Tự truyện Chân trần Chí Thép - James G.Zumwalt

Thảo luận trong 'Tủ sách Hồi ký - Tiểu sử' bắt đầu bởi Song Ngư, 30/9/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    PHẦN KẾT​
    KHÔNG LÃNG QUÊN



    Chiến tranh Việt Nam đã tác động một cách sâu sắc tới cuộc đời tôi. Khi còn là sinh viên đại học vào cuối thập niên 1960, tôi đã trực tiếp chứng kiến những xáo động mà nó gây ra tại các trường học khắp nước Mỹ. Là thành viên của một gia đình có truyền thống binh nghiệp dày dặn, tôi rất tự hào được phục vụ bên cạnh người thân trong cuộc xung đột ấy. Tôi mất bạn bè và bạn học trên chiến trường – và một người anh trai của tôi sống sót trở về từ cuộc chiến để rồi lại phải chiến đấu, và thất bại, trước một cuộc chiến khác chống bệnh ung thư do phơi nhiệm Chất độc Cam.

    Điều đó khiến tôi trở nên nhạy cảm đối với khổ đau mà cuộc chiến gây ra cho người Mỹ - những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm đã chiến đấu cũng như những gia đình mòn mỏi chờ người thân trở về. Nhưng mãi đến khi trở lại Việt Nam nhiều năm sau tôi mới nhận ra rằng nỗi đau chiến tranh đã giáng xuống cuộc đời tất cả những người đàn ông và đàn bà dũng cảm chiến đấu ở cả hai đầu chiến tuyến – cũng như gia đình họ.

    Lịch sử cho thấy chúng ta đã phạm nhiều sai lầm trong chính sách về Việt Nam. Sau Thế chiến thứ II, chúng ta đã ủng hộ chế độ thực dân Pháp, đi ngược lại quyền tự quyết của Việt Nam. Sự ủng hộ đối với người Pháp mâu thuẫn với niềm tin của Tổng thống Roosevelt, vốn đã được ông bày tỏ trước khi qua đời, rằng sau thất bại của Nhật Bản, người Pháp không nên được phép tái áp đặt quyền lực đô hộ tại Việt Nam. (Trong khi ông Roosevelt nhạy cảm với vấn đề thực dân Pháp thì ngược lại, có một bằng chứng cho thấy ông đã không hiểu được tinh thần dân tộc của người Việt Nam khi ủng hộ quân Tưởng Giới Thạch chiếm giữ Việt Nam thay cho lính Pháp). Không thừa nhận quyền tự quyết của Việt Nam sau Thế chiến thứ II, chúng ta đã khơi nguồn cho sự hiện diện đầy định mệnh của nước Mỹ tại Đông Nam Á. Thông qua tiến trình ấy, chúng ta đã biến một người bạn trong Thế chiến thứ II thành kẻ thù thời hậu chiến.




    ***


    Có nên coi Việt Nam là nơi mà nước Mỹ kẻ một vạch trên bãi cát để phân định chiến tuyến trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á? Người ta có thể tranh cãi rằng, nếu không kẻ chiến tuyến ấy ở Việt Nam, cuộc phiêu lưu của Liên Xô và/hoặc Trung Quốc trong vùng có thể đã buộc nước Mỹ phải kẻ nó ở một nơi khác tại khu vực. Thái Lan, Philippine hay Malaysia, hay bất kỳ quốc gia nào khác đang vật lộn với khó khăn kinh tế vào thời điểm ấy, có thể đã trở thành một “Việt Nam” khác. Thật không may cho người Việt Nam, đất nước họ đã bị nước Mỹ chọn để dựng chiến tuyến chống cộng sản.




    ***


    Tôi viết cuốn sách này để xây dựng nền tảng cho hàn gắn. Hy vọng rằng, bằng cách hiểu hơn nỗi đau mà kẻ thù của chúng ta chịu đựng trong cuộc chiến, những ai trong chúng ta vẫn còn nhói đau vì thương tích có thể tìm thấy trong trái tim mình sức mạnh để hàn gắn. Tôi hy vọng rằng những ai trong chúng ta còn gặp khó khăn trong việc hàn gắn vết thương có thể gác sang một bên sự khác biệt về ý thức hệ để cho vết thương dễ lành.




    ***


    Là người Mỹ, chúng ta phải hiểu rằng chúng ta không phải là đất nước duy nhất chịu đựng nỗi thống khổ mà Chiến tranh Việt Nam gây ra. Trong cuộc chiến đó, chúng ta đã chiến đấu trước một kẻ thù vốn cũng chịu đựng đau khổ ít nhất là ngang bằng chúng ta, và họ quyết tâm đến cùng với niềm tin mãnh liệt không kém chúng ta. Bất chấp khác biệt về văn hóa và chính trị, chúng ta đáng phải nhìn nhận nỗi đau khổ của họ; chúng ta đáng phải khâm phục quyết tâm của họ.




    ***


    Một nhược điểm của bản tính con người đó là coi nỗi đau của bản thân luôn lớn hơn nỗi đau của người khác. Một bài phê bình bộ phim “Giải cứu Binh nhì Ryan” phát hành năm 1998 đã chỉ rõ điều này. Bộ phim kể câu chuyện về một nhóm lính Mỹ thời Thế chiến thứ II được điều tới giải cứu Binh nhì Ryan đang kẹt lại phía sau chiến tuyến quân Đức. Ba người anh em của Ryan đã ngã xuống trên chiến trường, vì thế Bộ Chiến tranh Mỹ không muốn mất nốt người con trai duy nhất còn lại của gia đình. Khán giả xem phim đã được chứng kiến hình ảnh rất thực của cảnh chém giết trên chiến trường. Và với cảnh chết chóc ấy, một nhà phê bình phim đã nhận xét:

    “Có nhiều cái chết nhói tim trong ‘Giải cứu Binh nhì Ryan’, nhưng tất cả đều là cái chết của người Mỹ. Khi người Đức bị bắn, họ ngã lăn quay[SUP]1[/SUP], và nằm im dưới đất. Cái chết của họ là cái chết điện ảnh. Và người Mỹ càng chịu đựng khổ đau, thì chúng ta càng vui mừng hơn khi người Đức bị bắn giết”.

    Chúng ta có xu hướng nhìn chiến tranh đơn giản là cuộc chiến giữa “mũ trắng” và “mũ đen”. Phe của ta đội mũ trắng; vì thế, phe bên kia, theo định ước, chắc chắn phải đội mũ đen. Cái chết hoặc bị thương của người mũ trắng luôn đau đớn, bi thương hơn cái chết của tên mũ đen. Nhưng trên thực tế, cái chết, sự hấp hối và nỗi chịu đựng của người này cũng kinh khiếp như của người kia. Đối với kẻ mũ đen trong Chiến tranh Việt Nam, về mặt số lượng, thì nỗi đau còn ghê gớm hơn khi mà cứ mỗi người Mỹ ngã xuống thì có tới năm mươi lính Việt Nam tử trận. Nhà phê bình phim “Giải cứu Binh nhì Ryan” đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng những tên mũ đen trong phim không thể đau khổ nhiều như những người mũ trắng. Tuy nhiên, đọc những câu chuyện liên quan do các cựu chiến binh Việt Nam kể trong cuốn sách này – những câu chuyện cho thấy kẻ thù cũng chịu đau khổ lớn trong cuộc xung đột ấy – có lẽ chúng ta cần nỗ lực để vượt qua sự vô cảm trước bi kịch của người khác, và thông qua đó, sự hàn gắn nẩy mầm.
    _________________________________
    1. Nguyên văn “ngã xuống như những con ky”. Tenpins là con ky hay chai gỗ trong trò chơi bowling. Người chơi ném một quả bóng vào đường băng về phía 10 con ky, với mục tiêu làm ngã càng nhiều con ky càng tốt.
     
  2. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    ***


    Có thể không đồng tình với động cơ chính trị của những người đứng bên kia chiến tuyến, nhưng chúng ta phải tôn trọng quyết tâm sẵn sàng chết vì niềm tin đó của họ. Có thể thông điệp này không được phát biểu hùng hồn như Thẩm phán Tòa tối cao Oliver Wendell Holmes, Jr., đã làm khi ông đọc diễn văn trong Ngày Tưởng niệm năm 1884. Là một cựu quân nhân của Liên bang miền Bắc trong Nội chiến Mỹ, ông đã chỉ ra rằng bản thân mình và đồng đội đã bị đẩy vào cuộc chiến với niềm tin chỉ có sự nghiệp của mình là chính nghĩa và cao cả. “Nhưng”, ông phân tích, “đồng thời chúng ta tin rằng những người chống lại chúng ta cũng có chính kiến thiêng liêng tương tự, nhưng theo chiều đối nghịch – và chúng ta tôn trọng họ, cũng như mỗi một người có trái tim phải tôn trọng những ai hết mình vì niềm tin của họ… Anh không thể chịu đựng ngày này qua ngày khác trong những cuộc chiến gay go khi chiến thắng toàn diện là điều bất khả… mà không đạt được một điều gì cuối cùng tương tự như tinh thần huynh đệ đối với kẻ thù, như lực hấp dẫn của cực Bắc và cực Nam – cực này làm việc trong thế đối nghịch với cực kia, nhưng cực này không thể tồn tại nếu mất đi cực còn lại. Ngày xưa đã thế và ngày nay cũng vậy. Những người lính chiến không cần lời biện hộ; họ có thể tham gia tượng niệm cái chết của một người lính với cảm xúc không khác biệt, dù người lính ấy ngã xuống ở phía đối nghịch hay bên cạnh mình”.

    Đại sứ Mỹ đầu tiên làm việc ở Việt Nam sau chiến tranh, ông Douglas “Pete” Peterson, chắc hẳn rất đồng tình với thông điệp của Holmes. Từng là tù binh trong gần bẩy năm tại Việt Nam, Peterson có lý do để oán hận kẻ thù cũ – nhưng ông đã không như thế. Vào tháng 9 năm 1997 – nhân kỷ niệm lần thứ 31 ngày máy bay ông bị bắn rơi tại làng An Đoài – Peterson đã đến thăm nơi đánh dấu một sự kiện không thể quên trong cuộc đời. Hai trong số những người từng bắt ông ngày nào giờ đây đứng trước mặt ông; và ông đã nói: “Tôi trở lại đây không phải để làm sống dậy cái ngày có lẽ là bất hạnh nhất trong đời tôi, mà để nói với thế giới rằng hòa giải với kẻ thù cũ không những là điều có thể mà còn là điều nên làm”.




    ***


    Trước khi gặp các cựu quân nhân từng đứng bên kia bờ chiến tuyến trên chiến trường Việt Nam, tôi thừa nhận rằng mình không hề biết gì về nỗi đau mà họ chịu đựng trong cuộc chiến. Chính khách Anh thế kỷ 19 – Benjamin Disraeli – đã chỉ rõ, bất khả tri là “một bước dài tiến tới tri thức”. Hàng loạt chuyến trở lại Việt Nam và thảo luận với những người Việt Nam về chiến tranh và những gì họ phải chịu đựng trong quá khứ đã giúp tôi có thể thực hiện bước đi ấy.

    Chắc hẳn cuốn sách này sẽ bị chỉ trích vì đã cố gắng nhân bản hóa một kẻ thù mà một số người vẫn cho rằng rất tàn bạo. Một điều rõ ràng là tội ác diệt chủng có xảy ra trên chiến trường Việt Nam. Từ lâu người ta đã nhận ra rằng chiến tranh có thể giúp con người phát lộ những phẩm chất cao quý nhất, nhưng đồng thời nó cũng khơi mào cho những hành vi tồi tệ nhất. Khi đó, đạo đức không còn là điều đáng quan tâm, ngay cả những chiến binh có sự liên hệ về văn hóa và di sản cũng sẵn sàng hành xử tàn bạo với đồng hương của mình. Cuộc Nội chiến của chính chúng ta cho thấy điều đó.

    Phải thừa nhận rằng các hành động tàn ác trong Chiến tranh Việt Nam là có thật. Vụ thảm sát Mỹ Lai sẽ tồn tại như một dấu mốc đen tối trong lịch sử quân sự Mỹ - và Mỹ Lai không phải là sự kiện duy nhất bên phía Mỹ. Các tội ác chiến tranh khác do người Mỹ thực hiện đã được ghi nhận, chẳng hạn như vụ lính Thủy quân Lục chiến giết hại 16 phụ nữ và trẻ em ở Sơn Thắng, chỉ ba tháng sau vụ Mỹ Lai. Nhưng, Mỹ Lai và Sơn Thắng không phải là biểu hiện mang tính đặc trưng cho đạo đức của đại bộ phận lính Mỹ; cũng như những hành động tàn bạo bên phía kẻ thù không đại diện cho đạo đức chung của toàn đội quân ấy. Cái thực tế rằng bên này có thể gây ra nhiều hành động tàn bạo hơn bên kia không phải là một hệ quả chung – bởi vì sự tàn bạo không thể cân đo về số lượng. Dù phạm một hay nhiều lần thì đó đều là tội ác.

    Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng có những cá nhân độc ác, nhưng một dân tộc thì không. Tội lỗi của một vài người, vì thế, không nên được gán cho cả dân tộc.




    ***


    Đối với những ai đang vật lộn trong nỗ lực dứt bỏ ám ảnh của Chiến tranh Việt Nam, hãy lắng nghe lời lẽ của một cô bé Do Thái, người mà sự thông thái đi trước tuổi tác và đã chết một cách bị kịch ở tuổi mười lăm. Sống ở thành phố Amsterdam do Đức Quốc xã kiểm soát thời Thế chiến thứ II. Anne Frank đã bị đưa đến một trại tập trung sau khi cô và gia đình bị phát hiện đang trốn trong một nơi bí mật ở văn phòng của người cha. Cô bé chết tại trại chỉ hai tháng trước khi quân Đức đầu hàng, để lại một cuốn nhật ký cho thấy nhân cách vĩ đại cũng như tấm lòng vị tha của cô. Đối mặt với thử thách ghê rợn, niềm tin vào con người trong cô bé không suy suyển. “Bất chấp tất cả”, cô bé viết, “tôi vẫn tin vào lòng tốt tồn tại trong mỗi con người chúng ta”.

    Có thể học được nhiều điều từ Anne Frank. Với người Mỹ, bước khởi đầu tốt nhất là không để nỗi ám ảnh Việt Nam chôn vùi niềm tin vào thiện căn ở mỗi con người, kể cả kẻ thù cũ của chúng ta. Vết thương chiến tranh – nỗi đau mà nó gây ra – không bao giờ thuộc về một phía. Người tốt phục vụ ở cả hai chiến tuyến và đều chịu đựng khổ đau tương tự nhau trong Chiến tranh Việt Nam.




    ***


    Đại bộ phận binh lính trong cuộc chiến tranh, kể cả người Việt Nam lẫn Mỹ, đều là những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm luôn tin tưởng rằng sự nghiệp của họ là đúng đắn và họ đã chiến đấu một cách vinh hạnh. Tới nay chúng ta đã nghe nhiều về phía Mỹ. Cuốn sách này cố gắng cung cấp một diễn đàn để chúng ta có thể nghe tiếng nói từ phía Việt Nam – một dân tộc đã không được thừa nhận về nỗi đau mà họ trải qua.

    Cuốn sách này không dễ viết.

    Đôi lúc, câu chuyện của cựu quân nhân kẻ thù đem lại sự kinh ngạc cho chúng ta, có lúc lại cho ta những xúc cảm đặc biệt khi biết rằng một trận đánh mà họ chiến thắng cũng có nghĩa là ta thất bại. Sự sống sót của người lính bên phía họ cũng thường đồng nghĩa với cái chết của người lính bên phía chúng ta. Trong nhiều năm, nghe bạn bè kể chuyện những binh sĩ kẻ thù chết hoặc hấp hối trên chiến trường Việt Nam, tôi không mảy may xúc động. Nhưng khi đã hiểu hơn về kẻ thù cũ, tôi bắt đầu cảm thấy buốn trước mọi cái chết trên chiến trường.

    Viết cuốn sách này, tôi không muốn đưa ra một phát ngôn chính trị. Tôi tin rằng sự khác biệt về ý thức hệ không nên cản trở chúng ta nhìn nhận quyết tâm, sự sáng tạo và đức tính dũng cảm mà kẻ thù cũ đã thể hiện trong quá trình theo đuổi lý tưởng của họ - những khác biệt ấy cũng không nên ngăn trở chúng ta thừa nhận nỗi khổ đau mà họ đã chịu đựng.
     
  3. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    ***


    Khác biệt về ý thức hệ giữa chính phủ Việt Nam và Mỹ vẫn còn tồn tại, nhưng mặt khác, nhân dân hai nước vẫn có những điểm chung về lợi ích. Vì lợi ích chung đó, giờ đây chúng ta cần phải xây dựng một nền tảng vững chắc cho mối quan hệ mới với Hà Nội.

    Một dịp, vào Ngày Độc lập của Mỹ, có bài báo đặt câu hỏi: “Một người Mỹ là gì?”. Một nhà báo đã định nghĩa người Mỹ là “bất cứ ai đủ yêu cuộc sống để mưu cầu những điều tốt đẹp nhất mà cuộc sống có thể mang lại”. Tôi cũng có thể áp dụng định nghĩa đó cho người Việt Nam bởi lẽ, bất chấp dị biệt, chúng ta – xét ở góc độ cá thể - đều nâng niu những thứ giống nhau trong cuộc sống: dùng biện pháp hòa bình để tìm kiếm hạnh phúc; thể hiện ý chí tự do không bị can thiệp; quyền được sống theo lựa chọn của mình. Trong khi mỗi chính phủ sử dụng một phương cách khác nhau để giúp người dân đạt được các mục tiêu đó, chúng ta không nên quên rằng nhân dân hai nước đều có sở nguyện giống nhau.

    Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến duy nhất mà người Mỹ đối đầu với người Việt Nam. Để đảm bảo rằng bi kịch ấy không lặp lại, chúng ta cần phải thấu hiểu lẫn nhau. Bàn đạp để thực hiện điều đó là hai bên cần phải hiểu biết lẫn nhau hơn và thấu hiểu hơn nỗi chịu đựng của nhau.




    ***


    Khi ngồi nghe các cựu quân nhân Việt Nam kể chuyện, tôi băn khoăn rằng nguồn nội lực nào đã giúp họ có được sức mạnh – có được ý chí – để vượt qua tai ương. Có thể đó chỉ là một xúc cảm điên rồ - thức xúc cảm bất chợt nảy sinh trong chốc lát khi nghe những cựu chiến binh kia kể về kỷ niệm chiến tranh – nhưng tôi thực sự đã có được một ý niệm sau cuộc phỏng vấn vốn đã giúp tôi tạm ngừng lại để cân nhắc nguồn cơn.

    Tôi đã phỏng vấn một đại tá về hưu ở nhà ông. Đó là một quý ông có ngoại hình rất ấn tượng ở độ tuổi ngoài bảy mươi. Ông đã kể cho tôi nghe những hoạt động của ông thời chiến tranh. Ông kể rất chi tiết về một cuộc chạm trán với lính Mỹ. Đó là một loạt trận đánh kéo dài trong nhiều ngày, với những cuộc tấn công và phản công khiến cả hai bên đều tổn thất nặng. Có một ngọn lửa nào đó trong mắt ông đại tá khi ông kể chuyện, ngọn lửa ấy không hề bị xáo động bởi những tổn thất sinh mạng lớn mà ông khẳng định đã xẩy ra trong cuộc đụng độ ấy.

    Cuộc phỏng vấn kết thúc, ông đại tá tiễn tôi ra cửa; chúng tôi bắt tay và tôi đi ra xe. Khi tài xế cho xe rời khỏi ngôi nhà, tôi liếc nhìn lại và thấy ông đại tá vẫn đứng ở bậu cửa. Ông vẫy tay từ biệt tôi rồi nhẹ nhàng cúi xuống bế đứa cháu ba tuổi bên cạnh. Ôm đứa cháu trong lòng, ông nhẹ nhàng hôn nó. Tôi choáng váng vì sự tương phản ấy – bởi hình ảnh hiền hòa này, tôi nghĩ, là một đối lập với thái độ điềm nhiên của người chiến binh già mới ban nãy thôi còn kể cho tôi nghe câu chuyện đẫm máu trên chiến trường.

    Khi ông đại tá đã khuất khỏi tầm nhìn, tôi chìm trong suy tư. Trong thoáng chốc, tôi nghĩ rằng, một cách duy tâm, nếu như con người ta được triệt giảm xuống còn những thành tố nền tảng, thì trong những thành tố cấu thành một bộ phận thiết yếu trong tính cách của anh ta và vượt qua những ranh giới về văn hóa đó chính là tình yêu dành cho trẻ nhỏ.

    Hình ảnh ông đại tá và đứa cháu cứ quấn lấy tâm trí tôi. Một tình yêu con trẻ như thế, tôi ngẫm ngợi, có thể thúc đẩy người ta làm nên điều phi thường. Nó có thể thổi vào trong con người ta nguồn năng lượng siêu việt để vượt qua mọi tai ương, để khuất phục một siêu cường. Cũng theo đó, sự thiếu vắng một động lực như vậy có thể đẩy người ta tới thất bại.

    Ông đại tá này và hàng triệu cựu chiến binh Việt Nam chiến đấu cùng ông đã coi thống nhất đất nước như là một nghĩa vụ đạo đức – như là di sản mà họ để lại cho cháu con. Tất cả họ đều được dẫn dắt bởi ý thức chung – đó là sự sống còn của đất nước.

    Trong khi đó với người Mỹ, không hề có một nhận thức nào về mối đe dọa đối với đất nước; bởi thế, không hề có một di sản nào đối mặt với nguy cơ. Chiến tranh Việt Nam rất khác Thế chiến thứ II khi những người lính Mỹ hiểu rõ rằng sự sống còn của đất nước họ - và như một hệ quả, di sản mà họ để lại cho cháu con – đang ở vào tình thế nguy nan. Chính nhận thức về sự tồn vong của dân tộc trong Thế chiến thứ II đã làm sản sinh ra cái mà nhà báo và tác giả Tom Brokaw mô tả là “thế hệ vĩ đại nhất” – thế hệ những người Mỹ đã hy sinh rất nhiều để chiến đấu và chiến thắng cuộc chiến tranh đó. Có lẽ sai lầm lớn nhất của chúng ta tại Việt Nam là đã không nhận ra rằng chúng ta đang chiến đấu với “thế hệ vĩ đại nhất” của đất nước này – một thế hệ với quyết tâm thống nhất và duy trì sự tồn tại của dân tộc sẵn sàng đứng lên đánh đuổi hết quân ngoại xâm này đến quân ngoại xâm khác.




    ***


    Cũng cần nhận thức rõ ràng rằng một Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hà Nội, khác với luận điệu mà các quan chức Mỹ luôn rao giảng trong suốt cuộc chiến, không bao giờ là một mối đe dọa đối với nước Mỹ. Bằng chứng nằm ở thực tế rằng, cho đến tận hôm nay, chiến thắng của Hà Nội không hề tạo ra một sự đe dọa nào, gián tiếp hoặc trực tiếp, đối với chúng ta. Việc chúng ta sẵn sàng chấp nhận điều này chính là yếu tố thúc đẩy nước Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sau bốn thập niên đứt đoạn. Tôi tin rằng đại bộ phận người Mỹ không cho rằng sự sống còn của Việt Nam sẽ tạo ra mối đe dọa cho sự sống còn của nước Mỹ. Như Đại tướng Fred Weyand, vị tư lệnh cuối cùng của quân Mỹ tại Việt Nam, đã đánh giá: “Chiến tranh Việt Nam là một sự tái khẳng định tính đặc thù trong mối quan hệ giữa quân đội Mỹ và người dân Mỹ. Khi quân đội quyết tâm, người dân Mỹ quyết tâm. Khi người dân Mỹ đánh mất quyết tâm, thì chẳng thể nào bảo toàn được quyết tâm của quân đội”. Để chiến đấu vững vàng tại Việt Nam, người dân Mỹ cần phải nhận thức được rằng an ninh quốc gia đang đứng trước nguy cơ. Họ đã không nhận thức được điều đó và vì thế, một quyết tâm cần có đã không thể và không được hình thành.




    ***


    Quyết tâm chiến đấu vì một di sản để lại cho cháu con của người Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ được Đại tá Nguyễn Văn chia sẻ:

    “Chúng tôi rất tự hào về những gì đã hoàn thành. Những gì chúng tôi đã làm chính là bổn phận của chúng tôi để tiếp nối truyền thống chống ngoại xâm, giành độc lập, bảo vệ đất nước. Mặc dù chịu nhiều tổn thất, chúng tôi không hề tiếc về điều mình đã làm. Bởi lẽ những gì chúng tôi làm là tiếp nối di sản của dân tộc. Hồ Chủ tịch từng nói bảo vệ đất nước là bổn phận của mọi người dân. Mỗi người dân đều là con của dân tộc và, ở Việt Nam, có chung một người mẹ. Vì lẽ đó, mỗi người Việt Nam cần phải chiến đấu để bảo vệ gia đình mình”.

    Người Việt Nam rất vị tha. Điều này đã trở thành một phần văn hóa qua hàng thế kỷ và có thể thấy rõ qua sự khiêm tốn của họ sau mỗi chiến thắng – thậm chí họ còn cầu xin sự tha thứ từ người vừa bại trận trước họ.

    Sự khiêm nhường đó vẫn tồn tại trong ngày hôm nay. Sau chiến thắng trong cuộc chiến chống Mỹ, người Việt Nam không nuôi dưỡng lòng thù oán đối với chúng ta. Thay vào đó, họ chào đón người Mỹ với đôi cánh tay dang rộng và niềm mong đợi lớn về một mối quan hệ hữu nghị mới được thúc đẩy. Như cô bé Anne Frank, người Việt Nam, đại bộ phận, chỉ thấy điều tốt đẹp ở con người. Chúng ta cũng cần phải như thế.




    ***


    Vào cuối năm 1968, khi Việt Cộng nã súng cối vào căn cứ không quân Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn, một giáo đường nhỏ đã bị phá hủy. Vài ngày sau, khi vị tu sĩ bước qua ngôi nhà đổ, mắt ông bỗng bắt gặp một vật thể nằm giữa đống đổ nát. Đó là tấm bảng bên trên viết một bài thơ không rõ nguồn gốc.

    Tôi đã choáng váng khi đọc bài thơ, vì thống điệp đơn giản và ứng nghiệm đối với tất cả các chiến binh và nạn nhân trong Chiến tranh Việt Nam.

    Lời thơ ứng nghiệm với anh trai tôi, Elmo, cũng như người em của Bác sĩ Phan – nhà phẫu thuật đã phải trải qua 17 năm trời tìm kiếm hài cốt em trai.

    Lời thơ phù hợp với những người Mỹ đã dũng cảm phục vụ ở Việt Nam và sống sót trở về; cũng như phù hợp với những người Việt Nam sống sót.

    Với nhan đề “Xin đừng quên”, bài thơ là khúc tưởng niệm tất cả các nạn nhân của cuộc chiến tranh kinh khiếp vốn là hệ quả của một sai lầm tồi tệ trong lịch sử quan hệ Mỹ - Việt.

    Không lãng quên những người đã hy sinh trong cuộc chiến, chúng ta mới hy vọng tránh lặp lại sai lầm tồi tệ kia.


    “Xin Đừng Quên”

    Không vì danh tiếng hay sự tưởng thưởng
    Không vì địa vị hay phẩm hàm
    Không bị tham vọng dẫn dắt hay mệnh lệnh bắt buộc
    Chỉ đơn giản là bởi quyết tâm phụng sự
    Những người này đã chịu đắng cay
    Đã dám đối mặt với tất cả, và đã chết.
    Xin đừng quên… xin đừng quên…
     
  4. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    LỜI BẠT



    Tôi quen James G. Zumwalt khá lâu thông qua anh Nguyễn Văn Phú. Tôi cũng được gặp Đô đốc Zumwalt – cha của James tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thoạt đầu tôi rất thận trọng. Nhưng với thái độ chân thành, tiếp cận thông tin một cách nghiêm túc, James làm cho tôi tin anh đang làm một việc mà tôi cũng đang làm: viết lại sự thật bằng ngòi bút chân thật. Tất nhiên, tôi và anh vẫn có những suy nghĩ khác nhau. Nhưng đọc quyển sách của anh và biết việc làm của anh “vận động và tự mình ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam” làm cho tôi mến anh.

    Tôi thích anh bởi cách anh suy nghĩ: “Niềm đau, nỗi thống khổ, những chịu đựng ám ảnh tất cả. Với hầu hết những người liên quan, cuộc chiến là một cơn ác mộng”. James có cách lý giải dựa trên sự thật. Như trường hợp quân nhân Mỹ bị mất tích, James có cách giải thích đúng sự thật, hợp tình, hợp lý.

    James dễ thương, hiền hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, gương mặt phúc hậu, chân thành, đặc biệt cách diễn đạt trong quyển sách CHẦN TRẦN, CHÍ THÉP của anh, một người ở bên kia chiến tuyến, một sĩ quan cấp Trung tá của quân đội Mỹ làm cho tôi đặc biệt chú ý. Chúng ta dễ dàng nhận thấy sức mạnh chính nghĩa của cuộc chiến tranh của chúng ta thông qua ngòi bút của James, làm cho bất cứ ai đem lòng thù hận quá khứ cũng phải suy nghĩ lại.

    Nhân dịp ky niệm 30 tháng 4 năm 2011, tôi xin gửi đến James và nhân dân Mỹ lời chúc sức khỏe và hữu nghị, chúc thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay hãy tự hào về dân tộc Việt Nam của chúng ta.


    Nhà văn LÊ THÀNH CHƠN



    Hết
     
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này