NC-17 Gái giang hồ (Интердевочка) - Vladimir Kunin

Thảo luận trong 'Góc dịch các tác phẩm Ngoại ngữ khác' bắt đầu bởi Uillean, 23/12/21.

  1. Uillean

    Uillean Banned

    Tô Liên thời cải tổ, do tình hình kinh tế xã hội chung ngày một suy thoái, lại kết hợp các xu hướng thời thượng từ bên ngoài tràn vào, nền tảng đạo đức Nga băng hoại chóng vánh. Năm 1988, nhờ chính sách khoan dung văn nghệ, tác gia Vladimir Kunin công bố tiểu thuyết Gái giang hồ (Интердевочка / Gái quốc tế) để tường trình một sắc diện bỏng gắt trong xã hội Soviet đương đại. Ban đầu, ông chọn hình thức hiện thực xã hội chủ nghĩa làm phương tiện biểu đạt, nhưng qua một vài cân nhắc, lại chọn lối hiện thực ô uế (dirty realism, грязный реализм) - một trào lưu văn chương rất thịnh hành tại Bắc Mĩ bấy giờ.

    Không như số phận hẩm hiu của nhiều tác phẩm cùng loại hình, cuốn sách này được dư luận chung và giới chức trách Tô Liên tán thưởng nhiệt liệt. Sang tới năm 1989, tiểu thuyết được hãng Mosfilm chuyển thể thành bản điện ảnh, đạt doanh thu ấn tượng tại Tô Liên và quốc tế.

    Ở Việt Nam, nhan đề sách và phim thường được dịch sai là Gái giang hồ quốc tế. Ngay những năm cuối 1980 đầu 1990, nội dung tiểu thuyết được giới sân khấu Việt Nam chuyển thể thành thoại kịch. Riêng ở các sàn diễn Sài Gòn, nhân vật gái giang hồ Tanya Zaytseva là một trong những vai để đời của NSND Hồng Vân.


    [​IMG]

    Tác gia Vladimir Vladimirovich Kunin (Владимир Владимирович Кунин) nguyên danh Vladimir Vladimirovich Feynberg (Владимир Владимирович Фейнберг) sinh ngày 19 tháng 06 năm 1927 tại Leningrad, là con trai đạo diễn lừng danh Vladimir Borisovich Feynberg. Trong thời kì công hãm Leningrad, mẹ ông chết đói, riêng ông may mắn được di tản sang Trung Á. Ở quê hương mới, cậu bé Vladimir nhập bọn trẻ em đường phố chuyên đi móc túi và cướp hàng. Sau đó, NKVD đưa ông vào trường đào tạo quân nhân dự bị. Hết chiến tranh, Vladimir gia nhập trường không quân, nhưng chóng bị đuổi học vì "thiếu kỉ luật" và "học lực kém". Vì thế, ông lại xin đăng lính dài hạn.

    Kể từ thập niên 1960, Vladimir Feynberg chọn bút danh Vladimir Kunin để sáng tác văn chương và soạn kịch bản phim. Ông khởi đầu với loạt tiểu thuyết về không quân thời chiến, nhưng tới thập niên 1980 chuyển hẳn sang hiện thực xã hội. Năm 1994, Vladimir Kunin di cư sang Đức theo diện tị nạn chính trị với lý do rất kì khôi là Liên bang Soviet đã giải thể nên bản thân thành kẻ vô tổ quốc. Bắt đầu từ năm đó, Vladimir Kunin thuộc biên chế Hiệp hội Tác gia Đức. Ngày 04 tháng 02 năm 2011, Vladimir Kunin tạ thế tại München vì bạo bệnh.
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/1/22
    huytran thích bài này.
  2. Uillean

    Uillean Banned

    GÁI GIANG HỒ
    ИНТЕРДЕВОЧКА

    [​IMG]

    Tanya Zaytseva thuộc một gia đình cơ bản ở Leningrad : Cha là công chức thâm niên, còn mẹ làm giáo viên bằng lòng với mức lương ít ỏi, bản thân Tanya cũng được nhận làm y tá ở một bệnh viện lớn. Mặc dù cha Tanya đã bỏ rơi vợ con hai chục năm, nhưng nếp sống vẫn chẳng mấy nỗi. Tuy nhiên tới thời Cải Tổ, sinh hoạt gia đình bắt đầu khốn khó do chính phủ xóa cơ chế bao cấp. Nhất là khi bà Alla - mẹ Tanya - trở bệnh nặng, cảnh sống trở nên nghiệt ngã dần.

    Để có tiền trang trải viện phí cho mẹ, Tanya bước vào dịch vụ mại dâm ngoại hối, nghĩa là cung ứng tình dục cho du khách ngoại quốc đổi lấy ngoại tệ, đường dây tuy hoạt động phi pháp nhưng dưới sự bảo kê của cảnh sát và KGB. Tanya dụ được cả cô bạn Lyalka vào cuộc chơi liều mạng này.

    Một hạnh vận bất ngờ đến với Tanya khi cô được kĩ sư Thụy Điển Edward Larsen cầu hôn. Tanya bèn kể cho mẹ, bà Alla tuy không nỡ xa con nhưng rồi cũng chiều lòng.

    Thế nhưng, việc xin thị thực từ Tô Liên sang Thụy Điển đòi hỏi khoản "mãi lộ" khá cao. Ở sở công chứng, người tiếp Tanya hóa ra là ông Nikolay Platonovich cha cô. Vì Tanya lỡ miệng trách cứ việc ông bỏ rơi mẹ con cô, nên ông hét giá 3 ngàn rúp cho phi vụ trót lọt. Đây là khoản tiền rất lớn ở thời điểm đó, buộc Tanya quay lại đường mại dâm để sớm hoàn tất thủ tục. Một du khách Nhật Bản ra giá 750 USD mỗi 5 đêm. Sau chuỗi ngày vật vã ê trề, rốt cuộc Tanya cũng lên phi cơ tới Thụy Điển với giấc mộng đổi đời.

    Ở xứ sở mới, Tanya Zaytseva tận hưởng những ngày sướng nhất đời - tiền tiêu thỏa thích, không ai dám làm phiền ngoài đức lang quân chiều vợ hết mực. Nhưng rồi anh bắt đầu phàn nàn về thói tiêu tiền như nước "kiểu Soviet" của cô, trong lúc anh làm việc rất vất vả mới kiếm được. Tanya đành đi xin làm y tá như cũ, nhưng không đâu dám nhận vì bằng y tá Tô Liên không hợp lệ tại Thụy Điển. Đương lúc quẫn bách, Tanya ngã vào lòng một người bạn chồng là Gunwald, và bị y hiếp dâm. Sau chuỗi ngày mê sảng ấy, Tanya dần chán Thụy Điển và cảm thấy xa lạ với người xung quanh.

    Ít lâu sau, Tanya quen tài xế vận tải Viktor đồng hương. Cô bắt đầu liên lạc với mẹ thông qua Viktor, và sau cùng có cảm giác yêu đương với anh. Đến lúc này, Gunwald tiết lộ rằng Edward cũng chỉ là "kĩ sư đào mỏ" và anh ta đã có vợ vừa giàu sang vừa nổi tiếng. Vì cả thất vọng và nhớ nhà, Tanya chìm vào men rượu.

    Một hôm, có cô bạn cũ ở "dịch vụ" gọi điện báo Tanya, rằng "cu-lít" đã điều tra đường dây mại dâm ngoại hối, đồng thời tiến hành khám xét căn hộ của bà Alla. Tin con gái từng tham gia đường dây mại dâm khiến bà Alla chấn động mạnh ; ở lớp, học sinh thường xuyên ghi lên bảng những câu đả giễu bà giáo già khiến bà xin tạm nghỉ. Trong lúc phẫn uất cùng cực, bà Alla Sergeyevna mở khí gas tự tử. Lyalka phát hiện kịp thời, cô ra sức cứu bà và gọi mọi người tới, nhưng thảy đều vô ích.

    Ở Thụy Điển, Tanya đang ngủ bỗng choàng tỉnh, cô cảm thấy có gì bất an bèn vội vã phóng xe ra phi trường. Giữa đường, chiếc xe chở Tanya vì đi nhanh quá nên bị nạn. Số phận Tanya Zaytseva bỏ ngỏ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/1/22
  3. Jhett

    Jhett Banned

    Cuộc đời đâu giống như học đường để mà dạy cách cư xử thế tục. Vả chăng cuốn tiểu thuyết của chúng tôi cũng không phải cẩm nang để đối nhân xử thế, càng không giống kinh thư mà hiểu thế nào là phong thái chấp nhận được trong xã hội thượng lưu. Đây chỉ là phác họa lịch sử một thời đại nào đó mà thôi.

    Jaroslav Hašek, bài tựa sách Đời phiêu bạt giang hồ của anh lính hóm Švejk

    I

    Ấy là một đêm trắng mùa hạ. Tôi đang bận chỉnh y phục, thế rồi rời khách sạn, bắt xe đi thẳng về nhà. Tôi tranh thủ chợp mắt mấy tiếng, rồi lại vẫy xe đến tổng y viện đúng 8 giờ sáng.

    Thời giờ còn rảnh chán ! Tôi đứng trước ngưỡng cửa sổ mở toang, trên người chỉ có giày và quần lót, rồi mới trễ nải gài dây áo ngực. Nhưng tôi biết, ngay cả khi không mặc gì, thì chàng dẫu có ở đây thế nào cũng nhìn chằm chằm về tôi. Nhưng nếu là vào ban tối, lỡ như có gã nào khiến lòng tôi bỗng nhiên thổn thức, thì ngay sớm hôm sau, sóng gió cũng kéo tới bẽ bàng không sao tả xiết. Và thói biếng trễ trong tôi cũng ở đó mà ra.

    Trên lầu 10 khách sạn, tôi ngắm ra chiếc bè kéo sà lan chở cát óng vàng đang nhẹ lướt trên triền sông Neva. Lúc bè đã thở bì bọp ngay dưới nhịp cầu Liteyny thì cầu bỗng bay vút lên trời và rồi tiếng động cơ cứ nhỏ dần. Mà chừng như chỗ sà lan vọng lại giai điệu một cuốn phim cũ, cái phim gì mà đến chó còn biết.

    “Anh yêu em, Tanya !” – Chàng đánh thức sau lưng tôi.

    Chàng là mẫu người biết đón nghe mọi ý kiến. Mà thậm chí từng được thưởng không ít khoản huê hồng trong công ty nhờ vốn từ vựng Nga lưu loát.

    “Em cũng yêu anh” – Tôi đáp mà chẳng thèm ngoảnh lại. Ngõ ý bực vì chàng cắt ngang điệu nhạc ở chiếc sà lan rót vào tai.

    “Anh muốn mình cưới nhau !” – Chàng đổi giọng nghiêm trang.

    Bỏ mẹ rồi ! Thế ư ? Đã đến lúc rồi sao ? Tôi quay ngoắt về bên chàng. Bây giờ chàng nằm ườn trên chiếc giường khách sạn chật hẹp, và nheo nheo ánh mắt cận nhìn tôi.

    “Ơn Chúa !” – Tôi nhoẻn cười – “Thế là đã rõ !”.

    “Gì ?”.
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/10/22
  4. Jhett

    Jhett Banned

    Tôi ngồi ở cạnh giường và khẽ vuốt khuôn mặt chàng : “Có phải chúng mình sắp kết hôn rồi không ?”.

    Tôi chợt nhận ra rằng, đối với chàng và chung quy là mọi người ngoại quốc biết tiếng Nga, tôi đều biết dùng một ngạn văn thật bình dị. Mà việc ấy vẫn diễn ra hoàn toàn tự nguyện chứ chẳng hề nằm trong ý thức nơi tôi. Nên có lẽ nhờ bản năng mà thành ra tôi khiến họ dễ chịu khi giao tiếp với mình chăng ?

    “Anh thật lòng muốn kết hôn với em đến thế sao ?”.

    “Ừ !” – Chàng tựa đầu lên gối chân tôi. Mái tóc thưa mềm, màu xám tro – “Anh đã thưa trước với ba mẹ anh rồi”.

    Quả thật đường đột quá !

    “Chết, thật thế ư ?”.

    “Tất nhiên rồi em”.

    “Rồi anh đưa em theo chứ ?”.

    “Phải, nếu em bằng lòng”.

    Chàng còn hỏi nữa : Nào tôi đến đây là vì lẽ gì, nào chẳng ai chịu hiểu chúng ta đâu, và nào dẫu là đứa khôn lanh nhất.

    Tôi cúi xuống hôn má chàng, mới cảm thấy ngay cái mùi hôi thuốc lá trong miệng chàng. Tôi bèn nhỏm dậy và khẽ nói : “Bây giờ anh muốn gì em cũng chiều, nhưng phải tắm ù cái đã !”.

    Ở trong đấy, tôi diện lại cái váy hiệu Bundes – mà có nửa mảnh đã bị con Kisul tha mất rồi – sau đó xếp cả đồ trang điểm vào xắc rồi tô môi. Tôi nhác thấy bàn chải cạo râu chưa kịp rửa còn vương chút bọt xà bông khô. Tôi đi chơi với chàng đã nguyên tháng nay mà hễ lần nào cũng bắt gặp chiếc bàn chải chưa chùi này. Nhưng cho tới hôm nay tôi vẫn xem như là truyện riêng của chàng. Thế rồi… Tôi bấm bụng chà thật sạch bàn chải, lấy khăn bông lau khô rồi dựng lên giá thủy tinh trước gương. Biết đâu, nhờ chiếc bàn chải này mà đời tôi sắp soạn sang một chương hoàn toàn mới…
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/10/22

Chia sẻ trang này