Chuyên ngành Ứng dụng Phân Tâm học - J.P.Charrier - Lê Thanh Hoàng Dân dịch <1000QSV1TVB #0345>

Thảo luận trong 'Tủ sách Tâm lý - Giáo dục' bắt đầu bởi Thu VO, 7/9/19.

Moderators: dragonking91, mopie
  1. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    0345.Phân Tâm học.PNG

    Tên sách : PHÂN TÂM HỌC
    Tác giả : J.P. CHARRIER
    BẢN DỊCH : LÊ THANH HOÀNG DÂN
    Nhà xuất bản : TRẺ
    Năm xuất bản : 1972
    ------------------------
    Nguồn sách : tusachtiengviet.com Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Đánh máy : white-eyes

    Kiểm tra chính tả : Nguyễn Thị Huyền, Trần Ngô Thế Nhân,
    Trần Kim Trọng, Ngô Thanh Tùng

    Biên tập ebook : Thư Võ
    Ngày hoàn thành : 03/09/2019

    Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận
    « Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link »
    của diễn đàn TVE-4U.ORG

    Cảm ơn tác giả J.P. CHARRIER, dịch giả LÊ THANH HOÀNG DÂN
    và nhà xuất bản TRẺ đã chia sẻ với bạn đọc
    những kiến thức quý giá.

    MỤC LỤC

    CHƯƠNG I : KHÁM PHÁ VÔ THỨC

    CHƯƠNG II : NHÂN CÁCH

    A) PHÂN TÁCH NHỮNG NGUYÊN ĐỘNG LỰC BỊ CHE GIẤU
    B) SỰ HÌNH THÀNH VÀ CƠ CẤU CỦA NHÂN CÁCH

    1) Giai đoạn I : hợp tác với Breuer
    2) Giai đoạn 2 : những khám phá căn bản
    3) Giai đoạn 3 : đào sâu phương pháp
    4) Giai đoạn 4 : Tâm lý học siêu linh
    CHƯƠNG III : NHỮNG ĐỘNG NĂNG VÔ THỨC
    A) NGUYÊN TẮC KHOÁI LẠC VÀ NGUYÊN TẮC THỰC TẾ
    B) BẢN NĂNG SỐNG VÀ BẢN NĂNG CHẾT

    CHƯƠNG IV : THIÊN NHIÊN VÀ VĂN HÓA : XUNG KHẮC VÀ DỒN ÉP

    A) XUNG KHẮC GIỮA THIÊN NHIÊN VÀ VĂN HÓA
    B) SỰ HÌNH THÀNH SIÊU NGÃ

    1) Bản năng Ça
    2) Bản ngã
    3) Siêu ngã
    C) SỰ DỒN ÉP
    D) MẶC CẢM

    CHƯƠNG V : SỰ THÀNH HÌNH NHÂN CÁCH THEO FREUD

    A) LÝ THUYẾT NHỮNG GIAI ĐOẠN VÀ NHỮNG VÙNG NHẠY CẢM (ZONES ÉROGÈNES)
    B) GIAI ĐOẠN TỰ THỎA MÃN

    1) Thời kỳ miệng
    2) Thời kỳ hậu môn
    C) GIAI ĐOẠN KHOÁI LẠC VỚI NGƯỜI KHÁC
    1) Thời kỳ sùng bái dương vật (stade phallique)
    2) Thời kỳ tiềm phục
    3) Thời kỳ sinh dục

    CHƯƠNG VI : NHÂN LOẠI HỌC VÀ PHÂN TÂM HỌC

    A) QUAN NIỆM VĂN HÓA CỦA FREUD
    1) Tôn giáo
    2) Đạo đức
    3) Văn minh
    B) BÌNH GIẢI NHỮNG BIỂU TƯỢNG

    CHƯƠNG VII : PHÂN TÂM HỌC SAU FREUD

    1) Adler và quan niệm ý chí hùng bá
    2) Jung và quan niệm vô thức tập thể
    3) Karen Horney và Phân tâm học văn hóa

    KẾT LUẬN : PHÂN TÂM HỌC VÀ KHOA HỌC NHÂN VĂN
     
  2. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

  3. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    KẾT LUẬN : PHÂN TÂM HỌC VÀ KHOA HỌC NHÂN VĂN

    1) Phân tâm học không những chỉ đặt nền tảng cho sự phân tách nhân cách cá nhân mà thôi mà còn đặt nền cho sự phân tách những quan hệ căn bản giữa cá nhân và xã hội nữa. Những sợi dây tình cảm nối liền đứa trẻ với bậc cha mẹ của nó chuẩn bị và ảnh hưởng tới sự thích nghi sau nầy của nhân cách với những khung cảnh xã hội khác nhau, trong đó, những tương quan uy quyền và những thể thức truyền thống được cá nhân nhận thấy, xuyên qua lăng kính của ảnh hưởng xưa cũ được thiếp lập trong khung cảnh gia đình.

    2) Phân tâm học là một tâm lý học « ngôi thứ hai », nghĩa là một tâm lý học muốn tìm hiểu sâu xa những động lực thúc đẩy con người. Tâm lý học nội quan, nghĩa là « tâm lý học ở ngôi thứ nhất » chỉ đạt tới cái vỏ ý thức bề ngoài của guồng máy tâm linh của người lớn có học mà thôi. Tâm cử học, nghĩa là tâm lý học « ngôi thứ ba », chỉ hiểu biết con người như là một đối tượng khách quan trong khung cảnh thí nghiệm. Điểm đặc biệt độc đáo của phân tâm học, đó là một khoa tâm lý của sự đối thoại. Nhà phân tâm học và người bệnh phải đi vào những quan hệ thân mật, để nhà phân tâm học có thể chụp lấy người bệnh trong những tương quan sống động với gia đình, khung cảnh xã hội và quá khứ của nó. Như vậy, khoa phân tâm học đáp ứng được ước vọng của Dilthey, một trong những người đã sáng lập ra khoa học nhân văn, theo đó, người ta giải thích thiên nhiên nhưng người ta phải hiểu con người. Khi người bệnh cố gắng diễn tả những xung khắc của mình trong một câu chuyện mạch lạc chặt chẽ, nó đi vào những tương quan mới mẻ với chính mình. Nó chấp nhận những kích thước của chính nó, mà trước đây nó không biết. Làm như vậy, nó tham dự vào thực tế sâu xa của chính nó, chớ không phải tham dự vào nhân vật tưởng tượng che giấu thực tế nầy. Người ta thường chỉ trích Freud, cho rằng ông quan niệm con người chịu ảnh hưởng tuyệt đối của những thúc đẩy bản năng, cũng như của khung cảnh văn hóa và xã hội. Nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng người ta chỉ điều khiển được thiên nhiên nhờ hiểu biết những định luật của nó, cũng vậy, ý thức về những gì ảnh hưởng quyết định tới chúng ta mà chúng ta không hay biết, đó là siêu vượt sự tất định nầy bằng cách hiểu biết chính mình. Muốn làm chủ chính mình, muốn tự chủ phải hiểu mình.

    3) Freud cũng đã đưa ra ánh sáng những cơ cấu và những cơ chế phức tạp của nhân cách. Ngược lại với những gì người ta lầm tưởng ông chủ trương, Freud quan niệm vô thức không phải là thực tại căn bản của chúng ta, nhưng mặc dầu vậy, nó ảnh hưởng quyết định tới bản ngã. Vượt qua sơ đồ quá đơn giản (Bản năng Ça, Bản ngã, Siêu ngã), nhân cách xuất hiện như là một tổng hợp sống động, tổng số những khuynh hướng của chúng ta khi đụng chạm với thực tại và hành động. Như vậy, nhân cách chỉ có thể được hiểu trong sự hình thành mà thôi, nghĩa là trong sự trở thành không ngừng, ở đó, mỗi giây phút tổng kết tất cả những giây phút đã qua. Những cơ chế của sự hình thành nầy, như xung khắc ngưng đọng, thoái hóa, thăng hóa, phóng ngoại, v.v… được Freud quan niệm như là những ý niệm chánh yếu được sử dụng trong việc phân tách nhân cách, một nhân cách đóng khung trong khung cảnh xã hội và văn hóa. Freud cũng chứng tỏ rằng con người không phải là một con thú vật hoảng hốt trước vô số những thúc đẩy bản năng mà mình không kiểm soát được. Con người là một lịch sử, và khoa phân tâm học giúp chúng ta trở thành những sử gia về chính mình. Lịch sử nầy, mà động cơ là sự xung khắc giữa bản tánh tự nhiên của chúng ta và nền văn hóa trong đó chúng ta sống, cho thấy chỉ có một đường lối duy nhứt để thống nhất chính mình và nẩy nở tốt đẹp, đó là sự tinh thần hóa những khuynh hướng.

    Nhưng điều cần thiết là sự thăng hóa nầy phải có tánh cách đích thực, nghĩa là ý thức, chớ không phải là sự dồn ép những khuynh hướng cưỡng chế từ bên ngoài, như gia đình, xã hội và tôn giáo. Ngoài ra, sự tinh thần hóa nầy cũng cần thích hợp với mỗi người, tùy theo những sở thích tự nhiên của mình.

    4) Công lao của Freud còn ở chỗ đã nhấn mạnh rằng tình dục không phải là một cơ năng mà là một tác phong, sự thể hiện đời sống tình cảm của chúng ta, và do đó, là một cách thức hiện hữu toàn diện, ở đó cá nhân tự thể hiện và thể hiện quá khứ của mình.

    5) Phân tâm học còn đem tới cho Tâm lý học hiện đại ý tưởng chánh yếu nầy, rằng tất cả những thể hiện thể xác và ngôn ngữ của chúng ta dầu cho có vẻ vô nghĩa nhất (những hành vi hỏng, lầm lẫn, nói cà lăm, thuận tay mặt hay tay trái, cắn móng tay, v.v…) hay thiếu mạch lạc nhất (như giấc mơ, hay tâm bệnh névrose), cũng đều có một ý nghĩa che giấu, ý nghĩa bên trong, tương quan mật thiết với lịch sử của chúng ta.

    Như vậy, Phân tâm học đổi mới quan niệm của chúng ta về con người, bằng cách phủ nhận những dữ kiện tức thì của kinh nghiệm chúng ta. Ngược lại với những quan niệm triết học duy linh, phát xuất từ các hệ thống triết lý của Platon và Descartes, Phân tâm học từ chối không chịu giản lược con người vô tư tưởng duy lý.

    Phân tâm học còn nhắc nhở chúng ta rằng tư tưởng con người trước tiên được lưu lại trong những huyền thoại và được thể hiện trong những biểu tượng (như biểu tượng về Œdipe, biểu tượng Đất Mẹ chẳng hạn). Như vậy, Phân tâm học đã đặt những nền tảng cho sự phân tách những « tâm trạng » và những nền văn hóa xa lạ hoàn toàn với chúng ta. Với những dữ kiện của Phân tâm học, chúng ta được trang bị đầy đủ hơn để hiểu tâm lý trẻ con, của người bán khai, của người bệnh tâm lý. Nhấn mạnh tới vai trò của thời thơ ấu và của những can thiệp Giáo dục trong sự hình thành nhân cách, Phân tâm học của Freud đã cách mạng những phương pháp sư phạm và cách thức trị liệu tâm bệnh chúng ta. Freud thật là người sáng lập khoa khảo cổ về nhân cách. Thế kỷ thứ 19, với Hegel, Comte và Marx, đã khám phá ra những kích thước của lịch sử nhân loại. Freud khám phá những kích thước của con người, của nhân vị, được quan niệm như một toàn thể sống động :

    « Nghĩ cho cùng, Freud chỉ nhằm thay một xung khắc vô thức và bệnh hoạn bởi một xung khắc ý thức và có tánh cách con người. Nơi trước đó bản năng Ça cư ngụ, bây giờ phải nhường cho cái Tôi ». Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Trong sự vượt qua nầy từ những tất định vô thức tới ánh sáng của ý thức, người ta sẽ nhận ra sự đạt tới tự do, và người ta sẽ định vị những hạn định của công trình của Freud. Cả công trình của ông chỉ là một sự dẫn nhập, đưa vào tự do chân chánh. Những công cuộc khảo cứu của Freud cần được bổ túc thêm bởi những nghiên cứu Triết học, đạo đức và cứu cánh luận.

    Thật vậy, Phân tâm học tự nó không phải là một cái nhìn về vũ trụ, mà là một sự phân tách không hơn không kém, một sự mổ xẻ thành nhiều yếu tố và một sự trở về nguồn gốc. Freud không ngớt xác nhận điều nầy : ông không dạy chúng ta đạo đức.

    Đôi khi ông còn đoan xác rằng công trình của ông không chống lại một quan niệm tôn giáo nào cả : « Không bao giờ Freud muốn đáp ứng tiếng gọi của Triết học, là suy nghĩ về những ý nghĩa của cuộc sống ». Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Chính Freud cũng nhìn nhận điều nầy, khi có dịp :« Tôi cố tránh không tới gần Triết học. Sự trốn tránh nầy lại càng dễ dàng hơn, nhờ bản chất của tôi là dở Triết học». Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Tuy nhiên, Freud đã tạo được những nền tảng cho một sự đổi mới Triết học. Nhìn nhận rằng ý thức là nơi của sai lầm cũng như của chân lý, nhìn nhận rằng cái nhân (noyau) của con người không phải là tinh thần mà là những thúc đẩy và thèm muốn, ông đã vạch rõ những trao đổi giữa ngôn ngữ của thân xác và ngôn ngữ của lý trí. Đối với con người tưởng rằng mình là một sức mạnh hành động và sáng tạo, Freud đã nhắc tới sức đè nặng không ngờ của quá khứ :

    « Khoa nhân loại học triết lý (anthropologie philosophique) cần phải lấy lại những đề tài nầy, và suy nghĩ chúng trở lại trong sự liên hệ giữa chúng và sự tự do sáng tạo, sức mạnh phản tỉnh của ý thức, cứu cánh của những gì hiện hữu ». Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Trong quyển sách của ông viết về Freud, Paul Ricoeur có ghi nhận sự khác biệt giữa sức nặng của quá khứ và viễn tượng tương lai. Chẳng hạn như Ricoeur nhấn mạnh rằng Freud đã chứng minh sự tìm kiếm lý tưởng có thể ngụy trang cho một lòng tự ái vô thức :

    « Freud đã vạch rõ những nét xưa cũ, ấu trĩ và thuộc bản năng của sự cao thượng giả dối của chúng ta. Nhưng ông không suy nghĩtớivấn đề căn bản hơn được đặt ra do sự việc con người là một « Con người cho giá trị » (être valorisateur) : sự việc con người có thể đồng ý hay không đồng ý có ý nghĩa gì ? Như vậy, cần phải giả định rằng, ngược lại với chuyển động thoái hóa thuộc lý thuyết Phân tâm học, con người còn có khả năng tiến bộ, khả năng nghĩ tới tương lai, khả năng làm xuất hiện những hình ảnh dự phóng từ cuộc hành trình tinh thần của chúng ta ».

    Chẳng hạn như đứa trẻ muốn được an toàn phải chịu lệ thuộc vào người Cha, nhưng chính vì sự lệ thuộc nầy mà nó phải tạo nên sự độc lập của nó (Ricoeur). Liên hệ tới vấn đề nầy, điểm nhiều ý nghĩa là Freud chỉ thấy trong vai trò của người Cha hình ảnh của một nhà độc tài, một ông chủ bó buộc người khác phải lệ thuộc mình, vì vậy, tạo nên những xung khắc. Thật ra, người cha cũng đầy hứa hẹn ; ông là người nhìn nhận đứa trẻ, người giúp nó thành người và vui mừng khi thấy nó đạt tới cuộc sống người lớn.

    Cũng vậy, liên hệ tới tôn giáo mà Freud đã tố cáo như là một cố gắng giả dối để an ủi con người, chúng ta có thể lưu ý rằng thật ra có hai loại an ủi gắn bó chằng chịt với nhau : một sự an ủi của trẻ con, thần tượng hóa những nhân vật bảo bọc (người Cha, người Chủ…) và một sự an ủi của người lớn, một sự an ủi vô vụ lợi không liên hệ với những trốn tránh tưởng tượng trước thực tế phũ phàng. Sự an ủi sau nầy có thể diễn tả một « thèm muốn vĩnh cửu » sâu xa. Dầu cho có một sự phù hợp nào đó giữa những thèm muốn bắt rễ sâu xa trong tâm khảm con người và một số tin tưởng, điều nầy cũng không chứng minh hay bác bỏ chân lý của những tin tưởng nầy.

    Sau cùng, như Dalbiez đã chứng tỏ trong quyển sách của ông « La méthode psychanalytique et la doctrine Freudienne », hình như người ta không thể giản lược ý thức đạo đức vô toàn thể những cấm đoán, mà xã hội đã dựng lên trước những bản năng của chúng ta. Ông viết :

    « Tất cả đều làm chochúng ta tin tưởng rằng mặc dầu những rào đón có vẻ ngoại giao, Freud tin chắc rằng đạo đức chỉ là một hệ thống phản ứng hữu kiện, do Giáo dục mang tới. Dưới mắt ông, những qui tắc của đạo đức có vẻ chỉ là một « bó » những thói quen, do Giáo dục mang tới ».

    Thế nhưng, sự đào luyện đạo đức là một sự nội tâm hóa tuần tự những giá trị, làm cho những cấm đoán của xã hội trở thành những cấm đoán của chính mình, do mình chấp nhận một cách ý thức và trách nhiệm. Và Dalbiez viết tiếp :

    « Lý thuyết về siêu ngã chỉ giải thích sự di chuyển một cấm đoán, nó không giải thích chính sự cấm đoán nầy ».

    Freud đã nói tới Giáo dục, nhưng Giáo dục không giải thích được uy quyền siêu vượt của những giá trị trước ý thức của người lớn, ý thức tự do. Siêu ngã chỉ có những nhiệm vụ : người ta không thể giản lược giá trị vào nhiệm vụ được.

    Như vậy, Phân tâm học chỉ là một khoa học về những cơ cấu căn bản của con người. Người ta không thể suy tưởng về con người, ngôn ngữ của nó, sự sáng tạo nghệ thuật, đạo đức hay tôn giáo của nó, bằng cách chống lại Phân tâm học, hay không cần biết tới Phân tâm học. Mặc dầu vậy, Triết học vẫn giữ một sự tự trị nào đó đối với Phân tâm học, sau khi nhận lãnh những định luật cơ cấu của con người do Phân tâm học mang tới. Những định luật nầy, phương diện Triết học có thể không quan niệm như một hình thức tất định, bó buộc con người phải chấp nhận và bó tay ; ngược lại, Triết học có thể mở rộng chúng cho gió tự do và sức mạnh của tình thương lùa vào.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkRoland Dalbiez, La méthode psychanalytique et la doctrine Freudienne, quyển 2, trang 412, nhà xuất bản Desclée de Brouwer.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkAntoine Vergote, La Psychanalyse, Science de l’homme, Dessart.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkTrích trong quyển La Psychanalyse Science de l’homme của Antoine Vergote, nhà xuất bản Dessart.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkPaul Ricoeur, De l’interprétation : Essai sur Freud, nhà xuất bản Seuil.
     
Moderators: dragonking91, mopie

Chia sẻ trang này