ĐỪNG RÁNG DỊCH NHỮNG GÌ BẠN KHÔNG HIỂU RÕ

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi xuanbach, 26/5/15.

Moderators: amylee
  1. xuanbach

    xuanbach Mầm non

    Đây là bài viết mình đọc trên facebook của bác Hoàng Ngọc Tuấn. Mình thấy rất thú vị nên đưa lên để các bạn tham khảo, và đưa ra ý kiến. Cảm ơn các bạn.

    ĐỪNG RÁNG DỊCH NHỮNG GÌ BẠN KHÔNG HIỂU RÕ

    Khi dịch thơ, dịch văn ngoại ngữ ra tiếng Việt, nếu bạn thấy bất cứ chỗ nào mà bạn không hiểu, hay bạn chỉ hiểu mang máng, thì bạn đừng ráng dịch. Hãy dừng lại, và hãy chịu khó tra cứu, tìm hiểu, cho đến khi nào bạn thực sự hiểu rõ chỗ đó, thì bạn mới nên dịch. Lời khuyên này tưởng như quá thừa, nhưng lạ thay, vô số "dịch giả”, thậm chí “dịch giả nổi tiếng” ở nước ta vẫn mắc phải.

    Ngay ở trang đầu cuốn “Lolita”, khi Dương Tường dịch “District of Columbia” thành “miền Columbia”, thì rõ ràng là ông ấy chẳng biết “District of Columbia”“thủ đô Washington”, nên ông ấy bèn đoán mò và dịch ẩu thành “miền Columbia”! Vì đoán mò và dịch ẩu như thế, Dương Tường đã mắc phải hàng trăm lỗi trong bản dịch “Lolita”.


    Trong bản dịch “Hạt cơ bản” (từ nguyên tác “Les Particules élémentaires” của Michel Houellebecq), Cao Việt Dũng đã dịch câu “Mon père est mort il y a une semaine, dit-elle. Un cancer de l’intestin” thành: “‘Bố em chết cách đây một tuần’, nàng nói. ‘Ung thư tử cung’.”Đây là lỗi dịch khôi hài nhất trong nhiều ngàn lỗi dịch mà Cao Việt Dũng đã mắc phải trong hàng loạt nhiều cuốn sách dịch như “Bản đồ và vùng đất” (Michel Houellebecq), “Những kẻ thiện tâm” (Jonathan Littell), “Vô tri” (Milan Kundera), vân vân và vân vân… Tất cả chỉ vì đoán mò và dịch ẩu.

    Trong bản dịch cuốn tuyển tập “Truyện ngắn Úc”, Trịnh Lữ đã đoán mò và dịch ẩu hàng trăm chỗ. Thậm chí, những chữ đơn giản như “the tall, grey paling fence”, nghĩa là “hàng rào cao, làm bằng những thanh gỗ dẹp” (“paling fence” là kiểu hàng rào rất thông dụng ở Úc), thì Trịnh Lữ dịch thành “dãy hàng rào cao màu xám nhợt”, vì anh ta tưởng “paling” là “nhợt” (pale)! Còn một chữ khác cũng khá phổ thông ở Úc mà những người Úc gốc Anglo-Saxon thuộc thế hệ trung và cao niên vẫn còn dùng là chữ “tea”, với nghĩa “bữa ăn tối”, như trong câu văn này: “He was sixteen yesterday and went off to the pictures by himself after the early birthday tea. We always have an early tea on birthday nights.” [Hôm qua nó tròn mười sáu tuổi và nó đã đi xem phim một mình sau bữa ăn tối sớm hơn thường ngày để mừng sinh nhật nó. Vào những đêm sinh nhật, chúng tôi luôn ăn tối sớm hơn thường ngày.] Trịnh Lữ đã dịch thành: “Hôm qua là ngày sinh nhật thứ mười sáu của nó, và nó đi xem phim một mình sau khi uống trà sớm hơn mọi ngày. Kỳ sinh nhật nào chúng tôi cũng uống trà sớm hơn thường lệ.” Hiển nhiên là anh ta không biết lối dùng từ ở Úc, thế nhưng anh ta vẫn xông vào dịch truyện Úc. Thế mới… tài.

    Nguyễn Trung Đức, một người chuyên dịch thơ văn tiếng Tây-ban-nha ra tiếng Việt, đã được rất nhiều người ca tụng như một dịch giả "rất uy tín" của những truyện ngắn và tiểu thuyết của Gabriel García Márquez, nhưng ông ấy cũng đoán mò và dịch bừa chẳng kém Trịnh Lữ. Chẳng hạn, khi Nguyễn Trung Đức dịch "Qué vaina!" thành "Vỏ đậu gì thế!", hay "Qué buena vaina!" thành "Vỏ đậu gì tốt thế!", thì hiển nhiên ông ấy đã chẳng hiểu gì cả. Ở Colombia, "Qué vaina!" có nghĩa là "Đau đớn thay!" hay "Thảm hại quá!","Qué buena vaina!" có nghĩa là "May mắn thay!" hay "Khoái trá quá!”


    Nguyễn Trung Đức đã vấp phải rất nhiều lỗi trầm trọng như thế trong những bản dịch của ông ấy, vì có lẽ ông ấy học tiếng Tây-ban-nha theo nghĩa trong từ điển Tây-ban-nha nhưng ông ấy lại không hề biết những biến thiên về ngữ nghĩa khi tiếng Tây-ban-nha được sử dụng ở những quốc gia Mỹ La-tinh. Vì không hiểu người ta nói gì, Nguyễn Trung Đức đã ráng dịch bằng cách... đoán mò. Đó là chưa kể những chữ rất thông thường, rất hiển nhiên, nhưng ông ấy vẫn không chịu tra từ điển cho đàng hoàng, mà cứ đoán mò và dịch ẩu, chẳng hạn, ông ấy đã dịch cái nhan đề truyện ngắn “El etnógrafo” của Jorge Luis Borges thành "Nhà nhân chủng học". Tất nhiên là sai bét! “El etnógrafo” "Nhà dân tộc học", còn "El antropólogo" thì mới là "Nhà nhân chủng học”.

    Nếu không hiểu, hay chưa hiểu rõ, thì hãy thong thả suy nghĩ, tìm hiểu cho chính xác, rồi mới dịch, chứ sao lại phải ráng dịch liều, dịch ẩu? Ngoại trừ những trường hợp người dịch “lỡ ký hợp đồng” dịch thuê, nên đành phải ráng dịch cho xong để... ăn tiền, thì tôi đoán rằng một số người dịch đã không ước lượng trước được những chỗ khó khăn mà mình sẽ không vượt qua nổi. Sau khi đọc lướt qua một bài thơ, một cái truyện, một tiểu luận, một cuốn tiểu thuyết… người dịch càm thấy khoái, bèn lao vào dịch, mà không ngờ rằng, trong khi đọc lướt, mình cứ tưởng rằng sẽ dịch dễ dàng, thế mà khi bắt tay vào việc thì mới dần dần phát hiện ra những câu, những chữ hóc búa. Than ôi, làm sao đây? Họ bèn… đoán mò và dịch ẩu. Thậm chí, đôi khi gặp phải những chỗ “quá hóc búa”, chẳng biết đoán mò cách nào, thì họ bèn… “chạy làng” luôn những chỗ ấy. Đó là nguyên nhân của những chỗ bị “dịch sót” mà ta thường thấy trong những bản dịch tồi. Còn nếu không “chạy làng”, thì họ bèn dịch… “tầm bậy”.

    Để phát hiện những chỗ “dịch ẩu”, “dịch tầm bậy”, đôi khi độc giả không cần phải tìm nguyên tác để so sánh. Trong khi đọc những bản dịch, nếu độc giả gặp phải những câu, những chữ mù mờ, trúc trắc, lãng xẹt, hay vô nghĩa, thì độc giả có thể đoán rằng đó là những chỗ mà dịch giả đã lúng túng, đã “gỡ không nổi”.

    Ấy, thế nhưng nhiều “dịch giả” đã dịch sai bét, rồi đến khi bị chê trách thì lại cãi chày cãi cối rằng “tôi đã dịch thoát chứ đâu có dịch sai”, hay “bạn có thể không thích lối hành văn của tôi, nhưng tôi vẫn dịch đúng”, hay “không bao giờ có một bản dịch hoàn chỉnh, vì một văn bản ngoại ngữ có thể được các dịch giả diễn đạt qua những phong cách khác nhau”, vân vân và vân vân.

    Cãi bướng như thế chẳng hay ho gì đâu, vì dịch sai là dịch sai. Dịch sai thì không đồng nghĩa với “dịch thoát”. Để “dịch thoát” thì trước hết phải hiểu cho đúng nghĩa, rồi mới “thoát” sao cho ngoạn mục, chứ hiểu sai bét thì còn “thoát” đàng nào! Dịch sai cũng chẳng đồng nghĩa với sự sử dụng một lối “hành văn” đặc biệt nào đó, và cũng chẳng đồng nghĩa với sự “diễn đạt qua những phong cách khác nhau” nào đó.

    "Đau đớn thay!" thì chẳng bao giờ có nghĩa là "Vỏ đậu gì thế!”



    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
  2. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Thành ngữ, phương ngữ... Không biết thì đừng đụng vào. Nếu không thì thành ra dịch bậy...:lmao:
     
  3. tranthanhkiet

    tranthanhkiet Lớp 4

    Khi dịch ra ngôn ngữ khác, bản dịch đã mất đi ít nhiều tinh thần của bản gốc còn nếu dịch ẩu nữa thì phá hỏng tác phẩm. Bản thân mình đã cảm nhận điều này khi đọc tác phẩm Mật Mã Da Vinci, dịch ẩu đến mức đọc muốn bực mình.
     
  4. Hannibal2010

    Hannibal2010 Lớp 2

    Theo mình, phê phán thì dễ hơn là làm, mặc dù cá nhân mình cũng rất bực mình với việc dịch lăng nhăng. Những lỗi như trên thực ra khá nhẹ nhàng theo quan điểm của mình, vì còn có nhiều cuốn đọc từ đầu tới cuối không hiểu gì, vì có lẽ chính dịch giả cũng không hiểu mình đang gõ cái gì lên bàn phím.

    Thế nhưng, mấy người đọc được trực tiếp từ nguyên gốc, và cho dù có tự đọc được thì liệu đã chắc giỏi hơn dịch giả (Dương Tường, Trịnh Lữ, ...) hay sẽ lại còn hiểu sai văn bản một cách trầm trọng hơn?

    Mình không nói rằng không nên chỉ ra cái sai, nhưng có lẽ nên theo một tinh thần xây dựng hơn.
     
  5. Hannibal2010

    Hannibal2010 Lớp 2

    À, còn một chuyện này nữa, mình cũng khá là băn khoăn

    Cuốn Fault in our stars, theo mình biết ít nhất có 2 bản dịch khác nhau, 1 bản dịch tựa đề là "Lỗi lầm ở những vì sao", một bản dịch là "Lỗi ở định mệnh"

    Nếu căn cứ câu chữ mà nói thì cách dịch 2 chuẩn hơn, thế nhưng nói về chất văn chương thì theo cá nhân mình cách 1 hay hơn hẳn.
     
  6. Vấn đề là tựa đề ghi là "Đừng ráng dịch những gì bạn không hiểu rõ" nhưng cái dẫn chứng "tea" trong bài viết thì có thể nào nói là người dịch biết mình không rõ hay không?

    Đồng ý cách nói của bạn @Hannibal2010, phê bình lúc nào cũng là công việc dễ dàng nhất. Phê bình để tiến bộ mới là một nghệ thuật
     
    tducchau, Rafa, teacher.anh and 2 others like this.
  7. Hannibal2010

    Hannibal2010 Lớp 2

    Mình nghĩ với trình độ độc giả bây giờ thì dịch giả nên chú thích rõ những đoạn tồn nghi để độc giả có thể phán xét.
     
    teacher.anh thích bài này.
  8. sonphan_115

    sonphan_115 Lớp 1

    Các bạn nghĩ sao về 2 quyển "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" và "Những con chim ẩn mình chờ chết" ?
     
    tducchau thích bài này.
  9. June

    June Lớp 4

    Theo mình thì "Lỗi ở định mệnh" cũng hay mà, kể cả tính đến chất văn chương nữa. Chẳng qua là tiềm thức của con người hay chấp nhận những cái đến trước hơn, nhất là những cái đến trước ấy lại "đủ chấp nhật được" hay hậm chí là "hay"
    "Lỗi lầm ở những vì sao" Hoàn toàn không biểu đạt hết "Fault in our stars" Vì từ vị trí mang nghĩa bóng trong bản gốc, từ dịch sang tiếng Việt, "Star" bỗng nhiên trở thành "nhân vật chính" theo đúng nghĩa đen, trong tựa đề.
     
    wellzeens, hoalienbao and tducchau like this.
  10. June

    June Lớp 4

    Ôi nếu thế thì bản dịch be bét hết bạn à. Mình không tự tin nói là mình đọc nhiều, nhưng cũng đủ để có thể đưa ra ý kiến cá nhân là một bản dịch thông suốt, không chú thích cắt ngang, hay thêm vào suy tư cá nhân, sẽ làm "dễ chịu" hơn nhiều.

    Không liên quan đến đoạn trích của bạn Hannibal nhưng mình muốn nói chung tới việc chia sẻ ebook và dịch thuật nhé.
    Không giống như sách in, tức là mỗi trang thể hiện rõ ràng ra, chú thích có thể để cuối trang và ai thích đọc thì đọc (bản thân mình cũng ít đọc chú thích lắm :) ). Sách điện tử và đặc biệt là đọc online trên trang, thì sự liền mạch được kéo dài theo từng cửa sổ màn hình. Thế nên không khỏi nói là mình thực sự vô cùng "khó chịu" khi mà đang đọc thì tự nhiên xen vào giữa đoạn văn là một lời giải thích (đôi khi bạn dịch giả còn chẳng để cách dòng, chẳng để in nghiêng, chẳng xuống dòng...), rồi lại xen vào ngang một lời nhận xét cá nhân về nội dung vừa xảy ra (ví dụ như là: ôi anh chàng này thế nọ thế kia..., gớm anh ấy nói thế quả là... rồi thì cảm ơn sis ... đã chỉnh hộ đoạn này...) (hoặc để nguyên tiếng anh rồi ghi, mình không biết dịch thế nào các sis giúp hộ)...
    Xin lỗi nếu bạn nào giận. Có thể là việc đọc miễn phí một bản dịch, đọc miễn phí một ebook thì phải chấp nhận tính cá nhân của người dịch, và người đã mất công type nó ra cho bạn, nhưng chính vì thế, việc các bạn ý dịch như thế nào, dịch theo ý hiểu cá nhân ra sao, sẽ được tôn trọng. Nhưng việc cứ xen ngang nội dung câu chuyện, xen ngang bản type một cách tùy tiện thì theo ý mình là vô cùng quá cá nhân. Vì khi bạn chia sẻ một cái gì đó cho người khác đọc, tức là bạn đã thể hiện tinh thần vì người khác rồi, và khi người khác đọc nó, thì cho dù không ấn like, họ cũng ít ra có chút tôn trọng và biết ơn những gì bạn chia sẻ cho họ. Nên ít nhất, hãy làm cho nó thật "đẹp".
    Và thế, cho dù có sai sót do cảm nhận riêng về nội dung, hay cá nhân bạn dịch chưa đúng, hoặc là có chút sai nhỏ về lỗi chính tả do chưa có thời gian edit, thì cũng có thể dễ dàng được chấp nhận và bỏ qua. Còn hơn là cứ đánh chút là xen vào một đoạn mang tính cá nhân và không liên quan tới sự liền mạch của nội dung câu chuyện.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/9/15
  11. seashellkill

    seashellkill Lớp 1

    Công nhận lúc đầu chẳng hiểu "lỗi ở vì sao" là gì. Về sau mình mới biết là "lỗi của số phận". Mình muốn dịch cho đúng nghĩa hơn
     
    kingmax1111 and tducchau like this.
  12. Hannibal2010

    Hannibal2010 Lớp 2

    Mình nghĩ những vấn đề bạn nói liên quan tới kỹ thuật nhiều hơn. Ví dụ, trên Kindle chẳng hạn, hoàn toàn có thể làm footnote, nên mỗi khi đọc mà có dấu chú thích thì người đọc sẽ tap vào đó và 1 cửa sổ sẽ hiện ra nội dung chú thích, đọc xong thì tắt đi, rất tiện lợi.
     
    tducchau thích bài này.
  13. Hannibal2010

    Hannibal2010 Lớp 2

    Mình nghĩ có sự nhầm lẫn ở đây. Nếu là người type lại (làm ebook) thì cần tôn trọng tới mức tối đa văn bản gốc. Còn người dịch (người kiến tạo văn bản) thì lại khác.
     
    tducchau thích bài này.
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    :rose:Cám ơn các Bạn!...
    Mình xin phép dời Topic này qua Bàn Trà nha, :D, để mọi người 'thoải mái' hơn... :p
    Thân mến! _ (tdc).
    (À, các Bạn có thể 'xem qua' một chút 'kiến cò...' của mình Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link! :)! Xin cám ơn!)
     
    teacher.anh thích bài này.
  15. Hannibal2010

    Hannibal2010 Lớp 2

    Còn những ví dụ như bạn nói (kiểu ôi anh này đẹp trai quá ...) thì mình cũng potay.com, không biết comment sao nữa :-D.
     
  16. Hannibal2010

    Hannibal2010 Lớp 2

    Cái đó thì cũng khó nói, hay dở là quan điểm cá nhân. Bài viết của bạn không phải không có lý, nhưng đọc xong mình vẫn thích "Lỗi lầm ở những vì sao" hơn. Biết làm sao được, con người mà.
     
  17. guesswho

    guesswho Lớp 3

    Đây là kinh nghiệm bản thân mình hồi mới chập chững bước vào các dự án dịch. Cách đây khoảng 3-4 năm lúc mình còn là sinh viên, mình từng tham gia dịch 1 vài truyện tiếng Anh dành cho tuổi teen (light novel - dạng tiểu thuyết nhẹ nhàng dành cho thanh thiếu niên). Dự án đó trên 1 diễn đàn khác, và cũng có 1 nơi để thảo luận bàn bạc. Có lần nhắc đến các lỗi dịch của các tác giả dịch sách văn học tiếng Anh, một bạn nhắc đến quyển mật mã Da Vinci, và vấn nạn dịch ẩu ở cả những người làm biên dịch chuyên nghiệp. Mình thì cũng không rõ lắm về cuốn này vì mình chưa đọc qua nó, nhưng lúc đó có bạn tranh luận rất hăng về vấn đề này, cho rằng các dịch giả "nghiệp dư" hay "tay mơ" không có quyền đánh giá bản dịch của 1 dịch giả chuyên nghiệp. [​IMG] Về vấn đề này thì mình phản đối, vì cho rằng dù là biết dịch hay không biết, bản thân người đọc sẽ nhận thấy lỗi trong bản dịch nếu nó không hợp lý. Ý kiến của mình là thế, và sau một hồi tranh luận thì người đưa ra ý kiến không đánh giá dịch giả chuyên nghiệp chốt lại là bọn mình chỉ mới là sinh viên, chưa hiểu đời (?), còn bạn ấy đã là giáo viên, tuy dạy môn tự nhiên cũng có hứng làm dịch giả nên bạn ấy biết lý lẽ hơn đám "trẻ con"(?). [​IMG] Đến giờ nghĩ lại về cuộc tranh luận ấy, mình chỉ thấy hơi buồn cười, vì giờ mình cũng bằng tuổi bạn đó lúc ấy, đôi khi cũng muốn 'lên mặt' chỉ bảo đàn em cho 'oai' hehe
    Đây chỉ là 1 chuyện rút ra từ kinh nghiệm cá nhân của mình về ý kiến chất lượng tác phẩm dịch, nhưng mình thấy việc dịch đúng, sai, khó, dễ, các dịch giả mới chính là người thông cảm cho nhau nhất, vì ở trong chăn mới biết chăn có rận. Tuy nhiên thông cảm nhưng vẫn phải chỉ ra cái sai để còn khắc phục, giúp nhau tiến bộ, chứ không có ý dìm nhau, kiểu cạnh tranh khốc liệt đối thủ chỉ mới sảy chân đã vội đẩy người ta xuống đáy vực. [​IMG]
    Còn bàn về lỗi của các dịch giả chuyên nghiệp như đã nêu trong bài; cá nhân mình cho rằng Trịnh lữ là một dịch giả tốt, rất trau chuốt ngôn từ của mình và ông dịch khá hay, khá tỉ mỉ (ai đọc cuốn Cuộc đời của Pi và đối chiếu bản gốc chắc cũng thấy). Vấn đề ở các bản dịch lỗi, mình cũng cho rằng phần nhiều là do dịch giả thiếu thời gian xem xét do bị áp lực công việc phải xong trong thời hạn ngắn, khiến trong quá trình dịch không có sự tìm tòi tra cứu tỉ mỉ được. [​IMG] Về vấn đề này thì mình cũng hiểu, vì nhiều khi công việc dồn đống, đến deadline cứ cuống cuồng hết cả lên, chất lượng sẽ bị thuyên giảm đáng kể.
    Thôi mình xin hết, dài dòng quá mọi người lại bảo mình lan man vớ vẩn. Có ý kiến gì các bạn cứ đóng góp thẳng thắn, gạch đá [​IMG] mình xin nhận hết, hehe.
     
  18. Hannibal2010

    Hannibal2010 Lớp 2

    Mình thử nêu ra vài điểm dưới con mắt của người đọc thôi, về yêu cầu của một bản dịch, từ trên xuống là yêu cầu tăng dần

    - Bản dịch viết bằng tiếng Việt (!!!). Nghe thì có vẻ ngu ngu (đúng là ngu thật), nhưng cá nhân mình tin chắc rằng rất rất nhiều cuốn sách dày cộp xuất bản ở Việt Nam hoàn toàn không viết bằng tiếng Việt, nó chỉ là các từ tiếng Việt ghép lại với nhau mà thôi. Nhiều khi thấy ngờ ngợ như kiểu Google Translate hân hạnh tài trợ bản dịch này.

    - Không làm sai tác đại ý của tác giả. Ví dụ, truyện trinh thám chẳng hạn, thường có nhiều câu bâng quơ tả cảnh không liên quan gì tới nội dung, chỉ nhằm dẫn vào truyện, thì dịch giả dịch cái xe Audi thành ra xe BMW cũng chưa phải là tận thế.

    - Không làm sai chi tiết của tác giả.

    - Bản dịch hay và tự nó thành một tác phẩm mới. Thế nhưng như những gì mình còn ấn tượng thì bản dịch hay sẽ lại mang dấu ấn dịch giả cực kỳ đậm nét, và đôi khi lấn át cả bản gốc. Âu cũng là được cái lọ mất cái chai :-D
     
    chichi.myluckycharm and guesswho like this.
  19. guesswho

    guesswho Lớp 3

    Như trong bài viết nêu trên thì mình cũng có thể nhận được ra lỗi nào có thể bỏ qua còn lỗi nào thì không:
    -Trinh lữ dịch sai 'tea' thành bữa tiệc trà có thể bỏ qua được, vì bản thân dịch giả nếu không chú ý sẽ dịch ngay là 'tea', đơn giản vì lúc dịch có thể đã bỏ sót từ địa phương, 'tiếng lóng'. Hơn nữa từ 'tea' khá phổ biến, lại dễ gây lầm lẫn như vậy, và dù cho dịch sai ý này 1 ít cũng không ảnh hưởng nhiều đến văn phong diễn đạt. Ngay kể cả cái hàng rào cũng chả đáng bàn, vì nó có màu xám hay màu trắng, kiểu dẹt cũng không phải là điều quan trọng. [​IMG] Cũng như Hannibal2010 ở trên đã nói, người đọc chú trọng nhất là văn vẻ phải đúng diễn đạt kiểu tiếng Việt, không thì dù chính xác từ 100% đúng kiểu google dịch thì bản dịch cũng chỉ đáng vứt xó. [​IMG]
    -Còn đoạn 'Vỏ đậu đau đớn' của Nguyễn Trung Đức thì không phải bàn cãi, cái này làm cho ý nghĩa đoạn tự dưng trở lên kì dị, nên lỗi này mới phải chỉnh sửa. [​IMG]
    -Còn cái lỗi 'bố em sắp chết vì ung thư cổ tử cung' của Cao Việt Dũng thì chắc không thể nào đỡ được rồi. [​IMG]
     
  20. guesswho

    guesswho Lớp 3

    Vừa mới đọc được tin cuốn "The thorn birds" (Tiếng chim hót trong bụi mận gai) của Colleen McCullough tái bản dưới cái tên được dịch lại là "Những con chim ẩn mình chờ chết" nghe mà thấy...buồn cười. Cái tên cũ chẳng phải hay và rất ý nghĩa hơn sao, còn cái tên mới này gây hiểu nhầm lắm. "The thorn birds" dịch tựa đề như cũ vừa thể hiện cái sự mạnh mẽ vút cao đầy âm hưởng của tiểu thuyết, vừa phần nào nói lên được cái từ "thorn" trong nguyên gốc. "Những con chim ẩn mình chờ chết" không gợi được cái hình ảnh mạnh mẽ và đẹp đẽ của những con chim lao mình vào bụi gai để cất tiếng hót hay nhất cuộc đời ấy, mà nó giống như kiểu đang tả...mấy con chim co cụm run rẩy trong một bụi cây, chờ người ta bắt được đem về vặt lông xào chiên nướng ấy. Một cái là miêu tả hành động cao cả, chủ động, hợp với tiêu đề gốc cũng như nội dung tiểu thuyết, còn một cái như là (cố) bị dịch sai đi, khiến cho cái tiêu đề có phần nào bị rút đi hết ý nghĩa, thậm chí khiến người ta hiểu ngược về nguyên tác. Đọc mà vừa thấy buồn cười, vừa thấy buồn cho cái cách dịch mới. Không biết bản dịch mới thế nào chứ riêng tựa đề này thì mình đã hơi ngần ngại không biết nên hay không mua bản dịch này đây.
     
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này