Hoàn thành [Truyện ngắn] Đất đỏ - Meg Vandermerwe

Thảo luận trong 'Góc dịch các tác phẩm tiếng Anh' bắt đầu bởi vuthanhhoa89, 14/12/18.

  1. vuthanhhoa89

    vuthanhhoa89 Lớp 1

    ĐẤT ĐỎ
    (The Red Earth - Meg Vandermerwe)


    Bà biết về bệnh lao phổi (tuberculosis) chứ, bà Sithole? Được rồi, bà đã biết. Vì đang bị AIDS, nên hiện giờ con gái bà mắc thêm lao phổi nặng. Và cũng bởi bệnh AIDS mà cơ thể cô ấy không thể kháng lại lao phổi theo cách chúng tôi mong muốn. Dựa vào kết quả xét nghiệm, vâng, thật không may là liệu trình điều trị của chúng tôi không có hiệu quả. Đó là lý do tại sao con gái bà vẫn rất ốm yếu như vậy. Cô ấy cần thêm một vài tháng nữa để áp dụng những phương pháp điều trị khác. Chúng tôi không thể biết chắc chắn…

    Tôi nhìn khuôn mặt của vị bác sĩ trẻ này. Tôi ghen tị vì nó: một khuôn mặt đầy đặn và có sức sống. Tay cô ấy giữ cái kẹp giấy bằng gỗ với những tờ giấy phía trên, một bàn tay tròn trịa và rắn rỏi. Nó có thể làm bất cứ điều gì theo ý muốn của cô. Cô ấy không nhìn tôi khi đang nói với tôi, chỉ chăm chú vào mấy tờ giấy, hết tờ này qua tờ khác rồi đến tờ trên cùng, mũi và miệng bịt kín khẩu trang. Tôi không muốn nghe thêm nữa. Tôi quay sang nhìn về phía mẹ - bà đang đứng bên cạnh giường của tôi. Mẹ cũng đeo khẩu trang, nhưng trong những sắc màu sáng của mình, vàng và xanh lá, mẹ trông giống như một phần của làng quê chúng tôi, một nhành chồi non lẻ loi của mấy cây ngô mùa hạ đứng giữa những chiếc giường bệnh bằng sắt lạnh lẽo và những bức tường xi-măng. Mẹ ơi, tôi thì thầm, mẹ ơi, con muốn về nhà.

    Phía sau khẩu trang, miệng cô bác sĩ vẫn đang chuyển động. Nó chuyển
    động, chuyển động. Tôi hình dung ra đó là một đôi môi mềm mại, căng mọng – tôi đã từng có một đôi môi như thế, một hàm răng trắng, khỏe có thể nhai được thịt, một cái lưỡi không bị đau rát, một cơ thể không bệnh tật. Tôi nhìn một lần nữa người đàn bà già nua, mẹ tôi, người đã phải đi rất xa để đến đuợc đây thăm tôi hôm nay. Con muốn về nhà, mẹ ơi, đó là mong muốn của con.

    Nhưng tôi không thể về nhà. Tôi biết người ta không cho phép tôi làm vậy. Theo như các bác sĩ và y tá của bệnh viện này bảo thì hơi thở của những người như tôi là một loại chất độc có thể lan ra trong không khí mà không nhìn thấy được. Dù sao thì, tôi cũng quá yếu ớt đến nỗi khó mà bước đi nổi. Đôi chân vô dụng này chẳng thể đưa tôi đến bất cứ đâu. Rã rời. Và khi tôi thở ra… yo, có ngọn lửa nóng rát bất tận, giống như dầu ăn sôi sục trong lồng ngực. Còn thêm cả ho nữa. Vâng, chắc chắn rồi, dạ dày cũng sẽ không tránh khỏi bị tổn thương, tiêu chảy, phù nề sau nhiều tháng chịu đựng những mũi tiêm đau đớn, và cuối cùng thì, như lời bác sĩ vừa nói với mẹ tôi, tất cả mọi biện pháp đều không ăn thua. Mẹ ơi, còn bao lâu nữa? Bao lâu nữa con vẫn phải nằm đây, như một con chó què quặt? Đã năm tháng, hay bốn, hay sáu tháng rồi? Tôi không biết nữa. Mỗi ngày đều như nhau với những người sống ở đây. Sau khi được điều trị, chúng tôi cảm thấy thật tồi tệ khi quên mất đang là ngày hay đêm hay tuần hay cuối tuần. Chúng tôi quên mất rằng cuộc sống đã từng có lúc hướng về phía trước, rằng chúng tôi đã từng thật sự là những con người khỏe mạnh. Cái chúng tôi cần là một chiếc đồng hồ lớn, treo cao trên tường, chỉ để biết chắc rằng thời gian đang trôi qua, hiểu chứ? Chỉ để cho biết vậy thôi. Nhìn xem, bà ấy không thể nghe tôi nói, mẹ của tôi. Bà lắng nghe, nghe những gì bác sĩ đang nói. Đúng thế, mẹ à. Con gái mẹ, cô ấy sẽ không về nhà. Sẽ không về.

    Một y tá đang đi tới. Cô ta luôn bước rất chậm chạp khi bác sĩ gọi lại. Giống như ta đang dõi theo một đám mây bão lười biếng lướt qua bầu trời mùa đông. Tôi đã quan sát và nghe cô ta, một người đàn bà nhỏ con với cặp mông bự, nói lớn tiếng, trách móc hết người này đến người khác. Yo!

    Cô ta nói: "những bệnh nhân quá đòi hỏi, còn các bác sĩ thì kiêu ngạo đưa ra những mệnh lệnh cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ có hai người, hai người để phục vụ cho hai mươi bệnh nhân vô dụng, đích thực là những đứa trẻ con to xác. Yo yo! Có hai đôi tay thôi. Nếu họ muốn đòi hỏi nhiều hơn nữa từ chúng tôi, chi bằng họ cứ làm phẫu thuật xẻ đôi mỗi người đi!" Người y tá lúc này đang tiến lại gần hơn. Cô ta cùng với chiếc xe đẩy đi đến chỗ của tôi để đo nhiệt độ. Cơn giận của người phụ nữ này, giống như những gai nhọn của con nhím, nó là một cái gai dưới da tôi. Tại sao tôi lại phải nhìn cô ta? Tôi tự hỏi bản thân. Tôi vẫn có lòng kiêu hãnh của mình chứ. Con khỉ đầu chó bự chảng này đâu phải bạn tôi. Nên, thay vào đó tôi nhắm mắt lại, nuốt. Cơn đau, sự nóng rát bùng lên dữ dội ở khắp nơi trong cơ thể, đặc biệt là ở tại đây, tại nơi tôi thở và khi tôi thở. Và bác sĩ thì đang làm gì? Vẫn tiếp tục huyên thuyên. Nhiều từ, rất nhiều từ, nói và nói và nói. Tôi mệt. Những tin xấu từ cô ta khiến tôi phát mệt. Giá mà có thể chết đi một cách thanh thản, tôi nghĩ. Nhưng không, cái chết sẽ không diễn ra như thế.

    'Mở miệng ra, Bongumusa, mở ra nào.' Một mụ y tá giận dữ. Muốn tỏ ra biết nghe lời, nhưng phải cố lắm tôi mới mở miệng. 'Há to hơn, to hơn nữa.' Trong tâm trí tôi việc phải há miệng cho to để nhét vừa cái nhiệt kế dài ngoằng bằng thủy tinh vào còn tệ hơn cả việc một bà lang lấy mũi giáo đâm vào một con bò bất lực. Cơn đau ở khắp nơi, nên hiểu là như thế. Lưỡi của tôi, thậm chí lúc chạm vào cũng phải hết sức nhẹ nhàng. Sáng nay khi mẹ kì cọ cho tôi với nước ấm, tôi nghĩ mình đã có thể bật khóc mỗi lần miếng bọt biển chà xát lên da. Lúc này, lưỡi tôi sẽ rung lên như thể nó bị đập mạnh, đâm sâu vào. Nhưng tôi sẽ không để lộ cho mẹ biết rằng đứa con gái duy nhất của bà đang phải chịu đựng đau đớn nhiều thế nào. Mẹ nhìn tôi, mỉm cười, nghĩ rằng những thứ như vậy sẽ giúp tôi thấy khá lên.

    Tôi nhắm mắt. Tôi nếm vị kim loại nóng rẫy của mũi giáo. ‘Ngậm miệng lại, cứ ngậm như thế. Giờ thì há ra.’ Tôi phải mở miệng ra lần nữa. Người y tá đứng đó. Hãy nhìn xem cô ta trông chán chường đến thế nào, vẻ chán chường mà ai cũng nhận thấy. Mẹ tôi không thể nhìn thấy cô ta, để xem cái cách mà một cánh tay béo tốt của cô vòng ngang qua bộ ngực đẫy đà và tay còn lại thì đang cầm nhiệt kế có số chỉ nhiệt độ của tôi trên đó, mang nó tới cho bác sĩ như thể chỉ mỗi việc đó thôi cũng có thể giết người. Cô bác sĩ nhìn nhiệt độ, gật đầu, viết vội mấy từ vào giấy. Vâng, đúng thế, tôi biết tất cả những qui trình này của họ rồi, thuộc nằm lòng. Giờ thì y tá phải lau sạch nhiệt kế. Ha! Lau sạch mọi thứ từ tôi cứ như thể đây là những ngày xưa cũ và tôi vừa được sinh ra đời và mọi thứ tôi chạm vào bây giờ đều bị coi là dơ bẩn. Cô ta dùng khăn giấy để lau. Nhìn xem: tờ khăn giấy và cái nhiệt kế mà cô ta sẽ thả xuống cái xô đựng thuốc tẩy trùng đang đặt trên xe đẩy. Cô ta sẽ gỡ đôi găng tay nhựa ra và cũng thả luôn vào cái xô ấy. Thấy chưa, cô ta làm giống y như tôi nói, và kéo chiếc xe đẩy của mình, không nói một lời và đi khỏi.

    Mẹ ơi, mẹ đang nghĩ gì vậy? Con thấy vẻ đăm chiêu của mẹ. Trông mẹ có vẻ bối rối, mẹ đang nghĩ gì vậy? Con không phải là người đầu tiên mẹ chứng kiến điều này, chẳng phải vậy sao? Đến giờ là bao nhiêu người rồi? Bốn. Trước con đã có hai người con trai và con rể của mẹ. Đầu tiên là Fula, chẳng lâu sau là Buyisana, rồi đến anh Sipho của con. Số phận của mỗi người giống như nhau, không phải như vậy sao, hả mẹ? Con đã trở nên xấu xí, thân thể này gục ngã với lớp da mềm nhão và xương xẩu trơ ra.

    Con biết điều đó, mẹ à, con là người đã phụ mẹ chăm sóc họ, mẹ nhớ chứ? Con đã dõi theo họ giống như mẹ đang dõi theo con ở hiện tại, cuộc sống trượt đi như những hạt cát mong manh bị thổi bay, mỗi ngày rơi một nhiều cho đến khi chẳng còn gì sót lại cả. Chúng ta đã không thể làm gì để cứu họ, mẹ à. Ngay cả những phương thuốc đắt đỏ từ máu dê. Đó là sự thật. Giờ đây khi họ đã được chôn cất, con vẫn thấy nơi đó hiện ra thật rõ ràng. Con viếng thăm chỗ ấy thường xuyên trong tâm trí mình. Con bỏ lại thân xác vô dụng này và bay xuống dốc của ngọn đồi hướng về phía Nam nằm sau căn nhà nơi mà mộ của họ được đánh dấu bằng những cây thập tự gỗ nhỏ cắm trên đất đỏ.

    Khi gió thổi từ thung lũng tới bay ngang qua làng quê, chẳng biết nó có còn thổi ngã những cây thập tự không và mẹ có còn bảo Nomusa đến dựng lại chúng không? Mẹ đừng nên làm thế, em ấy không thích đi đâu. Nó mê tín, những đứa trẻ khác ở trường đã kể cho nó nghe nhiều thứ. Mẹ nên kêu Mbimbi đi thì hơn.

    Con chưa từng kể cho mẹ nghe, mẹ ơi, ở tại nơi này khi bị sốt quá cao con đã nhận được những tin nhắn từ các anh và từ chồng con. Họ đã ghé thăm con ba lần trong những giấc mơ. Họ kể cho con nghe: dòng máu của tổ tiên hùng mạnh của chúng ta đã chảy xuống, đất uống lấy nó, đó là lí do vì sao đất có màu đỏ. Cũng thứ đất đỏ đó giờ trở thành mồ mả chôn chúng ta. Chóng thôi, đất sẽ ngày càng đỏ hơn nữa khi mọi xác người bị chôn vùi dưới đó, và chẳng bao lâu thì mọi người đều sẽ ngửi thấy mùi máu lẫn trong đất, giống như kim loại ướt, như gỉ sét, như thứ mùi ta ngửi thấy khi mổ thịt một con dê hay con bò. Mẹ có thấy cái người đang nằm cạnh cửa ra vào không? Người phụ nữ trẻ kia nằm trên giường, rất yếu, xung quanh là gia đình của cô ấy, mẹ, các dì, các chị em? Cô ấy đang chết dần, ý con là gần như chết rồi. Họ đặt tay lên những chỗ nhô ra bên dưới chăn, những chỗ mà trước đây đã từng là tay, chân, bàn chân của cô ta. Họ không biết, nhưng cô gái ấy biết. Mẹ biết con người yếu ớt đó, này, con biết là mẹ có biết. Biết về máu ở trong đất. Biết những thứ con đang nói mẹ nghe? Đúng chứ?

    Cách đây một năm, khi bắt đầu điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng AIDS), trước khi mắc căn bệnh lao phổi này, cái chết và nấm mồ dành cho tôi dường như đang ở rất xa. Một năm trước, tôi có thể làm được gì? Cho dù từ khi uống những viên thuốc ấy tôi vẫn không khỏi được AIDS, nhưng tôi tin rằng mình có thể chiến thắng và sẽ chiến thắng căn bệnh này, không chỉ là riêng cho cơ thể tôi, bạn hiểu không, mà còn cho tất cả mọi nơi trong làng và những thị trấn xung quanh. Tôi đã mặc một chiếc áo thun do một trong những hội từ thiện phát cho. Vào một ngày, họ đến phòng khám AIDS để nói với những bệnh nhân giống như tôi rằng: HIV-dương tính. Họ thuyết phục tôi tham gia một trong những cuộc diễu hành nhằm nâng cao nhận thức của người dân và tôi đã đồng ý. Tôi có thể nhảy, có thể múa, có thể giậm chân và làm bụi tung mù mịt. Tôi có thể hát, có thể hướng giọng hát của mình tới tận trời cao và dõi theo âm thanh đó lăn mãi từ ngọn đồi này qua ngọn đồi khác và rồi rơi xuống, rót vào tai của những con người sẵn lòng lắng nghe. Tôi vốn có một giọng hát hay mà, bạn biết đấy. Tôi còn nhớ, trong một cuộc diễu hành như vậy một năm trước, tôi là người dẫn đầu nhóm hát. Và luôn luôn, khi đi nhà thờ, tôi được chọn hát đầu và hát kết thúc ở mỗi buổi lễ. Cha xứ sẽ nói, ‘Hát đi, các cô gái! Hát lên nào! Hãy đứng dậy và cùng chúc mừng với các thiên thần! Chúa sắp đến rồi!’ Giọng hát ngọt ngào của tôi giờ đây không còn nữa, thay vào đó là ho, nôn mửa.

    Trước đó, vào lúc đầu, trước khi hội từ thiện đến cùng những bài ca và tiếng hát, tôi phải bật lại những người dân trong làng – họ khinh bỉ khi nhắc đến những người phụ nữ như tôi – bởi họ nghe nói rằng mắc căn bệnh này, bệnh AIDS, là do chúng tôi ăn nằm với nhiều đàn ông trong lúc những ông chồng đi làm xa trên các thành phố. Một vài phụ nữ còn bị những con người này dùng dao rựa tấn công. Hãy nhìn những gì dân làng đã làm với các cô, họ đã làm đau các cô đến thế nào! Bởi vì họ muốn tống khứ các cô rời khỏi làng mạc của họ, khỏi thị trấn của họ. Tống khứ hết. Họ nghĩ rằng họ đã bị nguyền rủa bởi đó là những gì mà một vài bà lang nói.

    Nhưng tôi đã can đảm, như tôi đang nói với bạn lúc này. Tôi đã chôn các anh trai tôi và chồng tôi. Đừng chỉ ngồi đó lặng lẽ chờ chết và không có một hành động nào hết, tôi đã nhắc bản thân như thế. Hãy nhớ đến hoàng hậu Nandi, người mẹ chiến binh của vị vua vĩ đại Shaka. Không ai nói về điều đó, nhưng tôi đã nói. Không ai dám đến gần tôi, nhà tôi, hoặc dám để cho tôi lại gần, nhưng tôi vẫn cứ đến với họ. Bây giờ, tôi nghe mẹ kể, rất thường hay có những cuộc tuần hành nâng cao nhận thức như tôi từng tham gia hát trước đây, và ở những quảng trường, các trung tâm cộng đồng thanh thiếu niên, trước đây vắng hoe thì giờ đây lại hay có những buổi diễn kịch về AIDS. Vài thứ đang tốt hơn lên phải không? Đúng chứ? Tôi tự trả lời là “Đúng vậy” cho dù trong thâm tâm thì không biết chắc lắm. Mùa xuân năm ngoái, các con tôi còn tham gia vào một buổi biểu diễn như thế dành cho trẻ em có bố mẹ, gia đình có người mắc bệnh và chết vì HIV/AIDS. Chính quyền dán áp-phích tại các trường học và dọc những con đường nhựa, họ nói giáo dục có thể giúp được các con tôi, bảo vệ chúng khỏi cái chết do virus gây ra. Nhưng điều gì có thể bảo vệ các con khỏi căn bệnh? Và ai có thể cứu chúng? Một cuộc sống thiếu vắng mẹ hoặc bố?

    Những vị bác sĩ và y tá này, họ không thật sự biết rõ phải chữa trị cho chúng tôi như thế nào, tôi biết điều này. Họ nhốt chúng tôi ở đây như những con thú, đeo khẩu trang và nói, ‘Đây, uống những viên thuốc này, uống đi.’ Rất nhiều thuốc. Nhưng tôi không thấy đỡ hơn. ‘Sẽ đỡ.’ Còn yếu hơn cả trước đây. ‘Tin tôi đi, bệnh tình sẽ giảm. Chúng tôi không bắt cô uống thuốc vì lợi ích của chúng tôi, đúng chứ? Yo! Thuốc mắc lắm đấy, hiểu không? Nào nào, nuốt vào. Đưa tay, chân của cô đây cho tôi để chọc mũi kim này vào.’ Và những viên thuốc ARV thì không tốt cho bệnh lao phổi, vì vậy có uống cũng chẳng ích gì nhưng tôi vẫn uống, ngày hai lần. ‘Uống cả ARV nữa. Thôi nào. Đừng lề mề như thế. Nuốt, nuốt đi.’

    Từ lúc bị nhiễm thêm lao phổi, chỉ có thế thôi. Bệnh lao mang đến cho tôi những điều mới mẻ. Thuốc ARV đã từng hỗ trợ tôi làm nhiều việc trong suốt mười một tháng, nhưng giờ đây, thêm một lần nữa, những việc đó thật khó khăn với tôi. Tự đi lại khắp nơi. Xài nhà vệ sinh mà không cần ai giúp. Và tự đứng dậy. Ăn những thức ăn cứng, bánh mì, thịt, những món trước kia tôi rất thích. Tôi không thể uống được sữa, nhai, hát, nói. Những từ ngữ. Tìm ra từ để nói về mọi thứ, thậm chí cả những thứ đang trượt khỏi tôi mỗi lúc một xa hơn vào mỗi sáng, cuộc đời tôi trở nên mỏng manh như chính cơ thể tôi.

    Tôi không biết nữa. Đừng hỏi tôi thêm nữa về việc tiếp tục hy vọng hay ngừng hy vọng, tôi không biết. Đúng, đó là sự thật, tôi thực sự vẫn tin là sẽ có phép màu xảy ra. Tên tôi, phải chăng nó không mang ý nghĩa là: ‘Người có thể đặt trọn đức tin vào Chúa’? Người có thể đặt trọn đức tin vào tổ tiên, Chúa trời ư? Các vị từng cứu tôi một lần thoát khỏi AIDS, giúp tôi khỏe lại một lần nữa. Tôi có thể chăm sóc các con tôi, có thể làm việc vì chúng và ôm ấp chúng, có thể làm việc cho tổ chức từ thiện. Và giờ cũng thế, khi đến rất gần với sự kết thúc, quá ốm yếu, tôi vẫn cầu nguyện. Đầu tiên là cầu xin Chúa, rồi đến những vị tổ tiên vĩ đại, cuối cùng là với chính cơ thể của tôi. Nhưng liệu họ có đủ sức mạnh để cứu tôi thêm lần nữa?

    Tôi sẽ kể bạn nghe một bí mật, bí mật về những lời cầu nguyện của tôi với cơ thể vào mỗi sáng. ‘Nghe này, cơ thể, tôi đang cầu nguyện, hãy nghe cho kĩ. Tôi sẽ chăm sóc bạn nếu bạn chăm sóc tôi. Tôi sẽ đối xử tốt với bạn nếu bạn cũng đối tốt với tôi, nếu bạn cho tôi sức mạnh giúp tôi chống lại và tiêu diệt căn bệnh mới này như khi xưa tổ tiên của chúng ta đã từng tiêu diệt các kẻ thù. Làm ơn, hãy cho tôi sức mạnh để làm được điều đó. Nếu bạn giúp tôi mạnh mẽ và khỏe mạnh để chăm sóc các con và bảo vệ chúng, tôi cũng sẽ trông nom và quan tâm đến bạn và không bao giờ để bạn bị ốm đau.’ Nhưng tôi không biết liệu cơ thể có còn nghe được nữa không, đó là sự thật. Điều tôi biết bây giờ là không thể dập tắt được cơn đau này, ngọn lửa này bên trong cơ thể, và cái cảm giác rằng tôi chỉ đang ráng níu kéo, sợ hãi thời khắc mình phải ra đi. Tôi không lo sợ cho bản thân, bạn hiểu không, mà là cho ba đứa con – lí do vì sao tôi phải tiếp tục chiến đấu, lí do vì sao tôi lại ở đây, hy vọng và cố gắng. Tôi cần nghĩ cho các con mình, bạn hiểu không, để biết rằng chúng nó đều sẽ ổn. Những đứa con gái? Tôi hy vọng và cầu nguyện chúng sẽ được an toàn. Tôi biết chúng là những đứa trẻ có hiểu biết. Chúng sẽ nghe lời bà ngoại, sẽ đi nhà thờ và quan tâm đến việc học hành. Nhưng thằng bé con… mới có bốn tuổi, còn quá nhỏ. Câu hỏi khó là, liệu tôi đã đầu tư đủ thời gian và tiền bạc cho hai con gái, đã dạy dỗ chúng đầy đủ suốt mười ba năm qua để chúng có thể tự chăm sóc em trai khi tôi không còn ở đây nữa?

    Lúc này tôi không còn đủ sức lực để dạy cho các con gái và con trai thêm nhiều bài học nữa. Chỉ có thể nằm một chỗ nơi đây, thở, thở và thở. Mỗi một hơi thở ngắn và nóng hổi là một quyết định mình chưa được bỏ cuộc. Tôi dựa vào chúng, ba đứa trẻ của mình để mà cố gắng. Tôi là một ngày bị mắc kẹt, bị bắt giữ, đợi chờ mặt trời nhô lên một lần nữa. Bác sĩ ơi? Cô nói gì thế? Rồi sẽ ra sao?

    Và mẹ, mẹ ơi? Con ngắm nhìn mẹ thêm lần nữa và lần nữa, mẹ ơi. Mẹ cũng sẽ không sống mãi được. Sáng nay khi mẹ đến, con thấy mẹ đã già đi và mệt mỏi hơn rất nhiều bởi những phiền muộn suốt mấy năm qua. Một người phụ nữ ở tuổi của mẹ lẽ ra đã được các con phụng dưỡng, thay vào đó mẹ phải chăm sóc chúng con và các cháu. Và cái hành trình đó, hành trình mà mẹ đã đưa con, đứa con gái đã lớn khôn của mẹ, tới phòng khám của thị trấn, mẹ cõng con trên lưng như một đứa trẻ - một việc quá cực nhọc với mẹ. Mẹ phải dừng lại nghỉ nhiều lần. Nếu không có có một chiếc xe tải nhỏ đi ngang qua và cho chúng ta đi nhờ, con không chắc mình sẽ tới được đây. Con nhớ nhà, mẹ ơi. Con nhớ những khuôn mặt người không đeo khẩu trang, khuôn mặt của những người con thương.

    Nhưng con vẫn sống, chưa chết được. Vẫn còn khỏe hơn cô gái phòng bên kia đang nằm thoi thóp. Cây buffalo thorn của bác tôi đang chờ, chờ để gọi linh hồn tôi về với xóm làng. Tôi vẫn có thể làm được một số thứ, không phải vậy sao? Vẫn còn vài lựa chọn dành cho tôi. Ví dụ như tôi có thể chọn cách lặng lẽ nằm ở đây, toàn thân run rẩy, và quyết định xem tôi thích hay ghét việc này. Đôi khi, tôi không kiểm soát được suy nghĩ này, bạn biết đấy, mặc cho mọi thứ, mặc cho cơ thể này đã trở nên vô dụng như thế nào, tôi nhớ lại cơ thể này trước đây đã từng có thể làm được những gì, đã từng trông ra sao. Sáng nay, lúc mẹ đang nhẹ nhàng cọ rửa những ngón tay cho tôi bằng miếng bọt biển, tôi đã thoáng thấy bàn tay phải của mình, nó mong manh dễ vỡ giống như một món đồ sứ, tôi nhớ về tôi của ngày trước. Đôi tay này – hôm nay không thể cử động bên dưới tấm ga giường, đôi khi còn chẳng cầm nổi ly nước – đã từng thật xinh đẹp, những bàn tay có tâm hồn, luôn luôn bận rộn nấu nướng, mang vác, vỗ, vuốt ve, quét dọn, khâu vá. Đôi chân này đã từng bước đi, giậm lên mặt đất, nhảy múa. Còn giờ đây, những ngón chân không thể chuyển động được nữa. Nhưng có đôi lúc trong đầu tôi vẫn đang diễn ra những việc mà cơ thể không chịu làm theo. Những lúc như vậy tôi tự hỏi liệu có cần thiết phải có một cơ thể không? Khi không còn hình hài, bạn như trở thành một cơn gió vô tư phiêu du đến khắp nơi khắp chốn. Nhưng gió cũng đơn độc, vì thế mà thỉnh thoảng nó phải gào thét. Để tôi kể cho bạn nghe rằng có đôi khi ở bên ngoài bệnh viện tiếng gió réo vang to, hoặc là xô đổ những ngôi nhà trong làng, làm tốc mái, khiến cửa sổ và bản lề rung lắc. Trong một khoảnh khắc nó xuyên qua bùn, gạch để lại gần, chạm vào chúng ta. Thế nên, có ai biết đâu rằng gió cũng cô đơn lắm.

    Cái chết cũng đơn độc, thật vậy. Bệnh viện này cũng là một chốn cô quạnh, cho dù luôn có đầy bệnh nhân – những con người run rẩy, với mùi cơ thể hòa với mùi thuốc khử trùng ở đây. Những gương mặt trắng trẻo hoặc nâu đầy đặn, khỏe mạnh của các y bác sĩ có vẻ không phù hợp với nơi này. Ở đây họ giống như những kẻ xa lạ sống chung với người bệnh – những hồn ma nhợt nhạt ướt mồ hôi. Tôi, những người đàn ông và phụ nữ khác, trẻ và già bị hắt hủi, chúng tôi đến từ cùng một bộ lạc, nhưng đồng thời cũng là những cá thể đơn độc sống cách biệt. Mỗi con người cô độc và cách biệt trong nỗi đau riêng của mình, bạn hiểu chứ. Tôi muốn nói thêm một điều nữa đó là khi tôi và những bệnh nhân khác nhìn vào mắt nhau, chúng tôi chỉ nhìn vậy thôi chứ chẳng để ý đến đối phương. Tại sao phải để ý? Chúng tôi biết những khuôn mặt đó, chúng quá quen thuộc, bởi vì cái chúng tôi đang nhìn thấy là khuôn mặt của chính mình.

    Tất thảy đều phải chết đi. Đó là điều bạn hiểu ra khi phải nằm dài cả ngày, không làm gì khác ngoài việc nhìn về phía ô cửa sổ bị đóng kín và nhìn những bệnh nhân xung quanh mình cứ trở nên yếu dần vào dịp trăng tròn mỗi tháng. Tất thảy đều đi đến điểm kết thúc – ánh nắng, mặt trời, đêm tối và mưa. Cái cây lớn lên rồi cũng khô héo, thức ăn nấu xong rồi sẽ bị ăn, những lời nói được thốt ra tan biến cùng quá khứ, dần dần trôi vào quên lãng, người ta khiến bạn tràn trề hy vọng với lời hứa hẹn rồi sẽ khỏe dần lên, sẽ hết bệnh, và sau đó lại tước đi mất hy vọng đó. Và mấy đứa con tôi thì sao? Chúng sẽ thành ra như thế nào? Chúng sẽ sống ra sao? Tôi biết rằng một khi tôi ra đi, sẽ có những tranh cãi về việc nuôi nấng những đứa trẻ này. Mẹ tôi kể là đã có những vụ gây gổ ở nhà rồi, do chị dâu tôi khơi mào. Tôi muốn mẹ sẽ là người bao bọc các con tôi, nhưng ai sẽ chịu nghe theo một khi tôi không còn trên cõi đời này nữa? Chẳng phải là xuất phát từ lòng thương yêu, bạn hiểu không. Họ không muốn nuôi chúng vì thấy có tình cảm yêu thương gắn bó, mà là vì khoản tiền trợ cấp chính phủ dành cho trẻ mồ côi. Nếu tôi nghĩ về điều này quá lâu, nếu tôi cứ quẩn quanh với ý nghĩ này trong đầu, Chúa ơi, tự dưng tôi thấy cực kỳ tức giận, nó làm tôi lên cơn co thắt, một cơn đau sâu tận trong lồng ngực. Ngọn lửa gào thét. Tôi nếm thấy vị máu. Tôi muốn đập, đánh, cắn, hét, và ném mình ra khỏi chiếc giường chết tiệt này, rồi chạy, rơi khỏi bệnh viện, chết trên đường về làng nếu tôi phải chết, bởi vì một đứa trẻ, nó cần có mẹ của nó.

    Tôi phải gắng gượng dậy, không thể chỉ nằm mãi ở đây, không thể là một con chó què quặt và câm lặng như một tảng đá thêm nữa mỗi khi bác sĩ nói chuyện, tôi sẽ về nhà, tôi sẽ về. Thây kệ cô, bác sĩ à. Tôi cố ngồi dậy, nâng người lên nhưng rồi chỉ rên rỉ. Yo! Cô ấy đang nhìn tôi kìa, ồ, cặp mặt đầy vẻ lo lắng. Đừng, đừng chạm vào tôi! Đừng! Cái miệng đó, nó đang mấp máy gì đằng sau tấm khẩu trang vậy? Bây giờ họ đang đi đến, di chuyển chậm chạp từ cuối phòng bên cạnh cửa sổ. Họ đang hét cái gì đó vào mặt mẹ. Đi học đi! Không được đến trường! Nhặt sách giáo khoa của mày lên rồi ném vào lò! Biến đi! Họ la hét những đứa con tôi tại quê làng. Biến đi!


    Vâng, đúng thế, đúng là thế đó! Tôi bực bội. Nhưng tôi không cần nghỉ ngơi. Bác sĩ đang dẫn mẹ đi, tới chỗ nào đó tôi cũng không biết. Tôi nhìn theo mẹ, người đàn bà già nua cầm theo túi đậu mà bà đã hái cho tôi từ mảnh đất đỏ ở quê nhà, mảnh đất thấm đầy máu từ xác chết, dây rốn, dây rốn của các con tôi và tất cả những người chúng tôi từng chôn cất, những đứa con rồi cũng sẽ thế. Tôi thấy họ bỏ đi hết, tất thảy, mẹ và mấy đứa trẻ của tôi, chồng tôi và các anh trai tôi – họ bị nuốt chửng vào một lỗ đen. Chẳng mấy chốc mà có một đất nước của những đứa trẻ mồ côi, sớm thôi. Các y tá đang tới – như những đám mây đi ngang qua mà không hết biết rằng cái bóng nặng nề họ đang phủ xuống, kể cả cô y tá nhỏ con. Ngay cả những khuôn mặt của họ, trông như những con chó ở nông trại đang giận dữ. Những đôi tay rắn chắc của họ sẽ ấn tôi nằm xuống trở lại trên chiếc gối này. Những cái miệng bịt kín khẩu trang sẽ tuôn ra lời cảnh báo nghiêm khắc về tình trạng sức khỏe tôi và của những bệnh nhân khác. Tôi thật vô ơn, họ không thể tin điều này. Ôi, cuốn xéo đi, các người không biết rằng chúng tôi đang chết dần sao? Thế thì chúng tôi phải mang ơn vì cái gì cơ chứ? Tôi phải nói với họ, phải để cho các y tá biết điều đó.

    Tôi cảm thấy mình cũng là trẻ mồ côi, bạn hiểu không? Hoàn toàn lẻ loi, đó là cảm giác của tôi. Ngay cả các con tôi, chúng không còn thuộc về tôi. Mẹ không còn thuộc về tôi. Thân xác này cũng không còn thuộc về tôi nữa. Tôi là trẻ mồ côi, bạn hiểu không, tách khỏi mọi thứ và mọi người.

    - BN -
     
    Dễ Cưng 1 and lanphuongphan like this.

Chia sẻ trang này