Tin tức Suy diễn tùy tiện trong sách Thái sư Lê Văn Thịnh

Thảo luận trong 'Tin tức - Sự kiện' bắt đầu bởi Heoconmtv, 17/6/17.

  1. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Suy diễn tùy tiện trong sách Thái sư Lê Văn Thịnh

    Viết về lịch sử không có chuyện suy diễn thông lệ mà phải cụ thể, có nói có - không nói không

    Cuốn sách “Thái sư Lê Văn Thịnh (1050-1096): Cuộc đời và thời đại”, Hội Sử học Hà Nội - NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 2016 có nhiều nội dung suy diễn tùy tiện về danh nhân lịch sử.

    Đoán mò lịch sử

    Ngay trong Lời mở đầu (TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, đề bút) và mốc năm sinh, năm mất trong tiểu sử danh nhân Lê Văn Thịnh đã không có cơ sở khoa học. Giải thích về mốc niên đại (1050-1096), tác giả viết: Được chọn trên cơ sở tư liệu trong “Thần sắc” do Nguyễn Bính phụng soạn dưới triều Lê cuối thế kỷ XVI và ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư (tr.9).

    GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã bác bỏ luận điểm này ngay tại hội thảo khoa học “Thân thế và sự nghiệp Thái sư Lê Văn Thịnh” nhân dịp kỷ niệm 940 năm khoa thi Minh Kinh bác học (1075-2015) được tổ chức ở Hà Nội ngày 25-12-2015: Năm sinh, năm mất của Lê Văn Thịnh chưa xác định được. Việc sử dụng truyền thuyết dân gian hay thần tích thì giá trị thông tin khoa học hạn chế.

    GS Phan Huy Lê kết luận: “Theo thần tích do Nguyễn Bính soạn, Lê Văn Thịnh sinh ngày 11-2 năm Canh Dần (1050) nhưng chưa có cơ sở nào để xác minh niên đại này. Chúng ta biết chắc chắn 2 niên đại: ông thi đỗ Minh Kinh bác học và Nho học Tam trường năm 1075 và bị đày năm 1096. Như vậy, ông sinh ra, lớn lên và hoạt động khoảng nửa sau thế kỷ XI” (tr.240).

    Trong bài “Tư liệu khảo sát thực tế ở Bắc Ninh thờ Thái sư Lê Văn Thịnh” của ông Nguyễn Duy Nhất (nguyên Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh) cho biết một vài tài liệu sách báo khác viết về Lê Văn Thịnh đã ghi ông sinh năm Giáp Dần (1014) hoặc Bính Dần (1026). Còn thông qua ngọc phả do Nguyễn Bính phụng soạn (1572) mang tên “Lý Nhân Tông triều công thần nhất vị Đại vương ngọc phả” kết hợp với lời kể của nhân dân địa phương, “chúng tôi xác định được năm sinh của Lê Văn Thịnh là Canh Dần (1050)”.

    Phương pháp xác định như thế nào thì tác giả không nói. Tuy nhiên, khi mô tả về tài liệu này, ở câu tiếp theo, ông Nguyễn Duy Nhất viết rõ ràng: “Trong ngọc phả ghi bị mất chữ Canh chỉ còn chữ Dần” (tr.165).

    Về mặt nguyên tắc khi đọc tư liệu Hán Nôm, khi mất chữ, phải để ô vuông, những điều khác chỉ là suy luận chứ không thể khẳng định chắc chắn là mất chữ Canh được.

    Suy diễn sử liệu

    GS Nguyễn Quang Ngọc trong bài “Lê Văn Thịnh - trí thức Nho học kiệt xuất đầu tiên của quốc gia Đại Việt”, nếu lọc bỏ những mỹ từ mang tính văn học trang trí cho câu văn thì những lập luận về sử liệu lại khá xộc xệch, lỏng lẻo, suy diễn.

    Mở đầu tham luận của mình, GS Nguyễn Quang Ngọc viết: “Nói đến trí thức Nho học nổi tiếng đầu tiên của Việt Nam có lẽ không ai không nghĩ đến Sĩ Nhiếp. Ông vốn là người huyện Quảng Tín, quận Thương Ngô, tổ tiên là người Vấn Dương, nước Lỗ (thuộc Sơn Đông - Trung Quốc), đã 6 đời ở Giao Chỉ trở thành người bản địa” (tr.42).

    Thật lạ, vì các sử gia từ xưa đến nay dẫu có tôn Sĩ Nhiếp là “Nam Giao học tổ” nhưng không bao giờ thừa nhận ông là trí thức Nho học đầu tiên của Việt Nam, càng không có sử liệu nào nhắc đến ông là người bản địa như GS Nguyễn Quang Ngọc viết.

    [​IMG]
    Bìa cuốn sách “Thái sư Lê Văn Thịnh (1050-1096): Cuộc đời và thời đại” và một vài trang sai sót

    Trong sách “Việt Nam sử lược”, sử gia Trần Trọng Kim viết về Sĩ Nhiếp như sau: Tiên tổ nhà ông Sĩ Nhiếp là người nước Lỗ, vì lúc Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, mới tránh loạn sang ở đất Quảng Tín, quận Thương Ngô, đến đời ông thân sinh ra Sĩ Nhiếp là 6 đời (“Việt sử lược” là bộ sử cổ nhất cũng chép vậy). Như vậy, đâu phải tổ tiên Sĩ Nhiếp ở Việt Nam đến 6 đời và thành người bản địa như GS Nguyễn Quang Ngọc nhận định.

    Trang 44, trong chú thích đánh số 3, GS Nguyễn Quang Ngọc viết: “Tuy ở thời điểm đó chưa có danh hiệu Trạng nguyên nhưng theo thông lệ, người đỗ đầu kỳ thi Nho học cao cấp nhất của nhà nước thường được gọi là Trạng nguyên nên người đời sau gọi ông là Trạng nguyên, thậm chí là Trạng nguyên khai khoa cũng có lý”.

    Chính GS Phan Huy Lê đã bác bỏ: “Điều đó hoàn toàn không đúng vì mãi đến năm 1247, nhà Trần mới lần đầu tiên đặt danh hiệu Tam khôi đứng đầu là Trạng nguyên và người đỗ Trạng nguyên đầu tiên là Nguyễn Hiền” (tr.243).

    Viết về lịch sử không có chuyện suy diễn thông lệ mà phải cụ thể, có nói có - không nói không. Giỏi như Lê Quý Đôn đỗ đầu 3 kỳ thi Hương, Hội, Đình với danh hiệu cao nhất là Bảng nhãn (kỳ thi Đình năm 1752 không lấy Trạng nguyên nên ông đỗ cao nhất) cũng chẳng thể theo thông lệ mà gọi ông là Trạng nguyên được.

    Viết về sự kiện năm 1075 Lý Nhân Tông chọn quan chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám, GS Nguyễn Quang Ngọc hạ bút: “Chắc chắn thầy giáo Lê Văn Thịnh là người thầy sớm nhất của trường đại học đầu tiên của quốc gia Đại Việt”.

    Luận điểm này không có cơ sở. Thứ nhất, “Đại Việt sử ký toàn thư” viết về sự kiện năm 1075: “Lê Văn Thịnh được trúng tuyển, cho vào hầu vua học”. Thứ hai, năm 1076, sách “Việt sử lược” đời Trần chép: “Lấy Nội cấp sự Lê Văn Thịnh làm Binh bộ Thị lang”. Như vậy, năm 1075, Lê Văn Thịnh chỉ vào hầu vua học, tức là dạy vua Lý Nhân Tông khi nhà vua chưa đầy 10 tuổi. Năm sau, ông đã chuyển sang Bộ binh, có thể vẫn dạy nhà vua nhưng khó mà khẳng định “chắc chắn” coi “Lê Văn Thịnh là người thầy sớm nhất của trường đại học đầu tiên của quốc gia Đại Việt”. Trước đó, năm Canh Tuất (1070) niên hiệu Thần Vũ thứ 2, Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu. “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Mùa thu tháng 8 (1070) làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đây học”.

    Do GS Nguyễn Quang Ngọc “đặt nhiều kỳ vọng” ở kết quả nghiên cứu và thảo luận về Thái sư Lê Văn Thịnh để “có thêm cơ sở chính thức đưa vào Lịch sử Việt Nam tập V (1009-1226) thuộc Đề án Khoa học xã hội cấp quốc gia xây dựng bộ sách “Lịch sử Việt Nam 25 tập”, cho nên chúng tôi nghĩ rằng bài viết này sẽ góp phần nào đó điều chỉnh những sai sót để khi đã vào “Quốc sử” thì những sử liệu và luận điểm khoa học được chính xác hơn.

    Thận trọng!

    Trong nghiên cứu lịch sử, cần giải mã những điểm cốt lõi của quá trình huyền thoại hóa và lịch sử hóa. Những thông tin thu được qua các nguồn tài liệu thành văn (không thể tin giai thoại dân gian về những nội dung lịch sử từ thời Lý) cần được hệ thống hóa lại từ phương pháp văn bản học một cách cẩn trọng để phác họa nên một sự nghiệp của nhân vật với những luận chứng, luận cứ chặt chẽ. Những yếu tố “nhất”, “đầu tiên”... do vậy, càng rất thận trọng khi chưa có cứ liệu và sự so sánh xác đáng.

    Bài và ảnh: Kiều Mai Sơn
     

Chia sẻ trang này