Làm người Ứng dụng Văn hóa là gì - Đào Duy Anh <1000QSV1TVB #0157>

Thảo luận trong 'Tủ sách Tâm lý - Giáo dục' bắt đầu bởi Thu VO, 4/11/18.

Moderators: dragonking91, mopie
  1. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    0157.Văn hóa là gì.PNG
    Tên sách : VĂN-HÓA LÀ GÌ ?
    Tác giả : ĐÀO DUY ANH
    Nhà xuất bản : TÂN VIỆT
    Năm xuất bản : 1948
    ------------------------
    Nguồn sách : ndclnh-mytho-usa-org
    Đánh máy : vietanht2001
    Kiểm tra chính tả : Đỗ Thị Bích Liên,Kim Thoa, Thư Võ
    Biên tập chữ Hán – Nôm : Lý Hồng Yến
    Biên tập ebook : Thư Võ
    Ngày hoàn thành : 05/10/2018

    Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận
    « Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link »
    của diễn đàn TVE-4U.ORG


    Cảm ơn tác giả ĐÀO DUY ANH và nhà xuất bản TÂN VIỆT
    đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.


    MỤC LỤC

    I. Ý NGHĨA CHỮ VĂN-HÓA
    GIỚI THUYẾT
    ĐIỀU KIỆN CỦA VĂN-HÓA
    HOẠT ĐỘNG VỀ VĂN-HÓA

    II. LAI LỊCH CỦA VĂN-HÓA
    KHỞI SƠ VĂN-HÓA CHỈ LÀ TRANH ĐẤU VỚI ĐẤT
    VĂN-HÓA CHUYỂN THÀNH TRANH-ĐẤU VỚI NGƯỜI
    VĂN-HÓA MỚI CHỈ CÒN TRANH ĐẤU VỚI TRỜI

    III. BÀN LẠI VỀ QUAN NIỆM VĂN-HÓA
    VẤN ĐỀ DÙNG CHỮ
    VĂN-HÓA VỚI VĂN-MINH
    VĂN-HÓA VỚI Ý-THỨC-HỆ
    VĂN-HÓA VỚI SÁNG-HÓA
    VĂN-HÓA VỚI GIÁO-HÓA
    VĂN-HÓA VỚI VĂN-HÓA

    IV. KẾT-LUẬN… HAY TỰ-LUẬN
     
  2. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    EBOOK
     

    Các file đính kèm:

  3. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    KẾT-LUẬN… HAY TỰ-LUẬN

    Ba đoạn trên tôi viết trong ba trường hợp khác nhau, nhưng cái đề mục thì vẫn là cái vấn đề định nghĩa chữ văn-hóa. Đoạn thứ nhất sau khi nói sơ lược văn-hóa khác với văn-minh và với ý-thức-hệ thế nào, tôi đã nhấn mạnh vào chỗ văn-hóa là biểu hiệu của tất cả phương diện sinh-hoạt, vật-chất và tinh-thầnđể chỉ rõ khác nhau của sự hoạt-động văn-hóa và sự sinh-hoạt thường là thế nào. Tôi lại nhân chỉ cái tính cách bị qui định của văn-hóa bởi điều kiện sinh-hoạt để cuối cùng nói rằng sự hoạt-động văn-hóa không thể không đi sát với cuộc sinh-hoạt thực-tế được.

    Sau đó, tôi lại viết một đoạn giải thích chữ văn-hóa kỹ càng hơn kỳ trước. Trong đoạn này, tôi bắt đầu chỉ-định văn-hóa là « cái lợi khí do tinh-thần của người nhờ cần-lao và hợp-tác mà sáng-tạo ra để tranh đấu với hoàn cảnh », rồi để chú giải quan niệm ấy một cách cụ thể hơn tôi nhắc lại lai lịch của văn-hóa từ buổi nguyên-thủy cho đến ngày nay : buổi đầu là lợi khí của người tạo ra để chống với tự-nhiên, đến khi xã-hội phân hóa thành giai-cấp thì văn-hóa biến thành lợi khí của cuộc giai-cấp tranh-đấu. Song một mặt thì ở trong thâm-để của người giai-cấp tung hoành trên xã-hội, vẫn dấu kín cái dục vọng khao khát thiết tha sự giải phóng, chỉ chờ có cơ hội là nổ bật ra. Một mặt khác thì ở tầng dưới, như một mạch nước ngấm ngầm trong đất, vẫn chẩy hoài cái nguồn văn-hóa chung của loài người, mà những văn-hóa giai-cấp ở trên xã-hội chỉ là những suối nước hiện lên trên mặt đất mà thôi ; trong khi các văn-hóa giai-cấp đắp đổi nhau mà chiếm quyền bá chủ trên xã-hội, thì cái mạch văn-hóa chung của người vẫn chẩy ngấm ngầm ở trong các tầng lớp dân chúng để đến khi dân chúng hoàn toàn chiếm địa vị chủ nhân ông trên xã-hội thì mạch nước ấy không bị cái gì ngăn trở nữa mà sẽ chẩy tràn trề ra thành sông lớn biển rộng được.

    Lại sau nữa, tôi tưởng chúng ta cần phải bàn luận một lần nữa để mong đi đến chỗ nhận định rõ ràng hơn cái ý nghĩa của danh từ văn-hóa là cái danh từ hiện nay người nào, lúc nào, chỗ nào cũng thấy nói đến mà thực ra thì không ai chịu nhận định cho thanh sở. Lần này tôi gắng hết sức đứng về phương diện khách quan để bàn :

    - Trước hết tôi theo phương diện khách quan mà chỉ nguyên lai của chữ văn-hóa chúng ta dùng.

    - Tiếp đó, tôi so sánh khái niệm văn-hóa với khái niệm văn-minh mà nhận rõ chỗ khác nhau của nó.

    - Ở phần thứ ba, tôi phân tích cái khái niệm văn-hóa để nhận rõ chỗ khác nhau giữa văn-hóa và ý-thức-hệ.

    - Đến phần thứ tư và thứ năm, tôi lại chỉ rõ rằng sáng-hóa chỉ là một phương diện của lịch trình sản sinh văn-hóa mà giáo-hóa thì chỉ là một bộ phận nhỏ của văn-hóa mà thôi.

    - Sau cùng muốn nhận định chân-tướng của văn-hóa, tôi thử tìm xem hoạt-động văn-hóa là thế nào, rồi nhân sự chuyên môn hóa của sự hoạt-động văn-hóa, tôi tìm đến cái quan-niệm văn-hóa thu hẹp thành những năng lực tinh-thần xúc-tiến sự tiến-triển của văn-hóa chung của xã-hội.

    Thực ra, ba đoạn ấy đều chỉ bàn về một đề mục là « Văn-hóa là gì ? » Nhưng trong mỗi đoạn tôi đứng về một phương diện riêng mà bàn. Tôi ước ao rằng đã đạt được một phần nào cái tham-vọng định nghĩa chữ văn-hóa là một chữ đã làm người ta hao tổn bao nhiêu giấy mực và tinh-lực chỉ vì người ta không chịu tìm hiểu một cách khách quan.

    Nếu chúng ta đã có thể đồng ý về nghĩa và giới hạn của chữ văn-hóa, thì chúng ta sẽ dễ dàng đồng ý về ý nghĩa và giới hạn của sự hoạt-động văn-hóa. Tiến lên một bực nữa, nếu chúng ta lại quả quyết nhận định cái nhu-yếu gây dựng một văn-hóa mới cho dân tộc, cho loài người ngày nay, nếu chúng ta nhận thấy cái xu hướng mạnh mẽ của nền văn-hóa mới đương hăng hái và quyết liệt tự đào tạo ở trong nhân loại thì chúng ta đã có được những điều kiện cơ bản để hành-động, nhưng công việc của chúng ta vẫn chưa làm được chút nào, vẫn còn nguyên cả. Sự hoạt-động văn-hóa mới của chúng ta bây giờ là mới mở mối đầu.
     
  4. hasuki

    hasuki Mầm non

    Văn hóa là gì? Đào Duy Anh

    Một tác phẩm hay không chỉ về nội dung mà còn về lối diễn đạt, phong cách lý luận của một nhà khoa học Xã Hội nổi bật thời bấy giờ.

    Tác giả Đào Duy Anh được xem như là người đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực khoa học Xã Hội ở Việt Nam. Ông tham gia Tân Việt Cách Mạng Đảng và thành lập Quan Hải Tùng Thư như là cơ quan xuất bản của tổ chức này. Trong thời gian hoạt động cách mạng, ông viết nhiều tác phẩm như Lịch Sử thế giới, Xã Hội là gì? Dân Tộc là gì?...trở thành những cuốn giáo khoa về khoa học, lý luận duy vật phổ cập trong đại chúng. Mục đích của việc xuất bản nhiều sách vậy là gieo những tư tưởng yêu nước tiến bộ và kiến thức khoa học cơ bản trong dân chúng để từ đó phát triển đảng. Tác phẩm “Văn hóa là gì?” khai thác những phạm trù của Văn Hóa mà tác giả thừa nhận từ nhiều nghiên cứu trên thế giới.

    Xét chung, tác phẩm có bố cục rõ ràng, mạch lạc, nội dung dễ tiếp cận đối với những người không chuyên về những nghiên cứu khoa học xã hội như tôi. Thực sự tác phẩm đã làm sáng tỏ nhiều khía cạnh ngữ nghĩa của Văn Hóa, từ thuở khởi nguyên của loài người tới xã hội đương đại.

    Về nội dung, trước tiên, ông đề cập đến giới thuyết để định nghĩa hai chữ Văn Hóa: “Văn Hóa bao gồm tất thảy những sinh hoạt về vật chất, sinh hoạt tinh thần và sinh hoạt xã hội”. Nhưng không phải tất cả sinh hoạt đều là hoạt động văn hóa, mà chỉ có những hoạt động cần lao và SÁNG TẠO thì mới được gọi như vậy. Ví dụ như người nhà quê bì bõm trong bùn dưới nắng để cày ruộng, người ấy đang sinh hoạt chứ không phải hoạt động về văn hóa. Nhưng những người đã nhờ kinh nghiệm và sáng tạo để làm ra lưỡi cày, dùng sức kéo của trâu, ấy mới là người sản sinh giá trị văn hóa.

    Vì lẽ Văn hóa gắn liền với sinh hoạt của con người nên hệ thống các luận điểm được tác giả khai thác và phát triển dựa theo tiến trình phát triển của xã hội. Từ xã hội nguyên thủy mà sinh hoạt con người hết sức đơn giản, chỉ phục vụ cho mục đích sinh tồn, tranh đấu với tự nhiên. Cho đến xã hội hiện đại gồm những sinh hoạt mang tính tranh đấu giữa người với người, trở thành lợi khí để đấu tranh giai cấp. Những giá trị văn hóa mới sẽ không hoàn toàn thay thế giá trị cũ mà sẽ được chia làm hai: Một là giá trị sáng tạo hoàn toàn mới, hai là tái tạo giá trị văn hóa cũ. Như vậy, xét tổng thể ta sẽ thấy văn hóa sẽ không ngừng nâng lên. Và có lẽ, ta sẽ chẳng bao giờ hiểu hết được. Cùng với việc phân tích ý nghĩa của Văn hóa, tác giả phân biệt những khái niệm mà hay nhầm lẫn với Văn Hóa như Văn Minh, Ý Thức Hệ, Sáng Hóa, Giáo Hóa…Nhờ vậy, người đọc có thể thấy rõ bản chất của những khái niệm ấy bằng việc liên hệ chúng với nhau, tránh bị nhầm lẫn. Vấn đề dùng chữ cũng được nhắc đến, cụ thể, chữ “Văn hóa” của ta mượn từ Trung Hoa. Từ ấy lại được dùng để dịch nghĩa từ Culture và Civilisation trong tiếng Pháp, Culture và Civilization trong tiếng Anh. Bằng việc giải nghĩa những từ trên, tác giả đã làm rõ thêm về mặt chữ nghĩa của “Văn hóa”.

    Tóm lại, tác phẩm đã trả lời một cách khá trọn vẹn câu hỏi: “Văn Hóa là gì?”. Tác giả đã mang đến một chủ đề mới mẻ thời bấy giờ qua phong cách viết rất khoa học, gần gũi. Với tôi, một tác phẩm khoa học mang hơi thở của văn học cũ cũng gây những xúc cảm mạnh. Việc bảo tồn những cuốn sách, tác phẩm xưa cũ cũng là cách để bảo tồn giá trị văn hóa của ta vậy.
     
    Forest, dragonking91, Despot and 5 others like this.
  5. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    Cám ơn bạn đã review quyển này cute_smiley60
     
    Heoconmtv thích bài này.
  6. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    Bài review của bạn vừa được đăng lên Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link rồi nhé :
    cute_smiley82
    Capture.PNG
     
Moderators: dragonking91, mopie
: 1000qsv1tvb

Chia sẻ trang này