Trà phiếm Mật ngữ Thủy Hử

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Caruri Tlkd, 7/4/19.

Moderators: amylee
  1. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Dạo qua FB thấy có loạt bài có tên trên của tác giả có nick Nhu To, xin dẫn lại ở đây cho bà con cùng đọc và chém gió, bình luận xem kiến giải của tác giả có hợp lý không. Theo tác giả thì loạt bài có 6-7 phần, hiện giờ đã đăng được 4 phần.

    Nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    AI GIẾT TIỀU CÁI

    Kỳ 1

    Thủy hử viết khá rõ ràng về cái chết của Tiều Cái, đi đánh Tăng đầu thị, gặp phục binh nên thua chạy. Trên đường đào tẩu thì trúng phải độc tiễn của Sử Văn Cung. Về đến trại thì ốm liệt giường liệt chiếu rồi thăng nóc tủ. Bàn về cái chết của Tiều Cái, ai nấy đều cho rằng Tống Giang kiến tử bất cứu, chỉ chăm cầu cúng, giải hạn, cúng sao, cúng vong chứ không đưa đi cấp cứu: “Tống Giang ngồi luôn trước giường Tiều Cái mà khóc than rất là thảm thiết, các vị Đầu lĩnh cũng đều ở đó mà hầu hạ trông nom.” (Thủy hử hồi 59)

    Rốt lại Tống Giang chỉ thuận thủy thôi chu, tiện tay dắt dê hay có sự tình ẩn giấu đằng sau? Thủy hử đã để lại 1 số manh mối để chúng ta dọ dẫm, rằng chính Tống Giang mới là kẻ chủ mưu và người bắn lén Tiều Cái không phải Sử Văn Cung.

    [​IMG]

    1. Ai chủ mưu giết Tiều Cái?

    Trước tiên hãy nói về đệ nhất trại chủ Lương Sơn, đó là Bạch Y tú sỹ Vương Luân. Cái chết của Vương Luân do Lâm Xung ra tay dưới sự thúc đẩy của Tiều Cái. Hồi 18, khi bảy anh em tới xin nhập bọn, sau tiệc tiếp phong, Ngô Dụng bàn với Tiều Cái: “Nếu quả hắn có bụng lưu chúng ta ở đây, thì bấy giờ đã định vị thứ rồi mới phải. Việc ấy dẫu đến Đỗ Thiên, Tống Vạn cũng xin tùy theo đáp ứng chứ không hiểu được thâm ý của Vương Luân, duy có một anh chàng Lâm Xung là ngày trước đã làm qua Giáo Đầu ở kinh sư cũng đã hơi hiểu việc, nay bất đắc dĩ phải ngồi vào bậc ghế thứ tư, thì trong lòng vẫn hậm hực bất bình, xem như cách nói chuyện với bác buổi sáng thì đủ biết. Tôi xem anh ta thực là có ý trở mặt với Vương Luân; để tôi thuyết cho mấy câu, khắc là họ tính ngay lập tức.”
    Tới khi Lâm Xung tóm lấy Vương Luân chực đâm thì “Đoạn rồi Nguyễn Tiểu Nhị ngăn giữ Đỗ Thiên, Nguyễn Tiểu Ngũ ngăn giữ Tống Vạn, Nguyễn Tiểu Thất ngăn giữ Chu Quý, làm cho bọn lâu la ở dưới đều ngây người đờ mắt mà sợ hãi kinh hồn.”

    Có thể nói Lâm Xung là cánh tay, nhưng Tiều Cái mới là trí não. Rốt lại Tiều Cái trở thành đệ nhị trại chủ. Rồi cũng là nhân quả báo ứng, cái chết của đệ nhị trại chủ Tiều Cái há dễ lại do người ngoài thực hiện. Hẳn nhiên là do đệ tam trại chủ Tống Giang bày mưu và một vị anh em dưới trướng Tiều Cái đã hạ sát thủ.

    Tại sao Tống Giang phải giết Tiều Cái? Xin thưa bởi họ có mâu thuẫn không thể hóa giải. Tiều Cái là trại chủ, chủ trương lên núi làm cướp, dưới tay là một đám đại đầu lĩnh rách giời rơi xuống như Lưu Đường, Nguyễn thị tam kiệt, và một tay kiệt hiệt Lâm Xung nặng lòng thù oán với triều đình. Ngược lại, Tống Giang ngồi ghế thứ 2, vốn là viên tiểu lại, Tống Giang không có lòng phản nghịch, phe cánh của chàng cũng một dạng đại loại như Hô Diên Chước, Hoa Vinh, Từ Ninh,... đại để là cựu quan viên triều đình, vốn bị ép tới việc phải bỏ lên núi, nên có tư tưởng mong được chiêu an. Tiều Cái còn thì giấc mộng chiêu an của Tống Giang khó lòng thực hiện được. Mâu thuẫn của Tiều-Tống có thể kể ra cụ thể ở mấy sự tình sau:

    a. Hồi 41, Sau sự kiện cướp pháp tràng ở Dương Châu, Tống Giang lên Lương Sơn rồi muốn về đón cả nhà lên núi, Tiều Cái không đồng ý. Chúng ta không rõ vì lẽ gì Tiều Cái phản đối việc này, nhưng sau khi Tống Giang về, nhận được 3 cuốn thiên thư từ Cửu thiên huyền nữ, thì không hề thấy chàng chia sẻ gì cho ông trại chủ cả mà chỉ đem ra bàn luận với Ngô Dụng. Đây có thể nói là một dạng khoét vách tường, tức tìm cách lôi kéo người của Tiều Cái.

    b. Cũng từ sự kiện này, một đại đầu lĩnh thế hệ đầu của Lương Sơn Bạc đã nhìn ra manh mối. Đó là Nhập Vân Long Công Tôn Thắng. Tuy Công Tôn Thắng nằm trong nhóm 7 hào kiệt cướp sinh thần của Sái thái sư, được Tống Giang cứu mạng, nhưng sự thực thì ơn ấy của Tống đối với Công Tôn ko dày như với Ngô Dụng, Lưu Đường, tam Nguyễn. Các bác chắc còn nhớ Tiều Cái và Công Tôn Thắng dẫu được báo trước, nhưng do phải ở lại giải quyết sự vụ Tiều gia trang nên trốn không kịp. Nên người mà Công Tôn chịu ân sâu tha mạng phải là Chu Đồng. Anh chàng đạo sĩ này nhìn ra manh mối mâu thuẫn Tiều-Tống, liền thác cớ còn mẹ già nên trốn về, suýt nữa nhập vân nhất khứ bất phục phản.

    c. Mâu thuẫn trở nên rõ rệt khi ở hồi 46, Bệnh Quan Sách Dương Hùng, Biện mệnh tam lang Thạch Tú, lên núi xin nhập bọn (ko hiểu sao Thủy hử lại phiên chữ này thành Biển, nay xin đính chính. Biện mệnh tức Liều mạng, tao thí mạng cùi). Bấy giờ Tiều Cái từ chối vì 2 gã trộm gà này ko đáng mặt hảo hán. Tuy nhiên Tống Giang giữa chốn đông công nhiên bác bỏ ý Tiều Cái, và được Ngô Dụng và số đông tán thành “Các đầu lĩnh cùng ra sức khuyên can, Bấy giờ Tiều Cái mới thư tâm mà tha cho Dương Hùng, Thạch Tú.” Thậm chí việc đánh Chúc gia trang cũng do Tống Giang tự ý cắt đặt. Đọc đến đây ta thấy Tiều Cái trở nên cô độc lạc lõng hơn bao giờ hết ngay tại Tụ Nghĩa đường.

    d. Hồi 57, đánh Thanh Châu, Tiều Cái muốn tìm cách vãn hồi sự tình nên muốn tự cầm quân, Tống Giang liền bác bỏ “Ca ca là ông chủ sơn trại, không thể một ngày rời bỏ ngay được. Vả chăng việc này là của tôi, người ta xa muôn dặm tới đây nếu tôi không đi, thì sao cho người ta an tâm, Vậy xin ca ca để mặc cho tiểu đệ cùng mấy anh em đi cho được việc...” Ta thấy Tống Giang nhấn mạnh việc anh em tới là vì Tống Giang chứ không phải vì ông trại chủ.

    e. Rốt lại đến vụ Đoàn Cảnh Trụ hiến ngựa. Tác giả một lần nữa nói tới việc con Chiếu dạ ngọc sư tử là để hiến cho ngài phó trại Tống Công Minh chứ không phải dành cho ông trại chủ Tiều Cái. Tới đây thì Tiều Cái không còn cách nào khác, phải khăng khăng tự dẫn binh đi đánh rồi.

    Và đó cũng là cơ hội để Tống Giang ra tay.
    Đời sau có người cho rằng ba chữ Tăng đầu (zēng) cận âm với Tranh đầu (zhēng) ám chỉ việc tranh ngôi đầu, và tên của Tăng thị ngũ hổ lần lượt là Tăng Mật, Tăng Đồ, Tăng Sách, Tăng Khôi, Tăng Thăng, không biết vô tình hay hữu ý ghép lại là “mật đồ sách khôi thăng” - Bí mật mưu đồ đoạt ngôi đầu.

    Thi Nại Am tiên sinh đã thòng một câu rất giá trị tại hồi 58 “Khi Tiều Cái đi rồi, Tống Giang liền quay về sơn trại, sai Đới Tung xuống núi đi theo, để thăm dò tình thế.”

    Rốt lại ai sẽ là người bắn mũi độc tiễn theo lệnh Tống Giang?
     
    Chỉnh sửa cuối: 29/4/19
    STTGK1999, Eltan1n, Kỳ văn and 4 others like this.
  2. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Kỳ 2

    2. Những nhân vật tình nghi là thủ phạm

    Trước khi đi sâu vào phân tích, ta cần coi lại một lượt xem Tiều Cái đã bị ám hại ra sao.
    Hồi 59 chép ngày thứ 4, có 2 nhà sư Thích Cúng Vong và Thích Cúng Sao tới hiến lối đi vòng, rồi xẩm tối hôm đó liền dẫn đám Lưu Đường, Hô Diên Chước, Nguyễn Tiểu Nhị, Âu Bằng, Tiểu Ngũ, Yến Thuận, Tiểu Thất, Đỗ Thiên, Bạch Thắng, Tống Vạn tới đánh Tăng Đầu thị. Đi lòng vòng 1 hồi thấy ko có nhà cửa chi thì biết trúng kế bèn rút quân về. Giữa đường gặp phục binh, bị bắn một mũi tên trúng mặt. Chạy tới cửa thôn thì được đám Lâm Xung tới tiếp ứng cứu về.

    Như đã nói trên, nhân quả tuần hoàn, Tiều Cái giết Vương Luân thế nào thì gặp quả báo hệt như vậy. Việc sa trường thọ tiễn không phải cái gì quá xa lạ, nhưng kỳ quái ở chỗ mũi tên lại ghi ba chữ Sử Văn Cung to tổ chảng. Dĩ nhiên tiễn có ghi danh là việc bình thường, nhưng dùng độc tiễn là thủ đoạn bàng môn tả đạo, nhẽ đâu một vị giáo đầu võ nghệ siêu quần như Sử Văn Cung lại ko biết lấy làm nhục, mà đề rõ tên ra như vậy. Tới đây độc giả có quyền đặt nghi vấn là âm mưu đổ tội cho kẻ khác. Mà đã là âm mưu đổ tội thì chắc chắn người thực hiện phải là phe đối nghịch. Rõ ràng huynh đệ tương tàn rồi. Vậy thì ai là chánh chủ của mũi độc tiễn này?

    Nói tới sát thủ ra tay, hẳn phải có mâu thuẫn với Tiều Cái, hoặc thân thiết tới mức sẵn sàng bán mạng cho Tống Giang. Sẵn sàng bán mạng cho Tống Giang thì nhiều lắm vì Cập thời vũ thường bao ăn, bao chơi, chung chi anh em rất hào sảng mà (tới đây nhắc các bác là thằng nào bao ăn, bao chơi là nó đang muốn các bác bán mạng cho nó đó, chớ có ham. Mà thằng nào hay cho các bác đọc free cũng là có âm mưu đó, tốt nhất là từ chối, trả bằng lies, tym hay share cho nó sòng phẳng ahihi)

    [​IMG]


    a. Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh?
    Người đầu tiên bị xếp vào diện nghi vấn hẳn là Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh. Anh chàng có tài bắn tên tuyệt luân, bắn tách ngù kích, bắn xuyên mắt nhạn... lại là anh em cực kỳ thân thiết với Tống Giang. Trong Hậu thủy hử, khi Tống Giang chết, Hoa Vinh trở về bên mộ và thắt cổ tự tự, đại để thương nhau đến thế là cùng. Tuy nhiên cơ hội để Hoa Vinh làm sát thủ lại bằng 0.

    Thủy hử xây dựng Hoa Vinh là một viên tướng văn nhã, ít khi thấy anh chàng cáu giận, dẫu có đánh nhau cũng chỉ dăm ba hợp là ù té quyền rồi rút pạc hoọc ra bùm bùm, xong một mạng. Nhưng quan trọng hơn hết là Hoa Vinh là con người của đại cục. Còn nhớ khi Tống Giang lừa để Mộ Dung tri phủ giết cả nhà Tần Minh, ép Tần lên núi. Sau khi biết Tống Giang chơi mình, “Tần Minh nghe nói như xé đứt ruột gan, toan đứng tên đánh nhau với bọn Tống Giang cho hả dạ” khi đó Hoa Vinh khẳng khái đem em gái gả cho Tần để chu toàn đại cục.

    Ngoài ra, Hoa Vinh ko phải hoàn toàn bị ép phản triều đình, chàng chủ động phản lại triều đình vì Tống Giang. Tống đi đâu thì chàng theo đó, làm cướp cũng được, làm quan cũng xong. Chính vì thế động cơ để Hoa Vinh giết Tiều Cái không quá lớn.

    Hơn nữa, nếu Hoa Vinh ra tay bắn Tiều Cái thì chàng không cần thiết phải xài độc tiễn. Hễ buông tên là mạng vong, thì đâu cần phải xài độc cho mất công. Đến đây hẳn các bác sẽ vặn lại rằng Hoa cố tình chọn độc tiễn để ko ai nghi ngờ mình. Vậy thì em đi tiếp tới 1 kết luận khác: cơ hội để Hoa Vinh ra tay hoàn toàn bằng 0. Tại sao? Bởi kế hoạch cướp trại của Tiều Cái diễn ra trong chớp nhoáng, không cách nào tin tức tới kịp Lương Sơn, rồi lại để Hoa Vinh chạy từ sơn trại tới Tăng Đầu thị, và ta cần nhớ địa thế Tăng Đầu thị cực kỳ phức tạp, con đường Tiều Cái đi hoàn toàn mới mẻ với người Lương Sơn (lưu ý Tiều Cái “theo đường cũ trở về”).

    Một điểm đáng lưu tâm nữa là các đầu lĩnh từ đại trại muốn xuống núi đều phải dùng thuyền và đi qua cửa Chu Quý, như Lý Quỳ trốn trại ngay lập tức trên núi hay tin liền. Do vậy nếu hôm Tiều Cái trúng ám tiễn mà tình cơ Hoa Vinh hạ sơn thì làm sao qua mắt được người trong thiên hạ.

    Như vậy, không nhưng ta loại bỏ Hoa Vinh khỏi diện tình nghi, mà còn trực tiếp loại luôn tất cả các tướng không tham gia lần đánh Tăng Đầu thị này.

    Sát thủ ẩn mặt chỉ còn nằm trong số 20 viên tướng mà Tiều Cái dẫn theo. Đới Tung làm nhiệm vụ liên lạc giữa Tống Giang và vị đầu lĩnh đó. Và sát thủ này được tin tưởng tới mức được toàn quyền hành động, nghãi là chớp được cơ hội liền ra tay chứ không chờ xin lệnh.

    b. Vòng chung kết mười người

    Điểm qua 20 viên đầu lĩnh này bao gồm: Lâm Xung, Hô Duyên Chước, Từ Ninh, Mục Hoằng, Trương Thuận, Dương Hùng, Thạch Tú, Tôn Lập, Hoàng Tín, Yến Thuận, Đặng Phi, Âu Bằng, Dương Lâm, Lưu Đường, Nguyễn Tiểu Nhị, Nguyễn Tiểu Ngũ, Nguyễn Tiểu Thất, Bạch Thắng, Đỗ Thiên, Tống Vạn.

    Trong số 20 viên đầu lĩnh này, ta có thể loại tiếp 10 người theo Tiều Cái cướp trại. Hiển nhiên khi rút chạy thì Tiều Cái phải thuộc nhóm đầu và các tướng có nhiệm vụ bảo vệ đại ca. Việc tách nhóm giữa đám loạn quân để chạy tới trước, mai phục đón lõng là khó khả thi. Đây sẽ không phải là kế hoạch được tính toán kỹ của sát thủ, bởi quá nhiều bất trắc có thể làm hỏng nó. Như vậy chỉ còn lại 10 viên tướng bao gồm: Lâm Xung, Từ Ninh, Mục Hoằng, Trương Thuận, Dương Hùng, Thạch Tú, Tôn Lập, Hoàng Tín, Đặng Phi, Dương Lâm.

    Trong số 10 người này, có Mục Hoằng và Trương Thuận là thân thiết với Tống Giang, Dương Hùng, Thạch Tú hơi có mâu thuẫn với Tiều Cái (bị từ chối nhập bọn, thậm chí bị thét lôi ra chém), ta cũng nên nhớ sát thủ phải biết dùng cung tên. Vậy ai trong số họ có thể là sát thủ?

    Tạm trích một câu trong hồi 39 để kết lại phần này: “Còn bọn đàn anh và tụi lâu la kia, đều theo anh chàng đen lớn mà chạy ra ngoài thành, và để cho bọn Hoa Vinh, Hoàng Tín, Lã Phương, Quách Thịnh, bốn người cầm bốn cây cung đi sau, mà bắn chặn lấy đường; khiến cho quân dân ở đất Giang Châu không có ai dám gan theo đuổi.”

    Sát thủ có phải Hoàng Tín hay không, xem hồi sau sẽ rõ.
     
    Eltan1n and bibong like this.
  3. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Kỳ 3

    3. Loại tiếp 3 viên đại tướng

    Trước khi đi tiếp vào việc truy tìm thủ phạm, ta tạm điểm qua các viên đầu lĩnh được Thủy hử kể về chuyện bắn tên. Ở phần trước đã nhắc tới Hoa Vinh, Hoàng Tín, Lã Phương, Quách Thịnh, không kể tới Yến Thanh thiện nghề bắn nỏ nhưng chưa nhập trại, thì ta còn đó Thanh diện thú Dương Chí với lần khoe tài bắn ở phủ Đại Danh, đầu lĩnh bán rượu Hãn địa hốt luật Chu Quý chuyên bắn tên báo hiệu lên đại trại, 2 anh em Giải Trân, Giải Bảo xuất thân thợ săn từng bắn hổ, và một người ít được để ý tới là Bách thắng tướng Hàn Thao. Trong trận đánh phủ Đại Danh, Thủy hử viết: “bên kia Hàn Thao đứng trong trận tiền quân dương cung đặt tên nhắm bắn một phát trúng phải cánh tay tả, Sách Siêu bỏ rời đại phủ ra rồi quay ngựa chạy về bản trận.” Tài bắn của Thao cũng rất không tệ. Tuy nhiên, tất cả các nhân vật kể trên đều không có mặt trong trận Tăng đầu thị.

    Để xác định con cừu đen trong số 10 đầu lĩnh: Lâm Xung, Từ Ninh, Mục Hoằng, Trương Thuận, Dương Hùng, Thạch Tú, Tôn Lập, Hoàng Tín, Đặng Phi, Dương Lâm, ta cần nhấn mạnh lại 1 số quan điểm như sau: thứ nhất hắn phải có động cơ làm phản, thứ hai phải có tài năng bắn cung, và thứ ba, quan trọng nhất là mật ngữ của tác giả cài trong bộ truyện.

    [​IMG]

    a. Nhất định không phải Lâm Xung

    Hiển nhiên, Lâm giáo đầu là idol của nửa số người đọc Thủy hử, chàng không thể là cừu đen. Giả như có thì em cũng không dám viết để câu angry hay report làm gì. Nhưng đúng là Lâm Xung không có động cơ giết Tiều Cái. Lâm là người thuộc cựu đảng, một tay giết tươi Vương Luân để đưa Tiều lên ngôi trại chủ. Con người Lâm Xung cũng rất thẳng thắn trượng nghĩa, còn nhớ vụ đầu danh trạng, khi ở bước đường cùng mà Lâm còn suy nghĩ đắn đo mãi mới ra tay đánh người vô tội. Hơn nữa tội của Lâm với triều đình rất lớn, không kể hiềm khích với Cao thái úy thì những tội rành rành là đốt thảo trường, giết quan lại, bỏ trốn khi đang chịu lưu đày... đều khó lòng dung tha. Ta phải xét ở điều kiện bấy giờ, đám giặc Lương Sơn Bạc chưa phải mối nguy lớn, mới dám duy nhất đánh phá Thanh Châu, các đạo quân chinh phạt Lương Sơn đều nhỏ lẻ. Nên điều kiện để được chiêu an chưa lớn như sau này. Giả như có được chiêu an thì những đại phạm như Lâm Xung và đám cướp sinh thần của Sái thái sư cũng khó mà được an ổn. Vả, Lâm cũng không hề có chí muốn trở lại làm quan. Như vậy giết Tiều Cái để Tống Giang lên ngôi chủ không có lợi cho Lâm. Và quả thật về sau Lâm Xung chết vì u uất, lãng xẹt.

    b. Không có khả năng là Hoàng Tín

    Mặc dù Thủy hử từng mô tả Hoàng Tín biết dùng cung, nhưng quay lại mối quan hệ của Hoàng Tín với Tống Giang, ta không thấy manh mối nào cho thấy Hoàng Tín thân thiết tới mức có thể bán mạng cho Tống Giang. Con người Hoàng Tín cũng thuộc dạng nhỏ mọn, thích danh hão, tự tư tự lợi, hồi 33 khi đánh nhau với 3 anh em trại Thanh Phong: “Sau Hoàng Tín thấy thế ba người hăng hái, sợ khi lỡ ra mình lại bị bắt thì tất nhiên giảm mất uy danh, liền ngoắt cương ngựa quay về lối sau để chạy. Ba anh hảo hán thấy vậy cùng nhau gắng sức đuổi theo. Hoàng Tín không kịp nom đến quân lính, ra roi hết sức mà chạy tháo một mình về tót ngay Trấn Thanh Phong.” Rồi khi Hoàng Tín về hàng Tống Giang cũng trong hoàn cảnh vô cùng bất lợi: binh thua tướng mất, trại bị vây, mà kề bên lại đang có 1 ông Tần Minh tới làm thuyết khách. Để so sánh quan hệ giữ Tống Giang và Hoàng Tín với mối quan hệ giữa Tống Giang và các tướng khác, ta thường thấy khi chiêu hàng được người nào, Tống Giang thường cuốn lấy làm đủ trò, này cời trói, nào xụp xuống lạy, nói toàn ái ngữ..., nhưng riêng Hoàng Tín lại hàng, cả 1 đoạn truyện không hề nhắc tới việc Tống ngó ngàng đến Hoàng: “Tống Giang truyền lệnh cho bọn lâu la, không được giết hại một người dân và một người lính nào trong trại đó. Lại truyền cho vào trại bên nam, bắt hết cả nhà Lưu Cao để giết. Vương Nụy Hổ được lệnh ấy, vội vàng đến đó cướp lấy vợ Lưu Cao, cùng các thứ kim ngân tài vật, lừa ngựa trâu dê thì giao cho đám lâu la thu nhặt để tải về. Hoa Vinh trở về nhà thu dọn các đồ đạc. Công việc thu xếp đâu đấy yên ổn rồi, mấy vị hảo hán cùng nhau dóng ngựa áp tải các đồ vật mà trở về sơn trại.”

    Nếu các bác còn ngờ vực thì em lại dẫn tiếp một chứng cứ cho thấy mối quan hệ của Tống Giang và Hoàng Tín là cực tệ. Hồi 63, khi Đại đao Quan Thắng đánh Lương Sơn, Hô Diên Chước trá hàng, ra trận lập công giết một tiểu tướng bên Lương Sơn, trá xưng là Hoàng Tín.

    “Quan Thắng nghe nói, vội thu quân về trại, cất chén mừng Hô Duyên Chước mà hỏi rằng:
    - Trấn Tam Sơn Hoàng Tín là thế nào?
    Hô Duyên Chước nói:
    - Người đó cũng là mệnh quan của triều đình, trước làm Đô giám ở Thanh Châu, sau cùng với Hoa Vinh, Tần Minh cùng đi lạc thảo. Hắn ta bình nhật đối với Tống Công Minh vẫn là bất hợp; ngày nay Tống Giang sai hắn ra đánh, chính là muốn giết đi cho rảnh.”

    Đoạn trích cho thấy mối quan hệ xấu giữa Tống và Hoàng nhiều người hay biết nên Hô Diên mới nhân đó bịa chuyện. Cho nên nói Hoàng Tín bán mạng cho Tống Giang thực khó tin. Bởi ko vì tình nghĩa mà bán thì chỉ có thể vì ngôi vị trong trại. Kết quả ta thấy vị trí của Hoàng Tín khá xoàng xĩnh, không được xếp trong ngôi Thiên Cang, mà chỉ thuộc nhóm 16 viên mã quân tiểu bưu tướng. Trong khi nói về thời gian lên Lương Sơn thì Hoàng Tín thuộc nhóm 2, chỉ sau nhóm Tiều Cái 7 người. Trong 16 viên tiểu tướng này ta thấy có cả loại cùi bắp như Trần Đạt, Dương Xuân, Chu Thông.

    c. Phải chăng là Tôn Lập?

    Bệnh Uất Trì Tôn Lập được miêu tả là một tay kiện tướng, đánh ngang sức với Hô Diên Chước và cũng tài nghề cung tiễn “mình cao tám thước, bắn được cung cứng, cưỡi nổi ngựa hay”

    Chúng ta ko thấy truyện mô tả về mối quan hệ giữa Tôn Lập và Tiều Cái hay Tống Giang, nên khó mà luận về động cơ hành động của Tôn Lập. Tuy nhiên Tôn giống như Lâm, đều có tội to với triều đình: bản thân là quan quân mà kết giao với đảng sơn tặc (Trâu Uyên, Trâu Nhuận), phá ngục Đăng Châu, lại giả danh quan binh triều đình để đánh phá Chúc gia trang. Tội của Lập không nhỏ, khó lòng được dung thứ. Do vậy việc phế Tiều lập Tống không có lợi gì cho Tôn cả.

    Vả, sau khi Tống lên ngôi chủ trại, ta cũng thấy Tôn Lập ko được lợi lộc gì, dẫu võ công cao cường không kém Hô Diên Chước trong ngũ hổ, mà địa vị chỉ thuộc nhóm mã tướng hạng 3 như Hoàng Tín, dưới cả mấy anh loàng xoàng như Sử Tiến, Mục Hoằng. Ở đây ta có thể nhận thấy Tống Giang có chút không hài lòng về Tôn Lập ở trận đánh với Hô Diên Chước, việc này xin được phân tích rõ hơn ở kỳ cuối.

    Đại thể chốt lại thì Tôn Lập không có động cơ lớn để được chiêu an, và sau khi Tiều chết Tống lên thì vị trí cũng không có biến động lớn. Như vậy, ta có thể loại Tôn Lập ra khỏi vòng nghi vấn để tập trung vào 7 nghi phạm còn lại.

    Từ Ninh, Mục Hoằng, Trương Thuận, Dương Hùng, Thạch Tú, Đặng Phi, Dương Lâm. Trong 7 người này thì Mục Hoằng là tay mã tướng khá thiện chiến. Thạch Tú xuất thân tiều phu lội rừng, có thể hơi biết bắn cung, còn lại thì thông tin khá ít ỏi. Ta buộc phải dùng phương pháp gọi hồn, cúng vong để tìm hung thủ. Nhưng đó là việc của kỳ sau.
     
    bibong thích bài này.
  4. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Kỳ 4


    4. Nhân nào quả nấy

    Để tìm ra hung thủ trong số 7 người Từ Ninh, Mục Hoằng, Trương Thuận, Dương Hùng, Thạch Tú, Đặng Phi, Dương Lâm quả là rất khó. Ngoài Đặng Phi và Dương Lâm xuất thân giang hồ, không có động cơ rõ rệt trong việc phế lập, thì 5 người còn lại đều có thể. Từ Ninh muốn được chiêu an, Mục Hoằng, Trương Thuận thân với Tống Giang, Dương Hùng, Thạch Tú có hiềm với Tiều Cái. Để tránh vu oan cho người tốt, ta chỉ có cách hỏi ý kiến tác giả. May thay Thi Nại Am tiên sinh và La Quán Trung tiên sinh đã cài mật ngữ trong bộ truyện này để chúng ta tham khảo. Thậm chí ta còn thấy cả dấu hiệu phi tang xóa án của Kim Thánh Thán tiên sinh.

    Như đã nói ở các kỳ trước về nhân quả báo ứng, Tiều Cái mưu sát Vương Luân thì bị Tống Giang mưu sát, Tiều Cái mượn tay Lâm Xung để giết Vương Luân thì cũng bị Tống Giang mượn tay huynh đệ Lương Sơn sát hại. Vậy để truy tìm hung thủ trong 5 người trên, ta hãy xem mật ngữ của tác giả trong cái chết của họ.
    Mục Hoằng ốm chết, Trương Thuận bị mắc lưới rồi bị loạn tiễn bắn chết (vong cá báo oán chăng), Dương Hùng bị nhọt độc ở lưng chết, Thạch Tú bị loạn tiễn bắn chết ở ải Dục Linh (hồi 118) và Từ Ninh bị tên độc bắn chết (hồi 114). Tới đây các bác đã dễ dàng đoán ra hung thủ dùng độc tiễn hại Tiều Cái chính là Từ Ninh, ta cùng đọc lại đoạn miêu tả cái chết của Từ nhé


    [​IMG]

    Từ Ninh quay lại thấy Hách Tư Văn bị quân giặc bắt trói sắp đưa vào thành. Từ Ninh chưa kịp quay lại thì đã bị trúng tên vào đầu, đành phải để cả mũi tên mà chạy về. Sáu viên tướng của Phương Thiên Định liền thúc ngựa đuổi theo. Từ Ninh may gặp Quan Thắng nên mới thoát được. Khi đến doanh trại thì ngã ngất. Sáu tướng của Phương Thiên Định bị Quan Thắng đánh lui phải chạy về thành. Quan Thắng vội sai người cấp báo với Tống tiên phong. Khi Tống Giang đến thăm thì Từ Ninh đã bị ứa máu khắp tai, mắt, miệng, mũi. Tống Giang rơi nước mắt gọi thầy thuốc đến chạy chữa. Sau đó Tống Giang sai đưa Từ Ninh xuống chiến thuyền nghỉ ngơi, đích thân đến thăm viếng. Vào khoảng canh ba đêm ấy thì Từ Ninh hôn mê, bấy giờ mới biết mũi tên có thuốc độc. Tống Giang ngửa mặt lên trời than rằng: “Thần y An Đạo Toàn đã bị gọi về kinh, không ai đủ tài chữa cho Từ Ninh. Từ nay anh em ta bị thương đành phải chịu thiệt mạng.”
    Nói đoạn xót xa thương cảm hồi lâu. Bấy giờ quân sư Ngô Dụng đến mời Tống Giang về trại bàn công việc. Từ Ninh được đưa về Tú Châu điều trị nhưng vì thuốc độc đã ngấm sâu nên không chữa khỏi.

    Cái chết của Từ Ninh được mô tả hệt như cái chết của Tiều Cái: cổng thành mở toang, gặp phục binh chạy về, trúng tên vào đầu, được Quan Thắng cứu đem về trại, tên có độc, không có thần y cứu, và chết. Nếu không phải mật ngữ của tác giả để lại cho chúng ta biết ai bắn Tiều Cái thì hà tất phải dụng công dựng nên đại cảnh giống nhau nhường vậy.

    Câu hỏi đặt ra tiếp theo là Từ Ninh có biết bắn tên không? Theo lẽ thường mà nói thì giáo đầu cấm quân hẳn nhiên phải thông đủ thập bát ban và xạ kỵ, nhưng Thủy hử chưa từng viết Từ Ninh bắn cung nên chắc các bác còn hồ nghi. Vậy ta cùng xem bối cảnh lần đầu Từ Ninh lên sân khấu. Hồi 55, Thời Thiên trộm bảo giáp có đoạn: “Chàng lại quay ra trèo lên cột cái, nấp ở đằng sau chỗ bức màn, dòm vào trong lầu, thấy Từ Ninh cùng vợ ngồi ở cạnh lò lửa, tay ẵm đứa trẻ lên sáu tuổi, lại nom vào phòng ngủ, quả thấy một hòm da treo ở bên trên, cửa phòng treo một cây cung, một túi tên và một con dao lưng sáng nhoáng, trên mắc áo có ba thứ áo mầu, rất là lịch sự.”
    Rõ ràng Từ Ninh có dùng cung tên. Tiếp đến khi Từ Ninh ra mắt sơn trại, đoạn này bản Thủy hử do Thánh Thán san định cắt đi một bài Tây Giang nguyệt mô tả Từ Ninh. May sao bộ Thủy hử toàn truyện 120 hồi vẫn giữ. 2 câu đầu của bài đó là “Tí kiện khai cung hữu chuẩn, thân khinh thượng mã như phi.” Tạm dịch: “Tay khỏe giương cung bắn chuẩn, thân nhẹ lên ngựa như phi” Có thể thấy Thi Nại Am tiên sinh vẽ nên một Từ Ninh giỏi mã chiến, đánh thương cũng giỏi mà bắn tên cũng tài.

    Tiếp đến hồi 76 - Ngô Học Cứu bày trận ngũ phương kỳ... đây là một thiệt thòi lớn cho bạn đọc tiếng Việt vì bản dịch cắt sạch bách thơ văn trong hồi này. Bản dịch vỏn vẹn mấy chữ “Tiếp sau là đội quân thương vàng thương bạc, bên trái là mười hai quân sĩ cầm thương vàng, viên kiện tướng ngồi trên lưng ngựa là Kim thương thủ Từ Ninh”. Rất tiếc nguyên bản mỗi khi mô tả một vị tướng còn kèm một bài thơ. Bài thơ tả Từ Ninh có câu sau: Tước họa cung huyền nhất loan nguyệt, Long tuyền kiếm quải cửu thu sương.

    Như vậy Từ Ninh ra trận đeo cung tước họa (cung vẽ hình chim thước) và song hành cùng đội 12 tay kim thương đứng bên tả của Từ chính là đội 12 tay ngân thương đứng bên hữu của Hoa Vinh “Hổ cân huyền khấu điêu cung ngạnh, yến vĩ sao toàn tiến vũ trường.” Sự tương đồng này có thể khẳng định tài bắn của Từ Ninh dẫu không bằng Hoa Vinh, nhưng cũng thuộc hàng thiện nghệ. Từ đó trở ngược về trước, ta thấy Từ Ninh có đôi lần được xếp cặp với Hoa Vinh ra trận. Lần thu phục đám Phàn Thụy, Hạng Sung, Lý Cổn: “Bọn Sử Tiến nghe báo bèn đem ngựa ra nom, thì thấy bóng cờ Lương Sơn phất phới rồi có hai viên Thượng Tướng là Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh, và Kim Ban Sang Từ Ninh dẫn quân đi đến.”

    (Nhân đây xin phép bày tỏ nỗi bất bình với bản dịch Hậu thủy hử. Nguyên bản không hề tệ hại, què cụt như bản dịch. Giá có dịch giả nào phát tâm làm lại bản này thì công đức thực vô lượng lắm lắm)

    Để kết thúc một kỳ đầy mật ngữ ám hiệu này, em xin phép chốt lại bằng một điểm ít người để ý. Ta đều biết trong 108 vị Thiên cang, Địa sát, Tống Giang là Thiên khôi tinh, đứng đầu. Cửu thiên huyền nữ gọi Tống là Tinh chủ - chủ của các tinh tú. Ta lại thấy 2 viên hộ vệ tả hữu của Tống Giang, không phải Lý Quỳ hay Hoa Vinh mà là Tiểu Ôn Hầu Lã Phương và Trại Nhân Quý Quách Thịnh. Lã là Địa tá tinh, Quách là Địa hựu tinh, 1 tá (phò tá) 1 hựu (bảo hộ) cho Tinh chủ. Còn Từ Ninh thì sao? Vô tình chàng lại là Thiên hựu tinh, há chẳng mật ngữ rành rành chàng là đệ ruột của Tống Giang đó sao?

    Muốn biết mối nhân duyên này đến từ đâu, xem hồi sau sẽ rõ.

    --
    hình: chính hắn được lên tem, các bác nhìn kỹ sẽ thấy lưng đeo ống tên
     
    tiendungtmv and bibong like this.
  5. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Công nhận ai viết cái này HAY, có đầu tư phân tích rất kỹ.
    Tuy nhiên cũng chỉ là giả thuyết đọc tham khảo. Vì sao? Đừng quên đa số người đọc bộ này là đọc các bản online hoặc ebook mà thiếu mất hồi đầu tiên mà trong sách nó là Khúc dạo đầu Trương thiền sư cầu yêu ôn dịch - Hồng thái úy lỡ sổng yêu ma. Hồi này có nói rõ nguyên nhân xuất hiện 108 tay hảo hán nhưng thực chất chỉ là 108 hung tinh quấy nhiễu thiên hạ, rõ ràng trời đã định chỉ có 108 người nên anh Tiều Cái là thừa nên phải chết.
    :D
     
    Caruri Tlkd thích bài này.
  6. NNS

    NNS Mầm non

    Thật ra 108 là cố gán thôi. Nhiều nhân vật cũng ít tài cán, ghép vào cho đủ :)
     
  7. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Kỳ 5

    5. Mối thiện duyên Tống - Từ

    Khi đã khoanh vùng đánh dấu Từ Ninh là sát thủ, ta bắt đầu đào sâu về con người này. Hồi 55 khắc họa khá rõ hình ảnh Từ Ninh. Đầu tiên Từ xuất thân tướng môn, áo giáp linh nhạn là từ ông cha 4 đời trước truyền lại. Gia cảnh Từ cũng không kém, lối sinh hoạt cũng rất phong lưu màu mè “Đoạn rồi thấy một đứa nữ tỳ ở dưới bếp đi lên, gập một cái áo màu tía cổ tròn, một cái áo ngắn màu quan lục, một cái áo xiêm hoa rực rỡ, một cái khăn gấm, và mấy cái khăn tay bằng lụa, bọc vào một gói, lại gấp một cái thắt lưng đuôi giải bọc vào khăn vàng nhỏ rồi bỏ vào hòm mà để lại một chỗ...”
    Kẻ hầu người hạ tới tận răng: “Được một lát, thị nữ đem nước nóng lên. Từ Ninh rửa mặt súc miệng, rồi gọi hâm rượu để uống. Thị nữ lại đem bánh lên. Từ Ninh ăn uống xong rồi, lại gọi mang ra cho người nhà ăn.”

    Khác với Lâm Xung sợ Cao thái úy như sợ cọp, Từ Ninh khá lãnh tĩnh với Hoa Nhi Vương thái úy, từ chối bán bảo giáp cho Vương. Bỏ qua việc Thái úy thời này kỳ thực chỉ là một cách xưng hô tôn kính với võ quan cao cấp chứ không phải đích thị chức Thái úy, nhưng ta thấy Từ Ninh có quan hệ mật thiết với giới quan chức trong triều. Và thông qua cách sinh hoạt, ta phần nào cảm nhận lối sinh hoạt và hành xử khá quan cách của Từ Ninh. Lối sinh hoạt ấy khó mà hòa hợp được với cuộc sống có phần bỗ bã nơi sơn trại. Và vậy thì ném đá giấu tay, mạo danh giết người đâu có phải chiêu gì quá xa lạ với nhà quan.

    Lại nói về quá trình lên Lương Sơn của Từ Ninh, ở đây ta không thấy dấu vết làm phản, anh chàng chỉ bỏ chức lên núi, trong quá trình lên núi thực ra là bị lừa, bị phục thuốc mê bắt cóc, bị mạo danh đánh cướp thương khách. Sau khi lên núi, Từ Ninh chỉ truyền dạy phép đánh thương chứ không trực tiếp tham gia trận đánh với quân triều đình do Hô Diên Chước chỉ huy. Trận phục kích bắt cóc Tú thái úy ở Hoa Châu cứu Lỗ Trí Thâm và Sử Tiến, Từ Ninh có tham gia nhưng không có thương vong, mọi việc sau được dàn xếp ổn thỏa. Từ đó thẳng tới khi Tiều Cái chết, chưa từng thấy Từ Ninh ra trận đánh với quan binh triều đình. Có thể nói lý lịch Từ Ninh vẫn thuộc loại trong sạch nhất Lương Sơn, chưa từng nhuốm máu quân triều đình, do đó khả năng được chiêu an phục chức không hề nhỏ. Nếu nói người có khao khát được triều đình chiêu an, Từ Ninh chính là người số 1, so với Tống Giang không hề thua kém. Và Từ Ninh có lời hứa từ Tống Giang: “Tống Giang tôi tạm trú Thủy Bạc, chỉ đợi triều đình có lòng thương hại, là phải hết sức cùng lòng để báo đền non nước, chứ thực không dám chút nào mang dạ tham ô, mà dám làm điều bất nghĩa. Vậy xin ngài nghĩ đến chân tình, mà ở đây cùng nhau tụ nghĩa, thì thực là hân hạnh vô cùng.”

    [​IMG]

    Về phía ngược lại, vị trí của Từ Ninh trong lòng Tống Giang thế nào? Làm rõ được điểm này thời ta có thể định vị được Tống - Từ là một cặp đôi hoàn hảo, đủ để trông cậy lẫn nhau trong việc lật Tiều Cái. Việc này không quá khó, ta lại trở về với trận Hô Diên Chước chinh phạt Lương Sơn. Đây là lần đầu tiên triều đình thực sự coi Lương Sơn là một đám phản nghịch cần chinh thảo. À, lại phải ngược về trước một chút nữa, bởi lý do Hô Diên đánh Lương Sơn là do Lương Sơn đánh Cao Đường trước. Mà nguyên do Lương Sơn đánh Cao Đường là ở Tiểu Toàn Phong Sài Tiến. Có một điểm nhỏ cần lưu ý: Sài Tiến có ơn với rất nhiều anh hùng Lương Sơn, nhưng trong đó không bao gồm đám anh em 7 người Tiều Cái. Đám Tiều Cái lên thẳng Lương Sơn, cho nên khi Tiều Cái nói: “Sài Đại Quan Nhân vốn có ân to cùng bọn sơn trại ta đây, nay mắc phải nguy hiểm như thế lẽ nào mà không cứu cho đành. Vậy tôi phải đi qua xuống đó, xem sự thể ra sao mới được.” Có thể thấy là nỗ lực của Tiều Cái trong việc lấy lòng đám tân anh hùng. Dĩ nhiên chiêu này không qua mắt được Tống Giang, cứu được mạng Sài Tiến thì mua được lòng quá nửa người Lương Sơn rồi còn chi.

    Phá Cao Đường là trực tiếp rước họa chinh thảo của triều đình vào người, nên trận chiến với quân đội chính quy lần này vừa là trách nhiệm của Tống Giang với Lương Sơn, vừa là thiết lập uy danh cá nhân. Như ta đều biết trận Liên hoàn giáp mã giết cho quân Lương Sơn thất điên bát đảo, cơ hồ khó lòng cự được. May sao Từ Ninh xuất hiện, có thể nói là cứu tinh của Tống Giang, xứng với danh hiệu Thiên hựu tinh, Tống Giang nợ Từ Ninh một ân tình cực lớn. Cho nên từ đó về sau, ta thấy Từ Ninh rất được Tống Giang tin cậy. Trận Hoa Châu, Từ Ninh được đảm nhậm vị trí chịu trách nhiệm hộ vệ Tống Giang, Ngô Dụng chứ không phải Hoa Vinh, Lã Phương, Quách Thịnh: “Trung quân có chủ soái Tống Giang, Ngô Dụng, Chu Đồng, Từ Ninh và Giải Trân, Giải Bảo, dẫn hai nghìn quân mã bộ đi giữa.”

    Hồi 76 khi bày trận ngũ phương, trung quân soái kỳ được bảo hộ bởi 4 cặp Khổng Minh, Khổng Lượng; Lã Phương Quách Thịnh; Giải Trân, Giải Bảo và Hoa Vinh, Từ Ninh, ẩn ẩn thấy toàn thị tâm phúc mà vị trí của Từ Ninh cơ hồ cũng gần bằng Hoa Vinh.

    Khi Từ Ninh trúng độc tiễn chết, Tống Giang khóc lóc thảm thiết không cùng: “Khi Tống Giang đến thăm thì Từ Ninh đã bị ứa máu khắp tai, mắt, miệng, mũi. Tống Giang rơi nước mắt gọi thầy thuốc đến chạy chữa. Sau đó Tống Giang sai đưa Từ Ninh xuống chiến thuyền nghỉ ngơi, đích thân đến thăm viếng. Vào khoảng canh ba đêm ấy thì Từ Ninh hôn mê, bấy giờ mới biết mũi tên có thuốc độc. Tống Giang ngửa mặt lên trời than rằng: “Thần y An Đạo Toàn đã bị gọi về kinh, không ai đủ tài chữa cho Từ Ninh. Từ nay anh em ta bị thương đành phải chịu thiệt mạng.”

    So sánh với cái chết của bộ đôi Lã Phương, Quách Thịnh cùng 1 trận ở hồi 118 thì chỉ vỏn vẹn xót xa trong lòng: “Tống Giang mất thêm hai tướng là Lã Phương, Quách Thịnh trong lòng buồn rầu đau xót, bèn cho án binh bất động, đợi binh mã của Lư tiên phong để cùng tiến đánh động Thanh Khê.”
    Hay trước đó Khổng Lượng chết đuối ở hồi 113: “Bọn Thạch Tú, Lý Ứng đã đem quân trở về, Thi Ân và Khổng Lượng vì không biết bơi mà chết đuối. Tống Giang đau buồn thương tiếc mãi.”

    Tới đây nếu các bác còn nghi ngờ vai trò sát thủ giấu mặt của Từ Ninh, mời tua nhanh tới hồi 70, xem vị trí Từ Ninh ở đâu trên bảng xếp hạng? Xin thưa là rất cao so với những đóng góp của anh chàng. Ngoài việc truyền dạy đội câu liêm, Từ Ninh hầu như không có mặt tại các điểm nóng. Lần đầu tiên ta thấy Từ xuất chiến phải là tận hồi 68, xuất trận đánh với Song thương tướng Đổng Bình, không thắng; lần tiếp theo đánh Một vũ tiễn Trương Thanh, lại thua. Với quân công bèo nhèo như vậy, mà khi phân nhiệm vụ ở tiểu trại thứ nhất, lấy Lý Ứng làm đầu, và Từ Ninh làm lão nhị, trên cả Võ Tòng và Lỗ Trí Thâm, Dương Chí, há không phải vô lý ư? Chỉ có thể kết luận là Từ Ninh vốn có công lao ẩn mật không nêu lên được.

    Sát thủ đã lộ diện, bàn tiệc hầu như đã đủ chén dĩa, chỉ còn lại món tráng miệng cuối cùng: thuốc độc từ đâu ra? Muốn biết rõ việc này, xem hồi sau sẽ rõ.
    --
    Hình: Ca ca, em biết thằng bắn tên mà
     
    nxan thích bài này.
  8. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Bác nhớ nhầm rồi, có tất cả 110 đạo hào quang bay ra ngoài chứ không phải 108. Hai đạo thừa ra đó là Tiều Cái với không biết là ai nữa. Điều này cũng có thể bàn tán chém gió, ví dụ Vương Tiến, Loan Đình Ngọc, Vương Luân hay thậm chí cả... Cao Cầu.

    [​IMG]

    [​IMG]
    Bản dịch này thì chỉ viết chung chung "hàng chục hàng trăm"

    [​IMG]
     
  9. V/C

    V/C Mầm non

    Nhớ không nhầm thì có bản là 108, chắc hiệu định lại bản cũ. Vì chỉ giam 36-72, lấy đâu ra 110.
    Bản viết “hàng chục, hàng trăm” hay hơn (bay loạn xạ mà đếm được chính xác thì chỉ có thánh), sau này ông chân nhân mới nói rõ.
    Nếu bản 110 là đúng thì mắt ông thái úy quả là thần sầu, tuy nhiên vẫn ông ta vẫn đếm thừa mất 2 đạo, nên ông chân nhân mới “hiệu đính” lại 36-72.
     
  10. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Chuẩn.
    Gọi là hàng trăm thì đúng hơn vì nó là khái niệm chung chung, cũng như mình nhìn 1 đám người thì nói là hàng trăm người chứ không thể nói chính xác là 101 hay 109 nếu không ngồi đếm, huống chi đây là luồng khí phụt lên cái vèo mà đếm ra được chính xác thì quá siêu.
    :D
     
  11. hoadao_vnn

    hoadao_vnn Mầm non

    Quả là bài viết rất có ý tứ! Tác giả này cũng mê Thủy Hử ghê! Tiếc thay thời nay ít bạn chịu đọc các truyện xưa này.
    Con số 110 hơi thiếu cơ sở tí nhỉ? Tại vì số hợp thường là 108, còn 2 nữa thì số liên can có khả năng là 2 này lại nhiều phết. Nhưng có bạn nói cũng có lý, là ít nhất có 2 anh liên quan nặng nhất mà không thuộc nhóm 108 là anh Tiều Cái và anh Cao Cầu. Vì liên hệ sâu xa, chứ Giáo đầu Vương Tiến cũng chỉ xuất hiện trong hồi 1, Vương Luân cũng nhạt, Loan Đình Ngọc cũng có chỉ một tí. Nếu thêm 2, có lẽ 2 anh đầu bảng phải là 2 anh Tiều, Cao này thôi.
     
  12. atuanmetallica

    atuanmetallica Mầm non

    Bài viết quá hay luôn. Hóng tiếp những bài như này
     
  13. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Anh Từ Ninh này cũng thuộc dạng cau có với Lương Sơn. Cũng là giáo đầu nhưng không như Lâm Xung bị hại, Từ Ninh rất được trọng dụng và còn rất thân thiết với vua, cái hôm bị chôm bộ giáp là lúc Từ Ninh vào cung hầu vua cả ngày. Tự dưng bị gài hàng hốt hết gia đình lên Lương Sơn mất toi vinh hoa phú quý.
    :lmao:
     
  14. hoanganhoutlaw

    hoanganhoutlaw Lớp 2

    Mình không nhớ chính xác lắm nhưng Trấn Tam Sơn Hoàng Tín bị chết trong trận với Hô Duyên Chước thì phải ,sao sau vẫn có tên trên bảng sao nhỉ
    ?
     
  15. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Đấy là Hoàng Tín giả, hoặc anh ta giả chết để lừa Quan Thắng. Chứ chết rồi thì tụ nghĩa online xuyên âm phủ chắc? Trong bài viết cũng nhắc đến "Hô Diên Chước trá hàng, ra trận lập công giết một tiểu tướng bên Lương Sơn, trá xưng là Hoàng Tín."

    Nếu đúng tác giả nhấn mạnh 110 mà dịch là "hàng chục, hàng trăm" thì tự dưng làm sai lệch ý của tác giả đi mất rồi, lúc đó thì đúng là "dịch là phản".
     
  16. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Hoàng Tín trong 72 phó tướng nó đứng thứ 2, chỉ sau Chu Vũ đứng 1 thì làm gì chết được.
     
  17. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Mới tìm lại bản tiếng TQ cả bản truyện tranh thì nếu dịch đúng thì là khoảng 110.
     
  18. metalheart5410

    metalheart5410 Lớp 7

    Thì ngay trang đầu bạn Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link post lên có câu một trăm mười đạo kim quang mà.
     
  19. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Dịch chưa chính xác. Dịch đúng thì phải là khoảng 110 hay tầm 110 nó mới gần với 108.
     
  20. metalheart5410

    metalheart5410 Lớp 7

    Có lẽ thế, ai mà đếm được ngay lúc đó. Cá nhân mình không thích anh Tống Giang, có vẻ anh ta mang mục đích cá nhân áp đặt cho các anh em còn lại, không trượng nghĩa, trọng tín, nói toẹt ra thì Tống Giang là "ngụy quân tử"
     
    hafreestyle thích bài này.
Moderators: amylee
: Thủy hử

Chia sẻ trang này