Hiện thực Me Tư Hồng - Nguyễn Ngọc Tiến

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi nguyenthanh-cuibap, 10/2/18.

Moderators: Bọ Cạp
  1. nguyenthanh-cuibap

    nguyenthanh-cuibap Cử nhân

    ME TƯ HỒNG
    Tác giả: Nguyễn Ngọc Tiến
    Chuyển text: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Ebook: Cuibap
    [​IMG]
    Cô Tư Hồng là người nổi danh khắp xứ An Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX vì trúng thầu phá tường thành Hà Nội năm 1894. Thành do vua Gia Long xây dựng đầu thế kỷ XIX với diện tích nhỏ hơn trên khu vực Hoàng thành thời Hậu Lê và các triều đại trước đó. Cô Tư Hồng cũng nổi danh về tài buôn bán, làm từ thiện, lấy chồng Tàu, chồng Tây. Tên cô Tư Hồng do dân gian đặt, có lẽ là tên ghép giữa Hồng và Tư, bởi sau khi chia tay với người chồng gốc Quảng Đông tên Hồng, cô lên Hà Nội lấy Laglan, một quan tư hậu cần người Pháp. Thời Pháp thuộc, người Việt Nam dùng cụm từ “me Tây” chỉ phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Pháp, cụm từ này vẫn còn được sử dụng đến trước năm 1975 qua hai chữ “me Mỹ”.
    Dựa trên các trang tư liệu, giai thoại dân gian về cuộc đời của người đàn bà có tính cách mạnh mẽ, quyết liệt nhưng cũng nữ tính, nhiều tờ báo trước năm 1954 đã khai thác các khía cạnh khác nhau với những góc nhìn khác nhau, đôi khi đối nghịch. Năm 1944, báo Trung Bắc chủ nhật đăng dài kỳ tiểu thuyết Cô Tư Hồng của nhà văn Hồng Phong (bút danh của nhà báo - nhà văn Đào Trinh Nhất (1900-1951)). Năm 1952, Nhà xuất bản Yên Sơn tập hợp lại rồi in thành sách. Năm 1990, một nhà xuất bản ở phía Nam tái bản tiểu thuyết này. Sau năm 1954, nhiều cuốn sách viết về Hà Nội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cũng dành nhiều trang kể lại cuộc đời cô Tư Hồng như: Bóng nước Hồ Gươm (tiểu thuyết lịch sử 2 tập, Nxb. Văn học, 1967) của nhà Nho, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn Chu Thiên, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX (Tư liệu và ghi chép, Nxb. Hà Nội 1993) của nhà nghiên cứu Nguyễn văn Uẩn, Chuyện kể bên dòng sông Tô (Nxb. Quân đội nhân dân, 2010) của Viên Mai Nguyễn Công Chí... Không chỉ sách báo trong nước, một số người Pháp sống ở Hà Nội cuối thế kỷ XIX, cũng đã viết về người đàn bà trúng thầu - cô Tư Hồng. Hiện ở Hà Nội vẫn tồn tại những công trình liên quan đến cô Tư Hồng như trường Puginier, nay là trường PTTH Việt-Đức, dãy nhà xây cho thuê ở phố Quán Sứ, ghế đá trước số nhà 16 phố Lê Thái Tổ cô Tư Hồng phá thành cho mang ra đấy...
    Các trang tư liệu về cuộc đời người đàn bà này có nhiều điểm chung, cô Tư Hồng tên thật là Trần thị Lan, sinh năm 1868. Tuy nhiên quê quán thì có tài liệu ghi là làng Bình Thị, huyện Vụ Bản tỉnh Hà Nội (nay thuộc tỉnh Nam Định), có tài liệu ghi cô quê ở Phủ Lý (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Thân sinh cô Tư Hồng có tài liệu ghi nhà Nho, song có tài liệu ghi là ông phó cối...
    Khi tìm kiếm tư liệu, tôi cũng phát hiện ra nhiều chi tiết mà các cuốn sách đã xuất bản không nhắc đến như: Cô Tư Hồng là người đầu tiên mở công ty ở xứ Bắc Kỳ, cô cũng là người Việt Nam đầu tiên ở Hà Nội mắc điện thoại tại nhà riêng. Cô Tư Hồng mưu mẹo trong kinh doanh, biết tận dụng lao động nông thôn để giành được hợp đồng phá tường thành Hà Nội. Tính cách liều lĩnh, mưu mẹo hòa trộn với yếu đuối, nhân ái đã làm nên một cô Tư Hồng. Tôi cố gắng tìm một tấm ảnh chân dung cô nhưng không có kết quả, tấm ảnh in trong Cô Tư Hồng của nhà văn Hồng Phong chỉ là ảnh minh họa. Cho đến nay cuộc đời người đàn bà này vẫn còn nhiều điều bí ẩn, không biết cô chết năm nào, mộ chôn ở đâu... Rất tình cờ, cho đến lúc cuốn sách này chuẩn bị được in, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc đã cung cấp một bức ảnh tư liệu chưa từng công bố - ảnh cô Tư Hồng, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Albert Kahn (Paris, Pháp) nằm trong bộ ảnh màu được tổ chức chụp tại Việt Nam thời gian 1915-1918. Ông Dương Trung Quốc xác nhận bức ảnh lấy trực tiếp từ Bảo tàng này với lời chú giải rõ ràng là chân dung Cô Tư Hồng tại ngôi nhà cạnh ngõ Hội Vũ bây giờ. Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc và xin được in ở bìa sau cuốn sách này để người đọc có thêm hình dung về một nhân vật lịch sử và khung cảnh kiến trúc thời đó.
    Tiểu thuyết Me Tư Hồng dựa theo cuộc đời của cô Tư Hồng. Vì là tác phẩm văn học nên tôi không thể không thêm bớt, hư cấu để cuốn sách có hình dáng “tiểu thuyết chân dung”. Tuy nhiên cùng với nhân vật cô Tư Hồng, rất nhiều nhân vật khác trong tiểu thuyết là những người có thật. Bên cạnh đó hoàn cảnh lịch sử trong tiểu thuyết, địa danh, thời gian xảy ra sự kiện... cũng đã được ghi trong chính sử và dã sử, vì vậy có thể gọi Me Tư Hồng là tiểu thuyết tư liệu cũng không sai. Me Tư Hồng có thể làm bạn đọc nào đó chưa vừa lòng thì thiết nghĩ, đây là một cố gắng nhìn lại con người và xã hội cách chúng ta đã hơn một thế kỷ.
    Dù tên Việt Nam do vua Minh Mạng đặt năm 1831 nhưng sau này trong các văn bản, hiệp ước, nhà nước Pháp và chính phủ bảo hộ đều sử dụng tên An Nam, vì thế tôi cũng sử dụng cho phù hợp với giai đoạn này. Mong bạn đọc thông cảm và lượng thứ vì dùng tên An Nam là gợi lại nỗi đau.
    Tác giả
    [​IMG]
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 12/2/18
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này