Tin tức Thế giới 1 năm nhìn lại

Thảo luận trong 'Tin tức - Sự kiện' bắt đầu bởi vancuong7975, 31/12/15.

  1. vancuong7975

    vancuong7975 Banned

    Thế giới một năm nhìn lại

    Năm 2015 sắp trôi qua với nhiều thăng trầm, một năm không yên bình của thế giới khi tiếng súng chiến tranh vẫn vang lên ở nhiều khu vực, những vụ khủng bố kinh hoàng, bất ổn và căng thẳng. Cùng Báo điện tử Chính phủ điểm lại những sự kiện nổi bật nhất thế giới trong năm qua.

    1. Tấn công khủng bố tại Pháp

    [​IMG]
    Gần 4 triệu người, trong đó có Tổng thống Pháp Hollande cùng 40 nhà lãnh đạo các nước trên thế giới, như Thủ tướng Anh, Thủ tướng Đức… đã tuần hành ở Paris, nhằm thể hiện sự đoàn kết, phản đối khủng bố và tưởng niệm những nạn nhân vô tội thiệt mạng trong các vụ tấn công ở Paris. Đây là cuộc tuần hành lớn nhất trong lịch sử Pháp – Ảnh: Reuters

    Ngay khi thế giới vừa bước sang năm mới 2015, ngày 7/1, đã xảy ra một vụ xả súng vào văn phòng của tạp chí Charlie Hebdo tại Paris. Vụ xả súng khiến 12 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương.

    Có 3 tay súng đã tham gia vào vụ tàn sát, đó là 2 anh em Said Kouachi và Cherif Kouachi, mang quốc tịch Pháp. Tay súng còn lại là Hamyd Mourad, 18 tuổi. Các tay súng này được cho là có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở bán đảo Arab.

    Nguyên nhân trực tiếp khiến tòa soạn Charlie Hebdo bị tấn công là do tạp chí biếm họa này đã đăng lại những bức ảnh châm biếm Nhà tiên tri Mohammed trước đó đã từng xuất hiện trên một tờ báo của Đan Mạch, gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng người Hồi giáo.

    Bất chấp vụ tấn công, Charlie Hebdo vẫn tiếp tục phát hành số tiếp theo vào ngày 14/1/2015 với trang bìa là dòng chữ “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie). Dòng chữ này sau đó trở thành khẩu hiệu trong các cuộc biểu tình chống khủng bố tại Pháp.

    [​IMG]

    Đêm thứ sáu ngày 13/11 tiếp tục đi vào lịch sử đau thương của nước Pháp với liên tục 7 vụ tấn công khủng bố tại các địa điểm tụ tập đông người ở thủ đô Paris.

    Vụ tấn công thảm khốc nhất diễn ra tại nhà hát Bataclan, nơi đang diễn ra buổi biểu diễn của ban nhạc Mỹ Eagles of Death Metal. Ít nhất 118 người thiệt mạng tại đây.

    Cùng thời điểm đó, 3 vụ nổ khác xảy ra ở bên ngoài sân vận động Stade de France, nơi đội tuyển Pháp đang thi đấu giao hữu với Đức. Nhóm khủng bố 9 tên chia làm 3 tốp liên tục xả súng dữ dội vào các cửa hàng, quán ăn, tiệm cà phê, quán bar ở Paris.

    Vụ tấn công liên hoàn khiến 130 chết, 332 người bị thương. Sau vụ tấn công, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc. Tổng thống Pháp Francois Hollande ngay sau đó đã có những động thái quân sự cứng rắn đáp trả, điều động lực lượng tới Syria tiêu diệt IS…

    2. Rơi máy bay A-320 của Đức

    [​IMG]
    Người dân xếp hàng 2 bên đường tại Haltern am See, Đức để đón những chiếc xe tang chở thi thể các nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn máy bay Germanwings.

    Đây là một trong những vụ tai nạn hàng không gây thiệt hại lớn nhất về người trong năm 2015. Chiếc máy bay A320 mang số hiệu GWI18G của hãng hàng không giá rẻ Germanwings, chi nhánh của hãng hàng không Lufthansa (Đức), đã rơi xuống vùng núi Alps, miền Nam nước Pháp hôm 24/3 khi đang trên hành trình từ Barcelona (Tây ban Nha) tới Dusseldorf (Đức).

    Cơ phó từng có lịch sử trầm cảm và đang phải trải qua “cuộc khủng hoảng đời sống riêng” trước khi điều khiển máy bay lao vào vùng núi ở Pháp khiến toàn bộ 150 người thiệt mạng.

    3. Động đất mạnh nhất ở Nepal trong 8 thập kỷ

    [​IMG]

    Hai trận động đất mạnh 7,8 độ richter (ngày 25/4) và 7,3 độ richter (ngày 12/5), làm chấn động gần như toàn bộ đất nước Nepal, khiến 8.964 người chết và 21.952 người bị thương. Hai trận động đất này đã làm thay đổi nhiều cấu trúc địa chất tại Nepal và các nước láng giềng như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Pakistan. Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 1,4 triệu người cần được hỗ trợ về lương thực.

    4. Dấu mốc lịch sử trong quan hệ Mỹ- Cuba

    [​IMG]

    Ngày 14/8 đã trở thành dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba khi lần đầu tiên quốc kỳ của Mỹ được kéo lên tại thủ đô La Habana của Cuba sau 54 năm kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao. Đây cũng là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Mỹ đến thăm Cuba trong vòng 70 năm qua.

    Sự kiện mang tính biểu tượng này đã hoàn tất tiến trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao – chương đầu tiên trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa La Habana và Washington, điều mà chỉ cách đây gần một năm là không thể tưởng tượng với tuyệt đại đa số những người quan sát diễn biến quan hệ hai nước.

    5. Khủng hoảng di cư ở châu Âu

    [​IMG]

    Những bất ổn ở Libya, Iraq và nhất là tại Syria đã khiến cho hàng triệu người phải bỏ quê hương xứ sở đi tìm những miền đất hứa. Theo số liệu của Liên minh châu Âu (EU), đã có khoảng 12 triệu người đăng ký xin nhập cư vào châu Âu. Tuy nhiên, hồi tháng 9, tại cuộc họp Thượng đỉnh của EU, số lượng hạn ngạch được thông qua chỉ là 160.000 người cho 2 năm.

    Vật lộn với làn sóng di dân, mặc dù trong cùng một khối thống nhất miễn thị thực nhưng các quốc gia EU đã phải tự lập hàng rào để bảo vệ quyền lợi cho mình.

    6. Sự trỗi dậy của IS

    [​IMG]
    IS phá hủy nhiều di tích lịch sử cổ đại, như phá các ngôi đền ở địa danh có từ thời La Mã tại Palmyra.

    Hơn một năm đã trôi qua kể từ thời điểm Mỹ chủ trương và kêu gọi thành lập liên minh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng cho đến nay tổ chức này vẫn đang làm cho cả nhân loại bất an. Không chỉ hoành hành ở khu vực Trung Đông, IS dường như đã vươn ra khỏi thế giới Arab. Bằng chứng là các cuộc khủng bố kinh hoàng tấn công vào khách du lịch ở Tunis, xả súng tại San Bernardino (bang California – Mỹ), đánh bom máy bay chở khách của Nga và đỉnh điểm là vụ tấn công tại thủ đô Paris hồi trung tuần tháng 11.

    IS đã trở thành tổ chức khủng bố đầu tiên trong lịch sử nhân loại phát hành đồng tiền riêng, thu thuế trong lãnh thổ mà tổ chức này kiểm soát. IS đã trở thành tổ chức buôn lậu dầu mỏ kếch xù, thường xuyên bắt cóc con tin để tống tiền, rửa tiền…

    7. Nga can thiệp quân sự ở Syria

    [​IMG]

    Cuộc nội chiến tại Syria diễn ra đã hơn 4 năm. Tại đây, 4 lực lượng chiến đấu chống lại nhau gồm quân đội chính phủ của Tổng thống Assad, lực lượng nổi dậy, người Kurd và quân IS. Chiến tranh đã khiến đất nước Syria tan hoang, hàng triệu người buộc phải ly hương.

    Ngày 26/9, Nga cùng với Iraq, Iran và Syria thành lập Trung tâm phối hợp chống IS. Ngày 30/9, những trận không kích do các chiến đấu cơ của Nga đã luân phiên thực hiện.

    Mặc dù Mỹ chưa thể hiện mong muốn cộng tác với Nga để cùng không kích chống IS nhưng cũng không thể phủ nhận những thiệt hại và khó khăn mà IS đã và đang phải đối diện và gánh chịu kể từ khi Nga trực tiếp tham chiến tại Syria đến nay.

    Theo đánh giá nếu căng thẳng tại Trung Đông dịu đi và làn sóng di dân cũng lắng dần thì mối quan hệ giữa Nga và Mỹ chắc chắn cũng sẽ khởi sắc. Bởi như Đức Giáo Hoàng Francis đã tuyên bố hồi tháng 9 rằng: “Ngày nay những vấn đề then chốt của thế giới nếu không có sự tham gia của LB Nga thì sẽ không thể giải quyết được một cách căn bản”.

    8. Máy bay dân sự Nga bị gài bom khủng bố

    [​IMG]

    Chỉ 23 phút sau khi vừa cất cánh từ khu nghỉ mát Sharm El-Sheikh (Ai Cập) tới St. Petersburg (Nga), chiếc máy bay Airbus 321 số hiệu 9268 của hãng hàng không Nga chở 224 người bỗng nổ tung, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

    Chiếc máy bay này gặp nạn và rơi xuống bán đảo Sinai (Ai Cập) vào ngày 31/10. Phía Nga cho biết 220 người trong số các nạn nhân là du khách Nga sang Ai Cập nghỉ dưỡng, 4 người còn lại là người Belarus và Ukraine.

    Phía Nga khẳng định có bằng chứng máy bay rơi do bị cài bom khủng bố. IS cũng tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công kinh hoàng này. Tuy nhiên, ngày 14/12, các điều tra viên Ai Cập cho biết chưa tìm thấy dấu hiệu khủng bố nào trên chiếc máy bay Airbus 321.

    9. “Ngòi nổ hạt nhân ở Iran” được tháo gỡ

    [​IMG]
    Các quan chức tham gia đàm phán hạt nhân Iran ở Vienna (Áo) hôm 14/7 đều lộ vẻ vui mừng sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết.

    Sau hơn chục năm bị phong tỏa và cấm vận, ngày 14/7 tại thủ đô Vienna (Áo), Iran và “sáu bên” (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã đạt được thỏa thuận về hạn chế phát triển chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận vốn đã tồn tại từ năm 2002, mở ra triển vọng hạ nhiệt từ những xung đột tại khu vực này.

    10. Thỏa thuận lịch sử về ứng phó với biến đổi khí hậu

    [​IMG]
    Lãnh đạo thế giới ăn mừng sau khi đạt được thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu. (Ảnh: AFP)

    Ngày 12/12, 195 nước dự Hội nghị Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đối khí hậu (COP21) tại Pháp đã thông qua thỏa thuận nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu, được đánh giá là mạnh mẽ và thể hiện sự hợp tác quốc tế rộng rãi nhất từ trước tới nay. Thỏa thuận đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2 độC vào năm 2100 so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp. Các nước phát triển cam kết chi tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

    (Theo Chính Phủ)
     
    Last edited by a moderator: 31/12/15
    tran ngoc anh and Heoconmtv like this.

Chia sẻ trang này