Y học - Sức khỏe Tiếng lóng trong bệnh viện ở Bắc Mỹ

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi DeanN, 26/2/16.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. DeanN

    DeanN Mầm non

    Trong bất kỳ nhóm người làm việc với nhau, ngoài tiếng chính thức trong giao tiếp mà ai cũng hiểu, còn có những cụm từ mà chỉ có nhóm người đó dùng và hiểu với nhau mà thôi. Đó là tiếng lóng (slang, jargon, hay argot).

    Trong ngành y cũng vậy, trong các bệnh viện Bắc Mỹ, tiếng lóng được dùng để nói với nhau, nhưng cấm kỵ nói với bệnh nhân. Tiếng lóng cấm dùng trong văn bản, vì các cụm từ phần lớn được cho là có tính khôi hài nhưng không kém phần mạ lỵ. Có 2 nguyên cớ chính làm tiếng lóng phát triển: một là không cho người ngoài nghề hiểu "nội bộ" đang nói gì, và hai là làm cho dân trong nghề trở nên thân thiện và gắn bó hơn.

    Vì các tiếng lóng chỉ lưu truyền trong bệnh viện và không được viết ra, đến nay chưa có cuốn tự điển chính thức nào giải mã chúng. Ngay dân mới vào bệnh viện cũng không biết, rồi học dần qua lối "truyền khẩu". Có những tiếng lóng chỉ lưu hành trong một bệnh viện, nhưng có nhiều tiếng lóng lan truyền khá phổ biến trên khắp các bệnh viện ở Bắc Mỹ nhờ sự "truyền nhiễm" của bác sĩ, sinh viên, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên bệnh viện. Bên dưới là bảng tiếng lóng thông dụng kèm theo chú giải. Chắc chắn bảng tiếng lóng này còn phải được cập nhật, vì theo thời gian, một số cụm từ sẽ bị đào thải và một số khác sẽ phát sinh.

    Vì tiếng lóng không có trong chương trình giảng dạy y khoa nên ban giảng huấn của các trường đại học y khoa của Mỹ và Canada cảm thấy không chịu trách nhiệm về nó cho đến năm 1995, xuất hiện một trào lưu chống sử dụng tiếng lóng trong giới bác sĩ. Một khái niệm mới nẩy sinh lúc ấy gọi là professionalism, tạm dịch là "tác phong chuyên nghiệp", mà người có tác phong chuyên nghiệp thì phải tôn trọng bệnh nhân và không được nói tiếng lóng! Thế là các Y Sĩ Đoàn, các ban giảng huấn, ban điều hành bệnh viện ra sức cổ võ tác phong chuyên nghiệp trong ngành y qua các điều lệ, qui định, giáo huấn... Nhưng các biện pháp đó không triệt tiêu nổi tiếng lóng mà chỉ làm cho người ta sử dụng cẩn thận hơn. Nhiều trường hợp chứng minh một chút khôi hài đúng chổ, đúng lúc trong ngôn từ là cách nhanh nhất để hoá giải sự căng thẳng trong môi trường làm việc.

    Sau đây là một số tiếng lóng khá thông dụng trong các bệnh viện Bắc Mỹ:

    Beemer: bệnh nhân “siêu” béo, lấy từ chữ BMI (Body Mass Index), có khi còn bị gọi là whale (cá voi).

    Bouncing: trả bệnh, đưa bệnh lại chổ gởi. Xem thêm chữ buffing và turfing.

    Box:to box somebody: cho khai tử, nghĩa đen: vô quan tài.

    Buffing: chữa qua loa trước khi đẩy bệnh qua chổ khác. Xem thêm chữ turfing và bouncing.

    Bunker: phòng họp kín của các bác sĩ và sinh viên y khoa để giao ban, bệnh nhân không được vào! (Nghĩa đen: hầm phòng thủ)

    Cockroach: bệnh nhân ra vào phòng cấp cứu thường xuyên, nghĩa đen: con dán. Tên đẹp hơn: frequent flyers= khách bay thường xuyên.

    Code Brown: để khỏi làm cho mọi người lo sợ, loa phóng thanh trong bệnh viện thường gọi người có trách nhiệm bằng những ám hiệu như Code Blue (có người đang ngưng tim, xanh mặt), Code Red (có khói hoặc cháy), Code White (có bạo hành trong bệnh viện, tái mặt), Code Yellow (có bệnh nhân đi lạc)... Vậy Code Brown là gì? Đó là có bệnh đang làm một bãi trong quần. Đây là từ rất tượng hình nhưng không chính thức và không bao giờ phát trên loa phóng thanh cả! Chỉ sử dụng trong trại cho văn hoa và để nhắc khéo cho người có phận sự biết.

    Departure lounge: in the departure lounge: nằm trong phòng hay khu riêng, đang chờ chết.

    Discharged up: the patient was discharged up: bệnh nhân tử vong, nghĩa đen: chầu trời. The patient was discharged hoặc The patient was discharged home: bệnh nhân được xuất viện (còn sống)

    ECU: na ná như ICU= Intensive Care Unit (trại Săn Sóc Đặc Biệt), còn ECU =Eternal Care Unit (trại Săn Sóc Vĩnh Hằng), có nghĩa là chết. The patient is being transferred to the ECU.

    FTD: Failure to die, ám chỉ bệnh nhân chưa chịu chết!

    GOMER: Get Out of My Emergency Room”. Ám chỉ tống bệnh nhân ra khỏi phòng cấp cứu.

    High Five: cách nói trớ cho chữ HIV, ám chỉ bệnh nhân nhiểm siêu vi bệnh SIDA.

    Hollywood Code: biết là bệnh nhân không sống nổi, nhưng vẫn làm bộ cấp cứu cho người nhà thấy. Can we do a Hollywood code?

    LGFD: Looks Good From Door, khám chiếu lệ, từ đàng xa đã thấy bệnh nhân không có gì trầm trọng.

    Peek-and-shriek: đưa bệnh lên bàn mổ, mở ra rồi đóng lại, vì không làm gì được.

    PITA: một loại bánh mì tròn và dẹp dân vùng Trung Đông và Địa Trung Hải hay ăn. Nhưng đây có nghĩa là “Pain In The Ass”= nhức đít. Thành ngữ hay dùng khi bày tỏ có người hay một sự việc nào đó làm ta khó chịu mà ta không nói ra được.

    Princess: sản phụ vừa nhập viện đã đòi đẻ không đau bằng tê ngoài màng cứng.

    Purse: cái bóp: chổ dấu thuốc (phiện) trong cơ thể. Brown purse: trực tràng. Pink purse: âm đạo.

    Schizze: bệnh nhân tâm thần phân liệt (schizophrenia).

    Splitter hoặc Borderline: loại bệnh nhân có hành động tách nhân viên y tế thành 2 nhóm và đối xử ngược nhau, kính trọng và dịu dàng với nhóm A, độc ác và trân tráo với nhóm B, nhưng danh sách A, B có thể chuyển đổi bất ngờ.

    Turfing, Dumping: đẩy bệnh hay đùn bệnh, đưa bệnh qua chổ khác. Xem thêm chữ buffing và bouncing. Ngược lại ở Việt Nam thì có chuyện giữ bệnh, chưa tìm ra chữ!

    Yellow submarine: bệnh nhân xơ gan cổ chướng. Nghĩa đen: tàu ngầm vàng, lấy từ tên một bài hát nổi tiếng của ban nhạc The Beatles.

    Zap: cho sốc điện trong điều trị bệnh tâm thần, nghĩa đen: giết nhanh bằng xẹt điện.

    Cùng đồng nghiệp với nhau, nhưng chưa chắc hài lòng nhau. Khi chê sau lưng một đồng nghiệp là dốt hoặc dõm, họ gọi người ấy là moron hoặc bozo (đần). Các bác sĩ chuyên khoa khác nhau cũng có thể bị gọi “xốc hông” bằng những từ khá khôi hài và không được mỹ miều cho lắm. Tỉ dụ: bác sĩ ngoại khoa bị gọi là butchers (đồ tể), hay cowboys (cao bồi) vì operate first, ask questions later (mổ trước, hỏi bệnh sau). Bác sĩ nội khoa thì bị gọi là pill pushers (người ép uống thuốc), hay tệ hơn nữa, fleas (bọ chét=hay bu vào). Bác sĩ gây mê hồi sức thì là gas passers (người cho hơi ngạt). Bác sĩ ngoại tiết niệu là plumbers (thợ ống nước), hay pecker checkers (người kiểm tra dương vật). Văn hoa hơn cả là bác sĩ chỉnh hình được gọi là FOOBA viết tắt của chữ found on ortho barely alive, có nghĩa là bệnh trong khu chỉnh hình rồi thì hiếm sống lắm. Nguồn gốc của biệt danh này là vì các bác sĩ chỉnh hình tuy rất giỏi về xương khớp, nhưng lại mù tịt về các điều trị khác. Nhiều khi họ cho dịch truyền hay cho thuốc làm chết bệnh mà không biết chính mình làm chết bệnh nhân!

    Trích từ cuốn "Giao Tiếp bằng tiếng Anh trong ngành Y" (Communication in English for Vietnamese Health Professionals) phát hành trên mạng Amazon.
     
  2. Nhao123

    Nhao123 Mầm non

    Anh/ chị ơi cho em hỏi anh/chị có file pdf quyển sách trên không ạ? Cho em xin với ạ!
     
  3. thichankem

    thichankem Moderator Thành viên BQT

    Khu vực này dành cho tủ sách, không biết chủ topic có file ebook không? Nếu không mình xin phép chuyển topic sang khu vực giới thiệu sách.

    Trân trọng,
    BQT.

     
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này