệt vọng chán chường, quay lưng lại cuộc sống, mà là một lời hiệu triệu thức tỉnh. Một lời hiệu triệu nồng nàn của chính con tim đắm đuối, khiến họ phải bàng hoàng vùng dậy, tự tìm thấy mình trong hình ảnh của Tố Tâm và lao theo tiếng gọi của tình yêu, bất chấp mọi răn đe, cảnh tỉnh của nhà văn.

    "Đã biểu hiện Tố Tâm và mối tình của nàng như thế thì về sau dù có đem cái chết của nàng mà dọa, đem lời khuyên của mình mà răn thì cũng cứ chán người ưng bắt chuớc Tố Tâm" [7].

    (...)
    ______

    [1] Trương Tửu. "Tố Tâm" của Song An. Loa. Juillet 1935. In lại sau sách Tố Tâm in lần thứ tư. Nhà xuất bản (Nxb.) Nam ký, Hà Nội, 1937; tr. 142 -150.
    [2] Trúc Hà. Cảm tưởng sau khi đọc "Tố Tâm". Phụ nữ tân văn số 187, ngày 16 - 1 - 1933. In lại trong 13 năm tranh luận văn học, do Thanh Lãng sưu tập. Tập II, Nxb. Văn học, thành phố Hồ Chí Minh, 1995; tr .189-198.
    [3] Trương Chính. Tố Tâm. Trong Dưới mắt tôi. Nxb. Thụy ký, Hà Nội, 1940; tr. 177.
    [4] Thiếu Sơn. Lời phê bình của một độc giả. Trong Xuân Nhâm thân. Thời Võ xb. Sài Gòn, 1932. In lại trong Phê bình và cảo luận, dưới đầu đề Tố Tâm. Nxb. Nam Ký, Hà Nội, 1933. Cũng in lại sau sách Tố Tâm, in lần thứ tư. Sđd; tr.130 - 131.
    [5] Lê Hữu Phúc. Quyển "Tố Tâm" ra đời. Trong Tố Tâm, in lần thứ Tư, sđd; tr. 4.
    [6] Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang. Tình yêu trong văn học, từ "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách dến "Nưa chừng xuân' của Khái Hưng (Literary Love: From Hoàng Ngọc Phach’s Tố Tâm to Khái Hưng’s Nứa chừng xuân). Báo cáo tại Hội nghị Harvard về thời kỳ đầu của nền văn học cận đại. Cambridge, 1982. Chuyển dẫn từ Cao Thị Như Quỳnh và John. C. Schafer. Từ truyện thơ đến tiểu thuyết: sự phát triến cúa tiểu thuyết văn xuôi ở Việt Nam (From verse Narrative to Novel: The Development of Prose Fiction in Vietnam). The Journal of Asian Studies, N2 4, November, 1988. Tr.771.
    [7] Huỳnh Lý. Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập III. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1957; tr.230.
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/7/15
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    "TIẾNG SÉT" TỐ TÂM

    Vận mệnh của tiểu thuyết Tố Tâm cũng khá lạ lùng. Đây không phải là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn xuôi quốc ngữ. Đây cũng không phải là một câu chuyện ái tình bi thảm bằng tiếng Việt đầu tiên. Từ cuối thế kỷ XIX, văn xuôi quốc ngữ đã sớm có mặt trên văn đàn. Ở trong Nam, cuốn truyện văn xuôi rất ngắn Thầy Lazarô Phiền kể lại một thảm kịch gia đình mà nguời đàn ông cả ghen đóng vai chủ chốt, được xuất bản ở Sài Gòn năm 1887 [1]. Sau đó, vào hai thập niên đầu thế kỷ XX, trên thị truờng văn chương miền Nam đã có các cây bút Trương Duy Toản, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh sắc, Hồ Biểu Chánh ... nối nhau ra mắt, với những bộ tiểu thuyết “kỳ tình - nghĩa hiệp”, “đạo lý - xã hội”, cạnh tranh khá chạy với tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc; trong khi đó thị trường miền Bắc cũng bắt đầu xuất hiện lác đác những Giấc mộng con (1916) [2], Cành hoa điểm tuyết (1921) [3], Cuộc tang thương (1923) [4], Kim Anh lệ sử (1924) [5]... xen kẽ chuyện tả chân xã hội, chuyện luân lý với chuyện ái tình. Ấy thế nhưng chỉ đến khi Tố Tâm được đăng tải trên tập Kỷ yếu của Hội Cao đẳng ái hữu, rồi được in thành sách năm 1925 [6] thì hệt "như một trái bom nổ giữa khung trời tình cảm" [7], người ta mới chợt nhận ra có một cái gì đó quả bắt đầu đổi khác bầu không khí văn học Việt Nam. Một làn sóng dư luận bỗng xôn xao khắp nước:

    "Sách nhiều người mua, nhiều người đọc, nhiều người cho là hay mà thật không ai dám tỏ cái thái độ hoan nghênh nó cả. Vì nó mới quá" [8].

    Nhưng dù công khai hay còn dè dặt thì cũng rõ ràng cuốn sách đã chinh phục một cách tuyệt đối cả một thế hệ độc giả trong một thời gian ngắn đến mức kỷ lục:

    "Từ Bắc đến Nam không ai không biết đến Tố Tâm. Có nhiều bạn gái thuộc lòng cả quyển sách nữa" [9].

    Sau này, khi Tự lực Văn đoàn đã chiếm vị trí ưu thế, nhà phê bình Trương Chính cũng chỉ thấy một cuốn Hồn bướm mơ tiên của họ là có "sức cám dỗ" sánh được với Tố Tâm: 

    "Thật ra, ngoài Tố Tâm ... Hồn bướm mơ tiên là quyển truyện thứ nhất có sức cám dỗ lạ lùng mà nhà phê bình sung sướng gặp được trong khi khảo cứu về văn học Việt Nam hiện đại" [10].

    Từ 1925 đến 1937 sách bốn lần in và tái bản, bản thân tác giả cũng trở thành "đối tượng" của một bộ từ điển văn học nước ngoài [11]. Có thể nói, với một câu chuyện vẻn vẹn hơn 100 trang giấy, Hoàng Ngọc Phách đã làm đảo lộn bao nhiêu quan niệm có tính chất cổ truyền về hai chữ "văn chương" vốn ăn sâu trong người đọc mà nhiều nhà văn trước ông, với những bộ sách rất dày, vẫn chưa lật xới lên được. Trong một bài phê bình công bố năm 1935, bằng những lời có phần hơi to tát, một người ký tên Đức Giang đã chỉ ra khá trúng chỗ đóng góp mấu chốt của cuốn sách:

    "Tác giả Tố Tâm, kẻ thù của những tiểu thuyết ma quỷ thần tiên... kẻ thù của lối văn tứ lục, lối văn biền ngẫu, lối văn "cúng cơm", thực xứng đáng là một tay "lãnh tụ" chỉ huy một đội quân tiên phong trong đảng cách mệnh đánh phá cái bộ lạc hủ bại của văn học giới, bộ lạc đã sống mấy ngàn năm nay ở nước Lạc Việt nhà…" [12].

    Năm 1970, Vũ Bằng cũng nhớ lại:

    "Truyện Tố Tâm ra đời đã đánh dấu một cuộc cách mạng trong làng văn về tư tưởng, về lối viết" [13].

    Nói cụ thể hơn thì Hoàng Ngọc Phách là người đầu tiên cho thấy đâu là sức mạnh đích thực của tiểu thuyết mới, cũng là người đã chính thức trước bạ thể loại này vào lịch sử văn học Việt Nam.

    Nhưng chỗ đứng vẻ vang mà Tố Tâm giành được cũng chỉ kéo dài trong khoảng mười năm. Điều đó cũng dễ hiểu. Giữa một thời kỳ tiểu thuyết vừa mới bước những bước phôi thai song văn học nói chung lại đang có yêu cầu phải biến đổi gấp rút để theo kịp với xu thế lịch sử, thì làm gì có một thành tựu nào giữ mãi được kỷ lục mà nó đã đạt tới. Mười năm, bốn lần in lại, sứ mệnh nhất thời của cuốn sách cũng kể như đã hoàn thành. Huống chi, như đã nói, trong văn học cận đại Việt Nam, Tố Tâm lại thuộc về chặng đường 32 năm đầu, chứ không thuộc chặng đường 13 năm sau, sau cái mốc Văn đoàn Tự lực. Lẽ dĩ nhiên, nó không thể không nhường bước khi hàng loạt tiểu thuyết thời danh của Tự lực Văn đoàn đã bắt đầu chiếm lĩnh độc giả. Cũng vì thế, vào cuối những năm ba mươi của thế kỷ XX, nhân dịp cuốn tiểu thuyết được in lần thứ tư (1937), từ nghịch cảnh bạn đọc hững hờ với nó so với mười năm về trước, Thạch Lam đã rút ra một vài nhận xét - không phải không có phần vội vã:

    "Tố Tâm bây giờ không còn ai nhắc đến. Cuộc kén chọn của thời gian đã loại cuốn tiểu thuyết đó như nhiều tiểu thuyết của các văn sĩ khác” [14].

    Nhà văn tài hoa Thạch Lam mệnh yểu nào có biết đâu rồi đây ngay một số không ít tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn cũng không thể vượt qua cái giới hạn muời năm mà lịch sử đã giành cho Tố Tâm. Một thập niên tưởng là rất ngắn nhưng cũng đủ dài để kiểm nghiệm sự trường sức của một sáng tác văn chương.

    Tuy nhiên, ngay lúc Thạch Lam còn sinh thời hay là sát sau khi ông mất, người ta đã gián tiếp hoặc trực tiếp bác lại ông. Trong Nhà văn hiện đại quyển II, ở mục "Hoàng Ngọc Phách", Vũ Ngọc Phan lên tiếng trách cứ các nhà phê bình đã "phạm vào một điều lầm lớn' là không biết đặt Tố Tâm "vào thời của nó" để thấy hết những giá trị "thời đại" mà” quyển tiểu thuyết nổi tiếng một thời" ấy chứa đựng [15]. Ý kiến này cũng thống nhất với Trương Chính trong Dưới mắt tôi, là người không muốn nhận Tố tâm "là một kiệt tác", nhưng vẫn phải khẳng định:

    "Cuốn tiểu thuyết đã được nhiều người hoan nghênh và hình như đã chiếm được một chỗ chắc chắn trong văn học Việt Nam hiện đại" [16].

    Một người khác, Trần Đình Ý, trên một tờ báo tiếng Pháp, so sánh Tố Tâm với Nửa chừng xuân và khẳng định đấy là "hai tác phẩm của hai thời đại", "đơn giản là chúng khác nhau, mỗi cuốn có một vẻ đẹp riêng", mà "chỉ có một khoảng lùi về thời gian mới cho phép nhìn đúng giá trị của từng cuốn" [17]. Một người nữa là Đào Đăng Vĩ cũng viết bằng tiếng Pháp lại so sánh Tố Tâm với Đoạn tuyệt để nói lên sự thay đổi chóng vánh vấn đề "thân phận con người" trong xã hội Việt Nam vào khoảng thời gian tiếp nối giữa hai cuốn sách này, và ghi nhận công lao của Hoàng Ngọc Phách, người khởi đầu một cuộc cách tân trong văn học:

    "Người có can đảm bằng cách từ chối mọi loại tiểu thuyết truyền thống để soạn một cuốn tiểu thuyết trước hết với mục đích tự nó, ... một cuốn tiểu thuyết không phải dưới hình thức kể lể sự việc mà là đưa đến cho người đọc chân dung của những tâm hồn" [18].

    Vậy là, xuôi theo dòng lịch sử, ý kiến về Tố Tâm tuy từng lúc có khác nhau song nhìn chung vẫn đi dần tới một sự định hướng sáng rõ. Cuốn sách những tưởng không còn theo kịp trào lưu lịch sử mới nữa thì thực tế vẫn được bạn đọc trân trọng, vẫn được cân nhắc, tìm hiểu với một thái độ nghiêm chỉnh, công bằng.

    ______

    [1] Của Nguyễn Trọng Quản. Nhà in J.Linage.
    [2] Của Tản Đà.
    [3] Của Đặng Trần Phất. Bùi Xuân Học xuất bản (xb).
    [4] Của Đặng Trần Phất. Bùi Xuân Học xb.
    [5] Của Trọng Khiêm. Đông Kinh ấn quán xb.
    [6] Nhà xuất bản (Nxb.) Châu phương, Hà Nội.
    [7] Vũ Bằng. Song An Hoàng Ngọc Phách, người của một cuốn sách. Tạp chí Văn học số 113, số đặc biệt "Song An Hoàng Ngọc Phách nạn nhân của Tố Tâm", Sài Gòn, 1-X -1970; tr .100.
    [8] Thiếu Sơn. Lời phê bình của một độc giả. Trong Xuân Nhâm thân. Thời Võ xb, Sài Gòn, 1932. In lại trong Phê bình và cảo luận, dưới đầu đề Tố Tâm. Nxb. Nam Ký, Hà Nội, 1933. Cũng in lại sau sách Tố Tâm, in lần thứ tư. Sđd; tr.130 - 131.
    [9] Thạch Lam. Sự bền vững của một tác phẩm. Đăng Ngày nay, 1939. In lại trong Theo giòng. Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1940.
    [10] Trương Chính: Tố Tâm. Trong Dưới mắt tôi. Nxb. Thụy ký, Hà Nội, 1940; tr .35.
    [11] Chuyện Trường Cao đẳng Sư phạm.
    [12] Đức Giang. "Tố Tâm" với ông Hoàng Ngọc Phách. Bắc Ninh tuần báo, ngày 1-IX -1935. In lại sau sách Tố Tâm, in lần thứ tư. Sđd; tr. 157.
    [13] Vũ Bằng. Bđd; tr.103.
    [14] Thạch Lam. Bđd.
    [15] Nxb. Tân dân, Hà Nội, 1992; tr.189-194.
    [16] Trương Chính. Bđd; tr.178.
    [17] Trần Đình Ý. Hai cuốn sách hai thời đại (Deux livres, deux époques). L’Annam nouveau, Férvier 1935. Nguyên văn: "Ces romans sont simplement différents',' et ont chacun leur beauté propre. Le recul du temps seul permet de les juger à leur juste valeur". In lại sau sách Tố Tâm, in lần thứ tư. Sđd; tr.172.
    [18] Đào Đăng Vĩ. Điều tra về thanh niên An Nam. (Các nhà văn và nhà báo. Văn chương theo cảm hứng lãng mạn và cách mạng) (En quête sur la jeunesse annamite (Les écrivains et journalistes. La littérature d’inspiration romantique et révolutionnaire)). Patrie annamite, 6-II-1938. Nguyên văn: "M. Hoàng Ngọc Phách ... a eu tout de même le courage de faire du roman avant tout pour le roman. II a eu surtout le courage de faire du roman non un récit d’événement mais un portrait des âmes". Những chỗ dịch in nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh. In lại sau sách Tố Tâm, in lần thứ tư. Sđd; tr. 174.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/7/15
    thichankem and hanhdb like this.
  7. hanhdb

    hanhdb Sinh viên năm II

    Tuyệt thế tình thư, Tố Tâm tiểu thơ thành "Tái thiên thư" từ tài tử Tờ-râu.1yoyo7
    Cảm ơn anh Châu nha. Em nghĩ nên ghép luôn mấy bài bình của anh vào ebook, tay cầm kai đồ tay cầm chén trà, chân đập bàn đen đét cute_smiley153D_373D_42
     
    teacher.anh, thichankem and tducchau like this.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Tiểu thuyết “Tố tâm” của Hoàng Ngọc Phách trong buổi đầu hiện đại hóa văn học Việt Nam


    1. Tiểu thuyết “Tố Tâm” trong bối cảnh văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX

    Suốt cả nghìn năm, văn học Việt Nam được bao bọc trong cái tổ cũ xưa, đan dệt bởi hằng hà điển tích, điển cố: nền văn hóa Trung Hoa cổ. Đến đầu thế kỷ XX, văn học trung đại đến hồi xác xơ, già cỗi. Thế nhưng, nhờ gặp được biến thiên lớn trong lịch sử, với nội lực tiềm tàng, nó lập tức nảy sinh nguồn sống mới và tự cải lão hoàn đồng.

    Văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX bất ngờ có một cuộc chuyển mình, hồi sinh như thế! Nó lại còn tỏ ra cường tráng, có sức bay, dáng bay khoẻ đẹp, đuổi theo kịp, hòa nhập được, với các nền văn chương trên thế giới. Có thể nói, lúc này, biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam chính là sự gặp gỡ với phương Tây. Nội lực tiềm tàng của nó là truyền thống văn học dân tộc. Nguồn sinh lực mới của nó là đội ngũ thanh niên trí thức Tây học, những tác giả và độc giả, tập trung ở các đô thị mới và lớn, từ Bắc chí Nam. Không gian hô hấp mới của nó là nền văn hóa phương Tây, đậm đà chất nhân văn.

    Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đã làm cuộc cách tân về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Riêng thể loại tiểu thuyết, từ chỗ ảnh hưởng tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, nó chuyển sang tiếp nhận tiểu thuyết phương Tây. Về sản lượng, nó tự quảng bá, qua hàng loạt tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh ở Nam bộ. Riêng về chất lượng, nó tự ngời sáng, qua tiểu thuyết đầu tay và duy nhất của Hoàng Ngọc Phách: Tố Tâm.

    Ngay lúc chào đời, Tố Tâm đã gây nên hiệu ứng xã hội không ngờ, làm lung lay cả luân lý phong kiến ngàn năm. Người trực tiếp khai sinh, tạo khí cốt và sức sống cho tác phẩm chính là tác giả - nhà văn Hoàng Ngọc Phách. Ông đã hấp thu sâu sắc, có phê phán nền văn hóa truyền thống phương Đông, đồng thời ông cũng tiếp nhận nhiệt tình, có hệ thống, nền văn hóa phương Tây. Ông là nhà văn đầu tiên ở Việt Nam dám mạnh dạn dùng kiến thức tâm lý học mà khai thác chiều sâu tế vi, phức tạp của tâm hồn con người. Từ lăng kính tâm lý đó, ông đặt ra những vấn đề xã hội.


    2. Tiểu thuyết “Tố Tâm” – dấu son đầu tiên của quá trình hiện đại hóa thể loại

    2.1. Tóm tắt tiểu thuyết

    Tác phẩm kể về câu chuyện tình thơ mộng nhưng bi thương của đôi trai tài, gái sắc: Đạm Thủy – Tố Tâm, qua lời dẫn truyện của nhân vật ký giả.

    Nghỉ hè, tại trường Đại học, nhân vật ký giả sang phòng bạn thân là chàng tân khoa Lê Thanh Vân, giỏi văn chương, biệt hiệu là Đạm Thủy. Chàng có chiếc hộp kỉ vật đề dòng chữ “Mấy mảnh di tình”. Biết bạn có ẩn tình riêng, ký giả hỏi về chiếc hộp. Được khơi đúng tâm trạng, Đạm Thủy kể lại chuyện tình đau buồn của mình…

    Một lần về quê, bị rơi mất ví dọc đường, Đạm Thủy đến trình quan huyện sở tại, được quan tiếp đãi nồng hậu. Trở lại trường, chàng được nhắn đến nhà bà Án, chị của quan, để nhận ví. Chàng kết thân với cậu Tân, con bà Án. Chính dịp này, chàng gặp và thầm yêu chị của Tân, nàng Nguyễn Thị Xuân Lan, cô gái đẹp nhất phố, nết na, hiền thục, tuy có phần kiêu kỳ. Nàng biết cả chữ Nho, chữ Tây, say mê văn chương. Vốn yêu thơ Đạm Thủy, nay biết mặt chàng, nàng thêm quyến luyến. Mỗi khi chàng đến chơi, hai người thích mạn đàm văn chương. Đạm Thủy đặt biệt hiệu cho nàng là Tố Tâm. Hai người dần cảm thấy không thể thiếu nhau. Bấy giờ, gia đình đã tính chuyện hôn nhân cho Đạm Thủy. Chàng đành viết thư kể sự thật với nàng. Nàng chủ động hẹn gặp, tỏ vẻ vui tươi, nhưng kỳ thực đau khổ. Đến nhà nàng bất chợt, Đạm Thủy càng hiểu tình yêu mãnh liệt của nàng. Từ đó, hai người ít gặp nhau, nhưng lại thường xuyên gởi cho nhau những bức thư nhớ thương, say đắm. Đôi lần, họ hẹn nhau đi chơi vùng quê, gặp nhau ở bể Đồ Sơn. Họ càng có thêm những kỷ niệm đẹp. Tình yêu thêm nồng nàn, nhưng là một mối tình trong sáng, cao thượng, không hề pha sắc dục. Lúc này, mẹ Tố Tâm ốm nặng, gia đình buộc nàng lấy chồng. Nàng nhất quyết khước từ. Đạm Thủy, vì quá yêu, nên có ý tưởng cùng nàng trốn đi, xây hạnh phúc. Nhưng nghĩ tình gia đình, chàng bỏ ý định. Tố Tâm cũng can ngăn chàng. Tố Tâm tiếp tục bị thúc ép. Phần vì quá thương mẹ, lại thêm Đạm Thủy viết thư khuyên nhủ, nàng đành chịu lấy chồng. Trước ngày cưới, nàng hẹn gặp Đạm Thủy, trao chàng kỷ vật và khóc từ biệt. Nhận lá thư vĩnh biệt củaTố Tâm, Đạm Thủy đáp từ, tặng nàng mấy cành hoa lan mừng ngày cưới. Sau lễ cưới, nhân hội chùa Đồng Quang, hai người thoáng thấy nhau, nhưng nàng quay mặt đi. Lúc này, nàng đã ốm nặng. Về, biết mình không khỏi bệnh, nàng tiếp tục viết nhật ký cho Đạm Thủy. Nàng cũng kể sự thật với chồng. Rồi nàng qua đời, chỉ sau ba mươi sáu ngày lên xe hoa.

    Ngày đưa tang nàng, Đạm Thủy đau xót đến viếng, nhưng không dám xuất hiện. Hôm sau, chàng ra thăm mộ nàng, lấy áo mình đắp lên mộ. Trở lại thăm nhà bà Án, chàng được trao hộp kỷ vật, trong đó có quyển nhật ký của Tố Tâm. Đọc nhật ký, Đạm Thủy thương tiếc nàng, hối hận mà thành bệnh. Anh trai Đạm Thủy biết em suy sụp vì tình yêu nên kịp thời động viên, an ủi. Từ đó, Đạm Thủy quyết tâm học hành, lòng giữ hai điều thiêng liêng: công danh sự nghiệp và mối tình nồng nàn, cao thượng với Tố Tâm.


    2.2. Thành tựu tác phẩm

    Hiểu theo nhận định của nhà phê bình Thiếu Sơn, ấn tượng đầu tiên, sau cùng, lớn nhất và bao quát nhất của Tố Tâm, đối với người đọc, vẫn chính là cái mới của nó. Nói đến cái mới trong văn học cũng chính là đề cập đến tính tiên phong, đột phá của nhà văn, về tư tưởng và quan điểm nghệ thuật. Nó được cụ thể hóa bằng tác phẩm nghệ thuật. Nó xuyên thấm vào từng tế bào nội dung và nghệ thuật của tác phẩm như đề tài, cốt truyện, chủ đề, nhân vật, kết cấu, nghệ thuật miêu tả, ngôn ngữ, nghệ thuật kể chuyện.

    2.2.1. Tố Tâm thể hiện tính chất hiện đại trong việc lựa chọn đề tài. Là một thể loại văn học gần gũi nhất với cuộc sống, tiểu thuyết lấy đề tài từ hiện thực. Do dung lượng lớn, nó có thể khai thác mọi chiều kích, khía cạnh của hiện thực. Bởi vậy, hiện thực trong tiểu thuyết bao giờ cũng là một cuộc sống toàn diện, phong phú và nhiều mặt. Đặc biệt, tiểu thuyết hiện đại quan tâm đến số phận con người cá nhân, với tính cách đa dạng và thế giới nội tâm cực kỳ phức tạp.

    Đề tài của Tố Tâm đã hướng theo yêu cầu này: khai thác bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ. Tuy nhiên, Tố Tâm chỉ chọn một phạm vi nhỏ: chuyện tình yêu trai gái. Tuy là vấn đề muôn thuở nhưng tình yêu trong Tố Tâm thuần túy là chuyện yêu đương, không pha tạp, không lồng vào bất cứ mâu thuẫn giai cấp, vấn đề xã hội nào. Nó lại mang một phẩm chất mới: không hề nhuốm màu sắc dục. Có thể xem nó là một bản tình ca ngoài lễ giáo, thật mới mẻ, hiện đại của một lớp thanh niên trí thức rất trẻ, vào những thập niên đầu thế kỷ. Lớp thanh niên ấy được “thả lỏng” trong bầu không khí tự do yêu đương, tuy còn bị giam cầm trong lề luật của ý thức hệ phong kiến và chế độ đại gia đình.

    2.2.2. Tố Tâm xây dựng được cốt truyện khá mới mẻ, hiện đại. Trong tiểu thuyết hiện đại, cốt truyện là phương tiện để bộc lộ tính cách của nhân vật. Tính cách ấy càng nổi bật qua những biến cố chủ yếu trong cốt truyện. Ở Tố Tâm, các biến cố trong truyện đều nhằm khắc họa tính cách hai kiểu nhân vật: một thanh niên trí thức Tây học và một thiếu nữ, con nhà gia giáo, sống theo lối mới. Cốt truyện hấp dẫn không nhờ tình tiết ly kỳ mà vì tâm lý nhân vật được khai thác đến tận cùng những ngóc ngách sâu kín của nó. Nó không theo trình tự truyền thống: gặp gỡ – lưu lạc – đoàn viên. Theo kiểu hiện đại, nó kết thúc bằng bi kịch - bi kịch nhưng không đọng lại dư vị bi quan cho người đọc. Trái lại, bi kịch ấy đã làm rung chuyển nếp cảm, nếp nghĩ mòn xưa của người đọc thời bấy giờ. Sức mạnh ấy, các tiểu thuyết trước và cùng thời với Tố Tâm chưa hề có được.

    2.2.3. Tố Tâm đặt ra một chủ đề có sức tác động lớn đến người đọc: khẳng định vị trí của cá nhân, quyền sống của con người, trước uy quyền còn khá kiên cố của lễ giáo phong kiến khắc nghiệt. Nếu như trước đây, Truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ là tiếng kêu thương, khát khao quyền sống, quyền hạnh phúc của con người, thì đến Tố Tâm, nó đã là lời khẳng định. Nó báo hiệu đã đến thời đại mà con người được quyền sống, được quyền chọn hạnh phúc, với tư cách con người cá nhân của mình.

    2.2.4. Tiểu thuyết Tố Tâm xây dựng được những hình tượng nhân vật mới mẻ, khá thuyết phục. Trong tác phẩm, các tính cách nhân vật có sự phát triển “tự thân”, như là trong cuộc đời thật. Đạm Thủy là hình ảnh một thanh niên trí thức Tây học còn Tố Tâm là cô gái mới, học chữ Tây, mê sưu tầm văn chương, biết làm thơ. Thân thế ấy khiến họ đến với nhau hết sức tự nhiên. Họ lấy thơ văn, một thú vui tao nhã, làm nhịp cầu giao cảm. Tình yêu của họ, vì thế, cũng trong sáng, thanh cao như thơ văn của họ. Nó nảy nở tự nhiên và khá tân thời. Tố Tâm dám chủ động viết thư cho người yêu, làm thơ tặng Đạm Thủy. Hai người tâm tình với nhau trong phòng riêng; lại còn giấu mẹ, hẹn nhau về ngắm cảnh nông thôn, ra chơi biển… Xây dựng hình tượng Tố Tâm và Đạm Thủy, tác giả đã hướng vào một lớp trí thức, đang chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong xã hội. Tuy nhiên, họ sẽ là lực lượng chủ yếu của xã hội thành thị Việt Nam trong thập niên sau đó. Theo hướng này, Tố Tâm đã mang chức năng dự báo..

    2.2.5. Tiểu thuyết Tố Tâm mang một kết cấu đặc sắc, so với các tiểu thuyết cùng thời. Ở đây, khái niệm “kết cấu” được hiểu là sự sắp xếp, tổ chức, xâu chuỗi tất cả bộ phận khác nhau trong tác phẩm theo một hệ thống, một trật tự nhất định. Nó tổ chức mối liên hệ giữa các yếu tố thuộc nội dung tác phẩm (tính cách và hoàn cảnh, hành động và biến cố,...) và các yếu tố khác thuộc hình thức (bố cục, hệ thống ngôn ngữ, nhịp điệu,...). Ngoài cốt truyện, kết cấu còn bao gồm phần bình luận trữ tình phụ đề của tác giả, bố cục tác phẩm,... Kết cấu của Tố Tâm hình thành từ việc đan cài hai mảng hiện tại và quá khứ. Nó phá vỡ tính đơn tuyến quen thuộc. Chuyện chủ yếu thông qua không gian hồi tưởng và thời gian tâm lý. Những khi đôi bạn Đạm Thủy – Tố Tâm gặp nỗi buồn, hay có được niềm hạnh phúc ngây ngất, thời gian vật lý không còn, nhường chỗ cho thời gian tâm lý...

    Cũng về kết cấu, đó còn là sự sắp xếp, tổ chức mối liên hệ giữa tính cách nhân vật và hoàn cảnh sống. Nhân vật Tố Tâm sống theo lối mới, vì cô được học chữ Tây, được tự do tiếp xúc với báo chí, được giao tiếp với bạn bè khác giới. Nhưng Tố Tâm đau khổ tinh thần đến ốm chết, vì cô vẫn phải sống trong một đại gia đình còn giữ nền nếp gia phong,... Hay, hành động của Đạm Thủy, khi chinh phục Tố Tâm, rất hợp suy nghĩ, tâm lý một anh con trai trí thức Tây học: luôn muốn khẳng định mình với người khác phái, hả hê khi chiếm lĩnh được lòng người đẹp,... Ngôn ngữ các nhân vật cũng hợp với tính cách vừa cũ vừa mới của họ. Trình tự tác phẩm được dắt dẫn tự nhiên theo mạch hồi tưởng, cảm xúc và diễn biến tâm lý của nhân vật Đạm Thủy. Nhà văn cũng mạnh dạn đem sự hồi tưởng của Đạm Thủy, những bức thư của Tố Tâm đan xen với câu chuyện hiện tại. Nó tạo nên ấn tượng mới lạ, sức cuốn hút đầy mê hoặc cho độc giả bấy giờ. Vì những lẽ đó, tác phẩm được xem là quyển “tiểu thuyết tâm lý” đầu tiên của Việt Nam.

    2.2.6. Tiểu thuyết Tố Tâm thành công ở nghệ thuật miêu tả. Đó là nghệ thuật khắc họa tâm lý nhân vật. Mọi trạng thái tâm lý đều có cơ sở, có quá trình hình thành hợp lý. Để gặp và yêu ngay Tố Tâm, tiềm thức của Đạm Thủy đã lưu giữ gương mặt ấy ngay từ nhà quan huyện. Còn Tố Tâm đáp lại ngay chân tình của Đạm Thủy, bởi nàng, vì yêu thơ, mà đã từng yêu người trong mộng,... Đó còn là nghệ thuật miêu tả thiên nhiên. Cảnh thiên nhiên trong Tố Tâm lần lượt hiện lên vô cùng sống động và rực rỡ. Thiên nhiên trong tác phẩm được khắc họa bằng ngòi bút tả chân tài hoa. Nó thoát khỏi mớ công thức tả cảnh ước lệ, đăng đối như ở một số truyện ngắn thời này. Cảnh thiên nhiên ít nhiều đã được cá thể hóa. Nhà văn tả thiên nhiên không phải chỉ để tả tình. Thiên nhiên xuất hiện như một lối thoát cho những tâm hồn lãng mạn. Các nhân vật tìm đến thiên nhiên như để nối kết lại trường giao cảm giữa những tâm hồn lãng mạn đang quá cô đơn, đang bị ý thức hệ phong kiến cầm tù. Tố Tâm thực sự khai phá một không gian mới, khoáng đạt, mở hướng cho các tác phẩm sau này xây dựng nên những hình tượng thiên nhiên đầy quyến rũ.

    2.2.7. Tiểu thuyết Tố Tâm đạt thành công nhất định ở phương diện ngôn ngữ và nghệ thuật kể chuyện. Trong Tố Tâm, nhiều hình thức tổ chức ngôn ngữ được sử dụng: đối thoại giữa các nhân vật, độc thoại nội tâm, ngôn ngữ người kể chuyện… Nhìn chung, ngôn ngữ trong Tố Tâm là một thứ ngôn ngữ chải chuốt, giàu cảm xúc, đầy chất trữ tình, chất thơ,... Nó mang đặc điểm của ngôn ngữ tiểu thuyết lãng mạn. Ra đời lúc quốc văn còn trong thời kỳ phôi thai, trình độ tiểu thuyết còn thấp kém, có được một trình độ diễn đạt như thế, Tố Tâm đáng được ghi nhận công lao làm giàu chữ quốc ngữ.

    Phần nghệ thuật kể chuyện trong Tố Tâm cũng đáng được đề cao. Dù hầu hết được kết nối qua những đoạn văn, lá thư... nhưng tác phẩm vẫn thừa sức lôi cuốn, làm say mê người đọc từ đầu đến cuối truyện.


    2.3. Hạn chế:

    Tất nhiên, vì còn quá mới, so với hoàn cảnh xã hội và đời sống văn học, tác phẩm khó thoát khỏi những hạn chế, trong việc đặt và giải quyết vấn đề. Bản thân tác giả, người có gốc Nho học, cũng khó bề đoạn tuyệt với nếp tư duy, thói quen diễn đạt của lối văn chương truyền thống.

    Về nội dung, tác phẩm chưa xây dựng được điển hình cho một tầng lớp, một giai cấp. Bản thân Đạm Thủy chỉ là một cá nhân cô đơn. Bi kịch của Đạm Thủy thật cá biệt, so với nhân vật ký giả và bạn bè cùng hoàn cảnh xuất thân như anh. Ngoài tình yêu, Đạm Thủy hoàn toàn xa lạ với đời sống chính trị - xã hội, nghĩa là xa lạ với cái bối cảnh trực tiếp gây nên bi kịch cho tình yêu, hạnh phúc của mình. Bởi vậy, nếu người đọc mong muốn tiểu thuyết phải là bức tranh khái quát hiện thực, Tố Tâm lập tức bị cho là thiếu sức mạnh điển hình hóa. Bởi vậy, nếu ai đó đòi hỏi tác phẩm văn học phải đứng ở vũ đài đấu tranh giai cấp, Tố Tâm lập tức bị quy là một kiểu thoát ly hiện thực. Tất nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi một tiểu thuyết lãng mạn phải chứa đựng nhiều chức năng xã hội. Nhưng giá như, ngoài cơ sở tâm lý, nhà văn còn dùng cơ sở xã hội để lý giải sự biến động trong đời sống tinh thần nhân vật thì ý nghĩa xã hội của tác phẩm còn lớn hơn nhiều. Thời bấy giờ, công chúng chưa mạnh dạn kết thành làn sóng ủng hộ tác phẩm, phải chăng, một phần cũng bởi điều này.

    Về nghệ thuật, một số sự kiện trong truyện còn dài dòng, dàn trải, nhất là các đoạn đối thoại, những phần trích dẫn thư từ, hay những câu thơ xướng họa,... Điều này làm giảm đi độ căng của truyện, ít nhiều gây cảm giác nhàm chán cho người đọc. Giá như, tác phẩm được gọt bớt một số trang, dòng thừa thãi. Ví dụ, những đoạn đối thoại giữa Đạm Thủy với thằng bé người ở, hay những chỗ trích thư từ, nhật ký của Tố Tâm.

    Phần lời văn, bởi tập trung miêu tả tầng lớp thượng lưu, lại được tác giả gọt giũa quá bóng bẩy nên khó hấp thu được lời ăn tiếng nói sống động của quần chúng nhân dân. Nó thiếu vắng vốn ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc, như người đọc đã từng gặp trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Nhiều đoạn văn lại theo vết mòn xưa, dùng câu văn biền ngẫu, quá đăng đối, quá ràng buộc, khiến mạch văn thiếu phần co giãn, linh hoạt, thậm chí lê thê, nặng nề.

    Mặt khác, tác phẩm kể chuyện tình yêu thời hiện đại, nhưng nhà văn lại để đôi trai gái tân thời gởi cho nhau những câu đối, dòng thơ luật Đường khuôn sáo, hình ảnh cũ mòn: “liễu ủ hoa sầu, năm canh giọt lệ, sương sa gió thổi, tuyết phủ mây mờ,...”. Điều đó khiến người đọc không khỏi liên tưởng về cuộc tình của những văn nhân tài tử thời phong kiến ngày xưa. Những nhà nho thủ cựu thấy nhân vật xa lạ với mình. Nhưng thanh niên trí thức Tây học lại thấy nhân vật dường như chưa hẳn là mình.

    Đôi chỗ, nhà văn, vì quá nôn nóng muốn dùng văn chương “gây nên một nền luân lý”, do đó, đã biến nhân vật Tố Tâm thành cái loa phát ngôn, thuyết lý cho đạo đức. Đây là một trong nhiều dẫn chứng: “Em là phận gái, cái chức phẩm với đời, có cũng hay mà không cũng được, chả ai nghị luận gì, ai trách chi nữ nhi nan hóa, nhưng anh là bậc nam nhi hai vai nghĩa vụ, anh đừng làm như em mà giữ lấy một mối tình vô hy vọng. Anh là người có văn chương, có tư tưởng, anh nên nhớ rằng cái thân anh không phải của một mình anh, phải làm việc cho nhà, cho nước, cho xã hội...”. Người đọc thật khó bị thuyết phục bởi một cô gái đang đau khổ sụt sùi vì tình, lại bất ngờ tỉnh táo, nói những lời mang màu sắc giáo huấn trang nghiêm như thế!

    Tuy nhiên, nhìn tổng thể, những hạn chế vừa nêu không làm mờ được vẻ đẹp sáng ngời của tác phẩm. Ta chỉ nên xem nó là hệ quả tất yếu của một quyển tiểu thuyết tâm lý đã xuất hiện quá sớm, so với bối cảnh thời đại.


    3. Nhận xét chung:

    Số phận tiểu thuyết Tố Tâm thật khá đặc biệt, từ lúc ra đời đến nay. Suốt mười năm đầu rong ruổi trong đời sống văn học, Tố Tâm luôn là một hiện tượng đáng luận bàn: lắm kẻ khen, nhiều người chê, bao người kinh ngạc... Về sau này, mỗi khi nhắc đến tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, bao giờ Tố Tâm cũng là hiện tượng được ưu tiên quan tâm, khảo sát, đánh giá.

    Có thể thấy, tính chất tiên phong, hiện đại của tác phẩm, trong lĩnh vực tiểu thuyết đầu thế kỷ XX, thực sự là điều không thể phủ nhận. Thành công của nó gắn liền với quá trình hiện đại hóa văn học. Nói cách khác, nếu không có quá trình hiện đại hóa văn học, chắc chắn không có Tố Tâm. Ngược lại, thành tựu tiểu thuyết sẽ còn khiếm khuyết, nếu quá trình hiện đại hóa văn học đầu thế kỷ XX không có Tố Tâm.


    Tố Tâm thật sự là một tác phẩm “có cứng mới đứng đầu gió”. Mặc cho thái độ tiếp nhận khác nhau, mặc cho bao nhiêu tiểu thuyết khác lần lượt chào đời trước công chúng, tác phẩm vẫn giữ địa vị tiên phong, xứng đáng mở đầu cho nền tiểu thuyết mới đầu thế kỷ XX, đồng thời mở màn cho trào lưu văn học lãng mạn của văn học Việt Nam hiện đại. Và hẳn nhiên, điều đó cũng gắn liền với tên tuổi Hoàng Ngọc Phách.

    Võ Phúc Châu
    Mỹ Tho - 2003
    (Nguồn Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)​

    TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

    1/ Nguyễn Đình Chú (đồng chủ biên) (2000), Văn học 11, Nhà xuất bản (Nxb.) Giáo Dục.
    2/ Trần Thanh Đạm (1992), Làm văn 12, Nxb.Giáo Dục.
    3/ Phan Cự Đệ ( 2000), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nxb. Giáo Dục.
    4/ Phong Lê, (2001) Văn học Việt Nam hiện đại, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
    5/ Hoàng Ngọc Phách (1988), Tố Tâm, Nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp.
    6/ Trần Hữu Tá (chủ biên) (1998), Văn học 11, Nxb. Giáo Dục.
    7/ Lê Trí Viễn (1978), Lịch sử Văn học Việt Nam – tập 4B, Nxb. Giáo Dục.
     
    teacher.anh and thichankem like this.
  9. thichankem

    thichankem Moderator Thành viên BQT

    "Duyên mới kể từ đây, yêu bạn gọi là mừng bạn nhá
    Tình xưa dù nghĩ đến, thương nhau nên phải phụ nhau mà" - trích Tố Tâm.
    ***
    Đôi lúc chỉ ước, giá như anh đừng thương đến thế, giá như anh có thể ích kỷ hơn, thì có lẽ, cái kết đã không quá ngậm ngùi. Bệnh đó là ho lao, vì lao tâm đấy thôi, anh ạ!
    Nhưng nếu được lựa chọn lại, thì có lẽ anh và cô cũng 'không thể' chọn lựa khác hơn, đúng không? Chữ 'Lễ' khắc nghiệt vậy đấy, nó buộc ta phải 'khắc kỷ', phải chu toàn sau trước, rồi mới đến thân ta. Mà đợi đến lúc ấy, thì cánh nhạn đã bặt tăm, còn đôi chút nhớ mong cũng đành gửi vào hư vô.
    Để đến khi nhắm mắt, và nằm dưới mộ sâu, ta biết người quanh ta sẽ khóc, còn ta, liệu ta có thể cười không?
    Sẽ, là cười trong nước mắt, vậy thôi!
     
    teacher.anh, lichan and tducchau like this.
  10. thichankem

    thichankem Moderator Thành viên BQT

    Sắp hết ngày...
    Và giờ thì đang ngồi gõ review mang tên, "Kỷ niệm cho ngày không mặc áo ngực".
    {:kem1:}

    Bây giờ là thế kỉ 21, gần 100 năm từ ngày "Tố Tâm" ra đời. Bây giờ người ta yêu nhanh, cưới vội và ly dị không đắn đo. Phụ nữ bây giờ bản lĩnh hơn, có thể buông bỏ tất cả những rào cản mà họ không muốn - kể cả thứ được "đo ni đóng giày" cho họ - coocxe.

    Trở lại câu chuyện tình yêu của "Tố Tâm tiểu thơ" gần 100 năm trước, nó cho ta thấy rõ hơn cái khắc nghiệt của xã hội thời ấy - cái xã hội đã bóp chết một nụ hoa hồng chớm nở, và bào mòn tất cả chí làm trai. Hôn nhân thời ấy không chỉ đơn thuần là "sống trọn cuộc đời với người bạn đời của mình", mà là sống với cha mẹ, với con cái, và với cả dư luận nữa. Thứ dư luận kềm hãm con người, nhất là người phụ nữ vào vòng "lễ giáo gia phong", tựa như buộc họ oằn mình trong chiếc coocxe mà họ không muốn, mà hễ khi nào người phụ nữ dám tháo bỏ nó ra, thì đinh ninh rằng chắc chắn sẽ bị thế gian gán cho từ lăng loàn, trắc nết.

    Gần 100 năm đã trôi qua, tôi biết hình mẫu như Tố Tâm vẫn không hiếm trong xã hội một nước Á Đông như Việt Nam, để nhắc chúng tôi - những người phụ nữ hiện đại biết đắn đo cân nhắc, biết vẹn tròn tất thảy, hơn là chỉ biết viện dẫn lý do "yêu vì bản thân" mà bất chấp mọi thứ. Bởi tình yêu sẽ không là tình yêu, cho đến khi nó được trao đi (Love isn't love, til you give it away - Ngạn ngữ) - và ta sẽ không thể hạnh phúc, nếu những người ta yêu thương vì ta mà đau khổ.

    Chỉ là, một chút ít lời tâm tình thôi, hỡi những người phụ nữ của tôi, mặc hay không mặc coocxe, quyết định là ở bạn. Sẽ chẳng có gì là đúng hay sai ở đây hết, vì tôi tin bạn sẽ đẹp nhất khi được làm điều mình muốn. Và hỡi những quý ông, đừng bao giờ chỉ trích hay phê phán điều đó, vì suy cho cùng, các ông chưa bao giờ là chúng tôi cả, đúng không nào!

    TpHCM, 09/07/2015.
    {:kem2:}
     
    Chỉnh sửa cuối: 10/7/15
    teacher.anh, tducchau and lichan like this.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Cảm ơn bé Kem!
    @tducchau cũng đang 'dốc hết tình...' cho một Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link của TVE-4U! Danh bất hư truyền! :)!
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/7/15
  12. thichankem

    thichankem Moderator Thành viên BQT

    {:kem1:}
    Nhân bài bình Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link - PHẠM THẾ NGỮ (*) Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Tập III. Quốc học tùng thư xb. Sài Gòn, 1965; tr.356-367, chợt định hình lại cái suy nghĩ mà mấy nay em vẫn mắc mứu, xin được mạn phép gọi tên cái suy nghĩ này là "Phụ nữ, là phái đẹp - hãy đừng là phái yếu!".

    Xã hội có những định luật của nó. Con người trong xã hội, có thể tuân theo hoặc không. Cũng như Tố Tâm vậy, nàng đã chọn tuân theo vận mệnh mà không một lời oán trách, thà phụ tình và phụ bản thân mình, chọn lấy chiếc lồng sơn son thiếp vàng cho đẹp lòng hết thảy. Nhưng đó là lựa chọn CỦA NÀNG. Chẳng ai kề dao vào cổ bắt nàng làm thế, cũng chẳng ai bên chồng buộc nàng phải làm lụng hao mòn thân mình đến mức "ốm không dậy nổi". Người xưa có câu, "Tâm bệnh phải chữa bằng tâm dược". Nàng thừa biết thứ tâm dược ấy là gì, nhưng nàng không thể chọn nó, vậy cách duy nhất là đừng để tâm bệnh làm mình gục ngã. Và đó chính là điều tôi muốn nói ở đây.

    Căn bệnh mà chỉ trong vòng một tháng có thể giết chết một con người, hình như đến giờ chỉ có thể là bệnh ác tính, nguy hại nhất là ung thư phổi. Giả dụ như thật sự nàng ho ra máu vì căn bệnh ấy, tôi đồng ý rằng nàng sớm muộn gì cũng phải ra đi, như thế sẽ là kết cục nhẹ nhàng nhất cho cả câu chuyện. Nhưng nếu thật sự không phải là do tác nhân 'ngoại nhân' đó, mà nàng vì buồn khổ đến nỗi đánh mất sinh mạng mình, thì chữ HIẾU cao cả ban đầu nàng vì nó mà hy sinh, xét đến cùng vẫn chưa tròn vẹn. Ấy là khi tôi tưởng như nàng dùng chính sinh mạng của mình để chiến thắng trò chơi gồm ba bên nàng-cha mẹ nàng-người tình của nàng vậy. Vì hiển nhiên nàng biết, nếu nàng chết đi, nàng sẽ trở thành bông hoa mãi rực rỡ trong lòng những người ở lại.

    Phụ nữ, là phái đẹp. Đúng vậy, họ sẽ còn đẹp hơn nếu họ ra đi ở độ tuổi xuân phơi phới nhất của mình, vì người đời sẽ mãi nhớ về vẻ đẹp kiêu sa đó. Song, thật lòng mà nói, những người phụ nữ đẹp nhất trong lòng tôi lại là những người mạnh mẽ sống, mạnh mẽ đối mặt với bao sóng gió trong cuộc đời, để đến khi nhìn lại, họ vẫn có thể tự hào về bản thân, là mình 'tàn' (phai) nhưng không (héo) 'úa'. Hình ảnh ấy theo tôi vẫn đẹp hơn rất nhiều lần so với những cánh hoa mong manh dễ bị vùi dập, rồi để viện dẫn lý do tiếc thương họ, người ta lại đổ cho "dòng đời", cho xã hội.

    Chọn lựa nào cũng sẽ là con đường gập ghềnh trắc trở, lối đi nào cũng không thể mãi trải đầy hoa hồng, chỉ xin một điều thôi những người phụ nữ của tôi ơi, hãy kiên cường mà đi đến cuối đoạn hành trình, đừng buông tay quá vội, đừng bỏ cuộc quá nhanh, bởi vì, chọn lựa lúc đầu của ta, dẫu đúng dẫu sai, cũng vẫn sẽ làm ta trưởng thành hơn, và rực rỡ hơn bao giờ hết!

    TpHCM, 11/07/2015.
    {:kem2:}
     
    lichan, teacher.anh, Cải and 3 others like this.

Chia sẻ trang này