0059.080 - @ nhani78 (Done WK)
-
PDF
GoogleDocs
Chuẩn định từ nay về sau, các tù phạm quân lưu các địa phương, đã có chỉ thả ra mà dồn bổ làm lính thì đều cấp mỗi tháng 5 tiền và 1 phương gạo. Ghi làm lệ.
Triệu Chưởng cơ Thống quản thập cơ Chấn định Trung quân là Nguyễn Văn Quyền, Phó thống thập cơ Oai thắng Hậu quân là Phan Bá Hùng về Kinh, đổi bổ Vệ uý vệ Hữu nhất quân Thị trung là Nguyễn Xuân làm Chưởng cơ Thống quản thập cơ Chấn định Trung quân. Khởi phục Phó thống thập cơ Kiên nhuệ Tả quân hưu trí là Vũ Văn Thân làm Phó thống thập cơ Oai thắng Hậu quân. Thân trước vì tuổi già cáo về, đến nay triệu vào yết kiến, vua thấy sức vóc còn khoẻ, cho nên lại dùng.
Đổi 6 cơ Kiên ở Quảng Ngãi làm cơ Tĩnh man nhất, nhị, tam, tứ, ngũ lục, vệ Tín trực ở Quảng Nam làm cơ Điện hải, chi Vũ cự ở Gia Định làm cơ Vũ cự. Lại đổi các đội Cường súng, Tráng binh ở Thừa Thiên làm phủ binh Thừa Thiên, các đội Cường súng và Tráng binh các trấn Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Hoà, Bình Thuận, Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Thanh, Định Tường làm trấn binh các trấn đều chiếu nguyên ngạch xếp thứ tự làm các đội nhất, nhị, tam, tứ, ngũ.
Lấy Đốc học Bình Định là Nguyễn Trung Mậu làm Viên ngoại lang Hộ bộ. Đổi Tri phủ Hà Trung là Trần Lâm làm Hàn lâm viện Thừa chỉ thự Đốc học Bình Định.
Tham tri Lễ bộ là Phan Huy Thực tâu rằng bộ ty cần người. Người làm được việc đáng cất nhắc như bọn Nguyễn Trọng Ngọc thì có chỉ không nên bàn, phải đợi 3 năm không có lỗi mới được tề chỉnh.
Vua dụ rằng : “Bọn ấy đã có minh chỉ thì ai dám tâu cử ! Phải có đặc chỉ của trẫm mới được”.
Thực lại tâu rằng : “Nguyễn Trọng Ngọc một nhà anh em bốn người đều hiển đạt phước ấm rất thịnh, bè bạn không ai kịp được”. Vua nói rằng : “Thế là mãn thịnh rồi. Ví con rối làm trò, đáng sợ mà không đáng tin cậy”.
Bèn sai Văn thư phòng làm sách kê những quan kinh đã có chỉ “không nên bàn” để tâu lên. Đặc cách gia ơn cho Lang trung Vũ Quýnh được dùng làm Tham hiệp, Chủ sự Nguyễn Trọng Ngọc thì dùng làm Viên ngoại lang, Bát phẩm thư lại Bùi Tăng Huy thì dùng làm Tư vụ, gặp khuyết thì bổ ngay.
Quảng Ngãi sấm sét mưa lụt, trấn thần tâu lên. Vua bảo bộ Lễ rằng : “Trẫm từng xem Bắc sử, phàm thấy chép hoa mùa đông, sấm mùa đông đều là chuyện lạ. Khi trời đất Nam Bắc khác nhau. Nước ta đất rất nóng nực, cây cỏ bốn mùa đều có hoa, sau tiết chí đông thường có sấm động cũng chẳng lấy gì làm lạ. Đến như tháng 11 còn lụt thì hằng năm thường có. Nhưng ta một lòng kính trời, không dám lấy việc thường mà bỏ qua đâu”.
Hiệp trấn Sơn Nam là Trần Thiên Tải vào chầu. Vua hỏi về việc dân. Trả lời rằng : “Bắc Thành năm ngoái vỡ đê, năm nay mùa mưa lụt, nhân dân đều có dự phòng, cho nên dẫu gặp nạn nước, dân cũng không đến nỗi khốn khổ. Làng mạc hoặc có cướp, quan quân đến thì giải tán ngay”.
Vua lại hỏi việc thay đổi y phục, dân tình thế nào ? Trả lời rằng : “Lúc bắt đầu chưa đổi cả được. Nhưng nhân tình sở nguyện cũng có thể dần dần đổi được”
Lấy Hữu Thị lang Lễ bộ là Hà Quyền làm Hữu Thị lang Công bộ vẫn kiêm lĩnh Thái thường tự.
Bọn Cai đội thuỷ quân là Nguyễn Tử Văn, tuổi chưa đến 70, giả ốm xin về hưu, bộ Hình bàn bắt giáng điệu. Vua nói : “Võ biền hèn nhát trốn việc, thì để làm gì ?”. Hạ lệnh đều cho cách chức về quê. Quản lĩnh Nguyễn Tài Năng vì không xét ra bị phạt.
Thống chế quản binh thành Gia Định là Nguyễn Văn Phòng tuổi già xin nghỉ việc. Lấy Thống chế Tượng quân là Đỗ Quý làm Thống quản biền binh thành Gia Định, lấy thự Tiền quân Trần Văn Năng quyền lĩnh ấn triện Thống chế Tượng quân.
Khai mỏ đồng ở động Lương Sơn, Thanh Hoa.
Sai Lang trung Hộ bộ là Nguỵ Khắc Tuần đổng lý việc thanh tra Bắc Thành cùng các trấn thuộc thành.
Lấy Viện sứ viện Thượng tứ là Nguyễn Trọng Tính làm Phó vệ uý vệ Khinh kỵ, vẫn lĩnh việc viện Thượng tứ, Cai đội Nguyễn Văn Ngoạn làm thự Phó vệ uý vệ Kiêu kỵ phục vụ ở xứ Ngân bài Thị vệ.
Sai Viên ngoại lang Binh bộ là Dương Văn Phong, Viên ngoại lang Lễ bộ là Đặng Văn Thống chia nhau đi Quảng Nam, Quảng Ngãi phát thóc công cho các đường hộ, do đó giá gạo xuống rẻ.
Vua nghe tin bảo bộ Hộ rằng : “Đướng cát là địa sản Quảng Nam, Quảng Ngãi, phát thóc trước cho dân làm vốn, dân tình đã vui làm để bán, mà giá gạo lại hạ xuống, công tư đều lợi, cũng là cái nghĩa tổn trên ích dưới vậy”
Đắp đê công ở Bắc Thành.
Đê chính thần là bọn Lê Đại Cương đi các trấn xem xét đê cũ đê mới, thấy có chỗ nên đắp đê mới, có chỗ nên nhân đê cũ mà bồi đắp thêm, phàm 18 sở, đều là đại công trình cả, duy một sở mới Kim Quan thuộc Bắc Ninh dài hơn 890 trượng, đất ấy ruộng chiêm thấp ướt, thi công rất khó, xin đến thượng tuần tháng 12 năm nay khởi công, ngoài ra như 10 sở đê mới Hải Bối, Phụng Nghĩa thuộc Sơn Tây, Phú Thị, Nho Lâm, Viên Nội, Hào Châu, Lam Điền, thuộc Sơn Nam, Tiên Lạt, Đỗng Phấn thuộc Bắc Ninh, Thanh Nga thuộc Nam Định cộng dài hơn 3.060 trượng ; 7 sở đê cũ Thụ ích, Hát Môn, Mạch Lũng, Đại Độ, Thạch Thán thuộc Sơn Tây, Đại Yên Trường, Thuần Lễ thuộc Sơn Nam cộng dài hơn 3.590 trượng, đều xin đến hạ tuần tháng giêng sang năm khởi công.
Vua y cho. Chi phí cả thảy hết hơn 175.500 quan (xã Kim Quan thuộc huyện Gia Lâm, các xã Hải Bối, Mạch Lũng, Đại Độ thuộc huyện Yên Lãng, thôn Dụng Nghĩa, xã Thạch Thán thuộc huyện Yên Sơn ((1) Yên Sơn : nay là huyện Quốc Oai.1), xã Phú Thị, Thuần Lễ thuộc huyện Đông Yên ((2) Đông Yên : nay là huyện Khoái Châu.2), xã Nho Lâm thuộc huyện Kim Động, các xã Viên Nội, Lam Điền, Đại Yên Trường thuộc huyện Chương Đức ((3) Chương Đức : nay là huyện Chương Mỹ.3), xã Hào Châu thuộc huyện Nam Xang ((4) Nam Xang : nay là huyện Lý Nhân.4), xã Tiên Lạt thuộc huyện Việt Yên, xã Đỗng Phấn thuộc huyện Yên Phong, xã Thanh Nga thuộc huyện Hưng Nhân, xã Thụ ích thuộc huyện Yên Lạc, xã Hát Môn thuộc huyện Phúc Thọ).
CHÍNH BIÊN
ĐỆ NHỊ KỶ - QUYỂN LVI
THỰC LỤC VỀ THÁNH TỔ NHÂN HOÀNG ĐẾ
Mậu tý, năm Minh Mệnh thứ 9 [1828], mùa đông, tháng 12, định lệ thưởng cấp các thuộc ty ở Kinh làm việc siêng năng.
Vua bảo bầy tôi rằng : “Xét công quan lại nên thường mài giũa để cổ lệ cho siêng năng. Liêu thuộc các nha ở Kinh, suốt năm cần cù nếu không thưởng thì lấy gì khuyến khích được. Vậy hạ lệnh cho quan trên cứ đến cuối năm, xét thuộc viên từ ngũ phẩm trở xuống, có ai siêng năng làm việc thì chia hạn mà kê danh sách, để lượng xét khen thưởng. Ghi làm lệnh”.
Định trật tự vệ Loan giá cũng bằng vệ Cẩm y, nhưng ở dưới.
Trấn Bình Hoà mưa lụt, lúa má tổn hại, nhân dân có người chết đuối. Vua sai trấn thần xuất tiền gạo phát chẩn. Ruộng nào có thể cấy lại được thì cấp cho thóc giống.
Quan Bắc Thành tâu rằng : “Phu mỏ các mỏ vàng Tĩnh Đà, Hướng Minh, Nhu Viễn thuộc các trấn trong thành hạt tan đi nơi khác, xin đóng các mỏ ấy”. Vua y cho (Tĩnh Đà thuộc châu Thạch Lãm trấn Cao Bằng, Hướng Minh thuộc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, Nhu Viễn thuộc châu Bạch Thông trấn Thái Nguyên).
Chuẩn định từ nay, quan viên văn võ có chỉ thăng thụ, thực thụ, khai phục khởi phục chưa lĩnh bằng sắc mà chết, thì cấp bằng sắc cho người thân thuộc. Nếu bằng sắc chưa làm, cùng những người bị giáng điệu ((1) Giáng điệu : bị giáng chức và đổi đi nơi khác.1), giáng lưu((2) Giáng lưu : bị giáng, nhưng lưu nhiệm ở đấy.2), đều được truy cấp văn bằng của triều đình và lệ tập ấm lệ cấp tuất, đều chiếu theo phẩm hàm mới thăng, mới giáng mà làm, người nào bị xử phạt bổng đều miễn.
Quan Bắc Thành là Phan Văn Thuý, cùng với quan các tào dâng tờ tâu phong kín nói rằng : “Đời xưa cửa quan và chợ chỉ xét hỏi chứ không đánh thuế. Việc đánh thuế cửa quan và bến bắt đầu từ khoảng năm Bảo Thái đời Lê, đó là bắt chước chế độ nhà Thanh, chứ không phải là ý người xưa. Gần đây noi theo nhau mà làm lệ, có thể nêu ra rành rành như người phần việc, ngoài ngạch thuế còn đòi tiền trầu, ngày càng nhũng thêm. Những con buôn giảo quyệt muốn lĩnh thầu, hoặc cầu cạnh để thầu hoặc giảm giá để thêm lợi. Đến khi thu thuế thì thường nâng giá cao mà thu quá mức, sách nhiễu khó dễ, không khỏi khổ cho nhà buôn. Nay xin bỏ thuế quan để trừ tệ ấy”. Vua sai đình thần bàn. Cho rằng : “Việc đánh thuế cửa quan và bến là để trọng nghề làm ruộng, ức chế nghề buôn, không thể bỏ được. Nay các quan ở thành tào nói những tệ hại ấy đều là tự người làm ra, chứ có phải tự phép sinh ra đâu. Nếu quan trên trừ được hẳn cái thói đút lót, ngăn được hẳn cái thói cầu cạnh, không cho giảm giá thầu, nghiêm cấm việc lạm thu, người buôn tố cáo gì thì xét hỏi ngay, quan lại giấu giếm gì thì trách phạt ngay, một mực lấy công bằng làm chuẩn, thì còn lo gì tệ không trừ được. Không nghĩ đến đấy mà vội muốn xoá bỏ phép đã thành chỉ là kiến thức thiên lệch mà thôi xin đừng bãi”.
Vua cho là phải, dụ các quan thành tào rằng : “Việc thuế quan tân đã là lệ thường, lẽ nào vô cớ bỏ được. Sở dĩ có tệ là chỉ tại hữu ty ít người thanh liêm, cho nên những tay buôn gian (lợi dụng được họ mà) nhiều bùa hộ thân. Nay các ngươi nên giữ mình trong sạch để làm việc công để trừ thói tệ chứ sao lại nhân nghẹn mà bỏ ăn ?”
Sai Tham hiệp Quảng Trị là Đàm Khiêm Quang đến đạo Cam Lộ điều vận lương cho quân đội, Tả Thị lang Lễ bộ là Hồ Hữu Thẩm quyền lĩnh việc trấn, Vệ uý Hậu vệ Tiền phong là Nguyễn Khả Bằng lĩnh Kinh binh 160 người đóng giữ trấn lỵ, cùng với Hữu Thẩm tuỳ việc phân phái.
Trấn thần Nghệ An tâu rằng hai huyện Đông Thành, Quỳnh Lưu, vụ lúa mùa kém, việc thu thóc thuế phải thu xin cho dân nộp tiền thay. Vua y cho.
Nêu thưởng dân thọ từ 100 tuổi trở lên ở các địa phương (110 tuổi có 2 người, Nghệ An thọ nam 1 người, Quảng Trị thọ phụ 1 người ; 100 tuổi có 36 người : Thừa Thiên thọ nam 3, thọ phụ 2 ; Quảng Trị thọ nam 5 ; Quảng Bình thọ phụ 1 ; Quảng Nam thọ nam 2, thọ phụ 3 ; Bình Định thọ nam 1 ; Phú Yên thọ nam 1 ; Biên Hoà thọ phụ 1 ; Định Tường thọ phụ 1 ; Vĩnh Thanh thọ nam 2, thọ phụ 3 ; Thanh Hoa thọ phụ 1 ; Nghệ An thọ nam 3, thọ phụ 5 ; Nam Định thọ nam 1, thọ phụ 1).
Có người ở Nam Định là Trần Công Yến, trước vì năm đời đồng đường, đã được ân thưởng, nay lại được thọ 100 tuổi, vua sai Lễ bộ thưởng cho yến hậu, cấp cho thứ đoạn ngoài và đoạn lót đều 1 tấm, lụa màu 10 tấm, vải màu 20 tấm, bạc 30 lạng và cái biển có khắc chữ : “Cao thọ phồn hy”. Những người 110 tuổi thì thọ nam gia thưởng bạc 10 lạng, và đoạn bát ty 1 cuốn nhỏ, thọ phụ bạc 10 lạng ; còn những người khác đều thưởng như lệ. Lại sắc cho quan địa phương, cứ mỗi đầu năm, chi tiền công, chiếu trong hạt cấp cho thọ nam 2 cân rượu 3 cân thịt, thọ phụ 1 cân rượu 2 cân thịt. Làm lệ mãi mãi.
Sai bộ Lễ tư hỏi những việc cũ của Nguỵ Tây. Vua bảo Phan Huy Thực rằng : “Khi mới đại định, thu nhặt được văn thư sách vở của Tây Sơn rất nhiều, ý trẫm cho là vô dụng nên gần đây sai đốt hết cả. Nay lại nghĩ chúng tuy bội nghịch, những việc chúng làm thật không đáng kể, song cũng là dấu tích một đời, kho sách chứa cất không nên thiếu sót. Nên tư giấy cho Bắc Thành, hỏi khắp các cố gia và sĩ thứ ai có ghi chép được việc cũ của Tây Sơn, từ năm Bính ngọ trở đi, từ Nhâm tuất trở lại, phàm một chính một lệnh và chiếu sắc tấu sớ, cùng mọi điều mục nhỏ mọn chúng đã làm, không nệ kỵ huý không kể lời văn quê mùa, hết thảy đem nộp quan sẽ lượng khen thưởng”. Lại nói : “Con cháu Nguỵ Tây đều ngu tối, nhu nhược duy có Nguỵ Thuỳ nhân phẩm so với bọn chúng có khác, đến lúc thế cùng, sức quẫn, vật mình vào cây tự tử, là còn biết đem thân tuẫn tiết”.
Lấy Đội trưởng Nguyễn Hữu Lễ làm Từ tế phó sứ ở ty Từ tế, giữ việc tế tự ở Nguyên miếu ((1) Nguyên miếu : miếu thờ cúng các tiên tổ nhà Nguyễn ở Thanh Hoa.1).
Cấp thêm áo, quần cho Kinh binh đi thú. Dụ rằng : “Trước kia Kinh binh đi thú ở các hạt Bắc Thành, Thanh Nghệ, ngày đến chỗ thú đã cấp tiền áo quần ; nhưng còn nghĩ đến mùa đông rét, những người đi thú xa, lấy gì chống rét, nên sai may áo quần phát thêm cho, từ đấy làm lệ mãi mãi”. Lại sai Gia Định may áo quần cấp cho thú binh các vệ cơ đội Tả bảo nhất, nhị, Minh nghĩa, Thanh thuận, An thuận, Tả sai, mỗi năm một lần phát 3.000 tấm vải và 500 tấm sại nam ở trong kho nội chở đến mà dùng”.
Trấn thần Nghệ An tâu xin phát tiền công chế tạo 10 cái mũ chiến màu đen, 10 cái áo đoạn lông màu quan lục, 10 chiếc quần giáp và hia, tất, phàm khi có lễ tiết gì mà hành cung trấn lỵ đặt ban bái vọng, thì cấp cho binh đội Uy chấn mang mặc và vỗ gươm đứng hầu để trông cho nghiêm chỉnh. Vua y cho.
Phủ Thường Tín trấn Sơn Nam có cướp. Quản phủ nhân có việc đi vắng, phủ Đồng tri là Hà Văn Đạt sai Cai đội thuộc phủ là Ngô Văn Nghiêm đuổi bắt, nhưng Nghiêm không theo. Việc đến vua biết, sai bắt Nghiêm trị tội. Nhân thế bảo bộ Hình rằng : “Đã gọi là thuộc phủ, sao lại giặc cướp ở trước mặt mà phủ viên sai phái không đi, hình như không đau xót gì. Đó cố nhiên là tội Ngô Văn Nghiêm khinh nhờn sợ sệt, nhưng cũng do quan trên ở địa phương không biết sức bảo cho nên bọn chỉ biết quản phủ xướng suất được, chứ không biết rằng tri phủ và phủ đồng tri đều có trách nhiệm thống nhiếp cả, cái tệ ấy phải thay đổi đi. Phải truyền dụ cho quan Bắc Thành thông sức cho các phủ trong hạt, từ nay biền binh thuộc phủ gặp có việc tuần tiễu đều do phủ viên sai bắt, dù là Quản vệ, Quản cơ, chức vị hơi cao hơn, cũng không được coi thường, làm trái thì trị tội”.
Chuẩn định rằng phàm quan chức nguyên phẩm trật hơi thấp mà theo quan chế mới phẩm cao hơn thì cho theo phẩm mới định mà chi bổng ; nguyên phẩm cao mà theo phẩm mới hơi kém, thì vẫn được chi bổng theo cũ. Cho bắt đầu từ năm Minh Mệnh thứ 10 (1829).
Định ngạch thuyền ở Kinh và ở ngoài. Từ trước đến nay số thuyền ở trong ngoài tuỳ nghi mà gọi thợ làm, nhân việc đặt tên thuyền, không có quy tắc nhất định. Đến nay bộ Công bàn xin tuỳ công việc ít nhiều, chế tạo khó dễ, châm chước làm định ngạch, như chưa đủ số thì đóng thêm dần dần, hạn trong 3 năm làm xong. Ngoài ra, các thuyền ngoại ngạch tạm lưu để sai phái. Thuyền nát hỏng thì cho tháo ván ra. Vua y lời bàn.
Ở Kinh sư định ngạch thuyền 348 chiếc :
Từ chu (thuyền của Thái hậu) 1 chiếc : Ngự chu (thuyền Vua) 1 chiếc ; thuyền Phúc an 1 chiếc ; Hải thuyền ngự 1 chiếc ; Lầu thuyền 1 chiếc; thuyền Long kha 1 chiếc ; thuyền Kim long từ số 1 đến số 6, 6 chiếc ; thuyền Tường kha 1 chiếc ; thuyền Thái long 1 chiếc ; thuyền rồng từ số 1 đến số 3, 3 chiếc ; thuyền Kim đĩnh 2 chiếc ; Đĩnh (xuồng) 20 chiếc ; thuyền Khoái 5 chiếc ; thuyền Tiểu khoá 10 chiếc ; thuyền sai 10 chiếc ; thuyền Uy phượng, Phấn bằng, Thuỵ long 3 chiếc ; thuyền Thanh dương, Tĩnh dương, Bình dương, An dương, Định dương 5 chiếc ; thuyền Thanh hải, Tĩnh hải, Bình hải, An hải, Định hải 5 chiếc ; thuyền Thanh lãng, Tĩnh lãng, Bình lãng, An lãng, Định lãng 20 chiếc ; thuyền Thanh ba, Tĩnh ba, Bình ba, An ba, Định ba 20 chiếc ; thuyền Tuần hải từ số 1 đến số 3, 3 chiếc ; thuyền Hải đạo, 20 chiếc ; Sứ thuyền 3 chiếc ; thuyền Cự hải đạo 30 chiếc ; thuyền Tiểu hải đạo 10 chiếc ; thuyền lê, 100 chiếc ; thuyền ô 5 chiếc ; thuyền Sam bản 60 chiếc.
Thừa Thiên 10 chiếc thuyền ; cửa biển Tư Hiền thuyền son 1 chiếc ; cửa biển Thuận An thuyền sai 2 chiếc ; cửa biển Chu Mãi, thuyền sai 1 chiếc; cửa biển Vân Quan thuyền sai 6 chiếc.
Quảng Trị 15 chiếc thuyền :
Thuyền son 5 chiếc, thuyền ô 10 chiếc.
Quảng Bình 25 chiếc thuyền : thuyền Cự hải đạo 5 chiếc, thuyền son 10 chiếc, thuyền ô sai 10 chiếc.
Nghệ An 30 chiếc thuyền : thuyền Thanh lãng, Tĩnh lãng, Bình lãng, An lãng, Định lãng, 5 chiếc ; thuyền Thanh ba, Tĩnh ba, Bình ba, An ba, Định ba, 5 chiếc ; thuyền ô 10 chiếc, thuyền lê 10 chiếc.
Thanh Hoa 20 chiếc thuyền : thuyền Điện hải 10 chiếc ; thuyền ô 5 chiếc ; thuyền lê 5 chiếc.
Ninh Bình 8 chiếc thuyền :
Thuyền ô 4 chiếc, thuyền lê 4 chiếc.
Bắc Thành 35 chiếc thuyền :
Thuyền Hải đạo 5 chiếc, thuyền lê 5 chiếc, thuyền ô 5 chiếc, thuyền Sam bản 20 chiếc.
Nam Định 60 chiếc thuyền :
Thuyền Thanh lãng, Tĩnh lãng, Bình lãng, An lãng, Định lãng, 10 chiếc; thuyền Thanh ba, Tĩnh ba, Bình ba, An ba, Định ba 5 chiếc ; thuyền Hải đạo 5 chiếc ; thuyền lê 20 chiếc, thuyền ô 10 chiếc, thuyền Điện hải 10 chiếc.
Hải Dương, Quảng Yên : thuyền Điện hải đều 10 chiếc.
Quảng Nam 30 chiếc thuyền :
Thuyền Điện hải 10 chiếc, thuyền ô 5 chiếc, thuyền sai 10 chiếc, thuyền son 5 chiếc.
Quảng Ngãi, Bình Định đều 15 chiếc :
Thuyền Điện hải 10 chiếc, thuyền son 5 chiếc.
Phú Yên 15 chiếc thuyền :
Thuyền Điện hải 10 chiếc, thuyền ô 5 chiếc.
Bình Hoà 20 chiếc thuyền :
Thuyền Điện hải 10 chiếc, thuyền ô 5 chiếc, thuyền sai 5 chiếc.
Bình Thuận 25 chiếc thuyền :
Thuyền Điện hải 10 chiếc, thuyền ô 5 chiếc, thuyền son 10 chiếc.
Gia Định 100 chiếc thuyền :
Thuyền An ba 5 chiếc, thuyền Hải đạo 10 chiếc ; thuyền sai 30 chiếc, thuyền son 15 chiếc, thuyền lê 30 chiếc, thuyền sam bản 10 chiếc.
Phiên An, Định Tường đều 30 chiếc :
Thuyền son 10 chiếc, thuyền Hải đạo 5 chiếc, thuyền ô 10 chiếc, thuyền lê
5 chiếc.
Biên Hoà 25 chiếc thuyền :
Thuyền son 10 chiếc, thuyền Hải đạo 5 chiếc, thuyền ô 5 chiếc, thuyền lê
5 chiếc.
Vĩnh Thanh 35 chiếc thuyền :
Thuyền son 10 chiếc, thuyền Hải đạo 5 chiếc, thuyền ô 10 chiếc, thuyền lê
10 chiếc.
Hà Tiên 20 chiếc thuyền :
Thuyền Điện hải 5 chiếc, thuyền son 5 chiếc, thuyền ô 10 chiếc.
Đồn Uy viễn 20 chiếc thuyền :
Thuyền son 10 chiếc, thuyền ô 10 chiếc.
Thuyền ngoại ngạch :
Ở Kinh sư 35 chiếc. Ở Nghệ An, Vĩnh Thanh đều 3 chiếc. Ở Thanh Hoa
5 chiếc. Ở Bắc Thành, Quảng Ngãi đều 10 chiếc. Ở Nam Định 2 chiếc. Ở Gia Định 18 chiếc. Ở Phiên An 8 chiếc. Ở Biên Hoà 12 chiếc. Ở Định Tường 4 chiếc.
Đổi tên thuyền Tiểu hải ở các trấn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Hoà, Bình Thuận làm thuyền Điện hải từ số 1 đến số 10, thuyền tiểu hải ở Hà Tiên làm thuyền Điện hải từ số 1 đến số 5, nếu thiếu thì theo thức mà đóng thêm cho đủ ngạch.
Lấy Phó thống thập cơ Uy thắng ở Hậu quân là Phan Bá Hùng làm Chưởng cơ Thống quản thập cơ Uy thắng.
Hùng vào bệ từ. Vua dụ rằng : “Ngươi từ trước đến nay bắt giặc có công rất vừa ý trẫm, cho nên thăng bổ. Ngươi từng khiến thuộc hạ lẩn vào đám giặc, phải nên chọn người cẩn thận. Bọn chúng phần nhiều hai lòng, không nên tin quá”.
Ngày Bính tý sai Hoàng trưởng tử yết lăng Thiên Thụ ((1) Lăng Thiên Thụ : lăng Gia Long.1).
Đổi vệ Tả hộ làm vệ Dực bảo ; 4 đội nhất nhị tam tứ vệ Trung hộ làm 4 đội Dực chấn nhất nhị tam tứ ; 4 đội ngũ lục thất bát làm 4 đội Dực thịnh nhất nhị tam tứ ; 4 đội cửu, thập, thập nhất, thập nhị làm 4 đội Dực vĩnh nhất nhị tam tứ ; 4 đội nhất nhị tam tứ vệ Tiền hộ làm 4 đội Dực mỹ nhất nhị tam tứ ; 4 đội ngũ lục thất bát làm 4 đội Dực hoà nhất nhị tam tứ, chia lệ vào phủ các hoàng tử để sai phái.
Định lệ lương cho thị vệ nha bài ((1) Nha bài thị vệ : Thị vệ cầm bài bằng ngà đi triệu các quan, chức này đặt từ năm Cảnh Thống thứ 1 đời Lê Hiến Tông (1498).1) (mỗi tháng 2 quan tiền 1 phương gạo).
Lấy Lang trung Hình bộ sung Hình tào Bắc Thành là Vũ Quýnh làm Tham hiệp Phú Yên.
Bắt đầu đặt quan lưu ở các huyện thuộc phủ Tương Dương và chức tấn thủ ở Lãng Điền, Ngàn Phố.
Trấn thần Nghệ An tâu rằng đất Tương Dương liền rừng rú tiếng nói của dân líu lo, đại để không khác các man. Năm trước đặt quản phủ tri phủ, đều không phải thu thuế và xử kiện, việc quan rất nhàn. Người làm chức ấy không quen thuỷ thổ, thường thường đóng ở huyện Nam Đường. Nay xin đổi đặt chức Phòng ngự sứ và thổ tri huyện, huyện thừa, theo như lệ các phủ đất mới. Lại hai tấn Lãng Điền và Ngàn Phố, đều là lối đường các thuộc man đi lại phải qua rất là quan yếu. Xin đều đặt án thủ và hiệp thủ để xét hỏi. Việc giao xuống đình thần bàn. Cho là đất Tương Dương đời Lê trở về trước, xem là đất ky my, đầu đời Gia Long mới đặt Quản phủ, Tri phủ đó cũng là bắt buộc phải làm, cái cơ dùng người Kinh để giáo hoá man di đã có dần dần. Nay giáo hoá, oai thanh đã phổ biến, tức như phủ Lạc Hoá thành Gia Định, xưa là tục man, từ khi đặt quan chăm sóc, đặt thầy dạy bảo, đã dần dần có phong hoá trung châu. Huống chi đất Tương Dương thuộc đồ bản đã lâu, không bì với nơi mới phụ được ; mà trấn thần lại bèn xin đặt thổ quan, tức là đem những dân đã theo giáo hoá xem như dân mới quy thuận, khác gì như đương ở trên cây mà trụt vào hang. Nay xin chọn đặt phủ lỵ ở huyện Tương Dương vẫn như cũ đặt chức Quản phủ, Tri phủ, kiêm lý việc huyện. Còn 3 huyện Kỳ Sơn, Vĩnh Hoà, Hội Nguyên thuộc phủ ấy, đều đặt tri huyện, lấy người ở Nghệ An có thể làm nổi việc hành chính thì cho làm, để diễn dịch giáo điều dẫn bảo dân chúng, cho học tập tiếng nói cùng lối ăn mặc của người trung châu. Đến các việc quan hôn tang tế thì xem chỗ nào gần hiểu thị cho họ, thế thì tục dân cũng dễ thay đổi. Những thổ cai huyện, ký huyện nguyên đặt ở 3 huyện ấy xin đổi làm trị sự, lại mục ngoại ngạch theo phủ huyện tuỳ việc sai phái. Còn việc đặt tấn thủ ở Lãng Điền và Ngàn Phố, thì nên theo lời xin của quan ở trấn, lại mỗi nơi lượng phái 20 người lính trấn đóng giữ đấy. Lại gần nay những người bị tội phát vãng làm binh ở đất mới Trấn Ninh, do Chiêu Nội quản thúc, không có việc gì sai phái, xin rút về Tương Dương, giao phủ viên kiềm thúc, thì không những để sẵn có khi dùng đến, mà lại thêm nhiều người Hán ở đấy, thì người Thổ tiếp xúc luôn, ngôn ngữ y phục tự nhiên sẽ hoá theo dần. Đó cũng là một cách đổi thổ quan, đặt lưu quan vậy.