Trà phiếm Truyện Cổ Grimm - Jakob Grim & Vilhelm Grim

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Beringen, 14/6/21.

Moderators: amylee
  1. Beringen

    Beringen Banned

    Năm 1812, trong hợp tuyển Truyện cho thiếu nhi và gia đình (Kinder- und Hausmärchen) do anh em Grimm công bố tại Đức, đoản thiên Ba con quạ (Die drei Raben) được đánh số hiệu ATU 451. Năm 1819, trong quá trình hiệu đính để tái bản, tác gia Jakob Grimm đã sửa thành Bảy con quạ (Die sieben Raben), đánh số hiệu KHM 25, tới nay được coi là văn bản chính thức trong lớp Truyện cổ Grimm. Năm 1845, tác gia Ludwig Bechstein đã đưa truyện này vào trứ tác Dân thoại Đức (Deutsches Märchenbuch) của ông, đánh số hiệu lần lượt là 1845 Nr. 25 và 1853 Nr. 24.

    Theo tự thuật của tác giả Jakob Grimm trong thủ bản ban đầu, trứ tác Ba con quạ là do ông chép lại lời kể của người nhà Hassenpflug tự thuở ấu thơ. Tại đấy, ông chỉ lược một chi tiết : Bà mẹ rủa sả các con khi thấy chúng nó cả gan đánh bài ăn tiền trong nguyện đường. Mà trong lần tái bản sau, Jakob Grimm lại tăng số lượng anh em trai từ 3 lên 7 để củng cố ý nghĩa câu truyện. Hơn nữa, tác phẩm Bảy còn quạ cũng khá tương đồng về mặt thi pháp với các truyện Mười hai anh emSáu con thiên nga đều của anh em Grimm.

    Trong khí tượng học cổ điển Tây phương, con quạ là hiện thân của nỗi ưu phiền và một trong những ẩn dụ của mùa đông, đối lập với chim én là biểu tượng cho niềm hân hoan và mùa hè. Còn theo cuốn Đồng thoại đại điển (Enzyklopädie des Märchens), hình tượng quạ trong các truyền thuyết là cuộc du hành của linh hồn từ thế giới này sang thế giới khác, hay đúng ra là địa ngục. Nhưng theo quan điểm của ông Friedel Lenz, con quạ vốn là vật nuôi của các vị thần phát sáng như Apollon, Odin hay Lugh, cho nên nó cũng biểu hiện cho cái phần thanh cao nhất của tinh thần, hoặc nội tâm.

    Bên cạnh đó, hình ảnh ngọn núi thủy tinh và lão tí chẳng qua ẩn dụ cho phần trí tuệ mông lung, trì độn. Con số 7 rõ ràng tương ứng 7 hành tinh, hay mệnh đề thời gian. Chính vị thần sao mai, tức Lucifer hay sự u minh, đã tặng cô bé cái chân gà, hay cách khác là thìa khóa. Mà rồi cô bé chỉ giải nguyền được cho các anh khi trời sẩm tối, đó là thời điểm sao hôm, tức Venus hay sự ái tình. Theo mục sư Rudolf Meyer, sao mai có vai trò sứ giả thần linh, ban cho cô bé chiếc thìa khóa tâm hồn để tái phát hiện cái quyền năng siêu nhiên của ý thức, hay còn gọi đánh thức bản năng. Nhờ cái hành vi thả nhẫn vào tách, linh hồn nữ đã được hợp nhất với linh hồn nam, bởi nhẫn là biểu tượng Bí Tích Hôn Phối.

    Nghiên cứu gia Hedwig von Beit thì cho rằng, cái sự lỡ mất Bí Tích Rửa Tội là do hoặc khiến cho thể chất và ý thức con người đều chưa được trưởng thành, mà điều đó nghĩa là con người đánh mất bản ngã trong vô thức và có thể nói là cả thú tính. Do vậy, trường hợp bảy anh em bị biến thành quạ không hoàn toàn coi như sự ngẫu nhiên được, mà đó là sự răn con trẻ đừng sa đọa vì những hành động thiếu giáo dục và phi nhân cách. Và kết lại, bảy anh em chỉ trở lại làm người khi đã hoàn tất quá trình phương trưởng, hay đúng ra, chiếc nhẫn chính là tượng trưng cho sự kết thúc quá trình ấy. Mà như vậy, tuổi thiếu niên sẽ kết thúc bằng quá trình trưởng thành, rồi sự trưởng thành được coi như kết thúc khi và chỉ khi tiến tới hôn nhân.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/6/21
    nguyễn giang, ngoKBG and ai0ia like this.
  2. Beringen

    Beringen Banned

    Đoản thiên Hoàng tử Ếch hay là Heinrich Sắt (Der Froschkönig oder der eiserne Heinrich) được đánh số hiệu ATU 440 Ehemann trong hợp tuyển Truyện cho thiếu nhi và gia đình (Kinder- und Hausmärchen) do anh em Grimm công bố tại Đức năm 1812. Truyện gồm hai tiểu phẩm, lấy chủ đề chàng hoàng tử bị phù phép quyết hỏi cưới một nàng công chúa đẹp tuyệt trần.

    Theo khảo dị, bản nháp của tác giả Wilhelm Grimm mô tả kĩ lưỡng hơn ở cảnh đôi bên gặp nhau chỗ đài phun nước, thậm chí trong cảnh cuối con ếch đã tuyên bố : "Ta muốn ngủ với nàng" (Ich will bei dir schlafen). Theo Hans-Jörg Uther, tác giả đã dụng công nhấn mạnh cái bản chất hồn nhiên con trẻ của công chúa, vì ở ngữ cảnh, nàng mới chỉ ở tuổi thiếu nhi. Về sau, trong quá trình sửa thủ bản (ít nhất ba lần), Wilhelm Grimm đã bớt dần số câu thoại. Đồng thời, trong một số ấn bản, nhân vật hoàng tử có thể là ếch, cóc hoặc rắn. Ngoài ra, cốt truyện được học giới cho là các tác gia đã dựa theo một số câu ca dao Đức trung đại, nhưng thuyết này cho tới nay vẫn chưa được thống nhất rằng đúng hay không.

    Theo quan điểm của nhà ngữ văn học Lutz Röhrich, truyện Hoàng tử Ếch hay là Heinrich Sắt có bản chất là quá trình trưởng thành thể chất của một đời người. Quả bóng vàng (die goldene Kugel) là thế giới nội tâm của trẻ thơ, hình ảnh quả bóng lăn xuống giếng nghĩa là giai đoạn dậy thì, khi mà con người bắt đầu bị "cuốn vào" (ins Rollen) những biến cố dòng đời. Cái giếng sâu (Der tiefe Brunnen) là hình tượng song hành của tử cung và sự vô thức trong cơ thể thiếu nữ, và vì thế, con ếch (der Frosch) chính là dương vật. Tựu trung, truyện rõ ràng có liên đới xu hướng tình dục và cảm giác sợ hãi mông lung trong tâm lý người ở giai đoạn mới lớn.

    Tuy nhiên, ở các thủ bản sơ khai, tác gia Wilhelm Grimm vẫn đề xuất nhân vật Heinrich Sắt là bào huynh khiếm diện của hoàng tử Ếch, khi hay tin chàng bị hóa thành động vật thì đau buồn tới mức lồng ngực hóa cái đai sắt khóa chặt tim. Hình tượng này là siêu bản ngã của nhân vật hoàng tử Ếch. Ngoài ra, nhân vật đức vua cũng là cái bản ngã của công chúa về mặt đạo đức.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    [​IMG]
     
    nguyễn giang thích bài này.
  3. Beringen

    Beringen Banned

    Năm 1812, trong hợp tuyển Truyện cho thiếu nhi và gia đình (Kinder- und Hausmärchen) mà anh em Grimm san hành tại Đức, đoản thiên Công chúa Bạch Tuyết (Schneeweißchen / Schneewittchen) được đánh số hiệu ATU 709. Nhan đề này khiến độc giả bị sót lầm trong thời gian rất dài bởi sự gần giống truyện Bạch Tuyết và Hồng Hoa cũng của anh em Grimm. Bởi vậy, hậu thế thường đặt cho tác phẩm tục danh Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Schneewittchen und die sieben Zwerge), mặc dù theo kết cấu truyện thì bảy chú tí hon có vai trò rất phụ. Năm 1845, tác gia Ludwig Bechstein đã đưa truyện này vào trứ tác Dân thoại Đức (Deutsches Märchenbuch) của ông và đánh số hiệu 1845 Nr. 60.

    [​IMG]

    Trong khoảng hai thế kỉ kể từ thời điểm công bố, Công chúa Bạch Tuyết dường như là tác phẩm có kết cấu phức hợp và cũng trứ danh nhất của anh em Grimm. Không chỉ vậy, kiểu mẫu nàng Bạch Tuyết đã trở thành một hiện tượng đa văn hóa và liên văn bản. Đó là sự phối hợp tri thức và nhận thức, sự kết tinh tâm lý học, xã hội học, lịch sử học, thần học, vũ trụ quan và tượng trưng chủ nghĩa. Vả chăng, trong sự tập trung các hình thức tiếp cận văn hóa, hình tượng Bạch Tuyết là cảm hứng cho sự cách tân và phát triển mĩ thuật, văn chương, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh và văn hóa đại chúng.

    Ở hình thái sơ khai, truyện Công chúa Bạch Tuyết của anh em Grimm chỉ là sự tổng hợp các giai thoại hoặc ý tượng dân gian lâu đời tại Âu châu. Qua rất nhiều lần hiệu đính kể từ năm 1812, mãi tới năm 1857 mới có ấn bản được coi là chính thức và phổ thông nhất trong văn hóa đại chúng thế giới.

    Theo khảo dị, đoản thiên Cây bách xù (Von dem Machandelboom) cũng do anh em Grimm sưu tầm tại Bắc Đức và đưa vào Truyện cho thiếu nhi và gia đình có thi pháp gần gũi Công chúa Bạch Tuyết nhất. Diễn biến truyện tương tự truyền thuyết Tấm Cám tại Việt Nam, nhưng có tình tiết bà mẹ ngồi gọt táo dưới gốc bách xù, không ngờ cắt đứt tay, bà bèn ước sinh được bé trai "da trắng như tuyết và má hồng như máu" (ein Kind so rot wie das Blut und so weiß wie der Schnee), mà khi điều ước thành sự thực thì bà chết trên giường sinh.

    Tuy nhiên, tình tiết này vốn dĩ khá phổ biến trong huyền thoại dân gian Âu châu trung đại. Trong sử thi Táin Bó Cúailnge xuất hiện thế kỷ I SCN có chép truyện giai nhân Derdriu thấy con quạ rỉa miếng mồi tươi trên nền tuyết bèn bảo dưỡng phụ rằng, nàng chỉ phải lòng ai "mái tóc màu lông quạ, làn da màu tuyết và gò má màu máu" (gruaig chomh dubh le fiach, craiceann chuing ban le sneachta, agus leicne chomh dearg le fuil). Và đó là chàng thợ săn Noisiu.

    Theo học giới, các biểu tượng trọng yếu trong truyện Công chúa Bạch Tuyết lần lượt là quả táo độc, số 7, các chú lùn, chiếc gương, đai lưng, cái lược, các màu tương phản đen-đỏ-trắng, giọt máu và mùa đông, công chúa và thợ săn. Ngoài ra, còn phải kể đến hình tượng bà mẹ kế cũng như giấc ngủ say như chết có mẫu gốc ở Mĩ nhân say ngủ.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    [​IMG]
     
    nguyễn giang thích bài này.
  4. Beringen

    Beringen Banned

    Trong ấn bản Truyện cho thiếu nhi và gia đình (Kinder- und Hausmärchen) mà anh em Grimm công bố tại Đức năm 1812, đoản thiên số hiệu ATU 327A về hai anh em tìm thấy ngôi nhà bánh kẹo có nhan đề Hänsel und Grethel (hén-sớ ún gơ-rè-thờ).

    Năm 1845, biên tập viên Friedrich Wilhelm Gubitz đưa truyện này hợp tuyển Dân thoại Đức (Deutsches Märchenbuch) với nội dung không đổi. Tuy nhiên, năm 1856, khi ông Ludwig Bechstein tiếp quản công việc này đã hiệu đính thành Hänsel und Gretel (hén-sớ ún gơ-rè-trờ), số hiệu 1857 Nr. 8 và 1845 Nr. 11.

    Vì thế, vấn đề khảo dị trở nên rắc rối trong các thập niên tiếp theo, khi bản truyện sau được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác. Tự bấy tới nay, phiên bản Ludwig Bechstein trở nên phổ biến hơn cả bởi có tình tiết phong phú hơn so với nguyên bản.

    [​IMG]

    Trong thủ bản năm 1810, tác giả Wilhelm Grimm có dòng phụ chú "Theo những tạp truyện Hessen" (Nach verschiedenen Erzählungen aus Hessen). Vì thế, cho tới nay, nguồn gốc cốt truyện Hänsel và Grethel là vấn đề vẫn gây tranh cãi trong học giới Âu châu.

    Tuy nhiên, dù thế nào, ấn bản Hänsel và Grethel vẫn chi tiết hơn so với thủ bản. Riêng câu cuối "Hỡi gió, hay cuốn bọn trẻ lên giời !" (der Wind, der Wind, das himmlische Kind) được tác giả Wilhelm Grimm tiết lộ rằng, ông bổ sung trong lần tái bản 1819 theo đề nghị của phu nhân Henriette Dorothea Wild, người mà sẽ cưới Wilhelm Grimm vào năm 1825. Ngoài ra, đặc điểm nhân vật mụ yêu tinh do ông chép lại truyện Jorinde và Joringel.

    Học giới cũng nhận định, chỉ có nguyên bản Hänsel và Grethel mới thể hiện rõ nguyên lý đối lập : Chính tà, nhà cha mẹ và nhà yêu tinh, không gian trong nhà và ngoài trời, sự đói và vỗ béo, chia ly và đoàn tụ. Đồng thời, hai trẻ phải lội qua mặt nước mới về được nhà, đó là hình ảnh ẩn dụ sông Stýks hoặc Phúc-Âm Mattiṯyā́hū.

    [​IMG]

    Theo ông Hedwig von Beit, nhân vật mụ yêu tinh hoặc phù thủy đi nhặt bánh kẹo khắp nhân gian đặng làm nhà là biểu hiện cho nguyên mẫu Mẹ Nguyên Thủy (Mutterarchetyp) trong tâm lý học Carl Gustav Jung, trường hợp cụ thể được mô tả trong truyện là những mộng tưởng trẻ con về mái ấm gia đình, tức là xu hướng tự kỷ ám thị ở lứa thanh thiếu niên. Còn theo nhà nhân chủng học Rudolf Meyer, hình ảnh "bồ câu" và "cơn gió" tượng trưng cho linh hồn đi vào xác phàm. Mà như vậy, "bồ câu" và "cơn gió" có vai trò trực giác, hay những cảm thức đơn sơ thiện lành nhất.

    Còn theo ông Bruno Bettelheim, ngay từ vô thức, trẻ con đã sợ bị cha mẹ bỏ rơi hoặc không chịu được cái đói, cho nên mới có hình ảnh hai anh em rải đá hoặc rắc vụn bánh đánh dấu lối về. Ngôi nhà lợp bánh kẹo tượng trưng cơ thể người mẹ nuôi con tự thuở lọt lòng, ban đầu nó là tổ ấm cho trẻ nguồn dinh dưỡng cần thiết vào đời, nhưng lâu dần dễ khiến trẻ ỷ lại không dám phát triển hơn lên, bởi nguồn dinh dưỡng đó không hề vô hạn. Cho nên, trẻ con phải tập thói quen thoát dần lệ thuộc nguồn dinh dưỡng từ mẹ, hay nói cách khác, đó là quá trình trưởng thành về nhận thức trong đời người. Vì vậy, chặng đường về của Hänsel và Gretel là sự trui rèn ý thức tin tưởng bản ngã và biết dựa vào nhau để sinh tồn. Lòng khát khao về nhà tới cháy bỏng được dòng nước thanh lọc, mà hình ảnh con thiên nga hoặc vịt là ẩn dụ cho cỗ xe của thần Apollon lúc chiều tà.

    Các phiên bản Hänsel và Gretel cũng không đề xuất phẩm chất thật của nhân vật mụ yêu tinh hoặc phù thủy rằng lành hay dữ. Bởi chưng, đây chỉ là ngầm ẩn cho trạng thái trầm cảm do nỗi sợ vấy tội và rối loạn ẩm thực rất phổ biến ở thanh thiếu niên. Theo chuyên gia tâm thần học Wolfdietrich Siegmund, người có triệu chứng tâm thần phân liệt thường đinh ninh rằng có phù thủy độc ác nào đang tìm cách hãm hại mình. Cho nên về căn bản, tác phẩm này nêu ra các hình tượng hoàn toàn trung dung.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    nguyễn giang thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này