Tác giả TchyA : Tác phẩm

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi Uillean, 27/1/22.

Moderators: Bọ Cạp
  1. Uillean

    Uillean Banned

    Tác gia TchyA nguyên danh Đái Đức Tuấn (戴德俊), sinh năm 1908 ở thôn Ngọc Giáp (làng Si), tổng Thủ Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa (nay là thôn Thống Nhất, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Phụ thân là quan tri huyện Đái Xuân Quảng.

    Năm 1930, Đái Đức Tuấn đỗ tú tài toàn phần, làm tham tá Sở thương-chính Hải Phòng, không lâu sau thăng tham tá Nha học-chính Đông Dương. Giai đoạn này ông bắt đầu gia nhập giới văn bút với bút danh TchyA (văn / "tẩy-xia", "tôi chỉ yêu Angèle") hoặc Mai Nguyệt (thơ).

    Trứ tác TchyA gồm cả văn và thơ. Tuy nhiên ông đặc biệt được ưa chuộng với loạt truyện mà đương thời gọi "li kì". Ban sơ chỉ là phóng tác những truyền kì, chí quái đầy dẫy trong văn chương cổ điển Á Đông ; khi đã vững tay bút, ông khai thác thêm kĩ thuật sáng tác của giới văn chương nhật trình Tây phương.

    Sau Cách-mạng Tháng Tám, Đái Đức Tuấn bỏ dở việc văn bút để tham gia Việt Nam Quốc-dân Đảng. Thế nhưng ông hầu như ẩn dật, cho nên thậm chí bạn văn không cả biết ông mai danh ẩn tích ở đâu.

    Năm 1950, Đái Đức Tuấn vào Huế dạy trường Quốc-học ít lâu rồi được gọi hiện dịch Quân-đội Quốc-gia. Năm 1956, ông rã ngũ với hàm đại úy đồng hóa, bèn quay lại nghề báo. Ông làm thành viên thế hệ đầu của Trung-tâm Văn-bút Việt-nam.

    Ngày 08 tháng 08 năm 1969, ông Đái Đức Tuấn đột ngột tạ thế tại Sài Gòn sau một cơn trụy tim.


    [​IMG]

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (truyện, 1937)
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (truyện, 1938)
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (truyện, 1940)
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (sách thiếu nhi, 1942)
    Đầy vơi (thơ, 1943)
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (truyện, 1956)
    Đường lên núi (truyện, 1956)
    Uyển ngoạn (truyện, 1956)
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (truyện, 1956)
     
    Chỉnh sửa cuối: 27/1/22
    Alert 1 and 123phat like this.
  2. Uillean

    Uillean Banned

    MÂU-THUẪN ĐÁI-ĐỨC-TUẤN

    Nếu tôi có tiếc điều gì khi nói về Đái Đức Tuấn bút hiệu Tchya «hỗn» danh Tẩy-xia, tôi tiếc là đã vắng mặt khi đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tuấn với tôi là văn hữu, ngoài tình bạn ra, còn là bạn rượu và bạn hút với nhau trên dưới hai mươi nhăm, hai mươi sáu năm trời. Tuấn chỉ hơn tôi dăm tuổi, nhưng lúc nào tôi cũng coi Tuấn là một người anh, bởi vì Tuấn thuộc vào lớp Phùng Tất Đắc, Hoàng Tích Chu, Đặng Trọng Duyệt, Đỗ Văn, Chu Mậu, mà tôi coi là những người đốt đuốc soi đường cho làng báo Việt Nam, sau Nguyễn Văn Vĩnh, Tú Mục, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Dương Bá Trạc…

    Tuấn là một thứ đàn em trong bọn. Tôi cũng vào lớp với Tuấn. Nhưng bởi vì Tuấn, lúc đó đã đỗ Tú tài «mê tơ rô» và được bổ làm Tham tá Nha Học chính, đi chơi đi bời, chè rượu, phiện phò với các «tay tổ» ở Pháp về như Hoàng Tích Chu nên tôi sợ và có mặc cảm không dám coi Tuấn ngang với mình. Vì thế, lúc đó và sau này, lúc nào tôi cũng coi Tuấn như một bực đàn anh. Coi như thế, còn vì một lẽ nữa là Tuấn, ngay buổi đầu gặp tôi ở báo «Nhật Tân» đã tỏ ra «hách» lắm, coi tôi không ra gì.

    Sau này, anh em đi lại với nhau thân mật hơn, Tuấn mới nâng tôi lên hàng bạn, nhưng dù vậy, tôi vẫn sợ Tuấn là vì qua vài câu chuyện, tôi biết Tuấn là một người khó tính : Đối với những người lớn tuổi hơn anh, anh nói năng văng mạng, không coi ai ra gì ; còn đối với những người ít tuổi hơn anh – như tôi chẳng hạn – thì anh có vẻ không muốn cho được tự mình coi là bình đẳng với ai.

    Tôi cố làm vui lòng Tuấn, dù lúc đầu anh tỏ ra rất chướng, rất khinh bạc, không phải vì một lẽ gì khác, chẳng qua chỉ là vì trong mấy buổi đầu trò chuyện tôi thấy anh là một người kinh khủng, cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi, cái gì cũng hay.

    Sau này, chơi với nhau lâu, cứt trâu hóa bùn, tôi biết Tuấn hơn một chút thì thấy anh cũng thường thôi, nhưng dù sao tôi cũng cứ phải nhận rằng Tuấn quả là một người thông minh, có một trí nhớ bén nhậy lạ lùng, nghe thấy ai nói gì hay thì nhớ liền và đi chỗ khác lại đem những chuyện đó nói ra nhưng văn vẻ, mạch lạc và có duyên hơn nên dễ được cảm tình và sự thán phục của người nghe chuyện. Nhưng đó không phải là điểm chính để cho tôi «cảm» Tuấn. Tôi bắt đầu yêu Tuấn và trọng Tuấn là về sau này, chơi thân thiết với anh hơn, nằm chung một bàn đèn «ăn thuốc», Tuấn đã tỏ ra là một tai giang hồ lọc lõi, một nghệ sĩ giầu tình cảm, một con người rộng lượng đã không biết thì thôi chớ đã biết thì có thể bán áo khinh cừu mua rượu đãi bạn và có thể bỏ làm bỏ ăn để lo cho bạn.


    [​IMG]
    TchyA qua nét phác Tạ Tỵ.

    Bạn trên hết, xếp là đồ bỏ

    Cũng phải nhận đức tính đó thật hay nhưng nhiều khi bạn cũng khổ vì Tuấn. Rất có thể anh không biết rằng làm như thế là làm phiền bạn, nhưng có ai ở trong cảnh mới biết rằng có nhiều khi vì vô tình trong cách xử sự anh em có người uất lên muốn chết. Đó là cái lúc anh hãy còn chưa lập gia đình, cùng với anh em ở một căn gác tại đường Nhà Thờ (tức là phố Lamblot)… Đi làm Nha Học chính, anh đi một cái xe nhà vàng, người xe của anh vừa kéo xe vừa làm bếp. Một buổi sáng, trước khi anh đi, anh em hỏi có tiền để làm cơm buổi trưa không. Anh móc hết các túi, không có đồng nào cả. Anh em vơ vét hết cả túi quần túi áo, ngăn tủ, xó bàn gom lại được một đồng, đưa cho người kéo xe để anh ta đưa Tuấn đi làm xong thì rẽ vào chợ mua thức ăn về làm cơm. Mười hai giờ. Một giờ. Anh em đói meo lên, cứ chờ, một giờ mười lăm cũng chẳng thấy cơm nước dọn lên. Một người bèn gọi người xe của Tuấn lên hỏi sao không thấy cơm nước gì. Người xe cũng đói meo, trả lời:

    – Thưa các bác, cháu có làm cơm gì đâu mà đợi.

    – Lạ, sáng đưa cho anh một đồng đi chợ mà? Sao lại không mua gì?

    Đến lúc đó anh em mới ngã ngửa ra. Thì ra đồng bạc ấy, lúc đi làm, Tuấn đã lấy lại của anh xe và anh đã mua một cái mũ nồi kiểu basque mất tám hào, còn hai hào tiêu gì không nhớ, bây giờ hết sạch rồi. Anh xem còn sỉ vả không tiếc lời, nhất là lại biết rằng Tuấn đã có một mũ nồi ở nhà rồi. Mua làm cái mẹ gì kia chứ? Tuấn toét miệng ra cười:

    – Mình thấy cái mũ hay hay thì mua, quên khuấy đi mất đó là tiền đi chợ!

    Tuấn có một cái tính «phớt tỉnh» và chướng ách vượt bực làm cho nhiều người phát tức không chịu nổi, nhưng cũng có khi làm cho người ta thích thú mà không hiểu tính tình Tuấn ra sao. Tôi còn nhớ có một lần Nguyễn Tuân (tức Tuân mũi to) ở Thanh ra đến sở tìm Tuấn để thăm. Các bạn đọc không thể nào tưởng tượng nổi: Đái Đức Tuấn rủ Tuân ở lại phòng giấy của anh đánh cờ. Xin nhớ rằng thời đó là thời thịnh trị của thực dân Pháp, các ông tham ông phán trở lên, các ông huyện ông phủ trở xuống, hồ trông thấy xếp thì tay chân run lên như bắt chuồn chuồn, mặt cắt không còn hột máu và lắp ba lắp bắp nói không ra tiếng. Đái Đức Tuấn và Nguyễn Tuân vừa đánh cờ vừa nhắm mắm mực, y như khong có chuyện gì xảy ra, dù viên xếp tây cho họ là quái thai, cứ đi đi lại lại để cho họ thấy, họa có bỏ cờ mà đứng dậy chăng. Tuân đã lỳ, Tuấn lại lỳ hơn: cả hai đều không biết xếp là gì cả, cứ chiếu tướng, cứ ghểnh xe, thỉnh thoảng lại tức giận vì một nước cờ quá thấp lại còn tướng một vài câu tiếng tây nói lóng! Ấy là tôi lại còn quên chưa kể là trong khi đánh cờ như thế, Đái Đức Tuấn lại còn gọi thợ vào trong phòng để vừa đánh cờ vừa quấn cái vải vào người hớt tóc!

    Tuấn và Tuân quả là hai nghệ sĩ – theo đúng cái nghĩa mà người ta vẫn hiểu. Sống hoàn toàn theo sở thích của mình. Sống toàn diện. Sống cho nội tâm của mình, bất cần những người chung quanh bằng lòng hay không. Vì thế, có nhiều khi Tuấn như một anh điên. Thực ra bảo là điên không đúng, nhưng có thể bảo anh là một thứ «tổ sử hippie» sống theo đường lối «hiện sinh» trước cả những tay tổ hiện sinh Âu Mỹ. Những người hiểu anh lâu dần, cũng quen đi, nhưng ai không biết thì tức, là vì trong cử chỉ, trong lời nói, anh tiết ra một sự khinh bạc làm cho người liên hệ muốn «từ».

    Hồi Nhật đến đây, Đái Đức Tuấn đi tu ở trên một trái núi ở miền Trung. Nhờ có người đi lại báo tin, anh biết bà cụ sinh ra anh mệt nặng. Tuấn bèn viết một thư cho một người bạn thân gửi tiền vào cho cụ uống thuốc. Người bạn gửi một ngân rưởi theo lời anh yêu cầu. Bạn với bạn, đối với nhau như thế thực là chu đáo, nhưng Đái Đức Tuấn không những đã chẳng cảm ơn lấy nửa câu lại còn giở giọng chướng phè phè nói tức bạn: «Bởi vì mày giàu, mới bị khổ thân mày như thế; chớ mày nghèo thì tao phiền làm cái đếch gì!»

    Đái Đức Tuấn, một người hiền tàn ác

    Xử sự như thế, nếu không phải là những người bạn hiểu Tuấn và thương Tuấn tất nhiên phải nọc ra mà đánh. Rút cuộc, chẳng có người bạn nào giận Tuấn hết vì ai cũng biết rằng ở dưới cái hình thức lập dị, khinh bạc ấy, Đái Đức Tuấn nuôi trong lòng một mối từ tâm như các bậc hiền nhân quân tử Đông Tây vậy: thập loại chúng sinh nhất thiết đều thương xót, thương từ con tôm con cá thương đi, thương từ ngọn cỏ lá cây thương lại. Có một hồi thấy giết con gà con vịt cũng không đành tâm, anh đã ăn chay trường một dạo, nhưng trong khi ấy thì vẫn hút thuốc phiện, đi hát cô đầu và chủi bới huyên thiên.

    Nói đén chuyện Tẩy-xia mà đi hát cô đầu thì «cúng» được. Lập dị còn hơn cả Nguyễn Tuân. Đọc toàn thơ chữ Nho. Nói toàn lời đạo đức. Nhưng đến nửa tiệc rượu, bốc đồng lên, anh kêu hết các cô đầu ở trong nhà ra xếp hàng đứng trước mặt anh để anh cho điểm. Tội nghiệp cho cô nào chẳng may xấu xí hay vụng ăn vụng nói; anh chửi bới hành hạ không tiếc lời, ai cãi lại thì lột quần ra đánh đòn; vì thế thường thường ở những nhà hát anh vào vẫn xảy ra những chuyện than khóc, kêu ca, có khi sanh ra to chuyện đến cãi nhau hay xô xát. Vài hôm sau, Đái Đức Tuấn quần áo chỉnh tề đến xin lỗi bà chủ, như một đứa bé con ngoan ngoãn và thường là anh móc túi có bao nhiêu tiền lấy ra kỳ hết để tạ tội với người cô đầu mà anh đã lăng mạ và khinh khi bữa trước. Thế rồi lại rượu, và chứng nào tật nấy lại diễn ra… Tuấn không còn coi ai ra gì, và tỉnh rượu có khi anh ôm mặt khóc như một đứa bé con tội lỗi.

    Tôi đã suy nghĩ nhiều về trường hợp Đái Đức Tuấn: anh quả thực là một cái mâu thuẫn lạ đời, đáng ghét mà lại đáng thương hết sức. Không biết cái mâu thuẫn kết tinh ở trong người anh đó là hậu quả của cái gì? Của một xã hội bị đè nén dưới thời Tây bảo hộ? Của những cuộc giao du với những người bạn không có một căn bản vững chắc mà lại lung lay tận gốc? Hay là của phiện và rượu đã lần lần ăn sâu đục thủng thần kinh anh từ lúc anh ra đời, một bước lên làm Tham tá Nha Học chính?

    Những người thật am hiểu sự đời không bao giờ tìm hiểu cái mâu thuẫn đó và chỉ tha thứ mà thương mến Tuấn thôi. Tôi chịu Hà Thượng Nhân đã nói lên được những cái ý tiềm tàng của các anh em xa cũng như gần đối với Đái Đức Tuấn, tức Mai Nguyệt, tức Tẩy-xia :

    Hay, không xin hỏi cụ Tchya
    Tuy «cụ» tiên sinh vẫn chửa già
    Còn dẻo, còn dai, còn khỏe chán,
    Vẫn ria, vẫn píp, vẫn hào hoa.
    Oanh oanh yến yến mê sư cụ,
    Thơ rượu đồng môn bác Tản Đà
    Lăn lộn đắng cay từng nếm trải,
    Đi Tầu cho chán lại về ta.
    Cũng rằng «cách miệng» như thiên hạ,
    Tay trắng hoàn nguyên, tóc điểm hoa.
    Hơn đứt anh em tài tán dóc,
    Chuyện tửu, chuyện nỡm, chuyện con ma.
    Tiếu lâm, nếu mở văn bằng ấy,
    Nhà nước thi thì đỗ thủ khoa.

    Viết thư nhiều kẻ hỏi lăng nhăng,
    Mai Nguyệt là con hoặc giả thằng?
    Tuổi độ bao nhiêu nhờ mách giúp,
    Người ơi, chớ hỏi cuội cung trăng.
    Nếu tôi nhe miệng tôi mang vạ,
    (Tính cụ Tchya vẫn nhập nhằng).
    Vả lại làm sao người chẳng hỏi,
    Anh chàng họa sĩ khá kiêu căng,
    Tóc cua trán rộng, bàn răng cuốc,
    Chẳng phải sư mà đích thị tăng.
    Lương mấy chục ngàn sài rất lớn,
    Mắt xanh, ai có để vào chăng?


    Hà Thượng Nhân cũng là một thứ anh em thương yêu Đái Đức Tuấn cho nên không nhìn thấy Tuấn hỏng về khía cạnh nào mà chỉ thấy Tuấn «còn dẻo, còn dai, còn khỏe chán». Hà Thượng Nhân làm thơ này vào khoảng 1957, 1958 gì đó. Thực ra, so với lúc bắt đầu viết Đông Tây, Nhật Tân, lúc ấy Tuấn đã yếu đi rất nhiều, và sở dĩ về sau này anh «mất lực» đi mau quá cũng là vì chơi bời phóng túng quá, hủy hoại thân xác đi ghê rợn quá hồi còn ở Bắc. Tản Đà nghiện rượu đế. Nguyễn Thế Truyền ưa uýt-ky. Nguyễn Tường Tam ghiền Martell. Nhà văn ai cũng ghiền, không rượu thì thuốc phiện, không thuốc phiện thì coca (?). Nhưng đến Đái Đức Tuấn thì phải nói là anh ta… vượt mức ! Tất cả cái gì kêu là ma túy, tất cả cái gì liệt trong tứ đổ tường, tất cả cái gì hủy hoại thần xác ta, đốt cháy linh hồn ta, anh đều ham cả và ham hạng nặng.

    Về rượu, thường những anh ghiền tay tổ uống gin, uống đế, pẹc-nô, hay pun-sô, pun-phờ-roa (rượu rum cho đường, chanh rồi hâm nóng lên để rượu dẫn mau vào mạch máu, bốc lên đầu). Ở Hà Nội, hồi Taverne Royale (một khách sạn có Tây ra vào nhậu nhẹt) do một người chủ Do Thái tên Besson quản nhiệm, Đái Đức Tuấn không ngày nào không có mặt vài ba lần. Các bạn không thể tưởng tượng được anh ta uống ra thế nào. Sơ sơ tà tà cũng bốn năm cái cốc-tay một lúc. Mà cốc-tay là gì ? Prairie Oyster. Dịch nôm là "con ngao cánh đồng". Phải biết người ta pha một cái cốc tay ấy như thế nào, các bạn mới có thể biết Tuấn tự đầu độc mình hàng ngày ra sao. Một ly bự, trong có hai ba ly nhỏ Saint Raphael làm căn bản, đập một cái tròng đỏ trứng gà vào, cho thêm một ít pẹc-nô, quậy cho thật đều rồi… lấy cái cối xay hạt tiêu ra quay… cho một lớp hạt tiêu phủ lên trên hết. Cái cốc-tay như thế, đưa lên miệng uống một hơi, kiểu lính tẩy uống la-ve vậy !

    Lần lần, quen mùi đi, không uống thì muốn ói, cứ sắp tỉnh rượu lại phải uống tiếp luôn. Tiện thì lại ra Taverne làm vài cái nữa ; nhưng nếu không tiện đường thì làm hai cốc vại pẹc nô, áp-sanh, rồi rủ anh em lên Đông Hưng Viên uống nữa, uống Mai Quế Lộ, uống Thanh Mai, uống Sử Quốc Công. Bây giờ những anh em còn sống không quên được một vài bữa ăn ở Đông Hưng Viên phố Hàng Buồm, Tuấn đã say mèm mà cứ thách Đặng Trọng Duyệt uống rượu, say quá đến nỗi cả hai cùng ngồi đơ ra, không dám quay đi quay lại vì quay đầu thì… chớ và kết cục là hai ba phổ ky phải lên khiêng Tuân từ lầu ba xuống đưa lên xe trở về nhà.

    Về phiện, Tuấn cũng hút lẫm liệt như uống rượu. Chính trên báo này, tôi đã có dịp kể chuyện Tuấn hút cả đêm không nghỉ, đến sáng tháo nhẫn ma dê ra trả chủ tiệm. Đấy không phải là một buổi hút đặc biệt đâu ; đã hút Tuấn thường hút cả đêm như thế, còn thuốc còn hút, hút kỳ cho bao giờ hết thuốc, hết tiền mới thôi. Hút cả đêm chưa đủ, hút luôn cả ngày, công việc làm ăn ở sở không cần biết tới. Chính vì sống triệt để, theo kiểu Lý Bạch, không cần biết ngày mai, không cần biết chung quanh, nên có lần Tuấn đã bỏ luôn sở làm nghỉ một mạch ba ngày mà không báo cho xếp Tây biết. Lúc ấy, anh đang làm Tham tá Nha học chính. Đột nhiên vắng Tuấn, cả sở nhao lên. Xếp cho đi tìm khắp mọi nơi không thấy. Ai cũng đồ rằng Tuấn bị bắt cóc hay gặp một tai nạn gì. (Vì chính Tây muốn nghỉ một buổi cũng phải xin phép Giám đốc ; Giám đốc có ký mới dám nghỉ). Có cô nhân tình Tuấn đã hoe hoe con mắt muốn khóc và để tang anh. Đến ngày thứ tư, Đái Đức Tuấn lừ đừ đến sở, thắt ca vát, mặc tuýt so soa và cầm can rất bảnh. Không để xếp hỏi, Tuấn sửa bộ mặt rất nghiêm :

    – Thưa ông, tôi đến đây hôm nay là để xin thôi việc.

    – Ủa, làm sao vậy?

    – Không có gì lạ lắm. Tôi có việc riêng, đột ngột nghỉ mất ba ngày mà không báo cho ông. Tôi tự thấy là một cái lỗi, mà cái lỗi ấy tự tôi cũng thấy là không thể nào tha thứ được. Không đợi ông khiển trách, tôi cũng tự xử lấy tôi, tôi phải nghiêm khắc với tôi hết sức, tôi thôi việc. Xin cảm ơn ông.

    Viên xếp Tây tức uất lên mấy hôm nay, thấy Tuấn đi cái bước trước như thế, ớ ra không biết nói thế nào, đành phải khuyên Tuấn đừng nóng nảy, việc gì mà chẳng giải quyết được, can chi phải thôi ngang như vậy. Nói mãi, Tuấn mới thở dài, ở lại làm việc «vì xếp tử tế». Thực ra, xếp chẳng tử tế gì, nhưng biết làm sao được? Y cắn răng lại mà chịu đựng Tuấn vì Tuấn mánh lới lắm, bao nhiêu hồ sơ Tuấn thuộc lòng và cất huyên thiên mỗi cái một nơi, không có hệ thống gì cả, chỉ có một mình Tuấn biết, nếu Tuấn thôi đại thì công việc bối rối, lung tung, không còn biết đàng nào mà dò, không còn biết tìm đâu ra đầu mối.

    Đó là một cái điểm rất lạ kỳ của Tuấn. Say sưa đến thế nào, vô trật tự cách nào, mặc kệ, nhưng phàm cái gì anh đã chú ý làm, định tâm làm thì anh lại kỹ lưỡng và tỉ mỉ không ai bằng. Ở sở, các hồ sơ ấy anh xếp lại theo một hệ thống chỉ riêng anh biết. Về văn chương, cũng thế. Anh bừa bãi, phóng túng, cái áo vứt một nơi, ca vát quăng một nẻo, mặc cho bà vợ muốn thu dọn thế nào tùy ý, anh không cần biết, không thèm nhìn, coi đời không ra gì; nhưng trái lại, anh có khi lại tỉ mỉ đến cái độ làm cho bạn bè không chịu nổi mỗi khi anh hứng lên vì một bài văn nào đó. Sửa mô-rát, anh cẩn thận từng cái dấu phẩy, từng một chữ dùng, thợ in xếp bát chữ xong đâu đấy rồi chỉ đợi bon à lirer, anh thấy không hay, bắt phá ra xếp lại vì anh không ưng một chữ dùng, một cách trình bầy hay một câu đối thoại.

    Tôi còn nhớ có một đêm nằm hút thuốc với Tuấn xong, tôi nghỉ, nằm viết cái phóng sự «Một tổ mèo» cho báo Nhật Tân. Độ hai giờ sáng xong, Tuấn cầm lấy đọc. Bây giờ tôi không còn nhớ lúc tôi viết mấy con mèo tranh nhau ăn ở trong một cái hầm thì tôi ví ví von von thế nào không biết, nhưng Tuấn nhất định không chịu, bắt phải tìm một danh từ khác.

    Tôi bảo:

    – Ối chao, viết đại nó đi, chớ văn chương của mình có phải để truyền cho hậu thế đọc đâu mà tỉa tót và lựa từng câu từng chữ!

    Tuấn nhất định không chịu, lại gọi bồi tiêm lấy thuốc nữa để cho anh nghĩ… và anh nghĩ mãi không ra, cho đến sáng chải đầu rửa mặt đi làm sớm. Tôi cũng tưởng như thế là xong, không ngờ chiều hôm sau, Tuấn tìm tôi cho kỳ được bắt tôi phải sửa lại là lũ mèo ấy tranh ăn dữ dội và chạy lồng lên như bức tranh «La Chevauchée des Walkyries»!! Có sửa lại như thế thì Tuấn mới… hả và cười sằng sặc lên vô cùng đắc chí.

    Một cái thích đặc biệt của Đái Đức Tuấn

    Nói trộm vong hồn Đái Đức Tuấn, anh thực quả là một nghệ sĩ hoàn toàn hư hỏng. Nghiện cái gì cũng nghiện đến nơi đến chốn. Chơi cái gì cũng chơi đến cực độ mới thôi. Văn chương, bất cứ bộ môn gì, đối với anh cũng là một thứ say sưa : thơ, tiểu thuyết, xã luận, tùy bút, thơ nhái, họa… cái gì anh cũng thích, cũng mê, cũng muốn là một tay danh bút. Sau này anh lại viết cả trào phúng nữa.

    Nhưng nghệ sĩ ham viết, mà lại ham cả tứ đổ tường, cái đó không có gì lạ mấy. Lạ nhất là Đái Đức Tuấn nghiện và yếu như thế mà sao nói khỏe lạ lùng; nói cả ngày cả đêm ; nói sa sả ra và cho rằng như thế chưa đủ, anh lại còn đọc luôn cả những bài văn dài như một cây số do anh viết để cho người khác nghe. Nguyễn Doãn Vượng thường ưa thuật một câu chuyện mà chính anh chứng kiến : Tuấn đi hớt tóc, vừa vểnh cầm lên để cho thợ cạo cạo râu vừa nói chuyện thơ văn và ngâm to tướng những bài thơ trong tập «Đầy vơi» cho anh em thợ hớt tóc cùng thưởng thức.

    Nói đến hớt tóc, tôi cảm thấy hình như Tuấn tìm thấy ở trong công việc cạo râu hớt tóc một cái thú lạ kỳ. Nhiều anh em khác cho hớt tóc là một cực hình, ngồi xuống ghế là giục anh thợ hớt tóc cạo thật nhanh lên. Tôi đã thấy Thiết Can Nguyễn Văn Xuân «tốc» vào hạng nặng, mỗi khi hớt tóc y như là đi xem hội, cứ muốn kéo dài mãi công việc hớt tóc tỉa râu. Đái Đức Tuấn cũng thế: không biết làm gì, anh đi hớt tóc. Hớt một tuần một lần, không đủ; một tuần hớt hai ba lần mới «đã». Thế ngộ tóc chưa mọc kịp thì hớt cái gì? Thì cứ hớt không có tóc thì bấm gáy cho xanh rồi tỉa chung quanh đầu, cạo râu, muốn làm gì cũng được!

    Anh Phùng Tất Đắc kể cho tôi nghe một chuyện về vụ đó chứng tỏ Tuấn mê cắt tóc và tốn kém về cắt tóc đến chừng nào. Lúc anh ở hậu phương về thành, Tuấn ở Hà Nội chỉ có vài tháng rồi đi Huế. Cả ngày, Tuấn không ở nhà, hết đi chỗ này đến chỗ kia, và thường đêm không về. Thế rồi tự nhiên anh đi mất, chẳng nói với bạn bè một câu, không để lại một chữ. Ít lâu sau, ông chủ tiệm hớt tóc gửi phắc-tuya đến nhà ông bạn mà Tuấn ở để xin thanh toán hai tháng rưỡi hớt tóc của Tuấn – lúc ấy tiền có giá lắm – sơ sơ ba ngàn hai trăm đồng bạc Việt Nam.

    Không bao giờ có ai nhắc lại câu chuyện đó với Tuấn. Và tôi biết rằng chính Tuấn cũng không bao giờ nhớ rằng mình đã đặt nhiều «mìn nổ chậm» lại cho bạn bè, bởi vì Tuấn cho tất cả cái gì ở đời cũng là thường cả, không quan hệ – đời là một cái trò chơi! Có một hôm, tôi ngồi tán láo về cái thú uống rượu say, sực nhớ đến một câu chuyện do Sở Bảo Doãn Kế Thiện kể cho tôi nghe lúc làm Trung Bắc.

    Say rượu đến như LÝ Bạch kể đã là hay: say quá, làm một cái pờ-lông-dông xuống biển để bắt mặt trăng rồi bị nước cuốn phăng đi mất. Văn chương Tầu còn một ông cụ khác kỳ hơn: say suốt ngày, nằm uống, ngồi uống, đi đường cũng uống, lúc nào cũng có một tiểu đồng đi theo, cầm một cái mai cái thuổng. Hỏi để làm gì vậy? Thì ông cụ nói: «Để chôn ta! Say rượu, chết ở giữa đường thì cuốc thuổng đó đào ngay một cái lỗ tại chỗ để chôn, tiện quá!».

    Nhiều người cho rượu đến như thế thì nhất và cái triết lý của người say rượu đến như thế là tuyệt trần đời. Không ngờ có một ông lắc đầu chê bai bải:

    – Triết lý rượu đến như thế, còn xoàng quá. Tôi cũng uống cũng say nhưng tôi không cần phải mang tiểu đồng cầm cuốc thuổng đi theo làm gì. Say quá, lăn ra chết, cứ mặc xác tôi ở đấy cho diều tha quạ mổ, như thế có phải là nhất cử mà lưỡng tiện không?

    Đái Đức Tuấn rất thú câu chuyện đó và định làm một bài thơ trường thiên để nói lên triết lý của người say rượu, nhưng không hiểu tại sao đến lúc chết, Tuấn vẫn không làm việc ấy. Sau này, ở xa về, nói đến cái chết của Tuấn, anh em cho tôi biết là mấy độ sau này anh yếu quá nhưng vẫn ghiền cả rượu, cả thuốc píp, cả thuốc phiện, thành thử đến lúc đưa vào bệnh viện cơ thể anh hư hỏng hoàn toàn, các danh y không còn cách gì cứu được.

    Tôi hỏi:

    – Tôi biết Tuấn cai thuốc ba lần cả thảy. Một vài năm trước khi anh mất, tôi nghe thấy anh lại cai lần thứ tư kia mà!

    Anh em lắc đầu, buồn:

    – Nói thế thôi, chớ một nghệ sĩ muốn sống vội, sống một người bằng một trăm, một ngàn người, sống rất đa diện, như Đái Đức Tuấn thì cai làm sao được? Tôi chắc là anh cai chơi vài lần là vì thương vợ, nể vợ đó thôi, chớ thực ra anh không muốn cai, không muốn tự rút đi một cái thích thú nào. Anh ta muốn sống thật đầy đủ, nếu hôm sau chết ngay, anh cũng không cho là quan trọng.

    Bởi vậy, nghe thấy tin Tuấn mất, tôi yên chí anh không hề muồn một ly nào lúc lâm chung. Chết hay sống, đối với anh cũng chỉ là chuyện rất thường. Cái quan trọng là sống cho thật trọn vẹn cái đời nghệ sĩ «giầu cảm lụy», và mặc cho thân thế «tàn đi với văn chương».

    Chỉ buồn cho những người ở lại nhớ đến anh chỉ còn biết dở mấy tác phẩm còn sót ra để đọc và tự nhủ :

    «Một kỳ tài như Tuấn, đến lúc chết không để lại được chút gì cho bà vợ hiền ngoài mấy cuốn văn thơ nhầu nát, thật quả là một cái hận «mang mang vô tuyệt kỳ»!».


    Vũ Bằng (tạp chí Văn số 159)
     
    Chỉnh sửa cuối: 27/1/22
  3. Uillean

    Uillean Banned

    NHỚ TCHYA ĐÁI-ĐỨC-TUẤN

    Một buổi sáng tháng 10-1959, tôi đang ngồi trong tòa soạn tạp chí Phổ Thông thì một người cao, gầy, tóc hoa râm, mặc âu phục lớn màu xanh nước biển, bước vào, bắt tay tôi thân mật như quen biết đã lâu. Tôi điềm nhiên vui vẻ mời ngồi, tưởng là một trong những "bạn đọc thân mến", mà tôi thường đón tiếp hàng ngày. Khách lạ tự giới thiệu:

    - Thằng TchyA.

    - À, anh!

    Tôi cười xòa lên.

    Tôi mừng rỡ được giáp mặt lần đầu tiên người bạn làng văn đã nghe tên từ hồi ở Hà Nội.

    Sau 15 phút hàn huyên, TchyA bảo:

    - Tôi có một loạt bài về ca kịch Việt Nam vừa viết xong, muốn đưa anh đăng vào Phổ Thông cho vui.

    - Rất hoan nghênh.

    - Ngày mai tôi sẽ mang lại.

    - Vâng.

    - Hôm nào rảnh, mòi anh quá bộ đến tệ xá uống rượu chơi, Martell, Whisky, có sẵn.

    - Vâng, tôi sẽ đến thăm anh, nhưng không uống được rượu đâu nhé.

    - Thật à? Thế sao... lại có thơ "Nay ta thèm rượu nhớ mong ai... Một mình rót uống chẳng buồn say" ?

    - Ở Hà Nội, thỉnh thoảng bị Trương Tửu ép, uống với hắn chút xíu thôi, nhưng say đứ đừ.

    - À, lạ nhỉ! Tôi cứ tưởng N.V. cũng là một cây Lưu Linh chứ! Thôi thi uống trà Tàu nói chuyện văn thơ cũng vui chán.

    - Vâng, chắc chắn tôi sẽ đến thăm anh.

    Một chiều nào đó, tôi đến thăm TchyA trong một ngõ hẻm đường Huỳnh Quang Tiên. Một dãy phố ngang, độ năm, sáu căn. TchyA ở căn đầu. Trần Quốc Bửu ở căn cuối, Bửu là bạn cũ thâm niên của tôi lúc còn đi học ở Qui Nhơn. Nguyễn Ang Ca ở căn giữa. Không ngờ 3 người bạn Trung Nam Bắc cùng ở chung trong một hẻm.

    Như cái máy, TchyA niềm nở lấy chai Whisky ra để lên bàn, rồi sực nhớ, hỏi tôi:

    - À, mà quên... Hay là, một ly vậy? Biết nhau từ dạo ở Thăng Long, 20 năm sau mới có ngày tao ngộ ở Bến Nghé, chúng ta chẳng lẽ không "fêter" cái biến cố vĩ đại này à?

    Tôi cười:

    - Vâng, đồng ý, để vui lòng anh. Nhưng anh cho một giọt thôi nhé. Và một chai soda.

    TchyA cười to lên:

    - Ít nhất cũng nửa ly hoặc một phần tư ly chứ.

    Tôi đành chiều theo ý bạn. Tôi ngồi choi khá lâu, TchyA làm cạn hết 2 ly. Anh "tâm sự" về hoàn cảnh nước nhà bị phân qua, anh em làng văn cũng bị ngăn cách Bắc Nam. Nét buồn lộ ra trên mặt TchyA, làm tôi xao xuyến lạ. Tôi cảm thấy thân mến anh nhiều hơn.

    Hai giờ sau, tôi ra về, mặt đỏ bừng. Thế là đêm đó tôi ngủ li bì, chẳng viết lách gì được.

    Một lần nữa, một buổi tối thứ bảy, tôi đi với hai cô bạn gái, ngang qua câu lạc bộ báo chí, đường Lê Lợi. TchyA đang ngồi uống rượu trong đó, trông thấy tôi liền chạy ra kẻo tôi vào. Tôi giới thiệu hai cô bạn sinh viên Văn Khoa và Dược Khoa. Hai cô quyết từ chối rượu. Tôi cũng không uống. TchyA gọi 3 ly Bireley's. Thế rồi anh chàng thao thao bất tuyệt, thuyết cho hai cô bạn nghe văn chương, triết lý Việt, Tây, Tàu. Anh lôi ra hàng tràng chữ Nho, từ đời nhà Tống, nhà Chu, nhà Đường, rồi bước qua nói chuyện ca kịch Đông Phương, Tây Phương, Hy Lạp, La Mã... Hai cô cứ tủm tỉm cười ngồi nghe. Tôi cũng im lặng nghe, thỉnh thoảng mới đáp úng vài câu. TchyA nói rất có duyên và hiểu biết rất nhiều. Lúc ra về, đi đường, Thanh Tân bảo Cúc:

    - Tao sợ người Bắc lắm. Họ nói hay ác, nhưng đểu cũng số dách mày ơi.

    Cúc cười:

    - Sức mấy! Giáo sư của tao cũng đía không thua gì ông TchyA này, nhung khi tụi tao muốn coller ông về một điểm nào, ông ú ớ, tụi này cười muốn chết!

    Hai hôm sau, TchyA đến tòa soạn bảo tôi:

    - Hai cô hôm nọ đẹp quá nhỉ. Cô Thanh Tân học Dược có vê thông minh hơn cô học Văn Khoa.

    - Sao anh biết?

    - Cô ấy chăm chú nghe, ra chiều say mê. Còn nhà cô gì Văn Khoa chỉ cứ ngáp.

    Tôi cười:

    - Chính cái cô hay ngáp đó mới là chì lắm đấy. Chuyên môn "coller" giáo sư.

    - Chiều thứ bảy nào, tôi cũng đến ngồi câu lạc bộ. Thứ bảy này, anh đưa hai cô sinh viên đến nói chuyện cho vui.

    - Ừ, để xem. Tôi chưa dám hứa chắc.

    Nhưng, sáng thứ bảy, tôi phải gọi điện thoại cho TchyA biết tôi có mời nhưng chiều thứ bảy, Thanh Tân và Cúc bảo mắc đi ciné, xin hẹn với anh hôm khác.

    Tiếng TchyA ồ ồ trong ống nói:

    - Anh cũng đi với hai cô ấy chứ?

    - Dĩ nhiên.

    - Ồ, thế thì anh sướng nhất trên trần gian này rồi. Nhưng anh đi ciné một mình với cô Cúc, và anh đưa cô Thanh Tân đến câu lạc bộ uống rượu với tôi cho vui chứ. Anh để tôi ngồi đấy một mình à?

    - Vâng, tôi sẽ hỏi lại và sẽ trả lời anh sau nhé.

    Tôi chuyển lời đề nghị của TchyA đến Thanh Tân và tôi muốn chính Tân trực tiếp trả lời nhà thơ đa sầu, đa mộng.

    Bốn giờ chiều, Tân gọi điện thoại cho TchyA để... từ chối rất nhã nhặn.

    9 giờ tối, ở ciné ra, tôi mời hai cô bạn gái đến câu lạc bộ. Tôi hi vọng thầm rằng TchyA còn ngồi đấy. Tôi không muốn TchyA buồn. Tân và Cúc cũng không muốn trái ý tôi. Nhưng đến câu lạc bộ, người ta cho biết TchyA đã đi về nhà lúc 8 giờ 30. Trong lòng tôi tự nhiên xót xa, khổ sở, băn khoăn. Tôi đoán chừng TchyA buồn lắm, đêm nay...

    Hai tối thứ bảy kế tiếp, tôi đi ngang câu lạc bộ, không thấy bóng TchyA...

    Nguyễn Vỹ (Văn thi sĩ tiền chiến)

    Đái Đức Tuấn quê Thanh hóa, tôi mới gặp ở nhà Đỗ-Văn mà anh gọi bằng cậu, đã có cảm tình ngay, vì cùng trang lứa tuổi đôi mươi ngây thơ mơ mộng. Anh đỗ tú tài, làm tham tá nha Học chính, hay vẽ và làm thơ ngay trên bàn giấy công chức. Nét vẽ nghệch ngoạc kiểu tây đoan Rousseau nhưng ngụ ý hài hước hơn, anh minh họa một vài câu Kiều, như câu "trải qua mặt cuộc bể dâu" vẽ theo cái nghĩa "chải" và "râư": một người đứng trong bể nước cầm bàn chải chòm râu lê thê!

    Thơ anh có những câu :

    Thì giờ vỗ cánh bay như quạ
    Bay hết đường xuân kiếm chỗ ngồi
    Rượu đến gà kêu cô cuốn chiếu
    Quay về, còn lại mảnh tình tôi...

    Đã đành anh nhớ lại Edgar Poe, nhưng tôi thích thú những "quạ ngồi" và "gà kêu" lạ tai cũng như nét vẽ lạ mắt.

    Có lần tôi đến nha Học chính, thấy anh cúi trên bàn giấy, cổ quấn khăn choàng trắng, cho một "nghệ sĩ dao kéo" sửa mái tóc bồng bềnh. Tôi tưởng lúc ấy viên chủ sự Pháp ở phòng bên đi vắng, té ra không: lát sau thấy y nhẹ gót sang phòng này, nhìn tôi tủm tỉm trỏ ngón tay vào thái dương, có ý bảo "Tuấn hơi tàng tàng" (cinglé).

    Lần khác, cũng trong phòng này, tôi gặp Nguyễn Tuân cùng anh đánh cờ tướng theo những đường kẻ lệch lạc trên giấy báo. Viên chủ sự Pháp đi qua, thản nhiên như không thấy gì. Thực ra, họ không muốn để ý đến, vì nể Tuấn ở phương diện khác: phương diện hồ sơ. Hồ sơ của nha chồng chất như núi, nhưng Tuấn xếp đặt thật ngăn nắp, theo cái ngăn nắp riêng của mình: khi cần hồ sơ nào, nếu cứ theo thứ tư abc hay 1,2,3 thì chẳng ai tìm ra nổi, mà hỏi đến Tuấn, anh chỉ quơ tay là thấy liền! Tài đặc biệt ấy cho phép anh tha hồ phóng túng.

    Nét vẽ, câu thơ, ánh đèn, khói thuốc, bầu không khí thân mật cười đùa này chẳng mấy lâu sau mắc cho anh món nợ phù dung.

    Nợ càng sâu dậm hơn khi nàng tiên xuất hiện trong thân hình Bích Ngọc, một ngôi sao trên sông hồ của Hà thành hoa lệ, có nét kiều diễm theo tiêu chuẩn Tây phương, được đám phong lưu dị chủng đặt cho cái tên ôn-nhu là Angèle. Nhưng giai nhân lúc ấy đang kẻ đưa người đón dập dìu, đâu có chú ý đến một anh chàng thi sĩ ngây thơ? Nên chàng than vãn:

    Hững hờ là thói thuyền quyên
    Si tình thay lũ thiếu niên giang hồ!

    Mãi về sau, trong một đêm đông mưa gió, sau bữa tiệc vui đông đảo, Angèle ngồi lại bên đèn, trước lò sưởi:

    Ngọn lửa cành non kêu lách tách
    Như đùa với lạnh. Mặt em tươi
    Hơi ấm, tình nồng, hai má đỏ
    Nhìn em, em chúm chím môi cười...

    Thế là tiếng sét nổ trong lòng Tuấn, nảy ra cái bút hiệu TCHYA mà anh giải thích là "Tôi Chẳng Yêu Ai", trong khi thâm tâm tự nhủ: "Tuấn Chỉ Yêu Angèle!"

    Nhưng Angèle không chỉ yêu Tuấn. Nên Tuấn than:

    Tao phùng một chuyến rồi ly biệt
    Hoa lại bay theo ngọn gió ngàn!
    Chuyến bay này đằng đẵng bốn năm:
    Bốn năm mặt đá rêu phong kín
    Vằng vặc trăng suông tỏa bóng sầu
    Nghệ sĩ trót sinh giàu cảm lụy
    Dẫu tàn thân thế khó quên nhau...

    Rượu ngon ngon chẳng vui lòng
    Khói thơm thơm chẳng giải xong mối sầu
    Tâm tình trôi mãi về đâu
    Đời tình ta chẳng có nhau cũng thừa...
    Đời chưa thừa vì còn gặp lại nhau:
    Gặp em đêm ấy em xinh thắm
    Em mỉm cười duyên mỉa thế gian
    Bèo nổi nước trôi em vẫn trẻ
    Cái già như sợ cái hồng nhan!
    Nhưng rồi ma đưa lối quỷ đưa đường:
    Gió về hoa lại bay đi
    Yêu nhau lại đợi đến khi trùng phùng
    Chúc em xanh lục thắm hồng
    Rõ ràng thục nữ anh hùng sánh vai
    Mỗi khi ôn lại cuộc đời
    Để dành một phút cho người ngày xưa...

    Nói thì thế, nhưng cũng không ngăn được nỗi ngán ngẩm sự đời, muốn quăng đi hết cả:

    Bạn, đến phong trần trao oán hận
    Gái, tàn ân ái phủi tình chung
    Tưởng yêu được mãi người trong mộng
    Mộng đế tan canh cũng não nùng

    Đời ví phải khom mà đế bá
    Tình như chịu lụy mới phong vân
    Thôi thì mặ quách trò dâu bể
    Ai đỉnh chung gì với thế nhân!

    Mình không muốn "đỉnh chung" nhưng gia đình bất buộc phải đỉnh chung, anh đành về Thanh cưới vợ. Được vợ hiền đức nhưng hiếm hoi, anh có thơ an ủi:

    Trăm năm thân thế buồn như rũ
    Một phút bon chen hận đến già
    Tia lửa hút dầu sơ sợi bấc
    Hàng văn uống lệ héo hồn hoa

    Can tràng thôi hiến nghề nghiên bút
    Tâm huyết đem thờ chữ Quốc gia
    Tử tức nếu không truyền hậu thế
    Thì đây THI TẬP đứa con ta...

    Không đỉnh chung với thế nhàn, anh cũng quyết không đỉnh chung nữa với phù dung. Năm 1938, một hôm anh bảo người chuẩn bị xôi gà đèn nhang, đến đêm anh trịnh trọng đem bộ khay đèn đặt trước lễ vật, lâm râm khấn vái rồi bê cả xe tẩu móc tiêm cùng khay ném choang xuống sân gạch, ly dị với tiên nâu từ đây. Nhưng lại sa vào men rượu mà anh uống như nước trà.

    Khi thế chiến thứ Hai bùng nổ, ách quân phiệt Phù tang chồng thêm vào ách thực dân làm khổ dân ta, anh đột ngột xin nghỉ việc ở nha Học chính nói với tôi:

    - Tây sắp thua rồi, ở lại làm gì!

    Thế rồi một hôm anh lặng lẽ đem vợ và con nuôi về quê ở vùng Vệ sơn, dấu hết mọi người, ngay bà mẹ và chị em ở Thanh cũng không ai biết. Anh chọn một ngọn đồi thấp ở xã Vệ vĩ, bên những ruộng muối trắng xóa gần bờ biển thuộc phủ Quảng xương, cách Thanh hóa chừng mười cây số.

    Ở đây anh lập một cái am gọi là Mai Nguyệt mái tranh vách đất, ba phòng thông nhau bằng cửa tò vò, có mành trúc thưa.

    Đứa con nuôi, anh bất giả làm câm, mỗi khi có ai hỏi thăm thì nhất định phải ngậm miệng và viết ra giấy trả lời: câu đầu bằng chữ Hán "Đáo am vấn sư phụ", câu sau tiếng Pháp "Allez vous renseigner auprès du Maitre", sau rốt bằng quốc ngữ "Ông đến am yết kiến sư phụ."

    Anh lại có một đồ đệ lực lưỡng, vốn là một tên trộm cướp, từ ngày gặp anh, tình nguyện hoàn lương.

    TchyA nhất quyết dùng am này là nơi "cai" thuốc phiện. Sáng ngồi "tham thiền", chiều tập thể dục. Cứ như thế suốt trong sáu tháng, anh khôi phục được sức khỏe cả tinh thần lẫn thể xác. Hình dung biến đổi : mái tóc dài chùm cổ, râu ba chòm lê thê! Thử về Thanh chơi, thấy không ai nhận ra mình, nảy ý kiến làm đạo sĩ, nhân thấy đồ đệ từng cầm đầu nhiều vụ cướp bèn gọi đến để học võ. Gần gũi ít lâu, thày võ theo đạo sĩ đi quyền tiền nhà giàu đem phát chẩn giữa nơi dân nghèo.

    Cạnh am có ngôi chùa cổ bỏ hoang, đạo sĩ dùng làm nơi thuyết pháp: vì tiểu đồng xử dụng ba thứ chữ nên tiếng đồn đạo sĩ là bậc thông thái siêu phàm, có những ông nho sĩ tìm đến hỏi han thì anh mời sang bên chùa và thao thao bất tuyệt giảng triết lý Tây phương.

    Đến đầu năm 1946, tại Thanh hóa có cuộc xung đột quốc cộng xảy ra dữ dội. Nhiều vụ đổ máu diễn ra từ đồn điền Di Linh đến khách sạn Tứ Dân là bản doanh chính của nhóm lãnh đạo phong trào bài Cộng. Lẽ tất nhiên trong nhóm có Đỗ Văn và TchyA, tuy TchyA vẫn đi đi về về am Mai Nguyệt. Nghe phong thanh, bọn Vẹm đến đốt am, khiêng ông đạo về giam ở ngục Quảng xương. Không biết ông đạo thuyết pháp thế nào mà được tha với điều kiện sẽ phục vụ cho chúng. Thế là ông tếch luôn về Tứ Dân, võ trang bằng dây lưng da thắt vòng ra ngoài áo the dài.

    Sau vì vốn chữ Hán đủ để bút đàm với Tàu, anh nghiễm nhiên đóng vai cố vấn ban chỉ huy, từ đó mặc quân phục màu cứt ngựa, mũ lưỡi trai, giầy ủng, bên hông có khẩu súng buông thõng cái giây tua.

    Đến khi quân Tàu rút lui, anh cũng rút theo... sang đến tận Côn Minh.

    Khoảng năm 1952, tôi nhận được giấy gọi của sở Mật thám Pháp, đến nơi được biết có ông Đái Đức Tuấn ở Côn Minh gửi đơn xin về Hà Nội, cậy tôi đứng bảo lãnh. Tôi vui vẻ ký nhận, thì ít bữa sau tái ngộ với TchyA đầu tóc bồng bềnh. Ở chơi vài hôm rồi anh lên phố Hàng Bún, ở với Đỗ Văn bấy giờ làm giám đốc Thông Tin.

    Vài tháng sau, anh vào Huế do lời mời của thủ hiến Phan Văn Giáo vốn là bạn thân khi trước ở Thanh hóa và ông này cử anh với anh Đàm Quang Thiện làm đại úy ngành chiến tranh tâm lý.

    Ở đây, anh tìm xuống trọ trong một con đò sông Hương, cùng với họ Đàm. Tôi có gửi mấy câu họa một bài chữ Hán của anh:

    Nghe anh trở lại đất kinh kỳ
    Lấy bút làm gươm rạch thị phi
    Mây nước bao la còn nhớ hẹn
    Cỏ cây xơ xác ngẫm càng bi
    Nửa đầu sương tuyết ngô hoàn ngã
    Một mái giang sơn khách thị thùy
    Sóng rộn lòng Hương thuyền mấy lá
    Cầm ngang ngọn dáo vẫn ngâm thi...

    Sông Hương kia nước chảy lờ đờ, ví có nổi được lên sóng gió, họa chăng mới ngớt tiếng ngâm thơ.

    Rời Huế vào Sài gòn, dưới chế độ cộng hòa, anh nghiễm nhiên trở thành quân nhân thực thụ rồi sau đó về hưu, lãnh hưu bổng và ngụ trong căn nhà khu cựu chiến binh. Người biết nhiều về quãng đời này là bạn Đàm Quang Thiện, thì Đàm quân cho TchyA là "một mâu thuẫn lạ đời do hậu quả của một xã hội bị Pháp chèn ép hay của sự giao du với những người không căn bản làm cho lung lay tận gốc?".

    Tôi cho rằng TchyA đã chọn cách sống như một nghệ sĩ theo kiểu Tây phương: sống theo sở thích, sống cho nội tâm mình, không cần biết chung quanh ưa hay không. Thành thử đôi khi anh tỏ ra khinh bạc quá cỡ. Như hồi anh lên núi tu, được tin thân mẫu mệt nặng, anh viết thư cho người bạn thân nhờ gửi 1,000 đồng vào Thanh cho bà cụ uống thuốc, bạn nhân mới thâu được 1,500 đồng, tiền gửi ngay cả số. Sau đó, anh tới gặp bạn, cười nói:

    - Mày giàu nên mới khổ vì tiền như thế, chứ nghèo thì tao phiền làm gì?...

    Chắc các bạn cũng đồng ý với tôi rằng TchyA muốn đem cái đẹp riêng của mình vào đời sống nhiều hơn là vào tác phẩm. Cái đẹp ấy, tôi hiểu là cách phát huy bản sắc của mình bằng những cử chỉ khác đời, thoát sáo, những cử chỉ không ngại là khinh thế ngạo vật, theo một chiều khoáng đạt, rộng rãi hơn cái nếp luân lý thông thường của xã hội.

    Đêm trừ tịch, gần lúc cúng giao thừa đón năm Mậu Thân, anh lại nhà bạn Võ Khắc Tân tự Trác Ngọc viết bài thơ tặng :

    TchyA
    Đái Đức Tuấn

    Cũng sáu mươi à ? bác Tẩy-xia
    Văn chương tưởng đã tống ra rìa
    Nước non khoái mãi thi cùng phú
    Thời thế phai dần tóc với ria
    Hồ hải đòi phen vào lộn bến
    Tang bồng mấy độ bắn lầm bia
    Thế rồi cũng sống mà vui thú
    Để chuốc quỳnh tương rượu uống thìa

    Riêng tặng Trác Ngọc

    Tới ngày rằm tháng Bảy năm ấy (8-3-1966), anh tạ thế, thọ 60 tuổi.

    Tôi đã họa bài thơ trên để tưởng niệm người bạn thâm giao mà hình bóng lúc nào cũng thấy như thấp thoáng trong ánh đèn, chập chùng trên ngọn khói:

    Anh vội vàng chi thế Tẩy-Chia?
    Đường đời ngại lắm, tránh lên rìa?
    Tang bồng đã hẹn ba chung rượu
    Hào mại hằng vênh một bộ ria
    Bút múa long xà tay vẫy gió
    Tranh vờn vân cẩu miệng truyền bia
    Nhớ anh, nhớ những đêm Hà Nội
    Quanh ngọn thần đăng, thú úp thìa!...

    Sang ngày 17 (10-8-1968) tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, bạn Vũ Hoàng Chương đã rưng rưng mắt lệ đọc mấy lời thống thiết trước quan tài TchyA :

    Đành lẽ "trót sinh giàu cảm lụy

    Dẫu tàn thân thế khó quên nhaư"
    Mai hoa tái thế bao giờ nữa?
    Minh nguyệt tiền thân biết hỏi đâu?
    Tàn cuộc văn chương từng góp lệ
    Tàn đêm lữ thứ lại chung sầu
    Tàn đi mãi đấy hồn phong nhã
    Tàn cả rồi chăng lớp biển dâu?
    Và cũng tàn theo ba tiếng khóc
    Ngấm vào ba thước đất vùi sâu...
    Tàn mai, tàn nguyệt, tàn cơn mộng,
    Anh đợi gì chưa nổi trống chầu?

    Mấy năm liền sao rụng trời Thơ,
    vận nước sô nghiêng
    hồn chữ nghĩa
    Rằm tháng bảy anh về đất Phật
    lệ ngâu thấm ướt
    tập Đầy Vơi...

    Lãng Nhân (Nhớ nơi kỳ ngộ)
     
  4. Uillean

    Uillean Banned

    NHÀ VĂN TCHYA ĐÁI-ĐỨC-TUẤN

    Những năm còn ở tuổi 9 tuổi 10, tôi đã được đọc “Thần hổ” và “Ai hát giữa rừng khuya” của TchyA đăng trên báo phổ thông bán nguyệt san. Thật hấp dẫn, nhưng cũng sợ lắm. Sợ tới mức đêm ngủ phải đóng cửa thật chặt, vậy mà vẫn cứ sợ. Nhưng rồi lại thích đọc đến dòng cuối cùng. Và đọc lại… Bởi óc tò mò của trẻ con đối với thế giới thần linh ma quái trong tiểu thuyết của ông.

    Cho đến năm 1942, ngoài hai tác phẩm kể trên, TchyA còn có Linh hồn và xác thịt Kho vàng Sầm Sơn.

    TchyA là một trong số không nhiều những nhà văn trước năm 1945 viết truyện truyền kỳ - kinh dị. Nhưng ông là nhà văn duy nhất chuyên viết thể loại này. Thế Lữ có Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh. Thanh Tịnh có Ngậm ngải tìm trầm. Lan Khai có Cái hột mận. Nhất Linh có Bóng người trong sương mù, Lan rừng. Nguyễn Tuân có Chùa Đàn, Cô Dó và Trên đỉnh non Tản. Tô Hoài có Một đêm gác rừng. Ngược về xa xưa thì ông Vua, nhà thơ - nhà văn Lê Thánh Tôn có tới ba truyện thần kỳ: Duyên lạ nước Hoa, Chuyện chồng dêMột dòng chữ lấy được gái thần. Rồi còn có thể kể ra mấy truyện khuyết danh như Hổ bộc (đầy tớ của hổ), Cọp báo số mệnh cho người Ông sư tiên trên núi Nưa.

    TchyA (Đái Đức Tuấn) sinh năm 1908 tại làng Ngọc Diêm, tên nôm là làng Si, thuộc Ngọc Giáp, tổng Thủ Chính (nay là xã Quảng Chính) huyện Quảng Xương, Thanh Hoá. Sinh trưởng trong một gia đình trí thức quan lại. Phụ thân là tri huyện Đái Xuân Quảng. Sau khi đỗ Tú tài (Tây học) làm tham tá Sở thương chính Hải Phòng. Không lâu, vào làm tham tá của Nha học chính Đông Dương (1) ,cũng là lúc bắt đầu sự nghiệp văn chương. Ngoài vốn Tây học giỏi, ông còn có vốn Hán học uyên thâm do phụ thân truyền dạy từ thời thơ ấu.

    TchyA xuất hiện trên các báo Đông Tây, Nhật Tân từ giữa những năm 30 của thế kỷ hai mươi. Tiếp đến là cho đăng các tiểu thuyết truyền kỳ trên Phổ thông bán nguyệt san của Nhà xuất bản Tân Dân. Ông còn dịch thơ Đường, vẽ tranh minh hoạ, tranh châm biếm, làm câu đối.

    Năm 1992, trong chuyến vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, tôi tới nhà riêng của ông để trao sách biếu và nhuận bút tái bản Kho vàng Sầm Sơn do nhà xuất bản Thanh Hoá ấn hành. Người con gái của ông đưa tôi xem các di cảo văn và thơ bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Hán của ông. Chữ Hán ông viết là chữ của một ngòi bút tài hoa - thi sĩ, đẹp đến ngẩn ngơ… Vâng, TchyA cũng là một nhà thơ mà người đọc đương thời biết đến ít nhất là tập Đầy vơi.

    Đây là lần thứ hai tôi gặp ông, nhưng chỉ gặp di ảnh thôi. Ông đã mất ngày 8 tháng 8 năm 1969 vì bệnh tim (và vợ ông cũng đã mất năm 1982). Lần đầu tôi gặp ông là năm 1944 khi bố tôi dắt đi theo cùng rất đông người của bốn làng thuộc Ngọc Giáp (làng tôi là một làng trong đó), đến xem "tư dinh" của ông mới khánh thành tại núi làng Bồ. Đó là cái động được khoét rộng ra từ một cái hang vốn có của trái núi đứng riêng thuộc dãy núi Chẹt - núi Lau.

    Động núi Bồ, hoặc gọi như người dân Ngọc Giáp ngày ấy là "Động ông tham Tuấn" rộng chừng 40 mét vuông, giữa một vùng non nước rất hữu tình. Động cách ngôi chùa Đồng rất gần. Có thể nói chắc rằng, ở Quảng Xương bấy giờ không có một chùa nào mà cảnh quan lại đẹp đến vậy. Chùa tựa lưng vào dãy núi Lau, quay mặt phía nam, chỗ dòng sông Yên (còn gọi là sông Ghép) uốn một vòng cung để rồi ngoặt trở lại mà đổ nước ra biển. Tam quan chùa rất đẹp, trên gác tam quan treo một quả chuông khá lớn. Chung quanh chùa cây cối xanh tốt um tùm như rừng và rất nhiều loại hoa, nhiều nhất là hoa mẫu đơn, hoa dẻ. Sân chùa cao vút những đa, những đề… Phía đông chùa là con suối quanh năm nước róc rách chảy qua những khối đá ghập ghềnh rồi đổ xuống sông Yên. Cảnh là cảnh của thiên nhiên nhưng đã được con mắt của văn nhân chọn lựa.

    Dân làng chẳng rõ nguồn cơn nào mà ông Đái Đức Tuấn lại bỏ chức tham tá, một chức được xem là cao cấp thời Pháp thuộc để trở về quê khoét núi mở động, rồi chiêu tập đến ba chục trai đinh luyện tập côn quyền ngày đêm mà người hướng dẫn lại chính là ông. Ai hỏi thì ông trả lời: "Chuẩn bị lực lượng để đánh đuổi ngoại xâm"(?) Thấy vậy một thanh niên yêu nước trong làng gửi cho ông lá thư với nội dung: "Nếu như muốn trả nợ cho non sông, thì sao ông không xông pha ở giữa trần hoàn, mà lại phải quay về tựa núi nương chùa. Thật là uổng công học hành…". TchyA đã trả lời người thanh niên ấy bằng bài thơ: "Aman (2) thuở trước tới Tần cung / Quan tể cười rằng chú chạy rông / Chim sẻ biết đâu lòng Sếu nhỉ / Trời trong đáy giếng chỉ bằng vung". Bài thơ chứng tỏ TchyA rất ngạo với người thanh niên viết lá thư cho mình.

    Tôi con nhớ rất rõ cảnh tượng trong động của ông. Ánh đèn măng - sông sáng trưng. Chính giữa đặt bộ bàn ghế bằng gụ khảm trai kiểu Tàu. Trên vách hậu của động, chỗ cao nhất gắn xác phơi khô của con đại bàng. Sát ngay bên dưới là ảnh Quan Công cưỡi ngựa, cầm thanh long đao. Hai bên treo, gắn nào là thương, đao, kích, chuỳ. Và động chủ thì trang phục y như là tráng sĩ, hiệp khách với với chiếc kiếm dài lủng lẳng bên hông khi ra đón khách. Không hiểu người lớn bước vào đây thì cảm giác ra sao, chứ trẻ con như tôi thì khiếp sợ quá. Nhưng những lúc ra khỏi động, tiếp xúc với người này người kia trong giáp, thì TchyA lại mặc quần trắng bằng vải giá vũ, áo dài bằng gấm màu tím có hoa văn là chữ thọ khuôn tròn, đầu đội khăn xếp, ngực đeo bài ngà, có hàng chữ Hán mà mấy cụ có ít nhiều Hán học đọc được là Hồng lô thiếu khanh (Hàm được nhà nước phong kiến phong, dưới hàm Hồng lô ái khanh).

    Đùng một cái, Nhật đảo chính Pháp, phong trào Việt Minh rộn rực khắp nơi trong tổng trong huyện. Các đôi nam nữ dân quân tự vệ được thành lập ở các làng và ngày đêm tập luyện quân sự nhằm chuẩn bị làm khởi nghĩa giành lại đất nước. Thế là cảnh tượng của cái động ông tham Tuấn và tất nhiên là động chủ biến mất chỉ trong có mấy ngày…

    Khi lớn lên, được đọc Nhà văn Việt Nam của Vũ Ngọc Phan thì tôi hiểu được phần nào sự đột ngột xuất hiện và đột ngột biến mất của "con sếu" TchyA. Vũ Ngọc Phan nhận định thế này về ông: Ngay lúc còn là một tham tá trẻ măng (và rất đẹp trai nữa) đã mê Lý Bạch, rất mê bài thơ Tương tiến tửu và bài Hàng Hạc lâu. Thấm nhuần tính phóng túng của Lý Bạch nên cũng có cái quá độ làm cho nhiều người bực tức. Chắp nối nhận định ấy với hành trạng của ông khi về ở động núi Bồ, thì dường như vẫn là một TchyA - Đái Đức Tuấn phóng túng, giờ lại thêm chút hảo hán kiểu Tàu, và có sự bắt chước chăng Liêu Trai của Bồ Tùng Linh khi ông khoét núi Bồ làm động.

    Nhưng rồi TchyA vẫn là người của văn thơ thôi, chứ không phải là người của những binh khí kia…

    Lại đột ngột nữa, năm 1950, ở Quốc học Huế có một thầy giáo văn chương là Đái Đức Tuấn. Sau đó ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đi quân dịch một thời gian. Ra khỏi quân ngũ, không quay về Huế nữa, ông lại tiếp tục văn chương tại Sài Gòn và cho in thêm Đồng tiền Vạn Lịch, Đường lên núi, Uyển ngoạn và Tình sơn nữ vào năm 1956.

    Người đọc gặp ngay trong các truyện truyền kỳ - kinh dị của ông những ma quái, những quỷ thần như đã gặp trong Liêu Trai chí dị, trong Truyền kỳ mạn lục. Nhưng cái khác biệt là truyện truyền kỳ của TchyA vừa mang màu sắc truyền thống phương Đông lại vừa có màu sắc truyện kinh dị phương Tây. Xã hội ma và xã hội người trong tiểu thuyết của TchyA chỉ là một. Do thế mà ý nghĩa hiện thực của tiểu thuyết TchyA được ghi nhận là một đóng góp. Ma thần muốn hại người nên người lại muốn tiêu diệt ma, thần. Có lúc ma lại giao tiếp với người, như là ma đã bất lực trước sức sống của người, nên phải chấp nhận hoà hoãn, chung sống. TchyA muốn viện đến nhận thức khoa học để lý giải chuyện ma chuyện thần. Ấy là chỗ khác biệt của TchyA với Bồ Tùng Linh (Trung Quốc) và Nguyễn Dữ

    Thần HổAi hát giữa rừng khuya có thể coi như Liêu Trai của Việt Nam. TchyA không sao chép yêu, ma của Bồ Tùng Linh.

    Yêu ma trong các tác phẩm của TchyA là loại ma trành, hoá thân của những cái chết bất đắc kỳ tử mà dân gian xưa gọi là "dớp" (dớp nhà) phải tìm mọi cách để tránh lặp lại với người thế hệ sau. Peng Slao, nàng chính là con ma trành, về sau thoát được cảnh làm tôi tớ cho thần Hổ do đã tìm được người thay thế, người rơi vào cái dớp của kẻ trước. Slao có tiền duyên với Đèo Lâm Khẳng, một người của gia tộc lớn nhất vùng rừng núi Thạch Thành (Thanh Hoá). Nàng đã quyến rũ được họ Đèo vào ngôi nhà sàn của mình để ân ái. Cuộc ân ái cuồng si giữa một kẻ là người và một kẻ là ma. Thế là Peng Slao được giải thoát. Cái tình của ma mà lại đắm mê, thắm thiết hơn cả tình người.

    Thần trong tác phẩm của TchyA là Thần Hổ. Những hổ xám, hổ vàng và cả hổ bạch đã thành tinh. Lúc là hổ nguyên hình, lúc lại biến thành người. Ai bị hổ ấy ám ảnh, rượt đuổi thì khó mà bảo toàn được tính mạng. vì đã xúc phạm, đã tàn hại hổ mà mấy đời nhà Đèo Lâm Khẳng đều có người phải làm mồi cho hổ. Cách trả thù của hổ ứng với cách người đã làm hại hổ. Nghĩa là người nào của nhà họ Đèo đã bị hổ bắt thì cũng bị móc mất một mắt và bị cắn mất hai hòn ngọc hành để phải tuyệt đường sinh dục, truyền giống. Điều này khiến ta nghĩ đến thuyết quả báo. Hổ là một lực lượng của thiên nhiên. Con người đã tàn hại thiên nhiên thì sớm muộn thiên nhiên cũng sẽ trừng phạt con người.

    Khác với Thần HổAi hát giữa rừng khuya, tiểu thuyết Kho vàng Sầm Sơn tuy là cùng trong dòng mạch truyện thần kỳ, nhưng lại không có yếu tố kinh dị thần quái. Đây là một thiên bi tình sử. Không khí, bối cảnh, sự kiện và câu chuyện thật về những ngư dân Sầm Sơn phát hiện kho vàng chìm dưới đáy biển, chỉ để tạo ra cái nền và làm cái cớ cho mối tình của công tử Nguyễn Anh Tề, con trai Hữu quân đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh và quận chúa Võ An Trinh, con gái Tả quân đô đốc Võ Văn Nhậm và đi đến kết cục thảm thương. Mà nguyên do bắt đầu bằng sự nghi kị, hiềm khích giữa hai người cha đều là quan đồng triều Tây Sơn. Trước, sau Võ An Trinh rồi Nguyễn Anh Tề đều phải tự kết liễu đời mình. Sau ngày Nguyễn Hữu Chỉnh bị Võ Văn Nhậm xử trảm.

    Vấn đề tiểu thuyết này đặt ra: Tình yêu là quý nhất chứ không phải là vàng, không phải cả một kho vàng kia. Tình yêu mà mất thì bao nhiêu vàng cũng là vô nghĩa, TchyA tỏ ra thấu nhân tình ở thiên tiểu thuyết có sức lay động mạng mẽ tâm can người đọc này.

    Như vậy dù không sánh ngang được với kho tàng khổng lồ về văn học truyền kỳ Trung Quốc, cũng có thể nói Việt Nam có một dòng văn hoc truyền kỳ, mà TchyA có công đáng kể trong việc góp phần tạo nên và nổi trội ở quãng hơn nửa sau của thế kỷ 20.

    Cuối cùng, vấn đề còn lại là bút danh TchyA của nhà văn này. Do đâu mà Đái Đức Tuấn lại chọn cho mình cái bút danh kì lạ ấy? Từ bấy cho đến giờ, chỉ có hai cách giải mã: Tôi chẳng yêu ai và Tôi chưa yêu ai. Nhà văn đã lấy phụ âm của bốn tiếng ấy : T. CH. Y. A rồi ghép lại thành bút danh. Tưởng như là có lý. Nhưng không đúng đâu. Ông có người vợ đẹp vào loại hoa khôi của thành phố Thanh Hoá thời ấy, con một viên tri phủ mà người ta thường gọi là ông phủ Hùng. Năm 1944 tôi đã thấy ở động núi Bồ, tuy đã qua thời thiếu nữ, nhưng vẫn đẹp như người trong tranh.

    Năm 1946, khi thành phố Thanh Hoá tiêu thổ kháng chiến để chống thực dân Pháp, tôi trở về quê tiếp tục học lên Trung học phổ thông (Nhưng chỉ ngang bậc Trung học cơ sở nay) ở trường tư thục Bàn Lâm. Trường do thầy Đái Xuân Ninh (anh họ của nhà văn Đái Đức Tuấn) làm hiệu trưởng (3). Một lần tôi hỏi thầy về bút danh TchyA. Nhưng thầy cũng không trả lời được. Tuy vậy thầy cũng không tán đồng cách giải mã như đã dẫn ở trên.

    Bỗng một hôm tôi gặp bác Nguyễn Xuân Dương - người đỗ tú tài thời Pháp thuộc, sau tháng 8 năm 1945 làm thầy giáo dạy văn, hiện nghỉ hưu tai thành phố Thanh Hoá. Tôi hỏi bác việc này. Bác Dương cho biết xưa nay sách báo viết bút danh của ông Đái Đức Tuấn không đúng - Tchya. phải viết hoa chữ A mới đúng - TchyA. Bác Dương giải thích ông Đái Đức Tuấn thời làm tham tá Nha học chính Đông Dương có yêu một cô vũ nữ rất đẹp, yêu lắm. Ông đặt tên cho cô là Angèle (tên tiếng Pháp). Như vậy, theo bác Dương bút danh ấy được giải ra là: Tôi chỉ yêu Angèle. Tôi nghĩ cho tới lúc này, thông tin từ bác Nguyễn Xuân Dương là có lý nhất.


    (1) Do nhà cầm quyền Pháp lập ra để kiểm tra công việc Bộ học của Nam triều (nhà Nguyễn).
    (2) A Man là tên của Tào Tháo lúc còn nhỏ.
    (3) Thầy Đái Xuân Ninh sau năm 1954 được Bộ giáo dục điều động ra giảng dạy văn học ở ĐHSP Hà Nội và là thành viên của nhóm nghiên cứu văn học mang tên Lê Quý Đôn ngày ấy.


    Mai Ngọc Thanh
     
    Chỉnh sửa cuối: 27/1/22
    bibong thích bài này.
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này