Triết học - Tôn giáo PG Bùn & Nước - Arthur Braverman

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi tducchau, 7/5/15.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    GỬI NI SƯ TRỤ TRÌ CHÙA JINRYOJI


    Người cầu Phật quả phải biết chủ của người cầu. Nếu muốn biết, bà phải truy xét vào gốc rễ của tư tưởng hiện thời; ai là người nghĩ điều gì tốt hay xấu, ai thấy hình tướng và nghe âm thanh. Nếu truy xét sâu xa [những thứ ấy], bà chắc chắn sẽ hiểu. Nếu hiểu, bà lập tức là Phật. Phật là nhất tâm của mọi chúng sinh. Cốt tuỷ của nó vốn thanh tịnh, không thể bị đối tượng bên ngoài làm ô nhiễm. Dù nó tồn tại trong thân nữ, nó cũng không mang đặc tính nữ. Dù nó tồn tại trong thân nam, nó cũng không mang đặc tính nam. Dù nó tồn tại trong thân hạ tiện, nó cũng không hạ tiện. Dù nó tồn tại trong thân cao quý, nó cũng không phải vua chúa. Như khoảng không bao la, nó không có màu sắc. Dù trời đất có bị huỷ hoại, khoảng không bao la này vẫn không màu, không hình tướng. Nó xâm nhập mọi ngóc ngách. Nhất tâm cũng như vậy.

    Nhất tâm này không sinh ra với thân xác thế chất, không chết đi khi thân xác thể chất hư hoại. Dù không thấy được, nó vẫn hoạt dụng thông qua toàn thân, nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, ngửi bằng mũi, nói bằng miệng, giơ tay nhấc chân. Không có nơi nào mà nó không hoạt dụng, cầu Phật cầu pháp ngoài tâm này được gọi là mê lầm của chúng sinh. Phật là người hiểu chính thân này là Phật. Bởi thế, không ai không thực chứng tự tâm mà lại thành tựu Phật đạo.

    Mọi chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi (6) không chừa một ai đều có tâm này, cũng giống như bầu trời rộng mở có ở khắp mọi nơi. Không có gì xa khỏi nó. Như đã được khẳng định bởi câu “Trong Phật không có phân biệt”.

    Để dạy chúng sinh về nhất tâm, cho họ biết sự vô minh căn bản của họ, sự dính mắc của họ vào hiện tượng tồn tại khiến không hiểu pháp, không có tự tính của vị Phật chân thực bất nhiễm, nên khi chư Phật thuyết pháp, đôi lúc họ gọi pháp này là ngọc mani, (7) đôi lúc gọi là đại đạo, đôi lúc gọi là A-di-đà Phật, đôi lúc gọi là Đại trí Văn Thù, đôi lúc gọi là Bồ tát Địa Tạng, (8) đôi lúc gọi là Bồ tát Quán Âm, đôi lúc gọi là Bồ tát Phổ Hiền, và đôi lúc gọi là khuôn mặt nguyên sơ trước khi cha mẹ sinh ra. Vì chúng sinh luân hồi trong sáu cõi, nên Địa Tạng, bồ tát của sáu căn, đã đi vào những cảnh giới ấy để dạy đạo. Mọi tên gọi của chư Phật và chư bồ tát là những danh hiệu khác nhau để chỉ nhất tâm này. Khi bà tin rằng tâm mình là Phật, bà sẽ tin tất cả chư Phật. Nên Kinh Hoa Nghiêm nói: “Ba cõi chẳng qua là nhất tâm. Không có pháp nào ngoài tâm này. Không có phân biệt nào giữa tâm, Phật, và chúng sinh”.

    Vì chúng sinh, mọi kinh điển là những ngôn từ chỉ tới tâm này. Bởi vậy, người tự mình thấy được nhất tâm giống như người trong một hơi thở đọc hết mọi kinh điển. Nên Kinh Viên Giác nói: “Kinh là ngón tay chỉ trăng”, ám chỉ tới mọi kinh. Ngón tay chỉ trăng đang chỉ cho chúng sinh về phía nhất tâm. Nhất tâm thắp sáng thế gian. Nên khi nói người đọc kinh sẽ được công đức lớn, công đức này là cái biết về pháp [nhất tâm ấy].

    Cũng có người nói phụng sự chư Phật sẽ được giác ngộ. Đây là nói tới giác ngộ tự tâm. Hành động trì tụng danh hiệu Phật và đọc kinh điển là những chiếc bè đưa người sang bên bờ giác ngộ. Sau khi dùng bè qua sông sang tới bờ bên kia, phải bỏ bè mà đi tiếp. Bởi vậy mới nói thấy nhất tâm trong một khoảnh khắc cũng vượt xa đọc kinh điển vạn ngày. Chưa kể, thấy nhất tâm còn vượt xa lắng nghe lập luận này trong mười ngàn năm. Nhưng vì người ta phải đi dần từ nông tới sâu, nên những kẻ vô dụng và những tên tội đồ phải chuyên tâm đọc kinh và tụng danh hiệu chư Phật mới có thể đi chiếc bè này lần đầu tiên. Đây là sự phát triển đầy may mắn cho họ. Nhưng nếu họ quẩn quanh bên cái bè, không nghĩ tới việc đi sang bờ giác ngộ, họ đang phạm sai lầm nghiêm trọng.

    Đức Phật đã thực hành nhiều tu tập khổ hạnh mà không đạt giác ngộ; thế rồi, ngài quăng những thực hành này đi, toạ thiền trong sáu năm và thực chứng tự tâm. Khi đạt giác ngộ hoàn hảo tối thượng, ngài dạy chúng sinh tâm pháp này. Thuyết pháp của ngài được gọi là kinh, đó là những ngôn từ về sự thực chứng nhất tâm. Nhất tâm có trong cốt tuỷ mọi người, là chủ của sáu căn. Thực chứng sự thật này thì chỉ chớp mắt đã nhổ bật gốc rễ mọi nghiệp báo chẳng khác gì [một tảng] băng bị bỏ vào nước sôi. Sau thực chứng ấy, bà sẽ biết tâm mình là Phật.

    Dù bà có nói tâm mình vốn thanh tịnh, không có sự phân biệt nào giữa Phật và chúng sinh, nhưng tư tưởng mê lầm tạo ra các phân biệt nhiều như mây che mất mặt trăng mặt trời. Thần lực của tu tập có thể rũ sạch mê lầm giống như gió thổi mây bay đi. Phật tính lộ ra khi tư tưởng mê lầm dứt bặt, như thể nó hiện ra từ đằng sau những đám mây đang tan. Nó chẳng qua là sự xuất hiện của hào quang nguyên sơ. Nó chẳng đến từ đâu khác.

    Vậy nếu bà muốn tránh nỗi khổ qua nhiều vòng sinh tử, hãy dứt bỏ suy nghĩ và cảm thọ. Nếu muốn dứt bỏ suy nghĩ và cảm thọ, hãy thực chứng tự tâm. Nếu muốn thực chứng tự tâm, hãy toạ thiền. Toạ thiền là cốt tuỷ của tu tập. Để thực hành, bà phải truy xét sâu vào ý nghĩa của công án. Nguồn gốc của công án là tự tâm. Sự mong cầu sâu xa muốn thực chứng tâm được gọi là tâm cầu đạo, hoặc đạo tâm. Những người không khát khao Phật đạo là bởi không biết gì về đau khố của địa ngục.

    Từ xa xưa, có một bồ tát hiện thân nữ nhân, thực chứng giác ngộ thông qua quán chiếu mọi âm thanh. Thế Tôn gọi ngài là Bồ tát lắng nghe mọí âm thanh trên thế gian (Quán Âm). Nếu con người ngày nay muôn biết cốt tuỷ của “tâm này là Phật”, khi họ nghe một âm thanh, họ nên thấy ai là người nghe. Chắc chắn họ sẽ không khác Quán Âm.

    Tâm chẳng có cũng chẳng không; dù siêu việt hình tướng, nó lại vô tướng. Đừng cố gắng dừng ý nghĩ xuất hiện, cũng đừng khuyến khích ý nghĩ khi chúng xuất hiện. Để chúng xuất hiện khi xuất hiện, tan đi khi tan đi. Đừng sa vào ý nghĩ. Chỉ chuyên tâm truy xét: “Cái gì là tâm?”. Tại sao nói chuyên tâm truy xét? Để đạt giác ngộ.

    Nếu muốn biết cái không thể biết, tâm sẽ bị thách thức cho tới khi bà đi đến vách núi dựng đứng. Khi không biết phải làm gì tiếp theo, đó là lúc tối ưu để hành thiền. Khi toạ thiền, hãy truy xét như vậy. Dù đang đứng hay ngồi, thức hay ngủ, đừng bao giờ quên là bà vẫn chưa thực chứng con người thật, và hãy truy xét cho đến khi xuyên thủng gốc rễ. Đây được gọi là tu tập. Khi tu tập chuyên cần, xuyên thấu tâm truy xét này đến tận nền móng của nó, bà sẽ đột nhiên bừng vỡ mối nghi, và sự thật “tâm này là Phật” sẽ lộ ra, cũng giống như một cái gương trong hộp chỉ soi được sau khi mở hộp. Cái gương sẽ thắp sáng thế giới mười phương, không để nơi nào trong bóng tôi. Khi ấy, lần đầu tiên, luân hồi qua sáu nẻo sẽ dừng, những hậu quả tai hại của ác nghiệp sẽ bị tiêu trừ. Khó mà mô tả bằng lời niềm vui mà khoảnh khắc này mang lại cho trái tim. Nó giống như một người mơ mình ở trong tù, bị tra tấn tàn nhẫn; khoảnh khắc ấy, người ấy tỉnh dậy và mọi nỗi khổ biến mất. Chúng ta có thể nói khi đó người ấy thoát khỏi cõi luân hồi.

    Thực chứng đại sự này không phụ thuộc vào năng lực của cá nhân; nó phụ thuộc vào khát khao của người ấy. Chư Phật và chúng sinh giống như nước và băng. Trong trạng thái băng, nước là một khối đá, không có tự do di chuyển. Nếu tan chảy, nó trở lại trạng thái lỏng ban đầu, không còn cứng chắc nữa. Mê lầm giống như băng. Giác ngộ là trạng thái tinh tế ban đầu của nó. Không có phần nào trong băng mà [bản chất] không phải là nước. Bà nên hiểu không có mảy may phân biệt giữa chúng sinh và Phật. Sự phân biệt duy nhất là tư tưởng mê lầm. Khi tư tưởng mê lầm tan chảy, chúng sinh là Phật như vốn là. Đừng bao giờ để ý nghĩ biếng nhác khởi lên. Giả dụ bà tin rằng khát khao của mình không đủ mạnh đế đạt giác ngộ trong đời này, nhưng bà tiếp tục tu tập, khuyến khích bản thân không bao giờ uể oải. Nếu tiếp tục tu tập tiến lên cho đến tận lúc lâm chung, bà chắc chắn sẽ đạt giác ngộ trong đời tiếp theo, cũng giống như những thứ bà bắt đầu hôm nay sẽ dễ dàng được làm xong ngày mai. Vì vậy, đừng xao nhãng. Nếu lúc này đang ở giây phút cuối cuộc đời, bà có thể làm gì để giúp mình? Bà có thể làm gì để tránh nghiệp báo địa ngục?

    May thay, đại đạo có thể giải thoát bà. Mọi ngôn từ ta đã sử dụng đến giờ chỉ là cành và Vả. Giờ hãy ghi nhớ một câu này: Tìm ra tại sao tâm này là Phật! Nếu bà muốn chỉ nhìn thoáng qua là biết cốt tuỷ của chư Phật, hãy thực chứng tự tâm. Điều này đúng hay sai? Hãy mở con mắt, nhìn ngay bây giờ đi. Tại sao tâm này là Phật? Nếu thực chứng tâm này, hoa sen sẽ nở trong lửa, có luân chuyển qua mười vạn thế giới cũng không héo tàn. Ai cũng có hoa sen ấy; tại sao họ không biết?


    [...]
    ______

    [6] Cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, a tu la, súc sinh, người, trời.

    [7] Phạn ngữ, cintomani, viên ngọc thần thoại có khả năng đáp ứng mọi lời ước.

    [8] Phạn ngữ, Kstigarbha, Địa Tạng là vị bồ-tát được tôn sùng trong niềm tin dân gian, một người cứu độ những đau khổ trong địa ngục, người giúp đỡ cho những trẻ em qua đời.
     
    Ban Tang Du Tử and teacher.anh like this.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    GỬI GESSO SEIKO,
    LÃNH CHÚA VÙNG AKI, TỪ NAKAMURA


    Ta nhận được thư của ông hỏi nên tu tập thế nào để hiểu câu “Phải làm sống lại cái tâm không có chỗ trụ”.

    Không có một con đường cụ thể để học đạo. Chỉ nhìn thẳng vào bản tính, đừng xao nhãng, và đoá hoa tâm sẽ nở, nên kinh nói: “Hãy làm sống lại cái tâm không có chỗ trụ”. Hàng vạn câu được chư Phật và chư tổ thốt ra cũng chỉ là một câu này. Tâm này là chân tính xa rời mọi hình tướng. Tự tính là đạo, đạo là Phật, và Phật là tâm. Tâm này không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa. Nó chẳng có cũng chẳng không. Nó chẳng không có cũng chẳng không không. Nó không phải tâm, Phật, hay vật. Bởi thế, nó được gọi là tâm không có chỗ trụ.

    Tâm này thấy hình tướng bằng mắt, nghe âm thanh bằng tai. Ông chỉ việc tìm hiểu chủ [của những quá trình ấy]. Thiền sư [Lâm Tế Nghĩa Huyền] nói: “Thân xác thể chất do tứ đại tạo thành này không thể nhận thức bài pháp mà ông đang nghe. Lục phủ ngũ tạng không thể nhận thức bài pháp mà ông đang nghe. Không gian trống rỗng không thể nhận thức bài pháp mà ông đang nghe. Vậy cái gì nhậnthức bài pháp này?” [Truy xét] như vậy, hãy nhìn thẳng vào!

    Nếu khi nhìn mà tâm ông bám vào bất kỳ hình tướng nào, hoặc ông trở nên dính mắc vào một ý nghĩa cụ thể rồi tạo dựng ý niệm về nó, ông sẽ cách xa đạo như trời cách xa đất. Khi ấy, ông làm gì để chặt đứt các trói buộc sinh tử? Đi tới thì ông lạc trong lập luận; thoái lui thì ông làm trái giáo huấn. Chẳng đi tới hay thoái lui, hãy như một thân xác biết vận động, lập tức dứt trừ [suy nghĩ] và tu tập mà không câu thúc. Chắc chắn khi ấy ông sẽ thành tựu giác ngộ và làm sống lại cái tâm không có chỗ trụ. Khi ấy ông sẽ sáng tỏ những giáo lý phi thường không gì sánh được, bao gồm mọi công án và pháp.

    Cư sĩ Bàng Uẩn hỏi Mã Tổ Đạo Nhất: “Loại người nào không xem mọi pháp là bạn?” Mã Tổ Đạo Nhất đáp: “Đợi khi ông một ngụm uống hết nước Giang Tây, ta sẽ nói cho nghe”. Nghe lời ấy, Bàng cư sĩ tỉnh ngộ. Hãy nhìn đi! Thế nghĩa là gì? Nó có nói tới câu “Ông phải làm sống lại cái tâm không có chỗ trụ” không, hay nó nói tới người đang lắng nghe pháp? Nếu ông vẫn không hiểu, hãy tự hỏi ai đang lắng nghe giọng nói ngay lúc này? Tập trung năng lực mà nhìn ngay khoảnh khắc này! Sinh tử là việc lớn, vô thường đến nhanh chóng. Đừng phí thời gian. Thời gian không đợi ai cả.

    Tâm ông căn bản là Phật. Nhận ra nó thì ông thành Phật. Đánh mất nó và ông là người phàm.

    Dù ngủ hay thức, dù đứng hay ngồi, hãy chỉ truy xét “Tâm ta là gì?” và nhìn vào nguồn gốc mà từ đó ý nghĩ sinh khởi. Khi tự hỏi cái gì hiểu sự việc như vậy, cái gì vận động xác thân, cái gì làm việc, cái gì đi tới đi lui, hãy tự vấn: “Rốt cục, nó là gì?” Chỉ khát khao tự mình thực chứng điều mình liên tục truy xét, không bao giờ xao nhãng, và cho dù ông không thực chứng đời này, nhất định đời sau sẽ làm được. Đừng bao giờ nghi ngờ!

    Khi ông quyết định thực hành toạ thiền, đừng xem xét tốt xấu. Ý nghĩ khởi lên, đừng cố dừng chúng lại. Cứ lập tức tự hỏi tâm này là gì. Dù truy vấn sâu xa như vậy, sẽ không có phương pháp nào cho ông hiểu biết ấy. Ông cứ giữ yên trong trạng thái không biết, con đường thông qua tư duy sẽ dừng, ông sẽ quên hết mọi cảm giác về “bản ngã” trong thân xác, và sẽ biết không có gì có thể gọi là tâm. Hãy tự hỏi cái gì [thực chứng], trở lại với chính mình và nhìn. Cái tâm muốn biết sẽ biến mất, mọi giáo pháp cũng thế, và ông sẽ giống như bầu trời trống rỗng. Khi thực chứng trạng thái như bầu trời trống rỗng ấy và tiếp tục xuyên sâu vào nó, ông sẽ thấy không có Phật nào ngoài tâm, không có tâm nào ngoài Phật.

    Lúc ấy, lần đầu tiên ông sẽ biết, khi lắng nghe bằng tai, ông có thể thật sự lắng nghe; khi thấy bằng mắt, ông có thể thấy chư Phật từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng những lời này nếu hiểu theo chữ nghĩa thì không làm ông giác ngộ. Ông phải thực sự tự mình thực chứng. Nhìn đi, nhìn đi! Tâm ông là gì? Hãy cẩn thận! Dù người ta nói bản tính của mọi sinh linh vốn tự nhiên là Phật, nếu ông không tin và cầu Phật cầu pháp nơi khác, ông sẽ không đạt giác ngộ, sẽ bị nghiệp tốt nghiệp xấu lôi kéo loanh quanh, không thể thoát khỏi luân hồi qua vô số kiếp sinh tử.

    Nguồn gốc của nhiều nghiệp là cảm nhận phân biệt. Hãy chấm dứt cảm nhận phân biệt, ông sẽ tự do. Nếu qua thực chứng tự tính, ông tiêu trừ những cảm nhận phân biệt này, nó sẽ giống như thổi bùng ngọn lửa vùi trong tro - ngọn lửa bùng lên và tro bị rũ sạch.

    Khi toạ thiền, đừng khó chịu vì ý nghĩ nổi lên, nhưng cũng đừng vui thú với chúng. Cứ dò ngược trở lại nguồn gốc của chúng, nhìn vào nguồn mà không để nó làm ông xao nhãng. Nếu ông làm vậy và nhố bỏ tận gốc các cảm nhận phân biệt vốn sinh ra từ nguồn của mọi ý nghĩ, nó giông như rũ sạch tro trong lửa bằng cách thổi bùng ngọn lửa. Dù mê lầm bị trừ bỏ và không có gì còn lại trong lòng, dù không có sự phân chia trong ngoài, và dịà ông như một bầu trời rỗng không sáng tỏ, mọi phương đều thanh tịnh, đây vẫn chưa phải giác ngộ. Nếu ông coi đây là Phật tính thì giống như thấy bóng và nghĩ đó là hình thực. Lúc này, ông phải thực hành chuyên tâm hơn nữa, huy động năng lực nhìn vào cái tâm nghe âm thanh ấy.

    Thân xác thể chất do tứ đại tạo thành là hư huyễn, không có gì thật. Nhưng tâm không tách rời khỏi thân xác thể chất. Bầu trời rỗng không không thấy được hình tướng cũng không nghe được âm thanh. Vậy cái gì trong ông nghe và biết các âm thanh khác nhau? Hãy tự hỏi đi. Tăng mối đại nghi cho đến khi mọi phân biệt đúng sai bị tiêu trừ, mọi quan niệm có không biến mất như ánh đèn tắt phụt trong đêm tối. Dù có thể vẫn không biết mình là ai, ông biết có một thứ nghe thấy mọi âm thanh.

    Đến lúc này, dù ông đã cố gắng để biết cái gì nghe những âm thanh này, nó lại lảng tránh ông. Khi ông ép cái tâm ấy theo mọi cách, đột nhiên ông sẽ đại ngộ, giống như một người chết sống lại, vỗ tay và cười lớn. Thế rồi, lần đầu tiên ông sẽ biết tâm mình là Phật.

    Nếu hỏi ta cái “tâm tức Phật” này có hình tướng gì, ta sẽ đáp: Cá chơi trên cây, chim bay dưới nước. Nghĩa là gì? Nếu ông không hiểu, hãy truy xét bản thân cho kỹ. Ai đang thấy và nghe? Đừng phí thời gian. Nó không đợi ai cả.


    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 16/12/15
    teacher.anh thích bài này.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    GỬI MỘT NGƯỜI SẮP CHẾT


    Tự tính kỳ diệu vốn bất sinh bất diệt. Nó chẳng phải tồn tại hay không tồn tại. Nó chẳng phải không có tướng hay có tướng. Nó chẳng có cảm giác khổ hay vui. Dù ông muốn biết cái gì chịu khổ lúc này, nó là một thứ không thể biết.

    Nếu ông cứ tiếp tục hỏi thân tâm chịu khổ này là gì, chẳng nghĩ tới việc khác, chẳng mong chuyện gì khác, chẳng hỏi điều gì khác, sẽ như đám mây biến mất trên bầu trời, tâm ông sẽ trống rỗng, ông sẽ dừng luân hồi trong cõi sinh tử và lập tức được giải thoát.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    GỬI CƯ SĨ IPPO HONMA SHOGEN


    Ông mặt đối mặt với người ấy. Người ấy là ai? Nếu trả lời được, ông sai. Nếu không trả lời được, ông vẫn sai. Vậy rốt cục ông làm gì?

    “Con bê sinh ra trên đỉnh cột cờ”. Nếu đi đến thực chứng ở chỗ này, ông không phải dụng sức quá mức nữa. Nếu vẫn không hiểu, hãy trở lại với tự tâm, thấu tỏ Phật tính. Phật tính giống nhau trong mọi người, mỗi người đều hoàn hảo. Chư Phật và chúng sinh như nhau; không có sự phân biệt giữa họ. Nhưng người thế gian sai lầm tự dùng dây trói mình, họ nói: “Chúng ta không có năng lực để hiểu tự tính. Chúng ta chỉ có thể đọc kinh, cầu nguyện, đặt hy vọng của chúng ta vào chư Phật, để cuối cùng đi vào Phật đạo”. Và người nghe làm theo điều này. Như ngạn ngữ nói, đây là kẻ mù dẫn kẻ mù. Đây không phải là có tín tâm nơi Phật và kinh điển, mà là đang phỉ báng cả hai. Tại sao? Vì yên lặng đọc kinh không có nghĩa gì khác ngoài nhìn vào chúng. Phật thực ra là một tên khác của tự tính. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Không có phân biệt nào giữa tâm, Phật, và chúng sinh”. Có nghĩa là, nói rằng ông không tin vào tâm mình nhưng lại tin vào Phật cũng giống như tin vào một danh hiệu nhưng không tin vào chân thân của Phật. Điều này không hợp với tu tập. Yên lặng đọc kinh chẳng khác gì một người sắp chết đói cố giải toả cơn đói bằng cách nhìn vào thực đơn thay vì ăn bát cháo được mang đến cho mình. Mọi kinh đều là thực đơn chỉ tới tự tính đích thực này.

    Kinh Viên Giác nói: “Kinh điển là ngón tay chỉ trăng”. Đức Phật đâu muốn người ta nhìn ngón tay thay vì mặt trăng? [Ý nghĩa của] kinh điển ở trong mọi người. Chỉ một cái nhìn vào tự tính mà không mở kinh ra, và cho dù ông chưa từng đọc lấy một từ, ông sẽ hiểu kinh ngay lập tức. Không có ngoại lệ. Đó chẳng phải là đọc kinh đích thực sao?

    Chẳng lẽ ông không thấy, tre xanh kia chính là tâm của người cầu đạo? Thảm hoa vàng mọc dày đặc kia chẳng là gì khác ngoài prajna [trí huệ]. Cúi mình tức là quăng bỏ bản ngã, là thực chứng Phật tính. Nhưng cầu Phật không phải là kết quả của việc ông đã học nhiều bao nhiêu mà là phải thấy được mình là ai. Có những người tin vào giáo pháp này và thực hành khổ hạnh, nhưng do không thực chứng giác ngộ, đến một lúc họ trì trệ trên đường đạo. Có những người khác dừng tâm phân biệt được một lúc và nghĩ trạng thái “vô-niệm” của họ là giác ngộ. Lại có những người khác nữa, nghĩ rằng liên tục tham cứu một công án là đủ. Có những người không bao giờ phạm giới, sống ẩn dật trên núi và gọi đó là đạo. Rồi có những người nói không có đạo giác ngộ cụ thể nào: Khi có trà thì uống trà, khi có cơm thì ăn cơm. Được hỏi về Phật pháp, họ hét, phẩy tay áo và bỏ đi. Họ nghĩ đạo nghĩa là xem nhẹ mọi thứ và gọi những người cầu thầy giỏi là những kẻ ngu độn. Nếu những người này là người học đạo, thì đứa trẻ ba tuổi cũng có thể hiểu Thiền.

    Có một số người nói khi ánh sáng [của tư tưởng] dừng lại, không còn các ý nghĩ, ông trở nên giống như một cây khô hay một hòn đá, thì đây là con đường “vô tâm”. Lại có người khác nói khi ông làm trống rỗng tâm mình đến chừng nào không còn phân biệt trong ngoài, và lúc ấy tâm ông bừng sáng như mặt trời ngày không mây, thì ánh sáng đó là một bước ngoặt. Chắc chắn đây là kết quả sự xuất hiện của pháp tính, nhưng nó không phải giác ngộ. cổ nhân gọi đây là hố sâu [trói buộc] của con đường giải thoát.

    Những người với các ý niệm như vậy nói rằng họ không nghi gì về đạo. Họ có những tư tưởng cao ngất mà không có thực chất nào, và họ thích đàm luận về pháp, vui với việc chiến thắng trong tranh luận, và mất bình tĩnh khi bị thua. Bên trong đầy oán giận, họ xem thường quy luật về nghiệp, nói lớn, chuyện phiếm và đùa cợt trong khi làm phiền sự tu tập của người khác. Họ xem những người tu tập nghiêm túc như kẻ đần, nhiếc móc những người ấy bằng các câu như “Đây không phải Thiền”. Họ là những gã điên cười vào người sáng suốt. Sự tự phóng đại của họ tăng lên mỗi ngày, và họ rơi xuống địa ngục nhanh như tên bắn.

    Sơ Tổ nói: “Những người nói mọi thứ đều trống rỗng, không biết gì về quy luật nhân quả, sẽ rơi vào địa ngục”. Dù lời nói của họ có vẻ có ý nghĩa, những người này không thể làm điều gì với những cảm nhận phân biệt của họ. Thông thường, sau một cái thấy thoáng qua vào tự tính, những người mới tu liền gọi là giác ngộ. Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền nói: “Thân của pháp tính và nền tảng của pháp tính rõ là những phản ảnh. Hãy nhận ra ai là người vui đùa với những phản ảnh này, người ấy là cội nguồn đầu tiên của chư Phật”.

    Có người nói với ta: “Nhiều khái niệm khởi lên do tu tập, mà khái niệm lại là bệnh của tâm. Nếu điều ấy đúng, chúng con không dễ gì đạt giác ngộ. Ngay cả nếu chúng con không thực chứng tự tâm, không hiểu kinh Phật, nhưng nếu giữ không phạm tội, liệu chúng con có vẫn bị trừng phạt không? Nếu khi chưa thành tựu Phật quả mà chúng con không rơi vào ba đường xấu, có cần cầu giác ngộ không?”

    Ta đáp: “Nguồn gốc của mọi tội lỗi là cảm nhận mê lầm. Ông không nên mong trừ được những tội lỗi này nếu không thực chứng. Sáu căn [mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý] là một phần của con người. Mỗi căn lại có một trong sáu tên giặc [sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp] gắn liền với nó. Mỗi tên giặc lại có ba thứ độc - tham lam, giận dữ, ngu si. Không có chúng sinh nào không có ba thứ độc này. Ba thứ độc là nguyên nhân, ba cảnh giới tái sinh thấp là kết quả. Nhân quả gắn liền không tránh được. Bất kỳ ai nói mình không phạm tội là không hiểu quy luật này. Ngay cả nếu ông nói tình cảnh hiện tại của ông không phải do chúng, ba thứ độc từ đầu đã là một phần của ông. Huống hồ những người phạm tội [trong đời này] còn thế nào?”.

    Người khác hỏi ta: “Nếu mọi hình tướng tồn tại đều có ba thứ độc, vậy ai trong chư Phật, chư tổ, thánh nhân và người trí có thể thoát được?”

    Ta đáp: “Cứ nhận thức tự tính, ba thứ độc sẽ được chuyển hoá thành giới, định, huệ. Chư Phật, chư tổ, thánh nhân và người trí đều thấy tự tính. Sao họ có thể phạm tội?”

    Lại có người hỏi ta: “Người thấy tự tính liền chuyển ba thứ độc thành giới, định, huệ. Còn người chịu tâm bệnh do cách nhìn mê lầm thì chữa thế nào?”

    Ta đáp: “Thấy tự tính là một phương thuốc cho mọi bệnh [của tâm]. Không cần cách chữa trị nào khác. Như ta đã nói, cái gì biết người đang chơi với những phản ảnh, cái ấy là cội nguồn của chư Phật. Phật tính giống như thanh bảo kiếm của Kim cang vương, khiến ma quỷ chạm vào là chết ngay. Nó như ngọn lửa cháy rực, thiêu đốt mọi tâm bệnh.

    Nếu thấy tự tính dù chỉ một lần, ông lập tức cởi bỏ trói buộc của vô số năm tháng chịu nghiệp thức mê lầm và những tập khí rơi rớt, chẳng khác nào băng đặt trên lửa lập tức tan chảy. Lúc ấy, ông thậm chí chẳng có ý niệm về Phật hay pháp, nói gì tới tâm bệnh. Lý do tất cả mê lầm do chướng ngại nghiệp lực và các ý nghĩ, tư tưởng phân biệt không được đoạn trừ là bởi ông không nhận thức chân tính nội tại của mình. Hy vọng tránh được luân hồi vô số kiếp mà không thực chứng tự tính cũng giống như cố gắng ngăn nước không sôi bằng cách lấy bớt củi cháy [bên dưới nó]. Điều ấy là vô nghĩa.

    May thay, ông tin vào giáo pháp truyền ngoài kinh điển, vượt trên ngôn từ. Ích gì nếu cố hiểu các lời kinh? Hãy nhanh chóng quăng bỏ mọi diễn giải về giáo pháp và nhìn thẳng vào bên trong. Ai đang thấy và nghe lúc này? Nếu, như đã nói, ông gọi nó là tâm, tính, Phật, khuôn mặt nguyên sơ, có, không, trống rỗng, hình tướng, biết, không biết, sự thật, hay vô minh, dù ông dùng lời nói hay yên lặng, dù ông coi nó là giác ngộ hay mê lầm, ông cũng đã sai.

    Nếu vẫn còn nghi ngờ [sự thực này], ông sẽ trói mình mà không cần dây. Dù cố hiểu nó thông qua quá trình mê vọng là gọi tên hay diễn đạt bằng lời, ông cũng sẽ không thành công. Lúc này, nếu cố diễn tả mà không thể, ông hãy trở lại truy xét bằng toàn bộ thân tâm, hãy nhìn sâu vào bên trong. Dù không tìm được thứ gì để gọi là tâm hay tính, nhưng khi có một âm thanh, ông lập tức nghe được, ai đó gọi tên, ông lập tức đáp được. Nó ở ngay đấy: Ai? Khi tư tưởng dứt, năng lượng bị tiêu trừ và ông không biết hướng về đâu, hãy tiếp tục tiến tới, ông sẽ như một người đã buông tay, nhảy vào hầm lửa sâu. Nếu ông tiến tới và có thể đi vào ngọn lửa của cốt lõi nguyên sơ bất hoại này, thân ông, tâm ông, các cảm nhận và ý nghĩ phân biệt của ông cùng với chính năng lượng cuộc đời ông sẽ bị huỷ diệt, tự tính sẽ hiển lộ; ông sẽ như người chết được tái sinh, mọi phiền não bị quét sạch, ông sẽ đạt an bình và phúc lạc. Ông sẽ hoàn toàn tự do. Lúc ấy, ông sẽ nhận ra đi trên nước giống như đi trên đất, đi trên đất giống như đi trên nước. Ông có thể nói cả ngày mà biết mình đã không nói một lời. Ông có thể đi cả ngày mà biết mình đã không đi một bước. Ông có thể ăn cả ngày mà biết mình đã không ăn một miếng. Mây giông sẽ hình thành ở núi nam, và mưa rơi ở núi bắc. Ở nơi này, trống [thuyết pháp] sẽ nổi, và ở nơi kia, cao tăng sẽ lên toà.(10) Ông sẽ tu tập toạ thiền trong túp lều nhỏ của mình mà gặp được tất cả Phật trong khắp vũ trụ. Không cần nhìn lấy một chữ, ông sẽ hiểu bảy ngàn cuốn kinh, có được tất cả công đức và kết quả tốt đẹp từ nhiều hành trì - tất cả bên trong thân xác thể chất này của ông. Nếu ông nhầm lẫn đây là thần thông, sẽ có ngày ông phải uống sắt nóng chảy trước mặt Diêm Vương. (11) Nếu đây không phải thần thông, vậy nó bày tỏ giáo pháp gì? Ngay lúc này, hãy nhìn cho kỹ!


    [...]
    ______

    [10] ‘‘Ghế cao”, ý nói một cao tăng hoặc một vị thầy ngồi vào ghế giảng đạo.

    (11) Trong thần thoại, đây là thần cai quản địa ngục.
     
    teacher.anh thích bài này.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    GỬI MỘT THIỀN SINH


    Chư Phật và chư tổ không thành tựu đạo tuyệt diệu vô thượng này, còn chúng sinh không thể đánh mất nó. Cỏ cây gạch đá đều là bạn của ông. Khi hiểu trọn vẹn thì không cần tu. Nếu vẫn chưa hiểu thì nên lùi lại, truy xét tự thân. Cái gì ông gọi là tự thân? Hãy nhìn vào bên trong, ai thực sự là người đang nói, đang nghe, đang tu lúc này? Ai? Dù ông gọi nó là tâm, tính, Phật, pháp, chân lý, mê lầm, đạo, hay Thiền, dù ông gọi nó là có, không, không có, không không, không phải không có, không phải không không, dù ông gọi nó là bản ngã, công án, nghiệp, hay tự tính, ông cũng đang đánh dấu bên mạn thuyền nơi kiếm rơi xuống nước từ lúc trước [và định sẽ tìm kiếm nó ở chỗ ấy].

    Nếu lúc này ông ngưng cái hiểu bằng danh hiệu và hình tướng, phát triển mốì nghi đủ để không gọi tên được sự vật mà cũng không dễ dàng thấu tỏ ý nghĩa của nó, và giống như một người đã chết một cái chết lớn, ông dừng chuyển động của tâm trí và không làm gì cả, bởi vậy trở thành một với mọi thứ, khi ấy ông sẽ đột nhiên tỏ ngộ như thể từ chỗ chết chóc trong chớp mắt bừng sống dậy. Khi ấy ông sẽ hiểu câu hỏi vị tăng hỏi một thiền sư xưa, “Nơi nào mọi chư Phật thoát khỏi thân xác?” cũng như câu trả lời, “Núi phía đông nổi trên nước”.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    GỬI ĐẠI ĐỨC GEKOKAKU


    Tứ đại không có ngã. (12) Ta vốn không có chủ. Kẻ không có chủ này là thân, cái ngã không có ngã này là chân tính. Thân và tính không phải hai, vạn pháp là một. Trong sự hợp nhất này không có thánh hay phàm. Sinh tử niết bàn có thể đến từ đâu? Giá trị của tồn tại hay không tồn tại không áp dụng được cho trí huệ. Làm sao lời nói, yên lặng, chuyển động hay đứng yên tác động đến nó được? Giây phút này, hãy từ bỏ vạn pháp, rũ sạch lập luận, buông xả được mất tốt xấu, và trở lại với tự thân, nhìn cho kỹ - ai là người nhìn? Khi ông xuyên thấu, sự sáng tỏ lộ ra giống như ngỗng đen đứng trong tuyết.

    ______

    [12] Đất, nước, gió, lửa.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    GỬI THIỀN SƯ SOKU HOJU


    Người học đạo nên thấy thẳng vào tự tính. Trí thức, ngu si, sáng tỏ, mê lầm đều không thấu đạt. Ai là người nghe hay không nghe; ai là người thấy hay không thấy? Nếu trả lời được, ông ăn ba mươi gậy. Nếu không trả lời được, ông ăn ba mươi gậy. Ông làm sao trở nên gần gũi [với chân tính của mình] mà không phạm vào tội này? Sương mù rơi trong cái nóng nực của tháng Sáu, cơn lạnh khắc nghiệt thấu tới xương khiến ông mất mạng. Rồi ông sống lại và đôn ngộ. Dù núi, sông, đại địa là một với ngã, dù hiểu biết của ông giống như hiểu biết của sư tử lông vàng, (13) ông vẫn lạc trong rừng. Nếu tiềm năng [của tâm] không độc lập khỏi quả vị, ông sẽ rơi vào biển độc. Làm sao ông hiểu được ý nghĩa của “đi tới bằng toàn bộ sự năng động”? Ông có hiểu ý nghĩa của “Nghe tiếng chuông giữa trưa liền nhai thức ăn và mặc áo bảy mảnh” không? (14) Nếu ông hiểu, nó là gì?

    ______

    [13] Sư tử lông vàng tượng trưng cho một vị tăng đã có hiểu biết thâm sâu về pháp. Bồ-tát Văn Thù được tạo hình tượng cưỡi trên sư tử.

    [14] Tắc mười sáu của Vô Môn Quan, thiền sư Vô Mon nói: “Thế gian rộng lớn. Sao nghe tiếng chuông lại mặc áo bảy mảnh?” Chuông báo cho các tăng về bữa ăn cuối cùng trong ngày, sau đó họ không được ăn nữa. Vô Môn đang hỏi tại sao họ lại đáp ứng một cách thân phục với tiếng chuông trong khi họ thực sự tự do trong cái tuyệt đối “thế giới rộng lớn’.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    GỬI ĐẠI ĐỨC TSUBAKI ANSHU
    VỀ TU TẬP ẨN DẬT


    Chỉ nên bắt đầu sống ẩn dật khi ông có thể biết ai là chủ. Tứ đại [tức thân xác thể chất] giống như nơi ẩn dật trống rỗng. Ai có thể làm chủ của một nơi ẩn dật như thế? Nếu không có ai làm chủ, ai có thể biết chủ của thấy và nghe? Nếu có chủ, kẻ ấy có hình tướng gì? Kẻ ấy như một người chết, đã bỏ cả tồn tại lẫn không tồn tại. Thiền ngoại đạo xem tâm là sự trống rỗng bao la, dù tâm ấy có sống động và hoạt dụng, đó vẫn là hố sâu [trói buộc] của con đường giải thoát.

    Biết là khách. Không biết cũng là khách. Cái gì là chủ thật sự của nơi ẩn dật? Một con rồng [đích thực] không có đặc tính rồng. Cái cưa sắt nhảy điệu sandai. (15) Ông hiểu không? Nếu vẫn không hiểu, khó mà nuốt trôi dù chỉ một giọt nước, nói gì tới đồ cúng dường của người mộ đạo? Đừng phí hoài sáng hay tối; thời gian không đợi ai cả.

    ______

    [15] Tên điệu nhảy truyền thống của Nhật Bản.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    GỬI TETSUYO SHUN,
    TRỊ SỰ (16) CỦA CHÙA


    Đại đạo hoàn toàn không vướng mắc với sáu căn và sáu trần.(17) Nó không dựa trên danh hiệu, hình tướng, ngôn từ hay câu cú. Ông nên lùi lại và quán sát kỹ bản thân ngay khoảnh khắc này. Cái gì đến đây cầu những ngôn từ Phật pháp này? Khi ông xoay ánh sáng thẳng vào bên trong và thấu tỏ, pháp thân thanh tịnh tráng lệ của tự thân sẽ biểu lộ, sẽ không có gì khác ngoài ông. Đây được gọi là tiềm năng rời bỏ thân thể. Người cẩu thả, khát vọng nông cạn sẽ giữ lại những biểu hiện này, coi những biểu hiện này là thực tại, kết quả là họ không thể thành tựu hiểu biết chân thực. Ông nên thấy rời bỏ thân thể thì dễ, đi theo con đường giải thoát mới khó. Nói cho ta xem, cái gì là con đường giải thoát? Khi ông gặp con rắn chết trên đường, đừng giết nó. Chất mọi thứ vào cái giỏ không đáy và mang về nhà. Nếu ông vẫn chưa hiểu rõ, dù chỉ tiêu tốn một giọt nước cũng khó [mà biện bạch]. Ông sẽ như một người dành cả đời mặc áo thầy tu chỉ để quan tâm tới hạnh phúc của riêng mình. Làm sao ông tránh được gậy sắt của Diêm Vương? Đại sự sinh tử là quan trọng. Vô thường chỉ thoáng chốc là đến. Ông nên trân trọng từng ngày dêm. Thời gian không đợi ai cả.
    ______

    [16] Người trông nom công việc của chùa.
    [17] Xem chú thích 4 và 5, Phần I.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    GỬI NGƯỜI SAO CHÉP KOZAN HOGI


    Con đường tu tập không phải là điều gì bất bình thường. Hãy nhìn thẳng vào tự tính, đừng dựa vào ngôn từ. Quan trọng nhất, hãy quăng bỏ hết mọi thứ và tịnh hoá cuộc sống của ông. Đừng đế ham muốn đọc rộng hiểu nhiều làm ông xao nhãng tu tập con mắt pháp của tự thân. Sự khôn ngoan chẳng qua là vô minh, biết nhiều chẳng qua là tuyên bố sự can thiệp của vô minh vào pháp. Xưa có thiền sư nói: “Ngoại đạo khôn ngoan nhưng không có trí. Đó là cái tâm tán loạn”. Lại có người nói: “Quên tư duy, sẽ tiến tới đạo. Phân biệt, quỷ sẽ sinh sôi”.

    Thế Tôn toạ thiền trong núi sáu năm. Lau sậy mọc xuyên qua đầu gối mà ngài không hay. Ngài tiêu trừ mọi tư tưởng, quên mọi thành tựu, và đại trí huệ của tự tính lộ ra. Không có gì để thành tựu bên ngoài “thấy tự tính thành Phật”. Ai cũng có tự tính này. Nó là chủ của thấy và nghe. Nhìn đi! Cái gì là tự tính? Ai là chủ của thấy và nghe? Hãy quay trở lại nguồn và ông sẽ hiểu. Ánh sáng sẽ tự chiếu, hình tướng sẽ biến mất. Hãy thường xuyên trở về tự thân và nhìn cho kỹ. Bằng cách nào ông đi vào đạo?

    Cao tăng Vô Môn nói: “Tuân theo quy tắc và giữ giới, ông tự trói mình bằng dây. Ích kỷ tuỳ tiện là ngoại đạo và quỷ. An bình tĩnh lặng khi có tâm là Thiền mặc chiếu của ngoại đạo. Làm như ý thích, cẩu thả với các mối quan hệ, ông rơi vào hố sâu (trói buộc) của giải thoát. Khôn ngoan lanh lợi là bị xiềng xích bởi tư duy. Nghĩ tới tốt xấu là trụ trong ngôi chùa của thiên đường và địa ngục. Kiến giải cố chấp về Phật và pháp giam ông trong hai ngọn núi sắt. (18) Người đốn ngộ do ý nghĩ khởi lên là chơi đùa với ma. Thiền hoàn toàn tĩnh lặng là hành động của quỷ. Đi tới, ông bị lý Thiền làm cho mê lầm; thoái lui, ông hành xử ngược với Phật pháp. Chẳng tới chẳng lui, ông là cái thây ma biết thở. Vậy rốt cục, ông tu thế nào? Hãy tinh tấn hướng tới giác ngộ trong đời này kẻo mãi mãi hối tiếc”.

    Lời dạy từ bi của thiền sư xưa thật rộng. Ngài nắm lấy tay người học đạo mà dạy họ. Lần đầu tiên ông có thể thành tựu đạo vi diệu này. Nhưng nếu ông lỡ nó dù chỉ là khoảng cách một mảy lông, sự khác biệt cũng lớn như giữa trời và đất.

    Ông có hiểu không? Nếu hiểu, ta đánh ông ba mươi gậy. Bằng không hiếu, ta cũng đánh ông ba mươi gậy. Ai là người nhận những gậy này? Nhanh lên, tập trung chú ý vào! Như khi ông cạo đầu bằng một lưỡi dao sắc vậy. Nếu ông không hiểu thì Diêm Vương sẽ đứng trước mặt ông để phán xét với những hình phạt đáng sợ. Làm sao ông tránh được hình phạt này? Đừng phí thời gian! Nó không đợi ai cả.

    ______

    [18] Xem chú thích 22, Phần III.
     
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    ĐÁP LẠI THỈNH CẦU KHẨN THIẾT
    TỪ NGƯỜI TRỤ TRÌ NƠI ẨN CƯ SHOBO


    Từ khi còn nhỏ, ta đã suy tư về một điều. Ai là người đáp “Tôi” khi ta được hỏi: “Ngươi là ai?”. Suy nghĩ về câu hỏi này mà không có lời giải đáp, nhiều năm trôi qua, cho đến một ngày ta quyết định trở thành tu sĩ. Lúc ấy, một đại nguyện trào lên. Nếu trở thành tu sĩ, ta sẽ không chỉ cầu giải thoát cho riêng mình. Chư Phật đều thực chứng đại đạo để cứu độ chúng sinh trước khi cầu cho riêng mình. Ta nghĩ, chừng nào còn chưa giải được mối nghi, ta sẽ chẳng nghiên cứu kinh văn, cũng chẳng học nghi lễ trong thiền viện. Khi còn sống trên đời, ta sẽ cầu thầy giỏi và dành thời gian tu tập trong núi.

    Sau khi thành tu sĩ, mối nghi của ta tăng lên. Lúc ấy, ta khắc sâu thêm quyết tâm hoàn thành ý nguyện của mình. Ta làm vậy bằng cách phát khởi “tâm cầu đạo” vào thời mà Đức Phật không còn trên thế gian, còn vị Phật tương lai chưa tới. Dẫu có rơi xuống a tì địa ngục vì những cảm nhận và ý niệm mê lầm, ta cũng không bao giờ thoái lui dù qua vô số kiếp tái sinh trong tương lai xa xôi, không bao giờ quên đại nguyện của mình. Ta sẽ không phai nhạt mối bận tâm tới sinh tử, cũng không một chút uể oải với việc thiện. Chưa kể, ta sẽ không che mắt mọi người, dạy họ về các lợi ích của đạo trong khi bản thân ta chưa có khả năng thành tựu.

    Ta không thể buông bỏ được nguyện này dù nó trở thành nỗi ám ảnh gây cản trở cho hành trì của ta. Không bỏ được nó, ta cầu nguyện chư Phật, tiếp tục tu tập qua mọi hoàn cảnh, dưới con mắt giám sát của thánh thần cho tới ngày nay.

    Dù chuyện ta kể chẳng có mấy giá trị, ta nói với ông về những ảo tưởng của đời ta nhằm đáp lại lời thỉnh cầu khẩn thiết của ông. Ta viết cho ông như trên để ông thấy ý nguyện ta đã giữ trong lòng từ khi bắt đầu sự truy cầu.

    Bassui.
     
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này