Tuỳ bút - Biên khảo G Không gian tiếng Việt

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi Song Ngư, 5/10/13.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Tiếng Việt đang “dài” ra!


    Trong một chương trình Chào buổi sáng (VTV1) mới đây, viên sĩ quan cảnh sát giao thông trả lời phỏng vấn rằng: “Chúng tôi đã xác định được những cơn mưa kéo dài trên một tiếng đồng hồ hoặc dưới một tiếng đồng hồ gây ngập lụt là 53 điểm”. Sao không nói: “Chúng tôi đã xác định được 53 điểm cứ mưa to là ngập” cho gọn?

    Cũng chương trình này, hàng ngày vẫn ra rả “người tham gia giao thông”, “các phương tiện tham gia giao thông”. Sao không nói “người đi lại”, “xe cộ” cho ngắn?

    [​IMG]

    Hiện tượng nói dài đang ngày càng trở nên phổ biến trong sách báo và văn bản tiếng Việt hiện nay. Vì sao?


    Dai, dài, nhưng an toàn!

    Anh dân quân đánh vần chưa thạo chữ quốc ngữ trong truyện Đôi mắt của Nam Cao đã nói thuộc lòng một bài ba giai đoạn kháng chiến phòng ngự, cầm cự, tổng phản công… “dài đến năm trang giấy”. Những người này cứ nói ra “là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân, phát xít, phản động, xã hội chủ nghĩa, dân chủ với cả tân dân chủ nữa…” (trích Đôi mắt, 1948). Cách nay 63 năm đã xuất hiện trên cửa miệng người dân bình thường những khái niệm cao xa mấy ai hiểu hết ý nghĩa này. Sáu, bảy thập kỷ là khoảng thời gian tạo ra hai thế hệ, đủ dài để hình thành thói quen nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo. Điều này dẫn tới hệ luỵ là xã hội hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của từ ngữ, câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. Vả lại, nếu ai đó muốn bình luận sẽ tạo ra những lời nghịch nhĩ và trở thành “người có vấn đề”. Kết quả là người ta lo nói năng an toàn, cầm giấy phát biểu theo những giáo điều, dần dần hình thành thói quen kết luận mà không chú ý tới lý lẽ thuyết phục. Nhiều người nghèo đi về ngôn từ và tư duy, nhưng vẫn cần thể hiện mình. Vậy là sinh ra lối nói sang trọng với nhiều từ Hán – Việt nhưng lại không hiểu thấu đáo và những câu hùng hồn dài dòng rỗng nghĩa.


    Những lối nói dư thường gặp

    Qua phim truyền hình và một số chương trình truyền hình gần đây, có thể bắt gặp những lối nói dư sau:

    Dùng lặp hai từ Hán – Việt và thuần Việt đồng nghĩa: như “Nạn rải đinh tái xuất hiện trở lại” (Chào buổi sáng, 6.5.2011). Tái xuất hiện là xuất hiện trở lại. Nói nạn rải đinh “xuất hiện trở lại” là đủ. Và “Mời các bạn nghe những tin tức cập nhật đầu tiên trong ngày” (Chào buổi sáng, 13.1.2010). “Cập nhật” là trong ngày. Nói “tin tức đầu tiên trong ngày” là đủ. Nguyên nhân chính của loại dư quá phổ biến này là trong nhận thức của người Việt hiện nay, nghĩa của nhiều yếu tố Hán – Việt đã “mờ” đi nên nhiều người không thấy “dư” nữa.

    Lặp lại những diễn đạt đồng nghĩa: như “Mục đích cô đến đây để làm gì?” (phim Cuộc gọi lúc 0 giờ, tập 18, VTV3). Sao không biên tập thành “Cô đến đây làm gì?” cho gọn? Lại nữa: “Chắc có lẽ là vậy” (phim Cuộc gọi lúc 0 giờ, tập 19). “Chắc” và “có lẽ” là hai từ thể hiện hành vi phỏng đoán một khả năng không chắc chắn. Nói “Chắc vậy” hoặc “Có lẽ vậy” là đủ.

    Thói quen nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo dẫn tới hệ luỵ là hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản.

    Đưa vào lời nói những yếu tố đương nhiên tồn tại: như “Anh xin lỗi! Anh đã tát vào má em” (phim Sự quyến rũ của người vợ, VTV3, 1.6.2011). Một khi mở bàn tay đánh vào má thì gọi là “tát”, đánh vào mông gọi là “phát”, đánh vào mồm miệng gọi là “vả”, đánh vào tai gọi là “bạt”. Vậy nói “Anh xin lỗi! Anh đã tát em” là đủ.

    Nói dư thành sai: như “Ở Việt Nam chủ yếu có mấy loại gấu? Gợi ý: hai, ba hay bốn?” (Đấu trường 100, VTV3, 30.5.2011). Đáp án (lời MC): “Hai. Không có thêm loại gấu nào nữa đâu”. Từ “chủ yếu” khiến câu hỏi định lượng này mang tính xác suất. Đáp án “hai” khiến người nghe nghĩ rằng còn một loại gấu thứ ba (thứ yếu) nữa. Dù 99,9% gấu ở Việt Nam là hai loại gấu ngựa và gấu chó thì vẫn có 0,1% thuộc loại gấu thứ ba. Nói như MC “Không có thêm loại gấu nào nữa đâu” là không chuẩn. Còn như, nếu chỉ có hai loại gấu thì từ “chủ yếu” làm câu hỏi trên sai.

    Ví dụ khác: “Sáng tác này của Trần Hoàn vào năm nào: a) 1948, b) 1958, hay c) 1968?” Đội A: 1958. Lời MC: “Đáp án này hoàn toàn sai”; Đội B: 1948. Lời MC: “Vâng, hoàn toàn chính xác!” (Trò chơi âm nhạc, VTV3, 29.7.2011). Nếu 1948 là hoàn toàn chính xác, 1958 là hoàn toàn sai thì năm nào là chính xác không hoàn toàn, năm nào là sai không hoàn toàn? MC nói dư từ “hoàn toàn”.

    Dùng chập những cụm từ đồng nghĩa: như “Một nữ tử tù trốn thoát, điều này chưa từng xảy ra bao giờ từ trước đến nay” (phim Nữ tử tù, VTV3, 17.5.2009). “Chưa từng” là chưa bao giờ và cũng là từ trước đến nay chưa xảy ra. Vì vậy, câu trên dư chập ba. Có ba cách nói ngắn hơn: “điều này chưa xảy ra bao giờ”; “điều này chưa từng xảy ra” và “điều này từ trước đến nay chưa xảy ra”.

    Trích:
    Thói quen nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo dẫn tới hệ luỵ là hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới lối nói dư thừa.[/TD]



    GS.TS Nguyễn Đức Dân
     
    Last edited by a moderator: 27/2/15
    Thu VO, tran ngoc anh, Ca Dao and 4 others like this.
  2. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Đúng, sai: ranh giới mong manh


    Câu sai được chia thành nhiều loại: sai chính tả, sai từ ngữ, sai ngữ pháp, sai lôgích, sai phong cách… Nhưng có những câu không thể phân định đúng sai bằng những chuẩn mực đơn giản như chính tả, ngữ pháp!

    [​IMG]
    Minh hoạ: Hồng Nguyên


    Sai với người này, đúng với người khác

    Có câu, người này cho là sai nhưng người khác lại thấy đúng. Câu “Với đồng lương hưu không đủ sống, từ những năm 1987, anh đã viết hàng chục lá đơn…” (NB&CL, 9.10.1993) đã bị T. Nh. phê là chỉ có một năm 1987, sao lại dùng từ “những”? Và NB&CL đã cám ơn. Ấy thế nhưng trong tiếng Việt từ “những” còn được dùng với ý nghĩa nhiều: “Tôi cao những 1,8m”, “Ông ấy có những ba biệt thự”. Khi người bố hỏi “Tối qua con đi những đâu?”, người con có thể đáp vào từ “những”: “Có đâu mà những! Con chỉ sang ôn bài ở nhà Bé Ba”. Vậy nếu người viết muốn nói từ nhiều năm rồi, từ những năm 1987, thì câu trên đâu có sai?


    Không sai nhưng trái ý người viết

    Trên tuần báo P có bài Người Hà Nội mù chữ. Bài này chỉ nêu lên hiện tượng có một số người Hà Nội mù chữ, thế mà lại viết “người Hà Nội”. Viết vậy hoá ra mọi người Hà Nội đều mù chữ. Đầu đề này mang định hướng chê người Hà Nội, ngược với ý tác giả bài phóng sự. Bây giờ chúng ta thử đổi thành: “Người Hà Nội cũng mù chữ?” Do dùng kiểu hỏi, đầu đề này thể hiện được sự ngạc nhiên chứ không còn là lời chê nữa. Từ “cũng” trong câu hỏi này tạo nên ý sau: người vùng nào mù chữ còn hiểu được chứ “người Hà Nội mà cũng mù chữ” thì không thể tin được. Kết quả là trong thâm tâm có ý đánh giá cao dân trí Hà Nội.


    Khen cái này lại phủ định cái kia

    Có bài viết “Khác với Dế mèn phiêu lưu ký, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm đã đem lại nhiều tiếng vang lớn cho nhà văn Tô Hoài”. Câu trên ca ngợi truyện Vợ chồng A Phủ nhưng vô tình hạ thấp Dế mèn phiêu lưu ký. Thế là khen cái này, nếu vô ý về câu chữ có thể dẫn tới chê cái kia. Cụm từ “khác với” mở đầu trạng ngữ của câu đã tạo ra hàm ý không mong muốn đó. Chỉ cần thay “khác với” bằng “giống như”, chúng ta sẽ được một câu ca ngợi cả hai tác phẩm: “Giống như Dế mèn phiêu lưu ký, truyện ngắn Vợ chồng A P hủcũng là một tác phẩm đã đem lại nhiều tiếng vang lớn cho nhà văn Tô Hoài”.

    Một ví dụ khác: trên báo H., có người viết về tình cảm của nhà thơ Trần Đăng Khoa với Xuân Diệu như sau: “Hồi nhỏ, Trần Đăng Khoa rất kính trọng nhà thơ Xuân Diệu”. Đọc dòng trên độc giả sẽ hỏi: hồi nhỏ là vậy, còn hiện nay thì sao? Đã khẳng định “hồi nhỏ rất kính trọng” thì hiện nay không thể là “rất kính trọng” được nữa vì nếu trước sau vẫn luôn luôn rất kính trọng thì cần gì tới trạng ngữ “hồi nhỏ”? Ca ngợi như vậy bằng mười phụ nhau!

    Cách dùng trạng ngữ như vậy sẽ tạo ra những câu có hàm ý. Những câu sau cũng gây ra những hiểu lầm tai hại cho dù người viết có thể không ngụ ý gì: “Hồi trước, ông ấy liêm khiết lắm”, “Nó đã từng là người tử tế”…


    Không sai nhưng không thích hợp tình huống

    Nói năng trong giao tiếp bạn bè khác giao tiếp trước công chúng. Trò chuyện trên bàn ăn khác giao tiếp nghi lễ chính thống.

    Có những quốc gia quy định về ngôn ngữ văn hoá trong những môi trường nhất định. Tại Quốc hội Israel, một quy định về “đạo đức lời nói” hiệu lực từ 21.6.2001, theo đó có một danh sách các từ mà các ông nghị không được dùng trong Quốc hội: “kẻ phản bội”, “tên thất học”, “tên độc ác”, “kẻ giả dối”, “phátxít”, “tên khủng bố”, “chính phủ của những kẻ giết người”… (TT, 23.6.2001).

    Ngoài đường phố, trong quán càphê, khi “tám” với bạn bè có thể dùng ngôn ngữ đường phố, dùng tiếng lóng, nhưng trong nghị trường thì không thể nói: “Tôi đồng ý xử nghiêm. […] Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là “chặt chém” ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm” (TT, 13.6.2010).

    Thay đổi, thêm bớt một từ, một dấu có thể làm nội dung câu khác hẳn đi. Câu đúng đấy nhưng vẫn có thể… sai.


    GS.TS Nguyễn Đức Dân
    __________________
    Thử hữu tắc bỉ hữu.
    Thử vô tắc bỉ vô.
    Thử sinh tắc bỉ sinh.
    Thử diệt tắc bỉ diệt.
     
    Last edited by a moderator: 27/2/15
  3. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Chữ tác đánh chữ tộ


    Nếu một từ rất ít dùng nhưng lại na ná về âm thanh và mặt chữ với một từ quen thuộc thường dùng, sẽ dễ xảy ra hiện tượng trông gà hoá quốc, chữ nọ xọ chữ kia. Những sai lầm kiểu này có khi làm mất ghế chứ chẳng đùa!

    Sai thanh lộn dấu: Alexandre de Rhodes được kết nạp Đảng

    [​IMG]

    Trong bài nói chuyện tại đại hội lần thứ hai hội Nhà báo Việt Nam ngày 16.4.1959, ở đoạn đề cập tới tầm quan trọng của ngành in, Bác Hồ nói đại ý khi gọi người đánh cá là “ngư dân” người thợ sắp chữ có thể sắp thiếu cái dấu của chữ ư, rồi in thành ra... “ngu dân”. Và chính lời Bác cũng có lúc bị nhà báo nghe lầm: tham gia chống hạn vào đầu xuân 1958, Bác nói với một nhà báo: “Muốn viết về nghề nông thì phải biết lao động”. Trong bài báo Hai mẩu chuyện về Bác Hồ, câu này được in hoa đậm thành một tiểu đề: “Muốn biết về nghề nông thì phải biết lao động” (dẫn theo NLB, 2.1996). Nghĩa đã khác hẳn.

    Có khi mặt chữ giống nhau, khác chút xíu về dấu huyền và dấu mũ, thế là “Kẻ làm dâm khấn vái Bà Chúa Thai Sanh. Xin mẹ tròn con vuông, chẳng đặng trai thì đặng gái” (báo GN, 24.7.1999). Gái làm dâm lại muốn sinh con? Hoá ra câu đúng là “Kẻ lâm dâm khấn vái”, trời ạ!

    Không chút chú ý tới viết hoa hay viết thường, lại lẫn hai dấu thanh huyền và hỏi nên cố đạo Alexandre de Rhodes được... kết nạp Đảng: “Nhìn qua sơ yếu lí lịch của cố đạo Alexandre de Rhodes ta thấy nhiều điều đáng kính nể: người Pháp, gốc Do Thái, sinh 1591, mất 1660, vào Đảng trong năm 1624, 4 tháng thông thạo tiếng Việt…” (GD&TĐ, Từ Yersin… 20.9.1993). Chúng ta biết ngay đây là lỗi morát. Cụm từ “vào Đàng Trong”, trong lúc tập trung vào bàn phím người đánh máy đã lẫn thành “vào Đảng trong…”!

    Trên báo TTT, số 21 tháng 5.1994, ở trang 10 có một tít in đậm Uy tín của dòng họ Nêru – Gandi ở Ấn Độ không phải nhất. May mà hôm sau có đính chính lại: Uy tín của dòng họ Nêru – Gandi ở Ấn Độ không phai nhạt. Hú vía, ban biên tập không việc gì!

    Dấu phẩy và chữ i: Trong câu “… các nước xã hội chủ nghĩa đó,…” dấu phẩy đặt sau chữ “đó” bị sắp nhầm thành chữ i, khi in ra thành “…các nước xã hội chủ nghĩa đói…” Không biết tiếng nước ngoài lại phải sắp chữ nước ngoài, nên “… có lần bản thảo viết “l’amiral” (đô đốc), thợ sắp chữ nhầm thành “l’animal” (con vật), người sửa bài không phát hiện được, thành to chuyện. Có ai đó đã suy diễn rằng đây là vấn đề chính trị chứ không chỉ là sơ suất! Và người sửa bài đã phải chịu trách nhiệm, bị kỷ luật và thay đổi công tác (theo NB&CL, Quá nhiều lỗi trên báo chí, 1994)


    Lầm lẫn những khái niệm quan trọng

    Trong bài Xử kín: có thể hay phải làm? (PL TP.HCM, 18.7.2000) có câu: “Cũng như con chiên khi được vị linh mục làm phép rửa tội đều đã tường trình hết mọi lỗi lầm của mình mà toà buộc vị linh mục ấy ra toà làm chứng về việc liên quan đến con chiên của mình thì còn ai dám nói lên sự thật để xin tội với cha?” Sao lại xin tội với cha? Phải là xưng tội với cha chứ.

    Trên báo GN số 546 (17.7.2010), tác giả Nguyên Cẩn viết: “Theo GS Phùng Hữu Lan […] hiến pháp mà Thương Ưởng thực hiện ở đời Tần Hiếu Công…” (TTC, 1.10.2010). Nước Tần thời Xuân Thu – Chiến Quốc sao đã có hiến pháp được? Từ đúng là biến pháp – cách gọi tắt của “biến pháp đồ cường” (thay đổi chính sách để mưu sự cường thịnh). Đây là chủ trương nhất quán của Tần Hiếu Công (361 – 338, TCN) do Tả thứ trưởng – chức tướng quốc nước Tần – Thương Ưởng (390 – 338, TCN) vạch ra.


    Thơ hay hoá thơ thường

    Báo Thủ Đô Hà Nội số 10.10.1959 đăng bài thơ Chín mùa trông đợi của nữ sĩ Ngân Giang, trong đó có khổ thơ: Nhịp tim hoà lẫn nhịp chân đi/ Sóng mắt hoà trong sóng quốc kỳ/ Lắng bước anh hùng trong khúc nhạc/ Nghe hồn thiêng dân tộc dẫn đường về. Sao trong khổ thơ thất ngôn này, câu cuối lại những tám chữ? Chữ nghe dư thừa làm hỏng câu cuối. Hoá ra chữ nghe ấy là “tác phẩm” của người thợ xếp chữ. Có lẽ từ ghép “lắng nghe” quen thuộc làm nên “mạch văn” câu trên có lắng thì câu dưới có nghe.

    Còn khi in bài thơ: Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi/ Trên đầu xanh ngắt một bầu không/ Bàn cờ thế sự quân không động/ Mà thấy quanh mình nỗi bão dông, nhà thơ Khương Hữu Dụng đã từng tìm đến tận nhà in để dặn người xếp chữ đừng sắp nhầm chữ “nỗi” thành chữ “nổi”. Ấy thế nhưng trên tờ lịch ngày 3.4.2002 của nhà xuất bản VH lại mắc đúng cái lỗi mà Khương Hữu Dụng đã lo người thợ hiểu nhầm: Mà thấy quanh mình nổi bão dông. Danh ngữ “nỗi bão dông” đã chuyển thành động ngữ “nổi bão dông” (tùm lum!) trong khi “trên đầu xanh ngắt một bầu không” tĩnh lặng và “bàn cờ thế sự quân không động”.


    Nhưng có khi làm câu ít hay thành câu rất hay

    Có một giai thoại nổi tiếng về chữ tác đánh chữ tộ trong văn chương Pháp: Năm 1601, Fr. de Malherbe (1555 – 1628) xuất thần làm bài thơ điếu 40 câu (10 khổ), chia buồn với một nhà quý tộc có cô con gái chết trẻ. Hai câu cuối của khổ thứ tư nguyên tác là: Et Rosette a vécu ce que vivent les roses/ L’espace d’un matin (Nàng Rosette như kiếp hoa hồng/ Sớm nở tối tàn), thợ sắp chữ nhầm thành: Et, rose, elle a vécu ce que vivent les roses/ L’espace d’un matin (Là bông hồng, nàng như kiếp hoa hồng/ Sớm nở tối tàn). Câu thơ thật lung linh hình tượng.

    Hai câu cuối của khổ thứ tư nguyên tác là: Nàng Rosette như kiếp hoa hồng/ Sớm nở tối tàn, thợ sắp chữ nhầm thành: Là bông hồng, nàng như kiếp hoa hồng/Sớm nở tối tàn. Câu thơ thật lung linh hình tượng.

    Khoảng đầu những năm 1960, “nhà thơ Xuân Quỳnh, lúc đó đang học khoá 1 trường Bồi dưỡng những cây bút trẻ của hội Nhà văn ở Quảng Bá, có gửi đến nhà xuất bản Văn Học một bản thảo thơ có tên Trời biếc, nhưng chị đã viết chữ “Trời” thành “Chời”, hai biên tập viên lúc ấy của nhà xuất bản là Yến Lan và Khương Hữu Dụng, đều là người miền Nam, đã đọc “chời” thành “chồi”. Thế là tập thơ trở thành Chồi biếc" (Văn Nghệ Trẻ, 4.7.1999).

    Nhưng mấy khi vì lầm mà sai hoá hay!


    GS.TS Nguyễn Đức Dân
    __________________
    Thử hữu tắc bỉ hữu.
    Thử vô tắc bỉ vô.
    Thử sinh tắc bỉ sinh.
    Thử diệt tắc bỉ diệt.
     
    Last edited by a moderator: 27/2/15
    Thu VO and Fish like this.
  4. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Nghĩ một đằng, nghĩa một nẻo


    Ngôn từ thường bộc lộ quan điểm của người viết. Nếu không lưu ý tới ngôn từ, ai cũng có thể viết ra những câu sai, những câu vô nghĩa, thậm chí trái ngược với ý nghĩ, quan điểm của mình.


    Biết, vẫn có thể viết sai

    Có những điều đương nhiên là biết nhưng chúng ta vẫn có thể viết sai, dù chỉ viết một câu ngắn. Ví dụ: “Mới vào bộ đội, chúng ta thường được nghe cán bộ phổ biến: chiến sĩ trai phải cắt tóc ngắn; chiến sĩ gái thì cuộn, tết tóc lên cao, râu phải cạo nhẵn”. Ai chả biết nữ thường không có râu, sao lại viết “chiến sĩ gái (…) râu phải cạo nhẵn”? Khách quan mà xét, có lẽ chính tác giả câu này khi đọc lại cũng phải bật cười và thanh minh rằng: “Tôi vô ý quá, không định viết thế!” Vậy tại sao lại viết ra câu đó?

    [​IMG]

    Đây là hiện tượng do không tập trung tư tưởng nên rối trong tư duy. Tư thế tác phong người lính được xem xét ở các phương diện đầu, tóc, quần áo, giày dép, đi đứng… Trong các đơn vị thường có cả nam lẫn nữ, nên ở từng phương diện cần cụ thể hoá cho từng giới. Nếu đãng trí sẽ sinh rối. Lần lượt xét riêng nam rồi nữ thì câu trên chỉ cần đổi lại trật tự: “… chiến sĩ trai phải cắt tóc ngắn; râu phải cạo nhẵn. Chiến sĩ gái thì cuộn, tết tóc lên cao”. Còn muốn giữ nguyên trật tự đó thì tách phần cuối thành một câu khác: “…chiến sĩ trai phải cắt tóc ngắn; chiến sĩ gái thì cuộn, tết tóc lên cao. Râu phải cạo nhẵn”. Cạo râu là chuyện của nam giới nên không ai còn hiểu câu cuối liên quan đến nữ.


    Viết không sai nhưng không thích hợp

    Sau đây là một câu khó hiểu: “Ai thực sự là cha ruột của người cha ra đời ngoài giá thú của hắn?”. Câu này không sai nhưng khó hiểu vì người Việt chỉ nói “đứa con ngoài giá thú”, không ai nói “người cha ngoài giá thú”. Để sửa, nên tách câu trên thành hai: “Cha hắn là một đứa con ngoài giá thú. (Nhưng) ai thực sự là cha ruột của cha hắn?”

    Ngôn từ thường bộc lộ quan điểm của người viết, không chú ý tới cách diễn đạt chúng ta có thể viết những câu tuy không sai nhưng ngược với ý định của mình. Thậm chí chỉ cần thay đổi, thêm bớt một từ, một dấu câu có thể làm nội dung khác hẳn đi, đang chê biến thành khen hoặc ngược lại (đã đề cập trong bài Đúng, sai: ranh giới mong manh).

    Có những câu mà cấu trúc của chúng bộc lộ rõ ý nghĩ, quan điểm của người viết, người nói dù họ có muốn hay không. Ví dụ một: về vụ Năm Cam, trong cuộc gặp các nhà báo ngày 4.3.2002, trả lời câu hỏi “… thời gian tới, lãnh đạo bộ Công an chỉ đạo tiếp tục làm rõ xử lý một số cán bộ cao cấp hơn trong ngành…?”, trung tướng Nguyễn Việt Thành đáp: “… Xin thông báo thêm với các nhà báo không chỉ cán bộ, nhân dân mà lãnh đạo Thành uỷ TP.HCM cũng rất quan tâm đến việc xử lý nội bộ”. Phần cuối câu trên có thể hiểu thành cán bộ, nhân dân quan tâm đến việc xử lý nội bộ hơn lãnh đạo Thành uỷ TP.HCM. Vì sao? Cấu trúc “Không chỉ A mà B cũng…” cho biết quan điểm người nói là “A thì hơn B” trong vấn đề được xem xét. Nếu quan tâm như nhau thì dùng từ “và”: “Cán bộ, nhân dân và lãnh đạo Thành uỷ TP.HCM đều rất quan tâm đến việc xử lý nội bộ”. Ví dụ hai: Mẹ: “Thằng đó đẹp trai nhưng nghèo lắm con ơi!” Con gái: “Anh ấy nghèo nhưng đẹp trai má à”. Hai mẹ con không khác nhau khi nhận xét về đặc điểm của người thanh niên nọ, nhưng trật tự của những đặc điểm này được sắp xếp khác nhau khiến quan điểm của hai mẹ con về anh ta hoàn toàn khác nhau.


    Viết xong phải đọc lại

    Trên phim ảnh cũng như trong thực tế, không ít trường hợp viết xong lại vò vất đi và viết lại, rồi lại vò vất đi… Người viết không hài lòng với nội dung cũng như cách diễn đạt, không viết được những điều cần nói nhưng lại viết những điều không nên nói. Đấy là những câu không sai, nhưng không thích hợp với tình huống, với hoàn cảnh…

    Ngôn từ thường bộc lộ quan điểm của người viết, không chú ý tới cách diễn đạt chúng ta có thể viết những câu tuy không sai nhưng ngược với ý định của mình.

    Đứng riêng một câu có thể không sai. Nhưng trong một hoàn cảnh ngôn ngữ cụ thể, nó có thể trở thành không chuẩn. Trong hồi ký mà viết “Tối nay, theo đúng hẹn tôi mang bộ ảnh phong cảnh đất nước đến giới thiệu để cụ xem” là không chuẩn. Sự việc trong hồi ký là những điều đã xảy ra. Vậy cần viết: “Tối ấy, theo đúng hẹn…”

    Có thể viết những câu gây hiểu lầm, như: “Không gian của lão nhà văn Từ Ngọc độc một phòng …” trong một bài viết mang tựa đề Một người đáng chiêm ngưỡng. Nhưng sao lại gọi là “lão” để gây ra ý nghĩa xem thường như cách gọi “lão thầy bói”, “lão ăn mày”? Tác giả muốn viết “nhà văn già” nhưng lại dùng trật tự Hán Việt “lão nhà văn” nên sinh rối. Lẽ ra nên viết đơn giản “nhà văn lão thành Từ Ngọc”.

    Có thể bạn không ngụ ý gì, nhưng những câu mơ hồ cũng có thể gây ra những cách hiểu ngược với ý của người viết: “(…) thái độ quyết tâm cao chống tệ nạn buôn lậu của chính phủ”. Sao lại viết “tệ nạn buôn lậu của chính phủ”? Cần sửa lại trật tự: “thái độ quyết tâm cao của chính phủ chống tệ nạn buôn lậu”.

    Như vậy, muốn diễn đạt đúng ý nghĩ của mình, bên cạnh việc dùng thận trọng những câu có thể gây ra hàm ý, cần tránh viết những câu mơ hồ, những câu có nhiều cách hiểu. Để tránh viết những lỗi ngớ ngẩn không đáng có, không gì tốt hơn là mỗi khi viết xong chúng ta đọc lại bài đã viết. Đọc to và đọc bằng con mắt của người khác.

    Trong bài nói về “cách viết”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Viết rồi thì phải đọc đi đọc lại. Thấy cái gì thừa, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại bốn năm lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại… Viết gì cũng thế”.


    GS. TS Nguyễn Đức Dân

    __________________
    Thử hữu tắc bỉ hữu.
    Thử vô tắc bỉ vô.
    Thử sinh tắc bỉ sinh.
    Thử diệt tắc bỉ diệt.
     
    Last edited by a moderator: 27/2/15
    Thu VO, Ban Tang Du Tử and Fish like this.
  5. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Trước lạ sau quen


    Giới trẻ bây giờ viết “k” hiểu là đơn vị “ngàn”. Ban đầu đó là “từ lạ”, theo thời gian, những từ như thế trở thành thông thường. Có ba lớp từ lạ đáng lưu ý.


    Những khái niệm mới

    [​IMG]

    Xã hội luôn luôn biến đổi nên thường xuyên xuất hiện những từ ngữ chỉ những khái niệm mới lạ. Hàng năm, những nhà xuất bản lớn luôn có những từ điển từ ngữ mới xuất hiện. Nhưng nhiều khi vừa in xong thì ngay trong năm đó lại xuất hiện những từ rất mới nữa. Ví dụ quyển Oxford Dictionary of English New Words (lần thứ hai) của Oxford University Press, xuất bản năm 2003 nhưng lại không có từ “yuppie”, một từ xuất hiện năm 2003 và được tạo thành từ bốn từ: “young” (trẻ), “urban” (ở thành phố), “professional” (có chuyên môn), “hippie” (có tham vọng và một chút nổi loạn).

    Nhiều từ ngữ lạ bị thời gian đào thải nhưng cũng nhiều từ ngữ tồn tại mãi làm vốn từ của chúng ta tăng lên, phong phú lên.

    Những từ ngữ lạ xưa như trái đất là những từ liên quan tới những khái niệm khoa học. Một từ mới được đặt ra cho một khái niệm khoa học thường được dùng vĩnh viễn. Một nhà khoa học Mỹ phát hiện một loại hạt cơ bản. Trong lúc loay hoay tìm tên đặt cho loại hạt này thì nghe tiếng quạ kêu, ông bèn gọi loại hạt này là “quark”. Cái từ mô phỏng tiếng quạ kêu nghe lạ lẫm này trở thành một thuật ngữ được dùng chết luôn trong vật lý lượng tử.

    Khi mới xuất hiện, những đơn vị đo lường kg, km, ha, m, cm… cũng là những từ lạ. Nhiều người không hiểu tại sao lại viết như vậy. Không hiểu thì vẫn phải dùng. Có những nông dân nói: “Nhà tôi có 3 ha đất” mà không nói “Nhà tôi có 3 hécta đất”. Đơn vị đo diện tích hécta được viết tắt là ha là một ký hiệu quốc tế nhưng vẫn là một từ tiếng Việt.

    Hiện nay cách viết 300k (với nghĩa là 300.000) trông lạ mắt. Có người cho là tiếng lóng. Thật ra, k là quy ước cho số 1.000, theo chữ đầu k trong km (= 1.000m), kg (=1.000g), kw (= 1.000 watt)… Xuất hiện đầu tiên có lẽ là Y2K, viết tắt của Year 2000. Thấy cách viết Y2K ngắn gọn, một số nước đã dùng cách viết tắt này, thay vì ba chữ số 0 người ta dùng một chữ k. Quy ước này có hạt nhân hợp lý, nên ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Việt Nam không là một ngoại lệ. Điều gì hợp lý thì sẽ tồn tại.


    Tiếng lóng

    Tiếng lóng cũng là những từ lạ. Tiếng lóng hoặc là những từ dùng không theo chuẩn mực thông thường, hoặc là những từ ngữ đặc biệt dùng riêng trong từng nhóm xã hội, thường là những tầng lớp thấp, nhằm truyền những thông tin bí mật.

    “Hội dịch Pắc” là tiếng lóng của giới cầm bút trước đây. Nguyên do là trong chiến tranh chống Mỹ có lính đánh thuê Nam Triều Tiên, thường được gọi là “lính Pắc Chung Hy” (gọi tắt là lính Pắc). Ấy thế là tên gọi trên để chỉ “hội dịch thuê”. Ngày nay, từ lóng này cũng chả còn mấy ai hiểu. Vậy thì, không nên quá lo khi thấy trẻ em dùng tiếng lóng. Một đặc điểm của tiếng lóng là tính phù du, chóng tàn. Tiếng lóng phản ánh hiện thực xã hội, khi hiện thực xã hội ấy qua đi thì tiếng lóng cũng âm thầm rút lui. Lứa tuổi 8x, 9x liệu có còn biết “đi vùng chiến thuật”, “gà cồ gáy”, “chó lửa”, “nhicôlai”, “cụ khốt”… là những tiếng lóng chỉ sự chết, đại bác bắn, súng lục, trẻ vị thành niên, cụ già cổ lỗ sĩ…? Một loạt tiếng lóng trong những phóng sự của Vũ Trọng Phụng hay Bỉ vỏ của Nguyên Hồng nay cũng không còn mấy người biết.

    Đôi khi, có những tiếng lóng được xã hội chấp nhận, và vượt qua được thử thách nghiệt ngã của thời gian. Chúng chuyển thành cách dùng bình thường. Nhiều tiếng lóng xuất hiện từ thập kỷ 50, 60 thế kỷ trước đến nay được sử dụng rộng rãi. Đó là: “mánh”, “xịn”, “dỏm”, “quê một cục”, “chôm chỉa”, “cây” (vàng), “quậy” (lúc đầu chỉ dùng cho trẻ em)...


    Tiếng nước ngoài

    Tiếng nước ngoài cũng là những từ lạ. Do tâm lý chuộng lạ, chuộng ngoại, lại muốn khẳng định “trình độ” của mình nên không ít người sính dùng tiếng nước ngoài. Một khi xã hội thay đổi thì hiện tượng dùng tiếng nước ngoài cũng thay đổi.

    Thời Pháp, không ít người xài tiếng Pháp trong xưng hô như “moa” (moi: tôi), “toa” (toi: anh, chị…), “luý” (lui: nó, hắn), “en” (elle: cô ấy), “ô-rơ-voa” (au revoir: chào tạm biệt). Khi tiếng Nga thịnh hành thì lại xuất hiện “spaxíbơ” (cảm ơn); “kharasô” (tốt).

    Hiện nay, những từ Pháp, từ Nga được thay bằng những từ Anh: “Bye” (chào tạm biệt), “OK”… Một khi những từ ngoại này không còn lạ, không còn là “mốt” nữa và trở thành dư thừa, nhàm chán, thì nó có thể bị loại đi nếu tồn tại những từ tiếng Việt đồng nghĩa thật sự với chúng. Người Việt luôn luôn có khuynh hướng nói theo mã tiếng Việt, nghĩa là nói theo những từ ngữ và cấu trúc căn bản được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Theo cách nói thời thượng, đó là khuynh hướng loại bỏ những yếu tố ngoại lai để “giữ gìn bản sắc tiếng Việt”.

    Nhiều từ ngữ lạ bị thời gian đào thải nhưng cũng nhiều từ ngữ tồn tại mãi làm vốn từ của chúng ta tăng lên, phong phú lên.

    Tuy nhiên, có những từ nước ngoài mang lại một sắc thái mới lạ làm giới trẻ thích thú mà những từ Việt tương đương dùng đã quá quen thuộc không mấy kích thích. “Teen” là một ví dụ. Trong nhiều trường hợp nên thay “tuổi teen” bằng “tuổi thiếu niên”, “tuổi hoa niên”, “tuổi choai choai” (nam), “tuổi ô mai”, “tuổi chanh cốm” (nữ). Nhưng “tuổi teen” vẫn hấp dẫn nhiều bạn trẻ. Từ nhu cầu lôi kéo giới trẻ tò mò tìm đọc mà mới đây một nhà xuất bản và công ty sách đã in bộ sách bốn tập: Khi teen ở nhà, Khi teen đến trường, Khi teen kết bạn & hẹn hò… Từ “teen” sẽ có chỗ đứng và trở thành một từ “quen dùng” trong tiếng Việt.


    GS.TS Nguyễn Đức Dân
    __________________
    Thử hữu tắc bỉ hữu.
    Thử vô tắc bỉ vô.
    Thử sinh tắc bỉ sinh.
    Thử diệt tắc bỉ diệt.
     
    Last edited by a moderator: 27/2/15
    Thu VO and Ban Tang Du Tử like this.
  6. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Lỡ lời: bốn ngựa cũng thua!


    Cách đây ít lâu, trong một chương trình giao lưu âm nhạc, một MC trẻ trung, xinh đẹp của đài truyền hình trung ương đã dõng dạc giới thiệu trước đông đảo cử toạ: “Đây là nhạc sĩ P., có lẽ khán giả chúng ta không ai lạ gì cái mặt anh”! Quả là một sự cố “điếng người”.

    Rồi một nữ sinh thanh lịch trường nọ, cũng hồn nhiên cầm micro nói trong tiểu phẩm (tự biên tự diễn), chê cô bạn mình là “có cái đầu hơi bị chuối quá”, đã thế còn hay lên giọng “tinh vi... vi tính”, nói nghe “vô... Lý Thường Kiệt ầm ầm”, “nom sao mà Yết... Kiêu thế không biết”... Cô ta cứ thao thao trổ tài pha trò, y như đang bông phèng giữa đám bạn ngoài phố. Lối ăn nói tếu táo, bỗ bã kiểu như vậy chỉ thích hợp với hội học trò thích “quậy” trên đường phố.

    [​IMG]

    Nói nhịu, nói ngọng, nói lắp hay lỡ lời thì ai cũng có thể mắc. Ngay cả các nhà trí thức lớn, các bậc chính khách tài danh cũng có lúc nói bị “hớ” kia mà. Tổng thống Mỹ G. Bush từng nói nhầm “Australia” (nước Úc) thành “Austria” (nước Áo), “APEC” (tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) thành “OPEC” (tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ) và trở thành đề tài đàm tiếu của báo giới, làm ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ...

    Trong đời sống, có nhiều chuyện, không ai có thể “nắm tay được đến tối, gối tay được đến sáng”. Chuyện ngôn từ còn phức tạp nhiều bề. Nhưng lỡ lời thì cũng lỡ sao cho người nghe chấp nhận được. Đừng mắc những cái lỗi dễ bị chê là nói năng “chưa sạch nước cản”, tức là quá ngô nghê, ấu trĩ, hồ đồ. Và cũng đừng quá đà lỡ miệng tới mức hết đường đính chính. Mà lúc đó bạn dừng lại để cải chính cũng rất dở, không khéo lại làm cho sự tình dở hơn cũng nên. Tìm cách nào sửa sai bây giờ đây? Thôi đành “ngậm bồ hòn” tiếp tục “diễn” cho xong kịch bản. Nhưng cái trót dại lỡ miệng kia cứ như khúc xương mắc nơi cổ họng, làm cho cô em xinh tươi lúng túng, mất tự tin, diễn đạt không còn rành mạch trôi chảy nữa. Bởi cái lỗi không thể gột được đó đã làm nàng ta mất điểm dưới mắt mọi người. Mà lại bị mất điểm rất nặng, vì lỗi đó không chỉ thuộc về hành vi ngôn từ mà còn thuộc về văn hoá ứng xử.

    Vụng ăn có thể cho qua,
    Nhưng mà vụng nói người ta chê cười.

    Đúng là “nhất ngôn khứ xuất, tứ mã nan truy” (một lời trót nói, bốn ngựa không đuổi kịp).

    Gần đây, một số đài truyền hình có tổ chức các cuộc thi tuyển chọn MC với những giải khá long trọng. Nhưng không ít ứng viên sáng giá vẫn bị “lố” khi vào vai đối thoại trực tiếp với các diễn giả khác (thường là nghệ sĩ, nhà văn, người nổi tiếng...). Họ nói trơn tru thực, song nghe vẫn thấy sượng. Hoá ra, nói hay không có nghĩa là “diễn” hay. Họ cần phải có tri thức, vốn sống và năng lực ứng xử linh hoạt và khéo léo.


    PGS.TS Phạm Văn Tình
    __________________
    Thử hữu tắc bỉ hữu.
    Thử vô tắc bỉ vô.
    Thử sinh tắc bỉ sinh.
    Thử diệt tắc bỉ diệt.
     
    Last edited by a moderator: 27/2/15
    Ban Tang Du Tử and Thu VO like this.
  7. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    “Để tiếng Việt đẹp muôn đời",
    Những ngôn ngữ chat xin mời bỏ qua”


    Với sự bùng nổ của mạng toàn cầu, thông điệp bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt đã được truyền đi và dần trở thành những phong trào rầm rộ trên thế giới ảo, ở mọi “mặt trận” từ trang tin điện tử, diễn đàn đến nhật ký trực tuyến cá nhân (blog)… Điều đặc biệt là tác giả của phong trào ấy, lại là những bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X.


    “Luật” bảo vệ tiếng Việt trên mạng

    [​IMG]
    Một buổi họp mặt của sinh viên tham gia diễn đàn ngonnguhoc.org. Ảnh: Ngonnguhoc.org

    Trước tình trạng viết sai chính tả, sử dụng ngôn ngữ tuỳ tiện, lậm ngoại ngữ… nhiều diễn đàn đã ban hành “luật” sử dụng tiếng Việt và kêu gọi các thành viên nghiêm túc thực hiện. Hình thức xử lý, tuỳ theo mức độ vi phạm, có thể bị xoá bài viết hoặc xoá tài khoản…

    Trên diễn đàn toantin.org/forums, Cyclic – một thành viên ban điều hành – thông báo: “Trong khoảng thời gian gần đây, mình nhận thấy có khá nhiều lỗi xuất hiện tràn lan trong các bài viết của diễn đàn”. Cyclic thống kê, đó là các lỗi do sơ ý (không viết hoa đầu câu, viết câu không có dấu câu, viết sai chính tả…), các lỗi cố ý (sử dụng ngôn ngữ 9X, viết tiếng Việt không dấu…) “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là không dễ nhưng cần phải làm. Ta nên bắt đầu từ những việc dễ như sửa những lỗi về chính tả, ngữ pháp. Đề nghị chúng ta cùng nhau thực hiện việc này. Cách làm rất đơn giản: mỗi bạn hãy đọc cẩn thận lại bài viết của mình một (vài) lần và sửa chữa những lỗi sai trước khi đăng”, Cyclic đề nghị. Theo quy định của diễn đàn này, các bài viết vi phạm sẽ bị xoá mà không cần thông báo. Tương tự, diễn đàn dành cho giới trẻ diendan.goonline.vn ban bố quy định: “Bài viết bằng tiếng Việt có dấu, không sử dụng ngôn ngữ chat, viết tắt như: iu nhiu lúm, kiu ji, cai rì co?, mo+ ho+...” Những bài viết làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt “có thể phạt thẻ, khoá chủ đề, đóng chủ đề, xoá bài viết”.

    Phong trào bảo vệ tiếng Việt, xuất phát từ những diễn đàn thu hút đông đảo cư dân mạng như ttvnol.com, vozforums.com, sinhhocvietnam.com, vietmba.com... rồi nhanh chóng lan toả tới nhiều diễn đàn khác. Đặc biệt, cả diễn đàn của học sinh, đối tượng “sính” dùng ngôn ngữ chat, cũng vào cuộc. “Việc xử lý tệ nạn viết sai chính tả là vấn đề đau đầu ở nhiều diễn đàn. Gần đây, một số diễn đàn lớn đã trị được tệ nạn này bằng kỷ luật nghiêm khắc, kết quả này đang giúp dấy lên tinh thần “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trong cộng đồng online, đặc biệt là các diễn đàn học thuật. Diễn đàn cũng đã khuyến nghị các thành viên không dùng ngôn ngữ chat, xoá những bài vi phạm, tuy vậy, hiện nay vẫn còn nhiều “sạn” về ngôn ngữ tồn tại, nên việc này sẽ được nâng lên mức cao hơn” – đó là thông báo của ban quản trị diễn đàn chuyenhungvuong.net/diendan. Diễn đàn này còn gắt gao hơn khi cấm tất cả các bài viết cố tình dùng tiếng địa phương, dùng số thay cho chữ cái, viết tắt những từ hoặc cụm từ không được sử dụng trong ngôn ngữ chính thống… Tất cả các bài viết vi phạm “đều sẽ bị xoá ngay, không cần giải thích”. Cùng cách làm đó, diễn đàn mạng Ngôi Nhà Chung còn ra “tuyên ngôn”: “Để tiếng Việt đẹp muôn đời, những ngôn ngữ chat xin mời bỏ qua”!

    Các diễn đàn của người trẻ khác như sinhhocvietnam.com/forum, vietscholar.org, 9a6chilang.4ulike.com, vnxitin.com, teenhaugiang.com/forum, bmt7.vn/forum... cũng trở thành những “mặt trận” của phong trào bảo vệ tiếng Việt với quy định và hình thức chế tài nghiêm minh. “Tôi và các bạn sẽ rất khó chịu khi đọc một bài viết với đầy lỗi chính tả hoặc đá gà đá vịt mấy từ tiếng Anh bồi… Chúng ta hãy tôn trọng chính mình trước khi muốn được người khác tôn trọng”, một thành viên diễn đàn sinhhocvietnam.com/forum kêu gọi.


    Cùng học lại tiếng Việt

    Nhiều diễn đàn còn mở hẳn các chuyên mục để dạy tiếng Việt, trao đổi, mổ xẻ những vấn đề liên quan đến tiếng Việt. Diễn đàn Trái tim Việt Nam (ttvnol.com/tiengviet), thu hút hàng ngàn người truy cập mỗi ngày đã mở hẳn chuyên mục Tiếng Việt – một góc nhỏ cho những người muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đây được coi là nơi cư dân mạng “bắt giò” những lỗi chính tả, từ vựng, ngữ pháp ở các văn bản, khẩu hiệu, thậm chí cả các bài báo.

    “Tiếng Việt – một nỗi ưu tư”, đó là thông điệp trên địa chỉ mạng hoctiengviet-online.com. Đi kèm với thông điệp ấy là lời nhắn nhủ: “Xin vui lòng cho biết ý kiến về nỗi ưu tư của quý vị về tiếng Việt”. Đây là trang mạng dạy tiếng Việt trực tuyến gồm các mục bài học, chỉ dẫn, tra từ ngữ và người học có thể thử trình độ của mình sau khi kết thúc một mục bài. Cùng mục đích dạy tiếng Việt như hoctiengviet, nhiều trang mạng khác còn hướng tới trang bị kiến thức từ vựng, ngữ pháp, từ điển tiếng Việt… như svnhanvan.org/forum, ngonnguhoc.org/forum...

    Để tiếng Việt đẹp muôn đời, những ngôn ngữ chat xin mời bỏ qua” - quy định của diễn đàn mạng Ngôi Nhà Chung.

    Điều đặc biệt là “phong trào” bảo vệ tiếng Việt không chỉ xuất hiện ở những trang mạng của dân chuyên ngành như ngôn ngữ hay khoa học – xã hội mà lan toả ra các diễn đàn ít liên quan, như diễn đàn toán – tin, kiểm toán, cá cảnh, trò chơi trực tuyến, thể hình, ẩm thực, sưu tập tem… Ở đó, hoặc họ lập ra một chủ đề riêng mang tên “Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”; hoặc đưa ra các vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm, như: ngôn ngữ chat của học sinh, sính ngoại ngữ… để luận bàn. Phổ biến nhất vẫn là việc đăng lại những bài viết có chủ đề bảo vệ tiếng Việt để ai nấy cũng được đọc, thảo luận và có nhìn nhận chín chắn hơn khi viết lách. Chẳng hạn, loạt bài sáu kỳ Ngược đãi tiếng Việt trên báo Sài Gòn Tiếp Thị (từ số 113, ngày 5.10.2009) đã được hàng chục diễn đàn, trang tin điện tử, nhật ký trực tuyến… trích đăng, tạo ra những “diễn đàn con” với những cuộc trao đổi, tranh luận về tiếng nói dân tộc như: forum.hiv.com.vn, vozforums.com, vietstamp.net.vn…


    Yêu tiếng Việt, đâu nhất thiết phải làm những việc to tát mà nhiều khi, chỉ cần có chút ý thức trước khi viết cũng đã thể hiện tình yêu đó rồi. Và những tương tác tích cực như vậy trên thế giới ảo, là những hành động cụ thể nhất để bảo vệ tiếng Việt.


    Trung Dũng
    (Bảo vệ tiếng Việt trên thế giới ảo)
     
    Last edited by a moderator: 19/9/15
    Ban Tang Du Tử, Thu VO and Fish like this.
  8. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Ta nói tiếng Việt mà ta không biết


    Vài tiểu đề gợi ý trong các buổi nói chuyện tại đại học quốc gia TP HCM (9/2011) nhân hội nghị quốc tế về giao lưu văn hoá Trung-Việt. Các điểm sau ghi rất tóm tắt để bàn luận thêm so với đề tài chính "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Hợi gỏi cúi/heo (phần 5A)". Bạn đọc có thể tra cứu thêm nhiều chi tiết dựa vào tên các tác giả và chủ đề liên hệ.


    1. Ta nói tiếng Việt mà ta không biết

    Trầu cau là sản phẩm của phương Nam, vì thế khi tra cứu cách phát âm trầu cho ra nhiều điều thú vị. Khi người viết ở Đài Loan ... Dân chúng và các cửa hàng đều dùng 'ăn tân lang/ăn cau' chứ không nghe nói là ăn trầu; tục ăn trầu tiếng Hán là 檳榔嚼 bīn láng jiáo (tân lang tước).

    Trầu (giầu, giàu) plu (Pọong), tlu (Mường Rục), mlu (Brâu), blu (Kha), mlu (M'nông, Stiêng, Biat), plū (Môn), pu (ພູ, Lào), bơlâu (Rơngao), tlờu (Mường), ulàw (Arem), balu (Alak), bolou (Bahna), plu2 (Palaung), pu2 (Wa), bluk (Sakai), blu (Theng), sam-mlhu (Miến), พลู ; ใบพลู ploo ; bai ploo (Thái) mơlu (Chăm), hla mơlu (GiaRai) ... Ngay đến cả tiếng Tokodede (Đông Timor) cũng gọi trầu là malu hay malus (tiếng Tetum), buyo (tiếng Tagalog ở Phi Luật Tân) … tiếng Sinhala (Sri Lanka) gọi là bulath ...v.v…

    Tục ăn trầu ở Việt Nam đã được ghi nhận trong các tài liệu Hán cổ từ thế kỷ II TCN. Tiếng Hán Việt tương ứng với trầu là phù lưu - được Tả Tư 左思 (250-305) nhắc đến trong Ngô Đô Phú (吳都賦) 石帆水鬆, 東風扶留 : thạch phàm thủy tông,đông phong phù lưu ... Hay Ngô Vạn Chấn 吳萬震 thời Tam Quốc từng ghi nhận trong Di Vật Chí (異物誌) là 古賁灰, 牡礪灰也。 與扶留 、 檳榔三物合食, 然後善也。 扶留籐, 似木防己。 扶留 、 檳榔, 所生相去遠, 為物甚異而相成。 俗曰: ‘檳榔扶留, 可以忘懮 cổ bí hôi,mẫu lệ hôi dã。Dữ phù lưu、tân lang tam vật hiệp thực,nhiên hậu thiện dã。Phù lưu đằng,tự mộc phòng kỷ。Phù lưu、tân lang,sở sinh tương khứ viễn,vi vật thậm dị nhi tương thành。Tục viết:‘tân lang phù lưu,khả dĩ vong ưu' ... 《 本草綱目》 卷十四)。 但吳其浚則據其在湘 、 滇 、 粵等地所觀察, 認為扶留無花實, 當地人只取葉裹檳榔而食, 與蒟子有異 ( 見 《 植物名實圖考》 卷二五 “ 蒟醬”、蔞葉” (A) 《Bản Thảo Cương Mục》 quyển thập tứ) 。Đãn ngô kì tuấn tắc cứ kì tại tương、Điền、Việt đẳng địa sở quan sát,nhận vi phù lưu vô hoa thật,đương địa nhân chỉ thủ diệp khoả tân lang nhi thực,dữ củ tử hữu dị (kiến 《Thực vật danh thực đồ khảo》 quyển Nhị Ngũ “củ tương” 、 “lâu diệp” ...v.v... Cũng được ghi nhận trong Thục Kí, Thuỷ Kinh Chú, Giao Châu Kí, Quảng Châu Kí, Hồng Lâu Mộng ... Và hiện diện trong An Nam Chí Lược (Lê Tắc), Lĩnh Nam Chích Quái (Trần Thế Pháp), Vân Đài Loại Ngữ (Lê Quí Đôn) ...v.v... Trong Đồng Khánh Địa Dư Chí có 31 địa danh mang tên Phù Lưu (tập trung ở Bắc Ninh, Thanh Hoá ... phản ánh phần nào nơi xuất phát).

    Từ các dữ kiện ngôn ngữ trên, ta có thể phục nguyên một dạng cổ của trầu là *blu - để ý tương quan giữa nguyên âm u và âu như bu bâu, thu thâu, khu khâu, ưu âu, chu châu, mùi màu ... Thành ra *blu liên hệ đến blâu (blau, trầu) mà Việt Bồ La vẫn còn ghi nhận. Chính dạng cổ này giải thích được dạng kí âm phù lưu (tiếng HV, xem thêm chi tiết về tương quan b-ph trong loạt bài Bụt hay Phật?(B). Cũng vào đầu CN mà các tài liệu TQ viết về Phù Nam 扶南 với khả năng là kí âm của bnam hay vnam (núi, bây giờ là phnom, theo George Coedès); đây là khuynh hướng đơn âm hoá tổ hợp các phụ âm bl- br- như từ tiếng Phạn như Buddha > Phù Đồ 浮 屠/浮 圖, Phù Đà 浮 陀, Phù Đầu 浮 頭 ... ( krosa > câu lưu xá, brahmana > Bà La Môn, pra- > Ba La - ...)


    Tóm lại, ta vẫn dùng phù lưu như tiếng HV mà thường không biết đây là tiếng Việt (cổ) *blu, đây là loại chữ Việt-Hán-Hán-Việt thường bị ngộ nhận là Hán Việt.

    (A) Tự điển chữ Nôm (Nguyễn Quang Hồng chủ biên, 2007) cho rằng phù 蔞 là loại F1 - điều này đáng được xem lại cho cẩn thận vì chữ này đã có từ thời Kinh Thi, Sở Từ - cũng như lẫn lộn giữa các loài cây leo (cỏ) làm thuốc - Ngọc Thiên: hao thuộc 【 玉篇】 蒿屬. Phù 蔞có thể còn viết là 扶 hay 浮 cho thấy khuynh hướng lấy vần đầu khi nhập vào tiếng Hán cũng như các trường hợp Bụt (Phật) hay Phạm/Phạn chẳng hạn. Để ý phù 浮 còn có nghĩa là bầu (trái bầu, hồ 瓠 - hồ lô 葫蘆).

    (B) Phù lưu 浮留 theo đa số định nghĩa của tự điển TQ thì là 藤 名 đằng danh (tên loài cây leo, mọc thành bụi quấn quýt) - các tài liệu Hán cổ cho thấy sự nhầm lẫn của loài trầu (không) phương Nam với các loài cây leo (creeper) khác - Lê Quý Đôn cũng nhận ra điều này trong Vân Đài Loại Ngữ. Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa (CNNAGN, Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải, 1985) còn ghi các loài cây Thiết Đằng, Xích Đằng, Bạch Đằng, Thuỷ Đằng, Sơn Đằng:

    Sơn Đằng dây chão càng bền
    Phù Lưu Diệp truyện lá trầu đỏ tươi
    …v.v…

    [TABLE="class: ncode_imageresizer_warning, width: 640"]

    [TD="class: td1"][​IMG][/TD]
    [TD="class: td2"]Ảnh này đã được co lại. Bấm vào thanh này để xem với kích cỡ đầy đủ. Ảnh gốc có kích thước 800x377.[/TD]
    [/TABLE]
    [​IMG]
    Các nước vẫn còn ăn trầu hiện nay - trích trang en.wikipedia.org/wiki/Areca_nut​

    Thật ra các tài liệu Hán cổ cũng ghi nhận các khu vực Mân Việt (thuộc tỉnh Phúc Kiến), Hải Nam và Quảng Châu (bắc VN) đã từng có tục ăn trầu. Tiếng Mã Lai/Inđônêsia có danh từ pinang (cây cau, so với tân lang 檳榔 ) và động từ mempinang (men+pinang > mempinang) là dạm hỏi, cầu hôn (tặng trầu cau để xin cưới), cũng giống phong tục một số dân tộc thiểu số (Nam Đảo) ở miền núi thuộc đảo Đài Loan mà người viết có dịp tiếp xúc; xem thêm bài viết của D. F. Rooney rooneyarchive.net/lectures/le...-east_asia.htm (trong các dân tộc ăn trầu có cả Madagascar ở nam Phi Châu).


    2. Hiện tượng m ‘mặt mắt mũi môi mép má mụn mí mi mày ...’

    Vài chi tiết từ cuộc nói chuyện với anh Bùi Văn Chiến (gốc người Mường) ở Suối Khoáng, Kim Bôi (tỉnh) Hoà Bình ngày 11/2/2008:

    Trong tiếng Việt ta thấy các từ chỉ bộ phận (con người) trên mặt đều có khuynh hướng bắt đầu bằng phụ âm môi môi (bilabial) m- như mắt mặt mồm /miệng/mõm môi mép má mụn/mụt mí mày mi mũi (A) ... Tiếng Mường cũng cho thấy hiện tượng m này cũng theo anh Chiến:

    măt (Mường) - mặt (Việt) : mặt tlời (mặt trời)...
    măt - mắt : tau măt (đau mắt) ...
    môi - môi : mỉm môi - mím môi...
    mũi - mũi : mũi hớt (mũi hếch)...
    mụn - mụn : nhế mụn (nhiều mụn) ...
    mồm - mồm : mon mồm (câm miệng) ...
    mênh - miệng : mím mênh (mỉm miệng) ...cf. miểng tlù (miếng trầu) ...
    mênh mường - miệng mường (đầu bản, đầu mường), mẽnh khảl (miệng hùm)...
    măt mũi - mặt mũi ...
    măt mày - mặt mày ...
    ...v.v...

    Người viết có kiểm lại các dữ kiện trên qua Từ điển Việt Mường (Nguyễn Văn Khang chủ biên, 2002).

    Hiện tượng m (trong đó có các từ căn bản như mắt mũi miệng được Morris Swadesh liệt kê) cho thấy liên hệ họ hàng (một tiêu chí) của tiếng Việt và Mường.

    Hiện tượng m có thể liên hệ đến những vấn đề ngôn ngữ học và phong tục lịch sử như:

    2.1 Hiện tượng vùng (areal phenomenon)

    Tiếng Chăm (Chàm): papah (miệng/mồm - nước miếng: ia papah), mưta (mắt - nước mắt: ia mưta, nước đái: ia mưik..), mjeng /miêng (mép), bbauk (mặt), bbauk (má - hai bên má: tua kah bok), chabôi (môi) (A), mun (mụn), adung/idung (mũi) (, chih (mí - mí mắt: chih mưta) ... dựa vào cuốn 'Từ Điển Việt-Chăm' (chủ biên Bùi Khánh Thế, 1996)

    2.2 Hiện tượng phổ quát (Universals)

    Elaine Andersen trong bài viết 'Lexical universals of body-parts' (trong cuốn 3 - 'Universals of Human languages' chủ biên J. Greenberg - Stanford University Press 1978) có nhận xét về cách dùng chung của một số từ chỉ bộ phận cơ thể như tiếng mắt, mặt (tiếng Tarascan là nari), má, mặt (tiếng Romanian là obraz), miệng , môi (tiếng Romanian là gura) ...

    2.3 Tên gọi cha mẹ hay người nuôi dưỡng (nursery words)

    Đây cũng có thể là hiện tượng phổ biến/quát (universals) - khi so sánh các tiếng gọi cha mẹ như père (papa)/mère (maman)- Pháp , Swahili (Phi Châu) là baba / mama , Bengali (Ấn Độ)là baba / ma , Quan thoại là phụ /fu - mẫu/mu3 (mu3qin1) hay còn là baba/mama ...... Việt Nam có ba bô cha / má mẹ mợ mụ mê ...v.v... cho thấy tần số dùng phụ âm môi khá cao. Ngoài ra mớm cơm còn có thể dẫn đến mớm tiếng (một số nhà nghiên cứu còn đề nghị thuật ngữ motherese cho trường hợp này).

    (A) Đây là hiện tượng m (the m phenomenon) trong tiếng Việt - Từ dầu thập niên 1970 khi người viết bắt đầu đặt vấn đề và đi học thêm về Ngôn Ngữ Học (bên Úc - cho đến ngày hôm nay) để cố giải thích: đây là trường hợp ngẫu nhiên hay cố tình ? So sánh với các ngôn ngữ loài người khác dùng phụ âm môi m/b/p để chỉ ba má trong quá trình thụ đắc ngôn ngữ (language acquisition như qua các hoạt động động bú mớm, mớm cơm), ảnh hưởng người mẹ (mẫu hệ), một 'bản tuyên ngôn độc lập ngôn ngữ' của dân Việt qua bao thời biến động của lịch sử.

    Đây là chưa kể đến tên gọi 12 con giáp ...v.v...


    3. Vài nhận xét về tiếng Mường (Bi)

    3.1 Mắng: nghe, mảng theo Việt Nam Tự điển (KTTĐ), Đào Duy Anh, Nguyễn Quang Hồng ...

    Áng nạ mắng hay thương xót buồn mòn (Phật Thuyết)(A)
    Tai nghe mắng ắt còn vang (Cư Trần Lạc Đạo)
    Bên tai dường mắng tiếng thiều quân (Quốc Âm Thi Tập/QATT)(B)
    Đắt tai biếng mắng sự vân vân (QATT)(A)(B)
    Mắng tiếng dữ lành bao đắp (Bạch Vân Am)
    Mắng tiếng sấm động mang vào tốt thay (CNNAGN)
    Tôi mắng nghe tiếng làm người chẳng khỏi chưng trời đất mặc mà có sinh (Truyền Kỳ Mạn Lục)(A)
    Đêm nằm chẳng mắng tiếng gà (Thiên Nam Ngữ Lục ngoại kỷ)
    Thức ngủ chưa mắng biết (Thi Kinh Giải Âm, 1792)
    Giang Đông mắng tiếng đa tài tuấn (Nguyễn Hữu Huân khi được tha về)(B)
    Dùi sương chợt mảng trên thành điểm năm (Hoa Tiên)
    ...v.v...

    Trong Kiều có 2 lần dùng mắng (mảng, theo Đào Duy Anh)

    Mắng tin xiết nỗi kinh hoàng (Kiều/K, câu 535)(A)(B)
    Sảnh đường mắng tiếng đòi ngay lên hầu (K, câu 1718)(A)

    Chữ Nôm mảng hay mắng thường dùng mãng 莾 là thành phần hài thanh.


    Tiếng Việt hiện đại KHÔNG thấy dùng mắng hay mảng để chỉ nghe nữa (tự điển Việt Bồ La/1651 còn ghi MẮNG TIN, nghe tin). Tiếng Mường (Bi) vẫn còn dùng như

    Măng phiền (nghe phiền), măng nhọc (nghe nhọc, cảm thấy mệt), măng tồn (nghe đồn)...
    Hết quêl nì ay chăng măng tồn wềl nả (hết làng này ai mà không nghe đồn về nó)
    Ăn bôn măng ngã (ăn rau khoai nước nghe/cảm thấy ngứa)
    Ho hảo ti dỗng da mé còn măng nhỗn lẳm (tôi muốn đi chơi cậu nhưng cảm thấy bận rộn công việc lắm) - măng nhỗn (nghe/cảm thấy bận rộn)
    Măng mờng (nghe mừng, cảm thấy mừng)
    ...v.v...

    Các từ Việt cổ như măng, cúi, tlu/klu (tru, trâu), cải cả (cái cá - bây giờ là con cá), cải cảy ca (cái gà - bây giờ là con gà tiếng Việt)... cho thấy tiếng Mường (vì yếu tố địa lý lịch sử ...) còn bảo quản phần nào tiếng Việt cổ (C)

    (A) "Từ điển từ Việt cổ" (Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện - NXB Văn Hoá Thông Tin 2001)

    (B) "Từ điển từ cổ" (Vương Lộc - NNXB Đà Nẵng 2002)

    (C) người viết lại chợt nhớ đến người bạn người Hòn (Phan Thiết ra đảo) khi hỏi anh làm nghề gì, anh trả lời tôi đi biên (rất khó nghe lúc đầu, nghĩa là tôi đi biển/đánh cá)


    3.2 Một mô hình đơn giản về thời kỳ các tiếng Việt Mường tách ra (time depth)- phương pháp định lượng (quantitative method):

    Vấn đề thời gian tách ra giữa tiếng Việt và Mường có thể tính bằng phương pháp Morris Swadesh như đã viết trước - đây chỉ là một thí dụ :

    So sánh các từ căn bản giữa Mường và Việt (bây giờ), và ghi nhận khoảng 80% giống nhau (cùng gốc)(A). Giả sử tỉ số thay đổi λ (rate of change) là 0.10 (B) (hay cứ một ngàn năm thì có 10 chữ bị thay đổi trong 100 chữ so sánh) thì thời gian tách ra là
    t = ln(0.80)/(-2x0.10) = 1116 năm ~ 1100 năm
    (đương nhiên là có sai số tuỳ theo mức chính xác muốn dược/confidence level)

    Cá nhân tôi chưa thấy một bảng so sánh và thống kê như vậy, tuy nhiên một số bài viết liên hệ về tiếng Mường, Việt và Mon-Khme có thể tìm đọc trên mạng như [nostratic.ru] (bài này viết cách đây cả 44 năm) (C).

    Phê bình thêm: Nguyễn Tài Cẩn (1995), Phạm Đức Dương (1985) cũng cùng nhận xét vào thời kỳ tách ra như trên, Nguyễn Văn Tài (1978) cho rằng có thể sớm hơn ... Keith Taylor (hai thời điểm khác nhau) ... Nguyễn Phú Phong cho là khoảng thế kỷ IX (trong bài viết "Nghiên cứu về nhóm Ngôn ngữ Việt-Mường")

    (A) 80% là thí dụ (chủ quan) mà thôi - tuy nhiên xem thêm các nhận xét trên mạng [cema.gov.vn]. Nếu phần trăm giống nhau là 75% thì thời kỳ tách ra là khoảng cách đây 1438 năm, còn lâu hơn số năm đã tính ở trên.

    (B) dựa vào tiếng Hán (λ = 0.1) và Nhật (λ = 0.11) - trích từ bài 'COMPARATIVE-HISTORICAL LINGUISTICS AND LEXICOSTATISTICS' của Sergei Starostin; Swadesh đề nghị tỉ số thay đổi λ là 0.14 (dựa vào các ngôn ngữ Ấn Âu)

    (C) các bài viết khác mà người viết có dịp xem qua như André Haudricourt ('La place du vietnamien dans les langues austroasiatiques' 1953, 'L'origine des tons vietnamiens' 1954) và các bài viết của David Thomas (ông ghi lại 200 chữ từ tiếng Mường ở Hoà Bình) ...v.v... Các bài viết của Nguyễn Văn Tài rất đáng chú ý như "Tiếng Nguồn, một phương ngôn của tiếng Việt hay một phương ngôn của tiếng Mường?" (1975) ... hay "The Nguồn language of Quảng Bình, Vietnam" (Nguyễn Phú Phong, 1995) ...v.v...

    Các yếu tố lịch sử về thời kỳ tách ra (cách đây 1100 năm) là thời loạn 12 sứ quân), thời kỳ dành độc lập và tự chủ (có chính quyền trung ương - phân biệt rõ nét người Kinh tập trung ở thành thị hơn ...) ...


    4. Tóm tắt các giả thuyết về nguồn gốc tiếng Việt

    4.1 Tiếng Việt là tiếng Hán theo giám mục Jean-Louis Taberd (đầu thế kỷ 19), GS Terrien de la Couperie (cuối thế kỷ 19), L. Cadière, sử gia Nguyễn Phương, học giả Lê Ngọc Trụ (giữa thế kỷ 20) ... và gần đây hơn là nhà văn Nga Vladimir Malyavin (2005).

    4.2 Tiếng Việt liên hệ đến tiếng Thái theo GS Henri Maspéro (1912), G. Maspéro (1915), T. A. Sebeck (1942), Trần Trọng Kim, Vương Lực (1957/1958), Bùi Đức Tịnh …

    4.3 Tiếng Việt liên hệ đến tiếng Môn theo học giả Kari Himy

    4.4 Tiếng Việt liên hệ đến tiếng Khme theo BS Reynand

    4.5 Tiếng Việt liên hệ đến tiếng Mã Lai, theo học giả E. Souvignet, nhà văn Bình Nguyên Lộc, học giả Nguyễn Ngọc Bích …

    4.6 Sử gia Phạm Văn Sơn đề nghị Việt ngữ và Việt chủng là một chủng tộc, một ngôn ngữ riêng biệt

    4.7 Tiếng Việt có gốc từ xứ Ethiopia

    '...Tóm lại tiếng Việt nguồn gốc xuất xứ từ xứ Ethiopia được di dân mang đi theo chủng tộc, nhưng trên bước đường tiến thủ pha lẫn với nhiều tiếng nói địa phương đã trải qua, nên tiếng gốc còn quá ít mà lại mang tiếng ngoại nhập nhiều ...' trích từ bài viết "Nguồn gốc tiếng Việt" của tác giả Sagiang

    4.8 Tiếng Việt liên hệ đến tiếng Lava (Lawa, Lào)

    Dựa trên đa số dữ kiện ngôn ngữ, tác giả Tạ Đức đưa ra kết luận "... Về người Lạc Việt, những bằng chứng nêu trên tuy chưa cho phép “nói chắc” nhưng cũng cho phép tạm kết luận nữa rằng: người Lạc Việt (tổ tiên trực tiếp của người Việt) thuộc về khối tộc người Lava cổ, là tộc người chủ thể bao gồm người Môn (là tổ tiên trực tiếp của người Mường) đã dựng nước Ya Yang/Nha Lang/Văn Lang ở vùng Bắc Bộ Việt Nam như một trung tâm của khối Lava-Môn-Khmer của khu vực Nam sông Dương Tử ..." - trích từ bài viết của Tạ Đức trang mạng ‘dòng Hùng Việt’ hay Talawas talawas.org/talaDB/showFi...s=4103&rb=0302

    4.9 Tiếng Việt sinh ra do sự kết hợp các ngôn ngữ Nam Á và Tày-Thái. Giả thuyết này do George Coedès đưa ra năm 1949. Hà Văn Tấn và Phạm Đức Dương căn cứ trên tiến trình biến đổi hình thái học của từ cũng đi đến kết luận này (A)

    4.10 Từ năm 1856, học giả James Logan đã đề nghị dạng thức Mon-Anam (Mon-Anam formation) mà ngày nay ta gọi là họ Nam Á (Austrasiatic, cần phân biệt với địa danh Nam Á/South Asia hay tiểu lục địa Ấn Độ). Nhà ngôn ngữ Wilheim Schmidt (1901) bắt đầu dùng nhiều dữ kiện so sánh các ngôn ngữ khác như Nicobar, Bahna, Stieng ... đều liên hệ đến họ Nam Á (tuy không có dữ kiện từ tiếng Việt mà ông cũng chấp nhận cùng họ) - ông còn đề nghị họ Austric bao gồm nhiều ngôn ngữ Nam Phương hơn. Sau công trình nghiên cứu của J. Przyluski (1924), nghiên cứu về tiếng Việt mà được nhiều người nhắc đến là của nhà ngôn ngữ người Pháp André-Georges Haudricourt. Công trình nghiên cứu của ông đặt tiếng Việt vào họ ngôn ngữ Austroasiatic, hay còn gọi là Mon-Khmer, và là một công trình được nhiều nhà ngôn ngữ học cho là thuyết phục nhất. Một số công bố nghiên cứu của ông liên quan đến tiếng Việt và có nhiều ảnh hưởng đến các nghiên cứu về sau như

    1952. L'origine môn-khmèr des tons en viêtnamien (Nguồn gốc Mon-khmer của thanh điệu trong tiếng Việt)

    1953. La place du viêtnamien dans les langues austroasiatiques (Vị trí của tiếng Việt trong họ ngôn ngữ Austroasiatic)

    1954. De l'origine des tons en viêtnamien (Nguồn gốc của thanh điệu trong tiếng Việt)


    Học giả Paul Benedict (1942) đề nghị họ Austric gồm có Môn Khme, Annamite ... so với họ Hán-Tạng ... Ông đã nâng tiếng Thái lên hàng đầu khi kết luận là họ Austro-Thai (Nam Thái, 1976) là tiền thân của các họ Môn Khme, Việt Mường ...

    Heinz-Jurgen Pinnow (1959) bố túc thêm công trình của Schmidt, cũng như Robert Shafer (1965), David Thomas (1966), D. Thomas và Robert Headley (1970) ... Gérard Diffloth (1989) cập nhật các công trình trên và cùng với Ilia Peiros (1998) và củng cố chỗ đứng của họ Nam Á cho đến nay; tuy các chuyên gia về họ Nam Á không có nhiều (so với cả trăm nhà ngôn ngữ nghiên cứu về họ Nam Đảo/Austronesian)

    Lại có nhà nghiên cứu liên hệ tiếng Nhật, Việt với Nam Phương hay Đa Đảo như Nobuhiro Matsumoto (1928) - đại khái là cùng cách nhìn như P. Benedict, T. Kawamoto ...

    Họ Vietic (đặc biệt là Việt-Mường) cũng là đề tài trong các công trình so sánh ngôn ngữ của Peiros (1998), Ferlus (1975, 1992), Thompson (1976), Barker & Barker (1970) …

    Xem thêm chi tiết trong các bài viết “A comparison of Muong with some Mon-Khmer languages” (Ruth S. Wilson, 1966), "Khái quát các nghiên cứu ngôn ngữ học về nguồn gốc tiếng Việt" (Marl Alves, tạp chí Khoa Học ĐHQGHN, 2008) , "History of Comparative Mon-Khmer Studies" (Paul Sidwell, 2004, ANU) hay "Từ Nam Á trong tiếng Việt" (Hồ Lê, 1992/2002) …v.v…


    Trong phạm vi bài viết 5A Hợi Hãi gỏi cúi/heo trong loạt bài "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp", các dữ kiện ngôn ngữ minh chứng liên hệ Việt Mường và các khuynh hướng

    - tiếng Mường vẫn duy trì một số từ Việt cổ (cúi là heo/lợn chẳng hạn)
    - tiếng Việt (người Kinh) có nhiều ảnh hưởng của tiếng Hán (trư, đồn, thỉ ...)
    - đặc biệt là tiếng Mường (Bi) vẫn dùng các từ Hán Việt như nhúc (nhục/thịt 肉), bảng (bán/nửa 半), chước 杓 (gáo, đồ múc) ... một cách tự do so với tiếng Việt, phản ánh thời kỳ nhập vào và sử dụng lâu dài trong tiếng nói dân gian (td. từ thời Đường Tống).


    (A) theo BS Nguyễn Hy Vọng, tác giả cuốn tự điển Đồng Nguyên Việt-Đông Nam Á (2007) thì '...Tiếng Việt có một nguồn gốc rất là đa dạng vì qua 2,3 ngàn năm, nó đã lai giống với rất nhiều tiếng Mon, tiếng Khmer, tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Chàm , tiếng Malay, và đã vay mượn rất nhiều tiếng Tàu mà xài, rồi thì trong trăm năm vừa qua lại đã mượn hàng trăm tiếng Pháp như mũ bêrê, cái kilo, cái gara, vải kaki, bình accu…' - xem bài viết trang gdptvn-usa.org/index.php?...t-ng&Itemid=11 …v.v…
    __________________
    Thử hữu tắc bỉ hữu.
    Thử vô tắc bỉ vô.
    Thử sinh tắc bỉ sinh.
    Thử diệt tắc bỉ diệt.

    Vài tiểu đề gợi ý trong các buổi nói chuyện tại đại học quốc gia TP HCM (9/2011) nhân hội nghị quốc tế về giao lưu văn hoá Trung-Việt. Các điểm sau ghi rất tóm tắt để bàn luận thêm so với đề tài chính "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Hợi gỏi cúi/heo (phần 5A)". Bạn đọc có thể tra cứu thêm nhiều chi tiết dựa vào tên các tác giả và chủ đề liên hệ.


    1. Ta nói tiếng Việt mà ta không biết

    Trầu cau là sản phẩm của phương Nam, vì thế khi tra cứu cách phát âm trầu cho ra nhiều điều thú vị. Khi người viết ở Đài Loan ... Dân chúng và các cửa hàng đều dùng 'ăn tân lang/ăn cau' chứ không nghe nói là ăn trầu; tục ăn trầu tiếng Hán là 檳榔嚼 bīn láng jiáo (tân lang tước).

    Trầu (giầu, giàu) plu (Pọong), tlu (Mường Rục), mlu (Brâu), blu (Kha), mlu (M'nông, Stiêng, Biat), plū (Môn), pu (ພູ, Lào), bơlâu (Rơngao), tlờu (Mường), ulàw (Arem), balu (Alak), bolou (Bahna), plu2 (Palaung), pu2 (Wa), bluk (Sakai), blu (Theng), sam-mlhu (Miến), พลู ; ใบพลู ploo ; bai ploo (Thái) mơlu (Chăm), hla mơlu (GiaRai) ... Ngay đến cả tiếng Tokodede (Đông Timor) cũng gọi trầu là malu hay malus (tiếng Tetum), buyo (tiếng Tagalog ở Phi Luật Tân) … tiếng Sinhala (Sri Lanka) gọi là bulath ...v.v…

    Tục ăn trầu ở Việt Nam đã được ghi nhận trong các tài liệu Hán cổ từ thế kỷ II TCN. Tiếng Hán Việt tương ứng với trầu là phù lưu - được Tả Tư 左思 (250-305) nhắc đến trong Ngô Đô Phú (吳都賦) 石帆水鬆, 東風扶留 : thạch phàm thủy tông,đông phong phù lưu ... Hay Ngô Vạn Chấn 吳萬震 thời Tam Quốc từng ghi nhận trong Di Vật Chí (異物誌) là 古賁灰, 牡礪灰也。 與扶留 、 檳榔三物合食, 然後善也。 扶留籐, 似木防己。 扶留 、 檳榔, 所生相去遠, 為物甚異而相成。 俗曰: ‘檳榔扶留, 可以忘懮 cổ bí hôi,mẫu lệ hôi dã。Dữ phù lưu、tân lang tam vật hiệp thực,nhiên hậu thiện dã。Phù lưu đằng,tự mộc phòng kỷ。Phù lưu、tân lang,sở sinh tương khứ viễn,vi vật thậm dị nhi tương thành。Tục viết:‘tân lang phù lưu,khả dĩ vong ưu' ... 《 本草綱目》 卷十四)。 但吳其浚則據其在湘 、 滇 、 粵等地所觀察, 認為扶留無花實, 當地人只取葉裹檳榔而食, 與蒟子有異 ( 見 《 植物名實圖考》 卷二五 “ 蒟醬”、蔞葉” (A) 《Bản Thảo Cương Mục》 quyển thập tứ) 。Đãn ngô kì tuấn tắc cứ kì tại tương、Điền、Việt đẳng địa sở quan sát,nhận vi phù lưu vô hoa thật,đương địa nhân chỉ thủ diệp khoả tân lang nhi thực,dữ củ tử hữu dị (kiến 《Thực vật danh thực đồ khảo》 quyển Nhị Ngũ “củ tương” 、 “lâu diệp” ...v.v... Cũng được ghi nhận trong Thục Kí, Thuỷ Kinh Chú, Giao Châu Kí, Quảng Châu Kí, Hồng Lâu Mộng ... Và hiện diện trong An Nam Chí Lược (Lê Tắc), Lĩnh Nam Chích Quái (Trần Thế Pháp), Vân Đài Loại Ngữ (Lê Quí Đôn) ...v.v... Trong Đồng Khánh Địa Dư Chí có 31 địa danh mang tên Phù Lưu (tập trung ở Bắc Ninh, Thanh Hoá ... phản ánh phần nào nơi xuất phát).

    Từ các dữ kiện ngôn ngữ trên, ta có thể phục nguyên một dạng cổ của trầu là *blu - để ý tương quan giữa nguyên âm u và âu như bu bâu, thu thâu, khu khâu, ưu âu, chu châu, mùi màu ... Thành ra *blu liên hệ đến blâu (blau, trầu) mà Việt Bồ La vẫn còn ghi nhận. Chính dạng cổ này giải thích được dạng kí âm phù lưu (tiếng HV, xem thêm chi tiết về tương quan b-ph trong loạt bài Bụt hay Phật?(B). Cũng vào đầu CN mà các tài liệu TQ viết về Phù Nam 扶南 với khả năng là kí âm của bnam hay vnam (núi, bây giờ là phnom, theo George Coedès); đây là khuynh hướng đơn âm hoá tổ hợp các phụ âm bl- br- như từ tiếng Phạn như Buddha > Phù Đồ 浮 屠/浮 圖, Phù Đà 浮 陀, Phù Đầu 浮 頭 ... ( krosa > câu lưu xá, brahmana > Bà La Môn, pra- > Ba La - ...)


    Tóm lại, ta vẫn dùng phù lưu như tiếng HV mà thường không biết đây là tiếng Việt (cổ) *blu, đây là loại chữ Việt-Hán-Hán-Việt thường bị ngộ nhận là Hán Việt.

    (A) Tự điển chữ Nôm (Nguyễn Quang Hồng chủ biên, 2007) cho rằng phù 蔞 là loại F1 - điều này đáng được xem lại cho cẩn thận vì chữ này đã có từ thời Kinh Thi, Sở Từ - cũng như lẫn lộn giữa các loài cây leo (cỏ) làm thuốc - Ngọc Thiên: hao thuộc 【 玉篇】 蒿屬. Phù 蔞có thể còn viết là 扶 hay 浮 cho thấy khuynh hướng lấy vần đầu khi nhập vào tiếng Hán cũng như các trường hợp Bụt (Phật) hay Phạm/Phạn chẳng hạn. Để ý phù 浮 còn có nghĩa là bầu (trái bầu, hồ 瓠 - hồ lô 葫蘆).

    (B) Phù lưu 浮留 theo đa số định nghĩa của tự điển TQ thì là 藤 名 đằng danh (tên loài cây leo, mọc thành bụi quấn quýt) - các tài liệu Hán cổ cho thấy sự nhầm lẫn của loài trầu (không) phương Nam với các loài cây leo (creeper) khác - Lê Quý Đôn cũng nhận ra điều này trong Vân Đài Loại Ngữ. Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa (CNNAGN, Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải, 1985) còn ghi các loài cây Thiết Đằng, Xích Đằng, Bạch Đằng, Thuỷ Đằng, Sơn Đằng:

    Sơn Đằng dây chão càng bền
    Phù Lưu Diệp truyện lá trầu đỏ tươi
    …v.v…

    [TABLE="class: ncode_imageresizer_warning, width: 640"]

    [TD="class: td1"][​IMG][/TD]
    [TD="class: td2"]Ảnh này đã được co lại. Bấm vào thanh này để xem với kích cỡ đầy đủ. Ảnh gốc có kích thước 800x377.[/TD]
    [/TABLE]
    [​IMG]
    Các nước vẫn còn ăn trầu hiện nay - trích trang en.wikipedia.org/wiki/Areca_nut​

    Thật ra các tài liệu Hán cổ cũng ghi nhận các khu vực Mân Việt (thuộc tỉnh Phúc Kiến), Hải Nam và Quảng Châu (bắc VN) đã từng có tục ăn trầu. Tiếng Mã Lai/Inđônêsia có danh từ pinang (cây cau, so với tân lang 檳榔 ) và động từ mempinang (men+pinang > mempinang) là dạm hỏi, cầu hôn (tặng trầu cau để xin cưới), cũng giống phong tục một số dân tộc thiểu số (Nam Đảo) ở miền núi thuộc đảo Đài Loan mà người viết có dịp tiếp xúc; xem thêm bài viết của D. F. Rooney rooneyarchive.net/lectures/le...-east_asia.htm (trong các dân tộc ăn trầu có cả Madagascar ở nam Phi Châu).


    2. Hiện tượng m ‘mặt mắt mũi môi mép má mụn mí mi mày ...’

    Vài chi tiết từ cuộc nói chuyện với anh Bùi Văn Chiến (gốc người Mường) ở Suối Khoáng, Kim Bôi (tỉnh) Hoà Bình ngày 11/2/2008:

    Trong tiếng Việt ta thấy các từ chỉ bộ phận (con người) trên mặt đều có khuynh hướng bắt đầu bằng phụ âm môi môi (bilabial) m- như mắt mặt mồm /miệng/mõm môi mép má mụn/mụt mí mày mi mũi (A) ... Tiếng Mường cũng cho thấy hiện tượng m này cũng theo anh Chiến:

    măt (Mường) - mặt (Việt) : mặt tlời (mặt trời)...
    măt - mắt : tau măt (đau mắt) ...
    môi - môi : mỉm môi - mím môi...
    mũi - mũi : mũi hớt (mũi hếch)...
    mụn - mụn : nhế mụn (nhiều mụn) ...
    mồm - mồm : mon mồm (câm miệng) ...
    mênh - miệng : mím mênh (mỉm miệng) ...cf. miểng tlù (miếng trầu) ...
    mênh mường - miệng mường (đầu bản, đầu mường), mẽnh khảl (miệng hùm)...
    măt mũi - mặt mũi ...
    măt mày - mặt mày ...
    ...v.v...

    Người viết có kiểm lại các dữ kiện trên qua Từ điển Việt Mường (Nguyễn Văn Khang chủ biên, 2002).

    Hiện tượng m (trong đó có các từ căn bản như mắt mũi miệng được Morris Swadesh liệt kê) cho thấy liên hệ họ hàng (một tiêu chí) của tiếng Việt và Mường.

    Hiện tượng m có thể liên hệ đến những vấn đề ngôn ngữ học và phong tục lịch sử như:

    2.1 Hiện tượng vùng (areal phenomenon)

    Tiếng Chăm (Chàm): papah (miệng/mồm - nước miếng: ia papah), mưta (mắt - nước mắt: ia mưta, nước đái: ia mưik..), mjeng /miêng (mép), bbauk (mặt), bbauk (má - hai bên má: tua kah bok), chabôi (môi) (A), mun (mụn), adung/idung (mũi) (, chih (mí - mí mắt: chih mưta) ... dựa vào cuốn 'Từ Điển Việt-Chăm' (chủ biên Bùi Khánh Thế, 1996)

    2.2 Hiện tượng phổ quát (Universals)

    Elaine Andersen trong bài viết 'Lexical universals of body-parts' (trong cuốn 3 - 'Universals of Human languages' chủ biên J. Greenberg - Stanford University Press 1978) có nhận xét về cách dùng chung của một số từ chỉ bộ phận cơ thể như tiếng mắt, mặt (tiếng Tarascan là nari), má, mặt (tiếng Romanian là obraz), miệng , môi (tiếng Romanian là gura) ...

    2.3 Tên gọi cha mẹ hay người nuôi dưỡng (nursery words)

    Đây cũng có thể là hiện tượng phổ biến/quát (universals) - khi so sánh các tiếng gọi cha mẹ như père (papa)/mère (maman)- Pháp , Swahili (Phi Châu) là baba / mama , Bengali (Ấn Độ)là baba / ma , Quan thoại là phụ /fu - mẫu/mu3 (mu3qin1) hay còn là baba/mama ...... Việt Nam có ba bô cha / má mẹ mợ mụ mê ...v.v... cho thấy tần số dùng phụ âm môi khá cao. Ngoài ra mớm cơm còn có thể dẫn đến mớm tiếng (một số nhà nghiên cứu còn đề nghị thuật ngữ motherese cho trường hợp này).

    (A) Đây là hiện tượng m (the m phenomenon) trong tiếng Việt - Từ dầu thập niên 1970 khi người viết bắt đầu đặt vấn đề và đi học thêm về Ngôn Ngữ Học (bên Úc - cho đến ngày hôm nay) để cố giải thích: đây là trường hợp ngẫu nhiên hay cố tình ? So sánh với các ngôn ngữ loài người khác dùng phụ âm môi m/b/p để chỉ ba má trong quá trình thụ đắc ngôn ngữ (language acquisition như qua các hoạt động động bú mớm, mớm cơm), ảnh hưởng người mẹ (mẫu hệ), một 'bản tuyên ngôn độc lập ngôn ngữ' của dân Việt qua bao thời biến động của lịch sử.

    Đây là chưa kể đến tên gọi 12 con giáp ...v.v...


    3. Vài nhận xét về tiếng Mường (Bi)

    3.1 Mắng: nghe, mảng theo Việt Nam Tự điển (KTTĐ), Đào Duy Anh, Nguyễn Quang Hồng ...

    Áng nạ mắng hay thương xót buồn mòn (Phật Thuyết)(A)
    Tai nghe mắng ắt còn vang (Cư Trần Lạc Đạo)
    Bên tai dường mắng tiếng thiều quân (Quốc Âm Thi Tập/QATT)(B)
    Đắt tai biếng mắng sự vân vân (QATT)(A)(B)
    Mắng tiếng dữ lành bao đắp (Bạch Vân Am)
    Mắng tiếng sấm động mang vào tốt thay (CNNAGN)
    Tôi mắng nghe tiếng làm người chẳng khỏi chưng trời đất mặc mà có sinh (Truyền Kỳ Mạn Lục)(A)
    Đêm nằm chẳng mắng tiếng gà (Thiên Nam Ngữ Lục ngoại kỷ)
    Thức ngủ chưa mắng biết (Thi Kinh Giải Âm, 1792)
    Giang Đông mắng tiếng đa tài tuấn (Nguyễn Hữu Huân khi được tha về)(B)
    Dùi sương chợt mảng trên thành điểm năm (Hoa Tiên)
    ...v.v...

    Trong Kiều có 2 lần dùng mắng (mảng, theo Đào Duy Anh)

    Mắng tin xiết nỗi kinh hoàng (Kiều/K, câu 535)(A)(B)
    Sảnh đường mắng tiếng đòi ngay lên hầu (K, câu 1718)(A)

    Chữ Nôm mảng hay mắng thường dùng mãng 莾 là thành phần hài thanh.


    Tiếng Việt hiện đại KHÔNG thấy dùng mắng hay mảng để chỉ nghe nữa (tự điển Việt Bồ La/1651 còn ghi MẮNG TIN, nghe tin). Tiếng Mường (Bi) vẫn còn dùng như

    Măng phiền (nghe phiền), măng nhọc (nghe nhọc, cảm thấy mệt), măng tồn (nghe đồn)...
    Hết quêl nì ay chăng măng tồn wềl nả (hết làng này ai mà không nghe đồn về nó)
    Ăn bôn măng ngã (ăn rau khoai nước nghe/cảm thấy ngứa)
    Ho hảo ti dỗng da mé còn măng nhỗn lẳm (tôi muốn đi chơi cậu nhưng cảm thấy bận rộn công việc lắm) - măng nhỗn (nghe/cảm thấy bận rộn)
    Măng mờng (nghe mừng, cảm thấy mừng)
    ...v.v...

    Các từ Việt cổ như măng, cúi, tlu/klu (tru, trâu), cải cả (cái cá - bây giờ là con cá), cải cảy ca (cái gà - bây giờ là con gà tiếng Việt)... cho thấy tiếng Mường (vì yếu tố địa lý lịch sử ...) còn bảo quản phần nào tiếng Việt cổ (C)

    (A) "Từ điển từ Việt cổ" (Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện - NXB Văn Hoá Thông Tin 2001)

    (B) "Từ điển từ cổ" (Vương Lộc - NNXB Đà Nẵng 2002)

    (C) người viết lại chợt nhớ đến người bạn người Hòn (Phan Thiết ra đảo) khi hỏi anh làm nghề gì, anh trả lời tôi đi biên (rất khó nghe lúc đầu, nghĩa là tôi đi biển/đánh cá)


    3.2 Một mô hình đơn giản về thời kỳ các tiếng Việt Mường tách ra (time depth)- phương pháp định lượng (quantitative method):

    Vấn đề thời gian tách ra giữa tiếng Việt và Mường có thể tính bằng phương pháp Morris Swadesh như đã viết trước - đây chỉ là một thí dụ :

    So sánh các từ căn bản giữa Mường và Việt (bây giờ), và ghi nhận khoảng 80% giống nhau (cùng gốc)(A). Giả sử tỉ số thay đổi λ (rate of change) là 0.10 (B) (hay cứ một ngàn năm thì có 10 chữ bị thay đổi trong 100 chữ so sánh) thì thời gian tách ra là
    t = ln(0.80)/(-2x0.10) = 1116 năm ~ 1100 năm
    (đương nhiên là có sai số tuỳ theo mức chính xác muốn dược/confidence level)

    Cá nhân tôi chưa thấy một bảng so sánh và thống kê như vậy, tuy nhiên một số bài viết liên hệ về tiếng Mường, Việt và Mon-Khme có thể tìm đọc trên mạng như [nostratic.ru] (bài này viết cách đây cả 44 năm) (C).

    Phê bình thêm: Nguyễn Tài Cẩn (1995), Phạm Đức Dương (1985) cũng cùng nhận xét vào thời kỳ tách ra như trên, Nguyễn Văn Tài (1978) cho rằng có thể sớm hơn ... Keith Taylor (hai thời điểm khác nhau) ... Nguyễn Phú Phong cho là khoảng thế kỷ IX (trong bài viết "Nghiên cứu về nhóm Ngôn ngữ Việt-Mường")

    (A) 80% là thí dụ (chủ quan) mà thôi - tuy nhiên xem thêm các nhận xét trên mạng [cema.gov.vn]. Nếu phần trăm giống nhau là 75% thì thời kỳ tách ra là khoảng cách đây 1438 năm, còn lâu hơn số năm đã tính ở trên.

    (B) dựa vào tiếng Hán (λ = 0.1) và Nhật (λ = 0.11) - trích từ bài 'COMPARATIVE-HISTORICAL LINGUISTICS AND LEXICOSTATISTICS' của Sergei Starostin; Swadesh đề nghị tỉ số thay đổi λ là 0.14 (dựa vào các ngôn ngữ Ấn Âu)

    (C) các bài viết khác mà người viết có dịp xem qua như André Haudricourt ('La place du vietnamien dans les langues austroasiatiques' 1953, 'L'origine des tons vietnamiens' 1954) và các bài viết của David Thomas (ông ghi lại 200 chữ từ tiếng Mường ở Hoà Bình) ...v.v... Các bài viết của Nguyễn Văn Tài rất đáng chú ý như "Tiếng Nguồn, một phương ngôn của tiếng Việt hay một phương ngôn của tiếng Mường?" (1975) ... hay "The Nguồn language of Quảng Bình, Vietnam" (Nguyễn Phú Phong, 1995) ...v.v...

    Các yếu tố lịch sử về thời kỳ tách ra (cách đây 1100 năm) là thời loạn 12 sứ quân), thời kỳ dành độc lập và tự chủ (có chính quyền trung ương - phân biệt rõ nét người Kinh tập trung ở thành thị hơn ...) ...


    4. Tóm tắt các giả thuyết về nguồn gốc tiếng Việt

    4.1 Tiếng Việt là tiếng Hán theo giám mục Jean-Louis Taberd (đầu thế kỷ 19), GS Terrien de la Couperie (cuối thế kỷ 19), L. Cadière, sử gia Nguyễn Phương, học giả Lê Ngọc Trụ (giữa thế kỷ 20) ... và gần đây hơn là nhà văn Nga Vladimir Malyavin (2005).

    4.2 Tiếng Việt liên hệ đến tiếng Thái theo GS Henri Maspéro (1912), G. Maspéro (1915), T. A. Sebeck (1942), Trần Trọng Kim, Vương Lực (1957/1958), Bùi Đức Tịnh …

    4.3 Tiếng Việt liên hệ đến tiếng Môn theo học giả Kari Himy

    4.4 Tiếng Việt liên hệ đến tiếng Khme theo BS Reynand

    4.5 Tiếng Việt liên hệ đến tiếng Mã Lai, theo học giả E. Souvignet, nhà văn Bình Nguyên Lộc, học giả Nguyễn Ngọc Bích …

    4.6 Sử gia Phạm Văn Sơn đề nghị Việt ngữ và Việt chủng là một chủng tộc, một ngôn ngữ riêng biệt

    4.7 Tiếng Việt có gốc từ xứ Ethiopia

    '...Tóm lại tiếng Việt nguồn gốc xuất xứ từ xứ Ethiopia được di dân mang đi theo chủng tộc, nhưng trên bước đường tiến thủ pha lẫn với nhiều tiếng nói địa phương đã trải qua, nên tiếng gốc còn quá ít mà lại mang tiếng ngoại nhập nhiều ...' trích từ bài viết "Nguồn gốc tiếng Việt" của tác giả Sagiang

    4.8 Tiếng Việt liên hệ đến tiếng Lava (Lawa, Lào)

    Dựa trên đa số dữ kiện ngôn ngữ, tác giả Tạ Đức đưa ra kết luận "... Về người Lạc Việt, những bằng chứng nêu trên tuy chưa cho phép “nói chắc” nhưng cũng cho phép tạm kết luận nữa rằng: người Lạc Việt (tổ tiên trực tiếp của người Việt) thuộc về khối tộc người Lava cổ, là tộc người chủ thể bao gồm người Môn (là tổ tiên trực tiếp của người Mường) đã dựng nước Ya Yang/Nha Lang/Văn Lang ở vùng Bắc Bộ Việt Nam như một trung tâm của khối Lava-Môn-Khmer của khu vực Nam sông Dương Tử ..." - trích từ bài viết của Tạ Đức trang mạng ‘dòng Hùng Việt’ hay Talawas talawas.org/talaDB/showFi...s=4103&rb=0302

    4.9 Tiếng Việt sinh ra do sự kết hợp các ngôn ngữ Nam Á và Tày-Thái. Giả thuyết này do George Coedès đưa ra năm 1949. Hà Văn Tấn và Phạm Đức Dương căn cứ trên tiến trình biến đổi hình thái học của từ cũng đi đến kết luận này (A)

    4.10 Từ năm 1856, học giả James Logan đã đề nghị dạng thức Mon-Anam (Mon-Anam formation) mà ngày nay ta gọi là họ Nam Á (Austrasiatic, cần phân biệt với địa danh Nam Á/South Asia hay tiểu lục địa Ấn Độ). Nhà ngôn ngữ Wilheim Schmidt (1901) bắt đầu dùng nhiều dữ kiện so sánh các ngôn ngữ khác như Nicobar, Bahna, Stieng ... đều liên hệ đến họ Nam Á (tuy không có dữ kiện từ tiếng Việt mà ông cũng chấp nhận cùng họ) - ông còn đề nghị họ Austric bao gồm nhiều ngôn ngữ Nam Phương hơn. Sau công trình nghiên cứu của J. Przyluski (1924), nghiên cứu về tiếng Việt mà được nhiều người nhắc đến là của nhà ngôn ngữ người Pháp André-Georges Haudricourt. Công trình nghiên cứu của ông đặt tiếng Việt vào họ ngôn ngữ Austroasiatic, hay còn gọi là Mon-Khmer, và là một công trình được nhiều nhà ngôn ngữ học cho là thuyết phục nhất. Một số công bố nghiên cứu của ông liên quan đến tiếng Việt và có nhiều ảnh hưởng đến các nghiên cứu về sau như

    1952. L'origine môn-khmèr des tons en viêtnamien (Nguồn gốc Mon-khmer của thanh điệu trong tiếng Việt)

    1953. La place du viêtnamien dans les langues austroasiatiques (Vị trí của tiếng Việt trong họ ngôn ngữ Austroasiatic)

    1954. De l'origine des tons en viêtnamien (Nguồn gốc của thanh điệu trong tiếng Việt)


    Học giả Paul Benedict (1942) đề nghị họ Austric gồm có Môn Khme, Annamite ... so với họ Hán-Tạng ... Ông đã nâng tiếng Thái lên hàng đầu khi kết luận là họ Austro-Thai (Nam Thái, 1976) là tiền thân của các họ Môn Khme, Việt Mường ...

    Heinz-Jurgen Pinnow (1959) bố túc thêm công trình của Schmidt, cũng như Robert Shafer (1965), David Thomas (1966), D. Thomas và Robert Headley (1970) ... Gérard Diffloth (1989) cập nhật các công trình trên và cùng với Ilia Peiros (1998) và củng cố chỗ đứng của họ Nam Á cho đến nay; tuy các chuyên gia về họ Nam Á không có nhiều (so với cả trăm nhà ngôn ngữ nghiên cứu về họ Nam Đảo/Austronesian)

    Lại có nhà nghiên cứu liên hệ tiếng Nhật, Việt với Nam Phương hay Đa Đảo như Nobuhiro Matsumoto (1928) - đại khái là cùng cách nhìn như P. Benedict, T. Kawamoto ...

    Họ Vietic (đặc biệt là Việt-Mường) cũng là đề tài trong các công trình so sánh ngôn ngữ của Peiros (1998), Ferlus (1975, 1992), Thompson (1976), Barker & Barker (1970) …

    Xem thêm chi tiết trong các bài viết “A comparison of Muong with some Mon-Khmer languages” (Ruth S. Wilson, 1966), "Khái quát các nghiên cứu ngôn ngữ học về nguồn gốc tiếng Việt" (Marl Alves, tạp chí Khoa Học ĐHQGHN, 2008) , "History of Comparative Mon-Khmer Studies" (Paul Sidwell, 2004, ANU) hay "Từ Nam Á trong tiếng Việt" (Hồ Lê, 1992/2002) …v.v…


    Trong phạm vi bài viết 5A Hợi Hãi gỏi cúi/heo trong loạt bài "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp", các dữ kiện ngôn ngữ minh chứng liên hệ Việt Mường và các khuynh hướng

    - tiếng Mường vẫn duy trì một số từ Việt cổ (cúi là heo/lợn chẳng hạn)
    - tiếng Việt (người Kinh) có nhiều ảnh hưởng của tiếng Hán (trư, đồn, thỉ ...)
    - đặc biệt là tiếng Mường (Bi) vẫn dùng các từ Hán Việt như nhúc (nhục/thịt 肉), bảng (bán/nửa 半), chước 杓 (gáo, đồ múc) ... một cách tự do so với tiếng Việt, phản ánh thời kỳ nhập vào và sử dụng lâu dài trong tiếng nói dân gian (td. từ thời Đường Tống).


    (A) theo BS Nguyễn Hy Vọng, tác giả cuốn tự điển Đồng Nguyên Việt-Đông Nam Á (2007) thì '...Tiếng Việt có một nguồn gốc rất là đa dạng vì qua 2,3 ngàn năm, nó đã lai giống với rất nhiều tiếng Mon, tiếng Khmer, tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Chàm , tiếng Malay, và đã vay mượn rất nhiều tiếng Tàu mà xài, rồi thì trong trăm năm vừa qua lại đã mượn hàng trăm tiếng Pháp như mũ bêrê, cái kilo, cái gara, vải kaki, bình accu…' - xem bài viết trang gdptvn-usa.org/index.php?...t-ng&Itemid=11 …v.v…
    __________________
    Thử hữu tắc bỉ hữu.
    Thử vô tắc bỉ vô.
    Thử sinh tắc bỉ sinh.
    Thử diệt tắc bỉ diệt.
     
    Last edited by a moderator: 19/9/15
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  9. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Nguồn gốc tiếng Việt


    Theo các nhà ngữ học Mỹ thì tiếng Mỹ là thứ tiếng nói đã vay mượn rất nhiều từ ngữ của các ngôn ngữ khác trên khắp thế giới, vì thế mà nó rất dồi dào và sống động, trở thành tiếng nói số một của loài người, hiện nay.

    Theo tôi thì tiếng Việt cũng không thua kém chi, nếu ta đặt nó vào cái hoàn cảnh lịch sử khó khăn của đất nước Việt qua hơn hai ngàn năm nay.

    Hiện nay, tiếng Việt đứng hàng thứ 12 trên thế giới về số đông người nói và đang lan ra khắp thế giới tự do từ cái biến cố lịch sử 30 tháng tư 1975.

    Tiếng Việt có một nguồn gốc rất là đa dạng vì qua 2,3 ngàn năm, nó đã lai giống với rất nhiều tiếng Mon, tiếng Khmer, tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Chàm , tiếng Malay, và đã vay mượn rất nhiều tiếng Tàu mà xài, rồi thì trong trăm năm vừa qua lại đã mượn hàng trăm tiếng Pháp như mũ bêrê, cái kilo, cái gara, vải kaki, bìnhaccu…

    Hiện nay thì tiếng Việt đã mượn rất nhiều và rất tự nhiên thoải mái hàng ngàn tiếng Anh Mỹ như computer, battery, charge… kể ra vô số, mượn như thế, sau một thời gian sẽ việt hoá chúng nó hoàn toàn và chúng nó sẽ trở thành tiếng Việt luôn. Đó là một điều rất hay, tiếng Việt sẽ dồi dào thêm, có thêm nhiều ngữ vựng, nhiều cách nói, nhiều cách phô bày tư tưởng.

    Nhưng ta nên biết rằng dù có nói bao nhiêu từ ngữ mà nguồn gốc khác nhau đi nữa, ta cũng chỉ có một cách viết là thứ chữ abc của ta hiện nay, ta không còn viết chữ nôm nữa và ta không còn biết viết chữ Tàu nữa, và sẽ không bao giờ.

    Như trong câu nói sau đây:

    "cho xe vô gara rồi check giùm cái battery, nếu hết sạc thì câu điện giùm, rồi vô nhà coi công tơ tháng này tiền nước bao nhiêu!"

    Có đến 6 thứ tiếng khác nhau của khắp thế giới trong câu nói ngắn gọn đó mà ta đâu ngờ [Việt, Hán Việt, Tàu, Pháp, Anh-Mỹ]

    Một chuyện lạ hơn nữa là cách đây hơn hai ngàn năm, khi ông bà ta chưa biết đến người Tàu và tiếng Tàu, chữ Tàu thì họ đã dùng và xài hàng ngàn tiếng một của hàng chục ngôn ngữ ở Đông nam Á châu, mà từ lâu ta cứ tưởng như đó là tiếng Việt của chúng ta mà thôi.

    Thật ra khi ta nói thiết tha tha thiết thì đó cũng là tiếng Thái

    vắng vẻ thì nó cũng là tiếng Lào

    đủng đỉnh thì đó cũng là tiếng Thái

    vơ vẩn vẩn vơ thì đó cũng là tiếng Lào

    khi ta nói chân tay, dơ chân dơ tay lên thì nó là tiếng Miên

    và nói một ngày, một hai ba bốn năm thì đó cũng là tiếng Miên

    Cách đây 200 năm, cụ Nguyễn gia Thiều đã viết: "trẽ tạo hoá đành hanh quá ngán" - thì đành hanh là tiếng Chàm đó bạn ơi [có nghĩa là ganh ghét, ganh tị]

    Cách đây 600 năm, cụ Nguyễn Trãi đã viết: "Tuy rằng bốn bể cũng anh tam" - thì tam cũng là gốc Mã lai đó bạn ơi [htam có nghĩa là đứa em trai nhỏ tuồi]

    Cụ ấy cũng viết rằng: "hai chữ công danh tiếng vả vê" - đó là tiếng Lào, có nghĩa là "trống vắng"

    Khi ta nói cái đùi cui [trong nam] còn ngoài bắc thì nói là cái "dùi cui" thì 250 triệu người Indonesia hiện nay cũng nói là "đul kul" gần như y hệt!

    Còn như hai tiếng "nôm na" mà ai cũng tưởng rằng nôm là nam, vậy thì na là gì ?

    Thật ra "nôm na" có nghĩa gốc là xưa cũ lâu đời, đã có từ lâu.

    Các từ điển Lào, Thái, Khmer đều có ghi, viết, đọc, và giải thích hai chữ ấy và đều có giải thích rõ ràng như vậy

    Tiếng Nôm là tiếng nói xưa của người nước ta, đã nói như vậy từ lâu, trước khi ông bà ta gặp người Tàu.

    Còn nhiều nữa, rất nhiều nữa, cả thảy 27,400 tiếng một như vậy, ta đã cùng nói, cùng xài chung, dùng chung, mà nguồn gốc là từ nhiều ngôn ngữ anh em đồng nguyên chung quanh nước Việt của ta.

    Không có một tiếng Việt nào mà không có chung gốc gác với các tiếng nói anh em chung quanh ta [gốc gác cũng là tiếng Thái đó, các bạn ơi! họ nói là rốc rác và có nghĩa là gốcrễ, nghĩa bóng là giòng giõi, giòng giống đó !

    Các tiếng nói ở Đông nam Á [Khmer, Lào, Thái, Chàm, Malay, Indonesia, Nùng, Hmong, Bahnar, Rhade, v.v..], đều bao bọc tiếng Việt trong một vòng dây thân ái của tình anh em ngôn ngữ chung giòng, chung họ hàng bà con, mà mấy lâu ta không biết đến đó mà thôi.

    Nhưng tiếng Việt có một điểm rất lạ, dễ thì thật dễ mà khó thì cũng thật khó, vì mấy lâu nay, ta cứ tưởng là ta nói và viết được tiếng Việt là ta hiểu được tiếng Việt?

    Thật ra ta ta không hiểu dược tiếng mẹ đẻ của ta nó ra làm sao cả!

    Ta nói và viết đau đớn mà ta không hề biết đớn là gì - [đớn là tiếng Mon bên Miến điện có nghĩa là đau cái đau của lòng mình]

    Ta nói rộn rịp mà không hiểu rịp là gì - [rịp là tiếng Lào Thái đó bạn, có nghĩa là bận việc]

    Ta nói săn sóc, chăm sóc mà ta chẳng hiểu săn là gì mà sóc là gì - [săntheo dõi, sócsức khỏe đó bạn ơi!/ gốc Pali, Sanskrit]

    Có cả thảy chừng 10,000 tiếng đồng nguyên, gốc gác như thế.

    Thành thử, dù ta có biết chữ Nôm, chữ Tàu thật nhiều đi nữa, ta vẫn không thể nào biết được ý nghĩa tiếng Việt của ta đâu!

    Biết thêm vài ba ngàn tiếng Pháp, tiếng Anh, chữ Tàu, chữ Nôm thì cũng tốt thôi, ta sẽ trở thành một thứ học giả bất đắc dĩ, đừng tưởng rằng như vậy là đã thông suốt tiếng Việt

    Cái điều kiện chót này đòi hỏi phải có một khả năng hiểu biết ý nghĩa, nguồn gốc của mỗi một tiếng Việt, từ A cho đến Xược, mà con số lên đến # 10 ngàn tiếng một.

    Chỉ có một cách qua được cái khó khăn vượt bực đó. Phải có một bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt, tham khảo tất cả 58 thứ ngôn ngữ lớn nhỏ khắp miền nam Á châu, chúng nó đều có phần đóng góp âm thanh, giọng nói và ý nghĩa gốc gác, làm nguồn cội thôi nôi cho mọi từ mọi ngữ trong tiếng mẹ đẻ của chúng ta, và đó là bộ từ điển sắp ra mắt người Việt trên toàn thế giới, cho xứng đáng với câu nói đầy khen ngơi của nhà ngữ học Leonard Bloomfield:

    "Vietnamese, a great cultural language"

    Mong một dịp sau, sẽ trình bày và ra mắt toàn thể bộ từ điển đó cùng quý vị và các bạn


    Bs NGUYỄN HY VỌNG
     
    Last edited by a moderator: 3/3/15
    Ban Tang Du Tử and Fish like this.
  10. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Cái nôi của tiếng Việt


    Cái gì linh thiêng lắm hoặc làm cho người ta phải sững sờ kinh ngạc vì cái tốt đẹp của nó mới là phép lạ. Cái gì xảy ra hằng ngày thì dù có tốt đẹp cách mấy, người ta cũng xem thường.

    Vậy mà các bạn thử nghĩ coi, một em bé Cao-mên 3 tuổi nói tiếng Cao-mên lẻo-lẻo trong khi 78 triệu người Việt lại không nói được, còn em bé Việt 3 tuổi nói tiếng Việt được khá rành trong khi cả 6 ngàn triệu người trên thế giới lại không biết tiếng Việt là cái gì; nghĩ có lạ không? Vậy là phép lạ chứ gì! Phép lạ của tiếng nói loài người chỉ cần tình thương và vòng tay ấp ủ của người mẹ chịu khó bập bẹ cho con tiếng nói của mình. Từ cái bập bẹ thôi nôi vào đời đó mà sinh ra sau này cả mấy ngàn thứ tiếng nói khác nhau của nhân loại.

    Xin mời các bạn nhìn qua bản đồ vùng Đông nam Á. Theo những hiểu biết mới mẻ nhất cuả khoa ngôn ngữ học hiện nay, con người xưa sống trên vùng đất này nói một thứ tiếng xưa gọi là tiếng nói của giòng họ Mon-Khmer. Tiếng nói này là một trong những cái nôi đầu đời của tiếng Việt.

    Môn (phải đọc là MÒN) là tên của một sắc dân sống bên Miến-điện phía đông nam Rangoon chừng một trăm cây số, gần bờ biển. Tiếng Mòn (còn phát âm là Môn hoặc Rman) là tiếng nói của họ. Độ chừng 1 triệu người Mòn sống ở đó và chừng gần một trăm ngàn sống ở một vùng nhỏ phía tây Bangkok khi họ chạy loạn qua đó trong vòng mấy trăm năm gần đây.

    Tiếng Mòn đã có chữ viết từ năm 900 A.D. và hiện còn 800 bia đá bên Miến Địên khắc chữ Mòn và các thứ chữ xưa khác của Miến (xem hình một mẫu chữ Mòn)*. Chữ Mòn viết cũng như nói (viết theo mẫu tự a b c), có điều là họ viết theo cái cách riêng của họ mà thôi. So sánh sư phát âm của các từ Việt với Mòn (xem bảng đính kèm)*, ta thấy chúng giống nhau đến chừng nào! Vậy mà họ với ta không ai biết nhau cả và văn hóa họ không giống gì với văn hóa của ta!

    Nhưng riêng người Miến và Thái thì không ngớt ca tụng cái gia tài văn hóa và ngôn ngữ mà người Mòn đã đem lại cho họ, luôn cả cái đất đai mênh mông của người Mòn mà người Thái và Miến đã chiếm lấy mà ở rồi xem thường những đòi hỏi của người Mòn về đất đai và quyền tự trị như là những quyền lợi không chính đáng!

    Người Mòn cũng đã đắp nên không biết bao nhiêu là đền đài từ 1,500 năm nay, trên đất Miến và đất Thái mà xưa là của họ. Hiện nay người Miến và người Thái tu bổ giữ gìn rồi đắp cho lớn thêm và nhận là của họ!

    Bước đường nam tiến của hai dân tộc Miến và Thái đã lấn át dân tộc Mòn suốt cả 1500 năm nay rồi rốt cuộc đã gần như tiêu diệt dân Mòn nhưng lại nhìn lạm luôn cái gia tài văn hóa, ngôn ngữ và văn tự của người Mòn! Lẽ tất nhiên là đã có hàng trăm thế hệ Mòn/Miến/Thái lấy lẫn nhau, lai nhau và pha trộn máu và tiếng nói của nhau (mixing bloods and languages) để sinh ra tiếng Miến và tiếng Thái hiện nay.

    Còn Việt nam ta thì sao? Giữa Việt và Mòn xa lạ quá thì tại sao lại có chung tiếng nói? Đó là vì từ lâu người ta cứ tưởng là cái nôi văn hóa của một dân tộc cũng là cái nôi ngôn ngữ của nó luôn! Tưởng vậy mà không phải vậy. Ngôn ngữ của một sắc dân nào cũng rất là đa dạng ngay từ lúc đầu, nó do sự đóng góp của nhiều ngôn ngữ của các bộ lạc đã tạo nên sắc dân đó qua thời gian dài dằng dặc.

    Một thí dụ rõ ràng là tiếng Pháp và người Pháp. Hồi xưa người Gaulois nói tiếng Gaulois, nhưng bây giờ con cháu họ là người Pháp đâu còn nói tiếng Gaulois nữa, dù là một tiếng cũng không còn, mặc dầu họ vẫn tự hào (sic) là con cháu người Gaulois! Thật ra, người Pháp đâu phải chỉ là con cháu của người Gaulois xưa mà thôi, họ còn là con cháu của biết bao sắc dân khác nữa, nào là người Ibérian, người Visigoths, người Franks (ở vùng Đức bây giờ qua), người Vandals, người Burgundy, người Lombards. Những tiếng nói xưa của các bộ lạc đó đã chết đi để trở thành tiếng Pháp (xưa) rồi tiếng Pháp xưa đã bị bứng mất gốc bởi tiếng Latinum, vì người Pháp xưa đã bỏ rơi tiếng nói của ông bà họ mà hè nhau đi nói tiếng nói của người La-mã là giống người đã chinh phục họ 2000 năm về trước!

    Cũng may, chúng ta không thế, chúng ta vẫn còn nói tiếng nói xưa của ông bà ta từ hồi nào đến giờ, lẽ tất nhiên là với nhiều thay đổi qua sự chung đụng với nhiều sắc dân khác như Thái, Lào, Khmer, Mòn, và Chàm và luôn cả với các sắc dân khác trên dãy Trường-Sơn hùng vỹ (mà ta gọi bằng nhiều cách khác nhau: người Thượng, người Mọi, dân tộc ít người, bộ lạc thiểu số v..v...)

    Chú-ý: Mọi chỉ là đọc trẹ theo Mwoi, tiếng Mon-Khmer, có nghĩa là một nhóm người, tương đương với “bộ-lạc”. Người Thượng thường nói là họ chia ra thành từng mwoi khác nhau[groupe d’hommes/ tribe]

    Bây giờ xin nói về tiếng Khmer, mà trong giới ngôn ngữ học hiện nay ai cũng công nhận là tiếng nói thôi nôi thứ hai cho tiếng Việt, ngoài tiếng Mòn ra; vì vậymà họ cho là tiếng Việt ta thuộc giòng Mon-Khmer. Có người cho là tiếng Khmer không thể thôi nôi cho tiếng Việt được vì nó không có dấu giọng. Thật ra tiếng Việt xưa cũng không có dấu luôn và đã lần lần có dấu qua 2000 năm. Lúc đầu là có hai dấu (đúng ra là hai âm-vực cao và thấp) rồi mỗi âm vực phát triển ra ba dấu giọng (huyền ngã nặng và hỏi sắc không /theo ông Haudricourt, một nhà ngôn ngữ học người Pháp).

    Sự thực phức tạp hơn thế nhiều, vì trong khi tiếng Việt miền Bắc chịu ảnh hưởng của tiếng Quảng Đông và tiếng Miao nằm phía trên Bắc Việt mà có thêm dấu ngã thì tiếng Việt miền Trung, nhất là miền Bắc Trung Việt, đang còn chậm chân vì bị ảnh hưởng nặng nề hơn của tiếng Lào Thái nên không phát âm ra dấu giọng ngã được (người Lào, Thái cũng chỉ có năm dấu giọng, không có dấu ngã) vì vậy mà tiếng Việt miền Trung bị hiểu lầm là không chịu phân biệt (sic) hỏi ngã, làm như thể người miền Trung cố tình biết mà không chịu nói ra!

    Cũng thế, tiếng miền Trung không phân biệt /c/ với /t/ ở cuối một từ không phải vì họ muốn vậy, mà vì tiếng Lào và tiếng Thái đã ảnh hưởng nặng nề về phát âm và nhấn giọng đến tiếng miền Trung), nên cũng đã không phân biệt được (thí dụ tiếng Thái và Lào đều viết và phát âm là “đặêk” (to put) y hệt như phát âm miền Trung “Đặc” (trừ ra phát âm Quảng-trị). Tiếng Miên cũng vậy, phát âm và viết đều là đăk (to put).

    Chúng ta đang ở một địa hạt tế nhị mà chữ viết, theo ông Leonard Bloomfield, thay vì giúp cho ta tìm hiểu rõ hơn về cái tiếng, lại làm trở ngại cho sự tìm hiểu, vì cái chữ đã gò bó cái từ và gây ra ngộ nhận như trong trường hợp trên. Cũng như có nhiều hiểu lầm về ý nghĩa giữa Hán-Việt và Việt, do sự phát âm giống nhau như Lang bạt trong tiếng Việt thì có một ông học giả Hán Việt cho rằng đó là do mấy chữ lang bạt kỳ hồ trong tiếng Tàu mà ra (sic). Nếu có ai hỏi tại sao lại có mấy chữ kỳ hồ xen vào đó làm gì thì họ lờ đi, cũng như nôm na thì có người bảo là do chữ nam của Tàu, (sic) có nghĩa là thuộc miền nam, phương nam; vậy thì na là gì? họ bí nên họ cũng lờ luôn.! Sự khác biệt rất nhiều giữa giọng nói, phát âm, ngữ vững cùng là những khác nhau trong cách viết chữ Việt của ba miền là một hiện tượng phản ảnh sự biến chuyển “không đồng bộ” (asynchronic) của ba miền tiếng Việt, vẫn là một bí mật ngôn ngữ rất lớn, không dễ gì giải thích một cách quá sơ sài như ta thường được nghe. Phải có một sự nghiên cứu sâu rộng vào mọi khía cạnh của ngôn ngữ ba miền và so sánh với tất cả những ngôn ngữ anh em khác ở khắp Đông Nam Á, họa may ra mới có sự giải thích hợp lý.

    Thật ra, tiếng Khmer và tiếng Việt giống nhau đến mức kinh ngạc, chỉ cần so sánh bảng từ ngữ Khmer-Việt sau đây (xem bảng)*. Theo thống kê, có cả 30 phần trăm từ ngữ Việt giống với từ ngữ Khmer chứ không riêng gì vài chục từ trong bảng đó. (Quyển Từ điển nguyên ngữ tiếng Việt sắp xuất bản sẽ đem lại sự hiểu biết thích thú cho bạn đọc về nguồn gốc cuả chừng 27,000 từ đơn và kép trong tiếng Việt của chúng ta.)

    Vùng đất sống hiện nay của người Khmer đã bị thu hẹp lại rất nhiều nếu chúng ta biết rằng khi xưa, khoảng 2000 năm về trước, vùng đất của họ bao gồm một phần lớn Thái và Lào hiện nay thì ta dễ hiểu hơn tại sao ngôn ngữ học quốc tế lại ghép tiếng Việt vào cái nôi Khmer!

    Thật ra không phải chỉ có tiếng Mòn và tiếng Khmer mới thôi nôi cho tiếng Việt mà các thứ ngôn ngữ khác ở Đông nam Á cũng theo giòng thời gian mà ảnh hưởng và dính líu đến nhau để hình thành và đào tạo ra tiếng Việt hiện nay.


    Nguyễn Hy Vọng, MD.

    _______

    * (nt: 1. Do nguồn tài liệu mà tducchau có được thì mấy bảng- biểu nầy "xấu-tệ" --> Bạn nào có bản gốc đẹp, rõ ràng,.. xin vui lòng "post" tiếp giùm! Xin cám ơn!

    2. Tốt nhất, các bạn tìm và đọc trên cuốn Từ điển nguồn gốc tiếng Việt của chính tác giả.

    3. Hoặc "hạn hẹp"... thì có thể xem trực tuyến Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)
     
    Last edited by a moderator: 3/3/15
    Fish thích bài này.
  11. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Tiếng Việt thời “công nghiệp”

    [TABLE="class: tborder, width: 100%, align: center"]

    [TD="class: alt2, width: 175, bgcolor: #F4F2ED"]Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Thông thái

    Tham gia ngày: Apr 2008
    Bài gởi: 2,728
    Xin cảm ơn: 3,302
    Được cảm ơn 11,089 lần trong 1,661 bài


    [/TD]
    [TD="class: alt1, bgcolor: #F8F7F4"][​IMG] Tiếng Việt thời “công nghiệp”
    [HR][/HR]...


    Tiếng Việt thời “công nghiệp”​




    Tiếng Việt ngày càng dở đi... Xin giới hạn trước nhận định này chỉ ở ngôn ngữ báo chí, mà tiếc thay, đó lại là “cái loa” chính yếu đang “độc chiếm diễn đàn” phát ra những thông điệp của cuộc sống hiện đại.


    Công nghiệp hoá

    Có hai câu chuyện tiếu lâm vô tình xác định hai xu thế ngược chiều của tiếng Việt. Câu chuyện thứ nhất về một anh Tây học tiếng Việt, phải vò đầu bứt tóc vì sự tinh tế của thứ ngôn ngữ mà những người chủ sở hữu rất tự hào về sự “giàu đẹp, trong sáng” của nó: mắt đen gọi là mắt nhung, tóc đen là tóc huyền, gà đen là gà ác, ngựa đen là ngựa ô, gỗ đen gọi là gỗ mun... Câu chuyện thứ hai là câu chuyện về tấm bảng hiệu “Ở đây có bán cá tươi”. Người thứ nhất đi qua góp ý: “Không ở đây thì ở đâu?” Thế là mất chữ “Ở đây”. Người thứ hai: “Không bán cá tươi thì bán cá ươn à?” Mất nốt chữ “tươi”. Mà cần gì phải ghi là bán cá, đi từ xa người ta đã nghe mùi cá rồi...

    Tiếng Việt đang ngày càng bị (hay được) thu rút dữ dội. Chính những đề nghị công nhận ngôn ngữ “chát chít” và các phụ âm f, w, z, j đang gây tranh cãi mù trời chính là xu hướng “công nghiệp hoá” của tiếng Việt. Nó được cho là “tiết kiệm, nhanh chóng và hiệu quả” theo đúng “chủ nghĩa Taylor” trong công nghiệp. Tiếng Việt ngày trước ra sức chia cắt hiện thực ngày càng tinh tế bao nhiêu thì ngày nay lại bị cố thu gọn lại bấy nhiêu. Những đỏ lòm, đỏ loét, đỏ chạch, đỏ bầm, đỏ tía... từng là niềm tự hào có phần “ếch ngồi đáy giếng” của không ít người Việt. Bởi vì các dân tộc khác cũng chia cắt hiện thực tinh tế tương tự, tuỳ theo sự thiết thân của hiện thực nào đó đối với mình, chẳng hạn như người Eskimo có đến 200 tên gọi về tuyết, Mông Cổ cũng có ngần ấy tên gọi về ngựa.

    Đã công nghiệp thì bao giờ cũng mang tính đại trà, sản xuất hàng loạt và hời hợt, cạn cợt... Rất dễ thấy ngôn ngữ “chát chít” là loại ngôn ngữ khá ngô nghê, ngọng nghịu, loại ngôn ngữ có tính “mật mã” của những nhóm thanh thiếu niên muốn khẳng định một thế giới riêng, thế giới khác mà họ cho là mới.


    Ngôn ngữ bikini

    Trích:
    [TABLE="width: 100%"]

    [TD="class: alt2, bgcolor: #F4F2ED"]Chính từ sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện truyền thông mà tiếng Việt dường như ngày càng luộm thuộm, dễ dãi.[/TD]
    [/TABLE]

    Khẩu ngữ, tiếng lóng… của tiếng Việt đi vào ngôn ngữ chính thống bằng chiếc áo tắm hai mảnh mỏng manh: dấu ngoặc kép. Có thể thấy trên mặt báo đang tràn lan những từ, ngữ có dấu ngoặc kép. Như văn chương, báo chí có nhiều biện pháp tu từ để sử dụng: ẩn dụ, hoán dụ, phúng dụ, chơi chữ, dùng điển tích... Ngoặc kép cũng là một biện pháp tu từ. Nhưng giờ thì hầu như tất tần tật những phong cách đó được gom về một mối, đó là đầu tiên sử dụng ngoặc kép, lâu, quen dần thì được dùng như là một từ ngữ thông dụng.

    “Chân dài” là một từ dung tục. Khởi đi từ tên một bộ phim, “chân dài” trở thành phổ biến và bây giờ đa phần đã không còn được che chắn gì trong ngôn ngữ thông dụng. “Chân dài”, thậm chí là “chân dài tới nách” đã được dùng trong nhiều tờ báo. “Ngực khủng” cũng thế, nay mai sẽ mất dấu ngoặc kép.

    Chuyện khoả thân hay trần truồng giờ được sử dụng từ ngoại nhập “nuy”, nghe ra nghệ thuật hẳn. Vú hay ngực, mông, được gọi là “vòng một”, “vòng ba”, cứ như thể phụ nữ nào cũng có thể đi thi hoa hậu hay lên sàn catwalk, nghe ve vuốt và nịnh nọt lắm. Còn “cô bé” và “cậu bé” nữa... Những “ông vua ở truồng” như trong một truyện cổ đó ngày càng không được gọi đúng tên. Ngôn ngữ đang dần bị “kéo xuống phía dưới” khi quanh đi quẩn lại chỉ là những chuyện “chân dài”, “ngực khủng”, “lộ hàng”, “khoe hàng”, “bỏng mắt”, “không cưỡng lại được”...

    Có những lắp ghép mang tính tuỳ tiện. Có “hải tặc”, “không tặc”, “dâm tặc” thì giờ có “đinh tặc”, thậm chí là “nghêu tặc”. Cái gì cũng “phì đại” thành “siêu” và “khủng”: siêu mẫu, siêu xe, siêu thấm, siêu... khủng (cạn hết từ so sánh tối thượng cấp)...

    Thông tin, cả tốt lẫn xấu, đang ngày càng tràn ngập như những cơn lũ. Chính từ sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện truyền thông mà tiếng Việt dường như ngày càng luộm thuộm, dễ dãi. Không khéo sẽ đến ngày chúng ta sẽ bị biến thành một bộ lạc như bộ lạc Xì trum của Peyo: nói ra cái gì cũng đều là “xì trum” hết!


    ĐOÀN ĐẠT​

    [/TD]
    [/TABLE]
     
  12. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Những từ thời thượng

    [TABLE="class: tborder, width: 100%, align: center"]

    [TD="class: alt2, width: 175, bgcolor: #F4F2ED"]Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Thông thái

    Tham gia ngày: Apr 2008
    Bài gởi: 2,728
    Xin cảm ơn: 3,302
    Được cảm ơn 11,089 lần trong 1,661 bài


    [/TD]
    [TD="class: alt1, bgcolor: #F8F7F4"][​IMG] Những từ thời thượng
    [HR][/HR]...


    Những từ thời thượng​



    Xã hội luôn luôn vận động, xuất hiện những khái niệm mới, nổi lên những vấn đề mới là trung tâm chú ý của dư luận. Theo đó, hàng loạt từ mới xuất hiện, có những từ mang hơi thở của thời cuộc.


    Tâm lý chuộng lạ và khuynh hướng làm sang

    [​IMG]

    Ngôn ngữ là một phương tiện thể hiện phẩm chất trí tuệ con người. Muốn khẳng định mình qua ngôn từ, không ít người thích dùng những từ mới lạ. Bởi vậy không tránh khỏi những khuynh hướng lạm dụng từ ngữ mới. Bắt đầu có từ được dùng theo cách rất lạ. Người khác thấy hay, thấy ngồ ngộ, mới lạ bèn đua nhau dùng theo, đua nhau “chưng diện” từ này trong lời nói và bài viết. Họ sử dụng chúng như là những “mốt” nói mới nhằm tô điểm cho trí tuệ.

    Cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, trên các phương tiện truyền thông ở Liên Xô đầy rẫy từ “perestrojka” (sự cải tổ). Tiếp đó danh từ “pljuralism” (chủ nghĩa đa nguyên), một danh từ mới nhập từ tiếng Anh (pluralism), tiếng Pháp (pluralisme) thời cải tổ, xuất hiện rất nhiều. Chứng cứ cho điều này là trong quyển Từ điển tiếng Nga nổi tiếng, bản in năm 1982, của S.I. Ozhegov hoặc trong Từ điển cấu tạo từ tiếng Nga, xuất bản năm 1978 của A.N. Tikhonov đều chưa có danh từ “pljuralism”.

    Sau Đại hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuất hiện cụm từ “làm chủ tập thể”. Từng có lúc, trên các trang báo nhan nhản những “làm chủ tập thể”. Sau Đại hội VI, “làm chủ tập thể” được dùng ít dần đi; thay vào đó là “đổi mới tư duy” và “những việc cần làm ngay”. Ở thập kỷ 1970, nếu trong bài viết hoặc đăng đàn diễn giảng ai mà không nói “làm chủ tập thể” là “trình độ lý luận còn thấp”. Nửa cuối thập kỷ 1980, ở đâu cũng “đổi mới tư duy”. Không nhắc tới cụm từ này là người ta chưa yên tâm, chưa chứng tỏ mình nhạy bén và có năng lực.

    Nhiều kết hợp lạ là những đặc sản xã hội, gây bất ngờ trong nhận thức và nhanh chóng thành cụm từ mới lạ. Chẳng hạn, từ “khiêm tốn” biểu thị thái độ con người. Có ai đó dùng nó để biểu thị thuộc tính. NQT viết trên báo PN: “Tôi là một người có chiều cao hơi khiêm tốn”. Thấy một kết hợp lạ hay hay, ấy thế là thành ra cái mốt “khiêm tốn”: “đồng lương khiêm tốn”, “bộ quần áo khiêm tốn”, “ngôi nhà khiêm tốn”… Trong chuyện thường ngày trên TT, ngày 24.9.1998 Bút Bi viết: “Nhớ hồi quận 3 bắt đầu dọn dẹp bia ôm, con đường kề bên uỷ ban quận này chỉ có một “nhà hàng đặc sản”. Bây giờ con đường này có vô số nhà hàng đặc sản karaoke máy lạnh, tha hồ cho các đấng mày râu đến dự thi… “bàn tay vàng”. Đọc đến đoạn này, sinh viên trường V cười nghiêng ngả. Tôi nghĩ đó là ngày sinh chính thức trên báo chí của “bàn tay vàng” (ai biết nó sinh sớm hơn xin chỉ giùm!)

    Xã hội luôn luôn có khuynh hướng vay mượn từ nước ngoài, mặc dù vẫn có những từ ngữ đồng nghĩa. Vay mượn phần vì chuộng lạ, có yếu tố kích thích, bắt mắt, nhưng còn vì những từ ngữ vay mượn này phản ánh được những sắc thái mới. Trong tiếng Nga đã có từ “korennoj” (thuộc về gốc rễ, nền tảng) nhưng tiếng Nga vẫn nhập từ “radical” của tiếng Anh và Pháp để thành tính từ “radical’nyj” đồng nghĩa với “korennoj”. Và “radical’nyj” còn thêm nghĩa cấp tiến.

    Người Việt cũng vậy. Báo chí TP.HCM thời nay dẫn đầu cả nước khuynh hướng “Anh hoá” nhiều từ vay mượn đã được phiên âm. Chúng ta đã từng phiên âm an-bom; chạy sô, sô diễn, sôlô; đăng-xinh; xì-tốp… nhưng hiện nay người ta thích dùng nguyên ngữ album; solo, show, live show; stop; dancing. Thậm chí, “Anh hoá” cả các từ vay mượn đã được Việt hoá: Nói bán xôn, bán xon (mượn tiếng Pháp solde) xưa rồi, phải là sale, on sale, sale off mới sang và sành điệu!


    Sáo ngữ: những lối mòn

    Cái gì lạm dụng rồi cũng thành bình thường, nhiều quá hoá nhàm, và kết quả là lượng thông tin của từ bị giảm đi, nghĩa bị mòn đi. Những từ mới lạ trở thành sáo ngữ. Khi trung tâm chú ý của xã hội thay đổi thì sáo ngữ cũng nhanh chóng thay đổi. Rồi những từ ngữ mới khác lại xuất hiện.

    Cùng thời với “đổi mới tư duy”, trong đường lối hoạch định chính sách rộ lên những từ kinh tế vĩ mô, vi mô; hộp đen; đầu vào, đầu ra… Không hiểu bản chất của một khái niệm nhưng thấy thiên hạ dùng nhiều thì cũng cố mà dùng cho có vẻ “trình độ”, “thức thời”. “Nói như lời ông Trần Đình Hoan là […] không còn quy hoạch cán bộ theo kiểu “chiếc hộp đen” như trước nữa mà thay bằng “sân chơi bình đẳng...” (TTCN, 1.6.2003). GS Hoàng Tuỵ đã phê phán sự lạm dụng từ ngữ này. Từ “hộp đen” trên báo chí ít hẳn đi, nó được trả lại đúng vị trí trong những bài viết về lý thuyết thông tin.

    Trích:
    [TABLE="width: 100%"]

    [TD="class: alt2, bgcolor: #F4F2ED"]Bắt đầu có từ được dùng theo cách rất lạ. Người khác thấy hay, thấy ngồ ngộ, mới lạ bèn đua nhau dùng theo, đua nhau “chưng diện” từ này trong lời nói và bài viết. Họ sử dụng chúng như là những “mốt” nói mới nhằm tô điểm cho trí tuệ.[/TD]
    [/TABLE]

    Lớp từ thời thượng sau Đại hội VII là kinh tế thị trường, kinh tế trang trại, cổ phần hoá… rồi những phần mềm, internet, thị trường chứng khoán, nền kinh tế tri thức… Những từ này nay trở thành bình thường. Mặc dầu từ “điện tử” đã xuất hiện từ lâu, nhưng từ năm 2002, mới nở rộ lên những “Chính phủ điện tử”, “bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn điện tử”, “công dân điện tử”, “cử tri điện tử” rồi “nghị viện điện tử cho toàn cầu”, “Quốc hội điện tử”...


    Mấy từ thời thượng hiện thời

    Hiện nay buôn bán phát triển nên “thương hiệu” trở thành mốt, bị lạm dụng, lan sang nhiều ngành mà ở đó không có chuyện kinh doanh buôn bán gì cả: “Bà đã giúp làm tăng thương hiệu Sarkozy”; ông đã làm nên một “thương hiệu Putin”. Những chính khách, những nguyên thủ quốc gia có buôn bán gì đâu mà thương hiệu? Trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy. Người ta quyết tâm “xây dựng thương hiệu khoa báo chí và truyền thông”, “xây dựng thương hiệu trường chuyên X”... Nhà trường, sao phải xây dựng “thương hiệu” mà không là xây dựng “học hiệu”? Không rõ thiên hạ có dùng thương hiệu Harvard, Oxford, Cambridge không?

    Gần đây nhất là những từ “tầm nhìn”, “tái cơ cấu”... Người ta hoạch định những đề án, những công trình, những chiến lược với tầm nhìn 30 năm, 40 năm… Phải có tầm nhìn 50 năm để làm đường sắt cao tốc. Rồi sách “Việt Nam tầm nhìn 2050”. Tầm nhìn nào cho khu đô thị Trung Yên Hà Nội mới xây hiện đại kiểu Pháp, sau trận mưa lớn (2008) đã biến thành sông hồ? Tầm nhìn nào cho những công trình giao thông vừa bàn giao đã xuất hiện nhiều chục “hố tử thần”?

    Chúng ta đang tái cơ cấu Vinashin. Nay mai liệu có “tái cơ cấu EVN” khi tập đoàn Điện lực Việt Nam đang đứng ở “chân tường” (TT, 11.1.2011)? Và còn tái cơ cấu những gì nữa?


    GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN
    Minh họa: HỒNG NGUYÊN​

    [/TD]
    [/TABLE]
     
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  13. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Ứng xử ra sao với ngôn ngữ thời @?


    Buổi toạ đàm diễn ra tối 29.3.2012 tại trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp Hà Nội: “Ngôn ngữ giới trẻ sau thời @” qua tranh của họa sĩ Nguyễn Thành Phong có sự tham gia của bốn diễn giả: PGS Văn Như Cương, PGS Phạm Văn Tình, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và hoạ sĩ Nguyễn Thành Phong, tác giả cuốn sách gây xôn xao dư luận Sát thủ đầu mưng mủ. Các nhà chuyên môn có mặt ở đây, không phải nhằm đưa ra những đánh giá theo kiểu đúng hay sai, mà để bàn luận một vấn đề khác: nên ứng xử thế nào với hiện tượng ngôn ngữ mới?

    [​IMG]
    Triển lãm “Ngôn ngữ của giới trẻ trong tranh Nguyễn Thành Phong” (ảnh), khai mạc tại trung tâm Văn hoá Pháp ngay sau buổi toạ đàm thu hút rất đông giới trẻ và các nhà chuyên môn. Ảnh: Hi Lam


    Đóng cửa từ điển để giữ tiếng Việt?

    Trong vai trò chủ toạ, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đưa ra nhận định chung về những câu “thành ngữ” mới được tập hợp trong Sát thủ đầu mưng mủ (tác phẩm có thể xem là tuyển tập đầu tiên về những lối nói mới của giới trẻ): tạm gác vấn đề ngữ nghĩa, các câu thành ngữ mới, mang tính chất khẩu ngữ do giới trẻ sáng tạo nên, thực chất vẫn “bắt rễ” vào một đặc điểm nổi trội của tiếng Việt, đó là có vần, kiểu như: chảnh như con cá cảnh, dở hơi như con dơi... Đây cũng là một lối nói, một cách chơi chữ thú vị, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần áp dụng trong những lời góp ý nhẹ nhàng mà sâu sắc, chẳng hạn: “Cán bộ gì mà công văn đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần”. Những từ ngữ mới, nói thẳng ra là tiếng lóng, trong chiến tranh cũng được bộ đội ta sử dụng như một cách giữ bí mật quân sự. Đưa ra những ví dụ như thế để thấy rằng, thời nào cũng vậy, từ điển ngôn ngữ luôn được nới rộng biên độ. Những từ mới, những lối nói mới liên tục xuất hiện, được chấp nhận ngay hoặc gây dư luận trái chiều, chúng có thể tồn tại lâu dài, có thể tự đào thải. Chẳng hạn, những từ cửa miệng của giới trẻ như “hết sẩy”, “hơi bị” giờ không còn phổ biến nữa. Trong khi đó, từ “@”, vốn không tồn tại trong từ điển ngôn ngữ của bất cứ quốc gia nào, nay lại trở thành ký tự kết nối cả thế giới. Đưa ra hai bằng chứng xác đáng đó, PGS.TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình cho rằng, mỗi kiểu ngôn ngữ, dù là chính thống hay ngoài luồng, luôn có giá trị giao tiếp riêng của nó. PGS Văn Như Cương thì nhấn mạnh, ông từng chứng kiến, không ít từ lóng rốt cuộc, lại trở thành “thương hiệu”, như đặc sản kẹo cu đơ của Hà Tĩnh. Cũng theo PGS Văn Như Cương, trong cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ, có những thành ngữ được “cải biên” rất thông minh. Chẳng hạn, nếu đặt ba thành ngữ: cái khó bó cái khôn, cái khó ló cái khôn (cũ) và cái khó ló cái ngu (mới) cạnh nhau, có thể thấy tính tiếp nối uyển chuyển tương ứng với từng giai đoạn của cuộc sống.

    Cầm trên tay cuốn từ điển tiếng Việt mới ấn hành do viện Ngôn ngữ học thực hiện, PGS Phạm Văn Tình kết luận: “Đây là cuốn từ điển bao gồm 3.000 từ vựng mới, được thu thập và chọn lựa dựa trên sự biến đổi của ngôn ngữ mười năm qua. Những từ mới ấy có đời sống lâu dài hay không, lại là chuyện khác”.


    Nên bình tĩnh đón nhận

    PGS Phạm Văn Tình thẳng thắn bày tỏ, chính ông thời gian đầu đã hết sức phẫn nộ khi đọc Sát thủ đầu mưng mủ. Nhưng rồi, chính ông nhận ra, thay cho thái độ phản bác, nên nhìn nhận hiện tượng ngôn ngữ thời @ một cách bình tĩnh. Vì rõ ràng, sự trong sáng của tiếng Việt không có nghĩa là đóng cửa kho từ vựng. Những thành ngữ mới được tập hợp trong Sát thủ đầu mưng mủ, không phải tất cả đều hay, đều đẹp, nhưng rõ ràng, đó là kho dữ liệu mới, có thể xem như một dạng ngôn ngữ dân gian mới do giới trẻ sáng tạo và sử dụng phổ biến, rất cần được xem xét nghiên cứu bình tĩnh, không bài bác, cũng không tung hô quá đà. Cũng đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương thậm chí còn cho rằng, xét về khía cạnh văn bản, những câu chảnh như con cá cảnh, ngốc như con ốc hoàn toàn thuần Việt và “trong sáng” hơn rất nhiều khẩu hiệu đậm đà chất “Tây” chẳng hạn như: Nói “không” với học sinh ngồi nhầm lớp, Nói “không” với tiêu cực!


    Song Thao
    __________________
    [/TD]
    [/TR]
    [/TABLE]
     
    Last edited by a moderator: 3/3/15
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Đi chạ, cái dá cắn làm đôi

    ĐI CHẠ, CÁI DÁ CẮN LÀM ĐÔI


    Ngày xưa, nông thôn Việt Nam ta thường có những cái chạ. Chạ là một đơn vị cộng đồng của những người dân cùng tụ tập, ăn ở kề nhà nối vách với nhau. Sau này, ta có những xóm, những làng đàng hoàng bề thế, nhưng từ hồi xưa lắm, người ta gọi đó là những chạ. Tiếng chạ cũng nằm trong chữ chung chạ, nghĩa là gần gũi, thân mật, đoàn kết với nhau. Giờ đây ít dùng, nên ta xem chạ là một từ cổ.

    Chạ có thể ở gần nhau, mà có thể ở xa nhau. Nhưng tuy xa mà họ vẫn có điều kiện giao thiệp với nhau. Dần dần, chạ kia với chạ này nảy sinh ý kiến cần gắn bó với nhau, thân tình hơn, xem như anh em kết nghĩa, dù không có họ hàng gì. Gắn bó giữa chạ này, chạ kia như vậy, ta gọi là Kết chạ.

    Cuộc sống ngày càng tiến bộ, sự kết giao như vậy đưa đến nhiều sáng kiến. Buổi kết chạ có thể có nghi lễ, có liên hoan, có chung vui, chung sức với nhau. Đến với nhau như vậy, người ta gọi là đi chạ.

    Nhưng dù có thân tình, có vui vẻ, mà vẫn phải giữ phép tắc, phải cư xử cho có văn hóa. Do vậy mà kỷ luật giữa các chạ với nhau rất được tôn trọng. Có những chạ không cho phép trai gái hai bên cùng nhau kết vợ kết chồng, vì đã thành anh em thì cũng là có mối dây dòng họ. Những ngày lễ kết chạ, đi dự tiệc tùng ăn uống phải nghiêm túc, có lễ độ mới khỏi bị cười chê, Người mẹ dặn con: “Đi chạ, cái dá cắn làm đôi”.

    Có nghĩa là vào ngồi mâm tiệc của họ, trên mâm có đĩa rau sống gồm những rau thơm, rau tươi và những cái dá sống (dá là những hạt đậu xanh được ủ cho mọc mầm, thành những sợi trắng người ta xào nấm hay để ăn sống). Không nên dùng đũa của mình gắp cả một nùi mà đưa lên miệng. Phải biết ăn từ tốn nhẹ nhàng, đến mức một sợi dá cũng đưa lên miệng cắn đôi, chứ không ăn nhồm nhoàm, vừa như tham lam, bất lịch sự. Dự buổi kết chạ có một phong độ như vậy thì thật là đẹp. Cả con người, cả cái ăn thật sự là từ tốn, là văn minh.

    Sau này, câu nói trên đây trở thành lời dạy đầu cửa miệng cho các ông cha, bà mẹ bày cách ăn uống cho con cái.
     
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    VẤN ĐỀ ẨM THỰC TRONG PHONG TỤC VIỆT NAM
    Hay
    TIẾNG ‘ĂN’ TRONG NGÔN NGỮ - PHONG TỤC VIỆT


    Tiếng ĂN là một tiếng không ngôn ngữ nào sánh kịp. Cả phong tục Việt Nam được chứa đựng trong tiếng ĂN.

    Có lẽ trong kho tàng ngôn ngữ thế giới – và cả ngôn ngữ Việt Nam, không có từ nào như từ ăn, được ghép thành vô số những từ tố thông dụng trong tiếng nói con người. Có những từ phải suy nghĩ, phân tích mới thấy là ghép với từ ăn cũng là thích hợp. Nhưng có những từ không dính dáng gì với chuyện ăn, mà vẫn phải dùng chữ ăn để làm thành phần của từ tố, từ vị. “Ăn” được ghép vào với những từ khác, để bao trùm được mọi mặt sinh hoạt, mọi nghề nghiệp, tính cách của con người. Chuyện ăn quả là một bài học đa dạng.

    Có những từ được ghép, để chỉ ra nề nếp, phong cách sinh hoạt của con người: ăn làm, ăn chơi, ăn tiêu, ăn diện, ăn mừng.

    Có những từ được ghép để chỉ cách thức ăn uống: ăn sống, ăn chín, ăn nhúng, ăn chay, ăn gỏi, ăn rở, ăn vã, ăn trả bữa.

    Có những từ được ghép để chỉ vào số kiếp, thân phận con người: ăn mày, ăn xin.

    Có những từ được ghép để chỉ vào cách thức tổ chức làm lụng, hưởng thụ: ăn chịu, ăn chia, ăn theo, ăn thừa.

    Có những từ được ghép để chỉ vào những thói xấu, những con người vô ích trong xã hội: ăn dưng, ăn không, ăn bám, ăn hại.

    Có những từ được ghép để chỉ vào những thủ đoạn giao tiếp hèn hạ: ăn bớt, ăn mảnh, ăn chặn, ăn chẹt, ăn hết, ăn quịt, ăn gian.

    Có những từ được ghép để chỉ vào những tội ác hoặc những hành động phạm pháp: ăn hiếp, ăn cướp, ăn trộm, ăn cắp.

    Có những từ được ghép để chỉ vào những kẻ đê hèn, tham ô, bẩn thỉu: ăn vét, ăn nhỏ.

    Và, có cả những từ được ghép để chỉ vào sự xuống cấp hay sự triệt tiêu: Ăn đất, là chỉ vào cái chết của những con người không được trân trọng. Ăn bùn là chỉ vào kẻ thất cơ, mất hẳn vị trí huênh hoang một thời.

    Rồi còn một loạt những từ tố khác: ăn vạ, ăn sương, ăn nằm, ăn nhậu, v.v… Gần như thấy một tính cách, một hành động hay một cách thức gì khác thường, là người ta có thể đưa từ “ăn vào được cả. Còn có cả một loạt thành ngữ:

    Hoặc chỉ vào cảnh sinh hoạt yên ổn: ăn đời ở kiếp, ăn nên làm ra, ăn trắng, mặc trơn.

    Hoặc chỉ vào những tính cách tầm thường hay giả dối, tạm bợ: ăn no vác nặng, ăn thật làm dối, ăn xổi ở thì.

    Hoặc chỉ vào sự đối phó: ăn miếng trả miếng.

    Hoặc chỉ vào nỗi gian lao vất vả của con người phải chiến đấu: ăn gió nằm sương.

    Sang thời đại mới ngày nay, từ ăn cũng được nhập vào với từ nước ngoài – (để chứng tỏ khả năng đồng hóa của ngôn ngữ Việt Nam và cũng để làm rõ thêm trình độ khái quát, hội tụ của từ ăn). “Ăn rơ” (tiếng Pháp phải viết jeu là cuộc chơi) để chỉ vào ý hợp phong cách, hợp lề lối làm ăn của nhau. Mì ăn liền, cũng là một từ mới để chỉ vào một loại thực phẩm thuận lợi, khắc phục ngay cái đói.

    Rõ ràng khái niệm “ăn” của người Việt Nam đã được mở rộng. Chúng ta xem cái ăn là một vấn đề văn hóa lớn lao, bao trùm. Chắc chắn là trên thế giới, ít có dân tộc quan niệm được cái ăn như thế. Ta nhắc ra để cho biết vấn đề và để hứa hẹn với nhau những công trình nghiên cứu sau này. Chứ ở đây, chỉ có thể cùng nhau trao đổi về một phương diện mà thôi. Ta chỉ bàn cái ăn trong phạm vi ẩm thực. Chỉ như thế, mà cũng đã là nhiều lắm.


    ...
     
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Chuẩn chính tả tiếng Việt: Việc đã cấp bách!


    Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Dõi, Khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, sau hơn sáu mươi năm trở thành chữ viết chính thức, cho đến nay chữ Quốc ngữ vẫn còn chưa được thật sự sử dụng thống nhất trong cộng đồng sử dụng tiếng Việt. Chắc chắn nó sẽ tạo ra những tiêu cực xã hội không đáng có…

    [​IMG]
    Lỗi chính tả có trong một biển hiệu giao thông khuyến cáo người đi đường.​

    Lỗi chính tả: từ sách học ra cuộc sống

    Để chứng minh cho ý kiến này, Giáo sư Dõi đã đưa ra những ví dụ cụ thể.

    Thứ nhất, theo thông tin của ông giáo sư có được, ở thành phố Nha Trang, có một trường trung học với bảng tên gọi ở cổng trường là “Lý Tự Trọng”. Nhưng sau Quyết định 240/QĐ ngày 5/3/1984 của Bộ Giáo dục về “chính tả” thì trong sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, giáo viên và học sinh lại có thể viết là “Lí Tự Trọng”.

    Ở trường hợp này, sự tương phản như thế giữa tên gọi của trường và cách dùng ở sách giáo khoa có gây cho học sinh tác dụng tiêu cực không? Theo suy nghĩ của giáo sư, chắc chắn là có. Sự tiêu cực ở đây trước hết là học sinh sẽ “hàng ngày được làm quen với một thực tế bất nhất giữa cách dùng trong sách giáo khoa và thực tế”.

    Ông cha ta có nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, với tình trạng hàng ngày làm quen với sự bất nhất như học sinh trường Lý Tự Trọng như vậy, giáo sư Dõi đặt cậu hỏi, liệu nó có gây cho các em học sinh thói quen nhờn với những gì được coi là “chính thức” hay không?

    Ví dụ thứ hai được nêu ra là các chữ “bánh trưng”và “bánh giày” có trên phông chữ chính thức của hội liên hoan nghệ thuật ở Lễ hội đền Hùng ngày 14/4/2010.

    Theo bình chú của báo Vnexpress.net thì “Học sinh tiểu học cũng có thể phát hiện ra lỗi chính tả này”. Nhưng xin thưa, đây là chữ ghi trên phông của một hội liên hoan nghệ thuật chính thức do “người lớn” ăn lương để làm.

    Liệu người làm có nghĩ rằng đó là họ đã làm “sai chính tả” tiếng Việt hay không? Và điều quan trọng là có bao nhiêu người trong hàng vạn người đi hội đền Hùng “đọc” được những chữ này và sau đó có xem báo để biết đó là một hiện tượng viết sai chính tả tiếng Việt?

    Ví dụ thứ ba được giáo sư đề cập là “tính nhiều quy định” của những cơ quan Nhà nước khác nhau về một hiện tượng đáng lý ra phải được “thống nhất” ngay từ đầu trong việc soạn thảo văn bản tiếng Việt.

    Do trước đây phải tập trung trí và lực cho nhiệm vụ giải phóng và thống nhất đất nước, mãi đến năm 1983 Nhà nước ta mới có những can thiệp chính thức về vấn đề “chính tả” tiếng Việt. Ngày 1/7/1983, Hội đồng “Chuẩn hoá chính tả” và “Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ” đã ký chung một Quyết định có nội dung về “Những quy định về chính tả tiếng Việt”.

    [​IMG]
    Lỗi chính tả trong một cuộc thi ở Hội Đền Hùng 2010.​

    Một năm sau đó, chúng ta có Quyết định 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ Giáo dục Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt. Đến năm 2002, chúng ta lại có “”Quy định tạm thời về chính tả trong sách giáo khoa mới” và 2003 có thêm “Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa” (Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BGDĐT ngày 13/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

    Ngoài ra, Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam trong Hội nghị toàn thể ngày 3-4/5/2000, sau khi lấy ý kiến của các uỷ viên Hội đồng và được Ban thường trực thông qua, cũng đã ban hành “Quy tắc chính tả và phiên chuyển tiếng nước ngoài” của tiếng Việt của riêng mình.

    Rồi nữa, do tính “nhiều quy định” như vậy, Bộ Nội vụ vào tháng 6 năm 2006 đã phải đưa ra một “Dự thảo” về “Quy định về viết hoa và phiên chuyển tiếng nước ngoài trong văn bản” tiếng Viêt nhằm dùng nó trong địa hạt hành chính. Rõ ràng tình trạng nhiều quy định như vậy đã nói lên rằng chữ Quốc ngữ vẫn còn chưa được thật sự sử dụng thống nhất trong cộng đồng sử dụng tiếng Việt.


    Chuẩn chính tả: Nhu cầu đã cấp bách

    Không còn nghi ngờ gì nữa, sự lộn xộn của chính tả Việt hiện nay là có thực. Nhưng tình trạng ấy có gây tác động tiêu cực cho xã hội hay không? Nếu nó không gây ra tiêu cực cho xã hội thì chúng ta không cần phải thống nhất; còn nếu nó gây ra tiêu cực cho xã hội thì nhất định chúng ta phải sửa, tức là phải thống nhất chính tả tiếng Việt” - Giáo sư Dõi khẳng định.

    Trong một bài báo viết đăng trên Hồn Việt, sau khi than phiền về những “lộn xộn” hiện nay của chính tả tiếng Việt ở trường hợp về cách dùng “chữ i và chữ y”, tác giả Nguyễn Quảng Tuân cho rằng “Nếu quyết định chuẩn hóa chính tả tiếng Việt của Bộ Giáo dục hợp lý thì tất cả mọi người, nhất là báo chí và các hệ thống truyền tin trong cả nước đã áp dụng theo từ lâu rồi. Nhưng đến nay đã mấy chục năm trôi qua mà sự áp dụng ấy chỉ gây ra sự bất nhất trong cách viết chính tả tiếng Việt nên chúng tôi xin đề nghị với Bộ Giáo dục nên xem xét lại quyết định số 240 QĐ để chính tả tiếng Việt được sớm thống nhất” (Báo điện tử Hồn Việt, ngày 18/6/2010).

    Đó là mong muốn của một người dân, một người bình thường sử dụng tiếng Việt hàng ngày. Nhưng tiếc thay, khi đọc lại Quyết định số 240/QĐ ngày 5/3/1984 của Bộ Giáo dục Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt chúng tôi không thấy có quy định gây ra sự lộn xộn này. Ấy vậy mà “sách giáo khoa” của Nxb Giáo dục lại có.

    Vào thời điểm hiện nay, để góp phần tiến tới chuẩn hoá chính tả tiếng Việt khả dĩ cho cộng đồng sử dụng ngôn ngữ chấp nhận, có lẽ chúng ta phải tiếp tục làm sáng tỏ một số khái niệm và những nội dung liên quan đến việc chuẩn chính tả tiếng Việt.

    Chuẩn chính tả tiếng Việt cũng là một yêu cầu cấp bách của việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt, để giữ gìn bản sắc văn hoá Việt trong xu thế hội nhập quốc tế, để chúng ta không bị “hoà lẫn” vào những cộng đồng khác.

    “Trong điều kiện trình độ ngôn ngữ học và kỹ thuật của công nghệ thông tin nước ta đã phát triển, chúng tôi thấy rằng yêu cầu xã hội cấp bách nói trên là có thể đáp ứng được. Vấn đề là chúng ta phải đồng thuận và biết cách tổ chức thực hiện một cách có trách nhiệm và khoa học. Tôi xin nhắc lại rằng chúng ta sẽ thành công khi đồng thuận và biết cách tổ chức thực hiện một cách có trách nhiệm và khoa học”, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Trí Dõi nói.

    (Theo Hiền Mai - Nguồn:vnmedia.vn)​
     
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  17. suotdoirongchoi

    suotdoirongchoi Lớp 8

    Phiền Mod edit lại định dạng mấy bài của @Song Ngư được không, code lộn xộn quá :D
     
    tducchau thích bài này.
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Cung kính không bằng Phụng mệnh!

    :)! Cám ơn suotdoirongchoi! tducchau sẽ hoàn tác lại! Vấn đề là Thời gian mừ thôi!... :p.
     
    suotdoirongchoi thích bài này.
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Câu chuyện bên lề
    Cuốn Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt
    của Nguyễn Hy Vọng

    Hai cuốn tự điển tầm vóc quan trọng có tính cách định chuẩn-định thức, Từ Điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (1) và Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị - Dictionarium Latino-Anamiticum của J. L. Taberd, ra đời năm 1651 và tiếp theo năm 1838, đánh dấu sức phát triển của tiếng Việt qua giai đoạn mới.

    Từ chữ Nôm quốc ngữ trước đây, tiếng Việt phiên âm theo mẫu tự Latin cũng gọi là chữ quốc-ngữ đang đi lần đến giai đoạn trưởng thành. Một thế kỷ sau, chữquốc ngữ’’ được nhìn nhận là quốc gia văn tự chung cả nước, của chung toàn thể cộng đồng dân tộc.

    Từ khởi điểm này, nhiều chuyên gia ngữ học cùng gặp nhau qua các bài luận thuyết hay hội thảo-hội luận về lịch sử và nguồn gốc tiếng Việt. Danh sách từ đó đến nay khá dài, dưới đây vì vậy chỉ điểm qua một số các chuyên gia đã để lại dấu ấn văn học một thời đã qua.

    Khai phóng đầu tiên năm 1858, có lẽ là Logan, quốc tịch Đức, nhà ngữ học đã khẳng định tiếng Việt thuộc ngữ chi Mon-Khmer.

    Đi xa hơn, năm 1907 một nhà ngữ học Đức khác, linh mục Schmidt luận giải rằng ngữ chi Mon-Khmer đúng là gạch nối liền các dân tộc vùng Trung Á (Asie Centrale) với Ấn Độ dương, gọi chung là Austronésie (2).

    Gọi Austro-Asiatic family of languages vì ngữ tộc này bao gồm trên 100 ngôn ngữ khác nhau từ miền trung qua đông bắc Ấn Độ, từ ngữ chi Mon-Khmer rãi rác dài dài các sắc dân ngôn ngữ riêng biệt, cuối cùng đến gần chúng ta hơn, ngữ chi Mường-Cổ Việt (3).

    Cũng từ thế kỷ 20, nhà Huế học cự phách xuất hiện trên vòm trời ngữ học Đông Dương: linh mục Léopold Cadière với những công trình khảo luận về các phương ngữ miền Trung, ảnh hưởng còn mãi ngày nay với nhiều thế hệ ngữ học(4).

    Năm 1912 một luồng gió chướng bỗng tạt qua, bài khảo cứu của Henri Maspéro: La phonétique de la langue Annamite, đăng trên nội san trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ (B.E.F.E.O.) gây bàn tán sôi nổi trong giới ngữ học. Theo Henri Maspéro, liên hệ trực tiếp từ tiếng T’ai (Thái) theo ngữ chi Tày-Nùng, thuộc ngữ tộc Hán-Tạng (Sino-Tibétaine), tiếng Việt họ hàng gần gũi với tiếng Trung Hoa, Tây Tạng, Thái - Lào ...

    Không đồng quan điểm với Maspéro, nhà ngữ học Anh C. Blagden trở lại giả thuyết trên: thuộc ngữ hệ Mon-Khmer, tiếng Việt do ngữ tộc Austro-Asiatic khai nguyên.

    Cùng chung ngọn cờ Austro-Asiatic các kiện tuớng ngữ học lần lượt dấn thân, để lại nhiều kinh nghiệm kiến thức như Jean Przylusky năm 1924, Nobuhiro Matsumoto năm 1928 và từ năm 1943 kế tiếp thêm một số học giả Pháp như Gironcourt, Handricourt, Condominas ...

    Không hẳn chủ trương đồng ý hay không đồng ý với Maspéro, một số nhà ngữ học khác như linh mục Souvignet, trong tác phẩm Les origines de la langue Annamite (1929) vinh danh tiếng Việt là mẹ các ngôn ngữ, lập lại lời tuyên dương trước đó của Nicolas Frey trong tác phẩm L’Annamite, mère des langues” (5).

    Trên diễn đàn ngữ học đang sinh động ấy, trước hết và trên hết các chuyên gia ngữ học lần lược hướng nhìn về hai học giả Việt Nam: Petrus Trương Vĩnh Ký và Paulus Huình Tịnh Của.

    Đặc biệt về Trương Vĩnh Ký, nhà ngữ học Việt Nam đầu tiên đã mở đường cho thế hệ ngữ học tương lai khi tìm về cội nguồn tiếng Việt qua nhiều thiên khảo luận kiến thức phong phú đầy giá trị khoa học:

    - Etude comparée des langues, écritures des peuples de l’Indochine.
    - Etude comparée des langues et écritures des trois branches linguistiques.
    - Combinaisons des systèmes d’écriture idéographique, hiéroglyphiques, phonétiques, alphabétiques (6).

    * *
    *​

    Từ những bước tập tểnh khai phá nguồn gốc tiếng Việt về các phương diện Ngôn Ngữ Học đối chiếu (Linguistique comparée), Ngữ Nguyên Học đối chiếu (Etymologie comparée), Âm Vận Học đối chiếu (Phonétique comparée), thử đi thêm vào lâu đài tiếng Việt, khám phá thực chất ngôn ngữ này như đã được chứng nghiệm qua các từ điển, tự vị kể từ thời đoạn xa xôi.

    Tiếp nối hai từ điển đầu tiên Alexandre de Rhodes và J. L. Taberd (7), như những chặng đường tiếng Việt đã trải qua, số lượng các tự vị xuất bản về sau mới nhìn qua thấy khá nhiều. Dưới đây thử nhắc lại một số tác giả nhân chứng những công trình tự điển học như Legrand de la Liraye 1868, Theurell 1877, Gaspar 1877, Petrus Ký 1884 (8), Paulus Của 1896 (9) và Génibrel năm 1898 (10).

    Qua đầu thế kỷ 20, danh sách còn nối dài thêm một số tác giả khác như Bonet 1900, Georges Cordier 1930, Gustave Hue 1937 ...

    Về tác giả Việt Nam từ thế kỷ 19, tiên phong vẫn là hai nhà từ điển học Trương Vĩnh Ký và Huình Tịnh Của (11).

    Cũng như với Trương Vĩnh Ký, tưởng cần nhấn mạnh thêm về trường hợp Huình Tịnh Của: Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Saigon. 1895 là cuốn tự vị Việt Nam đầu tiên giải thích tiếng Việt bằng tiếng Việt với gần đầy đủ các từ Nam-Trung-Bắc.

    * *
    *​

    Hơn 30 năm sau, năm 1931 Hà Nội phát hành Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (12), tiếp theo nhiều tác giả tự điển khác như Đào Duy Anh, Bửu Cân, Đào Văn Tập, Đào Đăng Vỹ ... cho đến gần cuối thập niên 70, Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ (13).

    Từ lý thuyết trong vòng tranh luận đến thực tế kinh nghiệm là các tự điển-tự vị đã phát hành, bạn đọc đang nhìn thấy hé mở nguồn gốc tiếng Việt: vừa thuộc ngữ chi Mon-Khmer, vừa liên hệ với nhiều ngữ chi khác trong ngữ tộc Austro-Asiatique.

    Nói rõ hơn, như nhiều dân tộc hay nền văn minh-văn hóa khác trên thế giới, tiếng Việt phong phú và đa dạng; và vì phong phú-đa nguyên-đa dạng nên tiếng Việt không còn, không phải là một ngôn ngữ thuần nhất.

    Đây cũng là nhận định của giáo sư Nguyễn Khắc Kham trong lần Hội Nghị Quốc Tế Đông Phương Học lần thứ 26 tại New Delhi, tháng tư năm 1964:

    Nhiều lý thuyết khác nhau về nguồn gốc tiếng Việt được thảo luận, nhưng chưa có lý thuyết nào giải thích được rõ ràng từ căn bản nguồn gốc tiếng Việt.

    Một sự kiện rõ ràng nhất: tiếng Việt không còn là ngôn ngữ thuần túy mà pha trộn với nhiều ngôn ngữ khác cổ xưa hay cận đại, do sự gặp gở, tiếp xúc trong quá trình lịch sử giữa người Việt và các dân tộc khác. Cũng do vậy mà tiếng Việt càng thêm phong phú với từ ngữ mới do các làn sóng di dân đem lại, trong đó phải kể các đợt di dân Anh-đô-nê-xi-a(14).

    Tiếng Việt phong phú, đa nguyên đa dạng như vậy nhưng từ trước đến nay chúng ta chưa có một cuốn tự điển ngữ nguyên (dictionnaire cognatique) thỏa mãn được nhu cầu học hỏi của văn giới và học đường.

    Gần đây sự thiếu sót ấy đã được bù đắp với cuốn tự điển nói được là quy mô: Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt vừa hoàn thành dưới dạng thức CD-Rom trong lúc chờ đợi in thành sách.

    Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, một công trình ngữ học liên tiếp 20 năm trời cố gắng, mở rộng nối dài trên 3000 trang, 2 cột, tổng kết toàn bộ 27000 từ (tiếng). Có thể nói, đầy đủ hết, từ những tiếng ngắn nhất như à, ạ, o, ố, ù, ừ ... đến những tiếng dài nhất như ấp-a-ấp-úng, mơ mơ-màng màng; cả từ Nôm lẫn Hán-Việt, thông dụng hay ít còn thông dụng trong ngôn ngữ ngày nay.

    Ngoài việc giải thích và định nghĩa, mỗi từ đơn hay kép còn được đối chiếu song song tùy theo liên hệ ngữ nghĩa-ngữ chi với các ngôn ngữ khác cùng ngữ tộc Nam Á như Mã Lai, Thái, Khmer, Mon ...

    Như trên bạn đọc vừa biết qua, chúng ta có nhiều bài khảo cứu về tiếng Việt, nhiều thiên khảo luận về ngôn ngữ các sắc tộc trên bán đảo Đông Dương, nhưng chưa có một cuốn tự điển biên soạn đầy đủ nguồn gốc mỗi từ, mỗi tiếng tùy theo ngữ chi liên hệ, như ví dụ ngữ chi Mon-Khmer trong đó có tiếng Việt chúng ta.

    Ví dụ đầu tiên, tiếng Môn (cũng đọc là Mòn) của người Môn, một trong ba sắc tộc chính như Shan (Chan), Mon và Pegu (Peguan) nước Miến Điện thời sơ khai trước khi lập quốc.

    Người Môn, tiếng Môn đã để lại nhiều dấu tích văn tự là những bia đá rải rác khắp nơi từ Miến Điện đến Thái Lan. Từ sắc tộc Môn, qua nhiều đợt di dân sắc tộc này chung đụng với sắc tộc khác khai sinh người Miến Điện, người Thái Lan, người Khmer ...

    Trong tiếng Việt có từ ngữ gọi dạ bảo vâng, ba miền khắp nơi Nam-Trung-Bắc đều nói như vậy.

    Điều ngạc nhiên là qua Từ Điển Nguyễn Hy Vọng chúng ta sẽ khám phátiếng Dạ ấy vừa đồng âm vừa đồng nghĩa trong tiếng Môn. Ngoài ra, tất cả các tiếng Chàm, tiếng Khmer, tiếng Thái, tiếng Mã Lai đều có chữ Dạ. Đúng là một ngạc nhiên kỳ lạ!

    DẠ (-liền, -ran, -rân, - -vâng vâng, gọi-, -thưa, vâng-) # ạ/ vâng/ đồng ý/ thuận/ nghe lời/ bằng lòng/ chịu// coi như toàn thể ĐNÁ đều có tiếng dạ.
    Eng: yes, yes !
    Fr: oui, oui !
    Chàm: ya
    Indonesia: ya
    Khmer: chạ
    Malay: gia/ ya !/ a-gia
    Mon: yah
    Roluông: a-giạ
    Thái: chạ/ ch-chạ, khạ.

    Đồng âm-đồng nghĩa, cũng nhiều khi chúng ta nói, viết hai chữ khuây khỏa. Cũng kỳ lạ là qua Từ Điển Nguyễn Hy Vọng, bạn đọc tìm thấy vừa y-chang, y-bong, vừa y-nguy tĩnh từ này trong tiếng Mường, tiếng Chàm.

    khuây khỏa:
    khuây: quên,
    khỏa: che lấp, khuất đi không thấy.
    Mường: khuày khóa,
    Chàm: huây (khuây).

    Và còn nhiều tương đồng ngôn ngữ khác (correspondance lexicologique), tìm thấy trong Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, những liên hệ ngữ nghĩa tiếng Việt với những ngôn ngữ đã từng xuất hiện trên bán đảo Đông Dương.

    Liên hệ Việt-Chàm như đành rành (đành đành), lá (la), lá dâu (la hyân), lệch đệch (ch’dac - ch’dang), ni tê (ni-tê);

    Liên hệ Việt-Khmer như chân mây (châng mêkh), chân tay (chân đay);

    Liên hệ Việt-Thái như chập chửng (kr-châp kr-chiêng), chè (chè), cheo leo (ch-leo), trong trẻo (trẻo veo);

    Liên hệ Việt-Lào như quạnh quẻ (quanh que), tiếng Việt (xiêng Viet), trăng sáng (chăn sang), vắng vẻ (văng ve);

    Liên hệ Việt-Thượng- các sắc tộc miền Thượng- như con bò (k’po, tiếng Bahnar-Sedang-Rangao), cá (, tiếng Katu-Sedang-Mạ), chó (cho, tiếng Bahnar-Katu-Sedang- Mạ), đò (đò, tiếng Bahnar-Sedang).

    Nguồn gốc đa dạng-đa nguyên; nguồn gốc xa với những địa danh như Mélanésie, Austronésie, Polynésie bạn đọc vừa biết qua.

    Nguồn gốc gần như tiếng Mường.

    Gần gũi nhưng cách biệt! Nói theo ngôn ngữ học chuyên môn, isolement linguistique, vùng ngôn ngữ biệt lập.

    Nhưng rồi, cách biệt mà thân thương anh em họ hàng; thiết tưởng chúng ta càng nên tìm hiểu nhiều hơn.

    Vài ví dụ gần gũi: từ tiếng Mường đến tiếng Việt như - lúa, cấu- gạo, an- ăn, mần- làm, cồ- lớn, - chị, eng- anh, o- cô, kai- gái (con cấy, con gái) ... để bạn đọc nhìn thấy rõ hơn từ xa xưa cổ đại tiếng Việt-tiếng Mường cùng chung gắn bó.

    Mơ chi eng piếng thùng oàng
    Thung tôi nén pạc cho nàng cầm thay (Mường).


    Cơ chi anh biến thành vàng
    Thành đôi nén bạc cho nàng cầm tay (lời Việt).

    So sánh hai câu ca dao, bạn đọc nhìn thấy sự giống nhau hai ngôn ngữ Mường-Việt, nếu không nói thêm rằng tiếng Việt, tiếng Mường thời cổ sử-cổ đại cùng chung một gốc là cái chắc!

    Mường (Muang, M’wan) như người Mường vẫn nói, chỉ một vùng, một miền, một xứ, một làng, xã: Mường P’thanh, Mường Pu, Mường Nang, Mường K’lan có nghĩa là xứ Thanh, xứ Pu, xứ Nang, làng Klam (Lam), nơi có lăng vua Lê Lợi do đó có từ Hán-Việt Lam Sơn phiên âm.

    Mường, có khi là một địa phương nào đó người Mường đã đi qua, hay thường tiếp xúc mua bán: Mường Chợ có nghĩa là Kẻ Chợ, nơi có đồng bào Kinh.

    Đi xa hơn trong thiên nhiên thơ mộng như bản chất thơ mộng của đồng bào Mường, Mường Nước có nghĩa là miền có sông, có nước; Mường Trời, như đồng bào Kinh nói Trên Trời, Bầu Trời (15).

    Như cuộc đời đã qua và đang tới, ngôn ngữ thay đổi qua thời gian và không gian, tiếng Mường cũng như tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Lào. Là tiếng Việt thời cổ xưa, tiếng Mường đúng là trung gian, là gạch nối liền tiếng Việt ngày nay với tiếng Việt ngày xưa mà thực tế địa dư-hình thể (géographie physique) là vùng thượng sơn Thanh-Nghệ-Tĩnh, lạc lõng rơi rớt đến nông thôn Bình-Trị-Thiên.

    Hiểu rộng hơn, nối liền quá khứ với hiện tại tiếng Việt là tiếng Mường.

    Tiếng Việt, tiếng Mường từ thời cổ tích cùng chung cội nguồn ngôn ngữ. Có khác nhau là về sau vì ảnh hưởng Tống Nho lan tràn và ngự trị, tiếng Việt miền Bắc, qua các nhà trí thức Nho học, vay mượn hơi nhiều chữ Hán, tạo thêm từ Hán-Việt càng ngày càng xa thêm cội nguồn Nôm sẳn có của mình.

    Tiếng Mường trái lại, không gần gũi tiếp xúc với người Trung Hoa vì vậy không chịu ảnh hưởng Tống Nho; bản chất Mường nguyên vẹn không thay đổi, không bị nạn Hán hóa như đồng bào Kinh (16).

    Một vài dẫn chứng thường được đem ra làm ví dụ như từ Hán-Việt cái đầu.Thời xa xưa ông bà chúng ta nói cái trốt, lưa thưa còn thông dụng đến ngày nay trong từ ngữ ăn trên ngồi trốc (trước). Ngoài ra tại nhiều nơi, đồng bào nông thôn Bình-Trị-Thiên cho đến năm 1945 (và có lẽ đến ngày nay) còn nói cái trốt thay vì cái đầu.

    Vua, người Mường nói Bua, và người Cổ Việt cũng gọi Bua. Kéo dài đến sau này, thời Alexandre de Rhodes còn ghi Bua (Vua, Rex, Regis) trong từ điển. Rơi rớt đến trước năm 1945, người Huế có từ ngữ việc bua quan, cũng như miền Nam vẫn nói Bua việc, nhà bua việc, phân bua ...

    Đến đây, một nhận xét nổi bật, Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt Nguyễn Hy Vọng đã làm một việc đáng khen là đưa trở về đoàn tụ cùng chung quê hương cội nguồn những từ Cổ Việt ngày nay ít còn thông dụng.

    Thử tưởng tượng hôm nay ngày đầu xuân ngữ học, cùng chung quây quần đại gia đình ngôn ngữ Việt Nam, các ngữ hệ xa nhau lâu ngày vui mừng gặp lại. Tiếng Việt-tiếng Mường như anh em ruột thịt đang ngồi bên nhau. Gần đó, anh em chú bác bà con bên nội tiếng Chiêm (Chàm), tiếng Thượng-Việt (tiếng Việt miền Thượng). Xa xôi dặm thẳm, nói theo tiếng Huế cách sông trở đònhưng cũng cố gắng tay xách nách mang quá giang về họp mặt, bà con bên ngoại là các ngôn ngữ Thái, Khmer, Lào, Mã Lai ... trong ngữ tộc Nam Á (Austro-Asiatique).

    Ngó qua rồi ngó lại, dòm tới dòm lui, cùng gặp nhau trao đổi duyên tình văn học, đầy đủ ngữ chi-ngữ hệ trong ngày đoàn tụ Ngôn Ngữ Việt Nam. Tất cả tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn, cái giàn Việt Ngữ thân yêu, Từ Điển Nguyễn Hy Vọng dụng ý dụng công đưa về đoàn tụ cội nguồn cổ xưa tìm thấy lại (origine retrouvée).

    Từ nguồn gốc đa nguyên đa dạng, qua mấy ngàn trang Từ Điển, tác giả đưa người đọc đi lần đến kết luận và phân biệt rõ tiếng Việt với tiếng Trung Hoa, tiếng Việt gốc và tiếng vay mượn Trung Hoa, tiếng Nôm và từ Hán-Việt.

    Đành rằng chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa lâu ngày, đành rằng có hiện tượng chung đụng ngôn ngữ, tiếng Việt vay mượn tiếng Trung Hoa, nhưng rõ ràng là tiếng Việt không phải do hoàn toàn nguồn gốc Trung Hoa như một vài thành kiến sai lầm, ngộ nhận trước đây.


    Theo Nguyên Hương N.C.,
    Dallas (HK)

    ...
    (còn tiếp)

    ______
    * (Nt:
    1. Do nguồn tài liệu mà tducchau có được thì mấy bảng- biểu nầy "xấu-tệ" --> Bạn nào có bản gốc đẹp, rõ ràng,.. xin vui lòng "post" tiếp giùm! Xin cám ơn!

    2. Tốt nhất, các bạn tìm và đọc trên cuốn Từ điển nguồn gốc tiếng Việt của tác giả Nguyễn Hy Vọng, MD.
    3. Hoặc "hạn hẹp"... thì có thể xem trực tuyến Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/3/15
    teacher.anh and deathshine like this.
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    Qua Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, bạn đọc còn nhìn thấy rõ hơn: gốc Trung Hoa chỉ là một phần nhỏ, chưa đến 15% theo bản thống kê cuối Từ Điển.

    Qua nhiều đợt di dân liên tiếp, vừa Austronésie vừa Mélanésie, tiếng Việt càng lâu càng thêm giàu có chính nhờ ảnh hưởng vay mượn và pha trộn ngôn ngữ. Có thêm trường hợp Trung Hoa, cũng là chuyện tự nhiên!

    Một ngàn năm Bắc thuộc, người Việt Nam không bị đồng hóa.

    1000 năm đô hộ, ngôn ngữ Việt Nam vẫn còn gần như nguyên vẹn, cũng là chuyện dễ hiểu!

    Thử nhìn lại sau cùng, bao nhiêu đợt di dân dài dài, bao nhiêu lần liên tiếp pha trộn ngôn ngữ! Kết quả là chúng ta có những danh từ ít nhiều còn giữ lại dáng dấp âm hưởng Trung Hoa, đồng thời có những từ, những chữ đã được Việt Nam hóa, đã tự nhiên chuyển hóa thành tiếng Việt.

    Trái với quan niệm phần nào dễ dãi của một số các nhà văn học trước nay cho rằng trong những tiếng kép như đẹp đẻ, nôm na, vui vẻ, chữ thứ hai (như đẻ, na, vẻ, xòa) là tiếng đệm, không có nghĩa. Theo Từ Điển Nguyễn Hy Vọng, mỗi chữ đều có nghĩa riêng hay nghĩa tương đồng, phải tìm cho đến nơi đến chốn!

    Với ý hướng truy nguyên tận nguồn gốc theo liên hệ ngữ chi mỗi từ như Mường, Nùng, Thái, Chàm, Khmer ... tác giả đã giải thích toàn bộ ngữ nghĩa mỗi chữ trong suốt mấy ngàn trang cuốn từ điển.

    Phương pháp làm việc khoa học đối chiếu ngữ nghĩa thực tiển này đã đưa trở về nguồn tất cả những từ, những chữ tuy rằng thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày nhưng vì thành kiến tiếng đệm nên bị bỏ quên (17)!

    Sự thể này, tiếp tục kéo dài sẽ là điều thiệt thòi lớn lao cho tiếng Việt, vì rằng nếu không để lại dấu tích văn tự, nếu không ghi chép vào các tự vựng-tự điển, các thế hệ sau này biết mô mà tìm!

    Đừng nói đâu xa, những từ gọi là nôm na từ thời Nguyễn Trãi-Lê Lợi trong tác phẩm Quốc Âm Thi Tập như Song viết, Anh tam, Bao nã, Cơn cớ ... nhà văn này, nhà văn nọ bàn cãi tới tới-lui lui bao nhiêu năm trời vẫn chưa tìm ra nghĩa lý.

    Đồng ý hay không về cách gọi để chỉ danh, chỉ tính như tiếng kép, tiếng láy đôi hay tiếng lấp láy (reduplication) thì thực tế trong ngôn ngữ hàng ngày chúng ta đang có hàng trăm, hàng ngàn những từ đôi như vậy:

    ấm áp, bà ba, bậy bạ, buồn bã, cào cào, châu chấu, chuồn chuồn, đẹp đẻ, êm ái, lang bang, lang thang, lạnh lẽo, lùm tum, lung tung, mất mác, mới mẻ, quạnh quẻ, tồng ngồng, vẹo vọ, vui vẻ, xính xái, yếu ớt ...

    Nhìn xa hơn bên kia chân trời ngôn ngữ học, nếu không biên sọan từ điển theo phương pháp đối chiếu ngôn ngữ, làm sao giải thích hiện tượng này: tiếng Việt vốn đơn âm, nhưng qua giao tiếp chung đụng với cộng đồng ngôn ngữ (communauté linguistique) các sắc tộc anh em, chúng ta thấy xuất hiện hàng ngàn từ kép như ấm áp, lạnh lẽo, buồn bã, vui vẻ, quạnh quẻ, yếu ớt ... nói trên.

    Khởi đầu của ngôn ngữ là lô-gít (18)vì rằng cái logique vốn là đặc tính của ngôn ngữ (La logique constitue une langue).

    Bản chất của ngôn ngữ là sinh động, biến hóa và phát triển tùy theo nhu cầu giao tiếp và tư duy trong đời sống con ngườì.

    Xét về phương diện động, ngôn ngữ tạo sinh và biến hóa, hiện tượng từ đôi-từ kép nói trên như vậy cũng là một hình thức hay phương diện của logique-ngôn ngữ học thông thường và thông dụng.

    Như một nhà từ điển học trước đây đã nhận định là tiếng Việt không nghèo mà tại mình nghèo tiếng Việt hay không chịu tìm hiểu, học hỏi đến tận cùng ngữ nghĩa (19). Đừng nói tiếng Việt không rõ ràng chính xác mà tại mình nói năng lặp bặp không rõ ràng hay viết lách luộm thuộm, lê thê dài dòng, có khi lập dị lập lòe, tự mình không hiểu những điều mình viết còn nói chi người đọc (20) !

    Cũng như văn hóa, không có ngôn ngữ cao hay thấp, đẹp hay không đẹp, mà chỉ có ngôn ngữ (ấy) sống động hay suy tàn. Một ngôn ngữ càng có nhiều người nói, càng thêm phát triển và sinh động, tự nhiên có vị thế trên cộng đồng ngôn ngữ thế giới.

    Tiếng Việt phong phú về âm thanh, về từ ngữ, giản dị về ngữ pháp là một trong những ngôn ngữ tiến bộ và phát triển trên hoàn vũ hiện nay.

    Tự vị hay Từ điển là phương tiện thông tin (information) về chữ viết (văn tự) và tiếng nói (ngôn ngữ) đang thông dụng, nhờ đó mọi người xử dụng ngôn ngữ rõ ràng, dể hiểu nhau hơn, đồng thời qua chữ viết mọi người có thêm hiểu biết và kiến thức mới chữ viết vừa đem lại (trình bày trên sách báo).

    Cũng như con người hay cây cỏ thiên nhiên, ngôn ngữ có đời sống riêng. Thử nhìn xem, ngôn ngữ sinh ra, lớn lên cùng chung hưởng thọ con người (cá nhân hay cộng đồng) ban cho; có khi tàn lụi lần hồi cho đến ... chết luôn; cũng có khi trôi nổi bềnh bồng, lữ thứ tha hương.

    Ngược dòng chữ nghĩa xa hơn, một hai trăm năm trước, nhìn lại chữ quốc ngữ thời Alexandre de Rhodes đến chữ quốc ngữ phổ biến ở nước ngoài. Bạn đọc thấy rằng, ngôn ngữ, một số không nhiều không ít, nếu không bị xoáy mòn tàn lụn, cũng tự nhiên thay đổi ngữ nghĩa hay biến đổi âm thanh.

    Ví dụ gần trong tầm tay bạn đọc là cuốn Sổ sách sang chép các việc”; tác giả Phi-líp-phê Bình, bản viết tay do chính linh mục tác giả thực hiện năm 1822 tại Lisbonne, kinh đô Bồ-Đào-Nha (21).

    Gần gần chút nữa, tìm đọc tờ báo Nam Kỳ Địa Phận, xuất bản năm 1908 tại Sài Gòn, bạn đọc sẽ có nhiều ngạc nhiên hứng thú về tiếng Việt, hôm qua và ngày nay.

    Có những chữ những tiếng tuy rằng không còn đi đông đi tây phổ biến sâu rộng như thời trai trẻ, nhưng vẫn lai rai tuổi thọ khá dài như trường hợp ni, mô, tê, răng, rứa. Có những tiếng, những từ trái lại ra đời chưa được bao lâu đã bị thời gian đào thải.

    Ngày xưa, từ hồi đô hộ Pháp, miền Nam có danh từ Mã-tà, lính mã-tà hay gần hơn danh từ Biện Chà. Cả hai đều có nghĩa là cảnh sát viên có nhiệm vụ trật tự an ninh phố phường (22). Lính mã-tà người Mã Lai; biện-chà gốc Ấn Độ-Chà Và: một hình ảnh xã hội quá quen thuộc với dân Sài Gòn trước thập niên 50.

    Sau 1950, hoàn cảnh chính trị đổi thay, danh từ mã-tà, biện-chà hoàn toàn biến mất trong ngôn ngữ địa phương; thay thế là danh từ cảnh sát, công an, đùa cợt hay châm biếm, ngôn ngữ miền Nam có thêm danh từ cớm!

    Cũng lại trước năm 1945, Hà Nội thanh lịch nói ‘bánh Tây’ (bánh mì), cái cùi-dìa (cuillère, cái muổng), cái hòm (cái rương), xe hòm (xe hơi). Di cư vào Nam năm 1954, bánh Tây, cùi-dìa (cái thìa), cái hòm ... một mình đơn độc không giống ai, lần hồi rơi rụng, biến mất.

    Đồng bào miền Bắc, cả những nhà văn nhà báo 1000 năm văn hóa đất Thăng Long để khỏi thấy mình lạc lỏng xa lạ trước đám đông, cũng lần nói quen miệng như bà con Sài Gòn: ra chợ Bến Thành, mua cái rương đựng quần áo, xong đến đường Lê Lợi mua bánh mì, có chút tiền rũng rĩnh (dzũng dzĩnh) mua chai rượu chát (rượu vang) đãi (thết) hai thằng bạn học vừa thi đậu (thi đỗ) ...

    Cũng là hiện tượng tự nhiên thông thường, ngôn ngữ cùng di cư với con người! Cuộc di cư tỵ nạn ... hơn một triệu đồng bào miền Bắc vào Nam với ít nhiều ảnh hưởng ngôn ngữ như vừa nói qua ở trên là một ví dụ như trăm, ngàn ví dụ khác.

    Hoàn cảnh ngôn ngữ di cư trong lịch sử cận đại Việt Nam diễn biến song song với cuộc Nam Tiến kể từ Chúa Nguyễn Hoàng, hai miền riêng biệt Đàng Trong-Đàng Ngoài. Quan trọng như cuộc vận động lịch sử lớn lao ảnh hưởng đến đời sống văn hóa và nhất là ngôn ngữ Việt Nam. Ngôn ngữ mang theo, tiếng Việt- Nam Tiến qua tiếp xúc liên lạc với ngôn ngữ địa phương hay tiếp nhận từ nước ngoài, tiếng Việt ấy từ đó giàu có thêm với từ ngữ mới, âm thanh âm vực mới để rồi biến đổi trẻ trung hơn và tiến bộ hơn là tiếng Việt đang phổ biến ngày nay.

    Với cuốn từ điển trên, tác giả vừa đặt xong căn bản cho cuộc tìm hiểu cội nguồn tiếng Việt, rồi đây như tác giả mong mỏi, sẽ có thêm, có nhiều học giả biên khảo từng ngôn ngữ một các ngữ hệ anh em; mỗi người một bộ môn, chuyên khoa chuyên ngành, cùng đi sâu thêm vào nội dung vấn đề. Tương lai tiếng Việt, tương lai ngành ngữ học như vậy sẽ càng tươi sáng hơn.

    Người xưa có nói: thà thắp lên một ngọn đèn, dù nho nhỏ, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối. Trong đêm trường tịch mịch ngôi nhà ngữ học vắng vẻ ở hải ngoại, tác giả vừa thắp lên một ngọn đèn chiếu tỏa hy vọng, như ánh sáng mở đường cho nhiều bạn đồng hành khác, hiện tại và tương lai.

    Một cuốn sách vừa in xong, thông thường dù cẩn thận cố gắng đến đâu, vẫn không thể nào tránh khỏi sơ xuất khiếm khuyết. Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt cũng vậy. Nhưng đây chỉ là những lỗi lầm nhỏ nhặt dễ dàng lướt qua (négligeable) so với một tác phẩm đồ sộ, một công trình nghiên cứu ngữ học lớn như cuốn Từ Điển này.

    Theo Nguyên Hương N.C.,
    Dallas (HK)
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/3/15
    deathshine thích bài này.
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này