Tạp Luận...

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi tducchau, 28/12/14.

Moderators: Cát Cát
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    NGHĨ RA MỘT CHỮ


    Có câu chuyện được thuật lại. Chuyện khá xa xưa nói về tác phong làm thơ văn của một số nhà nho của ta.

    “Vài cụ ngồi cùng chiếu hí hoáy viết. Họ cùng làm văn thơ gì đó, không phải đua tài mà nhằm mục đích để cùng thưởng thức tài nhau với tinh thần văn nghệ “giải trí lành mạnh’. Nhưng một cụ bỗng chựng lại, ngừng viết. Chốc chốc cụ lại để bút xuống rồi cầm bút lên lại để xuống, thình thoảng tỳ tay vào má, một lúc lại vò râu…

    À ra, cụ đang nghĩ chữ. Tìm chữ cho đúng nghĩa, cho hàm súc, cho hay, cho kêu, nhưng "bí" quá !

    Chợt cảm nghe chột bụng. Có lẽ vì bụng nặng mà phát ngu. Cụ liền bỏ viết, vội đi ra cầu tiêu. Nhưng vừa trịt quần xuống, cụ vội kéo quần lên, phăng phăng như muốn chạy vừa thắt lưng, miệng lảm nhảm, vào nhà, nhảy lên chiếu, chụp lấy bút viết…

    Thì ra vào cầu, cụ chưa kịp giải quyết chợt kịp nghĩ được chữ mà cụ đang tìm, nên cụ mừng quá… quên mất cái cần thiết đòi hỏi".

    Câu chuyện nghe tầm thường mà thú vị.

    Có khác nào ông Át-Si-Mét (Archimède), nhà kỷ hà học danh tiếng thời cổ đại ở Ý đang tắm trong phòng tắm chợt tìm được một định luật, "hứng" quá, tung cửa chạy ra đường, kêu lên: "Eurêka! Eurêka!" (Jai trouvé! Jai trouvé! _ Ta tìm được rồi! Ta tìm được rồi!)

    Một phát minh, một sự kiện thú vị tăng thêm phần giá trị…

    Cụ nhà nho làm thơ văn, tìm được chữ để được bài cân xứng, thơ thì ngoài niêm luật chặt chẽ còn cần có ý tình, làm rung cảm được người đọc bằng từ nhiều hình ảnh trong cách diễn đạt. Văn xuôi, tính chất căn bản, tuy không phải gò bó lắm nhưng cũng cần như thế. Do đó, các cụ ta không thể hời hợt, phóng túng mà tự kềm chế, bắt buộc mình, đến nỗi kêu lên: "Nghĩ ra một chữ rụng mấy sợi râu!", nếu thuộc phái nữ chắc phải "rụng vài sợi tóc!".

    Làm văn, làm thơ phải khổ sở như thế đó.

    Giả Đảo, một nhà thơ đời Đường, lúc còn làm nhà sư ở chùa, một đêm trăng sáng, ông cưỡi lừa thong thả trên con đường độc đạo, định đến thăm nhà một người bạn. Cảnh vắng trăng thanh, chim đậu trên cây bên bến nước, bóng người chiếu trên mặt nước đầm, nhà thơ thấy cảm hứng, tức cảnh ngâm:

    "Điểu túc trì biên thụ,
    Tăng thôi (xao) nguyệt hạ môn.
    Độc hành đàm để ảnh,
    Sác tức thụ biên thân
    ".​

    Có nghĩa là:

    "Chim đậu cây bến nước,
    Sư đẩy (gõ) dưới trăng.
    Mình đi bóng chiếu xuống,
    Tựa cây mà thở than."

    Giả Đảo ngâm đi ngâm lại, nhận thấy chữ “thôi” (đẩy) không được ổn, nên đổi lại “xao” (gõ) nhưng cũng không vừa ý. Ông đọc lẩm nhẩm, rốt cuộc vẫn phân vân không biết dùng chữ nào cho thích hợp hài lòng. Ông tức quá, xuống lừa đứng giữa đường, đưa tay đẩy rồi gõ, lại gõ rồi đẩy như đứng trước nhà bạn đẩy, gõ cửa vậy.

    Hàn Dũ, cũng là một nhà thơ danh tiếng làm quan tại triều vì dâng sớ can vua có giọng nặng nề, nên bị giáng chức ra làm thứ sử đất Triều Châu. Buồn cho thân thế, nhân đêm trăng sáng gió mát nên đi dạo chơi. Trên đường đi, xa xa nhìn thấy có người đứng với bộ tịch như vậy, lấy làm lạ lần bước đến lên tiếng hỏi. Giả Đảo giựt mình ngừng lại, thành thực nói rõ sự việc. Hàn Dũ khuyên nên dùng chữ “xao” (gõ). Giả Đảo đồng ý.

    Hai tiếng “Thôi, Xao” được dùng trong văn chương, để chỉ sự đẽo gọt câu văn. Giả Đảo lại có một bài thơ:

    Nhị cú tam niên đắc,
    Ngâm thành song lệ lưu.
    Tri âm như bất thường
    Quy ngoại cố sơn thu
    ”.​

    Có nghĩa là:

    “Ba năm được hai câu
    Ngâm lên giọt lệ tràn.
    Tri âm bằng chẳng hiểu
    Về ẩn chốn non cao”.

    Cái lối “Thôi, Xao” đó cũng như “Nghĩ ra một chữ rụng mấy sợi râu” sự thật không phải quá đáng – Nó trở thành một nguyên tắc nhất định, để cho ta một kinh nghiệm bản thân của một người làm thơ văn nên cẩn thận trong việc trau giồi phát triển nghệ thuật.

    "Ba năm được hai câu
    Ngâm lên giọt lệ tràn"

    Đó là ý muốn nói phải khổ công dài hạn mới đạt kết quả tốt. Thơ đọc lên không hiểu gì hết, thì làm sao làm rung cảm được lòng người, làm sao gọi là văn chương nghệ thuật? Thói quen tốt tạo nên nề nếp tốt, trở nên nhạy bén tìm chữ làm câu dễ dàng, mới “xuất khẩu thành thơ”, chớ không phải đều đều như cụ nhà ta hay có cử chỉ như nhà thơ Giả Đảo, để rồi… râu rụi, tóc sói! Chỉ có điều cần nói các cụ đâu phải quá lập dị, cầu kỳ tìm chữ cho kêu mà rỗng, tối nghĩa, dùng nhiều sáo ngữ (đâu phải khó kiếm).

    “Hỡi cô tát nước bên đàng
    Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”

    Hay

    “Ước gì sông nọ tấc gang
    Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”.

    Tát nước thì cứ tát... sao “múc” ánh trăng vàng? Bắc cầu bằng cây, bằng tre lắt lẻo, bằng ximăng cốt sắt vững chắc, sao lại bằng “dải yếm”… tác giả dùng từ đâu phải thiếu công phu!

    “Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du, tác giả dùng đến mười tám từ “thoắt” trong mười tám câu:

    - “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”
    - “Thoắt đâu thấy một tiểu Kiều”
    - “Thoắt trông lờn lợt màu da”
    - “Thoắt thôi tay lại cầm tay”
    - “Gót sen thăn thoắt dạo ngay mé tường”

    Vân vân và vân vân…

    Là một nhà thơ lớn, tinh luyện nghệ thuật, cái lối “Thôi, Xao” đã nhập thân với tinh thần sáng tạo tuyệt vời… ai dám bảo rằng thi hào Nguyễn Du không phải không công phu suy nghĩ để dùng chữ “Thoắt” trong mười tám câu thơ gợi cảm cho người đọc những hình tượng cả tâm tính của nhân vật trong tác phẩm.

    Nhà thơ Tàn Đà ra báo ở Hà Nội, có lần thất bại, vào Sài Gòn, viết mướn, giữ trang văn chương cho tờ “Đông, Pháp thời báo”. Nhà ông ở chợ Gà. Có lần báo sắp lên khuôn, bài vở đủ, chỉ có trang văn chương còn trống. Ông chủ nhiệm liền cho người đến tận nhà “đòi” bài. Ông phát giận, cằn nhằn:

    - Làm văn làm thơ, chớ có phải bửa củi đâu mà có ngay được!

    Kể cũng khổ thật. Tản Đà là một nhà thơ có danh tiếng, nhưng ông cũng có danh tiếng do ông tự thú:

    “Say sưa nghĩ cũng hư đời,
    Hư thì hư vậy, say thì cứ say”.

    Nhưng lần nầy sự thật ông không có “say thì cứ say”. Ông biết trách nhiệm của mình đối với tờ báo lắm, mà chỉ vì “kẹt’ do “bí” quá! Bửa củi còn phải có thời gian mài búa, còn làm văn thơ phải mài cái gì đây? Nhà thơ Tản Đà có lúc gác bút bỏ giấy trên bàn, chắp tay sau đít, than thở:

    “Đi ra rồi lại đi vào
    Cuối cùng chỉ tốn thuốc lào mà thôi!”

    Thế là chỉ tốn thuốc lào, không được chữ nào, bản thảo giấy trắng vẫn hoàn giấy trắng… chứa đầy ý nghĩa cao xa như kinh Vô tự (không chữ) của nhà Phật! Khổ sở như vậy thế mà ít có người biết đến, nếu không đắp chăn thì làm sao biết chăn có rận, không qua cầu lắt lư lắt lẻo trên con sông sâu, thì làm sao cảm biết ruột thót gan teo!

    Vậy mà ít được người thông cảm cái cảnh “rụng mấy sợi râu”, lại cứ bới lông tìm vết một khi sơ suất của nghề, trặc trẹo kỹ thuật để bỉu môi, để úp chụp… trong khi trả giá cho công phu sáng tác, đến đỗi nhà thơ danh tiếng Tản Đà một thời phải buộc lòng kêu lên:

    “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”

    Nhưng có người vui tính, cũng “Thôi, Xao” để đổi chữ “Như” của tác giả ra chữ “Hơn”, tức là “rẻ hơn bèo” gọi là nhuận bút tượng trưng hay chiếu lệ! Tuy nhiên, không vì thế mà nhà văn nhà thơ ta (cả nam lẫn nữ) sợ trụi râu rụng tóc mà giã biệt “Thôi, Xao”!

    ...
     
    SongAn, superlazy, toidangki and 3 others like this.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    NÉM ĐÁ XUỐNG AO


    Sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư Lớp Sơ Đẳng” dùng cho lớp tiểu học có bài dạy. Bên bài có minh họa một hình người đàn ông dáng người ăn mày, thân ốm gầy, quần áo rách rưới, tóc rối xù, mặt mày méo xẹo như muốn khóc…

    Thêm một người phía sau, đứng bên cạnh một cái ao, nước bắn tung tóe… Bài viết:

    “Một hôm người hào phú có chuyện lôi thôi với một người thợ. Người hào phú lấy hòn đá ném người thợ. Người thợ nhặt lấy hòn đá, nói: “Thế nào cũng có lúc tao ném hòn đá này vào đầu mày’, liền lấy hòn đá đem cất.

    Thời gian sau chẳng bao lâu, người thợ đá đương đứng trước sân thấy một người ăn mày, quần áo rách rưới đi ngang, nhìn rõ là người hào phú trước kia. Người thợ liền chạy vào nhà, lấy hòn đá quay trở ra, định ném lại. Nhưng rồi anh chợt nghĩ: “Lúc người ta đương giàu có thân thế mà ta không dám báo thù, giờ người ta thất thế, nghèo khổ mà ta lại báo thù thì là hèn”. Nói xong liền quăng hòn đá xuống ao.”

    Trong một thiên thi ca bất hủ “Sau trận chiến’ (Après la bataille) của thi hào Pháp Victor Hugo, tả một trận giặc giữa Phổ và Pháp đã tàn vào một buổi chiều. Thân phụ tác giả là một võ quan chỉ huy cưỡi ngựa đi khán mặt trận. Giữa lúc ấy, trên bãi chiến, một tên lính Phổ quằn quại, gào kêu: “Khát quá. Nước, nước!”. Thân phụ tác giả liền lấy bầu nước của mình trao cho một tên lính hộ vệ đem đến cho tên thương binh Phổ. Nhân lúc bất cẩn này, tên lính Phổ nhanh tay rút lấy súng, thét lên một tiếng, cho nhả đạn vào người ông. Ông giật mình, viên đạn chỉ phớt ngang mũ. Thân phụ tác giả thản nhiên bảo: “Cứ cho uống! Cứ cho uống!”.

    Ở đây, không phải nói đến cái khí phách của người anh hùng mã thượng đối chiến giữa chiến trường. “Không giết người ngã ngựa” đã trở nên một thành ngữ có giá trị về tư tưởng.

    Người thợ, hạng bình dân lao động, bài học của một lớp tiểu học ngày xưa của Việt Nam ta, đã giữ lấy hòn đá “kỷ niệm” tin chắc luật quả báo, nhưng khi người hào phú thất thời như người ngã ngựa hay như tục thường nói: “Lúc lên voi lúc xuống chó” … là có dịp người thợ kia ném vào đầu người hào phú kia để trả thù. Thế mà người thợ kia cầm lấy hòn đá đã cất giữ bấy lâu, lại ném xuống ao. Có khác nào cái ý nghĩa cao đẹp qua thái độ của vị tướng lãnh đã thoát khỏi viên đạn bắn lén nguy hiểm của tên lính địch kêu khát bằng một lời ôn tồn bình thản bảo tên hộ vệ: “Cứ cho uống! Cứ cho uống!”.

    Hành động khá đẹp, làm thẹn cho một hạng người xử thế với cảnh “giậu đổ bìm leo”, trước người “ngã ngựa’, trước kẻ “xuống chó” … thì hùa nhau chém sát ván với bản “luận án” gắt gỏng dài thòng. Đáng buồn cười hơn là có một số người trước nịnh hót, tang bốc hết “tầm cỡ’ đối với “ông quan’ hào phú đó, thì bấy giờ, cũng ông quan hào phú trở thành một kẻ ăn mày, chính họ lại vác đá bồi thêm!

    Câu chuyện với đầu đề “Người thợ đá có lương tâm” trong sách giáo khoa đã nói trên, dầu sao cũng hàm súc hai ý nghĩa: tích cực và tiêu cực; khuyên người đồng thời cảnh cáo người.

    “Giậu đổ bìm leo” thói thường là vậy, một lối xử thế thường tình.

    Biết bìm leo, giậu (hàng rào) cần cố giữ sao cho đừng bị mục rệu, xiêu quẹo, ngã đổ. Cũng như thành ngữ “lúc lên voi, lúc xuống chó” để cảnh cáo một hạng người khi “lên voi” phải nghĩ có thể có ngày “xuống chó”, để xử sự như thế nào khi mình “lên voi mà vẫn xuống voi” được xem là cao đẹp trong đạo làm người theo luật thăng trầm của thế sự.

    Người hào phú quên lúc cái cảnh bìm leo, xuống chó … để mình giữ giậu, giữ mình khi lên voi. Nhưng đời đâu phải hoàn toàn đen tối mà còn người có khí phách và lòng bao dung với lời “Cứ cho uống!’ và hòn đá căm hờn kia không phải ném vào đầu mà được ném xuống ao sâu. Đẹp quá.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/1/15
  3. tauvequehuong

    tauvequehuong Lớp 10

    Bạn @tducchau ơi cuốn Quốc văn giáo khoa thư giá trị quá, diễn đàn mình làm dự án ebook đi bạn. :)

    Hịc hịc mình gà rừng máy tính nên chỉ ngồi ngóng các bạn làm thui.
     
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ... Lâu rùi mới 'gặp lại cố nhân'! :)!

    ... Thực ra, cách nay trên dưới 5 năm (!), từ 2009, TVE đã thực hiện hoàn tất bộ SGK QVGKT (3 quyển) rồi, có thể nói là trang Web đầu tiên & duy nhất ( :)! tinh tới thời điểm đó) đưa được trọn vẹn bộ nầy lên NET 'truyện đọc _ Quốc Văn Giáo Khoa Thư' ở dạng Text_Doc 'rút gọn', (chỉ là lược bớt đi phần câu hỏi và bài làm về nhà cho học sinh trong SGK mà thôi!)... Thầy Goldfish, Quocsan, tducchau & một số thành viên cùng thực hiện, cũng chỉ còn ra ebook... Nhưng sau đó, do 'tình hình rất chi là tình hình'... thầy bịnh, bạn mắc học, mình cũng 'ngập' vô cái vụ NCS hết mấy năm, tới nay! 'vật đổi sao dời' sạch cả... :(!

    Giờ cũng bắt đầu dư dả thời gian chút chút rùi, đồng thuận với gợi ý của tauvequehuong! :)! Để thư thả rồi tducchau sẽ chuyển lại toàn bộ bản text của sách...

    Thành thực xin lỗi! Mấy tuần nay, tducchau 'bầm dập' với ba cái vụ vi tính nầy, máy cũ, hư hỏng hết cả rồi, sắm mới, 'lên đời' tiêu lun mấy trăm GB dữ liệu số hóa, đang nhờ chuyên gia phục hồi, nhưng chắc không khả thi nhiều!

    Cũng như tauvequehuong, tducchau 'vịt giời' máy tính lắm, (nãy giờ cũng bị đá tới đá lui mấy bận, :(!), nhưng sẽ ráng... :)!

    Trân trọng.
    tducchau,
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/1/15
  5. hanhdb

    hanhdb Sinh viên năm II

    Sách quốc văn giáo khoa thư đã được in lại bìa cứng rất đẹp
    bác tdchau có thể gửi bản word hoặc prc bản 3 quyển cho mình được không? mình sẽ tạo lại ebook làm mục lục. Bản trên tve có vẻ chưa đủ
     
    tducchau and tauvequehuong like this.
  6. tauvequehuong

    tauvequehuong Lớp 10

    Mình rất cảm kích khi đọc dòng " ... Lâu rùi mới 'gặp lại cố nhân'! :)! " :):)

    Xin cảm ơn @tducchau và mọi người về cuốn sách Quốc văn giáo khoa thư.

    Mình muốn in cuốn đó để trẻ nhỏ đọc, hiện tại mình đã tìm ở các nhà sách lớn ở Hải Phòng nhưng hem thấy cuốn đó và cũng hem biết cuốn đó có bị cắt xén gì so với bản trước kia không nữa.
    Và mình thì chủ trương không cho trẻ đọc sách trên thiết bị di động hay máy tính bàn, vì mình nghĩ rằng " lợi chưa thấy thì răng đã chẳng còn " :p
     
    hanhdb, tducchau and Thạch Thảo like this.
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ... @ tauvequehuong! ... Gởi 'Cố Nhân!' :)! ...


    CÓ PHẢI KỂ CÔNG VỚI CON? ...


    Sách giáo khoa Quốc Văn lớp Đồng Ấu trường Tiểu học ngày xưa có bài ca dao cho học trò còn để chỏm học thuộc lòng:

    “Công cha như núi Thái Sơn
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
    Một lòng thờ mẹ kính cha
    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

    Ngắn gọn, đơn giản, phổ thông, trẻ con dễ học dễ nhớ. Nhiều bé thuận miệng, xuôi tai coi như một bài hát, ở truồng tắm sông cùng đua nhau hát vang lên lấy làm thích thú.

    Một thời thơ ấu.

    Bài ca dao đặc tính luân lý dạy con, dạy người, dạy đời.

    Chữ “hiếu” là kính thờ cha mẹ, là đạo làm con. Vì công cha to như núi, nghĩa mẹ như nước trong nguồn thăm thẳm chảy mãi không vơi. Người nào mà không mang lấy công nghĩa nầy; và đời nào, nước nào, dân tộc nào lại không có đạo làm con. Còn đứa con nào giữ được “tròn” hay làm “méo” chữ hiếu là một chuyện khác.


    “Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du, đoạn tả tâm trạng Vương Thúy Kiều nhớ quê hương, nhớ cha mẹ có câu:

    “Nỗi lòng đòi đoạn xa gần,
    Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau.
    Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
    Một ngày một ngả bóng dâu tà tà”.

    “Chín chữ” nguyên là “chín chữ cù lao: (Cửu tự cù lao), chỉ về công lao to lớn của cha mẹ - chín chữ là: sinh (đẻ ra), cúc (nâng giấc), phủ (vuốt ve, nâng niu), súc (nuôi dưỡng bú mớm), trưởng (nuôi lớn), dục (dạy dỗ), cố (chăm sóc), phục (khuyên răn), phúc (giữ gìn che chở) _ (Theo Chú thích & Nhuận sắc của học giả Lê Văn Hòe và Đào Duy Anh); chín chữ đó cao như núi, sâu như biển, như nước trong nguồn thăm thẳm xuôi dòng.

    Cổ ngữ ta cũng có câu:

    “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ,
    Ăn thép nào hay nhớ quế châu…”

    Nàng Kiều của nhà thơ Nguyễn Du có sinh con, nuôi con lần nào đâu, thế mà vẫn biết “công lao” của cha mẹ to như núi cao, sâu như biển rộng, và nàng đã làm một việc đành lỗi hẹn quên thề với Kim Trọng, để bán mình chuộc tội oan cho cha, xem Hiếu nặng hơn Tình!

    Bốn câu ca dao trên phải chăng có tác dụng mạnh?

    Những gương hiếu đạo xưa nay chắc nước ta không thiếu, nhưng ít có sách vở nói đến, phải chăng cho là việc thông thường, hễ làm con tất phải vậy vậy … Chỉ có ông Lý Văn Phúc làm quan đời nhà Nguyễn, triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức có soạn tập “Nhị Thập tứ hiếu diễn ca” nhưng đáng tiếc đây là chuyện hai mươi bốn (24) người con hiếu Trung Hoa. Câu chuyện xưa của Tàu, nhiều hành động của nhân vật được thần hóa… lòng hiếu thảo của con làm cảm động đến lòng trời như Vương Tường nằm giá, Ngô Mãnh khóc măng v.v… cần phải khéo giải thích đối với trẻ thơ. Tuy nhiên còn có phần giá trị.


    Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước v.v… v.v…” ai đặt ra? Tất nhiên không phải cha mẹ đặt ra. Làm cha mẹ có ai lại quá ích kỷ kể công ơn sinh dưỡng của mình đối với con cái; phải là con đặt ra, con nói và thực hành.

    Lại cũng có câu: “Dưỡng nhi đãi lão” (Nuôi con sở cậy lúc già). Ai bảo, ai nói đây?

    Có nhiều người làm cha mẹ cho mình có nhiệm vụ đối với con cái, làm tròn đạo cha mẹ. Có nhiều người làm con cho mình có nhiệm vụ đối với cha mẹ, làm tròn đạo làm con. Tất cả đều nhiệm vụ thiêng liêng của đạo làm người. Có người lại còn cho rằng đây là một việc làm “vần công”, ông bà đã sinh ra cha mẹ, rồi cha mẹ sinh ra con cháu… cứ phải làm công việc nối tiếp nhau đó là lẽ tất nhiên.

    Nghe cũng có lý. Nhưng nghĩ thế cũng là một lẽ để an úi mình.

    Không ai đòi hỏi ai, mà tự mình đòi hỏi lấy mình. Đặc biệt là đứa con phải nhìn thấy cha mẹ, nhìn thấy việc làm, nhìn thấy mình; đừng quá nông nổi để trở thành con người phản bội nghĩ rằng: “Tại ổng bả sinh ra tôi tất nhiên phải vậy vậy …”

    Khách quan nhìn thấy, phong nhân mới làm bốn (4) câu ca dao trên để nhắc nhở, mong cứu vãn phần nào; chớ cha mẹ nào hẹp hòi kể công lao với con! …

    :)! ...
     
    Last edited by a moderator: 4/1/15
    tamchec and tauvequehuong like this.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ... @ Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link! Đồng Tâm! :)! ...

    TẶNG SÁCH, BÁN SÁCH TẶNG…


    Vào hàng sách chọn sách. Sách mới xuất bản, có tư tưởng mới lạ của một nhà văn mới hay của một nhà văn cũ đã có danh, người nầy biết bạn mình thích đọc sách, nhưng chắc chưa có nên mua lấy hai quyển, đẩ tặng bạn một quyển làm quà. Trang ba của sách có chữ viết, họ tên người tặng, đề kỹ “mua tặng”.

    Bạn tặng bạn. Đây là sách mua tặng nhau.

    Có sách do tác giả gởi tặng. Sách do tác giả chạy vốn đầu tư xuất bản với một số lượng khiêm tốn; có sách tác giả giao cho một nhà xuất bản nào đó với tác quyền một số tiền nhuận bút được thỏa thuận (tác giả giữ bản quyền hay bán đứt bản quyền) với một số sách nhất định giao cho tác giả để tác giả tùy tiện sử dụng..

    Hai hạng tác giả nầy có tác phẩm xuất bản bằng kiểu cách nào, căn bản cùng có một tâm lý chung là đem một số tác phẩm mình, để làm quà tặng những bạn thân hữu gần xa. Sách tự tác giả xuất bản hay nhận theo chế độ của nhà xuất bản. Tất nhiên sách tặng bạn có giới hạn. Nhưng tức cười quá, khi kiểm điểm hay lập một danh sách tên thì sao ai cũng đều thân hữu đáng tặng sách (đứa con tinh thần) cả… Và, ngoài số thân hữu nầy đáng được tặng, còn có một số người được tác giả kính trọng, phải được kính tặng. Không thể đủ. Tác giả phải xuất thêm, ra hàng sách mua thêm với giá thị trường.

    Có một thời kỳ, miền Nam, nội thành còn dưới chế độ Sài Gòn, một nhà văn có tiếng nói chuyện về việc tặng sách với một bạn văn nọ:

    - Nói thật với anh: “Tôi ít tặng sách tôi viết cho ai lắm. Kể ra thì bạn rất nhiều, nhưng làm sao đáp đúng yêu cầu của đối tượng. Vậy điều đáng tốt hơn hết, để họ đến hang sách tự chọn lấy theo ý thích của họ; vả lại, tâm lý thông thường của con người, vật gì mà họ bỏ tiền ra mua, thì bao giờ cũng được quý trọng hơn…”

    Nhà văn này phỏng đoán hay kinh qua thực tế?

    Thực tế hẳn không phải hoàn toàn như thế, nhưng không phải không có diễn ra lắm cảnh phũ phàng.

    Sách tặng, trên đề Kính tặng hay Thân tặng, luôn luôn có chữ ký của tác giả.

    Có một tác giả ghi:

    Kính tặng
    Giáo sư Dương Tấn Cảnh,
    Đây là một quyển sách đầu tiên, tác giả hân hạnh được tặng một người đáng tặng
    ”.
    Ký bút hiệu. (Không nhớ tên).

    Cố nhà văn Sơn Nam gởi tặng một người bạn:

    “Dành cho tủ sách của anh bạn …”
    23-7-71
    Sơn Nam.

    Có một tác giả gởi tặng bạn là một nhà thơ trẻ một quyển sách. Một tháng sau, có dịp đi ngang nhà, vào thăm nhà thơ nầy, nhìn thấy quyển sách của tác giả nằm nghiêng ngửa trên bộ ván. Sách bèo nhèo thêm vài tờ rách lòng thòng… trông thật thảm hại!

    Vị giáo sư trên được tác giả cho là “Người đáng tặng’ sách có viết thư cảm tạ tác giả, nhưng quyển sách tặng vẫn được nằm yên bất động trong tủ sách. Nhà văn Sơn Nam vì tình bạn thân gởi tặng để “dành cho tủ sách” quả là sành tâm lý với đa số người. Trường hợp thứ ba kể cũng quá đáng, nhưng cũng rất thực tế vì quyển sách “Chính trị cổ nhân” làm sao đáp đúng ý thích của một nhà thơ tình tứ lãng mạn; vả lại, không phải đem tiền ra mua, thì sách bao giờ cũng được quý trọng, giữ gìn – như một nhà văn trên đã nói – nên người được tặng sách mới để đứa con cưng bé bỏng vọc chơi!

    Nhiều bạn thích đọc sách, chọn sách ra hàng sách cũ, thường thấy có những sách để kính biếu, kính tặng, thân tặng… bày bán với giá bán… “Trời long Đất lở…” hoặc “Trời ơi Đất hỡi…” Buồn phiền, có bạn viết bài “than thở” trên báo chí cho cái số phận của những sách tặng nầy đối với việc làm của người được tặng. Có lý lắm!.

    Đây chắc là việc làm của con cháu. Khi dọn lại cái tủ sách của ông cha bị mối mọt làm mồi, còn được bao nhiêu sách cũ, giấy đã trổ màu vậy cũng cần cân ký đưa ra hàng sách cũ bán lại cho người, hơn là đem cân ký bán cho người mua ve chai cho vô “lò bế”… xé từng mảnh vụn!

    Sách tặng cho một người chỉ để một người đọc, nếu được người đọc; bằng không thì chuyền tay cho người khác đọc, thích đọc (với giá …), âu cũng tốt hơn là để mối mọt đục ăn.

    ... :)! ...
     
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    @ hanhdb & tauvequehuong!
    Cám ơn các bạn!

    Hiện tại, DL của mình đang gởi đi sao lưu và khôi phục..., khoảng cuối tuần mới lấy lại, ... sẽ chuyển (full) toàn bộ QVGKT (3 quyển)!

    Tuy nhiên, các bạn cũng nên biết rằng, bây giờ, cũng đã có thêm nhiều trang Web có đăng tải nội dung của QVGKT, nhưng 'đôi khi' cũng có Nội dung khác & không thuận_thảo...

    TVE-4U thực hiện thì sẽ phải mang 'đậm chất' của Diễn đàn, đúng theo tiêu chí 'Cùng đọc, Cùng chia sẻ'! :)! (nhờ hanhdb lưu tâm giùm nha! :)!)

    Trân trọng.
    tducchau,
     
    deathshine and tauvequehuong like this.
  10. hanhdb

    hanhdb Sinh viên năm II

    cái đó tôi hiểu, tin tưởng tuyệt đối vào khả năng biên tập và sự tỉ mỉ của bác tducchau và bác Goldfish :D
     
    tducchau and tauvequehuong like this.
  11. tauvequehuong

    tauvequehuong Lớp 10

    Hịc hịc cuối tuần sau mình có việc phải đi xa rùi gần Tết mới về, đến đó hem được dùng mạng, khổ thía các bạn ạ. Gần Tết về xin các bạn cái file mang đi in nhé :D:D
     
    tducchau thích bài này.
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    CHƠI CHO LỊCH MỚI LÀ CHƠI!



    Nhà Nguyễn, triều Tự Đức (Dực tông), nhà vua hay dạo thuyền trên sông Hương, thường đem theo một số danh sĩ để đàm luận văn chương, uống rượu làm thơ. Hôm ấy, trên chiếc du thuyền của nhà vua, Đinh Nhật Thận, một danh sĩ đất Hồng Lam, tác giả bài trường ca “Thu dạ lữ hoài ngâm” nổi tiếng, được hân hạnh theo hầu.

    Bấy giờ, rượu đã ngà ngà say, vua Tự Đức cao hứng, hỏi Đinh Nhật Thận:

    - Thánh hiền có câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” có đúng vậy không?

    Thánh hiền nào nói một câu “ác ôn” như vậy? Nếu nói của thánh hiền thì còn mong gì có thể cãi được, vì Thánh hiền là bực chính nhân, biết tự trọng, chớ không tự ái, biết độ lượng, biết có tiền hiền tiền thánh tất có hậu hiền hậu thánh… nhưng các ông thuộc hạng quá khứ, chết hàng mấy trăm ngàn đời vương rồi, thì còn đâu để cãi chính phải quấy hay cho con cháu đặt điều gán bậy. Nhưng khổ, nếu đặt vào miệng ai nhắc lại thì có thể cãi được; chớ đặt vào miệng của nhà vua, một Thiên tử, một Hoàng đế lại bảo là của Thánh hiền nữa, thì dầu tiên tổ bảy đời sống dậy cũng không dám cãi. Cho nên, họ Đinh phải tâu là “Đúng!”. Nhà vua lại hỏi tiếp:

    - Bây giờ trẫm bảo khanh nhảy xuống giữa dòng sông nầy, khanh có dám nhảy để tỏ lòng trung thành không?

    Đã nhận là đúng, tất nhiên danh sĩ họ Đinh phải thực hành, nên hăng hái trả lời:

    - Hạ thần xin chờ đợi thánh ý!

    Nhà vua liền bảo: “Nhảy!”.

    Đinh Nhật Thận để nguyên triều phục nhảy ùm xuống nước. Ông chìm lỉm và biệt tăm luôn.

    Mọi người toàn những nhà thơ văn danh tiếng của cái “câu lạc bộ văn thơ” trên thuyền đều tái mặt. Họ quên mất lo sợ tính mạng của bạn đồng triều, mà chỉ còn lo sợ tính mạng của mình. Nhà vua có chén rồi đâm khùng, điểm ngay danh mình vốn dòng thi thư dốt lội nước, mà biểu diễn cái trò tỏ lòng trung nầy, thì hết đời làm tôi…

    Nhưng danh sĩ họ Đinh vốn sinh trưởng bên bờ sông Lam, sành bơi lội từ thuở bé, nên ông lặn ra xa một lúc rồi trồi lên, để nguyên bộ triều phục đẫm nước, đến thuyền ra mắt nhà vua. Vua thản nhiên hỏi:

    - Thế khanh không chịu chết dưới ấy sao?

    Đinh Nhật Thận cũng thản nhiên tâu:

    - Thần xuống dưới thủy cung gặp ông Khuất Nguyên. Ông ấy bảo rằng: “Ngã phùng ngu chủ tao oan khuất; nhữ ngộ minh quân nịch tử hà” (Tao gặp vua ngu nên chết uổng; mầy thờ chúa thánh chớ liều thân). Và, ông ấy đánh đuổi, bắt thần phải trở về. Bất đắc dĩ thần phải trồi lên để tâu sự thể cùng thánh thượng. Nếu thánh thượng không tin, thì thần xin hộ giá thánh thượng du thủy cung một chuyến, để hỏi tội cái lão Khuất Nguyên vô lễ kia!

    Nguyên Khuất Nguyên là quan Đại phu, một bề tôi trung từ triều Hoài vương nước Sở. Sang triều Khoảnh Tương vương, nhà vua bất minh nầy nghe lời siểm nịnh, đuổi Khuất Nguyên về quê. Ông buồn rầu bất đắc chí, trầm mình xuống sông Mịch La tự tử. Đó là chuyện bên Tàu đời xửa đời xưa, thế mà danh sĩ họ Đinh lại gặp ông lão họ Khuất này ở dưới sông Hương êm đềm thơ mộng, lại còn nhắn gửi mấy lời nghe như… mật ngọt mà cay như ớt hiểm.

    Vua Tự Đức biết Đinh Nhật Thận khéo trào lộng, “xỏ ngọt” mình, nhưng không bắt tội được, đành gầm đầu làm thinh.

    “Gầm đầu làm thinh” phải chăng một cử chỉ trước ván cờ chiếu nước bí, ngấm ngầm chịu thua.

    Sự chịu thua ngấm ngầm nầy, không biết nhà vua có ngấm ngầm ôm ấp tiểu tâm tìm cách úp chụp để “gọt đầu” danh sĩ họ Đinh, không thấy sách vở tương truyền nào nói đến.

    Có tích mới dịch nên tuồng, dầu là một thiên giai thoại do một tác giả vô danh nào đó có “thâm ý” đối với quyền uy tối thượng của hàng vua chúa xưa nay, đồng thời đề cao cái giới của mình thường bị khinh là hạng “trói gà không chặt, ăn no lại nằm”! Nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã có câu:

    “Chơi cho lịch mới là chơi,
    Chơi cho đài các, cho người biết tay”.

    “Chơi” ở đây không có nghĩa chơi bời phóng túng phóng đãng, chơi sang, ném tiền qua cửa… Mà “chơi” có ý nghĩa thâm thúy, tế nhị. “Chơi” theo điệu văn nghệ, Đinh Nhật Thận trở nên một danh sĩ chẳng những “dám chơi”, mà còn “biết cách chơi” mới là điều đáng nói… “cho người biết tay!”.
     
  13. tauvequehuong

    tauvequehuong Lớp 10

    Chơi ở chốn quan trường là chơi đỉnh cao và cũng là đáng sợ nhất quả đất :p
     
    tducchau thích bài này.
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Tiếp tục Thành thực xin lỗi!

    Bữa nay tducchau 'chầu trực' nguyên ngày mà vẫn chưa lấy được DL. Nguyên do là 'đối tác' vẫn chưa thể 'hoàn tất' công việc theo thỏa thuận! :(! Như vậy, khả năng sẽ phải chờ thêm từ 7 - 10 ngày nữa lận... :(!

    Kinh nghiệm rút ra: Không nên lưu trữ_backup các file dữ liệu theo format NTFS (tính tới thời điểm hiện tại, khuyên dùng định dạng 16 or 32 bít), do tính bảo mật cao, khi file lưu_back trên NTFS bị lỗi do sự cố nào đó, việc sửa chữa_khôi phục rất khó khăn...
     
    tauvequehuong thích bài này.
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    LỠ LÀNG


    Nước ta thời xưa. Quan niệm 'xướng ca vô loài' đặt ra chế độ khắc nghiệt trong khoa cử, tức là con nhà hát xướng không được dự thi. Đào Duy Từ, người ở huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, học rộng, có tài kinh bang tế thế, sống thời triều vua Lê Kính Tông và phủ chúa Bình An vương Trịnh Tùng. Nhưng vì là con của một người hát xướng nên bị cấm thi. Từ lấy làm phẫn chí, lẻn vào miền Nam, tìm đường lập công danh. Chưa gặp người tiến cử phải chăn trâu cho một nhà hào phú để sống ở làng Tùng Châu, phủ Hoài Nhơn (Bình Định), Ông có làm bài "Ngọa Long Cương" ví mình như Khổng Minh Gia Cát Lượng đời Tam quốc ở Trung Hoa.

    Sau có quan Khâm lý là Trần Đức Hòa biết được Đào Duy Từ là người có thực tài mới cất nhắc đưa lên chúa Đoan Quận công Nguyễn Phúc Nguyên (thường gọi là chúa Sãi). Với chính sách chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng hiền tài, chúa Nguyễn phong làm Nội tán, tước Lộc Khê hầu.

    Hương bay theo gió. Gió đưa hương.

    Tài văn họa, kinh bang tế thế có dịp thi thố vang động cả Bắc Hà.

    Chúa Trịnh bấy giờ lấy làm hối tiếc, Bậc hiền tài hiếm có, báu vật của trời cho, viên ngọc quý trong túi, người đui mù manh tâm đem vứt bỏ, uổng quá. Vừa tiếc cho ngọc càng tiếc cho mình! Quyết tìm lại viên ngọc này.

    Chúa Trịnh liền sai người lén vào Nam đem vàng ngọc theo làm lễ vật tìm đến Đào Duy Từ, kèm theo một bức thư ngắn gọn để làm tin và thay lời chúa cầu xin Từ trở về sẽ được trọng đãi tột bực.

    Từ tạ ơn nhưng từ chối, xin trả lễ vật, kèm theo vài câu thơ. Chúa Trịnh có buồn nhưng không chán. Một lúc lâu sau, lại cho người mang lễ vật lén tìm Từ nữa. Lần này ông không tiếp, nghĩ tình người dầu sao cũng có thiện chí, nên có thơ vắn tạ nhắn gởi.

    Văn học dân gian ta có bài ca dao:

    "Trèo lên cây bưởi hái hoa,
    Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
    Nụ tầm xuân còn ra cánh biếc,
    Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!"

    "Tiếc gì một miếng trầu cay?
    Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
    Bây giờ em đã có chồng,
    Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
    Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
    Chim vào lồng biết thuở nào ra!"

    Bốn câu trên là của chàng. Những câu dưới là của nàng. Và nàng còn hai câu nữa để chàng chấm dứt cái trò gây nguy hiểm nầy cho nàng, bằng 2 câu:

    "Có lòng xin tạ ơn lòng,
    Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen."

    Tương truyền là bốn câu của chúa Trịnh làm ra. Những câu sau đáp lại là của Từ. Họ dùng lối "tá khách hình chủ" trong văn chương, trong tình trường hay chính trường hiểu sao cũng được.

    "Tiếc gì một miếng trầu cay", trách nhẹ mà thâm, mộc mạc, bình dân mà trí thức. Tội chi để phải "lỡ làng" duyên làm mất nhân tài!.
     
    superlazy thích bài này.
  16. ebookfanatic

    ebookfanatic Mầm non

    Xin hỏi "bìm" trong "dậu đổ bìm leo" nghĩa là thế nào ạ?
     
    tducchau thích bài này.
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    :)! Một cách hỏi thật khôn khéo! :)! Nên thực sự chưa biết trả lời thế nào để... cho vừa lòng bạn! :)!

    Thôi thì giản lược vậy, :)! "bìm" trong "Dậu đổ bìm leo" hay "Giậu đố bìm leo"... là để chỉ về một loài cây có hoa đẹp, nhiều màu sắc (Hoa bìm bìm hình chuông, mọc thành xim ở kẽ lá, với 1 - 3 bông, có thể đổi màu. Từ sáng đến chiều, màu hoa chuyển từ lam nhạt sang hồng hoặc tím), mọc nhanh và không cần chăm sóc cầu kỳ, lại mang trong mình vẻ đẹp mộc mạc và tinh khiết, khiến ai đó vô tình bắt gặp... đều ngẩn ngơ nhìn! :)!

    Ở nhiều nước, cây thường được trồng làm cảnh, cho leo lên những tấm phên dựng đứng hoặc trên bờ rào, nhìn vào rất đẹp và vui mắt. Nhưng ở nước ta, mỗi khi nhắc tới loài cây này, nhiều người thường liên tưởng đến câu thành ngữ_tục ngữ _ (như bạn đã dẫn! :)!) Nên trong mắt nhiều người, đó là loài cây xấu, chuyên lợi dụng lúc người gặp nạn thừa cơ lấn át. Hoa bìm bìm dù đẹp, nhưng bị coi là thứ "hoa hèn", ít người trồng, chỉ mọc dại ven bờ bụi... v.v... & v.v... :(! ...

    ... Một vài sự "khoe sắc' của hoa Bìm bìm có thể khiến bạn cũng phải... Ngẩn ngơ...! :)!

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Trân trọng.
    tducchau,
    (Nt: Bạn có thể tìm hiểu thêm khi Google... nha! Chúc Vui! :)!
     
    tauvequehuong and ebookfanatic like this.
  18. ebookfanatic

    ebookfanatic Mầm non

    Hoa đẹp quá! Nghe bác giải thích thì thấy thật bất công cho chúng, cũng giống trong xã hội - cái gì phát triển nhanh quá (mà lại đẹp) thường bị người đời gièm pha...

    Ban đầu cũng định Google nhưng muốn được nghe bác tducchau giải thích. Có chút đối thoại vẫn hay hơn phải không ạ?

    P/S: Chưa biết phải xưng hô với bác như thế nào cho phải phép? Nếu bác trạc tuổi bác Goldfish thì có thể gọi "bác", xưng "cháu" luôn ạ. :)

    (tducchau thua bác Cá khoảng trên con giáp! Tùy bạn, sao cũng được... :)!)
     
    Last edited by a moderator: 20/1/15
    tducchau thích bài này.
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    BẠN ĐẾN CHƠI ĐÂY TA VỚI TA!


    Nhà thơ Nguyễn Bính trước kia có lần lâm cảnh chìm nổi trong thời kháng Pháp buổi đầu ở Nam bộ, linh đinh ở Rạch Giá, nằm nóp ngủ đình, có làm 4 câu thơ dán trên vách cái "chòi thơ" của mình:

    "Từ độ về đây sống rất nghèo,
    Bạn bè chỉ có gió trăng theo.
    Những thằng bất nghĩa xin đừng đến,
    Hãy để thềm ta xanh sắc rêu!".

    Buồn thế thái nhân tình, giọng gắt gỏng nhưng khí phách.

    Tuy nhiên, đâu phải đến đời ông và riêng ông mới có mà vốn có từ xửa từ xưa. Nói đến thế thái nhân tình, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những câu; Nào:

    "Còn bạc còn tiền còn đệ tử,
    Hết cơm, hết rượu hết ông tôi!".

    Nào:

    "Được thời, thân thích chen chân đến,
    Thất thế, hương lư ngảnh mặt đi,
    Thớt có tanh tao ruồi đổ đến,
    Gan không mật mỡ kiến bò chi?".

    Ca dao ta cũng đã chẳng có câu:

    "Người giàu có trong hang cũng kiếm,
    Kẻ khó khăn giữa chợ ai màng!"

    Mạnh Thường Quân, Tể tướng nước Tề đời Chiến quốc mỗi ngày chứa hàng ngàn thực khách trong nhà năm nầy sang năm khác. Gặp khi vua Tề Mẫn vương mắc phải kế ly gián của vua Tần bãi chức Mạnh Thường Quân, cho về quê, thì bao nhiêu thực khách bỏ đi hết, chỉ còn vài tên hầu hạ bên cạnh đẩy xe cho đi. Đến sau, Tề Mẫn vương biết mình mắc mưu vua Tần, lấy làm hối tiếc người hiền tài, liền sai người đem xe ngựa, cờ lọng đến nơi đón rước về triều. Bấy giờ khách cũ và khách mới tấp nập đổ đến nơi ông ở tưng bừng, rộn rịp như ngày xưa.

    Mạnh Thường Quân có ý không vui, than phiền với Phùng Hoan, một thực khách vốn thủy chung với ông, cho rằng: Ông luôn luôn giữ lễ với khách thế mà khách lại bạc bẽo với ông, đáng lẽ nay họ không nên nhìn mặt ông mới phải. Phùng Hoan thản nhiên đáp:

    - Vinh nhục thịnh suy là lẽ thường ở đời. Ngài không thấy các chợ búa ở chốn đô hội lớn đó sao? Sớm thì người ta kéo đến đông đảo, chiều thì vắng tanh như bãi tha ma. Chỉ vì người ta muốn có mà không có được. Ở đời giàu sang lắm kẻ cầu thân, nghèo nàn không ai buồn nhìn, ngài có lạ gì điều đó.

    Trạch công cũng gặp cảnh như Mạnh Thường Quân, tức khi bị bãi chức rồi khi được phục chức thì khách vắng teo trở lại đông đầy. Ông chán nản thế tình, nhưng có dịp đo được lòng người, liền viết mấy câu treo ở trước công: "Nhất tử nhất sinh nãi tri giao tình; nhất bần nhất phú nãi tri giao thái; nhất quý nhất tiện giao tình nãi hiện". Có nghĩa là kết bạn nhau lúc "một người chết, một người sống mới thấy rõ tình; một người nghèo, một người giàu mới thấy rõ thái độ; một người sang, một người hèn, tình bạn mới hiển hiện rõ".

    Ai có tài phép giả chết, để theo cái gương của nhà Đạo học "Trang Tử giả chết thử vợ" theo lối truyền miệng? Chịu thua!

    Nhưng đời là vậy. Lòng người là vậy. Tuy nhiên nào phải đâu đâu, ai ai cũng đều như vậy? Có người tốt, có thủy chung để an ủi, tạo nên vẻ đẹp cho đời, cho người. Tuy ít, nhưng vẫn có. Có từ xưa tới nay.

    "Những thằng bất nghĩa xin đừng đến,
    Hãy để thềm ta xanh sắc rêu!".

    Buồn tình sinh gắt gỏng nói vậy. Vì là những "thằng bất nghĩa" rồi, thì dầu có cầu xin nó đến, nó cũng chẳng thèm đến. Nó muốn đến đâu mà "xin đừng đến"? Tuy vậy, cũng có thằng "không bất nghĩa" dầu họ không mang xác đến nhưng lòng vẫn ngậm ngùi chua xót, vì không thể đến nhìn nhau để... chia buồn cùng một số kiếp mà gượng cười, bắt chước nhà thơ Nguyễn Khuyến khi về hưu, tiếp bạn đến chơi nhà, có câu trào phúng rất lạc quan: Bạn đến chơi đây ta với ta!

    Tức là còn bạn đến. Đâu có thiếu bạn. Ít thôi. Thế cũng vừa vậy!

    Nhà biên kịch có danh miền bắc thời tiền chiến - Vi Huyền Đắc, một thời ở Sài Gòn, có lúc buồn tình, cảm khái làm 2 câu đối:

    "Chỉ vì bất tài bằng hữu khí,
    Hốt nhiên lâm nạn cố nhân sơ".

    Có nghĩa là: chỉ vì mình bất tài nên bạn tránh; thình lình lâm nạn, người quen thân lại xa. Nhưng nhà thơ Đông Hồ có câu đối lại:

    "Chỉ khủng bất tài tri kỷ thiểu,
    Hạnh phùng vi hoạn cố nhân đa".

    Có nghĩa là: lâu nay chỉ sợ mình bất tài mà tri kỷ ít; không may gặp nạn nhỏ mới biết cố nhân đông.

    Một nguồn an ủi lớn.

    Thực vậy. Bịnh nặng, nghe tin đồn liền hô lên, có bao người gởi tiền bạc, quà biếu tặng. Nghe tin chết, đám tang được long trọng, đông đầy đưa tiễn ra phần mộ để chia sẻ, hàn gắn vết thương lòng cho người quá cố, và người đồng thời; cả hạng tiếp nối về sau! Tình đẹp biết bao!
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/2/15
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    CÁI KIM CÔ NIỀN ĐẦU

    Đọc truyện 'Tây du ký' của Ngô Thừa Ân, chắc ai cũng không quên cái vòng Kim cô nầy. Tề Thiên Tôn Ngộ Không theo phò Đường tăng Tam Tạng Trần Huyền Trang đi thỉnh kinh Tây phương. Thấy ông thầy nầy không 'quản lý' nổi Tề Thiên, nên Phật Bà Quan Âm cho cái Kim cô gắn trên mão, gạt lão Tôn đội vào. Nếu khi nào lão Tôn trở chứng gàn bướng, cứng đầu thì thầy Tam Tạng chắp tay niệm thần chú do bà Quan Âm dạy, gọi là chú "cẩn cô". Tức thì cái niền có phép kỳ diệu như sợi chỉ bằng vàng, chặt không đứt bứt không rời nầy có mãnh lực dị thường siết chặt vào đầu, khiến lão Tôn muốn lòi tròng nổ mắt. Thế là lão Tôn đành chịu phép, xin chừa, xin chừa... Hành động phải quấy gì cũng xin chừa để được tha mạng!

    Một Tề Thiên có 72 phép thần thông biến hóa, bản lĩnh tuyệt vời, dám chống sự áp chế, bất công của Thượng đế, đương đầu với bọn thiên binh thiên tướng của nhà Trời, suýt chút ngôi vàng của Thượng đế phải đổ ụp. Phật Tổ Như Lai thấy cần bảo vệ cái ngôi vàng cũ kỹ nầy, nên dùng mẹo gạt bắt được lão Tôn, đày xuống trần gian nhốt dưới Ngũ Hành Sơn có đến 500 năm, sống bằng ăn sắt cục, uống nước đồng ... Với một bản án "Con khỉ loạn thiên cung"!

    Muốn truyền bá kinh điển nhà Phật phải có người đi gánh Kinh ở Tây phương về Đông Độ. Quả là góc biển chân trời tăm tối mù mịt, đường hàng ngàn vạn dặm đầy núi non hiểm trở lại còn yêu quái, ma quái dẫy đầy ...

    Nhà sư Tam Tạng Trần Huyền Trang ở nhà Đường vinh hạnh được lãnh sứ mạng đi gánh với một danh xưng long trọng 'đi thỉnh Kinh'. Thiện chí nhưng thiếu tài năng thì cũng dễ thất bại. Vậy cần có người tài năng phò tá. Nghĩ đến Tề Thiên, chỉ có tên nầy mới đủ bản lãnh, tài phép để giao việc. Thế rồi, Phật Bà Quan Âm lãnh sứ mạng đi tận núi Ngũ Hành "chiêu hỏi". Và cũng chính bà Phật nầy gạt cho lão Tôn đội Kim cô, như trên đã nói.

    Kể cũng tốt, cũng hay.

    Cái Kim cô niền đầu, một hình thức giáo dục cứng mạnh; Và cũng là một dụng cụ để thực hành đạt được kết quả cho sự giáo dục cứng mạnh "sắt thép" đó. Tuy nhiên trong việc thi hành do người quản lý chỉ huy nầy ta thấy gì?

    Vì Đường tăng Tam Tạng có mang cái thân thai phàm mắt thịt quá nặng, cứ nghe lời một tên đồ đệ là Trư Bát Giới còn ham ăn, mê ngủ, thích gái đẹp ... lại chuyên gièm pha xiểm nịnh. Như tại núi Bạch Hổ, yêu dữ hóa người để lừa bắt tam Tạng ăn thịt. Lão Tôn biết được, đập chết cả ba lần. Thế mà Bát Giới vẫn cứ nói gièm: "Đó là người thật rõ ràng, chẳng qua đại ca đã giết lỡ người nên mới dối sư phụ là yêu quái". Thế là Tam Tạng thực hành ngay "niệm chú cẩn cô".

    Còn lắm sự việc xảy ra như vậy.

    Tôn Ngộ Không vì cái Kim cô mà trở thành một nạn nhân cực kỳ bi thảm của... cái Kim cô. Nhưng sự thật là nạn nhân của Trư Bát Giới, nhất là cái tri thức nông cạn gần như mê muội với cái tính nết hết sức tầm thường của Đường tăng Tam Tạng.

    Cái Kim cô vô hình trung bị lạm dụng.

    Không biết Phật Bà Quan Âm có biết và nghĩ sao? Đây cũng là một hình thức chia rẽ bên trong và làm mầm mống cho sự bất mãn, thối chí, ngã lòng.

    May mắn là lão Tôn còn nghĩ đến đại cuộc, vẫn cắm đầu gò lưng, vác thiết bảng phò thầy để gánh Kinh về Đông Độ, phát triển Đạo Thích Ca Như Lai, và để cùng thầy và bạn: Bát Giới, Sa Tăng, Long mã thành chánh quả. Mà cũng là vinh quang của cả mọi người.

    Một cốt truyện gốc lịch sử khéo điểm xuyến bằng thần thoại và ngụ ngôn sao thú vị và có giá trị cao quá!
     
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này