Đang dịch R The Goldfinch - Donna Tartt (Giải Pulitzer 2014)

Thảo luận trong 'Góc dịch các tác phẩm tiếng Anh' bắt đầu bởi ngantrang0811, 29/9/14.

  1. lethinga0603

    lethinga0603 Mầm non

    Lò mò vào đây và không ngờ lại tìm thấy cuốn này, vì cứ nghĩ thể loại này khó có ai dám chọn dịch và xác định là phải chờ dài cổ đến khi có sách xuất bản :))
    Mình cũng có đọc qua bản tiếng Anh và thấy bản này dịch khá sát nghĩa đó. Nhiều khi người dịch của nhà xuất bản lại không hiểu 1 số chi tiết bằng những người trẻ như mình đâu :D
    Dù sao thì cũng rất cám ơn bạn đã dịch. Mong bạn cố gắng tiếp tục nhé:D. Cuốn này có vẻ không nhiều lượt view bằng nhiều cuốn lãng mạn khác trong thread nhỉ, nhưng cũng dễ hiểu thôi, những cuốn sách thế này cũng kén người đọc nhưng một khi đã đọc sâu rồi thì sẽ bị cuốn hút tức thì :))
     
  2. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    xi.

    “RẤT KHÓ ĐỂ NÓI CHUYỆN ĐƯỢC với con bé trên điện thoại, chao ôi,” Hobie nói. “Ta đã không nghĩ là có chuyện này. Con bé không khá hơn chút nào.”

    “Không khá hơn?” tôi hỏi. Gần một tuần đã trôi qua, và mặc dù tôi không hề có ý định là sẽ quay trở lại gặp Hobie những vì lẽ nào đấy mà tôi lại mò xuống đó: ngồi ở chiếc bàn trong bếp và lần thứ hai được ăn đĩa đồ ăn gồm những thứ mà nhìn lần đầu thì có vẻ là một đống bùn đất đen đen nhưng thực ra lại là một món trộn ngon miệng của gừng và quả vả, với chút kem đánh và những mẩu vỏ cam tí hon rắc lên trên.

    Hobie dụi mát. Ông đang dở tay sửa chiếc ghế dưới tầng hầm khi tôi tới. “Thật là đau đầu hết sức,” ông nói. Tóc ông được chải ngược ra khỏi gương mặt; cặp kính được đeo lủng lẳng trên cổ. Bên dưới bộ quần áo lao động màu đen mà ông đã cởi ra treo lên mắc áo, ông đang mặc một chiếc quần nhung kẻ lấm đầy rượu cồn và sáp ong, cùng với một chiếc sơ mi cotton mỏng mà tay áo được xắn lên quá cùi chỏ. “Margaret nói con bé đã khóc trong ba tiếng đồng hồ sau khi nói chuyện điện thoại với ta vào tối chủ nhật.”

    “Vậy tại sao cậu ấy không về đây?”

    “Thật ra, ta cũng ước là mình có thể làm gì đó để cải thiện tình hình,” Hobie nói. Trông ông có vẻ hoạt bát nhưng khuôn mặt lại ủ rũ, bàn tay trắng trẻo chai sạn của ông đặt phẳng phiu trên bàn, có thứ gì đó ở hai bờ vai của ông khiến ông trông như một chú ngựa kéo xe tinh túy, hay một người công nhân tháo vát đang ngồi trong quán rượu vào cuối ngày làm việc. “Ta đã nghĩ là mình có thể bay xuống đó mà thăm con bé, nhưng Margaret nói không được. Rằng con bé sẽ không thể nào ổn định được nếu ta cứ lởn vởn xung quanh.”

    “Cháu nghĩ dù gì thì ông vẫn nên đi.”

    Hobie nhướng cặp lông mày lên. “Margaret đã thuê một nhà trị liệu – ai đó có vẻ nổi tiếng, rõ rồi, người mà dùng ngựa để cùng chơi đùa với những đứa trẻ bị tổn thương. Và đúng, Pippa rất yêu động vật, nhưng ngay cả khi con bé khỏe mạnh thì nó cũng không thể nào cứ ở ngoài và cưỡi ngựa cả ngày được. Nó đã từng dành phần lớn thời gian ở những buổi học nhạc và những phòng tập nhạc. Margaret thì rất nhiệt tình với cái chương trình nhạc ở nhà thờ của cô ấy nhưng một dàn đồng ca nghiệp dư toàn trẻ con thì khó lòng nào khiến con bé hứng thú cho được.”

    Tôi đẩy cái đĩa thủy tinh – đã vét sạch đồ ăn – sang một bên. “Tại sao trước kia Pippa không biết gì về bà ấy hả ông?” tôi dè dặt hỏi, và rồi, khi ông không trả lời: “Có phải là vì tiền không?”

    “Không hẳn là như vậy. Mặc dù – cũng đúng. Cháu nói đúng. Tiền lúc nào cũng có ảnh hưởng đến việc đó, cháu biết đấy,” ông nói, cúi người ra trước cùng với đôi bàn tay to và dễ nhận biết, “Cha của Welty có ba đứa con. Welty, Margaret, và mẹ của Pippa, Juliet. Tất cả đều có mẹ khác nhau.”

    “Ồ.”

    “Welty – lớn tuổi nhất. Và ý ta là – đứa con trai lớn nhất, cháu biết mà. Nhưng ông nhiễm virus bệnh lao và bị ăn vào xương sống khi ông mới sáu tuổi, khi cha mẹ ông ấy đang ở Aswan – người trông trẻ thì không nhận ra sự nghiêm trọng của căn bệnh, ông đã được đưa đến bệnh viện quá muộn – ông ta là một cậu bé rất sáng sủa, theo như ta thấy, và cũng dễ nhìn nữa, nhưng ngài Blackwell thì không phải một người đàn ông chịu chấp nhận sự yếu đuối và bệnh tật. Ông ấy gửi con trai tới Mỹ để sống với họ hàng và chưa từng cho con trai mình cơ hội thứ hai.”

    “Thật tồi tệ,” tôi nói, thực sự sốc trước sự bất công mà mình vừa được nghe.

    “Đúng vậy. Ý ta là – tất nhiên cháu sẽ thấy một hình ảnh hoàn toàn khác ở Margaret – nhưng ông ta đúng là một người khắt khe, cha của Welty ấy. Dù sao thì, sau khi nhà Blackwell bị trục xuất khỏi Cairo – trục xuất có lẽ cũng không phải một từ xấu. Khi quân Nasser tràn tới thì tất cả những người nước ngoài đều phải rời khỏi Ai Cập – cha của Welty làm trong ngành dầu mỏ, may mắn cho ông ấy là ông đã có tiền và tài sản ở nơi khác. Những người nước ngoài không được phép mang theo tiền hay bất cứ thứ gì có giá trị ra khỏi quốc gia này.

    “Dù sao thì.” Ông với tay lấy một điếu xì gà khác. “Ta đã hơi lạc đề rồi. Vấn đề là Welty gần như không biết gì về Margaret, người nhỏ hơn ông ấy mười hai tuổi. Mẹ của Margaret là Texan, một nữ thừa kế, với khối tiền riêng khổng lồ. Đó là cuộc hôn nhân cuối cùng và cũng là lâu nhất của ngài Blackwell – một câu chuyện tình vĩ đại, Margaret kể vậy. Cặp đôi danh giá ở Houston – rất nhiều tiệc tùng và những chuyên cơ, những lần đi săn thú rừng – cha của Welty rất yêu vùng đất châu Phi, ngay cả khi ông đã đi khỏi Cairo rồi thì ông vẫn chẳng bao giờ xa rời được nó.

    “Dù sao thì…” Que diêm bùng lên, và ông ho sù sụ khi hớp phải một làn khói. “Margaret là cô công chúa của cha bọn họ, là đứa con cưng, tất cả những điều đó. Nhưng mặc dù vậy, xuyên suốt cuộc hôn nhân, ông vẫn qua lại với những cô gái phục vụ khách sạn, những cô hầu bàn, con gái của những người bạn – và một lúc nào đó, khi ông ở độ tuổi sáu mươi, ông đã làm cha của một đứa bé có với một người thợ cắt tóc. Và đứa bé đó là mẹ của Pippa.”

    Tôi không nói gì. Hồi tôi học lớp hai đã từng có một vụ lùm xùm lớn (được ghi lại, hàng ngày, ở những trang tin nhảm của tờ New York Post) khi cha của một trong những đứa cùng lớp tôi có con với người phụ nữ không phải mẹ của Eli, điều đó có nghĩa là đã có rất nhiều bà mẹ chia thành hai phe ủng hộ và họ nghỉ nói chuyện với nhau luôn mỗi khi họ dừng đón con ở cổng trường vào các buổi chiều.

    “Maragret được đi học đại học, ở Vassar,” Hobie nói chập chờn. Mặc dù ông nói với tôi như thể tôi là người trưởng thành (thứ mà tôi rất thích), ông có vẻ không thực sự thoải mái với chủ đề này. “Ta nghĩ là cô ấy đã từng không nói chuyện với cha mình trong vài năm. Ngài Blackwell đã cố gắng chi trả cho người làm tóc ấy nhưng sự rẻ tiền của ông ta đã thắng thế, sự rẻ tiền khiến ông quan tâm tới những người đang sống cùng ông ta hơn. Vậy nên cháu thấy Margaret – Margaret và Juliet mẹ của Pippa chưa từng gặp nhau, ngoại trừ trong phòng xử án, nơi mà Juliet mới chỉ là một đứa bé còn ẵm ngửa. Cha của Welty đã ngày càng ghét bỏ người làm tóc đó đến nỗi ông đã nói rõ trong di chúc rằng cả bà ta và Juliet sẽ không được nổi một xu, ngoại trừ số tiền chu cấp nuôi con bủn xỉn mà pháp luật quy định. Nhưng mà Welty…” Hobie dụi tắt điếu xì gà… “Ngài Blackwell đã suy nghĩ lại với Welty, và đã làm điều đúng đắn với con trai trong di chúc. Và xuyên suốt những cuộc cãi lộn về pháp lý kéo dài vài năm đó thì Welty chỉ bận tâm tới việc đứa bé kia đã bị xua đuổi và xa lánh như thế nào. Mẹ của Juliet không muốn đứa bé; họ hàng của người mẹ cũng không muốn nó; ngài Blackwell thì chắc chắn là không muốn đứa con này rồi, còn Margaret và mẹ cô ấy thì sẽ rất hạnh phúc nếu thấy đứa bé này bị vứt ra ngoài đường. Mà trong khi đó, người thợ làm tóc kia vẫn để Juliet ở căn hộ một mình khi bà ta đi làm… với bao điều bất trắc xung quanh.

    “Welty không có nghĩa vụ phải can thiệp nhưng ông ấy là một người giàu tình cảm, lại không có gia đình, và ông thích con trẻ. Ông mời Juliet tới đây vào dịp nghỉ lễ khi cô bé mới sáu tuổi, hay là ‘JuleeAnn’ như cô ấy vẫn được gọi lúc đó…”

    “Tới đây? Ngôi nhà này?”

    “Đúng, tới đây. Và khi kỳ nghỉ hè qua rồi, đã đến lúc phải đưa con bé trở lại và nó cứ khóc lóc về việc phải rời đi còn người mẹ thì không thèm nghe điện thoại, Welty đã hủy vé máy bay và gọi điện cho mọi người hỏi về việc cho con bé vào lớp một. Chưa từng có một lời chính thức – ông ấy không muốn làm to chuyện, mọi người vẫn nói vậy – nhưng hầu hết đều cho rằng cô bé là con của ông ấy mà không cần hỏi gì thêm. Ông ấy đã ở độ tuổi ba mươi, cũng đủ tuổi làm cha rồi. Mà, ở tất cả các khía cạnh quan trọng, thì ông ấy đúng là như thế thật.

    “Nhưng, dù sao thì,” mắt ngước nhìn lên, ông nói bằng giọng điệu khác hẳn. “Cháu nói là cháu muốn xem xưởng chế tạo. Cháu có muốn xuống dưới đó không?”

    “Vâng,” tôi đáp. “Được vậy thì tuyệt quá.” Lúc tôi tìm thấy ông dưới đó đang loay hoay với cái ghế lật úp, ông đang đứng nhoài cả người ra và nói ông chuẩn bị nghỉ giải lao đây nhưng lúc đó tôi cũng chẳng muốn đi lên nữa, cái xưởng đó quả thưc thật giàu có và đầy ma thuật: như một cái hang đầy châu báu, bên trong còn bao la hơn khi nhìn từ bên ngoài, với ánh sáng chiếu rọi xuống từ ô cửa sổ trên đầu, đồ gỗ và đồ vàng bạc chạm trổ, những thứ dụng cụ bí ẩn mà tôi chẳng biết tên, và cái mùi hương xộc lên đầy mê đắm của véc ni đánh bóng và sáp ong. Ngay cả cái ghế mà ông đang sửa – cái mà có chân bàn dạng chân dê ở đằng trước, móng chẻ làm hai – thì giống một sinh vật được phù phép hơn là một thứ đồ nội thất, như thể cái ghế đó có thể tự lộn ngược lại và nhảy xuống từ bàn làm việc rồi tung tăng chạy xuống phố luôn ấy.

    Hobie với tay lấy bộ quần áo lao động và mặc lại lên người. Trái ngược với phong thái nhẹ nhàng, trầm tĩnh, dáng người ông được tạc nên giống như một người có thể vác được cả cái tủ lạnh và chạy hoặc giống một người làm nghề lái xe tải kiếm sống.

    “Đây,” ông nói trong khi dẫn tôi đi xuống. “Cái cửa-hàng-phía-sau-cửa-hàng.”

    “Cái gì cơ ạ?”

    Ông cười lớn. “Là một cái kho xưởng đằng sau. Những thứ khách hàng thấy chỉ là cái sân khấu – là bộ mặt trưng ra cho mọi người đều thấy – còn dưới này mới là nơi những công việc quan trọng thực sự diễn ra.”

    “Đúng vậy,” tôi nói, mắt nhìn xuống mê cung những đồ vật dưới chân cầu thang, gỗ vàng như mật, gỗ đen như nhựa đường, ánh sáng phản chiếu lập lòe của đồng thau, của những lớp mạ vàng, mạ bạc dưới ngọn đèn yếu ớt. Cũng giống như mô hình con thuyền tránh đại hồng thủy của Noah, mỗi thứ đồ nội thất đều được xếp thành từng loại: ghế xếp với ghế, trường kỷ xếp với trường kỷ, đồng hồ với đồng hồ, bàn và tủ gỗ nhiều ngăn và tủ gỗ cao đều đứng thành hàng ngay ngắn. Bàn ăn, ở giữa, tạo thành những lối đi hẹp và ngoằn ngoèo như mê cung để người đi có thể luồn lách qua. Ở cuối phòng là một dàn những tấm gương đã xỉn màu, được treo liền kề nhau, vẫn lấp lánh thứ ánh sáng màu bạc của những căn phòng dạ tiệc và những phòng khách ngập tràn ánh nến.

    Hobie quay lại nhìn tôi. Ông chắc hẳn thấy được sự thích thú trên khuôn mặt tôi. “Cháu thích đồ cổ à?’

    Tôi gật đầu – đúng vậy, tôi thấy hứng thú với những thứ đồ cũ kĩ, mặc dù trước kia tôi chẳng bao giờ nghĩ mình có thể như vậy.

    “Vậy chắc cháu sẽ rất hứng thú khi ở nhà Barbour đấy nhỉ. Ta nghĩ là mấy thứ đồ gỗ kiểu Chippendale hay kiểu Nữ hoàng Anne ở ngôi nhà đó cũng đẹp ngang ngửa với đồ ở bảo tàng rồi.”

    “Vâng,” tôi trả lời ngập ngừng. “Nhưng đồ ở đây thì vẫn khác. Nó đẹp hơn,” tôi thêm vào, phòng trường hợp ông chưa hiểu hết.

    “Đẹp hơn thế nào?”

    “Ý cháu là…” Tôi nhắm chặt mắt và cố gắng sắp xếp câu chữ trong đầu… “ở dưới này, mọi thứ thật tuyệt, rất nhiều ghế với vô vàn những loại ghế khác… ông có thể thấy được cả những tính cách khác nhau trong đó phải không? Nghĩa là, cái ghế đó thì có vẻ…” tôi không biết dùng từ gì nữa… “ừm, gần như là ngốc nghếch, nhưng theo cách tích cực – theo một cách thoải mái. Còn cái ghế kia thì có cái vẻ lo lắng nhiều hơn, với những cái chân ghế dài mảnh khảnh…”

    “Cháu có mắt nhìn đồ nội thất chuẩn đấy.”

    “Thì…” những lời khen thường làm tôi lúng túng, tôi chưa bao giờ biết cách nào đáp lại ngoại trừ việc giả vờ như mình chưa từng nghe thấy… “khi chúng được xếp thành hàng với nhau thì ta sẽ nhìn ra cách mà chúng được tạo ra. Ở nhà Barbour…” tôi không biết diễn tả thế nào… “cháu không rõ nữa, nhưng nó giống kiểu Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên hay nhồi nhét chen chúc các loại động vật vào một chỗ ấy.”

    Khi ông cười, cái vẻ u ám và lo âu đã bốc hơi mất; bạn có thể cảm nhận được sự vui vẻ toát ra từ ông.

    “Không, cháu nghiêm túc mà,” tôi nói, quyết tâm đào sâu thêm và khẳng định quan điểm của mình. “Cái cách mà bà ấy sắp xếp mọi thứ, một cái bàn đứng một mình có một ngọn đèn ở trên, và tất cả những thứ khác thì được xếp đặt sao cho không ai được chạm vào – giống như những bức tranh ba chiều mà người ta xếp cạnh một con bò để minh họa về môi trường sống của nó. Nó rất đẹp – nhưng ý cháu là…” tôi chỉ tay về phía những cái ghế đang dựa lưng vào tường. “Cái đó có lưng ghế giống đàn hạc, cái kia giống một cái muỗng, còn cái kia…” tôi nhại lại cái điều khoát tay giới thiệu của bà Barbour.

    “Là ghế bịt lưng. Mặc dù, ta sẽ nói cho cháu biết điểm đẹp nhất trên lưng ghế đó là tấm ván có gắn quả tua rua. Có thể cháu chưa nhận ra đâu.” ông nói, trước khi tôi kịp hỏi cái tấm ván đó ở chỗ nào, “nhưng cháu cũng sẽ được học hỏi thêm khi hàng ngày đều được trông thấy những đồ nội thất của bà ấy – nhìn nó dưới những thứ ánh sáng khác nhau, đưa tay trượt dọc lên chúng nếu cháu muốn.” Ông hà hơi lên mắt kính và lau nó bằng mép tạp dề. “Cháu có cần quay lại phố trên ngay không?”

    “Không hẳn ạ,” tôi nói, mặc dù cũng khá muộn rồi.

    “Vậy thì theo ta,” ông nói. “Hãy cho cháu một công việc. Cháu có thể phụ ta với cái ghế nhỏ dưới này.”

    “Cái ghế chân dê ấy ạ?”

    “Đúng rồi, loại chân dê. Còn có một cái tạp dề nữa trên mắc đấy – ta biết nó khá to, nhưng ta mới đánh bóng cái ghế bằng dầu lanh và ta không muốn cháu làm bẩn bộ đồ của mình.”


    xii.

    BÁC SĨ TÂM LÝ DAVE đã hơn một lần đề cập rằng chú ấy rất muốn tôi có một thú vui gì đó – một lời khuyên mà tôi đã tìm cách chối bỏ, vì những thú vui mà chú ấy gợi ý (tennis, bóng bàn, bowling) đều có vẻ cực kỳ nhạt nhẽo. Nếu chú ấy nghĩ một hai ván bóng bàn sẽ làm tôi dần vượt qua chuyện của mẹ, thì chú ấy đã nhầm to. Thế nhưng – như những gì tôi thấy từ việc thầy Neuspeil dạy tiếng Anh đưa tôi một quyển sổ mới; bà Swanson gợi ý tôi nên tham gia vài lớp học nghệ thuật ngoại khóa; Enrique đề nghị đưa tôi đi xem bóng rổ trên sân ở Đại lộ Sáu; và thậm chí việc đôi lúc ngài Barbour cũng cố gắng làm tôi hứng thú với bảng ký hiệu và hải kỳ - rất nhiều người lớn đang có cùng quan điểm với nhau.

    “Thế cháu thích làm gì vào thời gian rỗi?” bà Swanson đã từng hỏi tôi khi ở trong cái văn phòng xám xịt ma quái của bà, với thứ mùi của trà thảo mộc và cây ngải trắng, đống báo Tuổi mười bảy Thiếu niên xếp cao ngất trên bàn đọc sách kèm theo âm thanh của tiếng chuông gõ lên đều đều làm nền cho khung cảnh.

    “Cháu không biết. Cháu thích đọc. Xem phim. Chơi trò Kỷ nguyên Chinh Phục II và Kỷ nguyên Chinh phục: Bản đặc biệt. Cháu không biết nữa,” tôi nói lại lần nữa, khi bà vẫn tiếp tục nhìn tôi.

    “Ừm, những thứ đó đều ổn cả, Theo,” bà nói, vẻ mặt quan tâm. “Nhưng sẽ rất vui nếu chúng ta có thể tìm một hoạt động cộng đồng nào đó cho cháu. Thứ gì đó có làm việc theo nhóm, thứ gì mà cháu có thể cùng làm với những bạn khác. Cháu đã bao giờ nghĩ đến việc bắt đầu chơi một môn thể thao chưa?”

    “Chưa ạ.”

    “Ta đang tập một môn võ có tên là Aikido. Ta không biết là cháu đã nghe về nó chưa. Nó là một dạng sử dụng chính chuyển động của đối thủ để tự vệ.”

    Tôi tránh việc nhìn thẳng vào bà và quay qua nhìn vào tấm bảng đã bạc màu đóng khung bức hình Đức mẹ Mary đang treo phía sau bà.

    “Hay là nhiếp ảnh.” Bà đan những ngón tay đeo nhẫn màu xanh ngọc lam lên trên bàn. “Nếu cháu không hứng thú với các lớp nghệ thuật kia. Mặc dù ta phải nói rằng, cô Sheinkopf đã cho ta xem một vài bức vẽ của cháu vào năm ngoái – một bộ liên tiếp vẽ về những mái nhà, cháu biết mà, những đài phun nước, cảnh vật nhìn từ cửa sổ phòng ngủ? Rất có mắt quan sát – ta cũng biết những cảnh đó và cháu đã nắm bắt được những nét thú vị cũng như cả năng lượng nữa, ta nghĩ từ “động năng” là từ cô ấy dùng, một sự phác họa rất tinh tế, những chiếc máy bay đan chéo nhau và góc nhìn về một vụ hỏa hoạn nữa. Thứ ta đang cố gắng thể hiện ở đây là nó không quan trọng cháu làm được gì – ta chỉ ước là chúng ta có thể tìm ra cách nào đó để cháu trở nên kết nối hơn.”

    “Kết nối với ai ạ?” tôi nói bằng cái giọng gần như bực dọc.

    Bà trở nên bối rối. “Với những người khác! Và…” bà chỉ tay ra cửa sổ… “cả thế giới xung quanh cháu nữa! Nghe này,” bà nói bằng giọng nhẹ nhàng và gần như thôi miên, “ta biết là cháu và mẹ cháu có một sự gắn bó vô cùng chặt chẽ. Ta cũng đã nói chuyện với cô ấy. Ta cũng đã thấy hai mẹ con cháu đi cùng nhau. Và ta biết chính xác là cháu nhớ mẹ mình thế nào.”

    Không, bà không biết đâu, toi nghĩ, nhìn chằm chằm vào mắt bà.

    Bà nhìn lại tôi bằng ánh nhìn khó hiểu. “Cháu rồi sẽ thấy ngạc nhiên, Theo,” bà nói, ngả lưng vào chiếc ghế bọc vải của mình, “rằng nhưng thứ nhỏ nhặt thường ngày có thể đưa ta thoát khỏi tuyệt vọng. Nhưng không ai có thể làm hộ cháu. Cháu chính là người phải để mắt tới khi cánh cửa mở ra.”

    Mặc dù tôi biết bà có ý tốt, nhưng khi rời văn phòng bà thì đầu tôi vẫn cúi gắm với những giọt nước mắt giận dữ cay xè trong khóe mắt. Bà ấy thì biết cái quái gì chứ? Bà Swanson có một gia đình khổng lồ - khoảng mười đứa con và ba mươi đứa cháu, qua những tấm ảnh bà treo trên tường; bà Swanson có một căn hộ rộng lớn ở phía Tây công viên Trung Tâm và một ngôi nhà ở Connecticut và chẳng bao giờ biết cảm giác khi những tấm lót sàn cứ lần lượt bật lên, vậy nên mọi thứ bà nói cũng trôi tuột đi trong vài phút. Thật là dễ dàng khi bà cứ ngồi thoải mái trong cái ghế bành lập dị của mình mà dông dài về các hoạt động ngoại khóa với lại những cánh của mở như thế.

    Thế nhưng, thật bất ngờ, một cánh cửa đã mở, ở một nơi không ngờ tới nhất: cửa hàng của ông Hobie. Việc “giúp đỡ” với những cái ghế gỗ (việc mà chỉ cần tôi đứng bên cạnh trong khi Hobie lật mặt ghế lên để cho tôi xem đống giòi bọ bên dưới, những chỗ sửa chữa cẩu thả và vô vàn những thứ kinh hoàng khác bên dưới lớp nệm ghế) đã nhanh chóng chuyển thành hai, ba buổi chiều một tuần, sau giờ học, say mê ghi nhãn cho các loại chai lọ, trộn keo da thỏ, phân loại các hộp đựng bản lề ngăn kéo (“những mẩu nho nhỏ”) hay đôi khi đơn thuần chỉ là xem ông xoay xoay những cái chân ghế trên máy tiện. Mặc dù phần cửa hiệu ở tầng trên vẫn tối om, cánh cửa kim loại vẫn đóng sập, nhưng, trong cái tiệm-đằng-sau-tiệm này, đồng hồ vẫn tích tắc, lớp gỗ hồng đào thì sáng bóng lên, ánh sáng thì vẫn chiếu rực rỡ lên trên mặt bàn ăn và sự sống của cái gánh xiếc ở tầng dưới này thì vẫn tiếp tục.

    Những nhà đấu giá ở khắp thành phố đều gọi ông, cũng như những khách hàng riêng; ông tân trang đồ nội thất cho tiệm Sotherby, cho tiệm Christie, cho Tepper, cho Doyle. Sau giờ học, giữa cái không gian quay cuồng tích tắc của những cái đồng hồ gỗ cao vút, ông dạy tôi về lỗ trên bề mặt gỗ và nước bóng của các loại gỗ khác nhau, màu sắc của chúng, cảm giác gợn tay và màu bóng loáng của gỗ thích và cái sần sùi của gỗ cây óc chó, sự nặng nhẹ của chúng trong tay tôi và thậm chí là cả những mùi hương khác nhau nữa – “đôi khi, nếu cháu không chắc loại gỗ đó là gì, thì cách dễ nhất là hít nó một hơi” – gỗ hồng đào mùi đậm đà, gỗ sồi mùi bụi bặm, gỗ dâu đen có mùi thơm như hoa rất đặc trưng, cả cái mùi nhựa hổ phách của gỗ hồng mộc. Cưa và dùi đục, máy giũa và máy xẻ gỗ, lưỡi dao cong và lưỡi chạm khắc gỗ, sự khác nhau giữa gỗ giả mun và gỗ mun thật, giữa phần lưng ghế của loại New Port, Connecticut và Philadelphia, cách mà cái thiết kế vuông vắn và phần giá sách thấp tịt của một chiếc bàn làm việc kiểu Chippendale lại biến những vật dụng trên nó thành những chồng, những cột kiểu cổ điển mà ông vẫn hay gọi là cái tỉ lệ “cao quý” giữa các ngăn kéo với nhau.

    Ở tầng dưới – ánh sáng yếu ớt, vụn gỗ rắc khắp sàn – Hobie mang cái cảm giác vững chãi của một loài thú hoang đang đứng đó kiên nhẫn trong ánh đèn mờ ảo. Hobie khiến tôi có thể nhìn ra cái phẩm chất của một sinh vật trong từng loại đồ gỗ, trong cái cách mà ông gọi những thứ đồ đó là “anh ta”, “cô ta,” trong cái vẻ vạm vỡ, gần như là một loài vật mà có thể phân biệt những thứ đồ kiệt tác với những thứ cùng loại nhưng cứng nhắc, kiểu cách, và trong cả cái cách ông say mê đưa tay chạm dọc theo những mép tủ bát hoặc tủ thấp tối màu, như thú cưng vậy. Ông quả là một người thầy giỏi và rất nhanh chóng, bằng việc dẫn tôi qua những công đoạn kiểm tra và so sánh, ông đã dạy cho tôi làm cách nào để nhận biết một thứ đồ được làm giả: dấu vết mài mòn quá đồng đều (đồ cổ thường bị phai màu lệch một bên); bằng những đường mép được cắt bởi máy chứ không phải được làm bằng tay (một đầu ngón tay nhạy cảm có thể cảm nhận ngay nếp mép gỗ được bào bằng máy; ngay cả khi không đủ ánh sáng); nhưng trên hết là thông qua chất gỗ bằng phẳng và lặng im, thiếu đi độ sáng nhất định: sự kì diệu của việc tồn tại qua hàng thế kỉ dưới sự đụng chạm, sử dụng và chuyền tay của con người. Để đoán biết được tuổi đời của những cái tủ lớn và những chiếc bàn viết đầy cao quý đó – những thứ sống lâu hơn và trầm lặng hơn con người – tôi đã tự dìm mình xuống tĩnh lặng giống một hòn đá dưới lòng sông sâu, để rồi khi đến lúc phải đi, tôi bước chân ra ngoài và thấy chói cả hai mắt bởi thứ ánh sáng mặt trời trên Đại lộ Sáu, gần như không biết mình đang ở đâu.

    Nhiều hơn cả sự thích thú với cái tiệm sửa chữa (hay là cái “bệnh viện,” như Hobie vẫn gọi) là một sự thích thú với chính ông: nụ cười mỏi mệt của ông, bờ vai to rộng mà vẫn có vẻ cao quý, tay áo thì xắn cao và cái tính cách vui vẻ thân thiện của ông, cái thói quen của một người thợ đó là quẹt trán bằng mặt trong của cổ tay, sự hài hước mà kiên nhẫn của ông cùng với sự tinh anh vững vàng. Nhưng mặc cho cuộc nói chuyện của chúng tôi rất đời thường và không liền mạch nhưng không có gì được gọi là đơn giản trong đó cả. Ngay cả câu “Cháu khỏe không?” rất đơn giản cũng là một câu hỏi mang rất nhiều sắc thái, mà bình thường nó không bao giờ có; và câu trả lời thường trực của tôi (“Ổn ạ”) thì ông cũng có thể dễ dàng nhìn ra mà không cần tôi phải đánh vần từng chữ cái một. Và mặc dù ông hiếm khi tò mò, hay dò hỏi, tôi vẫn cảm thấy ông luôn hiểu tôi nghĩ gì hơn rất nhiều những người lớn khác, những người mà công việc của họ là “xâm nhập vào não tôi” như Enrique vẫn thích gọi.

    Nhưng – trên hết – tôi thích ông vì ông luôn đối xử với tôi như một người bạn đồng hành và một người cùng trò chuyện theo đúng nghĩa của nó. Chẳng sao cả nếu ông có muốn nói về người hàng xóm vừa mới thay xương bánh chè hay về một buổi biểu diễn ca nhạc mà ông mới đi xem ở phố trên. Nếu tôi kể chuyện gì đó buồn cười xảy ra ở trường thì ông luôn là một vị khán giả chú tâm và đầy tôn trọng; không giống như bà Swanson (người không bày tỏ cảm xúc gì và chợt hốt hoảng nếu tôi có làm trò cười) hay chú Dave (người cười khúc khích, nhưng vẫn gượng gạo, và luôn chậm một nhịp so với câu chuyện), ông thích cười lớn, và tôi rất hứng khởi mỗi khi ông kể cho tôi nghe những câu chuyện đời mình: những người chú giọng khàn đục lấy vợ muộn và những bà xơ nhiều chuyện trong quá khứ của ông, ngôi trường nội trú hạng ba nằm trên biên giới với Canada nơi mà các giáo viên đều say khướt, ngôi nhà rộng lớn mà cha của ông xây ở vùng nông thôn thì lạnh đến mức mà có băng tuyết đóng ở mặt trong cửa sổ, những buổi chiều tháng mười hai u ám ngồi đọc cuốn Sự nổi dậy của nước Hà Lan viết bởi Tacitus hoặc Motley. (“Ta đã rất yêu thích lịch sử, luôn luôn là vậy. Không phải mình cháu được thích đâu nhé! Niềm đam mê lớn nhất thời thơ ấu của ta là được trở thành một giáo sư giảng dạy môn lịch sử ở trường Notre Dame. Mặc dù việc ta đang làm cũng là một cách khác để tiếp xúc với lịch sử, ta đoán vậy.”) Ông kể cho tôi về chú chim hoàng yến mù-một-mắt được giải cứu từ nhà Woolworth, chú chim luôn cất tiếng hót đánh thức ông dậy khi ông còn nhỏ; về cơn bệnh thấp khớp làm ông phải nằm trên giường liền sáu tháng; và về cái thư viện nhỏ độc đáo ở gần nhà với trần nhà được vẽ kín tranh (“giờ thì tan hoang rồi, lạy Chúa”) nơi mà ông tới mỗi khi muốn trốn khỏi nhà. Về bà Peyster, một nữ thừa kế cô đơn mà ông vẫn hay đến thăm sau giờ học, người khi xưa từng đoạt Hoa khôi xứ Albany và là nhà sử học địa phương người vẫn hay vỗ về Hobie và cho ông ăn bánh nướng hạnh nhân nhập về từ Anh trong những hộp thiếc nhỏ, người luôn vui vẻ đứng hàng giờ để giải thích cho Hobie về từng vật dụng trong chiếc tủ kiểu Trung Hoa của bà và là người sở hữu, giữa nhiều thứ khác, chiếc sofa bằng gỗ hồng đào – có tin đồn là tài sản của Tướng quân Herkimer – mà khiến Hobie lần đầu tiên cảm thấy thích thú với những đồ nội thất. (“Mặc dù ta vẫn không thể hình dung ra Tướng quân Herkimer mà ngả ngón trên chiếc sofa kiểu Hy Lạp cũ kĩ đó thì thế nào.”) Về mẹ ông, người đã qua đời không lâu sau người em gái ba ngày tuổi của ông, đã để Hobie lại một mình; và ông còn kể về người cha xứ trẻ tuổi, một huấn luyện viên bóng đá, người mà – được một cô hầu gái Ai len hoảng sợ gọi điện tới khi cha của Hobie đang đánh ông “vỡ thành từng mảnh theo đúng nghĩa đen” với một cái thắt lưng – đã lao vào nhà, xắn tay áo lên, và cho ông bố của Hobie một cú đấm ngã lăn ra đất. (“Cha Keegan! Cha chính là người đã tới nhà ta trong giai đoạn ta bị cúm thấp khớp, để ban phước cho ta. Ta là lễ sinh của cha – cha đã biết có chuyện xảy ra, cha đã nhìn thấy những vết sọc trên lưng ta. Đã từng có rất nhiều mục sư gay gắt với trẻ con, nhưng cha rất tốt với ta – ta luôn tự hỏi là đã có chuyện gì xảy đến với cha, ta đã cố tìm ông nhưng không được. Cha ta đã gọi điện đến tổng giám mục và điều tiếp theo ta nghe được, mọi việc đã xong xuôi, họ đã chuyển ông tới Uruguay.”) Mọi thứ thật khác với những gì ở nhà Barbour, nơi mà – mặc dù luôn có bầu không khí hòa nhã – thì tôi vẫn hoặc là lọt thỏm giữa cả gia đình đó hoặc là lạc lõng với những chủ đề trang trọng và gò bó. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ rằng ông Hobie chỉ cách tôi một chuyến xe buýt, thẳng qua Đại lộ Năm là tới; và giữa đêm khi tôi bừng tỉnh trong sự hoảng loạn, vụ nổ đó lại ào qua tôi, thì đôi khi tôi lại có thể đưa bản thân trở lại giấc ngủ khi nghĩ về ngôi nhà của Hobie, nơi mà đưa bạn về những năm 1850 mà bạn không kịp nhận ra, một thế giới của đồng hồ liên hồi tích tắc và sàn gỗ thì cọt kẹt, ấm nước bằng đồng, củ cải và hành thì đựng trong sọt ở nhà bếp, lửa từ ngọn nến đều nghiêng về bên trái phác thảo nên hình một cánh cửa đang mở và những tấm kính cửa sổ cao lớn thì càng bao trùm và mở rộng như một chiếc váy dạ hội, những căn phòng tĩnh mịch nơi vô vàn thứ đồ cổ đang say ngủ.

    Tuy nhiên, càng ngày càng khó khăn để giải thích cho sự vắng mặt của tôi (thường là vắng mặt bữa tối), và cái khả năng bịa đặt lí do của Andy thì có vẻ như đang bị đánh thuế. “Hay để ta đi lên đó với cháu và nói chuyện với bà ấy nhé?” Hobie nói một chiều nọ khi chúng tôi đang ở trong bếp ăn bánh tart dâu mà ông mua ở chợ nông sản. “Ta rất vui khi có thể lên phố và gặp bà ấy. Hoặc có lẽ cháu sẽ muốn mời bà ấy tới đây.”

    “Có thể,” tôi nói, sau một thoáng suy nghĩ.

    “Bà ấy có lẽ sẽ thấy thích cái tủ kiểu Chippendale nhiều tầng – cháu biết đấy, kiểu Philadelphia, bàn làm việc với giá sách thấp. Không phải để mua bán gì – chỉ là tới ngắm nghía thôi. Hoặc, nếu cháu muốn, chúng ta có thể mời bà ấy ăn trưa ở nhà hàng La Grenouille..” ông cười “… hoặc thậm chí mấy món đơn giản ở đây cũng có thể làm bà ấy hài lòng.”

    “Để cháu nghĩ về việc đó,” tôi nói; và rồi tôi lên xe buýt về nhà, đầy suy nghĩ. Bên cạnh cái lí do trùng lặp mà tôi nói với bà Barbour – những tối muộn liên tiếp ở thư viện, để làm một bài tập lịch sử chẳng hề tồn tại – sẽ thật xấu hổ khi thừa nhận với Hobie rằng tôi đã từng tự nhận cái nhẫn của ông Blackwell là một tài sản gia truyền. Do vậy, nếu bà Barbour và Hobie có gặp mặt thì lời nói dối của tôi sẽ bại lộ, không cách này thì cách khác. Dường như sẽ không thể nào tránh được.

    “Cháu đã ở đâu thế?” bà Barbour hỏi ngắn gọn, bà đã ăn diện cho bữa tối nhưng chưa đi giày, đột nhiên xuất hiện từ cuối căn phòng với ly rượu gin chanh trên tay.

    Có thứ gì đó trong kiểu cách của bà khiến tôi cảm thấy như mình bị bẫy. “Thật ra,” tôi nói, “cháu đi xuống phố dưới thăm một người bạn của mẹ cháu.”

    Andy quay qua nhìn tôi thảng thốt.

    “Ồ vậy à?” bà Barbour nói đầy nghi hoặc, với một cái liếc sang bên cạnh dành cho Andy. “Andy lại vừa nói với ta rằng cháu tới thư viện học.”

    “Không phải tối nay ạ,” tôi nói, tự thấy ngạc nhiên vì độ trơn tru của nó.

    “Vậy thì, ta phải nói rằng thật nhẹ người khi nghe cháu nói vậy,” bà Barbour nói nhẹ tênh. “Vì cơ sở chính của thư viện vẫn đóng cửa vào các ngày thứ hai.”

    “Con đâu có nói cậu ấy tới cơ sở chính đâu, Mẹ.”

    “Cháu nghĩ là bà đã biết ông ấy rồi,” tôi nói, lo rằng sẽ phải nhận sự cằn nhằn của Andy. “Nghe về ông ấy thì đúng hơn.”

    “Ai cơ?” bà Barbour nói, ánh mắt quay trở lại nhìn tôi.

    “Người bạn mà cháu tới thăm. Tên ông ấy là James Hobart. Ông ấy quản lý một cửa hàng đồ nội thất ở phố dưới – cũng không phải quản lý. Ông ấy lo phần tân trang phục hồi.”

    Lông mày của bà hạ xuống/ “Hobart?”

    “Ông làm việc cho rất nhiều người trong thành phố. Có đôi lần làm cho tiệm Sotherby.”

    “Cháu không phiền nếu ta gọi ông ấy chứ?”

    “Không ạ.” tôi nói giọng đề phòng. “Ông ấy nói chúng ta có thể ra ngoài ăn trưa. Hoặc có thể bà sẽ muốn xuống thăm cửa tiệm của ông lúc nào đó.”

    “Ồ,” bà Barbour nói sau khi lỡ mất một, hai nhịp vì ngạc nhiên. Giờ thì bà lại là người bị mất thăng bằng. Nếu bà barbour có lần nào từng đi về hướng nam của phố Mười Bốn, vì bất kì lí do gì, thì chắc là do tôi không biết. “Vậy để xem.”

    “Không phải để mua thứ gì cả. Chỉ là ngắm nghía thôi. Ông ấy có vài thứ rất hay.”

    Bà chớp mắt. “Tất nhiên rồi,” bà nói. Bà dường như đang bối rối – đôi mắt ấy vừa kiên định mà lại vừa xao nhãng. “Vậy thì tuyệt. Ta chắc chắn là sẽ rất vui khi gặp ông ấy. Ta đã gặp ông ấy chưa nhỉ?”

    “Chưa, cháu nghĩ là chưa.”

    “Dù sao thì, Andy, mẹ xin lỗi. Mẹ nợ con một lời xin lỗi. Cả cháu nữa, Theo.”

    Tôi á? Tôi không biết nói gì. Andy – người đang lén lút cắn đầu ngón tay cái – đã cho tôi một cái nhún một bên vai khi bà đi ra khỏi phòng.

    “Có chuyện gì vậy?” tôi khẽ khàng hỏi cậu.

    “Mẹ đang buồn. Không liên quan gì đến cậu đâu. Platt về nhà rồi,” cậu nói thêm.

    Giờ khi cậu nói đến chuyện đó, tôi mới để ý có tiếng nhạc bị bịt lại nghèn nghẹn đang phát ra từ cuối căn hộ, thứ âm thanh chìm sâu và bị kìm nén. “Sao vậy?” tôi hỏi. “Có chuyện gì?”

    “Chuyện gì đó đã xảy ra ở trường.”

    “Chuyện gì xấu à?”

    “Có Chúa mới biết,” cậu nói giọng không cảm xúc.

    “Anh ấy gặp rắc rối à?”

    “Tớ nghi là thế. Sẽ chẳng ai nói về chuyện này đâu.”

    “Nhưng chuyện gì xảy ra mới được?”

    Andy lại chưng cái bộ mặt: ai-mà-biết-được. “Anh ấy đã ở đây khi bọn tớ từ trường về - bọn tớ đã nghe thấy tiếng nhạc thế này rồi. Kitsey rất vui nên chạy lại định nói chào nhưng anh ấy quát lớn và đớng sập cửa trước mặt con bé.”

    Tôi co rúm lại. Kitsey rất thần tượng Platt.

    “Rồi Mẹ về nhà. Mẹ mới từ phòng anh ấy ra. Rồi mẹ nói chuyện điện thoại một lúc. Tớ hơi hơi nghĩ rằng Cha đang trên đường về rồi. Họ dự định là ăn tối với nhà Ticknor tối nay nhưng tớ nghĩ vụ đó hủy rồi.”

    “Thế còn bữa ăn nhẹ thì sao?” tôi nói, sau một khoảng dừng ngắn. Bình thường chúng tôi vẫn ăn trước màn hình ti vi trong khi làm bài tập – nhưng với việc Platt đang ở nhà, ông Barbour đang trên đường về, và kế hoạch bữa tối bị hủy bỏ, thì có vẻ sẽ có một bữa tối gia đình trong phòng ăn.

    Andy nắn thẳng lại kính theo cái cách nữ tính mà cậu vẫn làm. Mặc dù tóc tôi màu sậm còn tóc cậu màu vàng, tôi cũng dần nhận ra hai cặp kính giống hệt mà bà Barbour chọn cho chúng tôi khiến tôi trở thành người anh em đầu trứng sinh đôi của Andy – đặc biệt là khi tôi nghe lỏm được vài đứa con gái ở trường gọi chúng tôi là “Anh em Goofus” (hoặc có thể là “Anh em Doofus” – dù là gì thì cũng không phải một lời khen).

    “Hãy đi bộ đến tiện Serendipity và ăn một cái hamburger đi,” cậu nói. “Tớ thực sự không muốn ở đây khi Cha về tới đâu.”

    “Cho em theo với,” Kitsey thình lình cất tiếng, chen vào giữa và chặn chúng tôi lại, khuôn mặt biểu cảm và như sắp hết hơi.

    Andy và tôi nhìn nhau. Kittsey thậm chí còn không thích đứng cùng hàng với chúng tôi khi chờ xe buýt cơ mà.

    “Đi mà,” con bé nài nỉ, nhìn qua lại giữa hai chúng tôi. “Toddy sắp có buổi tập đá bóng, em có tiền tiết kiệm mà, em không muốn ở một mình với mọi người ở đó đâu, xin hai anh đấy.”

    “Ôi, thôi đi nào,” tôi nói với Andy, và con bé lướt qua tôi với một cái nhìn biết ơn.

    Andy cho tay vào túi áo. “Vậy được rồi,” cậu nói với con bé mà không để lộ cảm xúc gì. Hai người họ đúng là một cặp chuột bạch, tôi nghĩ – mặc dù Kitsey thì có vẻ là một nàng công chúa chuột ngọt ngào trong khi Andy thì giống cái kiểu chuột xui xẻo trong tiệm thú nuôi hơn, loại mà bạn có thể sẽ đem làm thức ăn cho con trăn của mình.

    “Đi chuẩn bị đồ của em đi. Nhanh,” cậu nói, khi con bé vẫn đứng đó nhìn trân trân. “Anh không chờ em đâu nhé. Và đừng quên mang tiền đấy vì anh cũng sẽ không trả tiền cho em đâu.”
     
  3. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    xiii.

    TÔI KHÔNG XUỐNG CHỖ ÔNG HOBIE vào mấy ngày sau đó, để bày tỏ lòng trung thành với Andy, mặc dù tôi rất muốn đi vì cái bầu không khí căng thẳng bao trùm toàn bộ ngôi nhà này. Andy đã đúng: thật không thể nào luận ra là Platt đã làm chuyện gì, vì ông bà Barbour vẫn cư xử như chẳng có chuyện gì xảy ra (chỉ có bạn mới biết có gì đó không ổn) và bản thân Platt thì không nói nửa lời, chỉ ngồi ủ rũ trong bữa ăn với mái tóc lòa xòa trước mặt.

    “Tin tớ đi,” Andy nói, “tốt hơn là cậu cứ ở quanh đây. Mọi người sẽ nói chuyện và cố gắng để tỏ ra bình thường.”

    “Thế cậu nghĩ là anh ấy đã làm gì?”

    “Thật tình là tớ không biết. Tớ không muốn biết.”

    “Hẳn là vậy rồi.”

    “Đúng thế,” Andy nói dịu lại. “Nhưng dù gì thì tớ cũng chẳng có tí đầu mối nào.”

    “Cậu có nghĩ là anh ấy gian lận trong kì thi không? Hay ăn cắp? Hay nhai kẹo cao su trong nhà thờ?”

    Andy nhún vai. “Lần cuối cùng anh ấy gặp rắc rối thì là do đánh ai đó một cú thẳng vào mặt bằng cây vợt đánh bóng. Nhưng chuyện đó không giống chuyện này.” Và rồi đột ngột chuyển sang: “Mẹ yêu Platt nhất.”

    “Cậu nghĩ vậy à?” tôi hỏi vẻ tò mò, mặc dù tôi biết điều đó đúng.

    “Cha thì yêu Kitsey nhất. Còn mẹ thì yêu quý Platt.”

    “Bà cũng yêu cả Toddy nữa,” tôi nói, trước khi kịp nhận ra nói như vậy là có ý gì.

    Andy nhăn nhó. “Tớ sẽ nghĩ là mình đã bị hoán đổi khi vừa sinh ra,” cậu nói. “Nếu tớ không giống Mẹ nhiều đến thế.”


    xiv.

    VÌ MỘT VÀI LÝ DO, TRONG SUỐT cái tiết mục đầy căng thẳng này (có lẽ là vì cái rắc rối bí ẩn của Platt đã nhắc tôi về rắc rối của chính mình) có lúc tôi đã nghĩ rằng tôi nên kể cho Hobie về chuyện bức tranh, hoặc – ít nhất – là nói qua lại chủ đề đó theo kiểu chung chung, để xem phản ứng của ông thế nào. Vấn đề là làm sao để khơi nó ra được. Nó vẫn ở căn hộ của hai mẹ con tôi, vẫn ở ngay chỗ mà tôi đã để nó, trong cái túi mà tôi đã mang theo ra khỏi bảo tàng. Khi tôi nhìn thấy nó vẫn dựa vào ghế sofa ở phòng khách, vào cái buổi chiều buồn bã mà tôi phải quay trở lại để lấy đem đi vài thứ sách vở cần thiết, tôi đã đi qua nó, lướt qua một cách chậm nhất có thể như là có một người ăn xin nào đang níu chân tôi ấy, và lúc nào tôi cũng cảm nhận thấy cặp mắt lạnh toát của bà Barbour đang dán lên lưng mình, lên cả căn hộ của chúng tôi, lên những đồ đạc của mẹ tôi, khi bà ấy đứng ở cửa với hai tay khoanh chặt.

    Thật là phức tạp. Cứ mỗi lần tôi nghĩ về chuyện đó là bụng lại gợn sóng, đến mức bản năng bảo tôi đầu tiên là phải nhắm chặt mắt lại và nghĩ về thứ gì đó khác. Không may, tôi đã chờ quá lâu để được nói điều gì với ai đó đến mức bắt đầu có cảm giác là đã quá muộn để nói được gì. Và tôi càng dành nhiều thời gian với Hobie – với những đồ nội thất kiểu Hepplewhites và Chippendales què quặt, những thứ cổ xưa mà ông luôn tỉ mẩn chăm sóc – thì tôi càng thấy thật tội lỗi khi cứ giữ im lặng như vậy. Nhỡ có ai phát hiện ra bức tranh thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra đây? Theo tôi biết thì người chủ tòa nhà có thể đã đi vào căn hộ - ông ấy có chìa khóa – nhưng ngay cả khi ông ấy có vào trong rồi thì tôi nghĩ nó cũng chẳng tình cờ đến mức ông ấy có thể thấy nó. Nhưng tôi cũng biết rằng mình đang đùa giỡn với số phận khi cứ để nó ở đó trong khi tiếp tục trì hoãn việc quyết định làm gì.

    Không phải là tôi không muốn trả lại nó; nếu tôi có thể trả lại nó một cách thần kì, bằng một điều ước chẳng hạn, thì tôi sẽ làm ngay lập tức. Chỉ là tôi không thể nghĩ ra cách nào để trả lại nó mà không gây nguy hại cho bản thân tôi hay cho bức tranh. Từ vụ đánh bom ở bảo tàng đó, khắp thành phố đều tràn ngập thông báo rằng những gói đồ vô chủ với bất kì lí do gì đều sẽ bị tiêu hủy, và điều đó làm tiêu tan cái ý định thiên tài của tôi là trả lại bức tranh một cách vô danh. Bất kỳ hành lý hay túi đồ nào đáng nghi đều sẽ bị cho nổ tung, miễn hỏi.

    Trong số những người lớn mà tôi biết, chỉ có hai người là tôi thấy tin tưởng được hơn cả: Hobie, hoặc bà Barbour. Trong hai người thì Hobie có vẻ thông cảm và đỡ đáng sợ hơn nhiều. Sẽ dễ dàng hơn nếu giải thích cho Hobie cái cách mà tôi tình cờ mang bức tranh ra khỏi bảo tàng hôm đó. Rằng đó là do nhầm lẫn, đại loại thế. Rằng tôi đã nghe theo chỉ dẫn của Welty; rằng lúc đó tôi đang trong tình trạng bị chấn động. Rằng tôi đã không nhận thức đầy đủ việc mình đang làm. Rằng tôi không cố ý để nó ỉm đi lâu vậy. Chẳng qua là vì khi gặp hoàn cảnh không nhà cửa khốn khổ, thì thật điên rồ nếu đứng lên thừa nhận cái việc mà nhiều người vẫn coi là sai trái đó. Thế rồi, thật tình cờ - ngay khi tôi nhận ra mình không thể chờ đợi lâu thêm nữa và phải làm gì đó – thì tôi chợt bắt gặp một bức ảnh đen trắng nhỏ xíu chụp bức tranh đó trong phần tin tức kinh tế của tờ Thời đại.

    Có lẽ là do bầu không khí ngột ngạt bao trùm sau vụ lùm xùm của Platt mà giờ tờ báo đó có thể tìm đường ra được khỏi phòng làm việc của ông Barbour, nơi nó nằm rời rạc và bay qua bay lại ở một số trang nhất định. Những trang báo này, được gấp lại một cách vụng về, đang rải quanh ly soda có bọc khăn ăn (dấu hiệu quen thuộc của ông Barbour) trên bàn uống cà phê trong phòng khách. Đó là cả một bài báo dài và chán ngắt, kéo sang tận mặt sau của chuyên mục, nói về ngành công nghiệp bảo hiểm – về những khó khăn tài chính trong việc bảo đảm cho các buổi triển lãm nghệ thuật khi nền kinh tế còn gặp nhiều vấn đề, và đặc biệt là khó khăn trong việc bảo hiểm cho quá trình vận chuyển các tác phẩm. Nhưng cái thu hút sự chú ý của tôi là dòng chú thích dưới bước ảnh kia: The Goldfinch, kiệt tác vào năm 1654 của Carel Fabritius, đã bị phá hủy.

    Không kịp nghĩ, tôi ngồi ngay xuống chiếc ghế của ông Barbour và bắt đầu đọc lướt qua đống chữ dày đặc để xem có nói thêm gì tới bức tranh của tôi không (tôi đã bắt đầu nghĩ rằng nó là của tôi; ý nghĩ đó len lỏi vào tâm trí tôi như là tôi đã sở hữu bức tranh cả đời rồi vậy)


    Những câu hỏi từ luật pháp quốc tế có thể được áp dụng trong những vụ khủng bố văn hóa như thế này, thứ đã khiến cả cộng đồng kinh tế và cộng đồng nghệ thuật phải rùng mình. “Sự mất mát của chỉ một tác phẩm thôi cũng là không thể nào đong đếm được,” Murray Twitchell, một nhà phân tích rủi ro bảo hiểm London phát biểu. “Cùng với mười hai tác phẩm mất tích và được cho là đã bị phá hủy, thì 27 tác phẩm khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mặc dù công việc khôi phục, với một vài tác phẩm, là có khả năng.” Trong một động thái mà nhiều người có thể cho là vô ích, Cơ sở dữ liệu các tác phẩm mất tích


    Câu chuyện vẫn còn tiếp tục ở trang sau; nhưng ngay lúc đó thì bà Barbour đã bước vào phòng và tôi phải đặt ngay tờ báo xuống.

    “Theo,” bà nói. “Ta có một đề nghị dành cho cháu.”

    “Vâng?” tôi nói, trong lòng thấp thỏm.

    “Năm nay cháu có muốn đi tới Maine với chúng ta không?”

    Trong khoảnh khắc tôi đã sung sướng tới mức không nói nên lời. “Có chứ ạ!” tôi nói. “Wow. Sẽ vui lắm!”

    Ngay cả bà ấy cũng không biết làm gì ngoài mỉm cười, một nụ cười thoáng qua. “Vậy thì,” bà nói, “Chance chắc chắc sẽ rất vui khi để cháu làm việc gì đó trên thuyền. Có vẻ như năm nay chúng ta sẽ đi sớm hơn một chút - ừm, Chance và lũ trẻ sẽ đi sớm. Ta sẽ ở lại thành phố lo liệu chút việc, nhưng rồi cũng sẽ tới đó sau một hoặc hai tuần thôi.”

    Tôi quá hạnh phúc đến mức không nghĩ ra điều gì để nói.

    “Chúng ta sẽ xem liệu cháu thích thú việc đi thuyền thế nào. Có lẽ cháu sẽ thích nó hơn Andy đấy. Hi vọng là vậy.”

    “Cậu nghĩ là nó sẽ vui,” Andy nói bằng giọng u ám, khi tôi chạy vội về phòng ngủ (chạy, chứ không phải đi) để báo tin vui cho cậu ấy. “Nhưng không đâu. Cậu sẽ ghét nó.” Nhưng không thể lẫn được, tôi có thể nhận ra rằng cậu cũng đang vui. Và đêm đó – trước khi đi ngủ - cậu ngồi xuống cùng tôi ở mép giường tầng dưới để nói xem liệu nên mang quyển sách nào, trò điện tử nào, và những triệu chứng của say sóng là gì, để tôi có thể dùng chúng mà trốn khỏi việc phải giúp đỡ gì đó trên boong tàu, nếu tôi muốn làm vậy.


    xv.

    HAI TIN ĐẾN CÙNG LÚC NÀY – bề ngoài đều có vẻ vui cả - khiến cho tôi chỉ muốn nằm lăn ra mà ngây ngất vì nhẹ lòng. Nếu bức tranh của tôi có bị phá hủy – nếu đó là nguồn tin chính thức – thì sẽ còn rất nhiều thời gian để quyết định xem nên làm gì. Cũng thần kỳ không kém, lời mời của bà Barbour dường như vượt qua cả giới hạn mùa hè và kéo dài tới đường chân trời phía xa, như thể giờ đây đã có cả biển Đại Tây Dương đứng chắn giữa tôi và Ông nội Decker; sự ngất ngây cứ quay vòng vòng mãi, và điều duy nhất tôi có thể làm là cứ hân hoan trong sự trì hoãn của mình. Tôi biết rằng tôi nên giao lại bức tranh cho Hobie hoặc bà Barbour, để họ thương hại, nói cho họ mọi thứ, cầu xin họ giúp đỡ - ở một góc sâu thẳm và sáng rõ trong tâm trí tôi biết mình sẽ vô cùng hối tiếc nếu không làm vậy – nhưng đầu tôi còn đang chất đầy hình ảnh của Maine và đi thuyền đến mức không thể nghĩ về thứ gì khác nữa; và tôi bắt đầu nghĩ rằng thậm chí sẽ là khôn ngoan nếu giữ bức tranh đó một thời gian, như một dạng bảo hiểm trong vòng ba năm tới, để tránh cho tôi khỏi việc phải tới sống với Ông nội Decker và bà Dorothy. Đó quả thực là sự chứng nhận cho cái ngây ngô khó tả của tôi khi nghĩ rằng tôi thậm chí có thể bán nó, nếu bắt buộc phải làm vậy. Thế nên tôi tiếp tục im lặng, xem xét bản đồ và các ký hiệu đánh dấu cùng ông Barbour, và để bà Barbour đưa tôi tới cửa hàng Brooks Brother để mua vài đôi giày đi thuyền và vài cái áo len cotton mỏng để mặc đi biển khi đêm lạnh. Và tôi không hé răng nửa lời.


    xv.

    “ĐƯỢC HỌC HÀNH QUÁ NHIỀU, LÀ vấn đề của ta,” Hobie nói. “Hoặc cha ta nghĩ vậy.” Tôi đang ở trong xưởng sửa chữa với ông và giúp phân loại một lô lốc những mẩu gỗ anh đào, vài mẩu thì đỏ hơn, vài mẩu thì nâu hơn, đều được xẻ ra từ những đồ nội thất cũ, để lấy được chính xác cái màu mà ông cần để chắp nối vào phần vỏ của cái đồng hồ thân cao mà ông đang làm. “Cha ta làm chủ một công ty vận tải” (cái này tôi đã biết; cái tên đó quá nổi tiếng đến ngay cả tôi còn thấy quen), “và vào các mùa hè cũng như trong suốt kỳ nghỉ Giáng sinh ông ấy giao cho ta việc dỡ hàng trên xe tải – ta sẽ phải làm thông thạo việc đó, ông ấy nói vậy. Những người công nhân ở bến dỡ hàng đều im bặt khi ta đi tới đó. Con trai của sếp, cháu biết đấy. Không phải lỗi của họ, vì cha ta quả thực cũng là một gã đáng ghét mà họ phải làm thuê cho. Ông ấy bắt ta làm việc đó từ năm mười bốn tuổi, sau giờ học và vào các cuối tuần – mang vác từng thùng hàng dưới mưa. Cũng có những lúc ta làm việc trong văn phòng – một nơi bẩn thỉu, tối tăm. Mùa đông thì lạnh cóng còn mùa hè thì nóng như điên dại. Phải hét lên để át tiếng quạt chạy hết công suất. Đầu tiên chỉ là làm vào mùa hè và kỳ nghỉ Giáng sinh. Nhưng rồi, sau năm thứ hai đại học, ông ấy tuyên bố rằng ông ấy sẽ không trả một đồng học phí nào cho ta nữa.”

    Tôi đã tìm thấy một mẩu gỗ mà có vẻ sẽ trùng khớp với phần bị vỡ, và tôi quăng nó qua cho ông. “Ông học hành tồi tệ hay sao?”

    “Không – ta cũng khá ổn,” ông nói, nhặt miếng gỗ lên và giơ ra trước đèn, rồi đặt nó vào đống gồm các miếng có thể ghép được. “Vấn đề là, ông ấy không đi học đại học và ông ấy vẫn làm ăn được, đúng không? Liệu có phải ta đã nghĩ là ta giỏi hơn ông ấy không? Nhưng trên hết – ông ấy là loại người mà luôn phải giẫm đạp lên trên những người xung quanh, cháu biết kiểu người đó mà, và ta nghĩ là lúc đó chắc hẳn ông ấy đã nhận ra có một cách tốt hơn để giữ ta trong tầm kiểm soát của ông ấy và làm việc không công? Đầu tiên…” ông dừng một lúc để xem xét một miếng gỗ dán, và lại đặt nó vào đống gỗ kia… “đầu tiên ông ấy bảo ta rằng ta sẽ phải nghỉ học một năm – hoặc bốn, năm năm, bất kể nó kéo dài bao lâu – và chăm chỉ kiếm đủ tiền trả phần tiền học còn lại. Ta chưa từng tận mắt nhìn thấy đồng tiền mà mình làm ra. Ta thì sống ở nhà, và ông ấy bỏ toàn bộ số tiền ta làm vào một tài khoản đặc biệt, cháu biết đấy, vì lời ích của ta thôi. Cũng vất vả, nhưng vẫn còn công bằng, ta đã nghĩ vậy. Nhưng rồi – sau khi ta đã làm toàn thời gian cho ông ấy trong ba năm – trò chơi đã thay đổi. Đột nhiên…” ông cười… “Ta còn chưa hiểu hay sao chứ? Hóa ra là ta đang làm việc để trả cho ông ấy tiền học trong hai năm đầu. Ông ấy chẳng tiết kiệm gì sất.”

    “Thật khốn nạn!” tôi thốt lên sau một khoảng lặng đi vì sốc. Tôi không thể hiểu sao ông vẫn cười được vì một thứ bất công như thế.

    “Ừm…” ông đảo mặt… “lúc đó ta vẫn còn ngây ngô lắm, nhưng ta cũng nhận ra nếu cứ tiếp tục như vậy thì ta sẽ chết vì già cỗi trước khi thoát được khỏi đó. Nhưng – không tiền, không nhà – ta định làm gì đây? Ta đã nghĩ nát óc và khi đó, thử đoán xem, Welty tình cờ tới văn phòng đó vào một ngày nọ trong lúc cha ta đang mắng ta xối xả. Cha ta lúc nào cũng muốn dìm ta trước mặt nhân viên của ông ấy – khệnh khạng đi khắp nơi cứ như ông trùm xã hội đen, rêu rao là ta nợ ông ta khoản này khoản kia, và ông ta chỉ đang đòi lại từ khoản “lương” của ta mà thôi. Giữ lại khoản tiền công của ta vì một lí do quá sức tưởng tượng. Kiểu vậy đấy.

    “Welty – đó không phải lần đầu tiên ta thấy ông ấy. Ông ấy đã từng qua văn phòng đó để sắp xếp vận chuyển đồ từ những cuộc mua bán tài sản – ông lúc nào cũng nói rằng chính vì cái lưng ấy mà ông phải làm việc chăm chỉ hơn để tạo ấn tượng tốt, để khiến mọi người không để ý tới cái khuyết tật đó, nhưng bản thân ta đã thấy thích ông ấy từ đầu rồi. Hầu hết mọi người đều vậy – thậm chí là cha ta, người mà ta có thể khẳng định rằng không bao giờ dễ dàng đối tốt với ai cả. Dù sao thì, Welty, người đã chứng kiến cơn thịnh nộ đó, hôm sau đã gọi cho cha ta và nói rằng ông ấy cần ta giúp đóng gói đồ nội thất cho ngôi nhà mà ông phụ trách mua đồ đạc. Ta lúc đó là một thanh niên to khỏe, một nhân viên chăm chỉ, thật quá hợp. Và…” Hobie đứng dậy và duỗi hai cánh tay qua đầu… “Welty đúng là một khách hàng tốt. Và cha ta, cho dù có vấn đề gì đi nữa, đã đồng ý.

    “Ngôi nhà mà ta giúp ông ấy đóng gói là dinh thự cũ của dòng họ De Peyster. Và ta thì đã biết khá rõ về bà De Peyster trước đó. Từ khi còn bé ta vẫn thích đi lang thang xuống phố và thăm bà ấy – một người phụ nữ già tính tình vui vẻ với mái tóc giả vàng chói, luôn thích nghe tin tức, báo chí ở khắp nơi, bà ấy biết mọi thứ về lịch sử địa phương, và là một người kể chuyện hấp dẫn khủng khiếp – dù sao thì, nó thật ra dáng một căn nhà, đầy những tranh tường bằng thủy tinh và vài thứ đồ nội thất vào hàng cao cấp từ những năm 1800, và ta đã giúp ích được kha khá trong việc tìm ra lai lịch của rất nhiều món đồ, khá hơn là con gái của bà Peyster, người mà chẳng có tí hứng thú nào với cái ghế mà Tổng thống McKinley từng ngồi hay bất cứ món đồ nào khác.

    “Ngày mà ta xong việc với căn nhà đó – là vào khoảng sáu giờ tối, người thì đã bụi bặm từ đầu đến chân – Welty liền bật mở một chai rượu vang, bọn ta ngồi lên những thùng đồ và uống với nhau, cháu biết đấy, xung quanh chỉ còn sàn nhà mênh mông và âm thanh vang vọng trong ngôi nhà trống rỗng. Ta thì đang mệt lử - ông ấy đã trực tiếp trả tiền cho ta, tiền mặt, dẹp cha ta sang một bên – và khi ta cảm ơn ông ấy, rồi hỏi thêm liệu ông còn biết việc làm nào khác không, ông liền nói: Nghe này, tôi vừa mới mở một cửa hàng ở New York, và nếu cậu muốn có việc làm, thì cậu có rồi đấy. Và thế là bọn ta cùng chạm cốc, rồi ta về nhà, sắp một va li hầu như toàn sách, nói tạm biệt với người giúp việc, và hôm sau liền nhảy xe tải tới New York. Không hề nhìn lại.”

    Một bầu không khí tĩnh mịch bao trùm. Chúng tôi vẫn đang phân loại đống gỗ dán: những mẩu nhỏ kêu lạch cạch, vài lớp gỗ mỏng như giấy, vài cái thì trông giống như bàn tính trong mấy trò chơi cổ của Trung Quốc, những âm thanh nhẹ bẫng càng khiến bạn lạc lõng trong sự tĩnh lặng rộng lớn bao quanh.

    “Ông này,” tôi nói, chợt thấy một mẩu và tóm nó, quẳng qua chỗ ông đầy đắc thắng: màu sắc hoàn toàn phù hợp, hợp hơn bất kỳ khúc gỗ nào mà ông vừa xếp vào cái đống có thể thay thế của ông.

    Ông cầm lấy nó từ tôi, xem xét nó dưới ánh đèn. “Thôi được rồi.”

    “Nó bị làm sao ạ?”

    “Cháu thấy đấy…” ông giơ mẩu gỗ dán đó lên về phía cái vỏ đồng hồ… “với công việc kiểu này, thì cái thớ gỗ giống nhau mới là thứ cháu cần phải tìm. Đó là điểm đánh lừa đấy. Sự khác nhau về tông màu thì có thể dễ dàng làm giả được. Cái này chẳng hạn…” ông giờ lên một miếng khác, có những vệt màu lạc tông rõ ràng – “Có thể dùng một chút sáp ong và một chút màu phù hợp là được. Bột diêm, vài đường tô vẽ với màu nâu Vandyke – có vài lần, với loại thớ gỗ mà cực khó để chắp vá, đặc biệt là vài loại gỗ óc chó, thì ta phải dùng amoniac để làm những khúc gỗ mới trông có vẻ xỉn màu. Nhưng chỉ khi không còn lựa chọn nào khác thôi. Tốt nhất là dùng loại gỗ ở cùng giai đoạn với thứ mà cháu đang sửa, nếu cháu có.”

    “Ông học tất cả những thứ đó ở đâu vậy?” tôi nói, sau một khoảng dừng đầy e dè.

    Ông bật cười. “Giống cách mà cháu đang học bây giờ đấy thôi! Đứng quanh và nhìn. Làm bản thân mình có ích.”

    “Welty dạy ông à?”

    “Ồ, không. Ông ấy hiểu về những công việc này – tức là biết cách nó được thực hiện. Cháu bắt buộc phải biết nếu làm ngành này. Ông ấy có cặp mắt rất tinh tưởng và ta thường chạy tới hỏi nếu muốn tham khảo thêm một ý kiến. Nhưng trước khi ta được tham gia vào doanh nghiệp thì ông ấy vẫn thường chuyển tới những thứ cần phục chế. Việc đó cực kỳ mất thời gian – và cần một kiểu tư duy nhất định – còn ông ấy thì không có hứng thú cũng như năng lực thể chất để làm. Ông ấy thích phần liên quan tới công việc thu thập hơn – cháu biết đấy, tới buổi đấu giá – hoặc quản lý cửa hàng và bàn luận với khách hàng. Mỗi buổi chiều vào tầm năm giờ, ta sẽ đi lên tầng trên và bọn ta sẽ cùng uống trà. ‘Bị hành hạ trong ngục tối.’ Hồi xưa thì chỗ này đúng là ngục tối ẩm mốc thật. Khi ta tới làm việc cho Welty…” ông bật cười… “thì ông ấy đang có một nhân viên già tên là Abner Mossbank. Chân cà nhắc, ngón tay thì bị viêm khớp, mắt thì mờ. Ông ấy phải mất một năm mới làm xong một thứ. Nhưng ta đã đứng sau lưng ông ấy để nhìn và học. Ông ấy cứ như bác sĩ phẫu thuật vậy. Không được hỏi gì. Phải hoàn toàn im lặng! Nhưng ông ấy cũng biết gần như mọi thứ - những việc mà người khác không biết làm thế nào hoặc không thèm học để làm – công việc này, nó cứ thế được giữ trên một sợi dây mỏng manh và truyền từ đời này sang đời khác.”

    “Cha ông không bao giờ trả lại số tiền mà ông kiếm được ư?”

    Ông cười, thật ấm áp. “Không có một xu! Còn không thèm nói gì với ta kể từ đó nữa. Ông ấy giờ chỉ còn là một nắm đất cũ kỹ - bị đột tử vì đau tim khi đang sa thải dở một nhân viên của mình. Một trong những đám tang thưa thớt người tham dự nhất mà cháu từng thấy. Ba cái ô đen dưới cơn mưa tuyết. Thật khó để không so sánh với Abnezer ScroogeVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.”

    “Thế ông không bao giờ quay lại đại học nữa à?”

    “Không. Mà ta cũng không muốn. Ta đã tìm ra công việc mình thích. Thế nên…” ông chống hai tay vào đốt sống và vặn người; cái áo khoác xắn tay của ông, lỏng lẻo và dính bẩn, khiến ông trông giống một người chăm ngựa tận tụy đang tới thăm chuồng… “rút ra là, ai mà biết được việc đó sẽ đưa cháu tới đâu chứ?”

    “Việc gì ạ?”

    Ông cười lớn. “Kỳ nghỉ trên thuyền đó,” ông nói, bước từng bước tới giá để những lọ chất nhiều màu được xếp ngay ngắn như những chai thuốc trong tiệm bào chế; đất đỏ phù sa, chất xanh có độc tố, bột than chì và tro xương. “Có thể sẽ là thời khắc quyết định đấy. Nó vẫn tác động tới con người theo cách đó, biển cả ấy.”

    “Andy bị say sóng. Cậu ấy phải mang theo cả túi lên thuyền để nôn.”

    “Ừm…” ông với tay lấy lọ muội đèn… “ta phải thừa nhận là biển cả chưa từng tác động lên ta theo cách đó. Khi ta còn nhỏ - bài thơ ‘Rime of the Ancient MarinerVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link,’ những hình ảnh minh họa của Doré – không, đại dương khiến ta thấy sợ hãi nhưng rồi ta cũng chẳng bao giờ có cơ hội đi một chuyến phiêu lưu như cháu bây giờ. Cháu không bao giờ biết được đâu. Bởi vì…” khẽ cau mày, ông rắc chút bột đen mịn lên tấm bảng màu vẽ… “ngay cả trong mơ ta cũng chưa từng nghĩ là những thứ đồ nội thất lâu đời của bà Peyster lại là thứ quyết định tương lai của ta. Có lẽ cháu sẽ thấy hứng thú với mấy loài cua cộng sinh chẳng hạn và rồi sẽ nghiên cứu về sinh vật biển. Hoặc cháu quyết định mình muốn đóng nên những con thuyền, hoặc là một họa sĩ chuyên vẽ tranh về biển, hoặc sẽ viết một cuốn sách về con thuyền Lusitania thì sao.”

    “Có thể,” tôi nói, hai tay đặt sau lưng. Nhưng thứ mà tôi thực sự hi vọng thì đến nói ra tôi còn chẳng dám. Kể cả nghĩ về nó thôi cũng khiến tôi run rồi. Vì, vấn đề là: Kitsey và Toddy đã bắt đầu trở nên tốt bụng với tôi hơn trước rất rất nhiều, cứ như có ai đã ra tay chỉnh đốn chúng; và tôi còn bắt gặp cả những cái liếc nhìn hay những ám hiệu mơ hồ giữa ông bà Barbour mà khiến tôi tràn trề hi vọng – còn hơn cả hi vọng ấy chứ. Thật ra, chính Andy là người đã tiêm cái ý nghĩ đó vào đầu tôi. “Hai người đó nghĩ rằng ở cạnh cậu sẽ tốt cho tớ,” cậu nói khi chúng tôi trên đường về nhà một ngày nọ. “Rằng cậu đang kéo tớ ra khỏi vỏ ốc và làm tớ giao tiếp nhiều hơn với xã hội. Tớ đang nghĩ có lẽ họ sẽ có một thông báo gia đình khi chúng ta tới Maine đấy.”

    “Thông báo?”

    “Đừng tối dạ thế nữa. Họ đã bắt đầu thích cậu rồi – nhất là Mẹ. Nhưng cả Bố cũng thế. Tớ tin là họ muốn giữ cậu đấy.”


    xvii.

    TÔI VỀ PHỐ TRÊN BẰNG xe buýt, hơi buồn ngủ, người thì cứ lắc lư và những con phố ẩm ướt của một ngày thứ bảy cứ lướt qua loang loáng. Khi tôi đặt chân vào căn hộ - lạnh run vì vừa đi bộ dưới mưa – thì Kitsey từ đâu chạy ra đứng ở lối vào và nhìn tôi chằm chằm, mắt mở to háo hức, như thể tôi là một con lạc đà vừa đi lạc vào căn hộ vậy. Thế rồi, sau vài giây trống rỗng, con bé chạy thẳng vào phòng khách, đôi xăng-đan lạch cạch trên sàn gỗ: “Mẹ? Anh ấy về rồi!”

    Bà Barbour xuất hiện. “Chào cháu, Theo,” bà nói. Bà trông hoàn toàn điềm tĩnh những có cái gì đó dồn nén trong thái độ của bà, mà tôi không thể nào nói rõ được. “Vào đây cháu. Ta có một sự ngạc nhiên cho cháu đây.”

    Tôi theo bà vào phòng làm việc của ông Barbour, không gian u ám trong thứ ánh sáng mờ mịt buổi chiều tà, nơi mà những bản đồ hải dương đóng khung và những giọt mưa chảy dài trên lớp kính cửa sổ màu xám đục gợi nhắc tới phân cảnh sân khấu diễn ra trong một cabin tàu đang lênh đênh giữa cơn bão biển. Phía bên kia căn phòng, một dáng người đứng bật dậy khỏi cái ghế bọc da. “Chào anh bạn nhỏ,” ông nói. “Lâu rồi không gặp.”

    Tôi đứng bất động ở cửa vào. Cái giọng đó không thể nhầm đi đâu được: là bố tôi.

    Ông ta bước tới dưới thứ ánh sáng yếu ớt hắt tới từ cửa sổ. Chính là ông ấy, thôi được, mặc dù ông cũng đã thay đổi từ lần cuối tôi trông thấy ông: ông nặng nề hơn, rám nắng, khuôn mặt to hơn, với một bộ vest mới và quả đầu khiến ông trông giống với một tay pha chế trong quán bar tỉnh lẻ. Trong sự hoảng hốt tột độ, tôi quay lại nhìn bà Barbour, và bà cho tôi một nụ cười tươi nhưng bất lực như thể muốn nói: Ta biết, nhưng ta còn có thể làm gì bây giờ?

    Trong khi tôi vẫn đứng đó không thốt lên lời vì sốc, một dáng người khác cũng đứng dậy và đi tới gần tôi hơn cả bố. “Chào cháu, cô là Xandra,” một giọng khàn khàn cất lên.

    Tôi nhận ra mình đang đối mặt với một phụ nữ hoàn toàn xa lạ, da rám nắng và trông rất cân đối: đôi mắt màu xám thiếu sức sống, làn da màu đồng, cùng với hàm răng có khe hở ở chính giữa. Mặc dù cô ta hơn tuổi mẹ tôi, hoặc trông có vẻ già hơn, thì cô ta cũng đang ăn mặc giống kiểu những người trẻ hơn mình: xăng-đan bệt màu đỏ, quần bò cạp trễ; thắt lưng lỏng; rất nhiều đồ trang sức bằng vàng. Tóc cô ta, có màu của bánh caramel xoắn, thì thẳng đuột và xơ xác ở đuôi tóc; cô ta đang nhai kẹo cao su và mùi Juicy Fruit ồ ạt phát ra từ cô ta.

    “Là Xandra với chữ X,” cô ta nói bằng chất giọng trầm nghe lạo xạo. Đôi mắt cô ta trong suốt và như không màu, với những vệt mascara đen quanh đó, và cái nhìn của cô ta thì đầy sức mạnh, tự tin và không hề nao núng. “Không phải Sandra. Và, lạy Chúa, càng không phải Sandy. Ta bị gọi vậy rất nhiều, và nó làm ta phát điên lên được.”

    Khi cô ta nói, sự kinh ngạc của tôi vẫn càng lúc càng dâng cao. Tôi không thể nào tiêu hóa được cô ta: cái giọng khàn do uống quá nhiều rượu, cánh tay nổi cơ bắp của cô ta; cái chữ Hán tự được xăm trên ngón chân cái; những cái móng tay vuông dài được vẽ vài vệt trắng lên; cả đôi khuyên tai hình sao biển của cô ta nữa.

    “Ừm, hai ta vừa tới sân bay LaGuardia hai giờ trước,” bố tôi nói, khẽ hắng giọng, như thể nhiêu đó đủ để giải thích tất cả,

    Đây là những gì bố tôi để lại cho chúng tôi đấy sao? Trong đờ đẫn, tôi quay lại nhìn bà Barbour lần nữa – để rồi phát hiện là bà đã biến mất.

    “Theo, giờ bố sống ở Las Vegas rồi,” bố tôi nói, mắt nhìn vào bờ tường đâu đó trên đầu tôi. Ông vẫn giữ được cái giọng điềm tĩnh và kiểm soát sau những đợt đào tạo diễn viên mặc dù ông vẫn mang cái giọng ra lệnh như xưa, nhưng tôi có thể thấy ông cũng chẳng thoải mái hơn tôi là mấy. “Bố đoán là đáng ra mình nên gọi trước, nhưng bố nghĩ sẽ dễ dàng hơn nếu bọn ta cứ tới đón con luôn.”

    “Đón con?” tôi nói, sau một khoảng im lặng dài.

    “Nói cho thằng bé đi, Larry,” Xandra nói, và rồi, quay qua tôi: “Cháu nên biết tự hào về bố mình. Ông ấy giờ đang cai rượu. Đã được bao nhiêu ngày ông ấy không động đến rượu rồi? Năm mốt ngày? Ông ấy tự mình làm hết – còn không cần tới sự giúp đỡ của trung tâm cai nghiện – tự kiềm chế chỉ với một giỏ kẹo Phục sinh và một lọ thuốc an thần Valium mà thôi.”

    Vì tôi quá xấu hổ đến mức không thể nhìn trực diện vào cô ta, hay vào bố tôi, nên tôi lại quay lưng ra nhìn về phía cửa – và thấy Kitsey Barbour đang đứng ở sảnh và lắng nghe tất cả cùng với cặp mắt to tròn.

    “Vì, ý ta là, ta không thể chịu đựng nổi thói quen đó,” Xandra nói, bằng cái giọng như ngụ ý rằng mẹ tôi đã dung túng, đã khuyến khích thói nghiện rượu của bố tôi vậy. “Ý ta là… mẹ ta là dạng người mà có thể nôn ọe vào ly rượu ở quán Canadian Club rồi lại uống tiếp thứ đó. Và rồi một tối ta đã nói với ông ấy: Larry, em sẽ không bảo anh là ‘không bao giờ được uống nữa,’và thực tình em nghĩ Trung tâm cai nghiện cũng là một biện pháp quá nặng với vấn đề của anh…”

    Bố tôi hắng giọng và quay qua nhìn tôi bằng cái vẻ mặt đáng mến mà ông chỉ để dành cho người lạ. Có lẽ là ông đã dứt hẳn rượu chè; nhưng ông vẫn mang cái vẻ mặt sưng phồng và sáng bóng, lại còn hơi đờ đẫn, như thể ông đã dành tám tháng qua sống nhờ rượu rum và những buổi tiệc tùng liên miên ở Hawaii.

    “Ừm, con trai à,” ông nói, “hai ta vừa xuống khỏi máy bay, và chúng ta tới đây bởi vì – chúng ta muốn gặp con ngay, dĩ nhiên là vậy rồi…”

    Tôi vẫn chờ.

    “… hai ta cần chìa khóa để vào căn hộ.”

    Mọi chuyện có vẻ đang đi quá nhanh. “Chìa khóa?” tôi hỏi lại.

    “Bọn ta không thể vào được đó,” Xandra nói thẳng thừng. “Bọn ta thử rồi.”

    “Chuyện là thế này, Theo,” bố tôi nói, tông giọng trong và hiền hòa, một bàn tay đưa lên luồn qua tóc rất kiểu thương gia, “ta cần phải vào căn hộ ở Sutton Place và xem xét đồ đạc ra sao. Ta chắc rằng mọi thứ giờ đang rất lộn xộn, và cần có ai đó vào trong để sắp xếp lại.”

    Nếu cô không để mọi thứ hỗn độn như thế… Đó là những từ tôi nghe được lúc bố tôi hét lên với mẹ khi mà – khoảng hai tuần trước khi ông bỏ đi – họ đã có một cuộc cãi vã nghiêm trọng nhất mà tôi từng thấy, khi đôi khuyên tai kim cương lục bảo để lại từ bà ngoại đã biến mất khỏi cái đĩa trên tủ đầu giường mẹ. Bố tôi ( mặt đỏ phừng phừng, mỉa mai mẹ tôi bằng cái giọng cay nghiệt) nói rằng đó là do lỗi của mẹ, Cinzia có lẽ đã lấy chúng hoặc ai lấy thì có trời mới biết, rằng chẳng hay ho gì khi cứ để đồ trang sức bừa bãi ra đấy, và có lẽ việc này sẽ dạy cho mẹ tôi cách giữ gìn đồ đạc tốt hơn. Nhưng mẹ tôi – mặt trắng nhợt đi vì giận – đã lạnh lùng khẳng định rằng bà đã tháo đôi khuyên tai ra từ tối thứ sáu, và rằng Cinzia chưa tới làm kể từ hôm đó.

    Cô đang nói cái quái quỷ gì thế hả? bố tôi gầm lên.

    Im lặng.

    Vậy ra giờ tôi là thằng ăn cắp phải không? Cô đang buộc tội chính chồng mình ăn cắp nữ trang của cô? Cái thứ bệnh hoạn gì thế này? Cô cần phải đi điều trị rồi, cô biết không? Cô thực sự phải đi chữa bệnh cho mình đi…

    Chỉ là không phải có mỗi đôi khuyên tai đó mất tích. Sau khi ông tự biến mất, thì hóa ra một vài thứ khác gồm tiền mặt và vài đồng xu cổ của ông ngoại cũng biến mất theo; và mẹ tôi liền thay khóa cửa ngay cũng như cảnh báo Cinzia và những người gác cửa không được để ông ta vào nếu ông ta có xuất hiện vào thời điểm mẹ đang đi làm. Và tất nhiên bây giờ thì mọi chuyện đã khác, và chẳng còn gì có thể ngăn ông ấy bước vào căn hộ, lùng sục vào đồ đạc của mẹ và muốn làm gì chúng thì làm; nhưng trong khi tôi đang đứng nhìn ông ta và cố nghĩ nên nói cái khỉ gì thì cả tá việc chạy qua tâm trí tôi và quan trọng nhất trong số đó là bức tranh. Bao tuần qua, ngày nào tôi cũng tự nói với mình là tôi sẽ quay lại và mang nó theo, giải quyết mọi vấn đề, nhưng tôi cứ lần lữa mãi và giờ thì ông ta đã tới.

    Bố tôi vẫn nở nụ cười không hề suy chuyển. “Được không anh bạn? Bố còn nghĩ là có thể con muốn giúp một tay nữa, phải chứ?” Có lẽ ông ấy không còn uống rượu nữa, nhưng tất cả những buổi chiều muộn thèm khát hơi rượu khi xưa của ông thì vẫn đây, vẫn gợn trên da thịt tôi như giấy nhám.

    “Con không có chìa khóa,” tôi nói.

    “Không sao hết,” bố tôi đáp lại nhanh như gió. “Chúng ta có thể gọi thợ sửa khóa. Xandra, đưa anh điện thoại.”

    Tôi nghĩ thật nhanh. Tôi không muốn họ vào căn hộ mà không có tôi. “Jose và Goldie có thể cho chúng ta vào,” tôi nói. “Nếu có con đi cùng.”

    “Vậy được rồi,” bố tôi nói, “đi nào.” Từ giọng điệu của ông, tôi nghi rằng ông biết tôi đang nói dối về cái chìa khóa (được giấu an toàn, trong phòng của Andy). Tôi cũng biết ông không thích thú gì khi liên quan đến mấy người gác cửa, vì hầu hết bọn họ đều không đếm xỉa gì đến bố tôi, khi đã quá quen thuộc với hình ảnh lướt khướt của ông. Nhưng tôi vẫn nhìn lại ông bằng cặp mắt dứt khoát nhất có thể cho tới khi ông nhún vai và quay đi.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Nhân vật lão già làm nhiều việc xấu và trở nên cô độc trong truyện A Christmas Carol của Charles Dickens.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tạm dịch “Màn sương của người thủy thủ cổ xưa” – một bài thơ bất hủ của nhà thơ Samuel Taylor Coleridge (1772-1834)
     
    ichono87, dakedo, tamchec and 2 others like this.
  4. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    xviii.

    “¡HOLA, JOSE!Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    “¡Bomba!Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Jose nức nở, trong khi bước lùi lại một bước đầy hoan hỉ khi chú ấy nhìn thấy tôi trên vỉa hè; chú ấy là người trẻ nhất và cũng là người sôi nổi nhất trong số những người gác cửa, lúc nào cũng chực chuồn đi trước khi hết ca làm để ra công viên chơi bóng đá. “Theo! ¿Qué lo que, manito?”

    Nụ cười hiền lành của chú khiến tôi như rơi tõm vào quá khứ. Mọi thứ vẫn vậy: mái hiên xanh, bóng cây liễu rợp mát, đất nâu vẫn ở đầy trong những hố trũng trên vỉa hè. Đứng trước cánh cửa lớn được chạm khắc trang trí – mạ kền sáng bóng, tỏa ra những tia sáng như mặt trời, loại cửa mà những cậu chàng bán báo sẽ vội vã chạy qua trong những bộ phim của năm 1930 – tôi vẫn còn nhớ những lúc tôi bước vào và thấy mẹ đang cầm tệp thư để phân loại chúng trong khi chờ thang máy. Mẹ vừa đi làm về, vẫn còn nguyên giày cao gót và cặp táp, cùng với những bông hoa tôi gửi cho mẹ nhân ngày sinh nhật. Con không biết đâu. Người hâm mộ bí mật của mẹ lại gửi quà nữa này.

    Jose nhìn qua tôi, tới bố tôi và Xandra, người đang nhẹ nhàng lùi ra sau. “Xin chào, ông Decker,” chú nói bằng giọng trang trọng, tránh qua tôi để tới bắt tay bố tôi: rất lịch sự, nhưng không để lọt tí cảm xúc nào. “Hân hạnh được gặp ông.”

    Bố tôi, với Nụ cười Thân thiện của ông, đã định đáp lời nhưng tôi thấy có vẻ căng thẳng nên chen ngang: “Jose…” tôi cố lục tung não lên để tìm chút tiếng Tây Ban Nha còn sót lại, cố ôn lại một số câu nói trong đầu… “mi papá quiere entrar en el apartamento, le necesitamos abrir la puertaVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.” Và rồi, thật nhanh, tôi hỏi tiếp câu mà tôi đã định sẵn trong đầu, khi còn đang trên đường: “¿Usted puede subir con nosot ros?Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Mắt Jose trượt ngay tới bố tôi và Xandra. Chú là một anh chàng cao lớn và đẹp trai tới từ Cộng hòa Dominican, thứ gì đó ở chú gợi nhắc tới một Muhammad Ali trẻ tuổi – tính tình cởi mở, lúc nào cũng cười đùa, nhưng bạn không muốn gây chuyện với chú ấy đâu. Có lần, khi lòng tự tin dâng cao, chú đã kéo chiếc áo khoác đồng phục lên và chỉ cho tôi một vết dao đâm trên bụng mình, cái mà theo như chú nói là từ một vụ ẩu đả trên phố ở Miami.

    “Rất sẵn lòng,” chú nói bằng giọng tiếng Anh dễ chịu. Chú đang nhìn vào họ nhưng tôi biết là chú đang nói chuyện với tôi. “Tôi sẽ đưa mọi người lên. Mọi chuyện vẫn ổn chứ?”

    “Đúng, chúng tôi vẫn ổn,” bố tôi đáp cụt lủn. Ông chính là người khăng khăng rằng tôi phải học ngôn ngữ thứ hai là tiếng Tây Ban Nha chứ không phải tiếng Đức (“để ít nhất có một người trong nhà có thể giao tiếp được với cái lũ gác cửa chết tiệt đó”).

    Xandra, người mà tôi bắt đầu thấy trông giống một món đồ trang trí, thì cười đầy sợ sệt và nói bằng cái giọng lắp bắp nhanh nhẩu của cô ta: “Đúng vậy, chúng tôi vẫn ổn, nhưng chuyến bay đã khiến chúng tôi mệt lử. Quả là một quãng đường dài từ Vegas và chúng tôi vẫn hơi…” và tới đây thì cô ta đảo con ngươi vài vòng rồi vẫy vẫy bàn tay trong không khí để chỉ cơn chóng mặt.

    “Ồ vậy à?” Jose nói. “Hôm nay? Hai người bay tới sân bay LaGuardia?” Giống như tất cả những người gác cửa khác chú ấy chính là một thiên tài về chuyện phiếm, đặc biệt là nói về giao thông hay thời tiết. con đường tốt nhất để đến sân bay vào giờ cao điểm chẳng hạn. “Tôi nghe nói có mấy vụ hoãn bay vào ngày hôm nay, có vấn đề với những người khuân vác hành lý, với công đoàn công nhân, phải vậy không?”

    Trên đường từ thang máy đi lên, Xandra vẫn giữ nguyên cái giọng kể chuyện đều đều gây bực mình đó: chuyện về việc New York bẩn thỉu thế nào khi so sánh với Las Vegas (“Đúng đấy, tôi thừa nhận, ở khu phía tây vẫn sạch sẽ hơn, tôi đoán là giờ tôi đã nhiễm độc mất rồi ấy”), về cái sandwich gà tây tồi tệ của cô ta trên máy bay và người tiếp viên hàng không đã “quên mất” (Xandra dùng ngón tay làm hình dấu ngoặc kép) trả lại năm đô tiền thừa khi cô ta gọi rượu.

    “Ôi, thưa bà!” Jose nói, chân bước vào hành lang, đầu lắc quầy quậy theo cái kiểu giả-nghiêm-trọng mà chú ấy vẫn hay làm. “Thức ăn trên máy bay là khủng khiếp nhất luôn. Những ngày này mà được bọn họ cho ăn đã là may lắm rồi. Nói cho bà biết điều này. Ở New York á, bà có thể tìm thấy vô vàn đồ ngon. Bà có đồ Việt Nam này, đồ Cuba cũng được, đồ Ấn cũng ngon…”

    “Tôi không thích những đồ nhiều gia vị kiểu đó.”

    “Vậy cứ ăn những gì bà thích. Chúng ta gần tới rồi. SegunditoVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link,” chú nói, giơ một ngón tay lên trong khi tay kia lần mò cả chùm chìa khóa để tìm chìa khóa vạn năng.

    Ổ khóa xoay mở với một tiếng động khô khan của kim loại va chạm, thật quen thuộc và đúng kiểu. Mặc dù căn hộ trông hơi lộn xộn vì bị đóng cửa từ lâu, nhưng tôi vẫn ngây ngất vì mùi của căn nhà xộc lên mũi: sách, những giá để đồ bằng gỗ đã cũ và mùi nước lau sàn hương chanh, những ngọn nến đen mùi nho khô mà mẹ mua ở tiệm Barney.

    Cái túi mang về từ bảo tàng vẫn nằm chỏng chơ trên sàn nhà gần ghế sofa – chính là nơi tôi đã đặt nó, đã bảo tuần rồi nhỉ? Cảm thấy nhẹ đầu, tôi bắt đầu đi lảng vảng xung quanh và tiến gần tới đó để túm nó trong khi Jose – đứng hơi chắn lối đi người bố nóng nảy của tôi, mà không để lộ ý định đó – thì đang đứng bên ngoài cửa nghe Xandra nói chuyện, hai tay khoanh trước ngực. Nét mặt điềm đạm mà hơi trống rỗng của chú ấy nhắc tôi nhớ lại vẻ mặt của chú sau khi vác bố tôi lên tầng vào một đêm lạnh cóng, bố tôi đã say khướt đến mức làm mất cả áo khoác. – Chuyện vẫn thường xảy ra trong các gia đình, chú ấy đã nói kèm theo một nụ cười đầy ẩn ý, đồng thời từ chối tờ hai mươi đô mà cha tôi – người mất hết tỉnh táo, nôn ọe lên chính áo của mình, bẩn thỉu như vừa lăn lộn trên vỉa hè – đang cố dúi vào mặt chú ấy.

    “Thật ra, tôi tới từ Bờ Đông?” Xandra đang tán chuyện. “Từ Florida ấy?” Rồi lại cười đầy sợ sệt – lắp bắp, cuống cuồng. “Phía Tây biển Palm thì đúng hơn.”

    “Bà nói là Florida?” tôi nghe thấy Jose nhận xét. “Dưới đó phải nói là quá đẹp.”

    “Đúng thế đấy, nó tuyệt vời lắm. Ít nhất khi ở Vegas chúng tôi còn có ánh nắng mặt trời… Tôi không biết liệu mình có chịu đựng nổi mùa đông ở đây nữa không, tôi sẽ biến thành một que kem mất thôi…”

    Ngay khoảnh khắc tôi cầm cái túi lên, tôi chợt nhận ra sao mà nó nhẹ quá – gần như trống không. Cái bức tranh ở nơi khốn nạn nào rồi? Mặc dù tôi gần như mờ mắt vì hoảng sợ, tôi không dừng lại mà tiếp tục đi, cứ tự động quay trở về phòng ngủ của mình, đầu óc quay cuồng và tan nát mỗi bước tôi đi…

    Đột nhiên – qua những mẩu kí ức vụn vặt vào cái đêm hôm đó – nó chợt trở về với tôi. Cái túi hôm đó đã ướt nhẹp. Tôi không muốn để bức tranh trong một cái túi ướt, nó sẽ bị mốc hoặc bị mủn ra, ai mà biết được. Thay vào đó – làm sao tôi có thể quên được chứ? – tôi đã đặt nó lên bàn làm việc của mẹ, thứ đầu tiên bà sẽ nhìn thấy khi về tới nhà. Thật khẩn trương, không chần chừ nữa, tôi bỏ cái túi ở hành lang bên ngoài cửa phòng ngủ khép chặt của tôi rồi quay vào phòng mẹ, đầu óc treo lơ lửng vì hồi hộp, chỉ mong rằng bố tôi đang không ở phía sau nhưng tôi cũng quá sợ để có thể quay lại mà kiểm tra.

    Từ phòng khách, tôi vẫn nghe tiếng Xandra nói: “Tôi cá là anh trông thấy nhiều người nổi tiếng trên phố lắm hả?”

    “Ôi, nhiều chứ. LeBron, Dan Aykroyd, Tara Reid, Jay-Z, Madonna…”

    Phòng ngủ của mẹ thật tối và lạnh, và cái mùi nước hoa dịu nhẹ mà tôi có thể dễ dàng cảm nhận được thì dường như quá sức chịu đựng của tôi. Bức tranh nằm đó, chạm nhẹ vào những tấm khung ảnh bạc – bố mẹ của mẹ tôi, mẹ tôi, hình tôi ở các độ tuổi khác nhau, rất nhiều ngựa và chó: cô ngựa cái Chalkboard của ông ngoại, chú chó Đan Mạch Bruno cao lớn, chú chó phốc Poppy – chú đã chết khi tôi còn học mẫu giáo. Cố gắng làm bản thân sắt đá khi nhìn thấy cặp kính của mẹ để trên bàn làm việc, cái áo bó chặt ở nơi mà bà treo nó lên cho khô và chữ viết tay của bà trên lịch để bàn cùng hàng triệu hình ảnh đau lòng khác, tôi nhặt bức tranh lên và kẹp nó dưới cánh tay, mau chóng bước qua hành lang vào phòng mình.

    Phòng tôi – cũng giống như phòng bếp – quay mặt ra đường ống dẫn khí, và sẽ rất tối nếu không bật đèn. Một cái khăn tắm nặng nề đang nằm nhăn nhúm ở nơi tôi đã vứt nó sau khi tắm vào buổi sáng cuối cùng, ngay trên một đống quần áo bẩn. Tôi nhặt nó lên – nhăn mặt vì cái mùi phát ra – cùng với ý nghĩa là sẽ ném nó phủ lên bức tranh trong khi tôi tìm ra một chỗ tốt hơn để giấu nó, có thể là ở…

    “Con đang làm gì đấy?”

    Bố tôi đứng ở ngoài hành lang, khuôn mặt ông hầu như phủ toàn bóng tối với ánh sáng tỏa ra từ sau lưng.

    “Không có gì cả.”

    Ông ta cúi xuống và nhặt lên cái túi mà tôi vứt ở hành lang. “Cái gì ngoài này đây?”

    “Túi đựng sách của con,” tôi nói, sau một khoảng dừng – mặc dù cái thứ đó rõ ràng là một cái giỏ đi chợ tái chế được của mẹ, một thứ mà tôi, hay bất cứ đứa trẻ nào, sẽ không bao giờ mang tới trường.

    Ông ném nó vào phía cánh cửa đang mở, chun mũi vì mùi của nó. “Phù,” ông nói, bàn tay phẩy qua phẩy lại trước mặt, “nó bốc mùi cứ như là chỉ toàn tất cũ trong này ấy.” Khi ông bước tới bên trong phòng và ấn nút bật đèn, tôi đã kịp di chuyển một cách giật cục để ném được cái khăn tắm phủ lên bức tranh để (hi vọng là) ông không nhìn thấy nó.

    “Con có cái gì ở đằng kia đấy?”

    “Một tấm poster.”

    “Nghe này, bố hi vọng là con sẽ không kéo theo quá nhiều thứ đồ vớ vẩn đến Vegas. Không cần phải mang quần áo mùa đông – con sẽ không cần đâu, ngoại trừ ít đồ trượt tuyết thôi. Con sẽ không tin nổi đâu nếu được trượt tuyết ở Tahoe – nó khác hẳn với mấy ngọn núi lèo tèo ở bang này.”

    Tôi cảm thấy mình nên đáp lại gì đó, đặc biệt khi đây là câu nói dài nhất và thân thiện nhất kể từ khi ông xuất hiện, nhưng có vẻ như tôi vẫn chưa thực sự bình tĩnh để nghĩ được điều gì.

    Bất chợt, bố tôi nói: “Cũng chẳng dễ dàng gì khi sống cùng mẹ con, con biết đấy.” Ông nhặt lên từ mặt bàn thứ gì đó có vẻ giống với một bài kiểm tra toán cũ của tôi, xem xét nó, rồi lại thả nó xuống. “Cô ấy quá cảnh giác. Con biết mẹ thường hay thế nào mà. Chẳng nói năng gì. Làm bố sợ chết khiếp. Lúc nào cũng phải nắm đằng chuôi. Phải nắm quyền lực, con biết đấy – thực sự là rất đè nén người khác. Nói thực, và bố cũng không muốn nói điều này đâu, nhưng nhiều lúc bố còn không chịu nổi khi phải ở trong cùng một căn phòng với mẹ con. Ý bố là, bố không nói mẹ con là người xấu, chỉ là vừa một phút trước còn yên ổn, và ngay sau đó, bùm, bố đã làm gì nào, tự dưng mẹ con lại xầm xì với bố…”

    Tôi chẳng nói gì hết – chỉ đứng đó ngại ngần trong khi cái khăn ẩm mốc kia vẫn đang phủ lên bức tranh và ánh sáng thì chiếu vào mắt tôi, tôi chỉ ước mình đang ở một nơi khác (Tây Tạng, Hồ Tahoe, mặt trăng) và cũng không nghĩ là mình có khả năng đáp lời. Những gì ông ấy nói về mẹ tôi hoàn toàn đúng: thường thường bà khá ít nói, và khi bà buồn chuyện gì thì rất khó để luận ra là bà đang nghĩ gì trong đầu, nhưng tôi thì chưa bao giờ hứng thú với một cuộc bàn luận về khuyết điểm của mẹ mình và dù thế nào thì chúng vẫn quá nhỏ nhặt so với những sai lầm của bố tôi.

    Bố tôi vẫn đang nói: “… vì bố chẳng có gì để chứng mình cả, thấy không? Trò nào thì cũng có hai mặt. Đó không phải chuyện ai đúng ai sai. Và hẳn rồi, bố thừa nhận bố phải chịu tội vì một vài sự cố trong số đó, mặc dù bố cũng muốn nói, và bố chắc là con cũng biết, rằng mẹ con luôn có cách riêng để viết lại các câu chuyện theo hướng có lợi cho mình.” Cảm giác thật lạ khi lại ở cùng một căn phòng với bố mình, đặc biệt là giờ đây ông đã khác xa: từ ông tỏa ra một thứ mùi khác, và cân nặng cũng khác, vẻ ngoài thì láng bóng như được thoa một lớp mỡ dày nửa inch. “Bố đoán rằng rất nhiều cuộc hôn nhân cũng gặp phải những vấn đế như của bố với mẹ - mẹ con đã dần trở nên quá khắt khe? Và luôn ngăn cản? Thật ra, chỉ là bố thấy không thể sống cùng mẹ thêm nữa, mặc dù có Chúa chứng giám là cô ấy không đáng phải nhận điều này…”

    Chắc chắn là thế, tôi nghĩ.

    “Bởi vì con biết toàn bộ chuyện này là gì rồi chứ?” bố tôi hỏi, dựa cùi chỏ vào khung cửa sổ và nhìn tôi đầy khôn ngoan. “Chuyện bố bỏ đi? Bố đã phải rút ít tiền từ tài khoản của bố và mẹ để trả một số khoản thuế và rồi mẹ lại trừng mắt lên như muốn nói bố đã ăn cắp nó.” Ông đang cẩn thận theo dõi biểu hiện của tôi, tìm kiếm một câu trả lời.

    Tôi không biết phải nói gì. Đó là lần đầu tiên tôi nghe về cái gọi là thuế, mặc dù tôi chẳng xa lạ gì cái chuyện mẹ tôi không hề tin tưởng bố tôi với chuyện tiền bạc.

    “Chúa ơi, nhưng mẹ con đúng là không bao giờ ngừng trách cứ,” ông nói, với giọng điệu rền rĩ nửa hài nước, tay vuốt mặt. “Lúc nào cũng phải trả đũa. Phải cân bằng tỉ số. Bởi vì, bố nói nghiêm túc đấy – cô ấy chẳng bao giờ quên cái gì đâu. Nếu cô ấy phải đợi hai mươi năm thì cô ấy cũng sẽ đợi để có dịp đáp trả con. Và hẳn rồi, bố thì lúc nào cũng đóng vai một thằng tồi và có lẽ bố đúng một thằng tồi…”

    Bức tranh dù nhỏ nhưng đang nặng dần, và mặt tôi thì đóng băng lại vì đã dồn hết tâm trí vào việc che giấu sự khó chịu của mình. Để át giọng của ông tôi bắt đầu đếm thầm một mình bằng tiếng Tây Ban Nha. Uno dos tres, cuatro cinco seis…Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Trước khi tôi đếm được tới hai mươi chín thì Xandra xuất hiện.

    “Larry,” cô ta nói, “anh và vợ có ngôi nhà đẹp thật đấy.” Cách mà cô ấy nói khiến tôi thấy đồng cảm nhưng cũng chẳng thích cô ta hơn tí nào.

    Bố tôi vòng tay qua eo cô ta và kéo cô ta lại gần cùng những cử chỉ sờ soạng khiến tôi thấy phát ốm. “Thì,” ông nói khiêm tốn, “nó có vẻ giống của cô ta hơn là của anh.”

    Chắc chắn là thế rồi, tôi nghĩ.

    “Vào đây,” bố tôi nói, nắm tay cô ta và dẫn cô ta ra hướng phòng ngủ của mẹ tôi, mọi ý nghĩ trong tôi biến mất. “Anh muốn cho em xem cái này.” Tôi quay qua nhìn họ khuất bóng, bực bội vì viễn cảnh Xandra và bố tôi sục sạo qua tất thảy đồ đạc của mẹ nhưng tôi cũng quá vui vì họ đi đến mức chẳng thèm quan tâm nữa.

    Mắt vẫn hướng ra hành lang trống không, tôi đi tới bên kia giường và đặt bức tranh khuất khỏi tầm nhìn. Một tờ Bưu điện New York nằm trên sàn – chính là tờ báo mà mẹ đã ném vào phòng cho tôi, vào ngày chủ nhật cuối cùng hai chúng tôi ở cùng nhau. Này, cậu bé, mẹ nói trong khi ló đầu qua khe cửa, chọn một bộ phim đi. Mặc dù có khá nhiều phim mà cả hai chúng tôi cùng thích, tôi đã chọn bộ phim mở màn liên hoan phim Boris Karloff: The Body SnatcherVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Mẹ đã đồng ý với sự lựa chọn của tôi mà không một lời phàn nàn; chúng tôi đã xuống rạp Film Forum, xem phim, và sau khi kết thúc thì cùng đi với cửa hàng Moondance Diner để ăn hamburger – một buổi chiều chủ nhật hoàn toàn thư giãn, ngoại trừ việc đó chính là buổi chiều cuối cùng của mẹ tôi trên trần gian, và giờ tôi thấy như cạn hết sức sống mỗi khi nghĩ lại chuyện đó, vì (nhờ có tôi) bộ phim cuối cùng mà mẹ xem lại là thể loại kinh dị nhảm nhỉ cũ rích về xác người và trộm mộ. (Nếu tôi chọn bộ phim mà mình biết là mẹ sẽ thích xem – bộ phim được đánh giá cao kể về những đứa trẻ Paris trong Thế chiến I – thì có lẽ mẹ sẽ không chết chăng? Tâm trí của tôi vẫn thường chạy theo những suy nghĩ hối hận và mê tín như thế.)

    Mặc dù những tờ báo thì thường là không được xâm phạm tới, dù gì cũng là những tài liệu quan trọng, nhưng tôi vẫn giở ra giữa tờ và xé làm đôi. Một cách dứt khoát, tôi bọc bức tranh lại, dùng từng tờ một, và dán lại bằng chính cuộn băng dính tôi dùng để gói quá Giáng sinh cho mẹ mới vài tháng trước. Hoàn hảo! mẹ sẽ nói vậy, khi trước mặt là một mớ giấy màu, mẹ sẽ đứng đó trong chiếc áo choàng tắm và hôn tôi một cái: bộ màu nước đó mẹ sẽ không bao giờ có thể mang tới công viên nữa, vào những sáng chủ nhật mẹ sẽ không bao giờ còn trông thấy tôi nữa.

    Giường của tôi – một cái gường có khung bằng đồng mua từ chợ trời, rất vững chắc và kín đáo – đã luôn là nơi an toàn nhất trên thế giới để giấu đồ đạc. Nhưng giờ đây, nhìn quanh quất (giấy lộn tùng phèo trên bàn, poster Godzilla của Nhật Bản, cái cốc hình chim cánh cụt mua ở sở thú được tôi dùng làm ống cắm bút chì), tôi bỗng cảm nhận rõ sự bấp bênh ở đây đã tác động mạnh lên tôi ra sao; và nó khiến tôi choáng váng khi nghĩ rằng tất cả đồ đạc của chúng tôi sẽ bay ra khỏi căn hộ, đồ gỗ và đồ bạc cùng quần áo của mẹ tôi: những bộ váy hàng trưng bày còn nguyên mác, tất cả những đôi giày múa ballet sặc sỡ và những chiếc áo được may với chữ cái đầu tên mẹ ở cổ tay áo. Những chiếc ghế và những chiếc đèn Trung Hoa, những đĩa hát nhạc jazz mà bà mua ở khu Village, những hũ mứt cam, oliu và cùng mù tạt cay chói trong tủ lạnh. Trong phòng tắm, một cơ man nào là dầu thơm và sữa dưỡng ẩm, sữa tắm bong bóng nhiều màu, những chai dầu gội đắt quá mức giờ chỉ còn một nửa đang chen chúc trên giá bên cạnh bồn tắm (hiệu Kiehl’s, Klorane, Kérastase, mẹ tôi luôn có tầm năm, sáu loại thường trực). Làm sao mà căn nhà này đã có thể trông thật chắc chắn và vĩnh cửu trong khi nó chỉ là một bối cảnh nhân tạo đang chờ được kéo sập và mang đi bởi những người chuyển đồ chứ?

    Khi bước vào phòng khách, tôi bắt gặp chiếc áo len của mẹ đang vắt lên ghế nơi bà đã để nó, một linh hồn màu xanh da trời của mẹ tôi. Những vỏ sò mà chúng tôi nhặt trên bãi biển ở Wellfleet. Những cây lan dạ hương mà mẹ mua ở chợ Hàn Quốc vài ngày trước khi bà mất thì cành lá đã chết quắt queo và rủ xuống thành chậu. Trong thùng rác: những tấm quảng cáo từ hiệu sách Dover, giày Belgian; một lớp vỏ hộp bánh xốp Necco, thứ đã từng là đồ yêu thích của mẹ. Tôi nhặt nó lên và hít nó. Chiếc áo len – tôi biết – cũng sẽ có mùi của mẹ nếu tôi nhặt lên và áp nó vào mặt mình, nhưng chỉ riêng việc nhìn nó thôi đã là quá sức chịu đựng của tôi rồi.

    Tôi quay trở lại phòng mình và đứng lên ghế ngồi học để lấy va li xuống – rất mềm mại và không quá to – rồi cho vào đó đồ lót sạch, quần áo mặc đi học sạch, và những chiếc áo được gấp gọn khi lấy từ tiệm giặt ủi về. Sau đó tôi đặt bức tranh vào, rồi thêm một lớp quần áo nữa lên trên.

    Tôi kéo khóa va li – không có khóa cài, chỉ là vải bạt – và đứng rất vững. Rồi tôi ra ngoài phòng khách. Tôi có thể nghe thấy tiếng ngăn kéo đóng mở trong phòng mẹ tôi. Cả tiếng cười rúc rích nữa.

    “Bố,” tôi nói lớn, “con đi xuống nói chuyện với chú Jose đây.”

    Giọng họ ngay lập tức im bặt.

    “Chắc chắn rồi,” bố tôi nói, qua cánh cửa đóng chặt, với giọng hiền hòa bất thường.

    Tôi quay lại lấy va li và ra khỏi căn hộ cùng với nó, để cửa trước mở hé để tôi có thể vào lại. Rồi tôi leo vào thang máy để đi xuống, nhìn chằm chằm vào tấm gương trước mặt, cố hết sức không nghĩ tới việc Xandra đang ở trong phòng mẹ và lục lọi quần áo của bà. Có phải bố tôi đã gặp gỡ cô ta trước khi ông bỏ đi không? Chẳng lẽ ông không có tí rùng mình nào khi cứ để cô ta sục vào đồ đạc của mẹ tôi hay sao?

    Tôi đang đi ra cửa chính tòa nhà nơi Jose làm việc thì có tiếng gọi giật: "Chờ chút đã!"

    Quay lại, tôi thấy Goldie đang vội vã phóng ra từ phòng đóng gói đồ đạc.

    "Theo, lạy Chúa, ta rất tiếc," chú nói. Chúng tôi đứng đó nhìn nhau không biết bao lâu và rồi - trong một cử động vô cùng bộc phát, khó hiểu và ngượng ngùng đến mức trở nên buồn cười, chú ấy vòng tay qua ôm lấy tôi.

    "Thật đáng tiếc," chú tiếp tục nói, lắc đầu quầy quậy. "Chúa ơi, đúng là thảm họa." Goldie, kể từ khi li dị vợ, vẫn thường làm cả các buổi đêm cũng như ngày nghỉ lễ, luôn đứng ở cửa với đôi bàn tay trần không có găng và một điếu xì gà đã tắt ngúm trên tay, mắt nhìn xa xăm ngoài đường phố. Mẹ tôi vẫn thường bảo tôi xuống cầm theo cà phê và bánh doughnut cho chú khi chú phải đứng ở sảnh khách sạn một mình, không có ai bầu bạn ngoài cây thông và cây đàn menorah gắn đèn điện, trong khi chú vẫn một mình phân loại báo vào lúc năm giờ sáng ngày Giáng sinh, và biểu hiện trên gương mặt chú thì làm tôi liên tưởng đến những buổi sáng nghỉ lễ ảm đảm, ánh mắt trống rỗng, gương mặt phủ bụi và đầy nghi ngại, trong cái khoảnh khắc trước khi chú thấy tôi và đeo lên nụ cười chào cậu bé đẹp tuyệt vời.

    "Ta đã lo lắng cho cháu và mẹ cháu rất nhiều," chú nói, tay đưa lên quệt lông mày. "Thật xui xẻo. Ta không thể - và cũng không bao giờ hiểu hết được những gì cháu phải trải qua.”

    “Vâng,” tôi nói, nhìn ra chỗ khác, “đã thật là khó khăn” – đây chính là cụm mà tôi vẫn thường xuyên vận dụng mỗi khi có ai đó nói cho tôi rằng họ thấy rất tiếc. Tôi đã phải nói những từ đó rất nhiều đến mức nó bắt đầu tuôn ra trơn tru và có phần giả tạo.

    “Ta rất vui vì cháu đã ghé qua,” Goldie nói. “Sáng hôm đó – là ca trực của ta, cháu nhớ chứ? Ngay phía trước tòa nhà đó?”

    “Chắc chắn là cháu vẫn nhớ,” tôi nói, tự hỏi sao chú phải nói khẩn trương thế làm gì, như thể chú ấy nghĩ rằng tôi không nhớ vậy.

    Ôi, lạy Chúa.” chú vuốt tay qua trán, ánh mắt có phần hoang dại, như thể chính chú ấy đã vừa may mắn thoát chết. “Mỗi ngày trôi qua ta đều không quên được hôm đó. Ta vẫn thấy khuôn mặt của cô ấy, cháu biết đấy, khi vào taxi? Vẫy tay chào, thật rạng rỡ.”

    Một cách lén lút, chú ấy cúi người về phía tôi. “Khi ta nghe tin cô ấy chết?” chú nói, như thể đang tiết lộ cho tôi một bí mật. “Ta đã gọi cho vợ cũ, ta buồn chán đến như vậy đấy.” Chú lại đứng thẳng người và nhìn tôi với cặp lông mày nhướng lên, như thể chú ấy không trông mong gì là tôi sẽ tin điều đó. Mâu thuẫn giữa Goldie và vợ chú ấy rất khủng khiếp.

    “Ý ta là, bọn ta ít khi nói chuyện với nhau,” chú nói, “nhưng ta biết trò chuyện với ai đây? Ta phải tâm sự với ai đó. Thế nên ta đã gọi cho cô ấy và nói: ‘Rosa, cô không tin được đâu. Bọn tôi vừa mất đi một quý bà xinh đẹp sống trong tòa nhà này.’ ”

    Jose – nhìn thấy tôi – đã dợm bước từ cửa lớn để cùng tham gia vào cuộc hội thoại, vẫn cái kiểu bước đi khẩn trương thường thấy. “Cô Decker,” chú nói – lắc đầu đầy tôn trọng, như thể chưa từng có một ai giống như mẹ tôi trên đời. “Luôn luôn nói xin chào, luôn luôn nở nụ cười dịu dàng ấy. Rất tận tâm, cháu biết mà.”

    “Không giống như một vài người trong tòa nhà này,” Goldie nói, đánh mắt ra đằng sau. “Cháu biết đấy… chú cúi xuống thấp hơn, và thì thào mấy chữ… “toàn trưởng giả học làm sang. Loại người chỉ đứng đó tay không cầm tí hành lý nào và chờ chúng ta mở cửa cho họ, là loại chú đang nói đến đấy.”

    “Cô ấy không như thế,” Jose nói, vẫn lắc đầu – rất mạnh mẽ, cứ như một đứa trẻ đang kiên quyết nói không. “Cô Decker chính là thuộc Hạng A.”

    “Này, cháu chờ ta một tí nhé?” Goldie nói và giơ tay lên. “Ta sẽ quay lại ngay. Đừng đi đâu. Đừng để thằng bé đi đâu nhé,” chú ấy nói với Jose.

    “Cháu có muốn chú gọi cho một cái taxi không, manitoVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ? Jose hỏi, mắt liếc nhìn cái va li.

    “Dạ không ạ,” tôi nói, quay lại xem chừng cái thang máy. “Nghe này, chú Jose, chú sẽ giữ cái này cho cháu tới khi cháu quay lại lấy chứ?”

    “Chắc chắn rồi,” chú nói, bê nó lên và đo sức nặng. “Rất vui lòng.”

    “Cháu sẽ tự quay lại lấy, được chứ? Chú đừng để ai khác lấy được.”

    “Được, chú hiểu rồi,” chú nói vui vẻ. Tôi đi theo chú ấy vào phòng để hành lý, nơi mà chú gắn nhãn cho cái túi và đưa nó lên tầng cao nhất.

    “Cháu thấy rồi chứ?” chú nói. “Hoàn toàn kín đáo, cháu yêu ạ. Bọn ta chẳng để thứ gì trên cao thế ngoại trừ những gói đồ mà mọi người phải ký gửi và những thứ đồ riêng của bọn ta thôi. Không ai có thể đưa cái túi đó cho cháu nếu không có chữ ký của riêng cháu, hiểu chứ? Không đưa cho cô dì chú bác hay anh em họ, không ai hết. Và chú cũng sẽ bảo Carlos và Goldie cùng những người khác nữa, không đưa cái túi cho bất kỳ ai ngoài cháu. Được chưa?”

    Tôi gật đầu, đang chuẩn bị nói cám ơn thì Jose liền hắng giọng. “Nghe này,” chú nói bằng giọng thì thào. “Chú không muốn làm cháu lo lắng hay gì cả nhưng đã có vài anh chàng tới đây hỏi về cha cháu đấy.”

    “Anh chàng?” tôi nói, sau sự im lặng rụng rời. “Vài anh chàng,” mà Jose nói tới, chỉ có thể mang một nghĩa duy nhất: những người chủ nợ của bố tôi.

    “Đừng lo. Bọn chú chẳng nói gì với họ hết. Ý chú là, bố cháu đã đi được bao lâu rồi, một năm rồi đúng không? Carlos nói rằng chẳng còn ai sống ở đây và họ cũng không quay lại nữa. Nhưng mà…” chú liếc về phía thang máy… “có lẽ bố cháu, ông ấy sẽ không muốn ở lâu trong tòa nhà vào lúc này đâu, cháu hiểu ý chú không?”

    Tôi liền cám ơn chú đúng lúc Goldie quay trở lại với thứ có vẻ như một cuộc tiền khổng lồ. “Cái này dành cho cháu,” chú nói, hơi có vẻ mùi mẫn.

    Trong một phút, tôi đã nghĩ là mình nghe nhầm. Jose húng hắng ho và quay mặt ra chỗ khác. Trong phòng để đồ, trên chiếc ti vi đen trắng (màn hình không to hơn cái hộp đựng đĩa CD là bao) đang có một người phụ nữ quý tộc đeo khuyên tai lủng lẳng đang giơ nắm đấm và chửi rủa những người thầy tu sợ sệt bằng tiếng Tây Ban Nha.

    “Chuyện gì thế này?” tôi hỏi Goldie, người vẫn đang giơ ra cuộn tiền.

    “Mẹ cháu, cô ấy không nói gì cho cháu à?”

    Tôi bối rối không hiểu gì. “Nói gì cho cháu?”

    Có vẻ như – vào một ngày không lâu trước Giáng sinh – Goldie đã đặt hàng một cái máy tính và nó được chuyển tới tòa nhà. Chiếc máy tính là cho con trai của Goldie, người cần nó để học, nhưng (Goldie không nói rõ về phần này) Goldie thực ra đã không trả tiền, hoặc chỉ mới trả một phần, hoặc vợ cũ chú ấy đáng ra phải trả thay vì là chú ấy. Dù sao thì, những người chuyển hàng lại đang lôi chiếc máy tính ra khỏi cửa và định cho lại vào xe tải đúng lúc mẹ tôi tình cờ đi xuống và thấy mọi chuyện.

    “Và cô ấy đã trả tiền, người phụ nữ xinh đẹp ấy,” Goldie nói. “Cô ấy hiểu chuyện gì đang xảy ra, và cô ấy mở túi lấy ra quyển séc của mình. Cô ấy nói với tôi, ‘Goldie, tôi biết là con trai anh cần cái này để học hành. Hãy để tôi làm điều này cho anh, anh bạn, và anh có thể trả lại tôi khi nào có thể.’ ”

    “Cháu thấy không?” Jose nói, giọng nói đột nhiên trở nên mãnh liệt, đang hướng mắt từ màn hình ti vi ra phía chúng tôi, trên ti vi là hình ảnh người phụ nữ đang đứng ở một bãi tha ma và tranh cãi với một gã tư bản đeo kính râm. “Chính mẹ cháu đã làm việc đó.” Chú ấy gật đầy về hướng cục tiền, gần như giận dữ. “Sí, es verdadVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, cô ấy thuộc Hạng A. Cô ấy luôn quan tâm tới mọi người, cháu biết chứ? Hầu hết những người đàn bà khác ấy à? Họ sẽ tiêu số tiền đó vào khuyên tai vàng, nước hoa hay thứ gì đó cho bản thân.”

    Tôi cảm thấy mất tự nhiên khi nhận số tiền đó, dù lí do có là gì đi nữa. Ngay cả khi tôi đang ngạc nhiên đi nữa thì vài điều trong câu chuyện này vẫn thật khó tin (cửa hàng kiểu gì lại đi vận chuyển một chiếc máy tính mà chưa được thanh toán?). Sau rồi tôi mới tự hỏi: liệu có phải tôi trông kiệt quệ quá, đến nỗi những người gác cửa đã cho tôi khoản tiền tiết kiệm được đó? Tôi vẫn không biết số tiền đó từ đâu ra; và tôi cũng ước là mình hỏi họ nhiều điều hơn, nhưng tôi đã quá bất ngờ vì những chuyện xảy ra hôm đó (và trên hết là sự xuất hiện đột ngột của bố tôi và Xandra) đến nỗi nếu Goldie có đứng trước mặt và đưa tôi một mẩu bã kẹo cao su mà chú ấy cạo được từ sàn nhà thì tôi cũng sẽ chìa tay ra và ngoan ngoãn nhận lấy.

    “Không phải việc của chú,” Jose nói, mắt nhìn qua đầu tôi về phía sau, “nhưng nếu chú là cháu thì ta sẽ không nói cho ai về số tiền này. Cháu hiểu không?”

    “Chuẩn đấy, hãy cho nó vào túi đi,” Goldie nói. “Đừng có đi loanh quanh mà phe phẩy nó trong tay như thế. Nhiều người trên phố sẵn sàng giết cháu để lấy được số tiền đó đấy.”

    “Nhiều người trong tòa nhà này thì có!” Jose nói, đột nhiên phá lên cười khoái trá.

    “Ha!” Goldie cũng bật cười, và rồi nói gì đó bằng tiếng Tây Ban Nha mà tôi không hiểu.

    CuidadoVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link,” Jose nói – lắc đầu theo cái kiểu quen thuộc của chú ấy, giả-vờ-nghiêm-túc, nhưng vẫn không thể nhịn cười. “Đó là lí do họ không cho Goldie và chú cùng làm ở một tầng,” chú ấy nói với tôi. “Họ phải tách bọn chú ra. Bọn chú lúc nào cũng quá ư là vui vẻ.”


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tiếng Tây Ban Nha: “Xin chào, Jose!”

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Vụ nổ!

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Bố cháu muốn vào căn hộ, chú cần phải mở cửa

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Chú có thể cùng đi lên được không?

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Chốc lát thôi

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Một hai ba, bốn năm sáu…

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tạm dịch: Kẻ trộm xác.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link bàn tay nhỏ

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Đúng, đúng vậy

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Cẩn thận đấy
     
    ichono87, dakedo, tamchec and 2 others like this.
  5. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    xix.

    MỘT KHI BỐ TÔI VÀ XANDRA xuất hiện, mọi chuyện bắt đầu đi rất nhanh. Trong bữa tối hôm đó (ở một nhà hàng toàn khách du lịch mà tôi thấy thật đáng ngạc nhiên khi bố tôi chọn nó), ông có nhận một cuộc điện thoại ngay tại bàn ăn từ ai đó ở công ty bảo hiểm của mẹ tôi – những thứ mà, ngay cả những năm sau này, tôi vẫn ước là mình nghe được nhiều hơn. Nhưng cái nhà hàng quá ồn áo và Xandra (xen giữa những ngụm vang trắng – có thể ông ấy đã bỏ được rượu nhưng chắc chắn là cô ta thì chưa) vẫn đang liên tục phàn nàn vì cô ta không được hút thuốc và nói chuyện với tôi bằng cái giọng chếnh choáng về việc hồi xưa cô ta đã học mấy trò ma thuật từ một cuốn sách trong thư viện trường trung học, đâu đó ở Fort Lauderdale. (“Thật ra nó được gọi là Wicca. Đó là một tôn giáo có thật.”) Với bất cứ ai khác thì tôi sẽ hỏi đích xác mấy trò ma thuật đó là gì (những câu thần chú và lời nguyền? đánh nhau với quỷ dữ?) nhưng trước khi tôi kịp có cơ hội thì cô ta lại tiếp tục nói, về việc cô ta đã có cơ hội đi học đại học nhưng thật tiếc là cô ta lại không chớp lấy (“Ta sẽ nói cho cháu môn học mà ta thích. Lịch sử nước Anh và những thứ như thế. Vua Henry đời thứ tám, Nữ hoàng Mary của Scotland”). Nhưng rồi cuối cùng cô ta lại không đi học vì đã quá say mê người đàn ông này. “Say mê,” cô ta dài giọng, nhìn trực diện vào tôi bằng đôi mắt sắc lạnh không màu.

    Tại sao quá say mê người đàn ông này lại khiến Xandra không thể tiếp tục học đại học, tôi không bao giờ biết, vì lúc đó bố tôi đã nghe máy xong. Ông ấy gọi (thứ mà khiến tôi thấy thật buồn cười) một chai sâm panh.

    “Em không uống được cái đồ quái quỷ này đâu,” Xandra nói, trong khi đang chuẩn bị làm ly rượu vang thứ hai. “Nó làm em đau đầu.”

    “Vậy thì, nếu bố không uống được sâm panh, thì con có thể uống một chút,” bố tôi nói, ngả người ra sau.

    Xandra gật đầu về phía tôi. “Hãy để thằng bé uống một chút” cô ta nói. “Phục vụ, đem một ly nữa tới đây.”

    “Xin lỗi,” người bồi bàn nói, một anh chàng người Ý rắn rỏi trông có vẻ là người đã có kinh nghiệm trong việc xử lý các du khách mất kiểm soát. “Không đồ uống có cồn nếu cậu bé dưới mười tám tuổi.”

    Xandra bắt đầu lục lọi chiếc ví. Cô ta đang mặc một chiếc váy cổ yếm màu nâu, và cô ta có một vết phấn hồng hoặc phấn màu đồng hoặc thứ bột nâu nào đó dính ở dưới xương gò má đậm đến mức tôi chỉ muốn dùng ngón tay mình phủi nó đi.

    “Mình cùng ra ngoài hút thuốc đi,” cô nói với bố tôi. Họ trao đổi qua lại cái nhìn đầy tình tứ trong một khoảng thời gian dài khiến tôi rùng mình. Rồi Xandra đẩy ghế ra sau – rơi khăn ăn trên ghế - và nhìn quanh tìm người bồi bàn. “Ôi, may quá, anh ta biến rồi,” cô ta nói, giơ tay ra lấy ly nước (gần hết) của tôi và lén đổ sâm panh vào.

    Thức ăn đã được đưa tới và tôi cũng tự giấu giếm mà rót cho mình một ly sâm panh nữa trước khi họ quay lại. “Yum!” Xandra thốt lên, nhìn rạng rỡ và có vẻ sáng bóng, kéo chiếc váy ngắn cũn cỡn xuống, đi vòng quanh bàn và trườn vào ghế ngồi mà chẳng buồn kéo hết ghế ra ngoài. Cô ta giũ khăn ăn và trải lên đùi rồi kéo đĩa mỳ ống đỏ tươi khổng lồ về phía mình. “Trông tuyệt đấy!”

    “Của anh cũng thế,” bố tôi nói, người luôn kĩ tính về đồ ăn Ý, và người mà tôi biết là rất hay phàn nàn về những đĩa pasta quá nhiều tương cà, ướt nhẹp sốt marinara giống y như đĩa đồ ăn trước mặt ông lúc này.

    Khi họ ngấu nghiến thức ăn (thứ mà đã khá nguội, vì họ đã đi ra ngoài khá lâu), họ lại tiếp tục cuộc hội thoại ở chỗ còn dang dở. “Ừm, dù sao thì cũng không hiệu quả,” ông ấy nói, tựa lưng vào ghế và xoay xoay điếu xì gà mà ông không thể châm lên. “Chuyện là thế đấy.”

    “Em cá là anh đã làm rất tốt rồi.”

    Ông nhún vai. “Ngay cả khi em còn trẻ,” ông nói, “thì nó vẫn là một trò chơi khó khăn. Không chỉ cần tài năng thôi đâu. Nó còn liên quan đến cả diện mạo bên ngoài và sự may mắn nữa.”

    “Nhưng mọi thứ vẫn chẳng thay đổi gì,” Xandra nói, dùng đàu ngón tay bọc khăn ăn để chấm nhẹ vào khóe môi. “Vẫn là một tài tử. Em có thể thấy rõ điều đó.” Sự nghiệp diễn xuất đứt đoạn của bố tôi là một trong những chủ đề ưa thích của ông và – mặc dù cô ta có vẻ hứng thú – có thứ gì đó nói cho tôi rằng đây không phải lần đầu tiên cô ta nghe về nó.

    “Anh có ước là mình vẫn tiếp tục công việc đó không?” Bố tôi chăm chú ngắm lon bia không cồn của mình (hoặc là ba phần trăm cồn nhỉ? Tôi không nhìn rõ). “Anh phải thừa nhận là có. Đó là một trong những sự hối tiếc của cả cuộc đời. Anh luôn muốn làm việc gì đó với tài năng của mình nhưng lại không có được điều xa xỉ ấy. Cuộc đời đúng là luôn có những cách ngăn cản rất nực cười.”

    Họ vẫn đắm đuối trong thế giới riêng của họ; vì tất cả sự chú ý dành cho tôi dường như đã bị bỏ lại hết ở Idaho rồi nhưng với tôi thì chẳng sao cả; tôi biết câu chuyện mà họ đang nói tới. Bố tôi, người từng là một ngôi sao truyền hình hồi đại học, thì sau đó cũng kiếm sống bằng nghề diễn viên: lồng tiếng cho quảng cáo, vài vai phụ nhỏ nhỏ (một anh chàng dân chơi bị ám sát, đứa con hư hỏng của một ông sếp bự) trên ti vi và trong vài phim điện ảnh. Rồi – sau khi lấy mẹ tôi – mọi thứ đổ bể hết. Ông ấy có hẳn một danh sách các lí do tại sao ông ấy không thể đột phá trong nghiệp diễn được, mặc dù tôi vẫn thường nghe ông nói là: nếu mẹ tôi thành công hơn chút trong nghiệp người mẫu hoặc chăm chỉ làm việc đó hơn, thì tài chính sẽ đầy đủ hơn và ông ấy có thể tập trung hơn vào việc diễn xuất mà không phải lo lắng về một công việc.

    Bố tôi đẩy đĩa sang một bên. Tôi nhận ra là ông không ăn được nhiều lắm – với bố tôi, thì đó thường là dấu hiệu cho việc ông đã uống rượu, hoặc sắp sửa uống.

    “Có những lúc mà anh phải nuốt vào trong những sự mất mát của mình và cuốn xéo ra khỏi cửa,” ông nói, tay vò nhàu cái khăn ăn rồi ném nó lên bàn. Tôi tự hỏi liệu ông có kể cho Xandra về Mickey Rourke, người mà ông coi là kẻ phản diện chính, ngoài tôi và mẹ ra, trong việc phá hủy sự nghiệp của ông.

    Xandra uống một hớp rượu. “Anh có bao giờ nghĩ về việc quay trở lại công việc đó chưa?”

    “Anh có nghĩ về nó, chắc chắn là thế rồi. Nhưng mà…” ông lắc đầu như thể đang từ chối một yêu cầu quá thể đáng… “không. Chắc chắn câu trả lời là không.”

    Rượu sâm panh vẫn đọng lại ở vòm họng tôi – một cảm giác xa xôi, phủ đầy chất bụi lấp lánh, được giữ toàn vẹn trong những năm tháng hạnh phúc khi mẹ tôi còn sống.

    “Ý anh là, ngay từ giây đầu tiên hắn trông thấy anh, anh biết là hắn không thích anh rồi,” bố tôi từ tốn nói chuyện với cô ta. Vậy là ông đã kể cho cô ta về Mickey Rourke.

    Cô ta ngửa cổ dốc cạn chỗ rượu còn lại. “Những kẻ như thế có bao giờ chịu được sự cạnh tranh.”

    “Lúc nào cũng được nghe Mickey thế này, Mickey thế nọ, Mickey muốn gặp anh, nhưng ngay giây phút anh bước vào anh biết là mọi chuyện đã tiêu tùng.”

    “Rõ ràng hắn ta là một tên kỳ quái.”

    “Lúc đó thì hắn ta chưa hẳn là kỳ quái. Bởi vì, nói thật nhé, hồi đó đã có một sự tương đồng không hề nhỏ - không chỉ về diện mạo, mà anh và hắn còn có phong cách diễn tương tự nhau. Hoặc là nói thế này đi, anh được đào tạo theo kiểu cổ điển, anh có thể loại riêng của mình, nhưng anh cũng có thể diễn theo kiểu tĩnh như của Mickey, em biết đấy, cái kiểu thì thầm đó…”

    “Oooh, anh làm em rùng mình đấy. Thì thầm. Giống cái kiểu anh đang nói đấy.”

    “Đúng thế đấy, nhưng Mickey vẫn là ngôi sao. Không thể nào có chỗ cho cả hai người.”

    Trong khi ngắm nhìn họ ăn chung chiếc bánh kem pho mát như những đôi chim câu trong quảng cáo, tôi dần chìm vào dòng chảy suy nghĩ nhuốm màu đỏ đầy lạ lẫm, ánh sáng phòng ăn quá chói và mặt tôi thì nóng như thiêu vì sâm panh, đầu tôi quay cuồng nhớ về mẹ mình sau khi bố mẹ của bà qua đời và bà phải tới sống cùng người dì Bess, trong một căn nhà gần đường ray xe lửa với giấy dán tường màu nâu và tấm phủ nội thất bằng nhựa. Dì Bess – người rán mọi thứ với dầu Crisco, và đã dùng kéo cắt tan tành một trong số những chiếc váy của mẹ tôi vì những họa tiết bay bổng đó làm bà ấy nổi điên – thì có vẻ ngoài mập mạp, tính cách gay gắt, một bà cô không chồng người Mỹ lai Ai-len, người đã từ bỏ Nhà thờ Công giáo để đi theo một giáo phái điên cuồng nào đó tin rằng việc uống trà và uống thuốc giảm đau là sai trái. Mắt của bà dì – trong một bức ảnh mà tôi được nhìn – thì có cái màu xanh ánh bạc y như của mẹ tôi, chỉ có điều mắt bà dì này có quầng đỏ và trông điên dại hơn, trên một khuôn mặt khoai tây đờ đẫn. Mẹ tôi đã kể mười tám tháng sống với dì Bess là thời gian bất hạnh nhất trong cuộc đời bà – những chú ngựa đều bị bán hết, chó thì bị cho đi, những lần chia tay đẫm nước mắt bên đường, vòng tay bám chặt lấy cổ của Clover, Chalkboard, Paintbox và Bruno. Quay trở lại nhà, dì Bess còn nói rằng mẹ tôi đã bị làm hư, và rằng những người mà không sợ Chúa thần thì sẽ phải nhận những gì họ đáng phải nhận.

    “Còn nhà sản xuất thì, em thấy đấy – ý anh là họ đều biết Mickey là thế nào, mọi người đều biết, hắn ta vốn đã có tiếng là tính tình khó chịu rồi…”

    “Bà không đáng phải nhận nó,” tôi nói lớn, ngắt quãng cuộc hội thoại của họ.

    Bố và Xandra dừng nói chuyện và nhìn tôi như thể tôi đã biến thành một con quái vật Gila.

    “Ý con là, ai lại đi nói điều đó chứ?” tôi thật không đúng khi quát tướng lên như vậy, nhưng từ ngữ cứ tuôn khỏi miệng tôi mà không dừng được như thể ai đó đã nhấn một cái nút. “Mẹ thật tuyệt vời và tại sao ai cũng xử tệ với mẹ chứ? Mẹ không bao giờ đáng phải nhận những chuyện đã xảy ra.”

    Bố tôi và Xandra nhìn nhau. Rồi ông ra dấu hiệu tính tiền.


    xx.

    TRƯỚC KHI CHÚNG TÔI rời nhà hàng, mặt tôi đã nóng phừng phừng và có tiếng rú rít trong tai tôi, và đến khi tôi về được căn hộ của nhà Barbour, lúc đó chưa hẳn muộn nhưng bằng cách nào đó tôi đã vấp vào cái giá để ô và gây ra khá nhiều tiếng ồn, tới khi ông bà Barbour trông thấy tôi thì tôi có thể nhận ra (từ biểu cảm gương mặt họ thay vì từ cảm giác của tôi) rằng tôi đã say.

    Ông Barbour nhấn điều khiển tắt ti vi. “Cháu đã ở đâu vậy?” ông hỏi bằng giọng cứng rắn nhưng đầy quan tâm.

    Tôi với tới lưng ghế sofa. “Cháu ra ngoài với Bố và…” Nhưng tên cô ta đã biến mất khỏi tâm trí tôi, không còn gì ngoài một chữ X.

    Bà Barbour nhướng lông mày lên nhìn chồng như muốn nói: em đã nói gì với anh rồi?

    “Thôi được, vào giường ngủ đi anh bạn,” ông Barbour nói giọng vui vẻ, cái giọng mà có thể khiến tôi cảm thấy tốt hơn chút ít về cuộc sống này, dù có gì xảy ra đi nữa. “Nhưng cố đừng đánh thức Andy nhé.”

    “Cháu không thấy đau ốm ở đâu chứ?” bà Barbour hỏi.

    “Không ạ,” tôi đáp, mặc dù tôi có thấy đau ốm thật; và phần lớn thời gian đêm đó tôi đã trằn trọc ở giường tầng trên, khổ sở và lăn lộn khi cả căn phòng cứ xoay mòng mòng xung quanh, và đôi lúc còn hoảng hốt đến thót tim vì cứ tưởng rằng Xandra đang bước vào phòng và nói chuyện với tôi: từ ngữ thì không rõ, nhưng cái giọng khàn và lắp bắp ấy thì không lẫn vào đâu được.


    xxi.

    “VẬY,” ÔNG BARBOUR NÓI vào bữa sáng ngày hôm sau, khi vỗ lên vai tôi và kéo chiếc ghế bên cạnh tôi ra sau, “bữa tối vui vẻ cùng ông Bố cũ, phải không?”

    “Vâng, thưa ông.” Tôi đã bị một cơn đau đầu như nứt sọ, và mùi bánh mỳ Pháp nướng khiến bụng tôi quặn lại. Etta cũng không thèm giấu giếm mà đem cho tôi một tách cà phê từ bếp cùng với hai viên giảm đau aspirin trên chiếc đĩa để cốc.

    “Cháu nói là từ Las Vegas phải không?”

    “Đúng vậy ạ.”

    “Và ông ấy kiếm cơmVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link bằng cách nào?”

    “Gì cơ ạ?”

    “Ông ấy bận rộn gì ở ngoài đó?”

    “Chance,” bà Barbour gọi bằng giọng không cảm xúc.

    “Ừm, ý ta muốn nói…” ông Barbour nói, nhận ra câu hỏi đó không có vẻ gì là tinh tế, “ông ấy đang làm trong ngành gì?”

    “Ừm…” tôi nói… và rồi ngưng bặt. Bố tôi đang làm gì? Tôi không hề biết.

    Bà Barbour – người dường như đang không thoải mái với hướng đi của cuộc hội thoại này – có vẻ như chuẩn bị nói gì đó; nhưng Platt – ngồi cạnh tôi – đã bực dọc lên tiếng giùm. “Vậy con phải hỏi ai để có được một tách cà phê đây?” anh ấy nói với mẹ mình, đẩy ghế ra đằng sau với bàn tay vẫn đặt trên bàn.

    Một sự im lặng đến ớn lạnh.

    thì có,” Platt nói, hất đầu về phía tôi. “về nhà khi đang say, và được uống cà phê?”

    Sau một hồi im lặng đến ớn lạnh nữa, ông Barbour đã lên tiếng – bằng giọng lạnh lùng thậm chí đủ để khiến bà Barbour phải hổ thẹn – “Đủ rồi đấy, Platt.”

    Bà Barbour khiến hai bên lông mày nhạt màu của bà gần như chạm nhau. “Chance…”

    “Không, lần này em sẽ không che chắn được cho nó nữa đâu. Về phòng con đi,” ông nói với Platt. “Ngay bây giờ.”

    Chúng tôi đều ngồi đó nhìn chằm chằm vào đĩa ăn của mình, nghe theo tiếng bước chân giận dữ của Platt, tiếng sập cửa điếc tai, và rồi – và giây sau – tiếng nhạc nhức óc lại bắt đầu. Không ai nói gì nhiều trong phần còn lại của bữa ăn nữa.



    xxii.

    BỐ TÔI – NGƯỜI THÍCH làm mọi thứ thật nhanh chóng, luôn sốt ruột phải “bắt tay vào làm ngay” như ông vẫn hay nói – đã tuyên bố rằng ông dự kiến gói gọn mọi thứ ở New York và ba chúng tôi sẽ tới Las Vegas một tuần sau đó. Và ông làm y như những gì ông nói. Vào tám giờ sáng thứ hai đó, những người chuyển đồ đã có mặt ở tòa Sutton Place và bắt đầu tháo dỡ căn hộ, đóng đồ vào cái thùng nhỏ. Một nhà mua bán sách cũ đã tới xem xét số sách nghệ thuật của mẹ tôi, và ai đó khác nữa cũng tới để xem xét đồ nội thất của bà – và, gần như trước khi tôi kịp nhận ra, thì ngôi nhà của tôi đã biến mất ngay trước mắt với tốc độ nhanh đến đáng ghét. Tận mắt thấy những lớp rèm cửa biến mất, tranh ảnh bị tháo xuống, thảm được cuốn lên và mang đi, tôi bỗng nhớ tới một bộ phim hoạt hình mà tôi từng xem nơi mà một nhân vật hoạt hình với chiếc tẩy đã xóa đi cái bàn, cái đèn, cái ghế và cả cửa số có khung cảnh đẹp cũng như cả cái văn phòng đẹp đẽ của mình cho tới khi – cuối cùng – chỉ còn chiếc tẩy chỏng chơ giữa một biển màu trắng.

    Khổ sở khi trông thấy những gì đang diễn ra, mà lại không thể ngăn nó lại, tôi chỉ biết đi quanh và ngắm nhìn căn hộ biến mất từng chút một, như một con ong ngắm nhìn tổ của nó bị phá hủy. Trên bức tường sau bàn làm việc của mẹ tôi (giữa vô số những bức ảnh chụp trong các kỳ nghỉ và những bức ảnh cũ thời đi học) là một tấm ảnh đen trắng từ thời bà còn làm người mẫu được chụp ở Công viên Trung tâm. Đó là một bản in rất sắc nét, và những chi tiết nhỏ nhất cũng đều nổi bật với sự rõ ràng đến đau đớn: những chấm tàn nhang, chất vải thô trên áo khoác của bà, vết sẹo trên lông mày trái sau bệnh thủy đậu. Thật mừng rỡ, bà đang nhìn thẳng ra cái phòng khách bừa bộn và lộn tùng phèo, trông thấy cảnh bố tôi đang ném đi giấy tờ của bà và những dụng cụ nghệ thuật cũng như đóng hộp những cuốn sách của bà để chuyển tới trung tâm Nhân ái, một cảnh tượng mà chắc chắn là bà không bao giờ mơ tới, hoặc ít nhất là tôi cũng hi vọng bà đừng bao giờ mơ thấy nó.


    xxiii.

    NHỮNG NGÀY CUỐI Ở CÙNG nhà Barbour đã trôi qua nhanh chóng đến mức tôi gần như chẳng đọng lại gì, ngoại trừ những lần cuối cùng đem đồ đi giặt khô và vài chuyến đi vui vẻ tới tiệm bán rượu trên phố Lex và khuân về hàng thùng rượu. Dùng bút dạ đen, tôi viết ra cái địa chỉ nhà mới lạ hoắc của mình:


    Theodore Decker hoặc Xandra Terrell

    6219 Đường Desert End

    Las Vegas, NV


    Andy và tôi đứng đó ủ dột nhìn những thùng đồ được dán nhãn trong phòng ngủ của cậu. “Cứ như là cậu chuẩn bị chuyển tới một hành tinh khác ấy,” cậu nói.

    “Cũng gần thế.”

    “Không tớ nghiêm túc đấy. Cái địa chỉ đó. Nó cứ như là một thuộc địa khai thác ở trên sao Mộc ấy. Mà không biết trường mới của cậu sẽ thế nào nhỉ.”

    “Chúa mới biết.”

    “Ý tớ là… nó có thể là một trong những nơi mà cậu đã đọc được trên báo. Có mấy băng nhóm học sinh. Có cả máy dò kim loại nữa.” Andy đã bị đối xử tồi tệ ở ngôi trường (đáng ra phải) đầy tri thức và tân tiến của chúng tôi tới mức những trường công lập, trong cái nhìn của cậu, thì cũng không khác nhà tù là mấy. “Cậu sẽ làm gì?”

    “Cạo đầu, tớ đoán thế. Xăm hình nữa.” Tôi thích cái việc mà cậu không cố tỏ ra hào hứng hay vui vẻ về sự xê dịch này, không giống như bà Swanson hay chú Dave (người rõ ràng đã thở phào nhẹ nhõm vì chú sẽ không còn phải tới thương lượng với ông bà tôi nữa). Không có ai trong căn nhà ở Đại lộ Park này nói gì nhiều về sự rời đi của tôi, mặc dù tôi biết – thông qua biểu lộ của bà Barbour khi bố tôi và “bạn” của ông xuất hiện – rằng tôi không hoàn toàn tự tưởng tượng ra mọi thứ. Và bên cạnh đó, không hẳn cái tương lai với Bố và Xandra là đen tối hay đáng sợ đến mức không chịu đựng nổi, mà chỉ như một chấm mực đen trên đường chân trời phía xa mà thôi.


    xxiv.

    “MỘT SỰ THAY ĐỔI VỀ MÔI TRƯỜNG có thể sẽ tốt cho cháu,” Hobie nói khi tôi xuống phố gặp ông trước khi tôi rời đi. “Ngay cả khi cảnh vật đó không phải thứ cháu chọn lựa.” Chúng tôi cùng ăn tối trong phòng ăn để thay đổi không khí, cùng ngồi ở phía đầu bàn, chiếc bàn đủ dài để có thể xếp mười hai chiếc bình bạc liên tiếp và kéo hàng dài vào bóng tối bao trùm. Nhưng theo một cách nào đó thì nó lại giống với đêm cuối cùng ở nhà cũ của chúng tôi trên Đại lộ Bảy, bố mẹ và tôi ngồi trên các thùng bìa và cùng ăn một bữa tối Trung Hoa mới mua về.

    Tôi không nói gì hết. Tôi đang thấy rất khổ sở; và sự kiên quyết phải chịu đựng nó trong bí mật càng khiến tôi ít nói hơn. Trong suốt khoảng thời gian rầu rĩ tuần trước, khi căn hộ bị lột tơi tả và đồ đạc của mẹ tôi bị gói lại, đóng hộp và mang đi bán, tôi đã rất cần cái bóng tối và cái yên tĩnh trong ngôi nhà của Hobie, những căn phòng chật chội cùng mùi gỗ ẩm mốc cũ kĩ, mùi lá trà và mùi thuốc lá, những bát đựng cam trên tủ để chén đĩa và nến thì có những đường vân nổi bằng sáp ong.

    “Ý ta là, mẹ cháu…” ông dừng lại đầy tế nhị. “Đó sẽ là một khởi đầu mới.”

    Tôi cắm cúi vào đĩa đồ ăn của mình. Ông đã nấu cà ri thịt cừu, với thứ nước sốt màu chanh khiến nó có vị Pháp hơn là vị Ấn Độ.

    “Cháu không sợ chứ, phải không?”

    “Tôi ngước nhìn lên. “Sợ gì ạ?”

    “Sợ việc phải sống với bố mình.”

    Tôi nghĩ về câu nói đó, mắt đăm đăm nhìn vào khoảng tối phía sau Hobie. “Không,” tôi nói, “không hẳn.” Vì lí do gì đi chăng nữa, từ lúc về đây bố tôi đã có vẻ thả lỏng, thoải mái hơn. Tôi không thể quy nó là do bố tôi đã ngừng uống rượu, vì bình thường khi bố tôi cố cai rượu thì ông im bặt và trông thực sự như sắp nổ tung vì vật vã, rất dễ chửi mắng người khác nên tôi vẫn thường tự động lùi xa tầm với.

    “Cháu có nói với ai khác những chuyện cháu nói với ta không?”

    “Chuyện về…?”

    Rồi chợt thấy xấu hổ, tôi cắm cúi ăn từng thìa cà ri. Thực ra nó cũng khá ngon một khi bạn đã quen với sự thật rằng nó không phải món cà ri.

    “Cháu không nghĩ là ông ấy còn uống rượu,” tôi cất tiếng phá tan sự im lặng sau đó. “Nếu đó là điều ông đang nói tới? Ông ấy có vẻ khá hơn rồi. Thế nên…” Tôi vụng về chuyển hướng nói chuyện. “Đúng vậy.”

    “Cháu cảm thấy thế nào về bạn gái của bố?”

    Tôi cũng phải nghĩ tới chuyện đó nữa. “Cháu không biết nữa,” tôi thừa nhận.

    Hobie lùi vào im lặng một cách tế nhị, đưa tay ra cầm ly rượu mà mắt vẫn không rời khỏi tôi.

    “Kiểu như, cháu không thực sự hiểu rõ cô ấy? Cháu đoán là cô ấy cũng được. Cháu không hiểu ông ấy thích gì ở cô ta nữa.”

    “Tại sao lại không thích chứ?”

    “Thì…” tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Bố tôi có thể rất bảnh bao với ‘các quý bà’ như ông vẫn gọi họ, mở cửa cho họ, nhẹ nhàng nắm cổ tay để tạo điểm nhấn; tôi đã từng thấy nhiều phụ nữ nghiêng ngả vì ông ấy, một cảnh tượng tôi xem mà không có cảm xúc gì, đồng thời tự hỏi sao mọi người có thể tin vào cái hành động hiển nhiên phải có ấy. Nó giống kiểu chứng kiến lũ trẻ con bị lừa bởi mấy màn ảo thuật rẻ tiền vậy. “Cháu không biết. Cháu đoán là cô ấy có vẻ ngoài ưa nhìn hay gì đó.”

    “Xinh xắn cũng chẳng ăn nhằm gì nếu cô ấy tốt,” Hobie nói.

    “Vâng, nhưng cô ấy cũng không phải hoàn toàn là tốt.”

    “Oh.” Rồi: “Họ có vẻ hảnh phúc khi ở cùng nhau không?”

    “Cháu không biết. Ừ thì… cũng có,” tôi thừa nhận. “Giống như, ông ấy không còn kiểu lúc nào cũng nổi giận nữa?” Thế rồi, sức nặng của câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng lại đè lên tôi: “Thêm nữa là ông ấy cũng tới đón cháu. Ý cháu là, ông ấy đâu cần phải làm thế. Họ có thể cứ thế mà vi vu nếu họ không muốn có cháu.”

    Không ai nói thêm điều gì về chủ đề đó nữa, và chúng tôi kết thúc bữa tối trong lúc nói về những chuyện khác. Nhưng khi tôi chuẩn bị ra về, lúc chúng tôi cùng bước xuống cái hành lang phủ kín ảnh treo tường – qua phòng của Pippa, với ngọn đèn ngủ vẫn bật, và chú chó Cosmo vẫn ngủ dưới chân giường – ông chợt lên tiếng, khi ông mở cửa chính cho tôi: “Theo này.”

    “Vâng?”

    “Cháu có địa chỉ và số điện thoại của ta.”

    “Chắc chắn rồi.”

    “Vậy.” Ông cũng có vẻ chẳng thoải mái gì hơn tôi. “Ta hi vọng cháu có một chuyến đi bình an. Hãy tự chăm sóc mình.”

    “Ông cũng thế nhé,” tôi nói. Hai chúng tôi đứng đó nhìn nhau.

    “Vậy.”

    “Vậy. Chúc ông ngủ ngon.”

    Ông đẩy cửa mở, và tôi bước ra khỏi căn nhà – lần cuối cùng, như tôi vẫn nghĩ. Nhưng mặc dù tôi không hề có ý niệm gì là sẽ gặp lại ông, thì với chuyện này tôi đã sai.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tác giả dùng cụm “bring in the bacon”, nghĩa đen là “mang thịt về” thường để hỏi về công việc một cách suồng sã.
     
  6. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    II.


    Khi chúng ta là người mạnh nhất – ai sẽ thất hứa?

    Khi ai cũng hoan hỉ - ai mà không cười?

    Khi chúng ta trở nên xấu xa, - họ sẽ làm gì với ta?

    —ARTHUR RIMBAUD​






    CHƯƠNG 5

    Badr al-Dine




    i.

    MẶC DÙ TÔI ĐÃ QUYẾT ĐỊNH để túi hành lý ở phòng chứa đồ của tòa nhà tôi từng ở, nơi mà tôi chắc chắn là Jose và Goldie sẽ trông coi nó, thì tôi vẫn càng ngày càng lo lắng khi ngày phải đi sắp đến gần, cho tới một ngày tôi đột ngột quyết định quay lại đó với một lí do mà giờ nghĩ lại thấy khá là ngu xuẩn: trong lúc cuống cuồng muốn đưa bức tranh ra khỏi căn hộ, tôi đã ném vào va li đựng bức tranh cả những thứ chẳng liên quan, bao gồm hầu hết quần áo mùa hè của mình. Thế nên vào cái ngày mà bố tôi định đón tôi tại nhà Barbour, tôi phải vội vã quay lại Đường Năm Mươi Bảy với cái ý nghĩ là sẽ kéo mở khóa va li và lấy đi vài chiếc áo phông ở trên cùng.

    Jose không có ở đó, nhưng một người đàn ông vạm vỡ mới đến làm (Marco V, theo như biển tên của chú ấy) đã bước tới trước tôi và chặn tôi lại với dáng đứng ngang ngạnh và lừng lững giống một vệ sĩ hơn là một người gác cửa. “Xin lỗi, tôi có thể giúp gì cậu?” chú ấy nói.

    Tôi giải thích về cái va li. Nhưng sau khi rà soát lại sổ ghi chép – đưa ngón tay to tướng dọc theo cột ngày tháng – chú ta không có vẻ gì là định đi vào và lấy cái va li từ trên giá xuống cho tôi. “Và tại sao cậu lại để nó ở đây?” chú hỏi đầy nghi ngờ, tay gãi mũi.

    “Jose nói là cháu có thể làm vậy.”

    “Cậu có hóa đơn không?”

    “Không ạ,” tôi đáp sau một hồi bối rối.

    “Vậy thì, tôi không thể giúp cậu được. Chúng tôi không thấy ghi chép gì lại cả. Hơn nữa, chúng tôi không chứa đồ cho những người không ở tại tòa nhà này.”

    Tôi đã sống đủ lâu ở tòa nhà này để biết điều đó là không đúng, nhưng tôi cũng không định tranh luận gì. “Nghe này,” tôi nói, “cháu đã từng sống ở đây. Cháu biết Goldie, Carlos và tất cả mọi người. Ý cháu là… thôi nào,” tôi nói, sau một quãng dừng nhượng bộ yếu ớt, mà trong đó tôi có thể thấy sự nghi ngờ của chú ấy đã trôi dần. “Nếu chú đưa cháu vào đó, cháu có thể chỉ cho chú nó là cái nào.”

    “Xin lỗi. Không ai ngoài nhân viên và cư dân của tòa nhà được phép vào trong.”

    “Nó làm bằng vải dù và có ruy băng ở tay cầm. Có tên cháu trên đó, chú thấy không? Decker ấy?”Tôi cố gắng chỉ ra cái bảng tên vẫn còn đính trên hòm thư của chúng tôi để làm bằng chứng, đúng lúc Goldie sải bước tới sau khi nghỉ giải lao.

    “Này! Xem xem ai về này! Đây là cậu bé của tôi,” chú nói với Marco V. “Tôi đã biết cậu ấy từ khi còn nhỏ thế này này. Sao thế Theo?”

    “Không có gì ạ. Ý cháu là… ừm, cháu chuẩn bị rời thành phố rồi.”

    “Vậy à? Đã tới Vegas rồi đó hả?” Goldie nói. Với giọng nói đó và bàn tay chú đặt lên vai tôi, mọi thứ dường như trở nên thật dễ dàng và thoải mái. “Nhiều kẻ điên khùng sống ở đó lắm, đúng không?”

    “Cháu đoán vậy,” tôi nói đầy ngờ vực. Mọi người liên tục bảo tôi rằng cuộc sống của tôi ở đó sẽ điên rồ ra sao mặc dù tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại thế, vì chắc chắn là tôi không thể dành nhiều thời gian ở casino hay câu lạc bộ đêm rồi.

    “Cháu đoán?” Goldie trợn mắt lên và lắc đầu, đúng kiểu hài hước mà mỗi lúc muốn pha trò mẹ tôi lại nhại lại cái điệu đó. “Ôi Chúa ơi, để chú nói cho mà nghe. Thành phố đó hả? Những công đoàn ở đó… Ý chú là, nhà hàng cũng làm việc mà khách sạn cũng làm việc… rất nhiều tiền, dù cháu có đi đến chỗ nào đi nữa. Còn thời tiết ấy à? Mặt trời – mọi ngày trong năm đều có. Cháu sẽ thích sống ở đó thôi, anh bạn. Cháu nói là khi nào cháu đi ấy nhỉ?”

    “Ừm, hôm nay. À ý cháu là mai. Đấy là lí do vì sao cháu muốn…”

    “Oh, cháu tới lấy cái túi đó hả? Này, chắc chắn là phải vậy rồi.” Goldie nói câu gì tiếng Tây Ban Nha nghe hơi the thé về phía Marco V, người sau đó liền nhún vai từ tốn và quay lại phía phòng chứa đồ.

    “Anh ta được đấy, Marco ấy,” Goldie nói với tôi bằng giọng thầm thì. “Nhưng, anh ta chẳng biết gì về cái túi của cháu ở đây cả vì ta và Jose không ghi nó vào sổ sách, cháu hiểu ý ta chứ?”

    “Chú này,” tôi thấy thật khó xử, “cám ơn vì đã trông coi nó giúp cháu…”

    “Không vấn đề,” Goldie nói. “Này, cám ơn anh bạn,” chú nói lớn với Marco khi chú đón lấy cái túi. “Như ta đã nói,” chú tiếp tục thầm thì; tôi phải bước tới gần hơn để nghe cho rõ… “Marco là anh chàng tốt, nhưng bọn ta cũng đã nhận được nhiều phàn nàn của cư dân vì tòa nhà này không có đủ nhân viên, cháu biết đấy.” Chú nhìn thẳng vào tôi đầy nghiêm túc. “Ý ta là, khi Carlos không thể tới làm ca của mình ngày hôm trước, ta đoán đó không phải do lỗi của ông ta, nhưng họ đã sa thải ông ấy.”

    “Carlos á?” Bác Carlos là người lớn tuổi nhất và cũng khép kín nhất trong số nhân viên gác cửa, như một diễn viên kịch người Mexico đã có tuổi với hàng ria mép bút chì và tóc ở gần thái dương đang chuyển màu muối tiêu, đôi giày đen của bác lúc nào cũng được đánh sáng bóng lên và đôi găng tay trắng thì luôn trắng hơn găng tay của tất cả những người khác. “Họ sa thải bác Carlos?”

    “Chú biết – đúng là không tin nổi. Ba mươi tư năm và rồi…” Goldie chỉ ngón tay cái qua vai… “vèo. Và giờ… việc quản lý tòa nhà luôn đặt an ninh lên đầu, nhân viên mới, luật lệ mới, mọi người phải ký tên khi ra vào và những trò tương tự vậy…”

    “Dù sao thì,” chú ấy nói trong khi trở lại cửa chính và đẩy mở nó. “Để ta gọi cho cháu cái taxi, anh bạn. Cháu sẽ đi thẳng đến sân bay à?”

    “Không ạ…” tôi nói, dang tay ra ngăn chú ấy – đầu tôi vẫn còn đầy ắp suy nghĩ đến mức không để ý là chú ấy định làm gì nữa – nhưng chú đã gạt tôi ra với biểu hiện kiểu thôi nàooo.

    “Không, không,” chú nói – tay xách cái túi ra phía vỉa hè – “được rồi, anh bạn, ta hiểu rồi,” và tôi bất ngờ nhận ra, rằng chú ấy nghĩ rằng tôi đang ngăn chú ấy khỏi việc mang cái túi giùm tôi là vì tôi không có tiền để boa.

    “Chú chờ đã,” tôi nói – nhưng ngay lúc đó, Goldie đã huýt sáo và đứng trên phố vẫy vẫy tay. “Ở đây! Taxi!” chú hét lên.

    Tôi đứng sững ở lối ra vào, hoảng hốt, trong khi cái taxi trờ tới gần vỉa hè. “Chuẩn rồi!” Goldie nói, mở cửa sau xe. “Thấy ta căn thời điểm thế nào?” Trước khi tôi kịp nghĩ ra cách nào từ chối mà trông không giống một thằng ngốc thì tôi đã bị đẩy vào ghế sau trong khi cái va li được tống vào thùng xe, và Goldie đang sập cái nắp thùng xe xuống, vẫn cái hành động đầy lịch sự ấy.

    “Đi đường bình an nhé, chàng lính ngự lâm,” chú nói – nhìn tôi rồi quay lên nhìn bầu trời trên đầu. “Hãy tận hưởng ánh nắng mặt trời giùm cả phần của ta nữa. Cháu biết ta say mê ánh nắng mặt trời thế nào mà – ta là một chú chim nhiệt đới, nhớ không? Ta không thể chờ được tới khi về quê nhà Puerto Rico và trò chuyện với lũ ong. Hmmm…” chú khẽ hát, mắt nhắm lại và lắc lư đầu sang hai bên. “Chị gái ta có một trang trại nuôi ong thuần hóa và ta vẫn hát ru chúng ngủ đấy. Họ có nhiều ong ở Vegas không nhỉ?”

    “Cháu cũng không biết,” tôi nói trong khi nhẹ nhàng mò tay vào túi xem còn bao nhiêu tiền.

    “Vậy nếu cháu có thấy chú ong nào thì hãy nói với chúng là Goldie chào chúng nhé. Nói với chúng là ta sẽ tới.”

    “¡Hey! ¡Espera!Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkLà chú Jose, tay vẫy cao – vẫn còn mặc nguyên bộ quần áo chơi bóng đá, đang tới chỗ làm ngay sau trận đấu ở công viên – và đang lướt nhanh tới chỗ tôi với cái đầu lắc lư và những bước chân nhanh nhẹn.

    “Này, manitoVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, cháu đi đấy à?” chú ấy hỏi, người cúi xuống và thò đầu vào qua cửa kính taxi. “Cháu phải gửi ảnh cho bọn ta để còn treo ở tầng dưới đấy!” Dưới tầng hầm, nơi những người gác cửa thay đồng phục, có một bức tường dán kín những tấm bưu thiếp và ảnh chụp từ Miami và Cancun. Puerto Rico và Bồ Đào Nha, nơi mà cư dân tòa nhà và những người gác cửa đã chuyển nhà từ đó tới phía đông phố Năm Mươi Bảy trong bao năm qua.

    “Đúng rồi!” Goldie nói. “Phải gửi ảnh cho bọn ta! Đừng có quên đấy!”

    “Cháu…” tôi sẽ nhớ họ nhiều lắm, nhưng thật là yếu đuối nếu bước ra và nói lên điều đó. Thế nên tất cả những gì tôi nói chỉ là: “Được rồi. Mọi người sống tốt nhé.”

    “Cháu cũng vậy,” Jose nói, lùi lại sau và vẫy tay. “Tránh xa mấy cái vụ cờ bạc ra nhé.”

    “Này, cậu bé,” người lái xe nói, “cậu muốn tôi đưa cậu tới nơi nào hay thế nào đây?”

    “Này, này, ghìm cương ngựa lại nào, bình tĩnh chút,” Goldie nói với ông ấy. Rồi chú lại quay qua nói với tôi: “Cháu sẽ ổn thôi, Theo.” Chú vỗ nhẹ lên chiếc taxi lần cuối cùng. “Chúc may mắn, chàng trai. Hẹn gặp lại. Chúa sẽ phù hộ cho cháu.”


    ii.

    “ĐỪNG NÓI VỚI BỐ,” bố tôi nói khi ông tới nhà Barbour trong một chiếc taxi vào sáng hôm sau để đón tôi, “rằng con sẽ mang tất cả đống rác rưởi này lên máy bay.” Vì tôi có thêm một va li nữa bên cạnh cái túi bức tranh, cái mà tôi ngay từ ban đầu đã định là sẽ mang đi.

    “Ta nghĩ cháu sẽ vượt quá tiêu chuẩn hành lý cho phép đấy,” Xandra nói hơi gay gắt. Trong cái hơi nóng ngột ngạt bốc lên từ mặt đường, tôi có thể ngửi thấy mùi nước xịt tóc của cô ta thậm chí là từ chỗ tôi đứng. “Họ chỉ cho cháu mang một lượng nhất định thôi.”

    Bà Barbour, người đã xuống dưới chỗ lề đường cùng với tôi, đã cất giọng nhẹ nhàng: “Ồ, thằng bé sẽ không sao với hai cái hành lý đó đâu. Tôi vẫn vượt quá mức tối đa suốt mà.”

    “Đúng, nhưng sẽ mất thêm tiền.”

    “Thật ra, tôi nghĩ là hai người sẽ thấy giá đó khá hợp lý thôi,” bà Barbour nói. Mặc dù vẫn còn sớm và bà ấy không đeo trang sức hay thoa son môi, thậm chí là chỉ đi xăng đan và mặc chiếc váy cotton đơn giản nhưng bà vẫn tạo được cái ấn tượng thuần khiết nổi bật. “Hai người có lẽ sẽ phải trả tầm hai mươi đô ở quầy, nhưng cũng không có vấn đề gì đúng không?”

    Bà và bố tôi nhìn nhau chằm chằm như hai con mèo. Rồi bố tôi quay đi. Tôi thấy đôi chút xấu hổ vì cái áo khoác thể thao của ông, thứ khiến tôi liên tưởng tới những kẻ được chụp hình đăng lên báo Daily News với tội danh bán độ.

    “Đáng ra con phải nói với bố là con có hai túi,” ông nói sưng sỉa, trong sự im lặng (tôi rất thích) theo sau lời nhận xét rất có ích của bà Barbour. “Bố không biết liệu đống này có vừa trong thùng xe không.”

    Đứng trên lề đường, với thùng xe mở toang, tôi gần như đã nghĩ tới việc để cái túi lại cho bà Barbour và sẽ gọi lại sau để nói cho bà biết bên trong túi có gì. Nhưng trước khi tôi kịp quyết định nói gì thì chú tài xế vạm vỡ người Nga đã lôi hành lý của Xandra từ thùng xe ra và tống cái va li thứ hai của tôi vào, cái mà – cùng với vài âm thanh va đập – chú ấy đã sắp xếp cho vừa.

    “Nhìn xem, không nặng lắm mà!” chú ấy nói, sập nắp thùng xe xuống rồi lau trán. “Vừa khít!”

    “Nhưng còn túi xách của tôi!” Xandra nói, mặt hốt hoảng.

    “Không vấn đề gì, thưa bà. Nó có thể ngồi cùng trên ghế trước với tôi. Hoặc ở ghế sau cùng với bà, nếu bà muốn.”

    “Vậy sắp xếp xong hết rồi,” bà Barbour nói – cúi xuống thơm lên má tôi thật nhanh, lần đầu tiên kể từ khi tôi từng tới đây, một cái hôn trên má thoảng qua đúng kiểu những-quý-bà-sang-trọng, một cái hôn có mùi bạc hà và mùi lá cây sơn chi. “Sớm gặp lại mọi người,” bà nói. “Và có một chuyến đi thú vị nhé, Theo?” Andy và tôi đã nói lời tạm biệt vào ngày hôm trước; mặc dù tôi biết cậu cũng rất buồn khi tôi phải đi, nhưng tôi vẫn thấy hơi chạnh lòng khi cậu không ở lại tiễn tôi mà thay vào đó lại đi cùng những thành viên còn lại trong gia đình để tới cái ngôi nhà chết tiệt ở Maine. Còn với bà Barbour: bà không có vẻ gì là quá buồn bã khi gặp tôi lần cuối cùng, mặc dù nói thật là tôi thấy thật chán nản khi phải rời đi.

    Đôi mắt màu xám của bà, thật trong và mát rượi. “Cám ơn bà rất nhiều, bà Barbour,” tôi nói. “Vì tất cả. Bà hãy nói với Andy là cháu gửi lời chào tạm biệt.”

    “Chắc chắn rồi,” bà nói. “Cháu là một vị khách rất đáng quý, Theo.” Trong bầu không khí mờ ảo đầy hơi nóng trên Đại lộ Park tôi đứng đó nắm lấy tay bà trong một lúc khá lâu – gần như hi vọng rằng bà sẽ bảo tôi hãy liên lạc với bà khi cần – nhưng bà chỉ nói, “Vậy chúc cháu may mắn,” và cho tôi một cái hôn nhẹ mát lạnh trước khi bước đi.


    iii.

    TÔI VẪN KHÔNG THỂ NGẤM ĐƯỢC cái tin rằng mình đang rời khỏi New York. Trong đời mình, tôi chưa từng ra khỏi thành phố quá tám ngày. Trên đường ra sân bay, khi tôi hướng mắt ra ngoài cửa sổ nhìn những biển hiệu các câu lạc bộ thoát y và biển quảng cáo luật sư biện hộ tư nhân mà đã lâu rồi tôi không thấy lại, một cảm giác rùng mình chợt lướt qua tôi. Còn chuyện kiểm tra an ninh thì sao nhỉ? Tôi không đi máy bay nhiều lắm (mới hai lần, một lần khi tôi còn học mẫu giáo) và tôi thậm chí còn không chắc việc kiểm tra an ninh gồm những gì: tia X? Kiểm tra hành lý?

    “Họ có mở tung mọi thứ ra ở sân bay không nhỉ?” tôi hỏi bằng giọng rụt rè – và rồi hỏi thêm lần nữa, vì có vẻ như chưa có ai nghe thấy tôi nói gì. Tôi đang ngồi ở ghế trước để bảo đảm không gian lãng mạn riêng tư của Bố và Xandra.

    “Ồ, chắc chắn là thế rồi,” chú tài xế nói. Chú ta trông chắc nịch và là kiểu dân Liên Xô vạm vỡ: đặc điểm gì cũng thô, má trắng hồng rớm mồ hôi, như một vận động viên cử tạ bị phát phì. “Nếu họ không mở ra thì họ sẽ dùng tia X.”

    “Ngay cả khi tự cháu kiểm tra rồi?”

    “Đúng vậy,” chú nói chắc chắn. “Họ sẽ rà soát tìm chất nổ, mọi thứ. Rất an toàn.”

    “Nhưng mà…” tôi cố nghĩ ra cách để nhào nặn nên thứ tôi cần hỏi, mà không lật tẩy chính mình, và rồi tôi không thể làm nổi.

    “Không phải lo,” người tài xế nói. “Có rất nhiều cảnh sát ở sân bay. Còn ba – bốn ngày trước á? Còn có rào chắn nữa.”

    “Tất cả những gì tôi có thể nói lúc này là, tôi không thể chờ đợi để được thoát khỏi đây nữa,” Xandra nói bằng cái giọng khàn đục của mình. Trong phút bối rối, tôi còn tưởng là cô ấy đang nói với tôi, nhưng khi tôi quay lại nhìn thì cô ấy lại đang quay qua với bố tôi.

    Bố tôi đặt tay lên đầu gối cô ta và nói gì đó nhỏ quá tôi không nghe thấy. Ông đang đeo cặp kính màu vàng úa, đầu ngả ra ghế, có điều gì đó buông thả và vui vẻ trong cái giọng đều đều của ông, cái bí mật gì đó được trao đổi giữa họ trong khi tay ông nắm đầu gối của Xandra chặt hơn. Tôi không nhìn thêm nữa mà quay ra ngoài ngắm nhìn những vùng-đất-vô-chủ đang lướt qua: những tòa nhà thấp và kéo dài, cửa hàng rượu vang và tiệm bán đồ chăm sóc cơ thể, những bãi đậu xe dường như đang bốc hơi dưới sức nóng ban ngày.

    “Thấy không, em sẽ chẳng phiền gì nếu có số bảy trong số hiệu máy bay,” Xandra nói khẽ. “Số tám mới làm em sợ phát khiếp.”

    “Đúng, nhưng số tám là số may mắn ở Trung Quốc. Em thử nhìn mấy bảng hiệu quốc tế khi chúng ta đến sân bay McCarran mà xem. Những chuyến bay tới từ Trung Quốc ấy à? Tám tám tám.”

    “Lại là anh với cái sự Thông Thái của người Trung Quốc ấy gì.”

    “Đấy là về các con số. Nó cũng là năng lượng đấy. Là sự gặp gỡ của trời và đất.”

    “ ‘Trời và đất.’ Anh làm cứ như ma thuật ấy.”

    “Nó đúng là thế mà.”

    “Thật ấy hả?”

    Họ đang thì thầm với nhau. Trong gương chiếu hậu, gương mặt của họ trông thật ngốc nghếch, và lúc nào cũng đặt quá gần nhau; khi tôi nhận ra là họ chuẩn bị hôn nhau (thứ gì đó vẫn làm tôi sốc, cho dù tôi đã nhìn cảnh đó quá nhiều rồi), tôi bèn quay đầu nhìn thẳng phía trước. Có vẻ như nếu tôi không biết mẹ tôi qua đời vì lí do gì, thì không thế lực nào trên trái đất có thể thuyết phục tôi rằng họ không phải những kẻ đã ám sát mẹ tôi.


    iv.

    TRONG KHI CHÚNG TÔI CHỜ lấy thẻ lên máy bay thì tôi đã cứng đờ vì sợ, gần như chỉ còn chờ việc bên An ninh mở hành lý của tôi ra và phát hiện ra bức tranh, ngay giữa hàng người đang làm thủ tục. Nhưng người phụ nữ gương mặt khó chịu với quả đầu cắt lởm chởm, người mà tôi vẫn nhớ mặt (tôi đã cầu nguyện chúng tôi không phải gặp bà ta khi tới lượt) đã tống va li của tôi lên băng chuyển mà không thèm nhìn.

    Khi tôi ngắm nó lừ lừ trôi đi, về phía những tư trang và đồ đạc không biết của ai, tôi cảm thấy như bị chèn ép bởi quá nhiều người lạ - và cũng thấy mình nổi bật quá, như thể mọi người đều đang nhìn tôi chằm chằm. Tôi chưa từng ở trong cái khung cảnh ngột ngạt hay trông thấy nhiều cảnh sát đến thế kể từ cái ngày mẹ tôi mất. Quân đội Quốc gia với súng trường trong tay đang đứng cạnh các máy dò kim loại, dáng đứng vững vàng, cặp mắt sắc lạnh quét qua đám đông.

    Ba lô, cặp táp, túi mua sắm và xe đẩy trẻ em, những cái đầu liên tục ngó xuống phía cửa cuối cùng. Tiến dần lên trong hàng người làm thủ tục an ninh, tôi bỗng nghe thấy tiếng gọi lớn – gọi tên tôi, đúng như tôi nghĩ. Tôi đứng bất động.

    “Nào, nào,” bố tôi thấp thỏm đứng sau tôi bằng một chân, đang cố gắng tháo đôi giày ra khỏi chân, và dùng cùi chỏ thúc sau lưng tôi, “đừng đứng đó nữa, con đang làm tắc nghẽn cả hàng người đấy…”

    Đi qua máy dò kim loại, tôi chỉ có nhìn xuống tấm thảm – cứng ngắc vì sợ và đang chờ bàn tay ai đó đặt lên vai mình. Tiếng trẻ con khóc. Người già lướt qua trên những cái xe đẩy tự động. Họ sẽ làm gì với tôi? Liệu tôi có thể khiến cho họ hiểu rằng mọi chuyện không như những gì họ thấy? Tôi tưởng tượng ra những căn phòng cách ly làm bằng than đá giống trong các bộ phim, những cánh cửa sập kín, những người cảnh sát mặc áo sơ mi đang giận dữ, quên đi, mi sẽ không đi đâu hết, bé con ạ.

    Một khi đã ra khỏi khu vực kiểm tra an ninh, đi vào hành lang vang vọng, tôi có thể nghe được tiếng bước chân rõ mồn một và chủ định đi theo sau tôi. Một lần nữa tôi lại dừng bước.

    “Đừng nói với bố,” bố tôi cất giọng – quay lại cùng với con ngươi đang trợn lên. “là con quên đồ đấy.”

    “Không,” tôi nói, nhìn xung quanh. “Con…” Không có ai đằng sau tôi cả. Chỉ có hành khách đang đi cạnh tôi ở cả hai bên.

    “Trời, thằng bé trắng bệch như tờ giấy vậy,” Xandra nói. Rồi quay qua bố tôi: “Nó khỏe chứ?”

    “Oh, thằng bé sẽ ổn thôi,” bố tôi nói trong khi nhìn xuống phía cuối hành lang. “Một khi nó ở trên máy bay. Đây là một tuần mệt mỏi với tất cả mọi người mà.”

    “Ôi trời, nếu em mà là thằng bé thì em sẽ phát hoảng với cả việc lên máy bay luôn,” Xandra nói thẳng đuột. “Sau những gì mà nó đã trải qua.”

    Bố tôi – người đang kéo túi xách nhỏ đằng sau, cái túi mà mẹ tôi đã mua cho ông vào ngày sinh nhật vài năm trước – lại dừng bước.

    “Đứa trẻ đáng thương,” ông nói – làm tôi ngạc nhiên vì cái nhìn thương cảm của ông. “Con không thấy sợ chứ?”

    “Không,” tôi nói, hơi bị nhanh quá. Việc cuối cùng mà tôi muốn làm là thu hút sự chú ý của ai đó hoặc thậm chí là chỉ thể hiện ra ngoài một phần tư sự hoảng loạn mà tôi đang cảm nhận.

    Ông cau mày nhìn tôi, rồi quay đi. “Xandra?” ông gọi cô ta, cằm hất lên. “Sao em không đưa thằng bé một trong số những cái đó, em biết rồi đấy.”

    “Hiểu rồi,” Xandra nói rất nhanh nhẹn rồi dừng lại để lùng trong túi xách, lôi ra hai viên thuốc màu trắng to bằng viên đạn. Một viên cô ta thả vào lòng bàn tay đang giơ ra của bố tôi, và viên kia cô ta đưa cho tôi.

    “Cám ơn em,” bố tôi nói, rồi thả nó vào túi áo khoác. “Chúng ta cùng đi kiếm cái gì đó để nuốt trôi thứ này nhé? Bỏ nó xuống đi,” ông nói với tôi khi tôi giơ viên thuốc lên bằng ngón cái và ngón trỏ để chiêm ngưỡng độ to của nó.

    “Thằng bé không cần dùng cả đâu,” Xandra nói, nắm lấy cánh tay của bố tôi trong khi đứng bên lối đi để chỉnh lại quai của đôi xăng đan bệt.

    “Đúng rồi,” bố tôi nói. Ông cầm viên thuốc từ tôi, bẻ nó làm đôi một cách chuyên nghiệp, rồi thả một nửa kia vào túi áo khoác thể thao của ông trong khi họ cùng đi trước tôi, kéo theo hành lý phía sau.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Này! Đợi đã!

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link bàn tay nhỏ
     
    thanhbt, ichono87, dakedo and 2 others like this.
  7. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    v.

    VIÊN THUỐC KHÔNG ĐỦ MẠNH để làm tôi ngủ mê mệt, nhưng nó lại làm tôi thấy lâng lâng phấn chấn và cảm giác như lộn nhào giữa hiện thực và những giấc mơ cùng với hơi mát tỏa ra từ điều hòa. Hành khách thì thầm xung quanh tôi trong khi giọng một nữ tiếp viên hàng không vang lên để công bố kết quả cuộc bốc thăm trúng thưởng khi mua vé: bữa tối kèm thức uống cho hai người ở đảo Treasure. Lời hứa hẹn nhanh chóng của cô tiếp viên ấy lại đưa tôi vào mộng mị mà ở đó tôi ngụp lặn sâu dưới làn nước xanh đen, một cuộc thi nào đó dưới ánh đuốc bập bùng với những đứa trẻ người Nhật đang lặn tìm một va li đựng những viên ngọc trai màu hồng. Xuyên suốt giấc mơ ấy là tiếng máy bay ù ù liên tục giống như tiếng sóng biển, mặc dù đôi lúc – khi tôi cuộn mình trong tấm chăn xanh ngọc và mơ về nơi nào đó trên sa mạc – động cơ máy bay dường như lại im bặt và tôi bỗng thấy mình lơ lửng vô trọng lực trong khi vẫn bị kẹp chặt trên ghế ngồi, cái ghế mà có vẻ như đã rời khỏi hàng và trôi nổi tự do quanh khoang hành khách.

    Tôi trở lại trạng thái bình thường với một cú giật khi máy bay chạm đường băng và nảy nhẹ, phát ra tiếng rít lớn trước khi dừng lại.

    Và… chào mừng tới Lost WagesVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, Nevada,” người phi công đang nói qua đài liên lạc. “Giờ địa phương ở Thành phố Tội Lỗi của chúng ta là 11:47 sáng.”

    Gần như mù vì ánh nắng chói chang, nhiều kính và lối đi sáng bóng, tôi bước chậm chạp theo sau Bố và Xandra qua lối ra, ngỡ ngàng vì những tiếng nói chuyện huyên náo và tiếng máy bán hàng tự động cũng như tiếng nhạc đinh tai được mở vào thời điểm quá sớm trong ngày. Sân bay này cứ như phiên bản thu nhỏ của Quảng trường Thời Đại: vô vàn cánh tay giơ cao, màn hình lớn chiếu hình pháo hoa, khinh khí cầu, những cô gái quảng cáo sản phẩm, ca sĩ và cả diễn viên nhào lộn nữa.

    Phải mất một lúc lâu cái túi thứ hai của tôi mới xuất hiện trên băng chuyền. Trong khi cắn móng tay, tôi còn để ý thấy một tấm biển giới thiệu có hình rồng Komodo đang toét miệng cười, quảng cáo của một sòng bài: “Hơn 2000 loài bò sát đang đợi bạn.” Đám đông chờ lấy hành lý giống như một nhóm người lòe loẹt vô tổ chức đang đứng trước một câu lạc bộ đêm hạng ba: da rám nắng, áo mặc đi sàn nhảy, những quý bà châu Á nhỏ thó người đầy trang sức và kính râm thì mang logo to đùng của hãng sản xuất áo. Băng chuyền đang trôi đi với hành lý thưa dần và bố tôi (ngứa ngáy vì thèm thuốc lá, tôi có thể biết ngay) thì bắt đầu co giãn cơ thể, chân đếm nhịp và ngón tay thì xoa xoa lên má giống như khi ông muốn uống rượu, thì lúc đó nó đã xuất hiện, cái cuối cùng, chiếc túi vải kaki với biển tên màu đỏ và sợi ruy băng nhiều màu mà mẹ tôi đã buộc quanh tay cầm.

    Bố tôi, bước một bước dài, đã nhào tới trước và túm lấy nó trước khi tôi kịp chạm vào. “Đến lúc rồi,” ông nói hoan hỉ, tay ném nó vào xe đẩy hành lý. “Nào, hãy biến khỏi đây thôi.”

    Chúng tôi bước qua cánh cửa tự động và đi vào bầu không khí nóng ngột ngạt. Hàng dặm dài xe ô tô đỗ xung quanh chúng tôi ở mọi hướng, tất cả đều kéo mui xe lên và đứng yên tại chỗ. Tôi nhìn cứng ngắc ra phía trước – lớp mạ crom lấp lánh, đường chân trời bốc hơi nóng tạo nên những lớp thủy tinh lượn sóng – như thể việc quay đầu lại hay do dự sẽ khiến những người mặc đồng phục trong kia bước ra chặn chúng tôi lại ngay. Nhưng không có ai túm cổ tôi hay hét lên bắt chúng tôi dừng bước. Thậm chí còn chẳng ai thèm nhìn chúng tôi.

    Tôi chao đảo vì ánh nắng đến mức khi bố tôi bước tới trước một chiếc Lexus màu bạc mới tinh và nói: “Được rồi, xe chúng ta đây,” tôi đã trượt chân và suýt ngã trên lề đường.

    “Đây là xe của bố?” tôi nói, mắt nhìn qua lại giữa hai người.

    “Sao?” Xandra hỏi điệu đà, bước từng bước nặng nề qua phía cửa xe bên kia trên đôi giày cao vút của cô ta trong khí bố tôi nhấn nút mở khóa kêu “bíp” một cái. “Cháu không thích à?”

    Một cái Lexus? Hàng ngày tôi đều loạn óc trước bao nhiêu vấn đề to nhỏ mà tôi cần phải nói với mẹ và trong khi tôi đờ đẫn đứng nhìn bố tôi tống hành lý vào thùng xe thì suy nghĩ đầu tiên của tôi là: wow, chờ đến lúc mẹ biết chuyện này mà xem. Bảo sao ông chẳng gửi đồng nào vể nhà.

    Bố tôi ném điếu thuốc Viceroy đang cháy dở sang bên một cách phô trương. “Được rồi,” ông nói, “vào đi.” Cái không khí như trên sa mạc này lại khiến ông trông có phần lôi cuốn. Ở New York thì ông có vẻ tàn tạ và xơ xác nhưng giữa cái nóng thiểu đốt này thì cái áo thể thao màu trắng cùng cặp kính râm kiểu bố già lại trở nên có chút ý nghĩa.

    Cái xe – khởi động bằng một nút bấm – không phát ra tiếng động gì đến nỗi ban đầu tôi còn không nhận ra là chúng tôi đang di chuyển. Chúng tôi lướt đi, lướt vào chiều sâu và vào vũ trụ. Khi tôi vẫn quen với cảm giác rung lắc ở ghế sau taxi thì sự trơn tru và hơi hơi lạnh trên xe lại đem tới sự an toàn: cát màu nâu, ánh mặt trời chói chang, sự mê man trong tĩnh lặng, vài thứ rác rưởi bay lất phất bên cạnh hàng rào. Tôi vẫn còn thấy tê dại và lơ lửng từ ảnh hưởng của viên thuốc, và lối đi siêu ngoằn ngoèo của Đại lộ Strip, hơi nóng bốc lên từ những đụn cát gần chạm đến trời, khiến tôi cảm thấy như thể chúng tôi đã hạ cánh lên một hành tinh khác.

    Xandra và bố tôi đang khẽ nói chuyện ở ghế trước. Giờ thì cô ấy đã quay qua tôi – miệng nhai kẹo cao su tanh tách, làn da rám nắng khỏe mạnh, đồ trang sức thì lấp lánh dưới ánh nắng gắt. “Thế cháu thấy thế nào?” cô ấy nói, phả ra đầy mùi kẹo Juicy Fruit.

    “Thật là hoang dã,” tôi nói – mắt nhìn một tấm bạt hình kim tự tháp lướt qua cửa sổ, rồi mô hình tháp Eiffel, quá nhiều thứ để có thể tiếp thu hết.

    “Giờ thì con nghĩ nó hoang dã ấy hả?” bố tôi nói, ngón tay ông gõ lên tay lái theo cái cách mà làm tôi liên tưởng tới những cơn giận dữ và những cuộc cãi vã lúc nửa đêm sau khi ông đi làm về. “Phải chờ đến lúc con thấy nó được thắp sáng lên vào nửa đêm ấy.”

    “Chỗ đó kìa – thử nhìn xem,” Xandra nói, đưa cánh tay chỉ về phía cửa sổ chỗ bố tôi ngồi. “Có một ngọn núi lửa kìa. Nó còn hoạt động đấy.”

    “Thật ra bố nghĩ là nó đang hồi sức thôi. Nhưng về lý thuyết thì, đúng thế. Nham thạch nóng. Bất cứ lúc nào, từng giờ từng phút.”

    “Rẽ trái sau hai dặm nữa,” một giọng phụ nữ vang lên máy móc.

    Màu sắc khắp nơi thì như lễ hội, những cái đầu chú hề khổng lồ và dấu XXX: sự lạ lẫm bỗng làm tôi thấy nực cười, và cũng khiến tôi sợ hãi đôi chút. Ở New York, mọi thứ đều nhắc tôi nhớ về mẹ - mỗi chiếc taxi, mỗi góc phố, mỗi đám mây đang che khuất bầu trời – nhưng ở trong cái trống trải nóng bức này, dường như mẹ tôi chưa từng tồn tại; tôi thậm chí còn chẳng tưởng tượng ra linh hồn bà đang nhìn xuống tôi nữa. Mọi dấu vết của bà dường như đã cháy rụi trong khí nóng sa mạc rồi.

    Trong khi chúng tôi đi trên xe, đường chân trời vô định đã thu nhỏ lại thành vô số những bãi đậu xe và cửa hàng mua sắm, từng lớp từng lớp những trung tâm thương mại, Circuit City, Toys “R” Us[2], siêu thị và hiệu thuốc, mở suốt hai mươi tư giờ, không biết khi nào nó kết thúc hay bắt đầu nữa. Bầu trời thật hoang dại và vô tận, giống như bầu trời bao trùm lên đại dương. Khi tôi cố đấu tranh để có thể tỉnh táo – mắt chớp liên hồi dưới ánh nắng – tôi đã chìm vào suy nghĩ mơ hồ về thứ mùi xa xỉ của đồ nội thất bằng da bên trong xe cũng như nghĩ lại câu chuyện mà tôi vẫn thường nghe mẹ kể: về thời gian và cách mà mẹ tôi và bố tôi hẹn hò, ông đã xuất hiện trong một chiếc xe Porsche mượn từ một người bạn để gây ấn tượng với mẹ. Chỉ sau khi cưới thì bà mới biết rằng chiếc xe đó không thực sự là của ông ấy. Bà hình như còn thấy chuyện đó rất buồn cười – mặc dù khi xếp nó bên cạnh những sự thật khó chịu khác được khám phá sau hôn nhân (như tiền án, khi còn là thiếu niên, về một tội danh không rõ), thì tôi tự hỏi liệu bà có còn thấy được khía cạnh vui vẻ nào trong câu chuyện này không.

    “Ừm, bố có chiếc xe này được bao lâu rồi?” tôi nói, vọng lên át đi cuộc hội thoại của họ ở ghế trước.

    “Oh – còn chưa đầy một năm, đúng không Xan?”

    Một năm? Tôi vẫn còn đang tiêu hóa thông tin này – con số đó nghĩa là bố tôi đã tậu chiếc xe (và cả Xandra) trước khi ông bỏ đi – trong khi tôi nhìn lên và thấy những trung tâm mua sắm đã dẫn đường tới một mạng lưới dường như dài vô tận của những căn biệt thự phân lô. Mặc dù chúng mang cái vẻ rập khuôn tẻ nhạt và bó buộc – hết hàng này đến hàng khác, như bia mộ trong nghĩa trang – nhưng một vài ngôi nhà cũng được sơn những màu pastel rất vui vẻ (xanh bạc hà, hồng phớt, xanh ngọc) và có điều gì đó mới lạ khá thú vị ở những bóng hình sắc nét trên mặt đất, những loài cây sa mạc đầy gai. Lớn lên ở thành phố, nơi không bao giờ có đủ không gian, giờ tôi lại thấy bất ngờ xen lẫn thích thú. Sẽ là một thứ gì đó mới mẻ khi sống trong một ngôi nhà có sân vườn, cho dù sân chỉ toàn đá nâu và xương rồng.

    “Chỗ này vẫn là Las Vegas chứ ạ?” Như trong một trò chơi, tôi đang cố tìm xem đâu là điểm khác biệt giữa các ngôi nhà: một cánh cổng vòm ở đây, một bể bơi và cây cọ ở kia.

    “Giờ con đang được ngắm một phần hoàn toàn khác rồi,” bố tôi nói – hơi thở mạnh, dụi tắt điếu Viceroy thứ ba của ông. “Đây là những gì mà khách du lịch không bao giờ thấy được.”

    Mặc dù chúng tôi đi xe cũng khá lâu nhưng không thấy một biển chỉ đường nào, và thật khó để nói xem chúng tôi đang đi tới đâu hay đi theo hướng nào. Đường chân trời lúc này trông thật tẻ nhạt và kiên định, và tôi còn sợ rằng chúng tôi sẽ đi vụt qua những ngôi nhà màu pastel kia và qua cả bãi rác thải trước mặt để tới một công viên nào đó toàn nắng gắt giống như trong phim. Nhưng thay vào đó – trước sự kinh ngạc của tôi – những ngôi nhà đang dần to lớn hơn: có thêm tầng hai, thêm những vườn xương rồng, với hàng rào, bể bởi và ga ra để được mấy xe ô tô liền.

    “Đến rồi,” bố tôi nói, rẽ lái vào một con đường có cắm tấm biển làm bằng đá granite và trên đó là dòng chữ bằng đồng: Những trang trại ở Hẻm núi ShadowsVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.

    “Bố sống ở đây?” tôi nói giọng ngỡ ngàng. “Có hẻm núi thật à?”

    “Không, đó chỉ là cái tên thôi,” Xandra nói.

    “Thấy không, họ có đủ dạng cơ sở hạ tầng ở đây,” bố tôi nói, tay gãi lên sống mũi. Tôi có thể biết được thông qua giọng ông – cái giọng gờn gợn kiểu cần-rượu – rằng ông đã mệt và đang có tâm trạng không tốt.

    “Cộng đồng trang trại là tên mà họ tự gọi,” Xandra nói.

    “Đúng thế. Sao cũng được. Ôi, câm miệng lại cho tôi nhờ,” bố tôi gằn giọng, với tay vặn nhỏ âm lượng của quý cô trên hệ thống định vị, người vẫn tuôn ra các chỉ dẫn đường đi.

    “Họ đều có các phong cách khác nhau, đại loại vậy,” Xandra nói, người đang dùng ngón út chấm thêm son lên môi. “Có nhà theo kiểu Puablo BreezeVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, kiểu ma ám, kiểu Dancing DeerVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Kiểu Spirit FlagVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link là dành cho bọn thích chơi gôn phải không nhỉ? Và kiểu EncantadaVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link là đẹp nhất, nó được đầu tư vào nhiều lắm – Này, rẽ ở đây, anh yêu,” cô ta nói trong khi nắm lấy cánh tay ông ấy.

    Bố tôi vẫn tiếp tục lái thẳng và không đáp lại nửa lời.

    “Khỉ thật!” Xandra xoay người để nhìn theo con đường đã bị bỏ lại phía sau. “Sao anh lúc nào cũng phải đi đường dài thế?”

    “Đừng bao giờ đi đường tắt. Em cũng chả hơn gì cái bà Lexus kia.”

    “Đúng, nhưng nó nhanh hơn. Đỡ được hẳn mười lăm phút. Giờ thì chúng ta sẽ phải lái vòng qua khu Dancing Deer rồi.”

    Bố tôi thở hắt ra đầy bực bội. “Em nghe này…”

    “Có gì khó khăn đâu khi đi cắt qua Đường Gitana và biến hai lần rẽ trái thành một lần rẽ phải thôi? Vì nó chỉ có thế thôi. Nếu anh rẽ từ chỗ Desatoya…”

    “Nghe này. Em muốn lái xe à? Hay em muốn anh lái cái xe chết tiệt này?”

    Tôi luôn biết là tôi không nên thách thức bố khi ông nói bằng cái giọng đó, và rõ ràng là Xandra cũng biết thế. Cô ta xoay người ra ngoài và – theo cái cách rõ ràng là muốn chọc tức bố tôi – vặn âm lượng đài lên thật to và bắt đầu dò qua các thể loại quảng cáo.

    Cái đài ầm ĩ đến mức tôi còn cảm thấy như âm thanh còn bắn xuyên qua cái ghế bọc da trắng mà tôi đang ngồi. Kì nghỉ hè, tất cả những thứ tôi cần… Ánh sáng len lỏi và chiếu rọi qua những đám mây sa mạc tự do – bầu trời vô tận, màu xanh dương của axit, giống như màu nền trong trò chơi điện tự hoặc trong bài kiểm tra mô phỏng của phi công.

    “Vegas 99, kênh của những thập kỉ tám mươi và chín mươi,” một giọng nói gấp gáp và hào hứng cất lên trên đài. “Và tôi là Pat Benatar, trong chương trình Bữa trưa cùng Những quý bà thập niên tám mươi.”

    Thuộc quận Desatoya, trên Đường Desert EndVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link 6219, nơi gỗ được chất đống ở vài cái sân lớn và cát thì thổi tứ tung trên đường, chúng tôi rẽ vào lối đi ô tô của một căn nhà đậm chất Tây Ban Nha, hoặc có lẽ là kiểu MoorishVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, tường màu be với đầu trần nhà uốn thành vòm, mái nhà bằng đất sét được gọt nhọn ở những góc không ngờ đến. Tôi bị ấn tượng bởi cái sự thiếu mục đích phương hướng và sự lười nhác của nó, những vòm tròn và những cây cột, những cánh cửa kim loại được chạm trổ cầu kỳ như đang dựng cảnh sân khấu, giống như một ngôi nhà từ một trong số mấy phim truyền hình trên kênh song ngữ Mỹ - Tây Ban Nha mà những người gác cửa vẫn thường xem.

    Chúng tôi ra khỏi xe và đang xách hành lý đi lòng vòng ra phía cửa ga ra thì tôi chợt nghe thấy thứ âm thanh lạ lùng và khó chịu: như tiếng hét trộn với tiếng khóc lóc, phát ra từ bên trong ngôi nhà.

    “Chúa ơi, cái gì vậy?” tôi nói, thả túi rơi xuống đất, bỗng thấy bồn chồn.

    Xandra đang đứng trên lối vào, hơi xiêu vẹo vì đôi giày cao gót và đang lục tìm chìa khóa. “Ôi, im nào, im nào, im ngay đi,” cô ta lầm bầm trong cổ họng. Trước cả khi cô ta mở hết cánh cửa thì một đống giẻ lau nhà quái dị đầy sợi đã phóng ra, liên tục rú rít, rồi bắt đầu nhảy tưng tưng và chồm lên quanh chúng tôi.

    “Nằm xuống!” Xandra hét lớn. Qua cánh cửa mở hờ hững, tiếng nhạc hoang dã (tiếng voi như kèn trumpet, tiếng khỉ giao tiếp với nhau) đang bật to đến nỗi mà đứng ở ga-ra tôi cũng có thể nghe thấy.

    “Wow,” tôi nói, ngó vào trong nhà. Không khí bốc lên nóng nực và có mùi ẩm mốc: khói thuốc lá cũ, thảm mới và – miễn hỏi – cả phân chó nữa.

    “Đối với người quản thú thì những chú mèo khổng lồ này chính là những thử thách đáng sợ,” giọng nói trên ti vi vẫn ầm ầm. “Sao chúng ta không theo chân Andrea cùng đoàn của cô ấy làm một chuyến kiểm tra buổi sáng nhỉ.”

    “Này,” tôi nói, dừng ở cửa, “cô để ti vi bật.”

    “Đúng thế,” Xandra nói – cứ thế lướt qua tôi – “đó là kênh Thế Giới Động Vật, em để ti vi cho nó xem đấy. Để Popper xem. Tao nói là nằm xuống!” cô ta quay qua mắng chú chó, chú ta đang dùng bàn tay gãi gãi đầu gối của cô ta trong khi cô ta đi cà nhắc vào trong căn hộ và tắt ti vi.

    “Nó ở một mình ạ?” tôi nói, át tiếng chó tru. Chú chó thuộc loại lông dài và trông nữ tính, nếu sạch sẽ thì chắc chắn là sẽ trắng muốt và bông mềm.

    “Ôi, nó đã có vòi phun nước uống tự động hiệu Petco rồi,” Xandra nói, dùng mu bàn tay lau trán trong khi bước qua chú chó. “Và còn bát đầy thức ăn nữa?”

    “Nó thuộc giống gì?”

    “MalteseVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Giống thuần chủng luôn. Ta thắng được nó trong một lần bốc thăm trúng thưởng. Ta biết là nó cần được tắm rửa, nhìn nó lôi thôi nhếch nhác vậy cũng không nỡ. Đúng vậy đấy, nhìn xem mày làm gì với cái quần của tao này,” cô ta nói với chú chó. “Quần jeans trắng đấy.”

    Chúng tôi đang đứng giữa một căn phòng rộng lớn, thông thoáng với trần nhà cao và có cầu thang ở một bên để dẫn lên một dạng gác lửng có bao lơn nhô ra – một căn phòng rộng gần bằng cả căn hộ mà tôi từng sống. Nhưng khi mắt tôi thoát khỏi ánh nắng chói gắt và dần thích nghi thì tôi mới thực sững sờ vì vẻ đơn điệu của nó. Tường trắng muốt. Lò sưởi bằng đá, tạo cảm giác giả tạo như trong ngôi nhà gỗ tạm bợ của những người thợ săn. Sofa thì như ghế ở phòng chờ bệnh viện. phía bên kia cánh cửa kính là một dãy các loại giá đỡ nằm trong tường, gần như trống không.

    Bố tôi cũng cọt kẹt bước vào, và đặt hành lý lên trên tấm thảm. “Lạy Chúa, Xan, trong này mùi như là toàn phân chó ấy.”

    Xandra – cúi người để đặt ví xuống – lại rên rỉ khi chú chó bắt đầu nhảy chồm, rồi leo trèo và bò lên người cô ta. “Thì, đáng lẽ ra Janet phải tới và cho nó ra ngoài một lúc,” cô ta nói át tiếng kêu chói lói của chú chó. “Cô ta có chìa khóa và mọi thứ. Trời ơi, Popper,” cô ta nói, chun mũi và quay đầu đi, “mày bốc mùi kinh quá.”

    Sự trống rỗng nơi đây khiến tôi bàng hoàng. Cho tới lúc đó, tôi chưa từng thắc mắc tại sao Bố tôi lại phải bán đi những cuốn sách hay những món đồ cổ của mẹ tôi, hay tại sao lại cần phải gửi hầu hết mọi thứ cho trung tâm Nhân ái hay tống chúng ra bãi rác. Tôi đã từng lớn lên trong một căn hộ bốn phòng nơi mà tủ thì luôn chật cứng đồ đạc, nơi mà mọi chiếc giường đều có hộp đựng đồ bên dưới và xoong chảo thì treo trên trần nhà vì tủ bát đĩa không còn đủ chỗ. Nhưng – sẽ chẳng có gì khó để có thể mang tới đây vài thứ đồ của mẹ tôi, như cái hộp bằng bạc của bà ngoại, hay bức tranh vẽ hình chú ngựa màu hạt dẻ, hay thậm chí là bản sao cuốn sách Black BeautyVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link của bà nữa! Không phải là ông không thể dùng được những bức tranh hay vài thứ đồ nội thất đẹp đẽ mà bà thừa kế được. Ông ấy bỏ hết đồ đạc của mẹ tôi chỉ vì ghét bà.

    “Lạy Chúa,” bố tôi nói bằng giọng át cả tiếng chó sủa. “Con chó này đúng là đã phá tung hết mọi thứ. Theo nghĩa đen luôn.”

    “Ừm, em không rõ – ý em là, em biết là nó đã làm mọi thứ rối tinh lên nhưng Janet có nói là…”

    “Anh đã nói với em rồi, em phải nhốt nó vào chuồng chứ. Hoặc là mang nó tới chỗ nhận nuôi, anh không biết. Anh không muốn có nó trong nhà này. Bên ngoài mới là chỗ cho nó. Chẳng phải anh đã bảo em rằng nó sẽ gây rắc rối à? Còn Janet thì đúng là cái đồ…”

    “Vậy nó giẫm đạp lên cái thảm này vài lần chứ gì? Vậy thì đã sao? Anh đang nhìn cái quái gì vậy?” Xandra quát lên giận dữ, bước qua con chó đang tru tráo – và tôi bắt đầu nhận ra người mà cô ta đang nhin chằm chằm chính là tôi chứ không phải ai khác.


    vi.​

    PHÒNG MỚI CỦA TÔI THẬT trống trải và cô đơn đến mức, sau khi dỡ đồ ra khỏi túi, tôi cũng để mở nguyên cả cửa tủ quần áo để có thể nhìn thấy những thứ đồ của mình được treo bên trong. Từ dưới nhà, tôi vẫn nghe tiếng Bố quát tháo chuyện cái thảm. Không may là Xandra cũng đang rít lên, khiến cho ông càng thêm hăng máu, một cách sai lầm (nếu cô ấy hỏi tôi thì tôi sẽ nói cho) để đối phó với ông ấy. Ở nhà, mẹ tôi là người biết cách nén sự giận dữ của bố xuống bằng việc giữ im lặng, giữ một ngọn lửa tức giận cháy âm ỉ và hút hết khí oxy ra khỏi phòng, khiến cho việc gì ông làm cũng trở nên thật kì quặc. Cuối cùng thì ông ấy sẽ lao ra khỏi nhà sau một cú sập cửa sấm sét và khi ông trở về - vài giờ sau, với một tiếng vặn chìa khóa nhanh gọn – ông sẽ đi lòng vòng quanh căn hộ như thể chưa có chuyện gì xảy ra: mở tủ lạnh lấy bia, hỏi về thư từ của ông ấy bằng giọng hoàn toàn bình thường.

    Trong ba phòng ở trên gác thì tôi chọn căn rộng nhất, trông như phòng khách sạn với một phòng tắm nhỏ ngay bên trong. Sàn nhà được phủ một lớp thảm dày màu xanh sang trọng. Giường thì chưa có gì hết, dưới chân giường chỉ có một bọc ga trải mà thôi. Hiệu Legends Percale. Giảm giá hai mươi phần trăm. Có tiếng máy móc chạy đều đều phát ra từ các bức tường. Nghe như tiếng máy lọc nước trong bể cá. Khung cảnh này giống với kiểu phòng mà gái gọi và tiếp viên thường bị giết hại trên ti vi.

    Tai vẫn dựng lên nghe ngóng bố tôi và Xandra, tôi ngồi yên trên giường với bức tranh được bọc kín đặt trên đùi. Ngay cả khi cửa đã khóa thì tôi vẫn do dự không dám tháo bỏ lớp giấy báo bọc ngoài ra, phòng khi họ đi lên gác, nhưng cái thôi thúc được tận mắt chiêm ngưỡng nó thì thật không cưỡng lại được. Thận trọng, từng tí một, tôi xé băng dính bằng ngón cái và bắt đầu gỡ giấy ra từ phía góc tranh.

    Bức tranh trượt ra dễ hơn tôi tưởng, và tôi thấy mình như phải hớp từng ngụm không khí để thở vì quá xúc động. Đây là lần đầu tiên tôi được ngắm nhìn bức tranh dưới ánh sáng ban ngày. Trong căn phòng trơ trọi ấy – chỉ có tường đá và màu trắng bao phủ - những màu sắc tưởng chừng câm nín nhưng lại đang nở rộ sức sống; ngay cả khi bề mặt bức tranh có bị bụi loang lổ, nhưng cái không khí nó tỏa ra thì đem tới cảm giác phóng khoáng đong đầy thứ ánh sáng trong veo như đang đứng đối diện với một khung cửa sổ mở toang vậy. Đây có phải là lí do tại sao những người như bà Swanson lại hay kể về ánh sáng ở sa mạc không nhỉ? Bà ấy vẫn thích dông dài về cái mà bà gọi là “cuộc tạm trú” ở Mexico – những đường chân trời dài vô tận, bầu trời trong vắt không một gợn mây, không khí thoáng đãng. Thế nhưng, như thể dưới bàn tay ma thuật của ánh sáng, bức tranh đã biến đổi, như cách mà những mái nhà hàng xóm nhìn từ cửa sổ phòng ngủ của mẹ tôi đôi khi lại trông như được dát vàng và được thắp điện, khi tôi nhìn chúng trong khoảnh khắc lạ lùng của buổi chiều tà rực đỏ, ngay trước khi một cơn mưa rào mùa hạ trút xuống.

    “Theo?” Bố tôi, tay gõ cửa khẩn trương. “Con đói không?”

    Tôi đứng bật dậy, hi vọng ông không thử vặn cửa và thấy là nó đã bị khóa. Phòng mới của tôi thì cũng trống vắng chẳng khác gì buồng giam; nhưng tủ quần áo thì có vài cái giá trên cao, vượt cả tầm mắt của bố tôi và lùi sâu vào bên trong.

    “Bố định đi mua ít đồ Trung Quốc về ăn. Có muốn bố mua gì cho con không?”

    Liệu bố tôi có biết bức tranh này là thế nào không, nếu như ông thấy nó? Tôi không nghĩ vậy đâu – nhưng ngắm nhìn nó dưới ánh sáng ban ngày, thứ hào quang nó tỏa ra, tôi nghĩ là đến tên ngốc cũng phải biết điều gì đó. “Um, con ra ngay đây,” tôi đáp, giọng nghe thật giả tạo và lại còn khàn khàn, tôi bèn bỏ bức tranh vào trong một cái vỏ gối và giấu dưới gầm giường trước khi nhanh chóng ra khỏi phòng.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Nghĩa là “mất tiền”. Đây là tên gọi hài hước của Las Vegas ý chỉ nếu tới đây bạn sẽ thua nhiều tiền khi đánh bạc.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (Chơi chữ) viết đầy đủ là “Toys are us” – Đồ chơi là chúng ta.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Bóng đêm, bóng râm.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Kiểu kiến trúc phổ biến vào thế kỉ 20, là sự kết hợp của kiến trúc Ai Cập và châu Á, dùng nhiều kim loại và tranh tường.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tuần lộc nhảy nhót

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Lá cờ tinh thần

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tiếng Tây Ban Nha: phép màu

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tạm dịch: Điểm kết thúc của sa mạc

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Kiểu kiến trúc Bắc Mỹ - đạo Hồi hoặc La tinh – đạo Hồi, với rất nhiều cổng vòm uốn lượn và họa tiết trang trí

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Giống chó nhỏ, lông xù màu trắng.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Cuốn tiểu thuyết kể về một chú ngựa màu đen
     
    Last edited by a moderator: 19/3/15
  8. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    vii.​

    TRONG VÀI TUẦN Ở Las Vegas trước khi bắt đầu tới trường, chỉ có đi loanh quanh trong nhà, đeo tai nghe cắm dây iPod nhưng không bật gì, tôi đã biết thêm một cơ số những sự thật thú vị. Đầu tiên: công việc trước kia của bố tôi chẳng có cái gì gọi là đi công tác ở Chicago hay Phoenix nhưng ông vẫn nói với mẹ con tôi. Trước sự ngây thơ của chúng tôi, ông thực ra đã bay tới Vegas vài tháng, và chính là ở Vegas – trong một quán bar châu Á ở Bellagio – ông và Xandra đã gặp nhau. Họ đã qua lại được một thời gian trước khi bố tôi bỏ đi – chính xác là hơn một năm, như những gì tôi thu thập được; có vẻ như họ còn mới tổ chức “lễ kỉ niệm” không lâu trước khi mẹ tôi mất, với bữa tối ở Nhà hàng bít tết Delmonico và buổi biểu diễn của Jon Bon Jovi ở MGM GrandVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. (Bon Jovi cơ đấy! Trong số những điều mà tôi sốt sắng muốn kể cho mẹ - có cả ngàn, cả triệu thứ - thì thật đáng tiếc khi bà không được nghe về cái sự thật cười ra nước mắt này.)

    Một chuyện nữa mà tôi phát hiện ra, sau vài ngày sống ở ngôi nhà trên đường Desert End này là: điều mà Xandra và bố tôi thực sự ám chỉ khi họ nói bố tôi đã “dừng uống rượu” là ông chuyển từ rượu Scotch (thức uống ưa thích của ông) sang bia Corona Lights và thuốc an thần Vicodin. Tôi đã thấy rất khó hiểu khi nhìn họ liên tục dùng dấu hiệu hòa bình và dấu chữ V như trong từ “chiến thắng” để giao tiếp với nhau, trong cả những ngữ cảnh không liên quan nhất, và có lẽ nó sẽ vẫn tiếp tục là một bí ẩn nếu lần đó bố tôi không lên tiếng hỏi xin Xandra một viên Vicodin khi ông tưởng là tôi không nghe thấy gì.

    Tôi chẳng biết tí gì về Vicodin cả ngoại trừ việc trên báo vẫn xuất hiện ảnh quảng cáo loại thuốc này có hình của một nữ diễn viên mà tôi thích: ảnh cô ấy nằm sõng soài bên chiếc Mercedes trong khi đèn xe cảnh sát lấp lóa phía sau. Vài ngày tiếp theo, tôi có tình cờ thấy một túi ni lông với khoảng ba trăm viên thuốc bên trong – đặt trên quầy bếp, bên cạnh chai thuốc mọc tóc Propecia của bố tôi và một xấp hóa đơn chưa thanh toán – và Xandra đã túm nó bỏ nhanh vào ví.

    “Đó là gì vậy ạ?” tôi hỏi.

    “Ừm, là vitamin.”

    “Sao lại đựng trong cái túi như vậy nhỉ?”

    “Ta mua chúng từ một anh chàng huấn luyện viên thể hình ở chỗ làm đấy.”

    Điều kì lạ - và cũng là điều mà tôi ước gì mình được nói cho mẹ nghe - là người Bố mới, người Bố sống nhờ thuốc này lại là một người bạn đồng hành dễ chịu và dễ đoán hơn người Bố xưa kia rất nhiều. Khi bố tôi uống vào, ông là cả một mớ rắc rối – toàn những câu chuyện đùa chả ra đâu vào đâu rồi thì những lần bùng nổ giận dữ, cho tới tận lúc ông vật ra ngủ - nhưng khi ông không uống gì thì còn tệ hơn. Ông luôn đi trước mẹ con tôi một quãng, tự nói chuyện một mình và lần mò trong túi áo như đang tìm vũ khí. Ông đem về nhà những thứ mà chúng tôi không muốn và cũng không thể trang trải nổi, như đôi giày Manolos da cá sấu cho mẹ tôi (người ghét giày cao gót) chẳng hạn và thậm chí còn chẳng đúng cỡ. Ông vác cả núi giấy tờ từ văn phòng về nhà rồi thức đến nửa đêm, uống cà phê đá và hậm hực nhấn nút máy tính, mồ hôi túa ra như là vừa tập máy chạy bốn mươi phút vậy. Hoặc không thì ông sẽ lớn tiếng đòi đi tới một bữa tiệc mãi tít tận Brooklyn (“Cô nói cái gì cơ, ‘có lẽ tôi không nên đi’? Cô nghĩ là tôi nên sống như một lão thầy tu bạc nhược à, phải vậy không?”) và rồi – sau khi lôi được mẹ tôi tới đó – lại lao khỏi cửa sau mười phút chửi bới hoặc mỉa mai ai đó thẳng trước mặt họ.

    Với vài viên thuốc, người đàn ông này đã trở nên dễ mến hơn: ông là một chỉnh thể của sự chậm rãi và sự hồ hởi, pha chút gì đó ngây ngô và đơn giản. Bước chân của ông thả lỏng hơn. Ông ngủ nhiều hơn, gật đầu đồng tình nhiều hơn, đôi khi đang tranh cãi thì trở nên nhượng bộ đuối lý, ông đi thong thả quanh nhà bằng chân trần và áo choàng tắm thì hở một nửa. Từ những câu chửi rủa nhẹ nhàng, lớp râu cạo không thường xuyên, từ cái cách ông nói chuyện thoải mái với điếu xì gà kẹp ở khóe miệng, nó cứ như là ông đang thực hiện một vai diễn vậy: một anh chàng phong cách rất ngầu từ phim đen trắng của những năm năm mươi hoặc cũng có thể là trong phim Ocean’s ElevenVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, một tên gangster lười biếng và không còn gì để mất. Tuy thế, ngay cả khi ở cái trạng thái dễ dãi như vậy thì ông vẫn mang chút gì đó điên rồ và nổi loạn của những thanh niên bất hảo trong trường học, và nó lại càng rõ hơn khi bản thân ông có xu hướng tàn tạ, suy thoái và cẩu thả với chính mình.

    Trong ngôi nhà trên đường Desert End này, nơi sở hữu gói truyền hình cáp siêu đắt tiền mà mẹ tôi sẽ không bao giờ đồng ý mua, bố tôi thường kéo rèm che kín để tránh ánh nắng và ngồi hút thuốc trước màn hình ti vi, đờ đẫn như một kẻ nghiện thuốc phiện, xem kênh ESPN mà không bật tiếng, không xem một môn thể thao nào cụ thể mà xem bất cứ thứ gì được chiếu: khúc côn cầu, tennis trong nhà, cầu lông, ném bi. Không khí thì lúc nào cũng lạnh lẽo đến run người, cùng với cái mùi ẩm mốc như ở trong tủ lạnh; ông ngồi yên không động đậy vài giờ đồng hồ, trong khi đám khói thuốc Viceroy của ông vẫn liên tục phả lên trần nhà như những vòng khói tỏa ra từ một nén nhang, có lẽ ông cũng thầm coi Phật, Pháp và Tăng là ba người dẫn đầu Hiệp hội Golf nước Mỹ chưa biết chừng.

    Cái mà tôi chưa hiểu là nếu bố tôi có một công việc – hoặc, giả sử ông có, thì nó là loại công việc gì. Điện thoại thì réo cả ngày lẫn đêm. Bố tôi đi quanh quẩn khắp hành lang với cái đài cầm tay, quay lưng lại phía tôi, đứng khoanh tay dựa vào tường và nhìn dán mắt xuống thảm trong khi nói, có gì đó ở tư thế đó của ông gợi nhắc tới hình ảnh những huấn luyện viên đội bóng sau một trận đấu vất vả. Thường thì ông sẽ giữ giọng mình thật thấp nhưng ngay cả khi ông không làm vậy thì tôi cũng không tài nào hiểu nổi đoạn cuối mỗi cuộc hội thoại: vigVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, moneylineVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, odds-on favoriteVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, straight upVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link và against the spreadVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Bố tôi ra ngoài rất nhiều, không rõ vì việc gì, và rất nhiều tối cả bố tôi và Xandra đều không về nhà. “Bọn ta phải chơi nhạc đệm rất nhiều ở MGM Grand,” ông giải thích, tay dụi mắt rồi lại chìm sâu vào đống gối ôm trên ghế sofa với một tiếng thở dài mệt nhọc – và rồi tôi lại chợt nhận ra cái vai diễn mà ông đang thể hiện, chàng dân chơi với tâm trạng buồn rầu, là di tích còn sót lại của những năm tám mươi, rất dễ cảm thấy buồn chán. “Bố hi vọng là con không thấy phiền. Chỉ là, khi cô ấy làm ca muộn thì bọn bố sẽ tiện đường ghé qua khu StripVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link một lúc thôi.”


    viii.

    “Những mẩu giấy ở khắp nơi này là cái gì vậy ạ?” tôi hỏi Xandra một ngày nọ trong khi cô ấy đang ở trong bếp chuẩn bị thức uống kiêng có màu trắng trắng của mình. Tôi thực không hiểu nổi mấy tấm thẻ in sẵn mà ở khắp nơi trong nhà: những ô vuông được kẻ bằng bút chì sau một dãy số chán ngắt. Mang cái vẻ khoa học mơ hồ, những hình vẽ đó trông rùng rợn như mấy chuỗi ADN, hoặc có lẽ là mật mã điệp viên được viết kiểu nhị phân cũng nên.

    Cô ấy tắt máy xay đi, tay gạt tóc khỏi mắt. “Gì cơ?”

    “Mấy tờ giấy hay cái quái gì không biết.”

    “Là bài baccarat!” Xandra nói – chữ r đọc rõ dài, cùng với một cái búng tay đắc chí.

    “Oh,” tôi nói sau vài giây ngẩn ngơ, mặc dù tôi chưa từng nghe thấy cái từ đó bao giờ.

    Cô ấy nhúng một ngón tay xuống thứ đồ uống đó, và liếm hết nó. “Hai chúng ta có đi tới phòng bài baccarat ở casino MGM Grand khá nhiều?” cô ấy nói. “Bố cháu thích theo dõi những game bài mình đã chơi.”

    “Lúc nào đấy cháu đến được không?”

    “Không. Mà dù sao thì – ta nghĩ là cháu có thể đến,” cô ấy nói như thể tôi đang đòi đi du lịch ở một nước Hồi giáo bạo loạn nào đó. “Ngoại trừ việc họ không chào đón trẻ con lắm? Cháu thực sự sẽ không được phép vào và xem bọn ta chơi đâu.”

    Thì sao chứ, tôi nghĩ. Đứng cạnh và xem bố tôi với Xandra chơi bài chưa từng là trò vui với tôi. Tôi bèn nói lớn: “Nhưng cháu nghĩ họ cũng có con hổ giả, thuyền cướp biển hay những thứ giống thế.”

    “Ừ. Chắc thế.” Cô ấy đang với tay lấy một chiếc cốc thủy tinh trên giá, để lộ giữa áo phông và quần jeans là một hình tứ giác được tạo bởi bốn nét chữ Hán xăm bằng mực xanh. “Họ đã từng cố bán đi cái gói kinh doanh gia đình này vài năm trước, nhưng không thành công.”



    ix

    TÔI CÓ THỂ SẼ THẤY QUÝ MẾN Xandra nếu ở trong một hoàn cảnh khác – cái mà nghe cũng từa tựa kiểu tôi có thể sẽ thích thằng bé đã bắt nạt tôi nếu nó không bắt nạt tôi. Cô ta là người đầu tiên cho tôi cái ý tưởng rằng phụ nữ trên bốn mươi – mặc dù không phải tất cả đều ở cái mức ưa nhìn thế này – đều có thể trông quyến rũ. Mặc dù gương mặt cô ấy không phải là xinh đẹp (mắt dài hình viên đạn, mũi thấp, răng nhỏ) nhưng cô ấy có dáng người rất cân đối, cô ấy có tập luyện thể dục, và tay chân thì lúc nào cũng sáng bóng và rám nắng như thể được phun sơn lên và như thể ngày nào cô ấy cũng thoa cả đống kem và dầu lên người. Lêu nghêu trên đôi giày cao nhưng cô ấy lại bước đi khá nhanh, luôn phải kéo cái váy ngắn cũn cỡn xuống, cô ấy có dáng đi phăm phăm về phía trước, và nó lại có sức hấp dẫn kì lạ. Ở một mức nào đó thì cô ấy vẫn làm tôi thấy khó chịu – bởi cái giọng lắp bắp, bởi lớp son môi dày và bóng nhẫy phun ra từ một tuýp son có ghi chữ Môi Lấp Lánh; bởi cả tá lỗ xỏ khuyên trên tai cô ấy và bởi cả cái lỗ hổng giữa hai răng cửa mà thi thoảng cô ấy vẫn cứ thích chạm vào bằng lưỡi – nhưng cũng lại có thứ gì đó mạnh mẽ, bạo dạn và thú vị ở cô ấy nữa: một thứ sức mạnh của loài vật, như tiếng gầm gừ và tư thế săn mồi uyển chuyển mỗi khi cô ấy bỏ guốc và đi chân trần.

    Coke vị vani, Chapstick vị vani, đồ uống kiêng vị vani, Stoli vị vani. Sau khi từ chỗ làm về, cô ấy ăn mặc như một bà mẹ đánh tennis thời thượng, váy ngắn màu trắng, rất nhiều đồ trang sức bằng vàng. Thậm chí cả giày tennis cũng mới và trắng không chê vào đâu được. Khi tắm nắng bên bể bơi, cô ấy mặc một bộ bikini được thêu bằng tay; lưng cô ấy rộng nhưng mỏng, để lộ vài cái xương sườn, trông như một người đàn ông không mặc áo vậy. “Uh-oh, tủ quần áo tạm thời trục trặc,” cô ấy nói khi ngồi dậy trên ghế mà quên thắt lại phần áo trên, và tôi thấy ngực cô ấy cũng rám nắng y như cả cơ thể.

    Cô ấy thích những show thực tế như Survivor, American Idol. Cô ấy thích mua sắm ở cửa hàng Intermix và Juicy Couture. Cô ấy thích gọi cho người bạn Courtney và “xả,” và phần nhiều những lần xả ấy, thật không may, là về tôi. “Mày tin được không?” tôi nghe cô ấy nói trên điện thoại khi bố tôi không có nhà một ngày kia. “Tao đâu có kí nhận cái này. Một đứa trẻ á? Xin chào?”

    “Chuẩn, đúng là cái nhọt ở mông,” cô ấy tiếp tục, rít một hơi điếu Marlboro Light đầy lười biếng – dừng lại bên cửa kính dẫn ra bể bơi, ngó xuống những cái móng chân mới được sơn màu xanh mật của mình. “Không,” cô ấy nói sau lần tạm dừng ngắn ngủi. “Tao cũng chẳng biết là bao lâu nữa. Nghĩa là, anh ấy mong chờ là tao sẽ nghĩ gì? Tao đâu có phải một bà mẹ kì cục đi xem mọi trận bóng của con đâu chứ.”

    Những lời phàn nàn của cô ấy đã trở thành thói quen thường ngày, không quá tức giận hay quá ám chỉ người nào. Nhưng thật là khó để tìm ra cách khiến cô ấy thích tôi hơn. Trước kia, tôi vẫn tin vào cái ý nghĩ rằng những phụ nữ đến tuổi làm mẹ thì sẽ thích những đứa trẻ hay ở bên hỏi han nhưng với Xandra thì tôi đã sớm học được rằng tốt hơn là không nên bày trò đùa hay hỏi han quá nhiều khi cô ấy về nhà với một tâm trạng tồi tệ. Đôi lúc, khi mà chỉ có hai chúng tôi, cô ấy sẽ bật sang kênh ESPN và chúng tôi ngồi đó ăn món cocktail hoa quả, xem phim trên kênh Lifetime một cách bình lặng. Nhưng khi cô ấy giận dữ gì tôi, cô ấy sẽ nói từ “hẳn là vậy” với một thái độ lạnh lùng rõ rệt để trả lời cho hầu hết những gì tôi nói ra, để khiến tôi cảm thấy mình thật ngu ngốc.

    “Um, cháu không tìm thấy cái mở chai.”

    “Hẳn là vậy.”

    “Tối nay sẽ có nhật thực đấy.”

    “Hẳn là vậy.”

    “Cô nhìn kìa, có tia lửa bắn ra từ ổ điện.”

    “Hẳn là vậy.”

    Xandra thường làm việc vào buổi đêm. Thường thì cô ấy sẽ thức dậy vào lúc ba giờ rưỡi chiều, khoác lên bộ đồng phục đường nét uốn lượn: áo khoác da màu đen, quần đen làm từ loại chất liệu co giãn và bó sát, cùng với áo sơ mi bên trong tháo cúc để lộ khuôn ngực đầy tàn nhang. Bảng tên gắn trên áo khoác có ghi XANDRA bằng chữ to và bên dưới là: Florida. Khi còn ở New York, lúc chúng tôi cùng ra ngoài ăn tối hôm đó, cô ấy đã nói với tôi là cô ấy đang thử bắt đầu với công việc bất động sản nhưng rồi tôi sớm nhận ra rằng những gì cô ấy làm chỉ là quản lý một quán bar tên “Nickels” bên trong một casino ở khu Strip. Có những lúc cô ấy về nhà với cả tá đĩa nhựa đựng thức ăn bọc ni lông, những món như thịt viên và những miếng thịt gà kiểu teriyaki, thứ mà cô ấy và bố tôi cùng ngồi ăn trước cái ti vi đã được tắt tiếng.

    Sống với họ giống như là sống cùng với những người bạn cùng phòng mà tôi không hòa thuận lắm. Khi họ ở nhà thì tôi ở trong phòng đóng kín cửa. Và khi họ đã đi rồi – việc mà xảy ra hầu hết thời gian – thì tôi sẽ đi khám phá những chỗ xa xôi nhất của căn nhà, cô gắng quen với sự mênh mông của nó. Nhiều phòng chỉ có mỗi đồ nội thất không, hoặc gần thế, và cái không gian mở, cái ánh sáng không bị rèm cửa chắn lại – để lộ những tấm thảm cùng vô vàn đường nét song song – khiến tôi cảm thấy tâm trạng không được vững vàng cho lắm.

    Tuy thế nhưng vẫn thật nhẹ lòng khi không còn cảm giác bị soi mói, hay bị đưa lên sàn diễn như khi tôi còn ở nhà Barbour nữa. Bầu trời thì vẫn xanh bao la và vô tư lự, như một lời hứa về thứ vinh quang hão huyền. Chẳng có ai quan tâm nếu tôi chưa thay quần áo và không uống thuốc. Tôi được tha hồ lười biếng, nằm trên giường cả buổi sáng, có thể xem liên tiếp năm bộ phim của Robert Mitchum nếu tôi muốn.

    Bố tôi và Xandra luôn khóa cửa phòng ngủ - thật là chán vì đó là nơi Xandra để laptop của cô ấy, vượt ngoài tầm với của tôi trừ khi cô ấy ở nhà và lấy nó xuống cho tôi dùng trong phòng khách.Trong quá trình tìm tòi xung quanh, tôi thấy có vài tờ rao vặt bất động sản, những chiếc ly đựng rượu mới vẫn còn trong hộp, một chồng báo TV Guide cũ, một hộp các tông đựng vài cuốn sách bìa ngoài đã tơi tả: Cung mặt trăng của bạn, Chế độ ăn kiêng vùng biển phía nam, Cuốn sách về bài Poker của Caro nói gì, Người tình và Con bạc của tác giả Jackie Collins.

    Những ngôi nhà quanh chúng tôi thì đều trống trơn – nghĩa là không có hàng xóm nào cả. Về phía cuối đường cách đây năm sáu nhà, ở phía bên kia con phố, có một chiếc ô tô Pontiac cũ đỗ trước nhà. Nó là của một người phụ nữ có vẻ ngoài lúc nào cũng mệt mỏi, với bầu ngực nở nang và mái tóc màu lông chuột, người mà đôi lúc tôi vẫn thấy ra đứng trước sân nhà bằng chân trần, tay nắm chặt một bao thuốc lá và nói chuyện với ai đó trên điện thoại. Tôi vẫn thầm gọi bà ấy là “Playa” vì lần đầu tiên tôi nhìn thấy thì bà ấy đang mặc một chiếc áo phông có chữ ĐỪNG GHÉT PLAYA, HÃY GHÉT CÁI TRÒ CHƠI ẤY. Trừ bà ấy ra, bà Playa, thì một người duy nhất đang sống cùng khu phố mà tôi từng nhìn thấy là một người đàn ông bụng phệ mặc chiếc áo thể thao màu đen thùng thình ở tít cuối đường, ông ấy vẫn hay quẳng túi rác ra vỉa hè (mặc dù tôi hoàn toàn có thể nói với ông ấy: không được vứt rác ra đường chung. Khi đến giờ đổ rác, Xandra thường bắt tôi đổ rác ở bãi phế liệu của ngôi nhà bỏ-hoang-chờ-xây-dựng cách nhà tôi vài căn). Vào buổi đêm – ngoại trừ nhà chúng tôi và nhà bà Playa – thì cả con phố tối om. Cảm giác thật lạc lõng giống như những đứa trẻ trên đồng cỏ Nebraska mà chúng tôi đọc trong một cuốn sách hồi lớp ba – ngoại trừ việc tôi thì không có anh chị em gì và cũng không có những loài vật thân thiện trong trang trại làm bạn.

    Cho đến giờ thì điều tệ hại nhất đó là bị kẹt ở nơi khỉ ho cò gáy này – không rạp chiếu phim hoặc thư viện, thậm chí là không có cả những hiệu tạp hóa nhỏ ở góc đường. “Không có xe buýt hay sao ạ?” tôi hỏi Xandra vào một buổi tối nọ khi Xandra đang ở trong bếp tháo lớp bọc ni lông khỏi món cánh gà rán chấm pho mát xanh làm sẵn để chuẩn bị bữa tối.

    “Xe buýt?” Xandra nói, liếm chỗ sốt dính trên tay.

    “Mọi người ở đây không đi phương tiện công cộng hay sao?”

    “Không.”

    “Vậy mọi người sẽ làm thế nào?”

    Xandra ngả nghiêng đầu sang hai bên. “Họ lái xe chăng?” cô ấy nói, như thể tôi là một thằng đần chưa hề biết về sự tồn tại của ô tô.

    Còn một điều nữa: có một cái bể bơi. Ngày đầu tiên tới đây người tôi đã cháy nắng đỏ như cục gạch và đêm thì mất ngủ vì tấm ga giường lộm cộm. Sau đó, tôi chỉ ra ngoài khi nắng đã tắt. Trời chạng vạng ở đây thật hào nhoáng và lãng mạn, những vệt dài nhuộm màu cam và đỏ sẫm và cả màu son đỏ tươi như trong các bộ ảnh thời trang, thế rồi màn đêm đổ ập xuống mạnh và tối tăm như một cách cửa bỗng nhiên bị đóng sập lại. Chú chó của Xandra, Popper – hầu hết thời gian là ở trong cái lều nhỏ màu nâu ở phía khuất tầm nhìn của hàng rào – thường chạy tới chạy lui bên bể bơi và sủa ăng ẳng trong khi tôi trôi nổi trên nước, cố gắng tìm ra những chòm sao mà tôi biết trên một bầu trời chi chít sao: chòm Lyra, chòm Cassiopeia hình vương miện nữ hoàng, chòm Scorpius cong như roi quất với nọc độc ở đuôi, tất cả những hình ảnh lấp lánh từ thời thơ ấu vẫn đưa tôi vào giấc ngủ, những chòm sao phát-sáng-trong-bóng-tối được gắn lên trần nhà trong căn hộ ở New York. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi – thật lạnh lùng và bóng bẩy giống như là những vị thần khi xưa đã tháo bỏ lớp hóa trang của mình – như thể họ đã bay qua mái nhà và lên tới bầu trời để về lại ngôi nhà thiêng liêng thực sự của họ.


    x.

    TRƯỜNG TÔI BẮT ĐẦU HỌC vào tuần thứ hai của tháng tám. Nhìn từ xa, những tổ hợp nhà thấp tầng màu nâu cát và kéo dài, nối với nhau bằng lối đi có mái che và có hàng rào bao bọc quanh trường làm tôi liên tưởng tới một nhà tù mini. Nhưng khi tôi đã bước qua cửa vào rồi, những tấm áp phích sặc sỡ tươi sáng và hành lang rộn vang tiếng cười nói khiến tôi như được trở lại ngôi trường mơ ước khi xưa: những cầu thang đông đúc, ánh sáng đèn điện lấp lánh nhảy múa, phòng thực hành sinh học với một con cự đà trong cái bể cỡ chiếc đàn piano nhỏ, tủ đồ xếp thẳng tắp ngoài hành lang như một cảnh quay quen thuộc trong những show truyền hình được yêu thích – và cho dù nó giống trường cũ của tôi chỉ ở bề ngoài nhưng nghĩ theo một cách khác nó cũng rất chân thực và ấm áp.

    Ở lớp học tiếng Anh nâng cao, nửa lớp bên kia đang đọc cuốn Great Expectations. Phía tôi thì đọc cuốn Walden; và tôi thì giấu mình trong cái không khí mát mẻ và tĩnh lặng tỏa ra từ cuốn sách, một chỗ trú ẩn khỏi cái ánh nắng chói gắt của những vùng sa mạc ngoài kia. Trong suốt giờ giải lao buổi sáng (nơi chúng tôi được tập họp lại và lùa ra ngoài trời, ra chỗ cái sân có hàng rào bao quanh gần chiếc máy bán hàng tự động), tôi vẫn đứng ở chỗ nhiều bóng râm nhất có thể cùng với cuốn sách bìa cứng được bán khắp nơi và, với một cái bút chì đỏ, tôi đi qua từng con chữ và gạch chân những câu văn thực sự ấn tượng: “Cả đám đàn ông sống một cuộc sống chồng chất những tuyệt vọng câm nín.” “Sự đau đớn vừa rập khuôn vừa khó nắm bắt ấy luôn được che giấu dưới cái được gọi là những trò chơi và thú tiêu khiển của loài người.” Thoreau đã thấy được gì từ Las Vegas: ánh đèn hào nhoáng và những thú chơi bời xa hoa, rác rưởi và phù phiếm, hay những công trình lớn và vẻ bề ngoài rỗng tuếch của nó?

    Ở trường tôi, đâu đâu cũng chỉ thấy sự tạm thời chốc lát. Có rất nhiều con cái của các quân nhân, rất nhiều trẻ con nước ngoài – rất nhiều trong số đó là con của những giám đốc tới Las Vegas vì công việc xây dựng và quản lý qui mô lớn. Vài đứa trẻ đã từng sống ở chín, mười bang khác nhau trước đó, và nhiều đứa đã sống ở nước ngoài: ở Sydney, Caracas, Bắc Kinh, Dubai, Đài Loan. Cũng có những đứa nhút nhát, gần như vô hình và bố mẹ chúng đã từ giã công việc khổ sở ở nông thôn để tới đây làm hầu bàn trong khách sạn hoặc phục vụ phòng. Trong hệ sinh thái mới này, tiền hay thậm chí vẻ bề ngoài bảnh bao, có vẻ không phải là thứ quyết định số lượng bạn bè; tôi dần nhận ra, quan trọng nhất là ai đã sống ở Vegas lâu nhất, đó là lí do tại sao những đứa trẻ Mexico đẹp chết ngất đi được hay những đứa được thừa kế cả gia tài các ngôi nhà di động lại vẫn ngồi ăn trưa một mình trong khi những đứa trẻ nhạt nhòa, trung lưu, con của những người môi giới bất động sản hay buôn bán ô tô ở địa phương lại là những đội trưởng đội cổ vũ và lớp trưởng, cả một sự ưu tú không ai cạnh tranh được.

    Những ngày gần đây có vẻ sáng trong và đẹp hơn; và, khi tháng chín kéo qua, những ánh nắng chói chang đáng ghét đã nhường đường cho sự quang đãng cùng với một lớp bao phủ màu ánh vàng rất cổ điển. Có những lúc tôi ngồi ăn trưa ở Bàn Tây Ban Nha, để luyện chút tiếng Tây Ban Nha của mình; có lúc tôi lại ăn trưa ở Bàn tiếng Đức mặc dù tôi chẳng biết chữ tiếng Đức nào vì có vài đứa trong hội tiếng Đức II – con những giám đốc của Ngân hàng Deutsche và Lufthansa – từng lớn lên ở New York. Trong tất cả các môn thì tiếng Anh là môn tôi mong chờ nhất, nhưng tôi cũng khá bực mình khi bọn cùng lớp tỏ ra chẳng thích thú gì với nhà văn Thoreau cả, thậm chí còn chế nhạo ông, như thể ông (người từng tuyên bố mình không học được điều gì giá trị từ một người cao tuổi) là kẻ thù chứ chẳng phải bạn bè gì. Sự miệt thị của ông đối với việc giao tiếp – khiến tôi thấy mạnh mẽ hơn – thì lại như kích thích mấy đứa trẻ lắm chuyện trong lớp tiếng Anh nâng cao. “Đúng đấy,” một thằng bé đáng ghét hét lớn, đầu nó được chuốt keo và chải dựng lên như mấy nhân vật trong truyện Bảy viên ngọc rồng – “thế giới mà ông ta nói đó sẽ trở thành hiện thực nếu tất cả mọi người chỉ việc bỏ cuộc và đi lang thang trong rừng rú…”

    Em, em, em,” một giọng léo nhéo cất lên từ cuối lớp.

    “Đó là trái với xã hội,” một con bé to mồm phấn khích nói chen vào tràng cười mới rộ lên sau khi nó đứng dậy, quay lưng lại phía cô giáo (một phụ nữ yếu ớt, cao lênh khênh tên là Cô Spears, người luôn đi xăng đan màu nâu và mặc tông màu nâu nốt, và trông như thể cô ấy luôn phải chịu đựng bệnh stress nghiêm trọng.) “Thoreau lúc nào cũng chỉ ngồi đó mà rêu rao với chúng ta là ông ấy tốt đẹp thế nào…”

    “…Bởi vì,” thằng bé Bảy viên ngọc rồng nói – giọng nó cất lên đầy phấn khởi, “nếu mọi người từ bỏ, như ông ấy khuyến khích? Xã hội này sẽ là thể loại gì nếu chỉ toàn những người như ông ta? Chúng ta sẽ không có bệnh viện và mọi thứ khác. Chúng ta sẽ không có đường xá gì hết.”

    “Điên rồ,” một giọng nói êm ái khẽ lẩm nhẩm – đủ to cho mọi người xung quanh nghe thấy.

    Tôi quay ra nhìn xem ai là người đã nói câu đó: một thằng bé da rám nắng ngồi phía dãy bên kia, người nhoài ra và ngón tay thì gõ đều đều lên mặt bàn. Khi cậu ta thấy tôi đang nhin thì liền nhướng lông mày lên hớn hở một cách bất ngờ, như muốn nói: mày tin nổi mấy đứa đần độn này không?

    “Dưới đó có ai muốn nói gì à?” cô Spears hỏi.

    “Cứ như Thoreau quan tâm tới vụ đường xá lắm ấy,” thằng bé rám nắng cất lời. Giọng nó làm tôi ngạc nhiên: là người nước ngoài, nhưng tôi không biết được là ở đâu.

    “Thoreau là nhà môi trường học đầu tiên,” cô Spears nói.

    “Ông cũng là người ăn chay đầu tiên nữa,” một đứa con gái ngồi cuối lớp nói.

    “Cho tôi vài con số đi,” ai đó lại nói. “Ngài Kẹo Dẻo.”

    “Mọi người hiểu nhầm ý mình rồi,” thằng bé Bảy viên ngọc rồng vội vã nói. “Phải có ai đó xây dựng nên những con đường chứ không thể chỉ ngồi mãi trong rừng mà ngắm kiến với muỗi cả ngày được. Đó gọi là nền văn minh đấy.”

    Thằng bé ngồi kế tôi phát ra một tràng cười đanh gọn và đầy khinh bỉ. Nó gầy và xanh xao, không được sạch sẽ cho lắm, cùng với vài lọn tóc tối màu rũ xuống trước mắt và hai bàn tay chai sạn, móng tay có những chấm đen và được cắn cụt đến lộ cả phần thịt bên dưới – khác hẳn với những đứa chuột nhắt bóng bẩy và rám nắng ở trường cũ của tôi thuộc khu Upper West, những đứa có bố là giám đốc và bác sĩ phẫu thuật trên Đại lộ Park; bạn có thể dễ dàng bắt gặp thằng bé này ngồi đâu đó trên vỉa hè ngoài kia cùng với một chú chó thả rông ngồi bên cạnh.

    “Vậy thì, để giải đáp những câu hỏi đó? Cô muốn các em giở lại trang mười lăm,” cô Spears nói. “Chỗ Thoreau đang nói về những trải nghiệm của ông trong cuộc sống.”

    “Trải nghiệm bằng cách nào chứ?” thằng bé Bảy viên ngọc rồng hỏi, “Việc sống ở trong rừng như ông ấy làm có khác gì người tiền sử đâu?”

    Thằng bé tóc tối màu lộ vẻ cau có và tụt sâu xuống ghế. Nó nhắc tôi nhớ tới những đứa trẻ trông như không có nhà cửa, thường đứng bán xì gà qua lại trên phố St Mark’s Place, mình mẩy thì sứt sẹo, luôn miệng xin tiền lẻ - đúng kiểu quần áo rách rưới và cánh tay trắng bệch khẳng khiu ấy; đúng là những cái vòng bằng da xoắn lại quanh cổ tay ấy. Tôi không đọc ra được kiểu ăn mặc nhiều lớp hỗn độn của những đứa trẻ ấy, mặc dù ấn tượng chung cũng khá rõ rồi: từ chủng tộc khác, quên đi, tao ngầu hơn mày nhiều, đừng có mà cố bắt chuyện với tao. Đó chính là ấn tượng đầu tiên hết sức sai lầm về người bạn duy nhất tôi có khi ở Vegas, và – hóa ra – cũng là một trong những người bạn tuyệt nhất của cuộc đời tôi.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Một casino lớn ở Las Vegas

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tạm dịch: Mười một tên cướp thế kỉ

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Khoản chiết khấu trên số tiền thắng cược/thắng bạc

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Dạng cá cược mà cho ta biết cần bỏ ra bao nhiêu tiền vào một đội bóng để có thể thu về 100$

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Những đội bóng có tỉ lệ đặt cược thắng cao hơn hẳn đối thủ

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Nói thật

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Cược cho đội có tỉ lệ đặt cược thấp hơn

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Phần Đại lộ Nam Las Vegas kéo dài ở quận Clark, nổi tiếng vì nhiều khách sạn và casino.
     
  9. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    Tên cậu ta là Boris. Một ngày nọ tôi chợt nhận ra là chúng tôi cùng đứng trong một nhóm chờ xe buýt sau giờ học.

    “Hah. Harry Potter,” nó nói, sau khi nhìn tôi từ đầu đến chân.

    “Mày biến đi,” tôi cố tình phớt lờ. Đây không phải là lần đầu tiên, ở Vegas, tôi được nghe những lời bình phẩm kiểu này. Quần áo từ New York của tôi – quần kaki, sơ mi kiểu oxford màu trắng, kính gọng tròn kiểu mai rùa mà không may là tôi lại luôn cần đến – khiến tôi trông như đứa dở hơi lập dị ở trường nơi mà đứa nào cũng mặc áo ba lỗ và xỏ dép tông.

    “Chổi của mày đâu?”

    “Để ở Hogwarts rồi,” tôi đáp. “Còn mày thì sao? Cái ván trượt tuyết của mày đâu?”

    “Gì cơ?” nó hỏi, cúi người ra phía tôi và khum lòng bàn tay ra sau tai giả điếc. Nó cao hơn tôi nửa cái đầu; cùng với đôi ủng đi rừng và cái quần rằn ri cũ kĩ đã bạc phếch chỗ đầu gối, nó đang mặc một cái áo phông đen có hình một chiếc ván trượt tuyết, dòng chữ Không Bao Giờ Có Mùa Hè in nghiêng màu trắng viết theo phong cách kinh dị.

    “Áo của mày,” với một cái gật đầu cụt lủn. “Ở sa mạc này thì còn trượt tuyết thế nào được.”

    “À không,” Boris nói, tay gạt gạt những lọn tóc tối màu ra khỏi mắt. “Tao đâu có biết trượt tuyết. Đơn giản là tao ghét ánh nắng mặt trời thôi.”

    Cuối cùng chúng tôi cùng lên một cái xe buýt, ngồi ghế gần cửa lên xuống nhất – cái chỗ chẳng đứa nào mong muốn, nhìn cách bọn nó chen lấn xô đẩy nhau về phía cuối xe là biết, nhưng tôi thì chả mấy khi đi xe buýt của trường và rõ ràng là nó cũng thế, vì nó có vẻ cũng nghĩ rằng chả có gì lạ khi ngồi luôn xuống chỗ trống gần nhất ở phía trên. Chúng tôi không nói gì được một lúc, nhưng đó là cả một quãng đường dài và cuối cùng thì chúng tôi cũng mở miệng. Hóa ra nó cũng sống ở khu Canyon Shadows – nhưng xa phía ngoại ô, vùng mà tiếp xúc nhiều với sa mạc, nơi mà những ngôi nhà vẫn chưa hoàn thiện và cát thì đầy ở trên phố.

    “Mày ở đây được bao lâu rồi?” tôi hỏi. Đó là câu hỏi mà mọi đứa trẻ hỏi nhau ở trường mới này, cứ như là bọn tôi đang thụ án trong tù vậy.

    “Chả biết. Chắc được hai tháng?” Mặc dù nó nói tiếng Anh khá trôi chảy, với giọng Úc đặc sệt, nhưng vẫn có một thứ gì khác tối tăm ngấm ngầm phia dưới: một luồng gió như tới từ tiểu thuyết Count Dracula, hoặc như một đặc vụ Liên bang Xô Viết. “Mày tới từ đâu vậy?”

    “New York,” tôi đáp – và thấy thật thỏa mãn trước sự im lặng gấp đôi bình thường của nó, trước hàng lông mày hạ thấp như muốn nói: ngầu thật. “Còn mày sao?”

    Nó nhếch mép. “Để xem nào,” nó nói, ngả lưng ra ghế và đếm các nước trên đầu ngón tay. “Tao đã sống ở Nga, Scotland có lẽ là cũng khá tuyệt nhưng tao không nhớ rõ, Úc, Ba Lan, New Zealand, Texas trong vòng hai tháng, Alaska, New Guinea, Canada, Ả rập, Thụy Điển, Ukraina…”

    “Chúa ơi.”

    Nó nhún vai. “Nhưng phần lớn thời gian là ở Úc, Nga, và Ukraina. Ba chỗ đó.”

    “Mày nói được tiếng Nga không?”

    Nó ra kí hiệu mà tôi tạm hiểu là cũng tương đối. “Tiếng Ukraina nữa, và tiếng Ba Lan. Mặc dù tao cũng quên khá nhiều rồi. Có một ngày tao đã cố gắng nhớ cái từ ‘chuồn chuồn’ là gì mà không thể nào nhớ ra nổi.”

    “Nói gì đấy đi.”

    Nó miễn cưỡng nói một câu như được phun ra từ tận yết hầu.

    “Nghĩa là gì?”

    Nó cười nắc nẻ. “Nghĩa là ‘Cút cha mày đi.’”

    “Vậy hả? Tiếng Nga à?”

    Nó cười lớn, để lộ hàm răng xỉn màu và không có chất Mỹ một tí nào. “Là tiếng Ukraina.”

    “Tao tưởng người ta nói tiếng Nga ở Ukraina.”

    “Ừ, cũng có. Còn tùy vùng nào của Ukraina. Hai thứ tiếng đấy cũng không quá khác biệt. Ừm…” nó tặc lưỡi, mắt đảo xung quanh… “không khác nhau lắm. Con số thì khác, cả các ngày trong tuần với một số từ vựng nữa. Tên tao đánh vần theo tiếng Ukraina thì khác nhưng ở Bắc Mỹ thì dùng nhiều cách đánh vần theo tiếng Nga hơn và sẽ là Boris, không phải B-o-r-y-s. Ở phương Tây mọi người đều biết tới Boris YeltsinVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link…” nó ngả đầu sang một bên… “Boris BeckerVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link…”

    “Boris BadenovVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link…”

    “Eh?” giọng nó đanh lại, quay ra nhìn như thể tôi vừa chửi nó vậy.

    “Phim Bullwinkle ấy? Boris cùng với NatashaVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link?”

    “À đúng rồi. Hoàng tử Boris! Chiến Tranh và Hòa Bình. Tao được đặt tên theo nhân vật đó. Mặc dù họ của Hoàng tử Boris là Drubetskóy, không phải là người mà mày nói đến.”

    “Thế tiếng mẹ đẻ của mày là gì? Ukraina à?

    Nó nhún vai. “Có lẽ là tiếng Ba Lan,” nó nói, vai ngả ra sau, đẩy lọn tóc qua một bên bằng một cái hất đầu. Nó có cặp mắt cương quyết nhưng cũng hài hước, và có màu đen thẫm. Mẹ tao là người Ba Lan, từ vùng Rzeszów gần biên giới Ukraina. Tiếng Nga, tiếng Ukraina – Ukraina mà mày biết cũng là vệ tinh của Liên bang Xô Viết, thế nên tao nói được cả hai. Có thể là không nhiều tiếng Nga lắm – nhưng công dụng tốt nhất của nó là để chửi thề và nguyền rủa. Với mấy thứ tiếng Xla-vơ ấy – tiếng Nga, Ukraina, Ba Lan, thậm chí là tiếng Séc – nếu mày biết một trong số chúng, thì mày sẽ khá trôi chảy với số còn lại. Nhưng với tao thì tiếng Anh vẫn là dễ nhất. Hồi xưa thì tao thấy ngược lại.”

    “Mày thấy nước Mỹ thế nào?”

    “Lúc nào cũng thấy mọi người cười toe toét! Ừm… thì hầu hết mọi người. Có lẽ là không nhiều lắm. Tao thấy nó thật là ngốc nghếch.”

    Nó, cũng giống tôi, là con một. Bố nó (sinh ở Siberia, một lãnh thổ thuộc Ukraina tính từ thành phố Novoagansk) đang đi khai thác mỏ. “Một công việc rất có tầm quan trọng – ông ấy đi khắp thế giới.” Mẹ của Boris – vợ hai của bố nó – thì đã qua đời.

    “Mẹ tao cũng vậy,” tôi nói.

    Nó nhún vai. “Mẹ tao chết từ lâu lắc rồi,” nó nói. “Bà ấy là một con sâu rượu. Một đêm say rượu, bà ấy lao ra ngoài cửa sổ và chết ngắc.”

    “Wow,” tôi thốt lên, hơi sửng sốt vì nó phun ra điều đó thật dễ dàng.

    “Yah, đời thật khốn nạn,” nó nói buông xuôi, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.

    “Vậy mày mang quốc tịch gì thế?” tôi lên tiếng sau một thoáng im lặng.

    “Eh…?”

    “Thì, mẹ mày là người Ba Lan, và bố mày lại là người Ukraina, và mày sinh ở Úc, thế thì mày sẽ là…”

    “Người Indonesia,” nó nói, miệng nở một nụ cười nham hiểm. Nó có hàng lông mày rậm, gian ác và trông rất ấn tượng, thường di chuyển qua lại mỗi khi nó nói chuyện.

    “Sao mà thế được?”

    “Thì, hộ chiếu tao nói là Ukraina. Và tao cũng có một phần quốc tịch ở Ba Lan nữa. Nhưng Indonesia là nơi mà tao muốn quay lại,” Boris nói, lấy tay hất tóc qua một bên. “Là… PNG ấy.”

    “Gì cơ?”

    “Papua, New Guinea. Đó là nơi tao từng sống mà tao rất thích.”

    “New Guinea? Tao tưởng ở đó còn bọn ăn thịt người cơ mà.”

    “Không còn nữa. Hoặc không còn nhiều. Cái vòng này có xuất xứ ở đó,” nó nói, tay chỉ vào một trong số những chiếc vòng bằng da màu đen trên cổ tay. “Anh bạn Bami làm nó cho tao. Anh ấy là đầu bếp của bọn tao.”

    “Sống ở đó thế nào?”

    “Không đến nỗi nào,” nó nói, mắt liếc qua tôi theo kiểu tự mãn. “Tao có một con vẹt. Và nuôi một con ngỗng làm cảnh. Và, được học lướt sóng. Nhưng rồi, sáu tháng sau, bố tao lôi tao đi cùng ổng qua cái thành phố u ám ở Alaska. Bán đảo Seward, ngay dưới vòng Bắc Cực ấy? Và rồi, giữa tháng năm – bọn tao bay qua Fairbanks trên một cái máy bay chạy bằng cánh quạt, và sau đấy thì tới đây.”

    “Wow,” tôi thốt lên.

    “Ở vùng trên đấy chán chết,” Boris nói. “Cả núi cá chết, và mạng Internet thì treo suốt ngày. Đáng ra tao nên chạy trốn – ước gì tao làm thế,” nó nói bằng giọng cay đắng.

    “Rồi làm gì?”

    “Ở lại New Guinea. Sống trên biển. Dù sao thì cũng ơn Chúa, bọn tao không ở đó cả mùa đông. Vài năm trước, bọn tao có lên bắc Canada, ở Alberta, cái thành phố có mỗi một con đường bên sông Pouce Coupe ấy? Lúc nào trời cũng tối xầm xì, từ tháng mười đến tháng ba, và chả có cái quái gì để làm ngoài đọc sách và nghe đài CBC. Muốn tới chỗ giặt đồ thì phải lái xe năm mươi cây số. Nhưng mà vẫn…” nó cười… “vẫn tốt hơn Ukraina nhiều.

    “Mà bố mày làm gì ấy nhỉ?”

    “Chủ yếu là uống,” nó nói chua chát.

    “Vậy thì ông ấy nên gặp bố tao.”

    Lại là cái tràng cười bùng nổ bất ngờ ấy – cứ như là nó đang phun nước bọt vào mặt bạn vậy. “Đúng. Thông minh đấy. Cùng mấy con điếm nữa?”

    “Chẳng lạ gì,” tôi nói, sau một khoảng lặng hoảng hốt. Mặc dù bố tôi cũng từng làm tôi thấy khá sốc, nhưng tôi chưa từng hình dung cảnh ông đi vào những chỗ kiểu Live Girls hay Câu lạc bộ Gentlemen chỗ chúng tôi thường lướt qua trên đường cao tốc.

    Xe buýt đang thưa người dần; chỉ còn cách nhà tôi vài con phố. “Này, tao xuống ở điểm tới rồi,” tôi nói.

    “Có muốn về nhà tao xem tivi không?” Boris nói.

    “Ờm…”

    “Ôi, thôi nào. Chả có ai cả. Và tao có bản DVD phim S.O.S Iceberg đấy.”


    xi.

    XE BUÝT CỦA TRƯỜNG KHÔNG thực sự đi tận ra rìa Canyon Shadows, chỗ Boris sống. Từ trạm cuối cùng, phải đi bộ mất hai mươi phút tới nhà nó, trong cái nóng phát ngốt lên, qua những con phố đầy cát. Mặc dù có nhiều tấm biển “Tịch thu để thế nợ” và “Đang rao bán” trên con phố tôi ở (vào buổi đêm, tiếng đài trên xe ô tô có thể vọng lại từ cách xa mấy dặm) – nhưng, tôi không hề biết rằng nơi xa nhất của Canyon Shadows lại có vẻ rùng rợn đến thế: một thành phố đồ chơi, càng ra gần với rìa sa mạc thì càng thu nhỏ lại, bên trên là bầu trời đầy đe dọa. Hầu hết các căn nhà đều trông như chưa từng có ai tới ở. Những ngôi nhà khác – chưa hoàn thiện – thì vẫn còn những khung cửa sổ nham nhở chưa lắp kính; xung quanh chúng là vài giàn giáo đã bị cát phủ xám xịt, với hàng đống bê tông và những vật liệu xây dựng ố vàng. Những khung cửa sổ được bịt gỗ khiến những ngôi nhà mang cái vẻ gồ ghề và thương tật, như những khuôn mặt bị đánh bầm dập và rồi băng bó lại. Chúng tôi bước đi, cái không khí bị bỏ hoang lại càng dày đặc hơn, càng khiến tôi bức bối hơn, như thể chúng tôi đang lang thang trên một hành tinh vừa bị bệnh dịch hoặc thảm họa hạt nhân quét qua.

    “Họ xây cái đống này ra quá xa,” Boris nói. “Giờ thì sa mạc đang lấy lại những gì thuộc về nó.” Nó cười. “Thoreau đúng là khốn nạn, nhỉ?”

    “Cả cái thị trấn này giống như một cú đấm vào mặt Thoreau vậy.”

    “Tao sẽ nói cho mày biết ai mới bị ăn đấm. Chính là mấy kẻ sở hữu những ngôi nhà này. Còn chẳng thể dẫn đủ nước tới cho dân họ dùng. Họ đều sốc nặng vì chẳng có ai đủ tiền trả - đấy là lí do vì sao bố tao lại thuê được nhà rẻ vậy.”

    “Huh,” tôi nói sau một hồi lặng đi vì kinh ngạc. Tôi còn chưa từng nghĩ làm cách nào mà bố tôi có thể mua nổi một căn nhà to như thế.

    “Bố tao đi khai thác mỏ,” Boris nói bất thình lình.

    “Gì cơ?”

    Nó gạt lọn tóc dính mồ hôi sang một bên. “Mọi người ghét bọn tao, bất cứ nơi nào tao đến. Vì họ vẫn hứa là mỏ quặng sẽ không gây ô nhiễm môi trường, và rồi mỏ quặng vẫn ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng ở đây…” nó nhún vai theo kiểu hiển nhiên của người Nga… “Chúa ơi, ở cái hố cát khốn nạn này, ai thèm quan tâm chứ?”

    “Huh,” tôi nói, hơi sửng sốt vì giọng nói của bọn tôi có thể vang tới tận cuối con phố bỏ hoang, “ở đây thực sự vắng vẻ đấy nhỉ?”

    “Chuẩn. Như bãi tha ma. Chỉ còn một nhà khác sống ở đây nữa thôi – họ ở phía dưới kia. Có cái xe tải to đùng trước nhà đó, thấy không? Tao đoán là dân nhập cư bất hợp pháp.”

    “Mày với bố là hợp pháp đúng không?” Đó là cả một vấn đề ở trường: có vài đứa là đi chui; ở hành lang còn dán poster về chuyện này nữa kìa.

    Nó phì cười, như muốn nói điều đó thật nhảm nhí. “Dĩ nhiên rồi. Chỗ mỏ quặng họ lo tất. Hoặc ai đó khác đã làm. Nhưng còn mấy người sống phía dưới kia? Có lẽ là khoảng hai mươi, ba mươi người, cả đống đàn ông, sống trong cùng một ngôi nhà. Chắc là bọn buôn thuốc phiện.”

    “Mày nghĩ thế à?”

    “Có cái gì đó rất nực cười đang diễn ra,” Boris nói u ám. “Tao chỉ biết có thế.”

    Nhà của Boris – kẹp giữa hai bãi đất trống chất đầy rác – trông cũng khá giống nhà của bố tôi và Xandra: thảm trải kín toàn bộ nền nhà, đồ điện mới coóng, thiết kế các tầng đều như nhau, không có nhiều nội thất lắm. Nhưng về bầu không khí trong nhà thì lại vô cùng ấm áp; bể bơi không có nước, dưới đáy là lớp cát dày vài inch, và chả có dấu hiệu gì của một cái sân nhà, thậm chí là xương rồng cũng chẳng có. Tất cả các bề mặt – của thiết bị điện, quầy bếp, sàn bếp – đều bám một lớp cát mỏng.

    “Uống gì nhé?” Boris nói, tay mở tủ lạnh để lộ ra một dàn những chai bia Đứa sáng loáng.

    “Oh, wow, cám ơn.”

    “Ở New Guinea,” Boris nói, mu bàn tay quệt trán, “khi tao còn sống ở đó đó? Bọn tao gặp phải một trận lũ khủng khiếp. Rắn rết… rất độc và rất đáng sợ… đống bom mìn từ Thế Chiến I đang nằm dưới mỏ quặng thì đột nhiên nổ tung cả sân… rất nhiều con ngỗng đã chết. Dù sao thì…” nó nói, tay mở một chai bia… “nguồn nước của bọn tao không còn đảm bảo nữa. Rồi sốt rét. Tất cả những gì chúng tao có là bia – Pepsi cũng mất hết, Lucozade cũng mất hết, mấy viên iodine cũng mất, trong suốt ba tuần, bố tao với tao, thậm chí là cả bọn Hồi giáo, không có gì để uống ngoài bia! Bữa trưa, bữa sáng, các thể loại luôn.”

    “Nghe cũng không đến nỗi nào.”

    Nó nhăn mặt. “Lúc nào cũng đau muốn vỡ đầu. Bia địa phương, ở New Guinea – vị tởm lắm. Đây mới là đồ cao cấp! Trong tủ lạnh còn vodka nữa đó mày.”

    Tôi đang định nói có, để gây ấn tượng với nó, nhưng khi nghĩ về cái nóng và cả con đường để về tới nhà thì tôi vội “Thôi cám ơn.”

    Nó cạn chai với tôi. “Đồng ý. Uống nó thì có mà nóng phát ngốt. Bố tao uống nhiều đến mức mà mấy dây thần kinh ở chân ổng tê liệt hết rồi.”

    “Thật hả?”

    “Nó gọi là…” nó nhăn nhúm mặt mày, cố tìm một từ thích hợp… “bệnh lý thần kinh ngoại biên”. “Ở Canada, trong bệnh viện, họ phải dạy ổng đi lại một cách bình thường. Ổng đứng dậy – rồi lại ngã lăn quay ra sàn – mũi ổng chảy máu tùm lum – trông buồn cười hết biết.”

    “Nghe hay đấy,” tôi nói, trong đầu nhớ lại những lúc chính mắt mình thấy cảnh bố tôi bò bằng tay và đầu gối để tới tủ lạnh lấy mấy viên đá.

    “Chuẩn đấy. Thế của mày thì uống cái gì? Bố mày ấy?”

    “Rượu Scotch. Khi ông ấy còn uống. Giờ chác là bỏ rồi.”

    “Hah,” Boris nói, như thể nó đã từng nghe điều này trước kia. “Bố tao đáng ra nên đổi món – rượu Scotch hảo hạng ở đây rẻ lắm. Mà mày có muốn xem phòng tao không?”

    Tôi đang mường tượng ra một căn phòng na ná phòng tôi, nhưng rồi vô cùng ngạc nhiên khi nó mở cửa phòng dẫn vào một không gian như kiểu bên trong một cái lều lộn xộn, đặc mùi thuốc lá Marlboro đã mốc, sách chất đống ở khắp nơi, những chai bia đã cạn, gạt tàn, cả đống khăn bẩn cùng với đống quần áo chưa giặt vứt ngổn ngang trên thảm. Tưởng thì treo đầy vải màu – vàng, xanh lá, chàm, tím – và một lá cờ có biểu tượng búa liềm được treo phía trên tấm nệm có trải ga nhuộm theo phong cách batic. Như thể một phi hành gia người Nga vừa lao thẳng vào rừng rậm và tự biến tạo chỗ trú ẩn của mình bằng quốc kỳ hay bất cứ thứ trang phục, vải vóc nào mà anh ta kiếm được.

    “Mày tự làm đấy à?” tôi hỏi.

    “Tao chỉ gấp nó lại và tống vào va li thôi,” Boris nói, tự quăng mình lên cái đệm phủ đầy những sắc màu hoang dại. “Chỉ mất có mười phút để treo nó lên. Mày có muốn xen phim S.O.S Iceberg không?

    “Có chứ.”

    “Đúng là một bộ phim tuyệt hảo. Tao đã xem sáu lần rồi. Những cảnh như khi cô ấy leo lên máy bay để tới cứu những người trên tảng băng chẳng hạn?”

    Nhưng bằng cách nào đó chúng tôi chẳng xem được tí S.O.S Iceberg nào vào chiều hôm đó, có lẽ là vì chúng tôi không thể ngừng nói chuyện để đi xuống nhà và bật tivi. Boris có một cuộc sống thú vị hơn tất cả những đứa cùng tuổi mà tôi từng gặp. Có vẻ như nó đi học rất thưa thớt, và thuộc dạng nghèo túng nhất; ở những nơi xa xôi mà bố nó tới làm việc, thường sẽ chẳng có trường học cho nó. “Có những cuộn băng?” nó nói, tay lắc cốc bia và hướng mắt tới tôi. “Và cả những bài kiểm tra. Ngoại trừ việc mày phải ở nơi nào có Internet và đôi khi ở những nơi xa tít mù như trên Canada hay Ukraina thì bọn tao thường không có những thứ đó.”

    “Vậy mà làm gì?”

    Nó nhún vai. “Đọc sách là nhiều, tao đoán thế.” Một giáo viên ở Texas, nó nói, đã lấy một chương trình học tập cụ thể cho nó từ trên Internet.

    “Họ chắc chắn phải có trường ở Alice Springs chứ.”

    Boris cười lớn. “Chắc chắn là có rồi,” nó nói, hất sang bên một mớ tóc mướt mồ hôi. “Nhưng sau khi mẹ tao chết thì bố con tao tới sống ở Lãnh thổ phía Bắc một thời gian – Arnhem Land – cái thị trấn có tên là Karmeywallag ấy? Nó còn được gọi là thị trấn cơ mà. Nó cách trung tâm không biết bao nhiêu dặm, ở nơi khỉ ho cò gáy – chỉ có mấy cái nhà xe di động cho thợ mỏ ở và một trạm xăng mà phía sau cũng là một quán bar luôn, bia, rượu whiskey và sandwich. Dù sao thì, vợ của chú Mick là chủ quán bar, tên cô ấy là Judy nhỉ? Tất cả những việc tao làm…” nó hớp một ngụm lớn bia… “tất cả những việc tao làm, mỗi ngày, là xem phim truyền hình dài tập với cô Judy và ở phía sau quán bar với cô ấy vào những tối mà bố tao và đội của ông ấy phải chật vật dưới mỏ. Những hôm gió to là khỏi xem tivi luôn. Judy còn giữ những cuộn băng của cô ấy trong tủ lạnh để chúng khỏi bị hỏng nữa.”

    “Sao mà hỏng?”

    “Ẩm mốc trong không khí chứ sao. Mốc trong giày dép, trong sách báo.” Nó nhún vai. “Hồi đó tao không nói nhiều như bây giờ, vì tao chả biết mấy tiếng Anh. Rất nhát, chỉ có ngồi một mình một chỗ. Nhưng còn cô Judy thì sao? Cô ấy luôn trò chuyện với tao, còn tốt bụng nữa, mặc dù tao chẳng hiểu cô ấy đang nói cái gì. Mỗi sáng tao sẽ ghé chỗ cô ấy, cô ấy sẽ làm cho tao món khoai chiên ngon lành. Trời thì cứ mưa mưa mưa. Lau chùi, rửa cốc chén, giúp lau dọn quán bar. Cô ấy đi đâu tao cũng bám đuôi như một con ngỗng con. Đây là cái tách, đây là cái chổi, đây là cái ghế, là cái bút chì. Đó chính là trường học của tao. Còn trên tivi – những cuộn băng về nhóm nhạc Duran Duran và Boy George – tất cả đều bằng tiếng Anh. Những đứa con gái của McLeod là chương trình yêu thích nhất của cô ấy. Tao với cô ấy luôn xem cùng nhau, và những khi tao không biết điều gì đó? Cô ấy sẽ giải thích cho tao. Và bọn tao nói chuyện về những người chị em, và bọn tao cùng khóc khi Claire chết trong vụ đâm xe, và cô ấy nói nếu cô ấy có một ngôi nhà như của Dover? Cô ấy sẽ đưa tao đến sống hạnh phúc ở đó và bọn tao sẽ có những cô hầu như gia đình McLeods. Cô ấy rất trẻ trung và xinh xắn. Tóc xoăn vàng óng và đôi mắt xanh biếc. Người chồng thì gọi cô ấy là đồ bỏ đi và con điếm nhưng tao nghĩ cô ấy rất giống với nhân vật Jodi trong bộ phim. Cả ngày dài cô ấy vẫn luôn trò chuyện với tao và hát – dạy tao những từ có trong mấy bài hát của máy phát nhạc. ‘Bóng đêm nơi thành phố, thành phố vẫn tràn đầy sức sống…’ Dần dần rồi tao cũng trở nên thành thạo. Nói tiếng Anh đấy Boris! Tao học được vài mẩu tiếng Anh khi đi học ở Ba Lan, xin chào xin lỗi cám ơn rất nhiều, nhưng chỉ hai tháng với cô ấy là tao đã liến thoắng luôn mồm! Từ đó tao chẳng bao giờ ngừng nói cả! Lúc nào cô ấy cũng rất tốt bụng và quan tâm. Cho dù ngày nào cô ấy cũng đi vào trong bếp và khóc vì cô ấy ghét Karrmeywallag không để đâu cho hết.”

    Trời đã tối dần, nhưng bên ngoài vẫn rất nóng và còn sáng trưng. “Này, tao sắp chết đói rồi,” Boris nói, đứng dậy vươn vai để lộ mảng bụng giữa cái quần rằn ri và cái áo phông: lõm, trắng bệch, như bụng một vị thánh chết vì đói.

    “Ăn gì bây giờ?”

    “Bánh mỳ với đường.”

    “Mày đùa à?”

    Boris ngáp dài, lấy tay dụi cặp mắt đỏ. “Mày chưa từng ăn bánh mỳ rắc đường bên trên à?”

    “Không còn gì khác sao?”

    Nó cho tôi một cái nhún vai mệt mỏi. “Tao còn một phiếu mua pizza. Nhiều chất béo thì tốt thôi. Nhưng họ không giao bánh tới tận đây đâu.”

    “Tao tưởng mày có đầu bếp chỗ mày từng sống mà?”

    “Ừ, bố con tao có. Ở Indonesia. Ở Ả Rập nữa.” Nó đang hút một điếu xì gà – tôi đã khước từ điếu thuốc nó mời; nó có vẻ hơi buông thả, trôi dạt quanh phòng như đang có âm nhạc đâu đây, mặc dù thực ra chẳng có âm thanh nào. “Một anh chàng rất hay tên Abdul Fataah. Nghĩa là ‘Kẻ hầu hạ cho Người mở cánh cổng của Sự nuôi dưỡng.’”

    “Nghe này. Vậy hãy qua nhà tao đi.”

    Nó giáng mình xuống giường, tay kẹp giữa hai đầu gối. “Đừng bảo với tao là mấy tên đầu bếp rác rưởi nhé.”

    “Không, nhưng cô ấy làm trong một quán bar có buffet. Đôi khi cô ấy cũng mang đồ ăn và mấy thứ nhỏ nhặt về nhà.”

    “Tuyệt,” Borris nói, hơi loạng choạng khi đứng dậy. Nó đã nốc ba chai bia và giờ đang là chai thứ tư. Ở cửa, nó lấy một cây dù và đưa tôi một cái.

    “Ừm, để làm gì vậy?”

    Nó mở dù và bước ra ngoài. “Với cái này thì đi bộ sẽ mát hơn,” nó nói, gương mặt nó chuyển màu xanh khi đứng dưới dù. “Và không bị cháy nắng.”


    xii.

    TRƯỚC BORIS, TÔI ĐÃ TỪNG mang theo sự cô đơn của mình một cách tuyệt đối, mà không hề nhận ra mình thực sự lẻ loi thế nào. Và tôi đoán rằng nếu một trong số chúng tôi được sống trong một ngôi nhà rất đỗi bình thường, với rèm cửa, với công việc nhà và sự giám sát của người lớn thì chúng tôi sẽ không gắn bó chặt chẽ tới mức này, rất nhanh chóng, nhưng kể từ ngày đó, chúng tôi gần như đi với nhau mọi lúc, chôm đồ ăn của nhau và chia sẻ số tiền mình có.

    Ở New York, tôi đã lớn lên mà xung quanh có rất nhiều những đứa trẻ từ toàn cầu – những đứa từng sống ở nước ngoài và nói ba hay bốn thứ tiếng, những đứa tham gia trại hè ở Heidelberg và đi nghỉ ở những nơi như Rio hay Innsbruck hay Mũi Antibes. Nhưng Boris – như một thuyền trưởng dày dạn – đã khiến những đứa kia chả là gì nữa. Nó từng cưỡi lạc đà, ăn côn trùng, chơi cricket, dính sốt rét, sống trên đường phố Ukraina (“nhưng chỉ trong hai tuần thôi”), tự tay châm lửa dây thuốc nổ, bơi trên những con sông nước Úc cùng bọn cá sấu. Nó đã đọc các tác phẩm của Sê-khốp, và nhiều tác giả người Ukraina và Ba Lan mà tôi chưa từng nghe tới. Nó đã từng chịu đựng những ngày tối tăm giữa mùa đông ở Nga nơi mà nhiệt độ tụt xuống còn âm bốn mươi: những trận bão tuyết không ngừng, tuyết rơi và băng đá màu xám đen, sự cổ vũ duy nhất chính là cái cây thông sáng đèn điện hai mươi tư giờ một ngày bên ngoài quán bar mà bố nó hay lui tới. Mặc dù nó chỉ lớn hơn tôi có một tuổi – mười lăm tuổi – nhưng nó đã từng thực sự ngủ với một cô gái, ở Alaska, người mà nó đã hỏi xin một điếu xì gà ở bãi đỗ xe một cửa hàng tiện lợi. Cô ấy đã hỏi nó liệu có muốn vào ngồi cùng trong ô tô của cô ấy không, và câu chuyện là thế. (“Nhưng mày biết không?” nó nói, một luồng khói thuốc thổi ra từ khóe miệng. “Tao không nghĩ là cô ta thích nó lắm.”

    “Thế còn mày?”

    “Chúa ơi, có chứ. Mặc dù, nói mày nghe, tao biết là tao làm không đúng cách. Tao nghĩ là do trong xe quá chật chội.”)

    Mỗi ngày, chúng tôi đều đi xe buýt về nhà cùng nhau. Ở cái Trung tâm Cộng đồng đang xây dở gần rìa khu Bất động sản Desatoya, nơi mà cửa luôn khóa im ỉm và những cây thông bên ngoài thì đứng chết lặng trong những luống cây, thì có một cái sân chơi bỏ hoang nơi mà bọn tôi thường mua soda và những thanh kẹo chảy từ cái đống còn lại trong máy bán hàng tự động, rồi ngồi trên xích đu, hút thuốc và nói chuyện. Cái tính khí nóng nảy và u ám của nó, mà diễn ra khá thường xuyên, lại hòa quyện cùng với cái bùng nổ không thành tiếng của sự hài hước châm biếm; nó rất hoang dại và cũng ảm đạm, đôi khi nó có thể khiến tôi cười đến khi đau quặn hai bên sườn, và chúng tôi luôn có vô vàn chuyện để nói đến mức quên cả thì giờ và cứ ngồi mãi ngoài đó đến sau cả khi trời tối. Ở Ukraina, nó đã từng nhìn thấy một chính trị gia đắc cử bị bắn ngay vào bụng khi đang bước ra ô tô – chỉ tình cờ trông thấy, không phải thủ phạm, chỉ là thấy một người đàn ông có bờ vai rộng trong chiếc áo khoác quá nhỏ đã ngã quỵ trong bóng đêm và tuyết trắng. Nó kể cho tôi về cái trường học lợp mái tôn nhỏ xíu của nó gần khu bảo tồn Chippewa ở Alberta, nó hát những bài hát trẻ con ở Ba Lan cho tôi (“Ở Ba Lan, bài về nhà luôn là học thuộc lòng một bài thơ hoặc một bài hát, có thể là một bài cầu nguyện, đại loại thế”) và dạy tôi chửi thề bằng tiếng Nga. Nó cũng nói với tôi bằng cách nào, ở Indonesia, nó đã được cải sang đạo Hồi bởi người đầu bếp Bami của nó: không ăn thịt lợn nữa, nhịn ăn trong suốt lễ Ramadan, cầu nguyện tới thánh địa Mecca năm lần một ngày. “Nhưng tao không còn thuộc đạo Hồi nữa,” nó giải thích, ngón chân lê trên cát. Bọn tôi đang nằm dài trên cái vòng quay ngựa gỗ, hơi chóng mặt vì quay vòng vòng. “Tao từ đạo không lâu sau đó.”

    “Tại sao?”

    “Vì tao bắt đầu uống.” (Đây đúng là câu nói giảm nói tránh tuyệt nhất năm; Boris uống bia như những đứa trẻ khác uống Pepsi, bắt đầu uống gần như ngay sau khi bọn tôi đi từ trường về tới nhà.)

    “Nhưng mà ai thèm quan tâm?” tôi nói. “Sao mà mọi người phải biết chứ?”

    Nó tạo ra thứ âm thanh thiếu kiên nhẫn. “Vì sẽ là sai khi theo đạo mà không tuân thủ nghiêm ngặt. Như vậy là không tôn trọng đạo Hồi.”

    “Kể cả vậy. ‘Boris của vùng Ả Rập.’ Nghe vẫn hay mà.”

    “Mày biến đi.”

    “Không, thật đấy,” tôi vừa nói vừa cười, chống cùi chỏ để ngồi dậy. “Mày có thực sự tin vào tất cả những điều đó không?”

    “Tất cả những điều gì?”

    “Mày biết mà. Thánh Allah và Thánh Muhammad. ‘There is no God but God’Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link…?”

    “Không,” nó nói, hơi tức giận, “đạo Hồi mà tao theo là thuộc về chính trị.”

    “Cái gì, ý mày là giống như mấy gã đánh bom liều chết à?”

    Nó vừa cười vừa khụt khịt mũi. “Cha mày, không. Hơn nữa, đạo Hồi không dạy con người ta bạo lực.”

    “Vậy thì cái gì?”

    Nó nhảy ra khỏi cái vòng quay ngựa gỗ và nhìn tôi đầy cảnh giác. “Ý mày cái gì là cái gì? Mày đang nói tới điều gì vậy?”

    “Lùi lại đi! Tao đang hỏi mày đấy.”

    “Cái nào là…”

    “Nếu mày đã theo đạo và tất cả những thứ đó, vậy thì mày tin vào cái gì?”

    Nó ngã ra sau và cười như nắc nẻ như thể tôi vừa mới thả xích cho nó vậy. “Tin á? Ha! Tao chả tin vào bất cứ cái gì hết.”

    “Cái gì? Ý mày là bây giờ á?”

    “Ý tao là chả bao giờ luôn. Ừm – Đức mẹ đồng trinh, có một chút. Nhưng Allah và Chúa…? không nhiều lắm.”

    “Vậy mày muốn theo đạo Hồi làm cái quái gì vậy?”

    “Bởi vì…” nó dang rộng hai bàn tay, như những lúc nó không biết nói gì… “những người tuyệt vời ấy, họ rất tốt với tao!”

    “Đó là điểm khởi đầu.”

    “Ừ, thật sự là như vậy. Họ đặt cho tao một cái tên Ả Rập – Badr al-Dine. Badr là mặt trăng, nghĩa là mặt trăng sáng ngời của sự trung thực, nhưng họ còn nói, ‘Boris, cậu là Badr vì cậu luôn thắp sáng mọi nơi cậu đến, hãy là một người theo đạo Hồi, hãy thắp sáng thế giới này với tôn giáo của cậu, cậu luôn bừng sáng ở bất cứ nơi nào cậu tới.’ Tao thích nó, thích là một Badr. Mà đền thờ đạo Hồi cũng tuyệt hảo luôn. Những cung điện chỉ còn là tàn tích – những ngôi sao có thể chiếu rọi xuyên qua nó mỗi đêm – chim thì đậu trên mái nhà. Một người đàn ông già vùng Java đã dạy tao Kinh Koran. Và họ cũng cho tao ăn, và cũng rất tốt bụng, luôn đảm bảo rằng tao sạch sẽ và có quần áo sạch để mặc. Có những lúc tao còn ngủ gật ngay trên thảm ngồi cầu nguyện. Và vào lễ salah, gần bình minh, khi những chú chim thức dậy, mày luôn nghe thấy những tiếng đập cánh của chúng!”


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkChính trị gia xuất chúng người Nga (1931-2007)

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tay vợt nổi tiếng người Đức từng đứng số 1 thế giới

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Nhân vật hoạt hình trong bộ phim The Bullwinkle Show

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Nhân vật hoạt hình khác trong cùng bộ phim The Bullwinkle Show.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Câu nói quen thuộc của những người theo đạo Hồi. Tạm dịch: Không có vị Chúa nào khác ngoài Chúa.
     
  10. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    Mặc dù cái giọng Úc pha Ukraina của nó nghe thật kì dị, nhưng nó cũng trôi chảy tiếng Anh gần bằng tôi; và vì nó chỉ mới sống ở Mỹ trong một khoảng thời gian ngắn, nên cũng hợp lý nếu cách nói chuyện của nó thường nghiêng về kiểu KirinVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link lai Mỹ. Lúc nào nó cũng phải giở qua giở lại cuốn từ điển bỏ túi rách nát của mình (tên nó bằng chữ Kirin được viết nguệch ngoạc bên ngoài, với tên tiếng Anh được viết cẩn thận phía dưới: BORYS VOLODYMYROVYCH PAVLIKOVSKY) và tôi luôn thấy có mấy cái khăn giấy của cửa hàng 7-Eleven cùng những mẩu giấy nhàu nát ghi danh sách những từ và cụm từ nó biết được:


    kiềm chế và thuần hóa

    sự cấp tốc

    trattoriaVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    gã khôn ngoan = Kpymoй лaЧaH

    quan hệ họ hàng

    Sự không làm tròn bổn phận


    Khi cuốn từ điển không giúp gì được cho nó thì nó liền hỏi tôi, “SophomoreVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link là gì?” nó hỏi tôi trong khi đọc bảng tin ở hành lang trong trường. “Home EcVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link? Poly SciVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link?” (mà nó phát âm nghe như “politzei”). Nó cũng chưa từng nghe về hầu hết các món ăn trưa trong căng tin: fajitasVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, falafelVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, tetrazzini gà tâyVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Mặc dù nó biết rất nhiều về phim ảnh và nhạc, nhưng nó vẫn theo sau thời đại cả mấy thập kỉ; nó không có một ý niệm gì về thể thao hay trò chơi hay tivi, và – ngoại trừ những hãng lớn ở châu Âu như Mercedes và BMW – nó không thể phân biệt nổi hai cái ô tô. Tiền Mỹ cũng làm nó đau đầu, và đôi khi cả mấy môn địa lý nữa: California nằm ở vùng nào? Liệu tôi có thể nói cho nó biết thủ phủ của New England là gì không?

    Nhưng nó lại rất quen thuộc với việc ở một mình. Nó vui vẻ tự thức dậy đi học, tự quăng mình lên xe, tự kí tờ phiếu điểm, tự đi chôm đồ ăn và dụng cụ học tập. Mỗi tuần một lần hoặc tầm đó chúng tôi lại đi bộ cách xa đường về nhà đến mấy dặm dưới cái nóng đến ngộp thở, được núp dưới bóng râm của cây dù giống như những thổ dân bộ lạc ở Indonesia, để bắt cái xe buýt chậm chạp và nhỏ tí xíu còn được gọi là CAT, cái mà theo như tôi biết thì không ai thèm đi ngoài lũ say rượu, những người nghèo không có ô tô, và bọn trẻ con. Nó chạy không đều đặn, và nếu bị lỡ thì bọn tôi sẽ phải đứng đó một lúc để chờ chuyến tiếp theo, nhưng trong số những điểm đỗ của nó có một trung tâm mua sắm với một cái siêu thị sáng bóng thiếu nhân viên, nơi Boris thường chôm món bít tết cho chúng tôi, cùng với bơ, trà, dưa chuột (món khoái khẩu của nó), mấy gói thịt xông khói – thậm chí có lần còn chôm cả siro ho, khi tôi bị cảm lạnh – rồi tống hết vào túi cái áo mưa màu xám xấu hoắc của nó (là áo khoác của một người đàn ông, quá to so với cơ thể nó, vai áo thì chảy xuống và nó mang đậm cái vẻ Eastern BlocVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link xám xịt, gợi nhắc về những khẩu phần ăn đều nhau, những nhà máy thời Xô Viết, những khu công nghiệp ở Lviv hoặc Odessa). Trong khi nó đi luẩn quẩn xung quanh thì tôi đứng đó canh chừng phía đầu mỗi dãy hàng, người thì run lẩy bẩy đến nỗi có lúc tôi còn tưởng mình sắp ngất – nhưng rồi sau đó tôi cũng đã chất đầy túi nào là táo, nào là socola (cùng những món ưa thích khác của Boris) trước khi mặt dày bước tới quầy để mua bánh mỳ, sữa cùng những thứ có giá trị quá lớn để có thể lấy cắp được.

    Hồi còn ở New York, khi tôi được khoảng mười một tuổi, mẹ đã đăng ký cho tôi vào nhóm Trẻ em trong Lớp nấu ăn ở trại hè, nơi mà tôi đã học nấu vài món đơn giản: hamburger, pho mát nướng (món mà tôi vẫn làm cho mẹ ăn những đêm bà đi làm về muộn), và cả món mà Boris gọi là “trứng và bánh mỳ nướng.” Boris, người ngồi trên quầy bếp, thường lấy gót chân gõ vào các ngăn tủ và luôn miệng nói chuyện với tôi khi tôi đang nấu ăn, thì sẽ làm công việc rửa bát. Ở Ukraina, nó kể cho tôi, có vài lần nó đã đi móc túi để lấy tiền ăn. “Bị đuổi theo khoảng một hai lần gì đó,” nó nói. “Nhưng chưa bao giờ bị tóm.”

    “Có lẽ chúng ta nên xuống khu Strip vài lần,” tôi nói. Chúng tôi đang đứng ở quầy bếp nhà tôi với dao dĩa và ăn món bít tết ngay trên chảo. “Nếu chúng ta định làm trò đó thì Strip chính là địa điểm phù hợp. Tao chưa bao giờ thấy nhiều người say như thế và họ đều từ những nơi khác tới.”

    Nó ngừng nhai; trông có vẻ sốc. “Và tại sao chúng ta nên làm vậy? Khi mà ở đây việc chôm đồ còn dễ hơn trở bàn tay, từ những cửa hàng lớn đấy!”

    “Chỉ là nói vậy thôi.” Số tiền những người gác cửa dúi vào tay tôi khi xưa – số tiền mà tôi và Boris tiêu mỗi lần vài đô la vào những máy bán hàng tự động và cửa hàng 7-Eleven gần trường mà Boris gọi là “cái sạp hàng” – số tiền đó sẽ đủ trong một khoảng thời gian, nhưng không phải là mãi mãi.

    “Ha! Và tao sẽ làm gì khi mày bị bắt, Potter?” nó nói, tay thả một miếng thịt xuống cho chú chó, người mà được nó dạy nhảy bằng hai chân sau. “Ai sẽ nấu bữa tối? Và ai sẽ chăm sóc Snaps đây?” Chú chó Popper của Xandra đã được nó gọi là ‘Amyl’ rồi ‘Nitrate’ rồi ‘Popchik’ và giờ là ‘Snaps’ – bất cứ cái tên nào ngoại trừ tên thật của con chó. Tôi đã bắt đầu cho nó vào trong nhà mặc dù không được phép làm vậy vì tôi đã quá mệt mỏi khi nhìn nó luôn trong trạng thái căng xích hết mức có thể để cố nhìn vào trong nhà qua kính cửa sổ và rồi liên tục sủa inh tai nhức óc. Nhưng khi vào trong thì nó lại đột nhiên im lặng; vì không nhận được sự chú ý nên nó dính chặt lấy chúng tôi dủ là bất cứ đâu, theo sát gót chúng tôi một cách sốt sắng, lên xuống cầu thang, cuộn tròn ngủ trên tấm thảm nhỏ trong khi Boris và tôi đọc sách, tranh luận và nghe nhạc trong phòng.

    “Boris, thật ra,” tôi nói trong khi đẩy tóc ra cho khỏi chọc vào mắt (tôi đang rất cần cắt tóc nhưng lại không muốn tốn tiền), “tao thấy việc ăn cắp ví với ăn cắp thịt bò nó chả khác nhau là bao.”

    “Khác biệt lớn là đằng khác, Potter.” Nó dang rộng hai cách tay để minh họa. “Ăn cắp từ những người lao động? Và Ăn cắp từ một công ty giàu sụ chuyên bòn rút từ mọi người?”

    “Costco đâu có bòn rút mọi người. Đó là một siêu thị bán đồ giảm giá.”

    “Vậy thì được. Lấy cắp những thứ thiết yếu của người dân. Đây là kế hoạch siêu-thông-minh của mày đấy hả. Hush,” nó quay ra gọi chú chó, thứ mà đang sủa nhặng lên để đòi thêm bít tết.

    “Tao sẽ không lấy của những người lao động nghèo,” tôi nói, tự mình ném cho Popper một miếng bít tết. “Có cả tá người bất lương đang đi lại quanh Vegas với một túi đầy tiền.”

    “Bất lương?”

    “Xảo quyệt. Dối trá.”

    “Ah.” Hàng lông mày đen và nhọn hoắt chợt nhướng lên. “Cũng công bằng đấy. Nhưng nếu mày ăn cắp tiền của lũ bất lương, như bọn xã hội đen chẳng hạn, thì họ sẽ không làm hại mày đấy nhỉ?”

    “Thế mày không sợ bị làm hại khi sống ở Ukraina chắc?”

    Nó nhún vai. “Bị đánh thì có thể. Chứ không phải bị bắn.”

    “Bị bắn?”

    “Đúng, bị bắn. Đừng có ngạc nhiên thế. Ở cái đất nước cao bồi này, ai mà biết trước được điều gì? Mọi người đều có súng.”

    “Tao không nói tới bọn cớm. Tao đang nói tới mấy ông du khách say khướt ấy. Cái nơi này vào tối thứ bảy toàn những dạng như thế.”

    “Ha!” Nó đặt cái chảo xuống nền nhà cho con chó ăn nốt. “Vậy có khả năng mày sẽ kết thúc ở trong tù, Potter. Đạo đức trượt dốc, là gánh nặng cho nền kinh tế. Một công dần tồi, là mày đó.”

    xiii.

    TỪ TRƯỚC TỚI GIỜ - là vào khoảng tháng mười – bọn tôi đều ăn cùng nhau hầu hết các bữa tối. Boris, người thường uống ba hoặc bốn cốc bia trước bữa tối, thì khi ăn tối sẽ chuyển sang trà nóng. Rồi, sau một ly vodka khi kết thúc bữa tối, một thói quen mà tôi đã dần dần học từ nó (“Nó giúp mày tiêu hóa thức ăn,” Boris giải thích), bọn tôi sẽ đi loanh quanh đọc sách, làm bài tập, và đôi khi tranh luận chuyện gì đó, và thường uống cho đến khi ngủ quên trước màn hình tivi.

    “Đừng đi!” Boris nói, vào một tối ở nhà nó, khi tôi toan đứng dậy ra về lúc bộ phim The Magnificient Seven đang đến hồi kết - trận đấu súng cuối cùng, Yul Brynner đang tập kích kẻ thù của anh ta. “Mày sẽ bỏ lỡ phần hay nhất đấy.”

    “Ờ, nhưng gần mười một giờ rồi.”

    Boris – đang nằm trên sàn – liền chống cùi chỏ ngồi dậy. Tóc dài, ngực lép kẹp và chả rộng dài là bao, nó chính là phiên bản đối lập hoàn hảo của Yul Brynner ở hầu hết các khía cạnh nhưng lại vẫn có một điểm tương đồng rất chi kỳ lạ: họ đều có cái vẻ tinh ranh và cảnh giác cao độ, đáng cười và cũng thật đáng thương, có thứ gì đó thuộc về những tộc người Mông Cổ hay Tác-ta trong cái liếc mắt của hai người bọn họ.

    “Vậy gọi cô Xandra tới đón mày đi,” nó vừa nói vừa ngáp. “Mấy giờ thì cô ấy đi làm về?”

    “Xandra á? Quên đi.”

    Boris lại ngáp, mí mắt nó đã trĩu nặng cùng với rượu vodka. “Vậy cứ ngủ ở đây,” nó nói, lăn qua một bên và lấy bàn tay vuốt mặt. “Họ liệu có nhớ mày không?”

    Họ thậm chí còn chưa chắc có về nhà không. Có vài tối họ còn chẳng thèm về. “Tao nghi lắm,” tôi nói.

    “Xí,” Boris nói – tay với lấy bao thuốc lá và ngồi thẳng dậy. “Xem tiếp đi. Giờ tới lúc bọn xấu xuất hiện rồi.”

    “Mày xem phim này rồi à?”

    “Bản phim của Nga làm lại, nếu mày tin. Nhưng mấy người Nga đó yếu ớt kinh. Ẻo lả. Ẻo lả có phải từ mà tao đang tìm không nhỉ? Trông giống thầy giáo hơn là bọn đấu súng, ý tao là vậy đó.”


    xiv.

    MẶC DÙ KHI SỐNG ở nhà Barbour trong tôi vẫn luôn khổ sở nghĩ về quá khứ, nhưng giờ tôi lại ngóng vọng về căn hộ ở Đại lộ Park như khu vườn Eden đã mất của mình. Và mặc dù tôi có vào được email trên máy tính trường thì Andy cũng không phải là một người giỏi viết lách, và những tin nhắn trả lời thì khách sáo đến bực mình. (Chào cậu, Theo. Hi vọng là cậu đã tận hưởng kỳ nghỉ hè của mình. Bố đã mua một con thuyền mới [tên là Absalom]. Mẹ sẽ không đời nào đặt chân lên đó nhưng không may là mình bị bắt buộc. Lớp tiếng Nhật II đang khiến mình khá đau đầu nhưng những chuyện khác thì ổn cả.) Bà Barbour thì trả lời thư tay của tôi theo kiểu nghĩa vụ - một hoặc hai dòng viết trên cái bưu thiếp có hình mấy con chữ lồng vào nhau được mua từ tiệm Dempsey and Carroll – nhưng cũng chẳng có chút cảm xúc cá nhân nào. Bà luôn hỏi cháu thế nào? và kết thư bằng luôn nghĩ về cháu, chứ chẳng bao giờ là chúng tôi rất nhớ cháu hay chúng tôi ước gì có thể gặp cháu.

    Tôi có viết thư cho Pippa, ở Texas, mặc dù cậu ấy cũng ốm và sẽ chẳng thể hồi đáp – mà cũng thế cả thôi, vì tôi chẳng gửi đi lá thư nào.


    Gửi Pippa,

    Cậu thế nào? Có thích Texas không? Tớ đã nghĩ về cậu rất nhiều. Cậu có được cưỡi chú ngựa mà mình thích không? Mọi thứ ở đây rất tuyệt. Tớ đang tự hỏi không biết ở đó có nóng không, vì ở đây thời tiết nóng ghê lắm.​


    Thật là nhàm chán; tôi ném nó đi, và viết lại từ đầu.


    Gửi Pippa,

    Cậu khỏe không? Tớ đã nghĩ về cậu và hi vọng cậu ổn. Tớ hi vọng mọi chuyện đều sẽ tốt tuyệt vời với cậu khi ở Texas. Tớ phải nói là, tớ có phần chán ghét cuộc sống ở đây, nhưng tớ đã có vài người bạn và cũng đang làm quen dần, tớ đoán thế.

    Tớ tự hỏi là cậu có thấy nhớ nhà không? Tớ thì có. Tớ nhớ New York vô cùng. Ước gì chúng ta có thể sống gần nhau hơn một chút. Đầu của cậu giờ ra sao? Tớ hi vọng là nó đã tốt hơn nhiều. Tớ cũng xin lỗi vì​


    “Bạn gái mày đó à?” Boris hỏi – miệng cắn vào quả táo cái rộp, mắt đang đọc lá thư qua vai tôi.

    “Xùy xùy.”

    “Có chuyện gì xảy ra với con bé vậy?” nó nỏi, và rồi, khi không thấy tôi trả lời: “Mày đánh con bé à?”

    “Cái gì?” tôi nói, tai chỉ đang nghe nửa vời.

    “Đầu của nó? Đó là lí do tại sao mày đang xin lỗi? Mày đánh con bé đó hay gì?”

    “Ừ, đúng vậy đấy,” tôi nói – và sau đó, từ vẻ mặt tha thiết và chăm chú của nó, tôi chợt nhận ra là nó đang hoàn toàn nghiêm túc.

    “Mày nghĩ là tao đi đánh con gái chắc?” tôi nói.

    Nó nhún vai. “Biết đâu con bé xứng đáng phải nhận thì sao.”

    “Ừm, ở Mỹ bọn tao không có đánh phụ nữ.”

    Nó quắc mắt, và nhổ hạt táo ra ngoài. “Đúng thế. Người Mỹ chỉ đi hành hạ những nước nhỏ hơn vì không suy nghĩ giống họ thôi.”

    “Boris, mày hãy im đi và để tao yên.”

    Nhưng nó vẫn tiếp tục quấy rầy tôi bằng hàng tá những lời bình phẩm và thay vì viết một lá thư mới cho Pippa, tôi bèn bắt đầu một lá thư gửi tới Hobie


    Gửi ông Hobart,


    Chào ông, ông có khỏe không? Cháu hi vọng là có. Cháu chưa từng viết gì để cám ơn lòng tốt của ông trong suốt những tuần cuối cùng cháu còn ở New York. Cháu hi vọng là ông và Cosmo đều ổn, mặc dù cháu biết cả hai đều rất nhớ Pippa. Cậu ấy thế nào rồi ạ? Cháu hi vọng cậu ấy có thể quay trở lại với âm nhạc. Cháu cũng hi vọng​


    Nhưng tôi cũng không gửi lá đó đi. Bởi thế tôi đã vô cùng phấn khích khi có một lá thư được gửi tới – một lá thư dài, trên một tờ giấy thực sự - không phải ai khác mà chính là Hobie.

    “Con có cái gì ở đó thế?” bố tôi nói giọng ngờ vực – khi để ý thấy dấu bưu điện từ New York, ông liền giật nó khỏi tay tôi.

    “Cái gì ạ?”

    Nhưng bố tôi đã kịp xé mở phong bì. Ông lướt qua nó, thật nhanh, và rồi hết dần hứng thú. “Này,” ông nói, đưa nó lại cho tôi. “Xin lỗi, con trai. Là lỗi của bố.”

    Chính bản thân lá thư cũng đã đẹp tuyệt, như một món đồ cổ bằng da bằng thịt: giấy chất lượng cao, nét bút cẩn thận, một lời thì thầm vọng tới từ những căn phòng yên tĩnh và sang trọng.


    Gửi Theo,

    Ta đã luôn muốn biết tình hình từ cháu nhưng rồi thật may là không có tin gì, vì như vậy nghĩa là cháu đang hạnh phúc và bận rộn. Ở đây, lá đã chuyển màu rồi, Quảng trường Washington lúc nào cũng ẩm ướt và được bao phủ toàn màu vàng, và trời cũng đang lạnh dần nữa. Vào các sáng thứ bảy, Cosmo cùng với ta sẽ đi lang thang vòng quanh khu The Village – ta sẽ dẫn nó tới cửa hàng pho mát – không biết việc này có hợp pháp không nhưng những cô nhân viên sau quầy sẽ để dành cho nó vài mẩu pho mát. Nó cũng nhớ Pippa y như ta nhớ con bé vậy nhưng – cũng giống ta – nó vẫn có thể ăn ngon lành các bữa ăn của mình. Có những lúc bọn ta cùng nhau ngồi ăn bên lò sưởi vì băng giá đã tới rồi.

    Ta hi vọng rằng cháu đang ổn định dần và có thêm vài người bạn. Khi ta nói chuyện với Pippa qua điện thoại nó có vẻ không vui khi ở đó, mặc dù sức khỏe của nó thì chắc chắn là đã tiến triển. Ta sẽ bay xuống đó vào dịp lễ Tạ Ơn. Ta cũng không chắc liệu Margaret có vui khi thấy ta không, nhưng vì Pippa muốn nên ta sẽ đi. Nếu họ cho phép ta mang Cosmo lên máy bay thì ta sẽ mang cậu ta theo luôn.

    Ta có đính kèm một tấm hình mà ta nghĩ là cháu sẽ thích – hình một cái bàn làm việc kiểu Chippendale mà vừa mới về tới tiệm, bị sửa chữa rất ẩu, ta nghe là nó được để trong một nhà kho không có hệ thống sưởi ở gần Watervliet, New York. Rất nhiều vết sứt sẹo và mẻ góc, và mặt bàn thì nứt làm đôi – nhưng thử nhìn vào những cái móng vuốt đã trầy xước mà vẫn vững chắc của cái chân bàn kiểu ball-and-clawVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link mà xem! Cái chân bàn nhìn trong ảnh không có vẻ gì đặc biệt, nhưng nếu nhìn tận mắt cháu sẽ thấy những móng vuốt đó cắm sâu thế nào. Nó là một kiệt tác đấy, và ta chỉ ước nó được trông coi kĩ càng hơn. Không biết cháu có để ý một lớp các chấm nhỏ li ti trên mặt bàn không – vô thường đấy.

    Nói tới cửa tiệm: ta mở cửa vài lần một tuần với các cuộc hẹn gặp trước, nhưng hầu hết thời gian ta đều kiếm việc cho mình ở tầng dưới với những thứ đồ được khách hàng riêng gửi tới. Bà Skolnik và vài người trong khu lân cận có hỏi về cháu đấy – còn mọi việc thì vẫn vậy, ngoại trừ việc Bà Cho ở chợ đồ Hàn gặp phải một cơn đột quỵ nho nhỏ (rất nhỏ thôi, giờ bà ấy đã làm việc lại rồi). Mà cái quán cà phê trên phố Hudson mà ta rất thích ấy thì đã sập tiệm rồi – buồn thật. Sáng nay ta có đi qua và có vẻ như họ đang chuyển nó thành một cái - ừm, ta không biết bọn cháu gọi nó là gì. Một dạng cửa hàng bán truyện Nhật Bản.

    Như thường lệ ta lại dông dài rồi và có vẻ như sắp không còn chỗ mà viết nữa, nhưng ta thực sự hi vọng là cháu luôn vui và khỏe mạnh, và ở đó sẽ không cô đơn như cháu vẫn e sợ. Nếu có việc gì ta có thể làm cho cháu ở đây, hoặc nếu ta có thể giúp bằng bất cứ cách nào, thì ta sẽ làm cho cháu.​


    xv.

    ĐÊM ĐÓ, Ở NHÀ BORIS – tôi nằm ngà ngà say trên một nửa cái đệm có trải ga giường kiểu batic – và tôi cố gắng nhớ lại xem Pippa trông thế nào. Nhưng mặt trăng thật vĩ đại và sáng rực qua rèm cửa đến nỗi nó khiến tôi đột nhiên nhớ lại câu chuyện mẹ kể cho tôi nghe, về chuyến xe tới một buổi trình diễn ngựa khi bà còn nhỏ, cùng ngồi ghế sau với bố mẹ trên chiếc Buick cũ kĩ. “Quả là một chuyến đi dài – mười tiếng đồng hồ mà có những lúc phải qua cả những vùng khó đi lắm. Vòng đu quay Ferris, những chiếc nhẫn bạc chạm trổ của cao bồi cùng với mùn cưa, mọi thứ đều có mùi của bắp rang bơ và phân ngựa. Một đêm khi bọn mẹ đang ở San Antonio, và mẹ thì đang mè nheo – muốn căn phòng của mình, con biết đấy, chú chó của mình, cái giường của mình – và ông ngoại đã nhấc bổng mẹ lên khỏi mặt đất và bảo mẹ hãy nhìn vào vầng trăng phía xa. ‘Khi con thấy nhớ nhà,’ ông nói, ‘chỉ cần nhìn lên trời. Vì mặt trăng chẳng bao giờ thay đổi dù cho con có đi đến nơi đâu.’ Vậy nên sau khi ông mất, và mẹ phải tới ở với bà cô Bess – ý mẹ là, cho dù là bây giờ, sống ở thành phố này, khi mẹ nhìn thấy mặt trăng tròn vành vạnh là lại như nghe thấy giọng ông ngoại nói rằng mẹ không được quay đầu lại hay cảm thấy tuyệt vọng vì bất cứ chuyện gì, rằng nhà chính là bất cứ nơi nào có mẹ.” Và bà hôn nhẹ lên mũi tôi. “Hoặc là bất cứ nơi nào có con, cún con ạ. Cả thế giới của mẹ chính là con đấy.”

    Có tiếng soàn soạt cạnh tôi. “Potter này?”. “Mày còn thức à?”

    “Tao hỏi mày cái này được không?” tôi nói. “Mặt trăng trông như thế nào ở Indonesia?”

    “Ý mày là gì?”

    “Hoặc là, tao cũng không biết, ở Nga thì thế nào? Nó trông có giống ở đây không?”

    Nó lấy cùi chỏ đánh nhẹ vào đầu tôi – một cử chỉ mà sau này tôi dần hiểu ra, nghĩa là đồ ngốc. “Ở đâu mà chả thế,” nó nói, vừa ngáp vừa chống cái cổ tay khẳng khiu để ngồi thẳng dậy. “Mà sao vậy?”

    “Chả biết nữa,” tôi nói, và rồi, sau một khoảng lặng căng thẳng: “Mày nghe thấy tiếng gì không?”

    Một cánh cửa vừa đóng sập lại. “Cái gì thế?” tôi nói, quay mặt ra nhìn thẳng vào nó. Bọn tôi nhìn nhau, lắng nghe. Có giọng nói ở dưới nhà – tiếng cười, tiếng mọi người đi loanh quanh trong nhà, tiếng đổ vỡ như là có vật gì vừa bị đánh rơi.

    “Có phải bố mày không?” tôi nói, ngồi thẳng dậy – và rồi tôi nghe thấy giọng một người phụ nữ, say xỉn và the thé.

    Boris cũng đã ngồi dậy, dưới ánh trăng rọi qua cửa sổ, trông nó thật xương xẩu và nhợt nhạt. Dưới nhà, nghe có vẻ như họ đang quăng ném đồ đạc và xô đẩy bàn ghế.

    “Họ đang nói cái gì vậy?” tôi thì thào.

    Boris vẫn đang lắng nghe. Tôi có thể nhìn thấy rõ tất cả những vết sẹo và những hõm nhỏ trên cổ nó. “Khỉ thật,” nó nói. “Họ đang say rượu.”

    Hai bọn tôi ngồi đó và nghe – Boris thì chăm chú hơn tôi nhiều.

    “Vậy ai đang ở cùng với ông ấy đấy?” tôi hỏi.

    “Một ả điếm nào đó.” Nó nghe ngóng trong giây lát, lông mày nhíu lại, nét mặt nó dưới ánh trăng bỗng trở nên sắc lạnh, và rồi nó lại nằm trở xuống. “Có hai người.”

    Tôi quay qua kiểm tra máy iPod. Là 3:17 phút sáng.

    “Khốn nạn,” Boris rên rỉ, tay cào vào bụng. “Sao họ không im miệng đi nhỉ?”

    “Tao khát nước,” tôi nói, sau một hồi im lặng.

    Nó khịt mũi. “Ha! Bây giờ mày không muốn xuống dưới đó đâu, tin tao đi.”

    “Họ đang làm gì vậy?” tôi hỏi. Một người phụ nữ vừa mới hét lên – có thể là vì vui sướng hoặc sợ hãi, tôi không phân biệt được.

    Chúng tôi nằm đó, cứng đơ như mấy tấm bảng nhựa, mắt dí chặt lên trần nhà, lặng nghe những tiếng đổ vỡ và va đập bồn chồn.

    “Là người Ukraina à?” tôi nói. Mặc dù tôi cũng chả hiểu nổi một từ họ đang nói, nhưng tôi cũng đã ở cùng với Boris đủ để dần phân biệt được ngữ điệu của tiếng Ukraina và tiếng Nga.

    “Thể hiện tốt đấy, Potter.” Và rồi: “Châm cho tao điếu thuốc.”

    Chúng tôi đưa nó qua lại, trong bóng đêm, cho đến khi một cánh cửa nữa ở đâu đó được sập lại và những giọng nói lịm tắt dần. Cuối cùng, Boris thở hắt ra, một hơi thuốc cuối cùng, và quay người để dụi nó vào cái gạt tàn để đầu giường. “Chúc ngủ ngon,” nó thì thào.

    “Chúc ngủ ngon.”

    Nó gần như chìm vào giấc ngủ ngay lập tức – tôi có thể dám chắc qua tiếng thở của nó – nhưng tôi vẫn còn trằn trọc lâu với cái cổ họng ngứa ngáy, cảm thấy bay bay và cũng mệt mỏi từ tác dụng của điếu thuốc. Bằng cách nào mà tôi đã tới được cái cuộc sống lạ lẫm này, nơi những người ngoại quốc say xỉn la hét xung quanh tôi vào nửa đêm, và quần áo tôi thì bẩn thỉu, và chẳng có ai yêu thương tôi cả? Boris – vẫn vô lo vô nghĩ – đang ngáy ngon lành bên cạnh tôi. Cuối cùng, lúc trời chuẩn bị bình minh tôi mới chìm vào giấc ngủ, và trong giấc mơ của tôi là mẹ: mẹ đang ngồi đối diện tôi trên chuyến tàu điện ngầm, người khẽ rung, gương mặt mẹ thật điềm tĩnh dưới ánh đèn điện loang loáng.

    Con đang làm gì ở đây thế? Về nhà! Ngay bây giờ! Mẹ sẽ gặp con ở nhà. Chỉ có giọng nói ấy là có vẻ không giống lắm; và khi tới nhìn gần hơn tôi mới nhận ra đó không phải là mẹ, chỉ là ai đó đang giả làm mẹ tôi thôi. Và với một hơi thở gấp gáp, tôi bừng tỉnh.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Chữ Kirin là chữ viết chính thức của nhiều nước như Nga, Belarus, Bungary, Ukraina, Serbia…

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Quán ăn bình dân kiểu Ý

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Sinh viên đại học năm thứ hai

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Môn kinh tế hộ gia đình

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Khoa học tổng hợp

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Thịt nướng trộn rau đặt trên bánh bột mỳ hoặc bánh ngô

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Đậu xanh nghiền rồi viên lại và chiên kĩ

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Mỳ ống gà tây ăn trộn sốt kem nấm hạnh nhân

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Cách NATO gọi các nước Tây Âu vẫn theo Xã hội chủ nghĩa trong Thế chiến II

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Chân bàn có kiểu móng vuốt ôm lấy một hình cầu
     
    thanhbt and Breeze like this.
  11. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    xvi.

    BỐ CỦA BORIS LÀ một hình mẫu của sự bí ẩn. Như lời giải thích của Boris thì: ông thường ở trên công trường mà Chúa mới biết nó ở đâu, hoặc ở mỏ quặng của ông ấy, nơi mà ông ở cùng với đội của mình trong suốt vài tuần. “Chả tắm rửa gì,” Boris nói vẻ khắc khổ. “Luôn say mèm và nhếch nhác.” Cái đài gỉ sét trong bếp là tài sản của ông (Từ cái thời Brezhnev rồi,” Boris nói; “ổng không muốn quẳng nó đi”), và cả đống báo cũ bằng tiếng Nga với một xấp tờ Nước Mỹ ngày nay mà đôi khi tôi vẫn thấy đâu đó. Một ngày nọ tôi bước vào một trong số mấy phòng tắm ở nhà Boris (cái nhà tắm có màu khá là xám xịt – không có rèm tắm hoặc bệ ngồi ở bồn cầu, dù là nhà tắm ở tầng dưới hay tầng trên, và có thứ gì đen đen dính ở bồn tắm) và tôi đã giật nảy cả người bởi bộ com lê của bố nó, ướt nhẹp và bốc mùi, đang đu đưa trên cái móc quần áo như xác một loài động vật chết: xơ xác, biến dạng, chất len thì sần sùi và có màu nâu như rễ cây mới đào, nó liên tục nhỏ nước xuống sàn như mấy con yêu tinh nhỏ dãi của thời cổ đại hoặc có lẽ là giống một mớ vải bị mắc vào tấm lưới của cảnh sát khi họ đi tuần.

    “Gì đấy?” Boris hỏi, khi tôi xuất hiện.

    “Bố mày tự giặt bộ com lê của ông ấy à?” tôi nói. “Trong cái bồn rửa đó?”

    Boris – đang dựa lưng vào khung cửa ra vào, gặm nhấm móng tay cái – nhún vai đầy lảng tránh.

    “Mày đùa à,” tôi nói, và khi nó vẫn tiếp tục nhìn tôi: “Sao? Bộ người ta không có dịch vụ giặt khô ở nước Nga hay sao?”

    “Ổng có rất nhiều đá quý và những thứ đồ sang trọng,” Boris gằn giọng khi vẫn đang cắn móng tay. “Đồng hồ Rolex Giày Ferragamo. Ổng có thể giặt bộ com lê của mình theo cách mà ổng muốn.”

    “Được rồi,” tôi nói, và đổi chủ đề. Vài tuần trôi qua mà chúng tôi không nghĩ gì tới bố của Boris nữa. Nhưng rồi ngày đó đã đến khi Boris tới muộn và chuồn êm vào lớp tiếng Anh nâng cao với một vết trầy đỏ thẫm màu rượu vang ở dưới mắt.

    “Ah, bị bóng bay vào mặt ạ,” nó nói với giọng tươi tỉnh khi cô Spear (nó gọi cô là ‘Spirsetskaya”) hỏi nó chuyện gì đã xảy ra bằng giọng ngờ vực.

    Tôi biết, nó đang nói dối. Liếc qua dãy giữa để nhìn nó, giữa lúc lớp tôi đang bàn luận không ngớt về Ralph Waldo Emerson thì tôi vẫn thắc mắc trong đầu làm sao mà nó lại làm mắt mình thâm tím đến vậy sau khi tôi rời nhà nó đêm qua để về nhà mình và dắt Popper đi dạo – Xandra đã xích nó bên ngoài nhiều đến mức tôi bắt đầu cảm thấy mình phải có trách nhiệm với nó.

    “Mày đã làm gì vậy?” tôi hỏi khi bắt kịp nó sau giờ học.

    “Eh?”

    “Sao mà mày có cái vết đó?”

    Nó nháy mắt. “Ôi, thôi nào,” nó nói, vai nó xô vào vai tôi.

    “Cái gì? Hôm qua mày say đúng không?”

    “Bố tao về nhà,” nó nói, và rồi, khi tôi không đáp lại: “Còn gì nữa, Potter? Mày còn nghĩ thêm được gì không?”

    “Chúa ơi, tại sao?”

    Nó nhún vai. “May là lúc đó mày đã đi khỏi,” nó nói, tay đưa lên dụi con mắt còn lành lặn. “Không tin được cái lúc ổng xuất hiện. Tao còn đang ngủ trên ghế sofa ở tầng dưới. Lúc đầu còn tưởng là mày.”

    “Rồi sao?”

    “Ah,” Boris thở dài một cách đầy phóng đại; trên đường tới trường nó đã hút thuốc, tôi có thể nhận ra qua hơi thở của nó. “Ổng thấy mấy chai bia trên sàn.”

    “Ông ấy đánh mày vì mày uống bia à?”

    “Vì ổng đã không còn giữ được sự tỉnh táo chết tiệt của ổng, đó là lí do tại sao. Ổng đã say đến không biết trời đất gì nữa – tao không nghĩ là ổng biết ổng đang đánh tao. Sáng nay - ổng nhìn mặt tao, ổng khóc và nói xin lỗi. Dù sao thì, ổng sẽ không quay lại trong một thời gian dài đấy.”

    “Tại sao không?”

    “Ổng đang có nhiều việc phải làm ngoài đó, ổng nói vậy. Sẽ không về trong vòng ba tuần. Khu mỏ đó thì gần mấy chỗ nhà chứa được chính quyền bang quản lý, mày biết không?”

    “Nhà chứa đâu có bị bang quản lý,” tôi nói – và rồi lại tự hỏi xem có phải vậy không.

    “Ừm, mày hiểu ý tao mà. Dù vậy thì vẫn có một tin tốt - ổng để lại tiền cho tao.”

    “Bao nhiêu?”

    “Bốn nghìn.”

    “Mày đùa chắc.”

    “Không, không…” nó vỗ vỗ trán… “cứ tưởng đang nói đồng Rúp, xin lỗi! Khoảng hai trăm đô la, mà vẫn là kha khá đấy. Có lẽ tao nên đòi nhiều hơn nhưng mà tao không đủ can đảm.”

    Chúng tôi đã tới ngã ba ở hành lang nơi tôi phải rẽ tới lớp đại số còn Boris sẽ rẽ tới lớp Nhà nước Mỹ: nguồn gốc tồn tại. Đó là môn học bắt buộc – nhưng rất dễ, cho dù là với sự chấm điểm lộn xộn của trường tôi – nhưng việc khiến Boris hiểu được về Đạo luật Quyền con người, rồi quyền lực hữu hình và vô hình của Quốc hội Mỹ, thì lại nhắc tôi nhớ về khoảng thời gian phải cố gắng giải thích cho bà Barbour về cái gọi là server trên mạng Internet.

    “Vậy, gặp mày sau giờ học nhé,” Boris nói. “Mà trước khi tao đi, mày giải thích lại xem điểm khác nhau giữa Ngân hàng Trung ương và Quỹ dự trữ trung ương là gì vậy?”

    “Mày đã kể với ai chưa?”

    “Kể cái gì?”

    “Mày biết mà.”

    “Sao, mày muốn tố cáo tao à?” Boris vừa nói vừa cười.

    “Không phải mày. Là ông ấy cơ.”

    “Và tại sao? Tại sao đó lại là một ý kiến hay? Nói tao nghe. Để tao bị trục xuất chăng?”

    “Phải rồi,” tôi nói, sau một khoảng im lặng gò bó.

    “Vậy…tối nay chúng ta sẽ ra ngoài ăn!” Boris nói. “Ở một nhà hàng! Có thể là nhà hàng Mexico chẳng hạn.” Boris, sau những ngờ vực và ca thán lúc đầu thì giờ đã dần thích đồ ăn Mexico – thứ đồ ăn gần như vô danh ở Nga, nó kể, nhưng quen rồi thì không thấy tệ chút nào, mặc dù nếu cay hơn thì nó sẽ không đụng đến một miếng. “Chúng ta sẽ đi bằng xe buýt,”

    “Nhà hàng Trung Quốc gần hơn. Và đồ ăn cũng ngon hơn.”

    “Yah, nhưng mà… mày còn nhớ không?”

    “Ôi, đúng, đúng rồi,” tôi đáp. Lần cuối cùng ăn ở đó, chúng tôi đã chuồn đi mà không trả tiền. “Quên béng mất.”


    xvii.

    BORIS THÍCH XANDRA HƠN tôi nhiều: nó nhảy tới trước để mở cửa cho cô ấy, nói rằng nó thích kiểu đầu mới của cô ấy, đề nghị được xách đồ hộ cô ấy. Tôi vẫn liên tục bỡn cợt nó kể từ lúc tôi bắt gặp nó liếc nhìn vào phía trong áo Xandra khi cô ấy cúi xuống vớ lấy cái điện thoại trên quầy bếp.

    “Chúa ơi, cô ta được đó chứ,” Boris nói, khi ở trong phòng tôi một ngày nọ. “Mày có nghĩ bố mày sẽ phiền không?”

    “Ông ấy chắc gì đã thèm để ý.”

    “Không, thật đấy, mày nghĩ bố mày sẽ làm gì tao?”

    “Nếu…?”

    “Nếu tao và Xandra.”

    “Tao không biết, chắc là sẽ gọi cảnh sát.”

    Nó khịt mũi đầy chế giễu. “Để làm gì?”

    “Không phải vì mày. Là cô ấy. Tội hiếp dâm trẻ vị thành niên.”

    “Ước gì.”

    “Đi mà ngủ với cô ta nếu mày muốn,” tôi nói. “Nếu cô ta có vào tù thì tao cũng chẳng quan tâm.”

    Boris lăn trên cái bụng nó và quay qua nhìn tôi đầy tinh quái. “Cô ấy xài cocain, mày biết chứ?

    “Cái gì?”

    “Cocain.” Nó giả điệu bộ hít ngửi.

    “Chắc mày đang đùa,” tôi nói, và rồi khi thấy nó cười điệu đà: “Làm sao mày biết?”

    “Chỉ là biết thôi. Từ cái cách cô ấy nói chuyện. Và cô ấy cũng nghiến răng nữa. Cứ thử để ý mà xem.”

    Tôi không biết là nên để ý cái gì nữa. Nhưng rồi một buổi chiều nọ, chúng tôi bước vào nhà khi bố tôi đã ra ngoài và thấy cô ta đang nhoài người trên bàn cà phê và hít, một tay đang nắm tóc ra sau gáy. Khi cô ta ngả đầu ra phía sau, và đôi mắt dừng lại khi lia tới hai chúng tôi, khoảnh khắc đó không ai nói một lời nào và rồi cô ta chợt quay đi như thế không có bọn tôi ở đó.

    Chúng tôi tiếp tục đi, lên cầu thang dẫn vào phòng tôi. Mặc dù chưa từng trông thấy bất cứ ai hít thuốc phiện, nhưng tôi cũng đã thấy rõ là cô ta đang làm gì.

    “Chúa ơi, thật quyến rũ,” Boris nói, sau khi tôi đóng sập cánh cửa phòng. “Mày có tự hỏi là cô ta giấu nó ở đâu không?”

    “Chả biết,” tôi ngồi phịch xuống giường. Xandra vừa mới ra khỏi nhà; tôi có thể nghe tiếng xe của cô ta.

    “Mày có nghĩ là cô ấy sẽ cho tụi mình một ít không?”

    “Cô ta có lẽ sẽ cho mày một ít.”

    Boris chầm chậm ngồi xuống nền nhà, bó gối và dựa lưng vào tường. “Mày có nghĩ là cô ấy đang bán thứ đó không?”

    “Không đời nào,” tôi nói sau một khoảng lặng đầy nghi ngờ. “Mày nghĩ thế à?”

    “Ha! Nếu cô ấy đang làm thế thật thì mày quá sướng rồi.”

    “Sao lại thế được?”

    “Thì tiền đầy nhà chứ sao!”

    “Với tao thì chả được cái tích sự gì.”

    Nó quẳng cho tôi một cái nhìn đầy gian xảo và soi xét. “Ở nhà mày ai trả hóa đơn vậy, Potter?” nó hỏi.

    “Huh.” Đó là lần đầu tiên câu hỏi này chợt hiện lên trong tâm trí tôi, và tôi ngay lập tức đã nhận thức được tầm quan trọng về mặt thực tế của nó. “Tao không rõ. Tao nghĩ là bố tao. Mặc dù Xandra cũng góp vào chút ít.”

    “Và ông già mày lấy nó từ đâu? Tiền của ổng đó?”

    “Không biết,” tôi nói. “Ông ấy nói chuyện qua điện thoại với ai đó và rồi ra ngoài.”

    “Có tập séc nào xung quanh đây không? Hay có tí tiền mặt nào không?”

    “Không. Chả bao giờ thấy. Đôi lúc có thấy mấy con chip quanh đây.”

    “Cũng tương đương với tiền mặt,” Boris nói nhanh nhảu, miệng nhổ ra sàn một mẩu móng tay mà nó vừa cắn.

    “Đúng thế. Ngoại trừ việc mày không thể vào chơi ở casino với thứ đó nếu mày dưới mười tám tuổi.”

    Boris cười như nắc nẻ. “Thôi nào. Chúng ta sẽ khám phá ra thứ gì đó, nếu chúng ta phải làm vậy. Chúng ta sẽ cho mày mặc cái áo khoác đồng phục khoe mẽ của trường mình rồi mày sẽ tới bên cửa sổ và thỏ thẻ, ‘Xin lỗi, cô…’”

    Tôi quay qua đấm nó một cú thật mạnh vào bắp tay. “Thằng khốn nạn,” tôi nói, cảm thấy như bị kim châm khi nghe nó nhại giọng tôi theo cái kiểu lè nhè và tự phụ.

    “Không thể nói thế được, Potter,” Boris nói mừng rỡ và xoa xoa cánh tay. “Họ sẽ không cho mày xu nào đâu. Tao đang muốn nói là, tao biết bố tao để tập séc ở đâu, và nếu trong trường hợp khẩn cấp…” nó mở rộng lòng bàn tay… “đúng không?”

    “Đúng.”

    “Ý tao là, nếu tao phải viết một tờ séc khống thì tao sẽ viết,” Boris nói như rao giảng. “May là tao có thể làm việc đó. Tao không nói là đột nhập phòng họ và lục soát đồ đạc, nhưng dù sao thì vẫn tốt khi được mở rộng tầm mắt, đúng chứ?”


    xix.

    KỂ TỪ KHI BORIS xuất hiện với một bên mắt thâm tím thì trong đầu tôi đã dần mường tượng về bố nó như một con người từ thời Xô Viết với cái cổ bự, cặp mắt vô hồn và quả đầu được cắt gọn ghẽ. Thật ra – quả thực là bất ngờ khi cuối cùng tôi đã có dịp gặp mặt ông ấy – ông gầy và xanh xao như một lão nhà thơ ốm đói. Ở ông mang cái màu úa vàng như cây héo, ngực thì lép kẹp, ông hút thuốc không ngừng nghỉ, mặc những cái sơ mi rẻ tiền đã ngả màu sau mấy lần giặt và ông liên tục uống những tách trà pha đường. Nhưng khi nhìn thẳng vào đôi mắt đó thì mới thấy sự ốm yếu mỏng manh đó chỉ là đánh lừa mà thôi. Ông rất dẻo dai và sự nóng tính dữ dội luôn tỏa ra từ con người ấy – khung xương nhỏ và khuôn mặt góc cạnh, giống như Boris nhưng với cặp mắt tinh ranh luôn bắn đi những tia nhìn rợn người và những chiếc răng nhỏ xíu nhưng nhọn như răng cưa đã chuyển màu nâu xỉn. Ông ấy làm tôi liên tưởng đến một con cáo dại.

    Mặc dù tôi đã từng liếc nhìn khi ông lướt qua, và nghe thấy ông (hoặc ai đó mà tôi đoán là ông ấy) đi loạng choạng ở trong nhà vào buổi đêm, nhưng tôi chưa chính thức gặp mặt ông ấy lần nào cho tới vài ngày trước lễ Tạ Ơn. Một ngày nọ, sau giờ học, chúng tôi đang bước vào nhà Boris, cười nói rôm rả, thì bỗng thấy ông đang đứng khom lưng ở quầy bếp với một chai rượu và một ly thủy tinh. Mặc dù ông khoác lên mình bộ quần áo tuềnh toàng nhưng đôi giầy thì rất đắt tiền và ông cũng mang khá nhiều đồ trang sức bằng vàng; khi ông nhìn lên chúng tôi với cặp mắt đỏ ngầu, hai đứa liền im miệng ngay lập tức. Cho dù ông có dáng người khá nhỏ con nhưng có gì đó trên khuôn mặt ông có thể khiến bạn thấy không muốn tới gần chút nào.

    “Chào chú,” tôi nói đầy nhập tâm.

    “Xin chào,” ông nói – khuôn mặt đầy góc cạnh và giọng điệu thì nặng hơn Boris – rồi ông quay qua Boris và nói gì đó bằng tiếng Ukraina. Tiếp theo sau là một đoạn hội thoại khá ngắn gọn mà mà tôi thấy khá thú vị khi được chứng kiến. Thật lạ khi được thấy Boris đột ngột thay đổi lúc nó chuyển sang nói một thứ ngôn ngữ khác – như bỗng trở nên sống động hơn, hoặc cảnh giác hơn, như thể một con người đầy năng lượng khác đã chiếm lấy cơ thể nó.

    Thế rồi – đột ngột – ông Pavlikovsky dang rộng hai bàn tay về phía tôi. “Cám ơn cháu,” ông nói đầy cảm kích.

    Mặc dù tôi không dám tới gần ông – cảm giác như tiếp cận một loài thú hoang dữ tợn vậy – nhưng tôi vẫn bước tới trước và dang hai bàn tay ra một cách gượng gạo. Ông đón lấy chúng bằng đôi bàn tay lạnh và chai sạn của mình.

    “Cháu là một người tốt,” ông nói. Cái nhìn đỏ ngầu của ông thật quá quyết liệt. Tôi chỉ muốn quay qua nhìn vào một nơi nào khác, và thấy thật hổ thẹn vì chính mình.

    “Mong là Chúa luôn ở bên và phù hộ cho cháu,” ông nói. “Đối với ta, cháu giống như một đứa con trai vậy. Vì đã để con trai ta trở thành một người trong gia đình cháu.”

    Gia đình tôi? Tôi liếc mắt đầy bối rối tới Boris.

    Mắt ông Pavlikovsky cũng liếc nhìn nó. “Con đã nói với cậu ấy những gì bố nói chưa?”

    “Ông ấy nói mày là một phần gia đình tao ở đây,” Boris nói bằng giọng lãnh đạm, “và nếu có bất cứ thứ gì mà ổng có thể giúp…”

    Trước sự kinh ngạc của tôi, ông Pavlikovsky kéo tôi lại và ôm tôi một cái thật chặt, trong khi tôi nhắm nghiền mắt và cố lờ đi thứ mùi đang tỏa ra từ ông ấy: mùi keo chuốt, mùi dầu tắm, mùi rượu và đâu đó thứ mùi nước hoa hăng và cay không thể chịu nổi.

    “Thế là sao?” tôi khẽ hỏi khi chúng tôi ở trong phòng Boris và đóng chặt cửa.

    Boris đảo mắt. “Tin tao đi. Mày không muốn biết đâu.”

    “Ông ấy lúc nào cũng say khướt thế à? Sao mà làm việc được?”

    Boris cười khúc khích. “Làm quan chức cấp cao trong công ty,” nó nói. “Hay gì đó.”

    Bọn tôi ngồi trong căn phòng trang trí kiểu batic u ám của Boris cho tới khi nghe thấy tiếng chiếc xe tải của bố nó nổ máy trên lối đi. “Ông ấy sẽ không quay trở lại đây trong một thời gian,” Boris nói, khi tôi để tấm rèm che kín khung cửa sổ như cũ. “Ổng thấy có lỗi vì phải để tao ở một mình quá nhiều. Ổng biết là kỳ nghỉ đang tới gần, và ổng hỏi liệu tao có thể tới ở nhà mày lúc đó không.”

    “Thì mày chẳng làm thế suốt ngày là gì.”

    “Ổng biết vậy,” Boris nói, bàn tay cào ngược tóc ra sau. “Đó là lí do vì sao ổng cám ơn mày đó. Nhưng… tao mong là mày không phiền… vì tao đã đưa ổng một địa chỉ khác.”

    “Tại sao?”

    “Vì…” chưa cần tôi phải nói, nó tự động dịch chân ra để tôi có thể tới ngồi bên cạnh… “tao nghĩ có lẽ mày sẽ không muốn ổng say rượu rồi tới nhà mày phá phách lúc nửa đêm đâu. Rồi đánh thức bố mày với Xandra nữa. Mà – nếu ổng có hỏi - ổng vẫn nghĩ họ của mày là Potter đấy.”

    “Tại sao lại thế?”

    “Như vậy thì tốt hơn,” Boris điềm tĩnh nói. “Cứ nghe tao.”


    xx.

    BORIS VÀ TÔI NẰM dài trên sàn nhà, trước mặt là tivi, cùng nhau ăn khoai tây chiên và uống vodka trong khi xem tường thuật cuộc diễu hành Lễ Tạ Ơn của hãng Macy. Ở New York đang có tuyết rơi. Vài quả khinh khí cầu vừa mới lướt qua – hình chó Snoopy, Ronald McDonald, Bọt Biển, Ngài Đậu Phộng – và một đoàn những vũ công Hawaii đóng khố hoặc mặc váy cỏ xanh đang nhảy múa ở Quảng trường Herald.

    “May mà không phải tao,” Boris nói. “Đảm bảo là họ đang lạnh co quắp.”

    “Ờ,” tôi nói, cho dù mắt tôi nào có để ý gì tới khinh khí cầu hay vũ công. Trông thấy Quảng trường Herald trên tivi làm tôi cảm thấy như mình đang ở vị trí cách xa trái đất hàng triệu năm ánh sáng và đang bắt lấy tín hiệu đài, bắt lấy những âm thanh cười nói và tiếng vỗ tay tới từ một nền văn minh đã biến mất từ lâu.

    “Lũ ngốc. Không tin được là họ lại ăn mặc như vậy. Rồi sẽ nằm viện cả lũ, mấy đứa con gái đó.” Cũng giống như việc Boris hay phàn nàn dữ dội về cái nóng ở Las Vegas, nó cũng có một niềm tin không thể xoay chuyển được là bất cứ thứ gì “lạnh” cũng sẽ làm con người ta lăn quay ra ốm: bể bơi chưa được làm ấm, nhà có máy điều hòa, và thậm chí là đá trong cốc nước.

    Nó lăn qua đưa tôi chai rượu. “Mày với mẹ của mày, hai người tới xem diễu hành này rồi đấy à?”

    “Chưa.”

    “Tại sao?” Boris nói, tay đưa cho Popper một miếng khoai tây chiên.

    “NekulturnyVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link,” tôi dùng một từ mới học được từ nó. “Và nhiều khách du lịch quá.”

    Nó châm một điếu thuốc và đưa tôi một điếu. “Mày có buồn không?”

    “Một chút,” tôi nói, vươn người tới trước để châm thuốc bằng que diêm của nó. Tôi không tài nào ngừng nghĩ về Lễ Tạ Ơn năm ngoái; nó cứ tua đi tua lại như một bộ phim mà tôi không thể nhấn nút tắt: mẹ tôi tất bật đi lại trong nhà trên đôi chân trần, mặc chiếc quần jeans cũ với chỗ hai đầu gối đã bạc màu và rách, mẹ mở nắp một chai rượu vang, rót cho tôi thêm một chút bia gừng vào li rượu, bày ra bàn một đĩa vài quả ô liu, bật đài lên, đeo cái tạp dề mà mẹ chỉ dùng vào ngày lễ, và mở bọc thịt ức gà mà mẹ đã mua ở khu phố Tàu, và rồi mẹ phải chun mũi lại trước cái mùi đang xộc lên – “Ôi trời ơi, Theo, thứ này hư rồi, mở cửa hộ mẹ với” – mùi amoniac ngửi như muốn chảy nước mắt, mẹ tôi giơ cái thứ đó ra trước mặt như giơ một quả lựu đạn chưa nổ trong khi nhanh chóng chạy xuống cầu thang thoát hiểm và tống nó vào thùng đựng rác trên phố trong khi tôi – nhoài người ra ngoài cửa sổ - thì giả bộ như đang nôn mửa. Chúng tôi đã ăn một bữa ăn thanh đạm gồm có đậu đóng hộp, quả việt quất đóng hộp, gạo nâu cùng với hạnh nhân nướng: “Lễ Tạ Ơn của Những người ăn chay Xã hội chủ nghĩa,” mẹ tôi đã gọi nó như vậy. “Chúng tôi đã không chuẩn bị kĩ càng vì mẹ tôi còn công việc ở chỗ làm chưa hoàn thành xong; chúng tôi hứa với nhau là năm tới (cả hai chúng tôi đều cười nhiều đến phát mệt; vì một lí do nào đó mà con gà tây bốc mùi kia đã khiến chúng tôi cảm thấy mọi chuyện thật khôi hài), chúng tôi sẽ thuê một chiếc ô tô và lái tới nhà bạn mẹ tôi là Jed sống ở Vermont, hoặc sẽ đặt bàn ở một nhà hàng nào đó như kiểu Gramercy Tavern. Chỉ có điều cái tương lai đó đã không xảy ra; và tôi đang tận hưởng Lễ Tạ Ơn của rượu và khoai tây cùng với Boris, trước màn hình tivi.

    “Chúng ta sẽ ăn gì đây, Potter?” Boris xoa xoa bụng.

    “Sao? Mày đói à?”

    Nó phe phẩy bàn tay qua một bên kiểu: comme ci, comme çaVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. “Mày sao?”

    “Cũng chả đói lắm.” Vòm miệng tôi đã khô như rang vì ăn quá nhiều khoai tây, và mấy điếu xì gà đã bắt đầu làm tôi choáng váng.

    Bất chợt Boris cười rú lên; nó ngồi thẳng dậy. “Nghe đi,” nó nói – đá chân vào người tôi, tay chỉ vào tivi. “Mày nghe thấy không?”

    “Cái gì?”

    “Ông phát thanh viên. Ông ấy vừa gửi lời chúc tới mấy đứa con của ổng. ‘Thằng Khốn và Casey.’”

    “Ôi, thôi đi mày.” Boris lúc nào cũng nghe nhầm mấy từ tiếng Anh thế này, hội chứng bị nhầm lẫn giữa những từ có cách phát âm na ná nhau, có lúc buồn cười mà cũng có lúc thật bực mình.

    “ ‘Thằng Khốn và Casey!’ Cũng khó đấy chứ nhỉ? Casey thì ổn rồi, nhưng mà gọi con mình là ‘Thằng Khốn’ trên tivi, ngay trong kì nghỉ lễ ấy hả?”

    “Đó đâu phải là từ ông ấy nói.”

    “Vậy được thôi, cái gì mày chả biết, ông ấy đã nói gì vậy?”

    “Làm thế quái nào mà tao biết được?”

    “Vậy sao mày lại tranh cãi với tao? Tại sao mày lại nghĩ là lúc nào mày cũng đúng hả? Cái đất nước này bị làm sao vậy? Làm thế nào mà một đất nước ngu ngốc thế này lại có thể trở nên thật giàu có và ngạo mạn? Người Mỹ… những ngôi sao điện ảnh…những người trên truyền hình… họ đặt tên con họ là Táo, là Chăn, rồi Xanh với lại Thằng Khốn nữa, và vô vàn những thứ điên rồ khác.”

    “Và ý mày là…?”

    “Ý tao muốn nói là, họ lấy cái dân chủ ra làm lí do cho tất cả những thứ khốn nạn nhất. Bạo lực… tham lam… ngu ngốc… cái gì cũng tốt miễn là do người Mỹ làm. Đúng không? Tao nói đúng chứ hả?”

    “Mày thực sự không thể câm cái miệng lại đúng không?”

    “Tao biết là tao đã nghe thấy những gì, đúng vậy đó! Thằng Khốn! Nói cho mày biết. Nếu tao nghĩ con mình là một thằng khốn thì chắc chắn là tao sẽ đặt cho nó một cái tên khác.”

    Trong tủ lạnh có cánh gà, món taquitos và cả món cốc tai xúc xích mà Xandra đã mang về nhà, cũng như mấy cái bánh bao từ cửa hiệu tạp hóa Trung Quốc nơi mà bố tôi vẫn thích tới ăn, nhưng trước khi chúng tôi mò đi kiếm cái gì bỏ bụng thì chai vodka (món đóng góp của Boris nhân dịp Lễ Tạ Ơn) đã vơi đi một nửa và chúng tôi đã dần quay cuồng đầu óc. Boris – người thường hay lên cơn giận dữ mỗi khi say, một nét tính cách rất Liên Xô trước những chủ đề nghiêm túc hay những câu hỏi chưa có lời đáp – thì đang ngồi trên kệ bếp bằng đá, vẫy qua vẫy lại chiếc dĩa vẫn còn cắm nguyên miếng xúc xích và nó đang nói tràn lan từ chuyện đói nghèo, chế độ tư bản cho tới việc thay đổi khí hậu và thế giới thì đang thối nát ra sao.

    Có lúc mất phương hướng, tôi đã phải hét lên với nó: “Boris, mày im đi, tao không muốn nghe.” Nó lại quay trở lên phòng tôi để lấy bản copy cuốn sách Walden để đọc tướng lên những đoạn văn dài nhằm bổ trợ cho những luận điểm nó đang nói tới.

    Thế rồi nó lại vứt phăng cuốn sách đi – may mà là bìa cứng – và nó bay sượt qua cằm tôi. “Ischézni! Cút ra khỏi nhà!”

    “Đây là nhà tao, thằng khùng.”

    Món cốc tai xúc xích – vẫn dính trên chiếc dĩa – lại bay vụt qua đầu tôi, suýt thì trúng. Những chúng tôi đã cười nói vui vẻ. Trước giờ chiều chúng tôi đã hoàn toàn tê liệt: chỉ biết lăn qua lăn lại trên thảm, đấm đá lẫn nhau, cười và chửi thề, rồi lại bò đi bằng tay và đầu gối. Trên tivi đang có một trận bóng đá, và mặc dù cả hai đứa thấy phát bực vì nó nhưng không tài nào tìm thấy cái điều khiển để chuyển kênh. Boris đã lồng lộn đến mức chuyển sang nói với tôi bằng tiếng Nga.

    “Mày hãy nói tiếng Anh hoặc là im đi,” tôi quát, cố gắng chống tay vào quầy bếp để đứng dậy, và vì tránh cái con người đang quay vòng vòng kia mà tôi đã ngã vào cái bàn cà phê.

    “Ty menjá dostál!! Poshël ty!Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    “Blah blah blah,” tôi đáp lại bằng giọng con gái điệu chảy nhớt, mặt áp vào tấm thảm. Sàn nhà giờ gập ghềnh và chao đảo như boong tàu. “Hãy chơi trò đập tay theo nhịp đàn Balalaika.”

    “TélikVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link khốn kiếp,” Boris nói, rồi cũng ngã vật ra sàn bên cạnh tôi, chân giơ lên như muốn đá văng cái tivi ra xa. “Tao không muốn xem cái thứ này đâu.”

    “Ừ, khốn thật” – tôi lăn qua một bên, ôm lấy bụng – “tao cũng thế.” Mắt tôi không còn nhìn rõ nữa, đồ vật và hào quang của chúng đã sáng vượt ra ngoài giới hạn thông thường.

    “Xem tin thời tiết đi,” Boris nói, nó đang cố bò đi bằng đầu gối. “Tao muốn xem thời tiết ở New Guinea.”

    “Mày phải tìm thôi, tao chả biết nó ở kênh nào.”

    “Dubai!” Boris thốt lên, lao ra đằng trước bằng cả tứ chi – và rồi, lại tuôn ra một tràng tiếng Nga mà tôi bắt được một hai tiếng chửi thề.

    Angliyski! Nói tiếng Anh coi.”

    “Ở đó có tuyết không?” Tôi nhún vai. “Người ta bảo đang có tuyết, đúng là khùng, ty videshVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link?! Ở Dubai mà có tuyết! Đúng là phép màu, Potter! Nhìn kìa!”

    “Đấy là Dublin, thằng ngu. Không phải Dubai.”

    Valí otsyúdaVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link! Biến đi!”

    Sau đó có lẽ tôi đã lả đi (một sự việc quá ư quen thuộc mỗi khi Boris mang qua một chai rượu) vì điều tiếp theo mà tôi biết, là ánh sáng có màu thật khác và tôi đang nằm bên cạnh cái cửa trượt với một bãi nôn mửa trên thảm bên cạnh tôi và trán tôi thì dí chặt vào cửa kính. Boris đang ngủ say như chết, mặt úp xuống và ngáy một cách ngon lành, một tay lòng thòng dưới ghế sofa. Popchik cũng đang ngủ, nó mãn nguyện gác cằm lên phía gáy của Boris. Tôi thì cảm thấy thật mục nát. Vài con bướm chết đang trôi lờ đờ trên mặt bể bơi. Tiếng máy móc rì rì nghe rõ mồn một. Những con dế và bọ cánh cứng chết đuối đã mắc kẹt trong cái túi lọc bể bơi bằng nhựa. Trên đầu, mặt trời đang lặn vẫn còn tỏa ra thứ ánh nắng chói chang và tàn nhẫn, những đám mây viền đỏ rực như máu đang báo hiệu khoảng thời gian cuối ngày đượm màu đổ nát và tang thương: tiếng bom kích nổ trên những đảo san hô của Thái Bình Dương, thú rừng thì hốt hoảng chạy trốn khỏi ngon lửa đang càn quét.

    Có lẽ tôi đã ngồi đó mà khóc lóc, nếu không có Boris. Thay vì vậy, tôi lại đi vào nhà tắm và nôn mửa một đợt nữa, rồi sau khi uống chút nước máy từ vòi, tôi mới quay lại cùng đống giấy ăn để lau chùi cái mớ lộn xộn hãi hùng mà mình vừa tạo ra mặc dù đầu tôi thì đang đau nhức đến mức gần như không nhìn rõ cái gì. Cái bãi nôn có màu da cam tởm lợm của cánh gà nướng và rất khó để cạo hết, nó đã để lại một vết ố, và trong khi tôi cố chà hết bằng nước rửa bát, những ký ức êm ái về New York lại cuộn chặt lấy tôi – căn hộ của nhà Barbour với những bình sứ Trung Hoa và những người gác cửa thân thiện, cũng như những lần được trôi về quá khứ vô tận ở nhà Hobie, trong những căn phòng tĩnh lặng nơi mọi thứ đều êm đềm và mang ý nghĩa riêng của nó. Thường thường, vào những đêm cảm thấy lạ nhà, tôi phải cố đưa mình vào giấc ngủ bằng việc nghĩ về cái xưởng làm việc của Hobie, quyện mùi thơm sáp ong và gỗ hồng đào, rồi những cầu thang hẹp dẫn lên phòng khách, nơi những tia nắng bụi bặm chiếu sáng rực rỡ trên những tấm thảm tới từ phương Đông.

    Mình sẽ gọi, tôi nghĩ. Tại sao lại không chứ? Tôi vẫn còn đủ say để cho rằng đó là một ý kiến hay. Nhưng đầu dây bên kia chỉ có chuông liên hồi. Cuối cùng – sau hai hay ba lần thử lại và sau đó là nửa tiếng ngồi thẫn thờ trước màn hình tivi – mệt mỏi và mồ hôi đầm đìa, bụng thì nháo nhào, mắt dán chặt vào Kênh Thời tiết, những con đường đóng băng, đợt lạnh đang quét qua vùng Montana – tôi đã quyết định gọi cho Andy, sau đó đi vào trong bếp để khỏi đánh thức Boris. Kitsey là người nhấc máy.

    “Chúng ta không nói chuyện được,” con bé nói giọng vội vã khi nó nhận ra nó đang nói chuyện với tôi. “Gia đình em bị muộn rồi. Cả nhà đang chuẩn bị đi ăn tối.”

    “Ở đâu?” tôi nói, mắt hấp háy. Đầu tôi vẫn đau rền rĩ đến mức tôi không thể đứng tử tế.

    “Với nhà Van Ness ở Đại lộ Năm. Bạn của Mẹ.”

    Ở phía xa, tôi có thể nghe rõ cái tiếng mè nheo đặc trưng của Toddy, và tiếng Platt gầm lên: “Tránh xa tao ra!”

    “Cho anh chào Andy một tiếng được không?” tôi nói, mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà bếp.

    “Không, thực sự là nhà em đang… Mẹ à, còn tới đây!” tôi nghe tiếng con bé nói lớn. Rồi quay lại với tôi, nó nói, “Chúc anh lễ Tạ Ơn vui vẻ.”

    “Em cũng thế nhé,” tôi nói, “bảo với mọi người là anh có lời chào,” nhưng con bé đã cúp máy rồi.


    xii.

    SỰ E DÈ CỦA TÔI ĐỐI VỚI bố Boris đã phần nào thuyên giảm kể từ lúc ông nắm lấy bàn tay tôi và cám ơn tôi vì đã để mắt tới Boris. Mặc dù Ngài Pavlikovsky (“Ngài cơ đấy” Boris cười khúc khích) trông có hơi đáng sợ, hẳn rồi, nhưng tôi cũng dần thấy ông không tồi tệ như bề ngoài của mình. Tuần sau kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn, có hai lần khi chúng tôi đi học về đã thấy ông trong bếp – lẩm bẩm nói vài câu chuyện đùa, không gì hơn, trong khi ông ngồi ở bàn để nốc rượu vodka và lau vầng trán mướt mồ hôi bằng mớ khăn giấy, mái tóc hoe vàng của ông đã bị làm cho tối màu đi bởi một thứ keo chuốt kèm tinh dầu. Ông đang nghe bản tin tiếng Nga được phát ầm ầm qua cái đài cũ kĩ của mình. Nhưng rồi một đêm nọ, chúng tôi đang ở dưới nhà với Popper (tôi dắt nó đi dạo từ nhà) và đang xem một bộ phim cũ của Peter Lorre có tên là Quái nhân với năm ngón tay thì bỗng nghe tiếng cửa chính đóng sầm lại, rất mạnh.

    Boris vỗ mạnh vào trán. “Chết tiệt.” Trước khi tôi kịp nhận ra điều gì thì nó đã xua con Popper đang nằm trong lòng tôi đi ra ngoài, nắm cổ áo tôi để kéo tôi đứng dậy và gấp gáp đẩy tôi đi.

    “Cái gì…?”

    Nó vung tay – cứ đi đi. “Con chó,” nó rít lên. “Bố tao sẽ giết nó mất. Nhanh lên.”

    Tôi chạy qua căn bếp, và – im lặng nhất có thể - tôi chuồn qua cửa sau. Bên ngoài trời tối mịt. Lần đầu tiên trong cuộc đời, Popper không gây ra tiếng động nào. Tôi ấn nó xuống, chắc chắn rằng nó luôn ở bên mình, và đi vòng ra phía cửa sổ phòng khách đang kéo rèm che kín.

    Bố nó đang đi tới với một cây gậy, thứ mà tôi chưa thấy bao giờ. Nặng nề đứng tựa vào nó, ông nhìn đăm đăm vào căn phòng sáng đèn như một nhân vật trong vở nhạc kịch. Boris thì đang đứng đó, hai cách tay đan chéo trước bộ ngực xương xẩu, tự ôm lấy bản thân mình.

    Nó với bố đang tranh cãi – hoặc, hợp lý hơn là bố nó đang gầm lên với nó. Boris chỉ dán mắt xuống nền nhà. Tóc lòa xòa trước mặt, nên tôi chỉ có thể nhìn thấy chóp mũi của nó.

    Đột nhiên, nó ngẩng đầu lên thật nhanh, nói gì đó ngắn gọn và quay đầu bước đi. Và rồi – thật dã man đến mức tôi không có thời gian để kịp suy nghĩ – bố của Boris đã lao ra như một con rắn cùng với chiếc gậy và giáng một đòn vào lưng của Boris, làm nó ngã lăn ra đất. Trước khi nó kịp đứng dậy – nó đang bò bằng hai tay và đầu gối – thì Ngài Pavlikovsky đã cho nó thêm một cú đá, rồi túm lưng áo nó mà kéo mạnh ra sau làm nó loạng choạng. La hét và quát tháo bằng tiếng Nga, ông ấy tát vào mặt nó bằng bàn tay đeo nhẫn đỏ ngầu, tát qua rồi tát lại lần nữa. Rồi ông ta lại ném nó ra giữa phòng, giơ phần cong cong của chiếc gậy và cho nó một cú vào ngay mặt.

    Tôi hoảng sợ lùi bước khỏi chỗ cửa sổ, mất thăng bằng đến mức ngã dúi dụi lên một đống rác rưởi. Popper – giật mình vì tiếng động – đã chạy tới chạy lui và sủa nhặng lên bằng cái giọng tru tréo của nó. Ngay khi tôi kịp định thần đứng dậy – thất kinh hoảng loạn giữa một đống chai bia – cánh cửa đã bật mở và một ô vuông ánh sáng vàng hiện trên mặt nền bê tông. Nhanh nhất có thể, tôi túm theo Popper và vắt chân lên cổ mà chạy.

    Nhưng đó là Boris. Nó đã bắt kịp tôi, nắm chặt lấy cánh tay tôi mà kéo giật lại.

    “Lạy Chúa,” tôi nói – chạy chậm dần, cố ngoái đầu lại phía sau. “Cái gì vừa xảy ra vậy?”

    Phía sau tôi, cửa chính ngôi nhà của Boris vẫn bật mở. Ông Pavlikovsky đứng đó với khuôn mặt loang lổ sáng tối từ ánh đèn đường với một tay ôm lấy mình, nắm đấm rung bần bật và đang la hét bằng tiếng Nga.

    Boris kéo tôi cùng đi. “Đi nào,” Chúng tôi chạy trên con phố tối đen, tiếng giày nện mạnh vào nền gạch, cho tới khi giọng bố nó xa dần.

    “Khốn kiếp,” tôi nói, chân chuyển sang đi bộ khi chúng tôi tới được khúc quanh của con đường. Tim tôi đập thình thịch và đầu thì đang ngụp lặn; Popper thì rên ư ử và cố tìm chỗ nằm xuống, nên tôi đành để nó đi vòng quanh hai bọn tôi. “Có chuyện gì thế?”

    “Ah, chả có gì đâu,” Boris nói, nghe giọng có vẻ hứng khởi không thể tin nổi, tay đưa lên quẹt mũi cùng tiếng khụt khịt rõ to. “ ‘Cơn bão trong cốc nước’ là cách người Ba Lan nói về chuyện này. Chẳng qua là ông ấy đang bực mình thôi.”

    Tôi chống tay vào đầu gối mà thở hổn hển. “Bực vì giận hay vì say đấy mày?”

    “Cả hai. Dù vậy thì cũng may là ông ấy không nhìn thấy Popchyk, không thì không biết sẽ thế nào. Ông ấy nghĩ con vật thì chỉ được ở ngoài thôi. Này,” nó chìa ra một chai vodka, “xem tao lấy được gì này! Thó được trên đường chạy ra đấy.”

    Tôi ngửi thấy mùi máu trên người nó trước cả khi thấy rõ nó bị thương ở đâu. Hôm đó trăng cong cong hình lưỡi liềm – không nhiều ánh sáng lắm, nhưng cũng đủ nhìn lờ mờ - và khi tôi đứng dậy nhìn thẳng vào mặt nó thì mới nhận ra mũi nó đang chảy máu ròng ròng và cái áo phông nó đang mặc thì thâm lại vì máu.

    “Trời ơi,” tôi nói, vẫn chưa lấy lại nhịp thở bình thường, “mày ổn không?”

    “Hãy cùng tới chỗ sân chơi đi, để nghỉ một lúc,” Boris nói. Theo như tôi thấy thì gương mặt nó đúng là một mớ hổ lốn: mắt sưng vù, một vết cắt xấu xí hình lưỡi câu trên trán cũng đang chảy máu.

    “Boris! Chúng ta nên về nhà.”

    Nó nhướng mày. “Nhà á?”

    “Nhà của tao. Hay gì cũng được. Mày trông kinh khủng quá.”

    Nó nhe răng cười – để lộ mấy cái răng cũng dính máu – rồi thúc cùi chỏ vào sườn tôi. “Không, tao cần uống một ly trước khi gặp Xandra. Thôi nào, Potter. Mày không thể nhượng bộ tao một lần à? Sau tất cả những chuyện vừa xảy ra?


    xxii.

    Ở CHỖ TRUNG TÂM CỘNG ĐỒNG BỊ BỎ HOANG, những chiếc cầu tụt ở sân chơi bỗng trở nên óng ánh bạc dưới trăng. Chúng tôi ngồi trên bệ vòi phun nước, hai chân đọng đưa dưới cái bể trống không, và chuyền tay nhau chai rượu cho tới khi cả hai đều mất hoàn toàn ý niệm về thời gian.

    “Đó là sự việc kì lạ nhất mà tao từng thấy,” tôi nói, lấy mu bàn tay quẹt miệng. Những ngôi sao trên đầu đã bắt đầu xoay tròn.

    Boris – tay chống ra sau, mặt ngửa lên trời – đang lẩm nhẩm hát một bài hát tiếng Ba Lan.


    *Tiếng Ba Lan*

    Mọi đứa trẻ, dù là những đứa trẻ hư,

    thì đều đang say ngủ,

    chỉ có con là không.

    A-a-a, a-a-a…


    “Ông ấy đúng là đáng khiếp hãi,” tôi nói. “Bố của mày ấy.”

    “Yah,” Boris nói đầy hào hứng, lau miệng vào vai áo đã loang lổ máu của nó. “Ông ấy đã từng giết người. Đã có lần ông ấy đánh chết một người ở khu mỏ.”

    “Vớ vẩn.”

    “Không, là thật đấy. Chuyện xảy ra ở New Guinea. Ông ấy cố làm cho nó giống như một vụ chết người do đá lở nhưng rồi ngay sau đó hai người bọn tao cũng phải bỏ đi luôn.”

    Tôi ngẫm nghĩ về chuyện đó. “Bố mày không, ừm, không có vẻ khỏe mạnh lắm,” tôi nói. “Ý tao là, tao không thực sự thấy được sự…”

    “Không, đấy là chưa thấy nắm đấm của ổng thôi. Cùng với một cái, gọi là gì nhỉ” – nó mím môi – “cái ống cờ lê.”

    Tôi im bặt. Có gì đó trong điệu bộ mô tả của Boris về cái ống cờ lê tưởng tượng kia khiến tôi cảm thấy nó đang nói thật.

    Boris – người lóng ngóng châm xì gà nãy giờ - đang thở ra những hơi dài đầy khói. “Muốn một điếu không?” Nó chuyền điếu thuốc qua cho tôi và châm một điếu khác cho nó, rồi dùng đốt ngón tay mà chà qua chà lại mấy cái răng. “Ah,” nó nói, rồi lại chà qua chà lại.

    “Có đau không?”

    Nó cười mơ màng như ngái ngủ, và đấm một cái vào vai tôi. “Thế mày nghĩ là có đau không, thằng ngốc?”

    Không lâu sau, bọn tôi đã lại loạng choạng vừa đi vừa cười cợt, mò mẫm trên nền đất đá bằng cả tay và đầu gối. Tôi đã ngà ngà say, tâm trí thì đang bay bổng nhưng lại sáng rõ lạ thường. Một lúc nào đấy – người đầy bụi bẩn sau một hồi lăn lộn trên nền đất – chúng tôi bắt đầu lê bước về nhà trong trạng thái gần như ngất đi, những hàng dài các ngôi nhà bỏ không và màn đêm khổng lồ ở sa mạc bao trùm xung quanh, những ngôi sao trên đầu thì lấp lánh và Popchyk đang chầm chậm theo sau trong khi hai chúng tôi đi loạng quạng từ bên này qua bên kia đường, cười nhiều đến mức gần như mệt không đi nổi.

    Boris đang hát với cái giọng the thé như muốn nổ phổi, vẫn là giai điệu quen thuộc:


    *Tiếng Ba Lan*

    A-a-a, a-a-a,

    có hai chú mèo con bé nhỏ.

    A-a-a, hai chú mèo con bé nhỏ,

    màu lông xám…


    Tôi đá nó một cú. “Nói tiếng Anh đi!”

    “Đây, để tao dạy cho. A-a-a, a-a-a…”

    “Nói cho tao biết bài hát đó nghĩa là gì.”

    “Được rồi, để tao nói. ‘Có hai chú mèo con bé nhỏ,’” Boris hát:

    chúng đều có màu lông nâu xám.

    A-a-a…


    Hai chú mèo con bé nhỏ?

    Nó thúc tôi một cú làm suýt ngã. “Biến đi! Tao còn chưa hát tới đoạn hay.” Nó lấy tay lau miệng, ngả đầu ra sau, và lại hát:


    Ôi, hãy ngủ đi, con yêu,

    Và mẹ sẽ mang cho con một ông sao trên trời,

    Mọi đứa trẻ đều đã ngủ say

    Mọi đứa trẻ, dù là những đứa trẻ hư,

    thì đều đang say ngủ,

    chỉ có con là không.


    Khi bọn tôi về tới nhà – với vô số tiếng ồn vì xô đẩy nhau – thì ga ra vẫn trống không: chưa có ai về nhà. “Ơn Chúa,” Boris nói đầy nhiệt thành, người phủ phục trên nền đất để tỏ lòng tôn kính trước Chúa

    Tôi nắm cổ áo nó. “Đứng lên đi mày!”

    Trong nhà – dưới ánh đèn điện – nó mới thực sự là một đống lộn xộn: máu ở khắp nơi, mắt thì sưng vù chỉ còn hở một khe mắt bé tẹo. “Chờ đã,” tôi nói, thả cho nó nằm ở giữa thảm ngay phòng khách, rồi lật đật chạy vào nhà tắm xem có gì có thể xử lí vết thương của nó không. Nhưng cũng chẳng có gì ngoài dầu gội và một chai nước hoa màu xanh mà Xandra thắng được từ một hội chợ nào đó ở Wynn. Trong lúc say tôi vẫn còn nhớ điều gì đó mà mẹ tôi từng nói, rằng một chút nước hoa cũng đủ để khử trùng, vậy nên tôi bèn quay lại chỗ mà Boris đang nằm sõng soài trên thảm với Popper thì đang lo lắng đánh hơi những chỗ nhuốm máu trên áo của Boris.

    “Đây,” tôi nói, gạt chú chó sang một bên, tay chấm chấm miếng vải ẩm lên những chỗ đang rỉ máu trên trán nó. “Nằm yên.”

    Boris rụt đầu ra chỗ khác, và gầm gừ. “Mày đang làm cái quái gì đấy?”

    “Im mồm,” tôi nói, một tay gạt tóc ra khỏi gương mặt nó.

    Nó lẩm bẩm thứ gì đó bằng tiếng Nga. Tôi cố gắng làm thật cẩn thận nhưng bản thân tôi thì cũng say không khác gì nó, và khi tôi xịt nước hoa lên vết thương thì nó rít lên và đập tôi một cú vào ngay mồm.

    “Khốn kiếp,” tôi nói, đưa tay lên miệng, ngón tay tôi có máu. “Xem xem mày làm gì tao đây này.”

    Blyad,” nó nói, ho sù sụ và giãy giụa, “mùi tởm quá. Mày xịt cái gì lên người tao thế hả thằng khốn?”

    Tôi bắt đầu cười lớn; tôi không thể nhịn cười nổi.

    “Chó chết,” nó rống lên, đẩy tôi ngã ra đất. Nhưng nó cũng đang cười. Nó chìa tay ra muốn giúp tôi đứng dậy nhưng tôi đá văng bàn tay nó đi.

    “Biến đi!” tôi cười ngặt nghẽo đến nỗi không thể nói thành tiếng. “Mày có mùi giống Xandra quá đi mất.”

    “Lạy Chúa, tao đang ngạt thở đây. Tao phải bỏ nó khỏi người.”

    Chúng tôi lảo đảo chạy ra ngoài – quăng quần áo mỗi thứ một nơi, quần chưa cởi hết thì đã nhảy thẳng vào bể bơi: đúng là một ý kiến tồi, nhưng tôi nhận ra điều đó ngay khoảnh khắc trước khi chạm mặt nước thì đã là quá muộn rồi, bọn tôi đã say đến mờ mắt và run rẩy đến không thể đứng vững nổi. Làn nước lạnh toát đâm sầm vào tôi như muốn rút cạn không khí.

    Tôi bò ra phía thành bể: mắt cay xè, chất chlorine thì làm mũi tôi bỏng rát. Một tia nước bắn thẳng vào mắt tôi và tôi lại hất nước lại phía nó. Người nó toàn một màu trắng mờ mờ trong đêm tối, má thì hóp lại, mái tóc đen dính chặt vào hai bên mặt. Chúng tôi cười đùa, túm láy nhau và dìm xuống, cho dù răng tôi đã đánh vào nhau lập cập và tôi thì đã quá say để bị lôi đi như ngựa trong cái bể bơi sâu tám feet đó.

    Boris lặn xuống. Một bàn tay nắm chặt cổ chân tôi và lôi xuống, tôi chợt đối mặt với một bức tường bong bóng tối đen.

    Tôi giật mạnh và cố gắng giãy giụa. Cảnh tượng như thể ở trong bảo tàng hôm đó, bị nhốt chặt trong những khoảng không đen kịt, không có lối đi lên hay lối ra. Tôi đấm tay vào khoảng không và xoắn người lại, trong khi những tiếng thở ục ục liên tục tuôn ra đầy hoảng loạn ngay trước mắt tôi: như ở trong một cái bể lặn dưới đáy biển, chỉ toàn một màu đen. Cuối cùng – ngay khi chuẩn bị hớp nước vào đầy phổi – tôi cũng đã thoát ra được và lao lên khỏi mặt nước.

    Cổ họng nghẹn lại vì thiếu không khí, tôi bám chặt vào thành bê bơi và thở hổn hển lấy sức. Khi tầm nhìn đã rõ ràng hơn, tôi trông thấy Boris – vừa ho vừa chửi thề - đang bơi về phía thang lên bờ. Giận dữ đến nghẹt thở, tôi nửa bơi nửa nhảy theo sau nó và ngáng chân cho nó ngã đập mặt xuống nước.

    “Thằng khốn nạn,” tôi phun phì phì, khi nó loạng choạng trở lên mặt nước. Nó cố gắng nói nhưng tôi lại hất nước vào mặt nó, rồi lại tiếp tục tạt nước, và tôi luồn tay vào tóc nó để đẩy nó xuống. “Mày là thằng khốn đáng chết,” tôi hét lớn khi nó cố ngoi lên, nước chảy ròng ròng trên mặt. “Đừng bao giờ làm vậy với tao lần nữa.” Tôi đặt cả hai tay lên vai chuẩn bị ấn nó xuống lần nữa thì nó với tay ra sau và nắm chặt lấy cánh tay tôi, và tôi có thể cảm thấy nó đang trắng bệch và run lẩy bẩy.

    “Dừng lại đã,” nói nói không kịp thở - và tôi nhận ra đôi mắt nó mất tập trung đến khác thường.

    “Này,” tôi nói, “mày không sao đấy chứ?” Nhưng nó đang ho sù sụ đến mức không thốt được thành lời. Mũi nó lại đang chảy máu, máu sẫm rỉ qua các kẽ ngón tay. Tôi dìu nó đi và chúng tôi cùng nhau nằm vật ra trên những bậc thang dẫn lên thành bể - nửa người trên cạn, nửa người dưới nước, quá kiệt sức để có thể leo lên

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tiếng Nga: vô văn hóa

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tiếng Pháp: hơi hơi.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tiếng Nga (lóng): Tao mệt với mày lắm rồi!! Biến đi!

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tiếng Nga(lóng): thằng đần

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tiếng Nga: mày thấy không

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tiếng Nga: Lăn ra chỗ khác
     
    thanhbt, Breeze, hoalienbao and 4 others like this.
  12. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    xxiii.

    ÁNH MẶT TRỜI CHÓI CHANG ĐÃ ĐÁNH THỨC TÔI DẬY. Hai đứa đang nằm trên chiếc giường của tôi: tóc vẫn còn ướt, mặc mỗi quần và đang co ro vì cái lạnh từ điều hòa, cùng với Popper đang nằm ngáy bên cạnh. Tấm ga trải giường thì ẩm ướt và bốc mùi chlorine nồng nặc; tôi cảm thấy đầu đau như muốn vỡ ra từng mảnh cùng bới cái vị kim loại tởm lợm trong miệng như thể tôi vừa mới ngậm vào cả đống tiền xu vậy.

    Tôi cố nằm thật yên, cảm giác như mình sẽ nôn ọe ngay khi di chuyển cái đầu mình chỉ nửa inch thôi, rồi sau đó – thật cẩn thận – tôi ngồi dậy.

    “Boris?” tôi gọi, tay xoa xoa lên má. Những vệt nâu của máu khô đã dính cả lên vỏ gối. “Mày dậy chưa?”

    “Ôi lạy Chúa,” Boris than vãn, trông nó xanh xao như chết rồi và người thì nhớp mồ hôi, nó lăn qua để túm được vào tấm ga trải giường. Người nó không còn mảnh vải ngoại trừ mấy cái vòng tay Sid Vicious và thứ trông như cái quần lót của tôi. “Tao xỉu mất thôi.”

    “Không phải ở đây.” Tôi đá nó. “Dậy đi.”

    Nó lầm bầm và loạng choạng đứng dậy. Tôi có thể nghe tiếng nó nôn mửa trong phòng tắm. Cái tiếng đó cũng làm tôi lao đao, những cũng khá buồn cười. Tôi quay qua úp mặt vào gối mà cười. Khi nó loạng choạng quay lại, tay ôm lấy đầu, tôi hoảng hốt vì một bên mắt của nó đã thâm đen lại, lỗ mũi cũng bầm tím và vết thương trên trán thì đang đóng vảy.

    “Chúa ơi,” tôi nói, “trông kinh khủng quá. Mày phải đi khâu thôi.”

    “Mày biết không?” Boris nói, quăng mình nằm úp bụng lên giường.

    “Sao?”

    “Bọn mình muộn học cha nó rồi!”

    Chúng tôi nằm ngửa người ra và phá lên cười. Mặc dù cảm thấy yếu ớt và muốn nôn mửa nhưng tôi nghĩ là mình sẽ không bao giờ ngừng cười được mất.

    Boris nhảy qua một bên, đưa tay nhặt thứ gì đó trên sàn. Một giây sau nó đã quay đầu lại. “Ah! Cái gì thế này?”

    Tôi ngồi dậy và háo hức với tay lấy ly nước, hoặc thứ mà tôi nghĩ là nước, và – khi nó đưa ra cho tôi ngửi – mũi tôi ngay lập tức nghẹn lại vì cái mùi đó.

    Boris rú lên. Nhanh như chớp nó đã leo lên người tôi: những cái xương sắc nhọn và da nó thì lạnh toát, đầy mồ hôi và những thứ khác nữa, thô ráp và bẩn thỉu, như nước trong ao để lâu ngày vậy. Nó bóp miệng và rót lý rượu vodka lên khắp mặt tôi. “Đã đến giờ mày phải uống thuốc rồi đó! Nào, nào,” nói nói trong khi tôi gạt ly rượu bay ra chỗ khác và đấm nó một cú vào mồm, một cú đánh lén không gây hấn được nhiều lắm. Popper thì sủa nhặng lên vì hào hứng. Boris lấy tay chẹn cổ tôi từ phía sau, tay kia vớ cái áo bẩn của tôi từ hôm trước định nhét vào miệng để chặn họng tôi, nhưng tôi đã nhanh hơn và đẩy nó ngã khỏi đệm và đập đầu vào tường. “Ow, khốn kiếp,” nó nói, tay đưa lên xoa xoa mặt và cười khoái trá. Tôi còn có thể nghe tiếng nó cười khi đi sang phòng bên cạnh.

    “Chuẩn bị cho hai ngón tay vào móc họng đi là vừa,” nó nói với tôi, làm tôi rùng mình chỉ muốn nôn mửa

    Tôi đứng không vững nữa, người thì đổ mồ hôi lạnh, và phải tìm đường vào phòng tắm, nơi mà tôi phải chống tay vào tường để có thể dốc hết mọi thứ trong bụng vào bồn cầu. Phòng tắm đúng là địa ngục: vòi tắm nhỏ giọt, cửa thì đung đưa, khăn ướt nhẹp và quần áo dính máu thì quăng trên sàn. Vẫn còn run vì ốm yếu, tôi cúi xuống uống một hớp nước máy từ trong lòng bàn tay và té chút nước lên mặt. Hình ảnh phản chiếu trong gương là bộ ngực xanh xao và gầy còm, và môi tôi thì tẹt dí sau cú đập của Boris tối qua.

    Boris vẫn nằm ngay đơ trên sàn nhà, èo uột như người không xương, đầu đặt ngay cạnh bức tường. Khi tôi trở lại, nó hé mở con mắt còn lành lặn và cười khẩy khi thấy tình cảnh của tôi. “Có khá hơn không?”

    “Chó má! Đừng có nói chuyện với tao nữa.”

    “Mày như vậy cũng đáng. Có phải là tao đã bảo mày đừng có đi loăng quăng với cái ly nước đó trên tay đúng không?”

    “Bảo tao á?”

    “Mày không nhớ gì đúng không?” Nó dùng lưỡi liếm môi trên để xem mồm nó có lại chảy máu không. Khi nó không mặc áo, bạn có thể thấy tất cả những khoảng trống giữa những cái xương sườn của nó, cả dấu tích từ những trận đòn roi khi xưa và những vệt ửng đỏ trên ngực. “Cái ly trên sàn đó, một ý kiến rất tồi. Thật không may! Tao đã bảo mày đừng để nó ở đó rồi mà! Đúng là xúi quẩy!”

    “Mày đâu cần phải đổ nó lên đầu tao chứ,” tôi nói, tay quờ quạng tìm kính và với lấy cái quần trên cùng trong đống quần áo chưa giặt to tổ chảng ở trên sàn.

    Boris bóp bóp sống mũi, và cười. “Chỉ cố giúp mày thôi mà. Một chút say sưa có thể sẽ làm mày thấy tốt hơn.”

    “Đúng vậy, cám ơn nhiều.”

    “Thật mà. Nếu mày có thể kiểm soát được nó. Sẽ khiến cơn đau đầu của mày biến mất như trò ảo thuật. Bố tao không phải một người có ích lắm nhưng đây là một điều rất có ích mà ông ấy nói tao biết. Một ly bia lạnh là tốt nhất, nếu mày có.”

    “Này, lại đây,” tôi nói. Tôi đứng cạnh cửa sổ, nhìn xuống phía bể bơi.

    “Eh?”

    “Tới mà nhìn. Tao muốn mày thấy cái này.”

    “Cứ nói với tao đi,” Boris càu nhàu, từ phía sàn nhà. “Tao không muốn dậy đâu.”

    “Mày nên làm vậy.” Dưới kia quang cảnh trông như hiện trường một vụ giết người. Một vệt máu kéo dài từ chỗ lối đi rải sỏi cho tới bể bơi. Giày, quần bò, áo nhuốm máu đều bị quăng quật bừa bãi. Tệ hơn là: một bãi nôn nhầy nhụa đang trôi nổi gần phía bậc thang dẫn lên bờ.


    xxiv.

    SAU KHOẢNG VÀI LƯỢT thất thểu đi lọc bể bơi, chúng tôi đã được ngồi trên quầy bếp mà hút mấy điếu Viceroys của bố tôi và nói chuyện. Đã gần trưa rồi – quá muộn để mà nghĩ tới chuyện đi học nữa. Boris – tàn tạ và điên khùng, một bên áo còn tụt qua vai, đang đóng sầm cái cánh tủ bếp và phàn nàn ca cẩm rằng không có trà và nó đã tự đi làm cái thứ cà phê chết khiếp theo phong cách Nga, bằng việc đun cà phê nghiền trong một cái xoong ở trên bếp.

    “Không, không,” nó nói, khi thấy tôi lấy cho mình một cốc cỡ vừa. “Rất mạnh, chỉ cần một lượng nhỏ thôi.”

    Tôi nếm, và nhăn mặt.

    Nó nhúng một ngón tay vào, và liếm hết. “Có bánh quy thì tuyệt.”

    “Mày đùa chắc.”

    “Bánh mỳ và bơ ấy?” nó nói giọng tràn trề hi vọng.

    Tôi trượt xuống khỏi cái quầy bếp – nhẹ nhàng nhất có thể, vì đầu tôi đang đau – và tìm xung quanh tới khi thấy một ngăn tủ có vài gói đường và bánh ngô giòn đóng gói mà Xandra mang về từ tiệc buffet ở quán bar.

    “Điên rồ thật,” tôi nói, nhìn thẳng vào mặt nó.

    “Cái gì?”

    “Việc bố mày làm ấy.”

    “Chả là gì cả,” Boris thì thầm, ngửa cổ lên trời để có thể dốc cạn gói bánh ngô vào miệng. “Ông ấy còn từng làm tao gãy một cái xương sườn nữa là.”

    Sau một hồi im lặng, vì tôi không nghĩ ra gì để nói, tôi bèn nói tiếp: “Gãy một cái xương sườn cũng đâu nghiêm trọng bằng lần này.”

    “Đúng, nhưng nó đau. Là cái này này,” nó nói, kéo áo lên và chỉ nó cho tôi.

    “Tao cứ tưởng là ổng sẽ giết mày.”

    Nó đụng vai nó vào vai tôi. “Ah, là tao cố ý chọc ổng đó. Tao cãi lại. Để mày có thời gian đưa Popchik ra ngoài đó. Nhìn này, ổn cả mà,” nó nói kiểu nhượng bộ, khi tôi cứ nhìn nó chằm chằm. “Đêm qua ổng quát tháo chửi bới vậy nhưng rồi ngay khi gặp tao là ổng sẽ xin lỗi.”

    “Có lẽ mày nên ở đây một thời gian.”

    Boris chống tay ra sau và nở một nụ cười thờ ơ bất chấp. “Chả có gì phải lo lắng cả. Đôi khi ổng mệt mỏi chán nản, tất cả chỉ có vậy.”

    “Hah.” Những ngày xưa cũ khi bố tôi vẫn thường làm bạn với chai Johnie Walker Black – ông hay nôn mửa lên áo sơ mi hoặc lên người những đồng nghiệp giận dữ vẫn hay gọi điện thẳng tới nhà – bố tôi (có những lúc còn khóc lóc) đã lấy “buồn bã chán nản” làm nguyên nhân cho cơn giận dữ của mình.

    Boris cười lớn, với thứ gì đó như là thích thú thật sự. “Thì sao? Mày không bao giờ thấy buồn chắc?”

    “Ông ấy nên bị tống vô tù vì đã hành động như vậy.”

    “Cho tôi xin.” Boris đã thấy chán cái loại cà phê dở tệ nó tự chế và đang lần mò trong tủ lạnh tìm bia. “Bố tao – nóng tính, hẳn rồi, nhưng ổng yêu thương tao. Hẳn nhiên là ổng có thể vứt tao cho mấy người hàng xóm khi ông rời khỏi Ukraina. Đó là việc đã xảy ra với những người bạn Maks và Seryozha của tao – Maks bị bỏ lại trên phố. Hơn nữa, tao mới phải là người ngồi tù, nếu mày vẫn muốn nghĩ theo cách đó.”

    “Xin lỗi, cái gì cơ?”

    “Có một lần tao đã từng cố giết ổng. Nghiêm túc đấy!” nó nói khi thấy cái cách tôi nhìn lại nó. “Tao đã làm vậy đấy.”

    “Tao không tin đâu.”

    “Không, là thật đấy,” nó nói từ tốn. “Tao rất hối hận về chuyện đó. Mùa đông cuối cùng hai người bọn tao ở Ukraina, tao đã lừa ổng đi ra ngoài - ổng đang say khướt, và ổng đã làm vậy. Rồi tao khóa cửa lại. Cứ nghĩ chắc chắn rằng ổng sẽ bị chôn vùi trong tuyết. Mừng là ổng không chết, nhỉ?” nó nói, rồi cười phá lên. “Nếu ổng chết thì tao sẽ kẹt mãi ở Ukraina, Chúa ơi. Mần ăn từ bãi rác. Ngủ ở ga tàu.”

    “Vậy chuyện gì đã xảy ra?”

    “Chả biết. Lúc đó vẫn chưa phải tối muộn. Có người thấy ổng và cho ổng đi nhờ xe – tao đoán là một người phụ nữ, ai biết được? Dù sao thì lần đó ổng cũng ra ngoài uống nhiều hơn, sau đó mấy ngày mới về nhà – may cho tao là ổng chả nhớ gì cả! Thay vào đó ổng còn mua cho tao một quả bóng ném và nói từ đó trở đi ổng sẽ chỉ uống bia thôi. Việc đó kéo dài tầm một tháng thì phải.”

    Tôi đưa tay dụi mắt sau gọng kính. “Mày định nói gì với mấy người ở trường đây?”

    Nó mở nắp chái bia. “Eh?”

    “Ừm, ý tao là.” Vết trầy trên mặt nó có màu giống như thịt sống vậy. “Mọi người sẽ hỏi đấy.”

    Nó nhe răng cười và thúc cùi chỏ. “Tao sẽ bảo họ là mày làm,” nó nói.

    “Không, nghiêm túc đấy.”

    “Tao đang nghiêm túc đây.”

    “Boris, nó không buồn cười tí nào đâu.”

    “Ôi, thôi nào. Thì chơi bóng đá, trượt ván.” Mớ tóc đen lòa xòa trước mặt nó trông như bóng ma và nó phải hất mớ tóc ra sau. “Mày không muốn họ mang tao đi đâu, đúng không?”

    “Đúng,” tôi nói, sau một khoảng lặng không được thoải mái lắm.

    “Vì Ba Lan.” Nó chuyền chai bia cho tôi. “Tao nghĩ là nơi đó. Nếu tao bị trục xuất. Mặc dù Ba Lan…” nó cười, một tiếng cười lớn đến giật mình… “vẫn tốt hơn Ukraina, Chúa ơi!”

    “Họ không thể gửi mày trở lại Ukraina được, đúng không?”

    Nó nhíu mày khi nhìn xuống bàn tay mình, đôi bàn tay lấm lem, móng tay thì vẫn dính máu khô. “Không,” nó nói quyết liệt. “Vì tao sẽ tự giết chính mình trước.”

    “Oh, boo hoo hoo.” Boris cứ mở mồm ra là dọa tự giết mình vì lí do này kia.

    “Tao nói thật đấy! Tao sẽ chết trước! Tao thà chết còn hơn.”

    “Không, mày sẽ không làm vậy đâu.”

    “Có, tao sẽ làm thế! Mùa đông ở đấy – mày không biết nó thế nào đâu. Hít thở còn thấy khó chịu nữa là. Xung quanh toàn là tường bê tông xám xịt còn gió thì…”

    “Thì thế nào cũng phải có mùa hè chứ.”

    “Ah, lạy Chúa.” Nó với lấy điếu thuốc của tôi, hít vào một hơi sâu, nhả ra một luồng khói lên trần nhà. “Đầy muỗi. Bùn đất hôi thối. Mọi thứ đều có mùi ẩm mốc. Tao thì lúc nào cũng đói muốn chết và chẳng có ai bầu bạn – ý tao là, có những lúc mà tao đói quá, thật sự đấy, đến mức mà tao nghĩ mình sẽ ra bờ sông và nhảy xuống chết luôn cho rồi.”

    Đầu tôi đau quá. Quần áo của Boris (mà thực ra là của tôi) vẫn đang lộn nhào trong máy sấy. Bên ngoài, mặt trời chiếu sáng rực rỡ và chói gắt.

    “Tao không biết mày thế nào,” tôi nói, lấy lại điếu thuốc, “nhưng tao cần ăn một cái gì đấy.”

    “Sau đấy thì làm gì?”

    “Bọn mình đáng lẽ phải đến trường.”

    “Xì.” Boris tỏ rõ là nó chỉ đến trường vì tôi cũng đến, và vì nó chẳng có việc gì khác để làm.

    “Không – tao nghiêm túc đấy. Bọn mình nên đến trường. Hôm nay có món pizza mà.”

    Boris nhăn mặt, thật sự là đang tiếc nuối. “Khốn nạn.” Đó là một điểm nữa của trường học; ít nhất là họ còn cho bọn tôi ăn. “Giờ thì đã quá muộn rồi.”


    xxv.

    ĐÔI KHI, VÀO BUỔI ĐÊM, tôi lại choàng tỉnh vì tiếng kêu gào của chính mình. Thứ tồi tệ nhất của vụ nổ đó là cách mà nó vận vào cơ thể tôi – sức nóng, sự đau nhức khắp các đốt xương. Trong những giấc mơ của tôi lúc nào cũng có một lối ra đầy ánh sáng và một lối ra tối tăm. Tôi phải đi theo con đường tối thui đó, vì con đường sáng rực rỡ kia thì lại nóng và cuồn cuộn lửa. Nhưng con đường tối lại chính là nơi la liệt những thi thể của bao con người.

    May là Boris chẳng bao giờ tỏ ra bực bội hay thậm chí là ngạc nhiên mỗi khi tôi làm nó thức giấc, như thể nó đến từ cái thế giới mà việc gào rú lên giữa đêm là rất đỗi bình thường. Có lúc thì nó sẽ gọi Popchik – đang nằm ngủ ngon lành dưới chân giường – và đặt nó nằm gác chân lên ngực tôi. Và cứ nằm như vậy – sức ấm áp của Boris và chú chó bên cạnh tôi – tôi nhẩm đếm số bằng tiếng Tây Ban Nha hoặc cố nhớ những từ tiếng Nga mà tôi biết (hầu như là những câu chửi thề) cho tới khi tôi quay trở vào giấc ngủ.

    Lần đầu tiên tới Vegas, tôi đã cố gắng làm mình cảm thấy dễ chịu hơn chút bằng cách tưởng tượng rằng mẹ tôi vẫn còn sống và tôi sẽ làm theo những thói quen hàng ngày của mẹ khi ở New York – nói chuyện với những người gác cửa, qua một quán ăn nhỏ để mua bánh muffin và cà phê, đứng cạnh sạp báo và chờ chuyến tàu 6 giờ. Nhưng những việc đó cũng không kéo dài lâu. Giờ đây, khi úp mặt vào một cái gối xa lạ mà không có chút mùi hương nào của mẹ, hoặc của ngôi nhà thân thuộc, thì tôi lại nhớ về căn hộ của nhà Barbour trên Đại lộ Park, hoặc, đôi khi, là ngôi nhà nhỏ của ông Hobie ở khu Village.


    Ta rất tiếc vì bố cháu đã bán hết đồ đạc của mẹ cháu. Nếu cháu nói ta biết, có thể ta đã mua được một số thứ và giữ chúng lại cho cháu. Khi chúng ta thấy buồn chán – ít nhất là lúc này ta đang thấy vậy – thì sẽ rất dễ chịu nếu có thể gần gũi lại những đồ vật quen thuộc, những thứ không bao giờ đổi thay.


    Miêu tả của cháu về vùng sa mạc – cái ánh nắng chói chang không ngừng nghỉ ấy – nghe thật đáng sợ nhưng cũng thật đáng yêu. Có lẽ sự hoang sơ và trống trải của nó cũng đều có lí do cả. Ánh sáng từ thuở xa xưa sẽ khác ánh sáng của ngày hôm nay và ở đây, trong ngôi nhà này, mọi ngóc ngách đều nhắc ta nhớ về quá khứ. Nhưng khi ta nghĩ về cháu thì như thể cháu đã lên tàu đi rất xa ra biển khơi rồi – đi thật xa tới một vùng đất lạ lẫm nơi không có đường mà chỉ có những vì sao và bầu trời mà thôi.



    Lá thư này được kẹp trong cuốn sách bìa cứng Gió, Cát và Những vì sao của Saint-Exupéry, và tôi cứ đọc nó hết lần này đến lần khác. Tôi vẫn giữ lá thư trong cuốn sách và nó dần trở nên sờn bạc vì bị đọc đi đọc lại quá nhiều lần.

    Boris là người duy nhất ở Vegas mà tôi kể cho nghe về cái chết của mẹ tôi – điều mà nó tiếp nhận một cách hoàn toàn bình tĩnh; cuộc đời nó đã quá nhiều hỗn loạn và bạo lực đến nỗi nó còn chẳng thèm sốc trước câu chuyện đó. Nó đã chứng kiến nhiều vụ nổ lớn, ở những khu mỏ của bố nó quanh Batu Hijau và những nơi khác mà tôi chưa từng nghe tên, và – không buồn tìm hiểu chi tiết – nó cũng đã đưa ra một phỏng đoán khác chính xác về loại chất nổ đã được sử dụng. Mặc dù nói năng luôn mồm nhưng bản chất nó lại là người kín tiếng và tôi luôn tin tưởng mà không cần nhắc lại rằng nó không được nói cho ai hết. Có lẽ là vì bản thân nó cũng không có mẹ và nó đã tự hình thành nên mối quan hệ bền chặt với những người như anh đầu bếp Bami, “trung úy” Evheny của bố nó, và cô Judy vợ của chủ quán bar ở Karmeywallag – nó không bao giờ nghĩ rằng sự gắn bó của tôi với Hobie là kì quặc cả. “Mọi người vẫn hứa là sẽ viết thư, và rồi họ đâu có làm vậy,” nó nói khi chúng tôi ở trong bếp cùng nhau xem lá thư mới nhất của Hobie. “Nhưng ông ấy vẫn viết cho mày hoài.”

    “Ừm, ông ấy rất tốt.” Tôi đã từ bỏ việc giải thích về Hobie với Boris: ngôi nhà của ông, xưởng làm việc, cách lắng nghe đầy chú tâm của ông khác hẳn với bố tôi, nhưng trên hết chính là một tâm hồn dễ chịu: cái không khí bụi bặm của mùa thu với tiết trời dịu nhẹ luôn khiến tôi cảm thấy an toàn và thoải mái khi ở gần ông.

    Boris thò một ngón tay vào lọ bơ lạc trên bàn giữa hai chúng tôi và liếm sạch nó. Nó đã dần say mệ món bơ lạc, thứ mà (cũng giống kẹo mềm marshmallow, một món khoái khẩu nữa) không có ở Nga. “Một ông già đồng tính à?” nó hỏi.

    Tôi sửng sốt. “Không,” tôi nói cụt lủn; và rồi: “Tao không biết.”

    “Chả sao cả,” Boris nói, chìa lọ mứt cho tôi. “Tao cũng có biết vài người đồng tính đã lớn tuổi.”

    “Tao không nghĩ ông ấy là kiểu người đó,” tôi nói, bản thân cũng không chắc chắn.

    Boris nhún vai. “Ai quan tâm chứ? Nếu ông ấy tốt với mày đến vậy? Hai chúng ta đâu có tìm được sự tốt bụng như thế đâu, đúng không?”


    xxvi.

    BORIS ĐÃ DẦN CÓ THIỆN CẢM với bố tôi, và ngược lại. Nó hiểu, nhiều hơn tôi, về cách mà bố tôi kiếm tiền; và mặc dù nó biết, mà không cần ai nói cho, là phải tránh xa bố tôi mỗi khi ông thua bạc, nhưng nó cũng hiểu rằng bố tôi đang cần thứ gì đó mà tôi không thể cho ông được: như là, một người khán giả cùng chia sẻ cảm giác chiến thắng, khi ông nhảy chân sáo đầy nhiệt huyết trong bếp và muốn có ai đó lắng nghe những câu chuyện của ông, khen ngợi ông vì đã làm vô cùng tốt. Khi chúng tôi nghe thấy tiếng ông ở phía dưới nhà, đang lâng lâng cảm giác chiến thắng – va quệt lung tung vào đồ đạc, đi tới đâu là ầm ầm tới đó – thì Boris sẽ đặt sách xuống và đi xuống dưới nhà, nơi mà nó sẽ đứng đó đầy kiên nhẫn để lắng nghe màn tường thuật chán òm của bố tôi về từng lá bài mà ông đã chơi trong buổi tối đó ở bàn bài baccarat, và câu chuyện đó sẽ kéo dài thành một màn tra tấn (với tôi) về những lần chiến thắng vẻ vang gần đây, rồi lại kể tuốt về những ngày ông còn học đại học và cả cái sự nghiệp diễn xuất đã lụi tàn của mình.

    “Mày không hề nói với tao là bố mày từng đi đóng phim đấy!” Boris thốt lên khi bước lên tầng trên với một tách trà giờ-đã-nguội-ngắt.

    “Ông ấy đâu có đóng nhiều. Chỉ tầm hai phim là cùng.”

    “Nhưng ý tao là cái phim đó đúng là một bộ phim bự - phim về cớm đó, mày biết mà, cái phim về giới cảnh sát ăn hối lộ. Tên là gì ấy nhỉ?”

    “Ông ấy đâu có nhận được vai to tát gì. Chỉ có vào phim được một giây. Ổng đóng vai luật sư bị bắn chết trên phố.”

    Boris nhún vai. “Ai quan tâm đâu? Vẫn hay tuyệt. Nếu ông ấy có dịp đến Ukraina thì mọi người sẽ đối xử với ổng như ngôi sao luôn.”

    “Vậy thì ông ấy có thể đi luôn, và mang theo Xandra nữa.”

    Sự nhiệt tình của Boris với cái mà nó gọi là “cuộc trò chuyện nghiêm túc” cũng tìm được đầu ra tương ứng với bố tôi. Bản thân không hứng thú với chính trị, và còn thấy ít hứng thú hơn với những quan điểm của bố tôi, tôi thường tỏ ra không muốn tham gia vào bất kỳ cuộc tranh luận vô ích nào về tình hình thế giới mà tôi biết chắc bố tôi sẽ thích thú. Nhưng Boris – dù say hay tỉnh – thì luôn vinh hạnh được tham dự. Thông thường, trong những cuộc nói chuyện thế này, bố tôi sẽ vẫy cánh tay và nhại lại giọng điệu của Boris trong suốt cuộc hội thoại, theo cái cách khiến tôi phải nghiến răng vì bực bội. Nhưng chính Boris thì chẳng có vẻ gì là để ý hay thấy phiền hà. Có lúc, khi nó xuống dưới nhà đun một ấm nước, và không quay trở lên, tôi lại thấy hai người họ đang chuyện trò náo nhiệt trong bếp như hai người diễn viên đang say mê trên sân khấu, về sự tan rã của Liên bang Xô Viết hay bất cứ cái gì.

    “Ah, Potter!” nó nói khi đi lên tầng. “Bố của mày. Thật là một anh chàng tuyệt đó nha!”

    Tôi bỏ tai nghe iPod ra. “Nếu mày nói vậy.”

    “Tao nghiêm túc đấy.” Boris nói khi ngồi phịch xuống nền nhà. “Ông ấy thật biết nói chuyện và cũng thật thông minh! Và ổng yêu thương mày.”

    “Tao chả biết mày lấy cái đó ở đâu ra.”

    “Thôi nào! Ổng muốn sửa chữa mọi thứ cho mày, nhưng không biết cách. Ổng ước gì người ở đó nói chuyện với ổng không phải tao mà là mày.”

    “Ông ấy nói thế với mày à?”

    “Không. Nhưng đúng là thế! Tao biết là như thế.”

    “Làm như lừa được tao vậy.”

    Boris nhìn tôi soi xét một cách tinh ranh. “Sao mà mày ghét ổng ghê vậy?”

    “Tao không ghét ổng.”

    “Ổng làm mẹ mày đau khổ,” Boris nói quả quyết. “Khi ổng bỏ mẹ mày mà đi. Nhưng mày cần tha thứ cho ổng. Mọi chuyện đã là quá khứ rồi.”

    Tôi nhìn nó chằm chằm. Đây là thứ mà bố tôi vẫn thường đi rêu rao với mọi người hay sao?

    “Vớ vẩn,” tôi nói, ngồi hẳn dậy và vứt cuốn truyện tranh sang một bên. “Mẹ tao…” làm sao mà tôi giải thích được đây? – “mày không hiểu đâu, ổng là một tên khốn đối với mẹ tao và tao, bọn tao đã thấy vui mừng khi ổng bỏ đi. Ý tao là, tao biết ổng là một người đàn ông tuyệt vời và mọi thứ…”

    “Và tại sao ổng lại tồi tệ vậy? Vì ổng cặp với người đàn bà khác à?” Boris hỏi – chìa cả hai tay ra. “Nó đã xảy ra. Ổng có cuộc sống riêng của ổng. Chuyện đó thì liên quan gì tới mày?”

    Tôi lắc đầu vì không tin nổi. “Trời ơi,” tôi nói, “ổng làm mày mê muội rồi.” Tôi chưa bao giờ hết kinh ngạc về việc bố tôi có thể gây thiện cảm với người lạ và rồi dụ dỗ họ. Họ cho ông ấy vay tiền, đề bạt ông ấy lên cấp bậc cao hơn, giới thiệu ông với những nhân vật quan trọng, mời ông ấy dùng ngôi nhà nghỉ dưỡng của họ, hoàn toàn dính bùa mê của ông ta – và rồi mọi việc sẽ tan tành theo một cách nào đó và ông ta sẽ chuyển sang một đối tượng khác.

    Boris vòng tay qua ôm lấy đầu gối và dựa đầu vào tường. “Thôi được, Potter,” nó nói nhượng bộ. “Kẻ thù của mày – kẻ thù của tao. Nếu mày ghét ổng, tao cũng sẽ ghét ổng. Nhưng mà…” nó quay đầu qua nhìn… “tao đang ở đây. Ở trong ngôi nhà này. Vậy tao nên làm gì? Tao nên nói chuyện, tỏ ra thân thiện và tốt bụng? Hay không thèm coi ổng ra gì?”

    “Tao không nói thế. Tao chỉ đang nói là, đừng tin mọi thứ ông ấy nói với mày.”

    Boris phì cười. “Tao không tin mọi thứ mà bất kỳ ai nói với tao,” nó nói, đá nhẹ vào chân tôi. “Kể cả mày.”


    xxvii.

    MẶC DÙ BỐ TÔI RẤT ĐỖI THÍCH THÚ Boris, tôi vẫn phải thường xuyên đánh lạc hướng ông khỏi việc để ý rằng về cơ bản nó đã chuyển vào sống trong nhà chúng tôi – nhiệm vụ của tôi cũng chẳng khó khăn lắm, vì giữa việc bài bạc và dùng thuốc thì bố tôi cũng đủ xao nhãng đến nỗi chẳng để ý nếu tôi có mang một con linh miêu về ở cùng phòng ngủ với mình. Xandra thì hơi khó thương lượng hơn chút, cô ấy thường có xu hướng phàn nàn về chi phí, cho dù đống đồ ăn nhanh mà Boris ăn cắp được cũng góp một phần rồi. Khi cô ấy ở nhà thì nó sẽ ở trên gác và không gây rắc rối mà chúi mũi vào nghiền ngẫm cuốn Kẻ Ngốc viết bằng tiếng Nga và nghe nhạc từ cái loa cầm tay của tôi. Tôi mang bia với đồ ăn lên cho nó và học cách pha trà theo kiểu nó thích: đun nóng, cùng với ba thìa đường.

    Lúc đó đã là gần Giáng sinh cho dù bạn sẽ không thể nào biết được điều đó nếu nhìn vào thời tiết: đêm thì mát nhưng ban ngày thì nóng và nắng liên tục. Khi có gió thổi, cái ô cạnh bể bơi sẽ kêu lạch cạch như tiếng súng lên nòng. Có chớp loang loáng vào buổi đêm, nhưng không mưa; và đôi khi cát sẽ cuộn lên và thổi theo từng cơn gió bay đi khắp các góc đường.

    Tôi thấy thật khổ sở vì những kỳ nghỉ, mặc dù Boris thì thấy nhẹ tênh. “Nó dành cho trẻ con, vậy thôi,” nó nói đầy khinh miệt, rồi lại ngả ra sau trên giường tôi. “Cây thông, đồ chơi. Chúng ta sẽ có cái praznyky của riêng mình vào đêm Giáng sinh. Mày thấy thế nào?”

    Praznyky?

    “Mày biết đấy. Một dạng tiệc tùng vào dịp lễ. Không phải kiểu nghi thức như Bữa tối Linh thiêng đâu, chỉ là một bữa ăn ngon bình thường thôi. Nấu thứ gì đó đặc biệt chút – có lẽ là mời cả bố mày và Xandra nữa. Mày có nghĩ là họ muốn ăn gì đó cùng chúng ta không?”

    Thật đáng ngạc nhiên, bố tôi – và thậm chí cả Xandra – có vẻ hào hứng với ý tưởng này (bố tôi, tôi nghĩ, chủ yếu là vì ông thích cái từ praznyky, thích khiến cho Boris nói to cái từ đó). Vào ngày hai mươi ba, Boris và tôi đi mua vài thứ, với khoản tiền thật mà bố tôi cho (như vậy thật may vì cái siêu thị bọn tôi thường lui tới thì giờ đang chật cứng người mua hàng đến nỗi không thể vô tư ăn trộm như bình thường được nữa) và bọn tôi về nhà cùng với khoai tây, một con gà; một loạt cái loại gia vị không ngon lành cho lắm (dưa cải Đức, nấm, đậu xanh, kem chua) để làm một món của Ba Lan thường có trong các ngày lễ mà Boris khẳng định là nó biết cách nấu; bánh mỳ đen cuộn (Boris cứ khăng khăng phải là bánh mỳ đen; bánh mỳ trắng sẽ làm hỏng hết cả bữa ăn, nó nói vậy); một pound bơ; dưa góp; và ít kẹo Giáng sinh.

    Boris nói rằng chúng tôi sẽ bắt đầu ăn khi có sự xuất hiện của vì sao đầu tiên trên bầu trời – sao BethlehemVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Nhưng bọn tôi thì chưa từng nấu cho ai ngoài chính mình ăn nên kết quả là đã bị muộn. Đêm Giáng sinh, khoảng tầm tám giờ, món dưa bắp cải Đức đã xong còn con gà (thứ mà chúng tôi đã biết cách nấu sau một hồi đọc hướng dẫn trên bao bì) còn khoảng mười phút là lấy từ trong lò ra được thì lúc đó bố tôi – huýt sáo bài “Deck the Halls”Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link – đi tới và gõ ngón tay rộn rã lên tủ bếp để khiến chúng tôi chú ý.

    “Thôi nào, các chàng trai!” ông nói. Gương mặt ông thật tròn đầy và sáng bóng còn giọng ông thì vội vã theo kiểu dồn dập và cách quãng mà tôi không còn lạ gì. Ông mặc một trong những bộ vest Dolce and Gabbana bảnh nhất mua từ New York nhưng không đeo cà vạt, áo sơ mi lỏng lẻo và cổ áo thì không cài khuy. “Đi chải đầu và ăn diện chút đi. Bố sẽ đưa cả nhà ra ngoài. Con có bộ nào đẹp hơn không, Theo? Chắc chắn là con phải có rồi.”

    “Nhưng mà…” tôi nhìn ông chằm chằm đầy bực bội. Quả đúng là bố tôi, tự dưng xen vào và thay đổi kế hoạch vào phút cuối cùng.

    “Ôi, thôi nào. Món gà đợi được mà. Đúng không? Chắc chắn là thế rồi.” Ông ấy đang nói liến thoắng liền tù tì. “Con cũng có thể để lại mấy thứ đó vào tủ lạnh mà. Chúng ta sẽ dùng nó cho bữa trưa Giáng sinh ngày mai – sẽ vẫn là bữa praznyky chứ? Hay lễ praznyky chỉ diễn ra vào đêm Giáng sinh thôi? Bố có nhầm không? Vậy thì, được rồi, khi đó ta sẽ có cho riêng chúng ta – lễ Giáng sinh. Truyền thống mới. Dù sao thì đồ ăn để lại cũng vẫn ngon. Nghe này, sẽ rất tuyệt vời. Boris…” ông ấy đã xua Boris ra khỏi nhà bếp… “cháu mặc áo cỡ gì, anh bạn? Cháu không biết à? Mấy cái sơ mi Brooks Brothers của ta, ta nên cho cháu thật nhiều mới phải, những cái áo hết sảy, đừng hiểu lầm, chúng sẽ dài tới tận đầu gối cháu nhưng nó lại hơi chật ở cổ khi ta mặc và nếu xắn tay áo lên thì chúng sẽ lại trông thật tuyệt…”


    xxviii.

    Mặc dù đã tới Las Vegas được gần nửa năm rồi nhưng đây mới là lần thứ tư hay thứ năm tôi tới khu Strip – và Boris (người thấy khá hài lòng với cái quỹ đạo nhỏ bé giữa trường, khu mua sắm, và nhà) thì gần như chưa từng trải nghiệm Vegas một cách thực thụ. Chúng tôi mở to mắt kinh ngạc trước những dòng thác đèn neon sáng rực, lan tỏa và đổ xuống toàn là bong bóng xung quanh chúng tôi, gương mặt đang ngước lên của Boris thì chuyển sang màu đỏ, rồi vàng óng dưới ánh sáng đèn đang tuôn xuống như trút nước.

    Bên trong khu VenetianVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, những người chèo thuyền đang đẩy mình đi dọc theo những con kênh đào thật, với dòng nước thật có mùi hóa chất, trong khi những ca sĩ opera đang hát bài Stille NachtAve Maria bên dưới khung trời được làm giả như thật. Boris và tôi bước từng bước chậm chạp, cảm thấy mình trông thật tồi tàn, chân thì cọ giầy vào nhau, quá kinh ngạc để thốt lên được lời nào. Bố tôi đã đặt chỗ trước cho chúng tôi trong một nhà hàng Ý ốp gỗ sồi đẹp mắt – là chị em với một nhà hàng lớn hơn ở New York. “Cứ gọi món gì mình thích đi mọi người,” ông nói, tay kéo ghế ra cho Xandra. “Bố trả. Cứ thoải mái đi.”

    Bọn tôi đã nghe theo lời ông. Chúng tôi ăn bánh flan măng tây với nước sốt dầu giấm hành tăm; cá hồi hun khói; thịt chồn zibelin ướp dầu oliu và chanh; mỳ Ý bò viên với rau ca-đông và nấm đen; cá pecca chiên giòn với nghệ tây và đậu fava; bò bít tết; dẻ sườn om; và món panna cotta, bánh bí ngô, và kem vị quả sung cho món tráng miệng. Đây đúng là bữa ăn ngon nhất mà tôi được ăn trong vài tháng trở lại đây, hoặc có lẽ là cả đời; và Boris – người đã ăn hai phần thịt chồn một mình – đang trong trạng thái ngây ngất. “Ah, thật kì diệu,” nói nói đến lần thứ mười lăm, gần như đang kêu rừ rừ như mèo, trong khi người phục vụ mang tới thêm một đĩa kẹo và bánh quy cùng cà phê. “Cám ơn ạ! Cám ơn ông Potter, cô Xandra,” nó nói thêm lần nữa. “Thật là ngon tuyệt.”

    Bố tôi – người không ăn nhiều lắm so với chúng tôi (Xandra cũng thế) – đã đẩy đĩa của ông sang một bên. Tóc ở hai bên thái dương của ông có vẻ ướt và khuôn mặt ông thì vừa bóng vừa đỏ lên như thể ông đang phát sáng. “Hãy cám ơn anh chàng người Trung Quốc đội mũ của đội Chiacago Cubs chiều nay đã liên tục đặt nhiều tiền như thế,” ông nói. “Chúa ơi. Cứ như là chúng ta không thể nào thua được ấy.” Lúc ở trong xe ô tô, ông đã cho chúng tôi nhìn thấy món hời của mình, một cuộn tiền béo ịch gồm các tờ một trăm đô, được bó lại bằng dây cao su. “Những lá bài cứ thế xuất hiện và xuất hiện. Sao Thủy đang đi lùi và mặt trăng đang lên cao! Ý bố là – đúng là ma thuật. Các con biết đấy, đôi lúc có một quầng sáng ở ngay tại bàn, giống một vầng hào quang có thể thấy được, và đó chính là con, con hiểu không? Con chính là thứ ánh sáng đó? Còn có một nhà môi giới thú vị cũng ở bàn đó nữa. Diego. Ta yêu Diego – ý ta là, thật điên rồ, hắn trông y chang họa sĩ Diego Rivera, chỉ khác là hắn đang khoác lên một bộ vest oách chiến. Ta đã kể với con về Diego chưa ấy nhỉ? Đã tới đây được bốn mươi năm rồi, kể từ thời khách sạn FlamingoVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link cũ cơ. To lớn, chắc nịch, vạm vỡ. Là người Mexico, con biết đấy. Bàn tay nhanh nhảu khó nắm bắt với những cái nhẫn bự tổ chảng…” ông ve vẩy ngón tay… “ba-ca-RRRATVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link! Chúa ơi, ta rất thích những gã Mexico quen thuộc ở phòng chơi baccarat, họ thật quá phong cách. Những ông già trông cũ kĩ nhưng thanh lịch, cân nặng không thành vấn đề, con biết đấy? Dù sao thì, bọn ta ngồi cùng bàn với Diego, ta với cái anh chàng Trung Quốc nhỏ con kia, anh ta cũng là đi du lịch nốt, kính gọng sừng và không nói nổi một từ tiếng Anh, chỉ có ‘San Bin! San Bin!’ cùng uống cái trà sâm tởm lợm mà họ đều uống, vị như rác rưởi nhưng ta lại rất thích mùi hương của nó, như mùi của may mắn, và thật tuyệt diệu, bọn ta đã thắng thật là điệu nghệ, lạy Chúa, cả đám đàn bà Trung Quốc xếp hàng phía sau, bọn ta vẫn thắng liên tiếp mỗi lần lên bài – Em có nghĩ là,” ông quay qua nói với Xandra, “anh có thể đưa lũ trẻ trở lại phòng bài baccarat để gặp Diego không? Anh chắc chắn là hai đứa sẽ thích ông ta ngay tức khắc. Không biết ổng còn ca làm không. Em thấy sao?”

    “Ổng sẽ không còn ở đó đâu.” Xandra trông khá ổn – mắt sáng rực lấp lánh – đang mặc một cái váy ngắn bằng vải nhung và đi xăng-đan đính đá, son đỏ tươi hơn thường lệ. “Không phải bây giờ.”

    “Có những lúc, vào kì nghỉ chẳng hạn, ông ấy vẫn làm ca đúp mà.”

    “Ôi, bọn trẻ không muốn quay trở lại đó đâu. Như là đi leo núi vậy. Mất cả nửa giờ đồng hồ để đi qua nổi mấy cái sòng bài và quay lại.

    “Ừ, nhưng anh biết chắc rằng ông ta muốn gặp mấy đứa nhỏ.”

    “Có lẽ vậy,” Xandra nói giọng đồng tình, ngón tay đang di trên miệng chiếc ly thùy tinh. Con bồ câu nhỏ làm bằng vàng trên chiếc dây chuyền đang lấp lánh gần xương quai xanh của Xandra. “Ông ấy là người tốt. Nhưng Larry à, em nghiêm túc đấy, em biết anh không nghĩ vậy nhưng nếu anh bắt đầu thân thiết với mấy tay chia bài thì sớm muộn rồi anh cũng xuống dưới đó mà không còn nguyên vẹn mà trở về đâu.”

    Bố tôi cười lớn. “Chúa ơi!” bố tôi nói mừng rỡ, tay đập bàn lớn đến mức làm tôi phát ngại. “Nếu anh không khôn ngoan thì sẽ nghĩ lão Diego đó thực sự đang giúp chúng ta trong ván bài hôm nay. Ý anh là, có thể ông ấy làm thế thật. Bài baccarat kiểu thần giao cách cảm! Hãy bảo mấy nhà nghiên cứu người Xô Viết của cháu đi tìm hiểu về chuyện đó đi,” ông nói với Boris. “Nó sẽ giúp gây dựng lại hệ thống kinh tế ở khu vực đó đấy.”

    Boris – rất nhẹ nhàng – hắng giọng và nâng ly lên. “Xin lỗi, cháu nói vài lời được không?”

    “Đã đến giờ phát biểu rồi à? Chúng ta phải chuẩn bị uống mừng chứ nhỉ?”

    “Cháu cám ơn mọi người vì đã ở bên cháu. Và cháu chúc mọi người sức khỏe dồi dào, hạnh phúc và chúng ta đều sẽ sống cho tới lễ Giáng sinh năm sau.”

    Trong cái im lặng ngạc nhiên theo sau đó, có tiếng nút chai sâm panh bật mở trong bếp, một tràng cười rôm rả. Vừa mới qua nửa đêm: đã sang ngày Giáng sinh được hai phút. Rồi bố tôi ngả lưng ra sau ghế, và cười. “Chúc mừng Giáng sinh!” ông nói lớn, tay rút từ trong túi ra một hộp quà trang sức đưa cho Xandra, và hai tập tiền toàn tờ hai mươi đô (Năm trăm đô! Mỗi tập!) và ông thảy qua bàn cho Boris và tôi. Và mặc dù trong buổi đêm ở casino không có khái niệm về thời gian trong khi nhiệt độ luôn được điều chỉnh, những từ như ngày Giáng sinh có vẻ khá là vô nghĩa, nhưng từ hạnh phúc, giữa những tiếng chạm ly rộn ràng, thì dường như không phải là một điềm gở hay một khái niệm chết người đến thế.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Thị trấn Bethlehem được cho là nơi chúa Jesus được sinh ra.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Một trong số các bài hát thường được hát vào Giáng sinh

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tổ hợp khách sạn, nhà hàng, casino nằm trong khu Strip rộng lớn

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tổ hợp khách sạn và casino rộng 7200m2 thuộc khu Strip

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Baccarat là một loại game chơi bài ở casino
     
  13. phuongngan

    phuongngan Mầm non

    Cám ơn bạn đã dịch cuốn này :D
     
    Breeze and ngantrang0811 like this.
  14. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    CHƯƠNG 6

    GIÓ, CÁT VÀ NHỮNG VÌ SAO


    i.

    SANG NĂM TIẾP THEO, tôi quá bận với việc gạt ra khỏi đầu những ký ức về New York và cuộc sống cũ đến mức tôi gần như không để ý rằng thời gian đang dần trôi qua. Những ngày tháng cứ đều đều tiếp diễn trong ánh nắng chói chang mà mùa nào cũng có: những buổi sáng chếnh choáng trên xe buýt tới trường và lưng chúng tôi thì đỏ rát vì ngủ quên cạnh bể bơi đến sáng, hơi cồn của rượu vodka và cái mùi lông chó ướt nước chlo thì thường trực tỏa ra từ con Popper, Boris dạy tôi đếm, hỏi đường, mời uống nước bằng tiếng Nga, cũng kiên nhẫn như khi nó dạy tôi chửi thề. Vâng, làm ơn, tôi muốn thứ đó. Cám ơn, bạn thật tốt bụng. Govori te li vy po angliyskiy? Bạn có nói tiếng Anh không? Ya nemnogo govoryu po-russki. Tôi có nói tiếng Nga, một chút thôi.

    Dù là mùa đông hay mùa hè thì ngày nào cũng nắng gắt liên tục; không khí từ sa mạc như muốn đốt cháy lỗ mũi và cào khô rát cả cổ họng chúng tôi. Cái gì cũng có thể trông thật nực cười; mọi thứ đều làm chúng tôi cười không ngớt miệng. Đôi khi, ngay trước khi mặt trời lặn, lúc bầu trời xanh bắt đầu chuyển sẫm thành màu tím, chúng tôi sẽ thấy những đám mây hoang dại theo kiểu Maxfield Parris, được viền quanh bởi dây điện phát sáng mang màu trắng và vàng óng, đang trôi dần về phía sa mạc như khi những người Mormon được dẫn dắt về phía tây qua Lời tiên tri Linh thiêng. Govorite medlenno, tôi nói, hãy nói chậm thôi, và Povtorite, pozhaluysta. Làm ơn hãy nhắc lại. Nhưng chúng tôi hợp cạ đến mức cũng chẳng cần nói thêm gì nếu chúng tôi không muốn; chúng tôi biết cách làm cho nhau cười lăn cười bò chỉ bằng một cái nhướng mày hay một cái nhếch mép. Các buổi tối, chúng tôi khoanh chân cùng ngồi ăn trên sàn, để lại những dấu vân tay bẩn thỉu trên bìa sách giáo khoa. Chế độ ăn đã làm cho hai bọn tôi bị suy dinh dưỡng, với những vết trầy màu nâu nhạt trên cánh tay và cẳng chân – thiếu vitamin, y tá ở trường nói, người đã cho mỗi đứa một mũi tiêm đau nhói ở mông và một lọ cốm trẻ em nhiều màu. (“Mông tao đau quá,” Boris nói, tay vẫn còn xoa xoa cái bàn tọa và chửi mấy cái ghế kim loại trên xe buýt.) Tôi chợt rùng mình từ đầu đến chân khi nhớ lại chúng tôi đã bơi nhiều thế nào; tóc tôi (lại dài nhất từ trước đến giờ) có những vệt màu từ hóa chất trong nước bể bơi và cơ bản là tôi vẫn khỏe, mặc dù vẫn thấy như có gì đang đè lên ngực mà không bao giờ hết được và răng tôi thì đang mòn dần vì ăn quá nhiều kẹo. Ngoại trừ những thứ đó thì tôi ổn. Và thế là thời gian cứ trôi qua êm đềm; nhưng rồi – không lâu sau sinh nhật mười lăm của của tôi – Boris quen với một đứa con gái tên Kotku; và mọi thứ đã thay đổi.

    Cái tên Kotku (đúng theo tiếng Ukraina đọc là: Kotyku) khiến bà chị đó có vẻ thú vị hơn bình thường; nhưng đó không phải tên thật của cô ta, chỉ là tên thân mật (“mèo Kitty,” trong tiếng Ba Lan) mà Boris đã đặt cho cô ta. Họ của cô ta là Hutchins; tên cô ta thực ra là chữ gì đó giống kiểu Kylie hoặc Keiley hoặc Kaylee; và suốt cuộc đời cô ta này đã sống ở hạt Clark, Nevada. Mặc dù cô ta cũng đi học và chỉ hơn chúng tôi một lớp nhưng trông lớn dễ sợ - chắc phải lớn hơn tôi đến ba năm lận. Rõ ràng là Boris đã tăm tia cô nàng này được khá lâu rồi nhưng tôi vẫn không hề biết cho tới cái buổi chiều nó quăng mình nằm xuống dưới chân giường tôi và nói: “Tao đang yêu.”

    “Ồ thế à? Yêu ai?”

    “Một cô nàng ở lớp Giáo dục công dân. Tao mua cỏ từ nàng mấy lần. Ý tao là, nàng cũng mười tám tuổi, mày tin được không? Chúa ơi, nàng thật xinh đẹp.”

    “Mày hút cỏ à?”

    Nó khoái trá nắm lấy hai vai tôi; nó biết đích xác điểm yếu của tôi nằm ở đâu, chỗ ngay dưới xương bả vai mà nó thường bóp chặt và khiến tôi phải thất kinh. Nhưng giờ tôi không có tâm trạng để đùa và tôi đấm lại nó một cú thật mạnh.

    “Ow! Khốn kiếp!” Boris nói và lùi ra xa, đầu ngón tay xoa cằm. “Mày làm sao thế hả?”

    “Mong là nó sẽ đau,” tôi nói. “Chỗ cỏ đâu rồi?”

    Bọn tôi không nói gì thêm về mối tình của Boris nữa, ít nhất là trong ngày hôm đó, nhưng rồi vài ngày sau khi tôi vừa ra khỏi lớp học toán thì liền nhìn thấy nó đang dồn đứa con gái đó dựa vào tủ đồ. Trong khi Boris không hẳn là cao so với độ tuổi thì cô nàng lại khá nhỏ nhắn, mặc dù có vẻ người lớn hơn chúng tôi khá nhiều: ngực phẳng lì, xương hông khẳng khiu, xương gò má thì cao còn trán thì bóng loáng cùng với khuôn mặt hình tam giác cũng sáng bóng và sắc nét. Mũi nhọn. Áo phông bó cổ rộng màu đen. Móng tay cũng sơn màu đen; tóc gảy màu đen-và-cam; đôi mắt xanh màu nước bể bơi lờ nhờ nhưng lấp lánh được kẻ chì màu đen rất đậm. Rõ ràng trông cô ta cũng dễ thương – thậm chí nóng bỏng; nhưng cái liếc nhìn của cô ta với tôi lại khiến tôi lo lắng, có thứ gì đó ở cô ta gợi nhắc tôi về một khách hàng hư hỏng trong cửa hàng đồ ăn nhanh hoặc một cô trông trẻ độc ác.

    “Vậy mày nghĩ sao?” Boris nói giọng háo hức khi bắt kịp tôi sau khi tan trường.

    Tôi nhún vai. “Tao đoán là cô nàng cũng dễ thương.”

    “Mày đoán?”

    “Này Boris, ý tao là, cô ta cứ trông có vẻ, như là, hai lăm tuổi ấy.”

    “Tao biết! Thật tuyệt!” nó nói với ánh mắt sáng rỡ. “Mười tám tuổi! Là người trưởng thành hợp pháp! Nàng có thể thoải mái đi mua rượu! Và nàng cũng sống ở đây cả đời rồi, nên nàng sẽ biết chỗ bán rượu nào sẽ không kiểm tra tuổi của tao.”


    ii.

    HADLEY, CON BÉ MẶC ÁO KHOÁC DA LẮM CHUYỆN, ngồi cạnh tôi trong giờ Lịch sử nước Mỹ, đã chun mũi khi tôi hỏi về cô nàng của Boris. “Cô ta á hả?” nó nói. “Thực sự là một con điếm.” Chị gái của Hadley, Jan, học cùng lớp với Kyla hay Kayleigh hay bất cứ cái tên nào đi nữa. “Và mẹ cô ta, tớ nghe nói, cũng là một ả lẳng lơ. Bạn cậu tốt hơn hết là nên cẩn thận kẻo dính bệnh đấy.”

    “Ừm,” tôi nói, tỏ ra khá ngạc nhiên về sự sôi nổi của con bé này, mặc dù tôi không nên làm vậy. Hadley, con của một sĩ quan quân đội, ở trong tuyển bơi lội và hát trong dàn đồng ca của trường; nó có một gia đình bình thường với ba anh chị em, một con chó săn giống Weimaraner đặt tên là Gretchen mà nó mua về từ Đức, cùng với một ông bố sẽ hét tướng lên nếu nó ra ngoài quá giờ giới nghiêm.

    “Tớ không đùa đâu,” Hadley nói. “Cô ta sẽ ngủ với bạn trai của những đứa con gái khác – cô ta sẽ ngủ với cả những đứa con gái khác – cô ta sẽ ngủ với bất cứ ai. Mà tớ cũng nghĩ là cô ta đang chơi cần sa nữa.

    “Oh,” tôi nói. Theo tôi thì những yếu tố trên cũng không thể là lí do để ghét Kylie hay gì đó được, đặc biệt là kể từ khi Boris và tôi đã quá thân thiết với việc hút cần sa trong suốt vài tháng qua. Nhưng cái làm tôi đau đầu – rất nhiên – là Kotku (tôi sẽ tiếp tục gọi cô ta bằng cái tên Boris gọi cổ, vì tôi chẳng thể nào nhớ nổi cái tên thật) đã qua đêm ở nhà tôi và gần như thể hiện quyền kiểm soát với Boris.

    Đầu tiên là Boris bận vào tối thứ sáu. Thế rồi bận cả tuần – không chỉ mỗi buổi tối, mà cả ban ngày nữa. Rất nhanh chóng, hơi chút là Kotku thế này, Kotku thế kia, và thứ tiếp theo tôi biết là tôi và Popper đang ăn tối và xem ti vi cùng nhau.

    “Không phải là nàng rất tuyệt hay sao hả?” Boris hỏi tôi lần nữa, sau lần đầu tiên nó đưa cô nàng về nhà tôi – một buổi tối thất bại hoàn toàn khi cả ba chúng tôi chơi đá phê đến mức không di chuyển nổi, và rồi hai bọn họ quấn quít lôi nhau xuống cái ghế sofa tầng dưới còn tôi ngồi dưới sàn tựa lưng vào họ, cố gắng tập trung vào tập phim chiếu lại của bộ The Outer LimitsVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. “Mày nghĩ sao?”

    “Ừm, ý tao là…” Nó muốn tôi nói gì đây? “Cô nàng thích mày. Chắc chắn rồi.”

    Nó cựa quậy khó chịu. Chúng tôi đang ngồi ngoài trời cạnh bể bơi, mặc dù trời thì quá gió và lạnh để có thể bơi nổi. “Không, cái thằng này! Mày nghĩ gì về nàng? Nói thật đi, Potter,” nó nói, khi tôi còn đang lưỡng lự.

    “Tao không biết,” tôi nói giọng ngờ vực, và rồi – khi nó vẫn ngồi đó nhìn tôi: “Nói thật hả? Tao không biết nữa, Boris. Cô nàng trông chẳng có hi vọng gì.”

    “Vậy sao? Vậy là xấu à?”

    Giọng nó quả thực là đang tò mò – không giận giữ, cũng không mỉa mai. “Ừm,” tôi nói, thấy hơi ngạc nhiên. “Có lẽ là không.”

    Boris – hai má đã đỏ lên vì rượu vodka – đặt bàn tay lên tim. “Tao yêu nàng, Potter. Tao nghiêm túc đấy. Đây là điều chân thật nhất từng xảy đến với tao trong cuộc đời này.”

    Tôi thấy ngại đến mức phải quay ra nhìn chỗ khác.

    “Cô nàng phù thủy gầy gò nhỏ bé!” nó thở một hơi mãn nguyện. “Trong vòng tay tao, nàng thật xương xẩu và nhẹ bẫng! Như không khí vậy.” Boris, thật khó hiểu, dường như tôn thờ Kotku vì chính những lí do mà tôi thấy bực mình ở cô ta: cái thân hình cò hương như đang lén lút làm gì đó, cái kiểu của một người trưởng thành gầy gò và nghèo túng. “Và thật can đảm, thật thông minh, thật là một trái tim lớn lao! Tất cả những gì tao muốn làm là trông chừng cho nàng và giữ nàng thật an toàn khỏi tên Mike đó. Mày hiểu không?”

    Không nói gì, tôi rót thêm cho mình một ly vodka nữa, mặc dù tôi cũng chẳng muốn uống. Việc làm ăn của Kotku đang trở nên rắc rối gấp bội – chính Boris đang thông tin cho tôi với một giọng điệu vênh váo không lẫn đi đâu được – Kotku đã có bạn trai rồi: một gã hai mươi sáu tuổi tên Mike McNatt người có một chiếc mô tô và làm cho một công ty lau dọn bể bơi. “Tuyệt hảo,” tôi nói khi Boris thông báo cái tin đó. “Chúng ta phải gọi anh ta tới đây thông hút bể bơi mới được.” Tôi đá quá mệt và chán ốm cái việc lau rửa bể bơi (công việc mà phần lớn là mặc nhiên đổ lên đầu tôi), đặc biệt là khi Xandra chẳng bao giờ mua về đủ nước tẩy hoặc mua đúng loại cả.

    Boris lấy tay dụi mắt. “Nghiêm túc đấy, Potter. Tao nghĩ là nàng sợ gã. Nàng muốn chia tay nhưng nàng sợ. Nàng đang cố dụ gã đăng ký vào trung tâm huấn luyện quân sự.”

    “Mày nên cẩn thận không gã lại tìm đến mày chưa biết chừng.”

    “Tao!” Nó khịt mũi. “Tao là tao đang lo cho nàng kìa! Nàng quá nhỏ bé! Chỉ có tám mươi mốt poundVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link thôi!”

    “Ờ, ờ.” Kotku tự nhận mình là một người “cận kề chứng biếng ăn” và luôn có thể khiến Boris nhặng xị lên chỉ bằng một câu nói rằng cô ta cả ngày chưa ăn gì.

    Boris lấy hai tay ôm đầu tôi. “Mày ngồi một mình ở đây quá nhiều rồi,” nó nói trong khi vẫn ngồi cạnh tôi và thả chân xuống dưới làn nước bể bơi. “Tối nay đến nhà Kotku đi. Rủ ai đó nữa.”

    “Như là…?”

    Boris nhún vai. “Con bé tóc vàng nóng bỏng có quả đầu như con trai ngồi cạnh mày trong lớp lịch sử thì sao? Con bé vận động viên bơi lội ấy?”

    “Hadley?” tôi lắc đầu. “Không đời nào.”

    “Có chứ! Mày nên làm vậy đi! Vì con bé đó nóng bỏng ra trò! Và chắc chắn là nó sẽ đồng ý đi với mày!”

    “Tin tao đi, không phải ý hay đâu.”

    “Tao sẽ hỏi nó hộ mày! Thôi nào. Con bé thân thiện với mày, và lúc nào cũng nói chuyện. Gọi cho nó nhé?”

    “Không! Không phải như vậy… dừng lại!” tôi nói, nắm lấy tay áo nó khi nó chuẩn bị đứng lên.

    “Mày chẳng có tí can đảm nào cả!”

    “Boris.” Nó đang đi vào nhà tới chỗ điện thoại. “Đừng. Tao nghiêm túc đấy. Con bé đó sẽ không đến đâu.”

    “Và tại sao lại không?”

    Sự châm chọc trong giọng nói của nó làm tôi phát bực. “Muốn nói thật hả? Bởi vì…” tôi đang định nói sự thật rằng Bởi vì Kotku là một con điếm nhưng thay vào đó lại nói: “Nghe này, Hadley đang muốn đạt được Bằng khen Danh dự và nhiều thứ khác. Nó sẽ không muốn đến nhà Kotku đâu.”

    “Cái gì?” Boris nói – nó quay lưng lại giận dữ. “Con khốn đó. Nó đã nói gì?”

    “Không gì cả. Chỉ là…”

    “Có, nó có nói!” Lúc này nó đang lao trở lại phía bể bơi. “Mày nên nói với tao thì hơn.”

    “Thôi nào. Chẳng có gì hết. Bình tĩnh đi, Boris.” tôi nói khi thấy nó thực sự đang nổi đóa. “Kotku lớn hơn nó nhiều. Hai người bọn họ còn chẳng học cùng lớp.”

    “Con khốn mũi hếch đó. Kotku đã làm gì nó cơ chứ?”

    Bình tĩnh đi.” Mắt tôi dừng ở chai vodka, được chiếu rọi bởi một chùm tia sáng trắng trong vắt như một thanh kiếm ánh sáng. Nó đã uống quá nhiều, và tôi thì không muốn đánh lộn. Nhưng bản thân tôi cũng quá chếnh choáng để có thể nghĩ ra cách gì đó đơn giản và vui vẻ để khiến nó quên đi chủ đề này.


    iii.

    NHIỀU ĐỨA CON GÁI KHÁC NGON LÀNH HƠN và ở tầm tuổi bọn tôi thích Boris – tiêu biểu là Saffi Caspersen, người Đan Mạch, nói tiếng Anh với cái ngữ âm cao vút của người Anh bản địa, có một vai diễn nhỏ trong ban sản xuất của Gánh xiếc Mặt trời, và là đứa con gái xinh nhất trong khóa chúng tôi. Saffi cùng học lớp Tiếng Anh nâng cao với bọn tôi (nơi mà con bé có khá nhiều thứ hay ho để nói về tác phẩm The Heart Is a Lonely HunterVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link) và mặc dù con bé mang tiếng là lạnh lùng nhưng nó lại thích Boris. Ai cũng có thể thấy điều đó. Con bé cười khi Boris làm trò, giả bộ không biết gì khi được xếp vào cùng nhóm học chung, và tôi đã từng thấy con bé nói chuyện đầy nhiệt thành với Boris ở sảnh – Boris cũng đáp lời đầy nhiệt thành như thế, vẫn cái điệu khoa tay múa chân kiểu Nga. Thế nhưng – lạ thay – nó không có vẻ gì là bị con bé hấp dẫn cả.

    “Nhưng tại sao?” tôi hỏi nó. “Con bé trông được nhất trong lớp.” Tôi thì lúc nào cũng nghĩ người Đan Mạch phải cao lớn và tóc vàng cơ, nhưng Saffi thì nhỏ nhắn và có mái tóc nâu hạt dẻ, với cái chất cổ tích tỏa ra từ những lớp trang điểm khi lên sân khấu mà tôi từng thấy qua các bức ảnh chụp đầy chuyên nghiệp.

    “Ừ thì xinh, đúng thế. Nhưng con bé đâu có nóng bỏng.”

    “Boris, con bé quá đỗi nóng bỏng đi chứ. Mày điên à?”

    “Ah, nó học quá nhiều,” Boris nói, ngồi thụp xuống cạnh tôi, một tay cầm chai bia, tay kia với lấy điếu thuốc của tôi. “Quá gương mẫu. Lúc nào cũng thấy học, hoặc luyện tập hay làm cái gì đó. Kotku…” nó thổi ra một đám khói rồi đưa điếu thuốc lại cho tôi… “nàng giống bọn mình hơn.”

    Tôi lặng im. Làm cách nào mà một kẻ thu hút sự bàn tán của mọi người như tôi lại biến thành một người vô thừa nhận như Kotku được nhỉ?

    Boris thúc tôi. “Tao nghĩ chính mày mới thích con bé đó. Saffi ấy.”

    “Không, cũng không hẳn.”

    “Có mà. Mời nó đi chơi đi.”

    “Ừ, có thể,” tôi nói, mặc dù tôi biết mình chẳng bao giờ dám. Ở trường cũ của tôi, nơi mà người nước ngoài và du học sinh có xu hướng đứng ngoài ở mép rìa một cách lịch sự, thì người như Saffi là loại có thể tiếp cận được nhưng ở Vegas thì con bé nổi tiếng hơn nhiều, cả tá người vây quanh – và còn vấn đề bự tổ chảng nữa là mời nó đi chơi là chơi cái gì đây. Ở New York có lẽ sẽ dễ dàng; tôi có thể dẫn con bé đi trượt băng, mời nó đi xem phim hoặc tới cung thiên văn. Nhưng tôi chả bao giờ thấy Saffi Caspersen hít keo hay uống bia trong cốc giấy ở sân chơi hay làm bất cứ thứ gì mà tôi và Boris từng làm với nhau cả.


    iv.

    TÔI VẪN GẶP NÓ – nhưng chỉ là không thường xuyên như trước. Càng ngày nó càng qua đêm nhiều hơn ở khu căn hộ Double R với Kotku và mẹ cô ta – nguyên là một bãi tập kết mô tô đã bỏ hoang từ những năm 1950, nằm trên cung đường cao tốc nối giữa sân bay và khu Strip, nơi luôn có những anh chàng trông như dân nhập cư trái phép đang đứng ở giữa sân gần cái bể bơi cạn nước mà tranh cãi về mấy thứ phụ tùng mô tô. (“Hai chữ R?” Hadley nói. “Cậu biết nó có nghĩa gì mà, đúng không? ‘RatsVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link và RoachesVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.’”) Kotku, ơn giời, không theo Boris về nhà tôi nhiều đến mức đó, nhưng thậm chí những lúc không có cô nàng bên cạnh thì nó cũng nói về cô nàng liên tục không ngừng. Kotku có gu âm nhạc khá ngầu và đã tự làm cho nó một cái đĩa CD tập hợp những bài nhạc hip-hop siêu hay mà tôi chắc chắn phải nghe. Kotku chỉ thích ăn pizza mà có ớt xanh và quả ô liu. Kotku thực sự thực sự muốn có một cái đàn điện tử - một con mèo Xiêm nữa, hoặc có thể là một con chồn, nhưng không được phép nuôi thú cưng ở khu Double R. “Thật tình, mày cần dành nhiều thời gian với nàng, Potter,” nó nói, vai nó thúc vào vai tôi. “Mày sẽ thích nàng cho coi.”

    “Ôi thôi đi,” tôi nói, nhớ lại cái cách cư xử phách lối của cô ta khi ở gần tôi – cười những lúc chẳng đáng cười, mà còn theo cái cách khó chịu nữa, lúc nào cũng bảo tôi đi tới tủ lạnh để lấy bia cho cổ.

    “Không! Nàng thích mày mà! Thật đấy! Ý tao là, nàng nghĩ về mày như một đứa em trai thì đúng hơn. Nàng nói vậy đó.”

    “Cô ta đâu có nói lời nào với tao.”

    “Đấy là vì mày không nói chuyện với nàng thôi.”

    “Hai bọn mày đã lên giường chưa?”

    Boris thở hắt ra một cách thiếu kiên nhẫn, cái âm thanh mà chỉ có khi mọi thứ không theo những gì nó muốn.

    “Đầu óc bậy bạ,” nó nói, tay hất tóc ra khỏi tầm mắt, và rồi: “Sao? Thế mày nghĩ sao? Có cần tao phải làm cho mày một cái sơ đồ không?”

    Vẽ một cái sơ đồ.”

    “Gì cơ?”

    “Là cả cụm từ. ‘Mày có muốn tao vẽ cho mày một cái sơ đồ không.’”

    Boris đảo mắt như bi. Và nó lại khoa chân múa tay để nói Kotku thông minh ra sao, “thông minh phát điên lên được,” cô ta khôn ngoan thế nào và cô ta rất trải đời và tôi thì thật bất công khi cứ xét nét cô ta và coi thường cô ta mà không thèm hiểu; nhưng trong khi tôi ngồi đó nửa nghe nó nói nửa xem bộ phim đen trắng cũ trên ti vi (Fallen AngelVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, Dana Andrews), thì tôi vẫn không thể ngừng nghĩ về việc nó đã gặp Kotku trong cái lớp có vẻ như là Giáo dục trị liệu, một môn dành cho những học sinh không đủ thông minh (ngay cả với một ngôi trường không đòi hỏi cao như trường tôi) để qua các bài thi mà không cần học thêm. Boris – rất khá toán mà không cần học nhiều và giỏi học ngoại ngữ hơn bất cứ ai tôi từng gặp – đã bị bắt buộc học lớp Giáo dục những Công dân ngu ngốc đó vì nó là người nước ngoài: một yêu cầu của trường mà nó ghét cay ghét đắng. (“Tại sao vậy? Hay vì một ngày nào đó có thể tao sẽ bầu cho Quốc hội?”) Nhưng Kotku – mười tám tuổi! Sinh ra và được nuôi lớn ở hạt Clark! Công dân mỹ, đúng hình mẫu trong phim Cops! – thì sẽ không thể dùng lời biện hộ như vậy được.

    Hết lần này đến lần khác, tôi chợt thấy mình liên tục có những suy nghĩ cay độc như vậy, mà tôi đã cố hết sức để giũ khỏi đầu. Tôi quan tâm tới cái gì? Đúng, Kotku là một con điếm; đúng, cô ta quá ngu ngốc để có thể qua khỏi môn Giáo dục công dân thông thường và thường đeo những đôi khuyên tai lòng thòng rẻ tiền mà lúc nào cũng mắc vào mọi thứ, và đúng, cho dù cô ta chỉ nặng có tám mươi mốt pound hay cái quái gì đi nữa thì vẫn làm tôi sợ phát khiếp, như thể cô ta có thể đá tôi đến chết với đôi bốt mũi nhọn nếu cô ta phát điên đủ độ. (“Nàng có chút gì đó như một chiến binh,” chính Boris đã nói đầy khoe khoang như vậy trong khi nó nhảy lò cò xung quanh và ra dấu hiệu quen thuộc của bọn gangster, hoặc ra những dấu hiệu mà nó nghĩ là của bọn gangster, và đãi tôi thêm một câu chuyện về việc Kotku đã giựt hẳn một mảng tóc máu me của đứa con gái nào đó – lại thêm một điều nữa về Kotku, cô ta luôn dính vào những trận nữ chiến kinh hoàng, với những đứa con gái da trắng rác rưởi trông giống chính cô ta nhưng hầu hết là với những đứa con gái có máu mặt thật, là bọn Latina và bọn da đen.) Nhưng ai mà thèm quan tâm xem Boris nó thích đứa con gái kinh dị thế nào? Chẳng phải bọn tôi vẫn là bạn? Bạn thân nhất? Gần như là anh em hay sao?

    Rồi lại nữa: không có từ nào chính xác để diễn tả về Boris và tôi. Cho tới khi Kotku xuất hiện, tôi chưa từng nghĩ nhiều về mối quan hệ này. Tất cả chỉ là những chiều ngồi phòng điều hòa gà gật, lười nhác và say bí tỉ, rèm kéo kín để che ánh nắng gắt, những gói đường rỗng không và vỏ cam thì khô quắt lại trên thảm, bật bài “Dear Prudence,” từ album White (cái mà Boris rất tôn thờ) hoặc không thì lại nghe tới nghe lui những bài thê lương của Radiohead:


    Trong giây lát

    Tôi đã đánh mất mình, đánh mất mình…


    Chất keo chúng tôi hít hà đã tới cùng với bóng tối và những tiếng gầm nghe như tiếng máy bay gào rú: động cơ đã bật! Chúng tôi ngã ra giường khi bóng tối bao phủ xung quanh, như những người nhảy dù bị giật lại phía sau khi đã nhảy khỏi máy bay, mặc dù – trong khi đã phê, đang xa xôi vậy bạn vẫn phải cẩn thận với cái túi mà bạn úp lên mặt để hít, nếu không thì khi tỉnh lại, bạn sẽ phải ngồi đó mà gỡ mấy cục keo khô khỏi tóc hoặc khỏi chóp mũi. Những giấc ngủ mệt đến kiệt sức, xương sống chạm nhau, trên những tấm ga giường bẩn đầy mùi tàn thuốc và mùi lông chó, Popchik gác lên ngực và ngáy, nếu bạn nghe kĩ thì còn cả những lời thì thầm hư ảo trong luồng khí tới từ lỗ thông hơi trên tường nữa. Cả mấy tháng trôi qua mà gió chả bao giờ ngừng thôi, cát mù mịt bay đập vào cửa sổ, mặt nước bể bơi khẽ gợn nhẹ và đầy vẻ quái gở. Trà đặc vào các buổi sáng, cùng với chỗ sôcôla chôm chỉa được. Boris nắm tóc tôi đầy trong tay và đá vào sườn tôi. Dậy đi, Potter. Dậy và tỏa sáng nào.

    Tôi tự nhủ là sẽ chẳng nhớ nhung gì nó, nhưng không phải vậy. Tôi trơ trọi một mình, xem kênh Adult Access và kênh Playboy, đọc cuốn Grapes of Wrath The House of the Seven Gables, cái cuốn mà chắc chắn sẽ được giải cuốn sách nhạt nhất từng được viết ra, và trong hàng ngàn giờ đồng hồ - thời gian đủ để học tiếng Đan Mạch hoặc chơi guitar nếu tôi cố gắng – thì tôi lại đi la cà trên phố với cái ván trượt chết tiệt mà hai đứa tôi đã tìm được ở một trong số các ngôi nhà hoang cách đây mấy căn. Tôi tới bữa tiệc bể bơi cùng với Hadley – không phải tiệc có rượu, và có phụ huynh hiện diện – và vào các cuối tuần thì tới dự các bữa tiệc bố-mẹ-đi-vắng cùng với mấy đứa mà tôi gần như chả quen, ăn những thanh kẹo Xanax và uống mấy ly Jägermeister, rồi về nhà bằng xe buýt của riêng khu đô thị này vào lúc hai giờ sáng, tơi tả đến mức phải giữ chặt lấy cái ghế phía trước để không ngã lăn ra sàn xe. Sau giờ học, nếu tôi thấy chán thì cũng có thể dễ dàng đi chơi với mấy nhóm lờ đờ nhạt nhẽo hay lảng vảng giữa Del Taco và chỗ vui chơi trẻ em ở khu Strip.

    Nhưng tôi vẫn thấy cô đơn. Tôi thấy nhớ Boris, nhớ mọi thứ bừa bãi lộn xộn về nó: xám xịt, cẩu thả, nóng tính, vô tâm một cách đáng ghét. Boris trông tái và xanh, với những quả táo ăn cắp được và những cuốn tiểu thuyết tiếng Nga, những cái móng tay bị cắn cụt còn dây giày thì lẫn cả vào bụi bẩn. Boris – uống rượu như nước, chửi thề trôi chảy bằng bốn thứ tiếng – người nẫng thức ăn từ đĩa của tôi nếu nó thích và có thể lăn quay ra sàn nhà mà ngủ, mặt đỏ như vừa ăn tát. Ngay cả khi nó lấy vật gì mà không hỏi, việc mà nó vẫn thường xuyên làm – mấy thứ nhỏ nhặt cứ thường mất tích, đĩa DVD và đồ dùng học tập trong tủ đồ của tôi, hơn một lần tôi còn thấy nó lục túi tôi lấy tiền –đồ vật của nó chẳng có ý nghĩa gì với nó đến nỗi tôi cũng không nghĩ đây là ăn trộm nữa; bất cứ khi nào có tiền là nó lại chia đôi với tôi và bất cứ thứ gì thuộc về nó, nó đều vui vẻ cho tôi khi tôi nói mình muốn (và cả khi tôi không nói, như khi cái bật lửa bằng vàng của ông Pavlikovsky mà tôi rất thích, tự dưng xuất hiện ở ngăn ngoài chiếc túi của tôi).

    Buồn cười là: tôi thấy lo lắng, dù có hay không, rằng Boris mới là người hơi quá thân mật, nếu thân mật là từ phù hợp. Lần đầu tiên nó lên giường ngủ và nó quàng một cánh tay qua eo tôi, tôi nằm đó chập chờn một lúc, không biết làm gì nữa: nhìn chằm chằm vào đôi tất bẩn trên sàn nhà, những chai bia rỗng, bản copy bìa cứng cuốn sách The Red Badge of CourageVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Cuối cùng – thật ngượng ngùng – tôi giả vờ ngáp và cố lăn người ra xa, nhưng thay vào đó nó lại thở dài và kéo tôi lại gần, với một chuyển động lại gần trong khi vẫn còn ngái ngủ.

    Suỵt, Potter, nó thì thầm ngay sau gáy tôi. Là tao thôi mà.

    Thật kì cục. Việc này có kì cục không? Có; mà cũng không. Không lâu sau thì tôi cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, dần mê đi cùng cái hơi thở toàn mùi bia và tiếng thở đều đều của nó bên tai tôi. Tôi cũng biết là mình không thể giải thích chuyện này mà không làm quá lên. Vào những đêm tôi chợt thức giấc, không thể thở nổi vì sợ thì nó đã ở đó, nắm lấy tôi khi tôi bật dậy hoảng hốt, nó kéo tôi nằm xuống bên cạnh nó, nó thì thầm những từ Ba Lan khó hiểu, giọng nó nghe khô khốc và đầy ngái ngủ. Chúng tôi sẽ lại chập chờn ngủ trong cánh tay của nhau, cùng nghe nhạc từ iPod của tôi (nhạc của Thelonious Monk, của the Velvet Underground, thứ nhạc mà mẹ tôi yêu thích) và thi thoảng tỉnh dậy vẫn thấy đang ôm nhau như hai nạn nhân của vụ đắm tàu hoặc như những đứa trẻ bé xíu.

    Thế nhưng (đây chính là phần tăm tối, là thứ đang khiến tôi suy nghĩ) có những tối mơ hồ và tả tơi, chúng tôi cởi trần mà đánh lộn nhau, ánh sáng yếu ớt rọi ra từ phòng tắm, mọi thứ như tỏa hào quang và rung lắc dữ dội khi tôi không đeo kính: đặt tay lên người nhau, nhanh và mạnh, bia bị đá đổ ra khắp thảm – rất vui và khi việc đó xảy ra thì cũng chẳng phải chuyện to tát gì, còn hơn cả vui khi tôi có thể thở gấp, mắt đảo nhanh và quên đi mọi thứ; nhưng khi chúng tôi thức dậy vào sáng hôm sau với cái bụng lép kẹp và mỗi đứa nằm rên rỉ than vãn ở một góc giường thì mọi chuyện mới tua trở lại những mảnh ghép rời rạc của ánh nến chập chờn, không gian bập bềnh và tờ mờ sáng nhưng trong mấy bộ phim về phòng thí nghiệm, những hình ảnh xoắn ốc về Boris đã dần mờ đi trong trí nhớ và chẳng có hình ảnh nào trong số đó giống với cuộc sống đời thường của chúng tôi. Chúng tôi chẳng bao giờ nói lại những chuyện đó; nó không có vẻ là đã xảy ra thật; chuẩn bị đến trường, chúng tôi ném giày vào nhau, té nước vào nhau, nhai aspirin để giã rượu, cười đùa trên cả quãng đường đến trạm xe buýt. Tôi biết mọi người sẽ nghĩ sai lệch nếu họ biết chuyện chúng tôi, tôi không muốn ai biết và tôi biết là Boris cũng không muốn, nhưng cùng lúc đó nó dường như hoàn toàn vô tư đến nỗi tôi cũng chắc chắn rằng mọi chuyện chỉ dừng ở việc đùa giỡn, không việc gì phải nghiêm trọng hay lo lắng hết. Thế nhưng, hơn một lần, tôi đã tự hỏi liệu tôi có nên vượt qua nỗi e dè của mình và nói gì đó: vẽ nên một đường ranh giới, làm mọi thứ rõ ràng minh bạch, chỉ để chắc chắn rằng nó không suy nghĩ lầm lạc. Nhưng cái khoảnh khắc đó chẳng bao giờ đến. Giờ thì có nói ra hay tỏ vẻ ngượng ngùng cũng chẳng có ích gì nữa, cho dù sự thật đó không làm tôi thoải mái chút nào.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tạm dịch: Giới hạn bên ngoài

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Khoảng 36.74kg

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tạm dịch: Trái tim là tên thợ săn cô độc

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Chuột

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Gián

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tạm dịch: Thiên thần sa ngã

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tạm dịch: Huy hiệu đỏ của lòng dũng cảm.
     
    tamchec, Breeze, hunam and 1 other person like this.
  15. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    Tôi ghét việc mình thấy nhớ nó. Ở nhà tôi gần đây có rất nhiều vụ chè chén, là về phía Xandra, rất nhiều những tiếng đóng sập cửa (“Vậy thì, nếu nó không phải tôi, nó phải là do anh,” tôi nghe cô ta hét); và không có Boris ở đó (họ đều kiềm chế lại khi có Boris trong nhà) nên mọi việc trở nên khó khăn hơn. Một phần vấn đề là giờ làm việc của Xandra ở quán bar đã thay đổi – bảng thời gian biểu ở chỗ làm đã bị bỏ đi; cô ta đang gặp nhiều áp lực, những người cô ấy làm việc cùng đã rời đi, hoặc làm ca khác; vào các ngày thứ tư và thứ hai khi tôi dậy đi học, tôi thường gặp cô ấy vừa đi làm về, ngồi một mình trước chương trình buổi sáng ưa thích, toàn thân rã rời đến mức không ngủ nổi và tu Pepto – Bismol thẳng từ chai.

    “Gã chủ vừa già vừa béo đang bóc lột ta,” cô ấy nói, cố gắng rặn một nụ cười, khi thấy tôi trên cầu thang.

    “Cô nên đi bơi. Nó sẽ làm cô thấy buồn ngủ.”

    “Không cám ơn, ta nghĩ ta sẽ chỉ vui vẻ ở đây cùng với chai Pepto của ta. Thật là một món hàng hết sảy. Đây đúng là một loại kẹo cao su hương vị tuyệt vời.”

    Còn với bố tôi: ông đang dành rất nhiều thời gian ở nhà – đi chơi với tôi, việc mà tôi khá thích, mặc dù tôi cũng mệt mỏi vì tâm trạng ông thay đổi liên tục. Đang là mùa bóng ném; ông đã có một bước nhảy vọt. Sau khi kiểm tra chiếc Blackberry của mình thì ông đập tay với tôi và nhảy quanh phòng khách: “Ta là thiên tài hay gì nào? Gì nào?” Ông tham khảo những bài bình luận, những bản tóm tắt trận đấu, và – thường thường – một cuốn sách bìa cứng tên là Scorpio: Your Sports Year in ForecastVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. “Luôn luôn phải tìm kiếm thời cơ,” ông nói, khi tôi bắt gặp ông đang rà soát lại mấy bảng biểu và nhấn muốn lòi phím máy tính như đang tính tổng số thuế thu nhập của mình. “Con chỉ cần đạt được năm mươi ba hoặc năm mươi tư phần trăm trong trò này là đủ sống sung sướng rồi – con thấy đấy, bài baccarat thì chỉ để giải trí, chẳng cần kĩ năng gì sất, bố tự đặt ra giới hạn cho mình và không bao giờ vượt qua nó, nhưng con hoàn toàn có thể kiếm bộn tiền từ mấy cuốn sách thể thao nếu con nghiêm túc với nó. Con phải tiếp cận nó như một nhà đầu tư. Không phải như fan hâm mộ, càng không phải như một tay bài bạc vì bí mật là, đội giỏi hơn thường thắng và nhà cái thì rất giỏi trong việc đặt ra các con số. Mặc dù vậy thì nhà cái gì cũng có những giới hạn của nó, giống như dư luận chẳng hạn. Thứ anh ta dự đoán không phải là người thắng mà là người mà dư luận cho là sẽ thắng. Vậy nên cái đường biên đó, giữa sự yêu thích đơn thuần và sự thật – khốn thật, thấy tên nhận bóng ở khu vực ghi diểm kia không, một món béo bở cho Pittsburg ở ngay đó, chúng ta cần bọn họ phải ghi điểm càng sớm càng tốt – dù sao thì, giống như bố đã nói, nếu bố ngồi xuống làm việc một cách nghiêm túc thay vì giống Joe Beefburger chọn được đội tuyển của mình chỉ sau năm phút xem một tờ báo thể thao thì sao? Ai sẽ được lợi? Thấy không, bố không nằm trong số những tên ngu xuẩn lúc nào cũng căng mắt ra chờ xem đội Giants thắng hay thua – khốn kiếp, mẹ con đáng ra phải nói cho con biết vậy. Cung bọ cạp là về sự kiểm soát – chính là bố. Bố luôn cạnh tranh. Bố muốn thắng bằng bất cứ giá nào. Quay lại hồi bố còn đi đóng phim thì kĩ năng diễn xuất của bố cũng xuất phát từ đó. Mặt trời ở cung bọ cạp, cung sư tử sẽ hoạt động mạnh. Tất cả đều có trong đống bảng biểu của bố. Giờ con là cung cự giải, con cua khổ hạnh, rất rụt rè và thụt vào cái vỏ của mình, đặc điểm hoàn toàn trái ngược. Nó không xấu, cũng không tốt, nó đơn giản là như vậy. Dù sao thì, mặc kệ đi, bố luôn dẫn đầu trong việc phân tích công-thủ, nhưng đồng thời cũng chẳng mất gì nếu để ý tới mấy sự biến đổi và tiến triển của các cung mặt trời vào ngày trận đấu diễn ra…”

    “Xandra khiến bố thấy hứng thú với mấy thứ này à?”

    “Xandra? Một nửa số tạp chí thể thao ở Vegas đều có một nhà chiêm tinh học ở đầu dây quay số nhanh. Dù sao thì, như bố đã nói, nếu mọi thứ khác đều cân bằng, thì liệu các hành tinh có thay đổi khác đi không? Có. Bố phải nói chắc chắn là có. Giống như là, liệu cầu thủ này đang có một ngày tốt đẹp không, anh ta có một ngày xui xẻo không, có phải anh ta đang khó ở không, vân vân. Nói thật là nó sẽ giúp con nắm bắt cơ hội nếu con đang hơi, nói thế nào nhỉ, ha ha, uể oải, mặc dù…” ông chìa ra cho tôi xem một xấp dày cộp các tờ một trăm đô, được buộc bằng một cái dây cao su… “năm nay thật là tuyệt vời với bố. Năm mươi ba phần trăm, cả nghìn trận một năm. Đây đúng là ma thuật.”

    Ngày chủ nhật thường được ông gọi là ngày vé-bự. Khi tôi thức dậy đã thấy ông ở dưới nhà cùng với tiếng sột soạt của mấy tờ báo được rải khắp nhà, bố tôi thì khẩn trương và phấn khởi đi lại trong nhà như thể đang là buổi sáng ngày nghỉ lễ Giáng sinh, ông đóng mở các ngăn kéo, nói chuyện với cái đồng hồ đếm ngược trên điện thoại Blackberry của mình và gặm nhấm ngô chiên giòn thẳng từ trong túi. Nếu tôi đi xuống và cùng xem với ông dù chỉ một lúc trong khi đang có những trận đấu lớn được phát thì đôi khi ông sẽ cho tôi thứ mà ông gọi là “một chút…” hai mươi đô, hoặc năm mươi nếu ông thắng. “Để làm con thấy hứng thú,” ông giải thích vậy trong khi ngồi trên ghế sofa mà rướn người ra trước, hai tay bồn chồn xoa vào nhau. “Thấy không… thứ chúng ta cần là đội Colts bị xóa sổ khỏi bản đồ ngay trong hiệp một. Bị hủy hoại luôn. Còn với đội Cowboys và đội Niners thì chúng ta cần số điểm ghi được phải lớn hơn ba mươi điểm trong hiệp thứ hai – đúng thế!” ông hô lớn, nhảy cẫng lên đầy hứng khởi với nắm đấm giơ cao. “Mất bóng! Đội Redskins có bóng rồi. Chúng ta làm ăn ra trò rồi đấy!”

    Nhưng tôi vẫn không hiểu, vì đội mất bóng là đội Cowboys cơ mà. Tôi cứ tưởng đội Cowboys phải thắng với số điểm ít nhất là mười lăm. Sự trung thành của bố tôi cứ thay đổi đột ngột ngay giữa trận khiến tôi không theo kịp và tôi thường tự làm mình xấu hổ bằng việc cổ vũ nhầm đội; nhưng khi chúng tôi cùng nhau đi theo dòng các trận đấu và bình luận, tôi thấy thích sự cuồng nhiệt của ông và sự bội thực đồ ăn dầu mỡ trong cả một ngày, tôi cứ thế nhận những tờ hai mươi và năm mươi đô mà ông ném cho tôi như thể chúng từ trên trời rơi xuống. Có những lần – hò hét và nốc rượu trong khi đang mê mải với sự náo nhiệt của trận đấu – một sự gò bó vô hình nào đó đã tóm lấy ông mà theo tôi thấy thì nó chả liên quan gì tới trận đấu đang diễn ra cả và ông cứ thế đi qua đi lại mà tôi không biết tại sao, tay ôm lấy đỉnh đầu, mắt nhìn chằm chằm vào tỉ số với hình ảnh của một người đàn ông đang rối trí vì phá sản: nói chuyện với huấn luyện viên, với cầu thủ, hỏi xem chuyện quái quỷ gì đang diễn ra với họ, cái quái quỷ gì đang diễn ra. Đôi khi ông theo tôi đi vào trong bếp, với một thái độ nài nỉ hiếm thấy. “Ngồi đó xem chắc bố chết mất,” ông nói đùa giỡn, dựa người vào quầy bếp, điệu bộ bắt chước hài hước của ông và cái dáng hơi gù gợi nhắc đến một tên trộm ngân hàng phải ôm bụng vì vừa ăn đạn.

    Kèo x. Kèo y. Chạy sân, những bản bình luận. Vào ngày trận đấu diễn ra, cho tới tầm năm giờ chiều, cái ánh sáng chói lóa của sa mạc mới kéo theo cái chạng vạng cần có của ngày chủ nhật – mùa thu đang chìm dần vào mùa đông, sự cô đơn của tháng mười cũng phủ lên cả trường học vào ngày hôm sau – nhưng luôn có một khoảnh khắc tĩnh lại vào cuối những buổi chiều bóng ném đó khi tâm trạng của đám đông đều thay đổi và mọi thứ bỗng trở nên trơ trọi và bấp bênh, trên vô tuyến và ngoài đời thực, ánh sáng phản chiếu từ tấm kim loại nhạt dần thành màu vàng và rồi chuyển màu xám, bóng râm kéo dài và màn đêm trùm phủ lên sự tĩnh lặng của sa mạc, một cảm giác buồn chán mà tôi không sao giũ bỏ được, cái cảm giác của những con người lặng lẽ đổ dồn về lối ra sân vận động và làn mưa lạnh thì vẫn rơi ở những thị trấn phía đông xa xôi.

    Sự hoảng loạn đổ dồn lên tôi thật khó lý giải. Những ngày có trận đấu diễn ra thì đều kết thúc đầy vội vã, cứ như sắp chết vì mất máu đến nơi, cảm giác đó nhắc tôi nhớ lại lúc chứng kiến căn hộ ở New York bị thu dọn đồ đạc thành từng thùng và chuyển đi: không còn nghĩa lý gì nữa, không còn gì để bấu víu. Ở trên tầng, cửa phòng đóng chặt, tôi bật hết đèn lên, hút cỏ nếu tôi có, nghe nhạc từ cái loa cầm tay của tôi – những bài nhạc mà trước kia chưa từng nghe như của Shostakivich, và Erik Satie mà tôi đã cho vào iPod vì mẹ tôi thích và rồi tôi lại chẳng bao giờ chán chúng – và tôi mở đọc mấy cuốn sách từ thư viện: hầu như là sách nghệ thuật, vì nó nhắc tôi nhớ về mẹ.

    Kiệt tác của mỹ thuật Hà Lan. Delft: Thời hoàng kim. Những bức vẽ của Rembrandt, Những học sinh và môn đồ vô danh của ông. Từ việc xem xét trên máy tính ở trường, tôi đã thấy có một cuốn sách viết về Carel Fabritius (một cuốn sách nhỏ xíu, có vài trăm trang) nhưng họ không có nó trong thư viện trường và thời gian dùng máy tính ở trường thì bị quản lý rất nghiêm ngặt nên việc tra cứu gì đó trên mạng đúng là hoang tưởng – đặc biệt là khi không thèm suy nghĩ mà đã nhấn vào đường dẫn (Het Puttertje, Con chim sẻ cánh vàng, 1654) và tôi tới được một trang web có vẻ nghiêm túc đến đáng sợ có tên là Dữ liệu về Tác phẩm nghệ thuật Mất tích bắt tôi phải đăng nhập bằng tên và địa chỉ. Tôi đã dựng tóc gáy lên khi nhìn thấy mấy chữ Interpol với Mất tích đến mức tắt phụt luôn cả máy tính, việc mà chúng tôi không được phép làm. “Cháu vừa làm gì đấy?” ông thủ thư Ostrow vừa hỏi tôi trước khi tôi kịp bật máy trở lại. Ông vươn qua vai tôi và bắt đầu đánh dòng mã mở máy.

    “Cháu…” Mặc dù lúng túng là thế nhưng tôi cũng thở phào vì đã không xem phim khiêu dâm khi thấy ông bắt đầu xem lại lịch sử duyệt web của tôi. Tôi đã định mua cho mình một cái laptop rẻ tiền bằng năm trăm đô bố tôi cho vào dịp Giáng sinh, nhưng bằng cách nào đó số tiền đã cạn dần khỏi túi tôi – Tranh Mất Tích, tôi tự nhủ; không việc gì phải hoảng khi thấy từ mất tích, tranh bị phá hủy cũng được gọi là mất tích, đúng không? Mặc dù tôi chưa gõ cái tên nào cả nhưng nó cũng làm tôi lo lắng vì tôi đã xem xét dữ liệu bằng địa chỉ IP của trường. Từ tất cả những gì tôi biết, những điều tra viên phát hiện ra tôi sẽ theo dấu và biết được tôi đang ở Vegas; sự kết nối, dù nhỏ, nhưng vẫn có.

    Bức tranh đã được giấu kĩ, còn giấu rất thông minh là đằng khác, trong một cái vỏ gối cotton sạch được dán vào phía sau tấm ván đầu giường tôi. Tôi đã học được, từ Hobie, rằng những thứ đồ cổ phải được xử lý cẩn thận thế nào (có những lúc ông dùng vải cotton trắng cho những thứ đồ đặc biệt mỏng manh dễ vỡ) và tôi chưa bao giờ dùng tay không chạm vào nó, chỉ dám chạm vào phần khung. Tôi không bao giờ lấy nó ra trừ khi bố tôi và Xandra không ở đó và tôi biết họ sẽ không về nhà một thời gian – cho dù tôi không thấy nó nhưng vẫn thích cái cảm giác rằng nó luôn ở đó và tạo nên sự sâu sắc, sự rắn chắc cho những vật dụng xung quanh khác, sự củng cố cho mọi thứ nội thất, một sự đúng đắn vô hình luôn làm tôi an tâm như khi biết rằng ở một nơi xa những con cá voi vẫn đang bơi thảnh thơi dưới nước biển Baltic và nhà sư ở những vùng đất bí ẩn thì vẫn ngày đêm không ngừng tụng kinh niệm chú cứu rỗi cả thế giới.

    Lấy nó ra, cẩn thận đỡ lấy nó, nhìn ngắm nó, những việc đó đều không thể làm vội vàng nhanh gọn được. Ngay cả trong việc với lấy bức tranh cũng có cảm giác như được vươn xa, một làn gió thoảng qua và bạn bay lên cao; trong một vài khoảnh khắc lạ lùng, khi tôi nhìn nó đủ lâu, mắt đã khô vì tiếp xúc với không khí sa mạc được điều hòa làm lạnh, mọi khoảng cách giữa tôi và bức tranh dường như biến mất để rồi khi nhìn lên, bức tranh mới là thứ thực tồn tại chứ không phải tôi.

    1622 – 1654. Con trai một giáo viên. Ít hơn một tá số tác phẩm được xác định là của ông. Theo như Van Bleyswijck, nhà sử học nổi tiếng thành phố Delft, Fabritius đang ở trong studio để vẽ nên bức tranh về người đào huyệt ở Oude Kerk thuộc thành phố Delft khi, vào lúc mười rưỡi sáng, vụ nổ kho vũ khí xảy ra. Thi thể của họa sĩ Fabritius được những người hàng xóm lôi ra khỏi đống đổ nát của chính phòng sáng tác của ông, “với sự tiếc thương vô hạn,” cuốn sách nói, “và không ít nỗ lực.” Thứ nhanh chóng tóm lấy tôi trong những bài viết từ sách thư viện chính là yếu tố tình cờ: thảm họa bất ngờ, đến với tôi và đến với ông ấy, cùng hội tụ tại một điểm không ai có thể thấy trước, vụ nổ big bang như bố tôi vẫn gọi, không phải gọi kiểu mỉa mai hay tùy tiện mà thay vào đó là với cả sự ghi nhận đầy trân trọng đối với sức mạnh của định mệnh đã điều khiển chính cuộc đời của bố tôi. Bạn có thể nghiên cứu những sự kết nối trong nhiều năm và chẳng bao giờ có thể hiểu nổi nó – nó chỉ đơn giản là về những thứ đến với nhau, những thứ xa rời nhau, sự bẻ cong của thời gian, về việc mẹ tôi đứng trước bảo tàng đó khi thời gian chập chờn trôi qua và ánh sáng thì có vẻ thật nực cười, về sự bất an luôn treo lơ lửng ở ranh giới của sự tươi sáng. Một sự tình cờ nào đó đều có thể, hoặc không thể, thay đổi mọi thứ.

    Trên tầng, nước từ vòi trong phòng tắm quá đậm mùi chlorine để có thể uống nổi. Đêm đêm, gió khô vẫn thổi rác rưởi và lon bia rỗng bay xuống phố. Hơi nước và độ ẩm, Hobie đã bảo tôi, là những thứ tồi tệ nhất đối với đồ cổ; trên cái đồng hồ hộp thân cao mà ông đang sửa chữa vào lúc tôi rời đi, ông đã cho tôi xem phần gỗ bị mục nát từ bên dưới bởi sự ẩm ướt (“ai đó đã dùng cả cái xô để xối nước trên nền đá, cháu có thể thấy phần gỗ này mềm thế nào, xác xơ thế nào đúng không?”)

    Sự bẻ cong của thời gian: khi bạn nhìn một sự việc hai lần, hoặc hơn hai lần. Cũng giống như thói quen của bố tôi, cơ chế cá cược của ông, tất cả những lời sấm truyền của ông và ma thuật thì được dựa trên sự nhận thức về những mô hình không thể tận mắt nhìn thấy, cũng giống như vụ nổ ở Deft chính là một trong số một chuỗi các sự kiện được bắn xối xả vào hiện tại. Hàng loạt các kết quả có thể làm bạn thấy chóng mặt. “Tiền không quan trọng,” bố tôi nói. “Tất cả những gì tiền đại diện chính là năng lượng của vạn vật, con hiểu không? Đấy là cách con lần theo dấu nó. Những bước đi tình cờ của số phận.” Con chim sẻ cánh vàng vẫn nhìn tôi vững chãi, với cặp mắt sáng không hề nao núng. Tấm gỗ này rất bé, “chỉ lớn hơn tờ giấy A4 chút xíu” như một trong số các cuốn sách nghệ thuật của tôi đã chỉ ra, mặc dù cả đống ngày-tháng-và-kích-cỡ đó, với những thông tin vô ích từ sách giáo khoa cũng thừa thãi y như đống số liệu trong mấy cuốn tạp chí thể thao khi đội Packers đang dẫn trước hai điểm vào nửa sau hiệp hai và băng tuyết đã bắt đầu lác đác rơi trên sân đấu. Bức tranh, với phép màu và sự sống động của nó, giống như khoảnh khắc bay bổng kì lạ khi tuyết rơi, ánh sáng xanh lá và những bông tuyết cứ xoay tròn trước máy quay, khi mà bạn không còn quan tâm tới trận đấu, không còn quan tâm ai thắng ai thua nữa, bạn muốn uống rượu vào cái thời khắc không còniếng nói mà chỉ có từng đợt gió cuốn qua. Khi nhìn vào bức tranh tôi cảm nhận được sự hội tụ tại một điểm duy nhất: khoảnh khắc ánh nắng lóe sáng chiếu rọi ngay lúc này và mãi mãi. Chỉ đôi khi tôi mới để ý tới sợi dây xích trên cổ chân con chim, hay nghĩ thật là một cuộc sống khổ sở cho sinh vật sống nhỏ bé ấy – vỗ cánh vội vã, luôn bị bắt buộc phải hạ cánh ở cùng một nơi đã hết sạch hi vọng.


    v.

    ĐIỀU TỐT LÀ: tôi thấy hài lòng khi bố tôi đang là một người tốt tính. Ông đã đưa tôi ra ngoài ăn tối – những bữa tối ngon tuyệt, ở những nhà hàng có khăn trải bàn màu trắng, chỉ có hai chúng tôi – ít nhất một lần một tuần. Thỉnh thoảng ông mời cả Boris đến, những lời mời mà Boris luôn nhảy cẫng lên mà đồng ý – sức hấp dẫn của một bữa ăn ngon cũng đủ mạnh để lấn át cả những cái lôi kéo mang đậm tính trọng lực của Kotku – nhưng thật lạ, tôi thấy mình vui hơn khi chỉ có bố tôi và tôi.

    “Con biết đấy,” ông nói, tại một trong số các bữa tối mà chúng tôi nấn ná lại muộn để ăn món tráng miệng – nói về chuyện trường lớp, về đủ thứ chuyện (người bố mới đầy quan tâm này! ông ấy tới từ đâu thế?) … “con biết đấy, bố thực sự rất muốn hiểu con hơn kể từ khi con đến đây, Theo.”

    “Ừm, vâng, con cũng thế.” tôi nói, cảm thấy khá ngượng nhưng cũng là nói thật lòng mình.

    “Ý bố là…” bố tôi lấy tay vuốt tóc… “cám ơn vì đã cho bố một cơ hội thứ hai, nhóc con. Vì bố đã phạm một sai lầm rất lớn. Bố đáng ra không nên để mối quan hệ của mình với mẹ con làm cản trở mối quan hệ của bố với con. Không, không,” ông nói, giơ bàn tay lên, “Bố không đổ lỗi cho mẹ con một chút nào hết, bố đã cho qua hết chuyện đó rồi. Chỉ là mẹ yêu con nhiều quá, bố luôn thấy mình như một tên kỳ đà cản mũi đối với hai người. kiểu người-lạ-trong-chính-nhà-mình. Hai mẹ con quá gần gũi với nhau…” ông cười, giọng buồn bã… “không có nhiều chỗ cho cả ba người.”

    “Ừm…” Mẹ và tôi từng đi nhón chân trong nhà, thì thầm với nhau, cố tránh mặt bố tôi. Những bí mật, những trận cười đùa. “Ý con là, con chỉ…”

    “Không, không, bố không đòi con phải xin lỗi. Bố là một người bố, bố là người nên hiểu chuyện. Chỉ là mọi chuyện cứ như một vòng tròn luẩn quẩn nếu con hiểu ý bố. Việc bố cảm thấy bị tẩy chay, rồi bực bội, rồi nốc rượu. Và đáng ra bố không bao giờ nên để chuyện đó xảy ra. Bố đã bỏ lỡ, có vẻ như, vài năm thực sự quan trọng trong đời con. Bố là người phải cùng con trải qua những năm tháng đó.”

    “Um…” tôi cảm thấy tội lỗi đến mức không biết nói gì.

    “Bố không phải là dồn con vào thế bí, anh bạn nhỏ. Bố chỉ nói rằng bố thấy rất vui khi chúng ta giờ đã là bạn bè của nhau.”

    “À vâng,” tôi nói, mắt dí chặt vào đĩa bánh kem nướng đã bị ăn sạch sẽ của mình, “con cũng thế.”

    “Và, ý bố là – bố muốn bù đắp cho con. Thấy không, năm nay bố đang rất ăn nên làm ra với mấy cuốn tạp chí thể thao…” bố tôi hớp một ngụm nhỏ cà phê… “bố muốn mở cho con một tài khoản tiết kiệm. Con biết mà, chỉ là để dành chút ít. Vì, con biết đấy, bố đã không ở bên con tốt như mẹ con, và những năm tháng bố bỏ đi nữa.”

    “Bố,” tôi nói, hơi lạc giọng. “Bố không phải làm thế.”

    “Oh, nhưng bố muốn làm vậy! Con có số Chứng minh thư, đúng không?”

    “Chắc chẳn rồi bố.”

    “Vậy thì, bố đã có mười ngàn để dành được. Đó là một khởi đầu thuận lợi. Nếu con đổi ý khi chúng ta về đến nhà thì hãy cho bố số Chứng minh thư của con và lần tới bố qua ngân hàng, bố sẽ mở một tài khoản tiết kiệm dưới tên con, được không?”


    vi.

    NGOÀI Ở TRƯỜNG RA, TÔI gần như chẳng nhìn thấy Boris đâu, trừ chuyến dã ngoại chiều chủ nhật bố tôi đưa chúng tôi đi ăn ở nhà hàng Carnegie Deli ở vùng Mirage vì món thịt chồn zibelin và món hành chiên giòn. Nhưng rồi, vài tuần trước lễ Tạ Ơn, nó bước rầm rập lên tầng vào lúc tôi không ngờ và nói: “Bố mày đang có mấy ván xui xẻo đó, biết không?”

    Tôi buông cuốn Silas Marner xuống, cuốn sách chúng tôi đang được học ở trường. “Cái gì?”

    “Ờ thì, ông đang chơi ở mấy bàn hai trăm đô – hai trăm đô một lần,” nó nói. “Mày có thể mất cả ngàn đô chỉ trong năm phút, rất dễ dàng.”

    “Một ngàn đô cũng chẳng là gì với ông ấy,” tôi nói; và rồi, khi Boris không đáp lại: “Bố tao nói ổng mất bao nhiêu rồi?”

    “Không nói,” Boris đáp. “Nhưng nhiều lắm.”

    “Mày chắc là ông ấy không đùa với mày đấy chứ?”

    Boris cười thành tiếng. “Có thể lắm,” nó nói, rồi ngồi lên giường và ngả người dựa lên hai cùi chỏ. “Mày không biết gì à?”

    “Ờ…” Theo những gì tôi biết, bố tôi đã trúng lớn khi nhà Bill cũng thắng vào tuần trước nữa. “Tao không biết làm sao mà ông có thể chơi quá tệ. Bố tao đã đưa tao đến Bouchon và những nơi giống thế cơ mà.”

    “Đúng, nhưng có lẽ những gì ổng nói với tao cũng có lí do cả,” Boris nói như nhà hiền triết.

    “Lí do? Lí do nào?”

    Boris có vẻ như định nói gì đó, rồi lại thay đổi quyết định.

    “Ừm, ai mà biết được,” nó nói, đốt một điếu thuộc rồi hít một hơi thật mạnh. “Bố của mày - ổng có dòng máu Nga.”

    “Đúng,” tôi nói, tự tay với lấy điếu thuốc. Tôi thường nghe thấy Boris và bố tôi, trong những “cuộc trò chuyện trí thức” khoa chân múa tay của họ, bàn về mấy tay bài bạc khét tiếng trong lịch sử nước Nga: Pushkin, Dostoyevsky, những cái tên mà tôi cũng chả biết.

    “Ừm… mày biết đấy, người Nga rất hay phàn nàn về mấy thứ xui xẻo tồi tệ! Ngay cả khi cuộc sống rất tốt thì cũng chỉ cần mình hiểu là đủ. Mày không muốn lôi kéo quỷ dữ tới phá hoại đâu.” Nó đang mặc một cái sơ mi cũ của bố tôi, bị giặt đến gần trở nên trong suốt rồi và rộng đến mức cái áo quấn lấy người Boris như mấy thứ trang phục của người Ả Rập hoặc người theo đạo Hindu. “Chỉ là, bố của mày, đôi khi thật khó để biết được ổng đang đùa hay đang nghiêm túc.” Rồi nó nhìn tôi chăm chú. “Mày đang nghĩ gì thế?”

    “Chả nghĩ gì cả.”

    “Ổng biết là chúng ta có nói chuyện với nhau. Thế nên ổng mới bảo tao những lời đó. Ổng sẽ không nói cho tao nếu ổng không muốn mày biết.”

    “Ờ.” Tôi chắc rằng đây không phải mấu chốt vấn đề. Bố tôi là loại người mà một khi đã phấn khích thì sẽ có thể nói về cuộc sống riêng tư của mình một cách hạnh phúc cho vợ của sếp nghe hoặc cho một ai đó chẳng hề phù hợp chút nào.

    “Ổng sẽ tự nói với mày,” Boris nói, “nếu ổng nghĩ là mày muốn biết.”

    “Nghe này. Giống như mày nói…” Bố tôi thích mấy trò bạo lực, thích những cử chỉ quá khích; vào những ngày chủ nhật chúng tôi đi với nhau, ông thích phóng đại mấy chuyện xui xẻo của mình, thích đi loạng choạng và kêu ca rên rỉ, thích phàn nàn về việc bị ‘tàn phá’ hay ‘hủy hoại’ sau một ván bài thua ngay cả khi ông đã thắng cả nửa tá người khác và đang nhấn máy tính để tính tổng số tiền ăn được. “Đôi khi ông ấy thể hiện hơi thái quá.”

    “Ừm, đúng, mày nói đúng,” Boris đáp đầy vẻ khôn ngoan. Nó lấy lại điếu thuốc, hít một hơi, và rồi, rất thân thiện đưa nó lại cho tôi. “Mày có thể hút nốt.”

    “Không, cám ơn.”

    Vài giây im lặng, và chúng tôi có thể nghe tiếng đám đông trên ti vi đang hò reo cổ vũ trận bóng ném bố tôi đã đặt cược. Rồi Boris lại ngả ra sau và nói: “Ở dưới nhà có gì ăn không?”

    “Chả có cái chó gì hết.”

    “Tao nghĩ là còn đồ Tàu ăn dở đấy.”

    “Không còn nữa. Ai đấy ăn hết rồi.”

    “Khốn kiếp. Chắc tao lại phải đến nhà Kotku, mẹ nàng có pizza đông lạnh. Mày muốn đi cùng không?”

    “Không, cám ơn.”

    Boris cười lớn, và biểu diễn mấy động tác của gangster trông đến là giả tạo. “Tự phục vụ đi, yo,” nó nói, bằng cái giọng “xã hội đen” của nó (với cái giọng của nó thì chỉ có thể đoán ra câu chữ thông qua điệu bộ tay và chữ “yo”) khi nó đứng dậy và lướt ra ngoài. “NiggaVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link phải ăn đã.”

    vii.

    ĐIỀU ĐẶC BIỆT VỀ Boris và Kotku là mối quan hệ của họ đã rất nhanh chóng mang một phẩm chất là rất dễ gây bực bội và xứng đáng ăn đấm. Họ vẫn ngủ với nhau thường xuyên, và vẫn hầu như không bỏ tay ra khỏi nhau được, nhưng ngay cái phút mà họ mở miệng nói thì nó giống như nghe một cặp đôi đã lấy nhau được mười lăm năm rồi. Họ cãi cọ vặt vãnh về một số tiền rất nhỏ, như là ai sẽ trả tiền cho bữa trưa ở quầy ăn nhanh; và những cuộc hội thoại của hai người họ, khi tôi tình cờ nghe thấy, thì thường sẽ thế này:

    Boris: “Cái gì! Anh chỉ đang cố tỏ ra tốt bụng thôi mà!”

    Kotku: “Ừm, như vậy không phải tốt bụng lắm đâu.”

    Boris chạy theo để bắt kịp cô ta: “Anh nghiêm túc đấy, Kotyku! Trung thực đấy! Chỉ đang cố làm một người tốt thôi!”

    Kotku: [bĩu môi hờn dỗi]

    Boris cố hôn cô ta nhưng không thành: “Anh đã làm gì? Có chuyện gì vậy? Tại sao em lại nghĩ anh không còn là người tốt nữa?”

    Kotku: [im lặng]

    Vấn đề với Mike-người-dọn-bể-bơi – tình địch của Boris – đã được giải quyết với cái quyết định vô cùng tiện lợi của Mike là tham gia Đội Cứu hộ Bờ biển. Kotku, rõ ràng là, vẫn dành ra mấy tiếng đồng hồ mỗi tuần nói chuyện điện thoại với anh ta, mà vì lí do gì đi nữa thì Boris cũng chẳng thấy phiền về chuyện đó (“Nàng chỉ đang cố giúp đỡ anh ta thôi, thấy không”). Nhưng cơn ghen tuông của nó ở trường thì thật là bực mình. Nó thuộc nằm lòng lịch học của cô ta và ngay giây đầu tiên tan lớp là nó chạy biến đi tìm cô ta ngay, như thể nó đang nghi ngờ cổ sẽ bắt cá hai tay trong giờ Tiếng Tây Ban Nha thực hành hay cái quái quỷ gì đó. Vào một ngày nọ sau giờ học, khi Popper và tôi đang ở nhà một mình, nó gọi điện cho tôi hỏi: “Mày biết thằng nào tên Tyler Olowska không?”

    “Không.”

    “Nó học cùng lớp Lịch sử Mỹ với mày mà.”

    “Xin lỗi nhé. Lớp đó đông thấy mồ.”

    “Vậy thì thế này. Mày có thể tìm hiểu về nó hộ tao không? Nơi nó sống chẳng hạn?”

    “Nơi nó sống? Cái này liên quan đến Kotku đúng không?”

    Đột nhiên chuông cửa reo – một việc khiến tôi sửng sốt vô cùng: bốn hồi chuông đều đặn. Trong cả quãng thời gian tôi ở Las Vegas này thì chưa có ai từng bấm chuông nhà chúng tôi, một lần cũng không. Boris, ở đầu dây bên kia, cũng nghe thấy tiếng chuông cửa. “Cái gì đấy mày?” nó hỏi. Con chó đang chạy vòng vòng và sủa muốn văng mõm.

    “Có người ở cửa.”

    Cửa?” Trên con phố hoang vu của chúng tôi – không hàng xóm, không có người dọn rác, thậm chí còn chẳng có đèn đường - thì đây chính là một sự kiện trọng đại. “Mày nghĩ đấy là ai?”

    “Không biết nữa. Để tao gọi lại cho mày sau nhé.”

    Tôi túm lấy Popchyk – con chó đang phấn khích cực độ - và (trong khi nó giãy giụa, tru tréo trong tay tôi để cố tụt xuống) tôi cố gắng mở cửa bằng một tay còn lại.

    “Ôi coi này,” một giọng Jersey dễ chịu cất lên. “Một cậu bé đáng yêu quá đi.”

    Tôi đang chớp mắt dưới ánh sáng của buổi chiều muộn trước một người đàn ông cao gầy, làn da vô cùng rám nắng và ở độ tuổi không xác định được. Ông ta trông nửa giống người biểu diễn mô tô và nửa lại giống một tay chuyên trình diễn trong quán bar mà giờ đã hết thời. Cặp kính gọng vàng của ông được phun xịt một ít màu tím lên phía gọng trên; ông đang mặc một cái áo khoác thể thao màu trắng bên ngoài một cái áo sơ mi đỏ kiểu cao bồi với hàng cúc bằng ngọc trai, cùng với quần jean đen, nhưng thứ mà tôi để ý nhất là tóc ông: nửa như tóc giả, nửa như được cấy hoặc được xịt lên đầu, với kết cấu như lớp cách nhiệt bằng sợi thủy tinh và có màu nâu sậm như xi đánh giầy đựng trong hộp thiếc.

    “Nào, thả nó xuống đi chứ!” ông ta nói trong khi gật đầu với Popper, con chó vẫn đang gắng sức để thoát ra. Giọng ông trầm, phong thái thì điềm tĩnh và thân thiện; ngoại trừ chất giọng ra thì ông đúng chuẩn người Texas, với đôi bốt và mọi thứ. “Cứ để nó chạy quanh! Ta không phiền đâu. Ta thích chó lắm.”

    Khi tôi thả Popchyk ra, ông ấy cúi xuống để vỗ đầu con chó, trong một tư thế nhắc tôi nhớ về một gã cao bồi khẳng khiu đứng bên đống lửa. Người lạ mặt có vẻ ngoài thật kì cục, với mái tóc và mọi thứ, khiến tôi không thể không ngưỡng mộ làm sao mà ông có thể cảm thấy thoải mái và dễ chịu với làn da của mình.

    “Đúng, đúng,” ông nói. “Cậu bé đáng yêu. Đúng là mày đấy!” Đôi má nâu rám nắng của ông đã có nếp nhăn, kiểu táo khô, co lại với những đường lằn nhỏ. “Có nuôi ba con ở nhà. Những con penny nhỏ.”

    “Gì cơ ạ?”

    Ông ta đứng đó; khi ông cười còn để lộ hàm răng đều tăm tắp và trắng xóa.

    “Giống pinscher cỡ nhỏ,” ông nói. “Như mấy tên quỷ nhỏ điên khùng, mỗi khi ta đi đâu là lại nhai đồ đạc ra bã hết, nhưng ta rất yêu chúng. Tên cháu là gì, cậu bé?”

    “Theodore Decker ạ,” tôi đáp, tự hỏi ông là ai.

    Ông lại mỉm cười; đôi mắt phía sau cặp kính nửa đen trông khá nhỏ nhưng sáng lấp lánh. “Này! Một người New York nữa! Ta có thể thấy qua giọng điệu của cháu, ta nói đúng không?”

    “Đúng ạ.”

    “Một cậu bé từ Manhattan, ta đoán vậy. Chuẩn chứ?”

    “Đúng ạ,” tôi nói, tự hỏi chính xác thì ông đã nghe ra cái gì từ giọng điệu của tôi. Chưa có ai đoán được tôi tới từ Manhattan chỉ từ việc nghe tôi nói.

    “À này… Ta tới từ Canarsie. Sinh ra và lớn lên ở đó. Ta luôn rất vui khi được gặp một cậu trai nữa tới từ phía Đông. Ta là Naaman Silver.” Ông chìa tay ra.

    “Rất vui được gặp ngài, Ngài Silver.”

    “Ngài!” Ông cười thích thú. “Ta thích những đứa trẻ lịch sự. Không còn được mấy đứa như cháu nữa. Cháu là người Do Thái chứ, Theodore?”

    “Không, thưa ngài,” tôi nói, và rồi ước gì mình đã nói có.

    “Ừm, nói để cháu biết. Bất cứ ai tới từ New York, trong cuốn sách của ta họ đều là những người Do Thái đáng tôn trọng. Đó là cách nhìn nhận của ta. Cháu từng tới Carnasie chưa?”

    “Chưa ạ, thưa ngài.”

    “Vậy thì, nơi đó hồi xưa từng là trung tâm đông đúc hết sảy luôn, mặc dù bây giờ thì…” Ông nhún vai. “Gia đình của ta, họ đã ở đó được bốn thế hệ rồi. Ông Saul của ta quản lý một trong những nhà hàng ăn kiêng đầu tiên ở Mỹ, thấy không. Một nơi hoành tráng, nổi tiếng. Dù vậy thì nó cũng đã đóng cửa khi ta còn nhỏ. Và rồi mẹ ta chuyển cả gia đình tới Jersey sau khi cha ta qua đời để chúng ta có thể ở gần chú Harry của ta và gia đình chú ấy.” Ông chống tay vào cái hông gầy gò của mình và nhìn tôi. “Bố cháu có đây không, Theo?”

    “Không ạ.”

    “Không?” Ông nhìn qua vai tôi, nhìn vào trong nhà. “Thật tiếc quá. Cháu biết khi nào bố về không?”

    “Không ạ, thưa ngài,” tôi nói.

    Thưa ngài. Ta thích thế đấy. Cháu là một cậu bé ngoan. Nói cháu biết, cháu làm ta nhớ lại mình hồi còn bằng tuổi cháu đấy. Mới từ trường học chữ Do Thái ra…” ông giơ ra đôi bàn tay của mình, những chiếc vòng vàng trên cái cổ tay rám nắng nhiều lông… “và đôi bàn tay này? Trắng, như sữa. Như tay cháu vậy.”

    “Um” – tôi vẫn đang đứng ngượng ngịu ở cửa – “ngài có muốn vào không ạ?” Tôi không chắc liệu mình có nên mời một người lạ vào nhà không, trừ phi tôi đang cô đơn và chán. “Ngài có thể đợi nếu muốn. Nhưng cháu không chắc khi nào bố cháu mới về.”

    Một lần nữa, ông nở nụ cười. “Không, cám ơn cháu. Ta còn cả đống điểm dừng nữa. Nhưng ta sẽ nói cho cháu điều này, ta sẽ nói thẳng, vì cháu là một đứa trẻ tốt. Ta đánh năm dấu với bố cháu rồi. Cháu biết vậy nghĩa là gì không?”

    “Không ạ, thưa ngài.”

    “Vậy thì, Chúa phù hộ cháu. Cháu không cần biết điều đó, và ta hi vọng cháu sẽ không bao giờ biết. Nhưng ta muốn nói rằng đó không phải một công việc kinh doanh tốt đâu.” Ông đặt bàn tay thân thiện lên vai tôi. “Tin hay không tùy cháu, Theodore, ta cũng có những kĩ năng như mọi người. Ta không thích phải tới nhà một người đàn ông và nói chuyện với con anh ta, như việc ta đang làm với cháu đây. Điều này không đúng đắn. Thông thường ta sẽ tới chỗ làm của bố cháu và chúng ta sẽ ngồi xuống nói chuyện một chút. Ngoại trừ việc anh ta khá là khó để có thể gặp mặt, mà có lẽ cháu cũng hiểu điều đó rồi.”

    Tôi có thể nghe thấy tiếng điện thoại vang lên trong nhà: tôi khá chắc chắn đó là Boris. “Có lẽ cháu nên nhấc máy,” Ngài Silver nói rất nhẹ nhàng.

    “Không, không sao ạ.”

    “Cứ đi đi. Ta nghĩ là cháu nên làm vậy. Ta sẽ chờ ngay đây.”

    Cảm thấy cực kỳ phiền hà, tôi quay trở vào trong vào trả lời điện thoại. Như tiên đoán, là Boris. “Ai đó mày?” nó hỏi. “Không phải Kotku, đúng không?”

    “Không. Nghe này…”

    “Tao nghĩ là nàng về nhà với cái thằng Tyler Olowska đó. Tao có cái linh cảm buồn cười là như vậy. Có lẽ nàng không về nhà với hắn. Nhưng hai bọn họ rời trường cùng nhau – nàng nói chuyện rất nhiều với hắn ở bãi đậu xe. Thấy không, nàng học cùng lớp với hắn, mấy cái kĩ năng làm đồ gỗ hay gì đó…”

    “Boris, tao xin lỗi, tao thực sự không thể nói chuyện bây giờ, tao sẽ gọi lại cho mày, ha?”

    “Ta tin lời cháu rằng không phải bố cháu gọi,” Ngài Silver nói khi tôi quay trở lại cửa. Tôi nhìn qua ông, tới cái xe Cadillac màu trắng đậu gần lề đường. Còn có hai người đàn ông trong xe – một tài xế, và một người nữa ở ghế trước. “Không phải bố cháu chứ, đúng không?”

    “Không phải, thưa ngài.”

    “Cháu sẽ nói ta biết nếu đó là bố cháu, đúng không?”

    “Vâng thưa ngài.”

    “Tại sao ta lại không tin cháu được chứ?”

    Tôi im lặng, không biết nói gì.

    “Không sao, Theodore.” Một lần nữa, ông cúi xuống gãi phía sau tai Popper. “Sớm muộn gì ta cũng sẽ gặp được bố cháu thôi. Cháu chắc chắn sẽ nhớ những gì ta muốn nói với anh ta chứ? Và rằng ta đã ghé qua?”

    “Vâng thưa ngài.”

    Ông chỉ một ngón tay dài về phía tôi. “Tên ta là gì nào?”

    “Ngài Silver ạ.”

    “Ngài Silver. Đúng thế. Ta chỉ kiểm tra vậy thôi.”

    “Ngài muốn cháu nói gì với bố cháu?”

    “Bảo anh ta là ta nói rằng trò bài bạc chỉ dành cho bọn khách du lịch thôi,” ông nói. “Không dành cho dân địa phương.” Thật nhẹ, thật nhẹ, với bàn tay nâu sạm xương xẩu của mình, ông xoa đầu tôi. “Chúa phù hộ cháu.”


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tạm dịch: Cung Bọ cạp: Dự báo về thể thao trong năm của bạn

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Từ lóng, đọc chệch từ chữ “nigger” nghĩa là người da đen
     
  16. hoanghontim

    hoanghontim Mầm non

    Lên mạng thấy cuốn này review trái chiều thật, người thì bảo cô này là "Charles Dickens phiên bản nữ", người thì chê là truyện dài dòng đủ để "gối đầu giường" theo nghĩa đen. Truyện nhiều đoạn đọc thấy sâu lắng rồi thăng trầm đủ cả nhưng công nhận là có những đoạn miêu tả dài dòng quá mức thật.
    Mà sao thấy chi tiết bức tranh, mặc dù là chi tiết quan trọng, nhưng lại chỉ điểm xuyết, như kiểu khi nào nhớ ra thì tác giả cho vô đó :-?
    Dù sao thì cũng cám ơn bạn @ngantrang0811 đã dịch. Cơ mà chắc bạn bận chút nên thời gian up truyện có vẻ cách xa nhau :). Hi vọng là bạn luôn kiên trì với tác phẩm này.
     
    Breeze and ngantrang0811 like this.
  17. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    viii.

    KHI BORIS XUẤT HIỆN ở cửa vảo khoảng nửa tiếng sau, tôi cố gắng kể cho nó về chuyến thăm của Ngài Silver, mặc dù nó có nghe đấy, một chút thôi, nhưng chủ yếu là nó đang giận sôi máu vì Kotku đang cặp kè với một thằng con trai khác, cái tên Tyler Olowska hay gì đó, một đứa trẻ giàu có lớn hơn bọn tôi một tuổi và ở trong đội tuyển gôn. “Cô ta thật đáng chết,” nó gằn giọng trong khi chúng tôi đang ngồi trên nền nhà tầng dưới để hút chỗ cỏ của Kotku. “Cô ta không thèm trả lời điện thoại. Tao biết là cô ta đang ở với hắn mà. Tao biết mà.”

    “Thôi nào.” Chuyện về Ngài Silver đã đủ làm tôi lo rồi, nhưng chuyện về Kotku còn làm tôi chán ngấy. “Chắc thằng đó chỉ muốn mua cỏ thôi.”

    “Yah, nhưng còn hơn thế nữa, tao biết. Cô ta không muốn tao qua đêm ở nhà cô ta nữa, mày để ý không? Lúc nào cũng có việc để làm. Cô ta thậm chí còn không đeo cái dây chuyền tao mua nữa.”

    Kính của tôi bị trượt xuống và tôi phải đẩy nó lại lên sống mũi. Boris thậm chí còn chẳng mua cái dây chuyền ngu ngốc đó mà ăn cắp nó ở siêu thị, nẫng nó và chạy luôn trong khi tôi (công dân đứng đắn, mặc áo khoác đồng phục) đang thu hút sự chú ý của cô bán hàng với vài câu hỏi ngu si nhưng lịch sự về việc bố và tôi nên mua gì cho mẹ vào ngày sinh nhật. “Hơ,” tôi nói, cố tỏ vẻ đồng cảm.

    Boris cau có, lông mày nó trông như tia sét. “Cô ta đúng là một con điếm. Vào một ngày khác? Cô ta giả vờ khóc trong lớp – cố gắng làm cho thằng Olowska khốn nạn đó thương cảm cho cô ta. Đúng là đồ đáng chết.”

    Tôi nhún vai – không có ý kiến phản đối gì với quan điểm đó – và chuyển cho nó điếu thuốc.

    “Cô ta chỉ thích thằng đó vì nó có tiền. Nhà nó có hai con Mercedes. Học lớp E.”

    “Xe đấy chỉ dành cho mấy quý bà thôi.”

    “Vớ vẩn. Ở Nga nó là loại xe của các băng nhóm đó. Và…” nó hít một hơi thật sâu, giữ hơi thở vào bên trong, bàn tay vẫy qua vẫy lại, mắt long lanh, chờ đã, chờ đã, đây mới là phần hay nhất, coi nào, mày hiểu không?... “mày biết thằng đó gọi cô ta là gì không?”

    “Kotku hả?” Boris khăng khăng đòi gọi cô ta là Kotku nhiều đến mức mọi người ở trường – thậm chí cả giáo viên – cũng bắt đầu gọi cổ là Kotku.

    “Đúng thế!” Boris nói, giận dữ, khói phóng ra từ miệng nó. “Cái tên của tao! Cái tên chính tao đặt cho cô ta. Và, còn một hôm khác ở ngay hành lang nữa? Tao thấy thằng đó còn làm bù xù tóc cô ta lên nữa.”

    Còn vài viên kẹo bạc hà đang chảy nước dở trong chiếc túi bố tôi đặt trên bàn uống cà phê, cùng với mấy tờ hóa đơn và tiền lẻ, và tôi bóc một viên cho vào miệng. Tôi thấy mình đang bay cao như mấy người lính nhảy dù và vị ngọt len lỏi khắp cơ thể, như lửa cháy. “Làm bù xù tóc cô ta?” tôi nói, viên kẹo va vào răng nghe lộp cộp. “Nói lại xem nào?”

    “Thế này này,” nó nói trong khi thể hiện một động tác xoa đầu bằng tay trong khi nó rít một hơi cuối cùng và dụi tắt thuốc. “Không biết dùng từ gì.”

    “Tao thấy chẳng đáng lo,” tôi nói, ngả đầu ra ghế. “Mà này, mày nên thử một viên bạc hà này đi. Có vị quá tuyệt.”

    Boris lấy tay vuốt mặt, rồi lắc đầu như một con chó đang giũ nước khỏi người. “Wow,” nó nói, tay vuốt phẳng cái mái tóc bù xù của nó.

    “Ờ. Tao cũng thấy thế,” tôi nói sau một hồi im lặng. Suy nghĩ của tôi bị kéo giãn thành một thứ sền sệt, chầm chậm đang dần nổi lên bề mặt.

    “Cái gì?”

    “Tao thấy rã rời.”

    “Thế hả?” Nó cười lớn. “Rã rời thế nào?”

    “Cũng gần lên được đến trên đó rồi, anh bạn.” Viên bạc hà trên lưỡi tôi bỗng trở nên mãnh liệt và to khổng lồ, cỡ hòn đá cuội, khiến thật khó để tôi có thể nó mà ngậm nó trong miệng.

    Một bầu không khí yên tĩnh theo sau. Đã khoảng năm giờ ba mươi chiều nhưng ánh sáng vẫn trong vắt và mạnh mẽ. Mấy chiếc sơ mi trắng của tôi đang phơi gần bể bơi và chúng đang tỏa sáng chói lóa, bay phần phật như cánh buồm. Tôi nhắm mắt lại, con ngươi đang cháy đỏ bên dưới mí mắt, và chìm vào chiếc ghế (đột nhiên vô cùng êm ái) như thể nó đã biến thành một con thuyền cự phách, và tôi nghĩ về cuốn Hart Crane mà chúng tôi đã đọc suốt giờ tiếng Anh. Cây cầu Brooklyn. Tại sao hồi ở New York tôi lại chưa từng đọc bài thơ đó nhỉ? Và tại vì sao mà tôi lại chưa từng để ý tới cây cầu trong khi hàng ngày vẫn chạm mặt nó? Những con mòng biển và cơn choáng váng của tôi dần chìm xuống. Tôi nghĩ về những rạp chiếu phim, những cảnh quay rộng…

    “Tao có thể bóp cổ cô ta,” Boris nói thẳng thừng.

    “Cái gì?” tôi thảng thốt, chỉ nghe thấy mỗi từ bóp cổ và cái giọng điệu xấu xí không lẫn đi đâu được của Boris.

    “Ả xương xẩu khốn kiếp. Cô ta làm tao điên quá.” Boris dùng vai thúc tôi một cái. “Thôi nào, Potter. Chẳng nhẽ mày không muốn đánh bay cái điệu cười khẩy trên gương mặt cô ta à?”

    “Ừm…” tôi nói sau một hồi sững sờ; rõ ràng đây là một câu hỏi lừa. “Ả là gì?”

    “Về cơ bản cũng giống như con khốn.”

    “Oh.”

    “Ý tao muốn nói đến loại người mà cô ta đã biến thành ấy.”

    “Đúng vậy.”

    Sau đó là một khoảng lặng dài và khó xử đến mức tôi bắt đầu nghĩ tới việc ngồi dậy và bật nhạc, mặc dù tôi không quyết được là loại nhạc nào. Bất cứ bài gì có nhịp điệu nhanh có vẻ sẽ không phù hợp và thứ tôi không muốn nhất là bài nào đó u ám hoặc tội lỗi mà có thể kích động nó.

    “Um,” tôi nói, sau một khoảng dừng mà tôi tin là đủ lịch sự, “Chiến tranh giữa Các thế giới sẽ bắt đầu trong mười lăm phút nữa.”

    “Tao sẽ cho cô ta biết thế nào là Chiếc tranh giữa Các thế giới,” Boris nói giọng hằm hằm. Nó đứng dậy.

    “Mày đi đâu đấy?” Tôi hỏi, “Đến khu Double R à?”

    Boris gầm gừ. “Cứ cười đi,” nó nói chua chát, tay luồn vào cái áo mưa thời Xô viết màu xám. “Sẽ là ba chữ R cho bố mày nếu ổng không trả tiền vay nợ cho người đàn ông đó.”

    “Ba chữ R?”

    “Revolver, roadside, hoặc roofVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link,” Boris nói, với điệu cười đen tối nghe như của người Xla-vơ.


    ix.

    ĐÓ LÀ TÊN MỘT BỘ PHIM hay gì nhỉ? Tôi tự hỏi. Ba chữ R? Nó học ở đâu mấy thứ đó nhỉ? Mặc dù tôi đã khá thành công trong việc quên hết mấy chuyện diễn ra chiều hôm đó nhưng Boris đã làm tôi dựng tóc gáy bằng câu nhận xét nửa vời của nó và tôi đã ngồi đờ đẫn dưới nhà một giờ liền với bộ phim Chiến tranh giữa Các thế giới nhưng tắt tiếng, chỉ còn tiếng lục cục của máy làm kem và tiếng lật phật của gió đập vào chiếc ô ngoài sân. Popper cũng tiếp nối tâm trạng của tôi, cũng đang bất an giống như tôi và cứ sủa váng lên trong khi nhảy khỏi ghế sofa để chạy đi kiểm tra mỗi khi có tiếng động quanh nhà – thế nên khi, trời gần tối, một chiếc xe đang rẽ vào lối đi, thì nó lao ra cửa và sủa ầm ĩ làm tôi sợ gần chết.

    Nhưng đó chỉ là bố tôi. Ông trông luộm thuộm và lờ đờ, và tâm trạng có vẻ không được tốt lắm.

    “Bố à?” Tôi vẫn còn hơi phê thuốc nên giọng tôi phát ra vẫn có chút xa xăm và khác lạ.

    Ông dừng lại dưới chân cầu thang và nhìn tôi.

    “Có một người đàn ông đã tới đây. Một Ngài Silver nào đó.”

    “Ồ thế à?” bố tôi nói, cũng đủ bình thường. Nhưng ông đang đứng bất động với bàn tay đặt trên tay nắm cầu thang.

    “Ông ấy nói đang cố liên lạc với bố.”

    “Lúc nào thế?” ông đi vào trong phòng.

    “Con đoán là khoảng bốn giờ chiều nay.”

    “Xandra lúc đó có ở đây không?”

    “Con không thấy cô ấy.”

    Ông đặt một tay lên vai tôi, và dường như đang suy nghĩ. “Ừm,” ông nói, “Bố sẽ rất cảm kích nếu con không nói gì về chuyện này.”

    Mẩu thuốc của Boris, tôi nhận ra, vẫn ở trong gạt tàn. Ông thấy tôi nhìn nó, rồi ông nhặt nó lên và ngửi.

    “Ta biết là mình ngửi thấy gì đó mà,” ông nói, thả mẩu thuốc vào túi áo khoác. “Người con cũng có mùi đấy, Theo. Mấy đứa các con lấy thứ này ở đâu ra?”

    “Mọi việc ổn chứ bố?”

    Đôi mắt bố tôi hơi đỏ và không vững vàng. “Tất nhiên là ổn rồi,” ông nói. “Bố chỉ đang định lên gác gọi vài cuộc điện thoại.” Từ người ông tỏa ra mùi khói thuốc mốc meo và mùi trà sâm ông vẫn uống, một thói quen ông học từ người doanh nhân Trung Hoa ở cùng phòng chơi bài baccarat: nó khiến mồ hôi của ông có mùi xộc lên mũi rất lạ. Khi tôi nhìn ông bước lên các bậc thang, tôi thấy ông lấy lại mẩu thuốc ra từ trong túi áo và đưa lên mũi ngửi một cách trầm ngâm.


    x.

    CÓ LẦN KHI TÔI ĐANG Ở TRÊN GÁC, trong phòng khóa cửa, và Popper thì vẫn lò dò xung quanh – ý nghĩ của tôi chợt quay về với bức tranh. Tôi đã từng rất tự hào khi bản thân nghĩ ra được ý tưởng cái-vỏ-gối-đằng-sau-đầu-giường, nhưng giờ tôi mới nhận thấy mình thật ngu khi để bức tranh ở ngay trong ngôi nhà này – nhưng tôi cũng không còn chỗ nào khác trừ khi muốn giấu nó trong mấy đống đổ nát cách đây vài ngôi nhà (cái mà chưa từng được dọn đi kể từ khi tôi tới Las Vegas) hoặc giấu ở một trong số những ngôi nhà bỏ hoang bên kia đường. Nhà của Boris cũng chẳng an toàn hơn nhà tôi là mấy, và tôi cũng chẳng biết thêm người nào có thể tin tưởng được. Một nơi nào khác chỉ có thể là trường học, cũng là một ý kiến tồi nốt, nhưng cho dù tôi biết thế nào cũng sẽ có nơi phù hợp thì hiện giờ tôi cũng không thể nghĩ ra nổi. Cứ thi thoảng trường tôi lại có một cuộc kiểm tra tủ đồ không báo trước và bây giờ - thông qua Boris, tôi cũng có liên hệ với Kotku – thì có lẽ họ cũng xếp tôi vào hàng cá biệt để kiểm tra tủ đồ. Dù vậy, kể cả khi ai đó tìm thấy bức tranh trong tủ đồ của tôi – dù là hiệu trưởng, hoặc huấn luyện viên bóng rổ Detmars đáng sợ, hoặc kể cả có là cớm-rởm được thuê tới từ một công ty dịch vụ an ninh để dọa dẫm lũ học sinh – thì vẫn tốt hơn là để bức tranh được phát hiện bởi bố tôi hoặc Ngài Silver.

    Bức tranh, bên trong cái vỏ gối, được bọc cẩn thận dưới vài lớp giấy vẽ - loại giấy tốt thường dùng để lưu trữ mà tôi đã lấy từ phòng học vẽ ở trường – với hai lớp bên trong là khăn cotton lau bát đĩa để bảo vệ bề mặt tranh khỏi chất axit từ giấy (không phải là không có). Nhưng tôi hay lấy bức tranh ra để ngắm quá – bằng cách mở phẩn giấy ở một cạnh bức tranh để nó trượt ra – đến nỗi giấy chỗ đó đã sờn rách và phần băng dính cũng hết chất keo. Sau một hồi nằm trên giường nhìn ngắm trần nhà, tôi bắt đầu ngồi dậy và lôi ra cuộn băng dính cỡ lớn dùng trong đóng gói đồ đạc còn lại từ khi chuyển nhà, và tôi lôi cái vỏ gối đang được dính sau đầu giường ra.

    Thật quá khó để kiềm chế việc chạm tay vào nó và ngắm nhìn nó. Tôi để bức tranh trượt ra thật nhanh, và gần như ngay lập tức hào quang của nó bao phủ lấy tôi, thứ gì đó dịu nhẹ như điệu nhạc, một sự ngọt ngào từ bên trong mà không thể diễn tả bằng lời trong sự hòa hợp từ sâu thẳm khiến từng giọt máu như sống dậy, cái cách mà tim bạn bỗng đập chậm và vững chãi như khi bạn được ở cùng người mà mình thấy yêu thương và an toàn. Một luồng sức mạnh, một tia sáng tỏa ra từ nó, một nét tươi mới như ánh ban mai chiếu sáng phòng ngủ của tôi khi còn ở New York, thứ ánh sáng yên bình nhưng thật sôi nổi, thứ ánh sáng khiến mọi thứ trở nên sắc nét hơn nhưng lại nhẹ nhàng và đáng yêu hơn nó vẫn vậy, và đáng yêu hơn là bởi nó chính là một phần của quá khứ, không thể tìm lại được nữa: những bức tường sáng lấp lánh, quả địa cầu Rand McNally nằm một nửa trong bóng tối.

    Chú chim nhỏ; chú chim vàng óng. Ngỡ ngàng đến run rẩy tôi để nó trượt lại vào trong bọc giấy độn khăn lau bát và gói nó lại với hai hay ba (bốn? năm?) trang báo thể thao cũ của bố tôi, và rồi – rất bất chợt, rất mạnh mẽ theo kiểu cứng nhắc và quyết tâm của riêng mình – tôi bọc kín nó bằng băng dính để không một dòng chữ nào có thể nhìn thấy nữa và cuộc băng dính siêu lớn cũng hết sạch. Không ai có thể tự ý mở gói đồ này nữa. Ngay cả khi dùng dao, một con dao sắc, nói gì đến kéo, sẽ mất cả núi thời gian mới vào được bên trong. Cuối cùng, khi xong việc – gói đồ trong như một cái tổ kén kì dị như mấy cảnh phim khoa học viễn tưởng – tôi nhẹ nhàng cho cái bức tranh được bọc như xác ướp đó vào trong túi đựng sách, và đặt cái túi dưới mấy thứ đồ trên sàn nhà ngay cạnh chân mình. Cất giọng rên rỉ bực bội, Popper dịch sang một bên để nhường chỗ. Nó nhỏ nhắn, và trông kì cục, nhưng nó vẫn là một tên sủa mạnh và rất cương quyết khi chiếm giữ một chỗ bên cạnh tôi; và tôi biết nếu ai đó mở cửa phòng khi tôi ngủ - dù là Xandra hay bố tôi, những người mà nó chẳng thích lắm – thì nó sẽ nhảy dựng lên và cảnh báo.

    Những ý nghĩ tưởng chừng yên tâm thì lại một lần nữa chuyển thành những lo âu cảnh giác về người lạ hoặc những vụ đột nhập chẳng hạn. Điều hòa lạnh đến mức làm tôi run rẩy; và khi nhắm mắt lại tôi thấy mình như bay lên khỏi cơ thể - lơ lửng trôi nhanh như một quả bóng bay vụt khỏi tầm với – để rồi sau đó cả cơ thể giật mạnh khi thức dậy. Vậy nên tôi cứ nhắm mắt lại và cố nhớ lại bài thơ của Hart Crane, cũng không nhớ được nhiều lắm, mặc dù những từ ngữ đơn lẻ như chim mòng biển, xe cộ, xôn xao bình minh cũng gợi chút gì đó thật xa xăm, những lần bay vút lên cao rồi lại lao xuống thấp; và ngay khi tôi dần chìm vào giấc ngủ, cơ thể tôi như lạc vào miền kí ức ào ạt về cái công viên nhỏ, đầy gió và đầy khói ở gần căn hộ cũ của chúng tôi, gần với bờ Đông, tiếng xe cộ mơ hồ bay lơ lửng phía trên trong khi dòng sông cuộn từng gợn sóng vội vàng, những con sóng bối rối và đôi khi nó còn có vẻ như đã tách làm hai ngả.


    xi.

    TÔI KHÔNG NGỦ ĐƯỢC NHIỀU LẮM vào đêm hôm đó và cũng mệt mỏi sau khi đến trường và xếp gọn bức tranh vào tủ đồ đến nỗi không để ý rằng Kotku (quấn lấy Boris như chưa từng có chuyện gì xảy ra) đang chưng lên cặp môi sưng vù. Chỉ khi nghe anh chàng Eddie Riso khóa trên nói, “Hoành tráng ghê ta?” thì tôi mới để ý là ai đó đã làm vài cú khá tốt trên mặt cô ta. Cổ đang đi loanh quanh nở nụ cười có chút lo lắng và nói với mọi người rằng cổ bị đập mặt vào cửa ô tô, nhưng lại nói theo kiểu ngượng ngùng như thể (ít nhất là với tôi) cổ đang nói dối.

    “Mày làm đấy à?” tôi hỏi Boris, khi sau đó tôi gặp nó đang đứng một mình (hoặc gần như một mình) trong lớp tiếng Anh.

    Boris nhún vai. “Tao không muốn làm vậy.”

    “Mày nói ‘không muốn làm vậy’ là ý gì?”

    Boris có vẻ sốc. “Nàng bắt tao làm vậy!”

    “Cổ bắt mày làm,” tôi nhại lại.

    “Nghe này, chỉ vì mày ghen với nàng…”

    “Thằng khốn,” tôi nói. “Tao chẳng quan tâm chó gì đến mày và Kotku hết – tao còn nhiều việc khác để lo. Mày có đập vô đầu cô ta thì tao cũng chẳng cần biết.”

    “Ôi Chúa ơi, Potter,” Boris nói, đột nhiên trở nên ủy mị. “Hắn ta quay lại à? Người đàn ông đó đó?”

    “Không.” tôi nó, sau vài giây im lặng. “Ổng chưa quay lại. Kệ xác ổng.” tôi nói khi Boris vẫn tiếp tục nhìn tôi chằm chằm. “Là vấn đề của ông ấy, không phải của tao. Ông ấy phải tự tìm ra cách giải quyết.”

    “Bố mày đang nợ nần bao nhiêu?”

    “Không biết.”

    “Mày không thể kiếm tiền đưa cho ổng à?”

    Tao?

    Boris nhìn ra chỗ khác. Tôi chọc vào cánh tay nó. “Không, ý mày là sao, Boris? Tao không thể kiếm hộ ổng? Mày đang nói cái gì vậy?” Tôi hỏi khi không thấy nó đáp lời.

    “Không có gì,” nó nói vội, rồi ngồi trở lại ghế, và tôi không có cơ hội nói tiếp vì ngay sau đó cô SpirsetskayaVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link đã vào lớp, liến thoắng nói về cuốn Silas Marner nhàm chán, và chỉ có thế.


    xii.
    TỐI HÔM ĐÓ, BỐ TÔI về nhà sớm với một túi đồ ăn còn thừa từ cửa hàng đồ Tàu ưa thích, còn mua thêm một phần bánh bao cay mà tôi thích – và ông có tâm trạng vui vẻ đến mức tôi tưởng rằng chuyện rắc rối với Ngài Silver tối hôm trước chỉ là tôi mơ thấy.

    “Vậy…” tôi nói, và dừng lại. Xandra đã ăn xong suất chả nem của mình và đang rửa chén đĩa nhưng có quá nhiều thứ tôi thấy không thoải mái khi nói trước mặt cổ.

    Ông nở nụ cười của những ông bố cao cả ra với tôi, nụ cười đôi khi khiến các nữ tiếp viên hàng không sẵn sàng đưa ông lên khoang hạng nhất ngồi.

    “Sao?” ông hỏi, tay đẩy hộp tôm Szechuan sang một bên để với lấy một cái bánh quy may mắn.

    “Ừm…” Xandra mở nước chảy lớn tiếng hơn… “Bố đã giải quyết xong xuôi mọi việc chưa?”

    “Cái gì,” ông nói nhẹ tênh, “ý con là với Bobo Silver à?”

    “Bobo?”

    “Nghe này con, bố hi vọng con không bận tâm đến chuyện đó. Con không bận tâm mà, đúng không?”

    “Thì…”

    “Bobo…” ông cười… “họ gọi ông ta là ‘Người Đàn Ông.’ Ổng thực ra rất tốt – thì, con đã nói chuyện với ông ta rồi – bọn bố chỉ có chút hiểu lầm, vậy thôi.”

    “Năm điểm nghĩa là gì hả bố?”

    “Nghe này, chỉ là nhầm lẫn thôi. Ý bố là,” ông nói tiếp, “những người này là những tính cách khác nhau. Họ có ngôn ngữ riêng và cách họ giải quyết vấn đề cũng khác nhau. Nhưng, này con…” ông cười lớn… “chuyện này hay này – khi bố gặp ông ta ở nhà Caesar, là nơi Bobo gọi là ‘văn phòng’ của ổng, con biết mà, bể bơi nhà Caesar – dù sao thì, khi bố gặp ông ta, con biết ổng cứ nói đi nói lại câu gì không? ‘Anh có thằng con được đó, Larry.’ ‘Quý ông thực thụ.’ Bố muốn nói là, bố không biết con đã nói gì với ông ấy, nhưng thực sự bố đã nợ con một lần.”

    “Huh,” tôi nói bằng giọng trung lập, rồi tự lấy thêm cơm cho mình. Nhưng bên trong thì tôi đã ngà ngà say với lời tâng bốc của bố tôi – chính là sự phấn khởi tôi cảm thấy hồi còn nhỏ, khi sự im lặng u tối được phá vỡ, khi bước chân của ông đã nhẹ nhàng trở lại và khi bạn nghe thấy tiếng cười của ông, tiếng ông khúc khích khi nhìn vào gương trong lúc cạo râu.

    Bố tôi bẻ chiếc bánh may mắn làm đôi, và cười. “Con nhìn này,” bố tôi nói, kéo mảnh giấy ra và ném qua cho tôi. “Bố luôn tự hỏi ai là người ngồi ở phố Tàu và nghĩ ra những thứ này nhỉ?”

    Tôi đọc thành tiếp: “ ‘Vận mệnh của bạn là một thứ máy móc bất thường, hãy làm việc cẩn thận!’”

    “Máy móc bất thường?” Xandra nói khi chạy tới từ phía sau và ôm cổ bố tôi. “Nghe có vẻ bậy bạ thật.”

    “Ah…” bố tôi quay ra sau để hôn cổ. “Đúng là đầu óc đen tối mà. Đã thành điều hiển nhiên rồi đấy.”

    “Tất nhiên.”


    xiii.

    “LẦN ĐÓ TAO ĐÃ cho mày cặp môi sưng vù,” Boris nói, nó rõ ràng đã cảm thấy hối hận về chuyện với Kotku vì tự dưng nhắc lại chuyện cũ tận đẩu tận đâu trong khi hai chúng tôi đang trong bầu không khí im lặng đầy thân thiện trên xe buýt.

    “Đúng, và tao đã phang đầu mày vào bức tường.”

    “Tao đâu có cố ý!”

    “Không cố ý làm gì?”

    “Không cố ý đập mày một phát vào mồm!”

    “Còn với cổ là mày cố ý?”

    “Theo một cách nào đó thì đúng,” nó nói lảng tránh.

    “Theo một cách nào đó.”

    Boris tỏ ra bực bội. “Tao đã nói với nàng là tao xin lỗi rồi! Bọn tao bây giờ hoàn toàn vui vẻ, không vấn đề gì nữa! Còn nữa, mày thì liên quan quái gì đến chuyện này?”

    Mày là người khơi chuyện, không phải tao.”

    Nó nhìn tôi kì lạ và có vẻ lạc khỏi chủ đề hiện tại, rồi cười. “Tao nói với mày chuyện này được không?”

    “Sao?”

    Nó ghé đầu lại gần tôi. “Tối qua Kotku và tao đã lột đồ,” nó thì thầm. “Còn chơi acidVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link cùng nhau nữa. Tuyệt lắm.”

    “Thật hả? Mày lấy nó ở đâu ra thế?” Thuốc lắc thì ở trường cũng kiếm ra – Boris và tôi đã dùng cả tá lần rồi, những đêm im lặng đầy ma thuật, khi chúng tôi cùng đi bộ ra khu sa mạc trong tình trạng nửa mê sảng, trên đầu là vô số vì sao – nhưng chưa ai từng có acid cả.

    Boris gãi mũi. “À ừ. Mẹ của nàng biết một gã đáng sợ tên Jimmy làm việc ở tiệm buôn súng. Ổng cho bọn tao năm viên – chả hiểu sao tao lại mua năm viên nữa. Đáng ra nên mua sáu viên. Dù sao thì tao vẫn còn một ít. Chúa ơi ảo diệu lắm.”

    “Thế à?” Giờ khi nhìn nó gần hơn, tôi mới nhận ra đồng tử trong mắt nó đang giãn rộng và trông thật khác. “Mày vẫn phê đấy à?”

    “Có lẽ là một chút thôi. Hình như tao ngủ có hai tiếng. Dù sao thì bọn tao đã thực sự làm hòa. Giống như là – ngay cả những bông hoa trên đầu giường của mẹ nàng cũng trở nên đáng yêu. Và bọn tao cũng được làm từ cùng một chất liệu với những bông hoa đó, và bọn tao nhận ra đã yêu đối phương nhiều thế nào, và luôn cần nhau dù cho có chuyện gì xảy ra đi nữa, và mọi rắc rối vừa qua đều bắt nguồn từ tình yêu cả.”

    “Wow,” tôi nói bằng cái giọng phát ra nghe chán đời hơn tôi nghĩ, nhìn cái cách Boris nhăn trán khi nghe là đủ biết.

    “Ừm?” tôi nói, khi nó vẫn nhìn chằm chằm. “Sao thế?”

    Nó chớp chớp mắt rồi lắc đầu. “Không, tao chỉ có thể nhìn thấy nó thôi. Một màn sương buồn bã ủ dột, đại loại thế, đang vơ vẩn trên đầu mày. Cứ như mày là một quân nhân ấy, một con người từ lịch sử, có lẽ là đang bước đi trên chiến trường với sâu thẳm bao nhiêu là cảm xúc…”

    “Boris, mày hoàn toàn là đang phê đấy.”

    “Không hẳn,” nó nói mơ màng. “. “Kiểu như lúc tỉnh lúc mơ ấy. Nhưng tao vẫn thấy tia sáng tỏa ra từ mọi thứ nếu tao đặt mắt nhìn đúng góc độ.”



    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Súng lục, lề đường hoặc mái nhà.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Cách Boris gọi cô Spears (người dịch chú thích)

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tên gọi tắt của thuốc LSD (Lysergic Acid Diethylamide) – một loại thuốc kích thích gây ảo giác.
     
    dongtrang, Breeze and tamchec like this.
  18. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    xiv.

    KHOẢNG MỘT TUẦN TIẾP THEO đã trôi qua, không có sự vụ gì, dù cho là với bố tôi hay với chuyện của cặp Boris-Kotku – đủ thời gian để tôi thấy an toàn và có thể mang bức tranh về nhà được. Tôi chợt thấy, khi lấy nó ra khỏi tủ đồ, rằng nó cồng kềnh (và nặng) một cách bất thường, và khi tôi mang nó lên trên phòng, lấy ra khỏi vỏ gối thì tôi mới biết tại sao lại như vậy. Rõ ràng tôi đã ở trong tình trạng đầu óc hỗn loạn khi gói và dính nó: bao nhiêu lớp giấy báo, bọc lại bằng cả cuộn băng dính to bằng sợi cotton chắc chắn, có vẻ như là bằng chứng đáng tin cậy cho tình trạng hốt hoảng kèm phê thuốc của tôi, nhưng khi ở trong phòng, dưới ánh sáng nhàn nhạt của buổi chiều tà, trông nó như được đóng gói bởi một kẻ điên và/hoặc vô gia cư – trông gần giống với xác ướp: quá nhiều băng dính làm nó chẳng còn vuông góc nữa; mấy góc tranh giờ thành tròn hết. Tôi lấy cái dao sắc nhất có thể tìm được ở dưới bếp và cái cưa ở góc nhà – lúc đầu tôi làm rất thận trọng vì lo rằng cái dao sẽ trượt và hủy hoại cả bức tranh – rồi dần dần mạnh tay hơn. Nhưng khi tôi còn chưa chọc thủng lớp bọc dày 3 inch và tay tôi bắt đầu mỏi thì tôi chợt nghe tiếng Xandra ở dưới nhà, và tôi cho nó lại vào vỏ gối và gắn nó vào phía sau đầu giường cho tới khi chắc chắn rằng họ đang chuẩn bị ra ngoài một lúc.

    Boris đã hứa là bọn tôi sẽ chơi nốt hai viên acid còn lại ngay khi đầu óc nó trở lại bình thường, là chính nó nói vậy; nó thú nhận là vẫn thấy lâng lâng, rồi còn trông thấy những ký hiệu nhảy múa ngay trên mặt bàn có những đường vân gỗ giả, và ở một vài lần đầu tiên hút cỏ thì nó sẽ bắt đầu tự cởi hết quần áo.

    “Nghe căng thẳng ghê,” tôi nói.

    “Không, hay mà. Tao có thể ngưng làm vậy nếu muốn. Tao nghĩ là chúng ta sẽ thực hiện vụ này ở chỗ sân chơi,” nó nói thêm. “Vào kỳ nghĩ lễ Tạ Ơn chẳng hạn.” Cái sân chơi bỏ hoang là nơi chúng tôi thường đến để chơi thuốc lắc nhưng lần đầu tiên thì lại diễn ra ở nhà vào đúng cái lúc cô Xandra gõ cửa phòng tôi nhờ giúp sửa cái máy giặt, một việc rõ ràng bọn tôi không biết làm, nhưng bốn mươi lăm phút phải đứng cùng với Xandra dưới phòng giặt, ngay đúng quãng phê nhất, đúng là đáng thất vọng.

    “Nó có mạnh hơn thuốc lắc nhiều không mày?”

    “Không - ừm, cũng có, nhưng tuyệt lắm, tin tao đi. Lúc đó tao thực sự muốn cùng với Kotku lao ra ngoài tận hưởng không khí ngoại trừ việc chỗ đó quá là gần đường cao tốc, rồi đèn đường, rồi xe ô tô nữa – có gì cứ cuối tuần này nhé?”

    Vậy là cũng có gì đó để mong chờ. Nhưng ngay khi tôi bắt đầu cảm thấy hứng khởi và thậm chí là có lại hi vọng về mọi thứ - kênh ESPNVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link đã không được bật những một tuần rồi, một con số kỉ lục – thì tôi chợt bắt gặp bố tôi đang đợi ở nhà khi tôi đi từ trường về.

    “Bố có chuyện muốn nói với con, Theo,” ông nói ngay khi tôi vừa bước chân vào nhà. “Con có rảnh rỗi không?”

    Tôi khựng lại. “Vâng, được, chắc chắn rồi.” Phòng khách trông cứ như vừa bị đột nhập – giấy tờ vương vãi khắp nơi, ngay cả cái gối trên bộ sofa cũng đặt lệch chỗ.

    Ông không đi qua đi lại nữa – ông đang di chuyển một cách cứng nhắc, như kiểu bị đau khớp đầu gối. “Con qua đây đi,” ông nói bằng giọng thân thiện. “Ngồi xuống đi.”

    Tôi ngồi xuống. Bố tôi thở ra; ông ngồi xuống đối diện với tôi và đưa tay lùa qua tóc.

    “Người luật sư,” ông nói, người vươn ra phía trước với hai tay chắp lại kẹp giữa đầu gối và nhìn thẳng vào mắt tôi không giấu giếm.

    Tôi đang chờ đợi.

    “Người luật sư của mẹ con. Ý bố là – bố biết thế này hơi gấp, nhưng bố thực sự cần con nói điện thoại với ông ta hộ bố.”

    Đang có gió; bên ngoài, cát đang thổi đập vào cửa kính và chiếc ô lớn thì đang bay phần phần như một lá cờ. “Cái gì ạ?” tôi hỏi, sau một hồi ngờ vực. Mẹ tôi đã nói về chuyện đi gặp luật sư sau khi bố tôi bỏ đi – về vụ li hôn, tôi nghĩ vậy – còn kết quả ra sao thì tôi không hay biết.

    “Ừm…” Bố tôi hít một hơi thật sâu; ông nhìn lên trần nhà. “Chuyện là thế này. Bố đoán là con cũng nhận ra rằng dạo gần đây bố không chơi cá cược nữa đúng không? Thì,” ông nói, “bố muốn từ bỏ nó. Khi bố còn ăn nên làm ra, cứ cho là vậy. Không phải là…” ông ngừng lại, và dường như đang suy nghĩ… “Ý bố là, nếu nói thật thì bố đã làm ăn khá tốt từ trò này bằng cách làm việc cả ở nhà và luôn tuân theo kỉ luật. Bố đã tính toán. Bố không cá cược bừa bãi. Và, như bố đã nói, bố đã ăn nên làm ra. Mấy tháng qua bố đã kiếm được không ít. Chỉ là…”

    “Đúng,” tôi nói giọng nghi hoặc giữa bầu không khí im lặng và tự hỏi bố tôi đang muốn nói gì.

    “Ý bố là, sao lại phải chơi đùa với số phận làm gì? Vì…” ông đặt tay lên trái tim trong ngực… “Bố một kẻ nghiện rượu. Bố là người đầu tiên tự thừa nhận điều đó. Bố không thểuống bất cứ cái gì. Một chén là quá nhiều và một ngàn chén là không đủ. Bỏ rượu là điều tuyệt nhất bố từng làm. Và ý bố là, với việc cờ bạc, thậm chí là bố có nghiện đi chăng nữa, thì nó cũng là một vấn đề khác, rõ ràng là bố đã có vài cú thua đậm nhưng bố không giống với nhiều người, bố không biết nữa, họ dấn quá sâu đến mức làm tiêu tan tài sản và việc kinh doanh gia đình. Nhưng…” ông cười… “nếu con không muốn phải cắt tóc thì tốt nhất là đừng có bén mảng gần tiệm cắt tóc nữa đúng không?”

    “Vậy nên?” tôi nói thận trọng, sau khi chờ bố tôi nói tiếp.

    “Vậy nên…phù.” Bố tôi lùa cả hai bàn tay qua mái tóc; ông vẫn trông như chàng trai trẻ, hay mụ mị, hay hoài nghi. “Vấn đề là thế này. Bố thực sự muốn làm nên một vài sự thay đổi lớn ngay lúc này. Vì bố đang có cơ hội đặt nền móng trong một ngành kinh doanh lớn. Một người bạn của bố sở hữu một nhà hàng. Và, ý bố là, bố nghĩ nó sẽ là một sự kiện thực sự tuyệt vời cho tất cả chúng ta – là ngàn năm có một mới đúng. Con hiểu không? Xandra thì đang gặp khó khăn ở chỗ làm vì sếp của cô ấy là một tên khốn và, bố không biết nữa, bố chỉ nghĩ rằng việc này sẽ mang nhiều ý nghĩa.”

    Bố tôi? Một nhà hàng? “Wow – tuyệt đó bố ạ,” tôi nói. “Wow.”

    “Ừ.” Bố tôi gật đầu. “Nó thực sự rất tuyệt. Tuy vậy, vấn đề là, để mở được một chỗ như thế…”

    “Nhà hàng kiểu gì hả bố?”

    Bố tôi ngáp và dụi đôi mắt đỏ của ông. “Ồ, con biết mà – chỉ kiểu đồ ăn Mỹ đơn giản thôi. Bít tết, hamburger và mấy thứ khác nữa. Rất đơn giản và được chuẩn bị kĩ càng. Tuy nhiên, vấn đề là, để bạn bố mở được chỗ đó và trả thuế nhà hàng…”

    “Thuế nhà hàng?”

    “Ôi Chúa ơi, đúng thế, con sẽ không thể tin nổi mấy loại phí mà họ thu đâu. Con phải trả thuế nhà hàng, thuế dinh doanh rượu, bao hiểm pháp lý – phải tốn cả núi tiền vào chỗ đó thì nó mới hoạt động được.”

    “Ừm.” Tôi bắt đầu thấy ông đang muốn nói gì. “Nếu bố cần số tiền trong tài khoản tiết kiệm của con…”

    Bố tôi sửng sốt. “Cái gì?”

    “Bố biết đấy. Tài khoản bố đã tạo cho con. Nếu bố cần tiền thì cũng không sao đâu.”

    “À ừ.” Bố tôi im lặng trong chốc lát. “Cám ơn con. Bố rất biết ơn, anh bạn nhỏ. Nhưng thật ra…” ông đã đứng lên, và đang đi lại quanh đó… “vấn đề là, thực ra bố đã tìm được một cách khá khôn ngoan để chúng ta có thể thực hiện được điều đó. Chỉ là giải pháp ngắn hạn thôi, để dựng nhà hàng lên và cho nó hoạt động, con biết đấy. Chỉ vài tuần là sẽ hoàn vốn – ý bố là, một nơi thế này, vị trí thuận lợi và mọi thứ khác, cứ như chúng ta có giấy phép để in tiền thoải mái đó con. Ta chỉ mất chi phí lúc đầu thôi. Cái thành phố này lúc nào cũng thuế má với lại chi phí. Tức là…” ông cười, nửa hối lỗi, “con biết là nếu không thực sự cấp bách thì bố sẽ không yêu cầu điều này đâu…”

    “Gì ạ?” tôi hỏi sau một hồi bối rối.

    “Ý bố là, như bố đã nói đó, bố rất cần con gọi cuộc gọi này giúp bố. Số điện thoại đây.” Ông đã viết sẵn ra một tờ giấy cho tôi – tôi nhận ra, một số bắt đầu bằng 212. “Con cần gọi điện cho người đàn ông này và tự mình nói chuyện với ông ta. Tên ông ấy là Bracegirdle.”

    Tôi nhìn vào tờ giấy, và rồi nhìn đến bố tôi. “Con không hiểu.”

    “Con không cần phải hiểu. Chỉ cần nói những gì bố bảo là được.”

    “Chuyện này thì liên quan gì đến con?”

    “Nghe này, con cứ làm đi. Nói cho ông ấy con là ai, con cần nói chuyện, chuyện làm ăn, blah blah blah…”

    “Nhưng mà…” Người này là ai? “Bố muốn con nói gì?”

    Bố tôi hít một hơi sâu; ông đang cố kiềm chế biểu cảm trên gương mặt mình, việc mà ông làm khá tốt.

    “Ông ta là luật sư,” bố tôi nói khi thở ra. “Luật sư của mẹ con. Ông ta cần sắp xếp để chuyển số tiền này …” mắt tôi bắt gặp con số mà ông đang chỉ tới, 65000 đô la… “vào tài khoản này” (ngón tay di xuống một dòng các con số phía dưới). “Nói với ổng là bố đã quyết định cho con đi học trường tư thục. Ổng sẽ ghi tên và số Chứng minh nhân dân của con. Thế thôi.”

    “Trường tư thục?” tôi nói, giọng mất thăng bằng.

    “Ừm, con thấy đấy, vì thuế nên phải nói vậy.”

    “Con không muốn đi học ở trường tư.”

    “Chờ đã – nghe bố nói đã nào. Miễn là số tiền này được dùng để lo cho con theo nghĩa đen, thì chúng ta sẽ không gặp vấn đề chi hết. Và cái nhà hàng thì phục vụ lợi ích của tất cả chúng ta, thấy không. Có lẽ suy cho cùng thì cũng là vì con cả. Và ý bố là, bố có thể hoàn toàn tự gọi điện, chỉ là nếu chúng ta xoay sở đúng cách thì có thể tiết kiệm được khoảng ba mươi ngàn đô đáng lẽ phải nộp cho chính phủ. Quỷ thần ơi, bố sẽ cho con theo học trường tư nếu con muốn. Trường nội trú. Với số tiền đó thì con tới Andover học cũng được. Bố chỉ không muốn một nửa số tiền đó đi vào Cục Thuế vụ, con hiểu không? Hơn nữa – nếu cứ theo cách này, trước khi con đi học đại học thì con sẽ mất cả núi tiền, vì có số tiền đó đồng nghĩa với việc con sẽ không được xét học bổng. Nhân viên phòng tài chính của trường đại học sẽ nhìn ngay tới tài khoản đó và xếp con vào một nhóm thu nhập khác và lấy đi 75 phần trăm vào năm học đầu tiên, thế là hết. Còn theo cách này, ít nhất con vẫn được hưởng lợi ích đầy đủ từ việc sử dụng nó? Ngay lúc này. Ngay khi nó còn đang có ích.”

    “Nhưng mà…”

    Nhưng mà…” giọng nam cao, lưỡi cong lên, ánh nhìn trêu chọc. “Ôi, thôi nào, Theo,” ông nói bằng giọng thường ngày, khi thấy tôi tiếp tục nhìn thẳng vào ông. “Thề có Chúa, bố không có nhiều thời gian cho việc này đâu. Bố cần con gọi cuộc gọi này càng nhanh càng tốt, trước khi văn phòng phía Tây đóng cửa. Nếu con phải kí giấy tờ gì thì cứ bảo ông ta gửi chuyển phát nhanh qua FedEx. Hoặc fax cũng được. Chúng ta chỉ cần làm xong cái này càng sớm càng tốt, được chứ?”

    “Nhưng tại sao con cần làm việc này?”

    Bố tôi thở dài; hai con ngươi đảo qua một lượt. “Nhìn này, đừng làm thế với bố, Theo,” ông nói. “Bố biết là con biết về khoản nợ đó vì bố thấy con kiểm tra hòm thư – đúng thế,” ông nói át cả sự phân bua của tôi, “con có biết, vì mỗi ngày con lượn qua lượn lại chỗ hòm thư khốn nạn đó cả tỉ lần.”

    Tôi sửng sốt đến nỗi không biết trả lời thế nào. “Nhưng…” tôi liếc nhìn xuống tờ giấy và con số đó lại nhảy xổ ra: 65000 đô la.

    Không hề cảnh báo trước, bố tôi lao tới và tát tôi thẳng vào mặt, mạnh và nhanh đến mức tôi còn chưa kịp nhận biết chuyện gì đang xảy ra nữa. Rồi gần như trước cả khi tôi kịp chớp mắt thì ông lại phang tôi một cú bằng nắm đấm, viết theo kiểu truyện tranh sẽ là bốp, mọi thứ sáng lóa như có ánh đèn flash từ máy ảnh, lần này ông dùng nắm đấm. Khi tôi còn loạng quạng – đầu gối tôi đã rã rời, mọi thứ trắng xóa – ông đã nắm lấy cổ họng tôi mà xốc mạnh lên và khiến tôi phải đứng trên đầu ngóc chân mà hớp từng hớp không khí.

    “Nhìn đây.” Ông đang hét vào mặt tôi – mũi ông chỉ cách tôi hai inch – nhưng Popper đang nhảy chồm chồm và sủa inh ỏi như điên, còn tiếng ong ong trong tai tôi thì ngày một chói lói như thể bố tôi đang hét trên nền sóng rè của radio. “Mày sẽ gọi cho gã này…” ông táp tờ giấy vào mặt tôi… “và nói những gì tao bảo. Đừng làm mọi chuyện khó khăn hơn mức cần thiết vì tao sẽ bắt mày phải làm, Theo, tao không nói đùa, tao sẽ bẻ gãy tay mày, tao sẽ đập mày một trận tanh bành nếu mày không gọi điện thoại ngay bây giờ. Được không? Được không?” ông lặp lại trong bầu không khí đầy những tiếng vo ve. Hơi thở toàn mùi thuốc lá của ông ta dội vào mặt tôi chua loét. Ông đã thả cổ họng tôi ra; ông bước lùi lại. “Mày nghe thấy gì rồi chứ? Nói gì đi.”

    Tôi quẹt cánh tay qua mặt. Nước mắt đang chảy đầm đìa xuống má nhưng đều là tự động, giống như nước máy, chẳng có tí cảm xúc nào trong đó cả.

    Bố tôi nhắm chặt hai mắt, và rồi mở ra; ông lắc đầu. “Nghe này,” ông nói bằng giọng quả quyết. “Bố xin lỗi.” Ông không có vẻ gì là hối lỗi, tôi chợt nhận ra khi đầu óc tôi còn sót lại chút tỉnh táo; giọng ông nghe như thể vẫn muốn đập tôi nhừ tử. “Nhưng mà, bố thề, Theo à. Về chuyện này con cứ tin bố. Con phải làm việc này cho bố.”

    Mọi thứ như mờ đi, và tôi đưa cả hai tay lên để chỉnh cặp kính cho thẳng lại. Hơi thở của tôi lớn đến mức nó trở thành tiếng động duy nhất trong căn phòng.

    Bố tôi, hai tay chống hông, ngửa mắt lên phía trần nhà. “Ôi, thôi nào,” ông nói. “Hãy thôi đi.”

    Tôi không nói gì. Chúng tôi cứ đứng như vậy khá lâu. Popper đã thôi sủa và đang nhìn chúng tôi một lượt như cố tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra..

    “Chỉ là… con biết mà?” Giờ thì ông lại bình tĩnh như cũ. “Bố xin lỗi, Theo, bố thề là bố rất hối hận, nhưng thực sự là bố cùng đường rồi. chúng ta cần số tiền này ngay bây giờ, ngay phút giây này, chúng ta thực sự rất cần.”

    Ông đang cố nhìn thẳng vào mắt tôi; ánh nhin của ông chân thật, khôn ngoan. “Người đàn ông này là ai?” tôi nói, mắt không nhìn vào ông mà nhìn vào bức tường phía sau kia, giọng tôi không biết vì lí do gì đã trở nên thô ráp và xa lạ.

    “Luật sư của mẹ con. Bố phải nói với con bao nhiêu lần đây?” Ông đang xoa bóp chỗ đốt ngón tay như thể nó bị đau sau khi tát vào mặt tôi. “Thấy không, vấn đề là, Theo…” một tiếng thở dài nữa… “ý bố là, bố rất xin lỗi, nhưng, bố thề, nếu mọi chuyện không quá quan trọng thì bố sẽ không nổi khùng vậy đâu. Vì bố thực sự, thực sự đang rất khó khăn. Việc này chỉ là tạm thời thôi, con hiểu mà – chỉ tới khi công việc làm ăn đi lên là xong. Vì mọi thứ có thể sụp đổ, như thế này…” ông búng ngón tay… “trừ khi bố bắt đầu trả hết cho một số chủ nợ. Và khoản tiền còn lại – bố sẽ dùng để cho con được học ở một ngôi trường tốt hơn. Trường tư chẳng hạn. Con thích thế đúng không?”

    Trong lúc say sưa đọc bài rap của mình thì ông cũng đã quay số điện thoại. Ông đưa điện thoại cho tôi và – trước khi có ai kịp trả lời – ông đã tiến tới góc phòng nhấc máy phụ lên nghe.

    “Xin chào,” tôi nói với người phụ nữ vừa trả lời điện thoại, “um, xin lỗi,” giọng tôi bấp bênh và run run, tôi vẫn không tin nổi là chuyện này đang xảy ra. “Cháu có thẻ nói chuyện với ông, ờ…”

    Bố tôi chỉ thẳng tay vào tờ giấy: Bracegirdle.

    “Ông, ờ, Bracegirdle,” tôi nói lớn.

    “Và ai đang ở đầu dây đó ạ?” Cả giọng của tôi, lẫn giọng cô ấy, đều to ầm ầm vì bố tôi đang nghe ở đường dây máy phụ.

    “Theodore Decker ạ.”

    “Ồ, đúng rồi,” một giọng đàn ông cất lên ở đầu dây. “Chào cháu! Theodore! Cháu khỏe không?”

    “Cháu ổn.”

    “Giọng cháu nghe như đang bị cảm cúm. Nói ta biết. Cháu đang bị cảm chút xíu hả?”

    “À, vâng ạ,” tôi nói giọng nghi hoặc. Bố tôi ở góc bên kia phòng đang nói thầm từ Viêm thanh quản.

    “Thật tiếc quá,” giọng nói vang vang lại cất lên – to đến mức tôi phải giữ máy cách xa tai mình một chút. “Ta chả bao giờ nghĩ người ta lại bị cảm trong thời tiết nắng đẹp, như ở nơi cháu đang sống vậy. Dù sao thì, ta rất mừng khi cháu gọi – ta không có cơ hội liên lạc trực tiếp với cháu. Ta biết mọi chuyện vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng ta hi vọng là mọi thứ sẽ tốt hơn lần trước ta gặp mặt cháu.”

    Tôi nín thinh. Tôi đã gặp người này sao?

    “Đó đúng là khoảng thời gian tồi tệ,” Ông Bracegirdle đã giải thích sự im lặng của tôi một cách chính xác.

    Chất giọng êm mượt như nhung đánh động trong tôi nhiều xúc cảm. “Wow,” tôi nói.

    “Cơn bão tuyết, cháu nhớ không?”

    “Đúng rồi.” Ông xuất hiện khoảng một tuần sau khi mẹ tôi qua đời: một người đàn ông đã già với mái đầu toàn những là tóc trắng – ăn mặc trang nhã, áo sơ mi kẻ sọc, có cài nơ. Ông và bà Barbour dường như có quen biết, hoặc dù sao thì ông có biết bà ấy. Lúc đó ông ngồi chéo góc với tôi trong chiếc ghế bành gần bộ sofa và nói rất nhiều, toàn những chuyện khó hiểu, mặc dù vậy thì điều duy nhất còn đọng lại trong tâm trí tôi là câu chuyện ông quen biết mẹ tôi như thế nào: trận bão tuyết khủng khiếp, không thấy bóng dáng cái taxi nào – khi – theo sau một lớp tuyết bắn lên tung tóe là một chiếc taxi đã có khách trên xe đang đi gần tới góc đường giao giữa Đại lộ Tám mươi Tư và Đại lộ Park. Cửa sổ xe kéo xuống – mẹ tôi (“một gương mặt xinh đẹp!”) đã cùng đi tới tận phía đông Đại lộ Năm mươi Bảy, có phải ông kể thế không nhỉ?

    “Mẹ cháu vẫn kể vể cơn bão đó,” tôi nói. Bố tôi – kề điện thoại vào tai – đang liếc nhìn tôi sắc lẹm. “Khi lần đó cả thành phố bị cắt điện.”

    Ông cười lớn. “Thật là một quý cô đáng mến! Ta vừa mới rời khỏi một cuộc họp kết thúc muộn – người ủy thác lớn tuổi sống ở khu Đại lộ Park giao với Đại lộ Chín mươi Hai, chuyển đổi nữ thừa kế, giờ thì đã qua đời rồi, lạy Chúa. Dù sao thì, ta đang đi xuống, từ văn phòng xuống phố - tất nhiên là còn cầm theo cả đống tài liệu kiện tụng nữa – và tuyết đã rơi một footVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link rồi. Thật hoàn hảo. Bọn trẻ thì đang chơi trò kéo xe tới lui trên Đại lộ Park. Dù sao thì, tàu cũng không chạy tới tận Đại lộ Bảy mươi Hai và ta đứng đó, chân dính chặt vào tuyết nhưng vẫn phải lê bước, khi mà, oops! Xuất hiện một chiếc taxi màu vàng và mẹ cháu đang ngồi trong đó! Nó lạo xạo phanh gấp lại. Cứ như cô ấy được một đội tìm kiếm cử tới vậy. ‘Chú vào đi, cháu cho chú đi nhờ luôn.’ Giữa phố xá lạnh lẽo này… những bông tuyết vẫn cứ xoáy tít và mọi ngọn đèn trong thành phố đã được bật lên. Và hai người bọn ta ở đó, lầm lũi đi với vận tốc hai dặm một giờ - cứ như đang ngồi trong xe kéo ấy – đi qua tất cả đèn đỏ, không dừng ở điểm nào. Ta vẫn còn nhớ bọn ta đã nói về Fairfield Porter – ông mới tổ chức show ở New York – và rồi chuyển sang Frank O’Hara và Lana Turner và không biết tới năm nào thì họ mới thực sự đóng cửa chuỗi cửa hàng thức ăn Horn and Hardart, cả cái máy bán đồ ăn tự động nữa. Và rồi, ta phát hiện ra là ta làm việc ở ngay đối diện bên kia đường với công ty cô ấy! Đúng là khởi đầu của một tình bạn đẹp, như người ta vẫn nói.”

    Tôi liếc qua nhìn bố tôi. Ông thể hiện một vẻ mặt tức cười, đôi môi mím chặt lại như thể ông sắp nôn hết ra thảm trải sàn.

    “Hồi đó ta có nói một chút về tài sản mẹ cháu sở hữu, nếu cháu còn nhớ,” giọng nói ở đầu dây nói tiếp. “Không đề cập nhiều lắm. Lúc đó không phải thời điểm phù hợp. Nhưng ta cũng hi vọng cháu sẽ đến gặp ta khi cháu sẵn sàng nói về vấn đề đó. Nếu ta biết cháu chuyển đi thì ta hẳn đã gọi điện cho cháu trước khi cháu đi rồi.”

    Tôi nhìn qua bố mình; tôi nhìn tờ giấy trong tay. “Cháu muốn đi học ở trường tư,” tôi buột miệng.

    “Thật à?” ông Bracegirdle nói, “Ta nghĩ đó cũng là một ý kiến hay đó. Cháu đã nghĩ là sẽ học ở đâu chưa? Quay lại phía đông? Hay một nơi nào ở chỗ cháu đang ở?”

    Chúng tôi chưa nghĩ tới chuyện này. Tôi quay qua nhìn bố.

    “Ừm,” tôi nói, “ừm,” trong khi ông cau mày nhìn tôi và khua tay loạn xạ.

    “Cũng có vài trường nội trú ở phía tây rất tốt, mặc dù ta không biết nhiều lắm,” ông Bracegirdle đang nói. “Ta đã học ở trường Milton, một trải nghiệm tuyệt diệu. Và đứa con trai cả của ta cũng học ở đó, cũng được một năm, mặc dù đó không phải là nơi thích hợp với nó…”

    Khi ông tiếp tục câu chuyện – từ Milton, tới Kent, rồi tới vô số trường nội trú khác mà con em bạn bè và họ hàng đã theo học – bố tôi liền viết nghuệch ngoạc lên một mẩu giấy; ông ném nó qua tôi. Chuyển tiền cho cháu, nó viết vậy. Ứng trước.

    “Ừm,” tôi nói, không biết làm cách nào để đặt vấn đề, “mẹ cháu có để lại cho cháu ít tiền đúng không?”

    “Ừm, cũng không hẳn,” ông Bracegirdle nói, dường như có vẻ cụt hứng khi nghe thấy câu hỏi, hoặc có thể do sự ngắt lời không đúng lúc của tôi. “Về sau cô ấy có gặp một vài rắc rối về tài chính, và ta chắc là cháu cũng biết rõ. Nhưng cháu còn một tài khoản 529Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Và mẹ cháu cũng lập một tài khoản UTMAVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link nho nhỏ cho cháu ngay trước ngày cô ấy mất.”

    “Đó là gì vậy ạ?” Bố tôi – mắt dán vào tôi – đang lắng nghe chăm chú.

    “Tài khoản chuyển giao thừa kế cho người chưa đủ tuổi vị thành niên. Nó sẽ được dùng cho việc học hành của cháu. Nhưng nó không được phép dùng cho bất kỳ việc nào khác – mà dù sao cháu cũng chưa đủ tuổi vị thành niên.”

    “Tại sao lại không được ạ?” tôi nói sau khi tạm dừng, vì dường như ông nhấn quá mạnh vào vế cuối câu.

    “Vì đó là luật,” ông nói cụt lủn. “Nhưng chắc chắn sẽ có cách khác nếu cháu muốn đi học một trường ở xa. Ta có một khách hàng dùng một phần tài khoản 529 của người con trai lớn để đưa người con nhỏ nhất đi học một trường mẫu giáo có chất lượng. Không phải ta cho rằng hai mươi ngàn đô như vậy là một khoản chi khôn ngoan – ngay cả giá bút chì màu ở đó cũng đắt nhất Manhattan, chắc chắn đấy – ! Nhưng đúng, vậy là cháu đã hiểu cách thức vận hành rồi đấy.”

    Tôi quay qua nhìn bố tôi. “Vậy là không có cách nào để ông có thể, nói thế nào nhỉ, chuyển cho cháu sáu lăm ngàn đô,” tôi nói. “Nếu cháu cần nó ngay lúc này.”

    “Không! Chắc chắn là không được! Cháu bỏ ý nghĩ đó đi.” Cách nói của ông đã thay đổi – rõ ràng ông đã thay đổi cách nhìn nhận về tôi, không còn là con trai của mẹ tôi và là Một Đứa Trẻ Ngoan nữa mà là một thằng tham lam trục lợi. “Nhân tiện, ta có thể hỏi cháu làm sao mà cháu nghĩ ra một con số cụ thể như vậy không?”

    “Ơ…” tôi liếc bố, người đang lấy tay che mắt. Khốn nạn, tôi nghĩ, và rồi nhận ra tôi đã nói từ đó thành tiếng.

    “Vậy thì, không sao,” ông Bracegirdle nói mượt mà. “Nó đơn giản là không thể.”

    “Không thể nào sao?”

    “Không thể, không có cách nào hết.”

    “Vâng ạ, được rồi…” tôi vắt óc nghĩ, nhưng đầu tôi đang rẽ theo hai hướng cùng một lúc. “Vậy ông có thể gửi cho cháu một phần được không? Như một nửa chẳng hạn?”

    “Không. Số tiền đó sẽ được sắp xếp để thanh toán trực tiếp với trường đại học hoặc trường trung học mà cháu chọn đăng ký. Nói cách khác, ta sẽ cần tận mắt nhìn thấy hóa đơn, và rồi trả hóa đơn. Sẽ có rất nhiều giấy tờ khác nữa. Và trong trường hợp cháu quyết định không học đại học…”

    Trong khi ông tiếp tục nói, một cách khó hiểu, về vô vàn những luồng tiền ra tiền vào của cái quỹ mà mẹ đã lập cho tôi (tất cả đều rất nghiêm ngặt, nhất là khi liên quan đến chuyện bố tôi hoặc tôi có thể sờ tay vào tiền mặt) thì bố tôi, giơ điện thoại cách xa khỏi tai, đang biểu lộ một nét mặt có vẻ như vô cùng kinh hãi.

    “Ừm, vâng, biết những điều đó rất có ích, cám ơn ông ạ,” tôi nói, cô gắng kết thúc cuộc nói chuyện.

    “Tất nhiên nếu làm theo kiểu này sẽ có lợi về số thuế phải nộp. Nhưng điều mẹ cháu thực sự muốn là bảo đảm rằng bố cháu sẽ không bao giờ có thể chạm tay được vào số tiền ấy.”

    “Ơ?” tôi nói đầy hoang mang, trong sự im lặng dài quá đỗi sau đó. Có cái gì đó trong giọng nói của ông khiến tôi nghi là ông đã biết bố tôi nhiều khả năng chính là Thế Lực Bóng Tối đang ngồi ngay kia và thở thành tiếng (tôi nghe thấy – còn ông ấy nghe thấy không thì tôi không rõ) trên một đường dây điện thoại khác.

    “Còn có nhiều sự lựa chọn khác nữa. Ý ta là…” sự im lặng lịch sự… “Ta không biết là có nên nói với cháu điều này không, nhưng có một bên không được ủy quyền đã hai lần cố rút một khoản tiền lớn từ tài khoản của cháu.”

    “Cái gì cơ ạ?” tôi nói, sau một thoáng ngỡ ngàng.

    “Cháu thấy đấy,” ông Bracegirdle nói, giọng ông nghe xa xăm như thể tới từ đáy đại dương, “Ta là người bảo hộ cho tài khoản đó. Và khoảng hai tháng sau khi mẹ cháu qua đời, có ai đó đã đi vào ngân hàng ở Manhattan trong giờ làm việc và cố giả chữ kí của ta trên các loại giấy tờ. Ở chi nhánh chính của ngân hàng họ có biết ta, và họ gọi cho ta ngay lập tức, nhưng trong khi hai bên đang trao đổi thì người đó đã lén trốn ra cửa, trước khi bảo vệ kịp giữ lại và hỏi thông tin cá nhân. Ôi trời, đã gần hai năm trước rồi. Nhưng – mới tuần trước – cháu có nhận được lá thư ta viết về chuyện đó không?”

    “Dạ không,” tôi đáp, khi mà cuối cùng tôi cũng nhận ra là mình cần nói gì đó.

    “Thì, thôi ta không kể sâu nữa, nhưng đã có một cuộc điện thoại bất thường. Có người tự xưng là luật sư giám hộ của cháu ở ngoài đóVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, họ yêu cầu chuyển tiền. Và rồi – khi kiểm tra kĩ – bọn ta có phát hiện ra một ai đó đã biết được số Chứng minh nhân dân của cháu, rồi nộp đơn yêu cầu, và đã nhận được, một hạn mức tín dụngVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link dưới tên cháu. Cháu có tình cờ biết gì về chuyện đó không?

    “Vậy thì, đừng lo lắng,” ông tiếp tục, khi thấy tôi không nói gì. “Ta có một bản sao giấy khai sinh của cháu ở đây, và ta đã fax nó tới ngân hàng phát hành và đã hủy hạn mức tin dụng đó rồi. Và ta cũng đã cảnh báo Equifax cũng như nhiều tổ chức tín dụng khác. Mặc dù bây giờ cháu chưa đủ tuổi vị thành niên, và theo luật pháp là không thể tham gia những thỏa thuận kiểu đó, nhưng cháu có thể sẽ phải chịu trách nhiệm với bất cứ khoản nợ nào phát sinh dưới tên cháu một khi cháu đủ tuổi. Dù sao thì, ta muốn cháu phải cẩn thận với số Chứng minh nhân dân của mình trong tương lai. Cháu có thể xin cấp Chứng minh mới, về lý thuyết là vậy, mặc dù mấy thủ tục hành chính cũng đau đầu lắm…”

    Khi gác máy thì người tôi đã toát mồ hôi lạnh – và hoàn toàn không có chuẩn bị trước với màn gào thét bố tôi thể hiện. Tôi cứ nghĩ là ông giận – giận tôi – nhưng khi ông chỉ đứng đó với điện thoại vẫn còn trong tay, tôi quan sát ông kĩ hơn và nhận ra ông đang khóc.

    Thật là kinh khủng. Tôi không biết phải làm gì nữa. Ông kêu như thể bị đổ nước sôi khắp toàn thân – như thể ông vừa chuyển hóa thành chó sói – như là ông đang bị ai tra tấn vậy. Tôi để ông đứng đó và – Popchik nhanh chóng chạy trước tôi lên cầu thang; rõ ràng là nó cũng không muốn nghe âm thanh gào thét này chút nào – tôi đi vào phòng, khóa cửa lại, rồi ngồi sụp xuống bên thành giường mà ngả đầu lên cánh tay, muốn uống aspirin nhưng không muốn đi xuống phòng tắm để lấy nữa, tôi chỉ ước Xandra nhanh nhanh mà về nhà. Tiếng la hét dưới nhà thật không tưởng tượng nổi, như thể ông đang bị dí ngọn đuốc cháy vào người. Tôi với lấy máy iPod, cố tìm bài nhạc nào to nhất có thể mà không mang ý nghĩa buồn (bản nhạc thứ Tư của ShostakovichVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, mặc dù nhạc cổ điển thực ra nghe cũng khá là buồn bã) và tôi nằm lên giường, đeo tai nghe, mắt dán lên trần nhà, trong khi Popper đứng đó mà dựng hết hai tai lên, mắt nhìn thẳng vào cánh cửa đang đóng kín, phần lông ở cổ nó thì xù lên tua tủa và cứng ngắc.


    xv.

    “ỔNG NÓI VỚI TAO LÀ MÀY có cả một gia tài,” Boris nói vào tối muộn ngày hôm đó ở chỗ sân chơi bỏ hoang, trong khi chúng tôi ngồi đó chờ viên thuốc phát tác. Tôi thầm ước bọn tôi chọn tối hôm khác mà chơi cho rồi, nhưng Boris cứ khăng khăng là thuốc sẽ làm tôi thấy tốt hơn.

    “Mày nghĩ tao có cả gia tài, mà lại không nói với mày à?” Bọn tôi cứ ngồi trên cái xích đu không biết bao lâu rồi, chờ đợi thứ mà tôi cũng chẳng biết nữa.

    Boris nhún vai. “Tao không biết. Có nhiều thứ mày đâu có nói với tao. Còn tao thì sẽ nói với mày. Nhưng thôi chả sao.”

    “Tao đang không biết nên làm gì đây.” Mặc dù mơ hồ nhưng tôi đã bắt đầu nhìn ra những hình thù màu xám lấp lánh như trong kính vạn hoa, đang chầm chậm chuyển động trên mặt đất dưới chân tôi – những viên đá lạnh bẩn thỉu, những viên kim cương, những mẩu kính vỡ phản chiếu. “Mọi việc giờ đáng sợ quá.”

    Boris thúc tôi. “Cũng có việc mà tao không nói mày biết, Potter ạ.”

    “Sao?”

    “Bố tao phải đi. Vì công việc. Ổng sẽ quay trở về Úc trong vài tháng. Rồi sau đó, tao nghĩ, là tới Nga.”

    Sự im lặng sau đó có lẽ kéo dài khoảng năm giây, nhưng cứ như cả tiếng đồng hồ. Boris? Rời đi? Mọi thứ như đóng băng, như thể hành tinh này đã ngừng sống.

    “Ừm, tao đâu có đi,” Boris nói tỉnh bơ. Gương mặt nó dưới ánh trăng chất chứa thứ ánh sáng lập lòe đầy ám ảnh, như trong một bộ phim đen trắng từ thời phim câm. “Khốn thật. Ta sẽ bỏ trốn.”

    “Đi đâu?”

    “Chưa biết. Mày muốn đi cùng không?”

    “Có,” tôi nói mà không cần nghĩ, và rồi tiếp: “Kotku có đi không?”

    Nó nhăn mặt. “Tao không biết nữa.” Những hình ảnh như trên phim giờ đã sáng rõ và hiện lên mồn một tới mức mọi cảnh vật của đời thường đều biến mất tăm; bọn tôi đã bị trung hòa, bị viễn tưởng hóa, bị dát mỏng; tầm nhìn của tôi bị bao quanh bởi một hình chữ nhật đen thui; tôi có thể thấy mấy dòng phụ đề chạy bên dưới những lời nó nói. Và rồi, gần như cùng lúc, phía bên dưới lại xổ ra từ ruột tôi. Ôi, Chúa ơi, tôi nghĩ, dùng cả hai tay mà vò đầu bứt tai và cảm thấy như bị lấn át đi đến mức không thể giải thích nổi thứ mà tôi đang cảm thấy.

    Boris vẫn đang nói, và tôi nhận ra nếu không muốn bị lạc mãi mãi trong cái thế giới NosferatuVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link đầy cát, với những bóng ma không màu sắc, thì tôi cần phải tập trung vào lời nó nói và không được hoảng trước những sự xáo trộn không có thật của mọi vật xung quanh.

    “…Ý tao là, tao nghĩ là mình hiểu,” nói nói giọng đau khổ, trong khi những chấm tròn và những giọt mưa màu xám xịt đang nhảy múa quanh nó. “Với nàng đó thậm chí còn không phải bỏ trốn nữa, nàng đủ tuổi rồi, hiểu không? Nhưng nàng đã từng sống trên đường phố một lần và nàng không hề thích việc đó.”

    “Kotku từng sống trên đường phố?” Đột nhiên trong lòng tôi trào dâng sự thương cảm cho cô ta – phần lớn là do thứ âm nhạc não nề đang vang lên trong đầu, mặc dù bản thân tâm trạng buồn đó là có thật.

    “Ùm, tao cũng từng vậy rồi, hồi ở Ukraine. Nhưng tao còn sống với hai đứa bạn Maks và Seryozha – mỗi lần ở cùng nhau không được quá vài ngày. Đôi khi vậy cũng vui. Bọn tao sẽ ngủ ở tầng hầm của mấy tòa nhà bỏ hoang – uống rượu, chơi thuốc butorphanolVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, thậm chí còn nhóm lửa. Nhưng tao lúc nào cũng về nhà khi bố tao đang tỉnh táo. Tuy nhiên, với Kotku thì khác. Một người bạn trai của mẹ nàng – hắn làm trò đồi bại với nàng. Vậy nên nàng ra đi. Ngủ ở bậc thềm trước cửa. Xin tiền lẻ - ngủ với vài gã để kiếm tiền. Nàng bỏ học một thời gian – và thật dũng cảm khi dám quay trở lại, để cố gắng và hoàn thành xong, sau tất cả những gì đã xảy ra. Bởi vì, ý tao là, người đời ai chẳng có thứ để nói ra nói vào. Mày biết mà.”

    Bọn tôi im lặng, cùng nhau suy xét câu chuyện khủng khiếp đó, với tôi thì như thể sức nặng của cuộc đời Boris cũng như Kotku đã dồn hết cả vào mấy câu chữ đó.

    “Xin lỗi vì tao đã không có thiện cảm với cổ!” tôi nói, thực sự nghiêm túc.

    “Ừm, tao cũng xin lỗi mày,” Boris nói rành mạch. Giọng nó cứ như chạy thẳng vào não tôi mà không đi qua tai. “Nhưng nàng cũng chẳng ưa thích gì mày. Nàng nghĩ mày là thằng hư hỏng. Rằng mày không trải qua những thứ mà tao và nàng phải trải qua.”

    Đó có vẻ là một lời phê bình công bằng. “Cũng công bằng mà,” tôi nói.

    Một khoảng thời gian ngắt quãng đã lóe sáng và nặng nề trôi qua: những bóng đen rung rinh, đông cứng, tiếng ro ro của thứ máy móc vô hình nào đó. Khi tôi giơ hai bàn tay ra và ngắm nhìn nó, nó phủ đầy cát bụi và sáng lên như một thước phim đang bắt đầu mục nát.

    “Wow, giờ tao cũng nhìn thấy nó nè,” Boris quay qua tôi nói – đó là thứ chuyển động chậm chạp và nghiêng ngả, mười bốn khung hình một giây. Mặt nó trắng bệch như phấn còn hai con ngươi thì giãn to và tối đen lại.

    “Nhìn thấy…?” tôi thận trọng nói.

    “Mày biết mà.” Nó vẫy cái bàn tay không màu dập dềnh trong không khí. “Cách mà mọi vật đều phẳng lì, như trên phim.”

    “Nhưng mày…” Không phải chỉ mình tôi? Nó cũng thấy như vậy sao?

    “Tất nhiên,” Boris đáp, cứ mỗi lúc lại nhìn khác với con người bình thường hơn, mà giống một miếng kim loại bạc đã xỉn màu từ những năm 1920, phía sau nó còn có những tia sáng mà không biết chúng tỏa ra từ chỗ nào. “Ước gì bọn mình trông thấy thứ gì đó có màu một chút. Như kiểu phim ‘Mary Poppins’ chẳng hạn.”

    Khi nó nói điều này tôi đã cười nghiêng ngả không dứt được, đến nỗi suýt nữa thì ngã khỏi xích đu, vì lúc đó tôi đã biết chắc chắn rằng nó cũng nhìn thấy những hình ảnh mà tôi đã thấy. Hơn thế nữa: chúng tôi đang tạo ra nó. Không cần biết thứ thuốc này khiến chúng tôi nhìn thấy cái gì, chúng tôi đang cùng nhau vè nên những hình ảnh. Và, khi nhận ra điều đó, cái thực tế ảo trước mắt bỗng nhiên được nhuộm màu sắc. Nó xảy ra cùng lúc với hai đứa, pop! Chúng tôi nhìn nhau và chỉ cười lớn; mọi thứ bỗng chốc thật quá đỗi hài hước, thậm chí cái cầu trượt ở sân chơi này cũng đang mỉm cười với chúng tôi, và có lúc, giữa màn đêm sâu thẳm, khi chúng tôi đang đu đưa trên cành cây và mưa kim tuyến óng ánh thì phun ra từ miệng, trong đầu tôi chợt nảy ra ý tưởng rằng nụ cười là ánh sáng, và ánh sáng cũng là nụ cười, và đó chính là bí mật của vũ trụ. Trong mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi ngồi ngắm những đám mây tự nhào nặn mình thành những hình thù thú vị; chúng tôi lăn lộn trên đất, tin rằng đó là tảo biển (!); chúng tôi nằm và hát bài “Dear Prudence”Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link gửi tới những vì sao thân thiện đang nồng nhiệt chào đón chúng tôi. Đó là một đêm thầnn kỳ - thật ra là một trong những đêm tuyệt vời nhất của cuộc đời tôi, bất kể những gì xảy ra sau đó.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Một kênh truyền hình chuyên về thể thao.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link 1ft= 0.3m

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Bạn gửi tiền vào tài khoản 529 và trong tương lai, con bạn sẽ dùng tiền đó để học hành.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Người trao tặng tài sản hoặc một người giám hộ được chỉ định sẽ quản lý UTMA đến khi người thụ hưởng đủ 18 tuổi. Theo cách này, tài sản trong UTMA sẽ được án toàn và không bị tính thuế.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ý chỉ Las Vegas

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Nguyên gốc “line of credit”: mức tiền cao nhất ngân hàng có thể cho bạn vay sau khi ngân hàng xem xét thu nhập và sự tiêu dùng của bạn

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Dmitri Dmitriyevich Shostakovich: nhà soạn nhạc và nhạc công piano xuất chúng người Nga ở thế kỉ hai mươi.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tên một bộ phim câm thuộc thể loại kinh dị nổi tiếng.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Một loại thuốc giảm đau, an thần.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Một ca khúc của ban nhạc The Beatles.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/8/15
    dongtrang thích bài này.
  19. ngantrang0811

    ngantrang0811 Lớp 4

    xiv.

    KHOẢNG MỘT TUẦN TIẾP THEO đã trôi qua, không có sự vụ gì, dù cho là với bố tôi hay với chuyện của cặp Boris-Kotku – đủ thời gian để tôi thấy an toàn và có thể mang bức tranh về nhà được. Tôi chợt thấy, khi lấy nó ra khỏi tủ đồ, rằng nó cồng kềnh (và nặng) một cách bất thường, và khi tôi mang nó lên trên phòng, lấy ra khỏi vỏ gối thì tôi mới biết tại sao lại như vậy. Rõ ràng tôi đã ở trong tình trạng đầu óc hỗn loạn khi gói và dính nó: bao nhiêu lớp giấy báo, bọc lại bằng cả cuộn băng dính to bằng sợi cotton chắc chắn, có vẻ như là bằng chứng đáng tin cậy cho tình trạng hốt hoảng kèm phê thuốc của tôi, nhưng khi ở trong phòng, dưới ánh sáng nhàn nhạt của buổi chiều tà, trông nó như được đóng gói bởi một kẻ điên và/hoặc vô gia cư – trông gần giống với xác ướp: quá nhiều băng dính làm nó chẳng còn vuông góc nữa; mấy góc tranh giờ thành tròn hết. Tôi lấy cái dao sắc nhất có thể tìm được ở dưới bếp và cái cưa ở góc nhà – lúc đầu tôi làm rất thận trọng vì lo rằng cái dao sẽ trượt và hủy hoại cả bức tranh – rồi dần dần mạnh tay hơn. Nhưng khi tôi còn chưa chọc thủng lớp bọc dày 3 inch và tay tôi bắt đầu mỏi thì tôi chợt nghe tiếng Xandra ở dưới nhà, và tôi cho nó lại vào vỏ gối và gắn nó vào phía sau đầu giường cho tới khi chắc chắn rằng họ đang chuẩn bị ra ngoài một lúc.

    Boris đã hứa là bọn tôi sẽ chơi nốt hai viên acid còn lại ngay khi đầu óc nó trở lại bình thường, là chính nó nói vậy; nó thú nhận là vẫn thấy lâng lâng, rồi còn trông thấy những ký hiệu nhảy múa ngay trên mặt bàn có những đường vân gỗ giả, và ở một vài lần đầu tiên hút cỏ thì nó sẽ bắt đầu tự cởi hết quần áo.

    “Nghe căng thẳng ghê,” tôi nói.

    “Không, hay mà. Tao có thể ngưng làm vậy nếu muốn. Tao nghĩ là chúng ta sẽ thực hiện vụ này ở chỗ sân chơi,” nó nói thêm. “Vào kỳ nghĩ lễ Tạ Ơn chẳng hạn.” Cái sân chơi bỏ hoang là nơi chúng tôi thường đến để chơi thuốc lắc nhưng lần đầu tiên thì lại diễn ra ở nhà vào đúng cái lúc cô Xandra gõ cửa phòng tôi nhờ giúp sửa cái máy giặt, một việc rõ ràng bọn tôi không biết làm, nhưng bốn mươi lăm phút phải đứng cùng với Xandra dưới phòng giặt, ngay đúng quãng phê nhất, đúng là đáng thất vọng.

    “Nó có mạnh hơn thuốc lắc nhiều không mày?”

    “Không - ừm, cũng có, nhưng tuyệt lắm, tin tao đi. Lúc đó tao thực sự muốn cùng với Kotku lao ra ngoài tận hưởng không khí ngoại trừ việc chỗ đó quá là gần đường cao tốc, rồi đèn đường, rồi xe ô tô nữa – có gì cứ cuối tuần này nhé?”

    Vậy là cũng có gì đó để mong chờ. Nhưng ngay khi tôi bắt đầu cảm thấy hứng khởi và thậm chí là có lại hi vọng về mọi thứ - kênh ESPNVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link đã không được bật những một tuần rồi, một con số kỉ lục – thì tôi chợt bắt gặp bố tôi đang đợi ở nhà khi tôi đi từ trường về.

    “Bố có chuyện muốn nói với con, Theo,” ông nói ngay khi tôi vừa bước chân vào nhà. “Con có rảnh rỗi không?”

    Tôi khựng lại. “Vâng, được, chắc chắn rồi.” Phòng khách trông cứ như vừa bị đột nhập – giấy tờ vương vãi khắp nơi, ngay cả cái gối trên bộ sofa cũng đặt lệch chỗ.

    Ông không đi qua đi lại nữa – ông đang di chuyển một cách cứng nhắc, như kiểu bị đau khớp đầu gối. “Con qua đây đi,” ông nói bằng giọng thân thiện. “Ngồi xuống đi.”

    Tôi ngồi xuống. Bố tôi thở ra; ông ngồi xuống đối diện với tôi và đưa tay lùa qua tóc.

    “Người luật sư,” ông nói, người vươn ra phía trước với hai tay chắp lại kẹp giữa đầu gối và nhìn thẳng vào mắt tôi không giấu giếm.

    Tôi đang chờ đợi.

    “Người luật sư của mẹ con. Ý bố là – bố biết thế này hơi gấp, nhưng bố thực sự cần con nói điện thoại với ông ta hộ bố.”

    Đang có gió; bên ngoài, cát đang thổi đập vào cửa kính và chiếc ô lớn thì đang bay phần phần như một lá cờ. “Cái gì ạ?” tôi hỏi, sau một hồi ngờ vực. Mẹ tôi đã nói về chuyện đi gặp luật sư sau khi bố tôi bỏ đi – về vụ li hôn, tôi nghĩ vậy – còn kết quả ra sao thì tôi không hay biết.

    “Ừm…” Bố tôi hít một hơi thật sâu; ông nhìn lên trần nhà. “Chuyện là thế này. Bố đoán là con cũng nhận ra rằng dạo gần đây bố không chơi cá cược nữa đúng không? Thì,” ông nói, “bố muốn từ bỏ nó. Khi bố còn ăn nên làm ra, cứ cho là vậy. Không phải là…” ông ngừng lại, và dường như đang suy nghĩ… “Ý bố là, nếu nói thật thì bố đã làm ăn khá tốt từ trò này bằng cách làm việc cả ở nhà và luôn tuân theo kỉ luật. Bố đã tính toán. Bố không cá cược bừa bãi. Và, như bố đã nói, bố đã ăn nên làm ra. Mấy tháng qua bố đã kiếm được không ít. Chỉ là…”

    “Đúng,” tôi nói giọng nghi hoặc giữa bầu không khí im lặng và tự hỏi bố tôi đang muốn nói gì.

    “Ý bố là, sao lại phải chơi đùa với số phận làm gì? Vì…” ông đặt tay lên trái tim trong ngực… “Bố một kẻ nghiện rượu. Bố là người đầu tiên tự thừa nhận điều đó. Bố không thểuống bất cứ cái gì. Một chén là quá nhiều và một ngàn chén là không đủ. Bỏ rượu là điều tuyệt nhất bố từng làm. Và ý bố là, với việc cờ bạc, thậm chí là bố có nghiện đi chăng nữa, thì nó cũng là một vấn đề khác, rõ ràng là bố đã có vài cú thua đậm nhưng bố không giống với nhiều người, bố không biết nữa, họ dấn quá sâu đến mức làm tiêu tan tài sản và việc kinh doanh gia đình. Nhưng…” ông cười… “nếu con không muốn phải cắt tóc thì tốt nhất là đừng có bén mảng gần tiệm cắt tóc nữa đúng không?”

    “Vậy nên?” tôi nói thận trọng, sau khi chờ bố tôi nói tiếp.

    “Vậy nên…phù.” Bố tôi lùa cả hai bàn tay qua mái tóc; ông vẫn trông như chàng trai trẻ, hay mụ mị, hay hoài nghi. “Vấn đề là thế này. Bố thực sự muốn làm nên một vài sự thay đổi lớn ngay lúc này. Vì bố đang có cơ hội đặt nền móng trong một ngành kinh doanh lớn. Một người bạn của bố sở hữu một nhà hàng. Và, ý bố là, bố nghĩ nó sẽ là một sự kiện thực sự tuyệt vời cho tất cả chúng ta – là ngàn năm có một mới đúng. Con hiểu không? Xandra thì đang gặp khó khăn ở chỗ làm vì sếp của cô ấy là một tên khốn và, bố không biết nữa, bố chỉ nghĩ rằng việc này sẽ mang nhiều ý nghĩa.”

    Bố tôi? Một nhà hàng? “Wow – tuyệt đó bố ạ,” tôi nói. “Wow.”

    “Ừ.” Bố tôi gật đầu. “Nó thực sự rất tuyệt. Tuy vậy, vấn đề là, để mở được một chỗ như thế…”

    “Nhà hàng kiểu gì hả bố?”

    Bố tôi ngáp và dụi đôi mắt đỏ của ông. “Ồ, con biết mà – chỉ kiểu đồ ăn Mỹ đơn giản thôi. Bít tết, hamburger và mấy thứ khác nữa. Rất đơn giản và được chuẩn bị kĩ càng. Tuy nhiên, vấn đề là, để bạn bố mở được chỗ đó và trả thuế nhà hàng…”

    “Thuế nhà hàng?”

    “Ôi Chúa ơi, đúng thế, con sẽ không thể tin nổi mấy loại phí mà họ thu đâu. Con phải trả thuế nhà hàng, thuế dinh doanh rượu, bao hiểm pháp lý – phải tốn cả núi tiền vào chỗ đó thì nó mới hoạt động được.”

    “Ừm.” Tôi bắt đầu thấy ông đang muốn nói gì. “Nếu bố cần số tiền trong tài khoản tiết kiệm của con…”

    Bố tôi sửng sốt. “Cái gì?”

    “Bố biết đấy. Tài khoản bố đã tạo cho con. Nếu bố cần tiền thì cũng không sao đâu.”

    “À ừ.” Bố tôi im lặng trong chốc lát. “Cám ơn con. Bố rất biết ơn, anh bạn nhỏ. Nhưng thật ra…” ông đã đứng lên, và đang đi lại quanh đó… “vấn đề là, thực ra bố đã tìm được một cách khá khôn ngoan để chúng ta có thể thực hiện được điều đó. Chỉ là giải pháp ngắn hạn thôi, để dựng nhà hàng lên và cho nó hoạt động, con biết đấy. Chỉ vài tuần là sẽ hoàn vốn – ý bố là, một nơi thế này, vị trí thuận lợi và mọi thứ khác, cứ như chúng ta có giấy phép để in tiền thoải mái đó con. Ta chỉ mất chi phí lúc đầu thôi. Cái thành phố này lúc nào cũng thuế má với lại chi phí. Tức là…” ông cười, nửa hối lỗi, “con biết là nếu không thực sự cấp bách thì bố sẽ không yêu cầu điều này đâu…”

    “Gì ạ?” tôi hỏi sau một hồi bối rối.

    “Ý bố là, như bố đã nói đó, bố rất cần con gọi cuộc gọi này giúp bố. Số điện thoại đây.” Ông đã viết sẵn ra một tờ giấy cho tôi – tôi nhận ra, một số bắt đầu bằng 212. “Con cần gọi điện cho người đàn ông này và tự mình nói chuyện với ông ta. Tên ông ấy là Bracegirdle.”

    Tôi nhìn vào tờ giấy, và rồi nhìn đến bố tôi. “Con không hiểu.”

    “Con không cần phải hiểu. Chỉ cần nói những gì bố bảo là được.”

    “Chuyện này thì liên quan gì đến con?”

    “Nghe này, con cứ làm đi. Nói cho ông ấy con là ai, con cần nói chuyện, chuyện làm ăn, blah blah blah…”

    “Nhưng mà…” Người này là ai? “Bố muốn con nói gì?”

    Bố tôi hít một hơi sâu; ông đang cố kiềm chế biểu cảm trên gương mặt mình, việc mà ông làm khá tốt.

    “Ông ta là luật sư,” bố tôi nói khi thở ra. “Luật sư của mẹ con. Ông ta cần sắp xếp để chuyển số tiền này …” mắt tôi bắt gặp con số mà ông đang chỉ tới, 65000 đô la… “vào tài khoản này” (ngón tay di xuống một dòng các con số phía dưới). “Nói với ổng là bố đã quyết định cho con đi học trường tư thục. Ổng sẽ ghi tên và số Chứng minh nhân dân của con. Thế thôi.”

    “Trường tư thục?” tôi nói, giọng mất thăng bằng.

    “Ừm, con thấy đấy, vì thuế nên phải nói vậy.”

    “Con không muốn đi học ở trường tư.”

    “Chờ đã – nghe bố nói đã nào. Miễn là số tiền này được dùng để lo cho con theo nghĩa đen, thì chúng ta sẽ không gặp vấn đề chi hết. Và cái nhà hàng thì phục vụ lợi ích của tất cả chúng ta, thấy không. Có lẽ suy cho cùng thì cũng là vì con cả. Và ý bố là, bố có thể hoàn toàn tự gọi điện, chỉ là nếu chúng ta xoay sở đúng cách thì có thể tiết kiệm được khoảng ba mươi ngàn đô đáng lẽ phải nộp cho chính phủ. Quỷ thần ơi, bố sẽ cho con theo học trường tư nếu con muốn. Trường nội trú. Với số tiền đó thì con tới Andover học cũng được. Bố chỉ không muốn một nửa số tiền đó đi vào Cục Thuế vụ, con hiểu không? Hơn nữa – nếu cứ theo cách này, trước khi con đi học đại học thì con sẽ mất cả núi tiền, vì có số tiền đó đồng nghĩa với việc con sẽ không được xét học bổng. Nhân viên phòng tài chính của trường đại học sẽ nhìn ngay tới tài khoản đó và xếp con vào một nhóm thu nhập khác và lấy đi 75 phần trăm vào năm học đầu tiên, thế là hết. Còn theo cách này, ít nhất con vẫn được hưởng lợi ích đầy đủ từ việc sử dụng nó? Ngay lúc này. Ngay khi nó còn đang có ích.”

    “Nhưng mà…”

    Nhưng mà…” giọng nam cao, lưỡi cong lên, ánh nhìn trêu chọc. “Ôi, thôi nào, Theo,” ông nói bằng giọng thường ngày, khi thấy tôi tiếp tục nhìn thẳng vào ông. “Thề có Chúa, bố không có nhiều thời gian cho việc này đâu. Bố cần con gọi cuộc gọi này càng nhanh càng tốt, trước khi văn phòng phía Tây đóng cửa. Nếu con phải kí giấy tờ gì thì cứ bảo ông ta gửi chuyển phát nhanh qua FedEx. Hoặc fax cũng được. Chúng ta chỉ cần làm xong cái này càng sớm càng tốt, được chứ?”

    “Nhưng tại sao con cần làm việc này?”

    Bố tôi thở dài; hai con ngươi đảo qua một lượt. “Nhìn này, đừng làm thế với bố, Theo,” ông nói. “Bố biết là con biết về khoản nợ đó vì bố thấy con kiểm tra hòm thư – đúng thế,” ông nói át cả sự phân bua của tôi, “con có biết, vì mỗi ngày con lượn qua lượn lại chỗ hòm thư khốn nạn đó cả tỉ lần.”

    Tôi sửng sốt đến nỗi không biết trả lời thế nào. “Nhưng…” tôi liếc nhìn xuống tờ giấy và con số đó lại nhảy xổ ra: 65000 đô la.

    Không hề cảnh báo trước, bố tôi lao tới và tát tôi thẳng vào mặt, mạnh và nhanh đến mức tôi còn chưa kịp nhận biết chuyện gì đang xảy ra nữa. Rồi gần như trước cả khi tôi kịp chớp mắt thì ông lại phang tôi một cú bằng nắm đấm, viết theo kiểu truyện tranh sẽ là bốp, mọi thứ sáng lóa như có ánh đèn flash từ máy ảnh, lần này ông dùng nắm đấm. Khi tôi còn loạng quạng – đầu gối tôi đã rã rời, mọi thứ trắng xóa – ông đã nắm lấy cổ họng tôi mà xốc mạnh lên và khiến tôi phải đứng trên đầu ngóc chân mà hớp từng hớp không khí.

    “Nhìn đây.” Ông đang hét vào mặt tôi – mũi ông chỉ cách tôi hai inch – nhưng Popper đang nhảy chồm chồm và sủa inh ỏi như điên, còn tiếng ong ong trong tai tôi thì ngày một chói lói như thể bố tôi đang hét trên nền sóng rè của radio. “Mày sẽ gọi cho gã này…” ông táp tờ giấy vào mặt tôi… “và nói những gì tao bảo. Đừng làm mọi chuyện khó khăn hơn mức cần thiết vì tao sẽ bắt mày phải làm, Theo, tao không nói đùa, tao sẽ bẻ gãy tay mày, tao sẽ đập mày một trận tanh bành nếu mày không gọi điện thoại ngay bây giờ. Được không? Được không?” ông lặp lại trong bầu không khí đầy những tiếng vo ve. Hơi thở toàn mùi thuốc lá của ông ta dội vào mặt tôi chua loét. Ông đã thả cổ họng tôi ra; ông bước lùi lại. “Mày nghe thấy gì rồi chứ? Nói gì đi.”

    Tôi quẹt cánh tay qua mặt. Nước mắt đang chảy đầm đìa xuống má nhưng đều là tự động, giống như nước máy, chẳng có tí cảm xúc nào trong đó cả.

    Bố tôi nhắm chặt hai mắt, và rồi mở ra; ông lắc đầu. “Nghe này,” ông nói bằng giọng quả quyết. “Bố xin lỗi.” Ông không có vẻ gì là hối lỗi, tôi chợt nhận ra khi đầu óc tôi còn sót lại chút tỉnh táo; giọng ông nghe như thể vẫn muốn đập tôi nhừ tử. “Nhưng mà, bố thề, Theo à. Về chuyện này con cứ tin bố. Con phải làm việc này cho bố.”

    Mọi thứ như mờ đi, và tôi đưa cả hai tay lên để chỉnh cặp kính cho thẳng lại. Hơi thở của tôi lớn đến mức nó trở thành tiếng động duy nhất trong căn phòng.

    Bố tôi, hai tay chống hông, ngửa mắt lên phía trần nhà. “Ôi, thôi nào,” ông nói. “Hãy thôi đi.”

    Tôi không nói gì. Chúng tôi cứ đứng như vậy khá lâu. Popper đã thôi sủa và đang nhìn chúng tôi một lượt như cố tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra..

    “Chỉ là… con biết mà?” Giờ thì ông lại bình tĩnh như cũ. “Bố xin lỗi, Theo, bố thề là bố rất hối hận, nhưng thực sự là bố cùng đường rồi. chúng ta cần số tiền này ngay bây giờ, ngay phút giây này, chúng ta thực sự rất cần.”

    Ông đang cố nhìn thẳng vào mắt tôi; ánh nhin của ông chân thật, khôn ngoan. “Người đàn ông này là ai?” tôi nói, mắt không nhìn vào ông mà nhìn vào bức tường phía sau kia, giọng tôi không biết vì lí do gì đã trở nên thô ráp và xa lạ.

    “Luật sư của mẹ con. Bố phải nói với con bao nhiêu lần đây?” Ông đang xoa bóp chỗ đốt ngón tay như thể nó bị đau sau khi tát vào mặt tôi. “Thấy không, vấn đề là, Theo…” một tiếng thở dài nữa… “ý bố là, bố rất xin lỗi, nhưng, bố thề, nếu mọi chuyện không quá quan trọng thì bố sẽ không nổi khùng vậy đâu. Vì bố thực sự, thực sự đang rất khó khăn. Việc này chỉ là tạm thời thôi, con hiểu mà – chỉ tới khi công việc làm ăn đi lên là xong. Vì mọi thứ có thể sụp đổ, như thế này…” ông búng ngón tay… “trừ khi bố bắt đầu trả hết cho một số chủ nợ. Và khoản tiền còn lại – bố sẽ dùng để cho con được học ở một ngôi trường tốt hơn. Trường tư chẳng hạn. Con thích thế đúng không?”

    Trong lúc say sưa đọc bài rap của mình thì ông cũng đã quay số điện thoại. Ông đưa điện thoại cho tôi và – trước khi có ai kịp trả lời – ông đã tiến tới góc phòng nhấc máy phụ lên nghe.

    “Xin chào,” tôi nói với người phụ nữ vừa trả lời điện thoại, “um, xin lỗi,” giọng tôi bấp bênh và run run, tôi vẫn không tin nổi là chuyện này đang xảy ra. “Cháu có thẻ nói chuyện với ông, ờ…”

    Bố tôi chỉ thẳng tay vào tờ giấy: Bracegirdle.

    “Ông, ờ, Bracegirdle,” tôi nói lớn.

    “Và ai đang ở đầu dây đó ạ?” Cả giọng của tôi, lẫn giọng cô ấy, đều to ầm ầm vì bố tôi đang nghe ở đường dây máy phụ.

    “Theodore Decker ạ.”

    “Ồ, đúng rồi,” một giọng đàn ông cất lên ở đầu dây. “Chào cháu! Theodore! Cháu khỏe không?”

    “Cháu ổn.”

    “Giọng cháu nghe như đang bị cảm cúm. Nói ta biết. Cháu đang bị cảm chút xíu hả?”

    “À, vâng ạ,” tôi nói giọng nghi hoặc. Bố tôi ở góc bên kia phòng đang nói thầm từ Viêm thanh quản.

    “Thật tiếc quá,” giọng nói vang vang lại cất lên – to đến mức tôi phải giữ máy cách xa tai mình một chút. “Ta chả bao giờ nghĩ người ta lại bị cảm trong thời tiết nắng đẹp, như ở nơi cháu đang sống vậy. Dù sao thì, ta rất mừng khi cháu gọi – ta không có cơ hội liên lạc trực tiếp với cháu. Ta biết mọi chuyện vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng ta hi vọng là mọi thứ sẽ tốt hơn lần trước ta gặp mặt cháu.”

    Tôi nín thinh. Tôi đã gặp người này sao?

    “Đó đúng là khoảng thời gian tồi tệ,” Ông Bracegirdle đã giải thích sự im lặng của tôi một cách chính xác.

    Chất giọng êm mượt như nhung đánh động trong tôi nhiều xúc cảm. “Wow,” tôi nói.

    “Cơn bão tuyết, cháu nhớ không?”

    “Đúng rồi.” Ông xuất hiện khoảng một tuần sau khi mẹ tôi qua đời: một người đàn ông đã già với mái đầu toàn những là tóc trắng – ăn mặc trang nhã, áo sơ mi kẻ sọc, có cài nơ. Ông và bà Barbour dường như có quen biết, hoặc dù sao thì ông có biết bà ấy. Lúc đó ông ngồi chéo góc với tôi trong chiếc ghế bành gần bộ sofa và nói rất nhiều, toàn những chuyện khó hiểu, mặc dù vậy thì điều duy nhất còn đọng lại trong tâm trí tôi là câu chuyện ông quen biết mẹ tôi như thế nào: trận bão tuyết khủng khiếp, không thấy bóng dáng cái taxi nào – khi – theo sau một lớp tuyết bắn lên tung tóe là một chiếc taxi đã có khách trên xe đang đi gần tới góc đường giao giữa Đại lộ Tám mươi Tư và Đại lộ Park. Cửa sổ xe kéo xuống – mẹ tôi (“một gương mặt xinh đẹp!”) đã cùng đi tới tận phía đông Đại lộ Năm mươi Bảy, có phải ông kể thế không nhỉ?

    “Mẹ cháu vẫn kể vể cơn bão đó,” tôi nói. Bố tôi – kề điện thoại vào tai – đang liếc nhìn tôi sắc lẹm. “Khi lần đó cả thành phố bị cắt điện.”

    Ông cười lớn. “Thật là một quý cô đáng mến! Ta vừa mới rời khỏi một cuộc họp kết thúc muộn – người ủy thác lớn tuổi sống ở khu Đại lộ Park giao với Đại lộ Chín mươi Hai, chuyển đổi nữ thừa kế, giờ thì đã qua đời rồi, lạy Chúa. Dù sao thì, ta đang đi xuống, từ văn phòng xuống phố - tất nhiên là còn cầm theo cả đống tài liệu kiện tụng nữa – và tuyết đã rơi một footVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link rồi. Thật hoàn hảo. Bọn trẻ thì đang chơi trò kéo xe tới lui trên Đại lộ Park. Dù sao thì, tàu cũng không chạy tới tận Đại lộ Bảy mươi Hai và ta đứng đó, chân dính chặt vào tuyết nhưng vẫn phải lê bước, khi mà, oops! Xuất hiện một chiếc taxi màu vàng và mẹ cháu đang ngồi trong đó! Nó lạo xạo phanh gấp lại. Cứ như cô ấy được một đội tìm kiếm cử tới vậy. ‘Chú vào đi, cháu cho chú đi nhờ luôn.’ Giữa phố xá lạnh lẽo này… những bông tuyết vẫn cứ xoáy tít và mọi ngọn đèn trong thành phố đã được bật lên. Và hai người bọn ta ở đó, lầm lũi đi với vận tốc hai dặm một giờ - cứ như đang ngồi trong xe kéo ấy – đi qua tất cả đèn đỏ, không dừng ở điểm nào. Ta vẫn còn nhớ bọn ta đã nói về Fairfield Porter – ông mới tổ chức show ở New York – và rồi chuyển sang Frank O’Hara và Lana Turner và không biết tới năm nào thì họ mới thực sự đóng cửa chuỗi cửa hàng thức ăn Horn and Hardart, cả cái máy bán đồ ăn tự động nữa. Và rồi, ta phát hiện ra là ta làm việc ở ngay đối diện bên kia đường với công ty cô ấy! Đúng là khởi đầu của một tình bạn đẹp, như người ta vẫn nói.”

    Tôi liếc qua nhìn bố tôi. Ông thể hiện một vẻ mặt tức cười, đôi môi mím chặt lại như thể ông sắp nôn hết ra thảm trải sàn.

    “Hồi đó ta có nói một chút về tài sản mẹ cháu sở hữu, nếu cháu còn nhớ,” giọng nói ở đầu dây nói tiếp. “Không đề cập nhiều lắm. Lúc đó không phải thời điểm phù hợp. Nhưng ta cũng hi vọng cháu sẽ đến gặp ta khi cháu sẵn sàng nói về vấn đề đó. Nếu ta biết cháu chuyển đi thì ta hẳn đã gọi điện cho cháu trước khi cháu đi rồi.”

    Tôi nhìn qua bố mình; tôi nhìn tờ giấy trong tay. “Cháu muốn đi học ở trường tư,” tôi buột miệng.

    “Thật à?” ông Bracegirdle nói, “Ta nghĩ đó cũng là một ý kiến hay đó. Cháu đã nghĩ là sẽ học ở đâu chưa? Quay lại phía đông? Hay một nơi nào ở chỗ cháu đang ở?”

    Chúng tôi chưa nghĩ tới chuyện này. Tôi quay qua nhìn bố.

    “Ừm,” tôi nói, “ừm,” trong khi ông cau mày nhìn tôi và khua tay loạn xạ.

    “Cũng có vài trường nội trú ở phía tây rất tốt, mặc dù ta không biết nhiều lắm,” ông Bracegirdle đang nói. “Ta đã học ở trường Milton, một trải nghiệm tuyệt diệu. Và đứa con trai cả của ta cũng học ở đó, cũng được một năm, mặc dù đó không phải là nơi thích hợp với nó…”

    Khi ông tiếp tục câu chuyện – từ Milton, tới Kent, rồi tới vô số trường nội trú khác mà con em bạn bè và họ hàng đã theo học – bố tôi liền viết nghuệch ngoạc lên một mẩu giấy; ông ném nó qua tôi. Chuyển tiền cho cháu, nó viết vậy. Ứng trước.

    “Ừm,” tôi nói, không biết làm cách nào để đặt vấn đề, “mẹ cháu có để lại cho cháu ít tiền đúng không?”

    “Ừm, cũng không hẳn,” ông Bracegirdle nói, dường như có vẻ cụt hứng khi nghe thấy câu hỏi, hoặc có thể do sự ngắt lời không đúng lúc của tôi. “Về sau cô ấy có gặp một vài rắc rối về tài chính, và ta chắc là cháu cũng biết rõ. Nhưng cháu còn một tài khoản 529Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Và mẹ cháu cũng lập một tài khoản UTMAVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link nho nhỏ cho cháu ngay trước ngày cô ấy mất.”

    “Đó là gì vậy ạ?” Bố tôi – mắt dán vào tôi – đang lắng nghe chăm chú.

    “Tài khoản chuyển giao thừa kế cho người chưa đủ tuổi vị thành niên. Nó sẽ được dùng cho việc học hành của cháu. Nhưng nó không được phép dùng cho bất kỳ việc nào khác – mà dù sao cháu cũng chưa đủ tuổi vị thành niên.”

    “Tại sao lại không được ạ?” tôi nói sau khi tạm dừng, vì dường như ông nhấn quá mạnh vào vế cuối câu.

    “Vì đó là luật,” ông nói cụt lủn. “Nhưng chắc chắn sẽ có cách khác nếu cháu muốn đi học một trường ở xa. Ta có một khách hàng dùng một phần tài khoản 529 của người con trai lớn để đưa người con nhỏ nhất đi học một trường mẫu giáo có chất lượng. Không phải ta cho rằng hai mươi ngàn đô như vậy là một khoản chi khôn ngoan – ngay cả giá bút chì màu ở đó cũng đắt nhất Manhattan, chắc chắn đấy – ! Nhưng đúng, vậy là cháu đã hiểu cách thức vận hành rồi đấy.”

    Tôi quay qua nhìn bố tôi. “Vậy là không có cách nào để ông có thể, nói thế nào nhỉ, chuyển cho cháu sáu lăm ngàn đô,” tôi nói. “Nếu cháu cần nó ngay lúc này.”

    “Không! Chắc chắn là không được! Cháu bỏ ý nghĩ đó đi.” Cách nói của ông đã thay đổi – rõ ràng ông đã thay đổi cách nhìn nhận về tôi, không còn là con trai của mẹ tôi và là Một Đứa Trẻ Ngoan nữa mà là một thằng tham lam trục lợi. “Nhân tiện, ta có thể hỏi cháu làm sao mà cháu nghĩ ra một con số cụ thể như vậy không?”

    “Ơ…” tôi liếc bố, người đang lấy tay che mắt. Khốn nạn, tôi nghĩ, và rồi nhận ra tôi đã nói từ đó thành tiếng.

    “Vậy thì, không sao,” ông Bracegirdle nói mượt mà. “Nó đơn giản là không thể.”

    “Không thể nào sao?”

    “Không thể, không có cách nào hết.”

    “Vâng ạ, được rồi…” tôi vắt óc nghĩ, nhưng đầu tôi đang rẽ theo hai hướng cùng một lúc. “Vậy ông có thể gửi cho cháu một phần được không? Như một nửa chẳng hạn?”

    “Không. Số tiền đó sẽ được sắp xếp để thanh toán trực tiếp với trường đại học hoặc trường trung học mà cháu chọn đăng ký. Nói cách khác, ta sẽ cần tận mắt nhìn thấy hóa đơn, và rồi trả hóa đơn. Sẽ có rất nhiều giấy tờ khác nữa. Và trong trường hợp cháu quyết định không học đại học…”

    Trong khi ông tiếp tục nói, một cách khó hiểu, về vô vàn những luồng tiền ra tiền vào của cái quỹ mà mẹ đã lập cho tôi (tất cả đều rất nghiêm ngặt, nhất là khi liên quan đến chuyện bố tôi hoặc tôi có thể sờ tay vào tiền mặt) thì bố tôi, giơ điện thoại cách xa khỏi tai, đang biểu lộ một nét mặt có vẻ như vô cùng kinh hãi.

    “Ừm, vâng, biết những điều đó rất có ích, cám ơn ông ạ,” tôi nói, cô gắng kết thúc cuộc nói chuyện.

    “Tất nhiên nếu làm theo kiểu này sẽ có lợi về số thuế phải nộp. Nhưng điều mẹ cháu thực sự muốn là bảo đảm rằng bố cháu sẽ không bao giờ có thể chạm tay được vào số tiền ấy.”

    “Ơ?” tôi nói đầy hoang mang, trong sự im lặng dài quá đỗi sau đó. Có cái gì đó trong giọng nói của ông khiến tôi nghi là ông đã biết bố tôi nhiều khả năng chính là Thế Lực Bóng Tối đang ngồi ngay kia và thở thành tiếng (tôi nghe thấy – còn ông ấy nghe thấy không thì tôi không rõ) trên một đường dây điện thoại khác.

    “Còn có nhiều sự lựa chọn khác nữa. Ý ta là…” sự im lặng lịch sự… “Ta không biết là có nên nói với cháu điều này không, nhưng có một bên không được ủy quyền đã hai lần cố rút một khoản tiền lớn từ tài khoản của cháu.”

    “Cái gì cơ ạ?” tôi nói, sau một thoáng ngỡ ngàng.

    “Cháu thấy đấy,” ông Bracegirdle nói, giọng ông nghe xa xăm như thể tới từ đáy đại dương, “Ta là người bảo hộ cho tài khoản đó. Và khoảng hai tháng sau khi mẹ cháu qua đời, có ai đó đã đi vào ngân hàng ở Manhattan trong giờ làm việc và cố giả chữ kí của ta trên các loại giấy tờ. Ở chi nhánh chính của ngân hàng họ có biết ta, và họ gọi cho ta ngay lập tức, nhưng trong khi hai bên đang trao đổi thì người đó đã lén trốn ra cửa, trước khi bảo vệ kịp giữ lại và hỏi thông tin cá nhân. Ôi trời, đã gần hai năm trước rồi. Nhưng – mới tuần trước – cháu có nhận được lá thư ta viết về chuyện đó không?”

    “Dạ không,” tôi đáp, khi mà cuối cùng tôi cũng nhận ra là mình cần nói gì đó.

    “Thì, thôi ta không kể sâu nữa, nhưng đã có một cuộc điện thoại bất thường. Có người tự xưng là luật sư giám hộ của cháu ở ngoài đóVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, họ yêu cầu chuyển tiền. Và rồi – khi kiểm tra kĩ – bọn ta có phát hiện ra một ai đó đã biết được số Chứng minh nhân dân của cháu, rồi nộp đơn yêu cầu, và đã nhận được, một hạn mức tín dụngVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link dưới tên cháu. Cháu có tình cờ biết gì về chuyện đó không?

    “Vậy thì, đừng lo lắng,” ông tiếp tục, khi thấy tôi không nói gì. “Ta có một bản sao giấy khai sinh của cháu ở đây, và ta đã fax nó tới ngân hàng phát hành và đã hủy hạn mức tin dụng đó rồi. Và ta cũng đã cảnh báo Equifax cũng như nhiều tổ chức tín dụng khác. Mặc dù bây giờ cháu chưa đủ tuổi vị thành niên, và theo luật pháp là không thể tham gia những thỏa thuận kiểu đó, nhưng cháu có thể sẽ phải chịu trách nhiệm với bất cứ khoản nợ nào phát sinh dưới tên cháu một khi cháu đủ tuổi. Dù sao thì, ta muốn cháu phải cẩn thận với số Chứng minh nhân dân của mình trong tương lai. Cháu có thể xin cấp Chứng minh mới, về lý thuyết là vậy, mặc dù mấy thủ tục hành chính cũng đau đầu lắm…”

    Khi gác máy thì người tôi đã toát mồ hôi lạnh – và hoàn toàn không có chuẩn bị trước với màn gào thét bố tôi thể hiện. Tôi cứ nghĩ là ông giận – giận tôi – nhưng khi ông chỉ đứng đó với điện thoại vẫn còn trong tay, tôi quan sát ông kĩ hơn và nhận ra ông đang khóc.

    Thật là kinh khủng. Tôi không biết phải làm gì nữa. Ông kêu như thể bị đổ nước sôi khắp toàn thân – như thể ông vừa chuyển hóa thành chó sói – như là ông đang bị ai tra tấn vậy. Tôi để ông đứng đó và – Popchik nhanh chóng chạy trước tôi lên cầu thang; rõ ràng là nó cũng không muốn nghe âm thanh gào thét này chút nào – tôi đi vào phòng, khóa cửa lại, rồi ngồi sụp xuống bên thành giường mà ngả đầu lên cánh tay, muốn uống aspirin nhưng không muốn đi xuống phòng tắm để lấy nữa, tôi chỉ ước Xandra nhanh nhanh mà về nhà. Tiếng la hét dưới nhà thật không tưởng tượng nổi, như thể ông đang bị dí ngọn đuốc cháy vào người. Tôi với lấy máy iPod, cố tìm bài nhạc nào to nhất có thể mà không mang ý nghĩa buồn (bản nhạc thứ Tư của ShostakovichVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, mặc dù nhạc cổ điển thực ra nghe cũng khá là buồn bã) và tôi nằm lên giường, đeo tai nghe, mắt dán lên trần nhà, trong khi Popper đứng đó mà dựng hết hai tai lên, mắt nhìn thẳng vào cánh cửa đang đóng kín, phần lông ở cổ nó thì xù lên tua tủa và cứng ngắc.


    xv.

    “ỔNG NÓI VỚI TAO LÀ MÀY có cả một gia tài,” Boris nói vào tối muộn ngày hôm đó ở chỗ sân chơi bỏ hoang, trong khi chúng tôi ngồi đó chờ viên thuốc phát tác. Tôi thầm ước bọn tôi chọn tối hôm khác mà chơi cho rồi, nhưng Boris cứ khăng khăng là thuốc sẽ làm tôi thấy tốt hơn.

    “Mày nghĩ tao có cả gia tài, mà lại không nói với mày à?” Bọn tôi cứ ngồi trên cái xích đu không biết bao lâu rồi, chờ đợi thứ mà tôi cũng chẳng biết nữa.

    Boris nhún vai. “Tao không biết. Có nhiều thứ mày đâu có nói với tao. Còn tao thì sẽ nói với mày. Nhưng thôi chả sao.”

    “Tao đang không biết nên làm gì đây.” Mặc dù mơ hồ nhưng tôi đã bắt đầu nhìn ra những hình thù màu xám lấp lánh như trong kính vạn hoa, đang chầm chậm chuyển động trên mặt đất dưới chân tôi – những viên đá lạnh bẩn thỉu, những viên kim cương, những mẩu kính vỡ phản chiếu. “Mọi việc giờ đáng sợ quá.”

    Boris thúc tôi. “Cũng có việc mà tao không nói mày biết, Potter ạ.”

    “Sao?”

    “Bố tao phải đi. Vì công việc. Ổng sẽ quay trở về Úc trong vài tháng. Rồi sau đó, tao nghĩ, là tới Nga.”

    Sự im lặng sau đó có lẽ kéo dài khoảng năm giây, nhưng cứ như cả tiếng đồng hồ. Boris? Rời đi? Mọi thứ như đóng băng, như thể hành tinh này đã ngừng sống.

    “Ừm, tao đâu có đi,” Boris nói tỉnh bơ. Gương mặt nó dưới ánh trăng chất chứa thứ ánh sáng lập lòe đầy ám ảnh, như trong một bộ phim đen trắng từ thời phim câm. “Khốn thật. Ta sẽ bỏ trốn.”

    “Đi đâu?”

    “Chưa biết. Mày muốn đi cùng không?”

    “Có,” tôi nói mà không cần nghĩ, và rồi tiếp: “Kotku có đi không?”

    Nó nhăn mặt. “Tao không biết nữa.” Những hình ảnh như trên phim giờ đã sáng rõ và hiện lên mồn một tới mức mọi cảnh vật của đời thường đều biến mất tăm; bọn tôi đã bị trung hòa, bị viễn tưởng hóa, bị dát mỏng; tầm nhìn của tôi bị bao quanh bởi một hình chữ nhật đen thui; tôi có thể thấy mấy dòng phụ đề chạy bên dưới những lời nó nói. Và rồi, gần như cùng lúc, phía bên dưới lại xổ ra từ ruột tôi. Ôi, Chúa ơi, tôi nghĩ, dùng cả hai tay mà vò đầu bứt tai và cảm thấy như bị lấn át đi đến mức không thể giải thích nổi thứ mà tôi đang cảm thấy.

    Boris vẫn đang nói, và tôi nhận ra nếu không muốn bị lạc mãi mãi trong cái thế giới NosferatuVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link đầy cát, với những bóng ma không màu sắc, thì tôi cần phải tập trung vào lời nó nói và không được hoảng trước những sự xáo trộn không có thật của mọi vật xung quanh.

    “…Ý tao là, tao nghĩ là mình hiểu,” nói nói giọng đau khổ, trong khi những chấm tròn và những giọt mưa màu xám xịt đang nhảy múa quanh nó. “Với nàng đó thậm chí còn không phải bỏ trốn nữa, nàng đủ tuổi rồi, hiểu không? Nhưng nàng đã từng sống trên đường phố một lần và nàng không hề thích việc đó.”

    “Kotku từng sống trên đường phố?” Đột nhiên trong lòng tôi trào dâng sự thương cảm cho cô ta – phần lớn là do thứ âm nhạc não nề đang vang lên trong đầu, mặc dù bản thân tâm trạng buồn đó là có thật.

    “Ùm, tao cũng từng vậy rồi, hồi ở Ukraine. Nhưng tao còn sống với hai đứa bạn Maks và Seryozha – mỗi lần ở cùng nhau không được quá vài ngày. Đôi khi vậy cũng vui. Bọn tao sẽ ngủ ở tầng hầm của mấy tòa nhà bỏ hoang – uống rượu, chơi thuốc butorphanolVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, thậm chí còn nhóm lửa. Nhưng tao lúc nào cũng về nhà khi bố tao đang tỉnh táo. Tuy nhiên, với Kotku thì khác. Một người bạn trai của mẹ nàng – hắn làm trò đồi bại với nàng. Vậy nên nàng ra đi. Ngủ ở bậc thềm trước cửa. Xin tiền lẻ - ngủ với vài gã để kiếm tiền. Nàng bỏ học một thời gian – và thật dũng cảm khi dám quay trở lại, để cố gắng và hoàn thành xong, sau tất cả những gì đã xảy ra. Bởi vì, ý tao là, người đời ai chẳng có thứ để nói ra nói vào. Mày biết mà.”

    Bọn tôi im lặng, cùng nhau suy xét câu chuyện khủng khiếp đó, với tôi thì như thể sức nặng của cuộc đời Boris cũng như Kotku đã dồn hết cả vào mấy câu chữ đó.

    “Xin lỗi vì tao đã không có thiện cảm với cổ!” tôi nói, thực sự nghiêm túc.

    “Ừm, tao cũng xin lỗi mày,” Boris nói rành mạch. Giọng nó cứ như chạy thẳng vào não tôi mà không đi qua tai. “Nhưng nàng cũng chẳng ưa thích gì mày. Nàng nghĩ mày là thằng hư hỏng. Rằng mày không trải qua những thứ mà tao và nàng phải trải qua.”

    Đó có vẻ là một lời phê bình công bằng. “Cũng công bằng mà,” tôi nói.

    Một khoảng thời gian ngắt quãng đã lóe sáng và nặng nề trôi qua: những bóng đen rung rinh, đông cứng, tiếng ro ro của thứ máy móc vô hình nào đó. Khi tôi giơ hai bàn tay ra và ngắm nhìn nó, nó phủ đầy cát bụi và sáng lên như một thước phim đang bắt đầu mục nát.

    “Wow, giờ tao cũng nhìn thấy nó nè,” Boris quay qua tôi nói – đó là thứ chuyển động chậm chạp và nghiêng ngả, mười bốn khung hình một giây. Mặt nó trắng bệch như phấn còn hai con ngươi thì giãn to và tối đen lại.

    “Nhìn thấy…?” tôi thận trọng nói.

    “Mày biết mà.” Nó vẫy cái bàn tay không màu dập dềnh trong không khí. “Cách mà mọi vật đều phẳng lì, như trên phim.”

    “Nhưng mày…” Không phải chỉ mình tôi? Nó cũng thấy như vậy sao?

    “Tất nhiên,” Boris đáp, cứ mỗi lúc lại nhìn khác với con người bình thường hơn, mà giống một miếng kim loại bạc đã xỉn màu từ những năm 1920, phía sau nó còn có những tia sáng mà không biết chúng tỏa ra từ chỗ nào. “Ước gì bọn mình trông thấy thứ gì đó có màu một chút. Như kiểu phim ‘Mary Poppins’ chẳng hạn.”

    Khi nó nói điều này tôi đã cười nghiêng ngả không dứt được, đến nỗi suýt nữa thì ngã khỏi xích đu, vì lúc đó tôi đã biết chắc chắn rằng nó cũng nhìn thấy những hình ảnh mà tôi đã thấy. Hơn thế nữa: chúng tôi đang tạo ra nó. Không cần biết thứ thuốc này khiến chúng tôi nhìn thấy cái gì, chúng tôi đang cùng nhau vè nên những hình ảnh. Và, khi nhận ra điều đó, cái thực tế ảo trước mắt bỗng nhiên được nhuộm màu sắc. Nó xảy ra cùng lúc với hai đứa, pop! Chúng tôi nhìn nhau và chỉ cười lớn; mọi thứ bỗng chốc thật quá đỗi hài hước, thậm chí cái cầu trượt ở sân chơi này cũng đang mỉm cười với chúng tôi, và có lúc, giữa màn đêm sâu thẳm, khi chúng tôi đang đu đưa trên cành cây và mưa kim tuyến óng ánh thì phun ra từ miệng, trong đầu tôi chợt nảy ra ý tưởng rằng nụ cười là ánh sáng, và ánh sáng cũng là nụ cười, và đó chính là bí mật của vũ trụ. Trong mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi ngồi ngắm những đám mây tự nhào nặn mình thành những hình thù thú vị; chúng tôi lăn lộn trên đất, tin rằng đó là tảo biển (!); chúng tôi nằm và hát bài “Dear Prudence”Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link gửi tới những vì sao thân thiện đang nồng nhiệt chào đón chúng tôi. Đó là một đêm thầnn kỳ - thật ra là một trong những đêm tuyệt vời nhất của cuộc đời tôi, bất kể những gì xảy ra sau đó.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Một kênh truyền hình chuyên về thể thao.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link 1ft= 0.3m

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Bạn gửi tiền vào tài khoản 529 và trong tương lai, con bạn sẽ dùng tiền đó để học hành.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Người trao tặng tài sản hoặc một người giám hộ được chỉ định sẽ quản lý UTMA đến khi người thụ hưởng đủ 18 tuổi. Theo cách này, tài sản trong UTMA sẽ được án toàn và không bị tính thuế.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ý chỉ Las Vegas

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Nguyên gốc “line of credit”: mức tiền cao nhất ngân hàng có thể cho bạn vay sau khi ngân hàng xem xét thu nhập và sự tiêu dùng của bạn

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Dmitri Dmitriyevich Shostakovich: nhà soạn nhạc và nhạc công piano xuất chúng người Nga ở thế kỉ hai mươi.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tên một bộ phim câm thuộc thể loại kinh dị nổi tiếng.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Một loại thuốc giảm đau, an thần.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Một ca khúc của ban nhạc The Beatles.
     
    dongtrang and tducchau like this.
  20. dongtrang

    dongtrang Lớp 5

    Rất khâm phục bạn đã dịch tác phẩm này. Rất tiếc còn vài lỗi nhỏ, tôi sợ mai này khi bạn dịch xong không có thời giờ để kiểm lại nên mới mạo muội góp ý.
    The absurd does not liberate; it binds
    bạn dịch là Sự khác người không giải phóng ta; nó bó buộc ta.Tôi nghĩ the absurd dịch là sự phi lý thì đúng hơn. Câu này trích trong tác phẩm Thần Thoại Sisyphe của Albert Camus và trong tác phẩm này Camus đã đề ra lý thuyết về sự phi lý và được tiểu thuyết hóa trong tiểu thuyết Kẻ xa lạ.
     
    bun_oc, ngantrang0811 and hanhdb like this.

Chia sẻ trang này