Cái thú đi chơi của Nguyễn Tuân (Tô Hùng)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 2/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    CÁI THÚ ĐI CHƠI CỦA NGUYỄN TUÂN


    Nguyễn Tuân (1910-1987) được nhiều người biết đến với những thiên tùy bút, bút ký nổi tiếng “Vang bóng một thời”, “Tùy bút I”, “Tùy bút II”, “Sông Đà”, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”...Ông còn là một người nổi tiếng say mê du lịch, thú du lịch có từ trong máu thịt của ông, gần như trở thành một căn bệnh của ông từ hồi còn trai trẻ đeo đẳng cho đến gần trọn đời. Chính vì vậy mà hồi còn sống, Nguyễn Tuân được giới văn nghệ sĩ và mọi người tặng cho một biệt danh là “Nhà văn của xê dịch”. Niềm say mê du lịch thấm đẫm trong cả cuộc đời và từng trang viết của ông.

    Nguyễn Tuân là một nhà văn. Đặc biệt ông lại là một nhà văn của riêng loại tùy bút, bút ký - một thể loại sáng tạo văn học tưởng như chỉ ghi lai những cái vụn vặt, nhỏ lẻ cua cuộc đời để rồi suy tưởng, trừu tượng, khái quát hóa nó lên làm những bài học nhân sinh, giúp cho người đọc hiểu thêm, yêu thêm những cái bình thường ở xung quanh giúp cho người đọc giật mình thấy cái đẹp, cái ác vẫn thường ngày hiện hình ở xung quanh chỉ đến khi đọc qua những trang viết của nhà văn ta mới thấy ra. Để có được những trang viết tuyệt bút như trong “Vang bóng một thời”, trong “Sông Đà” hay “Sông Tuyên”, Nguyễn Tuân đã phải đi thật nhiều, nhìn thật nhiều, nghe thật nhiều và nghĩ cũng thật nhiều. Nguyên tắc sáng tác của Nguyễn Tuân là “Đi, Nghĩ và Viết”.

    Với một quan niệm sáng tác như vậy ông Nguyễn đã đi thật nhiều. Có lẽ ít có nhà văn nào lại đi được nhiều, đi được kỹ và tranh thủ mọi cách mà đi như Nguyễn Tuân. Hồi còn sống, ông đã đi đến tận từng nẻo đường, từng bản xa, núi cao phía Bắc, vào tận chót mũi Cà Mau ở phía Nam Tổ quốc. Hồi còn chiến tranh, do điều kiện đi lại khó khăn, ông đã phải vượt hàng nghìn cây số trên chiếc xe đạp cọc cạch, ngang dọc trên các nẻo đường Việt Nam lúc mưa, lúc nắng, lúc giông bão; để nhằm điều chủ yếu như ông viết - “là nhận biết đất nước mình, nhận biết đến từng huyện, xã của đất nước mình”. Nhạc sĩ Văn Cao kể rằng Nguyễn Tuân ham leo núi lắm. Cái dạo 1957 đi thực tế ở Tây Bắc, ông Nguyễn đã leo lên tận đỉnh nóc nhà Việt Nam Phăng-xi-păng. Hồi còn sông Bến Hải chia cắt hai miền bằng cây câu Hiền Lương, cây cầu mà Nguyễn Tuân gọi là “Cầu Ma”, “Cầu giả vờ” - cầu không có người qua, ông đã bao lần ra ra vào vào vùng giới tuyến, bao nhiêu lần ra tận cái nhịp giữa cầu để đếm cho được nửa cầu bên bờ Bắc có 445 tấm ván mà nửa cầu bên bờ Nam chỉ có 444 tấm. Trong toàn lãnh thổ nước Việt, ông Nguyễn không chỉ lên rừng mà còn xuống biển để hiểu cho được toàn bộ dải lãnh hải của đất nước, đến từng mỏm đá bên Cửa Tùng hay dưới chân đèo Hải Vân chênh vênh lấn ra biển. Nguyễn Tuân vẫn thường so sánh : “Mục tiêu của người đi biển là cập bến, còn mục tiêu của nhà văn là hoàn tất việc tìm tòi sáng tạo của mình bằng một cuốn sách mới”. Ông đã nhiều lần hàng năm đến hòn đảo mang tên Nga “Dabiaka”, tên con tàu đầu tiên của Nga cập bến Việt Nam để làm một lễ kỷ niệm chỉ riêng mình trong vịnh Hạ Long.

    Cách đi của Nguyễn Tuân thật là độc đáo và thật kỹ càng về nơi mình đến. Trước khi ông mất mấy năm, nhà văn cùng nữ sĩ Anh Thơ có một chuyến ngược sông Đà trước ngày Nhà máy Thủy điện Sông Đà phát điện. Lần ấy, Công ty Thủy điện Sông Đà chuẩn bị cho hai văn - thi sĩ một chuyến ngược nguồn Đà Giang trên ca-nô. Nguyễn Tuân đã khước từ đi ca-nô và xin cho một chuyến thuyền độc mộc. Ông bảo bà Anh Thơ : “Đi sông Đà mà bằng ca-nô thì còn gì là thú !”.

    Ông Nguyễn đi nhiều và đi kỹ lắm. Riêng cái hồ Gươm và mấy phố cổ Hà Nội đã không biết bao lần nghe gót giày của nhà văn. Cũng vì vậy mà có lẽ ít ai biết được nhiều về Hà Nội như Nguyễn Tuân. Đến đâu ông cũng chỉ ra được cái lai lịch của nó. Qua hiệu sách phố Tràng Tiến (chỗ bây giờ đang xây khách sạn 5 tàng), ông chỉ ngay “Hiệu sách đầu tiên ở Hà Nội khai trương năm 1879 tại đây. Còn thư viện đầu tiên ở Bắc Kỳ thì mở cửa năm 1919”.
    Nguyễn Tuân không chỉ đi đến khắp nơi trên mọi miền của đất nước nhà mà ông còn đến được khá nhiều nơi trên thế giới. Ông luôn luôn khát khao đến những miền đất lạ. Theo ông thì đi ra ngoài để biết xứ người và nhìn về xứ ta. Tùy bút “Phở” trứ danh của ông là viết tại vịnh biển Phần Lan cái hồi ông đi dự Hội nghị hòa bình thế giới ở bên đó. Có câu chuyện khiến mọi người vừa buồn cười thú vị, vừa phục cái cách để thưởng thức được cảnh sắc của ông. Hồi còn Đông dương thuộc Pháp, một lần ông vượt biên bị bắt ở Băng-cốc (Thái Lan), trên đường bị dẫn giải về qua vùng Xiêm Riệp, giáp giới Thái Lan và Cao Miên, ông thèm phong cảnh quá đã lấy cớ xin đi ngoài cả hàng tiếng đồng hồ mà nhìn ngắm...

    Dạo ông phải rời Hà Nội về Thanh Hóa dưỡng bệnh tại gia đình, nằm nhà lâu ông thèm đi quá mà chưa có điều kiện; thế rồi, ông nghĩ ra cách ngày nào cũng vậy, cứ đúng giờ chuyến tàu Hà Nội vào Sài Gòn hay Sài Gòn ra Hà Nội là ông lại có mặt ở ga Thanh Hóa, nhảy lên tàu ngắm nghía, tìm chỗ ngồi như người sắp được đi xa vậy.

    Nhiều người cho là Nguyễn Tuân đã nhiễm cái bệnh “xê dịch” nặng quá rồi. Hình như ông cũng cảm thấy vậy, ông tự cho rằng cái chứng bênh này là do định mệnh bắt buộc. Và ông tin lời một thầy tướng đã có lần xem cho ông bảo : “Cứ cái thói lăng băng, lêu bêu, vất vơ vất vưởng, cầu bơ, cầu bất của thầy, nhất định thế nào cũng có sao “Thiên ma” chiếu mệnh, cũng như cái số của đám son phấn lầu hồng, một trăm người là y như đều có “Đào hoa” hay “Hồng Loan thủ mệnh” cả !”.

    Cái thú đam mê xê dịch của Nguyễn Tuân chính là do con người nghệ sĩ lãng mạn tài tử nơi ông xui nên. Nếu không có những chuyến đi thì làm sao ông có thể là người như nhà văn Xô-viết I-lin-xki nói : “Nếu có người hỏi tôi ai biết rõ những phong tục, tập quán, những phương ngôn tục ngữ và truyền thuyết của Việt Nam thì tôi sẽ trả lời : Nguyễn Tuân - Nếu có người hỏi tôi ai am hiểu hơn hết Việt Nam thời cổ, tôi sẽ trả lời : cũng chính là Nguyễn Tuân. (“Nhà văn Nguyễn Tuân” - Hà Nội - 1991, trang 60). Nếu không có những chuyện đi ấy thì chắc chắn chúng ta và mãi mãi về sau sẽ không có được những thiên tùy bút, bút ký bất hủ Nguyễn Tuân đầy phong vị, cảnh sắc đất nước con người Việt Nam.

    TÔ HÙNG
    (MASK số 390 - Tháng 3/1995)

    Posetd by hoi_ls
     
    bdsg and Ban Tang Du Tử like this.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này