Năm 1933, thể yêu cầu của giám đốc Kịch-viện Trào-phúng Moskva, tác gia Mikhayl Bulgakov quyết định soạn một nhạc kịch giả tưởng có phần khôi hài, lấy nhan đề Hoan lạc (Блаженство), khi công diễn thường đặt thêm phụ đề Giấc mơ kĩ sư Rein (Сон инженера Рейна) cho khán giả phổ thông dễ hiểu. Tác phẩm phỏng thi pháp một số tác gia giả tưởng đương thời như Yevgeny Zamyatin, Aleksey Tolstoy và Vladimir Mayakovsky, dựa theo cả Nghệ nhân và Margarita của chính Bulgakov. Cốt kịch chia 3 hồi, kể về một kĩ sư lập dị tên Yevgeny Nikolayevich Rein - cái họ gây liên tưởng tới cộng đồng gốc Đức tại Nga vốn rất thành công trong lĩnh vực khoa học kĩ nghệ (đối với đại chúng ít học), đồng thời liên hệ nhân vật Faust của J. W. von Goethe (cho hàng ngũ trí giả). Kĩ sư Rein nằm mộng thấy mình chế ra một cỗ máy thì gian sơ suất đưa lão quản lý hách dịch Svyatoslav Vladimirovich Bunsha-Koretsky cùng tên bợm hào hoa Yury Miloslavsky vào ngự điện của sa hoàng Ivan Khủng Khiếp. Trong thư gửi phê bình gia Pavel Popov, ông giám đốc Mikhayl Afanasyevich cho biết : "Có một giả định rằng, y [Rein] đã đi vào chiều không gian thứ tư" (есть предположение, что он ушёл в четвёртое измерение). Tuy nhiên, tháng 04 năm 1934, sau khi duyệt thủ bản, ban quản lý nhà hát đề nghị tác giả Mikhayl Bulgakov sửa toàn bộ kịch bản, mà trọng tâm là phải hoán đổi bọn Bunsha-Miloslavsky với Ivan Khủng Khiếp, thay vì chỉ là cuộc chơi nhăng đơn tuyến. Mãi tới mùa thu năm 1934, ông giám đốc nghệ thuật Nikolay Gorchakov còn nhắc lại yêu cầu này, một phần cũng vì biết Bulgakov đang lâm cảnh túng bấn do không tìm được hợp đồng nào khả dĩ hơn. Cuối tháng 11 cùng năm, Mikhayl Bulgakov tiến hành những trang đầu kịch phẩm mới Ivan Vasilyevich (Иван Васильевич). Sang tháng 10 năm 1935, thủ bản hoàn chỉnh đã nằm trên bàn ông giám đốc nhà hát. Theo phu nhân Yelena Sergeyevna Bulgakova, "Gorchakov gạt nước mắt, ai nấy bật cười... Họ đòi công diễn tác phẩm ngay tức khắc" (Горчаков вытирал слёзы, все хохотали… Хотят пьесу пускать в работу немедленно). Mùa xuân năm 1936, vở Ivan Vasilyevich bắt đầu lên sàn tập. Nhưng trong buổi tổng duyệt, quan chức quản lý văn nghệ Tô Liên đã yêu cầu hoãn vô thời hạn, đồng nghĩa tác phẩm bị cấm xuất hiện trước công chúng. Mãi tới năm 1965, lệnh kiểm duyệt mới gỡ, Ivan Vasilyevich được đưa vào hợp tuyển Chính kịch và hài kịch Mikhayl Bulgakov (Драмы и комедии), do nhà Nghệ Thuật san hành cùng năm. Năm 1970, đạo diễn Leonid Gayday chuyển thể kịch phẩm này thành phim màn ảnh đại vĩ tuyến Ivan Vasilyevich đổi nghề (Иван Васильевич меняет профессию), lấy bối cảnh hiện đại là thập niên 1960. Cho tới nay, Ivan Vasilyevich vẫn được coi là một trong những kiệt tác sân khấu hiện đại Nga và cũng là kịch phẩm trứ danh nhất trong sự nghiệp Mikhayl Bulgakov.
IVAN VASILYEVICH ИВАН ВАСИЛЬЕВИЧ Hồi I : Trong một căn hộ chúng cư Moskva có chàng kĩ sư Nikolay Ivanovich Timofeyev chỉ mải nghiên cứu chế tạo cỗ máy thì gian, tới nỗi lơ đãng khi cô vợ Zinaida Mikhaylovna báo tin rằng, ả ham muốn trở thành minh tinh và quyết định hủy hôn thú để đến với gã đạo diễn điện ảnh Arnold Yakin. Cũng khi ấy, ông quản lý chúng cư Ivan Vasilyevich Bunsha-Koretsky yêu cầu Timofeyev báo cáo toàn bộ quá trình chế tạo máy để ông ta đệ lên chính quyền thành phố cho "hợp pháp". Tuy nhiên, vì chỉ say mê với máy nên Timofeyev đột ngột xoay nút khiến bức tường ngăn nhà anh với nhà nha sĩ Anton Semyonovich Shpak biến mất. Lão nha sĩ hiện ở phòng khám, trong nhà chỉ có một nhân vật xưng danh George Miloslavsky, tự nhận người quen, song kì thực là tên bợm nhập nha với ý định khoắng một mẻ rồi chuồn. Qua sự khuyến khích của Miloslavsky, Timofeyev mạo hiểm lui thì gian xa hơn nữa về quá khứ, vào đúng ngự điện Ryurik. Bộ ba nom rõ mồn một là sa hoàng Ivan Khủng Khiếp đang đọc cho quan lục sự chép bức thư trình "đức cha Kozma kính mến". Hồi II : Do chút bất cẩn, Timofeyev để cho cấm quân Ryurik làm hư cỗ máy thì gian, thế là phải chạy đi khắp nơi tìm transistor (đương thời thiết bị điện là hàng trọng cấm nên giới kĩ sư phải mua ngoài chợ đen, rất mắc và chưa chắc có). Trong lúc chờ anh, sa hoàng Ivan Khủng Khiếp ngồi nhâm nhi rượu mậu dịch quốc doanh đắng ngắt, khác xa những rượu nho hảo hạng chốn đế đô xưa. Vừa lúc đó, ả Zinaida về thu vén hành lý chuẩn bị theo gã Yakin đi tìm danh vọng phú quý. Cô thầm kinh ngạc vì hóa ra đức lang quân gàn dở đã vận hành thành công cỗ máy, và buột miệng tiết lộ rằng thế nào rồi quan đại thần Boris Godunov cũng đăng cơ (sau khi con trai Ivan là Fyodor hoăng trong tình trạng tuyệt tự). Còn gã Arnold Yakin không mảy may biết sự thật, bèn ngỏ ý mời Ivan Khủng Khiếp kí giao kèo đóng phim trị giá hai chục ngàn rúp. Lão nha sĩ Anton Semyonovich mới về và chạm mặt Timofeyev cũng ở chợ đen về. Khi nghe lão thuật truyện gặp Bunsha có vẻ sắp nổi tiếng nhờ tài nghệ đóng phim, Timofeyev đã tiết lộ rằng đấy không phải Bunsha mà là sa hoàng Ivan Khủng Khiếp, và chẳng qua hai người này có ngoại hình giống nhau. Timofeyev dặn Shpak đừng nói với ai, y khăng khăng rằng suốt đời mình coi trọng tín nghĩa và hứa "câm như cá". Nhưng vừa vào nhà, Shpak bốc máy gọi cu-lít. Hồi III : Về phần Bunsha-Miloslavsky, tên bợm nhận ra sự giống nhau đến kinh ngạc của Ivan Khủng Khiếp với Ivan Vasilyevich Bunsha-Koretsky, bèn bắt lão bận triều phục đóng giả sa hoàng. Khi sa hoàng mạo danh tiếp sứ bộ Thụy Điển, vừa hay sứ thần lân bang dâng yêu sách đòi quận Kemsk, y buột mồm cho luôn với lý do "lĩnh thổ Nga rộng mênh mông, vứt tí đất có đáng kể gì". Tại quốc yến, Bunsha mời sa hậu Marfa Vasilyevna nhảy rumba (vũ điệu mới xuất hiện thập niên 1920 tại Cuba), và như vậy người ta phát hiện sa hoàng mạo danh. Trong lúc dân chúng vây hoàng cung kết tội sa hoàng bị ác quỷ xơi tái và đóng giả, thì cấm quân đuổi gã Bunsha cùng tên bợm George Miloslavsky chạy khắp nội điện, quân trấn thủ biên thùy cũng được triệu về "đánh quỷ". Đương khi nguy khốn nhất, bọn Bunsha-Miloslavsky thoát nạn nhờ Timofeyev sửa xong máy thì gian. Tuy nhiên, công an đã đón lõng bắt cả hai Ivan, và chính họ cũng ngạc nhiên về sự giống như hai giọt nước này. Khi rước cả hai ra đối chất với mụ vợ Ulyana Andreyevna, trong lúc Bunsha phân trần rằng lão bị "sa hậu quyến rũ" nhưng vẫn nhất mực chung thủy với vợ, thì sa hoàng Ivan Khủng Khiếp vẫn giữ sự cao ngạo và hậm hực. Nhưng vì lòng tham, Ulyana nhận bừa rằng mụ cưới anh em sinh đôi. Thế là ông công an trưởng quyết định tống cả ba vào trại tâm thần. Trong lúc y tá điệu ba người này ra xe thùng, Miloslavsky đóng giả y sĩ định trốn đi, không ngờ một công an viên phát hiện ra, vậy là cả chúng cư náo loạn vì một cuộc rượt bắt có một không hai. Timofeyev thốt nhiên choàng tỉnh, thì ra lúc vận hành, máy nổ tung khiến Timofeyev va đầu xuống đất bất tỉnh nhân sự. Zinaida ở nhà hát về, khi Nikolay gặng hỏi, cô bảo chẳng quen ai là Arnold Yakin cả và than rằng sự nghiệp vẫn chẳng tiến triển là bao. Lúc ấy, lão Anton Semyonovich Shpak sang phàn nàn rằng nhà vừa bị khoắng mất hai cái áo lông thú, hai hộp thuốc hút, hai máy hát cùng một mớ vật dụng đắt tiền khác, và rằng lão đang hận tay quản lý hách dịch Bunsha "tới xương tủy" vì để tòa nhà xảy ra trộm cắp. Nhưng kì thực, Shpak chỉ nói khoác để khoe mẽ, nhà lão bị mất toàn những món chả đáng gì.
NHÂN VẬT Ivan Vasilyevich Bunsha-Koretsky : Trưởng ban quản lý chúng cư - hình tượng khu chúng cư được coi như một thế giới Bulgakov thu nhỏ với các nhân vật Shvonder (Trái tim chó), Anisim Zotikovich Hallelujah (Căn hộ của Zoya), Nikanor Ivanovich Bosoy (Nghệ nhân và Margarita). Hình ảnh Bunsha luôn liền với cuốn sổ thanh toán tiền thuê nhà kè kè trên tay. Nhân vật này là đại biểu giới quan liêu Soviet, tuy siêng việc nhưng hay khiến người khác khó chịu về thái độ hách dịch, chỉ chăm soi vấn đề đạo đức của cư dân. Tuy nhiên, Bunsha rất nhát mụ vợ to béo ở nhà, và khi làm sa hoàng bất đắc dĩ, y tỏ ra vô cùng hồ đồ trong các quyết định mang tính tồn vong của xứ sở và cả ngôi báu. Sa hoàng Ivan Khủng Khiếp : Nhân vật sa hoàng Ivan Đệ Tứ được đóng đinh trong lịch sử Nga là kiểu mẫu chuyên chế khắc nghiệt để đạt mục tiêu tối thượng, nhưng trong tác phẩm M. Bulgakov, hình tượng này làm phương tiện đối lập lão Bunsha hiện đại, nhằm nêu giả thiết về vấn đề quan liêu phải vận hành như thế nào, dựa vào đâu... Tác phẩm còn đặt giả định rằng vị sa hoàng lừng lẫy ngờ nghệch thế nào khi bước ra thế giới hiện đại, thậm chí những việc tầm thường bình dân cũng làm không xong. Vở kịch cũng có chút sót lầm khi cố ý dựng nhân vật sa hậu Marfa ở thì điểm chiến kiện Krym, vì trong thực tế, bà đã mất trước đó hai năm. George Miloslavsky : Nhân vật được coi là hấp dẫn nhất tác phẩm. Y có biệt danh Người Độc Tấu (Солист) vì hay đeo bao tay đen, vốn là tên bợm chỉ thạo ngón cải trang và trộm cắp, như Bulgakov mô tả, y luôn khoác cho mình cái mẽ bảnh bao, "mày râu tỉa tót đầy chất nghệ" (с артистическим бритым лицом), một kiểu Arsène Lupin nước Nga. Trong tác phẩm, y có nhắc đến hai con kênh (Bạch Hải - Baltik, Moskva) do tù nhân đào, ám chỉ y mới vượt ngục. Theo chứng thư, đích danh y là Yury Miloslavsky, nhưng phải đổi George để trốn truy nã, trong đó Yury là lối đọc Nga của George (Pháp ngữ). Ngay cái họ cũng gây liên tưởng tới gia tộc quyền thần Miloslavsky sau triều đại Ivan Khủng Khiếp sẽ nổi lên thao túng hoàng thất Romanov (vốn là đàng ngoại triều Ryurik, kế ngôi sau khi sa hoàng Fyodor tuyệt tự). Qua lời bâng quơ của thầy lục sự, rõ ràng George Miloslavsky được coi như tái sinh nhân vật Ivan Miloslavsky, biệt danh Vanka Đạo Chích (Ваньку-разбойника), bị xử giảo vì tội trộm cướp có số má. Y thúc Timofeyev vận hành cỗ máy thì gian chẳng qua để trộm cổ vật, nhưng lúc cưỡng bách Bunsha ngồi vào ngôi báu, rõ ràng George Miloslavsky đã thể hiện chả khác chi quyền thần có khả năng áp chế cả sa hoàng lẫn các quan viên già khú đế trong hội đồng quý nhân. Hỡi công dân, hãy gửi tiết kiệm ở nhà băng ! Tất nhiên, nếu bạn có tiền... (Граждане, храните деньги в сберегательной кассе ! Если, конечно, они у вас есть…)
[Nhạc dạo] ♫ Vạn tuế sa hoàng Boris Fyodorovich ! ♫ Vạn tuế quốc phụ ta, sa hoàng ta ! ♫ Vinh quang ! [Chúng cư] Giọng nam : Mẹ kiếp ! Này, làm sao thế ? Lại mất điện rồi. Giọng nữ : Quá quắt, thằng Timofeyev làm cháy cầu chì nữa rồi. Bunsha : Đồng chí Timofeyev, chừng nào xong ? Nikolay : Ngay đây ạ. Bunsha : Đến bao giờ mới kết thúc mấy trò thí nghiệm của anh ? Anh cứ làm tòa nhà chúng ta mất điện mãi không được đâu. Nikolay : Được rồi đấy ! (dập cầu dao) Ivan Vasilyevich, nếu ông biết tầm quan trọng của một phát minh. Tôi còn đang làm việc chưa xong nên ông nói lúc này không tiện đâu. Bunsha : Những thí nghiệm bằng điện nên được thực hiện tại công sở của anh, còn tại tư gia điện chỉ được dùng trong phạm vi an toàn và thân thiện. Nikolay : Tôi đã nói ông không biết bao nhiêu lần rồi... Tôi đang nghỉ phép nên đành làm việc ở nhà, mà dù sao, thí nghiệm của tôi vẫn an toàn. Bunsha : Nhân danh đại biểu quần chúng, tôi yêu cầu anh dừng ngay lại ! Hôm nay anh làm cháy cầu chì thì mai anh sẽ làm cháy nhà.
[Nhà Timofeyev] Nikolay : (với con mèo) Mày biết không, tao cần phải nâng điện áp lên. Nguy hiểm ! Tất nhiên, nguy hiểm lắm chứ, nhưng như người ta nói đấy, được ăn cả... Zinaida : (tập kịch trước gương) Em có thể mường tượng điều gì sắp xảy đến. Em hi vọng chúng ta có thể tránh một bê bối, những bê bối đó khiến đôi ta đều mỏi mệt. Em đã li dị ba lần rồi. Vâng, đúng vậy, ba lần. (quay ra khán giả, mặt tỉnh bơ) Zyuzin thì không tính ! Em chưa bao giờ cảm thấy lo lắng như hôm nay. (tự nhủ) Nào, mình sắp làm... truyện ấy ! (thở dài) Zinaida : Ôi, Kolya ! Đống thiết bị của anh sắp giết anh rồi. Nikolay : Thiết bị của anh, Zinochka ạ, sẽ khiến anh nổi tiếng. Cả em nữa. Thật không ? Em xin lỗi vì quấy rầy anh, nhưng em có tin dữ phải cần báo cho anh. (bối rối) Găng tay của em đã bị lấy cắp hôm nay, và em đã phải lòng người khác. Anh có hiểu không, hả Kolya ? Nikolay : Có, găng tay của em, thì làm sao ? Zinaida : Thôi quên găng đi. Em yêu người khác rồi... Nikolay : (chúi mặt vào máy) Nào, xong rồi. Zinaida : Chỉ là, làm ơn đừng phản đối và cũng đừng làm cảnh như thế. Sao nào, anh có hỏi người ấy là ai không ? Phải chăng anh nghĩ là Molchanovsky ? Không, anh sai rồi. Zupperman ư ? Sai nốt. Được rồi ! Chúng ta không vòng vo nữa. Anh ấy là... đạo diễn điện ảnh Yakin. Nikolay : Tặc... Zinaida : Lạ lùng thật ! Điều xảy ra lần đầu trong đời em. Người đàn ông được thông báo rằng vợ sắp bỏ anh, mà anh chỉ tặc lưỡi suông. Ít nhất, thế là bất lịch sự. Nikolay : Ý em là một người cao, tóc vàng ? Zinaida : Không tin nổi, anh vẫn tỏ ra ít quan tâm tới vợ mình. Người tóc vàng là Molchanovsky. Anh nhớ nổi không ? Molchanovsky. Còn Yakin... Yakin rất tài hoa ! Sao ? Anh có hỏi bọn em sắp sống ở đâu không ? Hôm nay bọn em sẽ đi Gagra tìm bối cảnh cho một cuốn phim. Còn sau đó, anh ấy sẽ được cấp một căn hộ. Dĩ nhiên, nếu anh ấy không khoác lác. Nikolay : Chắc rồi, anh ta đúng là đồ khoác lác. Zinaida : Ô, tất cả điều này nom nực cười ghê ! Cố xúc phạm một con người chỉ vì anh đố kị. Anh ấy không thể gian dối mọi phút được. Suốt bao đêm thao thức, em đã nghĩ và đi tới kết luận rằng, chúng mình không hợp nhau. Anh có hiểu thế nào không, hả Nikolay Ivanovich Timofeyev, em sống trong một thế giới của điện ảnh, của nghệ thuật. Nhưng sự điềm tĩnh của anh khiến em vô cùng kinh ngạc. Anh biết không, Kolya, em thậm chí cảm thấy như đang làm một cảnh phim. Nikolay : Thì đừng làm nữa. Zinaida : Anh nghĩ vậy ư ? Nikolay : Anh chắc. Zinaida : À há. Zinaida : (kéo hành lý ra cửa, ngoái lại) Vĩnh biệt Kolya ! Nhưng đừng hủy hộ khẩu của em, chứ ai biết còn truyện gì sẽ xảy ra.
[Phòng khám] Điện thoại reo. A. S. Shpak vừa khám răng vừa bốc máy. Miloslavsky : Có phải phòng khám nha khoa không ? Số 3-62 ? (giả giọng nữ thẽ thọt) Làm ơn cho tôi nói truyện với Anton Semyonovich Shpak được không ạ ? Shpak : (với bệnh nhân) Giữ miệng anh há to nhé. (cầm máy) Tôi nghe. Miloslavsky : Anton Semyonovich, chào anh ! Hôm nay anh xong việc lúc nào ? (khêu gợi) Tôi là một diễn viên. Không, anh chẳng biết tôi đâu, nhưng tôi rất sốt sắng được gặp anh. [...] Thế anh làm đến 4 giờ à ? Tôi sẽ gọi lại, tính tôi ngoan cố lắm. Shpak : Được ! [Nhà Timofeyev] Nikolay : Việc gì ông phải quan tâm đến mối quan hệ của tôi với vợ tôi ? Đó đâu phải trách nhiệm của ông, cho dù chúng tôi có li hôn hay không. Bunsha : (cãi cùn) Đó là vấn đề riêng của chúng ta ư ? Không, là vấn đề chung. Vụ li hôn của anh sẽ làm hụt dân số tòa nhà. Nikolay : Thế tóm lại ông muốn gì ở tôi ? Bunsha : Đợi cuối quý hẵng hay. Rồi sau đó anh li hôn bao lần tùy thích. Nikolay : Lúc ông phát biểu, lvan Vasilyevich ạ, nom cứ như bố vợ phải đấm ấy. Bunsha : Nhà anh nói thế là ám chỉ gì đây ? Nhưng thôi, còn về cỗ máy đáng nghi của anh, tôi yêu cầu anh làm văn bản tường trình, bằng không, chúng tôi sẽ đơm đơn khiếu nại. (ra cửa toan về) Nikolay : Khoan ! Khoan đã, thiết bị của tôi chẳng có gì đáng nghi hết. Đơn giản là tôi đang phát minh một cỗ máy thời gian. Nói cách khác, tôi có thể xuyên không và hồi khứ. Bunsha : Quay về quá khứ ư ? Nikolay : Đúng rồi. Bunsha : Mấy thí nghiệm này, Nikolay Ivanovich, chỉ có thể được thực hiện dưới sự cho phép đặc biệt của cơ quan hữu trách. Nikolay : Khoan đi, lvan Vasilyevich, thiết bị này có thể hữu dụng lắm đấy. Xin để tôi giải thích ! Thế thôi. Nikolay chạy lại chuẩn bị giật cần máy. Bunsha vẫn đứng trơ mắt ếch, trong đầu không gì khác ngoài việc kiểm soát tình hình cư dân. Nikolay : Và bây giờ chúng ta sẽ thử vận hành cỗ máy thời gian. Ông đang chứng kiến một sự kiện lịch sử. Trước tiên, ta sẽ thử một khoảng cách gần. Nom nhé, chúng ta sẽ chạy xuyên không. Ông đã thấy gì chưa ? Bunsha : Cái gì ? Sao lại thế này ? Nikolay Ivanovich, tường đâu rồi ? Sao lại như thế này ? Rõ ràng bức tường vừa sừng sững mà. Timofeyev, anh sẽ phải điều trần trước tòa án. Dám phát minh ra cỗ máy như vậy đấy. Quỷ tha ma bắt bức tường nhà anh rồi, nửa căn buồng đã biến mất. Nikolay : Chả đáng lo đâu ! Bunsha : Sao lại không đáng ? Tôi từng xem mãi mấy kì quan kỹ thuật, nhưng không cái gì như cái này cả.
[Nhà Timofeyev-Shpak] Mảng tường ngăn nhà Timofeyev với Shpak biến mất. Bên phòng khách nhà Shpak có người ăn vận rất bảnh bao đang ngồi nhâm nhi ly cognac. Bunsha : Xin lỗi chứ, thế anh là ai ? Miloslavsky : Anh còn hỏi tôi là ai ấy à ? Tôi là bạn cánh hẩu Anton Semyonovich Shpak. Bunsha : Vậy anh đang làm gì trong nhà ông ấy ? Miloslavsky : Tôi đang làm gì á ? Tôi đang đợi bạn tôi về cùng tâm sự. Bunsha : Thế sao anh vào được nhà trong lúc ông ấy đi vắng ? Miloslavsky : Ôi, quỷ thế ! Định khảo tra tôi đấy à ? Nikolay : Đừng lo, tôi từng đi xuyên thời gian rồi. Tất cả do tôi làm đấy. Miloslavsky : Nói tôi hay, anh có thể nâng bất kì bức tường nào như thế không ? Nikolay : Tường ư ? Miloslavsky : Phát minh của anh quả là vô giá. Nhiệt liệt chúc mừng ! Nikolay : Cảm ơn ! Miloslavsky : (với Bunsha) Sao anh cứ chằm chằm nhìn tôi thế ? Chẳng có tranh ảnh hoa hoét nào mọc trên người tôi đâu. Bunsha : Anh đang mặc chiếc áo khoác da lộn nhập khẩu giống hệt của Shpak. Miloslavsky : Thật à ? Áo khoác da ? Mà da lộn ? Thế dễ thường Shpak là người duy nhất ở Moskva có áo da lộn à ? Bunsha : Tên anh là gì ? Miloslavsky : Tôi là nghệ sĩ của tất cả các kịch viện hàn lâm lớn nhỏ. Và tên tôi quá nổi tiếng nên cũng chẳng cần phát âm lại làm gì cho dư hơi. Nikolay : Anh có muốn quay lại phòng Shpak không ? Tôi có thể rẽ tường ra giúp anh. Miloslavsky : Khỏi, tôi chỉ thèm ngắm cỗ máy của anh. Tôi thích nó. Nikolay : Được thế tôi lấy làm mừng. Anh là chứng nhân trước tiên của tôi. Miloslavsky : Đây là lần đầu trong đời tôi được làm chứng (ám chỉ hay hầu tòa làm bị cáo). (với Bunsha) Anh nhìn chằm chằm gì tôi ? Mắt anh sắp giùi hai lỗ trên người tôi đấy. Nikolay : Các vị có nhận thức được những gì các vị vừa chứng kiến đây không ? Miloslavsky : Chắc luôn ! Nhưng cho tôi biết... Anh có thể nâng bức tường như thế trong... cửa hiệu không ? Òa, thật là một phát minh hữu dụng ! Bunsha : Anh đến nhà Shpak mà đem máy ghi âm à ? Nikolay : Quên bức tường đi ! Điều quan trọng nhất là nhờ xuyên tường tôi có thể xuyên không. Tôi có thể thâm nhập thời gian, tôi có thể về 2 hoặc 300 năm trước. Bunsha : Anh làm bộ ngơ ngác không biết câu hỏi của tôi về máy ghi âm. Miloslavsky : (với Bunsha) Mẹ kiếp ! Cỗ máy tuyệt quá, một bước đột phá khoa học và kĩ nghệ ! (với Bunsha) Mẹ kiếp anh lần nữa. Tôi không thể đợi thêm được nữa ! Nikolay : Nào cùng quay về quá khứ nhé, và xem Moskva cổ đại thế nào. Bunsha : Anh ba hoa cái gì thế, Timofeyev ? Trước khi xem Moskva cổ đại, phải xin phép cơ quan hữu trách. Miloslavsky : (với Timofeyev) Chờ tí ! (với Bunsha) Nếu anh còn chọc ngoáy những thí nghiệm hàn lâm và cản bước tiến kĩ nghệ nữa... Tôi sẽ... (chĩa hai ngón tay vào mắt Bunsha) Bunsha : Bình tĩnh ! Tôi thôi. Miloslavsky : Làm đi ! Nikolay : Tôi hồi hộp quá ! Miloslavsky : Không phải sợ, có tôi đây rồi.
[Nhà Timofeyev - hoàng cung] Mảng tường sau giá điện thoại đột nhiên biến mất. Thế vào đấy là quang cảnh đường bệ ở hoàng cung. Thầy lục đương ngồi hí hoáy chép từng lời sa hoàng. Lục sự : ... tới Thiên Đàng... Sa hoàng : ... tới Đức Cha Bề Trên Kozma... Lục sự : Kozma... Sa hoàng : Sa Hoàng và Đại Công Tước Toàn Nga... Lục sự : Toàn Nga... Sa hoàng : ... cung kính. Ghi tiếp ! Miloslavsky : Kìa, Ivan Khủng Khiếp đấy. Bunsha : Anh đùa à ? Miloslavsky : Ôi mẹ ơi ! Lục sự : Quỷ dữ ! Có quỷ dữ, quỷ dữ kìa ! Sa hoàng : (với mèo nhà Timofeyev) Đi ra, tránh ra ! Khốn thân cô, đồ tội nhân ! Khốn thân cô, đồ sát nhân đáng rủa sả ! Ôi, linh hồn quỷ dữ ! (bỏ chạy) Nikolay : Khoan, ông đi đâu đấy ? Gượm đã ! Sa hoàng : Cút đi, tiêu tán đi, linh hồn ác quỷ ! Miloslavsky : Anh gọi ai đấy ? Bunsha : Thì công an. Miloslavsky : Đặt điện thoại xuống ! Bunsha : Gì, anh bảo gì cơ ? Miloslavsky : Điện thoại. Bỏ ngay xuống ! Bunsha : Sao thế ? Không thể nào ! Miloslavsky : Bỏ điện thoại ra, tôi bảo rồi nhé. Dễ quá mà, tôi lại đập bẹp ông bây giờ, mũ to ạ. Sa hoàng : Ác quỷ đâu rồi ? Bắt chúng nó ! Nikolay : Dừng lại, dừng lại đi ! Sa hoàng : Chết rồi, chúng nó bịt gạch quanh dư rồi, đồ quỷ sứ ! Bunsha và Miloslavsky mải tranh nhau máy điện thoại, cả hai lạc vào cấm cung. Sa hoàng hoảng hồn mở cửa lao ra hành lang chúng cư. Có tên cấm vệ liệng giáo trúng cỗ máy, chập mạch, khiến tường liền lại như cũ. [Nhà Timofeyev] Sa hoàng : Ôi, dư nom bất an trong lòng quá ! Nào nhắc lại đi, ngươi có phải là quỷ dữ chăng ? Nikolay : Tôi bảo ngài rồi, tôi không phải quỷ gì sất. Sa hoàng : Đừng dám dối dư, ngươi không được phép dối sa hoàng. Không do nguyện vọng dân sự, mà bởi ý Chúa khiến dư làm sa hoàng đấy. Nikolay : Phải thôi, tôi thừa biết ngài là sa hoàng rồi... Sa hoàng : Than ôi, dư là sa hoàng lvan Vasilyevich. Hãy đưa dư về, hỡi thuật sĩ ! Nikolay : Tôi không thể. Ngài thấy chưa, chỉ vì cái rìu này. Timofeyev ráng rứt cây giáo ra, nhưng to nặng quá không suy suyển. Sa hoàng giang một cánh tay giật phắt một cái. Nikolay : Cảm ơn ! Bán dẫn cháy mất rồi. Nếu không mua cái mới thì tôi chẳng giúp ngài về được đâu. Sa hoàng : Vậy ngươi hãy mua ngay ! Nikolay : Các cửa hiệu đóng cửa ăn trưa rồi còn đâu. Sa hoàng : Hỡi ôi, khốn thân cô ! Nikolay : Không phải căng thế, lvan Vasilyevich ! Sa hoàng : Ôi, khốn thân cô ! Nikolay : Ngài dùng vodka nhé ? (mở tủ lạnh) À, hồi hương nhé ? Tiếc quá, hết cả vodka hồi hương rồi. Tôi đang bảo là chả còn vodka hồi hương, chỉ còn Stolichnaya thôi. Ngài vui lòng dùng tạm vậy ! Sa hoàng : Uống đi, khanh hãy nếm rượu trong ly của dư ! Nikolay : Sao thế ? Sa hoàng : Làm đi, nếm thử... Nikolay : Ngài tưởng tôi có ý định đầu độc à ? Giờ chả ma nào thèm làm thế nữa đâu. Mà trong thời đại chúng tôi, ngài nhiễm độc vì thực phẩm đóng hộp còn nhanh hơn vodka đấy. Ngại gì chứ, ngài cứ uống đi ! Sa hoàng : Chúc sức khỏe anh, hỡi quý nhân ! Nikolay : Chúc sức khỏe ngài ! Sa hoàng : Quản gia của anh làm ra thứ rượu này à ? Nikolay : Cứ cho là thế đi, thôi ăn nào ! Sa hoàng : Thế ai chế ra cỗ máy này, anh hả ? Nikolay : Vâng. Sa hoàng : Dư cũng có một đứa như anh, y làm ra đôi cánh. Thế rồi dư nhồi nó vào thùng thuốc súng và.... bùm, thổi bay y. Hê-hê ! Nikolay : Sao ngài lại làm thế ? Thôi thôi, tôi không uống được nữa đâu, thưa lvan Vasilyevich. Cảm ơn ! Sa hoàng : Anh không biết tôn kính gì với dư à ? Nikolay : Vì ân điển Thiên Chúa, thưa lvan Vasilyevich ! Sa hoàng : Thế thì uống ! Nikolay : Tí thôi nhé. Thôi đủ rồi ! Sa hoàng : Nào, chúc sức khỏe ! Nikolay : Chúc sức khỏe ! Sa hoàng : Thế anh cư trú tại đây à ? Ái chà, những trú xứ chật hẹp. Nikolay : Chắc rồi, còn thua xa ngự thất của sa hoàng. Sa hoàng : Ừ, phải quá mà. Nikolay : Dù sao đây cũng chỉ là căn hộ cá nhân thôi. Sa hoàng : Thế mụ nhà anh đâu, đi lễ nhà thờ à ? Nikolay : Hôm nay vợ tôi chạy đi với tình nhân của cô ấy rồi - gã Yakin - tới Kavkaz. Sa hoàng : Anh đùa à, thế đã sai người đi bắt chúng chưa ? Chừng nào bắt cổ được chúng nó, trước hết xúc lòi ruột thằng Yakin đấy ra, rồi sau đó... Nikolay : Tại sao chứ ? Họ yêu nhau cơ mà. Chứ tôi chỉ mong họ hạnh phúc mãi mãi. Sa hoàng : Anh là ngữ người gì thế này ? Chúa ôi, điều gì đang xảy ra thế này ? Dư ngồi đây, trong khi bọn Thụy Điển cướp đoạt Kemsk ngoài đó. Đưa dư trở về đi, quý nhân ! Đi mua mấy thứ bán dẫn đó ngay. [...] Dư sẽ đi cùng anh. Nikolay : Ra phố ư ? Đừng, lvan Vasilyevich, xin hãy đợi tôi ở đây. Sa hoàng : Thế thì rảo chân lên, quý nhân ! Nikolay : Tôi đang vội lắm này, tôi còn phải cứu hai người nữa, như ngài. Mà điều gì sẽ xảy ra cho họ ? Sa hoàng : Chúng nó sẽ bị chặt đầu. Nikolay : Hả ?
[Hoàng cung] Cấm quân đuổi bọn Bunsha-Miloslavsky chạy bán sống bán chết. May thay, cả hai nấp vào buồng phục sức của sa hoàng. Miloslavsky : Eureka ! Áo choàng của sa hoàng này. Mặc vào, từ giờ anh sẽ là sa hoàng. Bunsha : Không phải lối ! Miloslavsky : Mặc vào đi, hay tôi phải cứa cổ anh ? Bunsha : Thế nào ? Miloslavsky : Chả giống, trông anh... giả quá ! Thôi thì để tôi bó hàm anh lại, cứ vờ như anh đang đau cổ. (Miloslavsky chít khăn từ đầu xuống cằm Bunsha) Sa hoàng kia... trông thông minh hơn. Bunsha : Này, đừng lợi dụng ám chỉ nhé ! Miloslavsky : Thôi, ngồi xuống ! Hãy tỏ ra anh đang trăn trở quốc gia đại sự. Đoạn, Miloslavsky ấn Bunsha vào ngôi báu, còn hắn ngồi thư án vờ chép lại lời sa hoàng như tên lục sự ban nãy. Miloslavsky : Cầm quyền trượng ! Nhìn thẳng, ban lệnh đi ! Bunsha : Lệnh liếc gì ? (Bunsha vẫn ngây ra) Miloslavsky : Ôi dào ! Sa hoàng, nhắc lại, của Toàn Nga... Bunsha : Sa hoàng nhắc lại của Toàn Nga. Miloslavsky : (gắt) Đừng có nhắc lại "nhắc lại" nữa ! Suỵt... Bọn cấm vệ đạp cửa xông vào. Sau đuôi có tên lục sự đương rúm ró. Miloslavsky : Thế ngài nói "sa hoàng và đại công tước..." ? Tôi chép rồi, phẩy. Tên bí thư chết tiệt của chúng ta đâu rồi nhỉ ? (ngoảnh ra) Truyện gì thế, các đồng chí ? Tôi đang hỏi các anh, (gằn giọng) truyện-gì-thế ? Thằng ăn bám nào dám phá cửa cung hả ? Người ta làm cửa cho chúng mày phá đấy phỏng ? (đập bút, vờ nổi giận, trấn tĩnh ngay lại) Tiếp nào, thưa bệ hạ ! "... cung kính...", chấm phẩy. (ngoảnh lại, ráo hoảnh) Tôi đang chờ lời đáp cho câu hỏi của mình đây. Bọn lính : Sa hoàng... Sa hoàng đấy... Đức ngài đấy... Lục sự : (dập gối xuống, vừa hót vừa lết) Bệ hạ ! [...] Ngài có thể ở đâu được chứ ? Sa hoàng đang ngự trong cung của ngài. Xin khoan thứ, đừng đày tôi sa chốn chết, thưa bệ hạ ! Quỷ sứ đã giả mạo ngài, chúng thần đã phải đuổi theo bọn nó khắp đại nội. Thế mà bỗng dưng, lũ ấy tiêu tán đâu mất. Miloslavsky : Chúng từng ở đó, chúng ta không phủ nhận, nhưng chúng tự tiêu rồi. Thôi ngay trò hoảng loạn nực cười này đi ! Mà anh là ai ? Lục sự : Feofan ạ, thư lại ở Ngoại Giao Quán. Miloslavsky : Thôi được rồi, Fedya, anh có thể ở lại đây. Còn lại, mời ra khỏi thư phòng của sa hoàng. Nói cách khác : (gầm lên) Cút mau ! (thở vào tai Bunsha) Đuổi đi chứ ? Bunsha : Phắn ! Bunsha gầm lên, cầm quyền trượng thúc mạnh xuống đất, sơ ý đâm luôn vào chân Miloslavsky khiến y nhăn mặt. Cấm binh kinh hoảng chuồn hết, tên đầu đàn đi sau chốt cửa lại. Lục sự : (quỳ mọp) Xin khoan dung, thưa bệ hạ ! Miloslavsky :Thôi trò lộn nhào của anh đi ! Anh đã diễn, giờ anh diễn nữa. Đủ lắm rồi. Lục sự : Người bị sao thế, thưa bệ hạ ? Người đổ bệnh ạ ? Miloslavsky : (với Bunsha) Đừng ngây như phỗng thế, sao tôi tự tung tự tác mãi được. Bunsha : Thì bị... đau răng. Miloslavsky : Ngài có mộng răng sưng, nên anh thôi làm phiền sa hoàng đi ! Lục sự : Vâng, thưa ngài. Miloslavsky : Fedya, anh lạy đủ rồi đấy. Thế lúc nào anh cũng quỳ như thế à ? Rất vui được quen anh ! Lục sự : Xin chớ giận, thưa quý nhân, nhưng quả là tôi chưa nhận ra ngài. Ngài là vương công ư ? Miloslavsky : Tôi á ? Có thể lắm. Thế nom tôi có gì lạ lắm à ? Lục sự : Sao ngài vào cung được hay thế ? Lâu nay chúng tôi đâu có thấy mặt ngài. (với Bunsha) Tâu bệ hạ, ngài ấy là ai ạ ? Bunsha : Thì anh ta là... bạn Anton Semyonovich Shpak. Miloslavsky : (quay ra khán giả, thở dài) Rõ đồ ngớ ngẩn ! (với lục sự) Sa hoàng ý nói rằng tôi là hoàng thân Miloslavsky. Anh đã hài lòng chưa ? Lục sự : Chúa ôi, xê ra ! Miloslavsky : Lại có vấn đề gì à, nghĩa là làm sao ? Lục sự : Ngài bị hành quyết rồi mà. Miloslavsky : (nhủ thầm) Tin tức về tôi hóa ra toàn thế đấy. Lục sự : Y lệnh sa hoàng, ngài đã phải treo cổ ngoài cổng cách nay ba hôm. Miloslavsky : (với Bunsha) Ồ hố, cảm ơn nhé ! Hóa ra tôi bị treo cổ là nhờ lệnh của anh đấy. Cứu tôi đi, bằng không chúng ta phải bịt miệng hắn. Sao giờ này anh lại cấm khẩu thế, hả đồ khốn ? (với lục sự) A, giờ tôi biết rồi, không phải tôi bị treo cổ đâu. Nhưng tên anh ta, cái kẻ bị thắt cổ ấy, là gì ấy nhỉ ? Lục sự : Vanka Đạo Chích (Ivan Miloslavsky). Miloslavsky : Đấy, thấy chưa ? Trong khi tôi là George. Tên cướp đó chỉ trùng họ với tôi thôi, đúng chưa nào ? Phải không ? Lục sự : Ừ hứ... Miloslavsky : Sao ngoài kia dân chúng cứ reo hò thế ? Fedya, ra tìm hiểu đi. Lục sự : Vâng, thưa ngài. [...] Dân sự đòi chiêm ngưỡng sa hoàng vừa được cứu giá của mình, quả là họ đang hân hoan ghê lắm. Miloslavsky : Ô không được, đòi hỏi quá đáng rồi. Chúng ta không còn thời gian cho việc đó, chúng ta sẽ ăn mừng sau. (với Bunsha) Chúng nó phải được điều đi cùng lúc, hiểu chưa ? Hầy, vẫn không chịu nói gì, mẹ kiếp hắn ! (với lục sự) Fedya, tôi hi vọng đang có... chiến tranh chứ ? Lục sự : Tất nhiên ạ, đang có, thưa ân nhân. Bọn Thụy Điển đang cắn vụng chúng ta, còn đại hãn Krym giao tranh với ta ở phòng tuyến lzium. Miloslavsky :Thôi đừng nói nữa ! Lục sự : Dạ. Miloslavsky : Thế sao anh không đi mà sửa chúng ? Lục sự : Xin khoan hồng, thưa bệ hạ ! Miloslavsky : Đứng dậy đi, Fyodor ! Tôi không trách anh đâu... Anh cứ ngồi xuống đây, thảo ngay một sắc lệnh của sa hoàng "Ta hạ lệnh điều quân tới phòng tuyến lzium để đá đít đại hãn Krym". Xuống dòng ! Lục sự : Xuống dòng. Xin đề danh, thưa sa hoàng vĩ đại ! Bunsha : Tôi không có thẩm quyền kí các văn kiện lịch sử. Không, tôi không có quyền... Miloslavsky rút ở túi áo ra một cây bút bi mà y thó ở nhà Shpak, bấm nút đưa Bunsha. Bunsha ghi bừa vào tờ sắc "Hành động vì sa hoàng, I. Bunsha". Còn Feofan lấy làm lạ vì xưa nay chưa thấy bút mực.. không chấm mực bao giờ. Miloslavsky : (đưa sắc cho lục sự) Đây, Fedya. Và bảo chúng nó đừng vội quay về ngay, nếu tiện lúc quay về thì chiếm luôn Kazan, thế khỏi đến đó hai lần. Lục sự : Sao phải thế ? Kazan thuộc ta mà, chúng ta sở hữu từ lâu rồi. Miloslavsky : Thật à ? Lục sự : Vâng. Miloslavsky : Nom nhà anh nhỏ người thế mà cũng nhanh nhảu gớm. Thôi được rồi, thôi được rồi ! Đã vậy thì... Việc ấy xong rồi, cứ để nguyên thế đi, trả lại làm quái gì ? Thôi, đi đi ! Và trong 5 phút tới tôi không muốn thấy thậm chí tóc da chúng nó ở đây.
[Xe hơi] Yakin : Trước hết, con đàn bà loạn trí này chỉ biết làm cảnh trên phim, còn sau đó nó cầm nhầm hành lí của chúng ta. Tất cả xảy ra chỉ một tiếng trước khi ta bay ! Cô X : Karp Savelyevich, em không thể tin mình may mắn nhường nào. Yakin : Cứ đợi đây, rồi anh sẽ quay lại. (vào chúng cư) [Nhà Timofeyev] Zinaida : (về Yakin) Rõ đồ đểu cáng ! (về Timofeyev) Tôi không nên thú nhận trước con người thánh thiện này. Kolya, anh có ở nhà không ? Kolya ! Thôi xong, mình lấy nhầm túi của tên khốn Yakin rồi. Yakin bước vào phòng. Cả y và Zinaida đều không biết sa hoàng Ivan nấp sau rèm cửa sổ. Yakin : Zinaida Mikhaylovna ! Tôi nghĩ em nhận thức được rằng, đó là tất cả những gì còn lại giữa đôi ta sau bao điều em đã làm ở hãng phim. Zinaida : Karp Savelyevich, anh là đồ đểu cáng ! Yakin : Là gì thì cũng trả túi tôi đi, còn đây của cô. Tôi hi vọng rằng tất cả mọi thứ của tôi còn trong đó. Zinaida : Ôi đồ đểu, khốn kiếp ! Tôi đã nhẫn tâm bỏ chồng mình, một con người thánh thiện với tất cả tiện nghi, một thiên tài, một nhà phát minh, để chạy đến thằng đểu này... Yakin : Lương tâm tôi trong sáng thế cơ mà. Zinaida : Anh còn chưa nhận ra bản chất của mình à ? Chỉ hai tiếng trước khi chúng ta rời đi, tôi đã nhác thấy anh, thấy anh tay trong tay với mấy con phù thủy, và hành xử như đồ đốn mạt. Yakin : Bọn tôi chỉ đang tập dượt cho một cảnh quay. Chẳng qua là tác phong chuyên nghiệp của tôi - profession de foi (đức tin cơ bản). (quay ra khán giả, tỉnh bơ) Zinaida : Đủ rồi, tôi phát ngán ! Tôi cắt đứt với anh, tôi sẽ hợp tác Budimir Kosoy với dự án Boris Godunov của anh ấy. Yakin : Kosoy là đồ giả mạo ! Zinaida : Còn anh là ngữ bất tài ! Nhờ anh ấy, tôi sẽ sắm vai hoàng hậu. Yakin : Kosoy chưa tìm được ai hợp vai Ivan Khủng Khiếp đâu. Zinaida : Gì, còn chưa có Ivan Khủng Khiếp ư ? (đáp liều) Thế mà tôi đã tập dượt cùng ông ta đấy. Yakin : Ở đâu ra ? Zinaida : Đây, ngay trong phòng này. Yakin : Thế ai đóng sa hoàng Boris, ai ?