Hiện thực Lịch sử Lược Sử Báo Chí Việt Nam - Nguyễn Việt Chước <1000QSV1TVB #0404>

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi Thu VO, 29/9/18.

Moderators: Bọ Cạp
  1. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    0404.Lược Sử Báo Chí Việt Nam.PNG
    Tên sách : LƯỢC SỬ BÁO CHÍ VIỆT NAM
    Tác giả : NGUYỄN VIỆT CHƯỚC
    Nhà xuất bản : NAM-SƠN
    Năm xuất bản : IN LẦN THỨ NHỨT 1974
    ------------------------
    Nguồn sách : tusachtiengviet.com

    Đánh máy : ElvisRey, Nhi Nguyễn, Daibig,
    Nhok_kira, tu051290, nonliving, meyeusoi,
    phaithatmanhme19, Đình Giao, tranhoaibaotn,
    ptt1106, blacktulip161

    Kiểm tra chính tả : Trần Trung Hiếu,
    Vũ Minh Anh, Thư Võ

    Biên tập ebook : Thư Võ
    Ngày hoàn thành : 25/09/2018

    Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận
    « Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link »
    của diễn đàn TVE-4U.ORG

    Cảm ơn tác giả NGUYỄN VIỆT CHƯỚC và nhà xuất bản NAM-SƠN
    đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.

    MỤC LỤC

    CHƯƠNG I : PHÂN CHIA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ BÁO CHÍ VIỆT NAM
    1. TỔNG QUÁT
    2. PHẢI CHỌN NHỮNG TIÊU CHUẨN NÀO ĐỂ PHÂN CHIA CÁC GIAI ĐOẠN

    a) Tiêu chuẩn hoạt động của báo chí
    b) Tiêu chuẩn ý thức chính trị
    c) Tiêu chuẩn các biến cố thời sự (chính trị, xã hội, văn hóa và phát triển báo chí)
    d) Tiêu chuẩn lịch sử
    e) Tiêu chuẩn văn hóa và kỹ thuật
    f) Tiêu chuẩn độc giả
    g) Tiêu chuẩn thế hệ
    3. NHẬN XÉT
    4. KẾT LUẬN

    CHƯƠNG 2 : NHỮNG GÌ ĐÃ XẢY RA TRONG TIẾN TRÌNH 100 NĂM CỦA BÁO CHÍ VIỆT NAM
    1. TỔNG QUÁT
    a) Cảnh lệ thuộc của báo chí
    b) Những tờ báo mới xuất hiện

    - Gia Định Báo (1865-1897)
    - Đông Dương Tạp Chí (1913-1916)
    - Nam Phong Tạp Chí (1917-1934)
    - Các tờ báo khác (xuất bản trong thời gian từ 1865 tới 1917)
    2. THỜI KỲ BÁO CHÍ ĐI VÀO Ý THỨC QUỐC GIA (1918-1929)
    - Báo Đông Tây (1929 tới 1932)
    - Phụ nữ Tân Văn (1929-1934)
    3. MỘT MÙA TRĂM HOA ĐUA NỞ (1930-1945)
    - Phong Hóa và Ngày Nay (1932-1940)
    4. BÁO CHÍ KHÁNG CHIẾN (1945-1954) VÀ THỜI KỲ THƯƠNG MẠI HÓA CỦA BÁO CHÍ (1945-1965)
    5. BÁO CHÍ THỜI KỲ HẬU GENÈVE (1954-1963)
    6. BÁO CHÍ THỜI KỲ HẬU CÁCH MẠNG

    CHƯƠNG 3 : ẢNH HƯỞNG LUẬT PHÁP ĐỐI VỚI CÁC SINH HOẠT BÁO CHÍ VIỆT NAM
    1. TỔNG QUÁT
    2. LUẬT PHÁP ĐỐI VỚI BÁO CHÍ THỜI KỲ PHÁP THUỘC ĐẾN 1-7-1949
    3. LUẬT PHÁP ĐỐI VỚI BÁO CHÍ TỪ 1-7-1949 ĐẾN NGÀY CÁO CHUNG ĐỆ I CỘNG HÒA 1-11-1963
    4. LUẬT PHÁP HIỆN ĐẠI ĐỐI VỚI BÁO CHÍ TỪ 1-11-1963 ĐẾN NAY
    5. NHỮNG NÉT CHÍNH CỦA SẮC LUẬT 007

    a) Tóm lược sắc luật
    b) Đặc điểm của Sắc luật
    c) Ảnh hưởng của Sắc luật 007/TT/SLU

    CHƯƠNG 4 : NHỮNG KHUÔN MẶT LỚN CỦA LÀNG BÁO
    TỔNG QUÁT
    TRƯƠNG VĨNH KÝ
    HUỲNH TỊNH CỦA
    NGUYỄN VĂN VĨNH
    PHAN KẾ BÍNH
    PHẠM QUỲNH
    NGUYỄN BÁ HỌC
    PHAN KHÔI
    NGUYỄN TRỌNG THUẬT
    NGUYỄN VĂN TỐ
    NGUYỄN AN NINH
    BÙI QUANG CHIÊU
    HOÀNG TÍCH CHU
    SƯƠNG NGUYỆT ANH
    ĐÀO TRINH NHẤT
    NHẤT LINH (1906-1963)
    KHÁI HƯNG (1896-1947)
    NGUYỄN TUÂN
    THẾ LỮ
    HỒ BIỂU CHÁNH (1885-1958)
    PHI VÂN
    TẢN ĐÀ (1888-1939)
    NAM CAO (1914-1951)
    BÌNH NGUYÊN LỘC
    MỘNG SƠN
    THU VÂN

    CHƯƠNG 5 : BÁO CHÍ HÔM NAY
    CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO
    PHỤ BẢN SƠ ĐỒ : CÁC GIAI ĐOẠN TRONG TIẾN TRÌNH BÁO CHÍ V.N.
     
  2. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

  3. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    CHƯƠNG 5 : BÁO CHÍ HÔM NAY

    Con đường hoạt động của báo chí Việt Nam, nếu kể đúng 100 năm, sẽ kéo dài từ 1865 tới 1965 là thời gian mà nền báo chí xứ ta đã trải qua đủ mọi biến cố thăng trầm để thoát cảnh phôi thai mà trở thành già dặn. Trong khoảng thời gian đó, những người cầm bút, chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, đã đóng góp không biết bao nhiêu công lao để nền báo chí có được chỗ đứng vững mạnh ngày nay. Họ đã sống với lý tưởng, đã tranh đấu, đã hy sinh, và có những người đã hy sinh cả mạng sống của mình cho báo chí. Cuộc tranh đấu của họ lúc bộc phát, lúc âm ỷ, nhưng liên tục và kiên trì.

    Nhìn lại đoạn đường mà nền báo chí Việt Nam đã trải qua, những kẻ hậu sinh đang sống với nghề cầm bút không thể không thán phục những người đi trước, những đàn anh đã mở con đường bằng phẳng cho đàn em nối gót theo sau. Nhìn về quá khứ, những ai trong hàng ngũ báo chí hôm nay phải lấy làm hãnh diện rằng làng báo Việt Nam đã có những vị tiền bối can trường xả thân dùng cây bút làm lợi khí cho cuộc đấu tranh dành độc lập cho xứ sở, xây dựng một nền văn hóa mới cho dân tộc, và kiến tạo một xã hội mới cho các thế hệ sau. Chúng ta hãy kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng ngưỡng mộ những chiến sĩ đã đấu tranh trên mặt trận chính trị, mặt trận văn hóa cũng như mặt trận xã hội.

    Sang thời hiện đại, những người cầm bút hôm nay có xứng đáng với những ước mơ của người quá cố hay không, và nền báo chí Việt Nam ngày nay có được những lý tưởng cao đẹp như trong thời gian 100 năm quá khứ thăng trầm của nó hay không.

    Xin hãy nhìn vào thực trạng của báo chí để trả lời. Thực trạng đó, thay vì giới hạn vào năm 1965 cho tới ngày nay, cần phải được lui lại năm 1963 là năm có biến cố lịch sử trọng đại là Cuộc Cách Mạng tháng 11. Cũng như trong quá khứ, các biến cố lịch sử thường được dùng làm mốc thời gian đánh dấu những biến chuyển lớn trong làng báo, Cuộc Cách Mạng tháng 11-1963 là một tấm bảng lớn đánh dấu sự chuyển tiếp của báo chí từ một thế hệ bị kềm kẹp dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa sang thế hệ buông thả của những chế độ hậu Cách Mạng. Thực trạng của báo chí, kể từ ngày đó cho đến nay chứa đựng đầy rẫy những tính chất bi hài nổi bật, những mầu sắc đặc biệt mà ít có nền báo chí nước nào có được.

    Khi nhận định các sắc thái của nền báo chí Việt Nam hiện đại, các nhà khảo sát đã đưa ra nhiều kết quả khác nhau, người thì quá khắt khe lên án báo xứ ta đi vào cơn thác loạn sau những ngày sôi động của lịch sử, người khác lại quá dễ dãi kết luận rằng khu rừng báo chí sau ngày Cách Mạng năm 63 là một dấu hiệu đầy khích lệ của một nền báo chí phát triển vượt bực. Có lẽ cả hai lời nhận xét trên đây đều có hơi mang mầu sắc chủ quan, muốn tô mầu cho các sinh hoạt báo chí theo ý riêng của mình. Chúng ta hãy thử nhận định các sinh hoạt báo chí Việt Nam theo một lăng kính khách quan, qua nhiều phương diện.

    Đầu tiên là phương diện LỊCH SỬ. Trong quá khứ, vào thời kỳ khởi thủy, báo chí xứ ta đã đóng một vai trò lịch sử tích cực, và sự hiện diện của báo chí trong khung cảnh lịch sử của quốc gia thật là cần thiết, hầu như không thể thiếu. Ngày đó, để chống lại chế độ thuộc địa, báo chí Việt Nam đã nhất loạt đứng thành một hàng ngũ kiên cố để cùng nhau tạo thành một lực lượng đáng kể làm cho nhà cầm quyền thuộc địa phải e ngại. Đây cũng là tình trạng của báo chí Việt Nam vào thời gian trước và sau Cách Mạng 1963.

    Thật vậy, ngay từ khi các phong trào quần chúng chưa được ồ ạt tung ra, và nhà cầm quyền tiền Cách Mạng chưa kịp diễn những ngón đòn ác liệt để phản ứng thì báo chí đã « ngửi » thấy bước chân của lịch sử. Cho đến khi các lực lượng quần chúng nhất tề đứng dậy, thì báo chí đã sẵn sàng tiếp ứng không hề chậm trễ. Trong cuộc Cách Mạng 1963, sự đóng góp của báo chí phải được kể là ngang hàng với sự đóng góp của mọi lực lượng khác đã có công triệt hạ chế độ đương thời.

    Nhưng vai trò lịch sử của báo chí không phải chỉ chấm dứt sau ngày Cách Mạng đã thành tựu. Trong giai đoạn sau Cách Mạng, báo chí Việt Nam vẫn nuôi dưỡng ý chí đấu tranh, kiên trì hoàn thành sứ mạng và kiên nhẫn chờ đợi những biến chuyển mới để khi cần có thể xuất đầu lộ diện ngay và nhập cuộc. Những ai chỉ trích sự xô bồ của báo chí trong thời gian này cũng có vẻ quá khe khắt, vì sau bao nhiêu năm bị gò bó, bây giờ gặp một bầu không khí tốt để nảy nở, nó có trở thành ồ ạt cũng là lẽ đương nhiên. Xin hãy nhìn vào nền báo chí Hoa Kỳ sau cuộc Cách Mạng 1774 để tìm thấy một điểm tương đồng. Sau khi cuộc chiến tranh giành độc lập của người Mỹ đã thành tựu, báo chí Mỹ cũng xô bồ như vậy nhưng chính trong sự xô bồ này có sự lớn mạnh phi thường.

    Sau phương diện lịch sử phải kể tới phương diện KINH TẾXÃ HỘI. Sau ngày Cách Mạng thành công, báo chí đã trở thành một « chất xúc tác » giúp cho mọi ngành hoạt động kinh tế phát triển khả quan, vượt hẳn thời gian trước. Báo Chí đi vào giai đoạn thương mại hóa triệt để và biến thành một môi trường thuận lợi cho công cuộc doanh thương. Về phương diện này, chúng ta phải nhìn vào con số nhật báo xuất hiện, cùng với khối lượng quảng cáo khổng lồ mới thấy được tầm vóc của báo chí đối với đà phát triển kinh tế. Trong thời kỳ tiền Cách Mạng 1963, về mức độ quảng cáo thì không một tờ báo nào chiếm nổi 1 phần 3 diện tích 8 trang giấy, và phải chờ tới thời kỳ sau Cách Mạng, dịch vụ quảng cáo thương mại mới « thừa thắng xông lên » đạt tới địa vị thiết yếu của nó trong khung cảnh thịnh vượng chung của mọi ngành hoạt động.

    Khía cạnh xã hội của nền báo chí Việt Nam cũng đã được biểu lộ một cách trung thực trong thời kỳ hậu Cách Mạng. Báo chí hiện đại, như một tấm gương soi, đã phản chiếu rất chính xác nếp sinh hoạt, khuôn mẫu, tình cảm và chiều hướng của dân chúng trên mọi ngả đường mà vẫn không quên pha lẫn vào đó những truyền thống cố hữu của dân tộc. Trước đây, báo chí ít phản ánh những nếp sinh hoạt trung thực của quần chúng nhưng sau Cách Mạng 1963, mọi nếp sống của đủ các giai tầng xã hội đã được phơi bầy trên mặt báo, qua sự diễn tả của những người cầm bút chung sống với họ, và bằng những thiên phóng sự linh động và chân thực. Chỉ tiếc một điều mà báo chí trong quá khứ cũng đã từng mắc phải, đó là một thiểu số ký giả thiếu lương tâm đã cố ý phơi bầy những lối sống thác loạn ngoại lai để đầu độc giới trẻ mới bước chân vào đời, chưa kịp có một nhận định chín chắn để tránh né. Thiểu số này không phải là những người cầm bút có lý tưởng xây dựng xã hội như lớp đàn anh trong thời gian trước.

    Việc phổ biến lối sống thác loạn của những lớp người hưởng thụ trong xã hội cũng đã khiến cho báo chí bị chỉ trích nặng nề về phương diện VĂN HÓA. Người cầm bút trong thế hệ trước đã dùng báo chí để phát huy văn hóa theo chiều hướng truyền thống dân tộc, nhưng từ ngày Cách Mạng thành công cho đến nay, hầu hết báo chí trở thành một môi trường thuận lợi biến nền văn hóa cổ của chúng ta thành lai căng, xa lạ. Hầu hết những tờ nhật báo xuất hiện và tồn tại sau ngày 1-1-63 đã tự biến thành những khu đất tốt trên đó mọc đủ những thứ cỏ dại mà chủ vườn không hề mong mỏi nhưng đành phải chấp nhận. Văn chương báo chí trong những năm gần đây, nhất là những năm tiếp giáp biến cố lịch sử 1963, đã để lộ tính chất sa đọa của nó.

    Muốn giải thích được hiện tượng này, cần phải nhìn vào con số đông đảo các nhật báo ồ ạt xuất hiện sau ngày Cách Mạng. Làng báo lúc đó như một tập thể đặt nặng tính chất lượng nhưng nhẹ tính chất phẩm. Với một số đông góp mặt trong làng như vậy, định luật đào thải được áp dụng triệt để và tàn bạo hơn bao giờ hết. Để sinh tồn, các báo phải đua nhau khai thác đủ mọi khía cạnh mong tạo được tính chất giật gân và câu độc giả. Từ tình trạng đó, văn chương không còn là một phương tiện văn hóa mà trở thành phương tiện thương mại giúp các nhật báo tìm ra sinh lộ giữa một cuộc chạy đua ác liệt và dài hạn.

    Riêng về phương diện này, mọi nhà khảo sát báo chí đều đồng quan điểm rằng báo chí đã không giữ nổi vai trò của mình trong đời sống văn hóa dân tộc một cách hoàn hảo. Bỏ rời môi trường phát huy văn hóa, báo chí tự hạ mình xuống thành một món hàng buôn mà người bán phải cố chiều theo ý khách để còn sống được mà tiếp tục cuộc hành trình. Trong những năm của thập niên 40, báo chí cũng đã từng đi vào con đường thương mại hóa nhưng chưa hề nhập cuộc một cách hết mình như vậy. Thời đó, nền báo chí Việt cũng đã đặt nặng vấn đề kinh doanh để tồn tại và gần như xóa bỏ cả quãng đời đấu tranh oanh liệt trước kia. Sau Cách Mạng 1963, cái chu kỳ thương mại hóa lại tiếp diễn, ác liệt hơn, trọn vẹn hơn và làm nản lòng những người cầm bút trong hàng ngũ ký giả có lý tưởng.

    Nhưng nếu đặt khía cạnh văn hóa của báo chí vào trong khung cảnh xã hội chung của dân tộc, chúng ta không thể quá khắt khe để kết tội rằng văn chương sa đọa trên báo chí sau ngày Cách Mạng 1963 là một sản phẩm do báo chí đơn phương tạo nên. Phải nhận rằng nó là một sản phẩm chung do rất nhiều yếu tố góp phần cấu tạo, trong đó bối cảnh xã hội là tác giả chính. Xã hội chúng ta, trong những năm tháng tiếp giáp cuộc Cách Mạng 1963, là một sân khấu vĩ đại với đủ các diễn viên và đủ các màn thác loạn tiếp diễn một cách khá ngoạn mục. Các diễn viên cũng có thể là những kẻ đã từng xuất hiện trước đây, nhưng sau 1963, họ tái xuất giang hồ với những hia mão mới và bối cảnh mới. Báo chí trong những ngày này chỉ làm công việc mà nền báo chí bất cứ quốc gia nào cũng phải làm, đó là phản ánh một cách hoàn toàn trung thực những hoạt cảnh xã hội đang diễn ra trên thực tế. Nó không hề bóp méo sự thực, không hề gạn lọc chi tiết, và cũng không hề tô mầu thêm cho những bức phông đã có sẵn mầu.

    Một nhà báo quốc tế khi nhận định về nền báo chí Việt Nam sau thời Cách Mạng 1963 đã viết rằng « báo chí Việt Nam tương đối ít có ảnh hưởng, chỉ thiên về mục đích ủng hộ phe nhóm và thường tạo tính chất giật gân ». Điều này quả thật có đúng trên thực tế. Sau Cách Mạng 1963, báo chí Việt Nam gần như trở thành khí cụ tranh đấu hay cơ quan ngôn luận của những lực lượng chính trị, tôn giáo, hay quần chúng. Hiện trạng báo chí ngày nay cho chúng ta thấy rõ điều đó. Trong số những nhật báo còn góp mặt trên thị trường, có lẽ không có tờ báo nào mà không có một lực lượng chính trị làm hậu thuẫn ở sau lưng. Tất cả báo chí Việt Nam sau Cách Mạng 1963 đều đã trở thành phương tiện phục vụ cho những quyền lợi riêng biệt. Cũng vì vậy mà ảnh hưởng của báo chí trong thời hiện đại đã giảm sút rất nhiều, chỉ vì các quyền lợi không thể dung hòa với nhau, và báo chí không còn là một phương tiện chung của toàn dân, tranh đấu cho một lý tưởng chung của toàn đất nước, và hướng về một mục tiêu chung của mọi người cầm bút.

    Muốn có một cái nhìn vừa tổng quát, vừa chính xác về nền báo chí hiện tại, chúng ta cần khảo sát tất cả những nhật báo hiện đang phục vụ dư luận tại Việt Nam. Những nhật báo này dù không phản ảnh hết những đặc tính của nền báo chí hậu Cách Mạng nhưng cũng cho thấy những khía cạnh đặc biệt kết tinh từ một thời « báo chí trăm hoa đua nở » sau ngày toàn dân hoàn thành Cách Mạng.

    Nói về tầm ảnh hưởng của báo chí hiện đại, chúng ta cần phải có một nhận định toán học hóa, nghĩa là dựa vào các con số thống kê hoặc ước lượng tương đối chính xác để tìm ra chỉ số ảnh hưởng. Vào một thời gian sau cuộc Cách Mạng 1963, làng báo Việt Nam có tất cả khoảng 35 tờ nhật báo đủ mọi khuynh hướng phục vụ dư luận với số độc giả ước lượng 700.000 rải rác trên toàn quốc nhưng đa số quy tụ vào đô thành và các thị trấn. Với con số độc giả đó, tính trung bình mỗi tờ nhật báo phục vụ cho dư luận của khoảng 20.000 người.

    Thời kỳ trên đây được coi là mức hoạt động lý tưởng của làng nhật báo. Đối với một quốc gia với 17 triệu dân như Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 700 ngàn người đọc nhật báo là một điều lạc hậu và bất cứ một nhà khảo sát báo chí ngoại quốc nào cũng phải lấy làm ngạc nhiên. Nhưng tại xứ này, báo chí vẫn còn phải chịu đựng tình trạng chậm tiến chung, và nếu lúc nào cũng có 700 ngàn độc giả như thời kỳ 1964-1965 cũng đã là một tình trạng khả quan. Số dân còn lại của 17 triệu người, nếu không đọc nhật báo, có thể theo dõi các chương trình truyền thanh, truyền hình, hoặc là các độc giả của các tạp chí định kỳ.

    Nhưng rồi những biến chuyển về chính trị, kinh tế và xã hội trong những năm tiếp theo sau 1965 đã đưa mức ảnh hưởng của báo chí hạ thấp xuống. Trước hết là số độc giả giảm sút, một phần vì người dân đã cảm thấy chán theo dõi những biến cố xảy ra đều đều, và một phần vì tình hình khó khăn về kinh tế. Vào những năm cuối của thập niên 60, con số độc giả khắp trên toàn quốc ước lượng chỉ còn lại phân nửa. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh trong làng báo cũng đã trở nên ác liệt, và một số lớn nhật báo đã bị luật đào thải chi phối. Từ 35 báo năm 1965, làng báo rút xuống khoảng 20 tờ vào năm 1969. Một đằng vì độc giả giảm sút, một đằng vì báo giảm sút, chỉ số ảnh hưởng giữa tỉ lệ báo và độc giả đã khác đi nhiều, để rồi tới khoảng năm 1972, nền báo chí Việt Nam đi vào một tình trạng cực kỳ khó khăn, khi 16 tờ nhật báo tranh nhau khoảng 200 ngàn độc giả.

    Ngoài khía cạnh ảnh hưởng, nền báo chí hiện đại tại Việt Nam được nhận xét là mang quá nhiều tính chất giật gân mà ít chú trọng vào phẩm chất tin tức. Nhìn vào bất cứ tờ báo nào ngày hôm nay chúng ta cũng nhận ra điểm giật gân đó. Những tin tức trên mặt báo thường đều do cùng một xuất xứ, nhưng tựa đề là sản phẩm riêng của mỗi tờ báo. Tính chất giật gân nằm trong việc đặt tít tùy óc sáng tạo của người viết. Trong tất cả các trường hợp, tựa đề của bài tin là một sự thổi phồng quá lớntrong khi chính bài tin chẳng chứa đựng được bao nhiêu. Đây là một tình trạng mà có lẽ chỉ riêng báo chí Việt Nam mới có, bắt nguồn tự cuộc tranh sống gay cấn hàng ngày. Tin tức giống nhau, các báo chỉ còn cách chiếm độc giả bằng những hàng tít giật gân trải đầy trên trang báo.

    Đó là những đặc điểm chính giúp chúng ta nhận diện nền báo chí Việt Nam hôm nay. Sau 100 năm được tôi luyện trong hoàn cảnh lịch sử của đất nước, báo chí Việt Nam đã hoàn toàn trưởng thành và đủ sức đảm nhiệm vai trò đối với dân tộc và thế giới. Những thăng trầm liên tiếp trong thời gian 100 năm qua đã giúp báo chí Việt Nam mau lớn mạnh, dù nó phát sinh sau nền báo chí của nhiều quốc gia khác. Nhìn vào lịch sử báo chí thế giới, chúng ta thấy vào năm 1865, khi tờ báo Việt Nam đầu tiên xuất hiện, thì báo chí Pháp đã sống được 200 năm, báo chí Anh đã ở vào thời hưng thịnh, và báo chí Mỹ đã trải qua gần 100 năm hoạt động. Tới ngày nay, nếu đừng nói tới những thiếu thốn về kỹ thuật thì chúng ta phải nhận định rằng báo chí Việt Nam đã thành công, đã thực hiện được nhiệm vụ của mình trong những thời kỳ khó khăn gay cấn nhất. Những người làm báo chân chính tại Việt Nam cũng có thể nghĩ như vậy để tìm thấy niềm hãnh diện.
     
    tieungao, Heoconmtv and deathshine like this.
Moderators: Bọ Cạp
: 1000qsv1tvb

Chia sẻ trang này