Ðọc tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu: tình cảm chưa theo kịp ý thức của con người

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi Song Ngư, 7/11/13.

Moderators: Cát Cát
  1. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Ðọc tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu: tình cảm chưa theo kịp ý thức của con người

    Người viết:
    Phan Cự Đệ
    Nguồn: Tổ quốc, số 9 (20.4.1955)

    Tập thơ Việt Bắc ra đời đã gây nên một phong trào tranh luận sôi nổi. Có nhiều ý kiến hoàn toàn đối lập nhau. Một số bạn đọc đâm ra hoang mang không biết nên theo ý kiến nào vì thực ra những ý kiến phê bình đều có những phần đúng của nó. Thế thì lấy tiêu chuẩn nào để định giá trị của tập thơ? Theo ý kiến tôi, muốn nhận chân được giá trị tập thơ Việt Bắc, trước hết cần phải thống nhất với nhau về một vài quan điểm phê bình đã.

    Trước hết tôi đi vào lập trường của hai bạn Hoàng Yến và Hoàng Cầm. Cả hai bạn đều đã có nhiều ý kiến thống nhất: tập thơ Việt Bắc thiếu hiện thực, ít chất sống thực tế. Ý kiến này có phần đúng. Nhưng cái khuyết điểm chung trong phương pháp phê bình của hai bạn là đã trích ra một đoạn trong bài thơ hoặc một số đoạn trong tập thơ để đi đến một kết luận chung cho toàn thể. Tách rời bộ phận khỏi toàn thể, chưa nhìn thấy toàn diện, các khía cạnh tập thơ, đó là một thiếu sót sót căn bản của hai bạn Hoàng Yến và Hoàng Cầm.

    Có thể nói tập thơ Việt Bắc đã thành công về hiện thực, về sự truyền cảm những tình cảm lành mạnh cho thời đại nhưng ở những khía cạnh nào đó nó chưa đạt được mà thôi. Trong con người của thi sĩ có thể còn những tình cảm lạc điệu chưa theo kịp cái ý thức tiến bộ. Mới nghe qua thì có vẻ mâu thuẫn nhưng thật ra thì thống nhất. Con người mới chúng ta đang đập tan những rác rưởi của xã hội cũ để xây dựng một con người mới hoàn toàn. Trong quá trình trưởng thành của nó, tất nhiên còn có những bước chập chững, nhưng cái hướng vẫn là hướng đi lên, cái bước đi vẫn là bước đi của con người mới.

    Phê bình bài “Bao giờ hết giặc” của thi sĩ Tố Hữu, anh Hoàng Cầm cho là “cả bài, câu nào cũng đìu hiu vắng vẻ”. Bà mẹ thương con một cách “thương tâm, não ruột”. Người bộ đội trong thơ hiện lên bé bỏng, đáng thương. Những tình cảm, những con người không phải là chất sống thực của thời đại.

    Nhưng tại sao anh Hoàng Cầm không nhắc đến bà mẹ, anh bộ đội trong bài “Bà mẹ Việt Bắc”, trong bài “Bầm”. Bà mẹ và anh bộ đội trong những bài thơ này đẹp đẽ và lành mạnh biết bao! Chính Hoàng Yến đã phải công nhận rằng trong những bài thơ này “còn có nhiều tác dụng góp vào việc nâng cao ý chí chiến đấu không ngừng, không mỏi của người chiến sĩ quân nhân cách mạng”. Ðã có tác dụng như thế thì tất nhiên là thơ phải hiện thực, phải có chất sống rồi chứ gì nữa.

    Cho nên phải nhìn cho được toàn bộ các khía cạnh của tập thơ. Không thể căn cứ vào một số ít những tình cảm lạc điệu, những nét thiếu hiện thực để đi đến kết luận rằng tập thơ Việt Bắc thiếu hiện thực, “tác giả tổng kết sự việc trên tài liệu” hoặc tập thơ ít chất sống, giống như “một vại nước to đầy tràn, pha loãng một màu sữa”, “mới nghe thì hay, nghe nhiều lần thì chán”.

    Cũng vì những quan niệm phê bình thiên lệch ở trên mà bạn Vũ Ðức Phúc đã phê bình bạn Hoàng Yến là chưa nắm vững vấn đề hiện thực.

    Nhưng trong khi phê bình Hoàng Yến, bạn Phúc cũng đã có những cái nhìn quá đơn giản về con người của thi sĩ. Phê bình bài “Bắn” của Tố Hữu, Hoàng Yến viết: “…Ngay đoạn tác giả gợi căm thù cũng rất chung chung, đại khái, không sôi sục được lòng người đọc. Có thể nói tác giả đã nói đúng và đủ. Nhưng chất thơ không phải ở chỗ đúng và đủ. Ðặc tính của thơ là nói ít mà gợi nhiều, nói hiện tại mà ấp ủ tương lai. Có thể nói “tác giả đã tổng kết các việc trên tài liệu…” Về điểm này bạn Vũ Ðức Phúc hoàn toàn không đồng ý; bạn cho rằng: “Một người đã vào sinh ra tử bao nhiêu năm trời, nếm đủ mọi mùi tàn ác của đế quốc, chứng kiến bao nhiêu cảnh dã man của chúng gây ra, một người như Tố Hữu phải đâu là người không cảm thông được nỗi căm hờn giặc, dù chỉ là nghe chuyện mà hình dung ra sự việc. Một người như vậy nếu ta kết luận là “tổng kết sự việc trên tài liệu” thì cũng nên suy nghĩ một chút!”

    Tôi chỉ đồng ý phần trên của bạn Phúc. Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng đã trưởng thành trong lao tù, trong khói lửa kháng chiến. Quần chúng, Ðảng đã giáo dục cho thi sĩ một lập trường vững chắc, một ý thức căm thù địch sâu sắc. Bản thân thi sĩ đã nhiều lần chứng kiến những cảnh đau thương tang tóc của đồng bào. Nhưng có ý thức căm thù chưa phải là đã có ngay tình cảm căm thù đúng mức. Ý thức chỉ giúp đỡ cho cảm xúc nếu là ý thức tiến bộ – chứ không quyết định được cảm xúc của thi sĩ.

    Trong một con người thi sĩ, có lúc tình cảm tiến bộ vượt xa hẳn ý thức lạc hậu của thi sĩ nhưng cũng có lúc ý thức đã tiến bộ mà tình cảm vẫn lẽo đẽo theo sau. Ðó là một hiện tượng thường xảy ra trong lĩnh vực văn học, ở Việt Nam và ngay cả thế giới. Ở trường hợp thi sĩ Tố Hữu, không phải tình cảm hoàn toàn chưa theo kịp ý thức, nhưng một đôi khi nó đã không theo kịp con người ý thức tiến bộ của thi sĩ. Phần sau đây tôi muốn nói đến những điểm “chưa ăn khớp” đó trong tập thơ Việt Bắc.

    Một trong những nhận xét của nhiều người là trong tập thơ Việt Bắc, đôi lúc toát ra những cảm giác buồn, ngậm ngùi, xa vắng. Rõ nhất là trong bài “Bao giờ hết giặc”. Trong lúc “Bà mẹ Việt Bắc” rất tiến bộ, lành mạnh thì ở đây tác giả vẽ lên hình ảnh của một bà mẹ, một đêm về cuối năm, nằm không ngủ được, ngong ngóng trông con về:

    Từ ngày nó bước ra đi
    Nó đi giải phóng đến khi nào về
    Bao giờ hết giặc về quê?
    Ðêm đêm bà bủ nằm mê khấn thầm​

    Cái tin tưởng ở đây của bà mẹ mong manh lắm. Giữa cảnh “mưa đêm… gió núi ù ù” bà thương con xa nhà vất vả. Hình ảnh người bộ đội hiện lên nhỏ bé, tội nghiệp.

    Nó đi đánh giặc đêm này
    Bước run bước ngã bước lầy bước trơn
    Nhà còn ổ chuối lửa rơm
    Nó đi đánh giặc đêm hôm sưởi gì?​

    Nỗi lo một lúc một “bời bời” làm bà cụ ruột gan bồn chồn cho đến sáng gà gáy. Tình thương của bà mẹ đối với chiến sĩ là một tình thương yếu ớt tiêu cực. Nó làm cho người chiến sĩ ủy mị nhụt chí lớn. Trong thực tế kháng chiến, có thể có một thiểu số những bà mẹ như vậy nhưng không phải là những hình ảnh điển hình của những bà mẹ thời đại. Bổn phận thi sĩ là phải ghi lấy những tình cảm thực nhưng đi lên của thời đại. Có thế thì mới có tác dụng giáo dục người đọc làm cho họ yêu thương căm thù lành mạnh hơn.

    Bước sang một bài khác, bài “Tình cá nước”, chúng ta cũng thấy bà mẹ ở đây hiện lên với một niềm tin tiêu cực nếu không phải là tuyệt vọng, giữa cảnh hai người cán bộ và bộ đội gặp nhau trên lưng đèo, nói chuyện đánh giặc thắng trận “cười ha hả” thì tiếng ru con từ một xóm tre xanh xa xôi vẳng lại buồn buồn:

    Cháu ơi cháu lớn với bà
    Bố mày đi đánh giặc xa chưa về
    Cháu ngoan cháu ngủ đi nhe
    Mẹ mày ra chợ bán chè bán rau
    Bố mày đánh giặc còn lâu
    Mẹ mày cày cấy ruộng sâu tối ngày.​

    Ðành rằng bà mẹ ru như thế để yên lòng cháu nhỏ nhưng ở đây lời thơ ngậm ngùi, lặng lẽ tan rã, nó nói lên một cái gì thiếu tin tưởng trong tâm hồn bà mẹ chiến sĩ ấy.

    Cái tình cảm buồn, ngậm ngùi lạc điệu ấy còn trà trộn trong một vài đoạn thơ của bài “Việt Bắc”, ở đây phải nói rằng cái dụng ý của tác giả là một dụng ý tốt. Sau 15 năm sống với núi rừng Việt Bắc thân yêu, tác giả muốn rằng ngày về thủ đô, người cán bộ sẽ không bao giờ quên được căn cứ địa thần thánh đó của cách mạng. Người cán bộ sẽ nhớ mãi Việt Bắc để giữ đúng tác phong giản dị, khắc khổ, “trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền“. Và trong ý thức tác giả, giữa núi rừng Việt Bắc và thủ đô chẳng có gì là cách biệt mà “nước non đâu cũng là ta với mình“. Thủ đô được giải phóng tức là Việt Bắc cũng “tưng bừng thêm vui“.

    Ý thức của thi sĩ là thế. Nhưng cái không khí chia tay trong bài thơ lại có vẻ ngậm ngùi ly biệt:

    Tiếng ai tha thiết bên cồn
    Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
    Áo chàm đưa buổi phân ly
    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay​

    Người ở lại nghẹn ngào, lưu luyến người đi:

    Mình về rừng núi nhớ ai
    Trám bùi để rụng măng non để già [1]
    Mình đi có nhớ những nhà
    Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son​

    Cũng như Hoàng Yến, tôi thấy Việt Bắc ở lại có vẻ heo hút, đìu hiu quá! Những câu thơ buồn buồn, tình cảm đi xuống, chết chóc. Nó gợi lên một cái gì khiên cưỡng trong lòng người đọc. Nó là những cung đàn lạc điệu trong một bản hợp xướng thủy chung và thắm thiết.

    Trở lên trên là những cái lạc điệu trong tình yêu của thi sĩ. Vậy những lúc căm giận quân thù, thơ Tố Hữu như thế nào? Chúng ta cũng phải nói rằng ở một đôi bài, lòng căm thù giặc đó chưa đạt đúng mức. Rõ rệt nhất là trong bài “Bắn”. Người pháo binh ngồi ở “trên đầu chúng nó”; nòng đại bác chĩa xuống khoanh đồi đỏ trong đó bọn giặc lúc nhúc đang cười nói. Ðến giờ phút này mà chúng nó còn cười? Bao nhiêu hình ảnh đau thương, căm thù hiện ra rõ rệt trước mắt người chiến sĩ:

    Bao nhiêu đồng chí của ta bay đã giết
    Chặt đầu cắm cọc phơi khô
    Chị em ta bay căng thịt lõa lồ
    Con em ta bay quẳng chân vào lửa
    Lúa ngô ta bay cướp về cho ngựa
    Xóm làng ta bay đốt cháy tan hoang​

    Sự việc đầy đủ, nhưng chưa phải là lòng căm thù phẫn nộ. Lời thơ có vẻ kể lể, giống như một bản cáo trạng của quan tòa trước tội nhân. Người đọc vẫn chưa xúc động, chưa căm giận nghẹn ngào. Vấn đề không phải là kể nhiều mà phải là những sự kiện điển hình tự nó toát lên căm thù. Tôi đã đọc một bài thơ của Nông Quốc Chấn. Tác giả cũng kể lại những đau thương tang tóc trước ngày Cao Bắc Lạng giải phóng, nhưng ở đây thi sĩ chỉ đem ra một sự kiện, song xúc cảm người đọc rất nhiều. Trong một trận lùng, người cha bị giặc bắt và bị bắn ngã gục. Nhà thơ nghẹn ngào khóc lên:

    - Cha ơi! Cha không biết nói nữa rồi
    Chúng con còn thơ ai dạy ai nuôi
    Không ai chống gậy khi bà cụ qua đời
    Mẹ ngồi khóc, con cúi đầu cũng khóc​

    Nhưng không phải là cái khóc suông. Người trong thơ vẫn đứng lên:

    Con cởi áo liệm thân cho bố
    Máu đầy tay, nước tràn đầy mặt
    Mày sẽ chết! Thằng giặc Pháp hung tàn
    Băm xương thịt mày tan mới hả​

    Lòng căm thù bốc lên, cần phải hành động để trả thù cho người đã chết. Những vần thơ trên của Tố Hữu chưa đạt đến mức độ căm thù đó.

    Trong thơ của thi sĩ, cái yêu nhiều hơn cái ghét. Ai cũng phải nhận thấy rằng khi nói đến tình yêu quê hương, yêu bộ đội, nhân dân, lãnh tụ, v.v… lời thơ Tố Hữu có vẻ mến thương tha thiết lạ lùng. Ðọc thơ Tố Hữu người ta thấy tâm hồn mình trở nên ấm cúng, thân mật. Ngay đến cả thiên nhiên cũng có một mối tình đùm bọc đối với con người:

    Núi giăng thành lũy sắt dày
    Rừng che bộ đội rừng vây quân thù​

    Nhưng khi nói đến cái khía cạnh căm giận đau xót thì ở thơ Tố Hữu còn thiếu và đôi khi chưa đạt được. Nó chưa phải là cái căm giận nghẹn ngào, cái đanh đá quyết liệt của người nông dân đứng trước quân thù, và tôi lấy làm lạ rằng tại sao trong thơ Tố Hữu vắng hẳn cái căm thù chứa chất hàng ngàn đời của người nông dân đối với bọn địa chủ phong kiến tàn ác? Có phải là nhà thơ không nhìn thấy những căm thù, tang tóc, mất mát trong kháng chiến không? Không, hơn ai hết, thi sĩ biết rất rõ những mối thù ấy. Ngày từ giã Việt Bắc về thủ đô, nhà thơ không phải chỉ nhớ đến “hoa mơ trắng rừng“, “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” mà tác giả còn nhớ rất rõ cái “mối thù nặng vai“. Trong bài “Gửi về quê mẹ” thi sĩ xót xa với mối thù đó:

    Giặc về giặc chiếm đau xương máu
    Ðau cả lòng sông đau cỏ cây…​

    Thấy rõ những mối thù nhưng vẫn chưa nói lên đầy đủ và đúng mức những mối thù ấy, đó là cái tình trạng đôi khi “tình cảm đã không theo kịp ý thức tiến bộ” của con người thi sĩ.

    Thơ của Tố Hữu đã nói lên được lòng yêu thương tha thiết đối với quê hương đất nước, đồng bào, lãnh tụ, v.v… của chúng ta. Thơ của Tố Hữu là một niềm tin tưởng lạc quan cách mạng. Cái “ta” trong thơ càng ngày càng lớn mạnh, cái “địch” càng ngày càng suy yếu và “ta” hơn hẳn “địch”. Con người trong thơ tin tưởng vào bản thân mình và thấy rõ tương lai tươi sáng của dân tộc và nhân loại. Ðó là chủ nghĩa nhân văn mới trong thơ. Cũng chính vì có một nội dung phong phú như thế nên thơ của Tố Hữu đã nhóm trong lòng mọi người những ngọn lửa cổ võ chúng ta đứng lên chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Hồ Chủ tịch. Ðứng về phương diện nghệ thuật mà nói “thì những thành công đó chính là những thành công của chủ nghĩa hiện thực cách mạng, của chủ nghĩa nhân đạo cách mạng trong thơ”.

    Ðó là những thành công căn bản mà các anh Xuân Trường, Xuân Diệu đã giới thiệu với bạn đọc trên mặt báo. Bên cạnh những thành công căn bản đó chúng ta thấy rằng tình cảm trong thơ có lúc còn buồn, ngậm ngùi, xa vắng, cái căm giận đau xót còn nhẹ nhàng, chưa sâu sắc và đầy đủ. Ðó là một hiện tượng “chưa ăn khớp” hoàn toàn giữa tình cảm và ý thức của thi sĩ.

    San bằng được cái “chưa ăn khớp” hoàn toàn giữa tình cảm và ý thức ở trên là nhiệm vụ chủ yếu của quần chúng phải bồi dưỡng cho nhà thơ.

    [HR][/HR]Chú thích:

    [1]Chỗ này tác giả trích thơ thiếu chính xác; thực ra lời trong bài thơ Tố Hữu là “măng mai”, không phải “măng non” (NST).



     
    Chỉnh sửa cuối: 7/11/13
    123phat, ichono87 and HanquocdinhNT like this.
  2. lichan

    lichan Lớp 12

    Tố Hữu : Thơ với Thời Đại của mình

    Những sự kiện lịch sử từ khi thành lập Ðảng, cho đến ngày đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Tố Hữu không chỉ là người chứng kiến, mà còn là người tham gia ở nơi đầu sóng. Kể từ khi nhận ra “mặt trời chân lý” cho đến những năm tháng cuối cùng của đời mình, Tố Hữu bao giờ cũng ở giữa dòng chảy xiết của những sự kiện của cuộc sống chung quanh mình. Thơ Tố Hữu vì vậy, là tiếng hát của trái tim hòa trong trạng thái tinh thần của những sự kiện đó. Những thành tựu xuất sắc mà ông có được cũng từ mối quan hệ gắn bó giữa tình cảm riêng và chung, giữa thơ và sự nghiệp cách mạng mà thời đại yêu cầu.
    Thời đại mà Tố Hữu trải qua là cuộc chiến đấu quyết liệt, dài lâu để giành lại nền độc lập, tự do của dân tộc. Nhà thơ trong thời đại ấy trước hết phải là một công dân, cũng là một chiến sĩ. Trách nhiệm công dân, trách nhiệm người chiến sĩ buộc nhà thơ phải sáng tác để phục vụ tốt nhất cho mục tiêu của cuộc chiến đấu trước mắt. Nhà thơ cũng phải biết xung phong, cho nên thường khi phải viết những dòng thơ lửa cháy, gác lại những dòng thơ tươi xanh, như có lần Tố Hữu tâm sự. Thơ Tố Hữu thường cổ vũ, động viên, tuyên truyền, thường ngợi ca, biểu dương, thường biểu hiện lòng căm thù một cách trực tiếp. Ðó chính là dấu ấn thời đại không chỉ có trong thơ Tố Hữu, nhưng đậm nhất trong thơ Tố Hữu.
    Từ rất sớm, lúc còn rất trẻ, Tố Hữu đã nguyện 'là con của vạn nhà'. Có thể xem đây là một quyết định hết sức quan trọng để làm nên nhân cách, để hình thành phẩm chất của thơ ông. Một khi tự nguyện là con của vạn nhà, nghĩa là tự nguyện gắn bó với nhân dân, với dân tộc, có nghĩa là đưa tất cả những tài năng, tâm huyết, sức lực phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của toàn dân, mặc nhiên thơ Tố Hữu trở thành một bộ phận không thể tách rời với cách mạng và vì thế không thể tách rời với thời đại mình.
    Từ ấy là tiếng hát của một người trẻ tuổi tìm ra chân lý, vượt qua gông cùm, đến với cách mạng. Việt Bắc là tiếng hát ân tình, lời ca vui khi dân tộc đánh thắng thực dân Pháp sau gần 100 năm bị đô hộ. Gió lộng là niềm tin yêu trước cuộc đời mới. Ra trận, Máu và hoa là khúc ca bi tráng của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Một tiếng đờn và Ta với ta là tâm tình sâu lắng trở về cõi lòng mình sau những năm tháng đã đi qua của cuộc đời.
    Thời gian và thời cuộc đổ bóng trong thơ Tố Hữu. Thơ ông hiện diện hầu như trong tất cả các sự kiện trọng đại của dân tộc và bao giờ cũng hiện diện trong tư thế của lời ca reo vui. Hoài Thanh có lần nói: Thơ Tố Hữu là tiếng ca trong ngày hội. Thế kỷ 20, từ khi có Ðảng có thể xem là ngày hội lớn của dân tộc, ngày hội đi giành chính quyền, ngày hội đi giải phóng, ngày hội đi thực hiện thống nhất non sông... Trong những ngày hội lớn ấy có nước mắt và niềm vui, có cả máu và hoa, có cả chia ly và đoàn tụ... Trong thơ Tố Hữu có đủ súng, gươm, trống, kèn, hoa, cờ, khẩu hiệu, tiếng ca, tiếng hát, câu hò, bước chân,... khắp mọi ngả đường đất nước giữa những ngày hội lớn ấy. Khó có thể tìm được nỗi buồn vô cớ, những phút giây ngồi lặng hoặc thơ thẩn trong thơ ông. Trong bầu không khí sục sôi của cách mạng, của cuộc chiến đấu, hình như không có chỗ cho những biểu hiện có vẻ riêng tư như vậy. Ðấy là nói chung, rồi chúng ta cũng sẽ thấy trong những tập thơ cuối của Tố Hữu có những giây phút cô đơn, có những nỗi buồn mang tính thời đại, hình như không ai có thể thoát khỏi, nếu như đó là những người ưu thời mẫn thế, nếu như đó là những nghệ sĩ, những người có trái tim luôn rung cảm sâu sắc trước cuộc đời.
    Gắn bó với cách mạng, thơ Tố Hữu cũng là một phần của cách mạng. Có thể nói, thơ ông đi vào lòng quần chúng một cách vừa tự nguyện, vừa sâu rộng, vừa lâu bền mà không một nhà thơ hiện đại nào có được. Thơ ông được ngâm ngợi như lời tự hát trong trái tim của mọi người, đến và ở lại đấy, rồi tự biến hóa, tự sinh sôi, tự chuyển hóa thành vật chất, tự biến thành hành động, tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp những yêu cầu của cuộc sống. Thơ ông trên đường ra trận, trong ba-lô của người chiến sĩ, trên những vách đá của Trường Sơn; thơ ông xuống hầm lò với người thợ mỏ; thơ ông có mặt trên giảng đường các trường đại học, trong lời ru con của các bà mẹ... 'Là con của vạn nhà', thơ của người con ấy trở thành tiếng hát của mọi nhà. Có lần trả lời câu hỏi của một bạn đọc, Tố Hữu nói rằng thơ của ông ít chất triết học, ít chất triết lý, thơ ông chỉ là củ khoai, hạt lúa... Một lối nói khiêm tốn nhưng đằng sau đó là cả một quan niệm đưa thơ đến gần với đời sống, biến thơ thành lời ăn tiếng nói của nhân dân lao động. Thơ lục bát của Tố Hữu gần với ca dao, gần với Truyện Kiều có lẽ là vì thế. Trong thơ Tố Hữu nhân dân lao động cũng hiện lên thật bình dị. Là bà bủ nằm ổ chuối khô, bà má, o du kích, anh vệ quốc, chị lao công, chú bé liên lạc, người chăn bò... Kể cả khi viết về lãnh tụ, Tố Hữu cũng luôn luôn tìm cách nói những điều vĩ đại bằng những ngôn từ bình dị. Nhà thơ đưa những câu chuyện bình dị của những người bình dị kể với những người bình dị. Một vẻ đẹp giản dị, dễ hiểu, nhưng không kém phần trữ tình, lãng mạn. Ngay cả những bài thơ hô hào, kêu gọi cũng toát lên sự bình dị. Một lối đi vào lòng người thấm thía, tưởng không có gì tốt hơn nếu để tuyên truyền cách mạng. Bình dị, đó chính là ngôn ngữ nghệ thuật của thời đại cách mạng vô sản, là hình thức nghệ thuật của tiếng nói thời đại. Như vậy, từ rất sớm và suốt trong cuộc đời làm thơ, Tố Hữu đã rất có ý thức gắn bó với nhân dân và thời đại của mình bằng một phương tiện kỳ diệu bậc nhất của tình cảm, của tâm hồn, đó là thơ và đặc biệt là lối thơ bình dị. Tố Hữu làm cách mạng và làm cách mạng bằng thơ. Ông biến thơ thành phương tiện truyền đạt tư tưởng của cách mạng, những tư tưởng ấy là lời của trái tim đến với trái tim, là lời của tâm hồn đến với những tâm hồn đồng điệu. Không có gì cầu kỳ, rắc rối, không có kiểu làm dáng hiện đại, đánh đố người đọc. Dễ hiểu vì sao thơ Tố Hữu có sức lay động mạnh mẽ như vậy đối với số đông quần chúng .
    Sinh năm 1920 và mất năm 2002. Ðọc lại ông, có thể nhận ra những bước đi của năm tháng, đặc biệt là những vui buồn gắn với những năm tháng ấy qua tâm hồn ông. Ðầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, Liên Xô và hệ thống các nước XHCN Ðông Âu sụp đổ, nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người trong đó có nhà thơ. Sự kiện có thể được xem là long trời lở đất ấy diễn ra lúc nhà thơ đã cao tuổi. Nỗi buồn lớn lao cộng với những chiêm nghiệm sâu sắc về nhân tình thế thái gần suốt cuộc đời, nhìn chung thơ Tố Hữu thu chiều cao của gam giọng lại, trở về giọng trầm, thu chiều cao của không gian lại, đi sâu vào cõi lòng mình: Có khổ đau nào đau khổ hơn - Trái tim tự xát muối cô đơn - Em ơi nghe đó trong đêm lạnh - Ðằm thắm bên em một tiếng đờn, và: Mới bình minh đó đã hoàng hôn - Ðang nụ cười tươi bỗng lệ tuôn - Ðời thường sớm nắng chiều mưa vậy - Khuấy động lòng ta biết mấy buồn. Ðây là những nỗi buồn, những nỗi cô đơn cá nhân mang tính thời đại, là nỗi buồn của con người, con của mọi nhà, nỗi buồn không phải của riêng ai!
    Ai đó nói rằng những bài thơ hay luôn có cách để tìm được nơi lưu trú trong trái tim con người. Kinh thi vẫn được khôi phục lại bằng trí nhớ của nhân dân cho dù Tần Thủy Hoàng bao lần tìm cách thiêu chúng trong lửa. Truyện Kiều vẫn được nhân dân thuộc lòng và có thể đọc ngược từ câu cuối đến câu đầu. Ca dao dân ca vẫn nằm lòng từ ngàn đời trong trí nhớ của cả những người không biết chữ... Trong chừng mực nào đó, nếu trong muôn một, văn bản thơ Tố Hữu bị biến mất, có thể những người cùng thời với ông sẽ tìm cách khôi phục lại từ trí nhớ của họ một cách không đến nỗi khó khăn lắm. Bài viết nhỏ này không trích dẫn nhiều thơ Tố Hữu cũng là vì những câu trích ấy có thể đang nằm trong trí nhớ của mọi người. Ðương nhiên nói như vậy không có nghĩa thơ Tố Hữu là toàn bích. Cũng như thơ của bất cứ nhà thơ nào khác, thơ Tố Hữu cũng đang chịu sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian. Thời gian sẽ vượt qua những gì không phù hợp và biết cách giữ lại những gì đã làm xúc động sâu sắc trái tim mỗi con người.
    Lê Thành Nghị.
    (trích báo Nhân Dân 07/11/2003)

    Riêng đối với bản thân mình ,thì Ta Đi Tới và Từ Ấy là hai bài thơ mình thích nhất trong tất cả các thơ của Tố Hữu . Và trong nhận định của mình thì Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc _ nhà thơ cách mạng trữ tình. Thơ của ông là tiếng lòng của người dân trong một đất nước đang chiến tranh ,là vũ khí sắc bén để chiến đấu , là lý tưởng , cũng là những lời thương ,lời nhớ của tình yêu trong thời loạn lạc - tình yêu của người mẹ , người cha , người con, của đôi lứa , của nước non. Rất mạnh mẽ ,nhưng cũng rất đậm đà ,da diết.
     
    123phat and ichono87 like this.
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này