Tuỳ bút - Biên khảo G Chơi chữ - Lãng Nhân <The Happiness Project #20-NF>

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi teacher.anh, 15/6/16.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    choi-chu.jpg

    CHƠI CHỮ

    Tác giả: Lãng Nhân
    NXB Văn học
    Năm xuất bản: tháng 5/1992
    Khổ sách: 14,5 x 20,5cm
    Số trang: 350 trang

    Những người tham gia:

    - Nguồn sách, scan, OCR: @bun_oc
    - Soát lỗi: @hanhdb, @bun_oc
    - Biên tập và hiệu đính: @tducchau
    - Tạo eBook: @tamchec
    - Review:
    Thời gian hoàn thành:

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link #20-NF
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    EBook này được thực hiện nhằm chia sẻ, phục vụ cộng đồng, góp phần nhỏ trong việc nâng cao dân trí, thúc đẩy văn hóa Đọc cho các bạn không có điều kiện mua sách giấy.

    Khi bạn có khả năng, hãy mua sách giấy để ủng hộ tác giả và Nhà xuất bản!

    Do chúng tôi chưa thể liên hệ được với gia đình tác giả để xin phép nên rất mong gia đình tác giả và bạn đọc thông cảm và lượng thứ.

    Cảm ơn các bạn đọc, những người giúp chúng tôi có động lực thực hiện số hóa cuốn sách này.


    Mục lục

    Khoảng trên dừng bút
    Hoành phi, trướng
    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 16/6/16
  2. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Khoảng trên dừng bút

    “Nghề chơi cũng lắm công phu”, huống-hồ chơi… chữ!
    Chơi chữ cần có những yếu-tố không phải ai cũng gom được đủ: có học đã đành, nhưng lại còn phải có tài.
    Học có hàm-súc, mới biết dùng chữ cho rành-rẽ, dùng điển cho đích-đáng, khiến câu văn ít lời mà nhiều ý; tài có mẫn-tiệp, mới lĩnh-hội được mau-lẹ những nét trội trong một cảnh-huống, và diễn-xuất ra một cách nhanh-chóng đột-ngột, hồ như là tự-nhiên.
    Trong văn-chương ta, có nhiều lối chơi: thơ, phú, câu-đối, tập Kiều, sử-dụng lối nào là tùy theo tình, theo cảnh, theo cách câu-tứ mà phô diễn ra cho phù-hợp với nguồn cảm-hứng trong giờ phút đó của nhà văn.
    Cái thú chơi chữ của nhà nho khi xưa, chúng tôi đã chép lại ít nhiều trong tập “Giai-thoại Làng Nho” khởi từ thế-kỷ XIV (đời nhà Trần) đến đầu thế-kỷ này.
    Từ đầu thế-kỷ đến nay, lối chơi chữ bằng Hán-văn tế-nhị và uyên-áo dần dần trở nên thưa-thớt, nhường chỗ cho lối chơi chữ bằng quốc-văn, cũng tế-nhị không kém nhưng đỡ công-phu hơn vì ít sử-dụng đến kho điển tích. Đến cái buổi mưa Âu gió Mỹ thì thi phú gặp nhiều khó khăn, người ta chơi chữ một cách dễ-dãi hơn, nhưng bao giờ cũng dí-dỏm, hóm-hỉnh. Là vì năng-khiếu trào-lộng của dân-tộc là một thiên-tư không bao giờ mất được: nếu nó không diễn-xuất bằng lối này, ắt nó sẽ diễn-xuất bằng lối khác, tùy theo hoàn-cảnh, tùy theo những chất-liệu mà hoàn-cảnh cung-cấp cho.
    Trong lúc tiêu nhàn khiển muộn, ta thường dùng văn-chương để di-dưỡng tính-tình. Hoặc làm câu đối dán cửa dán phòng khách, dán vườn hoa, để tỏ chí-hướng, hoặc họp bạn uống rượu ngâm thơ, hoặc làm câu hát cho ả-đào phó vào đàn-phách, hoặc chỉ nói lên vài câu bông-lơn bóng-bẩy về một đề-tài thời-sự, khiến cho khiếu trào-lộng bị kích-thích, rồi trong những chuỗi cười giòn-giã, có khi nảy ra một đôi phút xuất-thần mà thành “nhả ngọc phun châu”.
    Loại thời-sự hay được làm đầu-đề cho cuộc chơi chữ, là những dịp khánh-điếu. Khánh-thành, ăn khao, dự đám cưới hay đưa đám ma, là những dịp cho kẻ hiếu-sự lên tiếng phẩm-bình.
    Phẩm-bình phần nhiều vì công-nghĩa, nhưng cũng đôi khi không khỏi đi vào chỗ hẹp-hòi câu-chấp, hoặc quá nữa, đến chỗ bới móc xỏ-xiên; dù ở trường-hợp nào cũng vẫn cần có văn-chương để điểm-xuyến, bởi lẽ uy-thế của văn-chương một khi không đem ra bao-trùm cho lời nói, lời nói sẽ thành tục-tằn bỉ-ổi, không còn gì là lý-thú.
    Trong cuốn này, lẽ ra chúng tôi chỉ lục những thi-văn chưa từng đăng trong các sách báo. Nhưng có nhiều thi-văn tuy đã được công-bố sâu rộng song không kèm lời chú-thích đầy-đủ về trường-hợp và hoàn-cảnh đã làm nảy ra câu văn, khiến người đọc khó thấy dụng-tâm của tác-giả, khó thưởng-thức hết được chỗ tế-nhị của tác-phẩm. Cho nên không nề sự thấy biết ít-ỏi, chúng tôi mạn phép theo chỗ học-hỏi được mà nói ra tình-tiết một đôi bài.
    Lần in thứ tư này, chúng tôi theo ý số đông độc-giả, xếp thành từng loại, để dễ bề tra-cứu. Và chúng tôi cố sưu-tầm thêm những cuộc chơi chữ có thú-vị, vì cho đó cũng là một cách chứng-tỏ rằng tiếng nước nhà không phải không có rất nhiều những lộng-ngữ mà ta thường lấy làm khoái trá khi đọc thấy trong tiếng Anh, tiếng Pháp.
    Nhưng chỉ hiềm Nôm na câu được câu chăng, thôi thì cũng gọi là Đỡ khi buồn bã, lại dâng một cười. [1]

    [...]

    [1] Cao Bá-Nhạ - Tự tình khúc.
     
  3. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Dâng một cười, không phải lấy cái nghĩa khiêm nhường của họ Cao, tự chê văn mình có chỗ vụng-về chẳng bõ mua cười; dâng một cười đây là dâng lên độc-giả một trận cười chung, vì văn thơ chép lại, vui cười có, đau-xót có, uất-giận cũng có, nhưng phần nhiều chúng tôi chú-trọng hơn vào những lối châm-biếm trào-lộng đã dùng làm con đường giải thoát cho lòng công-phẫn của mọi người.
    Thi-sĩ la-tinh Santeul xưa đã thích nghĩa cho lối hài-kịch là: cười-cợt mà sửa lại phong-hóa (castigat ridendo mores). Chúng tôi tin rằng lấy cái cười mà sửa lại phong-hóa, nhiều khi hữu-hiệu hơn dùng rìu búa, nên đã lọc lấy, theo quan-điểm của Bergson, những cái cười có tính-cách xã-hội: các lớp sóng xã-hội hàng ngày dồn-dập xô-đẩy nhau, kèn-cựa chống-đối nhau, nếu trong sự va chạm ấy có nổi lên một ít bọt trắng ngần, ấy là cái cười ý-nghĩa: cái cười cũng như bọt biển, có muối mặn bên trong.
    Kẻ bị cười có khi thản-nhiên chứng nào tật ấy, có khi tức-bực chau mày nghiến răng; ít ai nghe cười mà biết cảm ơn người đã nói cho mình điều phải.
    Nhưng đối với xã-hội thì cái cười ấy là sự cởi-mở, cởi-mở một cách nhẹ-nhàng duyên-dáng. Người được cười, lại là số đông, cũng nhân đó tự giới ý cho mình và tránh những hành-động có thể khiến chính mình đứng ra làm trò cười để tiếng về sau.
    Đó là cái phần thưởng trả cho những người đương-thời đã chẳng ngại thù-hằn, có khi chẳng nề nguy-hiểm, làm ra thơ văn lưu lại cho chúng ta một vài tiếng cười mặn-mà, chua-chát.
    Bởi vậy chúng tôi mới Mảnh tiên kể hết xa gần, và ước mong rằng bạn đọc cùng chúng tôi sẽ chung một mối hoài-cảm.
    Phấn thừa hương cũ bội phần xót-xa

    CHƠI CHỮ
    Tặng Anh và chị Công – Kiêm để ghi những phút cùng lục-soát trí-nhớ, tìm lại lối tiêu-khiển của người xưa.
    L.N.
    image.jpeg
     
  4. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    I
    Hoành phi, trướng

    Hai chữ, hoặc ba, bốn chữ đề trên cổng hay treo ở phòng khách, viết ngang gọi là hoành-phi, hay tắt là hoành, viết dọc gọi là trướng.
    Hoành hay trướng để mừng hay phúng, ngoài những câu tâng-bốc hoặc tiếc thương bằng sáo-ngữ như Phúc như Đông-hải, Hạc-giá tiên-du, nếu sự-chủ có những tình-tiết éo-le, có thể làm đề-tài cho người đàm tiếu hoặc bới móc, thì những tay chơi chữ hay dùng điển-tích sâu-xa, hoặc lối nói lái hiểm-hóc, để chế-giễu một cách kín-đáo.
    Có khi không viết ra trướng hay hoành, chỉ thốt ra trong lúc trà dư tửu hậu, cũng thành những câu có ý-vị được người ta truyền tụng.
    Tỉ-dụ như hồi xưa, trước khi có hạng thông-ngôn chính-ngạch được bổ ra làm quan, thỉnh-thoảng có một vài ông thông-ngôn ngạch… phụ được xuất-chính: ấy là những ông biết nói mà không biết viết, sở dĩ được chiều-chuộng chỉ vì đã sống thân-cận trong bếp nước hay phòng ngủ của người Pháp. Thấy hạng này được nâng đỡ qua cỡ - có người được ra làm cha mẹ dân - những vị quan xuất-thân khoa-mục lấy làm một sự sỉ-nhục, nên có ông đã gọi lái họ là bọn: Quần-thần.
    Quần-thần là bầy tôi, bầy tôi là… bồi tây
    .

    o0o​
     
  5. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Một ông phú-hộ làm ngôi nhà mới, mở tiệc ăn mừng. Yên-Đổ cho hai chữ: Đại hạ
    Đại hạ là nhà to. Nhưng thay vì viết hạnhà, cụ lại viết chữ hạmùa hè, mùa hè to là nghĩa gì? Sau cụ mới giải-thích cho người thân-cận:
    Đại hạ là hè to, hè to lái lại là tò he: tò he tí hỏi, là tiếng kèn đám ma.
    Hỏi ra thì ông phú-hộ này xưa kia quả có làm qua nghề thọc kèn…

    o0o

    Một ông phú-hộ khác, giàu rồi tất nhiên lại muốn sang, nhân thấy quan tỉnh là tay đại-khoa có tiếng văn hay chữ tốt, liền khẩn-khoản đến xin mấy chữ về khắc vào bức hoành treo chỗ ngồi chơi để tỏ rằng mình thường giao-du với hàng quyền-quý. Quan biết ý, muốn nhân dịp diễu chơi, bèn sai trải giấy, mài mực, rồi cất bút để cho ba chữ đại-tự: Phúc đại lai.
    Không ai hiểu lấy ở điển nào, ai cũng khen là tay đại-khoa có khác, học rộng đến nỗi có ba chữ rất thông-thường mà cũng không ai biết nổi xuất xứ.
    Sau có người chợt tỉnh ra, mới hay cái dụng tâm của tác giả: Phúc đại lai, nghĩa đen là phúc lớn lại, phúc lớn lại nói lái lại là phúc lái lợn. Thì chủ-nhân-ông đây vốn chả xuất-thân làm cái nghề… buôn heo!

    o0o

    Một ông người làng Động-Trung, tỉnh Thái-Bình, mở tiệc mừng thọ.
    Có người đem lại tặng bức hoành khắc ba chữ: Động trung xuân.
    Chủ-nhân treo lên được vài hôm, bỗng bảo gia-đinh hạ xuống đem chẻ ra thành củi.
    Thì ra Động trung xuân, tuy có nghĩa làng Động trung về xuân tươi tốt mãi, thật hợp với lời chúc thọ, nhưng nếu đọc bài thơ Thiên-thai đến câu:

    Vãng-vãng kê minh nham hạ nguyệt
    Thần thần khuyển phệ động trung xuân [2]
    thì ba chữ động trung xuân đứng sau hai chữ khuyển phệ. Chủ-nhân trước kia đã từng mở cửa hàng “mộc tồn”, nay bị móc cái sự mình vẫn muốn quên đi từ lâu, nên giận cá mà cho chặt thớt.

    o0o

    Vũ duy-Thanh lúc đi học, nghèo rớt mồng tơi. Khi đỗ bảng-nhãn, được bổ vào “Tập hiền viện”, ông viết trên cổng nhà ba chữ: Cửu thiên khế (chín nghìn bạn), lấy tích Lý-Đạo-Tái, đời Trần, lúc hàn-vi không ai ngó tới, đỗ trạng rồi thì bè-bạn ở đâu kéo đến ầm-ầm, nên Lý đã than-vãn:

    Khi xưa thì chẳng ai nhìn
    Đến khi đỗ trạng, chín nghìn anh em!

    [...]

    [2] Văng vẳng bên non gà gáy nguyệt

    Oang oang trước động chó chào xuân.
     
  6. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Vùng Hà-đông có một ông chánh-tổng làm việc đã lâu năm mà không chịu từ về, để nhường chỗ cho người khác. Một viên phó-tổng chỉ lăm-le thay thế, mà đợi mãi không thấy ông rút lui, nên đã tặng ông ba chữ: Tư vô tà.
    Nghĩa chính thì là lời khen thơ Kinh-Thi tóm-tắt đạo người quân-tử không có ý-nghĩa nào thiên-lệch.
    Nhưng ông chánh-tổng đâu có hiểu rằng người ta đã diễu mình: Ta vô từ!

    o0o

    Ở Hà-thành, ai cũng biết phố Sinh-từ: sở-dĩ có phố Sinh-từ, là vì trong phố ấy có đền Sinh-từ, nơi thờ sống Nguyễn-hữu-Độ, lúc đó làm kinh-lược Bắc-Kỳ.
    Trên bàn thờ có treo bức hoành đề ba chữ: Sinh sự chi (thờ ông lúc còn sống).
    Song nếu lấy theo tiếng nôm thì Sinh sự chi lại là vẽ sự ra làm gì! Có ý mỉa những người đã nịnh-hót bề trên bày ra cái trò làm sinh-từ, tốn quỹ, khổ dân…

    o0o

    Ông-ích-Khiêm, được cử giữ chức Tiễu-phủ-sứ, vâng lệnh cầm quân ra Bắc dẹp giặc Lý-dương-Tài, ở hồ Ba-bể, khi trở về qua Hà-thành cho lập một ngôi đền thờ những tướng sĩ trận vong. Ông sai người đến xin Yên-Đổ mấy chữ đề ngoài cổng đền, người này kể-lể “quan Tiễu muốn làm đền cho lính tôi”, ra vẻ tự-đắc mình cũng dự trong hàng tướng-tá. Yên-Đổ cho ba chữ: Tối linh từ.
    Ông Tiễu cho là chữ quá-ư tầm-thường, có biết đâu Yên-Đổ đã nói lái tối linhlính tôi cho bõ ghét cái anh tay sai hách xằng!

    o0o

    Khoảng ba-mươi năm nay, một ông thợ-xẻ, gặp dịp làm nên giàu-có, mua được chút phẩm-hàm, mở tiệc ăn khao. Trong những câu-đối và hoành-phi gửi đến mừng, người-ta chú-ý nhất đến một bức trướng trên đề ba chữ: Ăn cơm vua.
    Ai đọc cũng phải tủm-tỉm, nhớ lại câu hát của trẻ nít: “Kéo cưa, lừa xẻ, ông thợ nào khỏe thì ăn cơm vua. Ông thợ nào thua thì về bú tí…”
    Riêng ông hàn mới cũng hiểu như thế, - mà không hiểu thì cũng chẳng thiếu gì người tốt bụng chỉ dùm cho, vì ông có tiền - nhưng ông lại lấy làm hãnh diện treo trướng ngay giữa nhà, ý chừng nghĩ cơm vua không được phép chê, vả chăng… đã mấy ai dám tự-hào được là tay thợ khỏe!

    o0o

    Ông thợ xẻ được “ăn cơm vua” rồi, lại tậu một sở đồn-điền. Đồn-điền nằm trên một ngọn đồi, ông cho làm nơi đỉnh đồi một ngôi nhà mát và xin ông Trần-Bình [3] mấy chữ đề cổng.
    Ông Trần viết: Cao cư lư xá.
    Ông thợ xẻ lấy làm thú lắm, vì cao-cư là ở trên cao, lư-xá là nhà nhỏ, thật là vừa kiêu hãnh lại vừa khiêm-tốn đúng với ý mình.
    Sau có một nhà nho đến bảo nhỏ:
    “nên bỏ mấy chữ ấy đi, vì âm thanh nghe không được nhã. Ông thợ xẻ lầm-bầm:
    - Cao cư lư xá, có gì mà không được nhã? Cao cư lư xá, cao cư lư xá, ờ mà thật nhỉ, nó xỏ mình rồi, quân đểu thật!
    Chả là cao cư lư xá nghe na-ná như “kéo cưa lừa xẻ”!

    o0o

    ...


    [3] Xem dật sự Trần Bình trang 51.
     
    Chỉnh sửa cuối: 16/6/16
  7. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Một quan lớn đi kinh-lý, dân làng làm mấy cổng chào, có dán nhiều câu ca-ngợi thịnh-đức. Vốn là tay hay chữ, khi kinh lý xong trở về công-sảnh, quan nhớ lại những câu đối tán-dương, rất lấy làm bằng lòng, duy chỉ thắc mắc về bốn chữ đại-tự: Đại điểm quần-thần mà quan thấy viết ở bức hoành trên một cổng chào mé cuối làng.
    Đại điểm quần-thần: đã đành mình đi kinh-lý, điểm mặt các viên-chức dưới quyền là đúng rồi, nhưng đây là một vùng nhỏ, viên-chức đâu gọi được là quần-thần? Mà vùng này là vùng văn-học chứ không đâu! Hay là có ẩn-ý gì đây…
    Đương mân-mê điếu thuốc lào để suy-tưởng, bỗng quan vứt mồi thuốc xuống đất, miệng lầm-bầm: “Láo thật, quân láo thật! Dám chơi lối Trạng Quỳnh với mình”.
    Thì ra quan vừa chợt hiểu ra: đại điểmchấm to, chấm to là… chó tâm. Mà quần-thần, quan nhớ ra rồi: là bầy tôi, ông Trần Bình đã lái ra là bồi tây. Thật quá ư hỗn-xược, vì Tâm lại chính là tên húy của ngài.
    Chẳng phải nói, các bạn cũng tưởng-tượng được trận lôi-đình của bậc thượng-quan, và sau đó bao nhiêu chức-dịch làng kia đã khốn-khổ vì cái chấm to này.

    o0o

    Trên cổng chùa làng Văn-tràng, tỉnh Nam-định, chúng tôi thấy đề bốn chữ: Sắc không không sắc.
    Bốn chữ tuy ý-nghĩa uyên-ảo song là chữ cửa miệng của nhà Phật-tử, không có gì đặc-biệt, đặc-biệt có chăng là bên dòng lạc-khoản đề tên Tam-nguyên Yên-Đổ.
    Chúng tôi lấy làm lạ sao ông Tam-nguyên lại cho bốn chữ thông thường quá như thế, sau có một người làng giảng cho: nguyên làng này chuyên về nghề mài dao đánh kéo, trong lúc chế-tạo người ta thường hay vấn-đáp:
    - Sắc chưa? - Chưa sắc!
    Bốn chữ “sắc không không sắc” dùng chỗ khác thì không có gì đặc-sắc nhưng đề vào chùa một làng mài dao thì lại ngụ một nụ cười hóm-hỉnh!
    Nụ cười này, giá để ý thì cũng đã nhận ra được phần nào.
    Là vì nếu đặt câu hỏi: sao không dùng như lời nói thường “Sắc sắc không không” hoặc “Không không sắc sắc” mà lại đặt chéo là “Sắc không không sắc”? Nếu hỏi thế, ắt đã phải ngợ một dụng ý gì của tác-giả.
    Ngợ thế thôi, chứ cũng chẳng ai ngợ được rằng ông Tam-nguyên đã dùng chữ sắc theo cái nghĩa đột-ngột là sắc-bén!”

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 17/6/16
  8. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Ở một tiệc thọ, người ta đọc thấy bức trướng: Tử-tôn thằng-thằng.
    Bốn chữ này lấy điển ở chương “Chung-tư” trong kinh Thi (Chu-Nam) ý nói lắm con nhiều cháu, khen chủ-nhân là nhà có phúc.
    Nhưng nếu lục câu thơ “Chung-tư” ra, thì nguyên văn là: “Chung tư vũ, hoăng hoăng hề, nghỉ nhĩ tử-tôn thằng-thằng hề”, đại ý là loài bọ ngựa đoàn-kết với nhau, con cháu đông đúc. Sau hai chữ thằng, ta nhớ còn có chữ hề.
    Và nếu ta lại biết rằng chủ-nhân vốn làm nghề kép hề trên sân khấu, ta sẽ thấy rằng bốn chữ “Tử-tôn thằng-thằng” thực ra là một lời mỉa: Tử-tôn thằng-thằng… hề, con cháu thằng hề rồi cũng lại là thằng hề…
    Lời mỉa này chỉ có ý-nghĩa ở cái thời xưa với quan-niệm cổ-hủ “xướng ca vô loại” bỏ xướng ca ra ngoài lề xã-hội, không cho xếp vào loại nào trong lương-dân. Bây giờ thì cuộc chơi chữ trên đây trở thành vô-nghĩa, vì người ta đã ý-thức được công-bằng hơn về địa-vị người nghệ-sĩ.
    Âu cũng là một sự tiến-bộ đáng mừng của xã-hội.

    o0o

    Một ông nguyên là phú-hào trong làng, trước ra tranh-cử lý-trưởng không trúng, sau vì sự tình-cờ của thời-cục được bổ làm quan, rồi cánh buồm được gió, chẳng mấy lúc lên đến tổng-đốc, oanh-liệt một thời.
    Khi mở tiệc thọ, có người thuộc-hạ mừng bức hoành khắc bốn chữ: Vạn lý trường thành.
    Ví cụ lớn như bức thành vạn lý che chở cho cả tỉnh, lời khen tặng đã trọng vọng và cung kính. Nhưng ai để ý cũng thấy hai chữ giữa là lý trường, và giá cho thêm một nét ngoặc vào chữ trường sẽ thành ra lý-trưởng.
    Rõ là cụ lớn tuy ngày nay là “tổng-đốc có thừa” nhưng xưa kia chỉ là “lý-trưởng chưa đủ”.

    o0o
     
    Chỉnh sửa cuối: 18/6/16
  9. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Vùng Nam-hạ, hồi xưa có một ông buôn đồ cổ, sưu-tầm được nhiều bộ ấm-chén rất quý. Theo đòi vả cũng ít nhiều bút-nghiên, song học đã sôi kinh nhưng chửa chín… May gặp lúc Cognacq tuy chỉ là giám-đốc y-tế nhưng có quyền to lại sành đồ cổ, ông mượn người đánh tiếng, rồi khi cái bát Khang-hy, khi đôi bình Ung-chính, chẳng bao lâu ông được tự-do ra vào chốn quyền-môn. Ông được ân-sủng đến nỗi một buổi sáng có nghị-định bổ đi tri-huyện miền trung-du. Tuy ông đã được đi làm quan, nhưng vì không đỗ-đạt gì, nên đám sĩ-phu có người gọi mỉa ông là “huyện chén”, do đó thành tên gọi thường ngày.
    Làm quan được vài năm, ông bị chứng sốt rét ngã nước mà bỏ mình. Khi đưa linh-cữu về an-táng ở thành Nam, một ông bạn nhà nho phúng bốn chữ: Tống Quân Nam-phố (tiễn đưa ông ở Nam-phố)
    Ai đọc cũng phải chịu là hay, vì lấy chữ sẵn trong Sở-từ nói lên được lòng tha-thiết tiễn bạn, lại màu được chữ Nam-phố với thành Nam.
    Mãi sau mới có người vạch ra cái ẩn-ý của người phúng. Bốn chữ này không hàm một ý gì
    tiễn đưa mến tiếc, chỉ là móc cái chỗ xuất-thân của ông huyện: thì trong bộ đồ trà nào chẳng có một chén tống (tướng, đọc trại) và bốn chén quân, mà ông huyện nhà ta vốn lại có tên huyện chén ở khắp phố thành Nam!

    o0o

    Lại một ông khác, xuất-thân đường tây-học, vừa gặp ngay lúc Pháp cho một lớp thông-ngôn đầu tiên ra xuất chính, nên được bổ làm quan, leo nhanh đến chức án-sát. Rồi được cử vào phái-bộ dự cuộc đấu-xảo bên Pháp. Bất đồ ở Pháp được mấy tháng ông nhuốm bệnh và từ-trần. Thi-hài được đem ướp thuốc, nhập quan, cho xuống tàu chở về bản-quốc.
    Đám ma hết sức trọng-thể. Trong những bức trướng, người-ta đọc thấy ở một bức bốn chữ: Tâm tồn mẫu-quốc.
    Nếu hiểu theo điển, thì “thân tại giang-hồ, tâm tồn quân-quốc” (hay mẫu-quốc) là đi làm quan nơi sông-hồ xa-xôi mà lòng vẫn hướng về vua về nước, tức là lúc nào cũng nghĩ đến non-sông xã-tắc. Mà cho dẫu có cố-ý dùng chữ “mẫu-quốc” để chê ông là thân Pháp đi nữa, thì
    cái dụng-ý cũng nông-cạn, ai đọc mà chẳng nhận ra ngay lời chế giễu!
    Nhưng cái dụng-ý kia chính-thực là sâu-hiểm lắm: chữ “tâm” đây dùng theo nghĩa đen, tức là bộ lòng. Thì khi đem xác về, muốn tránh sự nguy-hại cho vệ-sinh chung, luật pháp buộc phải ướp xác, mà ướp xác tất phải moi hết ngũ tạng bỏ đi. Như vậy, “tâm tồn mẫu quốc” có nghĩa là lòng hướng về vua nước, hay là về nước Pháp, mà lại cũng có nghĩa là để lại bộ lòng bên nước Pháp. Đối với nhà nho, di-thể nhận được của cha mẹ phải giữ cho toàn không mất mát mới tròn đạo hiếu, thì cái chết không toàn này, ít ra cũng là một sự… bất-hiếu. Huống chi, xu phụ nước Pháp bằng lời nói việc làm chưa đủ hay sao, còn đem cả bộ lòng gửi lại, sự trung thành thật đã quá mức.
    Lời mỉa thật ra không khỏi thiên-vị, vì lúc tâm tồn mẫu quốc, ông án đã hai tay buông xuôi, đâu còn có hay nông-nỗi… đoạn-trường!

    o0o

    Một ông quản-ca làm nhà mới. Ngoài cổng không biết đề thế nào cho hay, ông đến xin chữ
    nhà nho Đồng-giang. Cụ viết ngay: Tu-tựu đào-nguyên.
    Rút trong câu thơ Thiên-Thai:

    Bất tri thử địa quy hà xứ
    Tu tựu đào-nguyên vãn chủ-nhân [4]
    Ông chủ nguồn đào, là ông quản ca, chứ còn ai vào đây nữa mà có thể biết rạch-ròi hơn về xóm chị-em!


    [4] Nơi đây chẳng biết về đâu tá?
    Hãy tới Đào-nguyên hỏi chủ-nhân.
     
  10. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    II
    Câu đối

    Nhân nói đến xóm chị em, chúng tôi nhớ tới bạn Hoàng-tích-Chu, chủ báo Đông-Tây, vốn không biết nghe hát và cầm chầu, nhưng hay lui tới nơi đây, chỉ vì quen thân với bà Đốc là chủ cô-đào, cũng là người không am-tường âm-luật và nghệ-thuật gõ phách.

    Có người đặt câu chuyện diễu: họ Hoàng giơ roi chầu vừa đánh bốn tiếng trống dạo tung tung tức là muốn nói: Đông Tây! Đông Tây!

    Bà Đốc gõ dịp phách nghe lát chát ấy là đối lại: Vắng khách! Vắng khách!
    Câu chuyện này khiến họ Hoàng hờn mát mãi, tuy biết rằng bạn chỉ bày chuyện ra để có dịp làm một câu-đối dí-dỏm…
    Câu đối dí-dỏm ở chỗ dùng khách là khách-hàng hay chú khách đối với tây là phương tây mà cũng là người Pháp; đông là phương đông, dùng nghĩa đông là trạng-từ (đông đúc, đông đảo) để đối lại bằng chữ vắng, thật là đột ngột.
    Khác nào câu cũ: vôi tôi, tôi tôi đối với: trứng bác, bác bác [5]
    lấy đồng âm-khác nghĩa đối nhau, cũng như:

    Ruồi đậu mâm xôi đậu.
    Kiến bò đĩa thịt bò.

    chữ đậu và chữ trên là động-từ, dưới là danh-từ.
    Khó đối hơn nữa là những câu nói lái như: có vài cái vò mà có người đã đối rất chọi: kia mấy cây mía.

    o0o​


    [5]: Vôi của tôi, tôi-tôi (tôi vôi là đổ nước vào vôi sống quấy lên cho tan nhuyễn). Trứng của bác, bác bác (bác trứng là lấy hột gà quấy lên để đem chưng).
     
  11. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...] :) !

    *
    * *

    Ông quan võ nọ hay hống hách với tôi tớ, tính lại ưa nói chuyện chữ nghĩa văn chương. Một hôm cưỡi ngựa đi chầu, mang theo đủ lọng tía dù xanh, lính hầu đông đảo. Dọc đường, trời nắng bức, ông cởi chiếc áo đỏ đang mặc, đưa cho anh lính đang bê điếu tráp chạy theo ngựa; anh này lúng túng vì ôm-đồm quá nhiều thứ, tuột tay để rơi áo xuống bùn.

    Ông bực lắm, lẩm bẩm: Áo đỏ lấm phân trâu.

    Rồi ông cao hứng:

    - À, mà thành câu hay đây, mày phải đối ngay, không đối được sẽ bị đòn.

    Anh lính hoảng quá, nhìn thấy bạn mình đang che cái dù nghiêng nghiêng, buột miệng nói liều: Dù xanh che dái ngựa!

    Ai ngờ vế đối lại lột ra được cái hách xì xằng của hạng quyền quý. Quan võ cũng là người phục thiện, phì cười mà tha.

    *
    * *

    Đời Lê mạt, năm nào mất mùa dân chúng đói kém, chính quyền vẫn có lệ cho nhà giàu nộp thóc để mua chức quan. Chức quan ấy gọi là “huyện thằng”, tức là chức phụ-tá tri huyện chuyên việc tuần phòng.

    Bởi chức huyện thằng mua được bằng tiền, và chữ thằng dễ bị người chế giễu, nên có chuyện sau đây:

    Vùng Hoan châu thời đó, có viên huyện thằng tính hay cậy thế. Một hôm có cô bé con cắp sách đi học về, gặp ở ngang đường mà không cất nón chào, ông gọi lại ra câu đối:

    Học trò là học trò con, tóc bỏ lon xon là con học trò.

    bắt cô bé phải đối ngay, nếu không sẽ đánh đòn.

    Cô bé ức lòng vì bị áp-bức, lại bực vì bị khinh dể là con nọ con kia liền đối bướng:

    Quan huyện là quan huyện thằng, xử kiện lằng nhằng là thằng quan huyện.

    Huyện thằng tức lắm, nhưng đành chịu dại mặt vì không bẻ vào đâu được.

    *
    * *

    Một ông thông lại (chân thư ký) được lệnh đổi đi nơi khác sau lại chạy-chọt được ở lại chỗ cũ, ra câu đối:

    Ông thông đến gốc cây đề, ông thông không đi là ông thông lại.

    Chữ đề cũng có nghĩa là đề-lại (chân thư ký ở huyện).

    Trong văn phòng, một ông tú-tài đối rằng:

    Ông tú đi qua cửa cống, ông tú nhảy được là ông tú tài.

    Chữ cống còn là nói tắt chữ cống sinh (cử nhân).

    Tài ở chỗ thông lạitú tài đều có nghĩa kép và nghĩa đơn.


    [...] ;) !
     
    Last edited by a moderator: 22/6/16
  12. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    ...

    Phan-văn-Ái quê làng Đồng-tỉnh, huyện Văn-giang, tỉnh Bắc-ninh, sinh năm 1850, mất năm 1898, đỗ phó bảng khoa canh-thìn, (Tự-đức 33 - 1880), tính tình phóng khoáng, hay thơ phú ngâm nga.

    Lúc còn đi học, một hôm đang ngồi đàm luận với các bạn, thì có tin chính quyền lập lại đạo dụ cấm “quần không đáy” của Minh Mạng.

    Số là thời Minh Mạng, có lệnh bắt phụ nữ miền Bắc phải mặc quần, không được mặc váy. Nhiều buổi chợ thường có quan quân canh gác, ai mặc quần thì được cho vào chợ, ai mặc váy thì phải đuổi về. Vì thế nhân dân phản ứng, mới có câu ca dao:

    Tháng tám có chiếu vua ra
    Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
    Không đi thì chợ không đông,
    Đi thì phải mượn quần chồng sao đang.

    Bữa ấy các bạn nghe nói lại cấm mặc váy thì đều cười, bảo Phan-văn-Ái thử làm mấy câu chơi. Phan đọc ngay hai câu:

    Vắng thiếp bõ phen cho cháo ế,
    Thương chàng chịu tiếng nấu canh suông.

    Hai câu nghe tầm thường mà thật hàm súc: Câu thứ nhất lấy ở ca dao nói về việc ế hàng:

    Ngán thay buổi chợ ngày mưa,
    Cho cháo tôi ế, cho dưa tôi nồng.

    Câu thứ hai lấy ở lời tục ngữ:

    Nấu canh suông, ở truồng mà nấu.

    Hai câu có nghĩa: Nếu buổi chợ vắng thiếp (vì mặc váy nên không được vào) thì hàng sẽ bị ế. Nhưng nếu mượn quần của chồng để đi chợ thì chàng ở nhà “truổng-ờ” (hai vợ chồng nghèo)!

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/6/16
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    :p! Bài đọc thêm:


    NGŨ PHƯƠNG NGŨ HÀNH
    THÀNH CÂU ĐỐI HAY


    "Tương truyền có một vị tú tài ở tại một địa phương nọ, đã sử dụng thật tài tình 10 con số từ một đến mười để viết ra một câu đối khái quát được các sự tích trong cả cuộc đời của Gia Cát Lượng:

    Thâu nhị Xuyên, bài bát trận, lục xuất thất cầm, ngũ trượng nguyên tiền, điểm tứ thập cửu trản minh đăng, nhất tâm chỉ vị thù tam cố.

    (Thu phục nhị Xuyên, bày Bát trận đồ, sáu lần xuất chinh bảy lần bắt Mạch Hoạch, ngũ trượng vẫn như trước, điểm bốn mươi chín ngọn đèn, một lòng đền đáp tấm lòng Lưu Bị ba lần đến lều cỏ).


    Câu đối sau khi đưa ra, không ai có thể đối đựơc, đã vang danh thiên hạ một thời là "một câu đối tuyệt diệu".

    Sau này, một văn nhân nào đó, nhờ sử dụng khái niệm ngũ phương và ngũ hành, cũng đã đưa ra được một vế đối không những rất chỉnh mà còn rất hay về mặt ý nghĩa:

    Thủ Tây Thục, định Nam man, Đông hoà Bắc cự, trung quân trướng lý, biến kim mộc thổ thảo hào quái, thuỷ diện thiên năng dụng hoả công”.

    (Giữ Tây Thục, bình định Nam man, hoà hiếu với Giang đông chống cự với phương Bắc, từ trong màn trướng điều khiển ba quân, biến kim mộc thổ thảo thành trận đồ bát quái, trên sông nước mà cứ dùng hoả công).

    Vế đối bên dưới dùng ngũ phương là “đông, tây, nam, bắc, trung” cùng ngũ hành là “kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ) cũng khái quát một cách thật khéo léo công tích trong cả cuộc đời Gia Cát Lượng, cấu tứ so với vế đối ở trên cũng không kém phần “tuyệt diệu”!


    (Nguồn Tư liệu_Sưu tầm! :p!)
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/8/16
  14. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    Có lối cầu-kỳ mắc-mó nữa là dùng vừa nghĩa vừa chữ kèm nhau thành một câu, như câu ra của vua Duy-Tân: Đi chi đường đạo sợ cụ (chi là đi, đạo là đường, cụ là sợ)
    Mà Nguyễn-hữu-Bài đã đối rất tài-tình: Không vô trong nội nhớ hoài (vô là không, nội là trong, hoài là nhớ)
    Mắc-mó còn có vẽ ra như sau:
    Con ngựa đá con ngựa-đá, con ngựa-đá không đá con ngựa.
    Xưa có một người đối tạm:

    Thằng mù nhìn thằng mù-nhìn, thằng mù-nhìn không nhìn thằng mù.
    Gọi là đối tạm mà thôi, vì có ai gọi bù-dìn là mù-nhìn bao giờ. Vả lại đã là thằng mù thì còn nhìn sao được!
    Gần đây, một nữ-sĩ đã đối hai vế thật hay:

    Thầy lang băm thầy lang-băm, thầy lang-băm hăm băm thầy lang!
    Ông thầy hù ông thầy-hù, ông thầy-hù cứ hù ông thầy!


    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/6/16
  15. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    Tương truyền khi vua Duy Tân mới mười hai tuổi, một hôm ngự yến ở tòa khâm sứ, tại tiệc có viên chánh mật-thám Sogny vốn là người thạo tiếng Việt và chữ Hán, thấy nhà vua tuy ít tuổi nhưng lanh lợi, mới trình một vế đối: Rút ruột vua, tam phân thiên hạ.
    (Chữ vương (王) là vua, nếu bỏ nét dọc đi thì thành chữ tam (三). Câu này có ý nói việc chia nước làm ba kỳ).
    Vua Duy Tân ứng khẩu: Chặt đầu tây, tứ hải giai huynh.
    (Chữ tây (西) nếu bỏ đầu thì thành chữ tứ (四)). Sogny bẽn lẽn cười gượng xoay sang chuyện khác.

    o0o​

    Vũ hữu-Lợi người làng Giao-cù, huyện Nam-chân, tỉnh Nam-định, đỗ tiến-sĩ năm Tự-Đức 28 (1874). Khi Pháp lấy thành Nam, ông bỏ quan về làng dạy học. Sau ông cùng bạn là Đỗ-huy-Liêu âm mưu với một số khách buôn và lính tập, định cướp lại thành Nam.
    Bấy giờ đốc học thành Nam là Vũ văn-Báo,[6] một tay sai đắc lực của thực dân Pháp, vờ đến thăm ông có ý dò la. Ông đương dạy học, muốn xỏ Báo một vố; nhân bố Báo là Vũ văn-Lý đỗ tiến sĩ, là người có danh vọng, ông Lợi bèn ra câu đối cho học trò: Lý chi đình, thi lễ chi đình.
    Nghĩa là: Sân ông Lý là sân nhà thi lễ.
    Một học trò nghe hiểu thâm ý của thầy, liền nhanh nhảu đối lại: Báo chi cách, khuyển dương chi cách.
    Nghĩa là: Da con báo như da chó dê.
    Hai câu này lấy trong sách Luận ngữ. Lý là tên con đức Khổng tử. Nhưng ở đây chính là chỉ vào Vũ văn-Lý, và cả hai câu có ý bảo: Nhà bố tên Báo (Lý) cũng là nhà tử tế hẳn hoi, vậy mà đẻ ra thằng con (Báo) lại là đồ chó, dê.
    Báo tức lắm, sau đó ngầm báo Tây bắt ông bỏ tù, rồi đem chém ở chợ thành Nam. Được ít lâu nhân dân nổi dậy, bắt y và lấy thây làm nến đốt để tế ông Lợi.

    o0o​

    Câu đối là lối chơi chữ áp-dụng nhiều hơn cả trong những dịp quan hôn tang tế. Nhiều cô thiếu-nữ tài-hoa kén chồng cũng bằng câu đối.

    Bà vợ ba ông Cai Vàng khi xưa, hồi còn con gái tên là cô Miên, có ra một vế đối kén chồng: Cô Miên ngủ một mình.

    Cô là một mình, miên là ngủ. Cô Miên lại là tên. Câu này tựa như câu của Hồng-hà nữ-sử: Da trắng vỗ bì bạch mà Cống Quỳnh chịu không đối được; sau này có người đã nghĩ đối Giấy đỏ viết chỉ chu hay Áo vàng mặc trang-hoàng - đều là gượng-gạo cả, câu gọi là trúng-cách thì như: Trời xanh màu thiên thanh nhưng thiên-thanh không lên được âm-thanh linh-động như bì-bạch và tứ lại thật-thà trái với ẩn-ý của vế ra.

    Đáp lại ý khiêu-khích của vế ra, có lẽ phải chịu câu sau đây là hóm-hỉnh: Suốt đỏ khoan thông hồng.
    Thông là suốt, hồng là đỏ, giá Cống Quỳnh đối lại như thế, chắc bà Điểm cũng khó xử như có lần Cống ta lẻn vào mùng bà từ chập tối, khi bà lên giường rờ phải, mắng: Cây xương rồng, giồng đất rắn, long vẫn hoàn long làm cho Cống sượng-sùng, xốc lại y-phục rồi càu nhàu: Quả dưa chuột, chuột thẳng gang, thử chơi thì thử! (Long với Thử cùng hai nghĩa nôm và chữ).

    Câu Cô Miên ngủ một mình trên kia ra đã lâu không ai đối được, mãi sau mới có Cai-tổng Thịnh, tức là Cai Vàng, đến đối: Tổng Thịnh tóm nhiều đứa.
    Tổng là tóm, thịnh là số đông, lại cũng là tên. Vế đối có vẻ bông-đùa nhưng lại chỉnh, nên cô Miên ưng thuận lấy ông Tổng Thịnh, dù là phải làm lẽ thứ ba.

    Đến khi Cai Vàng trong một cuộc giao-tranh với Pháp bị trúng đạn bỏ mình, bà ba có câu đối khóc:
    Chị thưa chị, một tiếng đùng, kiếp phù sinh ông lớn đã xong rồi, trị mà chi, loạn mà chi, ngơ-ngẩn sống thừa em với chị.
    Con ơi con, ba đời dõi, gương thế-phiệt chúng bay coi lấy đó, vinh là thế, nhục là thế, ngậm-ngùi chết điếng mẹ cùng con…

    Hạ đến chữ “chúng bay” thì rõ là giọng “bà tướng” có cái hùng-khí coi thiên-hạ như rơm-rác.
    Có bạn cho đôi câu đối này là của vợ lẽ ông Cung khắc-Đản, xin ghi vào đây đề tồn-nghi.

    o0o​

    [...]


    [6] Vũ-văn-Báo, người làng Vĩnh-trụ, huyện Nam-xang (nay là huyện Lý-nhân) tỉnh Hà-nam, sinh năm 1841, đậu phó bảng năm 1968, làm đến Sơn Hưng Tuyên tổng đốc, có đi sứ sang Pháp.
     
  16. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    Một vế đối kén chồng nữa: Một mặt người bằng mười mặt của.
    câu được chấm là: Mảnh chồng quan hơn đàn chồng dân.

    o0o​

    Một cô gái ở làng Câu Cậy, ra câu đối kén chồng:
    Con gái Câu Cậy, má đỏ hồng hồng, muốn đi lấy chồng, để mà trông cậy.
    Mãi không ai đối được. Vì câu ra hiểm hóc quá. Trong câu trên có chữ Câu Cậy (tức là làng Kiêu-kỵ thuộc huyện Gia-lâm tỉnh Bắc-ninh) cuối lại đệm chữ cậy là cậy nhờ. Hai chữ hồng hồng nói má hồng lại có ý nhắc đến sắc đỏ của quả cậy, quả hồng.

    Sau có ông già bán mây đánh liều đến, đối rằng:

    Ông lão hàng mây, da xanh mai mái, thích chơi con gái, sướng đại cung mây.

    Câu này phải hai chữ hàng mây là tiếng chung không đối với hai chữ Câu Cậy là tên riêng và bốn chữ sướng đại cung mây không đối với bốn chữ để mà trông cậy. Liều thế là cùng!

    o0o​

    Một anh học trò nổi tiếng hay chữ, khi cưới vợ, tối hôm động phòng, cô dâu khóa buồng, ra một vế đối hẹn đối được thì mới mở cửa:
    Hang Thiên-thai then khóa động đào, đóng chặt lại, kẻo chàng Lưu quen lối cũ.

    Điển “Lưu Thần nhập thiên thai” không phải là dễ đối.

    Nhưng chú rể nào phải tay vừa, lấy ngay tích Bái Công nhà Hán dẫn quân vào cửa Hàm-cốc, để chọi lại:
    Cửa Hàm-cốc lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho ông Bái dẫn quân vào!
    Cửa phòng mở liền.[7]

    o0o​

    Một học trò nghèo, bữa kia phải đem áo đến cầm cho một nhà giàu, không ngờ nhà này lại là một ông quan hồi hưu.
    Ông quan trông thấy thương tình, bèn ra một vế đối thử tài:
    Quân-tử cố cùng, quân-tử cùng quân-tử cố.
    (Người quân-tử bền lòng lúc cùng khổ, quân-tử lúc cùng, quân-tử bền lòng - Luận-ngữ).
    Khó ở chữ cố, vì đây lấy nghĩa nôm là cầm-cố, và ở chữ cùng, nghĩa nôm là cùng quẫn.
    Anh học trò đối ngay:
    Khổng-Minh cầm túng, Khổng-Minh túng Khổng-Minh cầm.
    (Khổng-Minh bắt, tha, Khổng-Minh tha, Khổng-Minh bắt - Tam-quốc: Khổng-Minh bắt Mạnh-Hoạch bảy lần lại tha).
    Tài tình ở chữ cầm, lấy nghĩa nôm cầm-cố như trên, chữ túng nghĩa nôm là túng tiền, vừa đối chữ, vừa đối nôm.
    Vị quan cấp ngay tiền cho, khỏi phải… cầm với cố!

    o0o​

    [...]


    [7] Thoại này tương truyền là của Yên-Đổ làm cho con trai sang nhà bố vợ.
     
  17. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Lê Thánh-tông, lúc còn là hoàng-tử, một hôm dạo chơi trên bờ sông đào vùng Tông-sơn, tỉnh Thanh-hóa, tình cờ gặp một cô con gái xinh đẹp đang vo gạo ở bậc đá, liền đọc bỡn một câu:
    Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả…
    Cô gái tiếp-tục vo gạo, khi xong, cắp rá ra về, ngoái cổ lại đọc:
    Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho…
    Hoàng-tử khâm-phục lời khuyên, vì bấy giờ đương buổi loạn-li, làm thân nam-tử hãy lo việc lớn xong đâu đấy rồi hãy nghĩ tới việc… kia khác.

    o0o​

    Ở Quảng-Bình có lối hát gọi là hát chùm. Nam nữ thanh niên vừa làm nón vừa hát. Hai người nổi danh về khoa ấy là Nguyễn-hàm-Ninh và Trần-tiến-Ích.
    Cuộc đối đáp lý thú nhất giữa hai người này vẫn là câu đối. Hai người thường không ra mặt, nhưng gà hộ cho người khác như lối Sào-Nam. Nguyễn-hàm-Ninh gà cho bên trai và Trần-tiến-Ích gà cho bên gái.
    Một hôm một thanh niên làng Trung-Ái đến xin cưới tại làng Pháp-Kệ. Theo thủ tục thì dân làng đứng chặn đám cưới ở trước cổng để lấy tiền treo. Những làng có ít nhiều văn học lại còn ra câu đối để làm khó dễ nữa. Trần-tiến-Ích biết là trong đám nhà trai có Nguyễn-hàm-Ninh, nên ra câu thật ác:
    Đầu cúi tay mò bơn hói Kệ.
    Làng Pháp-Kệ có cái hói (tức là con sông nhỏ) chảy qua gọi là hói Kệ. Còn cá bơn là thứ cá mình dẹp, thịt mềm. Câu này vừa tả hình dáng bắt cá, nhưng cũng là hình dáng chú rể đêm tân-hôn: đầu cúi, tay mò.
    Bên kia Nguyễn-hàm-Ninh liền cho người đối lại: Chân quỳ miệng ngậm bống Khe Giang.
    Khe Giang là cái khe chảy qua núi làng Trung-Ái và cá bống là thứ cá tròn và dài. Bơn bên gái đối với bống bên trai, còn hình-dung nào thích-ứng hơn!

    o0o​
     
  18. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...]


    o0o

    Nguyễn-công-Trứ hồi còn học thầy đồ trong làng, đã tỏ ra rất thông minh mẫn tiệp.

    Một hôm, chủ nhà tên là Trung cùng thầy đồ ngồi vui chuyện, nhân ra câu đối để thử tài học trò. Nguyễn-công-Trứ, mới 8 tuổi, không được tham dự, chỉ được ngồi nghe.

    Chủ nhà chỉ cây đại (cây sứ) ngoài vườn ra đối:

    Ngoài vườn cây đại nở hoa đại.

    Các học trò đều ngồi im, không ai đối được. Nguyễn-công-Trứ (lúc đó còn giữ tên tục là Củng) tỏ ý muốn đối nhưng lại rụt rè.

    Thầy đồ thấy thế, bảo:

    - Củng cứ đối đi, không ai cười, cũng không ai phạt đâu mà sợ.

    Bấy giờ Nguyễn mới đối:

    Trong nhà ông Trung ấp bà Trung.

    Câu đối thật tài. Trung đối với đại, ấp đối với nở. Ông chủ tuy bị giễu nhưng cũng cười xòa cho đỡ thẹn.


    o0o


    [...]
     
    Last edited by a moderator: 26/6/16
  19. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2


    :p! Bài đọc thêm:


    ĐỐI ĐÁP VỚI THỊ ĐIỂM

    *

    Thị Điểm là con gái thầy học của Trạng Quỳnh tính tình đoan trang lại giỏi chữ nghĩa. Trạng Quỳnh say mê, nhưng nhiều lần phải ứng phó vì Thị Điểm hay ra câu đối.

    Một lần Quỳnh ngồi đối diện với Thị Điểm qua cửa sổ, Thị Điểm nhân đó đọc một câu:

    Hai người ngồi song song hai cửa sổ.
    (Songhai, song cũng là song cửa sổ).

    Quỳnh gặp câu hóc búa đành chịu thua.

    *

    Lần khác từ phố Mía về, Thị Điểm đọc trêu:

    Lên phố Mía, gặp cô hàng mật, tay cầm kẹo lại hỏi thăm đường.
    (kẹo tiếng địa phương có nghĩa là kéo lại).

    Quỳnh lại chịu vì câu ra toàn những từ mía, mật, kẹo, đường, khó kiếm được từ để đối lại.

    *

    Bị thua mấy lần, Quỳnh dùng hành động áp đảo. (!?!)

    Lợi dụng lúc trời tối, Thị Điểm vừa ra khỏi phòng có việc, Quỳnh lẻn vào nằm gọn trên giường Điểm. Thị Điểm về vô tình quờ tay phải, doạ sẽ mách thầy. Thị Điểm ra một vế đối bằng chữ Hán bắt Quỳnh đối lại, nếu không đối được thì sẽ cáo giác Quỳnh về tội sàm sỡ. Buổi ấy Quỳnh đối được. (*)

    *

    Lần khác, biết Điểm đang tắm trong phòng, Quỳnh xô cửa đòi vào. Thị Điểm lại ra một vế bắt đối:

    Da trắng vỗ bì bạch.

    Lại gặp câu theo lối chơi chữ nửa Hán (bì bạch), nửa Nôm (da trắng), Quỳnh đành chịu thua lần nữa.

    *

    Lần cuối, nhân buổi hội xuân, cùng Quỳnh đi chơi, thuận tay, Điểm hái một nhánh xương rồng trao cho Quỳnh rồi đọc:


    Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long.
    (Rồng, rắn là từ nôm, long từ Hán nghĩa là rồng, nhưng tiếng Việt long có nghĩa là không chặt).

    Chữ nghĩa của câu đã khó. Còn ý tứ của người ra đối lại có cái sâu xa riêng. Ý ấy bóng gió cảnh báo tính khí ngang ngạnh khó bề giáo hoá của Quỳnh.

    Bởi thế, Quỳnh đã tìm được câu đối lại, chẳng những chỉnh về chữ nghĩa mà vẫn khẳng định tính cách ngang ngạnh của mình. Câu đối của Quỳnh như sau:

    Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử.
    (Ganggang tay, gang tấc, còn là dưa gang; thửthử chơi và chữ Hán: thửchuột).

    *

    Tương truyền, sau lần đối này, Quỳnh và Điểm chia tay không còn quan hệ nữa.


    (Nguồn Tư liệu_Sưu tầm! & 'Bổn cũ soạn lại'! :p!)

    ______

    (*) Điểm:

    Trướng nội vô phong phàm tự lập.
    (Trong trướng không có gió mà cột buồm lại tự nhiên dựng lên).

    Quỳnh:

    Hung trung bất vũ thuỷ trường lưu.
    (Trong bụng không có mưa mà nước vẫn chảy dài).
     
    Last edited by a moderator: 14/8/16
  20. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    “Nhiều khi, gặp vế đối không đối được, phải tìm lối thoát bằng giễu-cợt: Nguyễn-Hòe đi với bạn vào chơi một chùa, được sư cụ tiếp-đãi ân-cần, chẳng may mấy ông bạn quý bất-bình sao đó, lại quay ra báng bổ nhà chùa. Sư cụ bực mình ra câu đối:
    Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.
    Nguyễn-Hòe cực chẳng đã phải đối bằng giễu-cợt để cứu vãn thể-diện chung:
    Trên sư dưới vãi, ngoảnh lưng trở lại, trên vãi dưới sư.

    o0o

    Vùng Nghệ-An, vị sư kia vốn tính thích thơ phú, mỗi khi gần tết, lại viết câu đối, dán đỏ chóe cả chùa. Ông Hoàng-Phan-Thái giả làm người học-trò nghèo, đến chùa xin ngủ nhờ. Đêm dậy, ông mò vào chỗ cột cửa Tam-bảo, thấy sư đã viết một đôi bốn chữ. Một bên là “Khuyến thiện trừng dâm”, đối với “Cứu nhân độ thế”. Ông viết nốt vào hai bên thành ra:

    Khuyến thiện trừng dâm, con đâu đẻ tháng tư mồng tám?
    Cứu nhân độ thế, của ai vay mất một đền mười?

    Ông Thái lấy tích tháng tư mồng tám là ngày bụt sinh và câu phương-ngôn: “Của bụt mất một đền mười” ý nói đã khuyến thiện răn dâm, sao lại có ngày bụt sinh; đã cứu người giúp đời sao lại mất một đền mười? Hôm sau sư đọc thấy, giận lắm. Nhân lúc đó đang rót dầu, lại mải trừng mắt nhìn Thái nên để dầu đổ ra cả cái đế đèn, liền lẩm-bẩm: Dầu vương cả đế.
    Hoàng-Phan-Thái vừa chạy vừa ngoái lại đối: Ỉa vãi vào sư.

    o0o
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/8/16
  21. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Nguyễn-công-Trứ có lần học gần một ngôi chùa. Nghe đồn sư trụ trì là người hay chữ, có tính ghét học trò, vốn lại thích dùng món mộc tồn, thường vùi nồi thịt ở bếp, ai hỏi thì bảo là món cà bung…
    Nguyễn một bữa đột ngột đi vào bếp nhà chùa thì bắt quả tang sư ông đang lúi húi ở đó, mùi thịt cầy thơm lừng. Nguyễn vờ nói chuyện mưa nắng mấy câu rồi cứ ngồi lần khân mãi không chịu đi ra. Sư ông bực mình, đọc một câu: Khách khứa kể chi ông núc bếp. [9]
    Nguyễn trỏ vào nồi thịt chó, đọc lại: Trai chay gì đó: vại cà sư [10]
    Sư ông thấy bị lộ chân tướng, hốt hoảng chỉ vào pho tượng gần đấy mà rằng: Xin chứng minh cho, nam vô a di đà phật.
    Nguyễn cũng trỏ lên bàn thờ táo quân mà đối: Có giám sát đó, đồng trù tư mệnh táo quân.
    Nhà sư mất bình tĩnh, lên vẻ hợm hĩnh: Thuộc ba trăm sáu mươi quyển kinh, chẳng thần thánh, phật tiên, song khác tục.
    Nguyễn nói luôn: Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người!
    Nguyễn mắng xong, quay gót bỏ đi. Ra đến giữa sân có hai con chó xô ra cắn, một chú tiểu phải giữ mãi mới được. Thấy thế Nguyễn lại đọc hai câu:

    Bụt cũng hiền lành, sư cũng khá
    Còn hai con chó chửa từ bi…

    [9] Ông núc bếp: ông đầu rau trong bếp (tiếng Nghệ) và cũng có nghĩa là ông khách gì mà lại núc vào bếp.
    [10] Vại cà sư: cái vại đựng cà của sư (ám chỉ nồi thịt chó) đồng thời cũng có nghĩa là bà vãi cà ông sư, tiếng Nghệ không có dấu ngã, nên bà vãi cũng gọi là bà vại đồng âm với cái vại.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/8/16
Moderators: galaxy, teacher.anh
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này