BẢO-VẬT TRIỀU NGUYỄN 阮朝保物 Sơn Nam Tử : 「Với vị thế một tân đế quốc xuất hiện tại miền Nam Trung Hoa, ngay từ đầu, triều Nguyễn (阮朝) đã tự xem mình là thực thể kế thừa chính thống các di sản của triều đình Đại Minh (chứ không phải triều Lê trung hưng hay quốc gia Champa), tương tự động thái cùng thời ở Triều Tiên, Nhật Bản, Lưu Cầu. Và mặc dù dâng biểu xin triều Thanh ban quốc danh Việt Nam (越南), song đối với các lân bang nhỏ hơn thì triều Nguyễn tự gọi lãnh thổ của mình là Trung Quốc (中國) và xem triều đình Đại Thanh chỉ là man di (điều này chỉ được cởi bỏ một phần khi áp lực của trào lưu thực dân Tây Âu buộc triều Nguyễn phải xin Đại Thanh yểm trợ). Mọi lễ nghi, vật dụng trong sinh hoạt cung đình Nguyễn là sự cố gắng mô phỏng văn hóa cung đình Minh - Thanh kết hợp với óc sáng tạo tài hoa của các nghệ nhân.」 Thần Phong : 「Bác Sơn Nam Tử chú vậy chưa đúng rồi ! Văn vật thì mô phỏng chủ yếu phong cách Thanh thôi, còn về trang phục và âm nhạc cho đến lễ nghi cung đình thì triều Lê đích thực mô phỏng sự hiện diện của phong cách Đại Minh hơn triều Nguyễn mấy lần, đã được chứng thực qua các sử sách như "Đại Việt sử ký toàn thư", "Lịch triều hiến chương loại chí", "Kiến văn tiểu lục"... và lại do hiện diện cùng thời. Đặc biệt là trang phục cung đình và kiến trúc ở thời Lê sơ. "Nam sử tư ký" (南史私記) viết thời Lê trung hưng, mục Chân Tông Thuận hoàng đế (真宗順皇帝) cho biết : "Thanh Thế Tổ lên ngôi, đặt niên hiệu Thuận Trị, thống nhất thiên hạ, thay đổi y phục Trung Châu... Nước Nam ta y phục vẫn như xưa. Sau này, sứ nước ta đến Yên Kinh, phụ lão Trung Châu thấy y phục của sứ ta đều rơi nước mắt". Thêm nữa, đó gọi là kế thừa văn minh Hoa Hạ chung chung, chứ không phải là nói "kế thừa văn hóa Đại Minh", tương tự, Nhật Bản không phải là kế thừa văn hóa Đại Minh (quá rõ ràng), mà họ tự nhận là kế thừa văn hóa Hán chính thống hơn man di Đại Thanh, mà "Hán" thì có mấy loại, Hán - Đường - Tống - Minh, chứ đâu riêng gì Đại Minh ? Các sứ thần Triều Tiên khi gặp sứ thần Lê trung hưng dễ nhận ra sự tương đồng và đều được lưu trong các cuốn ký sự của họ, điều mà họ ít nhận ra khi gặp các sứ nhà Nguyễn hồi thế kỷ XIX sau này. 」
Long kiệu. Bàn trà. Bảo tọa của hậu phi. Bảo tọa của hoàng thái tử. Tranh gương, chép ngự chế thi (御製詩) của Thiệu Trị đế. Hòm đựng sách vở vua viết (御書 / ngự thư). Sách phong tài nhân thời Tự Đức. Mao tiết. 【Vân-trai Trần-quang-Đức】
Triện ngà của Tự Đức đế : 1. Tự Đức ngự lãm chi bảo [嗣德御覽之寶]. 2. Độc thư bất cầu thậm giải (讀書不求甚解 / Đọc sách không cần giải thích đến tận cùng). Hộp đựng gối mây. Hộp đựng son phấn. Bình vôi, ống nhổ, hộp đựng trầu bằng bạc. Bộ trò chơi xăm hường. Kiếm bạc. Hòm đựng quần áo của hậu phi. Kim chi ngọc diệp (金枝玉葉). Phụng bào của hoàng hậu. Long bào của hoàng thái tử. Hài của hoàng hậu. 【Vân-trai Trần-quang-Đức】
Rồng vàng trên mũ Cửu long thông thiên (九龍通天冠) của Khải Định đế. Kim ấn "Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo" (大越國阮主永鎮之寶), Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo (永盛五年十二月初六日造), 1710. Kim ấn "Quốc gia tín bảo" (國家信寶). Ấm vàng. Chậu vàng, đúc năm Duy Tân thứ 5 (1911). 【Vân-trai Trần-quang-Đức】
NGỰ-BÚT CHU-PHÊ CỦA HOÀNG-ĐẾ TRIỀU NGUYỄN "Chu phê" (朱批) - âm Huế là "châu phê" - được hiểu nôm na "lời phê bình bằng mực đỏ sẫm" [của thượng cấp dành cho hạ cấp]. Quán lệ này thịnh hành tại Á Đông từ lâu, cho đến giờ vẫn có thể được nhận diện trong sinh hoạt thường nhật - mà rõ nhất là học đường. Trong không gian tri thức lịch sử, ngự bút chu phê là dẫn liệu quan trọng nhất để lớp hậu sinh biết được văn phong và khẩu khí của các cá nhân thuộc giới tinh anh từng thời, vả chăng, nét chữ còn là nét người vậy. Trần Quang Đức : 「Phong khí chữ nghĩa càng về sau càng kém, nhất là từ thời vua Đồng Khánh trở đi. Trong sự so sánh với các vua trước thì rõ ràng khi viết chu phê, các vua đời sau viết không được "đẹp" bằng các vua trước. Nhưng cần lưu ý, một số hoành phi của vua Khải Định viết rất oách !」 Nam Long : 「Chu phê chữ Thảo của Gia Long, chữ Hành - chữ Thảo của Minh Mệnh đẹp ! Nhìn qua các đời vua mới thấy là xấu dần đều.」 Nguyễn Ngọc Thanh : 「Vua là những người được đào tạo, dạy dỗ một cách bài bản. Vì vậy, chữ vua xấu - văn không hay, lại càng phải mang ra bàn luận và phê bình, các anh nhỉ ?」
Gia Long đế (嘉隆帝, 1762 - 1820). Minh Mệnh đế (明命帝, 1791 - 1841). Thiệu Trị đế (紹治帝, 1807 - 1847). Tự Đức đế (嗣德帝, 1829 - 1883). Đồng Khánh đế (同慶帝, 1864 - 1889). Thành Thái đế (成泰帝, 1879 - 1954). Duy Tân đế (維新帝, 1900 - 1945). Ngài biết chu phê từ khi 8 tuổi. Khải Định đế (啓定帝, 1885 - 1925). Bảo Đại đế (保大帝, 1913 - 1997). Chữ Hán của ngài kém nhất, nhưng bù lại, ngài có thể phê bằng Pháp văn và quốc ngữ văn. 【Vân-trai Trần-quang-Đức】
TƯ LIỆU MỚI VỀ MỐI GIAO THIỆP ĐẠI THANH - TÂY SƠN Tờ tấu Phúc Khang An trình Càn Long cấp cáo tình hình quân Thanh trước sự tấn công của Quang Trung vào dịp Tết Kỷ Dậu năm 1789, hiện lưu giữ tại Sở hồ sơ lịch sử số 1 Trung Quốc : "Thần Phúc Khang An quỳ tâu [..] Ngày mồng 9 […] Tôn Sĩ Nghị gửi thư nói : Mấy hôm mồng 2, mồng 3 tháng Giêng, giặc Nguyễn [Huệ] An Nam lại họp quân tới quấy nhiễu Đề đốc Hứa Thế Hanh và hiệp tướng các trấn ; mấy ngàn quân Lưỡng Quảng chia đường tới chống chọi vẫn chưa có tung tích. Mẹ con Lê Duy Kỳ đã lẩn trốn. Tôn Sĩ Nghị dẫn quan quân phá vòng vây chạy thoát. Mầy lời này thần đọc xong thấy hết sức lạ lùng. Giặc Nguyễn An Nam lại cậy đông lừa chúa, kháng cự quân trời […] xin hạ chỉ dụ cho Tôn Sĩ Nghị rút quân về ải […]. Ngày mồng 10 tháng 2 năm Càn Long thứ 54 (1789)". Càn Long chu phê : "Đoán khanh ắt dâng tấu này, [trẫm] sớm hạ lệnh rồi. Còn như cách thức xử trí cũng đã sớm có chỉ dụ. Trẫm thấy An Nam lại [hóa ra] giống Miến Điện […]". Trước đó, Càn Long từng tỏ ra rất "yêu quý", đối đãi đặc biệt với Quang Trung. Sau này, Gia Khánh chửi Quang Trung rằng : "Nguyễn Quang Bình đội ơn lớn của cha ta, mà lại táng tận lương tâm, coi khinh đạo lý đến vậy, thật không phải giống người. Nay nghe nói chiếu ngụy của nước ấy có những câu như coi thiên hạ là một nhà, bốn bể như một người, đúng là tự cao tự đại". (Triều Tiên) Loan Dương lục chép : "Nguyễn Quang Bình, xưa tên Huệ, dòng dõi thế tộc ở An Nam. Năm Càn Long thứ 54, cất quân phản đánh kinh đô […] Hoàng đế phong Quang Bình làm An Nam vương […] Người Yên Kinh xì xào bảo Quang Bình đút lót vàng bạc của báu cho Phúc Khang An, nên được phong vương. Tôi trò truyện cùng sĩ đại phu Trung Châu, khi đề cập đến việc An Nam đều nói rằng, cây đã nghiêng thì cho đổ, mà còn trồng được thì vun vào, ấy là đạo trời. Hỏi thêm nữa thì bảo đêm nay chỉ nói chuyện gió trăng, rốt không chịu nói. Một vị Lang trung bộ Hình, quên mất họ tên, có vẻ là người khảng khái, lúc ở triều phòng nói chuyện với tôi, thấy bồi thần An Nam đi ngang qua, liền chửi : 'Nghịch tặc Nguyễn Quang Bình !'. Câu truyện nghịch tặc Quang Bình hối lộ Khang An, bất quá là chuyện ngồi lê đôi mách. Còn việc Quang Bình đến Nhiệt Hà, gặp Hòa Thân, Phúc Trường An ở ban chầu, cuống cuồng quỳ nửa gối, thì không ai không thấy. Thói tục Mãn Châu này là cái lễ kẻ hèn thờ người sang. Không dám trái lễ với đại thần của Trung triều, ra cái vẻ xiểm nịnh thô bỉ này, đủ biết họ không gì không làm. Vua tôi Quang Bình đều mặc áo mũ Mãn Châu. Có người nói Quang Bình đích thân xin được cạo tóc, hoàng đế không cho, chỉ ban cho áo mũ, cởi búi tóc mà bện lại. Việc có được nước chính đáng hay không tạm bỏ qua. Riêng đã gọi là bậc chúa mở mang cơ nghiệp thì ngờ rằng phải có tướng mạo dị thường. Tôi nhiều lần quan sát, thấy hơi thanh tú, nhưng không thật khác với người thường. Ngồi kiệu đỉnh vàng thì vênh vang nhưng khi vào triều thì quỳ gối khom lưng kiểu Mãn Châu rất thạo […] Tụng thần Phan Huy Ích, Thượng thư bộ Lại và Hạo Trạch hầu Võ Huy Tấn, Thượng thư bộ Công hai người, dáng người thấp nhỏ, sắc mặt khô xạm, răng thưa mà đen. Những kẻ theo hầu còn lại đều nhỏ thó. Trông vậy mới thấy Quang Bình là kẻ cao to của nước ấy vậy […] Hai người ấy lần nào nói chuyện với sứ nước ta cũng đều bảo vua nước ấy là người áo vải đất Quảng Nôm, với họ Lê mà nói thì không có nghĩa quân thần […] Lại nói các đồ tiến cống lần này có một đôi hạc vàng, một đôi kỳ lân vàng, ngoài ra còn có rất nhiều cân thông tê, nhục quế. Lời khoe mẽ phần nhiều đáng ghét. Mỗi khi vào ban tiệc, vua nước ấy ngồi trước, bề tôi ngồi sau. Khi có trao nhận vật gì thì vất vào cạnh vua. Vua nước ấy ngẫu nhiên hỏi sứ thần nước ta rằng cách Nhật Bản gần hay xa. Sứ thần đáp lời. Vua ấy định nói tiếp thì đám Phan Huy Ích đưa mắt ngăn cấm, hết sức đáng sợ […] Ơn đức ba trăm năm của họ Lê mà còn, ắt đã có kẻ xiết tay lau mắt, truyền hịch kể tội, nổi lên đánh họ Nguyễn rồi". Tra cứu một hồi vẫn không thấy câu "Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng…" được dẫn từ sách nào. Về lời hô hào đánh Tàu của Quang Trung, Nam Phong tạp chí dẫn sách Tang thương lệ sử (桑滄淚史) có đoạn chép : "Tướng Tây Sơn là Võ Văn Nhậm, Ngô Văn Sở sau khi thua liền đưa thư cấp báo với Huệ, nói quá thanh thế của quân Thanh. Huệ chửi lớn rằng : Chó Ngô là cái khá gì mà dám ngông cuồng đến đây nộp mạng. […] (Sau đó hô hào ba quân) Hỡi quân sĩ của ta, kẻ nào chịu đánh thì giết hết bọn chó Ngô cho ta, kẻ nào không chịu thì coi ta đánh một trận, giết tính mạng hàng vạn người, cũng không phải lạ !". Trích đoạn cuối tờ biểu cầu phong tước An Nam quốc vương của Quang Trung gửi sang nhà Thanh : "[…] Ôi đường đường là thiên triều lại đi so thắng thua với nước rợ nhỏ thì ắt là muốn giễu võ giương binh để sướng cái dạ tham tàn, đó hẳn là điều lòng thánh thượng không nỡ. Chẳng may chiến sự liên miên không dứt, tình thế đến mức nào, thật không phải điều thần mong muốn mà cũng không dám biết vậy". (Sứ nhà Thanh) Thang Hùng Nghiệp tiếp kiến thấy kinh hãi, nói với sứ giả Hô Hổ Hầu (nhà Tây Sơn) rằng : "Nay không phải hồi hai quân giao chiến, sao lại dùng một giọng giận dữ hành sự, nói năng thế này. Muốn cầu phong tước chăng, hay muốn dấy binh chăng ?" (乃使其將嘑虎侯遞表求為安南國王。表言:[…]夫堂堂天朝,較勝負於小夷,必欲窮兵黷武,以快貪殘,諒聖心之所不忍。萬一兵連不止,勢到那裏,誠非臣之所願而亦不敢知也。湯雄業接見大驚,語來使嘑虎侯曰:此非兩軍交戰之日,何乃一味以怒氣行事,如此立言,欲邀封爵乎,抑欲要起兵端乎?). Sau, Thang Hùng Nghiệp trả tờ biểu không chịu đề đạt lên (Theo Đại Nam chính biên liệt truyện [大南正編列傳] - Nhà Tây Sơn). Sách ngọc chép tình hình An Nam do chính Càn Long đế viết : "Mùa xuân viết về đầu đuôi sự việc tại An Nam, không nhằm kể hết sự thành bại trước đây tại An Nam mà nhằm ghi chép những điều chính yếu về nỗi mừng sợ đối với sự việc tại An Nam để xem cho khỏi rườm". Kim tiên của triều Tây Sơn gửi sang Trung Hoa phúng điếu Càn Long : "An Nam quốc vương, thần Nguyễn Quang Toản cúi đầu rập đầu kính tâu...". 【Vân-trai Trần-quang-Đức】 Trần Giao Thủy : 『Mình có đi kiếm thì có ý kiến cho rằng gốc gác bài thơ "dài tóc... đen răng..." là ở đây : Lê Trọng Hàm, Tân đính Nam Á Đại Minh Đô đế quốc, quốc sử vựng toản xuân thu đại toàn, gọi tắt là Minh Đô sử viết bằng chữ Hán và có cả thơ văn Nôm. Nam Việt Đồng Thiên hội, Giao Thủy huyện, Nam Định tỉnh (1922 - 1932).』