Truyện ngắn Bi kịch nhỏ - Lê Minh Khuê

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi fangdi, 5/6/16.

Moderators: Bọ Cạp
  1. fangdi

    fangdi Lớp 1

    Đến Bi kịch nhỏ ra mắt, lập tức thu hút được sự chú ý của độc giả. Trung Nguyễn nhận xét: Bi kịch nhỏ "ra đời là một đứa con èo uột" . Trần Thanh cho rằng: Bi kịch nhỏ "khiến người đọc bàng hoàng, chua xót về cuộc sống rối tinh, rối mù". Bùi Việt Thắng nhận định "Bi kịch nhỏ là một sự thể nghiệm, một phép thử của Lê Minh Khuê trong truyện ngắn ". Bảo Ninh cho rằng "bản chất truyện ngắn Lê Minh Khuê là truyện ngắn ngoài con chữ, vấn đề không phải ở xung đột, ở mâu thuẫn, ở bi kịch giữa các nhân vật trong truyện mà là bi kịch trong lòng người đọc".

    [​IMG]

    Tinh lực văn chương của Lê Minh Khuê lộ rõ khi xây dựng chân dung những nhân vật bị biến dạng nhân tính bởi sự điều khiển của đồng tiền và quyền lực. Khai thác những mảng đề tài mới mẻ, bằng lối viết mạnh bạo, sắc lạnh, tác giả làm bật dậy những thân phận, những tính cách có góc cạnh và chiều sâu tâm lý. Gấp trang sách lại dường như vẫn thấy nhân vật này đi lại, ăn nói, tính toán hành động một cách tai quái, ác hiểm thật tự nhiên, sinh động. Bọn họ quay cuồng, điên đảo trong vũ điệu man dại của Đồng đô la vĩ đại, ma lực của Đồng tiền có màu xanh huyền ảo.

    Để xây dựng mô hình kiểu nhân vật tha hoá, điều quan tâm của tác giả là chú trọng miêu tả các hành động ứng xử của nhân vật trong các mối quan hệ (quan hệ với gia đình, với xã hội và với chính bản thân)... Thái độ tôn thờ đồng tiền một cách mù quáng, coi tiền trên hết là nguyên nhân gây ra bi kịch trong chính cuộc đời lão Thiến và gia đình lão (Anh lính Tony - D). Với thủ pháp cường điệu được sử dụng một cách có hiệu quả, với nghệ thuật châm biếm tinh tế, nhẹ nhàng, Lê Minh Khuê đã phác hoạ những nét ấn tượng ghê rợn về một loại người tha hoá trần trụi, nhơ bẩn, gớm ghiếc - sống một cuộc sống quái gở, tù hãm, hủ hậu của loài thú vật.

    Trong quá trình xây dựng tính cách loại nhân vật này, nhà văn luôn tô đậm thái độ của họ trước sự xuất hiện hấp dẫn của đồng tiền. Đây là hình ảnh của lão Thiến khi thằng con lão mang về một cái ba lô to mà lão đoán là “của sụ”: “lão Thiến quanh ra quẩn vào, mắt liếc liếc cái ba lô. Ruột gan lão cồn cào... lão không thể nhịn được nữa... lão như ngồi trên lửa”. Đó là trạng thái xúc động của kẻ khát tiền, coi tiền như người tình. Lê Minh Khuê tỏ ra có biệt tài khi lách sâu miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật, nhà văn như hoá thân vào nhân vật, đọc được “trạng thái tinh thần kỳ lạ mà lão vẫn có khi nghe tin con có tiền”, tiền khiến “miệng lão nhạt như ngậm phải bèo, mắt lão đục lờ đờ, nhìn không rõ”. Lão trở thành ngu muội, mụ mị, u mê, hau háu trước những đồng tiền bất chính mà thằng con lão mang về.

    Tuy vậy, sự táng tận lương tâm vì tiền ở “con thú bố” vẫn còn thua xa “con thú con”. Thằng Thán mang trong mình gien tha hoá di truyền từ lão Thiến, hắn “là môn đệ của bố” trong ngón nghề “thó của” của người khác, nhưng hơn hẳn bố ở chỗ “thường làm các quắn to”, “không lèm nhèm ăn vặt”. Hai bố con “đầu trộm đuôi cướp” này gầm gừ canh chừng lẫn nhau vì bọc tiền kiếm được từ một bộ xương người lính Mỹ. Tiền đã khiến hai “con thú “ này không từ bất cứ một phương kế kiếm chác nào, kể cả việc đầu cơ trên bộ xương người chết. Một phương kế thật “độc chiêu”, một hành vi phủ định nhân tính nhất. Vì tiền xâu xé lẫn nhau, tình cảm cha con thiêng liêng bị sổ toẹt, vứt bỏ, không hề vướng bận. Đó là cách đối xử của những con vật hoang dã.

    Cùng một giuộc với bố con lão Thiến, vì tiền mà bán mình cho quỷ dữ còn có anh em lão Khang, An (Đồng đô la vĩ đại), lão Tê (Những kẻ chờ sung), vợ chồng lão Tó (Ký sự những mảnh đời trong ngõ), anh em Quanh, Lanh (Sân gôn)... Mỗi nhân vật thể hiện một cách hành xử tàn bạo riêng trước lưới bủa vây của ma lực đồng tiền.

    Bên cạnh sự tha hoá của những kẻ tham tiền là sự tha hoá của những kẻ hám quyền lực. Ông Tuyên trong Bi kịch nhỏ là nhân vật khá ám ảnh về hạng người này. Để bóc mẽ chân tướng của con thú đội lốt “nhà cách mạng”, Lê Minh Khuê đã không né tránh khi điểm lại những hành động phi nhân tính, xảo quyệt của hắn trong quan hệ cư xử với gia đình và xã hội. Với gia đình hành động tội ác của “bác Tuyên” khởi đầu bằng việc “bỏ rơi một người vợ trẻ, một đứa con trong cái vạc dầu sôi sục” thời kỳ cải cách ruộng đất. Bỏ một cách nhẫn tâm, độc ác để “quay lại chăm lo cho bộ lông của mình như loài thú”. Vợ ông “thù oán sự hèn hạ của chồng đã chết một cách đau đớn tức tưởi”, con trai ông mới ba tháng tuổi đã phải lưu lạc góc biển chân trời. Khi đã đánh bóng và bao bọc được hình ảnh của mình trong một vầng hào quang giả tạo (lý lịch trong sạch, có nhiều công trạng “to lớn”) hắn bắt đầu cuộc đời quan chức cao cấp uy nghi quyền lực “đứng đầu thành phố trực thuộc trung ương”. Tính cách bạo chúa của ông Tuyên được phát huy cao độ trong suốt thời gian ông ngự trị trên cái ghế cao quyền lực.

    So với bọn người bị điều khiển bởi đồng tiền, mức độ nguy hiểm của con người hám quyền lực này đáng sợ hơn nhiều, bởi lẽ mọi hành động của hắn đều được sơn phủ một lớp “đạo đức” giả mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra hoặc có thấy cũng không thể làm gì được hắn bởi bản lĩnh lạnh lùng của kẻ “ít bộc lộ tình cảm này”. Một chuỗi những hành động tội ác của ông Tuyên kết thúc bằng sự trả giá quá đắt của hậu thế: chính ông cùng tham vọng quyền lực điên cuồng đã đẩy con ông đến chỗ loạn luân và cái chết bi thảm.

    Nhân vật Tuyên - một sản phẩm cặn bã của sự tha hoá quyền lực được tái hiện khá sinh động, chỉ điểm qua một số hành động và con đường tiến thân của hắn, Lê Minh Khuê đã phác hoạ khá trọn vẹn chân dung của một tên độc tài, cơ hội, tàn ác, gian hùng.

    (trích: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG KIỂU NHÂN VẬT THA HÓA TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU 1975, CAO HỒNG)​

    Thông tin ebook
    Nhà xuất bản Hội nhà văn 1993
    Nguồn: vuontaodan.net
    Đánh máy: Hạ Trắng
    Password: vuontaodan.net

    Mục lục
    Bi kịch nhỏ
    Mong manh như là tia nắng
    Anh lính Tôny Đ
    Bến tàu mùa đông
    Cơn mưa cuối mùa
    Đồng đôla vĩ đại
    Một buổi chiều thật muộn
    Thân phận cu li
    Đồng tiền có màu xanh huyền ảo
     

    Các file đính kèm:

  2. y42b5yis.vzn

    y42b5yis.vzn Lớp 6

    Trong tập truyện trên có truyện bị đánh máy thiếu gần hết nội dung và một số lỗi khác nên mình làm lại cuốn này và phục chế lại bìa.

    Thông tin về sách:

    BI KỊCH NHỎ
    Tác giả: Lê Minh Khuê
    Thể loại: tập truyện ngắn và vừa.
    NXB Hội Nhà Văn 1993

    [​IMG]

    Mình chưa tìm được lời bình phù hợp về tập truyện này. Bạn đọc có thể xem qua lời bình ở post #1. Tuy nhiên cái sự tha hóa ở đây nói cho đúng hơn là một bi kịch "không nhỏ" cho một xứ sở "cách mạng rừng rú", trong đó con người hoặc là bị chà đạp hoặc "tha hóa" theo dòng chảy của nó cũng có những "bi kịch" của riêng mình. Đáng thương hay đáng trách tùy cảm nhận của người đọc. Có thể bạn đọc thấy những đề tài trong truyện đã cũ rích, nhưng đấy là những bức tranh, bản khắc họa không gì thật hơn về những phận người trong thời buổi đầy rẫy những "bi kịch nhỏ" ấy.

    File epub đính kèm bên dưới
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 9/2/21
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này