Tuyên ngôn thứ nhất & thứ hai của chù nghĩa siêu thực

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 30/9/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    André Breton & chủ nghĩa siêu thực

    Đỗ Lai Thúy​

    Chủ nghĩa siêu thực (surréalisme) là một trào lưu nghệ thuật xuất hiện vào những năm 20 thế kỷ XX ở Pháp. Chủ nghĩa siêu thực, một mặt dựa vào triết học trực giác của Bergson, mặt khác dựa vào phân tâm học của Freud. Thậm chí, nhiều luận điểm của chủ nghĩa siêu thực ngày nay người ta thấy còn rất gần với tư tưởng Thiền.
    Chủ nghĩa siêu thực có nguồn gốc từ chủ nghĩa lãng mạn thần bí Đức, đặc biệt là Novalis, và một số nhà thơ như Lautréamont, G.Apollinaire và họa sĩ G.Chirico. Nhưng chủ nghĩa siêu thực chỉ thực sự hình thành với André Breton và các bạn của ông sau khi nhóm Dada tan rã vào năm 1924. Cũng năm này, tạp chí Cách mạng siêu thực (La Révolution surréaliste), cơ quan phát ngôn của nhóm, được thành lập. Ra đời trong môi trường văn học, nhưng chủ nghĩa siêu thực có ảnh hưởng rộng rãi đến hội họa (S. Dali, S. Miro...), điện ảnh (J. Cocteau, W. R. Benet...). Tư tưởng mỹ học của chủ nghĩa siêu thực được trình bày trong những bản Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực do nhà thơ André Breton (1896-1966) và trong những tác phẩm có tính cương lĩnh của các lý thuyết gia của nó, như L.Aragon, Ph.Soupault...
    Các nhà siêu thực kêu gọi giải phóng cái tôi khỏi “gông cùm” của lô-gích, lý trí, đạo đức và mỹ học truyền thống, bị coi là sản phẩm quái gở của nền văn minh tư sản, cản trở khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Vậy nên, theo các nhà siêu thực, hiện thực chân thực nhất, hiện thực tuyệt đối - tức siêu thực - là hiện thực bị “cầm tù” trong vô thức, cần phải được giải phóng và được thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật.
    Cơ sở phương pháp sáng tạo của chủ nghĩa siêu thực, theo A.Breton, là “sự tự động của tinh thần thuần túy nhằm mục đích thể hiện bằng lời nói, hoặc chữ viết, hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào khác sự hoạt động hiện thực của tư tưởng. Các tư tưởng được tự do bộc lộ, không phải chịu bất kỳ một sự kiểm soát nào của lý trí, hay của những thành kiến đạo đức và thẩm mỹ”. Nhà nghệ sĩ, bởi vậy, cần phải dựa vào kinh nghiệm của những biểu hiện vô thức như giấc mơ, ảo giác, sự mê sảng, hồi ức ấu thời, linh ảnh thần bí..., “nhờ vào đường nét, mảng khối, hình thể và ánh sáng, nghệ sĩ phải cố gắng thâm nhập vào phía ấy của con người, phải đạt được sự vô hạn và sự vĩnh cửu”. Hiệu quả của sự tác động thẩm mỹ của tác phẩm siêu thực dựa trên sự tuyệt đối hóa có ý thức nguyên tắc đối lập nghệ thuật. Xuất phát từ luận điểm của nhà thơ P. Reverdi cho rằng hình ảnh xuất hiện từ “sự xích lại gần nhau của những hiện thực cách xa nhau”, các nhà siêu thực xây dựng tác phẩm hoàn toàn dựa trên những thủ pháp như sự tương tự, cái nghịch lý, sự bất ngờ, sự thống nhất những cái không thể thống nhất được. Từ đó ở tác phẩm xuất hiện một bầu không khí nghệ thuật đặc biệt, có tính huyền ảo, phi lý...
    Như vậy, nổi bật lên giữa các trào lưu cách mạng trong nghệ thuật và văn chương của thế kỷ XX, chủ nghĩa siêu thực đã làm đảo lộn các giá trị trí tuệ và siêu thăng các khác biệt giữa những loại hình mỹ học. Trước hết, nó say mê những cái vượt quy củ, bất kể mực thước. Từ đó, nó thường sử dụng lối viết tự động và thủ pháp dán ghép, cũng như các kỹ xảo ngôn ngữ và hình ảnh khác.
    Trong thơ, chủ nghĩa siêu thực là hậu thân của chủ nghĩa tượng trưng, nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến những hình ảnh cô biệt, những kết hợp phi lý. Thủ lĩnh và phát ngôn nhân đầu tiên của trào lưu thơ siêu thực là André Breton. Ông sinh năm 1896 ở Orne, học Y khoa và sống đời quân ngũ, tham gia câu lạc bộ Apollinaire. Từ 1919 đến 1924, trở thành lý thuyết gia siêu thực, tác giả của ba bản Tuyên ngôn (1924; 1930; 1942). Nhân vật quan trọng thứ nhất bên cạnh Breton là nhà thơ, tiểu thuyết gia rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam, Louis Aragon. Mặc dù có vị thế quan trọng như vậy, nhưng sau Aragon lại từ bỏ chủ nghĩa siêu thực trở về với văn chương truyền thống kiểu Balzac. Những ngôi sao nổi tiếng khác như Tristan Tzara, Philippe Soupault, Jacques Prévert... Có những người theo chủ nghĩa siêu thực nhưng không hoàn toàn tuân thủ các nguyên tắc của nó, nhưng cũng rất nổi tiếng như Federico Garcia Lorca (Tây Ban Nha), Anais Nin, Henry Miller, Charles Henry Ford (Mỹ), Hugh Sykes Davies, Dylan Thomas (Anh), St.J.Perse, Paul Eluard (Pháp)...
    Trong hội họa, thủ lĩnh của phong trào là Salvador Dali (1904-1989), sau đó là René Magritte, Max Ernst và Frida Kahlo. Dali là họa sĩ Tây Ban Nha nhưng sống và hoạt động ở Pháp. Đây là một người sáng tạo đã gây ra cho khán giả sự sửng sốt vì những hình ảnh - giấc mơ của hội họa siêu thực. Những họa sĩ khác như Pablo Picasso, Marcel Duchamp, Paul Klee, André Masson, Pavel Tchelitchew... là bạn bè của chủ nghĩa siêu thực, nhưng họ lại nổi tiếng nhờ sự thử nghiệm những loại hình mới. Dường như thành một thông lệ, các họa sĩ siêu thực thích làm thơ, còn các nhà thơ thì lại thích vẽ. Điều này chứng tỏ rằng nội dung sáng tác và thủ pháp nghệ thuật của thơ và họa siêu thực rất gần gũi nhau: thi trung hữu họa, họa trung hữu thi.
    Trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, tuy không có chủ nghĩa siêu thực, nhưng bút pháp hoặc thi pháp siêu thực thì đã được các nhà thơ sử dụng và đạt được những thành công nhất định. Người ta có thể thấy được điều đó đậm nhạt ở Hàn Mặc Tử trong tập Thơ điên, ở Nguyễn Xuân Sanh trong Xuân Thu Nhã Tập, ở Nguyễn Đình Thi với những bài thơ không vần, ở Hoàng Cầm trong Về Kinh Bắc, ở thơ Ngô Kha và đặc biệt trong ca từ Trịnh Công Sơn...
    Trước đây, do có lúc quá đề cao chủ nghĩa hiện thực, như một giá trị duy nhất, nên chúng ta có phần hạ thấp chủ nghĩa siêu thực. Tệ hơn, là hiểu nhầm, hiểu không đúng nó, do thói “khinh nhi viễn chi”. Hy vọng là với việc trích dịch giới thiệu hai trong số ba Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực và bài viết về Chủ nghĩa siêu thực và hội họa của André Breton của Văn học nước ngoài lần này, bạn đọc, nhất là các nhà làm văn học, sẽ thức nhận lại chủ nghĩa siêu thực, đi sâu vào tìm hiểu nó. Bởi, tuy không còn tồn tại nữa, nhưng chủ nghĩa siêu thực là một chặng đường tự nhận thức quan trọng của văn học với những bài học lịch sử quý giá của nó. Hơn nữa, siêu thực tuy không tồn tại như một chủ nghĩa, nhưng văn học hiện đại không thể thiếu nó với tư cách là những yếu tố...
    (Bài viết trên đây là Lời giới thiệu của Đỗ Lai Thúy cho chuyên đề về Chủ nghĩa siêu thực, tạp chí Văn học nước ngoài, số 5, tháng 9-10/2004.)
    link1:Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    link2:Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    [/SIZE]
    nguồn ebook:talawas.org


    Link .prc mình convert lại từ bản trên.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    vu thien vu and tuan anh ong noi like this.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này