Trà phiếm Trách-am ngẫu-tập (窄庵偶集)

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Uillean, 6/2/22.

Moderators: amylee
  1. Jhett

    Jhett Banned

    SI NHÂN THUYẾT MỘNG

    Cali năm nay mưa nhiều, qua cầu thấy con sông nước tràn đầy, ngập bờ hai bên. Trong thơ từ cổ điển có khá nhiều danh cú nói đến sông nước mùa xuân. Như câu nổi tiếng của Nam Đường hậu chủ Lý Dục :

    問君能有幾多愁,Vấn quân năng hữu kỷ đa sâu,
    恰似一江春水向東流。Cáp tự nhất giang xuân thủy hướng Đông lưu.

    Hỏi lòng chàng có thể có được bao nhiêu sầu,
    Đáp rằng đầy như một dòng sông xuân chảy hướng về Đông.

    Hoặc như Tần Quán nói mạnh hơn :

    便做春江都是淚,Tiện tố xuân giang đô thị lệ,
    流不盡許多愁。Lưu bất tận hứa đa sầu.

    Cho dù cả dòng sông mùa xuân biến thành lệ,
    Cũng trôi chẳng hết bấy nhiêu sầu.

    Thơ ca trung đại An Nam cũng thấy nhắc đến hai chữ “sông xuân” (春江). Như của Lê Quýnh, một trung thần nhà Lê kháng Tây Sơn, có câu :

    誰將一掬春江水,Thùy tương nhất cúc xuân giang thủy,
    為洗山河萬里腥。Vị tẩy sơn hà vạn lý tinh.

    Ai sẽ vốc lấy nước sông xuân,
    Rửa sạch vạn dặm sơn hà khỏi giống hôi tanh.

    Năm nay về Cali, tận mục sở thị con sông xuân tràn đây, nghĩ đến cảnh giới trong những câu thơ trên thật là thấy sống động hơn nhiều.

    Thế mà chiều hôm qua, ngủ gà ngủ gật, chợt có giấc mơ khá dễ thương : Trong mơ thấy dắt tay một đứa bé, cùng nhau tựa bên hiên, xa ngắm con sông tràn đầy, cả hai đều mặc áo dài đen, trên đầu vấn khăn. Tôi nhìn ra phía xa mà nói : Từ khúc của Nam Đường trung chủ Lý Cảnh có đoạn rằng :

    菡萏香銷翠葉殘,Hạm đạm hương tiêu thúy diệp tàn,
    西風愁起綠波間。Tây phong sầu khởi lục ba gian.
    還與韶光共憔悴,Hoàn dữ thiều quang cộng tiều tụy,
    不堪看。Bất kham khan.

    Hương nhạt sen phai lá lục tàn,
    Gió thu sầu gợn sóng hồ lan.
    Cùng bóng thiều quang chung ảm đạm,
    Ngắm khôn đang.

    Con thấy thế nào ? Tại sao đứng trước cảnh ấy mà không nỡ nhìn ?

    Đứa bé đáp : Dạ, con không biết !

    Tôi cười, cúi xuống âu yếm nhìn đứa bé mà nói : Thế con trai đã học tới sách Mạnh Tử chưa ?

    Đứa bé đáp : Dạ chưa !

    Tôi lại đứng lên thẳng nhìn xa xa về đâu đó, bắt đầu giảng bằng giọng nghiêm : Thầy Mạnh nói – Quân tử chi ư cầm thú dã, kiến kỳ sinh, bất nhẫn kiến kỳ tử. Lòng nhân của bậc quân tử đối với chim muông là như thế đấy. Huống chi hoa cỏ cũng là loài có sinh có tử, cho nên đã thấy cái rực rỡ cái tươi đẹp của chúng, lại không nỡ nhìn cái tiều tụy cái tàn tạ của chúng vậy. Con thấy đó, làm thơ văn hay, trước hết cũng phải có lòng nhân, cũng phải học lấy từ sách thánh hiền.

    Chợt tỉnh dậy, không biết bao giờ giấc mơ đó sẽ trở thành hiện thực nhỉ ? Trong mơ mà vẫn lảm nhảm thơ từ, sắp tẩu hỏa nhập ma rồi !

    【Trách-am Nguyễn-thụy-Đan】
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/10/22
  2. Jlfrn

    Jlfrn Banned

    BẢO-XÍCH TIỆN-NGÂM

    Được-thua thời bởi tại trời ; Chớ thấy sóng-cả mà dời tay ra” – Đông-la Đỗ-huy-Liêu (杜輝寮, 1845 – 1891). Bảo-xích tiện-ngâm (保赤便吟), văn-bản chữ Nôm in năm 1901, Trách-am Nguyễn-thụy-Đan phiên-âm quốc-ngữ năm 2016, Châu-Hải-đường tiên-sinh phủ-chính.


    [​IMG]

    Sách này nguyên là một cuốn gia-huấn ngắn, viết theo điệu lục-bát cho dễ đọc dễ nhớ. Nội-dung tuy không có gì nổi-bật, song cũng là tác-phẩm để đời của cụ Đỗ Đông-la. Tôi vì nặng lòng với công-nghiệp nhà Nguyễn, không nỡ để thơ-văn của một bậc trung-thần tiền-triều mai-một chẳng còn vết-tích. Nhờ ơn thầy Đàm-quang-Hưng và Châu-Hải-đường tiên-sinh, việc phiên-âm đã hoàn-tất. Giờ còn một-đôi chỗ phải chú-thích từ-vựng Hán-ngữ, và các khái-niệm Nho-gia được tác-giả đề-cập đến trong bài huấn-ca. Sẽ trích-dịch thêm vài đoạn ngắn của Tống-Nho bàn về phép dạy trẻ-con. Đoạn rồi tựu-chính vu độc-giả vậy.

    Tôi vốn dốt-nát, mù chữ. Năm mười tám tuổi mới bắt-đầu học chữ từ các cuốn sách dành cho nhi-đồng. Như là Tam-thiên tự – Thiên-trời, địa-đất, nhân-người ; như là Tam-tự kinh – Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn / Người chưng xưa, tính vốn lành, tính cùng gần, tập cùng xa. Tự biết tính-tình vốn lười-biếng, mà kiến-thức thiển-cận nên hai-ba năm đèn sách không lúc nào dám buông-bỏ. Vì thế, sau này hầu truyện các bậc cao-nhân vận-sĩ, người-ta nói mười mình cũng hiểu được một. Song-le thảy đều nhờ có duyên gặp được nhiều bậc thầy hạ-cố đến, không từ-chối những câu-hỏi ngớ-ngẩn của kẻ ngu-hèn này vậy. Đức Khổng vào thái-miếu, tuy là người am-tường lễ-nghi, nhưng gặp cái gì cũng hỏi. Thánh-nhân còn như thế, huống-hồ kẻ phàm-phẩm như Đan tôi đây. Không biết lấy chi mà cảm-tạ, đành gặng viết vài dòng thô-thiển vậy !

    【Trách-am Nguyễn-thụy-Đan】
     
  3. Jlfrn

    Jlfrn Banned

    LẠI NÓI VẤN NẠN DỊCH HÁN VĂN

    Gần đây, đọc dịch văn (Cổ Hán văn sang Việt văn) của một số dịch giả trong nước, thấy nhiều chỗ dịch qua loa, hoặc phải nói là dịch ngớ ngẩn. Đơn cử một đoạn trong cuốn Tản mạn xứ kim chi của Đào Thị Mỹ Khanh, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn – 2013, nguyên văn Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (慵齋叢話) của Thành Hiện (成俔, 1439 – 1540) : “Đôn lự dương đạo suy. Mỗi trảm bạch mã hanh. Hoặc khoái khưu dẫn nhi thực chi. Nhược kiến hoàng cẩu thương ưng. Ngạc nhiên kinh cụ. Thời nhân dĩ vi lão hồ tinh” (旽慮陽道衰。每斬白馬莖。或膾蚯蚓而食之。若見黃狗蒼鷹。愕然驚懼。時人以爲老狐精).

    Trong sách dịch là : “Tân Đôn sợ dương khí của mình bị suy giảm nên đã ăn sống trùng đất và bộ phận sinh dục của ngựa đực trắng. Nếu nhìn thấy chó vàng hay chim ưng thì hắn bỗng nhiên run lẩy bẩy và sợ hãi. Người dân trong vùng lúc bấy giờ cho rằng đó là tình yêu của một con cáo già“. Chú thích : Phần này đương kể về Tân Đôn (辛旽, 1322 – 1371), một thầy tăng đầy quyền uy và có tật hoang dâm sống ở thời Cao Ly mạt.

    Tôi xin dịch nghĩa : “Đôn lo dương đạo bị suy. Thường chặt dương vật ngựa trắng hoặc thái giun đất mà ăn. Nếu như [hắn] thấy chó vàng [và chim] ưng xanh ắt hoảng hốt sợ hãi. Người bấy giờ cho rằng hắn là con hồ tinh“. Theo thiển kiến của tôi, bản dịch của Hội Nhà Văn sai về tiểu tiết lẫn đại tiết.


    [​IMG]

    a. Tiểu tiết : “Dương đạo” (陽道) hoặc “dương vật” (陽物) chỉ bộ phận sinh dục của nam giới, khác nghĩa với dương khí (陽氣) ; Nguyên văn không có chi tiết “ăn sống trùng đất”, chỉ nói là chặt dương vật của con ngựa màu trắng và thái nhỏ các loài giun đất để ăn (每斬白馬莖或膾蚯蚓而食之) ; “Hoàng cẩu thương ưng” (黃狗蒼鷹) dịch thành “chó vàng hay chim ưng” thì thiếu chi tiết “chim ưng xanh” (蒼鷹).

    b. Đại tiết : Dịch câu “Thời nhân dĩ vi lão hồ tinh” (時人以爲老狐精) thành “Người dân trong vùng lúc bấy giờ cho rằng đó là tình yêu của một con cáo già” là sai hoàn toàn, và cũng không hợp lý trong ngữ cảnh này. Nếu hiểu là “tình yêu của một con cáo già” thì tại sao hắn lại phải run sợ khi thấy chó vàng ưng xanh ? Không hợp lý ! Mà nên hiểu rằng, người đương thời thấy hắn run sợ như thế nên cho hắn là một con hồ tinh.

    【Trách-am Nguyễn-thụy-Đan】
     
    vinhhoa thích bài này.
  4. Jlfrn

    Jlfrn Banned

    THÊM MỘT BIỂU HIỆN PHI TÔN TRỌNG QUÁ KHỨ

    Đọc “Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link”, tôi rất tán thành sự công phu của soạn giả kiêm dịch giả Chương Thâu – phi là bậc hiếu học nhiệt tâm, không thể hoàn thành một công trình lớn lao như thế. Bộ sách này có phụ lục nguyên bản Hán văn để độc giả tiện đối chiếu, rất tiếc nhiều chữ viết lộn, ví dụ : /chứng/証 (chứng cứ) → /chinh/怔 (run sợ), /vũ/雨 (mưa) → /lưỡng/兩 (đôi). Cụ Sào Nam viết Hán văn vốn đã lủng củng nửa Hán cổ nửa Bạch thoại, lại thêm cái nạn biên tập ẩu hiện nay, thật là phiền độc giả quá. Lại thêm một điều, dịch giả thường dịch thoát, tức là không sát từng câu chữ trong nguyên bản.

    Chẳng hạn, trích “Thư kính-trình Việt-trấn Tổng-binh Lưu Uyên-đình Quân-môn Vĩnh-Phúc – Xin được giới-thiệu với nhân-sĩ thành Quảng-đông” (上南澳鎮總兵劉淵亭軍門永福祈為介紹於粵城人士書) : “Ô hô, ngã Hoàng Đế sổ thiên niên dĩ lai chi nhân chủng ư lịch sử thượng chi quan hệ giả thục nhược ngã Trung Quốc chi dữ tệ quốc Việt Nam tai. Ngã Trung Quốc chi dữ tệ quốc Việt Nam kỳ vi thiên niên dĩ lai lịch sử chi phụ tử huynh đệ chi tình nghị, hựu thục nhược ngã Trung Quốc quý tỉnh Quảng Đông chi dữ tệ quốc tai. Thiên hồ thiên hồ. Hải tang trầm lục, phụ bất năng hữu kỳ tử, huynh bất năng hữu kỳ đệ” (嗚呼我皇帝數千年以來之人種於歷史上之關係者孰若我中國之與敝國越南哉我中國之與敝國越南其為千年以來歷史之父子兄弟之情誼又孰若我中國貴省廣東之與敝國哉天乎天乎海桑沉陸父不能有其子兄不能有其弟).


    [​IMG]

    Chương Thâu dịch như sau : “Than ôi ! Mối quan hệ lịch sử về dòng giống từ Hoàng Đế mấy nghìn năm đến nay thì không có nước nào bằng Trung Quốc và Việt Nam. Mối tình thâm hậu như anh em trải nghìn năm giữa Trung Quốc và Việt Nam thì không gì bằng mối tình giữa quý tỉnh Quảng Đông Trung Quốc với nước Việt Nam nhỏ bé chúng tôi. Trời hỡi ôi ! Trời hỡi ôi ! Chìm nổi bãi bể nương dâu, cha không thể gặp lại con, anh không thể gặp lại em”.

    Bản dịch này có một vấn đề khá thú vị. Cụ Chương Thâu lược bớt tiểu tiết khi dịch sang quốc ngữ, thế nhưng không có những tiểu tiết ấy có thể khiến độc giả hiểu lầm hoặc hiểu không hết đoạn văn trên :

    1. Khi nhắc đến mối liên hệ Trung Quốc – Việt Nam, cụ Sào Nam bao giờ cũng viết “Ngã Trung Quốc” và “tệ quốc Việt Nam”, nghĩa là “Trung Quốc ta” và “tệ quốc Việt Nam”. Tự xưng nước mình là tệ quốc chỉ là cách nói khiêm, không nên xem là tự ti. Thế nhưng, cụ Sào Nam nói “Trung Quốc ta” tựa hồ đang tỏ mối đồng cảm với tướng quân Lưu Vĩnh Phúc, nhắc lại rằng Trung Quốc và Việt Nam là hai nước đồng văn, chung một cội nguồn văn hóa. Chương Thâu không dịch “ngã”, cũng không dịch “tệ quốc”.

    2. “Ngã Trung Quốc chi dữ tệ quốc Việt Nam kỳ vi thiên niên” nghĩa là “Tình nghị cha con, anh em trải nghìn năm giữa Trung Quốc ta với tệ quốc Việt Nam”. Rõ ràng cụ Sào Nam nói, mối liên hệ Trung Quốc – Việt Nam có thể sánh với tình cảm của cha con và anh em. Thế mà Chương Thâu dịch thành “Mối tình thâm hậu như anh em”, lược bỏ “cha con”. Dịch như vậy đã không thể chấp nhận được (với tư cách nghiên cứu gia), lại tiếc rằng khiến cho độc giả dễ hiểu lầm câu sau “Phụ bất năng hữu kỳ tử” khi Chương Thâu dịch thành “Cha không thể gặp lại con, anh không thể gặp lại em”. Vì đoạn trên không dịch “cha con”, độc giả đi đến đoạn này chỉ hiểu mang máng rằng nước Việt gặp buổi loạn lạc, gia đình ly tán, cha con anh em không thể gặp được nhau ; vô hình trung cả bài văn tối nghĩa hẳn. Cứ theo ngữ cảnh trong nguyên văn, phải hiểu cha không thể gặp lại con, anh không thể gặp lại em là đang nói về Trung Quốc (cha – anh) và Việt Nam (con – em).

    【Trách-am Nguyễn-thụy-Đan】
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/10/22
    vinhhoa thích bài này.
  5. Jlfrn

    Jlfrn Banned

    NGẪM VỀ VỤ THÀNH-KỲ-Ý ĐẠO VĂN

    Năm tôi lên đại học, bố tôi tặng cho cuốn “Đại Học thuyết minh” (大學說明) của cụ Lý Minh Tuấn. Cùng một năm đó, mẹ tôi lại tặng cho 4 cuốn “Tứ Thư bình giải” (四書平解), “Dịch Học tân thư” (易學新書), “Đạo Đức Kinh giải luận” (道德經解論), và “Chúa Giê-su qua cái nhìn từ Đông phương” của Lý tiên sinh. Nhờ cái sự phủ dục chu đáo của bố mẹ, tôi may mắn có được đầy đủ sách vở để tìm hiểu đạo thánh hiền thuở xưa. Đặc biệt, tôi riêng yêu sách của Lý tiên sinh, vì bản thân tôi cũng là người sùng đạo Thiên Chúa. Nhờ có sách của Lý tiên sinh, tôi đã từng học thuộc lòng sách “Đại học” (大學), có thể đọc từ đầu đến cuối mà không cần nhìn sách.

    Trong “Đại học” có câu : “Tử viết : Thính tụng ngô do nhân dã, tất dã sử vô tụng hồ” (子曰:聽訟吾猶人也,必也使無訟乎). Lý Minh Tuấn dịch : “Đức Khổng nói : Xử kiện ta cũng như người, ắt là phải khiến cho không có việc kiện chứ”. Hôm nay mới nghe đến vụ tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử “Thành kỳ ý” (誠其意) đạo văn của Lý tiên sinh, tôi giật mình mà thấy thương cho cụ. Cứ điều tôi được biết, cụ năm nay cũng không còn trẻ, lâu nay ở ẩn, chẳng ham hư danh ở đời, giờ bị lôi vào truyện thị phi thật không đáng, há chẳng trớ trêu lắm ru. Việc tác giả “Thành kỳ ý” đạo văn là sự hiển nhiên không có ai có thể chối cãi được, nhưng sự thực là tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Không có lỗi nào là khó sửa đổi được, huống hồ việc nhỏ nhoi này. Chữ rằng : “君子之過也,如日月之食焉:過也,人皆見之;更也,人皆仰之” (Người quân tử có lỗi thì như nhật thực, nguyệt thực : Có lỗi thì ai cũng thấy ; sửa lỗi rồi, thì ai cũng ngưỡng vọng — Không rõ dịch giả là ai). Tôi mong tác giả sớm tạ lỗi Lý tiên sinh cho xong việc.

    Vả, tôi không hề để tâm “Thành kỳ ý”, cosplay… Ai khen chê, tôi càng chẳng muốn biết đến, thậm chí tôi còn chưa đọc “Thành kỳ ý”. Duy có điều, tôi mong tác giả suy ngẫm là khi đạo văn như thế không những xâm hại bản quyền (cho dù điều này tôi cũng không quan tâm lắm) nhưng quan trọng hơn, cái sự việc ấy làm cho văn của mình trở nên nghèo nàn hơn. Sách của Lý tiên sinh là ấn phẩm được viết theo lối hiện đại, dùng nhiều từ Hán-Việt hiện đại, thời xưa không hề có ; cho nên đưa đoạn dài cả trang vào trong sách lịch sử của mình, đọc lên nghe lạ lẫm lắm. Không có giọng văn thống nhất, khó tránh khỏi lỗi văn phong nửa đen nửa trắng. Mà để luyện giọng văn cổ kính, ắt phải đọc qua rất nhiều cổ thư mới lĩnh hội được bút pháp của cổ nhân. Tôi mong tác giả gắng trở lại thư phòng, tìm đọc các cuốn “Thủy hử”, “Tây sương ký”, “Hồng lâu mộng”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Hoàng Lê nhất thống chí” để mở mang tầm nhìn, đặng thấm thía cái văn phong cố cựu. Đặc biệt, “Thủy hử” do Trần Tuấn Khải dịch và “Tây sương ký” do Nhượng Tống dịch, rất hữu ích. Hai bộ này có cả lời phê của cụ Kim Thánh Thán đời Thanh, rất cần thiết cho người mê viết văn cổ phong đọc và ngẫm. Hi vọng sẽ có dịp đọc văn mới của tác giả trong tương lai. Đừng bỏ cuộc !


    [​IMG]

    【Trách-am Nguyễn-thụy-Đan】
     
    vinhhoa thích bài này.
  6. Juppe

    Juppe Banned

    BÀN VỀ THI ĐIỆU

    Ngày mong tắt.
    Cây thu mấy ngọn chơ vơ,
    Cùng chờ đón hoàng hôn.
    Lạnh lùng cơn gió chiều hôm,
    Rầu rầu ngọn cỏ buồn ôm chân trời.
    Sầu trải vạn nghìn đời :
    Bát ngát xác mây trôi.
    Héo hắt,
    Pha phôi.

    (N.T.Đ.)

    [​IMG]

    Bật tôi nghĩ thi nhân Việt Nam từ nay về sau bắt buộc phải là thi sĩ kiêm nhạc sĩ. Vì sao ? Một trong những nguyên tắc trọng yếu trong phong trào Thơ Mới sau năm 1932 là cái gọi là “điệu” và “nhạc tính”. Điệu là gì ? Nhạc tính là gì? Căn nguyên của Thơ Mới là thơ Tây, điệu và nhạc tính trong Thơ Mới cũng có căn nguyên từ nhạc Tây. Không biết nhạc Tây làm sao có đủ hiểu biết để bàn đến điệu và nhạc tính ? Tôi thường nghe người Việt chê nhạc dở rằng : “Nó cứ đều đều làm sao ấy”, “Nó cứ ngang ngang làm sao ấy”. Học lớp nhạc lý mà phân tích một bài nhạc cái kiểu đó thì bị đuổi ra liền.

    Viết Đường luật mà kiêng cô vận và khổ độc còn có cơ sở. Đến như Thơ Mới, vốn dĩ không còn theo niêm luật hoặc luật bằng trắc chặt chẽ, lấy đâu mà biết thế nào là cô vận, thế nào là khổ độc ? Chung quy vẫn chỉ là thành kiến cá nhân. Thơ hay có nhất thiết phải “êm tai” chăng ? Nhạc có lúc consonant (êm tai) có lúc dissonant (chói tai) – sự phối hợp của consonance và dissonance mới làm nên một bài nhạc. Người Việt Nam không có khái niệm này, vì nhạc truyền thống của nước Việt cũng như các nước đồng văn đều không theo quy tắc của nhạc lý Tây phương, thậm chí còn đối nghịch hoàn toàn. Một bài nhạc càng dissonant (chói tai) tức càng phong phú, càng phức tạp, thậm chí càng hay – Vì sao ?

    Ở đây phải giới thiệu khái niệm “thể dụng” trong triết học Đông phương – thể tức là thể chất của sự vật, dụng tức là công năng của sự vật. Cái “dụng” của nhạc là gì nếu không phải là để giải tỏa những nỗi niềm trầm uất trong tâm hồn? Vậy cái “dụng” của một bài nhạc có công hiệu hay không phụ thuộc không ít vào cái “thể” của bài nhạc ấy. Cổ nhân đã hiểu rất sâu sắc về điều này – vì vậy mới có sự phân biệt rõ rệt giữa lục bát (thể truyện) và song thất lục bát (thể ngâm). Trước thời Nguyễn mạt, có lẽ chỉ có mỗi Phạm Thái là nhà tiên phong xáo trộn nhiều thể (Đường luật, từ khúc, lục bát, song thất) trong cùng một tác phẩm, nhưng các nhà phê bình đều chê câu thơ lủng củng khó đọc, thành ra tên tuổi của Phạm Thái chỉ còn lưu truyền qua tiểu thuyết Tiêu Sơn tráng sĩ, chứ chẳng mấy ai đọc Sơ kính tân trang, huống chi là chịu ảnh hưởng từ bút pháp Đan Phượng tiên sinh. Thơ Phạm Thái quả thật khó đọc, nhưng có thật là dở chăng ? Trong nhạc giáo đường của Johann Sebastian Bach (1685 – 1750) khi đề tài của một bài thơ liên quan tới ma quỷ, tội lỗi, hoặc sự chết, v.v. thì phần phổ nhạc thường trở nên chói tai, quái dị, kinh tởm. Sớm hơn nữa có nhạc của Carlo Gesualdo (1566 – 1613), một công tử phú quý kiêm sát thủ bạc mệnh. Cả nhạc đời lẫn nhạc đạo của Gesualdo cũng chứa đây những đoạn chói tai đến nỗi ban đầu các nhà nghiên cứu còn không tin nổi tác phẩm của ông ấy đã xuất hiện sớm đến thế. Nhạc hay có nhất thiết phải êm tai chăng? Không. Thơ hay có nhất thiết phải êm tai chăng ?

    Không !

    【Trách-am Nguyễn-thụy-Đan】
     
  7. Juppe

    Juppe Banned

    TRÁCH AM NGỮ LỤC

    【Trách-am Nguyễn-thụy-Đan】

    晦庵有云曰:「孟軻沒、大道不傳。」若是此語,則漢唐五代便無人矣,其可信否?孔孟出處騷亂之秋,而百家諸子林立焉。程朱現藏臨危之邦,而萬世後學萌芽焉。天下有道則為世用,无道則退而精其所學以待時耳。是謂世愈病,士愈困焉。士愈困,學愈精焉。天地間一刻而全然無道統,一刻而全然無聖賢,未之有也。但有幽明遠近大小微著而已矣。上士尚古通今,中士好古樂今,下士或泥古疾今或醉今蔑古耳。齊古今而守其一以觀其變,非樹立之英雄豪傑則不能。

    Hối-am hữu vân viết: “Mạnh Kha một, đại Đạo bất truyền.” Nhược thị thử ngữ, tắc Hán, Đường, Ngũ-Đại tiện vô nhân hỹ, kỳ khả tín phầu? Khổng Mạnh xuất-xử tao-loạn chi thu, nhi bách-gia chư-tử lâm-lập yên. Trình Chu hiện-tàng lâm-nguy chi bang, nhi vạn-thế hậu-học manh-nha yên. Thiên-hạ hữu đạo tắc vi thế-dụng, vô đạo tắc thoái nhi tinh kỳ sở học dĩ đãi thì nhĩ. Thị vị thế dũ bệnh, sĩ dũ khốn yên. Sĩ dũ khốn, học dũ tinh yên. Thiên địa gian nhất khắc nhi toàn-nhiên vô đạo-thống, nhất khắc nhi vô thánh-hiền, vị chi hữu dã. Đãn hữu u-minh, viễn-cận, đại-tiểu, vi-trước nhi dĩ hỹ. Thượng-sĩ thượng cổ thông kim, trung-sĩ hiếu cổ lạc kim, hạ-sĩ hoặc nệ cổ tật kim hoặc túy kim miệt cổ nhĩ. Tề cổ kim nhi thủ kỳ nhất dĩ quan kỳ biến, phi thụ-lập chi anh-hùng hào-kiệt tắc bất năng.

    Hối-am có lời rằng: “Mạnh Kha mất, Đạo cả chẳng được truyền.” Ví bằng cho lời này là phải, ắt Hán, Đường, Ngũ Đại chẳng có một người nào đáng kể vậy, có thể tin chăng? Khổng Mạnh xuất-xử trong thời buổi rối loạn, thế mà bách-gia chư-tử mọc lên như rừng. Trình Chu hiện-tàng trong nước đang lâm-nguy, thế mà hậu-học của muôn-đời nẩy mầm. Thiên-hạ có đạo ắt được đời sử-dụng. Vô đạo, ắt lui mà trau giồi sở-học cho tinh-tế để chờ thời vậy. Cho nên nói đời càng tồi bại, kẻ sĩ càng khốn cùng. Kẻ sĩ càng khốn cùng, sở-học càng tinh luyện. Trong khoảng trời đất, một khoảnh khắc mà toàn-nhiên không có Đạo-thống, một khoảnh khắc mà toàn-nhiên không có thánh-hiền, chưa từng có vậy. Chỉ có lúc sáng lúc tối, lúc xa lúc gần, lúc lớn lúc nhỏ, lúc mờ lúc tỏ mà thôi vậy. Thượng-sĩ chuộng cổ mà thông kim. Trung-sĩ vừa hiếu cổ vừa thích kim. Hạ-sĩ hoặc nệ cổ ghét kim, hoặc say kim khinh cổ mà thôi. Coi cổ kim bằng nhau mà giữ được cái Nhất để xem sự biến-hóa, phi bậc anh-hùng hào-kiệt có tài-trí kiến lập, ắt chẳng được vậy.

    Hui-an had a saying, “After Mencius passed away, the transmission of the great Way ceased.” If this statement is correct, then throughout the Han, Tang, and Five Dynasties there was no one worthy of comment. Is this believable? Confucius and Mencius lived in a time of chaos and tumult, yet the hundred schools and various philosophers rose up like a forest. The Cheng brothers and Chu Hsi lived in a state facing imminent disaster, yet the shoots of future scholars for all ages were planted therein. When all-under-Heaven possesses the Tao, such men are employed by the world. When all-under-Heaven lacks the Tao, such men retreat and refine their learning in order to await the proper time. Hence, I say, the greater the world is disordered, the greater scholars suffer. The greater scholars suffer, the more their learning is refined. Throughout heaven and earth, there has never been an instant wherein the orthodox transmission of the Tao was completely lost, never an instant wherein there have been absolutely no sages and worthies. There are only vicissitudes of obscure and bright, distant and near, large and small, secret and known. The superior scholar favors antiquity but penetrates the present. The mediocre scholar has a fondness for antiquity but takes pleasure in the present. The worthless scholar either is enslaved to antiquity and hates the present or is inebriated on the present and despises antiquity. Only a real man of surpassing excellence and talent with the ability to stand on his own foundation is able to see antiquity and the present as being equal, and hence, in holding fast to its Unity, be able to examine its diversity.

    23 ◦ 03 ◦ 2016

    [​IMG]

    敵勢之日強,本朝之日衰,為士者不可不憂焉。夫,阮末儒士所以憂患者,莫大於南越之不及西洋列國也。吾民多不知西學,其所謂維新者實不過斷髮,易服,三兩事而已。余讀二潘遺集,殊覺其聾瞢於西學誠可惜哉。此兩者,當時所謂樹立之士也。然其主張大不出乎平等自由民主諸說之類,豈不見笑大方乎。後人多以歐美為仙鄉,不知其衰之甚矣。此病乃從阮末維新而生,其害百姓已非一日、不可一朝一夕而愈焉。洋人之法中國者,法孔孟老莊耳。吾民之法西洋者,法機巧刀兵耳。阮末儒士之說及西學而免乎妄言之過者,十無一二也。今人亦然矣。

    Địch thế chi nhật cường, bản triều chi nhật suy, vi sĩ giả bất khả bất ưu yên. Phù, Nguyễn-mạt nho-sĩ sở dĩ ưu-hoạn giả, mạc đại ư Nam Việt chi bất cập Tây Dương liệt-quốc dã. Ngô dân đa bất tri học, kỳ sở vị duy-tân giả thực bất quá đoạn phát, dịch phục tam lưỡng sự nhi dĩ. Dư độc nhị Phan di-tập, thù giác kỳ lung-măng ư Tây-học thành khả tích tai. Thử lưỡng giả, đương thời sở vị thụ-lập chi sĩ dã. Nhiên kỳ chủ-trương đại bất xuất hồ bình-đẳng, tự-do, dân-chủ chư thuyết chi loại, khởi bất kiến tiếu đại-phương hồ. Hậu-nhân đa dĩ Âu-Mỹ vi tiên-hương, bất tri kỳ suy chi thậm hỹ. Thử bệnh nãi tòng Nguyễn-mạt duy-tân nhi sinh, kỳ hại bách-tính dĩ phi nhất nhật, bất khả nhất triêu nhất tịch nhi dũ yên. Dương-nhân chi pháp Trung-quốc giả, pháp Khổng Mạnh Lão Trang nhĩ. Ngô dân chi pháp Tây-dương giả, pháp cơ-xảo, đao-binh nhĩ. Nguyễn-mạt nho-sĩ chi thuyết cập Tây-học nhi miễn hồ vọng-ngôn chi quá giả, thập vô nhất nhị dã. Kim nhân diệc nhiên hỹ.

    Thế giặc ngày một mạnh, triều-đình ngày một suy, làm kẻ sĩ không thể không lo lắng sự-tình ấy. Xét, nỗi ưu-hoạn của nho-sĩ thời Nguyễn-mạt, chẳng có gì lớn bằng sự kém cỏi của Nam Việt so với các nước Tây Phương. Dân ta phần lớn chẳng có học-vấn, gọi rằng “duy-tân” bất quá cắt tóc, đổi áo quần, vài ba chuyện mà thôi. Tôi đọc di-tập của nhị Phan (Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh), mới biết rõ sự hôn-muội của hai nhà ấy đối với Tây-học thật đáng tiếc thay. Hai người ấy, bấy giờ được gọi là kẻ sĩ có tài-trí tự-lập, kiến-tạo. Thế nhưng, đại phàm chủ-trương của họ chẳng đi ra ngoài loài lý-thuyết bình-đẳng, tự-do, dân-chủ, làm sao khỏi bị các nhà uyên-bác chê cười? Người đời sau phần lớn đều lấy Âu Mỹ làm chốn thần-tiên, chẳng biết sự suy-vi của Âu Mỹ đã rất thậm tệ. Bệnh này nẩy mầm từ duy-tân thời Nguyễn mạt, đã đầu độc làm hại trăm họ không phải chỉ riêng một ngày. Không thể một sớm một tối mà khỏi. Dương nhân noi phép Trung Quốc, học Khổng Mạnh Lão Trang mà thôi. Dân ta noi phép Tây dương, học cơ xảo binh đao mà thôi. Nho sĩ thời Nguyễn mạt nói đến Tây học mà miễn khỏi lỗi nói càn, trong mười người chưa tới hai ba kẻ được như vậy. Người thời nay cũng thế thôi.

    24 ◦ 03 ◦ 2016
     
    vinhhoa thích bài này.
  8. vinhhoa

    vinhhoa Lớp 7

    Cám ơn bác đã phổ biến nhiều thi liệu hay quá!
     
  9. Juppe

    Juppe Banned

    ĐÔI ĐIỀU VỀ XU HƯỚNG ĐẢ PHÁ TỐNG NHO HIỆN NAY

    Thi thoảng lướt FB thấy người này người kia trích dẫn lời tiền nhân viết về Trung Quốc, về Nho giáo… Gần đây có khá nhiều người chia sẻ một đoạn văn của cụ Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link nói rằng : “Khổ nhất là cúi đầu nhắm mắt mà bắt chước cả cái học vấn luân lý của bọn Tống nho và rước lấy cái độc hại mê mộng khoa cử, khiến cho dân khí hèn yếu, quốc vận suy vi, rồi thì thầy sao trò vậy, dính chùm với nhau một lũ hư hèn chìm đắm như ngày nay“.

    [​IMG]

    Có khá nhiều học giả sống cùng thời với Đào tiên sinh cũng lên án Tống nho như vậy. Nhưng thời nay khác buổi “tân cựu giao thời” của các cụ, chúng ta muốn được lớn lên thì phải có cái nhìn xa rộng hơn các cụ. Như vậy mới khỏi phụ lòng tiền nhân và làm tội nhân của học giả đời trước vậy. “Tống nho” (宋儒) tức là nền nho học thời nhà Tống. Tuy sống cùng thời đại, nhưng các nhà ấy đâu phải không có những sự khác biệt giữa ông này ông kia, phái này phái nọ. Nói Tống nho là đang nói ai ? Chu Đôn Di ? Anh em Trình Hạo, Trình Di ? Chu Hi ? Trương Tải ? Tư tưởng của Trương Tải khác tư tưởng của nhị Trình và Chu Hi , vậy lên án Tống nho là lên án phái nào ?

    Chung quy, có lẽ người Việt hay đổ tội cho Tống nho chỉ vì nó nhấn mạnh luân lý, triết lý, viết văn rất khó hiểu, rất “khó nhai”, đòi hỏi độc giả phải suy niệm thật lâu mới ngộ được. Hiểu sai, áp dụng sai, chịu hậu quả xấu, lại đổ thừa cổ nhân. Có lẽ các cụ trước đây chửi Tống nho vì họ muốn theo cái lối học của “Tây phương”, nhưng nên nhớ, “Tây” cũng không chỉ có một “Tây”. Vả, vẫn nhầm lẫn “Tây” = “tân”, “ta” = “cựu”. Học giả Tây phương đến ngày nay vẫn nghiên cứu Tống nho, viết lách về Tống nho, vẫn có hội thảo quốc tế về Tống nho, thậm chí nhiều người rất kính mộ Tống nho và coi triết lý của nó ngang hàng với một số triết gia Tây phương thượng thặng.

    Thiên hạ vạn quốc chắc chỉ có Việt Nam vẫn ngồi đó mà chửi Tống nho, trong khi người Việt đời nay chả ai biết Tống nho cụ thể là cái gì. Trứ tác của Trương Tải, Chu Đôn Di, nhị Trình, Chu Hi hầu chưa chưa có một bộ nào được dịch ra tiếng Việt cả. Với trình độ đọc và học Hán văn quá kém cỏi hiện nay của dân Việt Nam, tôi không rõ nếu lục tung khắp nước liệu tìm nổi một trăm người có khả năng đọc và hiểu Tống nho hay không. Không đọc, không hiểu mà vẫn chửi. “Dân khí hèn yếu, quốc vận suy vi, rồi thì thầy sao trò vậy, dính chùm với nhau một lũ hư hèn chìm đắm như ngày nay” là ở đây chứ nào phải ở Tống nho cố cựu kia ? TOLLE ET LEGE – “Hãy cầm và đọc !”.

    【Trách-am Nguyễn-thụy-Đan】
     
    amylee thích bài này.
  10. Juppe

    Juppe Banned

    TẠI GIA GIẢ, XUẤT GIA GIÃ

    Hôm nay tình cờ đọc một câu cụ Ngô Sĩ Liên bình về vua Trần Nhơn Tông : 獨出家一事不合中庸之道,賢者過之也 (Độc xuất gia nhất sự bất hợp trung dung chi đạo, hiền giả quá chi giã / Riêng một chuyện xuất gia không hợp đạo trung dung, kẻ hiền cho là lỗi vậy).

    [​IMG]

    Nguyễn mỗ xin mạo muội góp thêm với lời bình của cụ Ngô :

    何過之有。張子曰:盡人道則可以事天。此出家之謂也。事親者本也。事天者末也。孟子云:禹稷當平世三過其門而不入孔子賢之。其非出家耶。父生母鞠故謂之親也。夫天覆地載其猶父母之懷也歟。是以在家以事親出家以事天。兩者並不自相矛盾。不事其親而能事天者未之有也。

    Hà quá chi hữu ? Trương tử viết : “Tận nhân đạo tắc khả dĩ sự thiên”. Thử xuất gia chi vị giã. Sự thân giả bản giã, sự thiên giả mạt giã. Mạnh tử vân : “Vũ tắc đương bình thế, tam qua kỳ môn nhi bất nhập ; Khổng tử hiền chi”. Kỳ phi xuất gia da ? Phụ sinh mẫu cúc cố vị chi thân giã. Phù, thiên phú địa tải, kỳ do phụ mẫu chi hoài giã dư. Thị dĩ, tại gia dĩ sự thân, xuất gia dĩ sự thiên. Lưỡng giả tịnh bất tự tương mâu thuẫn. Bất sự kỳ thân nhi năng sự thiên giả, vị chi hữu giã.

    Nào có lỗi chi đâu ? Thầy Trương rằng : “Tận nhân đạo ắt có thể thờ trời”. Lời đó là để nói việc xuất gia vậy. Thờ cha mẹ là gốc, thờ trời là ngọn. Thầy Mạnh có lời rằng : “Vũ đương lúc đời bình thế, ba lần qua cửa nhà mà chẳng vào bên trong ; Thầy Khổng cho là kẻ hiền”. Việc đó chẳng phải xuất gia ư ? Cha sinh mẹ nuôi cho nên gọi là thân. Xét, trời che đất chở, cũng tựa cha mẹ bồng bế vậy. Bởi vậy, tại gia để thờ thân, xuất gia để thờ trời. Hai việc đó tuyệt chẳng có chi là mâu thuẫn. Không thờ cha mẹ mà có thể thờ trời, chưa từng có vậy.

    【Trách-am Nguyễn-thụy-Đan】
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/10/22
  11. Juppe

    Juppe Banned

    TRÍCH THƯ VUA QUANG-TRUNG
    GỬI HẠNH-AM TIÊN-SINH

    Trích thư vua Quang-trung gửi La-sơn phu-tử Hạnh-am Nguyễn-Thiếp :

    。。。帝王之興自有天命。寡躬乘辰撥亂本非以天下為富囊。者再駕昇龍其心非不欲存。黎統以彰盛舉第歷觀黎之子孫孱弱不為眾心。所向蓋黎曆告終苟欲扶之亦不能違天所命。夫以子房之智不能存韓諸葛之才不能興漢亦付之無可。奈何矧才智不逮而妄意天辰豈所謂識辰之傑。古云予無樂乎為君。寡躬誠不以南面為榮惟畏天之明命不忍視中州之擾亂。。。

    […] Sự dấy lên của bậc đế-vương tự có mệnh trời. Quả-nhân thừa-thời chuyển loạn, vốn không lấy thiên-hạ làm giầu. Trước đây tái-giá ra Thăng-long, thừa tâm đâu phải không muốn gìn-giữ đại-thống nhà Lê để tuyên-dương việc vĩ-đại. Nhưng, trải xem con-cháu họ Lê hèn-kém, không được lòng dân-chúng hướng về. Tượng thì-đại họ Lê cáo-chung, dù muốn nâng-đỡ cũng không-thể làm trái mệnh của Trời. Ôi, lấy cái trí của Tử-Phòng cũng không-thể giữ mạng Hàn-Tín, cái tài của Chư-Cát không-thể dấy nhà Hán, cũng đành chịu, không làm được gì nữa. Huống-chi, tài-trí chẳng sánh kịp, mà làm càn trái thiên-thời, làm sao gọi được là bậc hào-kiệt thức-thời ? Cổ-nhân có lời : Ta chẳng vui được làm vua. Quả-nhân thật không lấy Nam-diện làm vinh, duy kính sợ minh-mệnh của Trời, không nỡ thấy sự rối-loạn của trung-châu […]

    Lưu-ý : Trung-châu (中州) được nhắc trong đoạn văn này tức là Việt-nam. Trong cổ-văn, người Việt vẫn gọi nước Việt là trung-châu, trung-nguyên (中原), trung-quốc (中國)… dân Việt vẫn được gọi là Hán-dân (漢民). Đây là người Việt tự gọi nhau là Hán, tự gọi Việt-nam là trung-quốc nha !


    [​IMG]

    【Trách-am Nguyễn-thụy-Đan】
     
  12. Juppe

    Juppe Banned

    TRÍCH «BẢN-TRIỀU PHẢN-NGHỊCH LIỆT-TRUYỆN»

    Gần đây có một số người lên tiếng bảo rằng trang này (Khoái Nhị Trà) ngụy biện, làm nhục mặt người Việt vì đã đưa ra một đoạn văn, trong đó vua Quang Trung gọi nước Việt là “trung châu” (中州). Vậy xin đưa ra một ví dụ khác, người Việt tự gọi người Việt là “Hán dân”.

    [​IMG]

    Trích từ Bản triều phản nghịch liệt truyện (本朝叛逆列傳), cụ Kiều Oánh Mậu (喬塋懋, 1854 – 1912) viết :

    十月間,北寧富市人高伯适辰領國威府教授煽誘國威美良土民漢民以紙為旗以木為劍,竊發于美良,暗奉黎維同黎縕為盟主,進至柴山。

    Thập-nguyệt gian, Bắc-ninh Phú-thị Cao-bá-Quát thời lĩnh Quốc-oai phủ giáo-thụ phiến dụ Quốc-oai Mỹ-lương thổ-dân Hán-dân dĩ chỉ vi kỳ dĩ mộc vi kiếm, thiết phát ư Mỹ-lương, ám phụng Lê-duy-Đồng Lê-Uẩn vi minh-chủ, tiến chí Sài-sơn.

    Bản dịch năm 1963 của cụ Trần Văn Khải (陳文啓, ? – ?) : “Khoảng tháng 10, Cao-bá-Quát người xã Phú-thị tỉnh Bắc-ninh lúc ấy lĩnh chức giáo-thụ ở phủ Quốc-oai dụ-dỗ xúi-giục người thổ và người Việt ở Quốc-oai và Mỹ-lương lấy giấy làm cờ lấy gỗ làm kiếm, lén khởi loạn ở vùng Mỹ-lương, ngầm tôn Lê-duy-Đồng và Lê-Uẩn làm minh-chủ, rồi tiến tới Sài-sơn“.

    Ở trong tuyển tập Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link : Tư liệu – Bài viết từ trước tới nay, soạn giả có chú thích : “Hán-dân : Ở đây chỉ người Việt ở đồng-bằng để phân-biệt với thổ-dân là người miền thượng, dân thổ trước. Xin đừng hiểu Hán-dân là người Tàu trong trường-hợp này“.

    “Hán dân” (漢民) trong nguyên văn, cụ Trần Văn Khải dịch thành “người Việt”. Cụ Kiều Oanh Mậu mất năm 1912, tác phẩm này ra đời tự bao giờ thì không rõ, chỉ biết được là sau khi Cao Bá Quát đã chết, tức năm 1885 – vậy cũng đã gần cuối đời cụ Kiều. Thời bấy giờ đã có chữ “Nam nhân”, “Việt”, “An Nam”… vậy tại sao cụ Kiều lại gọi người Việt là “Hán dân” ? Đâu phải vì thiếu chữ, không biết phải gọi đồng bào bằng tên nào ?

    【Trách-am Nguyễn-thụy-Đan】

    Trần Quang Đức : He he, Khoái Nhị Trà chủ nhân mà phang mấy đoạn trong “Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link” của Hoàng Cao Khải hoặc đoạn viết về tộc Việt trong Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link thì thiên hạ á khẩu cả thôi.

    Nguyễn Thụy Đan : 基督有謂其徒曰:「人未有燃燈而掩之以蓋,或置之榻下者,必安之於燈臺之上,使入室者得覩其光也。蓋隱者無不顯,而藏者無不彰也。」余慕公教,日以顯隱彰藏為事,故可當之而無懼世人之謂余何。
     
  13. Juppe

    Juppe Banned

    TAO KHÁCH VÔ TÌNH ĐẠM KHỨ LƯU

    Hôm qua dạy bài Trung thu nguyệt (中秋月) của Tô Đông Pha :

    暮雲收盡溢清寒,Mộ vân thu tận dật thanh hàn,
    銀漢無聲轉玉盤。Ngân Hán vô thanh chuyển ngọc bàn.
    此生此夜不長好,Thử sinh thử dạ bất trường hảo,
    明月明年何處看。Minh nguyệt minh niên hà xứ khan.

    Mây chiều trôi đi hết, trời trong lạnh tràn,
    Đĩa ngọc chuyển qua Ngân Hà lặng lẽ.
    Cuộc sống này, đêm này không đẹp mãi,
    Trăng sáng năm sau sẽ ngắm nơi đâu.

    Cả bài thơ có thể tóm lại bằng cụm từ “thanh hàn” (清寒) và “vô thanh” (無聲). Hai câu đầu tả cảnh, nhưng trong cảnh đã có tình. Hoặc, trong trường hợp này, đã có sự trống rỗng – trong và lạnh, vô thanh – của trạng thái vô tình. Mới đọc hai câu đâu, chỉ thấy suy tư, lặng lẽ chứ không biết là vui hay buồn. Đọc câu thứ ba thì mới đầu tưởng là buồn, nhưng không hẳn là vậy. Kiếp này đêm này không đẹp mãi chỉ là một câu khẳng định – tác giả chỉ nói lên một quy luật của tự nhiên. Kết thúc là một câu hỏi vu vơ. Không cần câu trả lời. Thậm chí, không sao trả lời được. Tự nhiên nhớ đến câu thơ của một tác gia thời nhà Nguyễn : “Tao khách vô tình đạm khứ lưu” (騷客無情淡去流 / Khách thơ vô tình chẳng quản đi hay ở).

    Tóm lại : Thơ từ cổ điển không thể hờ hững mà đánh giá “chỉ là” thơ từ. Trong thơ từ cổ điển chứa đựng cả một triết lý nhân sinh, cả một chân trời lý tưởng cao thượng. Cổ văn cũng vậy ! Để dạy chữ Hán là một việc rất dễ, nhưng cái giá trị của Hán học không nằm ở ngoài mặt chữ.

    [​IMG]

    Gần đây khắp mạng xôn xao về vấn đề kiến nghị đưa Hán văn vào giáo dục phổ thông của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm. Tôi không ở Việt Nam, cũng không ủng hộ giáo dục phổ thông, nên không lấy làm bận lòng. Trước đây vài năm tôi vẫn hay viết lách vớ vẩn bàn tán lung tung về vấn đề này. Bây giờ có vài nhận xét muốn chia xẻ để cải quá lỗi lầm ngày trước.

    1. Nói về những người cực lực phản đối đề nghị đưa Hán văn vào trường học, rất nhiều người bên phe này thật sự không có duyên với trường ốc, không có duyên với đời sống tri thức và những lý tưởng cao thượng. Người mù bàn về hội họa, người điếc bàn về âm nhạc, ý kiến không có giá trị. Còn một thành phần nữa, họ chống đối vì lười học, không muốn phải chịu thêm một gánh nặng. Kỳ thực tôi rất thông cảm.

    2. Bên phe ủng hộ đề nghị này, tôi vẫn thấy có một số vấn đề. Tôi ở ngoài ngàn dặm không dám lạm bàn những điều nằm ngoài vòng kiến thức của tôi. Nhưng đọc sách quốc học được xuất bản sau năm 1975, bên cạnh những tài liệu rất quý giá (như Ngô Thời Nhậm thi văn tập…), thường thường có những lời phê bình lỗi thời nhằm ép cổ nhân và tư tưởng cổ nhân vào những khuôn khổ hiện đại. Ngay cả bên phe ủng hộ đem cổ văn vào trường học, vẫn có nhiều người đến với cổ nhân thiếu đức khiêm nhượng. Chúng ta học cổ văn để quỳ dưới chân cổ nhân, học hỏi từ cổ nhân. Chứ không đến để đào mả cổ nhân, lôi cổ nhân dậy để phục vụ cho những ý muốn và chủ trương cá nhân. Vả lại, theo mình nghĩ (dựa trên những cuộc đàm thoại với người trẻ định cư và du học sang Mỹ) trình độ giáo dục ở Việt Nam vốn có nhiều vấn đề rồi. Nên lượng sức, còn nếu không làm tới nơi tới chốn được thì nên nghĩ lại có nên làm bây giờ hay không. Nếu làm hời hợt không ra thể thống, dân chúng chỉ sinh thêm ác cảm với cổ văn.

    3. Mấy tháng nay, bắt đầu dạy Hán văn cho một người thân. Giáo trình chưa có quy củ lắm. Lúc thì giảng Đường thi, trích bài này bài kia từ Đường thi tam bách thủ, Thiên gia thi, lúc thì giảng về văn pháp “chi hồ giả dã”. Không thể tả niềm vui khi thấy họ từ một người mù chữ có ác cảm với chữ Hán dần dần trở nên một người có một tầm hiểu và cảm thông với người xưa vượt qua rất nhiều người Việt hiện đại.

    【Trách-am Nguyễn-thụy-Đan】
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/10/22
    amylee and vinhhoa like this.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này