TH-Khác Phải Trái Đúng Sai - Michael Sandel <Tủ sách Cánh cửa mở rộng>

Thảo luận trong 'Tủ sách Triết học' bắt đầu bởi thanhbt, 3/6/16.

Moderators: Do dai hoc NEU, yam2408
  1. thanhbt

    thanhbt Học sinh Thành viên BQT

    Cuốn này bị trễ hẹn tới gần 1 năm, làm tùy hứng, mong các bạn thông cảm! :oops:

    Phai Trai Dung Sai bt_n.jpg

    Thông tin sách

    Tên sách:
    Phải Trái Đúng Sai (Tủ sách Cánh cửa mở rộng)
    Nguyên tác: Justice: What’s the right thing to do?
    Tác giả: Michael Sandel
    Người dịch: Hồ Đắc Phương
    Nhà phát hành: NXB Trẻ
    Nhà xuất bản: NXB Trẻ
    Khối lượng: 450g
    Kích thước: 13x20 cm
    Ngày phát hành: 11/2011
    Số trang: 404
    Giá bìa : 125.000đ
    Thể loại: Triết học

    Thông tin ebook

    Nguồn:
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Type+Làm ebook: thanhbt
    Ngày hoàn thành: 02/06/2016
    Dự án ebook #200 thuộc Tủ sách BOOKBT [​IMG]
    [​IMG]

    Giới thiệu


    Là cuốn sách triết học đầu tiên trong bộ sách Cánh cửa mở rộng, Phải trái đúng sai tuy là một cuốn sách đòi hỏi nhiều suy luận, nhưng giá trị mà tập sách mang lại cho những độc giả kiên nhẫn là vô giá.

    Ở tập sách này, tác giả Michael Sandel sẽ mổ xẻ những vấn đề từng khuấy động nước Mỹ một thời, như vụ bê bối của tổng thống Bill Clinton, vấn đề về hôn nhân đồng tính trong nước dân chủ như Mỹ, huân chương nào cho những chiến sĩ tại Iraq,...

    Dưới góc nhìn riêng biệt của chính tác giả và của các triết gia nổi tiếng như Aristotles, Immunuel Kant, John Stuart Mill, John Rawls,... “Quyển sách không cố gắng chứng minh triết gia nào ảnh hưởng tới triết gia nào trong lịch sử tư tưởng chính trị, mục tiêu của quyển sách là mời gọi độc giả xem xét cẩn trọng quan điểm về công lý và sự xem xét mang tính phê bình của mình, để xác định mình nghĩ gì, và tại sao lại vậy.”

    Đây là 1 cuốn sách khó đọc. Tuy nhiên, phần thưởng dành cho những độc giả kiên nhẫn thực sự là một trái táo vàng. Đọc cuốn sách này xong, bạn sẽ nhìn những vấn đề mâu thuẫn, trái ngược xung quanh bạn dưới con mắt khác: Hiểu và Thấu đáo.

    Trong cuộc sống, điều Đúng - Sai, Phải - Trái luôn luôn tồn tại song song. Cùng 1 vấn đề đó, có người nói Đúng, người bảo Sai, người khăng khăng nói Phải, người quả quyết là Trái. Mỗi người 1 quan điểm, ai cũng có lý. Tuy nhiên, cách hành xử của mỗi người hoàn toàn khác nhau và hầu như những cách hành xử đó không hề có 1 chuẩn gọi là pháp lý hay đạo đức nào cả. Tất cả phán quyết đôi khi không nằm ở đầu, nhưng nằm ở trái tim.

    Đảm bảo khi đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ nhìn, xử lý những sự việc xung quanh một cách có lý trí và điềm đạm.

    Tác giả

    Michael J. Sandel sinh ngày 5/3/1953, là Giáo sư Đại học Harvard, triết gia chính trị Mỹ. Ông được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ năm 2002. Ông từng là thành viên Ủy ban Đạo đức sinh học của Tổng thống George W. Bush.

    Giáo sư Sandel có nhiều tác phẩm khác như Chủ nghĩa tự do và giới hạn của công lý (1998), Bất mãn trong nền dân chủ (1996), Triết học: Các tiểu luận về đạo đức trong chính trị (2005), và Lý lẽ chống lại sự hoàn hảo: Đạo đức trong thời đại kỹ thuật di truyền (2007).

    Các tác phẩm của ông đã được dịch ra 15 ngôn ngữ nước ngoài. Ông cũng viết nhiều bài báo cho các tác phẩm lớn như Atlantic Monthly, The New York Times.

    Ông được đài truyền hình Nhật Bản NHK và Đài BBC Anh quốc mời diễn thuyết về các chủ đề đạo đức và công lý.

    Nhận xét

    Michael Sandel - có lẽ là giáo sư đại học nổi tiếng nhất ở Mỹ - đã mang lại “sự minh bạch về đạo đức cho sự lựa chọn mà chúng ta phải đối mặt, với tư cách là công dân trong xã hội dân chủ”. Ông đã chỉ ra rằng sự chia rẽ chính trị không phải giữa cánh tả với cánh hữu mà giữa những người nhận ra không có gì quý hơn quyền cá nhân và lựa chọn cá nhân với những người tin vào một nền chính trị phục vụ lợi ích số đông. - Bưu điện Washington

    Quyết liệt, dễ hiểu, và đầy tính nhân văn, cuốn sách này thực sự là một cuốn sách làm thay đổi người đọc. - Publisher Weekly

    Kant kết luận: chỉ tình dục trong hôn nhân mới có thể tránh được “hạ thấp phẩm giá con người”. Chỉ khi cả hai người hiến dâng cả bản thân mình cho người kia - không chỉ đơn thuần là khả năng tình dục, tình dục khi đó mới không bị phản đối. Chỉ khi cả hai người chia sẻ với nhau “cả con người, thể xác và tâm hồn, cho dù tốt hay xấu và trong mọi phương diện, tình dục mới dẫn họ đến “sự hòa hợp giữa con người”. Kant không nói tất cả các cuộc hôn nhân đều mang lại sự hòa hợp kiểu này. Và ông có thể sai khi nghĩ sự hòa hợp như thế không bao giờ có thể xuất hiện ngoài hôn nhân, hoặc quan hệ tình dục ngoài hôn nhân chỉ là sự thỏa mãn tình dục. Nhưng quan điểm của ông về tình dục nêu bật lên sự khác biệt giữa hai ý tưởng hay bị lẫn lộn trong những cuộc tranh luận đương đại - giữa sự đồng ý một cách không bị trói buộc và tinh thần tôn trọng tự chủ và nhân phẩm con người.

    Khi suy ngẫm đạo đức biến thành chính trị, khi phải xác định những luật lệ nào điều chỉnh cuộc sống chung của chúng ta thì nó sẽ cần các cuộc tranh luận ồn ào, với những lập luận và rắc rối khuấy động tâm trí công chúng. Cuộc tranh luận về cứu trợ tài chính và giá cắt cổ, sự bất bình đẳng thu nhập và chính sách bình đẳng tuyển dụng, nghĩa vụ quân sự và hôn nhân đồng tính đều là chất liệu cho triết học chính trị. Chúng nhắc chúng ta kết nối và biện minh các phán xét đạo đức và chính trị của mình, không chỉ trong gia đình và bạn bè mà còn trong các đoàn thể quần chúng.

    Ebook này được thực hiện nhằm chia sẻ cho những bạn không có điều kiện mua sách!
    Còn nếu bạn có khả năng hãy mua sách ủng hộ nha!
     

    Các file đính kèm:

  2. thanhbt

    thanhbt Học sinh Thành viên BQT

    Nghĩ sau bài giảng của GS Michael Sandel

    TÔ VĨNH HÀ Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link- Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    LOẠT bài giảng của GS Michael Sandel, Đại học Harvard, vừa được dịch phụ đề trọn vẹn ra tiếng Việt, đang trở thành một cơn sốt không hề thấp của cư dân mạng quan tâm đến giáo dục đại học.

    Có thể nói không quá lời rằng, nghe - xem - thấy (vì tiếng Anh chỉ lõm bõm vài ba từ) bài giảng này, dù đã từng biết, từng nghe không ít bài giảng ở các giảng đường đại học (và kể cả kinh nghiệm bản thân), người viết bài này thấy rất nên trao đổi một vài ghi nhận, như là những bài học cần thiết, tất nhiên, ở mức độ vừa phải nhất…

    TỪ NHỮNG VÍ DỤ BẤT NGỜ

    Sandle đã từng giảng cho hàng vạn sinh viên Harvard nghe suốt nhiều năm qua. Con số thống kê ấy nói lên rằng tính hấp dẫn và kỳ thú là khỏi phải bàn. Vậy mà, GS Sandel vẫn làm cho người nghe bị choáng khi ông đưa ra những ví dụ vừa giả thiết, vừa thật, gây sốc đến không ngờ. Đầu tiên là chuyện về một con tàu không thể kiểm soát, đang chạy với vận tốc 60 dặm/h. Phía trước có 5 công nhân đang sửa đường. Người lái tàu biết chắc ngay trước mặt có nhánh ray phụ, nhưng trên đó cũng có một công nhân đang làm việc. Có nên rẽ vào nhánh phụ để làm chết một người hay cho tàu đi tiếp theo lộ trình, và làm chết 5 người? Một ví dụ khác về chuyện trên một con thuyền cứu sinh sau vụ đắm tàu (chuyện có thật). Trên thuyền có 4 người, gồm thuyền trưởng, thuyền phó, thủy thủ và một cậu bé 17 tuổi tên là Parker. Parker đang chết từ từ và là một đứa trẻ mồ côi không người thân thuộc. Thuyền trưởng và thuyền phó đã quyết định giết Parker ở ngày thứ 20 của đói và khát. Nhờ ăn thịt và uống máu Parker, 4 ngày sau họ được cứu sống. Tòa án Anh đã đem vụ việc ra xét xử. Không ít ý kiến biện hộ (kể cả dư luận từ báo chí) cho rằng dùng thịt và máu của Parker để cứu 3 người có gia đình, có nhiều trách nhiệm, có ích cho xã hội nhiều hơn thì cái chết của Parker là điều có thể chấp nhận được(!)?

    Trong những phần tiếp theo, GS Sandel đã đưa ra các ví dụ khác liên quan đến vấn đề đạo đức - trên thực tế có dính dáng rất nhiều đến chính trị. Chẳng hạn, liệu Bill Clinton có dối trá hay không khi ông làm cho người khác hiểu nhầm sự thật khi nói trước truyền hình rằng “Tôi không hề có quan hệ tình dục với cô Monica Lewinsky. Tôi không bao giờ nói dối. Đó là một luận điệu sai lầm”. Một trường hợp khác là việc người chủ quán trả đủ tiền thừa cho khách sau khi cân nhắc rằng nếu trả thiếu, sẽ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh và sau đó sẽ mất khách. Vậy, có thể coi hành động của chủ quán là chưa đủ yếu tố cấu thành đạo đức? GS Sandel còn đưa ra rất nhiều ví dụ khác khi nêu vấn đề cho sinh viên thảo luận như tính đạo đức của việc tuyển quân bắt buộc và chế độ tình nguyện khác nhau như thế nào? Cái nào nên hơn? Việc ưu tiên điểm số đầu vào đại học cho sinh viên Texas (bang có 40% dân số là người Mexico và da đen), khiến cho nhiều sinh viên da trắng có điểm số tương tự bị trượt đại học là nên hay không nên? Có phải việc ưu tiên ấy dựa trên cơ sở thế hệ hôm nay phải đền bù cho quá khứ sai lầm (nguyên văn: past wrong) của cha ông hay không? Một trong những bất ngờ lớn nhất của GS Sandel là ông đã đưa ra một dẫn chứng thật giản dị (vì ai cũng biết); đó là, trong một cuộc thi đấu thể thao - môn chạy chẳng hạn, việc hàng chục người xuất phát cùng một điểm xuất phát có thật sự là công bằng không khi ta biết rằng số phận, sức khỏe, những yếu tố tự nhiên mang tính ngẫu nhiên mà con người bất khả chuyển nhượng, đã làm cho các vận động viên không thể như nhau, như cách hiểu thông thường…

    TRIẾT HỌC VÀ ĐẠO ĐỨC

    Trong loạt bài giảng của mình, GS Sandel đã phân tích, phản biện các quan điểm triết lý về đạo đức của nhiều nhà triết học nổi tiếng như quan điểm về chủ nghĩa vị lợi của Jeremy Bentham, về khẩu hiệu nổi tiếng của John Locke “Lợi ích tốt nhất cho nhiều người nhất” chính là công lý. Đặc biệt, GS Sandel đã dành khá nhiều thời gian cho việc trình bày quan điểm của một trong những nhà triết học lỗi lạc nhất của thế kỷ khai sáng là Immanuel Kant (22.4.1724-12.2.1804).

    Kant cho rằng, chúa tể của cuộc sống không phải là Niềm vui và Nỗi buồn như Bentham nhìn nhận mà chính là đạo đức tối thượng. Đạo đức tối thượng là tính TRÁCH NHIỆM (tính có lý trí xác đáng dẫn dắt, phù hợp với quy luật đạo đức) của động cơ trong hành động. Yếu tố này đặc biệt quan trọng với những nhà cầm quyền vì họ nắm trong tay sinh mạng và số phận, hạnh phúc hay khổ đau của người dân. Bởi, đa số con người chỉ hành động theo ý muốn chủ quan, cái ham thích nhất thời, vị kỷ hoặc vì tư lợi tàn nhẫn nên bất kể đạo đức và, thường là, nhân danh đạo đức để che đậy các động cơ ích kỷ, xấu xa, không phải vì dân, vì đất nước như họ vẫn tụng ca…

    Tính tối thượng đạo đức yêu cầu con người không được dùng người khác làm công cụ để thỏa mãn ý đồ riêng, không được lạm dụng cái gọi là đa số để làm phương hại hay tước đoạt nhân phẩm của con người - dẫu chỉ một người. Theo quan điểm khắt khe của Kant, thì nói dối cũng là cách chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Nếu Kant đúng, thì hầu hết chính khách bây giờ đều vi phạm đạo đức vì đa số họ coi nói dối là… tài năng tự nhiên!

    NHỮNG BÀI HỌC TỪ GIẢNG ĐƯỜNG

    Nhìn - Nghe GS Sandel giảng bài, thấy sinh viên Harvard thảo luận, có lẽ, ai cũng ước ao được ngồi ở giảng đường Sander ấy một lần. Ngay cái tên đã kích thích suy tư: “Người một hạt cát” - Sander. Có thể là một, hoặc một số nhưng chắc chắn đó là một phần làm nên bãi biển rực nắng mênh mông. Để trở thành cát, phải có hàng triệu lần “vật lộn” với sóng lừng, sóng dữ; phải trải biết bao gian khó, dập vùi. Xem ra, muốn làm nên sự lấp lánh và tinh khiết, không thể đo bằng vài năm tháng bọt bèo…

    Ấn tượng đầu tiên từ các bài giảng của GS Sandel đó là sự lôi cuốn không chỉ nhờ chất giọng rõ ràng, hấp dẫn mà trước hết, người thầy phải có một cái nền kiến thức vững chắc, một “kho” ngôn từ dường như vô tận thì mới không lặp đi lặp lại, không có chuyện thì, là, mà, à, ờ… như không ít giảng viên của ta hiện nay. Phần hài hước của ông (cái không thể thiếu của bất kỳ người thầy nào khi giảng về những vấn đề khô khan, khó khăn) chỉ chiếm chưa đến 2% thời gian - vừa đủ để tạo nên sự thư giãn cần thiết mà lại không làm loãng phần nội dung. Thật buồn khi mới đây, qua bài giảng gây xôn xao về sự phản cảm của TS D.; có hàng trăm sinh viên tán thưởng những dung tục, chửi thề và cho đó là cần thiết (?) Không hiểu TS D. có nghe bài giảng của GS Sandel không? Chẳng hề có bất kỳ một câu chửi thề nào và tuyệt đối chẳng cần đến sự dung tục tầm thường tuy trong bài giảng có cả chuyện tình dục của TT Hoa Kỳ cũng như có cả chuyện công lý trong việc mang thai thuê!

    Lượng thời gian dành cho sinh viên thảo luận của GS Sandel chiếm khoảng 30%. Điều đặc biệt là tất cả sinh viên khi phát biểu đều rất tự tin, trình bày lưu loát (cũng chẳng có sinh viên nào à, thì, là, mà). Cái đáng ghi nhận nữa là mặc dù có những lúc chỉ có một, hai cánh tay giơ lên nhưng cũng không hề ngần ngại, dẫu có hàng ngàn sinh viên khác im lặng (tức là không đồng ý). Quyền được trình bày ý kiến của mình bất kể người khác không tán thành là một trong những điểm tích cực vượt trội của tính tự chủ trong giảng đường Sander. Không có sự phân biệt về trình độ do màu da, chủng tộc. Ta hãy nghe một chút phần tranh luận giữa hai sinh viên gốc Á: “Nếu bạn phản đối hôn nhân đồng tính thì tôi hỏi bạn, bạn đã bao giờ thủ dâm chưa”? Tính sâu sắc của câu hỏi - trả lời, thực sự làm chúng ta khâm phục. Nếu ai đã nghe - xem qua toàn bộ bài giảng này thì sẽ phải “ngạc nhiên” vì một điều nữa: Hàng ngàn người nghe, không hề điểm danh, không hề thiếu hụt bất ngờ và cũng chẳng hề có ai nói chuyện riêng (!) Dường như việc nói chuyện riêng trong một lớp học của sinh viên Mỹ bị coi là thiếu văn hóa thì phải?

    Một điều đáng xem xét nữa là trong khi ở nước ta hiện nay, sử dụng bài giảng có máy chiếu - màn hình được coi là thời thượng, phản ánh trình độ cao (?) của giảng viên, thì GS Sandel sử dụng rất ít, hầu như chỉ chiếu cho sinh vên xem những trích dẫn cần độ chính xác cao, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề đang nêu ra. Đây là chuyện cần phải cân nhắc bởi chúng ta biết rằng nếu lạm dụng máy chiếu, tức là vừa làm hư cho thầy (lười giảng), vừa không đảm bảo tính liên tục của lập luận. Có thể ví việc lạm dụng máy chiếu giống với tiếng còi thô bạo của trọng tài đã làm vụn nát cả một trận túc cầu.

    Điều cuối cùng cần đặc biệt nhấn mạnh là mỗi buổi giảng chỉ gói gọn trong 30 phút (ít nhất là các video clip cho biết như thế), nhưng vẫn đủ tất cả những nội dung cần thiết trong cái nguyên tắc tương tác hợp lý giữa thầy và trò. Từ đây có thể thấy rằng một khi 30 phút có thể tạo nên chất lượng cao về nhận thức thì chắc hẳn những bài giảng chính trị kéo dài lê thê sẽ phản tác dụng đến mức nào. Nên chăng, về giờ giấc học tập ở các trường đại học hiện nay cũng cần được điều chỉnh?

    Loạt bài giảng Công lý, việc đúng nên làm với sự mở đầu thật khó - đúng như GS Sandel đã nói. Cái khó của ông là trình bày điều mà ai cũng biết (dẫu nhiều hay không nhiều lắm) như công lý, đạo đức. Khó hơn nữa là những dẫn chứng ông đưa ra hầu hết đều cũ, nhưng ông phải làm cho khác lạ. Rồi, cái nguy hiểm của điều mới lạ ấy là nó làm cho bản chất hay cái vỏ của vấn đề không còn như cũ nữa… Nói chung là có rất nhiều sự thách thức đối với một người thầy phải “trình diễn” trước cử tọa khắt khe, thông minh, dũng cảm - những người luôn coi thách thức là cơ hội để vươn tới.

    Sandel không trả lời thẳng các câu hỏi mà ông đã đưa ra. Theo ông, lời khuyên của Kant luôn đúng: Phải sống trong sự bất an của lý trí, tức là sống trong câu trả lời chứ không phải là sống bằng sự thỏa mãn từ các câu trả lời. Sau khi học xong môn học (kể cả người viết bài này), có lẽ, những câu hỏi thật khó đã không còn khó như trước nữa. Rõ ràng, có rất nhiều khi cuộc sống đòi hỏi phải có hành động mà ta tưởng chừng như rất đúng, rất nên làm, lại không hề đúng(!) Công lý của tất cả những điều đúng nên làm, đó là hành động có trách nhiệm theo đúng quy luật tối thượng của đạo đức, đó là quy luật phải tôn trọng nhân phẩm của người khác, dẫu đó là hàng triệu người hay chỉ một người!
     
    nomizuha, CHM16, maiminh06 and 15 others like this.
  3. quocsan

    quocsan Sinh viên năm I

    Cảm ơn @thanhbt, ebook bạn soạn rất ổn, rất ít lỗi chính tả. Riêng mục “3. CHÚNG TA CÓ SỞ HỮU CHÍNH MÌNH KHÔNG? - CHỦ NGHĨA TỰ DO CÁ NHÂN”, còn sót 1 chú thích ở dạng thô, chưa chỉnh đúng dạng.
    Nhân thấy có bản tiếng Anh (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link), tôi ghép luôn với file epub của bạn (có điều chỉnh), thành bản song ngữ.
    Trong lúc điều chỉnh, tôi có bổ sung thêm mục lục chi tiết cho cả 2 phần Việt và Anh.

    Hy vọng bạn không phiền. :)
     

    Các file đính kèm:

    mrcoc, l.t.hien83, skyBi and 68 others like this.
  4. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Đôi nét về dịch giả:

    Hồ Đắc Phương không phải là nhà nghiên cứu về triết học mà anh là giảng viên đại học tại Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành Công nghệ thông tin, chuyên ngành Mạng máy tính.

    Anh thường dẫn dắt các đội tuyển tin học của nước nhà ở cấp độ học sinh và sinh viên.

    Anh là cháu gọi Hồ Đắc Di là ông.

    [​IMG]

    Hồ Đắc Phương (mặc áo đỏ) dẫn đội tuyển tham dự cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC đầu năm 2015
     
  5. trilv

    trilv Mầm non

    Cảm ơn.
     
  6. windcity

    windcity Lớp 3

    Anh Hồ Đắc Phương từng quản lý dự án HTT Group, nhóm tình nguyện biên dịch phim tài liệu khoa học và bài giảng về lịch sử, chính trị, tôn giáo... Mình từng tham gia nhóm một thời gian, nhưng phải dừng lại vì bận công việc. Lúc trước mua sách thấy tên người dịch, mình cứ ngỡ là trùng tên, thì ra là anh thật. :D

    Không phủ nhận là anh Phương rất giỏi, nhưng hình như bạn dùng từ "dịch giả" hơi dễ dãi. :)
     
    mrcoc, maiminh06, phongnhatu and 4 others like this.
  7. eta128

    eta128 Lớp 4

    Hồi cấp 3 tôi cũng hay lên HTT Group download phim khoa học, công nhận website đấy hay.
     
  8. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Dịch giả, tôi tra trong từ điển tiếng Việt Hoàng Phê, cũng có nghĩa là người dịch. Nói về "dịch giả" hoặc "người dịch" của một cuốn sách cụ thể chắc không có khác biệt.

    Còn nếu bạn coi "dịch giả" như một nghề hoặc là một người dịch có kinh nghiệm (kinh nghiệm ở đây định nghĩa như thế nào, có 5 hay 10 hay hơn 10 tác phẩm? chỉ cần có 1 tác phẩm nhưng có giải quan trọng?) thì quả thật có lẽ không đúng với Hồ Đắc Phương.

    Tôi sử dụng từ "dịch giả" chỉ vì thói quen chứ không phải vì tôn vinh anh Phương.
     
  9. windcity

    windcity Lớp 3

    Đúng là tôi có ý như thế. Vì "học giả" nghĩa là "người chuyên nghiên cứu, có tri thức khoa học sâu rộng", nên tôi nghĩ "dịch giả" phải là người có kinh nghiệm lâu năm về dịch thuật. Nhưng tra trên mạng thì "giả" nghĩa là người, ví dụ như "khán giả", "thính giả". Tra từ "dịch giả" trên google thì ra cả kết quả "thần đồng dịch giả Đỗ Nhật Nam", nên tôi nghĩ có lẽ "dịch giả" và "người dịch" không có gì khác nhau thật. Vậy xin thành thật xin lỗi. :)
     
  10. phongnhatu

    phongnhatu Lớp 1

    Từ bác Baotran84 chia sẻ, tui tìm thêm link sách bản tiếng Anh cho bạn nào thích đọc ngôn ngữ gốc: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Mong ai điều kiện thẻ visa thì hãy đóng góp cho thư viện online này khi down sách.
     
    daohaine and tran ngoc anh like this.
Moderators: Do dai hoc NEU, yam2408

Chia sẻ trang này