Văn học nước ngoài R Trên đường - Jack Kerouac <The Happiness Project #22-F>

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi teacher.anh, 24/6/16.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Tren duong - Jack Kerouac.jpg

    TRÊN ĐƯỜNG


    Dịch từ nguyên bản tiếng Anh: On the Road.
    Tác giả: Jack Kerouac
    Người dịch: Cao Nhị
    NXB Văn Hóa Sài Gòn & Nhã Nam phối hợp thực hiện
    Năm xuất bản: 2008
    Số đăng ký KHXB: 371-2008/CXB/10-08/VHSG
    Quyết định XB: 244/QĐ-VHSG
    Khổ sách: 14 x 20,5cm
    Số trang: 465 trang

    Những người tham gia:

    - Nguồn sách, scan: @Cải
    - OCR, soát lỗi: @teacher.anh, @B.bilant
    - Biên tập và hiệu đính:
    - Tạo eBook:
    - Review:
    Thời gian hoàn thành:

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link #22-F
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Giới thiệu

    Về tác giả:

    tacgia.jpg
    Jack Kerouac sinh năm 1922, là con út trong một gia đình người Mỹ gốc Pháp ở Lowell, bang Massachusetts. Thời phổ thông, ông từng học tại các trường công lập và Công giáo, sau đó giành được học bổng của Đại học Columbia thành phố New York. Tại đây ông gặp gỡ Allen Ginsberg và William s. Burroughs. Đến năm thứ hai, ông bỏ học sau một mâu thuẫn vói huấn luyện viên đội bóng bầu dục rồi gia nhập hải quân Mỹ, bắt đầu những chuyến ngao du không ngưng nghỉ chiếm hầu hết thời gian đời mình. Tiểu thuyết đầu tiên của ông, The Town and the City, ra mắt từ năm 1950, nhưng phải đến năm 1957 khi Trên đường được xuất bản, người ta mới biết đến ông như một phần của “thế hệ Beat". Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm chu du khắp nơi của ông cùng Neal Cassady này đã đưa tên tuổi Jack Kerouac vào hàng ngũ những nhà văn vĩ đại nhất đương thời. Sau đó, Kerouac xuất bản nhiều cuốn sách khác, trong đó có The Dharma Bums, The Subterraneans Big Sur. Ông coi tác phẩm của mình chỉ là các phần của The Duluoz Legend. “Tất cả các tác phẩm của tôi,” ông nói, “sẽ cấu thành một cuốn sách đồ sộ như Đi tìm thời gian đã mất của Proust (...) Trong những năm cuối đời, tôi dự định sẽ tập hợp mọi tác phẩm của mình lại, đặt cho kho báu ấy một cái tên đồng nhất, rồi để lại đó cái giá dài đầy sách và thanh thản nhắm mắt.” Năm 1969, Jack Kerouac qua đời ờ Florida. Khi ấy ông mới bốn mươi bảy tuổi.

    Về tác phẩm:

    "Nếu như Mặt trời vẫn mọc của Hemingway ở thế kỷ hai mươi được coi như cuốn Kinh Thánh của thế hệ bỏ đi thì Trên đường của Jack Kerouac cũng đóng một vai trò như vậy với thế hệ Beat. (...) Thế hệ Beat sinh ra đã vỡ mộng. Họ coi những nguy cơ xảy ra chiến tranh, sự trì trệ của hệ thống chính trị, thái độ thù địch của cộng đồng là hiển nhiên. Sự giàu có không làm họ ấn tượng. Họ không biết mình đang tìm kiếm nơi nào để nương tựa, nhưng họ vẫn không ngừng tìm kiếm."

    Gilbert Millstein, New York Times Book Review.
    "(...) Văn phong xuất sắc (...) Phong cách độc đáo, mãnh liệt mà giản đơn, sắc sảo đến dị thường."
    The Atlantic Monthly
    "Một tiểu thuyết sẽ khiến độc giả của nó muốn ngay lập tức lên đường, chộp lấy tháng ngày hiện tại và sống, sống, sống đến tận cùng!"
    Anna Hassaghi, Hiram Unversity
    "Một cuốn sách về cách sống cuộc đời này".
    John Leland, New York Times

    Hiếm có cuốn sách nào có được ảnh hưởng sâu sắc đến thế đối với nền văn hóa Mỹ như Trên đường của Jack Kerouac. Hòa theo nhịp đập ngầm trong lòng nước Mỹ thập niên 1940, 1950, những nhịp đập của nhạc jazz, sex, ma túy, sự bí ẩn và những hứa hẹn của con đường rộng mở, cuốn tiểu thuyết kinh điển về tự do và khát vọng này đã định nghĩa "Thế hệ Beat", đồng thời gợi cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà thơ và những ai vẫn hằng kiếm tìm sự tự do và khát vọng ấy.

    Cuộc phiêu lưu xuyên Mỹ của Sal Paradise và Dean Moriarty trong truyện dựa trên chuyến đi có thật của Jack Kerouac và Neal Cassady. Về thực chất, đó chính là hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự trải nghiệm đích thục. Được viết bằng sự pha trộn giữa cái nhìn buồn bã ngây thơ với sự phóng túng cuồng nhiệt, giữa tình yêu sâu sắc của Kerouac với nước Mỹ, lòng trắc ẩn của ông với con người và cảm thức về ngôn ngữ, coi nó như nhạc jazz, Trên đường là một điển hình cho cách nhìn Mỹ về tự do và hy vọng, đặc biệt trong bối cảnh "Giấc mơ Mỹ" bắt đầu tan vỡ. Với Trên đường. Jack Kerouac bắt đầu phát triển một cách viết mà ông gọi là "Văn xuôi bột phát" (Spontaneuos prose) với đặc điểm gồm rất nhiều các câu dài, kết cấu hình thức phóng khoáng, được viết ra ngay khi ý tưởng ập đến trong đầu, mang tính cá nhân rất cao. Ngay khi ra đời, cuốn sách đã gây không ít tranh cãi, nhưng bất chấp những tranh cãi đó, Trên đường vẫn được đa số công nhận là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi của nền văn học Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

    o0o

    EBook này được nhóm The Happiness Project thực hiện nhằm chia sẻ, phục vụ cộng đồng, góp phần nhỏ trong việc nâng cao dân trí, thúc đẩy văn hóa Đọc cho các bạn không có điều kiện mua sách giấy.

    Khi bạn có khả năng, hãy mua sách giấy để ủng hộ tác giả, dịch giả và Nhà xuất bản!

    Do chúng tôi chưa thể liên hệ được với gia đình tác giả, dịch giả để xin phép nên rất mong gia đình tác giả, dịch giả và bạn đọc thông cảm và lượng thứ.

    Cảm ơn các bạn đọc, những người giúp chúng tôi có động lực thực hiện số hóa cuốn sách này.
     
    Last edited by a moderator: 22/7/17
  2. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    1

    Tôi quen Dean ít lâu sau khi ly dị vợ. Tôi vừa mới qua khỏi một trận ốm nặng, chả có gì đáng nói nếu nó không liên quan tới vụ tan vỡ thảm hại và mệt mỏi kia và cảm giác của tôi rằng tất cả thế là tan nát hết cả. Dean Moriarty đến là bắt đầu một chương mới trong đời tôi, có thể đặt tên cho nó là “đời tôi trên những con đường”. Trước đây, tôi thường mơ được đến miền Tây để thăm thú đất nước, nhưng dự định mãi vẫn là dự định, về chuyện ngao du trên đường thì Dean là típ người hoàn hảo, bởi vì hắn được đẻ ra ngay trên đường, trong một cái ôtô xập xệ, khi bố mẹ hắn đi ngang qua Salt Lake City để về Los Angeles năm 1926. Tin tức đầu tiên về hắn đến với tôi là qua Chad King; tay này đem ra khoe với tôi những lá thư do Dean viết trong một trại cải tạo ở New Mexico. Tôi rất khoái những lá thư này, bởi hắn đã yêu cầu Chad, một cách ngây thơ và đáng yêu, cho hắn biết thật nhiều về Nietzsche và những thứ tri thức cao cấp kỳ diệu khác mà Chad biết. Có những lúc Carlo và tôi nhắc đến những lá thư đó và tự hỏi liệu có thể gặp được thằng cha Dean Moriarty quái dị này không. Vụ này lâu lắm rồi, từ lúc Dean chưa thành thằng Dean ngày nay, mà từ khi hắn còn là một thằng nhóc đầy bí ẩn bị nhốt trong trại. Rồi có tin Dean được ra trại và lần đầu tiên tìm đến New York; rồi lại nghe đâu hắn vừa lấy được một cô vợ tên là Marylou.

    Một hôm tôi đang tha thẩn gần trường đại học thì Chad và Tim Gray nói rằng hiện Dean đang sống trong một căn phòng tồi tàn ở Đông Harlem, khu Harlem Tây Ban Nha. Dean vừa tới đêm trước - lần đầu tiên hắn đến New York, cùng với nàng Marylou kiều diễm bé nhỏ và sắc sảo của hắn; họ xuống xe buýt ở Phố Năm mươi, đi cắt ngang góc phố tìm một nơi để ăn uống, và đi ngay vào Hector; kể từ đó quán ăn tự phục vụ Hector đã trở thành biểu tượng của New York trong mắt Dean. Họ ăn bánh ngọt ướp lạnh và bánh su kem.

    Suốt thời gian này Dean cứ cao giọng thuyết trình hoài với Marylou, đại loại: “Giờ đây, em yêu, ta đang ở New York. Và mặc dầu anh chưa kịp nói với em những gì anh nghĩ khi ta đi qua Missouri, nhất là khi ngang qua nhà tù ở Booneville, nó làm anh nhớ lại khi mình ở tù, thì nhất thiết ta cũng nên gác lại một bên những thư liên quan đến tình yêu cá nhân của chúng ta, để bắt đầu bàn đến một chương trình cụ thể của cuộc đời lao động...” và vân vân những cầu tương tự với cung cách hồi đó của hắn.

    Tôi và mấy chiến hữu tìm đến căn phòng tồi tàn ấy và thấy Dean mặc quần xà lỏn ra mở cửa. Marylou nhảy ra khỏi ghế sofa; Dean đã tống được tên chủ nhà xuống bếp, chắc là đi pha cà phê, để hắn rảnh tay giải quyết vấn đề muôn thuở của ái tình, với hắn thì tình dục là điều duy nhất thiêng liêng và quan trọng trong cuộc đời này, mặc dầu hắn luôn phải bấn lên như một thằng khổ sai để kiếm cái đút vào lỗ miệng. Theo cái cách gật gù đầu, hai con mắt nhìn xuống, như một tay đấm bốc lắng nghe chỉ dẫn của huấn luyện viên, người ta nghĩ hắn lắng nghe không sót từ nào, phun ra cả ngàn câu “Phải” và “Đúng thế”. Ấn tượng đầu tiên của tôi là Dean hơi giống với Gene Autry thời trẻ - đỏm dáng, mông nhỏ, mắt xanh và giọng đặc sệt vùng Oklahoma - một người hùng rám nắng của miền Tây tuyết phủ. Sự thật hắn đã làm việc trong một trang trại của Ed Wall ở Colorado trước khi cưới Marylou và sang miền Đông. Marylou là một cô nàng xinh đẹp tóc vàng với những búp xoăn lớn như những làn sóng cuộn; nàng ngồi trên mép sofa, hai tay đặt trên đùi và cặp mắt màu chân trời mù sương cứ ngơ ngác nhìn thẳng ra phía trước vì nỗi đang lạc trong một căn phòng thuộc loại tồi tàn nhất New York và cũng tai tiếng khủng khiếp mà ở tận miền Tây nàng đã từng nghe nói và nàng cứ chờ đợi, trông như một ngưòi đàn bà siêu thực trong tranh của Modigliani đặt ở một căn phòng thứ thiệt. Thế nhưng, ngoài việc là một con nhỏ kháu khỉnh ra thì nàng đúng là ngu không chịu được và có thể làm đủ trò kinh tởm trên đời. Đêm hôm đó, chúng tôi uống bia, vật tay và chuyện phiếm, cứ thế đến tận sáng lại vạ vật ngồi hút lại những mẩu thuốc thừa trong cái gạt tàn, dưới ánh sáng hiu hắt của một ngày ảm đạm, Dean bồn chồn vùng dậy, đi đi lại lại trong phòng, nghĩ ngợi và quyết định rằng điều cần phải làm ngay là Marylou đi nấu bữa sáng và quét nhà. “Nói cách khác, chúng ta bắt đầu phải băm vào đất thôi, em yêu, như anh đã nói với em, nếu không sẽ bấp bênh, kế hoạch của chúng ta sẽ mất đi tính thông thái đích thực và rõ ràng.” Đến đây thì tôi bỏ đi.

    Tuần sau, hắn tâm sự với Chad King rằng nhất thiết hắn phải học viết văn; Chad nói rằng tôi là nhà văn và phải hỏi ý kiến của tôi. Cùng thời gian này, Dean kiếm được việc làm tại một bãi để xe, cãi lộn với Marylou trong căn phòng ở Hoboken - có Chúa mới biết được sao họ lại đến đấy - và cô nàng nổi xung lên đến nỗi thấy có nhu cầu cấp thiết phải trả thù, nàng vác đơn kiện lên cảnh sát với lý do bịa đặt thế nào chẳng rõ, nhưng đã làm Dean phải chuồn khỏi Hoboken. Mất béng chỗ chui ra chui vào, hắn liền đi thẳng đến Paterson ở New Jersey - nơi tôi đang sống với bà cô. Một đêm, khi tôi đang làm việc thì nghe thấy tiếng đập cửa, hóa ra là thằng Dean của tôi cứ vặn vẹo mãi ngoài tiền sảnh. Hắn nói với tôi, “Chào, ông có nhớ đến tôi không, Dean Moriarty ấy mà? Tôi tìm đến để nhờ ông dạy tôi viết văn.”

    “Marylou đâu rồi?” tôi hỏi hắn và Dean nói đâu như cô nàng đang làm điếm, kiếm được dăm đô và đã tút đi Denver rồi. “Con điếm!” hắn kết luận. Rồi chúng tôi ra ngoài làm mấy vại bia vì không thể thoải mái ngồi chuyện trò với nhau ngay trước mũi bà cô đang ngồi đọc báo ngoài phòng khách. Bà nhìn xéo Dean một cái và quyết định coi nó là một thằng khùng!

    Ra ngoài quán, tôi nói với Dean, “Lạy Chúa, tôi biết chắc ông đến tìm tôi không phải chỉ để học nghệ thuật viết văn, mà kể cả thế thì tôi thực sự biết quái gì về nó cơ chứ, ngoại trừ việc phải đam mê viết như một thằng nghiện thuốc phiện.” Và hắn đáp, “Phải, tất nhiên, tôi hiểu rất rõ ông nói gì, và đúng là mình gặp đủ thứ rắc rối, nhưng cái tôi muốn là phải cụ thể hóa các yếu tố lệ thuộc vào thuyết lưỡng phân của Schopenhauer về sự nhận thức nội tâm...” Cứ cái luận điệu ấy hắn lải nhải thuyết giảng, tôi không hiểu gì hết mà chính bản thân hắn cũng chẳng hiểu gì ráo chọi. Lúc đó, đúng là hắn không hề biết mình đã nói ra những gì; tóm lại, đó là một thằng nhóc ngớ ngẩn vừa ở trong tù ra, hăm hở muốn được trở thành một nhà trí thức thứ thiệt, thích bắt chước ngữ điệu và lời ăn tiếng nói của các bác “trí thức thứ thiệt”. Tuy vậy, cũng nên nhớ rằng hắn không đến nỗi ngây thơ đến thế trong những chuyện còn lại, và chỉ cần đánh bạn với Carlo Marx vài tháng thôi là hắn đã thông thạo mọi thuật ngữ, và từ chuyên môn. Dù sao thì chúng tôi cũng hết sức thông cảm với mức độ điên rồ của nhau và tôi đã đồng ý cho hắn ở lại nhà mình cho đến khi hắn tìm được việc làm, ngoài ra còn bàn với nhau ngày một ngày hai sẽ cùng nhau đi miền Tây. Đó là mùa đông năm 1947.
    Một buổi tối, Dean ăn cơm ở nhà tôi - lúc này hắn đã đi làm ở một bãi gửi xe tại New York - hắn cúi xuống sát vai tôi trong khi tôi đang gõ nhanh máy chữ và nói, “Này ông bạn, không nên bắt các em phải đợi lâu, nhanh lên.”

    Tôi nói, “Chờ tí, xong chương này tôi sẽ đi ngay với ông,” đây là chương hay nhất trong cuốn sách của tôi. Rồi tôi mặc đồ và hai đứa phới nhanh đến chỗ mấy em. Khi xe buýt lao nhanh vào không gian phản quang kỳ lạ của đường hầm Lincoln, chúng tôi ngồi tựa vào nhau, tay khua loạn lên, la hét, nói chuyện đầy phấn khích, và tôi bắt đầu lây cái máu bốc đồng của Dean. Hắn chỉ là một thằng quá phấn khích trước cuộc đời, và nếu hắn có là một thằng lừa đảo xin tiền thì cũng chẳng qua là vì hắn cần quá nhiều tiền để sống và để kết thân với nhiều người mà nếu không thế thì sẽ không bao giờ thèm để mắt đến hắn. Hắn đã lừa tôi và tôi rất biết điều đó (để có tiền ăn, tiền trọ, “nghệ thuật viết văn” v.v...), mà hắn cũng biết thừa là tôi biết (đây là nền tảng của mối quan hệ giữa chúng tôi), nhưng tôi cóc cần quan tâm và chúng tôi rất hiểu nhau - không làm phiền, không lấy lòng; chúng tôi rón rén quanh nhau như những người bạn bất hạnh mới quen. Thành ra hắn đã dạy tôi cũng nhiều như tôi dạy hắn. về công việc của tôi, hắn nói, “Lao vào đi, thứ ông làm thật là vĩ đại.” Hắn nhìn xéo qua vai tôi trong lúc tôi viết truyện và hét lên, “Phải! Đúng thế! Thiên tài đấy, anh bạn ạ!” hoặc “Kinh quá!” rồi lấy khăn tay lau mặt. “Anh bạn này, có bao nhiêu việc đáng làm, bao nhiêu việc đáng viết. Nhưng làm thế nào để bắt đầu đưa tất cả lên trang giấy nguyên vẹn mà không vấp phải những thứ như hạn chế của văn chương và nỗi sợ hãi ngữ pháp...”
     
  3. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    “Đúng thế anh bạn. Nói thế mới là nói chứ.” Và tôi nhìn thấy trong ánh mắt và sự phấn khích của hắn lóe ra một thứ ánh sáng thiêng liêng, hắn cứ say sưa diễn thuyết đến nỗi người trong xe phải quay lại nhìn “thằng khùng quá khích”. Ở miền Tây, hắn dành một phần ba thời gian vào các quán bi-a, một phần ba trong tù và một phần ba trong các thư viện công cộng. Người ta đã nhìn thấy hắn hăm hở lao mình đi trên những con phố mùa đông, đầu trần, cắp sách vào phòng đánh bạc hoặc trèo gác xép các chiến hữu rồi nằm cả ngày trên đấy để đọc sách hoặc trốn cảnh sát.

    Chúng tôi đến New York - tôi quên tình huống cụ thể rồi, chỉ nhớ là có hai em da màu - nhưng đến nơi thì chẳng thấy em nào; họ hẹn hắn cùng đi ăn tối nhưng đã cho hắn ăn thịt lừa! Chúng tôi đến chỗ bãi đậu xe của hắn, hắn phải làm mấy việc, thay quần áo trong một túp lều lụp xụp đằng sau bãi đỗ và tút lại mặt hàng trước một tấm gương vỡ v.v..., rồi bọn tôi lượn phố. Một sự kiện ghê gớm đã xảy ra khi Dean gặp Carlo Marx. Bốn con mắt sắc chọi nhau, Dean - tên lừa đảo thần thánh với tâm hồn siêu thoát gặp Carlo Marx - gã nhà thơ lừa đảo u sầu luôn ủ dột. Kể từ đó tôi rất ít gặp Dean và tôi cũng hơi tiếc. Hai sức mạnh ấy chọi nhau tóe lửa và so với họ thì tôi chỉ là thằng cù lần, không thể đọ cùng. Cơn lốc những sự kiện cuồng nộ nổi lên, nó sắp cuốn tất cả bạn bè và những gì còn lại của gia đình tôi trong một đám bụi lớn, bay là là bên trên Đêm Mỹ Quốc. Carlo kể cho hắn nghe về Old Bull Lee, về Elmer Hassel, về Jane: Lee đang trồng cần sa ở Texas, Hassel đang ở Riker’s Island, Jane thì lang thang ở Quảng trường Thời đại trong ảo giác benzedrine [1], ẵm đứa con nhỏ trong tay và cuối cùng tìm thấy mình ở Bellevue. Dean lại kể cho Carlo nghe về những nhân vật mà miền Đông không được biết đến, thí dụ như Tommy Snark, tên thọt cá mập ở các quán bi-a, một tay bài bạc khét tiếng và là một thằng xăng pha nhớt. Hắn kể về Roy Johnson, về Big Ed Dunkel, về đám bạn thuở thiếu thời, các chiến hữu đường phố, về vô số em hàng và bồ, về tất cả những cuộc phiêu lưu, về những tấm ảnh con heo, về những người hùng Nam Mỹ và các cuộc phiêu lưu của hắn. Họ cùng nhau lao ra phố phường, khám phá mọi thứ một cách hồ hởi như mới biết lần đầu, nhưng khi biết rõ thì trở nên buồn chán và thờ ơ hơn nhiều. Họ ngật ngưỡng trên phố như mấy thằng điên và tôi cứ lẵng nhẵng theo đuôi như tôi vẫn luôn suốt đời theo đít những người mình ưa thích, bởi vì chỉ tồn tại với tôi toàn những kẻ điên khùng, sống điên khùng, nói chuyện điên khùng, điên khùng để được cứu rỗi, chỉ muốn hưởng thụ tất cả trong một khoảng khắc duy nhất, những kẻ không bao giờ há miệng ngáp hay nói mấy thứ nhạt nhẽo, mà bùng cháy, bùng cháy, bùng cháy như những bông pháo vàng rực thần kỳ nở ra như những con nhện ngang qua các vì sao, và bông pháo ấy bạn thấy một đốm sáng xanh bừng lên rồi mọi người đều thốt lên “Ôồồ...” ngưỡng mộ. Ở nước Đức của Goethe người ta gọi những người trẻ tuổi như thế là gì nhỉ? Ham mê học viết văn được như Carlo - viết văn là điều thú nhất trên đời, ông hiểu không? - Dean cứ tấn công đại vào gã, uốn ba tấc lưỡi nịnh bợ gã, “Nào, Carlo, hãy để tôi nói... tôi sẽ nói thế này này, tôi sẽ ...” Khoảng hai tuần lễ tôi không thấy mặt họ; thời gian này họ dính lấy nhau như keo, tranh luận thả dàn, ngày này sang ngày khác, đêm này sang đêm khác.

    Rồi mùa xuân đến, mùa của những chuyến lên đường và mỗi thằng trong băng nhóm tản mát của bọn tôi đều chuẩn bị cho một chuyến ra đi. Tôi ráo riết làm việc cho cuốn tiểu thuyết của mình và sau một chuyến về miền Nam với bà cô để thăm thằng Rocco, em trai tôi, lần này tôi chuẩn bị nghiêm chỉnh cho chuyến ngao du đầu tiên về miền Tây.

    Dean đã bỏ chúng tôi mà đi trước. Carlo và tôi chứng kiến hắn lên tàu ở ga Greyhound trên Phố 34. Gác trên có một gian dành để chụp ảnh giá hai mươi lăm xu. Carlo tháo kính ra và trông thật gớm ghiếc. Dean chụp một tấm chân dung nghiêng rồi ngơ ngác nhìn ra xung quanh. Còn tôi chụp một tấm thẳng mặt, trông như một thằng cha người Ý tuổi loại băm sẵn sàng giết chết kẻ nào dám nói xấu mẹ mình. Tấm ảnh ấy, Carlo và Dean lấy một lưỡi dao cạo cẩn thận cắt ra làm đôi và mỗi thằng bỏ một nửa vào ví mình. Dean đóng comlê nghiêm chỉnh trở về Denver; chuyến du ngoạn đầu tiên của hắn ở New York đã hạ màn. Nói là du ngoạn, thực ra hắn đã phải làm việc như chó trong các bãi gửi xe. Hắn là thằng trông xe thần kỳ nhất thế giới, hắn có thể cho lùi xe với tốc độ bốn mươi dặm/giờ giữa chỗ đông xe và phanh đứng nó lại ở chân tường, chồm ra khỏi ghế, chạy hùng hục giữa những cái chắn bùn; rồi nhảy vào một xe khác, cho nó quay mũi với tốc năm mươi dặm/giờ trong khoảng sân hẹp, lùi xe thật nhanh vào chỗ đậu, phanh khựng, vèo, đến mức bạn sẽ thấy nó như nảy lên khi hắn bật nhanh ra khỏi ghế, phóng như điên về cabin để lấy tích kê, rồi lại nhảy vào một cái xe mới tới trước cả khi chủ xe chui hết người ra khỏi xe; ra ra, vào vào, chạy, mỗi đêm làm việc tám giờ liền, cộng những giờ cao điểm buổi chiều và giờ cao điểm tan nhà hát, áo quần, giày dép, mặt mũi đen nhẻm. Giờ đây, để trở về nhà, hắn diện bộ đồ mới, bộ comlê màu xanh lơ kẻ sọc nhỏ, với gilê và đủ lệ bộ - chỉ có mười một đô ở Đại lộ Ba, cùng với một đồng hồ và một dây đeo cộng một máy chữ xách tay nhằm bước vào nghề văn trong một phòng trọ ở Denver ngay khi kiếm được việc làm dưới đó. Bữa ăn chia tay của bọn tôi là món xúc xích nấu đậu ở quán Riker trên Đại lộ Bảy, rồi Dean trèo lên xe khách biển đề Chicago. Xe gầm lên và chạy biến vào trong đêm. Thế là chàng cao bồi của bọn tôi đã đi về nơi đó. Tôi tự hứa với mình cũng sẽ đi con đường ấy khi mùa xuân đến kỳ rực rỡ và thực sự hồi sinh những cánh đồng.

    Và đó là cách những trải nghiệm trên đường của tôi bắt đầu, và những chuyện xảy ra sau đó kỳ lạ đến nỗi tôi không thể để im trong dạ mà phải kể ra.

    Vâng, không phải chỉ vì tôi là nhà văn và đang cần đến nhiều kinh nghiệm mới mà tôi muốn hiểu Dean một cách cặn kẽ hơn, cũng không phải vì cuộc sống quẩn quanh trong trường của tôi đã quay xong một vòng rồi và bắt đầu trở nên vô nghĩa, mà bởi vì, trong một chừng mực nào đó, dù cho tính nết hai thằng khác nhau, hắn vẫn gợi cho tôi cảm giác về một thằng em trai từ lâu đã mát tích; Cứnhìn cái bản mặt xương xẩu khắc khổ của hắn, mớ tóc mai dài, cái cổ gân guốc vã mồ hôi vì công việc, tôi lại nhớ tới thời niên thiếu của mình trong các kho chứa sơn, trong các ao đầm và bên bờ các con sông vùng Paterson và Passaic. Bộ quần áo lao động nhem nhuốc dán chặt vào người hắn một cách duyên dáng, như thể bạn sẽ không thể sắm nổi một bộ vừa vặn hơn ở một hàng thợ may thời trang, mà chỉ có thể nhận được của Đấng tạo hóa, như Dean, trong công việc căng thẳng của hắn. Trong cách nói năng say mê của hắn, tôi thấy lại được giọng nói của những chiến hữu cũ và bè bạn mình dưới các gầm cầu, giữa đống xe máy ngổn ngang, dọc những dây phơi quần áo của hàng xóm và trên những bậc thềm uể oải buổi chiều, nơi bọn trẻ chúng tôi chơi đàn ghi ta trong khi các anh của mình đang phải làm việc trong nhà máy. Tất cả những bạn bè khác hiện tại của tôi đều là “trí thức”, thằng Chad là môn đệ của cụ Nietzsche, thằng Carlo Marx cứ say sưa diễn thuyết bằng một thứ giọng trầm trầm nghiêm trọng, rồi Old Bull Lee với cái giọng rè rè kéo dài phê phán mọi thứtrên đời - hoặc nếu không thì là những tên tội phạm hụt như Elmer Hassel, với cái nhếch mép u sầu ấy; hoặc nữa là Jane Lee, suốt ngày nằm ườn trên ghế sofa bọc kiểu phương Đông, ngán ngẩm đọc tờ The New Yorker. Nhưng Dean thì, phải nói là trí tuệ của hắn cũng như ai, sáng láng và hoàn thiện, mà lại không có vẻ trí thức tí nào. Còn về “tội trạng” của hắn thì đó không phải là cái thói giận hờn, giễu cợt mà là sự vui nổ trời kiểu Mỹ; đó là phương Tây, là gió xuân, là bản hùng ca của người da đỏ vùng Đồng bằng Lớn, một thứgì mới mẻ, như định trước từ lâu, đã từ lâu chờ đợi (hắn đánh cắp ôtô là chỉ để được hưởng thúvui được lái xe). Ngoài ra tất cả bạn bè ở New York của tôi đều tán thành cái quan điểm tiêu cực, nhiễm mùi ác mộng, muốn lật nhào xã hội và dẫn ra những lý lẽ đầy sách vở, sặc mùi chính trị hoặc phân tâm học, trong khi Dean đơn giản là lao vào đời, hồ hởi kiếm bánh mì và ái tình; hắn không bao giờ thèm để tâm đến việc sống theo cách này hay cách khác, “miễn là còn có được mấy em gà mái hàng ngon,” và “miễn là còn có cái mà đớp, cậu hiểu không? Tôi đói, sắp chết đói đến nơi đây, phải đớp ngay.” Thế là chúng tôi nhanh chóng đi đớp cái thứ mà nói như Ecclesiastes [2], “Đó là phần của ngươi dưới ánh mặt trời.”

    Một chàng trai miềnTây, thuộc dòng giống mặt trời, đó là Dean. Bà cô tôi mất công vô ích khi nhắc tôi rằng Dean có thể khiến tôi gặp rắc rối. Tôi có thể nghe thấy tiếng gọi của một cuộc đời mới, nhìn thấy một chân trời mới, tin tưởng vào nó ở giữa thời trai trẻ; và một chút rắc rối hay thậm chí cả việc Dean từ chối coi tôi là chiến hữu và bỏ rơi tôi, như sau này hắn đã làm đúng như vậy, chết đói trên một vỉa hè rồi trên một cái giường nhà thương - thì đã sao? Tôi là một nhà văn trẻ và cảm thấy mình đang mọc cánh.

    Ở một quãng nào đó trên đường tôi biết trước là sẽ có các cô gái, các giấc mơ, có tất cả. Ở quãng nào đó trên đường người ta sẽ chìa ra cho tôi viên ngọc quý.

    [1] Một chất gây nghiện, Jack Kerouac cũng dùng, đặc biệt trong những năm cuối đời.

    [2] Tên một phần trong Kinh Cựu Ước.
     
  4. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    2.

    Tháng Bảy năm 1947, tiết kiệm được khoảng năm mươi đô từ khoản trợ cấp cựu chiến binh, tôi đã sẵn sàng đi về Bờ biển phía Tây. Một thằng bạn là Remi Boncoeur viết thư cho tôi từ San Francisco đề nghị tôi cùng đi với hắn một chuyến vòng quanh thế giới bằng tàu biển. Hắn thề là có thể nhét trộm tôi vào buồng máy. Tôi trả lời hắn là tôi bằng lòng đi theo một con tàu hàng cũ nếu có thể làm mấy chuyến vặt trên Thái Bình Dương, rồi sau đó quay về với một món tiền nhỏ để chi tiêu ở nhà bà cô cho đến khi viết xong cuốn sách. Hắn nói hắn có một ngôi nhà con ở Mile City và tôi sẽ tha hồ có đủ thời gian để làm việc đó trong khi hắn xoay xở để kiếm ra một con tàu. Hắn sống chung vớimột ả tên là Lee Ann; hắn khoe ả là một đầu bếp tuyệt hảo. Remi là bạn cũ thời trung học, hắn người Pháp, lớn lên ở Paris và là một thằng khùng thứ thiệt.Tóm lại, hắn trù tính sẽ gặp tôi trong vòng mười ngày tới. Bà cô tôi hoàn toàn tán thành chuyến đi của tôi về miền Tây, bà nói việc này sẽ có lợi cho tôi, rằng tôi đã làm việc nhiều quá trong suốt mùa đông và đã phải sống tùtúng giữa bốn bức tường quá lâu. Bà không nói gì cả khi tôi thú thật là tôi chỉ vẫy xe dọc đường mà đi nhờ thôi. Bà chỉ mong một điều là tôi đừng có tơi tả khi quay về. Thế là, bỏ lại tập bản thảo viết dở, gấp lại tấm nệm trải giường êm ái lần cuối cùng, vào một buổi sáng đẹp trời, xách cái túi vải trong đựng mấy thứ đồ cần thiết, tôi phới ra bờ Thái Bình Dương với năm mươi đô trong túi áo.

    Ở Paterson tôi đã nghiên cứu bản đồ nước Mỹ hàng tháng ròng, thậm chí đọc cả sách về những bậc khai sáng và các địa danh ngọt ngào như Platte, Cimarron và nhiều nơi khác. Trên tấm bản đồ đường bộ, tôi thường ngắm nhìn một đường màu đỏ kéo dài, gọi là Đường số 6, chạy từ đỉnh Cope Cod thẳng đến Ely ở Nevada, rồi từ đấy chúc thẳng xuống Los Angeles. Tôi quyết định sẽ không rời khỏi Đường 6 cho đến tận Ely và tràn đầy tin tưởng, tôi lên đường. Muốn tới Đường 6, phải đi ngược lên Bear Mountain. Say sưa tưởng tượng ra những chiến tích của mình ở Chicago, ở Denver, và cuối cùng ở San Fran, tôi lên tàu điện ngầm ở Đại lộ Bảy, đến tận bến cuối ở Phố 242. Từ đây lại bắt xe điện đến Yonkers; đến khu trung tâm Yonkers tôi lại chuyển xe điện tới ngoại ô thành phố, trên bờ Đông sông Hudson. Hãy hình dung, ta thả một bông hồng trên dòng Hudson, nó sẽ lướt qua bao nhiêu phố phường làng mạc rồi mãi trôi ra biển - hãy tưởng tượng ra cái thung lũng xinh đẹp này bên dòng Hudson. Tôi bắt tay vào việc vẫy xe đi nhờ, nhằm mục tiêu thẳng tiến. Sau năm lần vẫy xe tôi đã đến được điểm mong muốn là cây cầu Bear Moutain, nơi Đường 6 từ New England lượn vào. Trời đổ mưa tầm tã khi tôi vừa xuống xe. Một cảnh núi đồi kỳ thú.

    Đường 6 dẫn đến bờ sông, vòng qua một vòng xoay giao lộ rồi mất hút vào một vùng hoang mạc. Không chỉ vắng tanh không xe cộ gì mà trời còn mưa như trút nước và tôi không biết ẩn náu vào đâu. Tôi chạy đến trú dưới gốc thông; tình hình không thay đổi được bao nhiêu; tôi bèn gầm lên chửi rủa, tự đập bùm bụp vào đầu và cho mình là một tên đại ngốc. Tôi đang ở cách New York bốn mươi dặm về phía Bắc. Suốt dọc đường đi, điều làm tôi băn khoăn nhất, đó là việc cái ngày vĩ đại đầu tiên này tôi đã hoàn toàn dành để đi về phía Bắc chứ không phải về miền Tây bấy lâu ao ước. Giờ thì tôi đang phải chôn chân ở miền Bắc. Tôi chạy một phần tư dặm đến một trạm xăng bỏ hoang kiểu cách Ăng lê đỏm dáng và ngồi dưới mái hiên rỏ nước tong tong. Còn trên đầu tôi sấm chớp đang đổ từ Bear Mountain xuống ầm ầm, khiến tôi cảm thấy một nỗi sợ Trời thành kính. Tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy là những hàng cây chìm trong hơi nước cô đơn ảm đạm vươn cao đến tận trời. “Lạy Chúa, mình đang làm quái gì ở cái chỗ chót vót này?” tôi chửi thề và gào thét ước gì mình đang ở Chicago. “Ngay lúc này đây bọn nó đang thoải mái vui chơi, phải, thoải mái vui chơi, mà mình thì không có mặt. A, vậy thì bao giờ mình mới ở đó được?” Cuối cùng thì cũng có một cái xe đậu lại ở trước trạm xăng bỏ hoang; người đàn ông và hai người đàn bà ngồi trong xe mở bản đồ ra xem. Tôi đi thẳng đến và lấy tay ra hiệu trong mưa. Họ nhìn nhau dò hỏi; trông tôi như một thằng điên, thì rõ, đầu tóc tôi ướt nhèm, giày thì sũng nước. Giày tôi, ngốc ơi là ngốc, vốn là loại giày hở mũi kiểu Mexico, hoàn toàn không phù hợp với những đêm mưa nước Mỹ và con đường gồ ghề trong đêm tối. Dù sao thì họ vẫn cho tôi lên xe đi nhờ, lại tiếp tục lên phía Bắc đến Newburghe, đành chấp nhận vậy thôi, còn hơn là bị nhốt ở vùng hoang mạc Bear Mountain suốt một đêm. “Với lại - ông chủ xe nói - không có lối rẽ trên Đường 6.Nếu anh muốn đến Chicago thì tốt nhất là đến New York qua đường hầm Holland Tunnel rồi thẳng lối Pittsburgh.” Tôi thấy ông ta có lý. Tất cả chỉ vì tôi cứ mơ mộng bám vào cái ý tưởng bay bổng ngu ngốc rằng sẽ kỳ thú bao nhiêu nếu được theo một con đường đỏ lớn chạy suốt nước Mỹ, chứ không biết là phải lòng vòng hết đường lớn lại đường nhỏ quanh co.

    Đến Newburgh thì trời tạnh. Tôi đi đến tận bờ sông; và trở về New York bằng xe khách với một lô thầy giáo vừa đi nghỉ cuối tuần trên núi về. Họ nói cười ầm ĩ, còn tôi thì bực mình vì đã phí phạm thì giờ và tiền bạc vô bổ. Đáng lẽ sang miền Tây thì lại cứ loay hoay suốt cả ngày và một phần đêm lên lên xuống xuống, từ Bắc xuống Nam, như một cái máy khởi động mãi mà không chịu nổ. Và tôi nhất định ngày mai phải về đến Chicago, trèo hẳn lên một cái xe ca đi Chicago, tiêu cho xứng đáng đồng tiền; cóc cần gì hết, miễn là ngày mai tôi ở Chicago là được.
     
    Chỉnh sửa cuối: 16/7/16
  5. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    3

    Đó là một chuyến xe khách bình thường: trẻ con khóc, mặt trời đổ lửa, dân nhà quê ở Pennsylvania lên xe ở thành phố này rồi lại xuống ngay ở thành phố tiếp theo, cho đến tận lúc tới vùng đồng bằng bang Ohio sau khi vòng vèo một chập thì xe mới thực sự chạy một lèo, ngược lên Ashtabula và qua Indiana ngay trong đêm. Hôm sau tôi đến Chicago khá sớm, thuê một phòng trọ, và đi ngủ, trong túi chỉ còn mấy đôla. Tôi quyết định khám phá Chicago sau một ngày ngủ ngon lành.

    Theo những cơn gió thổi về từ hồ Michigan, tôi nhịp chân theo điệu bebop xuống Loop - khu trung tâm Chicago, mấy lần lang thang rất lâu quanh khu Nam Halsted và Bắc Clark, và một lần cuốc bộ sau nửa đêm, cũng‘rất lâu, giữa những dãy phố ken dày đặc như cây rừng. Một xe cảnh sát tuần tra cứ bám lấy tôi hoài, có lẽ bởi trông tôi có vẻ khả nghi. Vào thời kỳ này, năm 1947, điệu bebop tràn lan như trận gió điên dại trên khắp nước Mỹ. Mấy chú ở Loop cũng không phải ngoại lệ, nhưng bầu không khí nơi đây có vẻ ủ dột, bởi điệu bebop ở đây có cái kiểu gì đấy lừng khừng giữa giai đoạn thống trị của những điệu jazz nguyên sơ kiểu Ornithology của Charlie Parker và một thời đại mới của những bản cool jazz do Mile Davis khởi xướng. Trong khi ngồi nghe âm thanh của màn đêm, âm thanh của điệu bebop quen thuộc đã trở thành đại diện cho tất cả chúng tôi, tôi nghĩ tới tất cả bè bạn mình từ đầu đến cuối đất nước và rằng họ đều thực sự đang trong một cái sân mênh mông, làm điều gì đó thật điên rồ và chạy loạn lên. Rồi, lần đầu tiên trong đời, vào buổi chiều hôm sau, tôi vù tới miền Tây. Đó là một buổi chiều ấm áp đẹp trời rất thuận tiện cho việc nhờ xe quá giang. Để thoát ra khỏi những con đường rối rắm của Chicago, tôi đáp xe buýt tới Joliet ở bang Illinois, đi qua nhà tù Joliet, dừng lại ở cửa ngõ thành phố sau khi đã mỏi chân cuốc bộ qua ngoại ô. Từ New York đến Joliet, tôi đã tiêu hết già nửa số tiền dự trữ của mình.

    Thoạt tiên tôi trèo lên xe tải chở mìn có cắm cờ đỏ, đi nhờ khoảng ba mươi dặm giữa màu xanh ngát vùng Illinois, bác tài chỉ cho tôi chỗ Đường 6 (là đường chúng tôi đang đi) gặp Đường 66 trước khi cả hai đâm thẳng xuống miền Tây tít tắp. Khoảng ba giờ chiều, sau khi chén qua loa ở một quán bên đường - bánh táo và kem, tôi nhìn thấy một cái xe nhỏ kiểu thể thao xịch đỗ, bên tay lái là một phụ nữ. Tôi mừng quýnh vội vàng chạy đến. Đó là một bà nạ dòng, đáng tuổi mẹ tôi, và đang cần tìm người cùng cầm lái từ đây tới Iowa. Tôi như được chỉ định sẵn để làm công việc này. Iowa! Không xa Denver là mấy, và khi tới Denver rồi thì tôi sẽ có thể thở phào. Thoạt tiên bà lái chừng mấy tiếng đồng hồ, cứ khăng khăng đòi vào thăm một ngôi nhà thờ cổ, như thể chúng tôi đang đi du lịch thật vậy. Tiếp đó đến lượt tôi lái, và dù tôi lái xe không được cừ khôi lắm thì chúng tôi cũng chạy một mạch hết phần đất bang Illinois, sang địa phận Iowa, đến tận Davenport, qua Rock Island. Và ở đây, lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn thấy dòng Mississippi yêu dấu, cạn khô trong đám sương mù mùa hạ, với đôi bờ phả ra mùi nồng của chính bản thân nước Mỹ, vì lẽ nó đã chảy qua từ đầu đến cuối đất nước. Rock Island - những nhánh đường sắt, các dãy nhà lụp xụp, khu phố buôn bán nhỏ bé; và bên kia cầu là thành phố Davenport thơm nức mùi vỏ bào dưới bầu trời nóng nực. Đến đây, người đàn bà phải rẽ về nhà bà ta. Chúng tôi chia tay nhau.

    Mặt trời lặn. Tôi đi về phía ngoại ô, lâng lâng vì mấy cốc bia. Sau tay lái, người nào cũng thấy đội mũ, mũ có nhãn hiệu công ty đường sắt, mũ đội để chơi bóng chày, các loại mũ, y như quang cảnh những buổi tan giờ làm ở bất cứ đâu, bất cứ thành phố nào. Một xe đồng ý chở tôi lên đỉnh đồi rồi thả tôi xuống một ngã tư lẻ loi ngay sát cánh đồng. Nơi này rất đẹp. Quãng này chỉ thấy toàn xe của cánh trang trại, họ nhìn tôi ngờ vực, rồi cót két chạy qua, những đàn bò lững thững về chuồng. Không một chiếc xe tải. Vài xe con vụt qua. Một thằng nhóc phóng xe Hotrod vượt qua, khăn bay trong gió. Mặt trời lúc này đã xuống sát đường chân trời. Tôi đứng lặng trong bóng chiều tím thẫm. Giờ thì tôi thấy sợ. Thậm chí còn không thấy ánh đèn nào le lói ở vùng nông thôn Iowa này; chỉ mấy phút nữa là không ai còn nhìn thấy tôi. Cũng may có một bác trở về Davenport cho tôi đi nhờ về thành phố. Thế là lại quay về đúng nơi mình vừa xuất phát.

    Tôi ra ngồi ở bến xe khách và suy nghĩ về toàn bộ chuyện này. Tôi lại ăn bánh táo và kem – đấy gần như là món ăn duy nhất tôi ăn trên suốt chuyến ngao du này; vừa bổ vừa ngon, hẳn thế rồi. Tôi quyết định thử vận may. Sau khi mất nửa tiếng đồng hồ soi một em phục vụ ở quán ăn nhà ga, tôi bắt xe khách ở trung tâm Davenport và ra khỏi thành phố, nhưng lần này thì theo hướng trạm bán xăng. Ở đây có nhiều xe tải cỡ lớn đang ầm ầm nổ máy; khoảng hai phút sau, một cái phanh kít lại và cho tôi lên. Tôi chạy tới, hồn như bay lên bảy tầng trời. Một ông tài mới chiến làm sao, tài xế ra tài xế, cao lớn, vạm vỡ, mắt lồi, có giọng nói oang oang như lệnh vỡ của người sẵn sàng quát tháo và san phẳng mọi thứ. Bác ta cho xe lao đi, chả thèm để ý đến tôi. Càng may, tôi có dịp cho cái đầu mệt mỏi của mình thư giãn một chút. Một trong những nỗi phiền muộn đáng sợ nhất của kẻ đi nhờ xe là cứ phải nói chuyện với đủ loại người, làm cho người vừa cho mình đi không cảm thấy việc họ cho mình đi nhờ là sai lầm, thậm chí còn phải làm họ vui nữa. Chuyện này đòi hỏi một cố gắng lớn khi anh cứ rong ruổi trên đường suốt mà lại chẳng thèm bước chân vào ngủ ở một khách sạn nào. Bác tài này cứ gào lên át tiếng máy xe, và tất cả những gì tôi phải làm là gào lại, rồi cả hai chúng tôi cùng thư giãn. Bác tài cho xe phóng thẳng đến Iowa City và cứ gào vào tai tôi đủ thứ chuyện kỳ cục nhất về cái vụ bác ta đã qua mặt cảnh sát ở tất cả các thành phố quy định giới hạn tốc độ bất hợp lý thế nào, cứ nói đi nói lại là “Bọn cá vàng ấy làm sao đủ trình phạt chú!” Vừa lúc chúng tôi đi vào Iowa City, thấy một xe tải khác ở đằng sau, bác ta bèn bấm đèn hậu nhấp nháy ra hiệu cho cái xe đó rồỉ chạy chậm lại cho tôi quăng túi xách ra nhảy xuống, vì bác ta phải rẽ đi lối khác. Nhận được tín hiệu, xe sau cũng chấp nhận đỗ lại cho tôi nhảy lên. Một lần nữa tôi lại được rơi vào một cái cabin rộng và cao, sẵn sàng xông pha hàng trăm dặm suốt đêm trường, và tôi cảm thấy thật là hạnh phúc! Bác lái xe mới cũng khùng như bác trước, cũng gào thét liên tục như vậy còn tôi chỉ có mỗi một việc là ngồi tựa ra sau và để mặc xe đi. Giờ đây tôi đã thấy Denver thấp thoáng phía xa như vùng Đất Hứa, dưới bầu trời sao, bên kia vùng hoang mạc Iowa và đồng bằng Nebraska, xa hơn nữa là cảnh tượng kỳ vĩ của San Francisco, giống như châu báu trong đêm. Vừa lái xe, bác tài vừa kể chuyện hàng giờ liền, rồi ngủ ngay trên ghế khi chạy đến một thành phố thuộc bang Iowa mà nhiều năm sau Dean và tôi bị giữ lại trong một cái Cadillac bị nghi là xe ăn cắp. Tôi cũng ngủ, rồi lúc tỉnh dậy nhảy xuống đi bách bộ dọc theo dãy tường gạch cô đơn dưới ánh sáng một cây đèn. Con phố nhỏ nào cũng dẫn đến hoang mạc và mùi ngô sực nức như đọng lại trong đêm.
     
  6. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Bác tài choàng tỉnh dậy khi mặt trời thức giấc. Chúng tôi lại khởi hành và một tiếng sau, khói thành phố Des Moines đã xuất hiện trước mặt, trên những cánh đồng ngô xanh ngát. Lúc này bác tài ăn sáng và muốn được thoải mái, nên tôi tiếp tục đi thẳng tới Des Moines, cách đó chừng bốn dặm bằng cách vẫy xe đi nhờ hai thanh niên từ Đại học Iowa quay về; tôi cảm thấy ngồ ngộ khi được ngồi vào một chiếc xe sang trọng, mới cứng, nghe nói chuyện thi cử trên đường vào thành phố trong tiếng máy chạy êm như ru. Giờ thì tôi muốn được ngủ đẫy giấc cả một ngày. Tôi đi kiếm một phòng ngủ, quanh đây không đâu có, và theo bản năng tôi xuôi xuống mạn ga tàu - ở Des Moines có rất nhiều ga - rồi chọn đại một quán trọ cũ tồi tàn gần nhà để đầu máy xe lửa, đánh một giấc thật lâu trên cái giường lớn không đệm trắng bong, sạch sẽ, gối nằm ngay bên cạnh những dòng chữ bẩn thỉu viết bậy trên tường và những tấm riđô cửa sổ nhăn nhúm vàng khè mở ra cảnh sân ga hỗn tạp. Tôi tỉnh dậy khi mặt trời bắt đầu đỏ lựng. Và đây là lần duy nhất trong đời, giây phút lạ lùng nhất, tôi không còn biết đích thực mình là ai nữa - tôi đang ở rất xa nhà mình, bị ám ảnh và mệt nhoài vì chuyến đi, một mình trong một căn phòng trọ tồi tàn chưa từng thấy bao giờ, nghe thấy tiếng đầu máy hơi nước rít lên ngoài kia, tiếng sàn gỗ cọt kẹt, tiếng bước chân ngay trên đầu mình và các thứ tiếng động buồn thảm khác. Tôi nhìn lên cái trần nhà cao nứt nẻ và trong vòng mười lăm giây đồng hồ kỳ lạ thực sự không còn biết mình là ai. Tôi không hoảng sợ, chỉ đơn giản thấy mình là ai khác, một kẻ xa lạ, và cả đời tôi đã bị ma ám, cuộc đời của một bóng ma. Tôi đã đi qua nửa nước Mỹ, trên ranh giới giữa miền Đông của thời thơ ấu tôi và miền Tây của tương lai tôi. Và có lẽ vì điều đó mà chuyện này đã xảy ra ở chính nơi này, trong khoảnh khắc này, trong một buổi chiều đỏ ối.

    Nhưng phải ngừng rên rỉ và lên đường thôi. Tôi xách túi lên, chào tạm biệt ông già chủ khách sạn đang ngồi như đóng đinh bên cạnh cái ống nhổ và đi tìm cái ăn. Lại bánh táo và kem. Càng đi sâu vào Iowa tình hình lại càng sáng sủa hơn: bánh táo to hơn, kem cũng nhiều hơn. Có hàng lô hàng lốc các cô em học sinh trung học xinh tươi ở mọi nơi tôi đặt mắt đến trong buổi chiều nay tại Des Moines - các em đi học về - nhưng tôi đâu có dư dật thì giờ để nghĩ tới chuyện này và tự hẹn với mình sẽ mở rộng lòng ra đón nhận khi trở về tới Denver. Carlo Marx hiện đã ở Denver, cả Dean nữa; Chad King và Tim Gray hiện cũng ở đó; nhà hai thằng ở đó mà; cả Marylou nữa; và ở đó còn có một băng rất mạnh trong đó có Ray Rawlins cùng cô em gái tóc vàng xinh xắn của gã là Babe Rawlins. Có hai cô hầu bàn mà Dean rất quen, chị em nhà Bettencourt; Cả Roland Major, bạn viết cũ cùng trường của tôi cũng đang ở đó. Tôi vui sướng và mong mỏi chờ đợi được gặp tất cả bọn họ. Vì thế tôi chỉ vội bước qua các cô em xinh tươi đó, không thèm để ý, kể cả họ có là những cô gái xinh đẹp nhất thế giới đang sống tại Des Moines này.

    Một gã ăn mặc bụi bặm lái chiếc xe tải chở đầy dụng cụ cho tôi quá giang đến một con dốc cao. Ở đây tôi ngay lập tức bắt được xe của một bác nông dân cùng con trai đang đi về Adel ở Iowa. Trong thành phố này, dưới tán một cây du lớn gần một cây xăng, tôi làm quen với một gã chuyên đi nhờ xe người Ái Nhĩ Lan, từng lái xe nhiều năm cho bưu điện và giờ đây đang tìm kiếm một em ở Denver và một cuộc đời mới - tôi đồ chừng hắn ta đang phải chuồn khỏi New York vì chuyện gì đó dính dáng đến luật pháp. Đây là một gã nghiện rượu thứ thiệt chừng ba mươi tuổi, mũi đỏ lựng. Bình thường thì có thể lờ phắt hắn đi, nhưng tôi lại rất nhạy cảm trước bất cứ gì liên quan tới tình bạn giữa người với người. Hắn ăn mặc rách nát và chả có hành lý gì cả, trần sì một bàn chải răng, mấy cái khăn mùi soa. Hắn nói cả hai thằng cùng hợp sức lại mà vẫy xe. Đáng lẽ tôi phải từ chối, vì trông hắn rất bẩn tướng, nhất là lại đang ở trên đường. Thế nhưng tôi vẫn đồng ý bắt tay hắn và chúng tôi bắt được một chiếc xe với một tay tài xế lầm lì để đến Stuart, Iowa, rồi thực sự mắc kẹt ở đấy. Chúng tôi đứng chồn chân trước nhà bán vé hỏa xa lụp xụp ở Stuart, rình bắt xe chạy về miền Tây mãi đến tận khi mặt trời lặn, nghĩa là năm tiếng đồng hồ liền, giết thì giờ bằng cách kể lại đời mình cho nhau nghe; tiếp đó là những chuyện bẩn thỉu, cuối cùng chỉ còn biết lấy chân đá những hòn cuội đi thật xa và gây ra các thứ tiếng động ầm ĩ. Chán chết được. Tôi bèn quyết định bỏ ra một đô để uống bia. Hai thằng đến một quán bia cũ ở Stuart làm mấy vại. Ỏ đó hắn say y hệt cái đêm trên Đại lộ Chín về nhà, và cứ sung sướng oang oang vào tai tôi những giấc mơ thảm hại của đời mình. Tôi hơi thích hắn; không phải bởi hắn là người tốt, như sẽ được chứng minh sau này, mà bởi hắn bao giờ cũng nhiệt tình với mọi chuyện. Đến nửa đêm, chúng tôi quay lại đường và tất nhiên chả còn xe cộ nào nữa. Cứ thế cho đến tận ba giờ sáng. Có lúc chúng tôi đã thử nằm chợp mắt một lúc trên cái ghé băng của phòng bán vé, nhưng tiếng đánh điện cứ tè tạch suốt đêm không sao ngủ được, thêm nữa, những toa chở hàng to tướng cứ va đập vào nhau bốn bề xung quanh.

    Chúng tôi không biết nhảy tàu; chưa thằng nào từng thử nhảy, mà cũng chả biết tàu chạy sang miền Đông hay miền Tây và phải chọn toa nào, toa chở hàng bít bùng hay không có nóc, có đông lạnh hay không, vân vân. Thế nên khi chuyến xe khách đi Omaha đến vừa kịp trước bình minh, chúng tôi vội nhảy lên, nhập bọn cùng những hành khách đang gà gật. Tôi mua vé cho hắn và cho mình. Hắn tên là Eddie. Hắn làm tôi nhớ đến ông anh rể họ ở Bronx. Chính vì thế mà tôi đánh bạn với hắn. Có vẻ như tôi đã có một người bạn cũ bên mình, một gã bản chất tốt và luôn tươi cười cùng tôi rong ruổi.

    Mặt trời lên thì chúng tôi đến Council Bluffs. Tôi ngước nhìn phong cảnh. Suốt mùa đông tôi đã đọc câu chuyện về những cuộc tập hợp lớn các loại xe bò ở chính nơi này: người ta tụ tập trước khi đi sâu vào những con đường mòn ở Oregon và Santa Fe; giờ đây tất nhiên ở đó chỉ còn những căn nhà xinh xắn xây cùng một kiểu ngoại ô nằm trong bình minh xám xịt buồn thảm. Tiếp đó là Omaha, và, lạy Chúa, gã cao bồi đầu tiên tôi được nhìn thấy, đang đi dọc theo bức tường lạnh lẽo của một kho chứa thịt bán buôn, đội một cái mũ cao bồi thứ thiệt, chân xỏ ủng của vùng Texas, trừ bộ cánh ra thì trông cũng không khác gì một tay thảm hại chui ra từ ngóc ngách trong sáng sớm ở miền Đông. Chúng tôi xuống xe, trèo lên đỉnh đồi, quả đồi lớn do dòng sông Missouri hùng vĩ bồi đắp lên qua hàng ngàn năm. Omaha được dựng lên chính bên dòng sông này. Tiếp đó, chúng tôi băng qua cánh đồng, tiếp tục vẫy xe. Bọn tôi đi chung một đoạn ngắn với một chủ trang trại giàu có đội mũ cao bồi. Ông ta kể rằng thung lũng Platte cũng kỳ vĩ như thung lũng sông Nile bên Ai Cập, khi ông nói vậy tôi bèn phóng tầm mắt về phía hàng cây lớn uốn lượn theo bờ sông và những cánh đồng xanh mướt và gần như đồng ý với ông ta. Thế rồi, trong lúc chúng tôi đứng ở một chỗ rẽ khác và trời bắt đầu nhá nhem tối, thì có một gã cao bồi khác, to lớn, đội cái mũ chẳng cao bồi chút nào, gọi chúng tôi và hỏi có biết lái xe không. Tất nhiên là Eddie biết lái; hắn có cả bằng lái xe, còn tôi thì không. Gã cao bồi này có hai xe muốn chuyển về Montana. Vợ gã đang ở Grand Island và gã muốn bọn tôi lái giùm gã một xe; rồi sẽ đến lượt vợ gã lái tiếp. Sau đó, họ đi về phía Bắc nên chúng tôi chỉ có thể đi nhờ đến Grand Island. Như thế là cũng đã vượt qua được một trăm dặm, qua suốt cả vùng Nebraska rồi, và tất nhiên chúng tôi vồ lấy cơ hội này. Eddie lái một mình một xe, gã cao bồi và tôi theo sau. Vừa ra khỏi thành phố, Eddie đã cho xe phóng bạt tử, chín mươi dặm/giờ. “Mẹ kiếp, thằng oắt này định giở quẻ gì đây?” gã cao bồi kêu lên và phóng đuổi theo. Hệt như một cuộc đua xe vậy. Tôi chợt nghĩ không khéo thằng này định cuỗm luôn cái xe, và theo chỗ tôi hiểu thì có thể là như thế thật. Nhưng gã cao bồi đã bám được hắn, đuổi kịp và nhấn còi inh ỏi. Eddie bèn cho xe chạy chậm lại. “Thằng điên, cứ phóng như thế thì tan lốp ra mất. Không thể chạy chậm lại một chút được à?”

    “Tất nhiên là em điên, mà em chạy đến 90 dặm thật à?” Eddie nói. “Em đâu biết, đường này êm quá.” Chú đi từ từ thôi nếu muốn chúng ta còn nguyên vẹn khi đến Grand Island.”

    “Tất nhiên rồi.” Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình, Eddie đã bớt bốc đồng và có khi còn bắt đầu buồn ngủ. Cứ thế chúng tôi theo những ngọn gió từ những cánh đồng trù phú vùng Platte vượt một trăm dặm qua vùng Nebraska.

    Gã cao bồi nói với tôi, “Hồi kinh tế suy thoái, anh có thói quen mỗi tháng nhảy tàu một lần. Ngày đó các chú sẽ thấy hàng trăm kẻ nhảy tàu trên các toa chở hàng, bít bùng hoặc không có nóc, và không chỉ có dân du thủ du thực đâu mà là đủ loại người thất nghiệp, cứ lang thang hết chỗ này sang chỗ khác. Cả miền Tây đều như vậy. Thời đó, bọn gác phanh chẳng mấy khi bận tâm đán mấy người như chú. Giờ thì anh không biết thế nào. Anh chẳng cần Nebraska làm gì. Hồi giữa những năm ba mươi, chỗ này không có gì khác ngoài một đám mây bụi mù mịt ngút tầm mắt. Bụi đến không thở được. Mặt đất đen lại. Thời đó anh sống ở đây. Theo anh được biết thì người ta hoàn toàn có thể trả Nebraska lại cho người da đỏ. Anh ghét mảnh đất khốn khổ này hơn mọi nơi trên đời. Giờ thì anh sống ở Montana, tại Missoula. Có dịp chú hãy ghé chơi cho biết thế nào là thiên đường.” Buổi chiều tà, khi gã đã thấm mệt không chuyện nữa, tôi ngủ thiếp đi - đây là một gã có tài nói chuyện.

    Chúng tôi dừng xe dọc đường để ăn tạm cái gì. Gã cao bồi đi chữa cái bánh xe dự phòng, còn Eddie và tôi thì ngồi xuống ăn một bữa tối như nhà nấu. Tôi nghe thấy một tiếng cười lớn, lớn nhất thế giới, rồi thấy xuất hiện một bác nông dân già bằng xương bằng thịt người vùng Nebraska, đi cùng với một đoàn người cùng vào ăn tối. Xuyên qua thế giới ảm đạm của họ những ngày đó, bạn có thể nghe rõ tiếng bác ta như lệnh vỡ từ tận cuối những cánh đồng. Mọi người cùng cười theo bác. Chả hề bận tâm đến chuyện gì trên đời nhưng bác nông dân lại làm cho mọi người hết sức chú ý đến bác. Hừm, tôi nghĩ bụng, nghe cách thằng cha này cười, thế mới là miền Tây chứ. Tôi đang ở miền Tây rồi! Bác ta xông vào quán như một cơn gió lốc, gọi tên cô Maw, và cô làm cho bác món bánh hạnh nhân ngon nhất Nebraska (tôi đang có món bánh ấy trước mặt, đống kem chất lù lù như núi). Bác ta ngồi đánh rầm xuống ghế và lại cười lên haha, haha, haha. Cho ăn đi, cô em, đói nghiến rồi đây này.” Đúng là tinh thần miền Tây đang chễm chệ cạnh tôi. Tôi những muốn biết rõ trong ngần ấy năm đời mình bác ta làm ăn sinh sống ra sao ngoài việc la hét đùa bỡn rồi cười ha hả như thế. Nhưng gã cao bồi đã quay lại và chúng tôi phải ra xe để đi Grand Island.
     
  7. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Chả mấy chốc chúng tôi tới nơi. Gã ta đi tìm vợ và chạy theo số phận đang chờ đợi gã, trong khi Eddie và tôi lại tiếp tục lên đường. Hai chiến hữu - cao bồi, tuổi thiếu niên, nhà quê - cho chúng tôi quá giang một đoạn trên một chiếc xe ọp ẹp rồi lại thả chúng tôi xuống đường, dưới trời mưa bụi. Tiếp đó là một ông già không nói năng gì, và chỉ có Chúa mới hiểu được tại sao ông lão chịu hứng lấy bọn tôi, đưa bọn tôi đến Shelton. Tại đó Eddie cứ đứng như trời trồng ở giữa đường, thất vọng ra mặt. Một toán dân da đỏ vùng Omaha, nhỏ con, gầy guộc, chả biết phải làm gì và phải đi đâu, cứ nhìn hắn chăm chằm. Đường xe lửa chạy ngang qua quãng này và trên một trạm tiếp nước có tấm biển đề: SHELTON. “Xỏ lá chưa,” Eddie giật mình kêu lên, “Tôi đã từng ở chỗ này. Cách đây lâu rồi, hồi chiến tranh, buổi đêm, rất khuya, khi mọi người đã ngủ cả. Tôi ra ngoài sân ga để hút một điếu. Trời tối đen như mực, mình giương mắt lên và cũng nhìn thấy tấm biển ghi chữ Shelton trên trạm tiếp nước này. Chuyến tàu đi về phía Tây, ai nấy vẫn ngáy khò khò, bọn vô dụng ấy, và tàu chỉ đỗ có vài phút, tiếp thêm than hay gì đấy, rồi lại đi. Chết tiệt cái đát Shelton! Tôi rất ghét cái xó này từ thuở đó rồi mà!” Và thế là chúng tôi bị mắc kẹt ở Shelton. Cũng giống như ở Davenport, Iowa, chỉ toàn nhìn thấy xe của bọn nông dân. Thỉnh thoảng cũng có một chiếc xe du lịch, nhưng thế còn tệ hơn, vì gồm toàn những ông già đang lái xe bên cạnh các bà vợ già đang chỉ trỏ các biển báo hoặc nghiên cứu bản đồ, nhìn ai cũng bằng con mắt nghi ngờ.

    Mưa bụi dày thêm, Eddie kêu rét: hắn mặc rất ít đồ. Tôi lấy trong túi xách ra một cái áo len kẻ carô cho hắn mặc. Hắn cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi thì bị cảm lạnh. Tôi mua một gói kẹo ngậm ho tại một quán hàng của người da đỏ, rồi tạt vào trạm bưu điện mua tấm bưu thiếp giá một xu viết cho bà cô mấy dòng. Rồi hai đứa trở lại đường cái. Dòng chữ Shelton vẫn sừng sững ở đó, phía trên trạm tiếp nước. Chuyến tàu tốc hành đi Rock Island rầm rầm chạy qua. Chúng tôi nhìn thấy khuôn mặt hành khách trên các toa hạng nhất vụt qua. Con tàu hú lên băng qua cánh đồng về phía chúng tôi đang mong mỏi. Trời bắt đầu trở mưa nặng hạt.

    Một gã cao lênh khênh đội mũ cao bồi đỗ xe trái đường và đến chỗ chúng tôi; trông gã như một tay cớm. Chúng tôi bí mật chuẩn bị bịa ra một câu chuyện. Gã tần ngần mãi rồi mới xáp vô. “Các anh định đi đâu hay chỉ loanh quanh đây?” Chúng tôi không hiểu gã định hỏi gì. Một câu hỏi quá được.

    “Sao cơ ạ?”

    “À, tôi làm chủ một hội chợ cách đây vài dặm. Tôi đang đi tìm mấy chàng trai đứng đắn muốn làm việc kiếm ít tiền. Tôi là chủ trò cò quay và trò ném vòng, các cậu biết đấy, ném vòng ăn búp bê ấy mà. Một cách thử vận may. Thế nào, các bạn trẻ, làm cho tôi các cậu sẽ được hưởng ba mươi phần trăm số thu nhập.”

    “Cả ăn uống ngủ nghê nữa chứ?”

    “Giường ngủ thì có, còn cái ăn thì không. Các cậu phải ăn ở ngoài. Đôi lúc chúng ta sẽ phải di chuyển.” Chúng tôi suy nghĩ rất lung. “Dịp may đấy!” gã nói thêm và kiên nhẫn chờ chúng tôi quyết định. Chúng tôi cảm thấy lúng túng, chẳng biết trả lời ra sao, riêng tôi thì không muốn mất thời giờ với một cái hội chợ. Tôi vội gặp lại băng của mình ở Denver chết đi được.

    “Tôi cũng không biết nữa, tôi phải đi càng sớm càng tốt và không nghĩ rằng mình có thời gian.” Eddie cũng nói như vậy. Gã ta liền giơ tay lên chào rồi lững thững ra xe vút thẳng. Thế thôi. Vụ này làm chúng tôi cười được một chập và hình dung ra mình mà làm việc đó thì sẽ thế nào. Tôi như hình dung ra một đêm tối tăm bụi bặm trên vùng đồng bằng, những gương mặt của các gia đình Nebraska lướt qua, lũ trẻ con má hồng nhìn thấy cái gì cũng mê, và tôi biết mình cũng chẳng khác gì quỷ sứ khi đi bịp trẻ con bằng ba cái trò ném vòng vớ vẩn... Rồi vòng đu quay cứ xoay tròn trong bóng tối vùng đồng bằng, và, lạy Chúa toàn năng, trong tiếng nhạc buồn của chiếc đu quay, tôi khao khát được tiếp tục đến mục tiêu của mình rồi chìm vào giấc ngủ trên một chiếc giường làm bằng bao tải trong một cái xe chở lợn nái.

    Eddie trở thành người bạn đường đãng trí của tôi. Một cái xe cà tàng trông rất ngộ tiến lại gần, bên tay lái là một ông già. Cái xe cũ rích, hình như làm bằng nhôm, vuông chằn chặn như một cái hòm - một cái nhà lưu động, không nghi ngờ gì nữa, nhưng là một cái nhà di động tự chế kiểu Nebraska kỳ quặc, dở hơi. Xe chạy rất chậm rồi dừng lại. Chúng tôi xông lên. Nghe ông già nói chỉ có thể nhận một người thôi, Eddie chẳng nói chẳng rằng nhảy tót vào trong. Và hắn biến luôn với cái xe cót ca cót két, mang theo cả cái áo len kẻ carô của tôi. Thế là xong một ngày xúi quẩy, tôi gửi theo cái áo len của mình một cái hôn vĩnh biệt; dù sao thì nó cũng chỉ có giá trị tình cảm thôi. Trên vùng đất Shelton chó chết, với hai thằng bọn tôi thôi, tôi đứng đợi một lúc lâu, rất lâu, nhiều giờ liền, cứ nghĩ đến chuyện đêm sắp đến. Thật ra thì mới đầu chiều thôi, nhưng trời đã sâm sẩm rồi. Denver, Denver, làm cách nào để tới được Denver bây giờ? Suýt nữa tôi đã tính đến chuyện bỏ cuộc, quay vào ngồi ở một quán cà phê nào đó, thì một cái xe còn khá mới xịch đỗ, ngồi sau tay lái là một tay còn trẻ. Tôi chạy theo như điên.

    “Anh đi đâu?”

    “Denver.”

    “Được, tôi có thể cho anh đi khoảng một trăm dặm theo hướng ấy.”

    “Tuyệt vời, xem như anh đã cứu đời tôi.”

    “Bản thân tôi cũng từng đi nhờ xe nhiều cho nên tôi rất sẵn sàng nhận người lạ lên xe.”

    “Tôi sẽ làm như vậy nếu có xe.”

    Và cứ thế mà chuyện tràn cung mây. Anh chàng kể lại đời mình cho tôi nghe nhưng chẳng có gì là thú vị cả nên tôi đánh thẳng một giấc. Mở mắt ra thì vừa vặn đến cửa ngõ thành phố Gothenburg. Anh chàng bỏ tôi xuống đó.
     
  8. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    4

    Chuyến đi nhờ xe tuyệt vời nhất đời tôi sắp sửa bắt đầu: một xe tải, đằng sau là thùng xe không nóc với sáu, bảy chú uể oải nằm ngổn ngang. Lái xe là hai nông dân trẻ tóc vàng của vùng Minnesota: họ nhặt hết mọi tâm hồn tìm thấy trên đường cho lên xe - hai anh nhà quê tươi tỉnh nhất, vui vẻ nhất, đẹp trai nhất có thể gặp được. Cả hai đều mặc áo sơ mi bằng vải bông, ngoài là bộ áo liền quần; bàn tay vững chắc, đứng đắn, luôn niềm nở mỉm cười chào hỏi tất cả những ai đi ngang qua. Tôi chạy đến, “Còn chỗ không?” Họ nói, “Tất nhiên, lên đi, còn chỗ cho tất cả mọi người.”

    Tôi chưa kịp trèo lên sàn xe thì nó đã gầm lên và lăn bánh. Tôi lảo đảo, một chú nắm lấy cổ tay tôi và tôi ngồi xuống. Ai đó chuyền qua một chai còn thừa ít rượu. Tôi làm một ngụm to giữa bầu không khí hoang dã, trữ tình, mờ ảo của vùng Nebraska. “Nhanh nữa lên nào!” một thằng nhóc đội mũ bóng chày sủa to. Ngay lập tức xe tải vọt tới bảy mươi dặm/giờ, vượt lên mọi xe khác trên đường. “Bọn tôi đã ở trên cái xe khốn kiếp này suốt từ Des Moines đến giờ. Mấy gã này không bao giờ chịu dừng lại. Thỉnh thoảng phải gào lên để được xuống đái một nhát, nếu không thì cứ tè ngay tại chỗ. Anh bạn, cứ việc mà bám cho thật chặt.”

    Tôi nhìn đám hành khách. Có hai tay nông dân trẻ người Bắc Dakota đội mũ bóng chày màu đỏ - loại mũ tiêu biểu của nông dân Bắc Dakota. Họ đi gặt thuê, ông bà già họ cho phép họ thăm dò đường đất suốt vụ hè. Có hai chú đến từ thành phố Colombus bang Ohio, là cầu thủ bóng đá trường trung học, mồm nhai kẹo cao su, nháy mắt, hất trong gió, và khoe rằng sẽ dùng cả mùa hè này để đi vòng quanh nước Mỹ bằng cách vẫy xe đi nhờ. “Chúng tôi đi Los Angeles,” hai chú sủa to.

    “Các ông đến đây làm gì?”

    “Giời, đâu có biết. Biết mà làm quái gì.”

    Có cả một gã cao, gầy, vẻ nham hiểm. “Anh quê đâu?” tôi hỏi. Tôi nằm cạnh hắn trên sàn xe, không thể ngồi được vì xóc khủng khiếp, xe đâu có thành. Hắn chậm chạp quay đầu về phía tôi, mở mồm ra và nói, “Mon-ta-na.”

    Cuối cùng là Mississippi Gene và gánh nặng của hắn.Gene là một gã bụi đời nhỏ thó, từng leo lên toa tàu hàng đi khắp nước. Hắn chừng ba mươi nhưng khá đẹp mã nên khó mà đoán chính xác hắn bao nhiêu tuổi. Gene ngồi phệt xuống sàn, chân xếp bằng, mắt chìm vào phong cảnh, chẳng nói chẳng rằng suốt chặng đường dài. Một lúc lâu sau hắn mới quay sang phía tôi và hỏi, “Còn chú, chú đi đâu?”

    Tôi nói Denver.

    “Ở đấy anh có một đứa em gái nhiều năm rồi chưa gặp.” Giọng hắn trầm bổng và chậm. Đây là một thằng cha kiên nhẫn. Đệ tử của hắn là một thằng tóc vàng mười sáu tuổi, cũng ăn mặc theo kiểu bụi phủi; tức là quần áo cả hai đều cũ rách, đều lem nhem bụi đất do lê la trên tàu và những đêm ngủ ngay dưới đất. Thằng tóc vàng cũng chẳng nói năng gì, gã như đang lẩn tránh điều gì đó, và cái cách hắn hay nhìn thẳng ra phía trước và liếm môi liên tục chỉ ra rằng hắn đang lẩn tránh pháp luật. Slim, kẻ đến từ Montana, thỉnh thoảng giễu cợt hai gã này và mỉm cười đầy ẩn ý. Còn họ thì không để ý đến gã. Tôi phát sợ cái nụ cười ngớ ngẩn của gã khi gã ngoác miệng gí vào mặt mình rồi cứ để nguyên thế như một thằng điên.

    “Chú có tiền không?” gã hỏi tôi.

    “Hầu như sạch túi rồi, có lẽ chỉ vừa đủ để làm một chầu whisky trước khi đến Denver. Còn anh?”

    “Anh biết là sẽ kiếm được ở đâu.”

    “Ở đâu?”

    “Đâu mà chẳng được. Người ta luôn có thể lấy được ở một kẻ nào đó, trong một phố nhỏ, đúng không?”

    “Ừm, em nghĩ là anh thì có thể.”

    “Nếu thực sự cần vài lít thì anh cũng dám lắm. Giờ anh phải đến Montana để thăm ông già. Anh sẽ xuống xe ở Cheyenne và tìm phương tiện khác đi tiếp. Còn bọn điên kia sẽ đi Los Angeles.”

    “Làm thẳng một lèo à?”

    “Thẳng một lèo, nếu chú cũng muốn đi LA thì đúng chỗ rồi đấy.”

    Thế này thì phải nghĩ đã; sẽ được xả hơi suốt một đêm qua vùng Nebraska, qua Wyoming, qua sa mạc Utah vào buổi sáng, và rất có thể đến chiều sẽ qua cả sa mạc Nevada rồi tới Los Angeles vào một thời gian xác định được. Ý nghĩ này làm tôi suýt nữa thay đổi chương trình. Nhưng tôi phải đến Denver. Tôi cũng phải xuống xe ở Cheyenne và vẫy xe đi tiếp chín mươi dặm nữa về phía Nam để đến Denver.

    Tôi lấy làm bằng lòng khi thấy hai tay nông dân vùng Minnesota, chủ nhân cái xe tải quyết định dừng lại ở North Platte để dùng bữa; tôi muốn ngắm kỹ họ. Họ chui ở cabin lái ra và mỉm cười với bọn tôi. “Đến giờ đi tè!” một tay nói. “Và đánh chén!” tay thứ hai tiếp lời. Nhưng họ là hai người duy nhất có tiền để mua đồ ăn. Chúng tôi lếch thếch theo họ vào một quán ăn do một đám phụ nữ quản lý, gặm hamburger với cà phê trong khi hai tay kia ngốn ngấu những đĩa thức ăn kếch xù, hệt như vừa được về nhà mẹ đẻ. Họ là hai anh em ruột, đang chở máy nông nghiệp từ Los Angeles đến Minnesota và cũng kiếm khá bộn. Chuyến về xe rỗng, thế là họ cho mọi người đi nhờ xe. Họ đã đi đi về về được năm chuyến.Vớ bẫm nên nhìn gì cũng thấy khoái. Họ không ngừng cười mỉm. Tôi định nói chuyện với họ - một ý đồ ngu xuẩn kiểu như muốn bày tỏ tình bằng hữu với hai thuyền trưởng của mình - nhưng họ chỉ trả lời bằng những nụ cười sáng chói, phô ra hàm răng trắng muốt của những kẻ được nuôi dưỡng bằng ngô.

    Mọi người đều theo họ vào quán ăn, trừ hai kẻ lang thang là Gene và thằng nhóc tóc vàng. Khi chúng tôi quay về xe, họ vẫn ngồi nguyên trong đó, trơ trọi, ỉu xìu. Đêm bắt đầu xuống. Hai tay lái xe dừng lại hút thuốc. Tôi tranh thủ đi mua một chai whisky để được ấm bụng mà chống lại những cơn gió lạnh ban đêm. Họ mỉm cười khi tôi nói ý định ấy ra.

    “Thế thì nhanh chân lên.”

    “Hai anh cũng nên làm một ngụm,” tôi nói để họ yên tâm.

    “Ô không, bọn này không uống rượu bao giờ cả, đi nhanh lên.”

    Montana Slim và hai thằng học sinh phổ thông cùng tôi lang thang khắp các dãy phố vùng North Platte cho đến khi tìm được một cửa hàng bán whisky. Mọi người góp tiền lại và tôi mua luôn một lít. Nhiều gã to con trông gớm ghiếc cứ nhìn chằm chằm vào chúng tôi sau những tấm biển quảng cáo khổng lồ kín mặt tiền các tòa nhà ống vuông chằn chặn dọc con phố chính. Bên ngoài mỗi con phố buồn bã là cảnh bát ngát của miền đồng bằng lớn. Tôi cảm thấy không khí ở North Platte hơi khác lạ, nhưng không rõ cụ thể là gì. Phải năm phút sau tôi mới định vị được cảm giác đó. Chúng tôi quay lại vừa lúc xe nổ máy. Trời tối rất nhanh. Mỗi thằng làm một ngụm và bỗng tôi thấy cây cối xanh tươi ở Platte bắt đầu biến mất, thay vào đó là sa mạc mênh mông cát chỉ toàn cây ngải đắng ngút tầm mắt. Tôi kinh ngạc kêu lên.

    “Cái quái gì thế này?” tôi gào lên với Slim.

    “Bắt đầu vùng hoang mạc đấy, chú em ạ. Cho anh làm ngụm nữa nào.”

    “Hết sảy!” hai thằng học sinh phổ thông reo lên.“Vĩnh biệt Columbus! Nếu Sparkie và mấy thằng kia có mặt ở đây thì chúng nó sẽ nói gì nhì? Tuyệt!”

    Trong cabin, anh em tài xế đổi lái. Cha mới này nhấn ga rất ghê. Mặt đường cũng thay đổi: gồ lên ở giữa, lề đất, hai bên đường đầy những rãnh, có cái sâu đến cả mét, nên cái xe cứ nảy lên nảy xuống, lảo đảo từ bên nọ sang bên kia - nhưng thần kỳ là chỉ khi không có xe đi ngược chiều mới thế - và tôi cứ tưởng là bọn tôi đang biểu diễn nhào lộn. Tay lái này rất cừ khôi. Nó vượt qua những gò đất mấp mô vùng Nebraska dễ như chơi - mấy mô đất này mà ở Colorado thì sẽ được gọi là quả núi! Và chẳng bao lâu tôi đã thấy mình đang ở trên đất Colorado rồi, chưa hẳn như vậy nhưng cũng chỉ còn cách Denver khoảng một trăm dặm về phía Tây Nam thôi. Tôi hét lên vì mừng. Chai rượu lại chuyền tay nhau. Những ngôi sao lớn lấp lánh, đồi cát xa mờ dần. Tôi cảm thấy mình như một mũi tên đang lao tới đích.

    Tự nhiên Mississippi Gene quay sang phía tôi, nghiêng đầu thì thào, “Những cánh đồng này làm anh nhớ đến Texas.”

    “Anh là người ở Texas?”

    “Không ạ, thưa chú, anh người Green-veil, Muzz-sippy ạ.” Hắn phát âm ‘Greenville, Mississippi’ như thế đấy.

    “Thế còn thằng nhóc kia?”

    “Nó gặp chuyện bê bối ở Mississippi và anh muốn giúp nó chuồn. Bọn nhóc không bao giờ tự giải quyết được chuyện gì cả. Anh chăm sóc nó bằng hết khả năng, nó mới chỉ là một thằng chíp hôi mà.” Gene là người da trắng, nhưng hắn lại có vẻ khôn ngoan mệt mỏi của một ông già da đen. Gene có cái gì đó rất giống Elmer Hassel - thằng nghiện New York. Chỉ khác đây là một Hassel chuyên nhảy tàu, một Hassel thích ngao du hoành tráng. Năm nào hắn cũng phải đi ngang dọc khắp đất nước, mùa hè đi xuống phương Nam, mùa đông lại lên miền Bắc, chỉ vì chưa nóng chỗ hắn đã chán và bởi chẳng có nơi nào cố định nên Gene đành có mặt khắp nơi, cứ thế đi mãi dưới những vì sao - thường là sao miền Tây.

    “Anh từng ở Og-den mấy lần. Nếu chú muốn đến đó thì anh có mấy thằng bạn thân có thể cùng nhau sống tạm.” “Em đi Denver, qua ngả Cheyenne.”

    “Lạy Chúa, thế thì cứ thẳng đường mà nhào tới, không phải ngày nào cũng gặp được dịp may như thế này đâu.”

    Lại một đề nghị đầy hấp dẫn. Ở Ogden thì có trò vè gì nhỉ? “Ogden là thế nào?” tôi hỏi.

    “Là nơi phần lớn bọn trai trẻ đi qua và bao giờ cũng tụ tập ở đấy. Ở đấy có thể gặp bất kỳ ai.”

    Ngày xưa tôi từng ra biển cùng một thằng to con người Louisiana tên là Big Slim Hazard, tên thật là William Holmes Hazard, một kẻ tự chọn con đường sống lang thang. Hồi còn nhỏ xíu, hắn nhìn thấy một kẻ lang thang đến xin mẹ hắn một miếng bánh, và mẹ hắn cho gã. Khi kẻ đi xin ăn này đã xuống phố rồi, thằng nhóc hồi, “Mẹ ơi, anh ta là ai thế?” “Một kẻ lang thang đấy, con ạ.” “Mẹ ơi sau này con cũng muốn trở thành một kẻ lang thang.” “Mày có câm miệng đi không con, đó không phải là dòng giống họ nhà Hazard.” Thế nhưng thằng nhóc không bao giờ quên cái ngày ấy và khi lớn lên, sau một thời gian chơi cho đội bóng của trường đại học, hắn bắt đầu đi lang thang. Big Slim và tôi đã từng thức nhiều đêm để kể chuyện đời cho nhau nghe và nhổ bã thuốc lá vào trong những cái hộp bằng giấy. Slim Hazard có cái gì đó rất giống với Mississippi Gene trong cách ứng xử, đến nỗi tôi buột miệng hỏi, “Đã bao giờ anh gặp một thằng cha tên là Big Slim Hazard chưa?”

    Và hắn nói, “Chú muốn nói đến một thằng cha to con cười như phá?”

    “Đúng đấy. Cái gã người Louisiana ấy.”

    “Đích thị. Đôi khi người ta còn gọi hắn là Louisiana Slim. Vâng, thưa chú, anh đã gặp hắn ta. Big Slim, chắc luôn.”

    “Và hắn từng làm việc trong vùng khai thác dầu ở Đông Texas?”

    “Đông Texas, đúng. Giờ hắn chuyển sang chăn bò.” Hoàn toàn chính xác; không thể tin được là Gene biết Slim, người mà tôi tìm kiếm từ mấy năm nay. “Và hắn đã làm việc tại các các tàu kéo ở New York nữa phải không?”
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/8/16
  9. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    “Nghĩa là anh chỉ quen với hắn ở miền Tây thôi?”

    “Chắc thế. Anh chưa đến New York bao giờ.”

    “Lạy Chúa, anh quen hắn, tuyệt quá. Đất nước này rất rộng lớn. Thế mà em cũng biết nhất định anh phải quen biết hắn”

    “Vâng ạ, thưa chú, anh biết Big Slim khá rõ. Rất hào phóng tiền nong chừng nào hắn có tiền trong túi. Một gã khốn khổ, nhưng cũng rất chì. Anh từng nhìn thấy hắn cho một tên cớm đo ván trong khu nhà kho ở Cheyenne - chỉ bằng một cú đấm.”

    Đúng là Big Slim rồi; hắn lúc nào chả tập cú đấm một phát chết liền ấy bằng cách đâm vào không khí; hắn từa tựa như Jack Dempsey, nhưng là một Jack Dempsey trai trẻ và đã ngà ngà hơi men.

    “Mẹ kiếp!” Tôi gào trong gió và làm một ngụm nữa, giờ thì cảm thấy người rất khoan khoái. Uống được ngụm nào thì gió ào ào qua cái xe không mui lại thổi bay đi cả, dư vị đắng cay bay đi, dư vị ngọt ngào lắng lại ở đáy dạ dày. Cheyenne, có mặt ta đây!” tôi hát lên. “Denver, chú ý, ta đến ngay đây này!”

    Montana Slim quay sang tôi, chỉ vào giày của tôi và nói, “Chú có nghĩ là nếu chôn cái của nợ này xuống đất thì sẽ mọc lên cái gì không?” Hắn nói mà không thèm cười, tất nhiên, còn cả bọn nghe thấy đều cười phá lên. Thật đúng là một đôi giày trông ngu ngốc nhất nước Mỹ. Tôi mang đôi giày này vì hiển nhiên là không muốn chân mình đầm đìa mồ hôi trên những con đường nóng bỏng, và ngoại trừ trận mưa rào ở Bear Mountain, nó đã chứng tỏ mình là đôi giày tốt nhất cho hành trình của tôi. Thế là tôi cũng cười góp với họ. Giờ thì giày đã nát bươm, lớp da sặc sỡ bên trong nổi bật lên như một miếng dứa tươi còn ngón chân cái tôi thì thòi cả ra ngoài. Tốt thôi, bọn tôi lại làm một ngụm nữa và cười tiếp. Xe như chạy trong mơ, băng qua một thị trấn nhỏ bên đường trong bóng tối, vượt qua một đoàn những tay gặt thuê đang nằm ngồi la liệt và bọn cao bồi trong đêm. Họ ngước mắt nhìn theo xe chúng tôi và chúng tôi thấy họ vỗ tay vào đùi từ khoảng tối bất tận bên kia thị trấn. Trông bọn tôi chắc kỳ dị lắm.

    Có hàng đống người có mặt ở đây, tại thời điểm này trong năm; đây là mùa gặt. Hai chú vùng Dakota bắt đầu nhấp nhổm. “Chắc là bọn này sẽ xuống xe ở lần đỗ xe đi tè tới, có vẻ quanh đây có nhiều việc làm.”

    “Tất cả những gì các chú phải làm là ngược lên mạn Bắc sau khi qua đây,” Montana Slim khuyên, “rồi chỉ việc theo mùa gặt đên tận Canada.” Hai thằng gật đầu hờ hững, họ chẳng mấy để tâm xem hắn khuyên gì.

    Thằng nhóc tóc vàng đang phải lẩn trốn vẫn không động đậy.Thỉnh thoảng Gene lại như chợt tỉnh khỏi trạng thái nhập định kiểu Phật giáo của hắn trong màn đêm của đồng bằng nhấp nhô để nói vài lời âu yếm với thằng nhỏ. Thằng này gật đầu. Gene quan tâm đến nó, đến tâm trạng và nỗi sợ hãi của nó. Tôi tự hỏi không biết họ định về đâu và sẽ làm gì. Họ không có thuốc hút. Tôi chìa bao thuốc của mình ra, tôi quý họ mà. Họ tỏ ra biết ơn và lịch thiệp. Họ không xin, nhưng tôi cứ mời. Montana Slim cũng có thuốc lá nhưng không chịu chìa ra lần nào cả. Xe lại tới gần một thị trấn bên đường khác, vượt qua một đoàn dài toàn những gã cao lêu đêu mặc đồ jeans túm tụm với nhau trong ánh sáng lờ mờ như những con ngài trên sa mạc, rồi lại lao tiếp vào bóng tối. Trên đầu chúng tôi, những ngôi sao lấp lánh và sáng rất rõ, vì không khí đã loãng dần khi xe chúng tôi leo lên những ngọn đồi cao của miền cao nguyên phía Tây, cứ một dặm lại lên nửa mét, và không còn cây cối nào che khuất những ngôi sao mọc thấp phía chân trời. Có lúc tôi nhìn thấy một chú bò mặt trắng đầy biểu cảm trong bụi cây ngải đắng bên đưòng. Hệt như đang ngồi tàu hỏa, cũng êm ru và chạy thẳng một mạch như vậy.

    Xe lại sắp đến một thành phố và bắt đầu chạy chậm lại. Montana Slim nói, “A, đến lúc được tè rồi.” Nhưng hai tay lái người Minnesota không chịu đỗ lại mà chạy vượt qua. “Khỉ thật, tôi mót lắm rồi,” Slim nói.

    “Cứ việc đái vọt qua thành xe ấy,” ai đó nói.

    “Đúng, phải làm vậy thôi,” hắn nói và, từ từ lết bằng mông giật lùi lại phía sau xe, bám thật chắc cho đến khi hai chân buông cả ra ngoài. Có ai đó đập vào cửa kính cabin để báo cho hai anh em tài xế biết. Họ quay lại cười nhăn nhở. Đúng lúc Slim sắp sửa hành động, đang ở trong một tư thế hết sức chênh vênh thì họ cho xe chạy vút lên, ngoằn ngoèo đến bảy mươi dặm một giờ. Có lúc hắn bị ngã ngửa ra sau; chúng tôi nhìn thấy một tia nước vọt ra. Slim cố bám lấy thành xe để lấy lại tư thế ngồi. Cái xe tải cứ chồm lên như nhảy đầm. Hấp, thế là Slim tè ngay ra sàn xe, ướt từ đầu đến chân. Hắn la thét yếu ớt trong tiếng gầm rú của động cơ, “Mẹ... Mẹ kiếp.” Slim không biết người ta đã cố tình trêu hắn. Giờ trông hắn như một cái tã ướt có thể vắt ra nước, hắn vặn vẹo lần về chỗ ngồi, mặt mày thiểu não. Mọi người lại cười rộ lên, trừ thằng nhỏ tóc vàng sầu đời và hai gã Minnesota ngồi trong cabin. Tôi chìa chai rượu ra như để đền bù cho hắn.

    “Bọn mất dạy. Có phải chúng nó đã cố tình làm ra như vậy không?” hắn nói.

    “Tất nhiên rồi.”

    “Lạy Chúa, anh đâu có ngờ. Anh đã từng làm cái trò đái vãi này ở Nebraska rồi, đâu có sao.”

    Bất ngờ chúng tôi đến thành phố Ogallala, và trong cabin có tiếng nói to hớn hở, “Tè thôi!” Slim đứng bên cạnh xe, mặt mũi ủ ê, tiếc là đã để mất đi cơ hội tốt. Hai chú vùng Dakota đi chào từng người, tính sẽ tìm việc gặt thuê ở quãng này. Chúng tôi nhìn họ khuất vào đêm, về phía những dãy nhà lụp xụp le lói ánh đèn cuối thành phố, nơi người gác đêm mặc đồ jeans nói sẽ có người thuê họ. Tôi cần mua thuốc lá. Gene và thằng nhóc tóc vàng đi theo tôi cho đỡ cuồng cẳng. Tôi bất ngờ vào được một cái quán hẻo lánh chỉ bán toàn loại giải khát không có chất cồn để phục vụ bọn thiếu niên địa phương. Có một số đang nhảy theo nhạc phát ra từ máy hát tự động. Khi chúng tôi bước vào, mọi người dường như ngừng nhảy. Gene và thằng nhóc cứ đứng ì ra đó, chẳng thèm nhìn ai. Họ chỉ muốn một thứ là thuốc lá. Cũng có mấy em khá xinh. Một em liếc mắt đong thằng nhóc nhưng nó vẫn làm thinh như không biết; mà dù có biết hẳn nó cũng chẳng bận tâm, nó quá buồn và quá mệt.

    Tôi mua cho họ mỗi người một bao thuốc, cả hai cảm ơn tôi. Xe tải đã sẵn sàng lăn bánh. Giờ đã gần nửa đêm và cái lạnh đã ập tới. Gene từng đi đây đi đó khắp nơi, đếm cả ngón tay lẫn ngón chân cũng không hết được số lần đi của hắn, nói rằng cách tốt nhất lúc này, nếu không muốn bị chết cóng, là phải cùng nhau chui luôn vào tấm bạt lớn. Thế là chúng tôi chui luôn vào bạt, chuyền tay nhau số rượu còn thừa ở trong chai và thấy rất ấm, mặc dù gió lạnh buốt vẫn như quất vào tai. Những ngôi sao trên trời mỗi lúc một sáng rực thêm lên khi xe leo lên đỉnh cao nguyên. Giờ thì chúng tôi đang ở dãy Wyoming. Tôi nằm ngửa nhìn lên bầu trời lộng lẫy, rất khoái được đi với tốc độ lớn này, bỏ lại tít tắp sau lưng vùng Bear Mountain gớm ghiếc, và càng khoái hơn khi nghĩ đến những gì đang đợi mình ở Denver, tốt xấu, hay dở ra sao cũng mặc. Mississippi Gene bỗng cất tiếng hát. Hắn hát bằng một giọng du dương, êm ả, đặc thổ âm vùng Mississippi, và bài hát thì rất đơn giản, “Tôi có một em bồ nhí xinh đẹp, vừa độ mười sáu trăng tròn, nàng xinh chưa từng thấy.” Hắn cứ nhắc đi nhắc lại đoạn đó và chen vào những lời khác đại loại rằng hắn đã đi xa và mong được trở lại với nàng biết bao.

    Tôi nói, “Gene, một bài hát rất tuyệt.”

    “Đó là cô nàng kháu khỉnh nhất mà anh quen,” hắn mỉm cười nói.

    “Chúc bọn anh đến được nơi cần đến và tìm thấy hạnh phúc.”

    “Anh sẽ lại tiếp tục ra đi và cứ đi, đi mãi thôi, bằng cách này hay cách khác.”

    Montana Slim ngủ. Hắn thức dậy và nói với tôi,

    “Thế nào, Blackie, chú nghĩ sao nếu ta cùng đi thám thính Cheyenne chiều nay trước khi chú đến Denver?”

    “Đồng ý. ” Tôi đã khá say, có thể đồng ý mọi chuyện.

    Khi xe chạy đến ngoại ô Cheyenne, chúng tôi nhìn thấy trên cao những ngọn đèn đỏ của đài phát thanh. Bốc lên, chúng tôi nhào luôn vào đám đông đang chen chân nhau ở hai bên hè phố. “Lạy Chúa, đúng là Tuần Miền Tây Hoang Dã,” Slim nói. Đám đông thương nhân béo ú chân đi ủng và đầu đội mũ cao bồi, đi kèm các bà vợ núc ních thịt, phục sức kiểu nữ cao bồi, đang ồn ào xô đẩy nhau trên những vỉa hè bằng gỗ của thành phố cổ Cheyenne. Xa xa lấp lánh dãy đèn dọc đại lộ của những khu phố mới. Nhưng ngày hội lại chỉ tổ chức tưng bừng ở trong khu phố cũ. Súng lục nổ báo hiệu cuộc vui bắt đầu. Các quán rượu đông tràn cả ra vỉa hè. Tôi lấy làm ngạc nhiên, đồng thời lại thấy nực cười: bước mở đầu của chuyến phiêu lưu miền Tây này, tôi lại được chứng kiến người ta cố gắng bảo vệ truyền thống đáng tự hào của mình bằng những phương tiện ngớ ngẩn đến thế nào. Đành phải bái biệt các chiến hữu trên xe tải thôi. Thật là buồn khi nhìn thấy họ ra đi. Tôi biết trước rằng sẽ chẳng còn bao giờ được gặp lại họ nữa, nhưng đời là vậy, biết làm sao được.

    “Đêm nay các bác sẽ bị lạnh tê đít,” tôi cảnh báo họ. “Nhưng đến trưa mai tới sa mạc thì tha hồ có món mông nướng.”

    Gene nói, “Với anh chỉ cần thoát ra khỏi cái đêm lạnh giá này thì sao cũng được.”

    Và xe tải nổ máy, chạy giữa đám đông, chả ai thèm chú ý đến những con người xa lạ đang co ro trong tấm vải bạt, ngấm nghía thành phố như những đứa bé sơ sinh quấn trong ga trải giường. Tôi nhìn theo cái xe mất hút trong màn đêm.

    (Hết chương 4)
     
    kimtrongnew thích bài này.
  10. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    5

    Montana Slim và tôi tạt vào các bar. Túi tôi có khoảng bảy đô thì đêm ấy tiêu phí một cách ngớ ngẩn mất năm đô. Thoạt tiên, hai thằng cứ đi loanh quanh quanh bọn khách du lịch giả trang thành cao bồi, dân khai thác dầu và người của các trang trại, chen chúc ở quầy bar, chỗ cửa ra vào, trên vỉa hè. Một lúc sau, tôi bỏ rơi Slim một lát, hắn cứ tha thẩn chân đăm đá chân chiêu giữa đường phố, hệ quả của số whisky và bia hắn đã nốc, mắt đục lờ và trong một phút hắn biến thành một kẻ chẳng còn biết trời trăng gì. Tôi bước vào một quán ăn cay, cô phục vụ là một người Mexico xinh đẹp. Tôi gọi món ăn, sau đó viết cho cô nàng mấy câu tình tứ ở mặt sau tờ giấy thanh toán tiền. Quán vắng tanh, người ta dồn cả vào các quán rượu. Tôi bảo cô nàng lật mặt sau mẩu giấy. Nàng đọc và cười ré lên. Đó là một bài thơ nhỏ trong đó tôi nói với nàng rằng tôi sẽ sung sướng bao nhiêu nếu đêm nay nàng đến được với tôi.

    “Em muốn thế lắm, anh Hai, nhưng em đã trót hẹn hò với bạn trai rồi.”

    “Không cho hắn leo cây được à?”

    “Không, không, ai lại thế,” nàng buồn bã nói, và tôi thích cách nói của nàng

    “Sẽ có ngày anh quay lại,” tôi nói, và nàng đáp, “Lúc nào cũng được, cưng.” Tôi vẫn nán lại, chỉ để ngắm nàng, gọi thêm một tách cà phê nữa. Bồ của nàng bước vào, cau có hỏi bao giờ nàng mới chịu về. Nàng cuống quýt dọn dẹp, chuẩn bị đóng cửa. Phải đi thôi. Tôi mỉm cười với nàng rồi bước ra. Bên ngoài vẫn ồn ào như chợ vỡ, trừ việc những gã bụng bự đã xỉn hơn và rống to hơn. Thật là buồn cười. Có mấy thủ lĩnh ngưòi da đỏ bệ vệ, đầu đội mũ lớn có lông, lượn lờ giữa đám người mặt đỏ gay vì rượu. Tôi nhìn thấy Slim đang chệnh choạng liền đi cùng hắn.

    Hắn nói, “Anh vừa viết một bưu thiếp để gửi cho ông già ở Montana. Chú biết ở đâu có thùng thư để bỏ hộ anh cái này vào không?” Một yêu cầu kỳ lạ. Hắn đưa cái bưu thiếp cho tôi và lại chệnh choạng đẩy cửa một quán rượu. Tôi cầm lấy tấm bưu thiếp, tìm chỗ có thùng thư và tiện thể liếc qua nội dung. “Bố yêu quý, thứ Tư này con sẽ về đến nhà. Với con mọi sự đều tốt đẹp và con hy vọng mọi sự cũng đêu tốt đẹp với bố. Richard.” Việc này đã khiến tôi có một ý nghĩ khác về hắn, bởi sự nhẹ nhàng lễ phép của hắn đối với bố mình. Tôi quay lại quán rượu uống cùng hắn. Bọn tôi chọn hai em hàng, một tóc vàng còn khá trẻ và một tóc nâu đẫy đà. Hai đứa đều đang ủ ê sầu não nhưng vẫn cứ là tạm ổn đi. Chúng tôi đưa hai ả đêm một hộp đêm tồi tàn đang chuẩn bị đóng cửa, và trong túi còn bao nhiêu tiền, trừ khoản hai đô để riêng ra, tôi gọi hết whisky cho hai ả và bia cho hai chúng tôi. Tôi đang dần phê và trở nên bất cần, mọi thứ đều dễ chịu cả. Cả con người tôi, tất cả thèm muốn của tôi đều căng ra về phía con nhỏ tóc vàng. Tôi muốn phang nó. Tôi ôm chặt lấy ả, những muốn nói với ả điều đó. Hộp đêm đóng cửa và chúng tôi lại lang thang trên những con phố nhỏ bụi bặm, tồi tàn. Tôi ngước mắt nhìn trời, những ngôi sao trong sáng, rực rỡ vẫn còn đấy, như rực cháy. Hai ả muốn đến bến xe khách, nên chúng tôi cùng đến đó. Nhưng rồi hai ả lại tỏ ý muốn gặp một gã thủy thủ nào đó đang đợi ở đấy - gã này là người anh họ của ả béo và gã có thêm mấy bạn cùng đi. Tôi nói với ả tóc vàng, “Thế là thế nào?” Ả nói là muốn về nhà, ở Colorado, ngay bên kia biên giới phía Nam Chayenne. “Anh sẽ đưa em lên một cái xe buýt,” tôi nói.

    “Không, xe sẽ đỗ trên đường cao tốc và em sẽ phải tự đi bộ qua cái bãi cỏ khốn kiếp kia một mình. Cả buổi chiều em đã ngắm kỹ nó lắm rồi và sẽ không có ý định dạo chơi ban đêm ở đó.”

    “À, nghe này, hay chúng ta cùng dạo chơi vui vẻ giữa cánh đồng hoa nhỉ.”

    “Ở đấy làm gì có hoa. Em muốn đi New York. Em chán ngấy cái xó này rồi. Chả có chỗ nào đi chơi ngoài Chayenne, mà cũng chẳng có gì ở Chayenne.”

    “New York cũng đâu có gì.”

    “Còn lâu mới không có gì,” ả cong môi nói.

    Ben xe buýt chật kín đến tận cửa. Đủ loại người đợi xe, hoặc đơn giản là cứ đứng đó; có rất nhiều người da đỏ đưa mắt lạnh lùng đảo quanh. Tóc vàng cắt đứt câu chuyện và chạy đến chỗ gã thủy thủ cùng mấy thằng bạn của gã. Slim ngủ gật trên một cái ghế băng. Tôi cũng ngồi xuống. Khắp đất nước này sàn các phòng đợi xe khách đâu cũng giống nhau, bao giờ cũng đầy những đầu mẩu thuốc lá, đờm dãi và toát lên cảm giác buồn thảm chỉ có ở các bến xe. Lúc đầu tôi có cảm giác như mình đang ỏ NewarkVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, nếu ở ngoài kia không có một không gian bao la mà tôi rất thích. Tôi tiếc là mình đã phá vỡ mất mục đích thuần túy của cả chuyến đi, tiếc là mình đã không chịu tiết kiệm từng xu, la cà quá nhiều mà chẳng tìm thấy điều gì vui, lại còn dính lấy con bé tóc vàng sưng sỉa ngớ ngẩn này và tiêu sạch cả tiền. Nghĩ mà phát ốm lên. Từ lâu lắm rồi tôi không được ngủ, mệt đến nỗi không còn đủ sức để tự sỉ vả mình nữa nên quyết định phải làm một giấc. Tôi bèn nằm co quắp trên ghế băng, gối đầu lên cái túi vải và làm một mạch đến tận tám giờ sáng, mơ màng trong tiếng rì rầm của đám khách chờ và tiếng ồn của nhà ga và hàng trăm người qua lại.

    Tôi thức dậy, đầu nhức như búa bổ. Slim đã phớt rồi - đi Montana. Tôi ra ngoài và lần đầu tiên nhìn thấy ở phía xa trên bầu trời xanh những đỉnh núi tuyết phủ của dãy Rocky Mountains. Tôi hít thật sâu. Phải đi Denver ngay thôi. Nhưng trước hết phải ăn sáng đã, một bữa sáng khiêm tốn gồm một lát bánh mì nướng, một quả trứng, một tách cà phê, rồi ngang qua thành phố để ra đường cao tốc. Lễ hội Miền Tây Hoang Dã vẫn tiếp tục, hôm nay có biểu diễn thuần dưỡng ngựa, và mọi người lại bắt đầu nhảy múa và la hét. Tôi bỏ qua nó. Tôi muốn được gặp các chiến hữu của mình ở Denver. Tôi đi qua một cái cầu vượt đường sắt dẫn đến một đám nhà ổ chuột nơi bắt đầu hai con đường lớn chạy về phía Denver. Tôi chọn con đường men theo vùng núi để được ngắm phong cảnh. Thế là tóm ngay được một gã người Connecticut phóng xe khắp đó đây để vẽ tranh; gã là quý tử của một ông chủ nhà xuất bản ở miền Đông. Gã ta nói như máy khâu, còn tôi thì mệt nhừ tử vì còn chưa hết say rượu đã gặp phải không khí loãng trên cao. Có lúc, tôi đã phải thò cổ ra ngoài cửa xe mà nôn. Nhưng khi gã cho tôi xuống xe ở Longmont, Colarado, tôi lại tỉnh như sáo và kể gã nghe chuyện chuyến đi của mình. Gã chúc tôi may mắn.

    Longmont đẹp tuyệt trần. Dưới một cây cổ thụ to lớn là thảm cỏ trải dài đến một trạm xăng. Tôi hỏi bác bán xăng liệu có thể làm một giấc ở đây được không. Bác ta bảo được, tôi bèn trải cái áo len ra, úp mặt lên đấy, duỗi thẳng tay và trong một khoảnh khắc cố hé một mắt nhìn về phía dãy núi cao tuyết phủ dưới mặt trời ấm nóng rồi chìm dần vào giấc ngủ êm đềm chừng hai tiếng đồng hồ. Thứ gây khó chịu duy nhất là đôi lúc tôi bị đàn kiến vùng Colorado quấy rầy. Còn lại thì được ở đây thật khoái. Mình đã ở đây, ở Colorado rồi! Tôi vuốt ve cái ý nghĩ ấy. Tuyệt quá, tuyệt, tuyệt! Mình làm được rồi! Sau một giấc ngủ đẫy ngập tràn những giấc mơ đan nhau như tơ nhện về cuộc sống đã trải qua ở miền Đông, tôi vùng dậy, rửa ráy qua loa trong toalet của trạm bơm xăng rồi lại mạnh bước lên đường, tỉnh táo ngon lành. Tôi ghé vào quán làm một ly sữa đặc đánh đá để cái dạ dày đang bốc lửa được dịu bớt.

    Tình cờ, một ẻm rất đẹp người Colorado lại làm món đó cho tôi; nàng cứ cười với tôi mãi. Tôi biết ơn cô nàng lắm, chẳng bù cho đêm qua. Chà chà, không hiểu Denverthế nào nhỉ? Tôi lao ra con đường nóng bỏng và phúc tổ thế nào lại vớ ngay được một cái xe mới toanh do một doanh nhân khoảng ba mươi lăm tuổi cầm lái. Anh ta chạy đến bảy mươi dặm một giờ. Tôi sốt ruột đếm từng phút, từng cột cây số trôi qua. Chỉ ngay phía trước thôi, đằng sau những cánh đồng lúa mì vàng óng trải rộng dưới những đỉnh núi tuyết phủ vùng Estes xa xa, cuối cùng tôi cũng sẽ nhìn thấy Denver cổ kính. Chưa chi tôi đã hình dung thấy mình đang ngồi trong một quán bar ở Denver ngay tối hôm ấy, quây quần xung quanh là toán bạn bè, họ sẽ thấy tôi xa lạ và rách rưới như một nhà tiên tri vừa cuốc bộ suốt chiều ngang đất nước để mang đến lời sấm tối tăm, mà tôi thì chỉ mang đến một lời sấm duy nhất là “Chà!” Chủ xe và tôi, cả hai chuyện trò cởi mở về những kế hoạch của đời mình. Chả mấy chốc xe đã chạy qua chợ đầu mối bán buôn hoa quả cửa ngõ Denver; Anh ta cho tôi xuống phố Larimer. Tôi nở nụ cười vui mừng khôn xiết, nhảy chân sáo bước đi giữa bọn cao bồi ngổ ngáo và dân vô gia cư ở con phố này.


    (Hết chương 5)

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Thành phố lớn nhất bang New Jersey.
     
    kimtrongnew thích bài này.
  11. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    6

    Hồi đó, tôi không biết Dean nhiều như bây giờ và việc làm đầu tiên của tôi là tìm Chad King. Tôi a lô đến nhà và nói chuyện với mẹ gã, bà nói, “Thế nào, Sal, anh làm gì ởDenver thế?” Chad là một gã trai tóc vàng, mảnh mai, với bộ mặt kỳ lạ trông như một thầy mo phù hợp với sở thích của gã về nhân chủng học và dân da đỏ cổ xưa. Mũi gã khoằm, mềm và mịn như kem dính vào mặt dưới mái tóc lòa xòa vàng rực; gã có vẻ đẹp và nét duyên dáng của một gã miền Tây từng quen nhảy đầm trong các quán rượu và cũng tập tọe chơi bóng đá. Gã nói giọng mũi nghe véo von. “Bao giờ tao cũng thích thú một điều ở dân da đỏ vùng đồng, Sal ạ, là cái cách họ hết sức ngượng nghịu sau khi khoe con số những mảnh đầu còn dính tóc của mỗi kẻ thù bị tiêu diệt. Trong cuốn Cuộc sống miền Tây xa xôi của Ruxton, có một gã da đỏ xấu hổ đến đỏ lựng khắp người vì đã có rất nhiều mảnh da đầu vinh quang ấy và hắn cứ chạy như điên trong cánh đồng để lén lút ăn mừng chiến tích của mình. Bố khỉ, điều đó làm tao thích mê.”

    Mẹ gã nói, trong cái thành phố Denver vào buổi trưa ngái ngủ này, thì gã chỉ có thể đang nghiên cứu trong viện bảo tàng địa phương về các đồ đan mây tre của dân da đỏ. Tôi alô đến đó tìm gã, gã đến đón tôi bằng con Ford cổ lỗ sĩ vẫn dùng để đi vùng núi đào bới vật dụng của người da đỏ. Gã bước vào phòng đợi xe, mặc đồ jeans, nở nụ cười rộng ngoác. Tôi đang ngồi trên túi xách nói chuyện với chính tay thủy thủ đã gặp tại bến xe khách ở Chayenne, hồi thăm về con nhỏ tóc vàng. Hắn ta chán ngấy chẳng buồn trả lời. Chad và tôi trèo lên con xe cà khổ của gã. Trước hết gã phải đi lấy mấy tấm bản đồ ở tòa thị chính, tiếp đến là gặp một ông giáo già và cứ như thế, tôi thì hết sức sốt ruột, chỉ muốn đi uống bia. Trong đầu tôi chỉ ngọ nguậy một câu hỏi duy nhất: Dean đang ở đâu và lúc này hắn đang làm gì? Chad đã quyết định không đánh bạn với Dean nữa, vì một lý do kỳ quái nào đó, và gã cũng chả biết hiện Dean đang ở đâu.

    “Carlo Marx còn ở đây không?”

    “Còn.” Nhưng gã cũng chả nói chuyện với Carlo nữa. Đây là thời kỳ Chad King sắp sửa rời khỏi cái băng lớn của chúng tôi. Chiều hôm đó tôi định đánh một giấc ở nhà gã. Tin cuối cùng tôi biết được là Tim Gray đã chuẩn bị sẵn một căn phòng cho tôi ở đầu đại lộ Colfax, Roland Major hiện đang sống trong đó và đợi tôi đến ở cùng cho vui. Tôi ngửi thấy mùi âm mưu trong không khí, nhằm tách băng chúng tôi làm hai tốp: Chad King với Tim Gray và Roland Major thỏa thuận với anh em nhà Rawlins phớt lờ Dean Moriarty và Carlo Marx đi. Tôi đến vừa lúc cuộc chiến tranh nội bộ đang đến hồi căng thẳng.

    Trong cuộc chiến này có gì na ná như một cuộc đấu tranh giai cấp. Dean là con trai của một lão nát rượu, một trong những gã lang thang say xỉn nhất ở phố Larimer, Dean được nuôi dạy và lớn lên ở chính các đường ngang ngõ tắt của khu phố này. Hắn đã ra tòa cãi kiện cho bố từ hồi mới sáu tuổi để đòi thả bố ra. Dean từng đi ăn xin khắp ngóc ngách khu Larimer kiếm tiền cho ông bố đang đợi ở nhà giữa hàng đống chai vỡ nát và một lão bạn bợm. Lớn lên, Dean bắt đầu lảng vảng quanh các quán bi-a; hắn đạt kỷ lục xoáy trộm ôtô ỏ Denver rồi bị bắt đi cải tạo. Từ mười một đến mười bảy tuổi hắn ở trại giáo dưỡng suốt. Hắn là chuyên gia chôm chỉa ôtô, đuổi theo tán tỉnh mấy em nữ sinh phổ thông đi học về, đưa các em lên núi tiêu khiển rồi quay lại đánh một giấc trong bất kỳ khách sạn có bồn tắm nào còn chỗ. Ông bô hắn, từng là một người thợ thiếc chăm chỉ và khả kính, nay đã trở thành một tay nghiện rượu vang, còn tệ hơn nghiện whisky, và đành kiếm miếng bằng việc chở hàng thuê đến Texas vào mùa đông và đến hè mới trở lại Denver. Dean cũng có mấy anh em họ đằng mẹ, nhưng mẹ Dean chết khi hắn còn nhỏ xíu và họ không ưa Dean. Những chiến hữu duy nhất của Dean là mấy tay ở quán bi-a. Dean có một nghị lực phi thường như một ông thánh kiểu Mỹ, cùng với Carlo và băng ở quán bi-a đã trở thành những con quỷ dưới đáy xã hội mùa này ở Denver, và, để biểu tượng hóa điều này một cách huy hoàng, Carlo có một căn hộ tầng hầm trên phố Grant, nơi chúng tôi thưòng tụ tập nhiều đêm đến tận sáng bạch: Carlo, Dean, tôi, rồi Tom Snark, Ed Dunkel và Roy Johnson. Hầu hết số này về sau mới xuất hiện.

    Buổi trưa đầu tiên ở Denver, tôi ngủ trong phòng của Chad King trong khi mẹ hắn loay hoay việc nội trợ ở tầng dưới, còn Chad thì làm việc ngoài thư viện. Đó là một buổi trưa tháng Bảy nóng nực ở vùng bình nguyên. Nếu không có phát minh của bố Chad thì tôi sẽ không tài nào ngủ nổi. Ông già của Chad King là con người tế nhị và tốt bụng, khoảng bảy mươi tuổi; già yếu, người mỏng tang; ông kể chuyện rất có duyên, say sưa nhấm nháp chính những điều mình vừa nói ra, chuyện về thời trai trẻ của ông ở vùng đồng bằng Bắc Dakota vào những năm 1880 khi ông cầm dùi cui, phi ngựa rượt theo đàn sói Bắc Mỹ để giải trí. Tiếp đó ông trở thành một ông giáo làng ở Oklahoma và cuối cùng thành người kinh doanh đủ thứ ở Denver. Văn phòng cũ của ông hiện vẫn còn ở tầng trên một gara đầu phố - cái bàn giấy cũ vẫn còn ở đó cùng hàng chồng giấy tờ sổ sách đầy bụi dấu vét của một quá khứsôi động và phát đạt. Ông đã phát minh ra một loại điều hòa nhiệt độ đặc biệt. Đặt một cái quạt máy bình thường lên khung cửa sổ và bằng cách nào đó dẫn nước mát qua một hệ thống ống xoắn đặt trước cánh quạt đang quay. Kết quả thật hoàn hảo, trong vòng bán kính mét rưỡi từ chỗ cái quạt, nước chuyển thành hơi mát, tầng trên mát, tầng dưới vẫn nóng như thường. Nhưng tôi nằm ngủ ngay dưới chân cái quạt trên giường Chad, với bức tượng bán thân lớn của Goethe nhìn tôi chằm chằm, tôi thiếp đi một cách êm ái để rồi chỉ hai mươi phút sau đã phải choàng dậy vì suýt chết rét. Đắp thêm một cái chăn vẫn còn lạnh. Cuối cùng thì tôi lạnh không nhắm mắt nổi và phải chuồn xuống nhà. Ông già hỏi phát minh của ông hoạt động ra sao. Tôi nói là nó chạy quá tốt. Tôi quý ông già này lắm. Ông sống bằng kỷ niệm. “Ngày trước tôi làm ra một cái máy tẩy vết bẩn và bị mấy hãng lớn miền Đông nhái theo. Mấy năm nay tôi theo kiện để đòi bản quyền phát minh. Ôi nếu có kha khá tiền để thuê được một ông thầy cãi giỏi...” Nhưng đã quá muộn rồi để kiếm được một ông thầy cãi giỏi, thế là ông thất vọng nằm khoèo ở nhà. Tối đến, mẹ Chad cho chúng tôi ăn một bữa tuyệt diệu, có món thịt hươu của ông chú Chad săn được ở vùng núi. Nhưng Dean hiện đang ở đâu vậy?

    (Hết chương 6)
     
    kimtrongnew and kinhnhieuloc like this.
  12. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    7

    Mười ngày tiếp theo đó, nói như W. C. Fields thì, “đầy hiểm họa khôn lường” - và điên loạn. Tôi dọn đến ở với Roland Major tại một căn hộ thực sự hoành tráng của bà con của Tim Gray. Mỗi thằng một phòng riêng, có chung một bếp nấu với một cái tủ lạnh đầy thức ăn và một phòng khách đồ sộ, ở đấy Major mặc bộ đồ ngủ bằng lụa, đang mải mê hoàn thành truyện ngắn mới nhất theo phong cách Hemingway, một gã cáu bẳn, mặt đỏ bự, căm thù cả hành tinh, nhưng lại có thể nở ra được nụ cười ấm áp và quyến rũ nhất trần gian khi bắt gặp cuộc đời thực trong đêm. Hắn thoải mái như đang làm việc ở bàn nhà mình, tôi cứ quẩn quanh đấy, trên một tấm thảm vừa dày vừa mềm, mặc độc một cái quần vải chino. Hắn vừa viết xong chuyện về một gã lần đầu tiên đến Denver, tên là Phil. Bạn đường của gã là một kẻ bí ẩn và ít nói tên là Sam. Phil thăm thú Denver và giao du với bọn ra vẻ nghệ sĩ. Quay về khách sạn, hắn thảm thiết nói, “Sam, ở đây cũng có bọn này”. Và Sam chỉ buồn bã nhìn qua cửa sổ. “Ừ,” Sam nói, “tao biết rồi.” vấn đề là Sam không cần đi đâu hát cũng biết thừa điều đó. Bọn nghệ sĩ nửa mùa đang tràn ngập nước Mỹ và hút máu đất nước này. Major và tôi là cạ cứng, hắn nghĩ tôi không có gì chung với bọn nghệ sĩ nửa mùa đó cả. Major thích rượu vang ngon, hệt như Hemingway. Hắn hồi tưởng lại chuyện hắn đi Pháp mới đây. “À, Sal này, nếu ông được cùng ngồi với tôi ở giữa xứ Basque, trước một chai rượu ngon ướp lạnh, loại Pignon Mười chín, chừng đó ông sẽ hiểu ra rằng trên đời này còn có nhiều thứ hơn những toa xe chở hàng.”

    “Tôi biết chứ. Nhưng tôi vẫn yêu mấy toa tàu hàng ấy, yêu cả những cái tên viết trên thành toa, thí dụ Missouri Pacific, Great Northern, Rock Island Line. Lạy Chúa, Major ạ, giá tôi có thể kể cho ông nghe tất cả những gì đã xảy ra trên đưòng tôi đến đây.”

    Nhà Rawlins ở cách đây khoảng vài khu nhà. Đó là một gia đình thú vị - một bà mẹ còn khá trẻ, đồng chủ nhân một khách sạn tồi tàn, với năm con trai và hai con gái. Ray Rawlins, một gã trời đánh không chết, là bạn nối khố từ nhỏ của Tim Gray. Ray phóng xe đến tìm tôi và lập tức chúng tôi thân nhau ngay, rủ nhau đi uống ở bar Colfax. Một trong hai em gái của Ray là một em tóc vàng xinh đẹp tên Babe, con búp bê miền Tây biết chơi quần vợt và lướt sóng. Con bé là bồ của Tim Gray. Và Major tuy mới đến Denver, ỏ chưa nóng chỗ, nhưng đang hẹn hò với Betty, em gái Tim Gray, cứ trông hắn làm dáng ngay ở trong nhà thì biết. Tôi là kẻ duy nhất không có em nào. Tôi hỏi từng ngưòi, “Dean ở đâu?” Họ chỉ mỉm cười lắc đầu.

    Rồi cuối cùng chuyện phải xảy ra đã xảy ra. Có chuôngđiện thoại và đổ là Carlo Marx. Hắn cho tôi địa chỉ nhà hắn. Tôi nói, “Ông làm cái trò gì ở Denver thế? Tôi hỏi thật, là trògì? Đã xảy ra chuyện gì?”

    “Cứ đợi đấy, tôi sẽ kể sau.”

    Tôi lao đi gặp hắn. Buổi tối hắn làm việc ở một cửa hàng bách hóa, thằng khốn Ray Rawlins đã phôn từ một quán rượu đến cửa hàng đó và hối thúc bọn quản lý phải tìm bằng được Carlo với lý do có ai đó vừa chết. Carlo bèn nghĩ ngay, có thể chính tôi là kẻ vừa chết đó. Rawlins đã nói vào điện thoại, “Sal đang ở Denver, và nói ra địa chỉ cùng số phôn của tôi.

    “Thế Dean đâu?”

    “Dean đang ở Denver. Để tôi kể ông nghe.” Và hắn kể Dean đang bận làm tình với hai cô gái cùng một lúc. Một là Marylou, cô vợ đầu, đang đợi Dean trong một phòng ở khách sạn, và hai là Camille, bồ nhí mới, cũng đợi Dean ở mọt phòng khách sạn. “Giữa hai chặng maratông ấy, hắn tranh thủ gặp tôi để bàn chuyện còn dở.”

    “Chuyện gì vậy?”

    “Dean và tôi, hai thằng đang bắt tay vào một phi vụ lớn. Phải ngay lập tức thông báo cho nhau hay, một cách thành thực và rõ ràng nhất, mọi ý nghĩ trong đầu. Hai thằng phải nhờ đến cả benzedrine. Họ cứ ngồi trên giường, chân xếp bằng, nhìn thẳng vào mặt nhau. Cuối cùng thì tôi cũng dạy cho Dean biết rằng hắn có thể làm được mọi điều hắn muốn, có thể trở thành thị trưởng Denver, có thể cưới một ả triệu phú về làm vợ, hoặc có thể trở thành nhà thơ lớn nhất kể từ

    Rimbaud. Nhưng hắn chỉ cắm đầu lao đi xem đua xe kiểu midgetVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Tôi đi theo hắn. Hắn nhảy lên và la thét, phấn khích. Ông biết đấy, Sal, Dean nghiện ba cái chuyện kiểu đó.” Marx ậm ừ một chút và nghĩ về điều này.

    “Thời gian biểu thế nào?” tôi hỏi. Bao giờ cũng có một thời gian biểu trong cuộc đời Dean.

    “Thời gian biểu à? Thế này nhé: Tôi xong việc ở cửa hàng và về nhà mất nửa tiếng. Trong thời gian đó Dean phang Marylou ở khách sạn và cho tôi đủ thời gian thay đồ. Đúng một giờ sáng hắn chuồn khỏi phòng Marylou để đến với Camille - tất nhiên cả hai đều không biết chuyện gì xảy ra - tiếp tục với nàng, đủ thời gian cho tôi lại gặp hắn vào lúc một giờ rưỡi. Rồi hắn cùng đi với tôi, tất nhiên hắn phải năn nỉ Camille - nàng cũng đã bắt đầu ghét tôi - rồi hai đứa lại về đây để cùng tranh cãi với nhau cho đến sáu giờ sáng. Thường thì có thể kéo dài hơn nhưng chuyện này ngày càng rắc rối thêm còn hắn thì cứ cuống đít lên. Đến sáu giờ hắn phải quay về với Marylou - rồi cả ngày hôm sau hắn tha hồ nhảy múa quanh phòng chuẩn bị giấy tờ ly hôn. Marylou hoàn toàn đồng ý ly dị, nàng chỉ tranh thủ trong lúc chờ đợi. Nàng nói vẫn yêu hắn, và Camille cũng nói y như vậy.”

    Rồi hắn kể tôi nghe Dean đã làm quen với Camille ra sao. Roy Johnson, một tay anh chị ở các quán bi-a, lôi được nàng từ một quán rượu ra và đưa về khách sạn; rồi hứng chí thế nào lại mời cả băng lên xem mặt nàng. Mọi người ngồi xuống chuyện trò với Camille. Riêng Dean chẳng nói năng gì, chỉ nhìn ra cửa sổ. Rồi đến lúc mọi người rút đi, Dean mới nhìn xéo Camille một cái, chỉ vào cái đồng hồ đeo tay của mình, lấy ngón tay làm hiệu “bốn” (có nghĩa là hắn sẽ quay lại vào lúc bốn giờ) rồi biến luôn. Đến ba giờ, cửa vẫn khóa chặt không cho Roy Johnson vào. Đen bốn giờ thì cửa mở rộng đón Dean. Tôi muốn ra ngoài gặp hắn ngay bây giờ, thằng quỷ. Hắn cũng hứa sẽ kiếm cho tôi một món, hắn quen khắp lượt gái ở Denver.

    Carlo và tôi cùng lê gót trong các phố phường tăm tối ở Denver. Không khí dịu êm, những ngôi sao mới đẹp làm sao, những ngõ nhỏ rải đá đầy hứa hẹn, khiến tôi tưởng đâu mình đang mơ. Chúng tôi đến tổ ấm của Dean và Camille. Đó là một căn phòng thuê trong một ngôi nhà cũ xây bằng gạch đồ, bao quanh là những gara bằng gỗ và những hàng cây cổ thụ sừng sững sau hàng rào. Chúng tôi bước lên cầu thang phủ thảm. Carlo gõ cửa rồi lủi vội ra phía sau để trốn, hắn không muốn bị Camille nhìn thấy. Tôi đứng yên trước cửa. Dean mở cửa ra, trần như nhộng. Tôi nhìn thấy một ả tóc nâu trên giường, cặp đùi mượt như nhung chỉ có một dải đăng ten đen vắt ngang, ả ngẩng đâu lên vẻ ngỡ ngàng rất đáng yêu.

    “Thế nào, Sa-a-al đấy à!” Dean nói “À, à, tốt tốt, tất nhiên rồi, ông đã đến, khốn thật, chó chết, Sal yêu quý, thế là ông đã đến rồi, chúng ta phải, ngay lập tức, phải... nghe này, Camille, em phải...” Và hắn cứ quay như chong chóng quanh Camille. “Sal đã về đây, nó là chiến hữu cũ của anh từ New York, đây là đêm đầu tiên nó đến Denver và nhất thiết anh phải đi với nó để kiếm cho nó một con bồ.”

    “Chừng nào anh mới quay về?”

    “Bây giờ là (nhìn đồng hồ) một giờ mười bốn phút đúng. Anh sẽ trở về chính xác vào lúc ba giò mười bốn phút, để kịp giờ mơ mộng của đôi ta, cuộc mộng mơ hoàn toàn riêng tư, ngọt ngào, và rồi, như em đã biết, em yêu, anh phải đi gặp lão luật sư thọt - ngay giữa nửa đêm, xem ra có vẻ kỳ quái - nhưng mà cần thiết để giải quyết chuyện giấy tờ ly hôn.” (Đó là cái mẹo để hắn dùng để chuồn đi hẹn với Carlo, kẻ vẫn nấp kín trong góc). “Vậy nên ngay bây giờ, chính phút này, anh phải mặc đồ vào, trở lại với cuộc đời, nghĩa là cuộc đời ở ngoài kia, ở nơi phường phố, có trời mà biết được, như chúng ta đã thỏa thuận cùng nhau. Giờ là một giờ mười lăm và thời gian đang trôi cứ trôi cứ trôi...”

    “Thôi được rồi, Dean, nhưng xin anh nhớ cho là về lúc ba giờ.”

    “Sẽ chính xác như anh đã nói, em yêu, và em nên nhớ không phải ba giờ mà là ba giờ mười bốn phút. Chẳng phải là chúng ta đã thành thật với nhau đến tận nơi sâu thẳm tuyệt vời nhất của tâm hồn mình sao em?” Hắn đến bên và ôm hôn nàng nhiều lần. Trên tường, treo một bức ký họa vẽ Dean ở truồng, đầy đủ mọi bộ phận, kể cả cái thứ khổng lồ lủng lẳng phía trước - tác phẩm nghệ thuật của Camille. Tôi kinh ngạc. Mọi chuyện thật điên rồ.

    Chúng tôi lao vào màn đêm, đến một con phố nhỏ, Carlo đuổi kịp chúng tôi. Cứ đi mãi vào con phố nhỏ, hẹp nhất, kỳ quái nhất và ngoằn ngoèo nhất, một con phố tôi chưa từng gặp, sâu tận trung tâm khu người Mexico của Denver. Chúng tôi nói chuyện oang oang trong sự tĩnh lặng khi mọi người còn say ngủ. “Sal này,” Dean nói, “vừa hay tôi có một em đang đợi ông ngay bây giờ... nếu em ấy đã hết giờ phục vụ” (xem đồng hồ). “Một tiếp viên, Rita Bettencourt, rất ngon, chỉ hơi lôi thôi một chút về vấn đề tình dục, tôi đang uốn nắn lại, mà chắc chắn ông có thể xử lý ngon thôi, ông vốn chiến lắm mà. Ta đến ngay chỗ đó thôi, sẽ mang bia đến, mà thôi không cần, ở đấy cũng có bia rồi!” hắn nói, đấm vào lòng bàn tay mình. “Tối nay tôi vừa chơi Mary, em gái nàng.”

    “Cái gì?” Carlo nói. “Tôi tưởng chúng ta đi bàn công chuyện.”

    “Có chứ, sau đó sẽ bàn.”

    “Hỡi ôi, những kẻ tuyệt vọng ở Denver!” Carlo kêu trời.

    “Đó chẳng phải là thằng bạn đáng yêu nhất, ngon lành nhất trên đời này sao?” Dean nói, huých vào mạng sườn tôi. “Nhìn nó xem. Nhìn nó kìa!” Và Carlo bắt đầu nhảy điệu con khỉ của hắn ngay giữa phố, như tôi đã nhìn thấy hắn nhảy như thế nhiều lần hồi ở New York.

    Tôi chẳng biết nói gì ngoài câu, “Vậy, chúng ta sẽ làm trò quái gì ở Denver?”

    “Ngày mai, Sal, tôi biết nơi có thể cho ông một việc làm,” Dean nói, trở lại giọng nghiêm chỉnh..“Tôi sẽ gọi ông, chừng nào thoát được khỏi Marylou chừng một tiếng đồng hồ, tôi sẽ tìm đến chỗ ông, chào Major và tóm cổ ông ra tàu điện (cứt thật, tôi lại đếch có ôtô), đến chợ Camargo, ông có thể bắt tay vào làm việc ngay lập tức và lĩnh tiền công vào thứ Sáu tới. Quả là hồi này tôi với ông đều rách cả. Cả mấy tuần nay tôi không có thì giờ đi làm. Tối thứ Sáu này, nhất định như thế rồi, ba thằng, cái bộ ba cũ kỹ Carlo, Dean và Sal, tụi mình phải đi xem đua xe midget mới được, chuyện này OK, tôi có thể mượn tạm xe một thằng người quen ở khu trung tâm đưa các ông đi...” Và cứ thế bọn tôi lao vào đêm.

    Chúng tôi đến nhà hai chị em tiếp viên. Bồ của tôi vẫn chưa hết giờ phục vụ, cô nàng mà Dean thích ngồi đó. Bọn tôi ngồi xuống đi văng. Vào giờ phút này, theo kế hoạch tôi phải phôn cho Ray Rawlins. Thế là tôi phôn. Hắn mò đến liền. Vừa bước vào nhà, hắn đã cởi phăng sơ mi, cởi luôn cả áo mayô ra và ôm ghì lấy cô gái lạ hoắc, Mary Bettencourt. Chai rượu ngổn ngang trên sàn. Chá mấy lúc đã ba giờ sáng. Dean vội vàng đòi rút để kịp giờ vui vẻ với Camille. Hắn về đúng giờ. Cô chị gái lúc này mới về. Giò thì cần có ngay một cái ôtô. Ray Rawlins bèn phôn cho một gã có xe. Gã này đến. Cả bọn lèn chặt cái ôtô; ở hàng ghế sau, Carlo đang ra sức nói chuyện như đã lên lịch với Dean, nhưng trên xe ồn ào quá. “Tất cả đến nhà tôi!” tôi hét lên. Xe chạy về phía đó, khi xe đậu ở trước cửa, tôi nhảy vội ra ngoài, đầu đâm xuống bãi cỏ. Chùm chìa khóa bay đi đâu mất, không tài nào tìm thấy. Bọn tôi la hét và chạy vào nhà. Roland Major đứng chặn ngang lối di, vẫn mặc cái áo ngủ bằng lụa.

    “Tôi không tha thứcho kẻ nào muốn biến căn hộ của Tim Gray thành một cái nhà thổ.”

    “Cái gì?”

    Bọn tôi gào lên. Tình thế có vẻ bất ổn. Rawlins nằm lăn ra cỏ, quấn lấy một trong hai cô tiếp viên. Major cấm chúng tôi vào nhà. Bọn tôi dọa sẽ phôn cho Tim Gray để xin phép hắn và mời hắn tham gia cuộc vui luôn. Nhưng chẳng hiểu sao một lúc sau đã chuồn sạch chẳng còn thằng nào, chúng đã rút sạch đến mấy địa điểm quen thuộc ở khu trung tâm. Tôi chợt thấy chỉ còn nhõn mình ở ngoài phố, không một xu dính túi. Đồng đôla cuối cùng cũng đã bốc hơi.

    Tôi cuốc bộ năm dặm để quay về Colfax. Giường đệm thật êm. Major buộc phải mở cửa cho tôi. Tôi tự hỏi không biết Dean và Carlo có đang tâm sự như đã lên lịch không Nhưng tôi sẽ tìm hiểu điều đó sau. Đêm ở Denver mát lịm và tôi ngủ say như chết.

    (Hết chương 7)

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkMidget: một loại xe đua giống F1 nhưng nhỏ hơn nhiều, khi chạy gây ra tiếng ồn lớn khó chịu
     
    kimtrongnew thích bài này.
  13. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    8

    Sau đó cả bọn chuẩn bị một bữa du lịch bụi lên vùng núi. Mọi chuyện bắt đầu từ sáng với một cú điện thoại rách việc, đó là gã bạn đường cũ của tôi, Eddie; gã nhắm mắt gọi bừa vì chợt nhớ ra một trong mấy tên người tôi đã kể gã nghe. Giờ tôi lại có dịp lấy lại cái áo len carô. Eddie ở với bồ gã gần Colfax. Gã muốn biết ở đâu có việc làm, và tôi bảo gã cứ đến đây, đồ chừng là Dean sẽ biết hết. Dean đến, rất vội vàng, trong lúc Major và tôi đang nuốt vội nuốt vàng bữa sáng. Dean thậm chí không chịu ngồi xuống. “Tôi có cả ngàn việc phải làm, thật ra là không có thì giờ để đưa ông đến Camargo đâu. Nhưng thôi, đi nào.”

    “Đợi thằng bạn đường Eddie của tôi một chút.”

    Major lấy làm khoái chí khi thấy chúng tôi đang cuống lên. Hắn đến Denver là thong thả viết lách. Hắn tỏ ra hết sức ân cần với Dean. Dean thì vẫn tỉnh bơ. Major nói chuyện với Dean kiểu, “Moriarty ơi, chuyện tôi nghe nói ông ngủ với ba em một lúc là thế nào thế?” Dean cứ đi đi lại lại trên thảm rồi đáp, “Đúng, đúng, chuyện đã xảy ra như vậy đó,” và nhìn đồng hồ, Major thì cứ hỉ mũi. Tôi hơi ngại khi cứ thế mà tếch đi cùng Dean - Major cứ khăng khăng hắn là một thằng thiểu năng ngớ ngẩn. Tất nhiên Dean không như vậy, và tôi muốn chứng minh điều đó cho mọi người biết, bằng cách này hay cách khác.

    Eddie đến. Dean mặc xác gã, rồi chúng tôi cùng đi tàu điện băng qua buổi trưa nóng nực ở Denver để kiếm việc làm. Tôi ghét ý tưởng này. Eddie vẫn ba hoa xích tốc như thường lệ. Chúng tôi tìm được một gã ở ngoài chợ đồng ý nhận cả hai thằng; công việc bắt đầu từ bốn giờ sáng và kết thúc vào sáu giờ chiều. “Anh ưa những cha nào thích làm việc,” gã nói.

    “Vậy anh tìm đúng người rồi,” Eddie nói. Nhưng tôi thì không chắc lắm. “Thế thì chỉ đơn giản là tôi sẽ không ngủ nữa,” tôi quyết định. Mà có bao nhiêu việc hay ho khác phải làm.

    Vậy là sáng hôm sau Eddie quay lại đó mà không có tôi. Tôi đã có một cái giường, Major đã mua sẵn thức ăn, nhét đầy vào tủ lạnh, đổi lại tôi làm bếp và rửa bát. Trong thời gian đó, tôi vẫn chơi hết mình trong mọi phi vụ. Một buổi tối có một bữa tiệc lớn ở gia đình Rawlins. Bà Rawlins đi du lịch. Ray Rawlins liền phone cho mọi người hắn quen và dặn mang whisky đến. Rồi hắn moi sổ điện thoại tìm số của mọi em hắn biết, bắt tôi nói chuyện với hầu hết bọn này. Một lát sau một bầy con gái kéo đến. Tôi phone cho Carlo xem thử Dean đang làm gì. Dean đang đến chỗ Carlo như đã hẹn vào lúc ba giờ sáng. Sau cuộc vui tôi liền đến đó.

    Căn hộ dưới tầng hầm của Carlo ở phố Grant, trong một căn nhà nhiều phòng cho thuê xây bằng gạch đỏ, gần nhà thờ. Phải men theo một cái ngõ, đi xuống mấy bậc đá, đẩy một cánh cửa mục và vượt qua một cái giống như hầm rượu mới vào được đến cửa nhà hắn. Hệt như cái tổ của một vị thánh Nga la tư: một cái giường, một ngọn nến bập bùng, đá trên tường đổ mồ hôi vì ẩm thấp, có cả một pho tượng thánh tạm bợ chính tay hắn làm ra. Carlo đọc tôi nghe thơ của hắn. Nhan đề, “Nỗi tuyệt vọng Denver”. Buổi sáng, Carlo thức dậy và nghe thấy “những con chim câu tầm thường” tán gẫu ngoài phố dọc theo căn hầm của hắn, nhìn thấy “những chú họa mi u sầu” nhảy nhót trên cành cây, chúng làm Carlo nhớ tới mẹ hắn. Một bóng xám ảm đạm bao trùm thành phố. Núi, những ngọn núi hùng vĩ của dãy Rocky ở phía Tây mà đứng ỏ chỗ nào trong thành phố cũng có thể nhìn thấy, thì “như làm bằng giấy bồi”. Tất cả vũ trụ đều kỳ quái, lệch lạc và điên rồ. Hắn viết về Dean là “đứa con của cầu vồng” đeo thập ác. Hắn tự đặt tên mình là “Oedipus Eddie”, xem mình có nhiệm vụ phải “tẩy sạch bã kẹo cao su dính trên cửa sổ.” Trong căn hầm đó hắn đã viết một cuốn nhật ký đồ sộ ghi lại mọi thứ chuyện xảy ra hàng ngày, mọi lời nói và mọi hành động của Dean.

    Dean đến rất đúng giờ. “Mọi chuyện đã đâu vào đấy,” hắn nói. Tôi đã ly dị Marylou, sẽ cưới Camille và chuyển tới sống ở San Francisco. Nhưng chỉ sau khi tụi mình, ông, tôi và Carlo làm một chuyến sang Texas, tìm gặp Old Bull Lee, cái thằng chó chết tôi chưa có dịp làm quen mà cả hai ông cứ kể mãi đó. Sau đấy tôi mới đi San Fran.”

    Rồi họ bắt đầu vào việc. Họ ngồi xếp chân bằng tròn trên giường, nhìn thẳng vào mắt nhau. Tôi cũng thả mình xuống ghé để xem họ làm trò gì. Họ mào đầu bằng một ý nghĩ trừu tượng rồi đi vào tranh cãi, nhắc nhau nhớ lại một luận điểm trừu tượng khác bị quên đi trong dòng chảy sự kiện; Dean tỏ ý xin lỗi nhưng bảo đảm là sẽ trở lại vấn đề và làm sáng tỏ bằng chứng cứ cụ thể.

    Carlo nói, “Ngay khi đi ngang qua Wazee, tôi đã muốn cho ông rõ ý tôi về vụ ông cứ mê đắm cái vụ đua xe midget ấy, nhớ không, cái lúc ông chỉ lão già ăn xin mặc quần lùng nhùng đó và nói rằng trông lão giống hệt ông già ông ấy:

    “Đúng, đúng, tất nhiên, tôi nhớ rồi; và không phải chỉ có thế, chuyện này làm tôi lại chợt nảy ra một ý rất lạ, tôi đã quên béng đi mất, ông vừa khiến tôi nhớ lại... Và thế là hai ý tưởng mới lại ra đời. Họ trộn lẫn những ý tưởng này lại. Rồi Carlo hỏi Dean xem thử Dean có chân thật không, cụ thể là tận đáy lòng có chân thật với hắn không.

    “Tại sao ông lại nhắc lại chuyện này?”

    “Có điều cuối cùng tôi muốn biết...”

    “Nhưng, mà thôi, Sal yêu quý, ông ngồi đấy và ông đã nghe thấy hết. Ta phải hỏi Sal. Sal, ông thấy thế nào?”

    Tôi nói, “Cái điều cuối cùng đó ông sẽ không có nổi đâu, Carlo ạ. Chả ai đi đến nổi cái điều cuối cùng ấy cả. Chúng ta sống cả một đời cũng chỉ hy vọng nắm được nó một lần mà thôi.”

    “Không, không, không, ông đang phun ra toàn thứ vớ vẩn, bay bướm lãng mạn theo kiểu Virginia Woolf.” Carlo nói.

    “Tôi không muốn nói vậy,” Dean nói, “nhưng cứ để cho Sal tự do phát biểu và đúng là, ông không thấy thế sao Carlo, đúng là đã có một thứphẩm giá trong cái cách nó ngồi đó để nghiên cứu tôi với ông. Nó đã phải bôn ba khắp nước để móc ra được bọn mình... Thằng Sal này không muốn nói, nó không muốn nói, cái thằng già này.”

    “Không phải là tôi không muốn nói. Tôi hoàn toàn không biết các ông muốn đi đến đâu, đang cố tìm điều gì. Tôi biết thế là quá đáng, quá thể đối với bất cứ ai.”

    “Ông toàn nói những lời tiêu cực.”

    “Thế thì các vị đang cố làm gì thế?”

    “Nói cho nó biết đi.”

    “Không, ông đi mà nói.”

    “Chả có gì mà nói cả,” tôi bật cười. Tôi đang đội trên đầu cái mũ của Carlo. Tôi kéo mũ xuống mắt. “Tôi chỉ muốn ngủ thôi.”

    “Thằng Sal tội nghiệp lúc nào cũng thèm ngủ.” Tôi lặng thinh. Họ lại tiếp tục. “Khi ông mượn tôi đồng tiền này để bù vào số tiền trả suất gà quay...”

    “Đâu có. Ông nhớ lại đi, ở quán Texas Star ấy?”

    “Tôi nhầm với hôm thứ ba. Khi ông vay đồng bạc đó ông nói, nghe đây này, ông nói, Carlo, đây là lần cuối cùng tôi bắt ông trả tiền,’ ý ông là tôi đã đồng ý với ông rằng sẽ không có thêm vụ bắt trả tiền nào nữa.”

    “Không, không, tôi không có ý đó... Giờ thì ông nghe đây này, nhớ lại cái đêm Marylou khóc trong phòng đi nào, và rồi...” cứ thế, cả đêm họ cãi vã. Sớm ra, tôi ngẩng đầu lên. Họ đang dứt điểm với nhau về cái chủ đề hồi sáng. “Khi tôi nói với ông là tôi phải đi ngủ vì Marylou, nghĩa là tôi đã hẹn với nàng sáng nay vào lúc mười giờ, tôi không định cãi nhau khi ông nói là không cần thiết phải ngủ, mà chỉ là, ông nên nhớ cho, chỉ là vì tôi, bất chấp mọi thứ, đơn giản, thuần túy và chính xác là cần phải đi ngủ bây giờ, tôi muốn nói là mắt tôi đang dính lại với nhau, nó đang rát, đau, mỏi, sưng vù...”

    “Ôi, đồ trẻ con,” Carlo nói.

    “Giờ thì ta phải đi ngủ thôi. Cho máy nghỉ đi.”

    “Ông không thể tắt máy được!” Carlo hét lên. Những con chim đầu tiên đã cất tiếng hót.

    “Ngay bây giờ, khi tôi giơ tay lên,” Dean nói, “chúng ta sẽ ngưng nói, tôi và ông đều hiểu rõ ràng và không cần tranh cãi gì rằng chúng ta sẽ ngừng nói và đơn giản là đi ngủ.”

    “Ông không thể tắt máy như vậy được.”

    “Tắt máy đi,” tôi nói. Họ nhìn tôi.

    “Nó cứ thức suốt để nghe bọn mình. Ông nghĩ sao, hở Sal?” Tôi nói với họ rằng tôi nghĩ họ là hai thằng điên kỳ dị và rằng tôi đã phải thức suốt đêm để nghe họ nói như nhìn vào bộ máy của một cái đồng hồ to như quả núi, mà lại gồm toàn những phụ tùng nhỏ xíu như một cái đồng hồ mỏng mảnh nhất trên đời. Họ mỉm cười. Tôi chỉ tay vào họ và nói, “Nếu các ông cứ tiếp tục trò này, thì sẽ trở thành điên hết cả lũ, nhưng nếu vẫn tiếp tục thì cứ cho tôi biết với.”

    Tôi ra ngoài và đi xe điện về nhà. Những ngọn núi bằng giấy bồi của Carlo Marx đang nhuốm hồng trong khi mặt trời đằng Đông nhô lên trên vùng đồng bằng mênh mông.

    (Hết chương 8)
     
    kimtrongnew thích bài này.
  14. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    9

    Buổi tối, tôi tham gia vụ đi chơi núi đó và suốt năm ngày không được gặp cả Dean lẫn Carlo. Babe Rawlins đã mượn được ôtô của chủ trong dịp nghỉ cuối tuần này. Chúng tôi mang theo comlê, treo lên cửa sô ôtô rồi phới lên Central City, Ray Rawlins cầm lái, Tim Gray ngồi băng sau, còn Babe ngồi ghế trước. Đây là lần đầu tiên tôi thấy vùng đất phía trong dãy Rocky. Central City là một thành phố mỏ cũ kỹ, xưa được mệnh danh là “Dặm đất Giàu có Nhất Thế giới, nơi những kẻ đào vàng vốn tràn ngập các ngọn đồi nơi đây đã phát hiện ra một mỏ bạc ra tấm ra món. Trong chớp mắt họ phất lên và cho xây cả một nhà hát Opera nhỏ nhưng rất đẹp ngang đỉnh dốc cheo leo, giữa khu nhà ở. Lilian Russell đã từng đến đây cùng với những ngôi sao Opera châu Âu. Thế rồi Central City trở thành một thành phố chết cho đến khi có những người quả cảm ở phòng thương mại của miền Tây mới quyết định hồi sinh lại nó. Họ tu tạo lại nhà hát Opera và cứ mùa hè đến lại có các diễn viên từ Metropolitan lên biểu diễn. Nơi này trở thành một trung tâm nghỉ mát. Khách du lịch khắp nơi đổ về, cả những ngôi sao Hollywood. Trèo lên đó, chúng tôi thấy những đường phố đẹp đầy khách du lịch chạy theo mốt. Tôi liền nghĩ ngay tới nhân vật Sam trong truyện ngắn của Major và thấy Major đã có lý. Major cũng có mặt ở đây, hắn ban phát cho từng người nụ cười lịch sự rộng nở, thấy gì cũng ô, a một cách đầy thích thú và kinh ngạc - mà cũng hết sức thành thực nữa. “Sal,” hắn gào lên, bấu chặt cánh tay tôi, “nhìn cái thành phố cũ kỹ này mà xem. Hãy nghĩ đến chuyện cách đây một trăm, làm quái gì đến, chỉ tám mươi, sáu mươi năm thôi, người ta đã nghe opera rồi!”

    “Thì rõ,” tôi bắt chước một nhân vật của hắn, “mà bọn họ kia kìa.”

    “Bọn khốn,” hắn gầm lên.

    Babe Rawlins là một cô gái tóc vàng bạo dạn. Cô nghe nói có một căn nhà cũ của thợ mỏ ở ngoại vi thành phố nơi cánh con trai có thể ngủ qua đêm trong kỳ cuối tuần, chỉ cần quét dọn một chút là ở được. Ở đấy còn có thể tiệc tùng hoành tráng nữa. Đến nơi thì đó là một ngôi nhà tồi tàn bên trong phủ hàng inch bụi, có hàng hiên và giếng ở phía sau. Tim Gray và Rawlins tức thời xắn tay áo lên quét dọn, vật lộn mất cả buổi chiều và một phần đêm. Bù lại họ được hưởng cả một xô bia và cuộc đời vẫn đẹp sao.

    Về phần tôi, theo kế hoạch thì chiều hôm đó sẽ phải tháp tùng Babe đến nhà hát Opera. Tôi mặc bộ comlê của Tim. Chỉ cách đây mấy ngày, tôi đến Denver như một thằng đầu đường xó chợ, giờ đây trông tôi choáng lộn, khoác tay một người đẹp tóc vàng điệu đàng, nghiêng đầu chào các vị chức sắc và tán gẫu trong sảnh dưới ánh đèn chùm rực rỡ. Tôi tự hỏi không biết Mississippi Gene sẽ nghĩ gì khi gã nhìn thấy tôi lúc này.

    Hôm nay diễn vở Fidelio Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.“Ôi buồn sao!” một giọng nam trung vút lên, anh chàng nâng một tấm đá lên và chui ra khỏi ngục. Tôi khóc khi xem cảnh ấy. Đó cũng là cách tôi nhìn cuộc đời. Tôi mê mẩn vở opera đến nỗi trong một thoáng đã quên hết thực trạng điên rồ của đời mình để đắm mình trong âm nhạc sầu thảm vĩ đại của Beethoven cùng âm hưởng bi kịch hoành tráng của câu chuyện này.

    “Thế nào, Sal, ông thấy sản phẩm năm nay thế nào?” Denver D. Doll hỏi tôi một cách tự hào khi chúng tôi đã ra tới ngoài phố. Gã cũng có chút dây mơ rễ má với ban giám đốc nhà hát.

    “Ôi buồn sao, ôi buồn sao,” tôi nói. “Thật tuyệt cú mèo.

    “Việc tiếp theo các vị cần làm là đi chào các diễn viên trong đoàn,” gã tiếp tục cái giọng trịnh trọng đó, nhưng may là có nhiều việc khiến gã quên béng, và ông ta biến mất.

    Babe và tôi quay về nhà tay thợ mỏ. Tôi trút bỏ bộ comlê, nhập vào kíp quét dọn. Cả một khối công việc đồ sộ. Roland Major cứ ngồi bảnh chọe ở giữa căn phòng phía trước đã dọn dẹp xong xuôi, nhất định không chịu giúp một tay. Trên cái bàn nhỏ kê trước mặt hắn là một chai bia và một cái cốc. Khi chúng tôi chạy loạn lên với xô nước và chổi thì hắn vẫn điềm nhiên ngồi kể chuyện kỷ niệm. “Chà, nếu có dịp các ông được theo tôi đi uống một ly Cinzano và nghe bọn nhạc công ở Bandol chơi đàn thì mới biết thế nào là cuộc đời. Và còn những mùa hè ở Normandy, cái món rượu tuyệt trần Calvados để lâu năm. Thôi nào, Sam,” hắn đang nói với một chiến hữu tưởng tượng. “Tách rượu khỏi nước xem thử nó có lạnh không khi chúng ta ngồi câu.” Cái này thì hắn thuổng thẳng ra từ truyện của Hemingway.

    Bọn tôi gọi những cô gái đi ngang. “Vào giúp chúng tôi một tay dọn dẹp nhà cửa nào. Tối nay mọi người đều được mời dự tiệc.” Thế là đám con gái xô vào, tất cả xúm vào quét dọn. Cuối cùng mấy thành viên đội hợp xướng của nhà hát kéo đến giúp - phần lớn bọn này đều còn là nhóc con. Mặt trời ngả bóng.

    Sau một ngày vất vả, Tim, Rawlins và tôi quyết định phải tự tỉa tót chút trước khi bước vào đêm vui lớn. Chúng tôi xuyên thành phố đến chỗ ở của diễn viên nhà hát. Qua bóng tối chúng tôi nghe thấy tiếng nhạc dạo đầu của đêm biểu diễn. Rawlins nói, “Vừa đúng lúc. Chỉ cần thuổng lấy ít lưỡi dao cạo và khăn mặt là ta sẽ tút lại phong độ ngay.” Chúng tôi còn thuổng thêm cả bàn chải răng, nước hoa cologne, cả nước hoa bôi cằm sau khi cạo râu, rồi mang hết vào phòng tắm. Và cứ vừa tắm vừa hát vang lên, “Chẳng phải là vĩ đại sao?” Tim Gray cứ luôn mồm nhắc đi nhắc lại. ‘Dùng hẳn phòng tắm của các sao opera, cả khăn mặt, cả nước hoa bôi ria mép, cả máy cạo râu của họ.”

    Một đêm huy hoàng. Central City ở độ cao hai dặm sovới mực nước biển; trước hết bạn sẽ say vì độ cao, tiếp đó sẽ thấy mệt, rồi tâm hồn như đang lên cơn sốt. Chúng tôi đi dọc con phố hẹp tối tăm để lại gần nhà hát lung linh ánh đèn, rôi đột ngôt rẽ phải và đổ bộ vào một quán rượu cũ có cửa xoay. Phần lớn khách du lịch đang ở trong nhà hát. Chúng tôi rồ máy sau khi uống thêm vài vại bia. Trong quán có một nhạc công piano. Qua cánh cửa sau là cảnh miền núi tắm trong ánh trăng. Tôi reo lên thích thú. Đêm vui bắt đầu.

    Chúng tôi ba chân bốn cẳng quay về căn nhà thợ mỏ. Mọi thứ đã sắp đặt xong. Cánh con gái, Babe và Betty, đã nấu xong món đậu và xúc xích Đức thơm phức, chúng tôi nhảy đầm và uống bia thả dàn. Khi nhà hát tan, bọn con gái ào ào kéo đến chật cả nhà. Rawlins, Tim và tôi cùng liếm mép, ôm cứng lấy bọn con gái và nhảy. Bọn tôi chỉ nhảy chay, không có nhạc. Gian phòng quá tải như muốn đổ ụp. Mọi người lại khuân thêm rượu đến, cứ chạy sang quán rượu rồi quay về, nhanh như chớp. Càng về khuya không khí càng cuồng loạn. Tôi ước gì Dean và Carlos cũng có mặt ở đây - rồi chợt nhận ra nếu ở 'đây họ sẽ lạc lõng và không vui. Họ giống như cái gã u sầu nâng tảng đá nhà ngục, chui lên từ lòng đất, là bọn hippy dưới đáy xã hội Mỹ, một thế hệ tàn tạ mới mà tôi hiện đang dần trở thành thành viên.

    Bọn nhóc trong đội hợp xướng xông vào. Chúng băt đầu hát bài “Adeline ngọt ngào”, có bịa thêm những lời mới như “Chuyển bia sang đây nào” và “Mày còn chờ gì nữa, đồ sâu bọ”, rồi hú lên ngân dài bằng giọng nam trung “Fi-de-li- o!” Còn tôi thì hát “Ôi, mới buồn làm sao!” Bọn con gái thật trên cả tuyệt vời. Họ chạy ra sân sau và ôm cổ chúng tôi âu yếm. Các phòng khác đều sẵn giường, những chiếc giường bẩn thỉu bụi bặm, tôi đang cùng một em ngồi trên một chiếc như thế và đấu hót với nàng thì bất thần bọn hợp xướng bên nhà hát ùa vào, túm lấy bọn con gái hôn hít, bỏ qua giai đoạn tán tỉnh. Trong vòng năm phút đồng hồ, các cô gái chuồn không còn một mống và bữa tiệc lớn kiểu thác loạn bắt đầu với tiếng mở bia bôm bốp và tiếng la hét ầm ĩ.

    Ray, Tim và tôi bàn nhau đi bar đập phá. Major đã rút, Babe và Betty cũng biến. Chúng tôi đi trong đêm, chân đăm đá chân chiêu. Đám người trong nhà hát ra tràn vào đông kín các quán rượu, chật đến nghẹt thở. Có tiếng Major đang sủa trên đầu mọi người. Thằng cha Denver D. Doll đi bắt tay suốt lượt, không biết mệt, miệng nói, “Chào buổi chiều, anh khỏe không?” và đến nửa đêm vẫn cứ ‘ Chào buôi chiều, anh khỏe không?” Đến một lúc tôi thấy cha này biến đâu mất với một vị chức sắc. Lát sau hắn quay lại với một bà nạ dòng, một phút sau, đã thấy hắn bả lả với hai nhân viên nhà hát. Phút tiếp theo, hắn lại đến bắt tay tôi mà không còn nhớ tôi là ai, và nói, “Chúc mừng năm mới, anh bạn trẻ.” Hăn đâu có say vì rượu, chỉ say một thứ duy nhất mà hắn rất mê: đám đông chen chúc. Mọi người đều biết hắn. Chúc mừng năm mới, hắn gào lên, và đôi khi lại, “Noel vui vẻ.” Cứ thế luôn mồm. Đến ngày Noel, hắn lại nói, “Chúc mừng Halloween.”

    Trong quán có một giọng nam cao rất được kính nể. Denver Doll cứ nằn nì bắt tôi phải đến chào tay này, mà tôi thì chì muốn thoái thác; tên hắn là D’Annunzio hoặc đại loạinhư vậy. Chị vợ cùng ngồi với anh ta. Họ chiếm riêng một bàn, vẻ phớt đời. Trong quán cũng có một gã du lịch người Argentina. Rawlins thô bạo đẩy gã qua một bên để chiếm chỗ. Gã quay lại gầm gừ. Rawlins đưa tôi ly rượu rồi tống cho gã kia một quả khiến gã gục luôn. Tiếng kêu thét ầm ĩ, Tim và tôi kéo Rawlins đánh bài chuồn. Chỗ đó ầm ĩ lộn xộn đến nỗi cảnh sát không mở được lối đi để đến chỗ nạn nhân. Không ai nhận dạng được Rawlins. Bọn tôi rút sang quán khác. Major đang khật khưỡng trên con phố tối đen. “Có chuyện quái gì thế? Đánh nhau à? Gọi tôi với.” Tiếng cười tóe ra ở mọi góc. Tôi nghĩ bụng không hiểu ông Thần Núi sẽ nghĩ gì về những chuyện này. Tôi ngước nhìn những cây thông núi dưới ánh trăng, thấy hồn ma của những người từng đi khai mồ, và băn khoăn mãi. Sườn núi phía Đông tối om, tất cả đêm nay chỉ là im lặng và tiếng gió rì rào, trừ cái bờ vực là nơi chúng tôi đang gào thét. Bên kia sườn núi là Dốc Tây vĩ đại và một bình nguyên mênh mông chạy đến tận Steamboat Spring, dần thoai thoải đưa ta đến tận sa mạc vùng Colorado và sa mạc Utah ở miền Tây. Tất cả còn chìm trong bóng đêm, khi chúng tôi đang gào thét trong cái hẻm núi này như những tên Mỹ say rượu điên khùng trên một vùng đất hùng vĩ. Chúng tôi đang ở trên nóc nhà nước Mỹ và tất cả những gì chúng tôi có thể làm chỉ là rống lên như bò xuyên màn đêm về phía Đông, đến Đồng bằng Lớn, nơi, tôi đoán, là có lẽ một ông già tóc bạc đang đi về phía chúng tôi mang theo lời sấm, chỉ chốc lát nữa thôi sẽ tới và bắt chúng tôi câm họng.

    Rawlins nhất định đòi quay lại cái quán hắn vừa đánhlộn. Tim và tôi không tán thành lắm nhưng vẫn phải theo hắn. Hắn xông đến chỗ D’Annunzio, taỵ có giọng nam cao nổi tiếng, tương hẳn một ly whisky vào giữa mặt gã. Chúng tôi phải lôi hắn ra ngoài. Một chú hát giọng nam trung của đội hợp xướng lại chỗ chúng tôi và cùng té đến một quán bar bình dân của Central City. Vào đây, Ray lại gọi một cô phục vụ là “hàng”. Một toán người sầm mặt kéo đến quầy bar; họ chúa ghét khách du lịch. Một gã nói, “Tốt nhất là bọn mày nên biến khỏi đây trước khi tao đếm đến đến mười.” Thế là cả bọn rút êm, mò về nhà và đi nằm luôn.

    Sáng ra, tôi tỉnh dậy và trở mình; bụi từ đệm bốc lên như một đám mây lớn. Tôi định mở cửa sổ ra, nhưng nó đã bị đóng đinh chặt. Tim Gray cũng đang nằm trên giường với tôi. Bọn tôi ho và hắt hơi suốt. Bữa sáng của bọn tôi chỉ có mỗi bia thiu. Babe từ khách sạn đã quay về và mọi người thu xếp đồ đạc ra về.

    Mọi thứ có vẻ hồng bét. Khi chúng tôi đang ra xe, Babe trượt chân ngã đập mặt xuống đất. Con bé tội nghiệp đã phải làm việc quá sức. Ray, Tim và tôi phải vực con bé dậy. Bọn tôi vào ôtô, Major và Betty đến phút cuối cũng nhảy vào luôn. Chuyến trở về buồn bã.Bất chợt chúng tôi ra khỏi miền núi và nhìn ngắm miền đồng bằng Denver mênh mông từ trên cao trong hơi nóng bốc lên như hun. Mọi người bắt đầu hát. Tôi thấy sốt ruột, muốn được phóng một lèo đến tận San Francisco.


    (Hết chương 9)

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Vở opera duy nhất của Beethoven kể về một phụ nữ cải trang thành người gác ngục tên Fidelio để cứu thoát chồng mình.
     
    kimtrongnew and Lan Giao like this.
  15. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    10

    Cũng tối hôm ấy tôi móc được Carlo ravà ngạc nhiên khi nghe hắn kể rằng hắn và Dean cũng vừa ở Central City về.

    “Các ông làm gì ở đấy?”

    “Ờ, thì đi loanh quanh các quán bar, rồi Dean chôm được một cái ôtô, và bọn này hạ sơn với tốc độ chín mươi dặm một giờ.”

    “Sao tôi không nhìn thấy các ông?”

    “Đâu có biết ông cũng ở đấy.”

    “Thôi được rồi, anh bạn này, tôi định té đi San Francisco bây giờ.”

    “Nhưng Dean đã dành Rita cho ông tối nay.”

    “Thế thì tôi hoãn chưa đi vội.” Tôi hết nhẵn cả tiền. Tôi viết cho bà cô một lá thư để xin năm mươi đô và nói đây là món tiền cuối cùng cháu nhờ vả cô, sau này cháu xin hoàn lại khi tìm thấy con tàu kia.

    Rồi tôi đi tìm Rita Bettencourt và đưa nàng về nhà. Sau khi nói chuyện chán trong căn phòng ngoài tối om, tôi lôi nàng vào phòng ngủ. Đó là một cô gái nhỏ nhắn xinh xắn, giản dị, chân thật và rất sợ chuyện chăn gối. Tôi nói với nàng rằng chuyện ấy là tuyệt trần và tự nhiên. Tôi muốn cho nàng bằng chứng. Nàng cho phép tôi chứng minh điều đó nhưng vì quá sốt ruột nên tôi đã chẳng chứng minh được gì cả. Nàng thở dài trong bóng đêm. “Em đợi chờ gì ở cuộc đời này?” tôi hỏi nàng, bởi vì tôi vẫn có thói quen hỏi các cô gái một câu như vậy.

    “Em cũng chả biết nữa,” nàng nói. “Giản đơn là đứng bên bàn và cố làm vừa lòng khách.” Nàng ngáp dài. Tôi đặt tay lên miệng nàng và bảo em đừng có ngáp. Tôi cố nói để nàng hay là cuộc đời này và tất cả những điều tôi và nàng có thể cùng làm với nhau khiến tôi vô cùng phấn khích; tôi cứ nói phứa vậy trong khi vẫn trù tính sẽ đi khỏi Denver trong hai ngày nữa. Nàng ngán ngẩm quay mặt đi. Hai chúng tôi nằm ngửa ra giường, nhìn lên trần nhà và tự hỏi không hiểu Thượng đế đã làm ăn ra sao mà khiến cho cuộc đời buồn làm vậy. Chúng tôi lên một kế hoạch mơ hồ về việc hẹn gặp nhau ở Frisco.

    Thời gian của tôi ở Denver sắp chấm dứt, tôi cảm thấy rõ điều ấy khi cuốc bộ đưa nàng về nhà, lúc quay lại, tôi nằm dài xuống bãi cỏ trước một nhà thờ cũ kỹ cùng với một toán bụi đời, nghe họ nói chuyện tôi lại muốn nhỏm dậy và trở lại đường lớn. Bất cứ lúc nào cũng có thể có ai đó bật dậy đi theo xin đểu tiền người qua đường. Họ nói mùa gặt hái đang rộ ở mạn Bắc. Trời ấm nóng và dịu dàng. Tôi lại muốn đi tìm Rita để nói với nàng một lô chuyện, và lần này thì phải làm tình dến nơi đến chốn khiến nàng nguôi ngoai nỗi sợ đàn ông.

    Con trai con gái nước Mỹ không có được cuộc sống sung sướng với nhau và rất kỳ cục ở chỗ đùng một cái lao vào làm tình mà không có chim chuột cưa cẩm, không tâm sự giãi bày, bởi vì cuộc đời là thiêng liêng và mọi khoảnh khắc đều quý giá. Tôi nghe thấy tiếng chuyến tàu Denver-Rio Grande kéo còi tu tu vang đến tận núi và những muốn theo xa nữa các ngôi sao của mình.

    Major và tôi, hai thằng buồn bã ngồi buôn chuyện lúc nửa đêm. “Ông đã đọc cuốn Những ngọn đồi xanh Châu Phi chưa? Đó là cuốn hay nhất của Hemingway đấy.” Thằng nọ chúc thằng kia may mắn. Sẽ gặp lại nhau ở Frisco. Tôi tóm được Rawlins dưới một gốc cây tối thui ở ngoài phố. “Chào, Ray. Bao giờ gặp lại nhau?” Tôi đi kiếm Carlo và Dean - bặt vô âm tín. Tim Gray giơ tay lên trời nói, “Vậy là ông đi, Yo.” Chúng tôi vẫn gọi nhau là Yo. “Ừ,” tôi nói. Mấy ngày sau, tôi cứ lang thang ở Denver. Dường như mọi gã bụi đời ở phố Larimer đều có thể là bố của Dean Moriarty cả; ông già Dean Moriarty, gã Thợ thiếc như người ta thường gọi. Tôi vào khách sạn Windsor, nơi cả hai bố con nhà này từng sống qua, nơi Dean từng hết hồn khi bị thằng ma cô cụt ngồi xe lăn cùng phòng đánh thức; lão ầm ầm lao qua phòng trên cái xe lăn để sờ vào thằng bé. Tôi nhìn thấy mụ bán báo nhỏ thó, chân ngắn ngủn đứng ở góc phố Curtis và Phố 15. Tôi lang thang quanh những tiệm nhảy rẻ tiền đìu hiu trên phố Curtis; qua bọn nhóc con mặc quần jeans với sơ mi đỏ; qua những vỏ lạc, rạp chiếu bóng, cửa hiệu bắn súng. Bên kia con phố lấp lánh là đêm tối và bên kia đêm tối là miền Tây. Tôi phải đi thôi.

    Rạng sáng thì tôi gặp Carlo. Tôi đọc một phần cuốn nhật ký to đùng của hắn rồi ngủ ở đấy, sáng ra, trời mưa phùn và u ám, thằng Ed Dunkel mét tám bước vào cùng với Roy Johnson, một thằng điển trai, và Tom Snark, thằng thọt, một tay cờ bạc có máu mặt. Mấy thằng ngồi xuống và mỉm cười bối rối nghe Carlo Marx đọc những bài thơ điên khùng tuyệt vọng như thường lệ của hắn. Tôi ngồi phịch xuống ghế, mệt mỏi. “Ôi những con chim của Denver!” Carlo kêu lên. Tất cả nối đuôi nhau ra ngoài, men theo một ngõ nhỏ rải đá đặc trưng của Denver, giữa những lò đốt rác đang tỏa khói nghi ngút. “Tôi từng chơi đẩy vòng trong ngõ này,” Chad King nói với tôi. Tôi những muốn được nhìn thấy hắn chơi cái trò này, được nhìn thấy Denver cách đây mười năm, khi bọn chúng còn con nít, vào một buổi sáng ngập ánh mặt trời, anh đào nở hoa, giữa mùa xuân tươi đẹp ở vùng núi Rocky, đẩy vòng dọc theo những con phố vui tươi đầy hứa hẹn - phải, cả nhóm. Còn Dean thì, rách rưới và cáu bẩn, cứ cô đơn rình rập bên ngoài, tức tối điên lên.

    Roy Johnson và tôi đi dưới mưa phùn; tôi đến chỗ con bồ thằng Eddie để lấy lại cái áo len ca rô, cái áo hắn “quên không trả” hồi ở Shelton, Nebraska. Nó nằm đó, bất động, như gói trong nó tất cả nỗi buồn trên đời. Roy Johnson nói hắn sẽ gặp tôi ở Frisco. Mọi người đều đi Frisco. Cô tôi đã chuyển tiền lên. Mặt trời nhô ra và Tim Gray bám càng tôi lên xe điện đến bến xe khách. Tôi mua vé đi San Francisco, tiêu ngoéo mất nửa số tiền năm mươi đô và đến hai giờ chiều thì lên xe. Tim Gray vẫy chào tạm biệt. Xe rời khỏi những khu phố đầy hứng khởi đã thành huyền thoại của Denver. “Thề có Chúa, sẽ có dịp mình quay trở lại nơi này, xem thử điều gì sẽ xảy ra,” tôi tự hẹn mình. Trong cú điện thoại vào phút chót, Dean nói rằng hắn và Carlo có thể sẽ gặp lại tôi ở Bờ biển; tôi cứ nghĩ ngợi mãi và nhận ra mình chưa nói được với Dean quá năm phút trong suốt thời gian lưu lại Denver.

    (Hết chương 10)
     
    hauhehe and kimtrongnew like this.
Moderators: galaxy, teacher.anh
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này