Thảo luận Hỏi đáp thêm về tác giả Vũ Tài Lục

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi quocdat5594, 16/6/15.

Moderators: amylee
  1. quocdat5594

    quocdat5594 Lớp 2

    Như trên tiêu đề mình viết thì mình còn thắc mắc khá nhiều về sách của tác giả Vũ Tài Lục vì đa phần sách ông thuộc dạng sách chính trị, tướng số và văn phong ông cực kỳ điêu luyện và nghiên cứu cực kỳ chi tiết chăm chút về xã hội học và nhân học....

    Nhưng mình có thắc mắc là tác giả Vũ Tài Lục sao lên mạng tìm được rất ít tư liệu về ông và hiện nay ông thế nào..

    Nên mình mạo muội không biết gì hỏi mọi người ai am tường tướng số hay chỉ đọc để nghiền ngẫm thì cho mình biết thông tin về nhà tướng số này nhé, hay cùng thảo luận thêm về ông.

    Cảm ơn mọi người :)
     
    luuvanhung and Thai232 like this.
  2. Thai232

    Thai232 Super Moderator

    [​IMG]
    Đám cưới Duy Thanh-Trúc Liên. Sài Gòn, 1963. Duy Thanh,
    Vũ Tài Lục (complet trắng), Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Trần Lê Nguyễn​
     
    luuvanhung, horungcn and quocdat5594 like this.
  3. Hannibal2010

    Hannibal2010 Lớp 2

    Mình có đọc 2 cuốn của ông này, Nói chuyện Tam quốc với Những quy tắc chính trị trong sử Việt
     
  4. quocdat5594

    quocdat5594 Lớp 2

    Bác cho tôi cuốn PRC Những quy tắc chính trị trong sử Việt được không? Hình như tôi chưa xem cuốn đó :D
     
  5. kinhnhieuloc

    kinhnhieuloc Lớp 8

    Sưu tầm trên net - Tác giả: Vũ Công Lý - Viết về Vũ Tài Lục bên California sau 1975.

    "Nhà Nhân tướng học vũ tài lục

    Khoảng cuôí năm 1976, …của tác giả Vũ Tài Lục, viết khi đang tạm trú trong một trại tị nạn …ở vùng Đông Nam Á và gởi sang cho tờ Hồn Việt ở California. Ký ức hiện giờ của tôi vẫn còn nhớ rất rõ tấm hình chụp ông mặc quần sà-lỏn ngồi chồm hổm cúi nhìn như canh chừng nồi nước đang được đun bằng mấy nhánh củi trên một cái bếp dã chiến được hình thành bằng vài viên gạch. Vũ Tài Lục là một học giả mà danh khí rất lừng lẫy trong giới trí thức ở miền Nam, mấy ai mà chưa từng đọc: Những Khuôn Mặt Tài Phiệt, Thủ Đoạn Chính Trị, Tướng Mệnh Học Khảo Luận, Thân Phận Trí Thức, Nói Chuyện Tam Quốc, v.v… là vài tác phẩm tiêu biểu trong công trình trước tác của ông.

    Vài năm sau có người bạn ở tiểu bang khác về California chơi, họ muốn tôi dẫn họ đi gặp nhà tướng số Vũ Tài Lục. Tôi dò hỏi thì biết được điện thoại và địa chỉ của ông. Vào ngày hẹn, tôi chở người bạn đến nhà ông trước giờ hẹn khoảng 10 phút, đứng trước cửa đợi đúng giờ hẹn thì mới dám giơ tay ấn chuông. Sau khi quan sát ông xem tướng và giải lá số Tử Vi của người bạn, thì tôi xin cái hẹn cho chính tôi vào vài ngày sau.

    Tôi trở lại gặp ông đúng y như hẹn, sau khoảng mười phút trao đổi ngắn ngủi giữa nhà tướng số và thân chủ, bỗng dưng ông đứng lên và mời tôi trở ra căn phòng nhỏ ngay sát cửa chính ra vào. Sau khi ra dấu mời tôi ngồi xuống ghế, ông lửng thững bước vài ba bước vào bếp đun nước, khi nước đã sôi ông đem bình nước ra bàn vừa pha trà vừa trò chuyện trong cung cách thân mật hơn lúc còn ngồi ở phòng khách bên trong. Tôi âm thầm quan sát những dị tướng của ông: bộ xương sọ khá to, đôi cánh tay cũng hơi dài bình thường so với kích thước toàn thân, khi nói chuyện đôi mắt hơi nhướng lên v.v… Tôi còn nhớ lời tâm tình của ông:
    – Tôi thích khoa tướng mệnh hơn, tôi chỉ mới để ý đến bộ môn Tử Vi khoảng hai năm trước khi ….Trước kia tôi thường đi với cụ Diễn để nghiên cứu, học hỏi thêm về tướng học… Tôi thường theo Cụ vào nhà xác của những nhà thương để nghe cụ giảng giải về nét tướng của những người vừa mới qua đời…

    Rồi ông thuật lại một vài giai thoại thần kỳ về cụ Diễn mà chính ông chứng kiến, và tôi cũng gật đầu nhìn nhận khi ông hỏi tôi đã từng nghiên cứu bộ môn Tử Vi. Vừa châm thêm nước trà vào những cái tách hột mít, đột nhiên ông hỏi:
    – Cậu nghĩ sao về cách Cự Cơ Mão Dậu?
    – Em nói chung chung không được, phải rõ ngày giờ sinh thì mới nói cụ thể được!
    Nghe tôi trả lời như thế, thì ông đưa ra một ngày giờ sinh nào đó, và tôi cũng dựa vào đó để tính nhẩm lá số ra trong đầu, sau khi cân nhắc ngẫm nghĩ một hồi thì tôi nói cho ông biết những nhận định của tôi. Trò chuyện thêm một lúc nữa, tôi xin phép kiếu từ.

    Đầu thập niên 1980, tinh thần kỳ thị người Việt được cơ hội tốt để bột phát qua biến cố ‘bệnh lao phổi’ được phát hiện qua một vài em học sinh Việt Nam có dương tính trong thử nghiệm, do đó Cộng đồng Việt Nam tị nạn phải tìm cách đối phó. Trong một buổi hội thảo tại một phòng họp tại nhà thờ Santa Barbara góc đường Euclid và McFadden vào một buổi chiều cuối tuần, tôi thấy trên bàn chủ tọa có những vị như cố Giáo sư Phạm Kim Vinh, cựu Đại tá Trần Minh Công, Bác sĩ Vũ Đình Minh (chuyên gia về Phổi), một vài vị nữa và ngồi cuối đầu bàn bên phải là nhà Tướng số Vũ Tài Lục.

    Ngoài trời nóng bức, tôi đứng dựa lưng vào bức tường ở cuối phòng theo dõi không khí phát biểu rất sôi nổi trong một phòng hội đông nghẹt người. Có lẽ do sự nồng nhiệt quá đáng của một vài người tham dự nên không khí dần dà trở thành mất trật tự, hỗn loạn, mạnh ai nâáy nói, không ai nhường ai. Bất chợt một người đứng cách tôi độ một thước, dơ cao cánh tay, miệng nói lớn: “Please, first come, first serve!”. Vừa mới dứt câu thì năm sáu người trong nhóm “Người Việt Áo Đen” do cựu Thiếu tá Biệt Động Quân Đặng Giang Sơn, Trung tâm trưởng Trung tâm Người Việt Quốc Gia ở Santa Ana lãnh đạo, nhào vô bắt đầu hành hung anh chàng đó, có người còn buột miệng chửi: “Đ.M. bày đặt nói tiếng Mỹ!”

    Sau khi không khí lắng dịu dần, nhìn lên bàn chủ tọa thì tôi thấy chiếc ghế thì còn, mà nhà Tướng số Vũ Tài Lục đã biến từ hồi nào! Và cũng từ đó, tôi không thấy ông hiện diện ở bất cứ buổi tụ tập đông đảo nào trong những sinh hoạt cộng đồng ở vùng Bônsa. Còn anh chàng suýt bị bề hội đồng đó, vốn là một sinh viên du học ở Mỹ năm 1969 về ngành cơ khí, hiện nay là me-sừ Simon Nguyễn, đang điều hành một văn phòng dịch vụ trên đường Bônsa.

    Khoảng năm 1987, đang đi trên xe với anh Trần Thụy Ly trên đường Golden West đến gần ngã tư Warner, thì anh Ly rủ tôi ghé thăm “anh Lục”. Không bận rộn gì, tôi gật đầu. Anh Trần Thụy Ly, hồi xưa có lúc làm Trưởng ty cảnh sát quận Nhì, vai vế cấp dưới trong quân đội, ‘đàn em’ thân thiết với ông Nguyễn Cao Kỳ (tuổi Canh Ngọ – 1930), nên coi cố Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, nhà Tướng số Vũ Tài Lục, cả hai vị này cũng thuộc tuổi Canh Ngọ, là những người anh. Sau khi trao đổi đủ thứ chuyện khoảng hai tiếng đồng hồ, trước khi ra về, tôi chợt nhớ lại buổi hội thảo về “bệnh lao phổi” và hỏi ông Lục về sự rời bỏ bàn chủ tọa bất chợt của ông, thì được trả lời:

    – Làm sao mà tiếp tục sinh hoạt trong một không khí như thế! Tôi cũng muốn đóng góp vào việc xây dựng cộng đồng, nhưng sẽ mất rất nhiều thời giờ rồi cũng không đi đến đâu, chẳng thà ngồi ở nhà viết sách ghi lại những nhận định của mình về lịch sử cận đại. Mình cứ viết, những thế hệ sau ai đọc thì đọc, có lẽ như thế tôi thấy có ích hơn!
    Vừa bước ra khỏi cửa, thì ông Lục chợt hỏi tôi:
    – Toa có biết ai giỏi về dịch lý ở hải ngoại không?

    Bất chợt tôi không nghĩ ra ai nên đứng thừ ra ấp úng:
    – Em không rõ nữa… có mấy người ở tiểu bang khác, và ở nước khác, còn ở vùng này… À, nhớ ra rồi có Bác sĩ Thọ.
    – Có phải Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ hồi xưa dạy môn Trung Dung ở Văn Khoa phải không?
    – Đúng! Ổng hiện ở Costa Mesa. Anh có muốn gặp ổng không?
    – Nếu tiện thì nhờ toa sắp xếp dùm.
    – Chuyện nhỏ! Để em liên lạc rồi có gì sẽ cho anh hay.
    Trên đường về, anh cò Ly lên tiếng mắng mỏ tôi:
    – Lần sau em đừng có hút thuốc lá trong nhà anh Lục, hồi nãy anh sợ quá khi thấy mày rút thuốc ra đốt, anh định lên tiếng cản nhưng thấy anh Lục cười cười, không nói gì thì anh lại thôi, để xem sao! Lý phải biết là bạn bè anh Lục, ngay cả anh Kỳ, anh Loan v.v… đều biết tính anh Lục, nên không dám hút thuốc lá trước mặt anh, vì anh không chịu nổi thuốc lá! Có lần anh quát đuổi thẳng cẳng mấy nhà văn, nhà thơ lỡ châm lửa mồi thuốc lá trong nhà anh!
    Nghe anh Ly nói, tôi thấy mình bậy quá xá, tôi đâu chỉ hút một điếu, mà đã đốt liên miên hết điếu này sang điếu khác cỡ gần một gói chứ ít sao. Thảo nào ông Lục đã phải đứng lên mở cánh cửa thông ra sân sau nhà, vì phòng khách vốn nhỏ hẹp lại còn đầy sách vở xếp chật cả lối đi, lại còn bốc mờ mịt khói thuốc lá!

    Vài ngày sau tôi ghé lại đón ông Lục chở đến nhà bác sĩ Thọ nằm ở đường Baker vùng Costa Mesa. Sau khi chào hỏi, bác sĩ Thọ liền vào phòng trong mang ra 14 bộ bản thảo dầy cộm, mỗi bộ dầy cả gần ngàn trang, viết bằng loại giấy mỏng dính đặt trên chiếc bàn trước mặt ông Lục. Ông Lục vừa nói chuyện nhưng tay thì lật thật lẹ mắt liếc qua từng trang một. Xong một quyển thì ông lại nhâm nhi vài ngụm nước trà tàu, trao đổi vài ba câu với bác sĩ Thọ, rồi lại tiếp tục như thế cho đến quyển cuối cùng. Sau đó, ông sắp xếp lại bộ sách cho ngay ngắn xong đẩy sang một góc bàn, rồi ông hỏi:
    – Trong những phương pháp coi bói dịch, Ngài thích phương pháp nào nhất?
    – Tôi chỉ chuyên tâm nghiên cứu về những nguyên lý vận hành trong vũ trụ, chứ không biết bất cứ một môn bói toán nào. Nhà tôi có nghiên cứu Tử Vi, nhưng lại không thích bói dịch… Tôi coi dịch lý như một núi vàng, còn bói dịch như một chén cơm, tôi không thể bỏ núi vàng để đi tìm chén cơm!

    Ông Lục bật cười ha hả, tôi thấy thú vị trong sự trao đổi này. Họ hoàn toàn thoải mái, không chút khách sáo! Bất chợt trong đầu tôi nẩy ra một nhận xét: cái đầu của ông Lục, bác sĩ Thọ, và giáo sư Nghiêm Xuân Hồng sao mà bự quá vậy? Mà đầu của bác sĩ Thọ to nhất, to như cái đấu.
    – Mặc dù sách chưa đem in, nhưng nếu ngài muốn nghiên cứu thì Ngài cứ việc đem về thong thả đọc, khi nào xong thì gửi lại cho tôi!
    – Cám ơn bác sĩ. Khi nẫy nhìn thoáng qua bộ sách của Ngài, tôi thầm tiếc rằng tôi gặp ngài quá muộn, vì để tiêu hóa bộ sách này có lẽ phải cần ba bốn chục năm, hoặc cả một kiếp người chứ không ít. Chẳng hạn như…
    Nói tới đó, ông Lục nhấc lên vài quyển ở trên rồi lôi ra một quyển, lật đi lật lại hai ba lần rồi ngừng ở một trang, xong xoay ngược hướng mặt chữ về phía bác sĩ Thọ, nói:
    – Chẳng hạn như đoạn này, bác sĩ viết quá tuyệt vời.
    Tôi rùng mình ớn lạnh, làm sao mà trước mắt tôi, ông Lục là thần thánh hay sao mà ông lại ghi nhận chính xác như vậy. Đúng là những bậc dị nhân… Ông Lục lại tiếp:
    – Rất cảm ơn bác sĩ đã bỏ thời giờ tiếp tôi. Tôi xin phép kiếu từ…
    Rồi hai người xin số điện thoại của nhau để liên lạc trực tiếp. Khoảng hai năm sau, tôi tạt ngang thăm bác sĩ Thọ, bất chợt hỏi:
    – Sao bác, ông Lục với bác có liên lạc gì không?
    – Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau, thú vị lắm. Đôi khi tôi ghé thăm ông, lúc thì ông ghé thăm tôi.

    Một ngày hè, có lẽ cũng khoảng 10 năm rồi, tôi ghé nhà tư gia của anh chị Bùi Xuân Hiến & chị Đặng Tuyết Mai chơi, tôi thấy Nguyễn Cao Kỳ Duyên và khoảng hai chục ca nghệ sĩ, người thì đang bơi, người thì đang ăn thịt nướng, họ đang tíu tít vui nhộn ngoài hồ tắm. Tôi cũng ra làm một vài miếng thịt, rồi trở vào trong nhà rót ly cà phê nóng, dở tờ báo ngồi đọc ở bàn ăn, chị Mai thì đang lui cui làm thêm những món ăn, bất chợt chị lên tiếng hỏi:
    – Cậu có bao giờ đi coi ông Lục chưa?
    – Có, em đi coi ông lâu lắm rồi, cách đây mười mấy năm.
    Rồi tôi thuật lại cho chị nghe cái buổi gặp gỡ ngắn ngủi giữa tôi và ông Lục. Khi nghe tôi kể xong về câu hỏi “Cự Cơ Mão Dậu” của ông Lục, thì chị bật cười:
    – Cậu không biết à! Ngày giờ sinh của ông Lục đó!

    Nghe thế, tôi bật ngửa! Lẽ ra tôi phải tinh ý, phải biết trước từ dạo đó! Nhà tướng số Vũ Tài Lục là một đồng chí thân thiết với thân phụ của bà Đặng Tuyết Mai, là Cụ Đặng Trần Học, trong giai đoạn chống Pháp cách đây hơn nửa thế kỷ trước, nên bà rất kính trọng ông Lục, gọi ông là “Cậu Lục”. Nguyễn Cao Kỳ Duyên thì gọi là “Ông Cậu Lục”, Kỳ Duyên rất thông minh, cũng thích tìm hiểu khoa Tử Vi, không biết dạo này đã lãnh hội được bao nhiêu ‘thành công lực’ Tử Vi Đẩu Số từ Ông Cậu Lục rồi?

    Thỉnh thoảng, tôi cũng gặp nhà Tướng số Vũ Tài Lục ngoài phố, lần nào ông cũng lịch sự nhắc: “Khi nào rảnh, toa tới moa chơi.” Và lần nào tôi cũng lúng ta lúng túng hứa là sẽ đến thăm ông, hứa thì hứa quá nhiều lần nhưng tôi cũng không dám tới vì vẫn còn rét cái vụ phì phà thuốc lá hồi xưa. Anh Mai Trọng Lý, mà anh em văn nghệ sĩ gọi một cách rất thân thương là “Lý Muối”, vì hồi trước1975 ông kinh doanh trong ngành sản xuất muối, là bạn thân và thường đến đón ông Lục ra phố, vì bản tính của ông Lục thích ở nhà đọc sách, viết sách, nghiên cứu y dược v.v… chứ không thích giao du với thiên hạ. Thỉnh thoảng, anh Lý Muối lại thỏ thẻ với tôi: “Ông Lục ông qúi toa lắm, sao toa không tới thăm ông?”. Nghe nói thế, tôi lại càng bối rối tợn trong lòng, mình nhỏ tuổi hơn mấy ông nhiều mà cứ tiếp tục vô phép hoài thế sao? Nhưng biết làm sao? Bản tính của tôi lấc ca lấc cấc, ăn nói và sống chẳng khác gì một kẻ bị ‘Bônsa nguyền rủa, làng báo khinh’, tôi chỉ thoải mái ở ngoài đường phố, ngược lại cảm thấy gò bó, co cụm, rất khó thở (vì thiếu khói thuốc lá) khi phải bước chân vào nhà ai.

    Cái bộ môn Tử Vi dường như có ma lực, như một thứ “Sinh Tử Phù”, ai mà lỡ dính vào rồi thì nó cứ luẩn quẩn trong đầu óc. Cụ Anh Độ, một nhà lý số kỳ cựu, trước 1975, cụ âm thầm viết hầu hết những bài biên khảo về Tử Vi Lý Số cho Chiêm Tinh gia Huỳnh Liên (người luôn bận rộn với thân chủ, với những quảng giao trong giới chính trị, báo chí, văn nghệ sĩ); khi sang Hoa Kỳ, cụ viết Tử Vi hàng năm cho tờ Tiền Phong. Khoảng 15 năm trước tình cờ gặp cụ Anh Độ trong một bữa tiệc có cố Nghệ sĩ Lê Văn – Vũ Bắc Tiến (mặc dù chỉ kém có 2, 3 tuổi nhưng cụ Lê Văn luôn gọi cụ Độ là anh, xưng em), trong bữa tiệc cụ cứ nghiêng đầu trao đổi những chuyện về lý số với tôi. Bẵng đi khoảng một tháng sau khi cụ rời California, tôi nhận được thư viết tay của cụ, nội dung cũng xoay quanh chuyện lý số. Tôi rất lười viết thư nên chỉ gọi điện thoại đáp lễ. Cụ lại viết thư, tôi bắt đầu lờ đi vì tuổi trẻ ham vui.

    Vài tháng sau tôi trở về California sau một chuyến giang hồ, thì gặp nhà báo Ngọc Hoài Phương báo cho tôi biết rằng cụ Anh Độ đã qua đời, và chuyển cho tôi lá thơ cuối cùng của cụ. Tôi thật xúc động và hơi ân hận vì mặc dù như ngọn đèn sắp tắt, thế mà cụ cũng chịu khó ngồi viết một lá thư dài 27 trang giấy với nét chữ rất bay bướm nhưng gọn, đẹp; nội dung cũng xoay quanh những khúc mắc triền miền về một vài chỗ bí hiểm trong lý số! Cụ Đoàn Hải, cùng khóa 4 với Trung tướng Ngô Quang Trưởng, mà lúc gần ….mới đeo lon Trung tá, sức khỏe bết bát, cứ phải đưa vào emergency hoài, thế mà vẫn tiếp tục nghiền ngẫm về Tử Vi, lại ôm thêm cái món “Thái Ất Thần Kinh” của cụ Trạng Trình nữa! Mỗi lần tôi tạt ngang thăm cụ, thì cụ lại chỉ bức tranh “Phi Mã” trên tường, rồi bức tượng “Bạch Hổ” trên bàn, chép miệng nói: “Cặp Phi Mã và Bạch Hổ này, cậu Lý biết không, đâu có ngờ nó lại giúp tôi hiểu sâu hơn về Phật pháp nhiệm mầu. Tiếc rằng khi biết được thì mình đã ‘gần trời xa đất’ rồi, không còn nhiều thời giờ để nghiên cứu! Đúng là ‘sức người hữu hạn, biển học mênh mông!” Một lần tình cờ gặp cô con gái cụ, tôi hỏi thăm về cụ, thì cô ta cho biết cụ qua đời đã được nửa năm. Sắt thép như tôi mà cũng phải giật thót người lên: “Sao không ai cho tôi hay biết gì cả?”. Cô ta buồn bã trả lời: “Ba em dặn là tuyệt đối không được báo cho ai biết hết! Ba em không muốn làm rộn bất cứ ai!” Tôi thầm cảm phục cái cung cách ra đi nhẹ nhàng, ‘siêu thoát’ đó! Tôi thực sự thương tiếc mãi con người tài hoa mà lại quá sức hiền lành, nhân hậu đó!

    Khoảng gần 3 năm trước, vừa bước chân vào Costco ở góc Garden Grove và Euclid, thì gặp Phạm Duy Hùng (con trai Nhạc sĩ Phạm Duy), sau khi trả lời vài thắc mắc của Hùng về lá số tử vi của hắn, thì lại thấy ánh mắt của Đại tá Dương Thái Đồng, trước 75 là Chỉ Huy Phó Pháo Bính và rất nổi tiếng về Tử Vi trong quân đội. Ông Đồng bước tới nở nụ cười quen thuộc, khi ông dơ tay bắt thì tôi “ghẹo” ông bằng câu nói: “Lại Tiểu nhân vấn cát, Quân tử vấn hung” rồi! Đây là câu mà ông “tâm đắc” nhất mỗi khi có dịp bàn luận về khoa học huyền bí. Tôi cũng còn nhớ lời ông tán dương lá số thiên hạ: “Cậu thử nghĩ coi số mạng có ghê không? Lúc tôi là Thiếu tá Tỉnh trưởng, thì Lê Quang Tung mới Trung Úy, nhờ lá số của hắn có… nên chỉ vài năm sau hắn đã đeo lon Đại Tá mà tôi vẫn Thiếu Tá!” (cố Đại tá Lê Quang Tung là Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt, lực lượng trung thành nhất với cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Tung và người em ông là Thiếu tá Lê Quang Triệu bị nhóm Dương Văn Minh giết chết trong Bộ Tổng Tham Mưu trước khi lực lượng đảo chánh nổ súng vào dinh Gia Long thanh toán triều đại nhà Ngô)… Tôi thấy sắc diện ông Đồng nhợt nhạt, dáng người yếu ớt vì ông đang bị ung thư hoành hành, ông nói rằng mặc dù con cái muốn ông đi du lịch cho khuây khỏa lúc cuối đời, nhưng ông đang ngần ngại không muốn đi vì “bấm số” thấy không “thuận lợi” cho việc đi xa! Nghe ông nói thế, tôi bật cười ha hả, thò tay thăm mạch ông rồi nói: “Thôi, dẹp Tử Vi đi bố ơi! Ung thư thì ung thư, mạch chưa đến nỗi nào, đi chơi thả giàn đi sư phụ, tối thiểu cũng vài tháng nữa…” Ông cười nhưng lòng vẫn chưa yên vì “Tử Vi” còn hành, nên lại hỏi tiếp: “Cậu thấy cách Tử Phá, Long Đức của tuổi Canh Ngọ của tôi trong năm nay có qua khỏi không?”… Sau khi chia tay, tôi lại hứa rằng vài bữa nữa sẽ đến thăm ông, rồi lại ham vui quên bẵng đi, mấy tháng sau nghe tin ông đã qua đời. Sau khi thăm ông ở nhà quàn Peek Family, tôi lại bước qua ngay bên cạnh chia tay cố Nghệ sĩ Duy Khánh đang được thân nhân bạn hữu đưa tiễn vào lò thiêu, ngay sát cạnh căn phòng quàn xác cố Đại tá Dương Thái Đồng!

    Sáng hôm nay thứ Bẩy ngày mồng 21 tháng 5, 2005, khoảng hơn 10 giờ sáng, tôi vừa bước chân vào tiệm cà-phê Factory, thì đụng đầu ngay ông Lý Muối và ông Vũ Tài Lục đang đi ra. Ông Lục nắm tay tôi nói:
    – Toa cho moa xin địa chỉ để moa gửi tặng quyển sách mới in.
    – Em đã mua ở tiệm Tú Quỳnh rồi. Em đọc xong rồi, anh viết hay lắm!
    – Toa có thấy gì dở thì cho moa biết, cứ thẳng thắn phê bình!
    – Vâng, hôm nào em sẽ đến thăm anh!
    Lại quen buột miệng hứa lèo! Đời nào tôi dám bước chân vào nhà ông Lục, nội cái mùi thuốc lá bốc từ quần áo tôi cũng đủ ngộp hơi thiên hạ rồi! Vì lẽ đó đêm nay có được dịp tốt, thì tôi phải ngồi viết lời phê bình tác phẩm Tử Vi Tinh Điển do học giả Vũ Tài Lục sưu khảo, in năm 2005, dầy 372 trang.
    Mặc dầu trong phần Lời Dẫn, tác giả viết:
    “Cuốn sách này chỉ diễn dịch cho rõ ràng cổ nghĩa đã ghi ở các bài phú câu phú của cổ nhân mà thôi.

    Số với lý phải gắn liền
    Số thiếu lý thì số khó đứng vững.
    Ngoài ra là ít nhiều tìm tòi về những sao có ghi trong sách vở bên Trung Quốc mà không hề được nhắc tới khi khoa Tử Vi truyền qua nước ta như: Âm sát, Quan sát, Tuế dịch, Phan án, Tức thần, Thiên sát, Chi bối, Nguyệt sát, Vọng thần…”
    Nhưng sau đi đọc thật kỹ nhiều lần quyển Tử Vi Tinh Điển, tôi nhận thấy rằng học giả Vũ Tài Lục đã chịu khó viết ra những nhận định hết sức mới mẻ, cống hiến cho độc giả những kinh nghiệm thực tiễn, những ‘bí quyết’ lạ lùng, có lẽ do công phu âm thầm nghiền ngẫm triền miên, nên mới phát hiện ra sau hơn 30 năm trời ròng rã tiếp xúc với đủ mọi hạng thân chủ tìm đến ông từ khắp bốn phương trời. Theo thiển ý, Tử Vi Tinh Điển là một tác phẩm không thể thiếu được trên bàn đọc hàng ngày của những người muốn tham cứu về Tử Vi. Bấy lâu nay, tôi cứ nghĩ ông Vũ Tài Lục thuộc hạng “Lục lục thường tài”, hoặc giả chỉ có 6 thứ tài, nhưng sau khi đọc xong bộ Tử Vi Tinh Điển thì tôi mới biết là mình đã quá sức nhầm lẫn. Đúng là “Trời đã sinh Lý… toét mà còn sinh ra cụ Vũ Tài Lục”.
    Vì số trang báo mà Viet Weekly dành cho tôi có giới hạn, nên tôi đành phải tạm ngưng ở đây vì bài viết đã quá dài. Xin trân trọng giới thiệu đến qúi vị độc giả Viet Weekly một tuyệt tác trong lãnh vực khoa học huyền bí: Tử Vi Tinh Điển do Nhà Tướng Số Vũ Tài Lục sưu khảo"
     
    lemontree123 and Heoconmtv like this.
  6. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7


    Ý này tôi nói, không phải là bài bác nhé! Nhưng thiển nghĩ rằng tử vi tinh điển của Vũ Tài Lục (đã có đọc) chỉ đọc tham chiếu cho vui, lúc sự nhàn chẳng có việc gì. Chứ nói đó là tinh điển thì hơi quá với. Ông ta mà tinh điển được tử vi, hay thông rõ về quy luật của chính trị thì ông đã chẳng phải vất vả bôn ba chạy loạn, rồi thì tha hương xứ người.
     
    123phat and kinhnhieuloc like this.
  7. kinhnhieuloc

    kinhnhieuloc Lớp 8

    Đôi khi "chạy trời cũng không khỏi nắng"..vì cái số:),có thể vì VTL biết số mình phải là như vậy chăng?
     
  8. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    "Lập ngôn" cơ mà! Viết sách cơ mà! Nào là tử vi, quy luật chính trị. Nếu đã biết số mình thì rằng trước đó cứ qua ở vứt luôn xứ người có hay hơn chăng?
     
    kinhnhieuloc thích bài này.
  9. quocdat5594

    quocdat5594 Lớp 2

    Bác nói thế cũng thiển nghĩ do bác nghĩ ra thôi. Chớ người tính không bằng trời tính. Bác nói thế thì so sánh đến nhiều nhân vật tiếng tăm từ ngàn đời ví Tào Tháo, Khổng Minh mà thôi :D Còn đọc sách hay viết sách cũng chỉ là chăm chút cho bản thân chút học thức hèn mọn, khốn nỗi có mấy người đọc mà làm nên chuyện đâu :)
     
    kinhnhieuloc thích bài này.
  10. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7


    Thế bình sinh Tháo, Lượng có thuật ngôn hay lập ngôn không bác? Có viết quyển nào rồi tự nhấn là tinh điển? hay nghĩ rằng mình nắm được quy luật của "chính trị" không bác.
     
  11. huytran

    huytran Lớp 5

    Xin lỗi anh bạn Ngọc Sơn, tôi trước giờ chỉ yên lặng nghe mọi người nói, nhưng thấy anh nói quá dai mà loanh quanh chỉ một lý lẽ trẻ con, nên phải lên tiếng, chứ chẳng phải tôi bênh ai, chống ai cả.
    Ai bảo rằng ông Vũ Tài Lục không biết số ông ấy phải lưu vong ra nước ngoài, ông ấy có bao giờ khoe là số tôi sẽ làm tổng thống, làm bộ trưởng, sẽ chôn cất ở VN? Nói như anh: biết thế sao không ra nước ngoài từ trước luôn đi, ra sớm thì được cái gì, giải quyết được chuyện gì? Mà nước ngoài là nước nào, muốn ra thì ra à, ai cho ra? Nói thế giờ có ai bảo, số anh thế nào cũng có lúc chết, sao anh không chết luôn cho xong, thì anh nghĩ sao?
    Tôi không biết tử vi ông Lục giỏi hay dở, không biết ông ấy có đoán được thời cuộc hay không; chỉ biết là muốn phê phán việc viết sách của ông ấy, phải bám vào chính nội dung sách - mà tôi nghĩ anh chưa đọc. Người viết sách chẳng là cái gì, chẳng có quyền gì mà quyết định thịnh suy; nếu họ quyết định được thì đã chẳng cần ngồi viết sách. Ông Marx viết Tư bản luận vẫn chết trong đói nghèo, Adam Smith viết Quốc phú luận rồi cũng chỉ đi làm anh dạy trẻ. Tôi trích dẫn câu này anh đừng phật ý, Tây nó nói, trước việc gì, kẻ có trí tuệ thì phê phán ý tưởng, kẻ hiểu biết vừa vừa thì phê phán hành động, chỉ có kẻ ngu soi mói vào cá nhân.
    Cuối cùng tôi muốn nói, người có hiểu biết thường nói vừa đủ, không quá lời, hữu xạ tự nhiên hương, lý lẽ mình hay thiên hạ sẽ hiểu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26/9/15
    nguoidocsach and Ngọc Sơn like this.
  12. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Cảm ơn Anh đã góp ý! Dạ, cũng đọc không nhiều, cũng được ba tác phẩm của tác giả này thôi nên chắc vẫn chưa thông hiểu lắm.
     
    huytran thích bài này.
  13. huytran

    huytran Lớp 5

    Vâng, nếu anh đã đọc 3 tác phẩm rồi thì tôi xin rút lời nói ở trên lại và có lời xin lỗi đã xét đoán vội vàng. Cũng xin nói thêm là cuốn "Tử vi tinh điển" có tựa đề phụ là "Luận về các sao trong tử vi", chữ "tinh" ở đây là "sao" chứ chẳng phải là tinh hoa.
     
  14. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Được người kế cận Tác giả chỉ giáo cho cũng là may mắn rồi.
     
  15. kinhnhieuloc

    kinhnhieuloc Lớp 8

    Vài lời qua lại cho vui thôi các bác nhỉ..Con người nhỏ bé khó thoát khỏi cả một cái hệ thống thế giới đè bẹp thân mình.. Như trường hợp các nước nhỏ Trung Đông bây giờ...Dân chỉ biết bỏ chạy..lang thang, tìm nơi trú thân..Tất cả củng vì lợi ích và các nươc cờ của các nước lớn...
     
  16. huytran

    huytran Lớp 5

    Nói đến chuyện này, cũng xin ôn lại 1 góc độ ít ai nhắc đến trong đoạn lịch sử vừa qua của Việt nam; giữa 1 cộng đồng chơi sách, thiết tưởng kể sơ qua câu chuyện những cuốn sách đã được viết ra như thế nào cũng không đến nỗi vô bổ.

    Bạn kinhnhieuloc hình như là người lớn tuổi và sinh trưởng ở miền Nam, hẳn vẫn còn nhớ những tháng ngày sôi động trước 1975. Người ta hình dung trong thời điểm đó, toàn dân tộc bị chia đôi, đứng ở hai bên chiến tuyến, nhưng không mấy ai lưu ý đến những người trí thức đã chọn vị thế khác cho mình. Ngày ấy, mang nỗi mặc cảm dân tộc đang làm con cờ trong cuộc chơi của các thế lực, tập thể trí thức miền Nam – trừ những người có lập trường nghiêng hẳn sang phía Cộng sản hay Mỹ - đua nhau hưởng ứng phong trào đi tìm giải pháp chính trị độc lập cho cuộc chiến VN.

    Họ đã mơ ước xây dựng một chính quyền trung lập, một quân đội cách mạng bằng sức người Việt, không lệ thuộc ai và không khuất phục ai. Để làm được điều đó, họ đã say mê đi học hỏi binh thư chiến pháp, tri thức chính trị thế giới, cũng như đi tìm kiếm sức mạnh văn hóa Việt. Họ viết sách để phổ biến thông tin, cũng như suy nghĩ của mình cho bạn bè và cho công chúng. Những năm ấy, Vũ Tài Lục cộng tác với nhóm Việt Chiến của Nguyễn Hữu Đống (một nhóm đã từng lập kế hoạch cướp chính quyền miền Nam), viết sách chính trị cho nhóm này xuất bản; Thế Uyên viết “Chiến tranh cách mạng” và chủ trương tủ sách Thái Độ, muốn đào tạo ra lớp người am hiểu quân sự - chính trị để lo việc nước; Phạm Việt Châu mơ ước liên minh các dân tộc Đông Nam Á để thay thế sự lệ thuộc vào Mỹ; v.v. Ta thử đếm qua một vài đầu sách được viết hoặc dịch ở SG thời đó thì sẽ thấy tham vọng học hỏi và khát vọng chính trị của họ: “Kỹ thuật đảo chánh” và “Kỹ thuật tuyên truyền chính trị” của Thế Uyên, “Cách mạng và hành động” và “Từ binh pháp Tôn Ngô tới chiến tranh nguyên tử” của Nghiêm Xuân Hồng, “Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh” của Hồ Hán Sơn, v.v. Những sách vở truy nguyên văn hóa dân tộc, muốn dùng đó làm chỗ dựa tinh thần, làm động lực cách mạng thì có “Trăm Việt trên vùng định mệnh” của Phạm Việt Châu, “Những quy luật chính trị trong sử Việt” của Vũ Tài Lục, sách của giáo sư Kim Định, v.v.

    Nhưng cuối cùng thì thực tế đã làm cho họ hiểu ra rằng sách vở yếu hơn nhiều so với tiền, nhân lực và súng đạn. Tư tưởng cần có không gian và thời gian để biến thành hiện thực, trong khi cuộc chiến thì diễn biến quá nhanh. Người bị giết, bị bắt bớ bởi chính quyền miền Nam, kẻ tự vẫn, đi cải tạo, sống kiếp lưu vong sau 1975. Sách họ viết ngày nay gần như không ai buồn đọc, và cứ như thế, một trào lưu văn hóa to tát một thời đã âm thầm bị xoá khỏi ký ức người Việt. Tôi chỉ kể chuyện, việc bình luận dành cho độc giả.

    (Xin đừng lầm lẫn khối trí thức tôi vừa mô tả ở trên với thành phần thứ 3. Khối trí thức trên muốn thực hiện một số hình thức cách mạng nào đó, tùy theo ý tưởng mỗi người, còn thành phần thứ 3 chỉ chủ trương hòa giải với miền Bắc, và gần như ủng hộ miền Bắc công khai).
     
  17. quocdat5594

    quocdat5594 Lớp 2

    Các bác cải nhau vì những chuyện mà cái lí cứ phải của mình mới được, haiz :D
    Lập topic này loãng mất rồi, đã bảo chia sẻ mà.
     
  18. quocdat5594

    quocdat5594 Lớp 2

    Cần có sự chia sẻ thông tin như bác em thấy hiểu thêm chút về tác giả. Cảm ơn bác :D
     
  19. kinhnhieuloc

    kinhnhieuloc Lớp 8

    Quyền lực tư bản hay quyền lực cách mạng đều giống như nhau - nếu chỉ dựa trên sức mạnh đàn áp. Trí thức Miền Nam Việt Nam trước đây lập thuyết thi`giỏi- nhưng khó lôi kéo được quần chúng đám đông...vì họ quan niệm rằng chịnh trị lúc đó là một trò chơi nhiều dối trá, mà mình không có nhiều ảnh hưởng.
    .Nên đa phần họ chọn cách đứng bên lề.
     
  20. huytran

    huytran Lớp 5

    Trí thức làm chính trị không thành công thì tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng số thật sự đứng bên lề thì tôi không nhớ ra nổi mấy người. Nói là họ không tham chính được thì có lẽ sát thực tế hơn.
    Từ Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân thuộc lứa Tây học tương đối sớm nhất của người Việt lại đi phò tá Bảy Viễn; Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tham gia đảo chính hụt, nhóm giáo sư Nguyễn Văn Trung đi tuyên truyền chủ nghĩa xã hội kiểu châu Âu, linh mục Kim Định lãnh tụ phong trào Hùng Việt... Phật giáo tranh đấu Ấn Quang bao gồm gần như đủ mặt các học giả tên tuổi của Phật giáo VN, từ thượng tọa Thích Minh Châu, Thích Chánh Đức cho tới Thượng tọa Nhất Hạnh, Đại đức Tuệ Sĩ... Con người suy tư trầm mặc như Trịnh Công Sơn còn bị lôi kéo vào âm mưu đảo chính của Nguyễn Hữu Đống, khinh bạc như Mai Thảo và nhóm Sáng Tạo còn nhận tài trợ phòng Thông tin Mỹ. Những người ra mặt chống Cộng hay thân Cộng thì không nói làm gì.
    Trí thức vốn nhạy cảm với hoàn cảnh, và nhiều tham vọng về danh tiếng, quyền lực. Có nhiều ngả đường thời đó đưa họ vào chính trị, có ngả thênh thang như ủng hộ phe nhóm các tướng tá, có ngả phiêu lưu trắc trở như tham gia phong trào tôn giáo, đảng phái, các nhóm ngôn luận, v.v. Vì là thời chiến cho nên tư tưởng đưa ra ít nhiều đều có tính "tranh bá đồ vương" vừa quyền mưu giống kiểu Tam Quốc vừa lập thuyết giống kiểu Đông Chu, muốn cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản thuần túy và chủ nghĩa cộng sản để tạo một vị thế chính trị riêng cho lực lượng của mình.
    Nói chuyện xưa 1 chút, hy vọng không làm các bạn thấy nhàm chán.
     
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này