Tác giả Nguiễn Ngu Í : Tác phẩm

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi Uillean, 23/1/22.

Moderators: Bọ Cạp
  1. Uillean

    Uillean Banned

    Tác gia Nguiễn Ngu Í nguyên danh Nguyễn Hữu Ngư, sinh ngày 20 tháng 04 năm 1921 tại hương Tam-tân, quận Hàm-tân, tỉnh Bình-thuận, Trung-kỳ (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Ông còn có các bút danh Nguiễn Hữu Ngư, Trịnh Nguiên, Tân Fong Hiệb, Fạm Hoàn Mĩ, Trần Hồng Hưng, Lưu Nguiễn, Đ.T.T., Ngê Bá Lí, Ngư Fi Lô Cố.

    Cha ông là sĩ đại phu Nguyễn Hữu Hoàn người Hà Tĩnh, vì thất thế trong phong trào chống sưu thuế Nam Ngãi nên phải trốn vào Bình Thuận, rồi cưới bà Nghê Thị Mỹ cũng là con nhà sĩ nhân.

    Từ năm 7 tuổi, Nguyễn Hữu Ngư đã xa nhà vào Sài Gòn học, rồi đỗ trường Pétrus Ký. Năm 1941, ông học lên trường Sư-phạm, nhưng phát bệnh tâm thần phải vô nhà thương chữa, bèn nghỉ học. Kể từ năm 1942, ông gia nhập giới văn bút.

    Khoảng năm 1946, Nguyễn Hữu Ngư cũng được gọi ra Hà Nội làm việc với đàn anh Lưu Hữu Phước, nhưng bệnh cũ tái phát phải xin về quê. Nên từ lúc này ông chỉ dạy học và sáng tác.

    Tựu trung, các thập niên 1950-60 là giai đoạn sung sức nhất trong đời văn bút Nguyễn Hữu Ngư. Ông dọn cho mình một phong cách khác biệt nhất so với các bạn văn cùng thời, đặc biệt trong lúc họ phải vất vả "chọn phe" trong văn đàn Việt Nam Cộng Hòa sau Hiệp-định Genève*. Ông đồng thời cũng tham gia Trung-tâm Văn-bút Việt-nam.

    Ông tạ thế ngày 18 tháng 02 năm 1979, sau chừng 2 năm điều trị bịnh tâm thần tái phát.

    Lịch sử Việt Nam (Tân Việt, 1956)
    Khi người chết có mặt (Ngày Xanh, 1962)
    Sống và chết với... (Bách Khoa, 1966)
    Hồ Thơm - Nguyễn Huệ - Quang Trung (Về Nguồn, 1967)
    Qê hương (1969)
    Thơ điên (1970)
    Hạnh phúc nơi chính bạn (tiểu luận, 1970)
    Suối bùn reo (hay 15 câu chuyện phụ nữ, phiếm luận, Trí Đăng, 1970)
    Có những bài thơ I (do các bác sĩ ở Dưỡng trí viện Biên Hòa in, 1972)


    ⁂​

    [*] Theo bà Thụy Khuê, thập niên 1950, có sự đối trọng kịch liệt chủ yếu giữa nhóm tác gia gốc Nam Kỳ với lớp văn bút mới ở Bắc di cư vào. Mà thường vì lớp người bản xứ cảm thấy như bị đàn anh chèn ép.

    [​IMG]

    Giáo sư Trần Văn Khê : "Anh Ngư viết văn Pháp rất hay, nhưng anh yêu tiếng Việt, anh lại muốn cho người Việt ai cũng đọc được sách báo nên tham gia rất tích cực phong trào xoá nạn mù chữ. Nguiễn Ngu Í còn sáng tạo ra cách viết chữ quốc ngữ sao cho hợp lý hơn".

    Nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê : "Anh căm phẫn xã hội, căm phẫn thời đại, căm phẫn mọi người. Anh có nhiều lý tưởng, nuôi nhiều mộng cao đẹp mà gặp toàn những điều bất như ý, cứ phải cố nén xuống và sức nén càng mạnh thì sức bùng ra cũng càng mạnh... Ông là một cuộc đời đau khổ nhất và cũng đặc biệt nhất trong giới văn nghệ sĩ hiện đại".

    Văn sĩ Sơn Nam : Nguiễn Ngu Í là một nhà văn nổi tiếng yêu nghề và yêu nước, luôn xót xa vì chuyện đất nước chia đôi. Dường như cả một đời dạy học và hoạt động báo chí ở Sài Gòn, Nguiễn Ngu Í lúc nào cũng trong trạng thái nửa tĩnh nửa điên.

    Thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc (cháu gọi ông bằng cậu) : "Thơ của ông có thể người ta thích, có thể người ta không thích. Nhưng đọc thơ ông bao giờ cũng có cảm giác rờn rợn. Ông làm thơ rất nhanh, thơ như túa ra, ứa ra, nhiều bài sần sùi ; đọc cứ nghe ấm ách nhưng có bài đọc mượt như nhung. Đọc thơ ông mà hiểu ông thì thấy thương, thương một con người có chí, có lòng mà không đạt được những ước nguyện. Rồi thôi, rồi thành tro bụi như hai câu thơ ông viết sẵn cho đời mình : Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi / Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi !".

    Từ điển văn học (bộ mới) : "Nguiễn Ngu Í không có những tác phẩm quan trọng, nhưng cả cuộc đời ông là một tác phẩm "kỳ dị" pha trộn lòng yêu nước với chữ nghĩa. Tư tưởng cách tân chữ viết đi đôi với ý chí giải phóng dân tộc ra khỏi cảnh dốt nát, nghèo đói, áp bức của người dân bị trị, ra khỏi cuộc chiến tàn khốc, ra khỏi những bất công của xã hội mà tiền bạc, tham nhũng, phản bội, lừa lọc là những yếu tố chủ đạo. Suốt đời xông vào cuộc đấu tranh đó với một ý chí quyết liệt của "người hùng", nhưng tất cả đều vô hiệu, không ai nghe".
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/1/22
  2. Uillean

    Uillean Banned

    TIỂU-SỬ NGUYỄN-HỮU-NGƯ
    bút-hiệu Nguiễn-Ngu-Í – Ngê-Bá-Lí – Tân-Fong-Hiệb

    Sanh ngày 20-4-1921 tại làng Tam-tân huyện Hàm-tân tỉnh Bình-thuận, cha là Nguyễn Hữu Hoàn, vốn người Hà-tĩnh. Thất bại trong phong trào chống sưu thuế ở Nam-Ngãi, vô Nam-Trung lập gia đình ở một làng chậm tiến, dạy học và gieo mầm dân chủ dân tộc và mở mang dân trí. Mẹ là Nghê thị Mỹ người Tam-Tân, thuộc một gia đình trung lưu thấm nhuần Nho giáo.

    Học trường Trung học Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký), được thầy Việt văn là Phạm Thiều khuyến khích và nâng đỡ, sau đó được người đàn anh là Trúc Hà chỉ dẫn thêm. Lúc học, kết thân với Trần văn Khê và sau đó với Nguyễn mỹ Ca, Lưu hữu Phước, Huỳnh văn Tiểng, Mai văn Bộ, Nguyễn văn Trung (Yã Hạc).

    Phụ với các bạn sinh viên trong việc truyền bá những bài hát lịch sử và thanh niên của Lưu Hữu Phước, phong trào truyền bá vệ sinh và tân y học, phong trào học sinh và phong trào thanh niên (1941-1945):

    Cộng tác với Nam kỳ tuần báo của cụ Hồ Biểu Chánh (1942) rồi làm phụ tá thư kí tòa soạn kiêm thầy cò tuần báo “Thanh niên” do Huỳnh Tấn Phát rồi Mai văn Bộ điều khiển (1943-1944).

    Dự vào cuộc thành lập hội truyền bá quốc ngữ Nam kỳ (phó thư ký) và thời chớm nở của Thanh niên tiền phong.

    Tháng tám năm 1945, làm tổng thư kí đầu tiên của Ủy ban Nhân dân cách mạng xã nhà, bị cách chức và an trí.

    Năm 1946, ở trong Ủy ban ủng hộ kháng chiến Phú-Yên, dẫn dắt tiểu đội thiếu sinh diễn kịch và hô hào cêu gọi đồng bào ủng hộ kháng chiến ở vùng La-hai. Rồi ra Hà-nội, giúp việc ở phòng Thiếu nhi toàn quốc, do Lưu Hữu Phước phụ trách.

    Cuối năm 1946, giúp việc ở đài phát thanh Tiếng nói miền Nam nước Việt nam, tại chiến khu Tây-sơn ở Quảng Ngãi do Nguyễn văn Nguyễn và Huỳnh văn Tiểng điều khiển.

    Ở trong bạn soạn sách nhi đồng (với Phan Huỳnh Điểu) của nhà xuất bản và nhà sách Hoa-niên, do Nguyễn Biên sáng lập với Trần Hoàng, Vũ Bão, Bùi Đặng Hà Phan...

    Bị an trí 2 lần vì tội “hành động, nói năng có phương hại đến cuộc Kháng chiến" (1947-1950).

    1952, cùng vợ hồi cư về Sài-gòn, dạy học tư ở các trường LÊ BÁ CANG, TÂN DÂN, LÊ VĂN HAI, CẤP TIẾN, TÂN THỊNH (Sài-gòn), TÂN PHƯƠNG (Gia-Định), TRƯƠNG VĂN TRÁNG (Cần Đước), MINH ĐỨC (Trảng Bàng), J. J. ROUSSEAU, SAINT-EXUPÉRY, rồi MINH HƯNG, NGUYỄN CÔNG TRỨ, phụ trách các môn Việt, Hán, Sử-Địa, Pháp-văn và Công-dân.

    Biên tập viên nhật báo Phương Đông (Hồ Hữu Tường chủ nhiệm, Lê văn Siêu chủ bút), phụ trách mục “gia đình văn nghệ”.

    Bị bắt cuối năm 1955 cùng một số anh chị em, và bị an trí ở trại cải huấn Tân Hiệp, Biên Hòa.

    Viết báo chuyên về các nhân vật phi thường của dân tộc, như Hồ Qúy Lý, Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... và về phỏng vấn giáo dục thanh niên, nhất là về văn nghệ (văn, học, nhạc) cho tạp chí BÁCH KHOA từ ngày thành lập (1957) cho đến nay (1969) (lúc in tập sách QÊ HƯƠNG).

    Đã xuất bản ba quyển sách đề cao tình nghĩa vợ chồng, tình dân tộc: “KHI NGƯỜI CHẾT CÓ MẶT” (tiểu thuyết, 1962), “SỐNG VÀ VIẾT VỚI…” (đàm luận và phỏng vấn, 1966), “HỒ THƠM, NGUYỄN HUỆ - QUANG TRUNG” hay “GIẤC MỘNG LỚN CHƯA THÀNH” (biên khảo, 1967). Sách giáo khoa: “LỊCH SỬ VIỆT NAM LỚP ĐỆ THẤT” kí Fạm Hoàn Mĩ, Le français par la radio (với Pierre Vieillard).

    Ở trong các hội KHUYẾN HỌC NAM VIỆT, HỘI TRUNG-VIỆT ÁI HỮU, HỘI CỰU HỌC SINH TRƯỜNG TRƯƠNG VĨNH KÝ, TRUNG TÂM VĂN BÚT VIỆT-NAM, HỘI THÂN HỮU QUẢNG-NGÃI, HỘI KÝ GIẢ ÁI HỮU VN, HỘI BẠN NHỮNG NGƯỜI BỊNH TÂM TRÍ.

    Sáng lập và chủ trương bốn nhà xuất bản :

    NGÈI XANH (Nguiễn Ngu Í)
    VỀ NGUỒN (Fạm Hoàn Mĩ)
    NÚI CÚ HÒN BÀ (Ngê Bá Lí)
    KI-GOB-JÓ-CÌ... (Tân-Fong-Hiệb)

    (Trích “…QÊ HƯƠNG…”, 1969)
     
    Chỉnh sửa cuối: 26/1/22
    nguyentragiang thích bài này.
  3. Uillean

    Uillean Banned

    LỄ PHÁT GIẢI VĂN CHƯƠNG TOÀN QUỐC NĂM 1960-1

    [​IMG]

    Năm nay Ban tổ chức lễ đã cố ý chọn ngày giỗ của tác giả Truyện Kiều làm ngày phát giải : ngày mùng mười tháng tám âm lịch, nhằm ngày thứ Bẩy 8 tháng 9 dương lịch, lúc 10 giờ.

    Đến dự, ngoài quan khách ngoại quốc và trong nước còn văn nhân, ký giả đô thành, Hội đồng Tuyển trạch và các nhà văn trúng giải (nữ sĩ Nguyễn thị Vinh đại diện cho Linh Bảo). Ông Bộ trưởng Đặc nhiệm Văn hóa và Xã hội (Trương Công Cừu) chủ tọa buổi lễ.

    Ông Phan văn Tạo, Tổng Giám Đốc Thông Tin khai mạc cuộc lễ cho biết năm nay cơ quan tổ chức có sáng kiến gửi phiếu trưng cầu ý kiến đến khắp các văn gia và nghệ sĩ trong toàn quốc để thành lập một Hội đồng Tuyển trạch giải Văn chương, trong đó hầu như các khuynh hướng văn học đều được đại diện.

    Sau hết ông đặt nhiều hy vọng ở nhiều cố gắng mới, "cố gắng sáng tạo về phía văn giới cũng như cố gắng khuyến khích về phía nhân dân, tất cả những cố gắng đó sẽ đưa tới những tác phẩm xứng đáng với tầm thước của cuộc chiến đấu mà chúng ta đang theo đuổi, xứng đáng với truyền thống của văn hóa dân tộc".

    Tiếp lời ông Phan văn Tạo, ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Chủ tịch Hội đồng Tuyển trạch Giải thưởng Văn Chương Toàn quốc, nhấn mạnh về sự đề cử và bầu Hội đồng Giám khảo năm nay cùng ý nhĩa của sự đổi tên thành Hội đồng Tuyển trạch.

    Sau đó ông nêu lên tiêu chuẩn lựa chọn của Hội đồng, thâu tóm trong hai chữ Văn chương (có nghĩa là ý hay lời đẹp) và theo ông : “Tác phẩm được chọn sẽ là phản ảnh của một nền văn hóa tự do, nghĩa là không bị bó buộc ở trong khuôn khổ của một hệ thống tư tưởng, hay phải theo một khuynh hướng văn nghệ hay chính trị nào cả”.

    Sau cùng ông tuyên bố, sau 5 tháng lảm việc của Hội đồng, kết quả như sau :

    Về bộ môn khảo luận : Giải nhất và độc nhất - quyển “Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị” của ông Lê Ngọc Trụ.

    Về bộ môn Tiểu thuyết : Giải nhất - quyển "Thềm Hoang" của nhà văn Nhật Tiến, Giải nhì đồng hạng - quyển “Tàu Ngựa Cũ” của nhà văn Linh Bảo“Gìn Vàng Giữ Ngọc” của nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

    Về bộ môn Thơ : Giải nhất - quyển “Đường Vào Tình Sử” của Đinh Hùng, Giải nhì - quyển “Hy vọng” của Hoàng Bảo Việt . Giải ba đồng hạng - “Tổ Ấm” của Anh Tuyến “Bốn Chục Bài Thơ” của Mai Trung TĩnhVương Đức Lệ .

    Về bộ môn Kịch : Không có giải thưởng.


    [​IMG]
    [​IMG]

    Sau khi đã phát giải, Ban tổ chức mời ông Lê Ngọc Trụ, đại diện cho các nhà văn trúng giải lên phát biểu ý kiến. Ông cho rằng sự lựa chọn ngày phát thưởng đúng vào húy nhật Nguyễn Du là đầy ý nghĩa và gợi cho ông cùng các bạn văn trúng giải tinh thần trách nhiệm thiêng liêng, ấy là thiên chức của nhà văn đối với tiếng Việt và nguyện vọng của nhà văn đối với tiền đổ văn hóa Tổ quốc là ngôn ngữ được thống nhất, văn tự được điển chế.

    Ông mong rằng rồi đây sẽ có một Viện Hàn Lâm để lo tu soạn một bộ tự vị tiêu chuẩn, quyển văn phạm mẫu mực, bộ Việt Nam Bách Khoa Tự Điển thâu thập biên khảo các ngành học thuật văn hóa của xứ sở. Theo ông, văn hóa chỉ có thể phát triển trong tự do và phát triển mạnh mẽ nếu được khích lệ nâng đỡ.

    Sau cùng ông Trương Công Cừu Bộ trưởng Đặc nhiệm Văn hóa và Xã hội đọc diễn từ bế mạc. Ông cho rằng hiện nay chúng ta đang sống một thời đại nguyên tử, nền văn hóa quốc gia phải được xây dựng trên một nhân bản toàn diện đúng theo tinh thần nhân vị đấu tranh và cảnh giác.

    Theo ông, chủ nghĩa nhân vị đặt nhà văn vào chính trung tâm cuộc thử thách của lịch sử, và mỗi người trong chúng ta phải dấn mình vào lịch sử, phải thúc đẩy cuộc vận động lịch sử chớ không phải ngồi yên chờ đợi và nhìn ngắm hay mơ ước xuông.

    Cuối cùng, ông chúc các nhà văn sẽ là những danh công tinh xảo xây đắp xã hội mới của ngày mai, “xã hội mới đó sẽ là một thế giới gấm vóc mỹ lệ dệt bằng tình bác ái không vụ lợi, bằng đức liêm khiết không xảo trá, và bằng tài trí không tự tôn tự tại”.

    Buổi lễ kết thúc vào lúc 11 giờ 15 phút.


    Nguiễn Ngu Í
    (Tạp chí BÁCH KHOA, số 138 ra ngày 1-10-1962)
     
    Chỉnh sửa cuối: 26/1/22
    nguyentragiang and tiendungtmv like this.
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này