Hiện thực Nhạt tình & Gây dựng- Mạnh Phú Tư

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi quang3456, 15/8/20.

Moderators: Bọ Cạp
  1. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Trước nay, qua Làm lẽ, Nhạt tình, Gây dựng, Sống nhờ... xuất bản trước 1945 và Cách Mạng nhà quê, Rãnh cày nổi dậy viết trong thời kỳ Cách mạng tháng tám, ai nấy đều công nhận Mạnh Phú Tư là một cây bút hiện thực đặc sắc.

    So với các cây bút hiện thực nổi tiếng khác, Mạnh Phú Tư có địa hạt riêng và nhất là một phương pháp riêng. Nguyễn Công Hoan sở trường về những mảnh sống trào lộng. Vũ Trọng Phụng thiên về những ung nhọt xã hội. Ngô Tất Tố tìm những bóng tối của cuộc đời. Nguyên Hồng quen với thế giới của bọn tội lỗi. Chỗ đứng để nhìn của Mạnh Phú Tư gần với Nam Cao hơn - không phải Nam Cao của Chí Phèo vì Chí Phèo dù sao cũng là một hiện tượng đặc biệt, Nam Cao của Sống mòn, của những cuộc đời bình thường hàng ngày.

    Mạnh Phú Tư không tìm những đề tài, những cốt truyện kỳ dị, ghê gớm, khốc liệt gay cấn. Nhà văn dường như chẳng cần thám hiểm, săn tìm gì cả. Ông lấy ngay những sự việc mà ai cũng biết; cũng có thể đã chứng kiến. Ông không dắt độc giả đi du lịch đâu xa, đến những nơi bí mật kỳ lạ nào hết, mà ông đưa họ đi chơi trong cuộc sống chung quanh họ, ngay ở đường phố của họ, ngay trong nhà của họ không chừng. Và cuộc đi chơi ấy không buồn tẻ, chán phèo mà đầy hứng thú. Là vì người ta thường ít chịu quan sát kỹ cuộc sống, cũng biết nó có chuyện này chuyện nọ, nhưng vì chỉ nhìn qua loa, không xem xét kỹ, không mổ xẻ để tìm hiểu chiều sâu thẳm của nó, cho nên chỉ hiểu biết chung chung, không thấy gì đáng chú ý cả. Kịp đến khi Mạnh Phú Tư nhặt một mảnh đời rất bình thường ấy đặt dưới “Kính lúp nghệ thuật” cho xem, ta mới giật mình thấy cả một thế giới phức tạp không đơn giản như ta tưởng.

    Trong tiểu thuyết, cốt truyện giữ vai trò quan trọng. Tác giả thường gia công xây dựng cốt truyện để tạo một sức cuốn hút mạnh. Tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư thì lại dường như ít cần xây dựng cốt truyện. Dường như tác giả khoanh nguyên một quãng đời và cứ thế đưa vào tiểu thuyết, không sắp xếp, đạo diễn gì hết. Các sự việc cứ tự nhiên diễn ra như nó phải diễn ra. Tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư không có những ngoắt ngoéo, những bất ngờ, những thủ thuật tâm lý đối với độc giả..., lối văn cũng đều đều bình dị không có những từ ngữ, những cách đặt câu gây ấn tượng. Vậy mà, đã mở một cuốn tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư, độc giả khó lòng mà gấp nó lại nếu chưa đọc hết. Ấy là vì sự quan sát rất kỹ, sự phân tích rất sâu, sự trình bày rất cặn kẽ của tác giả.

    Câu chuyện của Nhạt tình là một truyện rất thông thường trong xã hội thời Pháp thuộc, thông thường đến mức chẳng ai cần chú ý. Một ông phán mê người vợ lẽ cô đầu hắt hủi ruồng bỏ vợ cả. Vợ cả phải đưa con về ở với mẹ, mẹ con làm ăn khổ sở nuôi nhau. Cô gái đầu vất vả quá lăn ra chết. Người con trai thứ hai vừa đi làm kiếm ăn vừa cố gắng học và thi đỗ thông phán. Cốt truyện có thể gọi là “nhạt phèo” như thế thôi. Nhưng Mạnh Phú Tư đã miêu tả thật trúng tủ một anh công chức hiền lành vì mê gái trở nên vũ phu như thế nào, sự điêu toa, gian manh của bọn cô đầu tranh chồng cướp của và về phía bên kia, người vợ hiền thục nhẫn nhục, người con gái hiếu hạnh nết na, người con trai ngoan ngoãn đức độ, người vú già thật thà trung hậu, người bạn gái tốt bụng, những tính cách đậm đà bản sắc dân tộc mà độc giả vừa thương vừa phục.

    Mạnh Phú Tư cho ta chứng kiến một cảnh đời công chức “thường thường bậc trung” thời Pháp thuộc, nó lặng lẽ, cạn hẹp như vũng ao tù, nhưng lội xuống ta sẽ thấy bao nhiêu chuyện: trong vũng nước đục bùn ấy có bao nhiêu sinh vật đang nỗ lực sống, bao nhiêu số phận đáng thương. Qua một gia đình, người ta nghĩ đến hàng vạn gia đình tương tự...

    Thời kỳ trước 1945, được tiếp xúc với văn hóa phương Tây người ta đã công kích kịch liệt chế độ gia đình Việt Nam. Sau 1945, gia đình lại bị lên án vì đồng bọn với chế độ phong kiến. Đối với những người bênh vực những cái hay của gia đình Việt Nam, người ta đánh giá là bảo thủ. Những ai là nạn nhân mà không vùng lên đập phá, chối bỏ gia đình, người ta coi là khiếp nhược, nô lệ. Những sự quá khích ấy đang được xem lại. Gia đình Việt Nam có những cái không hợp thời, nhưng cũng có nhiều truyền thống tốt đẹp phải duy trì. Những người đã thành nạn nhân của chế độ gia đình như bà Sinh, cô Huệ, anh Tài - không có những hành động như cô Loan (Đoạn Tuyệt) cô Tuyết (Đời mưa gió). Nhưng cô Loan, cô Tuyết gặt hái được những kết quả gì cho xã hội, cho bản thân? Bà Sinh, Huệ, Tài cũng có cách tự giải phóng cho cái gia đình trở thành cái hầm tối đối với họ. Bằng lao động, bằng sự giữ gìn nhân phẩm, họ đã tự cứu, đã tìm được con đường sống mà sự đổ vỡ vô ích không xảy ra, như thế chẳng hay hơn sao?

    Nhạt tình là cuốn sách đáng đọc.

    Giáo sư HOÀNG NHƯ MAI

     

    Các file đính kèm:

  2. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Gây dựng có thể coi là phần tiếp theo của Nhạt tình, tuy ở một địa bàn khác nhưng câu chuyện như thế có thể đặt vào bất kỳ vị trí địa lý nào ở VN. Người vợ bị chồng ruồng bỏ mang các con về sống với mẹ đẻ, giờ các con đã lớn, bà tìm cách dựng vợ gả chồng, gây dựng cho các con.
    Cũng như Nhạt tình, các tình tiết trong Gây dựng nói chung cứ nhàn nhạt, đều đều, trừ cái chết của Thanh ở cuối truyện có gây chút xúc động cho người đọc nhưng vô ích. Tiểu thuyết chỉ có giá trị ở sự phân tích tâm lý, miêu tả hành động chọn con dâu, con rể của bà mẹ, và như vậy Gây dựng có thể được xếp vào loại Phong tục tiểu thuyết hơn là loại Xã hội tiểu thuyết, tất nhiên càng không phải là Luận đề tiểu thuyết.
     

    Các file đính kèm:

  3. aquarium

    aquarium Mầm non


    Đoạn này viết hay quá.
     
    Dễ Cưng 1 and quang3456 like this.
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này