Sơn Nam tặng sách (Hoàng Phương)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 4/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    Sơn Nam tặng sách


    Tác giả: Hoàng Phương

    [​IMG]

    (Nhà văn Sơn Nam. Ảnh: Duy Nam)

    Mặc dù kẻ chợ, người quê nhưng tình bạn giữa nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường (Cai Lậy, Tiền Giang) với nhà văn Sơn Nam khá bền bỉ. Quen với Sơn Nam vào khoảng năm 1967, đến ngày ra đi của nhà văn, từ dưới quê ông Tường cũng lặn lội lên Sài Gòn để thắp nén nhang đưa tiễn.

    Ông Tường kể, Sơn Nam là người mê sách số một, nhờ mê sách và giỏi tiếng Pháp nên Sơn Nam đã “ngốn ngấu” kho lưu trữ của Pháp và phát hiện ra nhiều địa danh mà tài liệu Pháp ghi sai. Ví dụ, có lần ông nói với ông Tường: “Sông Cửu Long có 9 cửa (gồm cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Trần Đề và Ba Sắt - PV) mà “thằng Tây” nó viết trật hết 2 cửa. Cửa “Cung Hầu” vốn là “cồn Ngao”, còn “Trần Đề” chính là “Trấn Di”, là đơn vị hành chính do nhà Nguyễn đặt”...

    Mê sách nhưng nhà văn Sơn Nam rất hào phóng trong chuyện tặng sách. Sách tư liệu của ông ai tới xin thì ông cho, không giữ lại cho riêng mình. Ông Tường mang ra cho tôi xem một đống sách cũ về khảo cổ có chữ ký tác giả đề tặng. Sơn Nam cho ông nhưng dặn đem về đừng có bán ra chợ trời. Nếu có đem bán thì làm ơn xé trang đầu đi (có chữ ký tác giả), đừng để tác giả phát hiện mà ông bị giận. Một trong những tư liệu rất quý mà ông Tường đang giữ là nguyên tập hồ sơ vụ Hoàng Cao Khải đàn áp nhà yêu nước Phan Đình Phùng. Tập hồ sơ bản gốc chữ Hán, có đóng dấu, lưu lại những báo cáo của đàn em Hoàng Cao Khải gửi lên được đóng thành tập dày, không biết từ đâu Sơn Nam có nhưng sau này ông cũng cho lại ông Tường.

    Nhiều lần tới nhà Sơn Nam thấy quyển sách quý, ông Tường hỏi: “Cái này còn xài không?”. Ông Sơn Nam: “Hết rồi. Mầy muốn lấy thì lấy đi”. Nhưng có những món trong bụng rất thích mà ngại không dám hỏi, mai mốt ông cũng cho người khác. Có lần ông Tường hỏi ở đâu có hình thành Định Tường? Ông Sơn Nam lấy ra cuốn Cuộc sống của dân Nam kỳ do một bác sĩ người Pháp viết năm 1885 rồi xé cho ông Tường mấy tấm hình in trong đó. Nhưng sau đó cuốn sách ông cho người khác. Tiền bạc cũng vậy. Ông chủ yếu sống bằng cây bút, tiền bạc eo hẹp, nhưng khi đi ngoài đường gặp người ăn xin là ông cho, thấy ai khổ là cho. Ông Tường rất mê khi thấy nhà Sơn Nam treo 2 bức hoành phi của tổng đốc Phương có từ trăm năm trước, nhưng sau đó nó lần lượt biến mất mà chẳng biết ông đã bán hay cho ai. Hoặc như tờ Lục tỉnh Tân văn của Trần Chánh Chiếu hồi đó ông Sơn Nam có cả một tập photocopy, nhưng sau này ông cũng cho ai mất.

    Anh Nguyễn Ngọc Phan, một người từng theo ông Tường và thường xuyên tới nhà ông Sơn Nam từ năm 1985 đến nay, kể: Trong một lần về Cai Lậy chơi vào năm 1987, thời kỳ đó còn rất khó khăn nên buổi tối “ve chai lông vịt” nhặt mất của ông hết chiếc dép nhựa. Sáng hôm sau chủ nhà kiếm cho ông chiếc dép khác thành ra... chiếc xanh chiếc đỏ. Khi ông tới nhà sách tại thị trấn thì có người mua quyển Hương rừng Cà Mau rồi nhờ ông ký tặng. Thấy vậy, cô bán sách tên Hương bình phẩm: “Ôi cuốn này ông Sơn Nam viết rề rà, đọc mệt lắm”. Nghe vậy ông nheo mắt cười. Một người nói với cô bán sách “Sơn Nam là ổng đó” nhưng cô bán sách không tin. Nhìn đôi dép chiếc xanh chiếc đỏ ông đang mang, cô đế thêm: “Tướng vậy mà là nhà văn Sơn Nam hả?”. Nhưng khi lật lưng bìa sách ra thấy hình ký họa chân dung của ông thì cô bán sách tái mặt, xin lỗi rối rít. Còn ông thì cười hiền lành: “Bộ tưởng... nông dân đi mua sách hả?”...

    (Nguồn: website Tuần san Thanh Niên)

    Posted by goldfish
     
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này