Nhận định Điển cố - điển tích. Giai thoại... Văn Học. [abc...]

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi tducchau, 18/4/14.

Moderators: Cát Cát
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BÁCH VĂN BẤT NHƯ KIẾN

    (TRĂM NGHE KHÔNG BẰNG MỘT THẤY)


    XUẤT XỨ

    Phần “Triệu Sung Quốc truyện” trong sách Hán thư có câu: “Sung Quốc nói: “Trăm nghe không bằng một thấy, việc dùng binh rất khó khi ở xa xôi mà định ra phương kế, thần xin tự nguyện đến tận Kim Thành để căn cứ thực tế đề ra phương lược”” (Sung Quốc viết: “Bách văn bất như nhất kiến, binh nan diêu độ, thần nguyện từ chí Kim thành, đồ thượng phương lược. )


    GIẢNG NGHĨA

    Nghe một trăm lần không bằng tận mắt nhìn thấy một lần. Trỏ việc nghe nhiều vẫn không đáng tin bằng tận mắt nhìn thấy. Câu này có chỗ viết là “Nhĩ văn bất như mục kiến” (Tai nghe không bằng mắt thấy).


    ĐIỂN TÍCH

    Thời Tây Hán đời vua Tuyên đế, người Khương tràn vào biên giới đánh chiếm đất đai, cướp bóc giết hại quan lại. Tuyên đế chiêu tập quần thần bàn phương sách đối phó, đế hỏi ai tình nguyện chỉ huy quân đi chống cự. Lão tướng 78 tuổi Triệu Sùng Quốc từng đối phó với người Khương ở biên giới vài chục năm, đứng ra xin đảm đương nhiệm vụ. Tuyên đế hỏi ông cấn đem theo bao nhiêu quân? Triệu Sung Quốc đáp: “Trăm lần nghe không bằng một lần thấy, thần xin thân tự đến nơi ấy xem xét để ấn định phương lược đánh hay thủ, vẽ kỹ các địa đồ rồi mới có thể tâu lên được”. Tuyên đế đồng ý cách làm của ông.

    Triệu Sung Quốc dẫn quân vượt qua sông Hoàng Hà nước cuồn cuộn, đụng độ ngay với một đội quân nhỏ của người Khương. Trận ấy, ông bắt sống dược khá nhiều quân Khương. Quân sĩ đòi đuổi truy kích theo, Triệu Sung Quốc ngăn lại: “Quân ta đi đường xa tới đây không nên đuổi theo chúng quá xa, nếu như bị bọn phục binh đánh úp quân ta sẽ nguy. Không nên tham lợi nhỏ trước mắt!”. Quân sĩ rất phục tầm nhìn xa rộng của lão tướng quân.

    Triệu Sung Quốc trinh sát kỹ địa thế và tình hình quân địch, lại qua khẩu cung của tù binh am tường tình huống nội bộ của địch, sau đó đưa ra sách lược đóng quân, phân hóa lực lượng của quân Khương rồi tâu lên Tuyên đế. Nhờ vậy, ông mau chóng dẹp yên sự quấy nhiễu của người Khương.

    Tác phong không chỉ nghe tin theo những lời đồn đại mà phải đến tận nơi điều tra của Triệu Sung Quốc được người đời sau coi là chuẩn tắc cho mọi hành động thiết thực.


    [...]
     
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BẠNG DUẬT

    Xem Duật bạng; Ngao cò. (Bổ sung sau).

    Ngư hà song viết ngày hằng đủ,
    Bạng duật đôi co thế ngại nhàn.
    (Hồng Đức quốc âm thi tập)​


    BẠNG GIÀ SINH CHÂU

    Do tiếng Hán lão bạng sinh châu (Con trai già sinh ra ngọc châu).

    Ý nói: 1. Người sinh được con hiền; 2. Người già mới có con; 3. Điềm tốt lành.

    Thú vui thua thú ngư hà,
    Rùa linh đội sách,
    bạng già sinh châu.
    (Đào Duy Từ)​


    BÀNH TỔ

    Nhân vật thần thoại Trung Quốc, bề tôi của vua Nghiêu, được phong ở đất Bành Thành, thọ tám trăm tuổi.

    Kể qua Bành Tổ tám trăm,
    Sáu mươi họ Mạc xem năm bằng ngày.

    (Thiên Nam ngữ lục)​


    BÀNH TRẠCH

    Xem Đào Bành Trạch. (Bổ sung sau).

    Cuộc cờ chén rượu cung đàn,
    Thơ ngâm Bành Trạch, trăng vờn Tiêu Tương.

    (Phạm Thái)​


    BAO TỰ

    Vợ lẽ yêu của vua U Vương nhà Chu. Bao Tự không thích cười, U Vương tìm đủ mọi cách cho nàng cười, có lần sai đốt lửa ở hỏa đài, đánh lừa các nước chư hầu rằng có giặc. Quân chư hầu thấy lửa, tưởng kinh đô có biến, vội vàng mang quân đến cứu, đến nơi mới biết mắc lừa. Bao Tự thấy vậy cả cười. Về sau, lúc có giặc kéo đến thật, U Vương sai đốt lửa báo hiệu. Chư hầu không ai mang quân về cứu nữa. U Vương bị giết ở Ly Sơn.

    Ly Sơn cười một phút,
    Bao Tự kia lầm hết chư hầu.
    (Bùi Vịnh)​


    BÀO LẠC

    Bào là thiêu, lạc là rụng. Một hình phạt dã man đời nhà Ân. Vua Trụ đặt những cọc bằng đồng rồi đốt lửa ở bên dưới, bắt tội nhân đi lên trên để cuối cùng phải ngã chết thiêu trong đống lửa.

    Đao sơn kiếm thụ đồng thành,
    Thủy lao,
    bào lạc ngục hình gớm thay.
    (Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái)​


    BÁO ỨNG

    Tiếng nhà Phật, nghĩa là có làm thì tất có báo lại, có cảm thì tất có ứng lại, làm điều lành thì sẽ có điều lành báo ứng lại, làm điều ác thì sẽ sẽ có điều ác báo ứng lại.

    Theo quan niệm thần bí của Phật giáo, thì những sự gì xảy ra trong cuộc sống hiện tại, dù lành, dù dữ, dù họa, dù phúc đều là do báo ứng mà có.

    Ngẫm xem báo ứng kíp sao,
    Hồ Sinh đứng nấp tường đào thử xem.

    (Trinh thử)​


    BẢO PHIỆT

    Cái bè của Phật dùng để cứu vớt chúng sinh ra khỏi bể khổ.

    Sư rằng: Người dạy xin vâng,
    Hẹp chi
    bảo phiệt kim thằng, đám chay.
    (Truyện Tây Sương)​


    BẠO HỔ

    Tay không bắt hổ.

    Luận ngữ: “Bạo hổ bằng hà, tử nhi vô hối giả, ngô bất dữ dã” (Người tay không mà bắt hổ, chân không mà dám qua sông, dù chết cũng không hối hận, thì ta không cùng làm việc với người đó).

    Chỉ việc làm mạo hiểm.

    Tính hay bạo hổ đã quen,
    Dám tìm chuột bạch đánh ghen tận nhà.

    (Trinh thử)​


    [...]
     
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BÁCH XUYÊN QUY HẢI
    (TRĂM SÔNG ĐỔ VÀO BIỂN)


    XUẤT XỨ

    Thiên “Dĩ luận huấn” trong sách Hoài Nam tử có câu: “Trăm sông khác nguồn nhưng đều đổ về biển cả” (bách xuyên dị nguyên, nhi giai quy ư hải).


    GIẢNG NGHĨA

    Tất cả mọi con sông đến cuối cùng đều đổ vào biển, câu này tỉ dụ mục đích mà lòng người đều hướng về.


    ĐIỂN TÍCH

    Vua Hán Võ đế có một người chú tên Lưu An (tước phong Hoài Nam vương) chiêu mộ được hàng ngàn môn khách am tường thiên văn, ya học, lịch toán, chiêm bốc biên soạn thành một bộ sách vài chục vạn chữ, tên là bộ “Hoài Nam tử”. Trong sách “Hoài Nam tử” có thiên “Dĩ luận huấn” viết: Tổ tiên loài người vốn cư trú ở bên sông và trong sơn động, y phục hết sức đơn giản, đời sống hết sức gian khổ. Sau đó có vị thánh nhân xuất hiện, hướng dẫn mọi người xây dựng nhà cửa cung điện, giúp nhân dân có nơi ẩn náu gió mưa lạnh lẽo. Thánh nhân còn dạy nhân dân chế tạo nông cụ, binh khí, phát triển sinh sản, săn bắt mãnh thú. Về sau, người ta còn ấn định lễ nhạc, biên soạn các lôgíc hại chế độ quy định. Văn chương cho rằng: xã hội là phát triển, vì vậy những chế độ quy định ở thời cổ không còn thích hợp với thời mới dần dần bị phế bỏ.

    Tất cả những điều đó thuyết minh “trăm con sông tuy khác nguồn gốc nhưng cuối cùng đều chảy vào biển lớn”.

    Công việc của mọi người tuy khác nhau, nhưng đều có mục đích làm cho xã hội an trị, làm cho cuộc sống càng tốt đẹp hơn.


    [...]
     
    Last edited by a moderator: 12/6/16
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    VÍ CHĂNG DUYÊN NỢ BA SINH


    Kim Trọng nhân gặp Thuý Kiều du xuân trở về mang nặng mối tình nhớ nhung, tương tư Kiều, có câu:

    “Mành tương phân phát gió đàn,
    Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.
    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi.”

    (Câu 255 đến câu 258)​

    Và, khi Kim Trọng tìm thuê được nhà ở gần nhà của Kiều, có hiên Lâm Thuý, chàng lấy làm mừng rỡ:

    “Mừng thầm chốn ấy chữ bài,
    Ba sinh âu cũng duyên trời chi đây.”

    (Câu 281 đến 282)​

    “Ba sinh” dịch chữ “tam sinh” tức là ba kiếp chuyển sinh: quá khứ, hiện tại và vị lai. Sách “Trần Đăng Lục” và sách “Quần Ngọc Chú” có chép:

    Xưa có chàng Tỉnh Lang, một hôm đến chùa Nam Huệ nằm chơi bỗng ngủ quên, mộng thấy mình đi chơi non bồng. Tỉnh Lang trông thấy một nhà sư đương ngồi niệm kinh trước một cây nhang đương cháy. Tỉnh Lang thấy lạ hỏi. Nhà sư nói:

    Khi trước có một người đi cúng chùa, thắp cây nhang này, khấn nguyện. Nhang hãy còn cháy mà người ấy đã sinh ra ba kiếp rồi. Kiếp đầu, triều Huyền Tông nhà Đường, người ấy làm quan Phủ sứ đất Kiến Nam. Kiếp thứ hai cũng đời Đương, triều vua Hiến Tông, làm quan đất Tây Thục. Kiếp thế ba sinh ra Tỉnh Lang.

    Tỉnh Lang nghe nói đến tên mình, giựt mình thức dậy nhưng lòng nửa tin nửa ngờ.

    Lại còn có một điển tích khác.

    Đời nhà Đường, có nhà sư tên Viên Trạch, một hôm cùng bạn là Lý Nguyên Thiện đi chơi. Gặp một người đàn bà gánh nước, Viên Trạch nói với bạn:

    Người đàn bà này đã có thai ba năm đợi tôi vào làm con. Nay đã gặp đây không thể nào trốn được. Hẹn ba ngày nữa, bạn đến, ta lấy nụ cười làm tin. Mười ba năm sau, ta sẽ gặp nhau tại chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu vào đêm trăng sáng Trung Thu.

    Chiều đó, sư Viên Trạch mất.

    Người đàn bà nọ sinh con trai. Ba hôm sau, Lý đến thăm. Quả nhiên, đứa bé thấy Lý cười đúng như lời hẹn. Và, mười ba năm sau, Lý đến chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu, gặp một cậu bé chăn trâu, gõ sừng trâu hát rằng:

    “Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn,
    Thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu luân.
    Tàm quý tình nhân viễn tương phỏng,
    Thử nhân tuy dị tính thường đồng.”​

    Nghĩa:

    “Là tinh hồn cũ đã ba sinh,
    Trăng gió làm chi để bận mình.
    Thẹn với người quen xa tiếng hỏi,
    Thân này tuy khác tính nguyên lành.”

    Truyện Kiều”, đoạn diễn tả tâm sự của Kiều nhớ cha mẹ, nhớ Kim Trọng khi ở lầu xanh tại Lâm Tri, có câu:

    “Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
    Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?”

    (Câu 1259 đến 1260)​

    Đoạn diễn tả Hồ Tôn Hiến bắt Kiều đánh đàn hầu rượu, nghe xong:

    “Dạy rằng: “Hương lửa ba sinh,
    Dây loan xin nối cầm lành cho ai ?”

    (Câu 2581 đến 2582)​

    Đến lúc Kiều tái hợp cùng Kim Trọng, có câu:

    “Ba sinh đã phỉ lời nguyền,
    Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.”

    (Câu 3225 đến 3226)​

    “Duyên nợ ba sinh” tức duyên nợ từ ba kiếp với nhau. Đây nói duyên nợ phải làm vợ chồng với nhau do tiền định.

    Tình sử” Trung Hoa có câu:

    “Kim sinh dĩ quá hỉ,
    Trùng kết hậu sinh duyên.”​

    Tạm dịch:

    “Kiếp này duyên đã dở
    Kiếp khác nguyện đền bồi.”

    Hay là:

    “Kiếp này duyên đã muộn rồi,
    Thề xin kiếp khác đền bồi duyên sau.”

    Hay:

    “Kiếp này duyên đã dở dang (lỡ làng)
    Thề xin dệt mối duyên vàng kiếp sau.”

    “Kiếp”, theo Phật giáo, chỉ đời người có kiếp này liên hệ với kiếp khác, kiếp trước với kiếp sau. Duyên nợ vợ chồng cũng có tiền định từ kiếp được nối tiếp. “Nước non để chữ tương phùng kiếp sau”.

    Đoạn nói về Kiều bị mụ Tú bà cưỡng bách tiếp khách, Kiều tự an ủi:

    “Kiếp xưa đã vụng đường tu,
    Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi.”

    (Câu 1195 đến 1196)​


    [...]
     
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    NHẤT ĐOÀN HÒA KHÍ
    Đoàn kết một chiều: dĩ hòa vi quí.

    Sau khi nhà lí học Trình Hạo đời Tống chết, đồ đệ của ông là Tạ Hiển Thông, nói về tính cách của ông như sau: Ông ấy, “ngồi suốt ngày, như một pho tượng đất, nhưng khi tiếp đãi khách thì hòa khí nhất mực” (X. Doãn Lạc Uyên nguyên lục của Chu Hi đời Tống, dẫn lại trong “Thượng Thái ngữ lục”).

    Người đời sau dùng thành ngữ “nhất đoàn hòa khí” để chỉ một người không muốn đắc tội với người khác, bất kể chuyện gì cũng giữ hòa khí, thiếu tính nguyên tắc, thị phi lẫn lộn.


    NHẤT VÕNG ĐẢ TẬN
    Một lưới chụp gọn.

    Đời Tống có một nhà thơ tên là Tô Thuấn Khâm, ông là một trong những thành viên của tập đoàn chính trị cách tân của Phan Trọng Yêm, bị những người phái bảo thủ căm ghét. Đương thời có một người tên là Lưu Nguyện Du vì muốn được lòng ngài thừa tướng thuộc phái bảo thủ, liền dâng thơ tố cáo Tô Thuấn Khâm, kết quả không những Tô Thuấn Khâm bị biếm chức mà còn có nhiều người liên lụy bị bãi quan. Thế lực phái cách tân trong triều cũng bị thanh trừ. Lưu Nguyên Du nói với thừa tướng: “Lần này họ bị ông một lưới chụp gọn”. (X. Đông thiên bút lục của Ngụy Thái Tống).

    Đời sau dùng thành ngữ này để chỉ người của một tập đoàn nào đó bị bắt gọn hoặc một thế lực nào đó bị thanh trừ hết.


    NHẤT TRUYỀN THẬP, THẬP TRUYỀN BÁCH
    Một truyền mười, mười truyền trăm.

    Trong tác phẩm “Thanh dị lục: Tang táng nghĩa tật” của Đào Cốc người đời Tống viết: “Một truyền mười, mười truyền trăm, lan truyền khắp nơi, nên gọi là bệnh truyền nhiễm”.

    Câu này nguyên nói về tình hình bệnh truyền nhiễm – Sau dùng để nói tin tức lan truyền đi rất nhanh.


    NHẤT NGÔN VI TRỌNG
    Một lời làm trọng, lời nói như đinh đóng cột; Nói một là một, hai là hai.

    Thời Chiến quốc, tướng quốc nước Tần là Thương Ưởng thi hành biến pháp, trước khi ban bố tân pháp, muốn để cho trăm họ tin lời mình nói là thật và quán triệt chấp hành tân pháp. Thương Ưởng cho chôn một cây cột dài 3 trượng ở cửa nam chợ ở đô thành, đoạn công bố: “Ai có thể chuyển cây cột này đến chôn ở cửa bắc chợ sẽ được thưởng 10 quan tiền”. Dân chúng rất nghi ngờ, không ai dám làm cả. Thương Ưởng thấy vậy, liền nâng tiền thưởng lên 15 quan. Bấy giờ có một người đến chuyển cây cột sang cửa bắc, và quả nhiên được thưởng 15 quan tiền thật. bấy giờ mọi người mới biết Thương Ưởng nói thật. (X. Thương Quân liệt truyện).

    Vương An Thạch đời Tống viết một bài thơ ca ngợi Thương Ưởng: “Tự cổ dạy dân ở tín thành, một lời làm trọng vạn tiền khinh, người nay chưa thể bỏ Thương Ưởng,, biến pháp Thương ông được thi hành”. (X. Vương Lâm Xuyên tập: Thương Ưởng).

    Đời sau lấy câu thơ “nhất ngôn vị trọng” của Vương An Thạch làm thành ngữ, để ví nói là làm, nói phải để người tin, làm phải có kết quả.


    NHẤT NGÔN DĨ TẾ CHI
    Nói tóm lại một câu; khái quát một câu.

    Khổng Tử nói: “Kinh Thi, 300 bài, một câu có thể khái quát là tư tưởng thuần xác”. (X. Kinh Thi: Vi chính).

    Đời sau dùng thành ngữ này để chỉ một câu nói khái quát, nói rõ sự việc.


    [...]
     
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BẤT CẦU THẬM GIẢI
    不求甚解
    (KHÔNG CẦN HIỂU KỸ)


    XUẤT XỨ

    Trong bài Ngũ liễu tiên sinh truyện của Đào Tiềm đời Đông Tấn có câu: "Đọc sách không cần hiểu quá kỹ" (Hiếu độc thư, bất cầu thậm giải).


    GIẢNG NGHĨA

    Nguyên ý câu này là đọc sách chỉ cần lãnh hội hiểu phần cốt lõi chủ yếu, không nên tốn quá nhiều công phu tìm hiểu cặn kẽ từng câu từng chữ.

    Hiện nay câu này phần lớn dùng để chỉ sự học tập không nghiêm chỉnh, không hiểu cặn kẽ, hoặc làm việc không cẩn thận.


    ĐIỂN TÍCH

    Thi nhân nổi tiếng Đào Uyên Minh (tên Tiềm) sống vào giao thời giữa hai triều Đông Tấn và Nam Triều. Thời ấy, quốc gia bị phân liệt, bọn quân phiệt đánh nhau hỗn loạn, vương triều Đông Tấn chỉ chiếm được một vùng nho nhỏ Giang Nam với chính trị đen tối, dân chúng xiêu lạc.

    Tuy Đào Uyên Minh sinh ra trong một gia đình quan liêu, nhưng gia cảnh của ông suy vi đã lâu, từ nhỏ ông đã sống trong nghèo khổ. Lúc ông khoảng 20 tuổi, cha ông qua đời, không lâu vợ ông cũng chết. Đương thời, giặc phương bắc thường tràn xuống xâm lược, quê nhà Tầm Dương của ông liên miên bị tai họa thiên nhiên, đời sống ông đầy đau khổ bất hạnh.

    Bạn bè biết tính Đào Uyên Minh rất thích uống rượu, nhưng ít khi có tiền, nên thường bày tiệc rượu mời ông đến. Mỗi lần được mời như vậy, Đào Uyên Minh đều hào sảng uống tận tình, không hề câu nệ vào lễ nghĩa. Ông không ham vinh hoa phú quý mà chỉ muốn sống cuộc đời nhàn tản nơi ruộng vườn, tự cày lấy ăn, rảnh thì đọc sách, không lấy làm khổ vì nghèo khó mà trái lại còn cảm thấy an nhiên tự tại.

    Năm 393, Đào Uyên Minh 29 tuổi. Lần đầu tiên ông từ giã ruộng vườn bước vào con đường làm quan, giữ chức Tế tửu ở Giang Châu (Tế tửu là một chức học quan). Vào quan lộ, ông chứng kiến tình cảnh xu nịnh gian trá, ông vô cùng thất vọng và đau khổ.

    Không bao lâu sau, ông bèn từ quan về nhà. Nhà ông chỉ là vài gian nhà cỏ, trước cửa có trồng năm cây liễu lớn, dưới bóng liễu là nơi ông thường vẩn vơ uống rượu làm thơ. Mùa hạ, ông dựa vào cửa sổ tay cầm quyển sách chăm chỉ đọc. Ngoài cửa thỉnh thoảng ngọc gió mát thổi lùa vào, ông vui vẻ hưởng thụ đến quên cả ăn cơm.

    Đào Uyên Minh đọc sách, không chú trọng câu nệ vào từng câu từng chữ, mà chủ yếu lĩnh hội yếu chỉ văn chương là đủ. Trong bài tản văn "Ngũ liễu tiên sinh truyện" nổi tiếng ông tự gọi mình là "Ngũ liễu tiên sinh" ghi chép lại sinh hoạt đọc sách của mình. "Thích đọc sách, không cần hiểu quá kỹ, mỗi khi có chỗ hiểu ý đã đủ vui vẻ quên ăn" (Hiếu độc thư, bất cầu thậm giải, một hữu hội ý, tiện hân nhiên vong thực).

    Đào Uyên Minh là người chính trực, yêu thích thiên nhiên. Suốt đời ông, ông sáng tác không ít thơ văn mới mẻ thanh tú, ông là một đại văn học gia thời kỳ Đông Tấn.


    [...]
     
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    XĂM XĂM ĐÈ NẺO LAM KIỀU LẦN SANG


    Đoạn diễn tả Kim Trọng mong nhớ Kiều, đi tìm chỗ ở của Kiều, có câu:

    “Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người,
    Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi.
    Một vùng cỏ mọc xanh rì,
    Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu!
    Gió chiều như giục cơn sầu,
    Vi lô hiu hắt như màu khẩy trêu.
    Nỗi riêng nhớ ít tưởng nhiều,
    Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.”

    (Câu 259 đến 266)​

    Và, khi Kiều sang tiếp xúc với Kim Trọng, có câu:

    “Sinh rằng: “Gió mát trăng trong,
    Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.
    Chày sương chưa nện cầu Lam,
    Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?”

    (Câu 455 đến 458)​

    Lam Kiều” là một cái cầu bắc trên sông Lam thuộc huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây.

    Đời nhà Đường, triều Mục Tông (821 – 825) có một chàng nho sĩ tên Bùi Hàng, lều chõng đi thi mấy lần đều hỏng. Buồn cho thân thế sự nghiệp, Bùi rày đây mai đó ngao du danh lam thắng cảnh. Một hôm, Bùi thuê đò đi Tương Hán, định ghé Ngọc Kinh để xem phong cảnh. Cùng đáp một chuyến đò có một mỹ nhân tên Vân Kiều, người đẹp lại đoan trang, thuỳ mị. Bùi sinh cảm mến, lòng tha thiết mong được kết duyên, mới mượn thơ thay lời, bạo dạn nhờ nữ tỳ của giai nhân đưa giúp:

    “Đồng vi Hồ Việt do hoài tưởng,
    Huống ngộ thiên tiên cách cẩm bình.
    Thảng nhược Ngọc kinh triều hội khứ,
    Nguyệt tuỳ loan hạc nhập thanh vân.”​

    Phan Như Xuyên dịch:

    “Kẻ Hồ người Việt còn thương nhớ,
    Huống cách người tiên chỉ bức mành.
    Ví được Ngọc Kinh cùng nối gót,
    Xin theo loan hạc đến mây xanh.”

    Vân Kiều xem thơ, vui vẻ mỉm cười.

    Nhưng thơ gởi đi mà thơ hồi âm chẳng có. Bùi Hàng lòng áy náy, băn khoăn. Khi đò sắp ghé bến chia tay. Bùi bỗng tiếp được thơ do nữ tỳ của giai nhân đưa đến:

    “Nhứt ẩm Quỳnh tương bách cảnh sinh,
    Huyền sương đáo tận kiến Vân Anh.
    Lam kiều tự hữu thần tiên quật,
    Hà tất khi khu thượng Ngọc Kinh.”​

    Phan Như Xuyên dịch:

    “Uống rượu Quỳnh tương trăm cảnh sinh,
    Huyền sương giã thuốc thấy Vân Anh.
    Lam Kiều vốn thực nơi tiên ở,
    Hà tất nhọc nhằn đến Ngọc Kinh.”

    Bùi không hiểu ý nghĩa ra sao, định hỏi. Nhưng thuyền vừa ghé bến thì Vân Kiều và nữ tỳ thoáng mất. Bùi bồi hồi lại nghiền ngẫm hai câu thơ cuối, Bùi không đến Ngọc Kinh mà hỏi dò người đến Lam Kiều.

    Trời trưa nắng gắt, Bùi mệt lả người liền ghé vào một hàng nước nghỉ chân, hỏi nước uống. Bà lão hàng nước gọi người con gái bưng nước ra. Nàng rất đẹp, trông dáng vẻ tựa Vân Kiều. Bùi bạo dạn hỏi thì ra nàng là em của Vân Kiều tên Vân Anh. Bùi mừng rỡ cho là gặp duyên trời định, mới thuật lại chuyện bài thơ cho bà lão nghe. Bà lão cười bảo:

    Hẳn là con Vân Kiều muốn xe duyên cho cậu đấy.

    Bùi nghe nói nỗi mừng biết lấy chi cân. Nhưng bà cho biết là hiện bà có cái cối mà còn thiếu chiếc chày ngọc để giã thuốc Huyền sương, nếu Bùi tìm được chày nầy thì bà mới bằng lòng cho hai đàng kết duyên tơ tóc. Bùi ưng chịu. Nhưng tìm mãi mà không nơi đâu có chày ngọc. Lòng buồn tha thiết nhưng vẫn không nản chí. Tưởng đã thất vọng, một hôm may mắn Bùi gặp một cụ già bán ngọc mách rằng: tại phố hàng thuốc bắc ở Quắc Châu có một nhà muốn bán một cái chày ngọc, giá đến 200 lượng vàng, nếu cần mua cụ sẽ viết thư giới thiệu. Bùi Hàng mừng rỡ, trở về quê nhà bán tất cả tài sản được 200 lượng vàng, rồi sang Quắc Châu mua được chày ngọc. Lại đem đến Lam Kiều dưng cho bà lão. Bà vô cùng khen ngợi.

    Vân Anh lại bảo:

    Đã có chày ngọc nhưng phải ra công giã thuốc Huyền sương một trăm ngày cho thuốc trường sinh được nhuyễn, thì mới làm lễ thành hôn.

    Bùi Hàng vâng theo. Kết quả, Bùi Hàng và Vân Anh thành nên vợ chồng. Sau cả hai đều thành tiên.

    Chày sương” là chày ngọc dùng để giã thuốc trường sinh “Huyền sương”. “Lam Kiều” chỉ chỗ tiên ở hay người đẹp ở, hoặc chỉ duyên tốt đẹp như gặp duyên với… tiên.

    Trước kia, tác giả “Truyện Kiều” diễn tả Kiều sang chỗ ở của Kim Trọng:

    “Xắn tay mở khoá động Đào,
    Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên thai.”

    Như vậy, Kiều cho chỗ ở của Kim Trong như một cảnh tiên. Còn Kim Trọng đối với chỗ ở của Kiều như thế nào?

    “Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.”

    Như vậy, chỗ ở của Kiều cũng là một cảnh tiên nữa.

    Mối tình đầu của đôi trai tài gái sắc tuyệt đẹp. Họ rất giàu tình cảm, tưởng tượng khá phong phú : tình phối hợp cảnh, cảnh phối hợp tình. Dùng lối thậm xưng, tác giả “Truyện Kiều” diễn tả cảnh và tình của đôi trai gái rất chung nhứt.

    Nhà thơ Xuân Diệu đã có câu:

    “Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi,
    Trong vườn thơm ngát cả hồn tôi.”

    Đương lúc tha thiết yêu đương tất cả đều đẹp, đều là… tiên một cõi.


    [...]
     
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    ĂN CHÁO ĐÁI BÁT


    Một ai đó, khi được người khác giúp đỡ thoát khỏi cảnh khó khăn, hoạn nạn mà sao đó lại phụ ơn, bội nghĩa, thậm chí phản lại ân nhân của mình, thì dân gian thường phê phán, chỉ trích bằng thành ngữ ”Ăn cháo đái bát”. Thí dụ: “Nhà mày trước nghèo đói, nhờ khởi nghĩa được một tí ruộng vườn, tí vợ con. Thế mà rồi ăn cháo đái bát.” (Vũ Cao, “Những người cùng làng”).

    Thành ngữ ăn cháo đái bát gồm hai vế: Vế thứ nhất nói về việc nhận ân nghĩa (ăn cháo), vế thứ hai nói về sự bội bác ân nghĩa đó (đái bát).

    Về thành ngữ này, một số người còn băn khoăn không hiểu dạng đích thực của nó là ”Ăn cháo đái bát” hay ”Ăn cháo đá bát”. Thực ra, điều đó chẳng có nghĩa lý gì, bởi vì hành vi “đái bát”, hay “đá bát” đều biểu thị sự phũ phàng đến thô bạo của người đời. Dĩ nhiên, hành vi đái bát gây ấn tượng mạnh mẻ, nặng nề hơn và phù hợp với cách nói khoa trương phóng đại mà dân gian vẫn ưa dùng. Hơn nữa, trên thực tế sử dụng, hầu như ta chỉ gặp dạng ăn cháo đái bát mà thôi. Như vậy, chẳng cần biện luận nhiều, chúng ta cũng dễ dàng chấp nhận dạng thức ăn cháo đái bát là dạng đích thực của thành ngữ đang xét. Vấn đề đáng quan tâm hơn là tại sao dân gian lại dùng cụm từ ”Ăn cháo” để biểu hiện việc ân nghĩa? Có biết bao nhiêu thứ khác quí hiếm hơn, đáng giá hơn, sao không chọn dùng mà lại dùng ”cháo”, một thức ăn bậc thấp nhất, để chỉ cái ân, cái đức do người khác mang lại? Thông thường cháo là món ăn nhẹ, dễ tiêu đối với người đuối sức hoặc người bệnh không ăn được cơm. Bát cháo từ tay người khác mang lại chăm sóc lẽ nào người bệnh chẳng biết nâng niu trân trọng? Lại nữa ”cháo” trong nhân gian là được các cụ bà thường dùng cúng lễ ở các miếu dưới gốc đa, sau đó ban phát cho trẻ để lấy phước. Vì thế mà có chuyện ”cướp cháo gốc (lá) đa”.

    Khi gặp nạn đói kém, nhiều người quẫn bách, cơm không có ăn, áo không có mặc, sống thoi thóp trong hoạn nạn, những người có tấm lòng nhân đức thường nấu cháo để phát chẩn, giúp cho người bị nạn bát cháo cầm hơi. Bát cháo cứu giúp con người thoát ra khỏi cái đói đến chết người cũng chẳng đáng được ghi lòng tạc dạ hay sao? Một miếng khi đói bằng một gói khi no là thế!

    Những điều liên tưởng ở trên cho thấy cách lập ý, lập tứ của thành ngữ “ăn cháo đái bát” vừa cụ thể vừa rất sâu sắc.

    Với quan niệm sâu kín đó, dân gian đã khéo léo tạo nên một sự đối lập gắt gao giữa một bên là ân nghĩa với một bên khác là hành vi phụ bạc đến mức thô bạo nhằm toát lên giá trị phê phán của thành ngữ ”Ăn cháo đái bát” đối với những kẻ sống không có trước có sau, sống vô ơn bạc nghĩa.

    “Cậu nào lấy mất bi đông người ta rồi. Chỉ được cái ăn cháo đái bát, uống cho khỏe vào rồi vất cả bi đông người ta đi”. (Lê Khánh, “Những ngày vui”).

    Cùng nghĩa với ”Ăn cháo đái bát” trong tiếng Việt còn có những thành ngữ như: ”Qua cầu rút ván”, “qua sông đấm vào sóng”… Tuy vậy, khi sử dụng cần chú ý đến sự khác nhau rất tinh tế về sắc thái ý nghĩa của chúng.


    [...]
     
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BỚI LÔNG TÌM VẾT


    Thành ngữ bới lông tìm vết xuất phát từ thành ngữ Hán Việt suy mao cầu tì. Trong tiếng Việt, thành ngữ này được dùng để chỉ hành vi của những người hay bới móc khuyết điểm, thiếu sót của người khác.

    “Có một bà kia lười lao động, chỉ quanh quẩn ở nhà, con cà con kê, sinh ra lắm chuyện. Bà thóc mách bới lông tìm vết đơm đặt chuyện nọ, chuyện kia, gây xích mích với bà con làng xóm” (Báo Nhân dân ngày 5-4-1974).

    Trước hết, hành động bới lông tìm vết được thực hiện khi xem xét các loại chim đẹp. Ngày xưa bên Trung Hoa hay mở các hội thi chim. Chim đẹp ở bộ lông và dáng điệu. Chim quý ở tiếng hót. Những điều này lộ ra ở bên ngoài, rất hiển nhiên, có thể nhận biết dễ dàng và chính xác. Một khi đã bới lông để dò tìm những vết xấu thân thể có thể bị che khuất dưới lớp lông đẹp của chim có nghĩa là về vẻ đẹp của bộ lông, của dáng điệu, của tiếng hót, những tiêu chí khách quan, có tính chất truyền thống, đã được thừa nhận nhưng vì chủ quan không muốn thừa nhận, hoặc muốn đánh sụt giá vẻ đẹp của chim. Đó là một sự cố tìm moi móc không thiện ý nhằm làm giảm giá trị của loài vật này. Với nhận thức đó, người dân gắn việc bới lông tìm vết với hành vi cố tìm moi móc khuyết điểm của người khác để hạ thấp uy tín của họ.

    Trong vận dụng ngôn ngữ, thành ngữ bới lông tìm vết có thể được sử dụng linh hoạt để nhấn mạnh ý nghĩa biểu đạt của nó.

    “Bới lông mựa nỡ tìm nơi vết
    Cũng có khi kinh, cũng có quyền.”

    (Hồng Đức quốc âm thi tập) ​

    Gần nghĩa với thành ngữ bới lông tìm vết là thành ngữ: Vạch lá tìm sâu.


    [...]
     
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    ĐẤT CÓ LỀ QUÊ CÓ THÓI


    Đi vào bất cứ vùng quê nào, điều cần quan tâm trước hết phải là tập tục, phép tắc ở nơi đó. Hiểu biết, tôn trọng luật tục, thói cách của từng nơi, từng chốn là một yêu cầu văn hóa trong thế ứng xử của mỗi người đối với quan hệ xã hội. Người Việt Nam chúng ta thường khuyên bảo, nhắc nhở nhau đất có lề quê có thói cũng chính là xuất phát từ nhận thức đó.

    Ở câu tục ngữ đất có lề quê có thói, các từ lề, thói gần nghĩa với nhau. Lề chính là thói phép, quy tắc, thông lệ. Chúng ta thường gặp lề với nghĩa này trong các tổ hợp lề lối, lề luật. Lề trong nghĩa này hòa nhập với nghĩa từ lệ trong câu phép vua thua lệ làng và trong các tổ hợp: lệ thường, thường lệ, lệ luật. Thói là cách thức quen thuộc, là tục lệ, tập quán. Với ý nghĩa này, thói có thể kết hợp với các yếu tố gần nghĩa khác để tạo các tổ hợp mới như thói phép, thói tục, thói cách… Rõ ràng, trước đây ý nghĩa của thói chỉ mang sắc thái trung hòa, nhưng dần dà trong tiếng Việt dường như thói được hiểu như là tính nết, lối sống với sắc thái tiêu cực như thói hư tật xấu, thói đời, quen thói hay “Thúc Sinh quen thói bốc rời”. Dẫu từ thói có sự chuyển dịch như thế nhưng ý nghĩa của toàn câu tục ngữ vẫn không bị phương hại gì.

    Người Việt Nam vẫn giữ trong đó một vẻ đẹp đạo lí dân tộc. Đất có lề quê có thói mách bảo cho chúng ta biết tôn trọng quy tắc của làng xã Việt Nam, giúp chúng ta biết được sức mạnh của lề luật này. Đến “phép vua còn thua lệ làng” nữa là!

    Cao hơn nữa, nó còn giúp chúng ta nhớ về cội nguồn. Dẫu đi đâu, về đâu, đừng bao giờ quên mảnh đất chôn nhau cắt rốn với những lề lối, thói quen riêng đã từng nuôi dưỡng phẩm hạnh của mình lớn lên theo thời gian, năm tháng. Dẫu bản thân mình có đạt được địa vị cao sang, có thể trở thành ông nọ, bà kia, nhưng khi trở về làng phải biết tôn trọng, ứng xử theo lệ làng, theo thói cách của quê hương. Dĩ nhiên, tôn trọng phong tục, tập quán quê hương mình bao nhiêu thì cần phải quý trọng tục lệ, lề thói quê người bấy nhiêu.

    Có thể tìm thêm ở câu tục ngữ bằng tiếng Hán nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc để hiểu rõ hơn cái triết lí dân gian trong câu đất có lề quê có thói.

    Trong sử dụng ngôn ngữ, câu tục ngữ đất có lề quê có thói thường được rút gọn thành đất lề quê thói. Một số địa phương dùng câu tục ngữ này với dạng thức đất có lề quê có sói. Ở đây sói là biến thể ngữ âm của thói và là một quy luật tương ứng ngữ âm đều đặn giữa TH – S vốn rất phổ biến trong tiếng Việt, chẳng hạn: thẹo-sẹo, thèm-sèm, thợ-sợ,…


    [...]
     
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    CẠN DÒNG LÁ THẮM DỨT ÐƯỜNG CHIM XANH


    Tưởng nhớ Thuý Kiều, Kim Trọng thẫn thờ đi tìm chỗ ở của Kiều. Nhìn cảnh vật, bóng người đâu chẳng thấy, lòng mang một thất vọng nặng nề:

    “Thẳm nghiêm kín cổng (1) cao tường,
    Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh”.

    (Câu 267 đến 268)​

    Và, khi Kim Trọng may mắn gặp Kiều tại vườn hoa, chàng tỏ tình thương nhớ, yêu đương thì Kiều:

    “Ngần ngừ nàng mới thưa rằng:
    Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong.
    Dầu khi lá thắm chỉ hồng, (2)
    Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
    Nặng lòng xót liễu vì hoa,
    Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa”.

    (Câu 331 đến 336)​

    "Lá thắm" là lá đỏ, do chữ "hồng diệp".

    Ngày xưa, triều vua nào cũng vậy, nhiều giai nhân tuyệt sắc trong nước bị tuyển vào cung làm cung nữ hầu vua. Họ có đi mà chẳng có về, suốt đời chịu cảnh lạnh lùng, buồn duyên tủi phận gối lẻ chiếc bóng trong thâm cung. Chỉ có khi nào bị sa thải vì hết đẹp, vì già...

    Ðời Ðường (618 - 907), triều Hy Tông, có nàng cung nữ tên Hàn Thúy Tần cũng như bao cung nữ khác sống cô lạnh trong thâm cung. Buồn tủi cho số kiếp của mình, nàng thường nhặt những chiếc lá đỏ rồi đề thơ trên lá, thả xuống ngòi nước như mong nước trôi xuôi cuốn đi nỗi tâm sự u uất của mình:

    “Lưu thủy hà thái cấp,
    Cung trung tân nhiệt nhân.
    Ân cần tạ hồng diệp,
    Hảo khư đảo nhân gian”.​

    Tạm dịch:

    “Nước chảy sao mà vội,
    Cung sâu suốt buổi nhàn.
    Ân cần nhờ lá thắm,
    Trôi tận đến nhân gian”.

    Chiếc lá chở bài thơ theo dòng nước chảy xuôi ra ngoài vòng cấm lũy. Lúc bấy giờ có người môn khách của quan Tể tướng Hàn Vinh tên Vu Hựu vốn người phong lưu tài tử, thơ hay chữ tốt, chỉ hiềm nỗi vận chưa đạt nên đành chịu sống nhờ nơi quan Tể tướng họ Hàn. Ðương thơ thẩn ngắm dòng nước chảy, Vu Hựu bỗng nhìn thấy chiếc lá có bài thơ, lấy làm lạ liền vớt lên xem. Cảm tình chan chứa với người gởi thơ lạ mặt, chàng cũng nhặt một chiếc lá, viết một bài thơ vào đấy, đợi dòng nước xuôi mới thả lá xuống cho trôi trở vào cung:

    “Sầu kiến oanh đề liễu nhứ phi,
    Thượng đương cung nữ đoạn trường thì.
    Tư quân bất cấm đông lưu thủy,
    Diệp thượng đề thi ký giữ thùy”.​

    Phan Như Xuyên dịch:

    “Nghe oanh thấy liễu chạnh lòng thương,
    Thương kẻ trong cung lúc đoạn trường.
    Chiếc lá đề thơ trôi mặt nước,
    Gởi cho ai đó nói không tường”.

    Nàng cung nữ họ Hàn thường ngồi thơ thẩn nhìn dòng nước chảy, bỗng bắt được chiếc lá chở bài thơ của người không quen biết, vừa mừng, vừa lấy làm lạ, liền đem cất vào rương son phấn.

    Non mười năm sau, vua mới lên ngôi, sa thải một số cung nữ cũ, trong đó có Hàn Thúy Tần. Nàng đến ở tạm dinh quan Tể tướng họ Hàn là chú họ của nàng, để chờ chuyến thuyền trở về quê nhà. Gặp Vu Hựu, cả hai trò chuyện hợp ý tâm đầu. Tể tướng họ Hàn thấy cả hai xứng lứa vừa đôi nên làm mối cho kết thành duyên giai ngẫu.

    Ðêm tân hôn, Hựu chợt mở rương son phấn của vợ, thấy chiếc lá của mình ngày xưa, chàng cũng đem chiếc lá của mình vớt được, đem cho vợ xem. Cả hai lấy làm lạ, đoạn nhìn nhau âu yếm mỉm cười. Thì ra cả hai giữ hai chiếc lá của nhau, cho là duyên trời định.

    Cảm xúc cảm tình, cổ thi có bài - nhưng có sách lại cho bài sau này do Hàn Thúy Tần làm ra:

    “Nhứt liên giai cú tùy lưu thủy,
    Thập tải ưu tư mãn tố hoài.
    Kim nhựt khước thành loan phượng lữ,
    Phương tri hồng diệp thị lương môi “.​

    Nghĩa:

    “Một đôi thi cú theo dòng nước,
    Mười mấy năm qua nhớ dẫy đầy.
    Mừng bấy ngày nay loan sánh phượng,
    Cũng nhờ lá thắm khéo làm mai”.

    (Bản dịch của Vô Danh)​

    "Chim xanh" tức là chim báo tin.

    Nguyên vua Võ Ðế đời nhà Hán đương ngự chơi ở vườn Thượng uyển, bỗng thấy có hai con chim xanh bay đến. Ðông Phương Sóc hầu bên tâu rằng: đó là sứ giả của Tây vương mẫu đến trước báo tin Tây vương mẫu sắp đến. Quả nhiên, một lúc sau, Tây vương mẫu đến thăm nhà vua.

    "Chim xanh" được mượn chỉ sứ giả, người đưa tin.

    "Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh" có nghĩa là không có dòng sông thả lá thắm, không có lối chim xanh bay vào, ý nói không thông tin tức được với người bên trong. Xem như tất cả nỗi chờ mong gặp gỡ hay tin tức đều hoàn toàn tuyệt vọng.

    Ðoạn tả Kim Trọng có vẻ suồng sã, lả lơi với Kiều, Kiều khuyên có câu:

    “Vẻ chi một đoá yêu đào,
    Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh”.

    (Câu 503 đến 504)​

    "Chim xanh" ở đây không còn có ý nghĩa chỉ sứ giả nữa, mà chỉ người mai mối. Kiều nói nhún mình: "Thân em là (một hoa đào) tầm thường trong vườn đào đáng giá gì mà không bằng lòng chấp nhận người mai mối (một khi chàng yêu) được chàng đưa đến... Vậy là Thúy Kiều "buộc" Kim Trọng phải thực hiện điều quan trọng đầu tiên hơn hết, rồi sau sẽ muốn gì thì muốn. "Ai lại tiếc gì với ai", chớ giờ thì "Chữ trinh đáng giá ngàn vàng"...


    ______

    (1) Có bản chép: “Kín cổng”. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cho là thực sai. Vì cái cổng kín mít nên lá thắm bên trong không trôi ra được (Truyện Kiều chú giải tân truyện), “Kín cổng” hay “cao tường” cùng một ý nghĩa nhưng người ta thường nói cả hai chung nhau “kín cổng cao tường” thành một thành ngữ để chỉ bên trong và bên ngoài vẫn kín mít, không tiếp xúc nhau được. Riêng theo mạch văn thì “kín cổng” mới đúng. Vì cổng kín nên không có dòng nước để thả lá đề thơ, cũng như tường cao chim không vào được. Hai cảnh tượng trên “kín cổng” và “cao tường” đối với hai cảnh tượng dưới “Cạn dòng lá thắm” và “dứt đường chim xanh” hoặc ngược lại đối với hai cảnh tượng trên, có thể mới tương ứng, phù hợp với tính nhứt quán của ý văn.

    (2) Xem ở một bài sau: “Nàng rằng hồng diệp xích thằng”.


    [...]
     
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    ĂN ỐC NÓI MÒ


    Mới nghe qua dường như có thể giải thích thành ngữ ăn ốc nói mò nhờ vào quan hệ nhân quả: "ăn ốc thì nói mò" hay "Vì ăn ốc nên nói mò", tương tư như khi hiểu các tổ hợp từ ăn ốc lạnh bụng, uống rượu nhức đầu, hút thuốc khản giọng... Song, cái ý nói mò (tức nói đoán chừng, hú họa, không chắc trúng, vì không có đủ căn cứ để nói) của ăn ốc nói mò lại chẳng có mối liên hệ nào với việc ăn ốc cả. Nói cách khác, ở đây giữa ăn ốcnói mò không có quan hệ nhân quả. Vậy thì, ăn ốcnói mò kết hợp với nhau theo quan hệ gì? Và thành ngữ ăn ốc nói mò đã xuất hiện như thế nào?

    Có người cho ăn ốc nói mò có xuất xứ ở việc uống rượu ăn ốc ở các quán đầu làng. Rượu vào lời ra. Người quá chén thường nói năng lung tung, hết chuyện này sang chuyện khác, đúng, sai, hay, dở, tục, thanh, không để ý tới. Cách giải thích này xem ra có một tí lí lẽ, song chưa thể yên tâm được. Nói mò trong ăn ốc nói mò không phải nói lung tung, chuyện này sang chuyện nọ như người say rượu, mà là nói hú họa, đoán chừng về một điều cụ thể, vốn xác thực nhưng không biết hoặc chưa biết chắc chỗ đúng của điều cần nói là đâu.

    Cũng có người nghĩ tới quan hệ điều kiện - giả định giữa việc ăn ốc và việc mò ốc; "muốn ăn ốc phải mò ốc", để cắt nghĩa xuất xứ của ăn ốc nói mò. Nhưng tại sao ý "muốn ăn ốc phải mò ốc" lại liên hội được với ý "nói mò, nói hú họa, nói không có chứng cứ" của ăn ốc nói mò đã nêu trên.

    Chúng ta thử tìm hiểu nguyên lai của thành ngữ này theo một hướng khác.

    Như đã biết, trong tiếng Việt có một từ là động từ (mò ốc, mò cua...) và một từ là trạng từ (nói mò, đoán mò...). trong ăn ốc nói mò chính là từ mò trạng từ, chỉ cách thức hành động. Như vậy, giả định có quan hệ điều kiện giữa ăn ốcmò ốc nêu trên là không có lí. Điều cần làm rõ ở đây là, vậy thì (nói) đã đi vào ăn ốc nói mò bằng con đường nào?

    Trong lời ăn tiếng nói của dân gian, bên cạnh ăn ốc nói mò chúng ta còn gặp các cách nói ăn măng nói mọc, ăn cò nói bay, ăn măng nói mọc chỉ sự bịa đặt, dựng chuyện, vu khống; ăn cò nói bay nói về thói chối bay, chối phắt, coi như không có, không biết điều đó có xảy ra thật. Ở hai cách nói này, gánh nặng ý rơi vào các vế sau, (nói mọc, nói bay), giống như cách nói ăn ốc nói mò. Và, vế đầu (ăn măng, ăn cò) dường như chỉ giữ chức năng cấu tạo hình thái chứ không mang chức năng biểu ý. Đây là một loại cấu trúc độc đáo, rất hiếm thấy trong thành ngữ tiếng Việt. Có thể hình dung cơ chế tạo lập kiểu cấu trúc như sau:

    1. Có một "từ" A biểu thị một hiện thực, ví dụ mọc... ăn măng nói mọc biểu thị tính hay vu khống, dựng chuyện ở một loại người nào đó.

    2. Do nhu cầu diễn đạt có tính hình ảnh, gây ấn tượng mạnh mẽ hơn, người ta đã tạo ra lối nói mới dựa trên khuôn mẫu của cách nói đã có trước trong ngôn ngữ. Cách nói mới này được xây dựng theo nguyên tắc:

    a) Tìm trong ngôn ngữ một từ (B) có quan hệ lôgích với A, sao cho được một quan hệ khi kết hợp với A (theo trật tự AB hoặc BA) hợp với lôgích nhận thức người bản ngữ. Ví dụ: nếu A là mọc thì B phải là măng (hay trăng, răng,...), vì nói măng mọc (hay trăng mọc, răng mọc,...) đều có thể quan niệm được. Còn nếu A là bay thì B là phải là (chim, cờ, lá,...) vì nói chim bay (cờ bay, lá bay)... đều hợp lôgích.

    b) Tùy vào đặc tính phạm trù của điều được nói đến và của hiện thực do B biểu đạt, tìm một hình thức (từ hoặc tổ hợp từ) có khả năng tương kết với AB (BA) theo luật này hay khác (chẳng hạn, đối với điệp) để tạo thành khuôn của cách nói mới. Chẳng hạn, điều được nói tới trong ăn măng nói mọc (ăn ốc nói mò, ăn cò nói bay,...) có thể quy vào phạm trù ứng xử nói năng, do đó, các từ được chọn làm yếu tố cấu trúc có thể ăn nói, lời lẽ, nói năng,... Vì B là từ chỉ sự vật thuộc phạm trù cái ăn được, nên người nói đã chọn từ ăn nói trong số các từ trên tương kết với măng mọc.

    Cuối cùng, dùng luật đối điệp, vốn là biện pháp được dùng rất phổ biến trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, với tư cách là chất gắn kết các yếu tố A, B để tạo thành khuôn mới. Cụ thể ăn măng nói mọc được phân tích như sau: ăn nói tương kết với măng mọc nhờ luật đối và điệp tạo thành ăn măng nói mọc giống như dân gian đã dùng các từ ong bướmlả lơi để tạo ra thành ngữ bướm lả ong lơi hoặc dùng các từ đi vềmây gió để tạo ra đi mây về gió. Ăn mò cò bayăn ốc nói mò đều được tạo thành theo con đường trên.


    [...]
     
    Heoconmtv, vuivui2013, lichan and 2 others like this.
  13. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...]


    LÁ MẶT LÁ TRÁI


    Thành ngữ này được dùng để chỉ lòng dạ đổi thay tráo trở của con người.

    ''Bạn bè ngày nay lá mặt lá trái không biết đâu mà lường''. (Ước mơ tuổi trẻ, tr.69).

    Người ta quen dùng thành ngữ lá mặt lá trái song có lẽ cũng ít ai biết đến xuất xứ của nó.

    Lá mặt tức là mặt phải của lá (trong tiếng địa phương miền Nam mặt là bên phải, tay mặt là tay phải), và lá trái tức là mặt trái của lá. Thành ngữ lá mặt lá trái có thể bắt nguồn từ cách làm các loại bánh lá.

    Thông thường, đối với các loại bánh lá, người ta có thể phân biệt chúng qua hình thức bên ngoài như bánh gai gói bằng lá chuối khô, bánh nếp gói bằng lá chuối tươi. Song đối với một loại bánh mà có nhân khác nhau phân biệt sẽ trở nên khó khăn. Trong trường hợp này, người làm bánh phải đánh dấu bằng kiểu buộc lạt hoặc bằng cách tạo dáng khác nhau. Và cách đánh dấu đơn giản nhất là dùng ngay lớp lá ngoài cùng của chiếc bánh: Quay mặt phải của lá ra ngoài hay mặt trái của lá ra ngoài. Chẳng hạn, đối với bánh nếp khi gói mặt phải lá quay ra tức là bánh nhân mặn (đỗ xanh, thịt lợn) còn mặt trái lá quay ra là bánh nhân ngọt (đỗ xanh, đường). Cách đánh dấu như vậy hoàn toàn có tính chất quy ước, chỉ có giá trị đối với từng vùng, từng làng, thậm chí từng người làm bánh. Khi quy ước tạm thời được chấp thuận thì những kẻ không có lương tâm nghề nghiệp đã cố tình vi phạm quy ước, làm ra những chiếc bánh có chất lượng kém thậm chí đánh tráo cả loại bánh ''lá mặt" với loại bánh “lá trái” để kiếm nhiều lời!

    Thành ngữ lá mặt lá trái ra đời từ đó và được dùng phổ biến để biểu thị sự tráo trở, lật lọng của con người.


    [...]
     
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BẤT NHẬP HỔ HUYỆT, YÊN ĐẮC HỔ TỬ
    不入虎穴 , 焉得虎子
    (KHÔNG VÀO HANG HỔ, SAO BẮT ĐƯỢC HỔ CON)


    XUẤT XỨ

    Phần“Ban Siêu truyện” trong sách Hậu Hán thư có câu: “Siêu nói: “Không vào hang hổ, không bắt được hổ con” (Siêu viết: “ Bất nhập hổ huyệt, bất đắc hổ tử”).


    GIẢNG NGHĨA

    Câu “Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử” này để tỉ dụ nếu không mạo hiểm, không thể thành công.

    Hiện nay dùng để tỉ dụ không trải qua thực tiễn gian khổ, không thể biết được sự việc.


    ĐIỂN TÍCH

    Danh tướng Đông Hán Ban Siêu, đầu tiên được giữ chức Đô úy sau được Đậu Cố phong làm Tư mã đem quân đi đánh Hung Nô, đắc thắng trở về. Đậu Cố hân hoan, để giúp ông có điều kiện phát huy tài năng hơn nữa, bèn sai ông và tùy tùng Quách Tuần dẫn theo 36 tướng sĩ đi sứ sang Tây Vực. Đầu tiên Ban Siêu đến nước Thiện Thiện. Quốc vương Thiện Thiện đón tiếp ông long trọng và ban cho sứ bộ khá nhiều lễ vật. Nhưng chỉ một thời gian sau, Ban Siêu phát hiện đột nhiên quốc vương Thiện Thiện lại tỏ ra lạnh lùng xa lánh họ. Ông cảnh giác nói với các tùy tùng: “Các ông có phát hiện thài độ quốc vương có đột ngột thay đổi không? Theo ta, nhất định là do có sứ giả Hung Nô đến đây khiến cho quốc vương Thiện Thiện đâm ra do dự không biết nên theo chúng hay theo ta đấy!”

    Sau khi dò xét nắm chắc tình hình đúng như mình phán đoán, Ban Siêu liền chiêu tập các tướng sĩ đến, khích lệ mọi người: “Sứ giả Hung Nô đã đến khiến Thiện Thiện vương xa lánh chúng ta. Nếu chúng ta bị giao cho Hung Nô, chắc chắn không còn đường sống. Các ông muốn lập công vì nước hay là muốn bó tay chịu trói?”. Các tướng sĩ đều hô lớn: “Chúng tôi xin tuân theo lệnh chỉ huy của ngài!”. Ban Siêu cả quyết: “Không vào hang hổ, không bắt được hổ con, không mạo hiểm, không thể thành công. Kế hoạch trước mắt là cần nhân ban đêm dùng lửa tấn công bọn sứ giả Hung Nô, bọn chúng không nắm rõ về ta chắc chắn sẽ hoảng sợ hỗn loạn. Chúng ta sẽ tiêu diệt bọn chúng. Có như vậy mới cắt đứt hẳn ý muốn đầu hàng Hung Nô của vua Thiện Thiện!”. Các tướng sĩ hỏi: “Có nên báo việc này với Quách Tuần hay không?”. Ban Siêu đáp: “Không cần, tên văn quan nhát gan ấy biết càng dễ tiết lộ mưu cơ của ta thôi”.

    Ngay đêm ấy, Ban Siêu chỉ huy toàn thể tướng sĩ xông vào doanh trại của sứ giả Hung Nô. Đoàn sứ giả Hung Nô hoàn toàn bị bất ngờ, lửa bốc lên ngùn ngụt, tiếng hò hét, tiếng đao kiếm loạn đả trong thoáng chốc tiêu diệt toàn bộ sứ đoàn Hung Nô. Quả nhiên, từ đó nước Thiện Thiện không dám nương tựa vào Hung Nô nữa, phải ký hòa ước lâu dài với triều Hán.

    Hành động “không vào hang hổ, không bắt được hổ con” của Ban Siêu làm chấn động toàn quốc, sau này trở thành thành ngữ lưu truyền đến nay.


    [...]
     
    Heoconmtv, lichan, chis and 1 other person like this.
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    TRẦN TRẦN MỘT PHẬN ẤP CÂY ĐÃ LIỀU


    Chờ đón và đón chờ, Kim Trọng may mắn gặp Kiều bên hiên Lâm thuý giữa lúc Kiều đương tìm cành hoa đánh rơi ở vườn hoa, chàng tỏ tình mong nhớ tương tư Kiều:

    “Rằng: “Từ ngẫu nhĩ gặp nhau,
    Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn.
    Xương mai tính đã rũ mòn,
    Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay.
    Tháng tròn như gởi cung mây,
    Trần trần một phận ấp cây đã liều.
    Tiện đây xin một hai điều,
    Đài gương soi thấu dấu bèo cho chăng?”

    (Câu 323 đến 330)​

    “Ấp cây” là ôm cây cột cầu.

    Tình sử Trung Hoa” có chuyện chàng Vĩ Sinh, người nước Lỗ, vốn một nho sinh, tính tình thuần hậu, luôn luôn giữ lấy chữ tín dầu đối với một cậu bé con.

    Vĩ Sinh nổi tiếng chữ tốt văn hay.

    Trong trường, bài của Sinh thường được thầy đem ra bình. Giọng đọc của Sinh trong trẻo được nhiều người chú ý ngợi khen. Gần trường là nhà viên ngoại họ Triệu có nàng con gái tên Thường Khanh. Giờ bình văn, nàng thường sang trường, đứng sau vách nghe trộm.

    Nghe tiếng, thấy người, thưởng thức văn chương… nàng Thường Khanh cảm thấy con tim mình bắt đầu đập một nhịp điệu lâng lâng khó tả. Vĩ Sinh dường có linh tính, biết có người đẹp nghe trộm, nên vừa đọc văn vừa thỉnh thoảng liếc nhìn phía sau vách. Bốn mắt chạm nhau, bấy giờ giọng của Sinh càng ngân vang lên như gởi cả tâm hồn mong được người đẹp nghe lén kia thưởng thức…

    Rồi từ đó, Vĩ Sinh đi đến trường sang ngang vườn hoa của viên ngoại họ Triệu, chàng thấy thấp thoáng bóng nàng tha thướt hái hoa, chàng bạo dạn đứng lại, thỏ thẻ xin nàng một cành hoa. Thường Khanh nhoẻn nụ cười e lệ, cầm hoa trao tặng chàng.

    Cứ thế và ngày nào cũng thế. Chàng sang ngang vườn thì đã có nàng dường như nàng sẵn đón chờ nơi đấy. Họ không hẹn gặp nhau, nhưng gặp nhau như hẹn. tuy có một đội khi vắng nàng, chàng cảm thấy một nỗi nhớ nhung, bâng khuâng vô cùng. Một hôm gặp nhau, chàng đánh bạo nói với nàng sẽ gặp nhau trong đêm bên một đầu cầu phía tây thôn, để có thì giờ trao đổi tâm sự kết niềm giao ước. Nàng vui vẻ bằng lòng.

    Chàng chờ tối mau đến.

    Chàng đến bên cầu chờ nàng.

    Giờ khắc chờ đợi của kẻ mong ngóng đợi chờ như ngưng đọng lại. Sao bóng người yêu lại vắng bặt. Bỗng mây kéo đen kịt một góc trời rồi tối sầm lại. Mưa rơi mỗi lúc càng nặng hột. Vì giữ chữ tín, Vĩ Sinh vẫn đứng chờ. Chàng xuống dạ cầu để tránh đỡ. Gió giựt mạnh từng hồi như muốn xô đổ cả cây cối, Vĩ Sinh phải ôm lấy cột cầu mà chịu. Mưa băng gió quật, sét nổ từng lúc vang vầy, nước dưới cầu mỗi lúc dưng cao. Dòng nước siết chảy như muốn lôi phăng đi tất cả những gì bên cầu.

    Tấm thân chàng nho sĩ yếu đuối không chịu đựng nổi trước sự tàn phá hung hãn của tạo hoá trớ trêu, cuối cùng đành chịu chết đuối dưới sông bên cột cầu chờ đợi, để mặc thân xác lôi cuốn theo dòng.

    “Trần trần một phận ấp cây đã liều” được coi như một lời thề. Kim Trọng quyết định cái số phận mình như Vĩ Sinh thề đợi Kiều, dầu lâm phải bao cảnh gian nguy thà chết thì thôi!


    [...]
     
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ... Có mấy bạn thắc mắc: thường khi trao đổi hay... về tính hai mặt của một vấn đề, hoặc đối lập thể... tdc hay dùng điển mâu thuẫn trong tích cổ Trung Hoa... Vậy, mình sẽ trình bày lại nguyên lai theo cách của Nguyễn Tôn Nhan, một cố nhân đáng kính... và cũng từ bài này trở đi, mình cũng sẽ không đưa bất kỳ Hán tự nào vào bài viết, chỉ dùng Phiên âm tiếng Việt mà thôi!...


    TỰ TƯƠNG MÂU THUẪN
    (TỰ CHỐNG LẠI NHAU)

    XUẤT XỨ

    Chữ Mâu thuẫn này thấy ở trong thiên “Nạn nhất” sách Hàn Phi tử: “Nước Sở có người bán cái mâu (một loại giáo dài) và cáí thuẫn (vũ khí giống như lá chắn). Y khoe: “Cái mâu của tôi rất nhọn bất cứ vật gì cũng đâm thủng qua được”. Đến khi quảng cáo cái thuẫn y lại nói: “Cái thuẫn của tôi chắc lắm, không có vật gì đâm xuyên qua nó được”. Có người hỏi: “Nếu lấy cái mâu của ông đâm cái thuẫn của ông thì sao?” Người ấy không đáp được (Sở nhân hữu chúc thuẫn dữ mâu giả, dự chi viết: “Ngô thuẫn chi kiên, vật mạc năng hãm dã”. Hựu dự kỳ mâu viết: “Ngô mâu chi lợi, ư vật vô bất hãm dã”. Hoặc viết: “Dĩ tử chi mâu, hãm tử chi thuẫn, hà như?” Kỳ nhân phất năng ứng dã).


    GIẢNG NGHĨA

    Mâu thuẫn
    là 2 loại võ khí thời cổ. Mâu dùng để tấn công địch, Thuẫn dùng để che chắn bảo vệ mình.

    Câu “Tự tương mâu thuẫn” này để tỉ dụ ngôn ngữ và hành động trước và sau tự chống đối nhau.


    ĐlỂN TÍCH

    Ngày xa xưa, nước Sở có một người làm nghề bán binh khí, bày cái Mâu và cái Thuẫn ra giữa chợ. Người ta vây vòng chung quanh xem. Y dơ cao cái Thuẫn (binh khí dùng để che chắn chống đỡ địch) khoác lác với mọi người: “Cái thuẫn này của tôi cứng vô cùng, bất cứ vật nhọn gì trên đời này cũng không thế đâm xuyên qua nó được”. Mọi người chăm chú nhìn cái thuẫn ấy của y, không ai nói câu nào. Người bán binh khí ấy lại múa cái Mâu dài như cái giáo, lớn giọng khoe khoang: “Mũi mâu này của tôi nhọn sắc vô cùng không có gì cứng mà nó không xuyên qua được, bất cứ cái thuẫn nào cứng tới đâu bị nó đâm vào là xuyên qua liền!” Trong đám đông có người hỏi: “Ông hãy cầm cái mâu của ông đâm xuyên qua cái thuẫn của ông xem kết quả ra sao?” Người bán binh khí cứng đơ lưỡi không biết trả lời ra sao quơ luôn mâuthuẫn bỏ đi.

    Sau này người ta dùng thành ngữ “Tự tương Mâu Thuẫn" để tỉ dụ ngôn ngữ trước và sau tự chống lại nhau.


    [...]
     
    Heoconmtv and teacher.anh like this.
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    ĐỒNG BỆNH TƯƠNG LÂN
    (CÙNG BỆNH THƯƠNG NHAU)


    XUẤT XỨ

    Phần "Hạp Lư nội truyện” trong sách Ngô Việt Xuân Thu có câu: “Tử Tư nói: “Sự oán thù của tôi giống với Bá Hỉ. Ông không biết bài "Hà thượng ca” ư? Cùng một bệnh thì thương nhau, cùng một nỗi lo thì cứu giúp nhau” (Tử Tư viết: “Ngô chi oán dữ Hỉ đồng. Tử bất văn “Hà thượng ca” hồ? Đồng bệnh tương lân, đồng ưu tương cứu”).


    GIẢNG NGHĨA

    Câu này tỉ dụ khi cảnh ngộ giống nhau sẽ đồng tình với nhau (Người tên Hỉ ở phần xuất xứ, trong sách Tả Truyện viết là Bá Hỉ - vốn là đại phu nước Sở, sau chạy trốn sang nước Ngô).


    ĐIỂN TÍCH

    Ngũ Viên tên tự Tử Tư là người nước Sở cuối đời Xuân Thu, tính tình cương trực ngay thẳng rất nhiều đảm lược. Cha ông là Ngũ Xa làm Thái phó cho Thái tử Kiến, anh ông là Ngũ Thượng làm quan ở Đường ấp (nay thuộc Giang Tô). Tử Tư sống lâu dài với anh. Ngũ Xa là một lão thần trung hậu chính trực rất được Thái tử Kiến khâm phục kính trọng. Cùng phụ tá Thái tử Kiến với Ngũ Xa còn có Thiếu phó Phí Vô Cực, là một tiểu nhân gian xảo nịnh bợ, Thái tử Kiến rất chán ghét tên họ Phí này, vì vậy mà hắn đâm ra bất mãn thù hận.

    Năm 527 trước Công nguyên, Phí Vô Cực vâng lệnh Sở Bình vương đi sang nước Tần hỏi cưới vợ cho Thái tử Kiến rồi dẫn cô dâu mới về Sở, hắn nói với Sở Bình vương: “Tân giai nhân cực kỳ diễm lệ, sao đại vương không giữ lấy rồi cưới vợ khác cho Thái tử?” Bình vương là loại hiếu sắc, ông ta vui vẻ ra lệnh Phí Vô Cực dẫn tân nương vào hậu cung. Bình vương chiếm được người con gái nước Tần ấy, lập lên làm phu nhân, từ đó tỏ ra lạnh lùng xa lánh Thái tử Kiến, sau đó sai Thái tử đi trấn giữ biên cương Thành Phụ (nay thuộc An Huy). Phí Vô Cực thừa cơ luôn luôn tâu xằng bậy với Bình vương rằng Thái tử để tâm oán hận vì bị cướp mất vợ trước, nên đang chuẩn bị giao kết với các nước chư hầu dấy binh làm phản. Bình vương tin thật, lập tức cho gọi Thái phó Ngũ Xa về trách móc, Ngũ Xa biết đây là lời vu cáo của Phí Vô Cực, bèn đáp: “Sao đại vương lại nghẹ lời sàm bậy của tiểu nhân mà xa lánh cốt nhục?” Bình vương kể lời ấy của Ngũ Xa cho Phí Vô Cực nghe. Phí Vô Cực nói: “Ngũ Xa đã liên kết âm mưu cùng Thái tử Kiến, nếu nay đại vương không dẹp âm mưu ấy của chúng, mai đây hối hận cũng muộn mất!” Vì đó, Bình vương ra lệnh bắt giữ Ngũ Xa, đồng thời lệnh cho tay chân ở Thành Phụ giết chết ngay Thái tử Kiến. Ngũ Xa bị tống vào ngục, Phí Vô Cực lại xúi giục Bình vương: “Ngũ Xa có 2 đứa con tài năng xuất chúng nếu không diệt trừ chúng đi, mai kia chúng sẽ thành đại họa của nước Sở đấy!” Bình vương liền phái người tới nói với anh em họ Ngũ: “Các ngươi hãy mau đến Sính Đô (nay thuộc Hồ Bắc, Giang Lăng) cha các ngươi sẽ được tha, trái lại các ngươi sẽ bị xử tử”. Ngũ Thượng muốn đến Sính Đô để gặp cha, nhưng Ngũ Tử Tư bảo: “Thưa anh, Sở vương gọi chúng ta về Sính Đô là để nhổ cỏ tận gốc. Việc gì chúng ta phải tìm đến chỗ chết? Chi bằng ta chạy sang nước khác hi vọng tương lai còn dịp báo thù cho cha”. Ngũ Thượng quá thương cha, cứ theo sứ giả về Sính Đô, quả nhiên đúng như lời Ngũ Tử Tư, Ngu Thượng và cha đều bị Sở Bình vương xử tử. Một mình Ngũ Tử Tư trốn khỏi nước Sở sống lưu vong một thời gian ở 2 nước Tống và Trịnh nếm trải đủ mùi gian khổ, cuối cùng ông trốn sang nước Ngô. Đương thời, công tử Quang ở nước Ngô đang âm thầm thu nạp nhân tài, chuẩn bị chờ dịp nổi lên làm chính biến chiếm lấy ngai vàng. Tử Tư đến nước Ngô, tiến cử dũng sĩ Chuyên Chư cho công tử Quang giúp y giết chết Ngô vương Liêu. Công tử Quang lên nối ngôi, sử sách gọi là Ngô vương Hạp Lư, Hạp Lư cảm kích vì công của Tử Tư, phong ông làm Hành nhân (chức quan nắm triều chính). Tử Tư dốc hết tâm lực phò tá Ngô vương trị nước, chuẩn bị đánh nước Sở báo thù cho cha và anh.

    Năm 515 trước Công nguyên, nước Sở xảy ra biến cố lớn: Phí Vô Cực tác oai tác quái làm nhiều chuyện ngạo ngược khiến một đại thần tên Bá Hỉ phải bỏ chạy sang Ngô. Hạp Lư đang bàn việc đánh Sở với Tử Tư, nghe tin có Bá Hỉ chạy sang, vội cho mời vào mở yến tiệc khoản đãi. Trong tiệc, Hạp Lư hỏi Bá Hỉ: “Vì sao tiên sinh lạỉ chạy sang tệ quốc?” Bá Hỉ đáp: “Đại vương dùng lễ đãi kẻ sĩ ở dưới, Tử Từ vừa sang đây đã được đãi như thượng khách, do vậy thần mới không quản ngàn dặm sang đây nhờ đại vương”. Tiếp đó, Bá Hỉ kể rõ tình hình nước Sở đang rối loạn, Tử Tư nghe xong tỏ vẻ đồng tình. Các đại phu trong tiệc hỏi Tử Tư: “Bá Hỉ là người ra sao chưa rõ tường tận, tại sao ngài vừa gặp đã vội tin thế?” Tử Tư đáp: “Vì mối thù của tôi với ông ấy giống nhau. Các ông có nghe bài “Hà thượng ca” chưạ? Nội dung bài ấy nói rằng người ta cùng một bệnh thì thương nhau, cùng một nỗi lo thì cứu nhau. Ông ấy với tôi có số phận như nhau, sao tôi không tận tình với ông ấy?”

    Bá Hỉ được phong làm đại phu. Khi Hạp Lư còn sống, Tử Tư và Bá Hỉ cùng một lòng phụ chính khiến nước Ngô mỗi ngày một cường thịnh, dành được nhiều thắng lợi trong chiến tranh với Sở.

    Thành ngữ “Đồng bệnh tương lân” từ đó cũng lưu truyền mãi mãi.


    [...]
     
    Last edited by a moderator: 5/7/16
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    SÔNG TƯƠNG MỘT DẢI NÔNG SỜ


    Trong buổi sơ ngộ tại vườn hoa, Kim Trọng và Thuý Kiều trao tặng kỷ vật cho nhau: khăn hồng cành thoa, quạt quì… nhưng những lời tâm sự trao đổi chưa dứt, thì bỗng có tiếng động khiến cả hai phải quay trở về, lòng càng ôm ấp nỗi niềm mong nhớ:

    “Từ khi đá biết tuổi vàng,
    Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ.
    Sông Tương một dải nông sờ,
    Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.”

    (Câu 363 đến 366)​

    Nhà Hậu Châu đời Ngũ Quý (907 – 955), ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương [*] có gia đình học Lương sinh một cô gái tên Ý Nương. Nàng có sắc đẹp lại hay chữ. Ở nhà trọ có chàng Lý Sinh, một hàn sĩ vẻ người thanh tú. Nhân một đêm Trung thu, Ý Nương thưởng trăng bỗng gặp Lý Sinh. Trai tài gái sắc gặp nhau, trao đổi tâm tình. Từ đó cả hai thường tìm cách lui tới, quyến luyến không muốn xa nhau.

    Cụ Lương biết được đuổi Lý Sinh đi. Ý Nương lấy làm đau khổ sinh bịnh tương tư, mới làm bài khúc “Trường tương tư” mong gởi nguồn tâm sự cho người yêu biết. Lời cực kỳ ai oán não ruột:

    “Nhân đạo Tương giang thâm,
    Vị để tương tư bán.
    Giang thâm chung hữu để,
    Tương tư vô biên ngạn.
    Quân tại Tương giang đầu,
    Thiếp tại Tương giang vĩ.
    Tương tư bất tương kiến,
    Đồng ẩm Tương giang thuỷ.
    Mộng hồn phi bất đáo,
    Sở khiếm duy nhứt tử.
    Nhập ngã tương tư môn,
    Tri ngã tương tư khổ!”​

    Tạm dịch:

    “Người bảo sông Tương sâu,
    Nhưng chưa bằng nguồn tương tư.
    Sông sâu còn có đáy,
    Tương tư không bến bờ.
    Chàng ở đầu sông Tương,
    Thiếp ở cuối sông Tương.
    Tương tư không gặp mặt,
    Cùng uống nước sông Tương.
    Hồn mơ bay chẳng đến,
    Chỉ thiếu một điều chết.
    Ta vào cửa tương tư,
    Mới biết tương tư đau khổ!”

    Lý Sinh tiếp được thơ, đọc xong cảm xót vô cùng, đầm đìa nước mắt. Chàng chạy nhờ mai mối đến năn nỉ cụ Lương, kể lể mối tình đầu, xin hỏi nàng làm vợ. Cụ Lương trước còn dùng dằng, sau được đọc khúc “Trường tương tư” của con, lấy làm cảm động nên bằng lòng cho Sinh cùng nàng Ý kết duyên.

    Tác dụng của văn chương.

    Tác dụng mạnh mẽ của một bài thơ.

    Bài khúc “Trường tương tư” gồm 12 câu, mỗi câu 5 chữ toàn giọng lâm ly ai oán não nùng. Nhưng tác giả “Truyện Kiều” chuyển hoá chỉ bằng 2 câu lục bát điêu luyện:

    “Sông Tương một dải nông sờ,
    Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.”

    Thực là tuyệt diệu.


    [...]

    _____

    (*) Sông Tiêu Tương: tức là sông Tương và ngọn Tiêu thuỷ. Sông Tương phát nguyên ở núi Hải Dương, gần Quế Lâm trên bắc bộ tỉnh Quảng Tây chảy ngang thành Linh Lăng, Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, đổ vào hồ Động Đình. Ngọc sông Tiêu là một nhánh của sông Tương, phát nguyên ở núi Cửu Nghi Lãnh, dưới nam bộ tỉnh Hồ Nam, đổ vào sông Tương tại thị trấn Linh Lăng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/7/16
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    :p! Bài đọc thêm:


    TƯƠNG TƯ HOÀI… DÀI TƯƠNG TƯ


    Câu chuyện không nhiều tình tiết lắm, nhưng bài thơ của người trong cuộc là một giai phẩm về mối tình yêu đương:

    Khoảng giữa thế kỷ thứ X, đời Ngũ Đại, nhà Hậu Chu, gia đình họ Lương có người con gái đẹp tên là Ý Nương. Chàng trai họ Lý, thường gọi là Lý Sinh, thường đi lại giao thiệp. Hai người quen nhau rồi cùng gắn bó. Vượt ra ngoài gia pháp, đôi uyên ương quấn quít nhau, bất chấp những lời đàm tiếu. Ông bố Ý Nương bất bình, ra lệnh không cho Lý Sinh đến nhà nữa.

    Hai người xa nhau. Suốt ba năm ròng rã, Ý Nương sống trong thương nhớ âm thầm. Nàng làm một bài ca lấy đề là Tương Tư, gởi cho Lý Sinh.

    Chàng trai nhận được sáng tác của người yêu vô cùng đau khổ. Chàng tìm người tin cẩn, cố sức đến thuyết phục ông bố. Cuối cùng, ông già bớt giận, cho hai người đẹp đôi.

    Bài ca của Lương Ý Nương được nổi tiếng. Có lẽ mấy chữ “Trường tương tư” bất tử trong văn học Trung Quốc xưa nay, khởi đầu từ bài thơ của nàng.

    Nguyên văn:

    Hoa hoa diệp diệp lạc phân phân
    Chung nhật tư quân bất kiến quân
    Trường dục đoạn hề trường dục đoạn
    Lệ châu ngân thượng cánh thiêm ngân

    Ngã hữu nhất thốt tâm
    Vô nhân cộng ngã thuyết
    Nguyên phong xuy tán vân
    Tố dữ thiên biên nguyệt

    Huề cầm thượng cao lâu
    Lâu cao nguyệt hoa mãn
    Tương tư đàn vị chung
    Lệ trích cầm huyền đoạn

    Nhân đạo Tương giang thâm
    Vị đề tương tư bán
    Giang thâm chung hữu để
    Tương tư vô nhai ngạn

    Quân tại Tương giang đầu
    Thiếp tại Tương giang vĩ
    Tương tư bất tương kiến
    Đồng ẩm Tương giang thủy

    Mộng hồn phi bất đáo
    Sở khiếm duy nhất tử
    Nhập ngã tương tư môn
    Tri ngã tương tư khổ.

    Trường tương tư hề, trường tương tư
    Trường tương tư hề, vô tận cực
    Tảo tri như thử quai nhân tâm
    Hồi bất đương sơ mạc tương thức​

    (Theo Tình sử)​

    Tạm dịch:

    Hoa hoa lá lá rụng tơi bời
    Lòng nhớ người song chẳng thấy người
    Ruột muốn đứt thêm, thêm đứt ruột
    Châu rơi thành ngấn, lại châu rơi.

    Ta có một tấc lòng
    Không có ai mà hỏi
    Muốn nhờ gió đuổi mây
    Để được cùng trăng nói.

    Ôm đàn lên lầu cao
    Lầu cao trăng dãi khắp
    Tương tư khúc chẳng thành
    Lệ nhỏ, dây đàn đứt.

    Người bảo sông Tương sâu
    Tương tư sâu gấp bội
    Sông sâu đáy vẫn tới
    Tương tư không bến bờ.

    Chàng ở đầu sông Tương
    Thiếp ở cuối sông Tương
    Nhớ nhau không gặp mặt
    Cùng uống nước sông Tương.

    Hồn mộng bay không đến
    Còn một chết thôi mà
    Ai vào cửa tương tư
    Mới biết tương tư khổ.

    Tương tư hoài, dài tương tư
    Tương tư dài, dài khôn xiết
    Sớm biết đau nỗi lòng
    Xin đừng cùng quen biết!


    (Nguồn Tư liệu_Sưu tầm! & 'Bổn cũ soạn lại'! :p!)​
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/7/16
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    DANH CHÍNH NGÔN THUẬN
    (TÊN CÓ CHÍNH ĐÁNG LỜI NÓI MỚI THÔNG)


    XUẤT XỨ

    Thiên 'Tử Lộ’ trong sách Luận Ngữ có câu: “Danh nghĩa không chính đáng ắt lời nói không thông thuận, lời nói không thông thuận ắt việc không thành” (Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành).

    GIÁNG NGHĨA

    Danh chính:
    danh nghĩa chính đáng. Ngôn thuận: giảng đạo lý thông suốt.

    Sau này người ta thường dùng câu “Danh chính ngôn thuận” để biểu thị lý do sự việc chính đáng hợp lý; hàm nghĩa lý lẽ ngay trực hùng tráng.

    ĐIỂN TÍCH

    Năm 496 trước Công nguyên, Khổng Tử giữ chức Đại Tư Khấu (pháp quan cao nhất) ở nước Lỗ thay quyền Tể tướng, làm thay đổi diện mạo chính trị nước Lỗ. Tề Cảnh công lo sợ tương lai nước Lỗ sẽ mạnh lên làm bá chủ chư hầu, bèn cố ý dâng tặng vua Lỗ một độỉ “nữ nhạc” (ca kỹ thời cổ), mục đích làm hủ bại vua Lỗ. Đội “nữ nhạc” được đưa vào cung điện Lỗ, họ múa đẹp hát hay làm Lỗ công mê mẩn, suốt đêm ngày chìm đắm vào hoan lạc, không màng đến triều chính. Đó đúng với kỳ vọng của Tề Cảnh công. 3 ngày liền Khổng Tử vào chầu không được gặp Lỗ Định công, ông chán nản, quyết định dẫn các học trò sang nước khác. Đệ tử là Tử Lộ đề nghị đi sang nước Vệ, Khổng Tử đồng ý. Thầy trò họ đến nước Vệ, Vệ Linh công biết tài năng Khổng Tử nên rất hân hoan và chấp nhận ban bổng lộc cho ông y như ở nước Lỗ.

    Khổng Tử dự định yên tâm ở lại nước Vệ. Các học trò ông được yên ổn đều cảm thấy vui vẻ.Tử Lộ càng vụi hơn, ông này tìm gặp thầy hỏi nếu như được nắm quyền ở nước Vệ trước tiên thầy sẽ làm gì? Khổng Tử đáp: “Tất nhiên cần phải làm cho “chính danh” để danh chính ngôn thuận” có nghĩa là danh nghĩa phải chính đáng, lời nói phải hợp lý mới mong được nhân dân tin cậy. Nào ngờ Vệ Linh công chỉ hân hoan ngoài mặt chứ không thực sự trọng dụng Khổng Tử. Khổng Tử không muốn “vô công hưởng lộc” của nước Vệ, bèn đi sang nước khác, chỉ để lại Tử Lộ và Tử Cao ở lại vì 2 đệ tử này đã nhận quan chức ở Vệ.

    Ít lâu sau, nước Vệ xảy ra vụ tranh chấp giữa Nam Tử, phu nhân của Vệ Linh công với thái tử Khoái Hốì, Khoái Hối phải trốn sang nước Tấn. 3 năm sau, Vệ Linh công qua đời để lại di chiếu truyền ngôi cho công tử Sính. Công tử Sính không dám nhận, xin truyền ngôi cho con của Khoái Hối là Công tử Triếp, tức Vệ Xuất công. Xuất công lo lắng cha mình mượn binh lực Tấn về tranh đoạt ngai vàng nên yêu cầu Tử Lộ mời Khổng Tử về chủ trì việc nước. Thế nhưng Khổng Tử đã bôn ba qua nhiều nước Tào, Tống, Trần, Thái, Trịnh, Tấn, Sở, nếm trải nhiều gian nan khốn khổ mà chưa hề thi thố được hoài bão.

    Khổng Tử quay về Vệ, Tử Lộ chuyển ý muốn của Xuất công với ông và hỏi thầy nên trí lý nước Vệ ra sao. Khổng Tử nhận biết rõ vấn đề chủ yếu của Vệ chỉ là việc tranh dành ngai vàng giữa 2 cha con Khoái Hối nên ông rất bất bình, ông đưa ra 4 chữ “danh chính ngôn thuận” và nói danh nghĩa không chính đáng, lời nói không hợp lý ắt không thể hoàn thành đại sự. Vừa lúc ấy Lỗ Định công đã chết, con là Ai công lên ngôi muốn đón Khổng Tử trở về. Khổng Tử đã già, không muốn ở nước Vệ nữa, bèn quay về Lỗ. Tại Lỗ, Khổng Tử lại nêu cao chủ trương 8 chữ “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử" nghĩa là vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, cha phải ra cha, con phải ra con, mỗi người phải làm việc theo vị trí của mình.

    Đó chính là tổng kết của Khổng Tử trong thời lịch sử chính trị hỗn loạn và cũng là định nghĩa chủ trương “chính danh” của ông.


    [...]
     
    Heoconmtv and teacher.anh like this.
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này