Đánh máy Văn học Trung Quốc hiện đại (trọn bộ) - Nguyễn Hiến Lê

Thảo luận trong 'Dự án eBook cho Thư viện' bắt đầu bởi goldfish, 15/12/13.

Moderators: rhea, thuannguyen1088
  1. goldfish

    goldfish Lớp 8

    Khoảng giữa tháng trước, bạn Hoaithu84 có gởi cho tôi bản scan Tuyển Tập Nguyễn Hiến Lê IV – Văn học (Nxb Văn học năm 2006) – về sau gọi tắt là bản Văn học 2006, trong đó có bộ Văn học Trung Quốc hiện đại (1898 - 1960) từ trang 865 đến trang 1266.

    Rất tiếc là trong bài LỜI MỞ ĐẦU (xem ở dưới) có đến 2 trang 669 nhưng lại thiếu trang 670 (lỗi này có thể là do người thực hiện bản scan?). Trong danh mục TÊN CHỮ HÁN CỦA MỘT SỐ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM, tên tác phẩm cuối cùng là Thường thí tập 嘗試集 (không biết như vậy là đầy đủ hay còn thiếu?). Ngoài ra bản Văn học 2006 không có bảng MỤC LỤC, cũng không cho biết in theo bản nào (bản scan không thiếu trang và tôi đoán là in theo bản của Nxb Văn học năm 1983).

    Tôi đã chuyển bản scan thành file .doc và đã sửa lỗi hơn một nửa rồi, có lẽ phải mươi ngày nữa mới hoàn tất việc sửa lỗi (lỗi do sách in sai và lỗi do phần mềm ABBYY “đọc” sai). Rất mong bạn nào có bản in của Nxb Nguyễn Hiến Lê 1966 (trọn bộ gồm 2 cuốn), của Nxb Văn học 1983 hoặc bản Văn học 2006 xin vui lòng bổ sung các trang in thiếu. Xin chân thành cảm ơn trước.
    Goldfish​

    LỜI MỞ ĐẦU

    Người ta thường nói đến dòng thời gian, dòng lịch sử. Hình ảnh đó đã quá sáo, nhưng chưa ai kiếm được hình ảnh nào đúng hơn. Lịch sử cùng với thời gian trôi hoài, không bao giờ ngừng, dù chỉ là ngừng trong một khoảnh khắc: “bất xả trú dạ”. Triều đại này đổ, triều đại khác dựng, phong trào này xuống, phong trào khác lên và lịch sử cứ tiếp tục cho tới vô cùng làm cho ta nhớ tới câu của Tennyson:

    Men may come and men may go

    But I go on forever.

    Có lúc nó phẳng lặng trôi đều đều một dòng, có lúc nó chia ra nhiều nhánh, cuồn cuộn đổ xuống thành thác; có lúc nó tiến thẳng trên một quãng dài, có lúc nó quẹo qua đông, qua tây, uốn khúc nhiều lần như do dự rồi mới kiếm được một hướng mới. Khi ghi chép lịch sử, ta phải tìm những chỗ đặc biệt đó để cắm mốc. Công việc này hợp lý và hữu ích miễn ta đừng nhận lầm rằng những mốc ấy là khởi điểm hay chung điểm của một thời đại hay phong trào. Lịch sử đã không bao giờ ngừng, thì mốc chỉ có công dụng đánh dấu cho ta dễ thấy, dễ nhớ, thế thôi.

    Công việc cắm mốc là một sự nhận định, và sự nhận định nào cũng vừa có tính cách khách quan, vừa có tính cách chủ quan: khách quan vì phải dựa vào sự thực mà chủ quan vì phải đưa ra quan điểm của mình. Cho nên cùng là chép lịch sử mà mỗi người có thể phân chia thời đại một cách, và đọc qua mục lục một bộ sử, nhìn vào các chương mục, ta cũng đoán được ngay chủ trương, khuynh hướng của soạn giả.

    Tuy nhiên, sự sai biệt thường không có gì quan trọng lắm: người thì kéo lùi cái mốc lên trên một chút, người thì đưa nó xuống dưới, rốt cuộc nó vẫn nằm trong khúc quẹo đó hoặc khoảng thác ghềnh đó. Trên cái dòng văn học Trung Quốc, thời hiện đại là một khúc quẹo rất lớn đầy những thác và ghềnh. Trên hai ngàn năm, từ đầu đời Hán, dòng đó từ từ trôi êm đềm tuy có uốn khúc từ duy mỹ qua tải đạo, từ tải đạo qua duy

    [Bản scan thiếu trang 670]

    cận đại văn học chi biến thiên
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link - Trung Hoa thư cục, 1929) quy công cho nhóm Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng.

    Chủ trương thứ ba nhấn mạnh vào công lao của toàn dân, là chủ trương chung của các học giả Cộng sản chẳng hạn của Đặng Thai Mai trong Lược sử Văn học hiện đại Trung QuốcVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link tập I - Nhà xuất bản Sự thật - Hà Nội 1958; của Trương Chính, Bùi Văn Nguyên, Lương Duy Thứ trong Giáo trình lịch sử văn học Trung QuốcVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link tập II - Nhà xuất bản Giáo dục – Hà Nội 1962...Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Còn chủ trương thứ hai, ghi công của nhóm Hồ Thích, Trần Độc Tú, là chủ trương của hầu hết các học giả Âu Mỹ hoặc chịu ảnh hưởng của Âu Mỹ, như Jean Monsterleet trong cuốn Sommets de la littérature chinoise contemporaineVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link(5) - Domat - Paris - 1953; Hạ Chí Thanh (C. T. Hsia) trong cuốn A History of Modern Chinese FictionVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (Cận đại Trung Quốc tiểu thuyết sử) - New Haven, Yale University Press, 1961.

    Đó là nói về cái mốc thứ nhất.

    Về các mốc sau thì bất kỳ học giả trong phái nào - cộng hay không cộng - cũng đồng ý dùng những năm:

    - 1927, năm Tưởng Giới Thạch Bắc phạt thành công, thành lập chánh phủ Dân quốc ở Nam Kinh, rồi thẳng tay đàn áp Cộng sản.

    - 1937, năm xảy ra vụ Lư Câu Kiều, bắt đầu có cuộc Trung - Nhật chiến tranh, rồi tiếp tới cuộc Thế chiến thứ nhì.

    - 1949, năm quân đội Tưởng Giới Thạch bị đánh bật ra khỏi lục địa, và rút qua đảo Đài Loan cho mãi tới bây giờ; còn Mao Trạch Đông thì thành lập chánh phủ Nhân dân Trung Hoa ngày 1 tháng 10.

    Vậy thời hiện đại trong lịch sử văn học Trung Quốc đã được các học giả chia làm bốn giai đoạn:

    1. Giai đoạn 1917 (hoặc 1919) -1927


    Trong mười hoặc tám năm đó, các văn nhân Trung Quốc lo đả phá nền văn học truyền thống và đồng thời bắt đầu kiến thiết, nhưng chưa kiến thiết được bao nhiêu vì luôn luôn có những biến chuyển từ hữu qua tả.

    2. Giai đoạn 1928 - 1937

    Công việc sáng tác trong mười năm này rất thịnh, phái tả hoạt động rất mạnh và xét chung họ có vẻ thắng thế.

    3. Giai đoạn 1938- 1949


    Trung Quốc bị nạn ngoại xâm. Từ năm 1938 đến năm 1945, toàn dân phải lo chống với Nhật; rồi sau Thế chiến, chưa được nghỉ ngơi, lại phải chịu cái hoạ nội chiến; nên công việc sáng tác có tính cách tuyên truyền, cứu quốc.

    4. Giai đoạn từ 1949 trở đi


    Ở Hoa lục và ở Đài Loan, mỗi chánh phủ có một chủ trương riêng, và những văn nhân nghệ sĩ ở bên này cơ hồ như không biết gì (hoặc không được biết gì) về các văn nhân, nghệ sĩ ở bên kia.

    Một số học giả ở Đài Loan có ý chối bỏ hẳn sự thực, không chịu cắm một cái mốc vào năm 1949 nữa, nghĩa là bỏ hẳn giai đoạn 4 và cho giai đoạn 3: Trong và sau thời chiến tranh kéo dài từ 1938 cho tới hiện nay: họ có lẽ muốn nuôi cái hy vọng trở về lục địa trong một tương lai nào đó.
    *
    * *​
    Trong cuốn này chúng tôi sẽ theo sự phân đoạn như trên; nhưng để giúp độc giả hiểu rõ sự biến chuyển từ văn học truyền thống qua văn học cách mạng, chúng tôi nghĩ nên đi ngược dòng lên tới năm 1898, kể lại những hoạt động của những người lớp cổ mà đi tiên phong, như Lương Khải Siêu, Hoàng Tuân Hiến, Nghiêm Phục, Lâm Thư, Lý Bảo Gia, Ngô Ốc Nghiêu...; nghĩa là chúng tôi sẽ chép thêm một giai đoạn nữa: 1898 - 1917, mà ở cuối bộ Đại cương Văn học sử Trung Quốc chúng tôi mới chỉ nhắc trong có mấy trang.

    Vậy bố cục cuốn sách này sẽ như sau:

    Phần I - Thời kỳ quá độ: 1898 - 1916.

    Phần II - Cao trào cách mạng: 1917 - 1927.

    Phần III - Những năm phát triển: 1928 - 1937.

    Phần IV - Thời chống Nhật và thời nội chiến 1938 - 1949.

    Phần V - Từ khi phân ly: từ 1949 trở đi.

    Trong mỗi phần (trừ phần V), chúng sẽ theo thứ tự dưới đây:

    1. Trước hết nhắc lại bối cảnh lịch sử trong mỗi giai đoạn. Điểm này rất cần thiết: nếu không đối chiếu những biến chuyển trong văn học với những biến cố về chính trị thì khó mà hiểu được văn học hiện đại Trung Quốc, vì chưa có thời nào mà văn học và chính trị ảnh hưởng qua lại lẫn nhau một cách trực tiếp và mật thiết như thời đó. Chắc độc giả nhận thấy, trừ năm 1917, còn thì tất cả những năm khác (1898, 1927, 1937, 1949) dùng mốc phân chia giai đoạn, đều có một biến cố quan trọng về chính trị.

    Cứ mỗi lần trong nước xảy ra một biến cố mà nguyên nhân có thể là nội tại (năm 1927, 1949) hay ngoại lai (1919, 1937), là các văn nhân nghệ sĩ Trung Hoa lại xét lại chủ trương, chiến thuật cùng cách thức, đường lối sáng tác của mình. Trong lòng họ bừng bừng lên tinh thần cứu quốc mà muốn cứu quốc thì không thể thờ ơ với chính trị được.

    Trong bộ Đại cương Triết học Trung QuốcVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link chúng tôi đã nhấn vào đặc điểm chung này của các văn nhân thi sĩ Trung Hoa: hầu hết nhà nào cũng bàn về chính trị. Cả một thời Chiến quốc luôn mấy trăm năm họ chỉ bàn về chính trị; rồi từ Hán trở đi, nhà nào có tên trong văn học sử thì cũng có tên trong chính trị triết học sử. Tới thời hiện đại do hoàn cảnh của quốc gia, xã hội, văn nhân càng chú trọng về chính trị; đặc biệt là phái tả, cho văn học là một dụng cụ để tuyên truyền và đấu tranh chính trị.

    2. Ghi lại bối cảnh lịch sử, rồi chúng tôi sẽ phân tích các trào lưu văn học. Trên dòng lịch sử văn học Trung Quốc khoảng tiền bán thế kỷ này nhiều nhánh và ghềnh nhất: thôi thì đủ các khuynh hướng chống đối nhau từ thủ cựu tới cách mạng, từ cực hữu tới cực tả; nhiều nhà văn chuyển từ mặt trận này qua mặt trận khác, tiến rồi thoái, thoái rồi tiến; phong trào này chưa dứt đã nổi lên phong trào khác, cuộc cách mạng này chưa thực hiện xong đã tiếp theo một cuộc cách mạng nữa; họ vừa thay xong thứ rượu mới trong cái bình cũ, đã vội đập luôn cái bình cũ, và nhìn lại, thấy thứ rượu mới trong bình đã hóa cũ họ lại thay rượu một lần nữa. Biến cố dồn dập lôi cuốn họ đi không cho họ ngừng. Đi sâu vào chi tiết thì sẽ thấy rối loạn vì có rất nhiều nhóm, rất nhiều chuyển hướng, cho nên chúng tôi chỉ ghi lại những đại cương thôi, chú trọng vào sự tranh đấu giữa phái thủ cựu với phái cách mạng thiên hữu (có người gọi là phái dân chủ hoặc dân chủ mới); sự tranh đấu giữa phái cách mạng thiên hữu với phái cách mạng thiên tả (phái xã hội); và sự mâu thuẫn, chống đối nhau ngay trong hàng ngũ những người theo tả.

    3. Sau cùng chúng tôi giới thiệu một số tác giảtác phẩm quan trọng nhất trong mỗi giai đoạn. Vì các tác giả đó đều hoạt động trong nhiều giai đoạn - nhiều nhà hoạt động từ buổi đầu như Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn... - cho nên chúng tôi phải tùy vai trò hoặc tác phẩm của họ mà giới thiệu họ tương đối kỹ trong một giai đoạn nào đó còn trong những giai đoạn trước và sau, chỉ nhắc qua tới họ thôi. Chẳng hạn Lỗ Tấn bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1918 (Cuồng nhân nhật ký) và tiếp tục viết cho tới khi mất, năm 1936; vậy ông đã hoạt động trong hai giai đoạn (1917 - 1927; 1928 - 1937): nhưng chúng tôi sẽ giới thiệu ông trong giai đoạn 1917 - 1927, vì tác phẩm quan trọng nhất của ông - A. Q chính truyện - xuất hiện trong giai đoạn đó. Qua giai đoạn sau, ảnh hưởng của ông vẫn còn lớn, nhưng không có tác phẩm nào hơn được A. Q chính truyện, cho nên chúng tôi sẽ giới thiệu những nhà khác, như Mao Thuẫn, Ba Kim...

    Tóm lại, trừ phần V, còn thì mỗi phần đều gồm hai chương:

    - Bối cảnh lịch sử và văn trào.

    - Tác giả và tác phẩm.

    Phần V, vì tình trạng chia đôi của Trung Hoa, sự trình bày sẽ khác hẳn: chúng tôi phải phân tích riêng những hoạt động văn học ở Hoa lục và ở Đài Loan; mà cũng không thể giới thiệu nhiều tác giả và tác phẩm được, do lẽ thiếu tài liệu.

    N.H.L.

    [HR][/HR]Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Từ đây chúng tôi gọi tắt là Biến thiên: BT.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Gọi tắt là Lược sử: LS.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Gọi tắt là Giáo trình: GT.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Cũng là chủ trương của nhóm Bắc Kinh đại học trong cuốn Trung Quốc văn học sử (Nhân dân văn học xuất bản xã Bắc Kinh, 1959) vì nhóm đó tuy không cấm móc nhưng không nhắc tới Hồ Thích mà chỉ nhắc tới cuộc Ngũ tứ vận động.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Gọi tắt là Sommets: S.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Gọi tắt là Chinese fiction: CF.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Soạn chung với Giản Chi – Cảo Thơm xuất bản 1965-1966.
     
    ai0ia, vietanht2001 and lemontree123 like this.
  2. Mặt Nạ

    Mặt Nạ Mầm non

    Để cho dự án của bạn được thành công trọn vẹn, tôi xin được đóng góp những phần bạn còn thiếu:

    - Lời Tựa của NHL.
    - Lời Nói Đầu của NHL.
    - Mục lục cho quyển thượng và quyển hạ.

    Bản của tôi là bản xưa (1966), vì vậy hy vọng là nó sẽ chính xác!

    Download bản scan các phần liệt kê ở trên:
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Nếu bạn cần giúp những phần gì khác, xin mạnh dạn yêu cầu! :)
     
    ai0ia, vietanht2001 and lemontree123 like this.
Moderators: rhea, thuannguyen1088

Chia sẻ trang này