Triết học - Tôn giáo PG Bùn & Nước - Arthur Braverman

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi tducchau, 7/5/15.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    TÁM TÔNG VÀ NHẤT TÂM


    Có người hỏi: “Liệu một người tu học đồng thời tám tông [90] và thấu tỏ nhất tâm, có còn sai lầm không?”

    Bassui đáp: “Cáo chín đuôi thích có nhiều hang; Sư tử đuôi vàng biết cách biến hình”. [91]

    ______

    [90] Xem chú thích 34, phần I.

    [91] Hình ảnh cáo chín đuôi và sư tử đuôi vàng được lấy từ Viên Ngộ Tâm Yếu (Những điều tâm yếu của thiền sư Viên Ngộ, hoàn thành năm 1145), mô tả hai sinh vật huyền thoại: một là kẻ giảo hoạt (cáo) và một là vua (sư tử). Đuôi vàng có thể tượng trưng cho satori, chứng ngộ. Có thể Bassui đang làm nổi bật sự tương phản của hai lối tu tập - nghiên cứu tám tông và thấu tỏ nhất tâm.


    (Hết Phần II)​
     
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]

    PHẦN III


    VỀ PHÂN BIỆT
    CHÍNH KIẾN VÀ TÀ KIẾN


    Có người hỏi: “Làm thế nào phân biệt chính kiến và tà kiến?”

    Bassui đáp: “Nhận thức đúng hay sai là ở trong lòng người tu tập, không phải ở ngôn từ hay lời nói. Sao có thể biết đúng hay sai nếu ông không trực tiếp gặp người ấy?”


    [...]
     
    Ban Tang Du Tử and teacher.anh like this.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    VỀ CHÍNH ĐẠO VÀ TÀ ĐẠO


    Người hỏi tiếp tục: “Trong trường hợp ấy, nếu một người chưa được huấn luyện kỉ luật mà lui về núi để tu đạo, người ấy sẽ phạm sai lầm. Nhưng thời kỳ gần đây, có những người chưa được các vị thầy sáng suốt rèn luyện kỉ luật và chưa được ấn chứng đã lui về núi ngay từ khi mới phát khởi ý nguyện học đạo. Đến lúc tuổi già xuống núi, ho gặp được nhiều người, được tiếng là thầy giỏi. Điều này có phù hợp không?”

    Bassui đáp: “Nói chung, không phải cứ tập hợp được nhiều người là được ví như đệ tử tập hợp quanh Thế Tôn. Trong tăng đoàn của Đức Phật, độ lớn nhỏ của tăng đoàn phụ thuộc vào độ nông sâu của sự chứng đạo.

    Tuy nhiên, pháp có chính đạo và tà đạo. [1] Có những người căn cơ lớn và có những người căn cơ nhỏ. Vì những người này hưởng ứng những yếu tố khác nhau của giáo pháp, tin vào phương diện này hoặc phương diện kia, nên khó mà quyết định chính đạo hay tà đạo dựa vào số lượng người theo học. Nếu một người chưa thành tựu nhận thức chân thực mà tập hợp môn đồ, được sự thừa nhận và tôn kính đặc biệt, rồi thuyết pháp dựa vào nhận thức hạn hẹp của mình, người ấy sẽ trở thành quỷ, còn đệ tử rơi vào địa ngục; cả hai do vậy sẽ nhận quả báo xấu. Vì lẽ đó, cơ hội thực chứng chính pháp khi ông chưa gặp được vị thầy có chính kiến là rất nhỏ.

    Trước khi Ngưu Đẩu [2] đắc đạo, những phép mầu kỳ diệu hay xảy ra: hổ và sói quy phục, một trăm con chim cúng dường hoa, mây trắng bao quanh nơi sư ẩn dật. Khi Đạo Tín tới đó gặp sư và đưa sư vào một cuộc pháp chiến, [3] cái hang chồn hoang dã trong nhiều năm của sư lập tức tan thành từng mảnh, còn sư lần đầu tiên nhận ra những sai lầm của mình. Bởi vậy sư tuyên bố: “Ngay cả khi có một trăm chim cúng dường hoa cũng là điều đáng hổ thẹn”. Nếu sư không gặp Đạo Tín, hẳn đã không giác ngộ. Sư sẽ vẫn dính mắc đến việc thị hiện thần thông, sẽ chịu đau khổ của địa ngục. Ở đây chúng ta có thể nói: Không biết hoặc không ngộ, chỉ sống thôi thì vô giá trị.

    Trước khi Mã Tổ, [4] tỏ ngộ, sư sống trên núi, toạ thiền thời gian dài, không bao giờ nằm xuống. Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng đi tới và bắt đầu mài một miếng ngói trước chỗ Mã Tổ ẩn dật, nói rằng ngài mài ngói làm gương. Ngài cười Mã Tổ vì ngồi thiền yên lặng với ý định thành Phật trong khi không hiểu điều mà chính ngài, Nam Nhạc, đang chỉ ra bằng hành động của mình. Vì tiếng cười của Nam Nhạc, Mã Tổ lập tức tỉnh ngộ. Nếu Nam Nhạc không cho Mã Tổ thấy, hẳn Mã Tổ vẫn ngồi thiền yên lặng, mất thời gian tôn công vô ích.

    Từ xưa tới nay, chưa có ai lên núi sông một mình khi chưa thực chứng giác ngộ hoặc chưa gặp được vị thầy năng lực siêu việt mà có thể truyền lại trí huệ của chư Phật và chư tổ. Dù có tập hợp đại chúng mười triệu người, nếu nguồn không đủ sâu, sông sẽ không chảy dài. Chính vì thế mà người cầu đạo, không xem một ngàn lí [5] là quãng đường xa, không quan tâm tới đói hay lạnh để cầu cho được thầy giỏi. Khi họ tới với một vị thầy, có những người sau một thời gian thì chứng ngộ, thiết lập mối quan hệ với thầy và dời đi sau khi được ấn chứng. Số khác, sau một lời của thiền sư đã bắt đầu hiểu ý nghĩa thông điệp của thầy. Lại có những người khác, sau khi tin dù chỉ chút ít liền bỏ gậy đi đường xuống, đặt các khát vọng của họ ngay tại đó. Một số người làm việc không mệt mỏi để quản lý tu viện; số khác ăn trái cây, mặc áo cỏ; lại có những người ăn một bữa mỗi ngày, cuộc sống giống như chỉ mành treo chuông.

    Những người này, không thấy xấu hổ dù bị cười cợt hay quở mắng, họ tập trung vào chuyện sinh tử hệ trọng, khuất phục tâm mê lầm, quên đi tự ngã, không kiêu căng vì hiểu biết hay thành tựu của mình, tu tập nghiêm khắc tới mức quên cả hương vị thức ăn, đi hành hương mà không biết mình đang đi. Họ không góp nhặt câu chữ của cổ nhân; khát khao thực sự của họ chỉ là gặp được một người thầy. Dù mục dích duy nhất của họ là hoàn toàn thấu hiểu đại sự sinh tử, họ không chỉ tu tập ba mươi hay bốn mươi năm; dù răng long đầu bạc họ cũng không trở nên xao nhãng. Khi xuyên thẳng vào nguồn, ngay cả nếu đã được thầy giỏi ấn chứng, họ cũng không kẹt vào vinh quang hay thành tựu của chính mình. Một số có thể dời đi, lui sâu vào núi non, chôn vùi tên tuổi vào một khe núi, ăn rễ cây, nuôi dưỡng tinh thần, không theo đuổi danh vọng. Số khác có thể ở gần thầy và phụng sự họ, không bao giờ tìm sự yên lặng tột cùng của việc ngồi biếng nhác một mình.

    Ta chưa từng thấy ai biến tu tập thành mục đích hàng đầu như vậy mà không thấu đạt chân lý. Họ đều xiển dương trí huệ sống còn này của chư Phật và chư tổ. Dù sống trong an bình lặng lẽ, họ cũng hiện ra trong xã hội như một ánh sáng chỉ hướng trên con đường tối tăm, gieo hạt giống trí huệ trong mười ngàn thế giới. Chẳng phải đây chính là những người thực sự trao truyền ân điển của Phật sao?”


    ______

    [1] Pháp ở đây nói tới con đường tu tập mà một người lựa chọn, không nhất thiết nói tới Phật pháp.

    [2] Ngưu Đẩu Pháp Dung (594-657), đệ tử của Đạo Tín. Ngưu Đẩu là tên ngọn núi nơi sư sống. Sư là người sáng lập phái Ngưu Đẩu.

    [3] Tôi dùng diễn đạt “pháp chiến” cho thuật ngữ tiếng Nhật, issatsu (nghĩa đen là “thách thức”). Pháp chiến dưới dạng một nghi thức trong các thiền viện ngày nay được gọi là hossen.

    [4] Mã Tổ Đạo Nhất (709-788), đệ tử của Nam Nhạc Hoài Nhượng. Giáo pháp của Mã Tổ ban đầu truyền bá ở tỉnh Giang Tây, đã có tác động lớn đến giới Phật tử thời đó, và chính từ ảnh hưởng của ngài mà Thiền tông cắm rễ ở Trung Hoa.

    [5] Một li bằng sáu trăm mét.


    [...]
     
    Ban Tang Du Tử and teacher.anh like this.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    NGƯỜI HỌC ĐẠO LẦM LẠC


    Bassui nói: “Thật khó tin! Người học đạo thời nay tính cách yếu kém, khát vọng hời hợt. Họ chẳng đoái hoài tới chân lý về đại sự sinh tử. Dù đi tìm thầy khắp nơi, họ lại không muốn thấu triệt, không muốn đi dến tận cùng. Họ chỉ quan tâm đến mối quan hệ của họ với thầy và danh hiệu của vị ấy, không biết liệu vị ấy là thầy của chính pháp hay ngoại đạo. Họ đếm danh hiệu, đi đông tây nam bắc, tự hào vì gặp được nhiều thầy. Cũng có người đặt niềm tin vào một chỗ, dành một mùa hè cho một khoá tu tập ở đó. Nhưng trong mùa hè ấy, thời gian của họ chỉ dành cho việc chuẩn bị để đi hành hương sau khoá tu. Một số người có thể cân nhắc ở yên một nơi, tham dự khoá tu từ hè sang đông, đếm từng ngày, do vậy khiến chín mươi ngày trôi qua chậm chạp. Những người khác lại giữ một cái túi nhỏ đựng sơ đồ viết tay dòng truyền thừa của một tông phái Phật giáo, đeo nó quanh cố như bằng chứng cho sự thành tựu của mình; hoặc họ có thể bám vào xá lợi, xếp những đồ đạc liên quan theo thứ tự, âm thầm tạo dựng một nhóm ba đến năm người cùng nhau xây tháp để đặt xá lợi vào. Rồi họ cùng nhau nhìn những xá lợi này, bày tỏ ham muốn đối với xá lợi hiếm và quý nhất trong số chúng, thảo luận về sự cao siêu hay thấp kém của chúng.

    Một số người tự thiêu thân thể, cánh tay hay ngón tay của mình, chịu đựng đau đớn tàn khốc, làm những người cùng an cư chỗ ấy đều bị kích động, lôi họ vào những hoạt động vô bổ trong khi bản thân họ bỏ bê việc tu tập. Những người khác lại ôm những bó hoa, dính mắc vào các tên gọi đời thường, vào các kỹ năng và dòng dõi gia đình của mình. Lại có những người khác nữa không thể hoàn toàn buông xả con đường bổn phận. Kết quả, họ quên thực hành định tâm, bám vào những ý nghĩ và quan điểm của mình, học Phật pháp một cách thờ ơ. Dù họ cố vượt qua người khác bằng những câu chuyện Thiền và đánh bại người khác bằng những vấn đáp pháp chiến, tự họ lại không có năng lực thấy tự tính, bởi vậy họ gom góp những lời nghịch lý, những diễn đạt sâu sắc của thiền sư đời trước, bí mật cất giữ chúng và không cho ai xem. Sử dụng những ngôn từ câu cú này, họ viết thơ, viết nhạc, vui với việc thêm những bình luận phán xét của chính họ vào lời của chư tổ. Bằng cách sử dụng một cách khôn ngoan những lời ấy, họ cố gắng đánh bại đồng môn. Đây đều là những ví dụ về con đường ngoại đạo.

    Rồi có những người khinh miệt hành vi của những loại người trên. Họ nói chẳng có gì quan trọng hơn việc chỉ chuyên chú một công án. Dù những người này quan sát mọi người trong các tham vấn Thiền, tai họ lại đóng lại. Dù họ ở trong tăng đoàn gồm những vị thầy giỏi nhưng lại không diễn đạt hiểu biết của chính mình, bởi vậy không có được sự huấn luyện chân thật. Vì không thể trừ bỏ những ý tưởng bất thiện (nghĩa đen, “đinh và đe”) gây ra mê lầm, nên họ chỉ quan tâm đến một hành động trong một khu vực hạn hẹp, cuối cùng không thể trèo ra ngoài cái hố họ đã đào cho chính mình. Họ nghiêm trì vài giới về mặt hình thức, nghĩ rằng không phạm chúng là đủ. Rồi họ đưa thêm một số giới, thường không có trong hệ thống giới luật của tu sĩ, chẳng hạn không mặc những thứ làm bằng lụa, không ăn muối, giấm... Họ nói mình đang hành xử đúng theo giáo pháp của Phật, bởi vậy họ lừa dối các gia đình Phật tử.

    Lại có những người khi lần đầu phát tâm cầu đạo thì giữ giới, kiên trì toạ thiền, thực hiện các pháp môn tu tập. Khi đã có thể kiểm soát ý nghĩ một thời gian, họ nói mình đã thấy rõ “khuôn mặt nguyên sơ”. Vì ‘khuôn mặt nguyên sơ’ này không có bản ngã, không có tự thể, không có Phật, không có pháp. Họ nói: “Cái gì gọi là giới?’ Họ phớt lờ quy luật nhân quả, xem những của bố thí nhận được là không quan trọng. Họ ăn thức ăn ngon, uống rượu, tâm tán loạn, báng bổ chư Phật và chư tổ, chỉ trích thiện tri thức khắp nơi, phê phán những gì của quá khứ cũng như hiện tại. Họ la hét, chuyện phiếm, đùa cợt và nô giỡn, dành cả ngày tụng những bài thơ kiêu kỳ, ngưỡng mộ một khung cảnh đẹp. Khi gặp người khác và thấy những gì người khác có, họ thèm khát cái đó cho chính mình. Không quan tâm tới vẻ ngoài của bản thân, tới việc họ đang ở cùng cư sĩ hay tu sĩ, chẳng để ý đến hoàn cảnh, họ thích nói về Thiền và chỉ mong chiến thắng trong pháp chiến Thiền.

    Khi những người này thấy ai đã chấm dứt tà kiến, đã nhận ra những sai lầm thâm căn cố đế của bản thân, đã biểu lộ sự quan tâm chân thật khi được bố thí đều đặn, xem giới luật là pháp như thị, giữ miệng không nói, an định cái tâm như ngựa hoang và cái trí như loài khỉ, siêng năng tu tập và chuyên tâm quay mặt vào tường hành thiền, họ lại xem thường, cười cợt những người ấy. Họ nói những người ấy là trí tuệ cùn lụt, không phải các bậc thành tựu Thiền. Bản thân họ thiếu sự dũng cảm, tâm họ đầy kiêu mạn. Họ nói về tu tập Thiền lâu năm của mình trong khi lôi kéo những người mới nhập môn vào con đường tà đạo. Khi một thầy giỏi đón nhận họ, tìm cách tác động để họ thật sự tu tập, họ lại nhạo báng. Họ chẳng thèm quay đầu khi bị quở trách. Họ thực sự có một căn bệnh khó chữa; thuốc thang không có tác dụng.

    Với những tà kiến cắm rễ bên trong, họ đi khắp nơi, chất vấn chỉ trích các thiền sinh khác không phải là đối thủ của họ, trong khi sự kiêu ngạo của họ tăng lên. Đây là ý nghĩa của câu: ‘Chìm đắm vào trống không tức là xem thường nhân quả. Sự bừa bãi rối ren như vậy càng gây thêm hoạ’. (1) Với những người nhập môn phát tâm cầu đạo, ta nói rằng: Đừng bao giờ tu tập giữa những kẻ tà kiến này.

    Rồi có những người khác, toàn thân bừng lên sự sáng tỏ như thể ánh trăng chiếu xuống mặt nước, dẫu vậy họ lại hài lòng với ánh sáng này, xem nó là nền tảng cho tự tính của họ. Điều đó trở thành gốc rễ cho ảo tưởng. Lại có những người hỏi: Nếu mọi pháp đều trống không, vậy làm sao tu tập? Giáo pháp nào ở đấy để mà thực chứng? Họ nói khi có trà thì uống trà, khi có cơm thì ăn cơm. Họ chìm sâu vào một cái vỏ thanh tịnh, nhìn vào thoại đầu của cổ nhân, (2) lấy chúng làm quan niệm riêng của họ về sự thanh tịnh. Họ lập luận rằng tất cả những lời này đều không có ý nghĩa; sự thật rốt ráo, như họ nói, là núi chỉ là núi và sông chỉ là sông. Những người ấy, ngay cả trong mơ cũng không biết tới sự kì diệu của Phật tính.

    Một số người, vẫn chưa thấy được tự tính, nghe nói rằng Phật tính là chủ của thấy, nghe và nhận thức, khi được hỏi, họ liền giơ tay, dậm chân, nói, “Đây”. Những người khác, chẳng hiểu gì, gọi đó là con đường vô-tâm. Hoặc họ nghĩ thân xác thế chất giống như giấc mộng, như ảo ảnh, như hoa đốm trong hư không, còn tâm thì bất sinh bất diệt, luôn tồn tại. Hoặc họ hiểu cả thân và tâm là ảo tưởng, mà sau khi tan vào tứ đại thì trở về hư không và biến mất. Hoặc họ xem giác ngộ là trạng thái khi người ta không còn nghi ngờ rằng mọi hình tướng là trống rỗng, mà phân tích cho cùng tột chính là thực chất của pháp thân; hoặc họ cảm thấy sự bày tỏ bằng lời dù ít ỏi cũng đều sai lầm. Họ nói họ giấu kín trải nghiệm giác ngộ chân thực của họ ngay cả với người thân. Họ sa vào điều huyền bí, giao du với các linh hồn. Họ nói ngay cả người đã mở mắt cũng không thấy điều mà họ có thế thấy; rồi họ tự thấy hài lòng.

    Có những người diệt trừ mọi ý nghĩ, khiến tâm bình thản và điềm đạm. Họ nghĩ con đường vô tâm nghĩa là tâm họ hoàn toàn sáng tỏ và an lạc. Lại có những người khác ham mê với hình tướng tới mức thái quá, yêu thích bộ dạng và lễ nghi khác hẳn hành vi của mọi người, và tìm mọi cách có được công đức. Hoặc những người không có tâm cầu đạo mà chỉ bận rộn với danh tiếng. Họ mong một thầy giỏi ấn chứng cho thành tựu của mình, và nếu không được nhận, họ lăng mạ khinh bỉ vị thầy. Hoặc một số người, tình huống nào cũng tin do nhân quả nên cảm thấy ngay cả việc họ không thể thực chứng Phật đạo cũng là kết quả của nghiệp quá khứ. Họ nói mình không có nhân duyên với đạo, sẽ không giác ngộ trong đời này, mà cố gắng tiêu trừ mọi ác nghiệp đời trước bằng cách thực hành nhiều lối tu tập chối bỏ bản thân. Họ hành hương đến lăng mộ chùa chiền để có công đức tâm linh, tụng nhiều thần chú, đếm tràng hạt, quỳ lạy hàng trăm lần để cầu đạo. Họ là những người năng lực vô cùng yếu.

    Tất cả những người này đều sợ sinh tử. Họ bị tâm bệnh - một loại bệnh xảy ra khi người ta cầu đạo trong khi chưa có cái nhìn đúng đắn. Nhưng dù tệ hại như vậy, họ vẫn không là gì so với những người không sợ sinh tử và không cầu đạo.

    Rồi có những kẻ nổi loạn. Tự gọi mình là được giải thoát, họ quăng bỏ y bát. Thay vì mặc áo cà sa, họ đội mũ kiểu cách, mặc áo da thú. Họ múa hát và chê trách chính pháp. Họ sống trên thế gian để lừa gạt người thế gian. Nếu có ai quở trách hành vi của họ, họ sẽ nói tới các thánh nhân lang thang như Bố Đại, Hán Sơn và Thập Đắc, hoặc chỉ tới những người khác như Choto và Kensu, (3) nói rằng họ giống các tu sĩ này, trong khi bản thân họ không bao giờ sửa chữa sai lầm của mình dù chỉ một chút. Dù có thể về vẻ ngoài họ giống các thánh nhân xưa ấy, nhưng nói về hành vi đúng đắn, còn xa mới đạt được. Vì thế trong một bản văn gọi là Phổ khuyến phát tâm có viết: ‘Tăng Choto sắp ăn (4) thì một con quỷ mặt xanh đứng sau ngài liền ăn thức ăn và dời đi’. (5) Dù là cư sĩ hay tu sĩ, ai đến gần những người này sẽ mất đi nhân duyên với chính pháp và đi vào gia đình của quỷ. Thế thì những người này sao tránh khỏi rơi xuống địa ngục?

    Ngay cả nếu một người có đủ những ý niệm sai lầm như trên, nếu gặp được thầy giỏi và nhận ra toàn bộ sai lầm của mình, và nếu dừng những ý nghĩ này, thâu tỏ tự tính như đang ở khoảnh khắc đó, người ấy sẽ thực chứng khuôn mặt nguyên sơ của con đường vô tâm, sẽ nhận được kho tàng con mắt chính pháp - niết bàn diệu tâm mà Đức Phật đã truyền cho Ma-ha Ca-diếp. Và khi đó có thể tuỳ bệnh mà trao thuốc cho người khác. Người ấy có thể làm điều này ở một cấp độ vô cùng rộng lớn, bởi lẽ do bản thân đã bị những bệnh tương tự, người ấy sẽ biết rõ về thuốc thang được sử dụng.

    Bằng không, nếu vẫn không sửa đổi và dành cả đời trong vô vọng, khi nào mới tránh được gậy sắt của Diêm Vương? Liệu có ai trong đại chúng này có thể thoát khỏi những cái bẫy, những kiến giải sai lầm trong các ví dụ ta đã nói không? Nếu ai có thể thoát ra, người ấy có khả năng vượt qua rào cản.


    ______

    [1] Từ “Chứng đạo ca”.

    [2] Thoại đầu (wato) là một câu trong một vấn đáp giữa thiển sư và đệ tử, với ngôn ngữ khó hiểu nhằm chỉ tới chân lý. Theo truyền thống, thoại đầu là câu đáp còn toàn bộ vấn thiền là công án.

    [3] Đây là năm thiền tăng được biết vì sự lập dị; ba người đầu là những tu sĩ lang thang.

    [4] Có lẽ là ăn thịt.

    [5] Có một câu chuyện tương tự trong Tùy văn kí của Đạo Nguyên. Đạo Nguyên khuyến cáo không nên phán xét một người bằng hành động của người ấy nếu trước hết không xem xét cẩn thận mọi hoàn cảnh. Bassui sử dụng trích dẫn này có lẽ để cho thấy các tăng như Choto có thể hành xử một cách lập dị, nhưng trong hành động của họ có những điều mà chúng ta chưa hiểu hết.

    [...]
     
    teacher.anh and Ban Tang Du Tử like this.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    CHÍNH PHÁP NHÃN TẠNG
    NGHĨA LÀ GÌ?


    Bassui nói: “Thế Tôn cầm cành hoa giơ lên và nháy mắt. Vì sao có việc ấy? Khi Ma-ha Ca-diếp mỉm cười, Thế Tôn nói: ‘Ta có chính pháp nhãn tạng, (1) niết bàn diệu tâm’. Này các ông, theo chỗ tu chứng của các ông, cái gì là kho tàng của con mắt chính pháp? Các ông chỉ tới cái gì để gọi là diệu tâm của niết bàn? Nếu vẫn không hiểu, đừng có nói các ông không chút nghi ngờ về Phật pháp. Hãy cẩn thận lùi lại, nhìn vào bên trong, thấu suốt con người mình. Cái gì là kho tàng con mắt chính pháp, diệu tâm của niết bàn mà ai cũng có?

    Có những người mà với họ mọi hiện tượng đều tan rã: Tâm đột nhiên trở nên sáng tỏ, sự phân chia trong ngoài không còn, mọi thứ hoàn toàn tan biến, không đề lại ranh giới nào, và mọi thế giới mười phương giống như một viên ngọc sáng không tì vết. Khi cảnh giới nhận thức này xuất hiện trước họ, họ vỗ tay, cười, tin rằng mình vừa có đại ngộ. Đây không phải là thấy tự tính. Nó chẳng là gì ngoài một khoảnh khắc khi pháp tính xuất hiện. Lâm Tế nói: ‘Thân của pháp tính và nền tảng của pháp tính rõ ràng là những phản ảnh. Các ông hãy nhận ra người vui đùa với những phản ảnh này; người ấy là cội nguồn đầu tiên của mọi chư Phật’. Nếu các ông coi những cảm nhận ấy là thật, khác nào xem mắt cá như viên ngọc. Khi cảnh giới nhận thức này hiển bày, hãy xem xét kỹ ngay chỗ ấy. Cái gì đang xem xét?

    Giả dụ con mắt huệ của các ông có mở và thấu tỏ cả hình tướng lẫn rỗng không, thoát khỏi kích động lẫn định kiến, ông vẫn phải vươn lên khỏi hố sâu dính mắc để tới giải thoát. Và mặc dù thấu tỏ bản chất của sự thật, tự do xử trí các công án mà chư Phật và chư tổ truyền lại, mỗi câu hỏi tức thì có mười lời đáp, mười câu hỏi tức thì có trăm lời đáp - nhanh đến nỗi ngay cả tốc độ của tia chớp cũng có vẻ chậm - ông vẫn chẳng hơn gì một kẻ khôn ngoan. Dù có nằm mơ ông cũng không hiểu được con đường vô tâm.

    Xưa có thiền sư nói: (2) ‘Ánh trăng phản chiếu trong hồ sâu không bị tiếng vọng của chuông chùa đêm vắng làm cho lay động; nó dường như chẳng tan dù tiếp xúc với những con sóng lớn nhỏ, dẫu vậy, nó vẫn ở bên bờ của sinh tử’. Lại một thiền sư khác nói: (3) ‘Bảy trăm tăng ở thiền viện của Hoằng Nhẫn (4) đều là những người hiểu Phật pháp, nhưng điều ấy không trở thành phương tiện để họ có được y bát của tổ. Chỉ có người làm công Huệ Năng, (5) chẳng hiếu Phật pháp nhưng biết đạo, dựa vào cái biết ấy mới có được y bát’.

    Có tăng hỏi Nam Tuyền: Thật pháp và đạo cách xa chừng nào?” Nam Tuyền đáp: ‘Cát không đi vào mắt, nước không đi vào tai’. (6) Bởi vậy đạo nhân chân thực quên các ý niệm riêng của mình về Phật và pháp, không bám vào phương thức “vào cửa” nào. 'Thế thì quỷ và ngoại đạo không có đường để ẩn mình chờ đợi. Dù thấy bằng con mắt Phật, người ấy cuối cùng cũng đã tới một nơi không thể thấy, và vì thế lần đầu tiên người ấy được ngơi nghỉ. Nham Đầu Toàn Hoát nói: ‘Lìa vật là cao, đuổi theo vật là thấp’. Nếu các ông muốn vượt lên dòng sinh tử, thực chứng đại giải thoát, hãy xa lìa hình tướng bên ngoài, đừng bám vào ý niệm bên trong, nhanh chóng tiến tới, chặt đứt mạng căn (7) như người ta cắt đứt cổ họng mình. Hãy trở về với tự thân và nhìn vào trong; hãy xuyên thấu tới tận đáy và xin ấn chứng. 

    Đừng phí thời giờ sáng tối [ngày hay đêm]; thời gian không đợi ai cả.

    Dù có ai hiểu rõ chân lý, toàn tâm tu tập, xem xét kỹ lưỡng, nhưng nếu chưa được ấn chứng rằng mình đã triệt ngộ mà rời khỏi thầy, người ấy sẽ bị chính những diễn giải của mình ngăn trở và không thể nhận thức thấu đáo đại sự. Khi chưa thấu tỏ đại pháp, mối quan hệ của người ấy với những người theo học mình - mà chẳng qua do hành vi nhân đức đáng ca tụng bề ngoài - sẽ bị quỷ chi phối. Đây là một ví dụ về người mù dẫn dắt người mù”.

    ______

    (1) Kho tàng của con mắt chính pháp. Chuyện này có trong tắc thứ sáu của Vô Môn Quan.

    (2) Huyền Sa Sư Bị (835-908) và Tuyết Phong Nghĩa Tôn (822-908) là đồng môn, nhưng Huyền Sa coi Tuyết Phong là thầy và cuối cùng xuất chúng hơn thầy. Sư là người đánh cá cho đến năm ba mươi tuổi, tương truyền không biết chữ. Một lần, trong chuyến hành hương thăm các thiền sư, sư vấp ngón chân vào đá. Sư cảm thấy như một cơn đau lớn xuyên thấu toàn bộ thân thể, và khoảnh khắc ấy, sư giác ngộ.

    (3) Nam Tuyền Phổ Nguyện (748-834). Câu này trích trong tắc 25 của Bích Nham Lục.

    (4) Hoàng Mai Hoằng Nhẫn (602-75), Tổ thứ năm của Thiền tông Trung Hoa.

    (5) Đại Giám Huệ Năng (638-713), tổ thứ sáu trong dòng truyền thừa của Thiền tông Trung Hoa.

    (6) Tắc thứ 25 của Bích Nham Lục. Theo tắc này, lời đáp là của Tuyết Đậu, không phải Nam Tuyền.

    (7) Jivitendriya, dịch là mạng căn, là một trong các Tâm bất tương ứng hành pháp (cittaviprayukta-samskara). Theo A tì đạt ma câu xá luận, jivita nghĩa là đời người, quãng đời dành cho một người. Trong ngữ cảnh này, nó có nghĩa là dính mắc đến việc sống lâu.


    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/12/15
    teacher.anh and Ban Tang Du Tử like this.
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    NHÌN NHẬN LỜI CHƯ TỔ NHƯ THỂ NÀO?


    Có người hỏi: “Người ta nói khi nhìn vào lời nói và giáo huấn của chư Phật và chư tổ, như một người với lòng căm giận còn chưa nguôi nhìn vào kẻ thù, mới có thể bắt đầu hiểu chúng. Thầy nghĩ gì về điều này?”

    Bassui đáp: “Đạo là phần căn bản của mọi người, Cốt lõi của nó là thấu triệt giác ngộ mà không để lại dấu vết gì về thành tựu. Nếu phải giải thích phần căn bản ấy, ngay một từ ngộ cũng đưa thêm sóng vào bổ mặt phẳng lặng, nói gì tới câu cú và giáo huấn. Người bám vào những rơi rớt, không thể nắm lấy cái thật, cuối cùng sẽ cắt đứt bản thân khỏi nguồn cội.

    Phật tính, con người thật của mọi chúng sinh, là chân lý đơn giản như nó là. Nó vượt trên tông phái và quy tắc. Ngay cả chư Phật ba đời (quá khứ, hiện tại, tương lai) cũng không thể lý giải. Các luận giải về kho tàng giáo pháp được tuyên thuyết thời Đức Phật tại thế cũng không thể nắm bắt được nó. Chức năng đầy đủ của nó không có gì sánh được. Tốc độ tia lửa phát ra từ đá lửa cũng không bằng. Thậm chí nhanh như tia chớp cũng không thấu tỏ được nó. Hoạt dụng của nó không có hướng cố định; nghĩ nó mọc đằng đông thì nó lặn đằng tây; nghĩ nó mọc đằng nam thì nó lặn đằng bắc. Nó tạo ra tiếng sấm sét ầm ầm trong thời tiết trong trẻo và lửa bùng lên ở đáy đại dương.

    Nó là chủ của thấy, nghe, nhận thức, là chủ của giơ tay nhấc chân. Từ chư Phật chư tổ cho tới côn trùng, tất cả những gì có linh căn, (1) ai mà không nhận ân đức của nó? Các ông thì sao? Các ông có biết mình không? Khi đủ nghi sẽ đủ ngộ. Khi có sự khát khao chân thực, cho dù không muốn nghi, cả cơ thể cũng sẽ chứa đầy nghi; cho dù không mong cầu các tu tập thiết thực, tâm cũng chẳng màng đến những thứ pha tạp. Cho dù không muốn trừ bỏ, cũng sẽ buông xả vạn sự. Cho dù không chọn xem thường, cũng tự nhiên từ bỏ việc đọc kinh đọc luận và đủ kiểu hành dộng; được và mất, tốt và xấu đều bị rũ sạch. Giống như một người bị bệnh hiểm đánh gục và sắp chết, tâm không còn phân biệt bạn với thù, khi đi, sẽ quên rằng mình đang đi; khi ăn, sẽ không biết được hương vị; khi ngồi, sẽ quên rằng mình đang ngồi; quên mất thân thể, sẽ không nằm xuống. Nếu trở thành một phần của mối nghi như vậy, trong thời gian ngắn chắc chắn sẽ đại ngộ.

    Nếu lúc này ông gặp một vị thầy ngoại đạo hoặc thấy những ngôn từ lạ lùng, câu cú kỳ quặc của chư Phật chư tổ, sự hiểu biết diễn giải của ông bị đánh động và ông tuỳ tiện dừng mối nghi, nó sẽ giống như gặp bờ biển và quay lại. Ông sẽ giống một người quyết tâm tuyệt thực nhưng lại ăn một nắm cơm, kết quả không thể chấm dứt mạng căn. Với thái độ ấy, người ta không thể tỏ ngộ. Vì lẽ đó, với các câu nói và giáo huấn của chư Phật chư tổ, nếu nhìn như một người với lòng căm giận còn chưa nguôi nhìn vào kẻ thù, khi ấy ông mới bắt đầu có thể hiểu chúng. Nhưng lại có những người tuỳ theo câu nói và giáo huấn liền diễn giải hoặc hiểu dựa trên ý thức và hoạt động của ý thức, ngôn từ của họ giống như một dòng suối chảy nhanh. Họ chẳng là gì ngoài thành viên của một gia đình quỷ, họ hàng của ngoại đạo. Điều này làm nghiệp tái sinh vào địa ngục của họ tăng lên. Chúng ta nên tiếc cho họ.

    Khi những người này hiểu hoặc diễn giải như vậy, cứ như thể họ đang vãi nước tiểu và phân vào Tịnh Độ. Họ đã chìm nổi trong biển sinh tử từ xa xưa bởi không thể bỏ đi lớp vỏ che kho tàng con mắt chính pháp của tự thân - một kho tàng bị che bởi nhiều hạt bụi mê lầm từ chữ nghĩa, ngôn từ và danh hiệu. Đây là căn bệnh lớn của chúng sinh. Đây là lý do chư Phật và chư tổ không tránh được việc phải tuỳ căn cơ mà giáo hoá, lấy đó làm phương tiện tạm thời. Không có ngôn từ cố định nào mà họ dùng để nhổ bật những cái đinh mê lầm. Đây chẳng qua là tuỳ bệnh cho thuốc, dùng giấy vụn để chùi nhơ. Nếu ông dính mắc đến những thứ này, tập trung tâm vào một cọng lông, chẳng khác gì ông đang gom giấy vụn khiến việc ấy thành nhơ, hoặc đang gom thuốc khiến việc ấy thành bệnh. Làm sao vượt qua được điều này? Dù bụi vàng là quý, nếu rơi vào mắt nó sẽ gây mù loà”.

    ______

    [1] Nguyên là chữ * (linh, tiếng Nhật, rei), thường được dịch là linh hồn, ở đây dùng chữ linh căn, tức là bản tính.
    [*] Lỗi phông chữ Hán, bổ sung sau.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    NẾU MUỐN GIÁC NGỘ...


    Bassui: “Cổ nhân nói: (1) ‘Nếu quan tâm tới đại sự này như việc riêng của mình, giống như một người đi qua ngôi làng bị nhiễm sâu bệnh hại lúa nhưng không uống dù chỉ một giọt nước - thế thì ông sẽ đạt được’. Bởi vậy nếu muốn giác ngộ, hãy từ bỏ đến cùng mọi dính mắc phàm tục đến hành động và xử sự, nguyên tắc và nghĩa vụ, ý kiến và diễn giải; hãy giống như trước khi cha mẹ sinh ra, xa rời mọi hiện tượng bên ngoài, không chìm vào sự yên lặng bên trong, cũng không trụ vào trống không. Hãy nhìn thẳng! Giờ các ông đang nghe, hãy nói xem: Cái gì đang nghe?

    Thiền sư Lâm Tế nói: ‘Thân xác thể chất cấu thành từ tứ đại này của ông không thể nghe pháp; lục phủ ngũ tạng không thể nghe pháp; bầu trời trống rỗng không thể nghe pháp. Vậy cái gì nghe? Hãy nhảy khỏi vách đá cheo leo và truy xét cho kỹ”.

    ______

    [19] Tào Sơn Bản Tịch (840-901), đệ tử của Động Sơn Lương Giới.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    Ý NGHĨA CỦA VIỆC NHÌN VÀO CÁI TÔI
    VỚI LÒNG CĂM GIẬN


    Có người hỏi: “Con nghe rằng từ tổ nọ tới tổ kia đều chỉ thẳng vào tâm, khiến người ta thấy tự tính thành Phật. Con cũng nghe rằng hãy nhìn vào cái tôi với sự mãnh liệt như lòng căm giận dành cho kẻ thù. Ý nghĩa của điều này là gì?”

    Bassui đáp: “Trong cái tôi có cái chân và cái giả. Tâm phân biệt là giả; Phật tính là chân. Khi chứng ngộ tự tính, ông chặt đứt gốc rễ bánh xe luân hồi, biểu thị nhiều phẩm hạnh nội tại, tiếp xúc với người khác và mang lợi lạc đến cho cuộc sống của họ. Đây gọi là thấy tự tính thành Phật. Gốc rễ của sinh tử là tâm phân biệt. Kẻ mới nhập môn nhầm lẫn cho những thứ như [năng lực] toả hào quang và thị hiện thần thông là sự bày tỏ rõ ràng của Phật tính, trong khi đây thực ra là gốc rễ của luân hồi (các hành động của tâm phân biệt), cổ nhân nói: (20) ‘Người học đạo không nhận ra chân lý vì họ chìm đắm trong tâm phân biệt của quá khứ. Hạt giống sinh tử qua vô lượng kiếp là điều kẻ ngốc gọi là con người bản nguyên chân thật’.

    Tâm phân biệt này là chủ của những tên trộm, là nguồn gốc của mười hành động xấu, là hầm bẫy kiến thức dựa trên sự dính mắc hình tướng. Nếu nó không bị tiêu trừ, dù ông có nói những lời tuyệt diệu về cái phi thường, chúng cũng chắng là gì hơn những vong hồn xa lạ của chồn hoang. Cuối cùng, ông sẽ không tránh khỏi trôi nổi trong cõi luân hồi. Vì lẽ đó mà việc tiêu trừ nó gắn liền với đại sự duy nhất. Lý do từ khi chưa có khởi thuỷ đến giờ ông cứ luân hồi qua sáu cảnh giới tồn tại, triền miên trong đau khổ tột cùng là vì không dập tắt được tâm phân biệt này. Rừng gươm núi đao từ nó mà sinh ra. Lò sôi than cháy cũng từ nó. Yêu ma quỷ quái cũng chẳng từ đâu khác. Ác thú cũng chắng là gì khác sản phẩm của tâm phân biệt này. Dù có những khuôn mặt mới, một số chết đi ở đây tái sinh ở kia, dù có thể có nghiệp báo do nhiều nguyên nhân, một số trở nên đẹp, số khác trở nên xấu, tất cả đều là kết quả của tâm phân biệt này chứ chẳng phải thứ gì khác. Dù được cho là không bao giờ có hình tướng, nó lại giống như lửa, đốt cháy củi khi có đủ tiếp xúc. Nếu tiếp xúc không còn, sự tĩnh lặng sẽ tới. Khi nó chuyển động, giống như mây và sương mù xuất hiện; khi nó được kiểm soát, giống như bầu trời xanh trong. Dù tịnh và bất tịnh được coi là khác biệt, chúng đến từ cùng một gốc. Người mới tu thường sai lầm cô diệt trừ cái bất tịnh khi nó khởi lên và yêu thích cái tịnh. Họ giống như người bị cấm uống rượu, sợ rượu bất tịnh và thích rượu tịnh. Người dính mắc đến cảnh giới tịnh, vốn là cảnh giới tuyệt diệu, rực rỡ, trống rỗng, an bình và sáng tỏ, nghĩ rằng mình đã chứng ngộ Phật tính, rằng mình hiểu biết bằng toàn bộ thân thể và không có lấy một chút nghi ngờ dù nhỏ nhất về hiểu biết ấy. Giống như người điên cuồng uống rượu, trở nên phấn khích về một thứ gì đó, cảm thấy choáng váng, và chắc chắn rằng đó là chân tâm [mà mình thấy chứ không chỉ do tác động của] rượu; người ấy tự nghĩ sao mình có thể lầm lẫn được. Khi ông bị say như vậy, dù có làm việc tốt hay xấu, tất cả hành vi của ông đều là của cái tâm say ấy, không phải của chân tâm.

    Chừng nào người học đạo còn chưa nhổ tận gốc tâm phân biệt, mọi hành động và lời nói của họ đều là những hành động của ý thức chịu nghiệp; chúng không hoà hợp với đạo. Dù họ sáng hay mê, biết hay ngu, chín chắn hay thiếu suy nghĩ, khát khao hay không khát khao; dù họ sử dụng phương tiện thiện xảo hay nghiên cứu giáo lý; dù họ là bậc đại đức hay hạ tiện; dù họ thị hiện thần thông hay có cảm thọ yêu thương tiếc nuối - dù thế nào, dây vẫn là các hành động của tâm phân biệt.

    Khi lạnh, cả trời đất đều lạnh. Khi nóng, cả trời đất đều nóng. Khi có công bằng, mọi thứ là công bằng.

    Khi có xấu xa, mọi thứ là xấu xa. Khi dừng vận động của tâm phân biệt này và nhận thức con đường vô tâm, dù thực hành đúng hay sai, nói hay không nói, năng động hay yên lặng, cái tôi cũng không bao giờ ở đó; tất cả đều là bánh xe chính pháp đang quay. Đối với pháp, ngay từ đầu đã chẳng có xấu và tốt. Xấu và tốt chẳng qua tồn tại khi ông đang cố gắng diệt trừ tâm phân biệt mà vẫn chưa làm được vậy. Nếu loại trừ hẳn cái tâm say rượu, sự mê cuồng lập tức dừng lại, thân tâm sẽ an bình và tĩnh lặng. Nếu ông muốn hồi phục hoàn toàn khỏi bệnh, hãy thoải mái khi ngồi, nằm, khi thiền hành, đừng dựa vào năng lực của người khác. Hãy dừng sự xao nhãng, nhìn sâu vào tự tính, tập trung năng lượng tâm linh để vượt qua cái tôi; khi ấy, lần đầu tiên, ông sẽ đạt giải thoát. Nếu ông chỉ cố dừng chuyển động của ý thức và coi đó là giác ngộ, thế chẳng khác gì tìm một con cá và coi đó là viên ngọc, hoặc tìm một tên trộm và đối xử với hắn như con mình. Việc ấy sẽ dựng lên bức tường vững chắc giữa ông và giác ngộ. Nó sẽ là một tên phản bội đầy lòng căm giận, phá huỷ kho tàng pháp. Vì thế mới nói ông phải nhìn vào cái tôi như một người có lòng căm giận chưa nguôi nhìn vào kẻ thù; chỉ khi ấy ông mới thành công”.

    ______

    [20] Trường Sa Cảnh Sầm, đệ tử của Nam Tuyền Phổ Nguyện. Câu này trích trong Truyền đăng lục, quyển 10.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    VỀ PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO


    Có người hỏi: “Ngày hôm nay, lần đầu tiên sau chừng ấy năm, con nhận ra mình đã tìm một tên trộm và đối xử với hắn như con mình. Dù con có thấy được sai lầm, nếu không thực sự tự mình trừ bỏ tâm phân biệt này, khoảnh khắc giải thoát sẽ không bao giờ tới. Con nên dùng phương tiện thiện xảo nào đế trừ bỏ nó?”

    Bassui đáp: “Không có phương tiện thiện xảo cụ thể. Nếu ông xa rời mọi hình tướng trong tâm và đừng rơi vào hầm bẫy của vô tướng, giải thoát sẽ biểu thị ở thân ông như nó đang là ngay lúc này. Cao tăng Vô Môn Huệ Khai nói: (21) ‘Tuân theo luật lệ và giữ quy củ là tự trói mình mà không dùng dây. Ích kỷ tuỳ tiện là ngoại đạo và ma quỷ. Tĩnh lặng khi có tâm là lối Thiền mặc chiếu của ngoại đạo. Làm tuỳ ý thích, xem nhẹ các mối quan hệ, ông rơi vào hố sâu giải thoát. Khôn ngoan nhạy bén là bị trói vào xích, buộc vào cùm. Nghĩ đến tốt xấu là trụ vào ngôi chùa của thiên đường và địa ngục. Cái nhìn cố chấp về Phật và pháp nhốt ông vào hai ngọn núi sắt. (22) Người đốn ngộ từ một ý nghĩ khởi lên là chơi đùa với ma. Thiền hoàn toàn tĩnh lặng là hành động của quỷ. Tiến tới, ông bị lý Thiền đánh lừa; thoái lui, ông hành xử ngược với Phật pháp. Chẳng tới chẳng lui, ông là cái thây ma biết thở. Vậy, làm sao ông tu tập được đây?...’(23)

    Nếu thành tựu như vậy, (24) ông sẽ lĩnh hội được đại sự sinh tử. Còn nếu bị lý thuyết ngăn trở, không đi qua cánh cửa của chư tổ, ông sẽ mãi mãi chìm trong biển mê. Vì thế mà cổ nhân một khi phát khởi khát vọng không sợ hãi đã dành hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm - thậm chí cả đời - không nằm xuống, quên cả ngủ hay ăn, thực hành quán tưởng, tập trung năng lực tâm linh vào sự thích ứng tình huống, nhìn sâu vào tự tính, bởi vậy thực chứng ánh sáng của cốt lõi tâm linh của họ. Mọi chướng ngại nghiệp lực dựa trên tâm phân biệt này, và cái gọi là tâm được dựa trên Phật tính.

    Thiền sư Lâm Tế nói: ‘Ta không bám vào trần tục hay thiêng liêng bên ngoài, cũng không chìm vào thực chất bên trong; ta nhìn xuyên thấu và không nuôi dưỡng mối nghi sai lầm nào’. Hãy nhìn rõ bốn tư thế (đi, đứng, nằm, ngồi) khi thích ứng với các môi quan hệ và các hoàn cảnh. Tóm lấy mỗi cơ hội, tiêu diệt cái tâm hoạt dụng trong khoảnh khắc ấy như thể ông tiêu diệt một kẻ thù đối mặt trên, con đường hẹp. Hãy như một người không chỉ cố gắng dập tắt lửa mà ngay lập tức tưới nước vào tro còn ấm. Dù chí còn sót lại một cọng lông, ông cũng bị quăng vào thế giới sinh tử. Hãy quay vào trong, nhìn ra ngoài, tiêu diệt hoàn toàn mọi thứ, lần đầu tiên ông có được kết quả thích đáng.

    Hãy nhận ra mọi hình tướng là huyễn và chấm dứt toan tính; hãy nhận ra mọi kiến giải là mê, và giết Phật khi Phật xuất hiện trong tâm, giết tổ khi tổ xuất hiện trong tâm, giết chúng sinh khi chúng sinh xuất hiện trong tâm; hãy phá huỷ thế giới khi thế giới xuất hiện và phá huỷ cái không khi cái không xuất hiện. Đến lúc này, dù có thể ông hiếu rằng mọi thế giới mười phương chẳng qua là một cốt lõi bất hoại, ông vẫn rơi vào cái bẫy bám chấp. Những người vượt trên địa vị chúng sinh thì ngược lại, rơi vào cái bẫy coi mình là thánh. Dù ông trừ bỏ cả phàm và thánh, dù ông không dừng lại trước cây khô lạnh lẽo, (25) dù ông băng qua dòng sông sáng trăng và đi xuyên vùng đất tối, (26) nếu ông nghĩ mình đã thực chứng sự diệu dụng của cái phi thường, có thể ông vẫn chưa buông bỏ sự dính mắc vào năng lực của mình. Còn nếu quên đi hương vị chân thật của Phật và tổ, không nhận ra cốt lõi vũ trụ, ông nán lại trong tro lạnh của ngọn lửa bao phủ kéo dài, (27) vẫn chưa gần gũi với giáo pháp.

    Ông có muốn xuyên thấu và đạt giải thoát không? Khi ta nói như thế này, nhiều người đang lắng nghe. Nhanh lên! Nhìn vào người đang lắng nghe bài pháp này. Ngay lúc này, ai là người đang lắng nghe?

    Nếu ông kết luận rằng đó là tâm, tính, Phật, hay đạo; nếu ông gọi nó là nguyên lý, vấn đề, giáo pháp không được truyền của chư Phật chư tổ, thần thông, huyền diệu, kỳ bí, hình tướng, hay trống rỗng; nếu ông hiểu nó là có hoặc không, không có, không không, không phải không có, không phải không không; nếu ỏng kết luận nó là thời kiếp trước khi có tạo tác hoặc xem nó là hiểu biết công án, là vô tâm hay vô ngại, ông vẫn bị hoà trộn với chúng sinh, chưa bỏ được con đường lý luận.

    Còn nếu ông vung nắm đấm, giơ ngón tay, vỗ tay và yên lặng, rơi vào giải thích tuỳ theo hiểu biết của mình hoặc trình bày một ý chính như mình thấy, ông chẳng là gì ngoài một kẻ đùa giỡn với ma, một tinh linh nương vào cây cỏ. Khi ông không cố áp dụng mưu chước gì, thì rốt cục, cái gì lắng nghe pháp? Nếu không trả lời được, ông ăn ba mươi gậy; nếu trả lời được, ông vẫn ăn ba mươi gậy. Làm sao ông tránh khỏi ăn gậy? Làm sao?”

    ______

    [21] Vô Môn Huệ Khai (1183-1260), người soạn Vô Môn Quan, thầy của Tâm Địa Giác Tâm, người này là thầy của Cô Phong Minh Bản, và Cô Phong là thầy của Bassui.

    [22] Theo thần thoại Phật giáo, có chín dãy núi bao quanh núi Tu Di, trung tâm cùa vũ trụ. Dãy núi ngoài cùng gồm hai ngọn núi sắt, tượng trưng cho ranh giới của vũ trụ.

    [23] Trích trong Vô Môn Quan, khuyến cáo tu Thiền của Vô Môn. Xem Zenkei Shibayama, Thiền luận về Vô Môn Quan (New York: Harper & Row, 1975), trang 332.

    [24] Phần cuối trích dẫn của Vô Môn ở đoạn trước bị Bassui bỏ di. Phần đó như sau: “Hãy hoàn tất trong đời này. Đừng để bản thân chịu món nợ nghiệp lực mãi mãi”. Đưa thêm phần này vào sẽ làm rõ hơn ý nghĩa câu nói tiếp theo của Bassui.

    [25] Cây khô lạnh lẽo ngụ ý tâm yên lặng trống rỗng. Xem chú thích ủa Furuta Shoken trong Ngữ lục Thiền Nhật Bản (Nihon no Zen no goroku), tập 2, trang 365.

    [26] Vượt qua cảnh giới sáng và tối (tức sự tương đối); xem chú thích của Furuta Shoken, trang 369.

    [27] Không say mê với đạo; xem chú thích của Furuta Shoken, trang 370.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    CÁI GÌ NGHE PHÁP?


    Một vị tăng nói: “Tâm phân biệt quả là kẻ thù đáng sợ. Vậy khi con nhìn vào Phật tính của mình thì sao? Con nên nhìn nhận như thế nào?”

    Bassui đáp: “Nó cũng giống như một kẻ thù đáng sợ, vì nó phá huỷ cơ thể và kết liễu cuộc sống của ông”.

    Vị tăng lại hỏi: “Ý thầy là gì?”

    Bassui đáp: “Bò phi vào nước ngược dòng. Người gỗ chơi với lửa trong túi áo”.

    Có người hỏi: “Thưa thầy, lúc trước người nói giáo pháp chân thực của chư Phật chư tổ chẳng là gì khác ngoài chỉ thẳng nhân tâm, cho họ biết “thấy tự tính thành Phật”. Giờ đây, thầy chẳng nói cả về tâm lẫn tính. Thầy chỉ nói chúng ta nên nhìn xem cái gì nghe pháp. Điều này nghĩa là sao?”

    Bassui: “Đây là mấu chốt đích thực của nhìn thẳng vào tự tính”.

    Người khác hỏi: “Câu ‘cái gì nghe pháp’ là một phương tiện thiện xảo do thầy tạo ra, hay là lời chư Phật và chư tổ?”

    Bassui: “Chẳng phải phương tiện thiện xảo của ta, cũng không phải lời chư Phật và chư tổ. Nó là sự hoàn hảo bên trong của mọi người, cánh cửa giải thoát sâu xa của chư Phật và chư tổ”.

    Người khác hỏi: “Từng có câu rằng, cái gì không xuất hiện trong bất kỳ văn tự nào từ xưa đến giờ thì không phải chủ đề bàn luận của người thông thái. Nếu nó chưa từng xuất hiện trong lời chư Phật và chư tổ, ai tin được nó mà không chút nghi ngờ?”

    Bassui: “Không có ngôn từ cho đạo. Vì lẽ đó, nó không phụ thuộc vào lời của chư Phật và chư tổ. Nhưng dù nó bẩm sinh có nơi mọi người, ngôn từ vẫn được dùng để diễn tả nó. Nó đâu thể nào ngược với văn tự của chư Phật và chư tổ?”

    Người khác hỏi: “Nếu như vậy, kinh nào chứa giáo pháp này?”

    Bassui: “Trong pháp hội Thủ Lăng Nghiêm, (28) nơi có nhiều vị thánh đã tu tập và vào cửa, cả thảy có hai mươi lăm loại viên thông. Có một căn (cửa) - cũng gọi là người nghe pháp như đã đề cập - là sự viên thông mà Bồ tát Quán Âm thành tựu. Khi Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Văn Thù bình luận về căn này, Bồ tát Văn Thù đã tôn vinh nó, gọi nó là căn ưu việt nhất. Lúc ấy, Văn Thù nói với A-nan-đà: ‘Dù ông đã nghe vô số giáo pháp bí mật nhiều như vi trần của chư Phật, ông vẫn chưa diệt trừ dòng tham đắm, bởi vậy lầm lẫn bám vào những gì đã nghe. Thay vì ấp ủ những gì ông nghe được từ chư Phật, sao không lắng nghe người nghe?’”

    Có người lại hỏi: “Chư Phật và chư tổ đều dạy người tuỳ theo nhân duyên, giống như tuỳ bệnh cho thuốc. Sao thầy không chọn dạy theo nhân duyên mà cứ nói chúng con nhận thức về người đang lắng nghe pháp?”

    Bassui: “Cách tập trung vào người đang lắng nghe Pháp này là cánh cửa đà-la-ni (29) của chư Phật và chúng sinh. Nếu ông xuyên thấu cánh cửa này, dù năng lực của ông lớn hay nhỏ, mọi thứ sẽ được giải thoát. Bởi vậy kinh nói: (30) ‘Này đại chúng và A-nan-đà, hãy hướng việc nghe trở vào tự thân, lắng nghe cái chức năng nghe. Chức năng nghe này sẽ trở thành đạo rỗng không siêu việt. Đây là con đường thực chứng sự viên thông. Đây là một cửa vào niết bàn của vô số chư Phật nhiều như cát sông Hằng. Mọi Như Lai trong quá khứ đặ tự mình thực chứng thông qua cửa này. Mọi bồ tát hiện tại đang đi vào nó và trở nên sáng tỏ hoàn toàn. Người tu tập trong tương lai cũng nên dựa vào pháp này như vậy. Không chỉ Quán Âm mà ta và Văn Thù cũng ấn chứng đường đạo qua cửa ấy”.

    Văn Thù cũng nói: “Để thực chứng niết bàn tâm, hành trì của Quán Âm là tốt nhất. Nhiều tu tập thiện xảo khác cũng đều từ thần lực của Như Lai ứng dụng trong những hoàn cảnh cụ thể để giúp đệ tử trừ bỏ mê lầm. Chúng dành cho người thực hành lâu năm, không nên dạy tuỳ tiện cho những người có hiểu biết dù nông hay sâu”.

    Cũng trong một lần đăng đàn (31) thuyết pháp, Vô Môn Huệ Khai nói: ‘Lâm Tế nói với tăng chúng, “Tứ đại tạo thành thân xác thể chất của các ông không thể thuyết pháp hay nghe pháp. Lục phủ ngũ tạng của các ông cũng không thể thuyết pháp hay nghe pháp. Bầu trời trống rỗng cũng không thể thuyết pháp hay nghe pháp”. Lâm Tế nói vậy khác gì cha mẹ nhai cơm cho con nhỏ. Dù có như thế, ai là người thuyết pháp? Ai là người nghe pháp? Ngay chỗ này, nếu nắm bắt trọn vẹn, các ông sẽ hoàn tất tu tập’. Sao ông có thể nói vấn đề này không có trong văn tự của chư Phật và chư tổ? Giáo pháp ‘ai là người nghe pháp’ là tối cao trong những con đường viên thông của nhiều vị thánh. Sao những kẻ vô minh này vẫn mê lầm, thấy mình không tin được điều ấy?”

    Có vị tăng hỏi: “Nếu như lời thầy vừa nói, nó không phải giáo pháp truyền ngoài kinh điển và không qua ngôn từ. Sao thầy, một thiền sư, lại dùng giáo pháp ‘ai là người nghe pháp’ này?”

    Bassui: “Các ông giờ đang lắng nghe ta nói, người nghe ấy có đến từ lời dạy của Phật không? Có đến từ lời dạy của tổ không?”

    Vị tăng đảnh lễ và lui ra.

    ______

    [28] Đức Phật gặp gỡ hai mươi lăm ngàn người và trả lời bồ tát Kiên Ý (Drdhamati), mô tả cảnh giới thiền định có tên Thủ-lăng-nghiêm tam muội. Nội dung của thuyết pháp này tạo thành Kinh Thủ Lăng Nghiêm.

    [29] Xem chú thích 17, phần I.

    [30] Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Chương 6.

    [31] Jôdô, một thuật ngữ trong các thiền viện, chỉ lối vào dành cho viện chủ khi vào khu thuyết pháp; cũng là lối vào của các tu sĩ đi vào trai phòng để dùng bữa.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    ÔNG THÌ SAO?


    Một vị tăng nói: “Các vị thầy khắp nơi đều tuỳ bệnh cho thuốc. Thầy lại chỉ cho một thứ thuốc cho tất cả mọi người. Thế chẳng khiến người ta rơi xuống hang sao?”

    Bassui đáp: “Có vô số loại thuốc khác nhau có thể cho tuỳ theo bệnh. Nhưng thứ độc giết người thì không phân biệt người căn cơ thấp với cao. Nếu người ta thực sự uống thứ độc này và mất mạng, ai sẽ rơi xuống hang?”

    Có người hỏi: “Khi chúng con nghe đủ thứ âm thanh, chúng con cần nhìn sâu vào người đang lắng nghe. Vậy khi không có lấy một âm thanh thì sao?”

    Bassui: “Ai là người không nghe?”

    Người khác hỏi: “Con không nghi ngờ gì về người đang lắng nghe pháp”.

    Bassui: “Ông hiểu thế nào?”

    Người hỏi im lặng.

    Bassui quở: “Đừng dành cả đời ngồi trong hang ma”. (32)

    Một vị tăng hỏi: “Dù Phật hay tổ cũng chẳng hiểu ‘người lắng nghe Pháp’”.

    Bassui: “Hãy tạm không nói đến Phật và tổ. Ông thì sao?”

    Vị tăng đáp: “Con cũng không hiểu”.

    Bassui: “Chư Phật và chư tổ không hiểu là có lý gì?”

    Vị tăng không đáp được.

    Một tăng khác nói: “Người lắng nghe pháp rõ ràng ngay trước mắt thầy”.

    Bassui: “Đừng có bị mê theo ba thứ không lĩnh hội của Lâm Tế. (33) Nói đi! Cái gì nghe pháp ngay trước mắt ông?”

    Vị tăng này cũng không đáp được.

    ______

    [32] Câu này trích trong tắc đầu tiên của Bích Nham Lục. Đây là một câu trong lời bình của thiền sư Viên Ngộ, cảnh báo việc chìm đắm trong suy tư.

    [33] Lâm Tế nói: “Thân xác thể chất do tứ đại tạo thành này của ông không thể nghe pháp. Lục phủ ngũ tạng của ông không thể nghe pháp. Bầu trời trống rỗng không thể nghe pháp. Vậy ai nghe?”


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    PHƯƠNG TIỆN NÀO TỐT HƠN?


    Một vị tăng nói: “Một số vị thầy ngày nay chỉ hướng dẫn người ta nhìn vào tự tính. Số khác lại bảo nhìn vào thoại đầu. (34) Cái nào tốt hơn?”

    Bassui đáp: “Ban đầu, những diễn đạt này đều như nhau. Vì một ngàn hay một vạn câu chẳng qua cũng là dẫn đến tự tính, nên tự tính là nền tảng của công án. Đạt đến gốc rễ thì không than vãn về cành nhánh. Vì lẽ đó, nếu người mới tu đầu tiên nhìn thẳng vào tự tính, họ sẽ có thể vượt qua tất cả công án một cách tự nhiên. Nhưng ông nên biết, dù hiểu rõ tâm mình, nếu không thể thấu tỏ công án của cổ nhân, ông vẫn chưa đạt giác ngộ. Bởi vậy cổ nhân nói: (35) “Người chưa thấu tỏ, tham cứu câu chẳng bằng tham cứu ý. Người đã thấu tỏ, tham cứu ý chẳng bằng tham cứu câu”.

    Một vị tăng hỏi: “Vậy chúng con là môn sinh nhập môn, tham cứu công án là sai sao?”

    Bassui: “Ông đang tham cứu công án nào?”

    Vị tăng đáp: “Khuôn mặt nguyên sơ trước khi cha mẹ sinh ra”.

    Bassui đáp: “Chẳng phải khuôn mặt nguyên sơ này là nguồn gốc tự tính của ông lúc này sao? Sai lầm của ông là do biến chúng thành lời người khác”.

    Một vị tăng khác hỏi: “Con mới nhập môn và đã được trao công án ‘Tâm là Phật’. (36) Đây có phải mộl sai lầm của thầy con không?”

    Bassui dáp: “Tâm là Phật ngay lúc này. Nó không phải vấn đề ông nhận công án từ một thiền sư xưa Nó là sự chỉ thẳng vào chính tâm ông ngay lúc này. Đây không phải sai lầm của thầy ông. Nên Bá Trượng nói: (37) ‘Mọi ngôn từ và câu cú uyển chuyển quay về tự thân’. Nếu ông thực sự đạt giác ngộ viên mãn, thực chứng như vậy, không chỉ những ngôn từ hiếm hoi và câu cú tuyệt diệu của chư Phật chư tổ trở thành tự thân, mà rốt ráo không có gì trong toàn bộ tạo tác không phải là tự thân”.

    Vị tăng nói: “Vậy nói cách khác, nếu con muốn sáng tỏ tự tâm, con phải nhìn vào toàn bộ tạo tác?”

    Bassui đáp: “Không phải vậy. Mong muốn sáng tỏ tự tâm là để hiểu đại sự sinh tử. Khi tâm khát khao của ông dành cho điều này chín muồi, thấy hình tướng như chúng là và tâm sáng tỏ, ông sẽ chứng đạo thông qua tiếp xúc với sự vật. Nhưng nếu ngay từ đầu đã muốn sáng tỏ tự thân mà nhìn vào mọi tạo tác, ông sẽ đánh mất tiêu chí đánh giá và chắc chắn đi vào con đường ngoại đạo. Nếu ông mong muốn sáng tỏ tự tâm, hãy nhìn sâu vào nguồn gốc của người nghe mọi âm thanh ngay lúc này. Khi con đường tư duy bị tiêu trừ, gốc rễ sinh mạng dừng lại, lúc ấy tự thân trở nên thanh tịnh, thời điểm thành tựu cả đời sẽ tới. Người xưa nói: (38) ‘Trở về nguồn liền nắm được mối; dõi theo ngọn liền đánh mất tông’. Cao tăng Vô Môn Huệ Khai cũng nói: ‘Muốn tham Thiền phải qua cửa tổ. Muốn đạt diệu ngộ phải tuyệt đường tư duy. Cửa tổ không qua, đường tư duy chẳng dứt thì chỉ như bóng ma nương vào cây cỏ” (39)

    ______

    [34] Xem chú thích 7, phần III.

    [35] Phù Sơn Pháp Viễn (991-1067). Câu này trích trong lời bình tắc thứ 100 của Bích Nham Lục.

    [36] Trích dẫn này, vốn của Mã Tổ, xuất hiện trong tắc mười ba của Vô Môn Quan.

    [37] Bá Trượng Hoài Hải (749-814), đệ tử của Mã Tổ.

    [38] Tăng Xán (?-606). Tổ thứ ba của Thiền tông Trung Hoa. Câu này trích trong Tín Tâm Minh.

    [39] Đoạn này trong tắc đầu tiên của Vô Môn Quan. Vô Môn bình luận về một công án kinh điển. Một tăng hỏi Triệu Châu: “Con chó có Phật tính không?” Triệu Châu đáp, ‘’, Vô nghĩa đen là ‘không’, nhưng lời đáp ấy không nên được hiểu theo nghĩa đen. Môn sinh được yêu cầu suy nghĩ chữ , nhưng để thành câu trả lời rằng con chó không có Phật tính lại là một sai lầm.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    CÂU SỐNG VÀ CÂU CHẾT


    Có người hỏi: “Xưa có nói: (40) ‘Nếu hiểu biết của ông dựa vào câu sống thì mãi mãi chẳng quên. Còn nếu hiểu biết của ông dựa vào câu chết, ông tự cứu mình cũng chẳng xong. Điều này nghĩa là gì?”

    Bassui đáp: “Nếu hiểu biết dựa vào câu chết, nó không có tác dụng nếu ra ngoài ngữ cảnh. Nếu hiểu biết dựa vào câu sống, ấy là vì ông đã tuyệt đường tư duy”.

    Người hỏi: “Vậy câu ‘người nghe pháp’ là chết hay sống?”

    Basui: “Đại đức!”

    Người hỏi: “Dạ?”

    Bassui: “Cái đó sống hay chết?

    Người hỏi: “Con trâu đi qua cửa. Đầu, sừng và bốn chân đều đi qua, sao cái đuôi lại không thể qua? (4l) Đây là câu sống hay câu chết?”

    Bassui: “Bây giờ ta sẽ hỏi tất cả các ông, xem các ông hiểu lý như thế nào. Mỗi người các ông hãy nói ra hiểu biết của mình đi”.

    Một tăng nói: “Có con cá đẹp đi qua lưới và mắc lại trong nước”.

    Người khác nói: “Đạt giải thoát thì dễ, đi con đường của bậc giải thoát thực khó”.

    Người khác nữa nói: “Con trâu ngụ ý pháp thân của tự thân thanh tịnh. Vì nó ở ngoài cả quá khứ lẫn hiện tại, cả bên trong lẫn bên ngoài, chúng ta có thể nói cái đuôi không qua được”.

    Lại người khác nói: “Đây là một môn sinh chứng ngộ nhưng vẫn chưa quên được dấu vết từ sự thực chứng ấy”. Thêm một người nữa nói: “Dù người ấy thấy rõ bản tính nhưng vẫn chưa quên được tập khí cũ”.

    Thiền sư soi sáng cho họ bằng giọng nói lớn: “Sai! Sai! Dù đây ban đầu là một câu sống, khi các ông diễn giải nó bằng tâm phàm của mình, nó trở thành câu chết. Đây không còn là cửa tổ nữa, mà thành ngụ ngôn của pháp môn. Khi ông nhìn vào một câu sống với sự diễn giải của phàm tâm như vậy, ông đuổi giáo pháp chân thực của tông phái ta tới vùng đất khác. Dù trong hơn mười năm qua, nhiều người đã viết những diễn giải của họ về câu này, không ai từng nói được điều gì tương đắc với cái hiểu của ta”.

    Lúc ấy, tăng chúng chết lặng, nói: “Những người như chúng con chỉ có thể đáp như vậy. Thưa thầy, xin hãy nói một lời xoay chuyển (42) thay cho chúng con”.

    Thiền sư nói: “Nếu các ông gặp một con rắn chết trên đường, đừng giết nó. Chất mọi thứ vào cái giỏ không đáy và mang chúng về nhà”. (43)

    Tiếp đến một người hỏi: “ ‘Một ngàn ngọn núi bị tuyết phủ. Sao có một đỉnh núi đơn độc không có màu trắng?’ Đây là câu chết hay câu sống?”

    Bassui đáp: “Các ông hiểu thế nào?”

    Một lần nữa mỗi người trình bày cái hiểu của mình.

    “Con thấy nó là khách [tức sai biệt] trong chủ [tức đồng nhất]”. (44)

    “Con thấy một ngàn ngọn núi tuyết phủ là hiện tượng và đỉnh đơn độc là con đường độc đạo về phía cái tuyệt đối”.

    “Con thấy chúng là tâm chân thực và tâm mê lầm”.

    “Con thấy đỉnh đơn độc là cái tuyệt đốì còn một ngàn ngọn núi tuyết phủ là cái tương đối”.

    “Con chỉ thấy nó không có ý nghĩa cụ thể nào”.

    “Con thấy nó là một phương tiện phát khởi nghi hoặc ở người tu - một phương tiện thiện xảo đế áp dụng một lối hành trì nào đó”.

    Cuối cùng Bassui nói: “Tất cả những cách nhìn nhận ấy cũng là tâm niệm mê lầm của một ý thức lý trí. Nếu chúng đúng, mọi kẻ ngu độn đã hiểu Thiền. Các ông không thấy xấu hổ à? Khi những người không thể thoát khỏi cõi tăm tối tham quán những câu sống của chư tổ, những câu ấy trở thành câu chết. Khó mà không quở trách các ông”.

    Bassui nói đoạn kệ sau đây để làm sáng tỏ ý mình:

    Một ngàn núi, mười ngàn đỉnh, tuyết chất đầy
    Một đỉnh đơn độc, sao không trắng?
    Khách-chủ, tuyệt dối-tương đối, đều rơi vào suy luận.
    Hãy đi thẳng vào câu này:
    “Cây sắt trổ hoa”.
    (45)​

    Rồi Bassui nói với đại chúng: “Lục Tổ nói: ‘Chẳng phải gió động hay phướn động, là tâm của các ông động’.(46) Thiên Thai Đức Thiều diễn tả hiểu biết của mình về những lời này như sau: ‘Nếu chắng phải gió hay phướn động, vậy tâm ông tuỳ tiện động. Nếu không thừa nhận gió và phướn bất động, ông nên hiểu rõ nơi chúng chuyển động ở đây. Hoặc nói: “Sắc tức là không”. Hoặc: “Nơi mà gió và phướn không động, đó là cái gì?” Hoặc: “Nếu ông cố gắng thông qua vật để sáng tâm, vậy đừng theo đuổi chúng”. Hoặc: “Nếu ông nói người ta nên hiểu cả gió lẫn phướn đều không động, ông đã rời xa ý nghĩa của tổ”. Nêu chẳng có diễn giải nào đúng, vậy làm sao chúng ta lĩnh hội đầy đủ? Nếu thực hiểu điều này, pháp môn nào lại không mở ra với ông?”’(47)

    Các ông nên biết, trong quá khứ cũng như hiện tại, những ai chưa sáng tỏ đại pháp đều sinh ra những cảm nghĩ phân biệt như vậy, làm nhơ ngôn từ sống của tổ. Dù nó có thể là một câu chết, nếu một “chúng sinh sống” xử lý nó, lập tức nó trở thành một câu sống. Đây là ý nghĩa khi nói: ‘Nếu ông biết phải đối xử thế nào, ngay cả một con rắn chết cũng sống lại’. Các ông hiểu không?

    Thúy Nham (48) đến tham vấn cao tăng Từ Minh. (49) Từ Minh hỏi: ‘Ý nghĩa đích thực của Phật pháp là gì?’ Thúy Nham đáp: ‘Khi mây không xuất hiện trên đỉnh núi, ánh trăng phản chiếu trong lòng sóng’. (50) Từ Minh quở: ‘Ông định nói vậy cho đến ngày răng long đầu bạc à?’ Nghe vậy, toàn thân Thuý Nham vã mồ hôi, cảm thấy hoang mang. Từ Minh lại nói: ‘Ông hỏi đi’. Thúy Nham hỏi: ‘Ý nghĩa đích thực của Phật pháp là gì?’ Từ Minh đáp: ‘Khi mây không xuất hiện trên đỉnh núi, ánh trăng phản chiếu trong lòng sóng’. Nghe những lời ấy, Thuý Nham lập tức đại ngộ.

    Theo chỗ thấy ban đầu của Thúy Nham, mặt trăng tâm giác ngộ rõ ràng bao trùm, toả khắp các thế giới nhiều như cát sông Hằng, ấy là do mây của tư duy mê lầm dừng lại và ý nghĩ không sinh ra. Nhưng do Thuý Nham giải thích ‘ý nghĩa đích thực của Phật pháp’ bằng cái tâm mê của một người chơi với ma, nên bị Từ Minh quở trách. Lời đáp của đại sư Từ Minh là một câu sống của người chặt đứt dòng chảy của ý nghĩ mê lầm. Bởi thế nó đưa lại sức sống cho người hỏi.

    Giờ ta sẽ dành chút thời gian chất vấn tất cả các ông. Cái gì trong câu này phân chia nó thành một câu chết và một câu sống? Đâu là cái lý đằng sau lời đáp ‘Khi mây không xuất hiện trên đỉnh núi, ánh trăng phản chiếu trong lòng sóng’ của Từ Minh? Hãy cẩn thận nhìn vào ý nghĩa mà không chìm trong cái nhìn của Thuý Nham khi chưa chứng ngộ. Dù khó mà chỉ ra cho người nhập môn tất cả nhừng khác biệt giữa câu chết và câu sông, nhưng nói chung, khi cốt lõi đích thực của Phật pháp huyền diệu thông qua ngụ ngôn và tục ngữ bị quy thành những định nghĩa, nó là một câu chết. Đây là vì ngoài ngữ cảnh thì không hiểu được nó. Nên người xưa nói: (51) ‘Khi có một câu trong câu, ấy là câu chết. Khi không có câu trong câu, ấy là câu sống’. Lại có người khác nói: (52) ‘Nếu khí hoạt dụng không tách rời quả vị, ông rơi vào biển độc. Nếu lời chẳng khiến đại chúng kinh sợ, ông rơi vào dòng thế tục’. Nói chung, câu sống không trở thành câu chết vì sai lầm trong ngôn từ của câu, mà vì người tham cứu nó vẫn chưa thấu tỏ tự tính.

    Nếu lúc này các ông nhận ra sai lầm ấy, hãy buông xả mọi thứ, quay vào tự thân và nhìn cho kỹ. Rốt cục ai là người hiểu những ngôn từ của câu này?”

    ______

    [40] Long Nha Cư Độn (835-923). Đệ tử của Động Sơn Lương Giới. Câu này trích trong tắc hai mươi của Bích Nham Lục.

    [41] Ngũ Tổ Pháp Diễn (1024-1104), câu nói này tạo thành tắc ba mươi tám của Vô Môn Quan.

    [42] Một lời khai ngộ (xoay chuyển từ tâm mê sang ngộ).

    [43] Những lời này được cho là của Giáp Sơn Thiện Hội (805-881).

    [44] Câu này đến từ bốn mối quan hệ khách-chủ, được cho là của Động Sơn Lương Giới. Khách ám chỉ ứng dụn (sự sai biệt), chủ ám chỉ thể tính (sự đồng nhất).

    (45) Câu này đến từ tắc bốn mươi của Bích Nham Lục. Khai thị của Viên Ngộ bắt đầu với “Hãy dừng tâm trí, cây sắt trổ hoa".

    [46] Toàn bộ câu chuyện như sau: Hai tăng trong hội chúng của pháp sư Ấn Tông thấy lá phướn bị thổi theo chiểu gió nên tranh luận xem cái gì chuyển động, gió hay lá phướn. Lục Tổ nghe thấy, nói rằng chẳng phải gió động cũng chẳng phải phướn động, mà là tâm động. Hội chúng kinh ngạc trước lời của Lục Tổ. Chuyện này có trong Kinh Pháp Bảo Đàn cũng như trong tắc hai mươi chín của Vô Môn Quan.

    [47] Đoạn này trích trong Truyền Đăng Lục. Câu nguyên tác là: “Ông nên biết không có diễn giải nào ở đây là đúng’. Câu nguyên tác có vẻ hợp lý hơn để nói câu tiếp theo.

    [48] Thúy Nham Khả Chân, đệ tử của Thạch Sương Sở Viên (986-1039).

    [49] Từ Minh là tên khác của Thạch Sương Sở Viên.

    [50] Trích trong quyển 7 của Truyền Đăng Lục. Mây ngụ ý mê lầm, trăng ngụ ý thực tại hoặc giác ngộ.

    [51] Động Sơn Thủ Sơ (910-990), đệ tử của Vân Môn Văn Yển (864-949).

    [52] Viên Ngộ (1063-1165). Câu này trích trong lời dẫn của Viên Ngộ cho tắc hai mươi lăm của Bích Nham Lục.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BÙN VÀ NƯỚC HÒA VÀO NHAU


    Có người hỏi: “Câu thì có câu sống câu chết. Nhưng chân tính của tâm linh có sống có chết không?”
    Bassui đáp: “Bùn và nước hoà vào nhau”.

    Người hỏi: “Thế nào là tâm ấn của tổ?”
    Bassui đáp: “Lông mày mọc lên từ đá cứng”.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    KHI LẠNH,
    CẢ ĐẤT TRỜI ĐỀU LẠNH


    Có người hỏi: “Thưa thầy, khi dạy và đi vào chi tiết, thầy liệt kê chính xác tới mức ngay cả người nhập môn cũng sinh ra những cái nhìn lý trí khi sự tu tập của họ phát triển. Khi dạy về sự tiến bộ hướng tới giác ngộ, thầy đi nhanh tới mức ngay cả người tu tập lâu năm cũng không biết đặt họ vào đâu. Vì thế có những chê bai rằng cách của thầy khiến họ thoái lùi. Làm sao thầy thoát khỏi bị đổ lỗi trong chuyện này?”

    Bassui: “Khi lạnh, cả trời đất đều lạnh; khi nóng, cả trời đất đều nóng. Sao trời đất lại bị đổ lỗi?”

    Người hỏi: “Thầy giống như trời và đất sao?”

    Bassui: “Ông có thấy ta hay không thấy?”

    Người hỏi lưỡng lự.

    Bassui: “Thằng khờ mù mắt!”

    Người hỏi: “Đạo của Thiền tông là gì?”

    Bassui: “Sảnh đông, sảnh tây”. (53)

    Người hỏi: “Có tăng hỏi Triệu Châu: ‘Con chó có Phật tính không?’ Triệu Châu đáp: ‘Vô’. Thế, nghĩa là gì?”

    Bassui: “Đợi cho núi Phú Sĩ cười, ta sẽ trả lời ông”. (54)

    Người hỏi: “Phẩm chất thực chứng của sư là gì?”

    Bassui: “Hôm qua mưa, hôm nay gió”.

    Người hỏi: “Có người tu nói: ‘Hình tướng ban đầu không thể được bảo vệ’. Thế nghĩa là gì?”

    Bassui: “Gương vỡ không phản chiếu ánh sáng”.(55)

    ______

    [53] Nói tới sảnh đườg phía đông và phía tây của chùa. Ý nghĩa ở đây là thiền tăng đi lại tự do ngay ở đây và bây giờ.

    [54] Hãy so sánh với lời đáp của thiền sư Mã Tổ trước câu hỏi “Ai là người không xem mọi pháp là bạn?” Mã Tổ: “Đợi ông uống hết nước Giang Tây ta sẽ nói cho biết”.

    [55] Gương vỡ ngụ ý giác ngộ.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    TÀ NIỆM SINH RA TỪ MÊ LẦM


    Một người hỏi: “Người xưa nói: (56) ‘Tâm linh là cái túi da này; (57) túi da này là tâm linh’. Điều ấy có đúng không?”

    Bassui đáp: “Đúng vậy”.

    Người hỏi: “Nếu thế, ai trở thành Phật sau khi thân tan rã thành tứ đại? Ai chìm vào biển luân hồi? Và vì lẽ gì giữ giới để tránh phạm tội?”

    Bassui: “Nếu tiếp tục giữ quan niệm chối bỏ nhân quả, ông sẽ bay thẳng vào địa ngục nhanh như một mũi tên. Ông có nằm mơ không?”

    Người hỏi: “Khi ngủ say như chết, con thường mơ”.

    Bassui: “Trong giấc mơ, ông thường thấy gì?”

    Người hỏi: “Không phải luôn cố định, nhưng con thường thấy những thứ xảy ra trong trí não và thông qua thân thể”.

    Bassui: “Sự nổi chìm sau khi chết cũng giống vậy. Tất cả những ý nghĩ xảy ra trong tâm là dựa vào tứ đại tạo thành thân xác thể chất này. Giấc mơ ban đêm cũng vậy và xuất hiện tuỳ theo những ý nghĩ tốt xấu trong ngày. Tuỳ theo ba nghiệp thân, khẩu, ý nặng nhẹ thế nào mà ông nồi hay chìm sau khi chết. Bởi thế người xưa nói: ‘Do nghiệp mà có được thân này, và thân này đến lượt nó lại tạo nghiệp’. Ở đây, ông nên nhận ra sự liên tục của thân trong đời hiện tại với thân trong đời kế tiếp. Nếu thực hiểu điều ấy, ông sẽ không nghi ngờ câu nói ‘Tâm linh là túi da này; túi da này là tâm linh”’.

    Người hỏi: “Giờ đây, lần điều tiên con nhận ra thân và tâm không tách rời. Nếu như vậỵ, ý nghĩa của ‘thấy tự tính thành Phật’ lại trở thành cành và lá. Nếu cứ thực hành ngưng những hành động xấu liên quan đến thân xác thể chất này, làm nhiều điều thiện, giữ giới, thanh tịnh bản thân, diệt trừ tà niệm, chẳng phải sẽ thành Phật sao?”

    Bassui: “Mọi tà niệm là do cảm nhận mê lầm sinh ra. Nếu không thấu tỏ tự tính, dù có cố gắng diệt trừ tà niệm, ông sẽ như người không tỉnh dậy khỏi giấc ngủ mà cố dừng giấc mơ. Mọi hành động bắt nguồn từ cảm nhận mê lầm. Nếu ông chặt đứt gốc rễ, cành lá làm sao mọc được?”

    Người hỏi: “Có phải ý thầy là người thấu tỏ tự tính và trừ bỏ cảm nhận mê lầm khỏi tâm mình, thì dù hành xử theo cách ngược với giới luật vẫn không phạm tội?”

    Bassui: “Nếu đã thấu tỏ tự tính, sao người ấy có thể nghĩ tới việc phạm một tội mà trong đó người ấy phá giới?”

    ______

    [56] Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163), đệ tử của Viên Ngộ.

    [57] Túi da ý nói thân thể.


    [...]
     
    Zhiqiang and teacher.anh like this.
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    QUAN NIỆM NGOẠI ĐẠO VỀ HƯ VÔ,
    THƯỜNG HẰNG VÀ TỰ NHIÊN


    Một người hỏi: “Nếu thực sự đạt được tâm trống rỗng, người ta có quay thẳng về cái không, không bao giờ tái sinh nữa không?”

    Bassui đáp: “Đó là quan niệm về hư vô (58) của ngoại đạo và nhị thừa. (59) Vậy ích gì với người đã đạt đạo?

    Những người giữ quan niệm này thậm chí còn tệ hơn loài chồn hoang”.

    Người hỏi tiếp tục: “Vậy người đã đạt đạo và thực chứng bất sinh bất diệt, không có giới hạn thời gian nào cho sự cứu độ người khác của người ấy chăng?”

    Bassui đáp: “Đó là quan niệm về thường hằng của ngoại đạo. (60) Đây không phải ý nghĩa lời giải thích của Phật giáo về bất sinh bất diệt. Nếu có thể xa rời cả quan niệm hư vô lẫn thường hằng, ông sẽ không bị sinh tử làm cho ô nhiễm, sẽ dến đi tuỳ thích, sẽ là hoá thân như ông đang là, (61) sẽ tuỳ hoàn cảnh mà cứu độ chúng sinh, và nương theo thần lực của cầu nguyện, ông sẽ được giải thoát”.

    Người hỏi: “Nhưng nếu câu ‘Tâm linh là túi da này; túi da này là tâm linh’ áp dụng cho cả chư Phật, chư tổ và chúng sinh, và nếu không có tự tính nào ngoài cái này, vậy ngồi dậy, đứng, đi, yên lặng, thấy, nghe, ý niệm, biết chẳng qua là những hành động của tự nhiên, cần gì phải thấy tự tính?”

    Bassui: “Đó là kiến giải ngoại đạo về tự nhiên”. (62) Nếu không sáng tỏ Phật tính, ông sẽ bị kẹt vào thân hư huyễn, nghĩ rằng nó là thật. Dù có nằm mơ ông cũng không hiểu nguyên lý kiến tính và hiện tượng là một. Khi ấy ‘Tâm linh là túi da này; túi da này là tâm linh’ sẽ chẳng có ý nghĩa khác ngoài sự dính mắc của chúng sinh vào các hiện tượng tồn tại”.

    Người hỏi: “Phật tính vốn có trước trời đất. Nó là nguồn gốc của chư Phật và chúng sinh. Nó lấp đầy không gian trống rỗng vô tận. Mọi thứ là bằng chứng của pháp duy nhất này. Bởi vậy khi Thế Tôn đản sinh, ngài đi bảy bước trong bốn hướng, chỉ lên trời, xuống đất và nói: “Trên trời dưới đất, mình ta độc tôn”. Con không nghi ngờ sự thật này. Thế đâu phải ‘thấy tự tính’?”

    Bassui: “Đó cũng không phải giác ngộ chân thực. Nó chẳng qua là thấy về một khu vực tiếp giáp với cái bóng. Hãy nhớ Vân Môn nói: (63) ‘Nếu ta thấy thì đã đập cho chết, quăng xác cho chó ăn, và làm thế giới an bình”’.

    Người hỏi: “Đây không phải cái thấy hời hợt. Chẳng qua Vân Môn ghét khía cạnh chấp ngã của câu nói ‘Mình ta độc tôn”’.

    Bassui: “Ông là một nhà lý thuyết. Ông vẫn chưa hiểu ý nghĩa của chính pháp. Nếu giác ngộ thực sự có cùng lúc với sinh ra, sao Đức Phật đi vào núi, ngồi thiền sáu năm, quên cả thân tâm, rồi mới đại ngộ vào buổi sáng ngày mùng tám tháng Mười hai?”

    Người hỏi: “Sáu năm ngồi thiền của Thế Tôn là một phương tiện thiện xảo nhằm mục đích dẫn dắt chúng sinh”.

    Bassui: “Nếu ông gọi đây là một phương tiện thiện xảo, vậy việc gọi một thứ gì đó là phương tiện thiện xảo cũng chính là một phương tiện thiện xảo khác. Nó sẽ đi tới đâu?”

    Người hỏi: “Nếu mọi nhìn nhận đều sai, vậy điều gì đúng?”

    Bassui: “Trong Kinh Viên Giác có viết: ‘Này chư tôn đức, ngay cả những cái tâm thực chứng trí huệ của Như Lai và xác thực niết bàn thanh tịnh bất nhiễm cũng là những khía cạnh của bản ngã’”.

    Người hỏi: “Vậy nếu thành tựu tâm trống rỗng ngay lập tức, thầy có đi tiếp trên con đường căn bản để tới giác ngộ không?”

    Bassui: “Dù người học đạo thành tựu tâm trống rỗng và giữ thanh tịnh, nếu nhìn bằng con mắt chính pháp, tâm trống rỗng của họ thậm chí đưa họ vào cái hố sâu hơn”.

    Người hỏi: “Vậy đi thẳng qua một vạn chướng ngại, vượt trên tâm trông rỗng thì thế nào?”

    Bassui: “Ngũ Đài Sơn (64) mây như cơm trắng, Cổ Phật đài chó đái vào trời”.

    ______

    [58] Đoạn kiến (Phạn ngữ: uccheda-dristi): giáo lý chấp vào hư vô, dạy rằng cái chết đánh dấu sự kết thúc của bản ngã, không còn lại bất cứ thứ gì; đối nghịch với thường kiến.

    [59] Kiến giải Nhị thừa gồm: Thanh văn thừa – một người giác ngộ sau khi nghe giáo pháp từ một vị thầy; Duyên giác thừa – hiểu các nguyên lý Phật giáo và giác ngộ mà không nghe giáo huấn chính thức. Theo tư tưởng Đại thừa, cả hai trường hợp trên đều chỉ phục vụ bản thân nên ngược với lý tưởng Bồ-tát.

    [60] Thường kiến (Phạn ngữ: sasvata-dristi): giáo lý chấp vào vĩnh cửu; dạy rằng thế giới là vĩnh cửu, bản ngã được hiểu là bất diệt.

    [61] Hóa thân này được diễn tả trong Kinh Viên Giác. Vị Bồ-tát bằng thần lực của cầu nguyện đi vào nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, thay đổi hình tướng của mình để cứu độ chúng sinh.

    [62] Quan niệm ngoại dạo rằng mọi thứ là tự nhiên, bởi vậy không có nhu cầu làm bất kỳ điều gì - không cần tu, lắng nghe giáo pháp...

    [63] Vân Môn Văn Yển (864-949). “Nếu ta thấy” ám chỉ tối hành động của Đức Phật ngay sau khi sinh: đi bảy bước trong bốn hướng, chỉ trời chỉ dất...

    [64] Một dãy núi ở tỉnh Sơn Tây của Trung Quốc, nổi tiếng vì có nhiều ngôi chùa Phật giáo. Tương truyền các tu sĩ Ấn Độ đầu tiên đến Trung Quốc đã sống ở đó. Địa danh này cũng được cho là nơi trú xứ của Bồ-tát Di Lặc.


    [...]
     
    Zhiqiang, teacher.anh and galaxy like this.
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    TIÊU ĐỀ


    Khi sư đang sống ở tỉnh Ko tại Enzan, một tăng đến gặp, mang cho sư một bản viết tay và nói: “Gần đây con đã ghi lại một phần nhỏ những khai thị mà hoà thượng đã trao cho các tu sĩ và cư sĩ để đáp lại những câu hỏi và nghi ngờ của họ. Giờ đây con đã chép thành ba tập. Dù con đã ngăn cấm, nhưng số lượng những người sao lại các ghi chép này ngày càng tăng. Bởi vậy họ phát tán chúng khắp nơi mà không được phép, và người khác lại chép lại. Chữ được viết ra thì tam sao thất bản, (65) cũng vì thế mà thay đổi toàn bộ ý nghĩa. Cuối cùng, người nào đọc nó sẽ hành động sai lầm và phạm tội lỗi, ngược với ý định của mình. Vì lý do này, con muốn in ấn chính thức. Con cũng muốn đưa vào bản viết bằng ký tự kana giản lược để người ít học có thể dễ đọc. Xin sư nghĩ giùm một tiêu đề”.

    Thiền sư đáp: “In ấn không phải ý tưởng của ta. Ta có thể nghĩ được tên gì cho một thứ hỗn tạp bùn lẫn nước như vậy? Tuy nhiên, nếu ông muốn sử dụng nó để các thế hệ tương lai thấm nhuần sự can đảm và cẩn trọng, hãy gọi thợ thủ công để người ấy lo việc in ấn”.

    Vậy nên nó được gọi là Tuyển tập bùn và nước ở ngọn núi muối.

    ______
    [65] Nguyên văn: chim trở thành ngựa. Trong tiếng Nhật, chữ chim và chữ ngựa tương tự nhau.


    (Hết Phần III)​
     
    Zhiqiang, teacher.anh and galaxy like this.
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]

    Phần IV


    HÃY TRUY XÉT TÂM


    Muốn tránh nỗi khổ sinh tử, ông phải biết con đường tới Phật quả ngay trong khoảnh khắc này. Con đường ấy là thực chứng tự tâm. Tâm ông là khuôn mặt nguyên sơ trước khi cha mẹ ông sinh ra, cũng tức là trước khi ông sinh ra. Nó là khuôn mặt nguyên sơ của mọi chúng sinh, cho đến giờ vẫn không đổi.

    Tâm này vốn thanh tịnh. Nó không sinh ra cùng thân này, cũng không theo thân này diệt mất. Không chỉ thế, không thể phân biệt nó là nam hay nữ, định hình nó là tốt hay xấu. Nó vượt trên mọi so sánh, bởi thế chúng ta gọi nó là Phật tính. Các ý nghĩ, giống như những con sóng của đại dương, khởi lên từ bản tính nguyên sơ này. Chúng như những phản chiếu từ một tấm gương. Chính vì vậy để hiểu tự tâm, trước hết ông phải biết ý nghĩ đến từ đâu. Thế nên dù ngủ hay thức, dù đứng hay ngồi, ông phải truy xét cho kỹ: “Tâm này là gì?” Mong ước sâu xa muốn thực chứng điều ấy được gọi là tu tập, rèn luyện, khát vọng, hay tâm cầu đạo. Truy xét tâm như vậy cũng được gọi là hành thiền.

    Thấy được tự tâm dù chỉ một lần cũng vượt xa đọc vô số kinh điển và tụng thần chú hàng ngày trong nhiều năm. Những tu tập hình thức này chẳng qua nhằm mang lại phúc đức. Nhưng khi phúc đức bị tiêu

    trừ, ông sẽ lại chịu khổ của ba đường xấu. (1) Vì sự tu tập [thấy tự tâm] này rốt ráo sẽ dẫn tới giác ngộ, nó là hạt giống của giác hạnh. Ngay cả người phạm một trong mười nghiệp ác hay năm trọng tội, (2) khi bằng con đường tự quán chiếu mà thực chứng cũng có thể lập tức thành Phật.

    Nhưng đừng nghĩ ông có thể phạm tội khi dựa vào tiền đồ giác ngộ. Nếu ông dối gạt bản thân và rơi xuống địa ngục, Phật hay tổ cũng chẳng cứu được. Lấy thí dụ cậu con trai nằm ngủ và mơ thấy ai đó đang đánh mình hoặc mình bị bệnh và gọi cha mẹ đến cứu, họ cũng chẳng giúp được vì không thể đi vào giấc mơ của cậu. Kể cả nếu có muốn cho cậu uống thuốc, họ cũng không thể làm vậy nếu không đánh thức cậu dậy khỏi giấc mơ. Nếu cậu tự mình thức dậy, cậu sẽ thoát khỏi sự khổ ải trong mơ mà không cần ai giúp. Tương tự, khi ông thực chứng tâm mình là Phật, ông lập tức thoát khỏi [cảnh giới đau khổ của] sinh tử. Nếu Phật có thể cứu thì làm gì có chúng sinh nào rơi vào địa ngục? Ông sẽ không bao giờ hiểu điều này nếu ông không tự mình thức dậy.

    Khi tự hỏi ai là người mà trong chính khoảnh khắc này đang nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, giơ tay, nhấc chân, ông nhận ra tất cả những thao tác này là hoạt động của tâm ông. Nhưng ông không biết tại sao nó hoạt động như vậy. Ông có thể nói nó không tồn tại, nhưng rõ ràng có thứ gì đó đang hoạt dụng tự do. Đến khi [sự truy xét này] có cảm giác không vượt qua được, bản thân ông không hiểu được điều gì, mọi ý tưởng đã bị diệt trừ và ông không biết quay về đâu, đó là ông đang đi đúng hướng. Đến lúc này đừng để mình rơi trở lại. Nếu theo đuổi sự truy xét sâu hơn, mối nghi sắc nhọn của ông sẽ xuyên thấu vào tận đáy sâu và ông không còn nghi ngờ “tâm mình là Phật” nữa. Sẽ không có [cảnh giới] sinh tử nào để xem thường, không có chân lý nào để tìm kiếm. Cảnh giới trông không sẽ là nhất tâm.

    Giả dụ ông mơ thấy mình đi lạc và không tìm được đường về nhà, dù có nhờ vả mọi người hay cầu nguyện thần Phật, ông vẫn không thể tìm được đường trở lại. Nhưng nếu thức dậy khỏi giấc mơ ấy, ông sẽ nhận ra mình đang nằm trên giường của mình. Rồi ông sẽ thấy đế trở về từ chuyến đi trong mơ, tất cả những gì ông phải làm là thức dậy - không có cách nào khác. Đây được gọi là quay về gốc, trở về nguồn. Nó cũng được gọi là sinh vào thế giới an bình. Thành tựu việc ấy là kết quả của một mức độ thực chứng nhât định trong tu tập.

    Người yêu thích toạ thiền và dấn thân vào tu tập, dù là cư sĩ hay tăng lữ, cũng được phú cho khả năng hiểu điều này. Còn người không tu sẽ không bao giờhiểu. Nhưng nếu ông nghĩ mức độ thực chứng ấy là giác ngộ chân thật, không còn nghi ngờ hiếu biết của mình về chân tính của thực tại nữa, ông đang phạm sai lầm lớn. Cũng giống như ông từ bỏ hy vọng tìm được vàng vì đã phát hiện ra đồng thau.

    Nếu thấy mình từ bỏ như vậy, ông phải huy động sự can đảm và truy xét sâu xa hơn, thấy thân này như huyễn, như phản chiếu của bọt trên nước. Hãy thấy tâm ông như bầu trời trống rỗng, không có hình tướng. Hãy hỏi ai là người nghe thấy giọng nói, nhận ra tiếng vọng trong cái rỗng không này - đừng bao giờ ngừng lại dù chỉ một khoảnh khắc, hãy truy xét sâu xa. Cuối cùng, hiểu biết bằng lập luận sẽ dứt, ông sẽ quên cả thân mình. Khi ấy, những ý tưởng trước đó của ông sẽ dừng lại, độ sâu của tâm truy cầu sẽ đầy đủ. Thực chứng của ông sẽ trọn vẹn như đáy rơi khỏi thùng, một giọt nước cũng không còn lại. Nó sẽ giống như hoa nở trên cây chết. Ông sẽ đạt được tự do thông qua con đường Phật pháp; ông sẽ trở thành người giải thoát.

    Nhưng dù đã thực chứng như vậy, vẫn phải có thực chứng ấy nhiều lần rồi quăng nó đi, trở lại với người thực chứng. Khi ông trở lại với nguồn gốc, canh chừng nó cẩn mật, tiêu trừ các cảm nhận phân biệt, tự tính đích thực của ông sẽ sống dậy. Như một viên ngọc càng lau chùi càng sáng hơn, [liên tục trở lại với người thực chứng thì] sự rực rỡ của chứng ngộ càng tăng, để đến cuối cùng ông sẽ làm bừng sáng thế giới mười phương. Đừng bao giờ nghi ngờ điều này!

    Nếu khát vọng cầu đạo của ông không đủ sâu và ông không chứng ngộ trong đời này, nếu ông chết khi còn dang dở tu tập, ông sẽ dễ có thực chứng trong đời sau, điều ấy cũng chắc chắn như một người ngày hôm nay thực hiện công việc được hoạch định từ hôm qua.

    Khi tu tập toạ thiền, đừng xem nhẹ cũng không vui thú với các ý nghĩ khởi lên. Cứ nhìn vào nguồn gốc của chúng, biết rằng mọi thứ xuất hiện trong tâm hoặc được thấy qua mắt là ảo ảnh, không có thực thế. Đừng sợ nó, đừng tôn trọng nó, đừng yêu nó, và đừng ghét nó. Khi ông giữ tâm mình không ô nhiễm như bầu trời trống rỗng, vào lúc chết ông sẽ không bị quỷ gây hại. Nhưng khi tu tập, đừng giữ trong tâm bất kỳ giáo huấn nào, chỉ tiếp tục truy xét sâu hơn vào [bản chất của] tâm mình. Cũng vậy, khi ông nhận ra ai là người nghe mọi âm thanh trong khoảnh khắc này, tâm ông chính là nguồn gốc của chư Phật và chúng sinh.

    Trước khi Quán Âm thực chứng bằng cách nghe [nguồn gốc của] âm thanh, ngài được gọi là “Bồ tát nhận thức âm thanh”. Lúc đứng hay ngồi, hãy thấy cái gì nghe - khi làm vậy, ông sẽ quên mất người nghe. Tiếp tục theo đuổi như vậy, ông sẽ đạt đến một tình thế bế tắc, mất phương hướng. Vào lúc ấy, dù âm thanh vẫn được nghe, hãy nhìn sâu hơn vào cái gì đang nghe. Trong trạng thái này, tiếp tục nỗ lực hết mức và ông sẽ như một bầu trời không mây sáng tỏ.

    Lúc này, không có cái gì ông có thể gọi là cái tôi. Ồng sẽ thấy người nghe. Tâm ông sẽ là một với bầu trời bao la trống rỗng. Nhưng trong thực tế, sẽ không có cái gì ông có thể gọi là bầu trời trống rỗng. Ông sẽ cho đây là thực chứng, nhưng cả ở đây nữa, hãy nghiêm túc truy xét! Cái gì đang nghe âm thanh lúc này?

    Khi ông dừng các ý nghĩ tạo tác, khéo léo tiến tới sao cho ngay cả hiểu biết về một bầu trời trống rỗng không có đối tượng cũng biến mất, ông không nên thoái lui trước sự tối tăm này, mà thay vào đó tiếp tục hỏi cái gì đang nghe âm thanh. Khi mọi năng lượng đã bị tiêu trừ, khối nghi ngờ đã đầy đủ, ông sẽ chọc thủng khối nghi ngờ ấy giống như một người sắp chết được hồi sinh vào khoảnh khắc cuối cùng. Đây là thực chứng.

    Đến lúc ấy, lần đầu tiên, ông sẽ là một với chư Phật và chư tổ. Khi đã đi tới điểm này, hãy nhìn vào đây:

    Một tăng hỏi Triệu Châu: “Thế nào là ý nghĩa của việc tổ sư sang phương Đông?”

    Triệu Châu đáp: “Cây bách trước sân”.

    Nếu ông trù trừ dù chỉ một khoảnh khắc, hãy quay trở lại truy xét ai là người đang nghe. Không sáng tỏ trong đời này thì còn khi nào? Nếu mất thân người, ông có thể không thoát khỏi đau khổ bất tận của ba đường xấu. Cái gì đang ngăn trở thực chứng? Hãy hiểu rằng trở ngại chỉ là do ông thiếu khát khao đạt đạo. Hãy tu tập bằng sự sống còn!

    ______

    [1] Xem chú thích 3, Phần I.

    [2] Mười nghiệp ác gồm sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời thiếu đạo dức hoặc suồng sã, nói lời phỉ báng, nói nước đôi, thèm khát, giận dữ, ý niệm sai lầm.
    Năm trọng tội gồm giết cha, giết mẹ, giết thánh, làm hại thân Phật, gây mất hòa khí trong tăng đoàn.


    [...]
     
    Zhiqiang and teacher.anh like this.
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    GỬI MỘT NGƯỜI Ở KUMASAKA


    Ông xin ta dạy ông phải tu tập thế nào khi ông đang bệnh. Ai là người bị bệnh? Ai là người đang tu tập? Ông có biết ông là ai không? Toàn thân ông là Phật tính. Toàn thân ông là đại đạo. Nền tảng chân thực của đạo này vốn thanh tịnh, xa lìa mọi đặc tính. Nó là nguồn gốc của chư Phật, là tâm của chúng sinh, là khuôn mặt nguyên sơ. Nó là chủ của thấy, nghe, thức tỉnh, và biết. Thực chứng điều này, ông là Phật. Không thực chứng, ông là chúng sinh. Vì lẽ đó, chư Phật và chư tổ đều chỉ thẳng tâm, khiến người ta thấy tự tính thành Phật. Giống như người bị lạc trong bóng, tất cả những gì ông có thể làm là cho người ta thấy hình chân thực.

    Thời xưa, có người nghĩ mình nhìn thấy con rắn trong ly rượu, nhưng rồi anh ta vẫn uống. Chẳng bao lâu sau khi trở về nhà, anh ta bắt đầu cảm thấy một cơn đau vô cùng khó chịu. Anh cố thử nhiều loại thuốc nhưng vô hiệu. Người chủ [của ngôi nhà tại đó anh uống rượu] nghe chuyện ấy liền gọi anh lại, đặt anh vào chính chiếc ghế nơi anh ngồi khi uống rượu. Sau đó, người chủ đưa thêm rượu cho anh, nói rằng đây là thuốc chữa bệnh dạ dày. Khi người đàn ông sắp uống, anh để ý thấy con rắn trong ly giống như lần trước. Người khách báo cho chủ nhà việc ấy, người chủ liền chỉ lên phía trên nơi người khách ngồi. Trên đó là một cây cung treo ở trần nhà. Người khách nhận ra thứ anh ta tưởng là con rắn thực ra là một phản chiếu của cây cung nên cả hai phá ra cười mà không nói một lời. Cơn đau biến mất, anh ta trở lại bình thường.

    Thấy tự tính và thành Phật cũng giống vậy. Vĩnh Gia Huyền Giác (3) nói: “Thấy thực tướng thì chẳng còn người (chủ thể) hay pháp (đối tượng). Khoảnh khắc ấy, nghiệp của a tì địa ngục cũng rũ sạch hết”.

    Chân thân là nguồn gốc của mọi chúng sinh. Nếu Ông không tin tâm ông là sự thực chứng viên mãn của Như Lai mà cứ dính mắc tới hiện tượng tồn tại, rồi cầu Phật cầu pháp nơi khác, dù ông có thực hành nhiều thứ khổ hạnh nhằm thành tựu Phật quả, do không diệt trừ được sự tác oai tác quái của ngã, ông sẽ chịu đau khổ của vô số kiếp luân hồi trong ba cõi. (4)

    Giống như thể ông nghĩ mình đã uống một con rắn trong ly rượu và bị bệnh nặng, nếu chẳng làm gì khác ngoài thấy được nguồn gốc [của ảo tưởng], ông sẽ lập tức dứt bệnh. Bởi vậy, tất cả những gì cần làm là thấy được tự tâm. Không ai khác cho ông được pháp này.

    Trong kinh [Viên Giác] có nói: “Khi biết kẻ thù là hư huyễn, không cần dứt bỏ điều gì”. Mọi hiện tượng là ảo tưởng; không có gì thật. Tất cả Phật và chúng sinh là những hình ảnh phản chiếu trong nước. Khi ông xem những phản chiếu này là thật, đó là bởi ông không thấy tự tính. Một lỗi thường gặp là khi kiểm soát ý nghĩ, cảm nhận sự yên lặng lớn lao, ông liền cho đó là khuôn mặt nguyên sơ. Cái đó cũng là hình ảnh phản chiếu trong nước. Hãy cứ vượt qua tư duy lý trí, ông sẽ tới một điểm không biết mình phải làm gì. Tiếp tục truy xét ở đó. Ai [là người truy xét]? Ông sẽ biết rõ người ấy khi đã làm gãy cây gậy chống, đã nghiền nát băng trong lửa. Làm sao có hiểu biết ấy? Hôm nay mùng tám, ngày mai là mười ba! (5)

    ______

    (3) Xem chú thích 7, phần I.

    (4) Ba cõi mê lầm: dục giới, sắc giới, vô sắc giới.

    (5) Câu này có lẽ là cách Bassui chỉ ra sự siêu việt lên tư duy logic.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này