Trà phiếm Truyện Kiều chuyển giới Đạm Tiên

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi khiconmtv, 12/8/15.

Moderators: amylee
  1. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, Hội Kiều học ở Việt Nam và NXb Trẻ vừa ấn hành quyển Truyện Kiều, ra mắt trong hội thảo quốc tế vừa tổ chức tại Hà Nội ngày 8-8 vừa qua.
    [​IMG]
    Truyện Kiều do Hội Kiều học ở Việt Nam và NXb Trẻ vừa ấn hành - Ảnh: L.Điền

    Quyển Truyện Kiều này được Hội Kiều học biên soạn dựa trên 8 bản Kiều Nôm khắc in trong khoảng từ năm 1866 đến 1896, ngoài ra còn tham khảo các bản Kiều về sau, khoảng đầu thế kỷ 20.

    Biên soạn Truyện Kiều thường là công việc gây tranh cãi và thường làm phát sinh các dị bản, bởi vấn đề truyền bản Truyện Kiều cho đến nay vẫn chưa tìm/ xác định được đâu là bản gốc của chính tác giả Nguyễn Du.

    Bản Kiều 2015 mới nhất này, được biên soạn bởi một tập thể 8 người, đủ thấy mức độ phức tạp và vất vả của công việc, nhưng rồi lại cũng gây xôn xao dư luận. Ở đây chỉ bàn hai vấn đề dễ nhận thấy.

    Thứ nhất là cách chú thích. Truyện Kiều là kho tàng kiến thức vừa bác học vừa dân gian, có chơi chữ có dụng điển, ngụ ý ẩn ý vân vân, người đương thời Nguyễn Du đã cần phải chú thích, huống hồ người đời sau, khi mức độ am hiểu các tầng mức văn hóa ngữ nghĩa văn chương mỗi lúc một cách biệt, công việc chú thích Truyện Kiều lại càng cần thiết.

    Và ở bản Kiều mới này, PGS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, đại học KHXH&NV TPHCM, có một phát hiện “cười ra nước mắt”.

    Đó là ở chú thích trang 29: từ “ca nhi” trong câu “Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi” được chú thích như sau: “Ca nhi: Tống thư có câu: “Ca nhi, vữ nữ” (con trai hát, con gái múa)”. Rõ ràng nếu chú thích như vậy, thì người đọc sẽ hiểu là ca nhi vốn nằm trong câu “ca nhi, vũ nữ”, và nghĩa của ca nhi là “con trai hát” còn nghĩa của vũ nữ là “con gái múa”.

    Mở ngoặc giải thích các chữ “ca nhi vũ nữ” như vậy là vừa bỏ sót nghĩa chữ “nhi”, vừa sai với đối tượng cần được chú thích: là “ca nhi Đạm Tiên”. Nếu hiểu ca nhi là “con trai hát”, thì tình trạng giới tính “xưa là ca nhi” của Đạm Tiên hẳn là con trai, đến nay bỗng được gọi “nàng ấy” thì khác nào đã được chuyển giới.

    Vấn đề này được một người mê Kiều tại TPHCM phàn nàn: chữ ca nhi có gì mà phải chú thích dài dòng như thế, các cụ túc Nho như Đào Duy Anh cũng chỉ chú thích giản đơn ca nhi = con hát, như thế thì ai cũng hiểu. Ý kiến này đáng quan tâm, bởi chú thích là giúp người đọc hiểu đúng, hiểu rõ những chỗ chưa hiểu hoặc hiểu chưa rõ.

    Nếu không chú ý chỗ quan yếu này, mà người làm công việc chú thích sa vào chỗ huy động những kiến thức của mình để show ra, nhiều khi lại đẩy cái phần chú thích đi xa đến mức không ăn nhập gì đến đối tượng đang cần được chú thích. Như huy động kiến thức về Tống thư để dẫn người đọc đến chỗ hiểu ca nhi Đạm Tiên là con trai, là một điển hình cho việc “đẩy xa” ấy.

    Cửa nhà Thúy Kiều "niêm phong chặt chẽ" xem ra “hiện đại hóa” quá

    Vấn đề thứ hai là cân nhắc để hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều. Nói cân nhắc là vì trước rất nhiều dị bản Truyện Kiều, cần chọn cách ứng xử cho ổn.

    Xin nêu mấy trường hợp. Ở câu 285 có cụm từ "động khóa nguồn phong" (đọc theo Đào Duy Anh - LĐ). Trong 4 chữ Nôm này có 3 chữ động, khóa, nguồn trước nay chép khác nhau giữa các bản Kiều.

    Giáo sư Đào Duy Anh trong công trình phiên âm chú giải Truyện Kiều và biên soạn Từ điển Truyện Kiều, đã có ý kiến về việc phiên âm ba chữ dị biệt trong cụm "động khóa nguồn phong" này. Theo ông, nên phiên "động khóa nguồn" mới là "đúng cách phiên chữ Nôm".

    Và GS Đào Duy Anh giải thích là: “động tỏa là cửa động khóa kín, nguồn phong là nguồn nước bọc kín, tức không có lối vào được chỗ động tiên, chỗ nguồn đào”. Như vậy, theo ý cụ Đào Duy Anh thì ở cụm từ này Nguyễn Du đã sử dụng điển tích.

    Sau Đào Duy Anh, bản hiệu chú Đoạn Trường Tân Thanh của tú tài Nguyễn Văn Anh (xuất bản 1958) có giải thích rõ hơn: điển tích ở đây là Lưu Nguyễn tái đáo Thiên Thai (Lưu Nguyễn trở lại tìm tiên).

    Nay, bản Kiều 2015 do Hội Kiều học Việt Nam soạn, chỗ câu 285 này dùng cụm từ "đồng tỏa nguyên phong", chú thích là: "khóa bằng đồng đã niêm phong chặt chẽ, giữ nguyên không thể xê dịch…".

    Cách hiểu này không mới, trước đây cụ Bùi Kỷ cũng giảng tương tự, và cụ Đào Duy Anh đã chỉ chính rằng "phiên là đồng tỏa nguyên phong mà cắt nghĩa là cái khóa đồng cứ khóa mãi, thì sai". (ảnh 2)

    Như vậy, trong tình trạng hiện nay, nếu phải biên soạn thêm một bản Truyện Kiều, cần cân nhắc chọn lựa giữa khả năng Nguyễn Du dụng điển để lột tả tâm trạng của chàng Kim si tình ngày ngày nhìn cổng nhà Thúy Kiều khép kín mà hình dung tình cảnh mình cũng giống như Lưu Nguyễn trở lại Thiên Thai đứng trước cửa động tiên đóng chặt, nguồn nước bọc kín không vào được, với cái nhìn cho rằng cửa nhà Thúy Kiều bị niêm phong chặt chẽ trước mắt Kim Trọng.

    Cái ý cửa nhà Thúy Kiều bị "niêm phong chặt chẽ" ấy xem ra nó “hiện đại hóa” quá, dễ khiến em cháu ngày nay làm văn sai lạc kiểu như: “câu tục ngữ "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" đã “cho thấy sự thông minh của loài ngựa, chúng thấy có một con bị đau là cả bọn bỏ ăn ngay, để đề phòng bệnh lây lan qua đường tiêu hoá"!

    [​IMG]
    Ý kiến của GS Đào Duy Anh về chú thích cụm từ "động khóa nguồn phong" - Ảnh: L.Điền
    Ở câu 492, bản Kiều 2015 này in là “Nhột lòng mình cũng nao nao lòng người”, với chữ “nhột” được chọn ở đây thật khó hiểu. Bởi trong các bản Kiều Nôm mà nhóm biên soạn căn cứ, chỉ có 1 bản Kiều Oánh Mậu dùng chữ “nhột”, các bản khác đều dùng chữ “dột”.

    Vấn đề là, hai chữ “dột” và “nhột” ở một số vùng miền trung đọc lẫn nhau, nhưng nghĩa hai chữ này thì khác nhau: dột là trạng thái buồn bã trong lòng; còn nhột là “cảm giác khó chịu ở da thịt bắt phải cười” (từ điển Thanh Nghị).

    Như vậy, nếu phải chọn giữa chữ dột và chữ nhột trong câu này - đang nói về cảm giác của Kim Trọng do tiếng đàn Thúy Kiều mang lại, thì hẳn phải là dột, tức là chàng Kim nói nàng đàn làm ta buồn quá. Chứ tiếng đàn Thúy Kiều mà mang lại cảm giác khó chịu ở da thịt Kim Trọng khiến phải mắc cười, thì cách hiểu âm nhạc của Hội Kiều học có phần khó hiểu.

    Tất nhiên bản Kiều 2015 này còn không ít chỗ như vậy mà muốn kê cứu ra cho kỳ hết chắc phải cần một bài khảo cứu khoa học.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    rockyou, ichono87, sannyas60 and 3 others like this.
  2. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Mấy ông rảnh quá, đi phá Truyện Kiều...:lmao:
    Ngay cái bìa sách là thấy bất mãn rồi.
     
  3. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Sáng sớm nay đọc tin này, đã định dẫn lại trên diễn đàn. Ngẫm nghĩ một lúc, lại thôi. Cảm ơn bác Khiconmtv có cùng ý tưởng.
     
  4. thomas

    thomas Lớp 8

    Không rành lắm về Kiều, nhưng đọc qua thì thấy ông tác giả cố tình giật tít gây sốc.
     
  5. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Bài viết đưa ra một thông tin cụ thể cho giới học thuật văn chương. Và nói hữu ích.

    Còn chuyện giật title cho sốc, thì đây là bổn phận của người làm báo thôi. Không có gì trách cứ. Họa chăng nếu trách cứ khi cái title ấy sốc mà còn sai xét theo ngữ nghĩa, thông tin hay về mặt đạo đức.
     
  6. kuroz

    kuroz Mầm non

    Cũng muốn mua cuốn này à nghĩ lại thôi
     
  7. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Nếu thích đọc Truyện Kiều thì chẳng cần mua mấy cuốn mới màu mè. Mình chỉ cần cuốn Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh là đủ vì có nguyên nội dung và phần từ điển để giải nghĩa khá chuẩn. Còn muốn tìm hiểu bản Nôm thì tìm thêm cuốn Truyện Kiều chữ Nôm.
    Sách mới bây giờ hình thức sáng láng nhưng nội dung nhiều khi be bét.
     
    ichono87 and kuroz like this.
  8. thomas

    thomas Lớp 8

    Đơn giản mình nghĩ là bất đồng trong cách hiểu và phiên âm Kiều, và cũng có những sai sót, những cái này trong lần tái bản tới hoàn toàn có thể sửa được. Còn tựa đề "Truyện Kiều chuyển giới Đạm Tiên" là nói quá, vì làm gì có sai sót đến mức đó. Nếu không lầm thì tiêu đề bài báo sau đó đã được sửa thành "Những sai sót trong Truyện Kiều của Hội Kiều học"!
     
  9. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Theo như bài báo viết là người giải nghĩa giải thích từ "ca nhi" có nghĩa là nam ca. Mà Đạm Tiên lại là một ca nhi, như vậy vô tình cách hiểu này khiến cho Đạm Tiên thành một nam ca chứ không phải là một người theo nghề đàn hát - một cách hiểu khác của ca nhi = con hát.

    Đây là một sai sót không thể nói là quá lớn. Nhưng cách giật title cũng mang ý khôi hài, vài giải thích cặn kẽ vấn đề trong bài viết.

    Riêng về mặt truyền thông, cái title 1 vẫn được nhiều người quan tâm hơn, vì nó gần gụi, bình dân. Còn cái title 2 thì chắc chỉ có dân trí thức, văn hóa văn học mới đọc, cơ bản là nó đã bác học rồi.

    Mình không biết có sửa hay không. Nhưng nếu có sửa, theo mình chắc hẳn là do có sự can thiệp, mà sự can thiệp đó không hẳn là từ quần chúng bình dân.
     
    ichono87 thích bài này.
  10. thomas

    thomas Lớp 8

    Bạn đã dùng từ "vô tình" tức là người làm chú thích đã không khéo, chứ không phải là họ không hiểu rõ. Chuyện "title", "giật tít" thì mình không đồng ý với bạn. Còn chuyện can thiệp sửa thì mình không hiểu sao bạn có thể suy đoán như vậy? :)
     
  11. thomas

    thomas Lớp 8

    Anyway, mình chẳng phải người của NXB nào cả, thấy thì nói thế thôi, đừng hiểu lầm!
     
    Zhiqiang thích bài này.
  12. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Việc không khéo hay không hiểu rõ, đều gây ra hậu quả là người đọc, nhất là những người trẻ hiểu sai. Nên nó cần được nói tới.

    Về chuyện suy luận thì vì có nhiều kinh nghiệm hơn về lĩnh vực này thôi.

    Còn về chuyện "title" thì đây là một góc nhìn mà mình muốn chia sẻ thôi. Hiện nay nhiều người lên án báo chí lắm. Nhưng có xu hướng vơ đũa cả nắm. Thật ra bản chất của truyền thông đôi khi người ta cũng không biết.

    Nói chung, một con sâu làm rầu nồi canh. Sâu thì vẫn đáng chửi. Nhưng dù sao canh thì vẫn cần dùng. Và dĩ nhiên, làm gì có món canh toàn sâu.
     
    ichono87 thích bài này.
  13. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Thích câu "làm gì có món canh toàn sâu". Đúng là từ bé đến giờ mình chưa từng được ăn món canh nào toàn sâu cả. Toàn sâu chỉ có món nướng. :D
     
  14. thomas

    thomas Lớp 8

    Nhà xuất bản Trẻ hiệu chỉnh sai sót trong 'Truyện Kiều' của Hội Kiều học

    Là đơn vị xuất bản "Truyện Kiều", với tinh thần cầu thị, Nhà xuất bản cho biết họ sẽ chỉnh sửa những phần lỗi trong văn bản do Hội Kiều học đưa ra.

    Cuốn Truyện Kiều 2015 kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du do Hội Kiều học Việt Nam và Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Bản thảo cuốn sách do Hội Kiều học hiệu khảo theo tám bản Truyện Kiều chữ Nôm mà họ cho là đáng tin. Sách mới chỉ phát hành phục vụ Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkquốc tế về Nguyễn Du do Viện Hàm lâm Khoa học Xã hội và UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng tổ chức hôm 8/8. Hiện ấn bản này vẫn chưa được phát hành trên thị trường.

    Ngay khi vừa ra mắt, các học giả, nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số chi tiết chưa thỏa đáng. Nổi bật trong đó là chú thích từ "ca nhi" trong câu "Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi", bằng cụm từ "con trai hát". Chú thích này khiến nhiều người suy luận giới tính của Đạm Tiên đã bị thay đổi.

    [​IMG]
    "Truyện Kiều" ấn bản do Hội Kiều học biên soạn, mới chỉ phát hành trong hội thảo về Nguyễn Du.

    Nhà xuất bản cho biết họ ấn hành Truyện Kiều theo bản thảo của các nhà nghiên cứu thuộc Hội Kiều học. Bởi thế họ đã trao đổi với Hội với tư cách là đơn vị tổ chức bản thảo để có trả lời về những điểm chưa thỏa đáng mà báo chí nêu ra. "Sau khi nhận được văn bản từ Hội Kiều học, chúng tôi sẽ xem xét, hiệu chỉnh bản in này, để phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất" - Nhà xuất bản Trẻ khẳng định.

    Ông Nguyễn Khắc Bảo - thành viên ban biên soạn Truyện Kiều - giải thích về phần chú thích từ "ca nhi". Ông thừa nhận đó là sai sót do bản thảo đã đánh máy thừa một chữ, đáng ra chỉ ghi là "con hát" thay vì "con trai hát", dẫn tới hiểu lầm Đạm Tiên là nam. "Việc sai sót về đánh máy, in ấn là điều tối kỵ, nhưng không nên vì một vài hạt sạn mà đánh giá cả bình ngọc quý ấy là sạn sỏi. Chúng tôi mong nhận được những đóng góp thực tâm của người đọc và các nhà nghiên cứu gần xa để những người biên soạn làm tốt công việc của mình", ông Bảo nói.

    Trong ba thế kỷ qua, Truyện Kiều đã được xuất bản hàng trăm bản bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Song do không sưu tầm được nguyên tác của đại thi hào Nguyễn Du, nên mỗi soạn giả lại cho ra đời một văn bản Truyện Kiều có sai khác ít nhiều về số câu và xuất nhập khá nhiều về từ ngữ.

    Lam Thu

    Nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  15. thomas

    thomas Lớp 8

    Bạn ăn sâu nướng hả? :D
     
  16. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Sâu còn có món chiên nữa. Chiên nước mắm ấy.
     
    ichono87 and Ducko like this.
  17. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Bác chưa ăn sâu nướng bao giờ à? :p
     
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này