Trà phiếm Mật ngữ Thủy Hử

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Caruri Tlkd, 7/4/19.

Moderators: amylee
  1. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    TÂM CƠ LÝ ỨNG

    [​IMG]
    3. Và một Lý Ứng hào nhoáng khác

    Ở phần 1 ta đã nhắc qua địa vị rất cao của Chúc Triều Phụng. 2 chữ Triều Phụng (朝奉) vốn xuất phát từ quan danh (triều phụng đại phu), thời Bắc Tống dùng để chỉ kẻ sĩ, dần dà biến nghĩa sang chỉ người giàu có, rồi quản gia. Với việc Chúc gia trang sai khiến được cả quan Tuần kiểm thì 2 chữ Triều Phụng ở đây có lẽ thiên về chỉ vai trò kẻ sĩ của trang chủ nhà họ Chúc.

    Lý Ứng thì sao? Ta thấy thậm chí Lý Ứng còn mang phong vị kẻ sĩ hương thôn đậm đà hơn. Khi biên thư cho Chúc gia, Thủy hử viết: “Lý Ứng nhận lời, mời thầy đồ ở trong nhà viết hộ phong thư, ký tên đóng dấu tử tế...” Nguyên văn “Lý Ứng giáo thỉnh môn quán tiên sinh lai thương nghị, tu liễu nhất phong thư giam, điền tả danh húy, sử cá đồ thư ấn ký.
    Và đoạn sau: “Lý Ứng liền gọi hoa tiên, viết lên thư cẩn thận, niêm vào phong bì, rồi đóng dấu ký tên ra ngoài bì...” Nguyên văn: “Cấp thủ nhất phúc hoa tiên chỉ lai, Lý Ứng thân tự tả liễu thư trát, phong bì diện thượng sử nhất cá húy tự đồ thư.

    Ta thấy gì ở 2 đoạn này? Trong nhà có sư gia đã đành, đầu tiên Lý sai thày đồ tại gia viết thư, mình chỉ viết tên húy và đóng dấu lên. Lúc sau, lấy giấy hoa tiên, tự tay biên thư cẩn thận, rồi lại lấy con dấu tên húy (húy tự đồ thư) đóng lên. Như vậy Lý có tới 2 con dấu, 1 con dấu thường đóng trên thư từ và 1 con dấu tên húy sử dụng trong giấy tờ quan trọng. Đoạn này hoàn toàn tương tự với khúc truyện Lương Sơn giả ấn của Sái Thái sư hòng lừa tha Tống Giang:
    Quân sư Ngô Dụng liền bảo mọi người rằng:Trong bức thư lúc nãy, vì chúng tôi vội vàng không kịp nghĩ cho đóng dấu khắc có bốn chữ "Hàn Lâm Sái Kinh" như thế, quả nhiên Đới Tung bị nguy với quantư, chứ không khi nào tránh khỏi.
    Đại Kiện nói rằng:Cái đó chính là lối con dấu của Sái Thái Sư, vẫn dùng để đóng vào các văn trát xưa nay, không lẽ nào mà hỏng được.
    Ngô Học Cứu nói:Cái đó các ông không biết. Xưa nay cha viết thư cho con không khi nào phải đóng dấu tên húy của mình, bởi vậy tôi chắc khi Đới Tung tới nơi, tất bị họ tra hỏi mà vỡ chuyện ra mất.


    Và dẫn tới 1 giả định hơp lý là con dấu thường kia, dĩ nhiên không phải tên húy, mà là một danh hiệu chính quy nào đó của Lý Ứng. Danh hiệu này không phải Phác thiên điêu rồi, vậy thì có thể mang một quan hàm hay học vị của Lý chăng, đại để như Giáo sư Lý, Tiến sĩ Lý chẳng hạn. Tóm lại, Lý trang chủ ở một đẳng cấp rất khác so với Tiều trang chủ, Tống trang chủ,... có thể thuộc sĩ lâm, có công danh.


    Ta lại xem tiếp trang phục của Lý Ứng ra trận: “Lý Ứng nhất định không nghe, vào phòng mặc áo giáp hoàng kim (nguyên văn: hoàng kim tỏa tử giáp), trước sau có miếng yểm tâm bằng mặt thú, ngoài khoác áo đại hồng bào, lưng giắt năm khẩu phi đao, đầu đội mũ cánh phượng, tay cầm thanh giáo điểm cương...

    Tỏa tử giáp nổi danh từ thời Đường, do các dây sắt, vòng sắt móc vào nhau rất cầu kỳ, cung tiễn không bắn thủng được, lại nhẹ nhàng và tiện dụng hơn các loại giáp nguyên tấm. Thời Tống có quy định khá khắt khe về trang phục. Thời Cao tông, năm 1157 có lệnh cấm tuyệt dân gian dùng y phục dát vàng. Mặc dù 1157 là sau thời điểm của câu truyện Thủy hử khoảng 50 năm, nhưng việc Lý Ứng dùng hoàng kim tỏa tử giáp cho thấy chàng cũng thuộc giai cấp khác bình dân, thuộc giới có công danh chức tước hay thế gia vọng tộc chăng? Để ngắn gọn 1 câu về bộ giáp này: chính là bộ giáp của Tôn Ngộ Không thịt được của Tây Hải Long vương: "Tây hải long vương Ngao Nhuận nói: Tôi đang mặc một bộ Tỏa tử hoàng kim giáp đây." (Tây Du ký hồi 3)

    Hồi 119 khi nói về phong thưởng cho các viên đầu lĩnh còn sống trở về, thấy duy có Sài Tiến và Lý Ứng là được vinh quy bái tổ, làm quan ngay tại quê nhà. Sài Tiến được phong Hoành Hải quân Thương Châu Đô thống chế, còn Lý Ứng được phong Trung Sơn phủ Vận Châu Đô thống chế (Độc Long Cương thuộc Vận Châu). Có thể thấy vinh diệu mà Lý Ứng được hưởng ngang với con cháu nhà Hậu Chu.

    Tóm lại, hình ảnh của Lý Ứng được Thi Nại Am xây dựng có phần hào nhoáng, bóng bẩy hơn xa một kẻ võ biền tầm thường, không chỉ là một anh trang chủ có võ nghệ. Đó là một con người có gia thế khá lớn, quy củ trong trang viện cũng không tầm thường. Và tất nhiên thế gia vọng tộc hay dòng dõi thư hương thì cũng có tham vọng, có tính toán khác xa những kẻ thường nhân.
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/5/19
  2. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Hồi đó chưa có máy tính, máy đánh chữ cũng là thứ xa xỉ, mấy cụ viết sách hay dịch đều viết tay. Nhiều khi chắc chữ các cụ khó nhìn quá nên tới tay anh sắp chữ thì thành ra sai sót. Rồi qua nhiều lần tái bản do sách cũ giấy xấu mực lem nhiều anh lại thêm một chút sai sót vào chăng...
    :think:
     
  3. colangxxi

    colangxxi Lớp 2

    Bản dịch ấy có sát nghĩa ko bác. Em muốn kiếm bản có lời bình của Kim Thánh Thán, chán bản của cụ Á Nam dịch lắm rồi.
     
  4. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Mộng Bình Sơn dịch tốt, ổng cũng dịch Đông Chu Liệt Quốc, bác Sadec có up bộ này, văn phong thoáng dễ đọc. Quan trọng là bản gốc tiếng Trung như thế nào, như bộ Phong Thần ổng dịch là hay nhất trong các bản dịch nhưng mình phát hiện ra bản ông dịch so với bản tiếng TQ thì nhiều chỗ khác biệt (cái dự án của mình cũng phải tạm ngưng để xem lại).
    Bộ TDK diễn đàn làm ebook mình cũng đối chiếu với bản TQ đang phổ biến thì cũng có khác biệt nên quan trọng là bản gốc lắm.
     
    Đoàn Trọng thích bài này.
  5. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    TÂM CƠ LÝ ỨNG

    [​IMG]
    4. Toan tính của Lý Ứng

    Chúng ta dễ dàng nhận thấy Lý Ứng muốn gồm thâu nguyên cơ nghiệp Độc Long Cương. Nhưng với thế chân vạc ba nhà, lại thêm Chúc Hổ liên hôn thì Lý gia không cách nào thực hiện được. Để phá thế giằng co này, Lý Ứng cần một điểm đột phá. Đó chính là Lương Sơn Bạc.

    Nhưng dù thế nào đi nữa, Độc Long Cương vẫn thuộc phe triều đình, đối lập với Lương Sơn là quân thảo mãng. Lý gia không thể công nhiên nghiêng theo Lương Sơn, cũng không thể công khai chống lại Chúc gia. Thậm chí muốn tồn tại ở đất ấy, thì hễ có chiến sự nổ ra giữa họ Chúc và Lương Sơn, chắc chắn Lý Ứng phải mang quân tới hỗ trợ. Hãy nhìn ngay trong trận đầu khi Lương Sơn tấn công, một đồng minh khác là Hổ gia đã lập tức phái quân tinh nhuệ tới ứng cứu: “Hổ Tam Nương cưỡi ngựa bờm xanh, múa hai khẩu Nhật Nguyệt Đao, dẫn năm trăm trang khách, ra cứu ứng Chúc Gia Trang.” (nên nhớ Hổ Tam Nương là viên mãnh tướng số 1 của Hổ gia và trang khách tức lực lượng lính đánh thuê tinh nhuệ chứ không phải thôn dân được vũ trang.)

    Trước tình thế này, Lý Ứng đã chọn một phương cách khôn khéo: khổ nhục kế: “Chúc Bưu ngồi trên mình ngựa, cắp giáo vào một bên, rồi tay tả cầm cung, tay hữu lấy tên, quay nhắm bắn vào Lý Ứng, Lý Ứng nghe tiếng dây cung bật, liền né mình để tránh, thì bị mũi tên bắn phải cánh tay giật mình ngã ngay xuống ngựa.

    Lý Ứng là một tay võ nghệ cao cường top ten Lương Sơn, Chúc Bưu thì tài cung tiễn không có chi đặc biệt. Nếu so với đoạn thần tiễn thủ Hoa Vinh bắn Tuyên Tán: “Hoa Vinh thấy Tuyên Tán đuổi theo, bèn đeo gươm (thương) vào rồi lấy cung đặt tên, quay mình lại nhắm Tuyên Tán một phát, Tuyên án nghe tiếng cung bật, vội giơ đao lên gạt, thì mũi tên bắn vào lưỡi đao keng một cái. Hoa Vinh lấy mũi tên nữa, nhè lúc Tuyên Tán đến gần, bắn luôn một phát thứ hai vào trước bụng. Tuyên Tán né mình tránh khỏi, mũi tên bắn ra chỗ không.
    Cùng một bối cảnh bắn trước mặt chứ không phải bắn lén, thì có thể thấy Lý Ứng cố tình cho tên bắn vào tay. Bấy giờ phe Lý Ứng có 300 trang khách, bộ tướng thì Đỗ Hưng, Dương Hùng, Thạch Tú, còn Chúc Bưu chỉ đem 5, 6 chục kỵ ra ứng chiến. Mạnh yếu chênh nhau quá rõ. Lại thêm khoảng cách Chúc Bưu với Lý Ứng bấy giờ khá xa: “Chúc Bưu liền quay lại hò người ra bắt.” Nên chịu 1 tên là phương án khá an toàn. Nếu Chúc Bưu không bắn mà cứ chạy thẳng vào trang thì thế nào trên thành cũng bắn tên xuống khi Lý Ứng xông tới gần. Bài toán khổ nhục kế trăm phần khó trượt. Quả thật vết thương của Lý khá nhẹ nên về đến nhà là “nhổ mũi tên lên, cởi áo giáp ra, đem thuốc kim sang rịt vào chỗ bị thương, rồi cùng nhau bàn chuyện Chúc gia trang.”

    Sau khi đám Lương Sơn Bạc thua trận đầu, Tống Giang cùng Hoa Vinh, Dương Hùng, Thạch Tú tới vấn kế Lý Ứng, Lý từ chối, viện cớ đang đau ko gặp, cũng ko nhận lễ, thậm chí không cho bước nửa bước vào trang: “Bấy giờ Đỗ Hưng đứng trong cửa trang nom ra thấy Dương Hùng, Thạch Tú ở đó, bèn mở cổng trang, thả chiếc thuyền con đi ra để chào Tống Giang, Tống Giang xuống ngựa đáp lễ lại.” Đây chính tránh điều tiếng để tiện cho việc thâu tóm Độc Long Cương về sau. Lần gặp này khác với khi tiếp Dương Hùng, Thạch Tú trước kia. Lần đầu Dương, Thạch chưa từng lên Lương Sơn nên không tính là tiếp tay đạo tặc.

    Dấu vết tâm cơ Lý Ứng hơi hé lộ khi nói về tình hình liên kết 3 nhà: “Nhưng ngày nay Chúc Gia Trang đã sinh sự bất bình với chủ nhân tôi đây, nên thôn tôi không chịu đi cứu ứng, duy còn Hổ Gia Trang là đồng tâm hiệp lực mà thôi, Hổ Gia có một nữ tướng là Nhất Trượng Thanh Hổ Tam Nương, khiến đôi khẩu Nhật Nguyệt Đao rất tài giỏi, mà sắp gả cho con thứ ba họ Chúc nay mai. Vậy tướng quân có đánh Chúc Gia Trang thì mặt bên đông không phải đề phòng, mà phải dự bị mặt tây cho cẩn thận.” Đây là chiêu xua sói nuốt hổ mà Tào Mạnh Đức bày ra hòng khiến Lưu Bị xử Lã Bố. Ý của Lý Ứng rất rõ ràng, Chúc, Hổ liên hôn tuy 2 mà 1, đánh Chúc thì phải dẹp cả Hổ. Tiếc là ko qua mắt được trùm âm mưu Tống Giang.

    Tâm cơ này lộ rõ khi Lý Ứng hay tin Chúc gia bị phá: “Nói về Phác Thiên Bằng Lý Ứng từ khi chữa khỏi vết thương, trong mình đã hơi khỏe mạnh, liền đóng kín cửa trang không ra đến ngoài, mà ngày ngày cho người ra thăm tin tức Chúc Gia. Sau khi biết Chúc Gia đã bị Tống Giang đánh phá tan tành, thì trong bụng nghĩ thầm nửa mừng mà thêm nửa sợ.

    Có lẽ trong lòng Lý không hề muốn cuộc chiến kết thúc nhanh như vậy. Quả thực nếu ko có chiêu vô gian đạo của Tôn Lập thì ai bên còn đánh tới người chết ta sống, lưỡng bại câu thương, hẳn càng tiện cho Lý Ứng tiến lên thu thập tàn cuộc. Nhưng giờ đây Chúc gia đã bị phá, Hổ gia đã bị phá, quân Lương Sơn không hao hụt bao nhiêu, quá mạnh so với lực lượng một mình Lý gia.
     
  6. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    TÂM CƠ LÝ ỨNG

    [​IMG]
    5. Một chút về tiền tài trên Lương Sơn

    Tiền tệ mà Thủy hử thường hay nhắc tới trong truyện là bạc (lượng) và tiền (quan), thi thoảng có nhắc tới vàng. Thời Tống Huy tông, 1 lượng vàng thì ước chừng 15 quan, 1 lượng bạc ước chừng 2 quan. Giá gạo thì giao động lên xuống, nhưng đại để khoảng 1 quan tiền 1 thạch (gúc gồ, ko đảm bảo tính chính xác).
    Khi Tiều Cái nhập Lương Sơn có đem theo 1 cục 10 vạn quan tiền sinh thần cương. Và khi ngồi lên ghế trại chủ, Lương Sơn vẫn là 1 đảng cướp, sống bằng nghề cướp bóc thương nhân qua lại.
    Tên lâu la bẩm rằng: Chu Đầu Lĩnh thám được một bọn khách buôn có tới mươi người đi liên kết với nhau, chiều nay tất do qua lối này, xin báo để Đại Vương biết.
    Tiều Cái nghe báo, bảo với chúng rằng: Hiện nay ta đương cầu kim ngân tài bạc để chi dùng, vậy có ai đem người xuống cướp lấy được chăng?


    Đây là một đoạn chứa thâm ý của tác giả, xin đừng vội vàng bỏ qua. Chỉ tới khi Tống Giang lên nhập bọn Lương Sơn thì ta không thấy nhắc đến việc đánh cướp khách thương, mà bốn phía mở tửu điểm để chiêu nạp hào kiệt thiên hạ. Nếu ta để ý thì Tống Giang lên Lương Sơn hầu như với đôi bàn tay trắng. Gia sản Tống gia cũng rất bèo. Hồi 20, Tống Giang nói với Bà Tích: “Nàng phải biết tôi đây là một người rất thực, không khi nào lại nói dối ai, nếu nàng không tin, thì tôi hạn cho xin ba ngày, để tôi về bán đồ đạc nhà cửa lấy trăm lạng vàng đưa đến cho nàng.

    Vì vậy khi phá Chúc gia “Khi đó tính ra được năm mươi vạn hộc (nguyên văn thạch) lương đem về Sơn Bạc.” tính ra 50 vạn quan, gấp 5 lần đóng góp của Tiều Cái cho sơn trại. Nó minh chứng cho việc để đáp ứng việc mở rộng sơn trại, chiêu mộ hào kiệt, lâu la lên tới 10 vạn (Tống Giang nói với Đổng Bình: “Ta đây tướng mạnh ngàn người, quân hùng mười vạn,” Yến Thanh nói với Tú thái úy: “mười vạn anh em trên Lương Sơn Bạc đều được nhờ ơn lớn!”) tiền lương của sơn trại phải chuyển từ đánh cướp vặt sang làm những phi vụ lớn, như phá Độc Long Cương, đánh các thành trấn của triều đình.

    Cũng vì vậy mà phương thức quản lý tiền bạc kiểu nhỏ lẻ Tiều Cái - ngay và luôn: “giao cho mỗi thứ chia lấy một nửa đem cất vào kho, còn một nửa nữa thì chia làm hai phần, mười một vị Đầu Lĩnh lấy một phần, và một phần cho chúng chia nhau.” sẽ phải thay đổi vì số lượng nhiều gấp bội phần, nhưng phải chi dụng trong 1 thời gian rất dài mới có lần tiếp theo.

    6. Nước cờ vi diệu của Tống Giang

    Phá Chúc gia thu lấy vài năm lương thảo, Tống Giang muốn lắm, Lương Sơn Bạc cũng muốn lắm. Tiện tay thu thập Hổ gia, Lý gia, Tống Giang muốn lắm, Lương Sơn Bạc cũng muốn lắm. Nhưng cái Tống Giang khao khát hơn cả là làm sao để lật được Tiều Cái. Ta hãy xem lực lượng của Lương Sơn bấy giờ thế nào. Về văn có Ngô Dụng là kẻ bày mưu tính kế, đám Tiêu Nhượng chẳng qua lo việc thư. Còn lại tuyền hạng võ biền chỉ giỏi đánh đấm. Thiếu hẳn một loại ta vẫn gọi là nhân tài quản lý. Tình cờ Lý Ứng là dòng thế gia, lại thêm Đỗ Hưng rành việc tổng quản, chính là nên trọng dụng. Đó là về lý.

    Về tình, Lương Sơn Bạc vừa sung công tất cả tài sản thu được từ Lý gia, nếu không để Lý Ứng đứng ra lo việc quản lý thì Lý còn bụng dạ nào lo việc sơn trại. Thế nên Lý Ứng, Đỗ Hưng, Tưởng Kính lập tức được giao việc “coi sóc tiền lương của cải trong sơn trại”. Việc bố trí này có 1 điểm khá đặc biệt: hoàn toàn ko do Tiều Cái phân công mà do “Ngô Dụng cùng Tống Giang bàn định cẩn thận, rồi đến hôm sau họp các Đầu Lĩnh, để chia cắt chức việc...

    Có thể thấy việc phân chia này là dư uy của Tống Giang sau khi phá xong Độc Long Cương, công của Tống nên Tiều Cái không có chỗ để ra mặt. Thế nên Tống Giang dựng lên một chức vụ “coi sóc tiền lương của cải” tức kế toán trưởng và xếp Lý Ứng vào đó, ân uy đều đủ cả, Lý Ứng trở thành đồng minh của Tống Giang, đối trọng với ông chủ sơn trại Tiều Cái. Đây có thể coi là cuộc chiến giữa liên minh Phó giám đốc + Kế toán trưởng chống lại Giám đốc. Câu hỏi đặt ra là tại sao Tống Giang không trực tiếp an bài một chân thân tín của mình vào ghế đó? Thứ nhất: Lương Sơn ko sẵn người địa vị cao có nghiệp vụ tổng quản, nếu cắt cử đám Tưởng Kính, Tiêu Nhượng thì uy vọng thấp không phục chúng. Thứ 2: Tiều Cái còn lù lù ở đó, nếu đặt một người mang dấu ấn họ Tống thì ko dễ che mắt được Tiều Cái. Dẫu sao thì Tiều trên danh nghĩa vẫn là chủ doanh trại, lực lượng trung kiên có mà lực lượng trung lập dễ nghiêng ngả theo Tiều cũng có. Do vậy đưa một Lý Ứng mới nhập bọn, có nghiệp vụ, chưa bị gắn phe phái, vào vị trí quan trọng đó là một nước cờ hợp lý. Dẫu sao vẫn còn đó một Tưởng Kính giám sát sau lưng, không lo Lý Ứng trở cờ. Tiếp theo là làm sao để cột chặt Lý Ứng vào phe của mình. Ta sẽ thấy ngay đây.

    Song song với việc có 1 vị trí béo bở, Lý Ứng còn được Tống Giang đảm bảo cho việc không phải tham gia những điểm nóng chiến trận.

    Khi đánh Hoa Châu thì: “Hậu quân có Lý Ứng, Dương Hùng, Thạch Tú, Lý Tuấn, Trương Thuận, năm vị Đầu Lĩnh dẫn năm nghìn quân mã bộ, coi đốc lương thảo đi sau.
    Khi đánh Quan Thắng thì: “đường thủy thì Lý Ứng, Trương Hoành, Trương Thuận, và ba anh em họ Nguyễn đem thuyền ra tiếp ứng.
    Khi đánh Liêu thì được “ở lại giúp Triệu khu mật đóng giữ thành Đàn Châu.
    Khi đánh Điền Hổ thì “Bèn truyền lệnh cho Sài Tiến cùng Lý Ứng đến trấnthủ huyện thành Lăng Xuyên thay cho bọn Hoa Vinh, sáu tướng về Cao Bình chờ lệnh
    Đánh Vương Khánh thì “Toàn bộ lương thảo đều chất cả ở chân núi phía nam, giao cho Lý Ứng, Sài Tiến chỉ huy năm nghìn quân canh giữ.
    Đánh Phương Lạp thì toàn thị lĩnh quân yểm trợ các nơi, chưa từng thấy phải dẫn quân xông lên tiền tuyến.
    Nhưng công lao thì không bao giờ thiếu phần, ví như sau khi Quan Thắng bị bắt thì chàng được phân đánh thốc vào... trại trống: “Còn ở trại Quan Thắng, thì có Lý Ứng dẫn quân đến cướp, cứu đám Trương Hoành, Nguyễn Tiểu Thất cùng đám thủy quân bị bắt, rồi lấy hết lương thảo lừa ngựa, vỗ yên quân chúng mà về.

    Bánh ít trao đi có thể nói là khá đầy đủ rồi, nên Lý Ứng hùa theo phe Tống Giang là điều dễ hiểu. Ta thấy thái độ của Lý Ứng rất nhu thuận, không có bất kỳ điều gì phản kháng lại. Nhưng Lý Ứng có phải tâm phúc của Tống Giang hay ko? Chắc chắn là không. Lý Ứng chỉ là đồng minh của Tống Giang trong việc soán đoạt quyền vị của Tiều Cái. Còn tới khi Tiều Cái vừa chết, chức vụ Kế toán trưởng bị cắt cái rụp. Tống Giang cơ cấu lại Lương Sơn, chia làm 6 trại, Lý Ứng vẫn được trọng dụng chứ chưa hoàn toàn bị vứt bỏ: “Tiểu trại thứ nhất Lý Ứng, thứ nhì Từ Ninh, thứ ba Lỗ Trí Thâm, thứ tư Võ Tòng, thứ năm Dương Chí, thứ sáu Mã Lân, thứ bảy Thi Ân.

    Như vậy từ nhân vật số 5 của Lương Sơn (dưới Tiều, Tống, Ngô, Công Tôn) và trên những người còn lại, Lý Ứng tụt xuống ngang hàng với Lâm Xung, Hô Diên Chước, Sài Tiến, Lý Tuấn. Việc quản lương tiền do Tưởng Kính độc giữ “Tưởng Kính coi việc tính toán tiền nong”. Tưởng Kính là một tiểu đầu lĩnh, bảo sao nghe vậy, lại cũng là người của Tống Giang, sau khi hạ Vô Vi quân, trên đường trở về Lương Sơn, ngang qua Hoàng Môn Sơn, có 4 anh em Âu Bằng, Tưởng Kính, Mã Lân, Đào Tôn Vượng vì mộ danh Tống Giang mà xin nhập bọn. Xét tình hình sơn trại bấy giờ, Tống Giang độc lĩnh vị trí số 1, vai trò đồng minh của Lý Ứng không còn cần thiết ở thời điểm đó nữa.

    Lý Ứng trở lại quản tiền lương khi nào? Xin thưa ấy là khi sơn trại lại tòi ra 1 anh phó trại chủ Lư Tuấn Nghĩa. Không ngoại trừ khả năng giám đốc Tống lại một lần nữa đưa đồng minh tin cậy của mình trở lại làm Kế toán trưởng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/5/19
    colangxxi thích bài này.
  7. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    [​IMG]

    Trong cái hình này, bên trên ghi là Phác thiên điêu với chữ 'điêu' 鵰 là con chim kền kền. Còn chữ 'điêu' 雕 bên dưới mới là con diều hâu. Nhưng bây giờ hình như dùng chung hết mặc dù 2 con này khác nhau.
    Nếu tâm cơ Lý Ứng đúng như phân tích thì dùng chữ 'điêu' 鵰 là con chim kền kền có lẽ đúng hơn.
     
    Caruri Tlkd thích bài này.
  8. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Thật ra tác giả loạt bài này không chú thích "điêu" là con kền kền hay diều hâu, đấy là tôi tự thêm vào, để tôi bỏ đi :D

    Theo tôi thì tên hiệu phải hay ho, kêu kêu một chút, dù người đời đặt cho hay họ tự xưng thì cũng là có sự đồng ý của người mang tên hiệu đó; như "tướng đánh hổ" hay "Bá Vương nhỏ", "Ôn Hầu nhỏ"... mặc dù võ nghệ những người đó cũng loàng xoàng, chẳng bằng Hạng Vũ hay Lã Bố. Vì vậy tên hiệu là "kền kền" (ăn xác thối) thì nghe nó có vẻ hèn hạ, không oai bằng "diều hâu".
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/5/19
    quang3456 thích bài này.
  9. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Mấy bản cũ và các tranh cũ nó dùng 鵰, nhưng mấy bản mới thì nó chuyển sang 雕 luôn rồi. Chắc kên kên đi ăn xác chết thì thấy thô bỉ quá.
    :D
     
    quang3456 thích bài này.
  10. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Tinh giản bộ máy...

    Trong 108 người thì ai đọc truyện cũng sẽ thấy có những người rất thừa thải, giống như có mặt chỉ để cho đủ số 108. Vậy thì nếu cần phải cắt giảm thì có thể bỏ được ai? Mời mọi người góp ý kiến.

    Đầu tiên mình đề cử thằng Lý Quỳ.
    Đây là thằng thừa thải và khốn nạn nhất, đúng kiểu đầu óc ngu si tứ chi phát triển, chỉ biết làm theo chỉ dẫn của người khác (con nít cũng giết mà không thèm nghĩ). Thằng này đi đâu cũng phải có người kèm cặp nếu không sẽ gây chuyện, giết và đánh người ngẫu hứng vô tội vạ, không biết kềm chế, đụng đâu hư đó, đến mức rước mẹ báo hiếu mà mẹ nó cũng chết (chắc quả báo đây mà). LSB tung hô khẩu hiệu Thế Thiên Hành Đạo mà dân chúng lại sợ thằng này như sợ quỷ thì đủ thấy độ khốn nạn của nó như thế nào. Nói chung là không có nó thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới đám còn lại.
    :D
     
    Ktc_nt thích bài này.
  11. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Tinh giản bộ máy tiếp theo....

    Nhân vật kế tiếp có thể cho đi khỏi là thằng em của Tống Giang tức là Tống Thanh.
    Thằng này rõ ràng ăn ké thằng anh là đại ca chứ tài năng thì chẳng có gì, từ đầu tới cuối chẳng thấy làm gì. Từ khi nhập bọn chắc chỉ mỗi việc bưng bê cơm trà cho thằng anh và chăm lo cho ông già.
    :D
     
  12. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Tinh giản bộ máy tiếp theo...

    Có lẽ nên đuổi cổ anh Bạch Thắng.
    Từ hồi cướp lễ vật ở Hoàng Nê Cương anh này có góp được cái công là đi bán rượu để dụ anh Dương Chí. Còn lại sau này khi lên Lương Sơn thì cũng chẳng có thành tích gì nổi bật. Đám Lương Sơn chỉ là thảo khấu trộm cướp càng đông càng tốn cơm, phải đi cướp lương gây mất trật tự trị an, bớt được đứa nào hay đứa nấy.
    :rolleyes:
     
  13. colangxxi

    colangxxi Lớp 2

    Đới Tung em nghĩ cũng nên cho nghỉ. Anh ta chẳng có gì ngoài tài chạy marathon. Sự xuất hiện của Đới Tung trong đoạn sau là cực kì mờ nhạt.
     
  14. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Anh này thật ra vẫn có ích, lúc cần gấp thì vẫn hữu dụng như truyền tin, tìm người, nhất là truyền tin mật vì hắn vốn rất trung thành với Tống Giang.
    Đám ngũ hổ và bát kỵ thì không tìm ra ai cho đi nghỉ được cả, toàn là dũng tướng và có tài để sử dụng được.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/5/19
  15. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Tinh giản bộ máy tiếp theo...

    Người này bảo đảm mọi người sẽ ngạc nhiên, nhưng đây chỉ là ý kiến riêng của mình thôi.

    Đó là anh Lư Tuấn Nghĩa.
    Như đã phân tích về mức độ và thành tích nổi tiếng của anh này ở trên, rõ ràng không cần anh này cũng chẳng sao cả. Xét về bè phái thì dù sau này khi đã quy thuận triều đình, LSB đã lục đục trong nội bộ thì vẫn còn nhiều người theo phe Tống Giang. Để cầm quân chỉ huy tạm thay Tống Giang trường hợp TG bị bệnh hay phải chia quân đánh nhiều nơi thì rõ ràng trong ngũ hổ tướng vẫn có Quan Thắng và Hô Diên Chước là dòng dõi danh tướng, có uy tín để tạm quyền chỉ huy. Anh Giang luôn có thằng Dụng ủng hộ, lại có cuốn thiên thư nên rõ ràng Nghĩa tuy mang tiếng phó chủ, đứng thứ 2, có riêng lá cờ nickname nhưng có cho về hưu non thì cũng chẳng ảnh hưởng gì lớn.
    :D
     
  16. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Bạch Thắng là tay tệ nhất, Kim Thánh Thán xếp vào loại hạ đẳng, tệ bởi bị đánh đau nên khai ra đồng bọn tuốt tuột, nghĩa là không giữ được nghĩa khí giang hồ. Lại còn đam mê cờ bạc, cũng chỉ là một loại du thủ du thực. Ngay cái biệt hiệu "Bạch nhật thử" (Con chuột ngày) đã thấy hèn, vì chuột ngày thì nem nép lẩn lút chứ không đàng hoàng.

    Thời Thiên tuy ăn trộm, bị Tiều Cái coi là hèn hạ nhưng còn hữu ích ở chỗ đi do thám, lấy trộm đồ vật, còn Bạch Thắng không có tài năng gì cả.

    Tống Thanh đúng kiểu nhất thân nhì quen. Nhập bọn cuối cùng được cái chức lo việc tổ chức tiệc tùng, hay nôm na là trưởng ban nhậu nhẹt. Tài không có mà chức khỏe khoắn thế thì ai chẳng muốn.

    Lý Quỳ xem ra còn hữu dụng đánh đấm xung trận cho lên hàng đầu làm tiên phong, dù hữu dũng vô mưu nhưng có cái sức khỏe, chứ hai anh trên đúng chuẩn loại khỏi hàng ngũ.
     
  17. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Thật ra Lý Quỳ khỏe nhưng do thân với Tống Giang chứ cần khỏe để tiên phong thì không thiếu người đâu.
    Lý Quý cậy khỏe mà ngu nên có trận lao ra ăn mũi tên ngay chân té lăn lính phải chạy ra cứu. Có Lưu Đường hay Lôi Hoành là đầu lĩnh bộ binh thay vào được, anh Lưu Đường thấy vậy chứ đánh nhau cũng ngon, chính Ngô Dụng cũng thấy Lưu Đường có phần nhỉnh hơn Lôi Hoành.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/5/19
  18. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Tinh giản bộ máy tiếp theo...

    Chắc cái anh có nick Bách Thắng Tướng là người kế tiếp nên giải nghệ.
    Anh Hàn Thao này nick nghe oách lắm mà đánh đấm chán không thể tả, 10 trận thấy thua hết 7-8 rồi. Chả hiểu lấy cái nick ở đâu ra mà bôi bác quá.

    Kế tiếp là 2 anh: Thánh Thủy Tướng Quân Đan Đình Khuê và Thần Hỏa Tướng Quân Ngụy Định Quốc. Hai anh này đứng cặp đẹp đôi lắm.
    Một anh là nước, tưởng chừng đánh thủy chiến giỏi nhưng cũng chẳng nổi bật gì, đám anh em họ Nguyễn, Lý Tuấn, Trương Hoành, Trương Thuận xem ra gánh thủy quân tốt chán.
    Một anh là lửa, tưởng chừng cũng chơi hỏa công ngon lành nhưng cũng lẹt đẹt. Đã hỏa công mà còn bắn pháo thì đã có anh Oanh Thiên Lôi Lăng Chấn, úm ba la thêm khói lửa thì anh Công Tôn Thắng cũng làm được.
    Thôi thì bớt tiền lương 2 anh này nữa cũng tạm ổn.
    :D
     
  19. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Anh này không phải là đánh thủy chiến mà phun nước trên cạn, đại khái như lính cứu hỏa thời nay, mang vòi rồng ra xịt nước vào địch. Trong chưởng của cụ Kim Dung có đội Hắc Thủy phun nước độc, nước dính đến da thịt thì thịt rữa ra, chứ không hiểu nước anh Đan này mà không có độc thì xịt nước gây tổn hại gì cho quân địch?
     
  20. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Truyện nó tả như vậy
    Không phải phun nước mà là kiểu như chặn sông lấp suối rồi chơi trò xả lũ dìm nước kẻ thù hay đào hào dẫn nước ngập thành thì hợp lý hơn.
     
Moderators: amylee
: Thủy hử

Chia sẻ trang này