Kinh điển Cái chết của Ivan Ilych - Lev Tolstoy

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi taolamotthangrattot, 25/11/17.

  1. Mình đọc cuốn "Chết cho tư tưởng" và sau đó lại tìm cuốn Cái chết của Ivan để tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, trên mạng chỉ có bản pdf scan mờ, xấu xí. Thế là mình đánh máy lại, và cũng tiện thể đọc luôn tác phẩm này. Đây là ý nghĩa của truyện ngắn Cái chết của Ivan trong cuốn sách Chết cho tư tưởng.

    Chân dung Ivan Ilyich như là Dasein


    Các học giả đã nhận thấy cách Heidegger nói về Dasein như “Tồn tại hướng đến kết cuộc” trong Tồn tại và thời gian rất gần với cách Tolstoy nói về cái chết trong Cái chết của Ivan Ilyich (Smert’ Ivana Il’icha, 1886). Đôi lúc gần đến độ ta có thể gọi Tồn tại và thời gian là một phiên bản “pastiche” (nhại lại) tác phẩm của Tolstoy không phải không có lý. Thế nhưng thật lạ là Heidegger chỉ trích dẫn cuốn sách của Tolstoy đúng một lần – lại đưa xuống phần cước chú. Ông thừa nhận là mình đã đọc tác phẩm đó, nhưng ông lại làm điều này một cách ngấm ngầm, đến nỗi người đọc có thể không nhận thấy bất cứ nguồn ảnh hưởng quan trọng nào. Thực chất, như để đánh lạc hướng độc giả, ông đã làm ra vẻ như mình đã hiểu sai cuốn sách. “Trong câu chuyện Cái chết của Ivan Illyich,” Heidegger viết, “Leo Tolstoy đã mô tả hiện tượng rối loạn và suy sụp khi ‘có ai đó chết’” (Heidegger 2000:495). Nhưng tác phẩm của Tolstoy không nói về điều ấy – bất luận thế nào, đó cũng không phải nội dùng chủ yếu của nó.

    Khía cạnh đáng chú ý nhất của sự song chiếu này thể hiện ở chỗ cái chết của hai nhân vật – Dasein của Heidegger và Ivan Ilyich của Tolstoy – được phóng chiếu trên nề sự hiện hữu của một “bọn họ” nào đó. Thông thường, theo quan điểm của Heidegger, chúng ta không phải là chính mình: chúng ta sống trong tình trạng tha hóa. Chúng ta nghĩ như là “bọn họ” nghĩ, ăn vận như “bọn họ” sống. Dasein, nói như Heidegger, “Tồn tại phụ thuộc vào những kẻ khác.” Nói đúng hơn, Dasein “tự nó không phải là nó; sự Tồn tại của nó đã bị những kẻ khác lấy đi. Sự Tồn tại của Dasein trong đời sống thường ngày..chủ yếu là tồn tại cho kẻ khác sử dụng theo cách họ thích.” Dasein là đồ chơi của “bọn họ” và như thế, nó không thuộc về chính nó nữa. “Người ta thuộc về những kẻ khác và củng cố quyền lực của những kẻ khác đó.” Những kẻ khác ở đây là một đám đông mơ hồ, một thực thể vô diện, vô danh. Nếu ta hỏi những kẻ khác xem học đích thực là ai, câu hỏi của ta sẽ là vô ích: “ ‘Ai’ ở đây không phải là một kẻ này, không phải là một kẻ kia, cùng không phải chính mình, không phải là người nào đó, cũng không phải tổng cộng tất cả bọn họ. ‘Ai’ ở đây là một đại từ vô tính, là ‘bọn họ’. “Bọn họ” ở đây hầu như là bất cứ ai mà cũng không phải là ai cụ thể. “Bọn họ” có thể được mô phỏng và thế chỗ đến vô tận. Nếu bất cứ ai trong họ mất đi, chẳng mấy chốc sẽ có kẻ khác thay thế. Sẽ không ai nhận ra sự khác biệt vì làm gì có sự khác biệt: “mọi kẻ khác đều giống hệt kẻ kế tiếp mình.” Tính chất khả hoán của “bọn họ” không có nghĩa ý niệm này là ý niệm phi quyền lực. Trái lại, nó sỡ hữu một quyền lực mênh mông và quyền lực ấy đến từ chính khả năng thay thế vô tận của nó. “Chính bởi đến từ chính khả năng thay thế vô tận của nó. “Chính bởi sự không rõ rệt và không xác định này,” Heidegger viết, “quyền lực độc đoán thực thụ của cái ‘bọn họ’ mới được phơi lộ”. Một trong những chức năng quan trọng nhất của cái “bọn họ” là thiết định các chuẩn mực, luật lệ và tiêu chí về thị hiếu. Nếu muốn sống trong xã hội, ta phải cư xử đúng như những gì “bọn họ” nói ta nên làm khi làm thế, ta đã để “bọn họ” thẩm thấu vào đời ta.

    Do đó, trong đời sống bình thường mỗi ngày, Dasein tồn tại như là “bọn họ”, cũng như cách mà Ivan Ilyich đã sống cuộc đời mình. Thực vậy, theo cái nhìn của Tolstoy, đây là một trong những đặc điểm “nổi bật” nhất của Ivan: “từ thời thanh niên, ông đã bị hấp dẫn bởi hình ảnh của những người có địa vị cao trong xã hội như một con bướm đêm bị cuốn hút về phía ánh sáng.” Hết sức hào hứng muốn làm vừa lòng những kẻ này, ông “noi theo cách cư xử cũng như quan điểm của họ về đời sống”. Trong truyện vừa này, “bọn họ” đóng vai trò là “những người có địa vị cao trong xã hội” – những kẻ mà theo đúng bản chất của mình, vô danh, vô diện, nhưng lại gây ảnh hưởng vô cùng lớn lên các cá nhân như Ivan. Tolstoy đã phân tích nhận thức của nhân vật khi ông ta thay đổi bản thân theo những tác động từ “bọn họ”. Ta có thể thấy những động cơ tự nhiên tốt đẹp mà ông từng có đã dần dần bị thay thế bởi bất cứ những gì được “bọn họ” phán quyết là đáng khao khát như thế nào. Chẳng hạn, thời sinh viên, Ivan đã làm một số chuyện mà “vào lúc đó, dường rất đồi bại đối với ông, và khiến ông thấy ghê tởm chính mình”. Thế nhưng về sau, khi thấy “những người có địa vị cao trong xã hội chẳng mảy may băn khoản khi làm những chuyện như thế”, ông gạt bỏ cái cảm giác khó chịu ấy và cuối cùng “chẳng còn chút phiền lòng nào khi nhớ đến chúng nữa”.

    Chừng nào Ivan Ilyich còn hành xử theo những chuẩn mực được thiết lập bởi “bọn họ”, ông chẳng có gì phải e ngại. Thực tình, những cách hành xử như vậy chỉ làm cho “sự tôn trọng” xã hội mà ông nhận được tăng thêm mà thôi. “Bọn họ” là một bậc thầy hào phóng và tuân theo quyền lực của “bọn họ” sẽ được nhận về phần thưởng hậu hĩnh. Ivan, sau này, khi đã trở thành một công tố viên trẻ, cũng có những buổi “chè chén say sưa”, và những “cuộc ăn chơi ‘ tăng hai’ sau bữa tối ở ‘xóm chị em’ vùng ngoại ô”. Rồi ông cũng phải “bợ đỡ quan trên và cả vợ của quan trên nữa”. Thế nhưng tất cả những việc này “đều có vẻ là những hành động được xem trọng, đến mức chẳng có gì đáng để nói xấu cả”. Được xã hội xem trọng – đó là thứ phần thưởng mà “bọn họ” luôn dồi dào để ban phát.

    Thậm chí, đôi khi những hành động nổi loạn cũng được chấp nhận miễn là chúng đi theo cách của “bọn họ”. Thực vậy, chỉ cần được phía trên chấp thuận thì một chút bất tuân cũng là điều tốt – cho cả phía thẩm quyền bị thách thức lẫn về phía kẻ bất tuân. Nó làm cho phía thẩm quyền kia trông hợp pháp hơn trong xã hội còn kẻ bất tuân kia thì tự thấy mình can đảm hơn. Ví dụ, đến một lúc nào đó, Ivan Ilyich đã tạo được “một khoảng cách thích hợp giữa mình với chính quyền của tỉnh lỵ”, và có thái độ “hơi bất mãn với chính quyền”. Tất cả diều này đều nghe rất cảm động. Dasein của Heidegger cũng không làm điều gì khác: “Chúng ta rút mình khỏi ‘ đám đông vĩ đại’ khi bọn họ rút khỏi; ta thấy ‘kinh ngạc’ khi bọn họ thấy ‘kinh ngạc’ ”. Khoảng cách mà Ivan và Dasein giữ với “bọn họ”, tuy nhiên, không nhỉnh hơn dù chỉ là một chút so với tự do ảo tưởng mà “bọn họ” đã cho để những “nhân vật” này đùa chơi cùng.

    Khi Ivan Ilyich từng bước nâng cao địa vị xã hội của mình hơn, cuộc đời của ông trở thành một sự vâng lời tuyệt đối những “chân lý” của “bọn họ”. Ông ngoan ngoãn vâng lời đến nỗi ngay cả khi phải đưa ra những quyết định mang tính cá nhân nhiều hơn – như chọn một cuốn sách để đọc – thì không phải ông là kẻ lựa chọn nữa, mà là “bọn họ”: đôi khi, sau bữa tối, Ivan sẽ đọc một cuốn sách “là chủ đề bàn tán hôm nay”. Đó, chính xác là những gì mà Dasein của Heidegger cũng sẽ làm trong tình huống tương tự: “chúng ta đọc, xem và đánh giá văn chương và nghệ thuật như cách bọn họ đọc, xem và đánh giá”. Tôi có thể đang cầm cuốn sách trên tay mình, nhưng không phải tôi là kẻ đang đọc nó, mà là “bọn họ”. Và thực vậy, phần lớn thời gian cũng chính “bọn họ” là người viết.

    Nếu thừa nhận nhận định của Heidegger rằng, trong đời sống thường nhật, ta “tìm hoan lạc và hạnh phúc như cách bọn họ tìm hoan lạc” ta sẽ thấy Ivan đã chấp nhận một lối sống mà, thay vì cá nhân hóa, lại hướng ông đi theo đúng với những thị hiếu và hình thức thời thượng mà “bọn họ” thiết lập. Chẳng hạn việc ông bài trí ngôi nhà mới của mình. Vừa mới được thăng chức và muốn nâng cao địa vị xã hội của mình, Ivan bắt đầu kế hoạch làm cho ngôi nhà mình trở nên độc đáo và bắt mắt nhất. Kết quả, theo cái nhìn của ông, là một ngôi nhà “không chê vào đâu được”. Những cố gắng hết mình của ông đã nhận về kết quả xứng đáng. Song, như Tolstoy bình luận với sự châm biếm tinh tế, ngôi nhà này “cũng giống như nhà của tất cả những người không thực sự giàu có nhưng lại muốn tỏ ra mình giàu có, và bởi thế, chúng rốt cuộc trông y hệt nhau”. Cuối cùng, nhà của Ivan “trông giống hệt những ngôi nhà khác đến nỗi sẽ chẳng bao giờ có ai chú ý đến nó”. Tất nhiên là như vậy rồi – bởi Ivan đâu phải là người trang trí nhà mình, mà chính là “bọn họ”. Dù làm bất cứ việc gì, Ivan cũng chưa bao giờ là chính mình, mà luôn là ai đó khác: một thực thể vô diện, vô danh. Ivan chính là “bọn họ”.

    “Và họ đã sống như thế,” Tolstoy viết vậy. Họ chuyển đến khu vực sang trọng nhất của thành phố và nhà của họ “thường xuyên có những người quan trọng đến thăm”. Ivan Ilyich đã sống như thế, nhưng ông chết như thế nào? Đã bao giờ, dù chỉ một lần, ông thoát khỏi những sự áp đặt của “bọn họ”?

    Việc chết

    Khi mở tác phẩm của Tolstoy, thậm chí trước khi biết Ivan Ilyich là ai cuộc đời của ông ta diễn ra như thế nào, chúng ta đã biết về cái chết của ông. Chúng ta biết về nó qua phản ứng của những người khác (bạn thân, đồng nghiệp) trước sự ra đi của ông. Dù có những quan hệ khác nhau với Ivan lúc sinh thời, phản ứng của họ trước cái chết của ông đều tỏ ra giống nhau một cách đáng ngạc nhiên. Đây là những phản ứng của những người không thể thờ ơ hơn được nữa. Thật vậy, cái chết này có thể trở thành một thứ gì đó – nói như thế nào nhỉ? – sinh lợi cho ai đó. Những đồng nghiệp của Ivan đánh giá những lợi lộc ho có thể có được, theo đúng nghĩa đen, ngay khi họ nhận được tin ông mất – cái chết của Ivan đồng nghĩa với việc vị trí của ông trong cơ quan chính quyền bị bỏ trống, và điều này sẽ mở ra cho họ khả năng thăng tiến luân chuyển và tái cơ cấu lại chức vụ. Vài trang sau, khi Ivan đang nằm trong quan tài, mọi người dự đám tang đều đang bận bịu với một việc gì đó. Vợ ông thì có một “công việc” khẩn cấp phải bàn với bạn của Ivan, Pyotr Ivanovich – đó là, “làm thế nào để nhân cái chết của chồng mình, bà có thể nhận được tiền từ công quỹ”. Con gái ông giờ đây sẽ phải thay đổi kế hoạch làm đám cưới (điều mà cô sẽ không bao giờ tha thứ cho ông). Schwartz, một trong số các đồng nghiệp của ông, thì tính cách làm thế nào để những kế hoạch họ đã dự tính cho tối nay sẽ không thay đổi bởi sự việc này.

    Những đồng nghiệp của Ivan tiếp tục đi chơi bài đúng như kế hoạch, gia đình ông trở lại với những thói quen thường lệ, mọi thứ lại trở về vị trí cũ. Ngoài một số bất tiện nho nhỏ, cái chết của Ivan Ilyich, rốt cuộc, không gây ra bất cứ nỗi đau khổ nặng nề nào. Thậm chí, nó còn tạo ra một cảm giác dễ chịu nào đó nữa. Một cách mơ hồ, ai cũng thấy nhẹ nhõm: “thực tế, chính cái chết của một người thân quen đã đem đến cho tất cả bọn họ một cảm giác nhẹ nhõm thông thường, rằng một ai đó khác, chứ không phải là họ, đã qua đời”. Heidegger đã nói đến một quá trình “trở nên bình thản” liên quan đến “sự nhẹ nhõm” mà ta thường có xu hướng cảm thấy về cái chết của người khác. Cái “bọn họ” có phương tiện để giảm thiểu nỗi bất an mà cái chết của người khác gây ra và ngăn sự âu lo đến gần. “ ‘Bọn họ’ đem đến một trạng thái không ngừng trở nên bình thản trước cái chết,” Heidegger nói. Về bản chất, đó là “một sự trở nên bình thản không chỉ dành cho y – kẻ đang ‘chết’ mà còn là cho những kẻ đang ‘an ủi’ y”.

    Tolstoy đã nhấn mạnh quá trình trở nên bình thản này trong suốt tác phẩm. Đến ngay cả Pyotr Ivanovich, người bạn từ thời ấu thơ của Ivan Ilyich, cũng không thoát khỏi một cảm giác lãnh đạm dai dẳng. Từ đầu đến cuối, kể từ lúc biết tin về cái chết của bạn mình, thậm chí ngay cả lúc cận kề bên thi hài của bạn, rồi trên đường về nhà, Pyotr Ivanovich đã không thể nào than khóc được. Cứ như thể để hiểu được cái chết của người khác, ta cần phải có một bộ phận cơ thể đặc biệt mà Pyotr thiếu. Cái chết này chẳng dính dáng gì đến ông; “cứ như thể cái chết này là một kinh nghiệm ngẫu nhiên chỉ có thể xảy ra đối với Ivan Ilyich, chứ sẽ chẳng bao giờ xảy đến với ông cả”. Tolstoy không nói điều này thật rõ, nhưng chúng ta có thể tự hiểu được đây cũng chính là cách mà Ivan sẽ phản ứng trước cái chết của người khác. Xét về mặt phong cách, đây là một trong những kỹ thuật tinh tế nhất của phần mở đầu. Trước cái chết của một người bạn thân, Ivan Ilyich cũng sẽ phản ứng giống như cách Pyotr Ivanovich phản ứng trước cái chết của ông. Vì cả Ivan và Pyotr đều là một: họ đều là “bọn họ”. Ivan sẽ hành xử không khác vì ông là “bọn họ” và luôn luôn phản ứng như cách “bọn họ” phản ứng.

    Hầu như trong suốt cuộc đời mình, Ivan Ilyich không có ý niệm nào về cái chết. Mà ông cũng không muốn có. Ông là một kẻ trong số những người ấy (là đại đa số chúng ta), những người vốn chẳng bận tâm gì về cái chết. Trong Tồn tại và thời gian, Heidegger đã nói .. thể về những mẫu người như Ivan. “Thực tế mà nói… ông viết, có nhiều người “không biết về cái chết…Dasein che đậy chính sự Tồn-tại-hướng-đến-cái-chết của nó chạy trốn việc đối mặt với nó”. Tri thức của Ivan về cái chết thuần túy là lý thuyết, như một khả năng trừu tượng, cái chết có thể xảy ra trên lý thuyết, chứ không phải với ông. Giống như Pyotr Ivanovich, hẳn ông cũng đã từng cảm thấy cái chết là “một kinh nghiệm ngẫu nhiên” có thể chỉ xảy đến với ai đó, chứ “chưa bao giờ đến với ông”. Khi Ivan học môn logic ở trường, phép tam đoạn luận trong giáo trình – “Caius là người, con người là hữu tử, do đó, caius là kẻ hữu tử” – đối với ông nghe hợp lý. Caius sẽ phải chết, nhưng Ivan lại là một vấn đề hoàn toàn khác con người được thể hiện trong mệnh đề đó là “con người trừu tượng, và vì thế logic ở đây hoàn toàn có lý”. Nhưng Ivan vốn luôn là “một tạo vật đặc biệt, rất khác biệt với những tạo vật khác”.

    Đó là một cảm giác ngạo mạn, nhưng Martin Heidegger đã đem đến cho Ivan Ilyich điều mà ông chưa từng ngờ đến: ông chẳng hề đặc biệt chút nào. Thật vậy, thái độ của Ivan chính là triệu chứng của cách tiếp cận điển hình của “bọn họ” đối với cái chết. Đối với “bọn họ”, cái chết, về cơ bản, là “một cái gì đó không xác định”. Chừng nào tôi vẫn còn là “bọn họ”, cái chết vẫn luôn là cái gì đó xảy ra đối với kẻ khác, chứ không bao giờ nó đến với tôi:

    Cách nói “một người chết” phát tán rộng rãi ý kiến cho rằng cái mà…cái chết chạm đến là “bọn họ”.

    Theo cách diễn giải phổ biến của Dasein, khi ta nói “một người chết” thì điều đó có nghĩa là tất cả mọi người khác và chính ta cũng có thể tự thuyết phục mình rằng “đó sẽ chẳng bao giờ là chính tôi cả”, vì “một người” ở đây là “không ai cả”. Sự chết… không thuộc về riêng ai cụ thể.

    Việc cái chết chưa bao giờ làm cho Ivan bận tâm không ngăn được mỗi ngày ông lại đến gần nó hơn. Vì cái chết ở bất cứ chỗ nào hiện hữu đời sống, nói “diễn ra” liên tục giữa cuộc sống này. Ivan Ilyich đã và vẫn đang chết, chừng nào mà ông đã và vẫn đang sống. Và Dasein cũng thế, “một cách gần gũi và phần lớn của nó là vậy”. Dasein, nói như Heidegger, “đang chết chừng nào nó còn tồn tại”, và nó “chết bằng cách rơi xuống”. Chính tại giao điểm này, ta phát hiện ra một điểm đáng kinh ngạc khi đọc song song Tồn tại và thời gianCái chết của Ivan Ilyich: bản thân Tolstoy cũng sử dụng thuật ngữ “rơi xuống” trong câu chuyện của mình để biểu thị một quá trình rất giống như thế. Khi Ivan, không lâu trước khi chết, hồi cố những ký ức trong đời mình, ông nhận ra chỉ có “một điểm sáng duy nhất ở đoạn đầu đời”. Sau đó, mọi thứ “càng lúc càng trở nên tối đen hơn,” và “lướt qua càng lúc càng nhanh hơn”:

    “Tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách tới cái chết,” Ivan nghĩ. Và hình ảnh một hòn đá rơi xuống với gia tốc ngày càng lớn bắt đầu bám chặt lấy tâm trí của ông. Đời sống, một chuỗi những đau khổ càng lúc càng gia tăng, rơi mỗi lúc một nhanh hơn tới đích của nó – nỗi đau khổ khủng khiếp nhất. “Ta đang rơi…” Ông rùng mình, cựa quậy liên tục, ông muốn kháng cự, nhưng đến lúc đó, ông cũng biết mình chẳng thể nào kháng cự nổi.

    Gần như phần lớn đời mình, Ivan đã “lẩn tránh” cái chết, thậm chí kể cả lúc ông đang rơi xuống mỗi lúc một nhanh hơn về phía nó. Cũng như cách “bọn họ” luôn làm, Ivan chưa bao giờ nhìn cái chết trực diện, chưa bao giờ “tiên liệu” nó, và tất cả điều này – từ điểm nhìn của Heidegger – tương đương với một “cái chết không chân thực”. David E. Cooper sẽ nói rằng, trong sự thiếu vắng một hình ảnh về đời sống được xác định bở cái chết, Ivan ở vào vị trí của một người kể chuyện không biết câu chuyện của mình sẽ kết thúc thế nào – mà đúng hơn, một người kể chuyện chẳng có câu chuyện nào để kể.

    Không những “bọn họ” đã nhào nặn nên đời sống của Ivan, mà còn ngay cả sự chết của ông. Sự chống chọi với bệnh tật của ông phần lớn cũng giống như cuộc đấu tranh của “bọn họ” với bệnh tật và sự hữu tử. Một điểm quan trọng trong tác phẩm của Tolstoy là ông cho thấy cái chết của một con người thật ra bình thường đến thế nào. Tuy nhiên, vẫn có một câu hỏi day dứt độc giả: chẳng nhẽ không có bất cứ cái gì có thể cứu cái chết của Ivan thoát khỏi sự giả dối tuyệt đối đó sao? Chẳng nhẽ ông chưa từng trải qua những âu lo đích thực nào vào những thời khắc ấy – điều mà từ điểm nhìn của Heidegger sẽ cứu rỗi cái chết của ông?

    Có thể ông đã có. Khi nhận ra mình sẽ sớm phải chết, một câu hỏi bắt đầu ám ảnh Ivan: “Nếu như toàn bộ đời ta, toàn bộ đời sống ý thức của ta, chỉ là một thứ không thật thì sao?” Đối với một người chỉ còn sống được từng ngày, một băn khoản như thế hẳn không chỉ là một suy tư tri thức. Cần nhiều can đảm để đặt một câu hỏi như thế, chưa nói đến việc trả lời. Ban đầu, Ivan tỏ ra coi thường câu hỏi ấy. Nhưng khi một ý nghĩ lóe lên trong ông, rằng có thể ông “đã không sống như ông nên sống”, ông đã nghĩ lại xem “mình đã sống một cuộc đời đúng đắn như thế nào”. Sự tồn tại của “bọn họ” thì bao giờ cũng “đúng đắn”. Tuy nhiên, bất chấp những cố gắng xua đuổi nó ra khỏi tâm trí mình, câu hỏi ấy vẫn quay trở lại – cho đến khi cuối cùng, không lâu trước khi chết, Ivan mới chịu thua cuộc và đón nhận sự khải thị cuối cùng: câu chuyện của đời ông. Câu chuyện này chính xác nói về điều gì? Đó là sự tóm tắt Tồn tại và thời gian: câu chuyện về “bọn họ” và những cái bẫy của nó, về lời nói dối cơ bản, làm nền tảng cho “tính công cộng” (publincess) và những tác động mà nó có thể gây ra đối với đời sống. Đó là câu chuyện của hầu hết chúng ta.

    Bởi thế, Ivan mới ngộ ra “những động cơ mơ hồ của ông khi muốn chống lại những gì mà những người thuộc cấp bậc cao trong xã hội coi là tốt”, những gì mà ông đã luôn cố gắng kìm nén lại, “hóa ra rất có thể là những điều thực sự quan trọng”, là thứ rất thật. Còn “công vụ, lối sống, gia đình, những giá trị được gán cho con người trong xã hội cũng như trong nghề nghiệp của ông – tất cả những thứ này có thể lại là những thứ không thật”. Chắc chắn ở đây đã xuất hiện nỗi lo âu: đột nhiên Ivan nhìn thấy “hư vô” đằng sau vẻ ngoài đẹp đẽ của một “đời sống êm đềm, dễ chịu, vui vẻ, và được tôn trọng”. Nỗi lo âu này xé toạc những sự chắc chắn tiện lợi mà ông đã dùng để bao bọc mình, và để ông lại trong trạng thái trần trụi hoàn toàn của thân phận. Bên rìa vực của sự sống, khi cái chết chắc chắn đã nằm trong tầm mắt, Ivan giờ đây đã ở gần nhất với thứ có thể được gọi là một “sự tồn tại chân thực”.

    Có nghĩa là như thế Ivan Ilyich đã chết một cách “chân thực” theo nghĩa của Heidegger chăng? Một trong điều làm nên phẩm chất kiệt tác của câu chuyện này là nó không đem đến câu trả lời nào. Tolstoy – nhà văn dành sự tôn trọng quá lớn đối với nhân vật của mình nên đã không đưa chúng ta vào trong cái chết của Ivan. Tolstoy – triết gia không cho phép mình đưa ra câu trả lời này nọ. Ông chỉ đơn giản để cho Ivan chết cái chết của mình. Ở khía cạnh này, ông đã đi trước Heidegger một bước. Một trong những ý kiến phê bình cách Heidegger mô tả cái chết (mà Blanchot và Levinas là đại diện) cho rằng, từ quan điểm hiện tượng học nghiêm ngặt, chừng nào ai đó còn đang sống, người ta không thể trải nghiệm cái chết của mình được mà chỉ có thể là cái chết của người khác. Nếu những nhà phê bình này đúng thì Tolstoy còn là một nhà hiện tượng học xuất sắc hơn cả Heidegger. Tolstoy biết dừng ở đâu; ông cảm thấy không có cách (trung thực) nào để biết liệu nhân vật của mình đã chết một cái chết chân thực hay không. Về mặt hiện tượng học, người ta chỉ có thể nói về những kinh nghiệm mình đã nếm trải hoặc có thể nếm trải trên phương diện cá nhân. Cái chết là một kinh nghiệm cá nhân, nhưng nó mang trong mình bản chất tối hậu, đến nỗi nó không cho phép bất cứ mô tả nào về nó từ chính kẻ đang đi đến sự chết. Theo một nghĩa nghiêm ngặt, kinh nghiệm về cái chết là thứ ta có thể trải qua nhưng lại không thể diễn tả. Khi vẫn còn ở vị trí người nói thì ta vẫn chưa từng nếm trải nó; nhưng khi ta đã chết, ta không còn có thể nói nữa. Vì thế, một nét nghĩa cơ bản của cái chết là nó luôn thoát khỏi chúng ta. Điều này càng khiến mọi việc càng thêm trớ trêu, bởi chúng ta thì chẳng bao giờ thoát khỏi cái chết.
     

    Các file đính kèm:

  2. V/C

    V/C Mầm non

    @Tuilamotthangratxau!
     
    darkdragon28 thích bài này.
  3. bun_oc

    bun_oc VIP

    Cảm ơn bạn. Mình cũng đang tìm đọc truyện này, mà biết đến nó không phải qua cuốn "Chết cho tư tưởng", mà nó được nhắc đến ở cuốn "Ai rồi cũng chết". Hehe.
    :fish::fish::fish:
     
    Thuỳ Đặng Thị thích bài này.
  4. quocdat5594

    quocdat5594 Lớp 2


    Mình đã đọc 2 cuốn Chết cho tư tưởng và Nỗi lo âu về địa vị thì cũng có trong đó viết về Ivan Ilych nhưng cũng ngại tìm đọc. Chẳng lẽ có chăng mình lại giống Ivan sống cuộc sống hiện tại quá buồn chán, đôi lúc khá bi quan :)
     
  5. Gassie

    Gassie Sinh viên năm I

    Mới thấy GS Châu giới thiệu cuốn này.
     
    vinhtruyen92 thích bài này.
  6. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Xin hỏi bạn chủ topic cuốn này của Vũ Đình Lưu dịch hay Nguyễn Hải Hà, Thúy Toàn dịch vậy bạn?
     
  7. vinhtruyen92

    vinhtruyen92 Lớp 8

    Em vừa đọc xong cuốn How we die, chương cuối cũng nhắc đến tác phẩm này.
     
  8. Tôi đọc quyển này lâu rồi ,thấy hay nhưng không đặc biệt nhớ nó.Khi đọc cuốn”Ai rồi cũng chết” mới tìm để đọc lại.
    Cũng nhờ đọc lại mới thấy thấm thía cái hay của truyện .
    Cám ơn các bạn
     
  9. TânLý

    TânLý Mầm non

    Đọc xong quyển này thì mình mới hiểu được tại sao nó được mang mác "Kinh điển" và cũng thấy được tác giả Lev Tolstoy đúng là một người thông thái, sâu sắc, hẳn ông phải là một người giàu kinh nghiệm sống lắm. (Xưa nay mình chưa có kinh nghiệm đọc Lev Tolstoy)

    "Cái chết của Ivan Ilyich" viết về cuộc đời và cái chết của một nhà tư bản điển hình sống có một lối sống (được gọi là) văn minh điển hình tại một quốc gia phương Tây (nào đó) điển hình. Đó là một lối sống mà con người ta nương dựa vào sự xa hoa phù phiếm bên ngoài, sự lịch thiệp tao nhã bên ngoài, sự dua chạy theo danh vọng vật chất bên ngoài để làm nguồn hạnh phúc, mua vui. Nhưng rốt cuộc, cái bên ngoài vẫn chỉ mãi là cái bên ngoài, chứ không thể nào là một cái gì đó chân chất, thực lòng của nội tâm được. Và cả cuộc đời hơn 40 năm ngắn ngủi của Ivan Ilyich, toàn bộ đều là một sự gian dối, để rồi cuối đời ông chết trong sự cô đơn và ghẻ lạnh mà không có một thái độ, cử chỉ nào của người (thân lẫn không thân) xung quanh là ấm áp, chân thành cả (ngoại trừ người đầy tớ). Ấy thế mà ông đã luôn nghĩ mình đã sống một cuộc đời hết sức mẫu mực và cao đẹp rồi đấy, đó có phải là một điều nực cười lắm không, của cuộc đời Ivan Ilyich (hay thậm chí của chính chúng ta)?

    (Theo mình nghĩ, sự lịch thiệp tao nhã là cần thiết, nhưng nó lẽ ra xuất phát từ nội tâm mới phải, chứ không phải từ bên ngoài như một chiếc mặt nạ hay một chiếc áo để người ta khoác lên. Nếu như sự lịch thiệp tao nhã là một chiếc mặt nạ hay một chiếc áo thì sự lịch thiệp tao nhã chỉ có thể tồn tại ở thế giới của những người giàu có thôi, còn người nghèo hơn thì không sống như vậy được. Nhưng nếu sự lịch thiệp tao nhã là một đức tính xuất phát từ nội tâm thì bất kể người giàu hay kẻ nghèo đều có thể sống được cả, ấy chắc hẳn là một điều rất "thoát tục".)

    Cuối lời, mình đánh giá câu chuyện này được viết lại dựa trên kinh nghiệm có thực trong cuộc sống của tác giả, bởi thế nên nó mới có sự trần trụi, phũ phàng nhưng ngôn ngữ vẫn có thể giữ được sự tự nhiên, nhẹ nhàng. Và với niềm tin rằng, "đời là khổ", mình đồng ý với mô tả của tác giả trong tập truyện ngắn này, có lẽ nó không thuộc thể loại truyện tiểu thuyết tưởng tượng, mà là một mẫu truyện tái hiện hiện thực.

    Một nhược điểm của "Cái chết của Ivan Ilyich" là, văn ngôn đọc chưa thuận tai lắm. Nhưng dẫu sao xưa nay việc viết ra đầu sách được dịch lại từ tiếng Anh sang tiếng Việt mà có văn ngôn hay, thuận tai vẫn luôn là một việc khó làm. Có lẽ văn ngôn của chính người Việt viết vẫn là thân thuộc, tuyệt vời nhất!

    Edit: Một điểm khác của "Cái chết của Ivan Ilyich" mà mình không đồng tình lắm chính là phần mô tả mà tác giả viết trong phân đoạn cuối truyện, lúc mà Ivan Ilyich hấp hối sắp chết và tiến đến cái chết. Bởi vì mình thấy nó không thực tế nhưng lại có phần tưởng tượng phù phiếm. Nhưng cũng có thể là Lev Tolstoy cố ý viết như vậy không phải vì "cố gắng thực tế" mà để mô tả cảnh Ivan do bệnh tật đau đớn, tinh thần không minh mẩn mà sanh ra mê sảng vọng tưởng.

    Dẫu sao đi nữa cũng không thể trách tác giả được, bởi vì quá trình "hấp hối chết" không thể nào mà từ kinh nghiệm viết ra được (đúng không ?) :)
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/12/19
    tran ngoc anh thích bài này.
: Lev Tolstoy

Chia sẻ trang này