Hồi ký - Tiểu sử G Chuyện Trường Bưởi _ Hoàng Ngọc Phách.

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi tducchau, 27/6/15.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    CHUYỆN TRƯỜNG BƯỞI
    (Khóa 1914 - 1918)


    Chúng tôi vào học Trường Bưởi ngày 2 tháng Chín năm 1914, đúng một tháng sau cuộc Đại chiến thứ nhất bùng nổ (2-VIII-1914). Anh em vẫn gọi khóa chúng tôi là "khóa Đại chiến" (promotion de Grande Guerre). Đấy chỉ là một câu nói đùa, nhưng khóa này có một số sự kiện đáng kể. Ví dụ việc bãi khóa chống áp bức, việc tẩy chay xe điện, việc lập Hội học sinh tương tế ở Trường Bưởi...

    Năm ấy, vào học Trường Bưởi chưa phải thi. Người ta lấy những người đứng đầu danh sách thí sinh đỗ tiểu học Pháp -Việt. Khóa chúng tôi có 150 người, chia ra 3 lóp A, B, C. Chúng tôi ở lớp A. Chỗ học là một cái buồng đầu, ngôi nhà một tầng bên cạnh phòng thí nghiệm, giáp đường xe điện. Lớp B ở phòng thứ hai. Lóp C ở dãy nhà (cũng một tầng) tận phía giáp bờ Hồ Tây sóng bạc.

    Khóa Đại chiến chúng tôi có cái đặc điểm: tất cả Giáo sư [1] là Tây đầm, những Tây già lụ khụ không ra trận được và những bà đầm có chồng đi lính phải ở lại Hà Nội không có việc làm phải xin đi dạy học. Họ cho dạy ở xứ thuộc địa là một việc không cần phải có chuyên môn, không cần phải có kiến thức và kinh nghiệm. Ai cũng làm được và lúc nào làm cũng được, nhất là lúc không có nghề gì kiếm ăn. Cho nên các bà đầm "lông vịt" [2] này, lúc lên lớp chỉ cần mở sách đúng chỗ phải giảng, rồi bắt một học sinh tốt giọng đọc từ đầu đến cuối bài giảng, bất cứ về môn gì, kể cả toán lý hóa, còn bà giáo thì ngồi may áo hoặc đan len cho đức "chinh phu". Có bà đứng ở cửa nói chuyện với bà bên cạnh, đợi trống hết giờ là cắp cặp ra. Có một điều các bà rất chú ý là mắng học trò "mất dạy" (nghĩa là hay phản ứng).

    Các ông giáo đến lớp cũng đọc bài (nói là đọc sách thì đúng hơn) cho học sinh nghe, chỉ khác là thầy tự đọc lấy, thầy đọc từ đầu chí cuối, bất cứ môn nào và bài nào, kể cả những bài hình học có những chữ cái A, B, c ghi góc hình tam giác và phưong trình đại số ax2+ bx + c = 0. Có ông cẩn thận một chút thì bảo một học sinh viết chữ tốt lên bảng ghi những chữ và những con số mà thầy vừa đọc xong. Có khi thầy đọc nhanh quá, trò theo không kịp, ghi sai lung tung. Thầy mải nhìn vào sách không trông lên bảng nên không đính chính. Có mấy trò biết sai nhìn nhau cười khúc khích, thầy nạt một tiếng: "Im đi, không thì phạt cả lớp bây giờ".

    Đến giờ đọc bài, thầy gọi một trò lên, nhưng không gọi tên, toàn gọi con số thứ tự. Học trò nghe lấy làm chướng tai, cảm thấy thiếu thân thiện, có vẻ khinh bỉ như trong một nhà tù. Học sinh lên bảng thầy bắt khoanh tay đọc thuộc lòng bài học, đúng như trong sách. Đọc cả nhũng chữ cái A, B, C trong hình học, đọc cả bài giải trong đại số. Có lần một học sinh tinh nghịch, lúc đọc bài trêu thầy, đem vẽ một hình tam giác trên bảng đúng như trong sách, nhưng anh ghi những chữ A, B, C trái cựa: A ở bên phải, C ở bên trái. Anh em cười ồ. Thầy trông lên bảng vẫn không thấy gì lạ. Thầy quát: "Cười cái gì, có sợ phạt cả lớp không", cả lớp lại ngồi im lặng. Họ im lặng không phải vì sợ thầy phạt, hoặc nghe thầy giảng bài. Đây là cái "im lặng hùng hồn" để tìm cách chế giễu thầy lười và dốt. Họ ngắm thầy từ đầu đến chân, từ cử chỉ bên ngoài đến tính tình trong dạ, để đặt cho thầy những biệt hiệu, những "tên cúng cơm" rất đúng thực tế. Ông thầy mà anh em để ý nhất, là cụ Đuy-vi-nhô (Duvigneau). Họ gọi là "cụ bí", vì cụ có ba cái "bí": trước hết là cụ có cái đầu hói tròn long lóc giống y như quả bí. Ai thấy cũng phải buồn cười. Hai là cái bí về sách vở. Khi học trò hỏi cụ điều này điều khác trong sách cụ không biết đường nào mà trả lời. Ba là cái "bí...tiện". Khi cụ cần giải quyết việc này trước học trò, thì cụ quát lên một tiếng to, hoặc giậm chân thật mạnh xuống bục gỗ, hoặc đập cái "ba-toong" xuống bàn đế át cái tiếng "phẹt phẹt". Lần đầu tiên học trò biết thì nhìn nhau cười. Họ cười cái vờ vĩnh của cụ ta, nhưng khi họ đã đặt tên cho cụ rồi thì họ không cưòi nữa. Khi cái biệt hiệu ấy lan ra khắp trường, thì ai thấy cụ cũng bưng miệng cười. Người thứ hai là cụ Ru-đê (Roudet). Cụ có cái lưng hơi gù, cái dáng chậm chạp. Cụ đến lớp bao giờ cũng dăm bảy phút sau mọi nguời. Nhưng cụ lại hay mắng học trò là lười nên họ đặt cụ là "Rùa". Cái biệt hiệu "cụ Rùa", "cụ Bí" được phổ biến khắp trong trường, ngoài phố, nên đã thành "bất tử". Một bà đầm đã có tuổi tên là Ca-run (Caroulle) dạy lý hóa, nhưng bà ta chẳng hiểu gì mấy về hai môn này. Ngồi buồn có khi bà ca hát, tiếng ca run run, nên học trò gọi bà là mụ "Cả run".

    Một bà khác dạy Pháp văn, rất trẻ và đẹp, nhưng cũng rất nhí nhảnh, lẳng lơ. Tên chồng là Măng-đơ-rông (Manderon) nên anh em gọi bà là "mẹ Măng non", về sau bỏ tiếng "non" thành "mẹ Măng". Tên này cũng rất phổ biến.

    Một ông giáo khác người lai Tây đen, tên là Rôt-sơ-man (Rosmann) người cục cằn hay đánh và beo tai học sinh đến chảy máu, nên anh em ghét và gọi là "Tây oẳn". Về sau, phần thì bị học sinh phản ứng, phần bị bọn Tây trắng bỏ rơi nên ông ta tu tỉnh lại thành một người Giáo sư khá, ông lại được số lớn học sinh kính mến.

    Sang năm học thứ ba, chúng tôi có thêm một ông giáo đã đứng tuổi, ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, tóc để dài quá gáy và không phải chải chuốt mấy khi. Tên ông là Đuy-phừ-ren (Duferesne) nên anh em gọi là "cụ Phèn”. "Phèn phi-lô-dốp" hoặc "phèn chua". Phi-lô-dốp (philosophe) nghĩa là nhà triết học. Nhà triết học mê mải học, nên không để ý đến quần áo tóc râu. Còn "phèn chua" vì lời nói của ông thuờng chua chát, ông giáo Phèn này khác các ông kia. Ông học rộng, dạy giỏi, ông có một phương pháp dạy Pháp văn độc đáo. Bài chính tả của ông chỉ có mươi dòng, tự ông làm ra nhằm theo trọng điểm văn phạm và từ ngữ của lớp học. Ông đọc nhanh, bắt học sinh phải cố gắng viết kịp và phải tự chấm câu lấy. Ông ra đầu đề luận Pháp văn, thường hỏi về cảnh vật và phong tục Việt Nam. Ông chấm bài luận toàn bằng dấu hiệu thay ngôn ngữ. Ông bắt học sinh theo dấu hiệu đó mà chữa lấy bài. Chữa xong đưa ông xem lại. Lúc đầu, anh em cho ông là gàn, vì không có Giáo sư nào chấm bài như vậy. Nhưng về sau thấy mình tiến bộ nhanh lại cho cách ấy tốt. ông Phèn biết nhiều chữ Hán, biết tiếng Việt, thường hay về nông thôn ta tìm hiểu phong tục, quan sát đình chùa, nghiên cứu di tích lịch sử. Ông có viết sách về nước ta, nhưng chỉ có quyển Bình yên là được xuất bản, còn các quyển khác và một số lớn tài liệu về sử học và văn học Việt Nam đều bị cháy hết trong khi nhà ông ở làng Nghi Tàm bị thất hỏa. Ông đề tên sách là Bình yên có ý nói rằng: dân tộc Việt Nam anh dũng nhưng thích bình yên (tức là hòa bình). Ông dẫn chứng: tên nước và tên một số tỉnh, đều có ngụ ý an ninh hòa bình. Ví dụ: tên nước là An Nam; tên tỉnh là Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Bình, Vĩnh Yên, Hưng Yên, Phúc Yên, Nghệ An, Yên Bái, Bắc Ninh, v.v... Ở những đình chùa miếu mạo có đề những chữ "Thiên hạ thái bình", "Hải yến hà thanh" v.v... Nhận định của ông không hiểu có hoàn toàn đúng không, nhưng cũng chứng tỏ cách nhìn thiện chí về người Việt Nam. Nhưng ông Phèn phải chứng hay "sờ mó" học sinh, khi anh em lên đọc bài hoặc đem vở lên chấm. Nhiều người cho là ông có tật "thủ dâm" nên đâm ghét ông. Điều này cũng làm giảm giá trị và uy tín của ông ít nhiều. Sang năm thứ tư chúng tôi lại có một ông giáo dạy toán tên là Côt-ten (Cottel). Ông là thương binh trong trận Đại chiến. Thương tật chưa khỏi hẳn nên ông thường hay gắt gỏng và mắng nhiếc học sinh trong khi anh em lên bảng làm toán. Nhưng anh em nhận thấy ông có thương tật và sự gắt gỏng do muốn cho học sinh chóng tiến bộ, nên thông cảm và cũng quý mến ông.

    Hiệu trưởng là một người Tây đã đứng tuổi, tên là Muyx (Mus). Ông ta râu xồm, bụng phệ, lấy dáng bệ vệ nghiêm trang, khéo đóng vai trò "Đốc Tây" hồi Pháp thuộc. Bề ngoài thì nghiêm trang như vậy, nhưng trong bụng lại tà dâm. Ông ta tư thông với mẹ Măng vợ viên Quản lý nhà trường. Việc tư thông này học sinh ai cũng biêt nên anh em đặt tên cho là "Muyx dê xồm" hoặc "Đốc dê" vì Muyx có bộ râu xồm và có tính "dê". Kể ra những việc thông dâm trong đám thực dân thống trị hồi ấy là chuyện rất thường, chả ai để ý, nhưng ở đây lại liên quan đến một ngành mô phạm, hơn nữa còn đụng chạm đến một Thư ký phòng giấy là ông Nguyễn Văn Long, nên câu chuyện được bàn tán khá ầm ỹ. Ông Long làm Thư ký cho "Đốc dê". Một hôm đến phòng giấy sớm, vô tình ông đẩy cửa vào, gặp lúc Dê xồm đương nằm với mẹ Măng, "Đốc dê” thẹn quá, đuổi ông Long ra. Ít lâu sau, ông bị đổi đi Sơn La và hình như mất tại đó, vì bị ngã nước.

    Giám học, kiêm Tổng giám thị là một cai tây lính hưu trí tên là Đuy-sen (Duchesne). Mặt ông này béo, lúc nào cũng đỏ như say rượu, nên học trò gọi là "Cai Tây đỏ" hoặc "Tây đỏ", có đủ tư cách một cai Tây thực dân vừa dốt vừa tục. Ông có dạy mấy giờ vạn vật học. Vào lớp thì mở quyển Vạn vật học (Histoire naturelle) của Đa-ghi-dăng (Daguillan) dày như quyển tự vị, bắt học sinh chép những tên cây cỏ, chim muông ở bên nước Pháp và vẽ những hình ảnh tỉ mỉ các loai đá mà học sinh chả thấy bao giờ và cũng chả hiểu gì cả. Còn mình thì mở cái đồng hồ quả quít ra lau cho đến hết giờ, có khi đem lau cả súng lục.

    Nhà truờng còn có một viên quản lý (économe) tên là Măng-đơ-rông. Ông ta là một người Tây có biết tiếng Việt, hống hách và lộng hành, vì được "Đốc dê" nhân tình với vợ che chở. Ông lấn quyền của Tổng giám thị và cả Giám hiệu, thường quát học trò bằng một tiếng như con thú dữ kêu: "bừ... rừ... rừ” nên học sinh thuờng gọi là thằng "Bừ rừ". Ông ta thông lưng với bọn thầu thực phẩm, ăn bớt gạo, thịt, cá của học sinh, nên cơm thường thiếu và thức ăn không ngon. Nhiều lần học sinh phản kháng, nhung vẫn không chừa vì sau lưng đã có sự che chở.

    Dưới quyền Giám học và Tổng giám thị, có một số Giám thị ta thừa hành tốt cả công việc giáo dục, tổ chức, trật tự, v.v... của nhà truờng khá phức tạp. Lại còn việc "lập bô"[3] về tư tuởng và hành động của học sinh, mới thật là gian nan, nguy hiểm. Có người hiểu rõ sự khó khăn ấy, tự cho mình như là "con chạch trong giỏ cua", hoặc là "những quả cà giữa hòn dằn và trôn vại". Nhưng cũng có người lấy làm hãnh diện, vì có quyền đuợc hành hạ, thưởng phạt học sinh, lấy lòng bề trên để làm con đường tiến thủ. Họ bị học trò chống lại và đặt những biệt hiệu, những 'tên cúng com" bất hủ. Ví dụ: ông Quỳnh "Cóc", ông Kỳ "Toe", ông Tiễu "phở” v.v... Thật cũng là cái thân tội. Các ông bị học trò chế giễu cả ngày và cả đêm. Ví dụ: canh khuya thầy Tiễu phải đi các buồng tuần tra để sáng hôm sau "lập bô". Khi về đến buồng sắp nằm ngủ lại nghe hát: "Lơ thơ thầy Tiễu buông màn…” [4] Thầy đi tìm thủ phạm, chả thấy ai, chỉ nghe tiếng ngáy khò khò. Hễ thầy về đến giường lại nghe hát. Cứ loanh quanh thế, có khi gần đến sáng. Có khi trong nhà ngủ đương yên tĩnh, có một tiếng rao: "Phở ..." thật to. Cả buồng cuời ran. Thầy đi tìm vẫn không ra thủ phạm. Có nhiều lần thầy Tiễu thề độc, mà học sinh không sợ chết, cứ trêu thầy hoài. Thầy Tiễu này hay bị học sinh trêu vì tính thầy đãng trí lại cũng có chút tật hay lấy chữ nghĩa ra loè người. Thật ra học lực của thầy cũng chẳng có gì ghê gớm, thầy thường học thuộc lòng một số chữ trong tự vị, rồi đem ra "trù" học trò nên có anh đã lợi dụng cái tính hiếu thắng mà lừa thầy để thoát nạn phạt.

    Anh học trò này thông minh, học giỏi, nhưng rất nghịch. Một hôm anh bị phạt bốn "công-xinh tô-tan" (consignes totales) nghĩa là phải đi phạt bốn ngày chủ nhật suốt cả hai buổi. Ngày chủ nhật thứ nhất, anh cắp vở đến lớp viết bài phạt, thấy thầy Tiễu ngồi coi, đương xem quyển sổ biên phạt. Ngó vào sổ, anh thấy trước tên anh có bốn cái gạch hoa thị trong 4 cột đánh dấu 4 kỳ phạt. Anh nghĩ ngay một kế thoát thân. Anh kính cẩn chào thầy và hỏi: "Thưa thầy, trong tự vị tiêng Pháp, chữ gì dài nhất?". Thầy nói ngay: "Chữ anticonstitutionnellement chứ chữ gì! Anh này còn dốt lắm”. Anh học trò thấy thầy trúng kế của mình, liền nói:

    - Thưa thầy, không phải, còn có chữ dài hơn.

    - Chữ gì, nói mau, không được nói láo.

    - Thưa chữ abờcờdờđờtờlờmờrờmăng.

    - Làm gì có chữ ấy?

    - Nhất định có, thầy không tin mở tự vị ra xem.

    Thầy đứng dậy lấy ngay quyển tự vị để trên lò sưởi sau lưng, rồi quay mặt vào tường mở sách tìm mãi. Trong khi thầy mải tìm chữ thì anh học trò đã lấy cái tẩy trong túi áo xóa cả ba cái hoa thị trong sổ phạt. Anh xóa cho mình và xóa cả cho hai bạn. Anh vừa làm xong thì thầy quay lại nói:

    - Không có, tự vị đây anh xem. Tôi sẽ phạt cho anh cái tội nói láo.

    - Thưa thầy, trong tự vị của thầy không có. Tự vị nhà con có chữ ấy. Mai con sẽ đưa đến thầy xem.

    Cả lớp cùng cười. Lúc sắp hết giờ, thầy nhắc lại tên những anh phải phạt kỳ sau, không nghe thầy đọc ba cái tên vừa được xóa. Ba thằng thoát nạn dắt tay nhau khúc khích chạy ra cửa. Các bạn khác cũng cười, nhưng không ai tố cáo việc tẩy sổ phạt.

    (...)

    Hoàng Ngọc Phách
    Viết tại Hà Nội tháng 9 năm 1964.
    (đúng nửa thế kỷ sau ngày vào học.
    _ Tư liệu.)


    ______

    (1) Danh từ thông dụng hồi ấy. Người ta chia nhà giáo ra ba bậc:
    Giáo sư (professeur) dạy trung và đại học; giáo học (instituteur) dạy tiểu học; trợ giáo (moniteur hoặc instituteur auxiliaire) dạy sơ học.
    (2) Một hình tượng hay dùng lúc ấy để chê những bà đầm tồi tàn như mớ lông vịt sắp đổ thùng rác.
    (3) Lập bô: Phiên âm tiếng Pháp rapport nghĩa là báo cáo. Nhưng tiếng "lập bô" có nghĩa xấu là tô cáo bí mật.
    (4) Thầy Tiễu thích đọc câu "Lơ thơ tơ liễu buông mành' nên học sinh đọc chệch đi để trêu thầy.
     
    Last edited by a moderator: 30/11/15
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]

    Các mẩu chuyện của học sinh trêu chọc các thầy Giám thị và các thầy giáo Tây thì nhiều lắm, kế hết phải đến mấy tập sách. Chúng tôi kể lại mẩu chuyện trên đây có ý nêu lên một khía cạnh gắn bó của học sinh: họ không tố cáo nhau. Ở Trường Bưởi lúc ấy hình như có cái "giao ước không lời" là anh em không "lập bô" nhau với cấp thống trị thực dân và đám nhân viên dưới quyền họ trong công việc đàn áp học sinh. Họ phân rõ ranh giới: một bên là Giám hiệu, Giám học, Tổng giám thị Tây; một bên là hầu hết học sinh trong trường. Họ tự cho mình là những đứa "thấp cổ bé miệng", những kẻ "bạch diện thư sinh" bị áp bức.

    Ngày thường anh em chơi với nhau, họ vẫn cãi nhau, đánh nhau, thậm chí có khi chia bè chia cánh mà đả nhau chí tử. Nhưng khi động đến việc có tính chất đàn áp của bọn "Giám” thì họ lại đoàn kết chống lại. Cố nhiên vẫn có chuyện "mách thầy" kể cả thầy Tây nữa. Thậm chí có cả những "trò gian" nghĩa là những trò làm mật thám, gián điệp như trong tất cả các xã hội bị thống trị, mất tự do. Nhưng ở đây, bọn trò gian không gây tác hại được gì mấy, vì trong cái xã hội "nhất quỷ nhì ma” này bọn chúng dễ bị vạch mặt ngay.

    Chúng tôi không nhắc đến các thầy giáo ta, vì hồi ấy cả trường chỉ có hai người, một ông tên là Xuân Mai dạy môn văn dịch Việt ra Pháp và ngược lại, mỗi tuần lễ một giờ. Đây là môn độc nhất của Việt Nam! Thật là ngược đời. Việt văn bị coi như một ngoại ngữ. Một ông là nhà nho dạy chữ Hán. Cũng mỗi tuần một giờ. Cả hai thầy đều là thầy giáo phụ. Đến trường thường đứng ở hành lang hoặc ngồi ở buồng các Giám thị, không bao giờ vào phòng Giáo sư.

    Có người hỏi rằng: nhà trường như vậy, Giáo sư như vậy, Hiệu trưởng, Giám học như vậy, tại sao học sinh Trường Bưởi có tiếng là học giỏi, học chăm? Câu trả lời cũng không lạ lắm: trong giai đoạn này và mấy khóa về sau, đại đa số anh em học lấy. Chúng tôi tự học tất cả các môn, nhất là quốc văn. Ví dụ lớp A có nhiều anh thông minh và rất chăm học. Các anh đã sẵn có cái vốn ở cấp tiểu học hoặc sẵn có cái truyền thống của gia đình nên tự học có phần dễ dàng và chóng tấn tới. Các anh thường học văn với các cụ nho, với các người giỏi tiếng Việt và tiếng Pháp. Các anh học toán với sinh viên Trường Công chính, học lý hóa với sinh viên Trường Y duợc (5). Đến lớp họ dạy lẫn nhau. Anh giỏi giúp anh kém. Họ chia ra từng nhóm, thông cảm với nhau. Ngày thường thì học ở lớp trong những giờ không có Giáo sư, có khi học cả trong những giờ có Giáo sư, những ông thầy lười biếng không để ý đến học trò. Ngày chủ nhật họ đến nhà nhau, học hỏi đàm luận. Anh nào nhà chật hẹp thì học ở vườn Bách Thảo, ở bờ Hồ Tây, ở gác chuông Trấn Võ. Họ học say sưa quên cả thời gian và bất chấp cả nắng mưa đói rét. Đây mới thật đúng câu "học thầy không tày học bạn". Họ chuyên về hai môn chính: là toán và văn. Nhiều anh giỏi cả hai môn này. Có những bài văn, bài toán lúc đưa đến thầy chấm, thầy phải ngạc nhiên, cho là học sinh đã "cóp" trong sách. Có anh phản ứng hỏi thầy: "Cóp ở sách nào", thì thầy không trả lời được, về khoa học tự nhiên, nhất là toán, cá biệt có anh giỏi hơn thầy lúc bây giờ.

    Pháp văn, họ học với những người giỏi tiếng Pháp ngoài nhà trường. Lúc đó xã hội Việt Nam đã có những người có kiến thức, ngôn ngữ Pháp giỏi hơn nhiều thầy Tây ở Trường Bưởi. Ví dụ ông Nguyễn Văn Tố ở Trường Viễn Đông bác cổ, ông Hàn Thái Dương ở Phủ Thông sứ Bắc Kỳ. Các ông này lại thích dạy học tư, chủ yếu không phải vì tiền, mà vì muốn "dìu dắt con em" để cho bọn Tây biết người "bản xứ" cũng thông minh tài giỏi không kém gì các "quan bảo hộ". Học sinh Trường Bưởi lúc đó có nhiều người giỏi Pháp văn, ví dụ anh Phạm Quang Đẩu đã viết được những bài văn được nhiều người khen ngợi.

    Còn về Việt văn là một việc tự học khá đặc biệt. Ở truờng không dạy Việt văn như trên đã nói. Nhưng học sinh rất thích quốc văn. Họ cũng thấy tủi vì nhà trường bỏ rơi môn ấy. Nên anh em tự học và giúp nhau học. Việc này, một anh học sinh trẻ tuổi, người bé nhỏ và rất thông minh là Hồ Trọng Hiếu ở lóp A đã nói đến. Anh Hiếu về sau là Tú Mỡ, nhà thơ trào phúng nổi tiếng, đã tự thuật trong một bài hồi -ký về việc tập làm thơ. Tú Mỡ lúc ấy bé nhất lớp và nghịch nhất lớp, anh em thường gọi là "Hiếu oắt". Anh giỏi cả Việt văn và Pháp văn, chuyên làm những bài trêu ghẹo Giáo sư Tây, đầm và những Giám thị nịnh Tây. Anh đứng đầu một nhóm thích làm thơ đả kích mà anh gọi là "thơ thối" để "đối" với một nhóm làm thơ trữ tình, thơ niêm luật, thơ thời thế mà anh gọi là "thơ thơm" đứng đầu là Hoàng Ngọc Phách. Còn một số nhóm khác thì có cả thối và thơm. Anh em đua nhau học quốc văn rất vui vẻ phấn khởi, suy nghĩ cũng lắm và cười đùa cũng nhiều. Một hôm, thầy Tây không biết tiếng Việt, gọi học sinh Hàn Dụng Cư là "Hàn Rụng Cu" (mọi lần thì ông gọi bằng con số như trên đã nói). Thầy ra khỏi, học trò cười ầm. Anh Hiếu đứng dậy nói to:

    - Đó là thầy ra cho chúng ta một vế câu đối. Tôi xin tức cảnh đối với "Đỗ Quẳng Giái".

    Anh muốn nói đến tên anh Đỗ Quang Giai, ngồi cạnh anh Cư. Cả lớp lại cười.

    Anh Hiếu thường hay trêu ghẹo Giáo sư Tây đầm để làm trò vui cho cả lớp.

    Một hôm đương học vẽ với bà Ri-đê (Ridet), vợ một lái súng ở phố Tràng Tiền, anh Hiếu đứng dậy làm vẻ hốt hoảng:

    - Thưa bà giáo, chúng tôi sợ lắm!

    Bà ngạc nhiên hỏi:

    - Sợ cái gì?

    - Sợ súng đại bác đương ầm ầm ở phía Tam Đảo vang qua Hồ Tây đến chúng tôi. Ngưòi ta bảo ông Ba Quyến (6) sắp đến Hà Nội.

    - Đến thế nào được! Sợ gì? Đã có chúng tôi, quân đội Pháp sẽ chặt cổ chúng đi.

    - Chúng tôi vẫn sợ lắm! Hay là bà cho chúng tôi đến nhà bà, mỗi đứa vác một khấu súng mang về đây giữ nhà trường.

    Bà có vẻ lúng túng, trả lời:

    - Các anh dở hơi lắm! Súng đâu mà cho các anh mượn. Thôi, ngồi xuống vẽ đi, còn nói nữa tôi mách ông Đốc.

    Các anh em nhìn nhau mỉm cưòi. Một anh nói: "Hiếu oắt mà to gan thật, dám trêu cả vợ lái súng". Anh Hiếu có làm bốn câu thơ viết lên cái bảng vẽ mà tôi không nhớ. Và anh cũng quên. Cũng là một bài thơ đả kích vui đùa mà thôi.

    Nói chung, thơ văn của đa số anh em học sinh hồi đó rất đáng chú ý.

    [...]
    ______

    (5) Hai trường y và dược có trước khóa Đại chiến của chúng tôi (NC).
    (6) Lương Ngọc Quyến, con trai thứ ba cụ cử Lương Văn Can, nhà nho yêu nước có tiếng. Năm 1917 ông cùng ông Đội cấn khởi nghĩa đánh Pháp ở Thái Nguyên.
     
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    Trường Bưởi được cái may mắn ở trên bờ Hồ Tây, một thắng cảnh bậc nhất ở Hà Nội. Thêm vào đó lại có những di tích lịch sử chung quanh hồ phối hợp thành một nguồn gợi cảm về cả thiên nhiên lẫn nhân tình thế thái.

    Những câu thơ của nguời xưa để lại như tấm gương sáng cho kẻ hậu sinh. Ví dụ những câu:

    Lơ thơ khóm trúc trăng tà
    Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
    Mịt mù khói tỏa ngàn sương
    Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ.

    Câu:

    Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng
    Một vũng tang thương nước lộn trời.

    Câu:

    Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
    Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.

    Câu:

    Sương lam phủ đất chim chờ gió
    Sóng bạc tung trời cá đón mây.

    Thật là hay, vô cùng gợi cảm. Người học sinh Trường Bưởi được ngắm cảnh hồ buổi sáng buổi chiều, nhất là lúc canh khuya trăng sáng và được chơi giỡn trên bờ, hoặc bơi thuyền mặt nước. Họ gắn tâm hồn mình với làn sóng bạc, tự coi mình như những cụ già đã trải bao hưng vong kim cổ. Họ lại liên hệ với cuộc sống hiện tại, với nhân dân làng xóm chung quanh hồ mà man mác lòng thơ.

    Có anh nằm trên phòng ngủ của nhà trường, canh khuya nghe tiếng chuông Trấn Võ làm bốn câu thơ:

    Canh khuya Trấn Võ, mấy hồi chuông
    Theo gió Hồ Tây lọt tới trường
    Rền rĩ xa xưa nhường bảo khách
    Kìa gương kim cổ cuộc tang thương.

    Có anh đương đêm trở dậy ra ngắm hồ, nhớ lại cảnh cũ chuyện xưa làm một bài thơ tức cảnh có câu:

    Gió ào, đầu sóng lơ phơ bạc
    Trăng ló hình trâu thấp thoáng vàng
    Dấu tích ngàn xưa phong cánh ấy
    Càng nhìn càng nhớ chuyện Trưng Vương...

    Có anh chiều ra ngắm cảnh hồ, thấy mấy chiếc thuyền của khách chơi hồ qua lại, cảm cái thú tự do trên mặt nước ứng khẩu bốn câu:

    Hồ trong, gió hiu hiu,
    Thuyền ai lững thững chèo
    Mặt nước tự do nhí?
    Ghé chèo tôi đi theo ...

    Có anh viết cả một bài văn xuôi tả "cảm tình đối với phong cảnh Hồ Tây", có những câu:

    "... Trong khi đêm khuya cảnh vắng, bầu trời cùng mặt nước long lanh ... thì cảnh hồ có một vé tĩnh mạc âm thầm, hình như hồn tử sĩ, cảnh chiến trường xưa còn vơ vẩn. Ngọn cờ độc lập của Hai bà Trưng hình như gió thổi phất phơ.

    "Ôi, mặt hồ phẳng lặng, cây cỏ xanh om, mấy ngàn năm vẫn trơ trơ đó, đã trải bao cuộc thay đổi ở trên bờ, trải bao lúc đồ vương kế bá, cuộc thành bại hưng vong của người trong nước, lúc phơi gan đổ máu với kẻ ngoại xâm; trải bao cái nhục cái vinh của cổ Việt ta đây, mặt hồ kia soi bóng cả ...

    "Ôi, anh hùng liệt nữ, tài tử giai nhân, nào đâu đâu cả, mà chỉ thấy non sông một dải bơ phờ, khóc người xưa đà cạn lệ ... "

    Có anh sau khi ra trường, đã nhắc lại trong tác phẩm văn học của mình mối tình thắm thiết đối với Hồ Tây trong mấy năm lưu luyến:

    "... Tôi nhớ xưa, khi học Trường Bưởi bên cạnh Hồ Tây, chiều chiều tan học, mấy anh em ra đứng bờ hồ, ném thia lia, thả thuyền giấy, cười đùa hớn hở, phong cảnh xem như cũng bỡn cợt với mình. Mà hôm nay vẫn da trời kia, vẫn mặt nước ấy, núi Tam Đảo vẫn lờ mờ đằng xa, chiếc thuyền ván vẫn từ từ qua lại. Thân thế năm xưa ..."

    Có anh trong nhóm "thơ thối” thường làm những bài thơ tả các nhân vật giáo Tây và Giám thị mà chúng tôi chỉ nhớ có mấy câu:

    TẢ CỤ RÙA

    Bâng khuâng tôi nhớ cụ Rùa
    Cái cổ thì rụt, cái mu lặc lè ...

    VỊNH XU-BA-GIĂNG (Giám thị)

    Bọn Xu-ba-giăng có một anh
    Mặt sùi da cóc rắn như sành.
    Đố ai, ai biết là ai đó?

    Quỳnh.

    NHẮN CẢ TOE


    Này anh béo phị cả Toe ơi
    Trông cái thân anh rõ chán đời
    Mặt úp mo nang trơ bóng trán,
    Mồm loe ống nhổ cặp dài môi
    Canh Trường Bảo hộ từ bao thưở?
    Gác cửa chuồng tiêu đã mấy đời?
    Nhắn bảo đôi lời cho nó biết,
    Vừa vừa ngậu xị, nếu không thời...

    Thơ văn của anh em học sinh hồi ấy kể ra cũng còn non yếu, vì là bước đầu của những con người mới lững chững trên đường sáng tác văn học, nhưng nó nói lên được lòng hâm mộ quốc văn, tinh thần tự học và luyện tập quốc văn, tức là lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chống lại cái dã tâm "đồng hóa" của thực dân. Đó là điều đáng ghi nhớ.

    Nói đến "thơ thơm" không thể quên bài thơ "khóc hoa gạo" của một học sinh còn trẻ măng, mà thơ đã khá. Nó liên quan mật thiết với hai dấu tích lưu niệm mà học sinh ai cũng còn nhớ là "Cây gạo bờ hồ" và "Quán bà mẹ".

    Ở khoảng đất rộng trên bờ hồ cách trường độ 100 mét, có một cây gạo rất to. Bên gốc cây là một cái quán bán hàng quà: xôi cháo, bánh đúc, bánh đa, hoa quả ... Ở nơi này, sáng cũng như chiều, trước khi vào trường học sinh tụ tập rất đông. Họ ăn sáng, uống nuớc chè, xem lại bài học. Họ cười đùa, kháo nhau những chuyện mới xảy ra trong trường, ngoài phố. Đây là một "phòng thông tin" sinh động và nhiều khi cũng là đại bản doanh cho "ban tham mưu" bàn bạc bí mật những chiến thuật, chiến lược chống các thầy cai và thầy dạy. Nó lại ở vào ngã ba đường Quan Thánh và đê Cổ Ngư, nên cũng là nơi nghỉ chân của khách đi lễ bái đền chùa hoặc quan chiêm thắng cảnh.

    Mùa xuân năm ấy hoa gạo nở nhiều lạ thường, đỏ ổì trên cây và rụng đầy mặt đất. Học sinh và khách qua đường đã xéo nát nhừ, nom rất tàn tạ. Mấy anh bạn gọi một “nhà thơ” thơm đến bảo rằng:

    - Cảnh đáng thương thế này mà anh không có thơ à? Chàng thơ sao khéo vô tình.

    Nhà thơ bình tĩnh trả lời:

    - Hoa gạo đây mà.

    - Hoa gạo lại cần được nói đến. Hoa gạo "hữu sắc vô hương" vẫn bị coi là hạ đẳng, chịu phận hẩm hiu, lại càng phải được để ý.

    Nhà thơ bèn ngồi sệp xuống cỏ, viết vào bìa sách mấy câu:

    Chín chục xuân chưa hết
    Vội chi bấy hoa ơi?
    Cánh đỏ rơi tan tác
    Đài xanh rụng tả tơi
    Nào ai nhìn khi úa?
    Chỉ kẻ chuộng lúc tươi
    Cái kiếp hoa là thế
    Thương hoa viếng mấy lời.

    Thật ra bài thơ cũng chả hay gì lắm. Ý đã cũ mà lời cũng không "tân", nhưng nó gặp lúc hợp cảnh hợp tình nên các bạn khen: hay lắm! hay lắm! Mọi người vỗ tay ồn ào, làm cho bà quán đương bán hàng cũng phải chạy ra ngó xem. Bà chỉ cuời.

    Bà quán này được anh em học sinh quý mến và nhớ mãi đến nay. Không ai biết bà quê quán ở đâu, tên họ là gì. Người ta thường gọi là bà Khán. Tiếng "khán" là một chức vị trong làng, không phải là một cái tên. Điều này cũng chả can hệ. Chúng tôi đi học thì đã thấy bà bán hàng trong cái quán ngói (nói là cái ga xe điện thì đúng hơn). Người ta nói bà đến cùng với Trường Bưởi, nghĩa là từ năm 1907. Có một điều ai cũng biết là bà rất tốt với học trò. Bà thường bán chịu cho học trò nghèo, những anh đi bộ hàng 6,7 cây số mà bụng vẫn rỗng không. Bà bán chịu cũng có khi mất, vì ngưòi thôi học bất thường, nhưng không ai định lừa dối bà cả. Bà mù chữ, nhưng thông minh, có tài nhớ đặc biệt. Những anh ăn chịu quà thường hỏi bà số tiền để giả. Bà chỉ cười rồi nhìn lên bức tường là nói đúng số tiền ăn chịu. Thì ra bà ghi tên người nợ và số tiền nợ lên tường bằng một hòn ngói. Bà ghi những dấu hiệu rất thô sơ đơn giản mà chỉ mình bà đọc được thôi. Bà thường góp ý kiến với học trò về việc học hành và nhất là việc cư xử. Ý kiến nôm na nhưng rất thiết thực và thành thực. Học sinh thường gọi bà bằng mẹ, vì tuổi cao và lòng tốt của bà, nhưng cũng vì bà thường đóng vai "bà mẹ" đến trường xin phép cho học sinh lưu trú ra phố chơi hoặc "về nhà có việc". Có ngày chủ nhật, bà xin cho hàng chục đứa con ra chơi. Bà khéo nói thế nào mà không lộ chuyện.

    Danh từ quý mến ấy đã phổ biến khắp học trò nên cái quán bán hàng của bà bên gốc cây gạo bờ hồ, anh em đều gọi là "quán bà mẹ". Hồi đó, đến vùng "khóm trúc trăng tà" này, hỏi đến quán bà mẹ, ai cũng biết. Có mấy anh đã làm vè làm ca về bà mẹ mà chúng tôi chưa sưu tập được.

    Ở Trường Bưởi, hồi ấy có nhiều bài ca tán dương những việc tốt, đả kích những việc xấu có tính chất đàn áp tư tưởng và hành động tiến bộ của học sinh, ví dụ bài về "nhà ăn", bài ca "buồng tắm", bài về "đi chơi bắt buộc" (7) mà chúng tôi chỉ còn nhớ một ít câu, chưa sưu tập được cả văn bản. Một lý do khá phổ biến là những bài đả kích đó chỉ truyền miệng không viết ra, nên không lưu lại được. Nó cũng như đa số những bài văn thơ yêu nước chống xâm lăng hoặc đả kích cái xã hội thối nát hồi Pháp thuộc.

    [...]
    ______

    (7) Đi chơi bắt buộc: Promenade obligatoire. Nguyên là một cách giải trí tốt cho học sinh nội trú. Ngày chủ nhật ở lại trường được ra chơi vưòn Bách Thảo, đền Trấn Võ v.v... về sau đã biến thành một hình phạt tập thể để đàn áp những hành động tập thể của học sinh chống chính quyền nhà trường, như việc "làm reo" cơm. Có lần Giám thị bắt học sinh đi một vòng quanh Hồ Tây. Có anh mệt lả không đi được (NC).
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/11/15
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]

    *
    * *​

    Trong mấy kỳ thi ở Trường Bưởi, có những việc xảy ra chứng tỏ học sinh có nhiều người giỏi văn và giỏi toán.

    1. Thi thành chung Pháp Việt. Năm 1918, trong kỳ vấn đáp về toán, có một thí sinh Trường Bưởi trả lời câu hỏi về đại số làm cho một Giám khảo phải ngạc nhiên, Giám khảo này là một Kỹ sư cầu đường (8) ở sở Công chính Hà Nội. Ông ta ra một bài toán khó có ý "trù" thí sinh. Anh này liền giải đáp đầy một bảng. Giám khảo nói: "Tốt đấy, nhưng anh không phải học sinh Trường Bảo hộ. Anh chắc là sinh viên Trường Công chính. Anh thú nhận ngay đi, tôi sẽ tha". Thí sinh phản kháng. Giám khảo đi tìm Hiệu trưởng (lúc ấy là Đôn-na-điơ - Donnadieu). Hiệu trưởng cho gọi Giáo sư toán của nhà trường (ông Côt-ten). Cả ba người cùng đến phòng thi. Giáo sư toán nom thấy thí sinh, nói ngay: "Không lấy gì làm lạ, anh học trò của tôi đây có thế làm hơn thế".

    Lại một lần, trong kỳ thi, có đầu bài luận Pháp văn hỏi: "Thế nào là một quyển sách tốt?". (Qu’est ce qu’un bon livre?). Một thí sinh làm bài có nửa giờ, nộp bài có một trang. Bạn hỏi sao ngắn thế? Anh trả lời: loại bài này cần gì phải nói dài. Chỉ mấy câu là đủ ý. Đến khi chấm, Giám khảo cho zéro (số không) không phải vì dở quá mà vì hay quá. Giám khảo cho là thí sinh "cóp" trong sách, hoặc thuộc lòng mà "tuôn" cả ra. Hiệu trưởng biết chuyện, cho gọi Giáo sư dạy Pháp văn đến hỏi. Giáo sư xem bài và hỏi tên, lại cũng trả lời: “Không lấy gì làm lạ! Hắn có thể viết hay hơn thế này”.

    Lại một lần nữa thi luận quốc văn (9). Đầu bài là "Giả sử có một ông tiên, cho anh một cái gậy, được ước ba điều thì anh ước những gì”. Có anh thí sinh chỉ viết một trang. Nhập đề, anh chê ngay đầu bài vớ vẩn, có ý giăng cái bẫy để thử lòng học sinh. Rồi anh nói chỉ ước có một điều là quả đất vỡ tan cho chết hết bọn cướp nước, cho mọi sự đau khổ trên đời đều hết cả. Văn anh viết sâu sắc, cảm động và kín đáo. Giám khảo Việt văn có bốn người, hai Tây (một già một trẻ), một ông giáo học và một cụ giáo nho (người ta nói là cụ giáo Đan, một nhà nho có tư chất, dạy chữ Hán ở Trường Bưởi). Cụ Đan kể lại: Lúc chấm đến bài này thì Giám khảo trẻ rất tức giận, chực đưa bài lên cho Chủ khảo xem để trừng phạt thí sinh. Giám khảo già bình tĩnh hơn, hỏi ý cụ Đan. Cụ nói: đây là một thí sinh dốt không biết làm bài, nói vẩn vơ, chả có ý nghĩa gì. Nếu bây giờ cho là quan trọng mà đem làm ầm lên, mọi người cùng biết, không có lợi. Giám khảo già đồng ý và bảo anh trẻ: "Thôi, cho nó con 1 để nó "phăng teo” đi”. Nhưng thí sinh này vẫn đỗ, vì anh thừa nhiều điểm về toán và Pháp văn. Hai môn này hệ số 3. Môn Việt văn chỉ có hệ số 1. Anh em hỏi tên thí sinh, cụ nói: "Bài đã rọc phách, không biêt tên, nhưng giọng văn này quen lắm, nhiều lần đã được nghe đọc trong lớp. Đây cũng là nhà văn ái quốc chớm nở. Tương lai anh chắc sẽ vẻ vang. Vì vậy, lúc chấm bài, tôi nói gièm đi với Giám khảo Tây để họ khỏi để ý làm hại anh".


    2. Thi bằng cấp của Pháp. Năm 1919 (10) chính quyền thực dân cho học sinh ta đi thi với các học sinh Tây ở các kỳ thi Sơ đẳng và Cao đẳng tiểu học Pháp (Brevet élémentaire et Brevet primaire supérieur français). Chương trình học cũng tương đương với chương trình Trường Bưởi, nhưng bằng Sơ đẳng thì nặng về Pháp văn và bằng Cao đẳng tiểu học nặng về toán. Muốn thi đỗ cả hai bằng phải giỏi cả hai môn này. Hồi ấy chưa mở kỳ thi Tú tài Tây (baccalauréat métropolitain) cho học sinh các trường ta. Mãi đến năm 1922 mới mở Ban Tú tài, nhưng lại mở Tú tài bản xứ (bac. local). Chương trình nặng hơn Tú tài Tây vì phải học cả khoa học tự nhiên (sciences) và khoa học xã hội (lettres).

    Chính quyền thực dân lúc ấy cho học sinh ta đi thi các bằng dành riêng cho học trò Tây là có ý phình phờ "mở rộng đường tiến thủ cho thanh niên Việt Nam ".

    Năm ấy, Trường Bưởi chọn trong các lớp đệ tứ, lấy mười học sinh giỏi cho đi thi cả hai bằng. Mười anh đỗ cả. Vài tuần sau lại thi luôn bằng Thành chung (Diplôme d’études complémentaires) họ lại đỗ nốt. Các bạn học rất hả hê thấy anh em đã đỗ bằng của Tây và có chút tự hào là học sinh ta "không kém gì chúng nó". Các bạn gọi đùa các anh vừa đỗ đó là "anh ba bằng". Hai bằng xách hai tay, một bằng cắm ở miệng. Việc anh em thi đỗ chả có gì là lạ. Cái đáng kể là những chuyện xảy ra lúc đi thi với con Tây.

    Các anh em vào thi bận quần áo ta, đội mũ đi guốc, y phục thường xuyên của học trò Trường Bưởi. Bọn con Tây chỉ trỏ cười với nhau. Có đứa bảo nhau: "Lại đây mà xem "mọi con" (petit Negre) đi thi". Chúng rất đông, còn thí sinh chúng tôi vẻn vẹn chỉ có 10 nguời. Anh em bảo nhau có thái độ, cử chỉ chững chạc, đứng đắn, không khiêu khích mà cũng không rụt rè, nhất là không tự ti. Lúc vào buồng thi, các vị Giám khảo để chúng tôi ngồi riêng ở mấy bàn cuối lớp. Họ đọc chính tả rất khó nghe. Môn chính tả lại là môn "thi loại" nghĩa là bị năm lỗi là phải loại ngay. Các bài khác dù tốt mấy cũng không được chấm.

    Lúc vào kỳ thi vấn đáp, thí sinh phải hát ba bài do giáo sư nhạc chỉ định trước. Lúc chúng tôi mới cất tiếng hát thì đám thí sinh Tây đều cười ồ, chế giễu đủ cách. Anh em cứ hát. Hát thật to, át cả tiếng cười của chúng. Nhưng chúng tôi hát dở quá, nhạc sai hết nốt lại đúng là giọng nhà quê. Giám khảo lúc ấy là Bai-vi (Baivi). Giáo sư nhạc nổi tiếng, cũng phải mỉm cười, nhưng cũng ôn tồn hỏi: "Anh muốn tôi cho mấy điểm?". Thí sinh trả lời: "Chúng tôi chỉ cần nửa điểm thôi". Giám khảo ngạc nhiên hỏi: "Sao vậy?".

    - Vì bài nhạc này, chúng tôi được nửa điểm cũng đỗ.

    Giám khảo có vẻ phật ý, nhưng vẫn ôn tồn nói: "Sự cố gắng, can đảm của các anh cũng đáng 5 điểm" (trên 20).

    Lúc vào kỳ vấn đáp toán, những cô đầm vừa cười chúng tôi lúc trước, không làm được bài. Có đứa đứng trước bảng khóc hu hu. Chúng tôi không cười mà lại nhắc hộ mấy chỗ khó. Chúng làm được lại toét miệng cười ngay. Chúng đến gần chúng tôi tỏ ý cảm ơn. Có nàng hỏi: "Tại sao các anh lại nhắc hộ chúng tôi? Sáng hôm nay các anh hát sai, chúng tôi cười nhiều - cũng là cười đùa vô tội thôi. Bây giờ chúng tôi không làm được bài, sao các anh không cười trả thù nữa mà lại nhắc hộ?” Một anh trả lời: "Thưa các cô, người An-na-mít (11) chúng tôi vẫn thế”. Nàng ta tiu nghĩu về chỗ.

    Khoa thi ấy chúng tôi thừa điểm nhiều, có anh được ưu hạng. Có mấy anh đỗ bằng Sơ đẳng Pháp định xin đi dạy học vì có bằng này lương cao. Sơ bộ 60đ (bạc Đông Dương). Bằng Thành chung (Diplôme) chỉ được 25đ một tháng.


    3. Dự cuộc thi thơ. Năm 1916, rạp hát Xán nhiên đài một nhà hát ta lớn nhất Hà Nội mới được xây dựng. Ban quản trị mở cuộc thi thơ cổ động rầm rộ. Một anh học sinh năm thứ hai gửi một bài thơ dự thi. Chừng một tháng sau anh nhận được giấy mời đến nhận thưởng, vì thơ anh trúng cách thứ 8 trong 20 giải thưởng. Các bạn học vui mừng giục anh ra nhận. Anh xin phép Hiệu trưởng rồi chỉnh tề quần áo ra đi. Đến cổng truờng anh gặp viên quản Măng-đừ-rông; y hỏi đi đâu. Anh đưa giấy phép cho xem. Y xé ngay giấy phép vứt xuống đất một cách rất tàn nhẫn. Chắc y tức vì anh không xin phép y mà lại xin phép Hiệu trưởng. Các bạn thấy thế tức lắm, chực đến chất vấn Măng, nhưng Măng đã lộp cộp đi lên gác. Các hạn bèn bàn mưu để anh ra: một là vào phòng giấy Hiệu trưởng vận động ông Thư ký xin cho anh giấy phép khác. Hai là, nếu không xin được giấy thì đến tối sẽ công kênh anh vượt qua hàng rào, nơi mà các bạn vẫn ra vào bí mật. Nhưng may sao lại xin được giấy khác. Các bạn đứng canh viên quản Măng cho anh an toàn ra khỏi cổng. Thế là yên chuyện.

    Sáng hôm sau anh trở vào trường, mang vào một gói phần thưởng, có một cái bút lông quấn chỉ ngũ sắc và kim tuyến, một tập giấy hoa tiên, hai bao chè tàu và năm gói thuốc lá. Tất cả bỏ trong một vuông nhiễu điều. Thật là một phần thưởng tao nhã cho nhà thơ. Nhưng có mấy bạn nói: "Chúng tao tưởng có bánh kẹo gì, chứ bút lông với hoa tiên thì chúng tao không nhá được. Thôi, để cho mày là nhà thơ. Nhà thơ quen ngậm bút và nhá giấy. Chúng tao lấy chè tàu thuốc lá để tối nay khao cả buồng". Mọi ngươi cười vui vẻ. Nhà thơ cũng vui vẻ kể lại chuyện:

    - Lúc tôi đến rạp hát, đưa giấy cho người Giám thị xem, anh ta nhìn tôi và hỏi: "Cậu đi lĩnh thưởng cho ông cụ hay là cho anh cả?” Tôi trả lời: "Tôi lĩnh cho tôi chứ". Anh ta có vẻ ngạc nhiên, vì trông tôi còn non trẻ quá, đứng chỉ mới đến vai anh ta. Nhưng anh ta cũng lễ phép đưa tôi lên gác. Một cái gác trước sân khấu có kết lá, cài hoa, treo đèn lồng sang trọng lắm. Tôi ngó vào hàng ghế đầu, thấy nhiều ông râu dài. Có ông đầu đã trắng xóa. Khi nghe nói tôi được trúng thuởng, mọi người cùng nhìn tôi đăm đăm. Một người chỉ cho tôi cái ghế cuối cùng. Tôi ngồi một mình có vẻ ngượng nghịu.

    Trên sân khấu đương diễn vở Trương Viên, một vở chèo cổ hay có tiếng. Trương Viên là một anh học trò hay chữ, nhưng rất nghèo, muốn lấy con quan Thừa tướng. Cốt chuyện là trung hiếu tiết nghĩa thuở xưa. Nhưng chuyện dẫn dắt khá cảm động. Lúc tôi đến thì Trương Viên đương bị quan Thừa tướng ra câu đối thử tài:

    Tổ tích đức, tôn tích đức, tổ tôn bồi tích đức chi cơ.

    Trương viên đối ngay rằng:

    Phụ đăng khoa, tử đăng khoa, phụ tử kế đăng khoa chi nghiệp.

    Khán giả vỗ tay khen tài.

    Tôi thì không thích câu đối ấy, nhưng rất thích câu hát của Thị Phương, vợ Trương Viên và những lời răn con của bà Trương Mẫu. Đa số khán giả phụ nữ nghe bài hát và những lời than này, khóc lướt mướt. Có bà nức nở quá phải đứng dậy đi ra sân.

    Sau buổi diễn thì phát thưởng thi thơ. Tôi cố bước đi thật ung dung lại nhận thuởng. Người ta lại nhìn tôi như nhìn một vật lạ. Có ông hỏi tôi ở đâu? Tôi nói là học trò Trường Bưởi. Nhiều cụ tỏ lời khen "À", hơi có vẻ âu yếm, vì học trò Trường Bưởi có tiếng học giỏi và được nhiều người nể.


    [...]
    ______

    (8) Ingénieur des ponts et chaussées, tên là Bec-gơ (Bergue), Hiệu trưởng Trường Công chính_Ecole supérieuse des Travaux publics (NC).

    (9) Chương trình học ở Trường Bưởi không có môn luận và giảng Việt văn, chỉ có văn dịch như trên đã nói. Nhưng lúc thi tốt nghiệp lại có luận Việt văn. Đầu bài ra bằng tiếng Pháp. Thật là kỳ lạ! (NC).

    (10) Có một số anh em học khóa 1914-1918 dự vào cuộc bãi khóa năm 1916-1917 bị đuổi tạm thời, hoặc bỏ về nhà không được thi ra năm 1918, phải học "đúp" năm 1918-1919 nên những việc các anh làm, chúng tôi cũng kể như thuộc khóa 1917-1918. (NC).

    (11) Annamite: Nguời An Nam.
     
    Chỉnh sửa cuối: 29/11/15
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]

    *
    * *

    Khóa Đại chiến chúng tôi còn làm được ba việc đáng kể:

    1. Bãi khóa chống lệnh độc tài, chống kỷ luật khắt khe làm đê nhục học sinh.
    2. Tẩy chay xe điện của thực dân, vì viên Tổng kiểm soát đánh học sinh và thóa mạ dân tộc Việt Nam.
    3. Thành lập Hội học sinh tương tế chống bọn Giám hiệu Giám thị sỉ nhục và bạc đãi những học sinh nghèo.

    Xin kể rõ chi tiết sau dây:

    Cuộc bãi khóa này là cuộc đầu tiên ở Trường Bưởi và cũng là đầu tiên ở Bắc Kỳ. Nó nổ ra khoảng tháng Mười năm 1916. Nó có nguyên nhân xa, lý do gần và thời cơ trực tiếp như một cuộc chiến tranh. Nguyên nhân xa: một là những việc áp chế, những tiếng sỉ vả của Giám hiệu, Giám thị và một số Giáo sư Tây, phạm đến danh dự dân tộc. Ví dụ: cái ngu An-na-mít, cái lười An-na-mít, cái học vẹt An-na-mít, v.v... Hai là những lệnh trừng phạt không nói lý do, không cho trình bày, ba là những sự cấm đoán không phải để bảo vệ quyền lợi học sinh mà để lợi cho một số Tây thống trị; những sự đối đãi tàn nhẫn không phải để giáo dục mà cốt để thỏa mãn cơn điên của kẻ thống trị và làm nhục người bị trị. Những sự kiện trên đã nung nấu trong mấy năm lòng căm giận của học sinh Truờng Bưởi. Nguyên nhân gần là việc bắt học sinh gác nhà xí. Việc ấy như sau:

    Một đêm học sinh đương nằm trong phòng ngủ, chợt thấy Đốc Muyx chạy vào phòng, áo sơ mi bỏ ra ngoài quần, có vẻ hoảng hốt, rồi nhảy qua cửa số biến mất về phía nhà mình. Học sinh lấy làm lạ, tìm hiểu lý do thì ra ông ta lẻn vào phòng bà Măng-đừ-rông giở trò, bị chồng bà biết, ông ta nhanh chân (tuy bụng phệ) chạy thoát thân. Ông ta phải chạy tắt qua phòng ngủ học sinh cho chóng. Sáng hôm sau, tin này lan ra. Có mấy anh làm thơ đả kích. Có mấy anh vẽ giỏi, vẽ ngay "trò khỉ" ấy trong nhà xí. Các anh vẽ khéo đến mức ai xem cũng hiểu chuyện ngay. Nhà xí đã thành ra một ' phòng triến lãm tranh và thơ trào phúng". Một Giám thị "lập bô" ngay việc này. Đốc dê xồm tức giận lắm, bắt học sinh gác nhà xí. Ông ta ra lệnh này tưởng là ngăn cấm được học sinh, té ra làm cho tiếng xấu của mình lan rất nhanh chóng và thúc đẩy họ chống lại mạnh hơn. Tất cả các bức tuờng trong nhà xí đều có "tranh” đả kích. Dê xồm bắt tăng cuờng việc canh gác. Trước chỉ bắt đứng hai đầu nhà xí, sau tăng thêm người và bắt đứng ngay ở hố xí. Học sinh nhất loạt phản kháng, không ai chịu tuân theo. Dê xồm dọa đuổi, nhưng chưa dám thi hành kỷ luật ngay, vì cái lý do trừng phạt đây quá bẩn thỉu. Anh em học sinh cũng chưa dám làm to chuyện vì sợ có chỗ sơ hở mà rơi vào cạm bẫy của cáo già. vả việc đấu tranh lúc này bùng lên tự phát, chưa có ai chỉ vẽ.

    Đương nhùng nhằng như vậy thì xẩy ra một việc nó làm cơ hội cho thống trị nhà trường nắm lấy để đàn áp trả thù. Việc rất tầm thường mà thành to chuyện: Trong một giờ "ê tuýt" [12] đương yên lặng bỗng có một tiêng "ủm" thật to. Học trò cười ầm. Giám thị Mùi hỏi: “Anh nao? Muốn tốt nói ngay". Không ai nói. Y nhắc lại: "Đứa nào nói ngay không thì tao…” - Vẫn không ai nói. - "Tiên sư đứa nào làm trò chó mà không dám nói". Mấy anh học sinh ngồi bàn đầu đứng dậy phản kháng, bảo Giám thị là thô tục, láo xược. Thế là cãi nhau to. Giám thị Mùi cục, nhưng dát, chạy đi gọi Giám thị Bích, một tên du côn hách dịch, hay giở võ ra đàn áp học sinh. Hắn đến với một cái bù-loong và dọa đánh chết học trò. Anh em đứng cả dậy. Mấy anh to lớn khỏe mạnh chạy lại nắm lấy Bích để hắn khỏi hành hung. Thế là ấu đả kịch liệt. Bỗng có tiếng trống báo ăn cơm. Hai bên cùng phải vào nhà ăn, nhưng vẫn còn hậm hực. Đến bàn ăn thì học sinh lại gặp phải bữa com "chết đói" mà anh em đã nhiều lần phản kháng lên bộ phận quản lý nhà trường. Cơm thuờng sống hoặc khê và lượng ít quá, ăn không đủ. Thức ăn cũng tồi. Có anh đã tả trong bài về "nhà cơm" mấy câu mộc mạc nhưng đúng sự thật:

    Cơm thì bữa sống bữa khê
    Cá thì có thứ cá mè ươn tanh
    Rau già đem luộc làm canh
    Có bót xương lợn thì ninh không nhừ
    Đĩa dưa hôi khứ có dư...

    Anh em cho rằng Quản lý Măng-đừ-rông đã thông lưng với nhà bếp và nhà thầu, bớt xén thức ăn của anh em, lấy tiền bỏ túi, nên đã mấy lần phản kháng bằng cách "làm reo” cơm. Lần này anh em cũng định bỏ cơm nữa. Mấy Giám thị trong đó có Bích và Mùi, nắm ngay dịp tốt lên tố cáo với Đốc Muyx là học sinh chống lại Giám thị và làm reo com. Muyx xuống ngay.

    Ông ta bình tĩnh đến nếm cơm và đưa cho một Giám thị già cùng nếm. Vừa nếm ông ta vừa nói to: "Cơm không sống, cơm rất ngon, có phải không ông Chúc". Ông Chúc già đành vâng vâng, ông ta lại nếm thức ăn và nói: "Thơm lắm, ngon lắm!". Xong, ông ta tập hợp học sinh lại, mắng chửi một trận, kể tội đánh Giám thị, chê cơm. Ở nhà với bố mẹ thì đói khát, đến trường được ăn sung sướng thế mà còn chê bai phản đối, vô ơn Chính phủ, v.v... Cuối cùng ông ta kết tội là học sinh phiến loạn, sẽ bị trừng phạt thích đáng. Rồi ông ta hỏi Giám thị tên những người cầm đầu. Mùi và Bích nói tên anh Lãng và một số anh khác. Nhưng thật ra anh Lãng không cầm đầu. Anh chỉ thụi mấy cái và mắng Giám thị mấy câu mà thôi, về sau, anh bị chúng làm cho điêu đứng.

    Nói xong, Đốc Muyx về ngay, không cho học sinh nói một câu nào cả.

    Chiều hôm sau, Đốc Muyx ra lệnh cho học sinh họp lại ở sân trường sau buổi học. Lúc học trò đã xếp hàng đông đủ thì thấy một ông Tuần phủ đeo thẻ ngà đến trường, theo sau là anh Nguyễn Hữu Dương học sinh năm thứ 3. Viên quan vừa đến chỗ đông học sinh thì Giáo sư thể dục mà anh em vẫn gọi đùa là ông "đốc võ" ra chào đón và đưa lại chỗ Đốc Muyx. Đốc võ thông ngôn mấy câu thì thấy Đốc Muyx cười cười gật gật. Viên quan bảo anh Dương (con trai mình) lạy Đốc Muyx trước mắt hàng nghìn người. Dương cứ đứng yên. Viên quan hất cái mũ của anh xuống đất và giúi đầu anh xuống. Trong hàng ngũ học sinh có tiếng ồn ào, rồi có tiếng nói to: "Không lạy, không lạy! Anh Dương không được lạy!". Có tiếng thét lớn: "Con cháu Rồng Tiên mà chịu nhục thế à!". Viên Giám thị khổ sở lắm mới giữ được trật tự. Viên Tuần phủ không bảo được con lạy, vừa tức giận, vừa xấu hổ, đứng hậm hực ở một gốc cây. Còn anh Dương thì lẻn đâu mất.

    Đốc Muyx tuyên bố tên những anh phải đuổi hẳn, những anh phải đuổi tạm thời, những anh mất học bổng, những anh phải phạt công-xinh. Rồi ông ta lại xỉ vả học sinh một lúc.

    Có mấy anh đứng ở hàng đầu nói với Đốc Muyx:

    - Thưa ông, việc này không phải mấy anh bị đuổi đó cầm đầu. Tất cả chúng tôi cùng suy nghĩ và hành động một lúc. Ông đuổi cả chúng tôi nữa. Ông không đuổi thì chúng tôi cũng thôi học.

    Có tiềng ồn ào rồi lại có tiếng nói to: "Phải lắm! phải lắm! Chúng ta đi về cả! Không học đã chết ai!". Thế là tất cả học sinh kéo nhau ra cổng. Giám thị cản lại không đuợc. Một số học sinh lưu trú đến tối lại phải quay vào trường để lấy quần áo, sách vở và tiền túi. Các anh bị giữ lại. Đêm khuya có mấy anh trèo rào trốn ra thoát.

    Thế là bắt đầu cuộc bãi khóa năm 1916 ở Trường Bưởi. Nó có ảnh hưởng tốt. Nó khêu gọi tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, nó thúc đẩy tinh thần chống áp bức, chống ngoại xâm, đã có sẵn trong tâm can. Nó báo hiệu cho những cuộc đấu tranh mấy năm sau, nhất là những cuộc bãi khóa rầm rộ từ 1925 đến 1929. Nhưng với cái xã hội còn lạc hậu lúc ấy, ảnh hưởng của cuộc bãi khóa cũng bị hạn chế nhiều. Tư tưởng về gia đình, tôn chỉ về “quân, sư, phụ” đương quá nặng, nó chèn ép, kìm hãm thanh niên. Nhiều nhà nho cho con đi học, chỉ mong con ra làm quan, làm công chức. Trái ý kiến ấy, thanh niên đã bị đưa đến cảnh nhục nhã bi ai. Ví dụ viên Tuần phủ bắt con trai lạy sống viên đốc Tây, một ông đồ khác xỉ vả con một cách tàn nhẫn, khi con bãi khóa chạy về nhà. Ông ta bắt con trở lại trường mang bức thư tạ tội của người cha van lơn cho con lại được vào học. Anh Ngô Văn Ngải (người con) không chịu đến trường và cũng không trở về nhà nữa. Anh nhảy xuống sông tự tử. Người vợ mới cưới đã có mang cũng nhảy xuống giếng chết theo chồng. Thật là một thảm kịch đau xót mà các bạn học cùng khóa, kể cả người viết mấy giòng nay, vẫn còn nhớ mãi đến ngày nay. Đành rằng việc anh Ngải tự tử có chỗ chưa đúng. Nhưng với cái xã hội tàn nhẫn đương thời, anh đã không thể làm khác được. Vả lại, một số anh em, cả những anh tương đối cấp tiến lúc đó, cũng tán thành cái chết của anh Ngải. Có anh em cho tự tử là một thái độ phản kháng gia đình và xã hội bây giờ, có hiệu quả tốt. Họ cho đó là một hành động can đảm, vì có một số học sinh bãi khóa về nhà bị bố mẹ xỉ vả, không cho ăn, đã không dám tự tử và cũng không có gan chịu cực khổ, phải trở lại trường để có chỗ "nương thân". Hành động ấy thật đáng buồn. Vì vậy mà sau một thời gian, thống trị nhà truờng đã khôn khéo, bằng cách này hay cách khác, gọi dần được đa số học sinh đã bỏ trường.

    Tóm lại, mặc dù có những trường hợp không hay cho lắm, cuộc bãi khóa đã có ảnh hưởng tốt. Một chứng cớ cụ thế là 6 tháng sau, lại xẩy ra việc tẩy chay xe điện của thực dân Pháp.


    [...]
    ______

    (12) Etude: Giờ học sinh ngồi học, làm bài có Giám thị coi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/4/20
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]

    *
    * *

    Trường Bưởi ở cách Hồ Gươm, trung tâm thành phố, gần 5 cây số. Đại đa số học sinh đi học, thường dùng xe điện, phương tiện giao thông nhanh chóng và rẻ tiền nhất lúc bấy giờ. Xe đạp ít và đắt tiền, học sinh không mấy người có khả năng dùng được. Những chuyến xe điện gần giờ học và sau giờ tan học chật ních học trò. Anh em thường lấy vé tháng, gọi là các (carte). Các đi hai đường phải trả 2 đồng (bạc Đông Dương), đi bốn đường trả 2đ50. Ai có các thì bất cứ lúc nào cũng đi xe được. Có anh hình như lúc nào cũng ở trên xe điện, nhất là mùa hè, họ chuyền xe này sang xe khác. Các ông "nhất quỷ nhì ma" này nhiều lúc quấy rối trật tự và vi phạm thể lệ đi xe. Ví dụ xe đương chạy nhanh, các ông nhảy bổ xuống hoặc nhảy tót lên. Hành khách ghê cả người, nhưng các ông không bao giờ ngã, hình như đã thành một thói quen. Người ta thấy anh nào nhảy xe điện giỏi biết chắc họ là học sinh Trường Bưởi. Những anh nào nhảy mà ngã lăn chiêng, thì biết là học sinh các tỉnh mới được vào học. Anh em cứ gọi đùa là "phường tỉnh" (les provinciaux). Hành động nhảy xe này đã gây nên nhiều lần xung đột giữa học sinh và nhân viên xe điện, nhất là các người bán vé và soát vé. Nhưng cũng chỉ cãi cọ nhau qua loa thôi vì anh em học sinh không có ác ý và các người làm việc thì cho là trò chơi của "các ông ôn Trường Bưởi" hơi đâu mà dây vào.

    Trong đám soát vé, có một nguời tên là Hai Nhỡ, người to lớn, khệnh khạng, tự xung là Tổng kiểm soát hoặc Phó chủ An Nam. Hắn không biết chữ Pháp, nhưng nói "tiếng bồi' rất thạo, thạo hơn các ông Thông ngôn Tòa án nói tiếng Tây. Hắn hay đi theo chủ Tây và hay bắt nạt học sinh để tâng công với chủ, nên anh em ghét.

    Một hôm sau buổi học, anh em ào lên xe điện đỗ ở quãng đường tránh nhau gần cổng trường. Một anh học sinh chuyền từ xe nọ sang xe kia bị Hai Nhỡ thộp ngực hỏi: "Có "cạc" [13] không?" Anh này đương bực tức trả lời: "Có cặc".

    - Cạc đâu? Đưa xem.

    - "Cặc đây!" Anh vừa nói vừa vỗ vào túi áo gần đũng quần.

    Hai Nhỡ tát một cái. Anh tránh được, rồi thụi vào bụng Hai Nhỡ. Thế là đánh nhau. Anh em đứng dậy can thiệp. Hai Nhỡ gọi chủ. Một thằng Tây to béo ở toa máy chạy xuống, chẳng hỏi đầu đuôi ra sao, túm ngay lấy học sinh đánh túi bụi. Hắn vừa đánh vừa chửi: “Đồ ăn cắp", "loài đê hèn”, "giống bẩn thỉu” v.v... Anh em nhảy cả xuống đường, xúm lại đánh thằng Tây thì xe điện vừa chạy. Anh em đứng lại bàn cách đối phó với thằng chủ xe điện. Tất cả đồng ý "tẩy chay", nghĩa là không một ai đi xe điện nữa, kể cả những anh ở xa trường hàng chục cây số.

    Anh em kéo nhau lũ lượt ra về, gặp ai hỏi cũng kể chuyện tẩy chay xe điện vì chủ xe đánh chửi học sinh và phạm đến danh dự dân Việt. Đại đa số người đi đường tán thành việc làm của anh em. Cả những lưu trú học sinh, phần lớn lúc ra phố cũng không đi xe điện.

    Anh em thi nhau "cuốc bộ” xem ai đi nhanh, ai dai sức không mỏi mệt và dai sức chịu đựng lâu dài. Có quãng đường 5,6 cây số, anh em đi có nửa giờ hoặc 40 phút. Họ đi vẹt cả guốc, mòn cả giày. Họ vẫn cứ đi ngày bốn lượt (hai đi hai về) kéo dài như vậy đến quá nửa năm...

    Lúc mới xẩy ra việc tẩy chay, chính quyền thực dân cho là một trò trẻ (une gaminerie), không để ý, nhưng sau thấy học sinh bền bỉ chống chủ Tây sở Xe điện và nghe dư luận xôn xao, không có lợi cho chính trị lúc đó, thì chúng bắt chủ xe điện thương lượng với nhà trường. Chủ xe đến nói chuyện với Hiệu trưởng, nhưng lại đề nghị Hiệu trưởng cho gọi học sinh lên phòng giấy, bắt phải thôi việc tẩy chay. Tất nhiên, anh em không chịu lên gặp mặt, chỉ nói với người xuống gọi rằng: “Người ta chửi chúng tôi, đánh chúng tôi, thì chúng tôi không dùng xe của họ nữa. Chúng tôi không phạm lỗi với nhà trường và cũng chả có lỗi với ai cả. Theo luật pháp của một nước thật sự văn minh thì chính những kẻ đánh chửi chúng tôi phải ra tòa án và phải đền danh dự cho chúng tôi". Hiệu trưởng Muyx bực mình, nhưng cũng không làm gì được. Còn chủ xe điện thì cắp mũ ra về, có vẻ hậm hực.

    Ít lâu sau, hắn cho một người Việt đến, tự xung là đại diện Sở Xe điện đến nói chuyện với đại biểu học sinh. Cuộc gặp gỡ không phải ở phòng giấy nhà trường mà ở một lớp học. "Sứ giả" của Sở Xe điện ấy cũng khôn khéo lắm, nói năng ngọt như mía lùi, nhưng học sinh cũng không vừa, tuyên bố thẳng với sứ giả: "Anh em chúng tôi chống bọn chủ Tây, kiểm soát Tây và bọn tay chân của chúng. Chúng tôi không chống anh em thợ thuyền và nhân viên làm công của Sở Xe điện". Sau độ nửa giờ trao đi đổi lại, cuộc gặp gỡ đi đến chỗ: sở Xe điện, nhất là chủ Tây phải có lễ độ đôi với người đi xe, không những đối với học sinh mà đối với tất cả dân chúng. Còn học sinh thì phải theo đúng thể lệ đi xe, ví dụ không được cho mượn "các", không được lên xuống lúc xe đương chạy v.v...

    Thế là, tạm xong việc tẩy chay xe điện. Anh em học sinh chịu thỏa thuận một cách dễ dàng như vậy một là vì Sở Xe điện đã có lời nói lại, hai là việc tẩy chay lâu dài cũng có gây thiệt hại cho việc học tập và sức khỏe của anh em, nhất là những anh ở xa truờng.


    [...]
    ______

    (13) Hai Nhỡ nói tiếng "các" uốn theo giọng Tây.
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/5/19
    Heoconmtv and vancuong7975 like this.
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    Nhưng đây mới chỉ là tạm thời xong. Còn lửa căm thù vẫn âm ỷ như đống giấm, hễ có cơn gió thổi là bùng lên ngay. Nó đã bùng lên ở ngoài phố lúc bọn học trò con Tây ở trường An-be Xa-rô (Albert Sarraut) mạt sát và đánh đập học trò Trường Bưởi (chúng tôi sẽ nói trong một mục sau). Nó bùng lên ở trong trường khi thực dân thống trị và tay sai khinh miệt những anh em học sinh nghèo.

    Gần cuối năm 1918, có một anh học trò tên là B., ở năm thứ hai học rất giỏi, tính rất ngoan, nhưng nghèo quá không có cơm ăn áo mặc để theo học. Anh đã xin học bổng của nhà trường, nhưng đốc Muyx và Tây đồ không cho, khinh anh là dân cày nghèo đói và bảo anh “đi về cái nhà quê”. Anh định thôi học về quê chăn trâu cắt cỏ để độ thân. Các bạn học thấy vậy ai cũng mủi lòng, rủ nhau chung tiền để giúp anh tiền ăn, tiền trọ, tiền bút giấy ... nhưng sự giúp đỡ này không thể lâu dài được, vì các anh không có tiền thường xuyên.

    Sang cuối năm 1918, nhà trường có Hiệu trưởng mới.

    Ông Đon-na-điơ (Donnadieu) thay Đốc Muyx. Bà Đôn-na-điơ dạy Pháp văn ở trường. Bà này tỏ lòng yêu quý học sinh. Bà thường đế ý đến việc ăn ở của học trò, nên mấy anh đại biểu nắm ngay lấy dịp này để giúp các bạn nghèo giải quyết việc thiếu tiền ăn học. Anh trưởng nhóm cứu tế trình bày với bà Đôn tình cảnh anh B. và đề nghị bà xin hộ học bổng. Bà nhận lời và nói ngay với chồng. Ông Đôn cho biết đương giữa niên học không cấp học bổng được và hiến một kế là cứ để anh B. vào ăn trong trường cũng chẳng sao. Nhà trường có gần 300 người ăn, thêm một miệng nữa, chả có ảnh hưởng gì. Còn việc tổ chức và kế toán hợp pháp thì chúng ta "nhắm mắt" cả thôi. Thế là anh B. được vào ăn trong trường như một học sinh lưu trú. Mấy anh có nhiệm vụ săn sóc anh B. mời anh cùng ngồi một bàn ăn cho anh khỏi ngượng. Nhưng một Giám thị kiểm soát thấy anh lạ mặt, hỏi vặn anh và đòi xem giấy phép. Các anh ngồi cùng bàn trình bày trường hợp đặc biệt của anh, nhưng viên Giám thị không chịu và bắt anh phải ăn riêng một bàn ở cuối nhà ăn. Anh B. có vẻ buồn tủi đi ra cửa không ăn nữa. Những học sinh ngồi gần đấy đứng dậy phản đối thái độ của viên Giám thị này. Tin phản kháng lan ra khắp cả nhà ăn. Sau bữa cơm đa số anh em ở lại bàn định giúp tiền hàng tháng để trả tiền cơm cho anh B. Số tiền đóng hàng tháng thừa ra nhiều lắm. Do đó nẩy ra ý kiến lập Hội học sinh giúp đỡ lẫn nhau. Mấy anh phụ trách nhóm cứu tế nắm ngay cơ hội đem trình bày với bà giáo Đôn. Bà hứa sẽ hết sức giúp đỡ. Một Ban trù bị được thành lập, có đủ đại biểu các lớp đúng đầu là anh Trưởng ban cứu tế.

    Nửa tháng sau, Ban trù bị tổ chức được buổi họp mặt của anh em học sinh toàn truờng để hô hào việc lập Hội học sinh tương tê Trường Bưởi [14]. Buổi họp mở ở khu vuờn rộng có cây to, có bãi cỏ, ngay bên bờ Hồ Tây. Anh em khuân tất cả bàn ghế trong lớp ra làm một cái "giảng đường" đồ sộ, trên có cây che, dưới có thảm cỏ trông thẳng ra Hồ Tây giập giờn sóng bạc. Thì ra quần chúng học sinh có một tiềm lực rất lớn. Họ làm được tất cả những việc mà họ quyết tâm làm với tinh thần hy sinh và đoàn kết. Họ mời được Hiệu trưởng, Giám học và tất cả Giáo sư ta và Tây. Có người không muốn đến vì là ngày chủ nhật, có người không thích đến vì không muốn dây vào việc của học sinh. Họ mời bằng được.

    Lúc họp, anh Trưởng ban đứng lên đọc lời cảm tạ bằng tiếng Pháp và lời hiệu triệu bằng tiếng Việt khá dài, nói lên được ý nghĩa buổi họp và mục đích tương tế của học sinh, được toàn thể anh em hưởng ứng nhiệt liệt. Sự thành công này làm cho một số Giám thị và Giáo sư suy nghĩ. Họ không hiểu tại sao, vì đâu có sự đoàn kết nhất trí này.

    Sau đó, Ban trù bị phát bản dự thảo điều lệ của Hội (in bằng thạch). Mấy hôm sau, Ban nhận được danh sách hội viên do các đại biêu lớp đưa đến. Tuyệt đại đa số học sinh xin vào hội, khoảng 600 người.

    Một tuần sau, họp đại hội bầu Ban chấp hành. Anh Trưởng ban trù bị được bầu làm Hội trương vói 99% số phiếu. Các anh khác trong Ban trù bị cũng được bầu vào Ban chấp hành, ông Hiệu trưởng được mời làm Danh dự Hội trưởng, các Giáo sư làm Danh dự hội viên hoặc Tán trợ hội viên. Nhà trường cho mượn một phòng rộng làm trụ sở hội. Tiền ủng hộ thu được khá nhiều. Có Giáo sư đưa 10đ (bạc Đông Dương) bằng giá 3 tạ gạo. Tiền quỹ dùng trước hết là giả tiền ăn, tiền sách vở bút giấy cho anh B. và trợ cấp cho một số học sinh nghèo khác, mua khẩu phần tặng học sinh xuất sắc về tài và nhất là về đức (Năm ấy Hội có tặng một phần thưởng lớn về tình đoàn kết cho bạn bè (prix de camaraderie); cuối cùng là lập một tủ sách cho hội viên. Tủ sách gồm có sách của Hội mua bằng tiền quỹ, sách xin các Giáo sư, các phụ huynh học sinh và xin các nhà xuất bản.

    Anh B. "con nuôi" của Hội rất phân khởi, học giỏi và đỗ cao. Tốt nghiệp xong, anh xin đi dạy học để lấy tiền giúp đỡ gia đình và đóng góp vào quỹ Hội. gọi là một chút cảm tạ Hội, nhưng Hội chỉ nhận tiền nguyệt liễm của anh mà thôi. Anh B. và gia đình anh nhớ mãi sự giúp đỡ của Hội.

    Công việc của Hội học sinh tương tế có kết quả tốt nhất là có ảnh huởng sâu xa đến anh em trong trường và ngoài phố, nhưng Hội chỉ sống được 3 năm mà thôi, vì sau cuộc học sinh Trường Bưởi đánh nhau với học sinh trường Xa-rô thì Hội bị giải tán.

    Chúng tôi tưởng cần nhắc lại cuộc đánh nhau này tuy nó xảy ra năm 1919, nhưng việc này chịu nhiều ảnh hưởng của Hội học sinh tương tế, do mấy anh trong Ban chấp hành cũ, lúc ấy đương học ở các trường cao đẳng, trực tiếp lãnh đạo.


    [...]
    ______

    ( 14) Tiếng Pháp là Amicale des élèves du College du Protectorat. Chữ amicale không đúng chữ tương tế (assistance). Nhưng chúng tôi để vậy cho thuận tiện (NC).
     
    Heoconmtv thích bài này.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    Trường An-be Xa-rô xây xong năm 1918 ở khu đất rộng, cạnh Phủ toàn quyền. Đây là một truờng trung học Pháp lớn nhất Đông Dương, chuyên dạy các con Tây và một số ít học sinh Việt Nam con cái những nhà lắm tiền nhiều thế. Truờng này chỉ cách trường Bưởi độ 300 mét. Học sinh cũng đi học bằng xe điện.

    Mấy thằng ”Tây con” thường rất láo, nhất là mấy thằng Tây lai. Mà tâm lý chúng tôi hồi ấy thì ai cũng giống ai: cứ thấy Tây là ghét. Bọn Tây con lên xe điện lại hay tranh chỗ ngồi. Có khi chúng xô ngã học sinh ta để chiếm lấy chỗ. Đôi khi chúng tỏ ý khinh miệt cả những ông già bà cả đi xe. Một hôm vì chuyện tranh nhau lên xuống, ba học sinh Tây đánh một học sinh ta. Mấy anh em Trường Bưởi xúm lại bảo vệ bạn, nhưng rồi cũng giải tán ngay, cho là một trò trẻ. Hôm sau, mấy học sinh Tây lớn xác đến đón đánh mấy anh em Trường Bưởi. Chúng lại chửi bới láo xược, nên tất cả anh em Trường Bưởi trên xe đều nhảy xuống cạnh đền Trấn Võ, thách chúng xuống đánh nhau. Lúc sắp giáp trận thì trống vào học đã đánh vang, nên anh em phải giải tán và bảo vào mặt chúng rằng: "Chúng bay có giỏi chiều mai tan học đến đây đánh nhau" [15]. Hôm sau, đúng giờ hẹn, hai bên cùng kéo đến. Bên chúng nhiều thằng cầm gậy (baton), quả đấm, có thằng cầm dao găm, có thằng mang búa lớn. Bên ta chỉ dùng thước kẻ, quản bút dài, nhiều anh buộc xu vào khăn mùi-xoa, một vũ khí "vừa đánh vừa đỡ" rất tốt. Cuộc giao chiến kịch liệt làm cho nguồi qua lại đứng xem đầy đường. Có nhiều thanh niên căm phẫn muốn xông vào đánh hộ, nhưng anh em học sinh khước từ, vì muốn để học trò đánh nhau với học trò thôi... Có cụ già kêu to lên rằng: "Các con khéo nhớ! Chúng nó có súng đây!”. Có tiếng trả lời: "Xin các cụ cứ yên tâm, chúng cháu không sợ ... Có súng cũng đánh!" Anh em tấn công hăng quá. Nhiều anh biết võ, bắt gậy, bắt búa, đá. chúng ngã lăn queo. Nhiều thằng bị thương bỏ chạy. Chúng đi gọi đội xếp [16] (cảnh sát) ở sở cẩm Hàng Đậu. Một tốp đội xếp, đi đầu là thằng Sen đầm Tây (người ta vẫn gọi là thằng Khàn) kéo đến vây bắt mấy học sinh to lớn, hăng hái, sát khí đương bùng bùng, mặt và vai chảy máu. Chúng đưa các anh về “bóp” Hàng Đậu. Tất cả các anh em dự trận kéo nhau đi theo đều đứng đầy trước sở cẩm và vườn hoa Hàng Đậu đòi tha cho những anh bị bắt. Bọn đội xếp ra đuổi không được, dọa bỏ tù. Anh em đều trả lời: "Tốt lắm! Tốt lắm! Mở cửa ra cho chứng tôi vào, vào tất cả". Chúng đóng cửa lại. Anh em đứng ở vườn hoa mãi đến tối. Có anh đứng cả đêm, nhưng vẫn giữ trật tự không làm điều gì mà chúng có thể quy vào tội "phá cuộc trị an". Cuộc đánh nhau này, có bàn bạc trước với nhau như trên đã nói. Không những bàn bạc việc lớn như trận địa, thời gian, mưu kế, mà còn cả những việc nhỏ như chuẩn bị vũ khí thô sơ, những câu khiêu khích, những câu trả lời bọn đội xếp, mật thám, cò cẩm. Việc đánh nhau này bề ngoài thì ra vẻ một bọn học trò đánh nhau với học trò, nhưng bên trong là cuộc đấu của những người bị trị đánh lại thực dân thống trị, nên phải "trá hình" để khỏi rơi vào chỗ "phạm pháp" mà chúng có thể đàn áp, khủng bố.

    Viên cẩm thấy tình hình không tốt, báo cáo lên Tòa Đốc lý Hà Nội. Đốc lý thấy việc có tính cách chính trị nên cấp tốc trình lên Tòa Mật thám Phủ Toàn quyền. An-be Xa-rô ra lệnh tha ngay học sinh bị bắt. Lúc tha ra đem trả cho nhà trường để nhà trường giáo dục. Lệnh này thật là khôn và xảo.

    Ngày hôm sau, Xa-rô ra lệnh cho truờng Tây tập họp học sinh và phụ huynh học sinh để ông ta đến nói chuyện. Ông ta bảo học sinh rằng: "Các anh đừng tưởng nước Đại Pháp sang đây giáo hóa cho nước An Nam, mang tiền của đến đây mà xây dụng. Cái trường học tốt đẹp đồ sộ này được dựng lên là nhờ tiền của của người An Nam. Nếu các anh khinh rẻ người An Nam tôi sẽ không cho các anh học ở đây nữa, v.v..." Rồi ông ta quay về phía phụ huynh An Nam nói mấy câu an ủi và khuyên nên dạy bảo con em biết ơn nước Đại Pháp và thân thiện với người Pháp v.v... Các "ông An Nam" ngồi đó có vẻ rất cảm động và thán phục lòng quảng đại của "quan Toàn quyền", cho nên ít lâu sau, hôm Xa-rô bị thằng La-vích (Lavique) một tên thực dân ngang ngạnh bắn bị thương ở Hội chợ Hà Nội, mấy tờ báo An Nam đăng lên trang đầu một cái "tít" to, từ bên nọ sang bên kia: "Ngôi phúc tinh của Việt Nam bị mờ ám", ý nói Xa-rô bị ám sát hụt.

    Buổi họp hôm ấy thật là một tấn bi hài kịch mà Xa-rô dã diễn rất tài tình. Những khán giả An Nam ngồi xem đã vỗ tay nhiệt liệt.

    Sau đó một tuần lễ thì có chỉ thị đổi giờ vào học của hai truờng cách nhau 15 phút để khỏi gặp nhau trên xe điện. Biện pháp hành chính này không ngăn được lòng căm thù của học sinh ta. Họ vẫn bảo nhau hễ chúng còn láo chúng ta còn đánh, nên cuộc xung đột còn kéo dài đến mấy năm sau, nhưng cũng lẻ tẻ. Một đôi khi gặp nhau ở đường bọn chúng cũng rất dè dặt, không phải chúng sợ lời đe dọa của "quan Toàn quyền". Chúng gờm những miếng đòn gan lỳ của học sinh Trường Bưởi. Chúng cũng sợ sự ủng hộ của quần chúng qua đường.

    Cũng sau đó, có một hậu quả gián tiếp là việc giải tán Hội học sinh tương tế Trường Bưởi. Sau trận đánh nhau ít lâu, thì Hội bị giải tán. Chính quyền thực dân lấy cớ là Hội thành lập không hợp pháp, điều lệ không được duyệt, học sinh có nhiều người vị thành niên v.v... Trụ sở của Hội bị niêm lại, sổ sách giấy tờ bị tịch thu, quỹ của Hội bị sung công. Tủ sách bị sát nhập vào nhà trường. Những người lãnh đạo bị khiển trách và được ghi tên vào sổ đen, v.v...

    Kể ra mật thám chính trị thực dân cũng tinh mắt đây. Chúng trông rõ mục đích ẩn náu và sự hoạt động thầm kín của Hội này. Nhưng mấy năm trước, chúng chưa ra mặt đàn áp, vì "mẫu quốc” đương mắc vào chiến tranh và thua liểng xiểng, nên chúng “lơ" đi cho yên chuyện. Lúc này mẫu quôc đã thắng trận, chúng liền trở mặt. Đó là chính sách "cổ điển" của thực dân nói chung và của Toàn quyền Xa-rô nói riêng. Cho nên mấy năm sau chiến thắng của Pháp, phong trào yêu nước và cách mạng bị khủng bố dã man, có phần sút kém đi ở trong trường cũng như ở ngoài phố. Phải chờ đến năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị bắt về nước; năm 1926, cụ Phan Châu Trinh diễn thuyết và mất ở Sài Gòn, phong trào mới lại được khua dậy. Cuộc mít tinh tuần hành đòi tha cụ Phan Bội Châu và lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh đã rất sôi nổi và thức tỉnh những người còn do dự. Mấy cuộc bãi khóa năm 1926 bị đàn áp đã gây nên một phong trào đấu tranh sâu rộng từ trong trường ra ngoài phố và có ảnh hưởng lớn trong mấy năm sau ...

    Hoàng Ngọc Phách
    Viết tại Hà Nội tháng 9 năm 1964.
    (đúng nửa thế kỷ sau ngày vào học.
    _ Tư liệu.)

    ______

    (15) Ngày hôm ấy và mấy ngày sau có nhiều đám đánh nhau lè tẻ ở Bờ Hồ, ở cửa chợ Đồng Xuân ... Chúng tôi không nắm được hết cả, nên chỉ thuật đám này có phần quan trọng đặc biệt (NC).

    (16) Đội xếp: danh từ này rất phổ biến thời đó. Nó do chữ Pháp police mà ra. Có nơi gọi là lính cu-lít, đội cu-lít. Hà Nội gọi là đội xếp (NC).


    (HẾT)​
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/12/15
    Nonamekid, Heoconmtv, Cải and 2 others like this.
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này