0077.00010_cakeo (type done)+ Lại Thị Thu Hà (soát xong)
-
Thôi rồi ra chốn nước non,
Lòng son lại để sổ con chim trời.
Thú hồ bể quyến mời du tử.
Niềm thê nhi khôn giữ được người,
Biết sao trái ngược tính trời,
Giang hồ cốt ấy, trọn đời phiêu linh…
. . . . . . . .
Hôm nay ngồi rũ canh trường,
Nơi thuyền trọ, rượu quỳnh tương ai mời
Người dâng rượu xa nơi trần giới,
Lạnh lùng thay gió thổi đêm đông!
Tuy người đã khuất non sông,
Mặt hoa lãng đãng như lồng dưới trăng.
Mường tượng thấy tung tăng cười nói,
Như tưởng chừng người mới hôm qua!
Nào hay nghìn cổ cách xa.
Tài tình đến thế mà ra hão huyền!
Hoạ còn chút: trong thuyền dấu cũ,
Cây đàn tranh mốc ủ trên phên,
Phím long, dây đã rĩ rền,
Còn nguyên trên gỗ ghi tên họ người.
Nàng xưa vốn một loài trăng gió
Cũng vì vương víu nợ cầm ca.
Một đi lìa cửa lìa nhà,
Nắm xương tàn lạnh phương xa gửi nhờ.
Đêm nay hoạ có mình ta,
Đốt hương trầm cũ chờ ma dạo đàn.
*
Một mùa đông
I
Đôi mắt em lặng buồn,
Nhìn thôi mà chẳng nói
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.
Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.
Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi
Qua rồi mùa ân ái:
Đàn sếu đã sang sông.
Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa
Nhìn nhau mà lệ ứa
Một ngày một cách xa.
Đây là giải Ngân-hà
Anh là chim ô thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua.
Để mặc anh đau khổ
Ái ân giờ tận số
Khép chặt đôi cánh song!
Khép cả một tấm lòng
II
Tặng Đ. C.
Em là gái trong khung cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi
Em vẫn nằm trong nhung lụa.
Em chỉ là người em gái thôi
Người em sầu mộng của muôn đời
Tình em như tuyết giăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời.
Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vướng víu nợ thi nhân.
Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ tràn đêm xuân?
Cho tình tràn trước ngõ,
Cho mộng tràn gối chăn?
III
Ngày một ngày hai cách biệt nhau
Chẳng được cùng em kê gối sầu,
Khóc chuyện thế gian cười ngặt nghẽo,
Cùng cười những chuyện thế gian đau.
Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em vẫn đùa nô uống rượu say.
Em có biết đâu đời vắng lạnh,
Lạnh buồn như ngọn gió heo may.
Môi em đượm sặc mùi nho tươi
Đôi má em hồng chứa nụ cười
Đôi mắt em say màu xán lạn,
Trán em để lỏng làn tóc rơi.
Tuy môi em uống lòng anh say
Lời em càng nói càng chua cay
Anh muốn van em đừng nói nữa
Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay.
IV
Hãy xếp lại muôn vàn ân ái
Đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau,
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng,
Hãy như chiếc sao băng, băng mãi
Để lòng buồn, buồn mãi không thôi.
*
Tình điên
Tặng các bạn cũ và những ngày qua
Mười bảy xuân em chửa biết sầu
Mối tình đưa lại tự đâu đâu…
Em xinh, em đẹp, lòng anh trẻ
Dan díu cùng nhau giấc mộng đầu.
Tình trong như nước biển trong xanh,
Huyền ảo như trăng lọt kẽ mành,
Phơi phới như hoa đùa nắng sớm,
Rạt rào như sóng vỗ đêm thanh…
Hôm ấy trăng thu rụng dưới cầu,
Em cười, em nói suốt canh thâu
Yêu nhau những tưởng yêu nhau mãi
Tình đến muôn năm chửa bạc đầu…
Ngày tháng trôi xuôi với ái ân…
Bên cầu lá rụng đã bao lần!
. . . . . . . .
. . . . . . . .
Tình ái hay đâu mộng cuối trời…
Nhầm nhau giây lát hận muôn đời.
Kẻ ra non nước, người thành thị
Đôi ngả tình đi, người mỗi nơi.
Hôm nay ngồi ngắm ở bên sông
Ta được tin ai mới lấy chồng
Cười chửa dứt câu, tình đã vội…
Nàng điên “trên gối mộng” người thương.
Ta mơ trong đời hay trong mộng?
Vùng cúc bên ngoài, động dưới sương
Ta dí đôi tay vào miếng kính,
Giật mình quên hết nỗi đau thương…
Ta hát dăm câu vô nghĩa lý:
Lá vàng bay lả vào buồng ta.
Ta viết dăm câu vô nghĩa lý,
Người điên xem đến hiểu lòng ta.
*
Sứ giả
Tặng một hoạ sĩ giang hồ
Một đêm mưa gió rộn ràng,
Vô tình ta đã bên giường Quý-phi
Phi chợt tỉnh: “Đi từ đâu lại?
Mới ở đây hoặc tới từ lâu?”
Rằng đi từ độ vào thu,
Gió thu về chậm, cuộc du trễ tràng
Em: “Sứ giả Minh-Hoàng người cũ,
Chốn ngọc cung mát phủ sầu che,
Tình đi: ngấn để lụa the,
Tình đi, đi mãi mộng về tình không.”
Nghe ta nói động lòng sùi sụt,
Nửa vạt sầu che vội mặt hoa.
Thẫn thờ Phi ngắm rừng xa
Mà khi ngoảnh lại thì ta không còn.
Là chim sứ giả,
Em bay từ bể cả đến ngàn sâu,
Bay cùng sáu đảo ba châu,
Tìm hoa cho gió, đón sầu cho thơ.
Tiếng vỗ cánh trong giờ ly biệt.
Nghe vội vàng bi thiết bao nhiêu
Lang thang núi bạc mây chiều…
*
Thuyền mộng
Tặng H.
Dưới chân không nghe chèo vỗ sóng
Thuyền bơi trong cõi mơ lồng lộng
Muốn ca, nàng chỉ lặng thầm ca,
Ngại ngùng sợ gió chim xao động.
Thuyền bơi trong quãng trời xanh ngắt,
Thẳm xa, xa thẳm một màu lơ
Nhìn cây thẳm trời xa chóng mặt
Van nàng cắm lại chiếc thuyền mơ.
Ta hỏi nàng còn bơi chăng nữa?
Khẽ nghiêng đầu nàng rỉ tai ta:
“Còn bơi, bơi nữa, bơi xa nữa
Lúc khắp trời phủ ánh sao sa…”
Bập bềnh vẫn trôi trên mây bạc,
Thuyền trôi đã quá giải Ngân-hà,
Giật mình nàng nhìn ta ngơ ngác:
Không biết còn trôi bến nào xa?
Quanh ta vẫn xanh màu gợn sóng
Quanh ta thăm thẳm một màu xanh
Buông chèo nàng cùng ta tha thiết
Nhìn lại nhìn nhau bỡ ngỡ tình.
*
Túp lều cũ
Tặng Thanh-Thuỷ
Từ buổi Thạch-Sùng sạch hết khố
Thế gian còn ai khoe giàu có.
Hôm nay hoạ có vợ chồng tôi
Cùng bảo: ta giàu một túp cỏ.
Buổi mai kia một cặp uyên ương
Nhắm bến Ngân-sơn ghé con thuyền
Ai cũng bảo là khách du ngoạn
Như con bươm bướm tiết đầu thiên,
Thấy non sông đẹp, dừng một phút
Xem mỏi mắt rồi lại đi liền.
Nào hay đã nặng tình với bến,
Ngày một ngày hai, thuyền đậu yên.
Lận đận mấy thu mưa lẫn gió
Đã thấy đầu non một cảnh tiên
Nhà cỏ ba gian, vườn một khoảnh
Có hồng, có táo, có đào tiên
Lủi thủi tháng ngày hai chiếc bóng
Ra vào may có gió trăng quen.
Cũng có lúc giở chồng sách cũ
Kề vai nhau hầu chuyện Thánh hiền
Cũng có lúc xem tờ nhật báo
Đọc chuyện năm châu cười ngả nghiêng.
Một buổi trung thu chồng thử vợ:
Đôi ta sớm nặng thú thiên nhiên,
Hãy đợi lúc răng long đầu bạc
Về đây ngồi ngắm bóng trăng lên
Danh lợi chờ ta nơi thềm ngọc
Cỏ cây bịn rịn ấy sao nên
Một khoảng vườn con trao thú giữ,
Ba gian nhà cỏ mặt rêu in…
Nghe chồng nói, vợ cười khanh khách:
À anh còn lắm nợ trần duyên!
Anh trẻ anh về nơi gió bụi
Em già em ở lại non tiên,
Tuổi em non mà lòng chẳng trẻ
Sự đời như đã trải bao niên
Về đi tuổi trẻ còn hăng hái:
Có danh, có giá, có bạc tiền.
Về đi tuổi trẻ còn hăng hái :
Có chị phù dung, cuộc đỏ đen…
Giữa nơi cát bụi anh lặn lộn,
Ở non cao, em phóng mắt nhìn,
Thôi ân ái dành khi tái ngộ!
Tình em đã nguyện với chim quyên.
*
Xin rước cô em
Xin rước cô em bước xuống thuyền!
Thuyền tôi sắp trẩy bến thần tiên.
Cùng nhau ta phiêu dạt
Nơi nghìn trùng man mác,
Theo gió theo mù
Gửi kiếp phù du.
Lặng soi mình trên bể thẳm
Ta tuôn dòng lệ thắm.
Trên muôn dặm, dưới muôn trùng
Lòng ta phiêu diêu mung lung
Như hai làn mây biếc
Cùng tan nơi mờ mịt.
*
Hoàng hôn
Bên thành con chim con
Hót nỉ non
Giục lòng em bồn chồn
Buổi hoàng hôn
Em trách gì con chim con
Em oán gì con chim con?
Em chỉ hận:
Sao em ngơ ngẩn
Để tình lang em lận đận
Chốn xa xôi
Nơi tuyệt vời,
Trong lúc con chim trời
Bên em nó hát những lời..
..nước non.
*
Chia ly
Những ngày mưa lạnh gió lê thê
Ta muốn trần gian ngớt tiếng đi,
Ta muốn ngựa xe đừng rộn nữa
Âm thầm trong những buổi chia ly.
*
Trăng lên
Vừng trăng lên mái tóc mây,
Một hôm hồn lạnh, mơ say hương nồng.
Mắt em là một dòng sông,
Thuyền ta bơi lặng trong vòng mắt em.
*
Cảnh thiên đường
Tặng K.
Nhờ em chỉ hộ cảnh thiên đường
Ở tận miền âm hay cõi dương?
Hay ở trong lòng người thiếu nữ,
Một chiều nhuốm đỏ ráng yêu đương?
*
Còn chi nữa
Tặng ba nhà thi sĩ trẻ tuổi…
Giờ đây hoa đương dại
Bên sông, rụng tơi bời
Đã qua rồi cơn mộng
Đừng vỗ nữa tình ôi!
Lòng anh đã rời rụng
Trên sông ngày tàn rơi.
Tình anh đã xế bóng,
Còn chi nữa em ơi?
Còn đâu ánh trăng vàng
Mơ trên làn tóc rối?
Chân nàng trên đường sỏi
Sương lá đổ rộn ràng.
Trăng nội vẫn mơ màng
Trên những vòng tóc rối?
Đêm ấy xuân vừa sang
Em vừa hai mươi tuổi.
Còn dâu những giờ nhung lụa:
Mộng trùm trên bông
Tình ấp trong gối
Rượu tân hôn không uống cũng say nồng?
Còn đâu mùi cỏ lạ
Ướp trong mớ tóc mây?
Một chút tình thơ ngây
Không còn trên đôi má.
*
Trên bãi biển
Thừa lương khách đã vắng,
Trời nước mênh mông,
Duy còn bốn mặt nhìn nhau: lặng
Trên cát vô tình vạch chữ “Vân”
Tay vạch vừa xong sóng xoá dần.
Mỉm cười Vân sẽ nói:
“Người yêu Vân hỡi!
“Sao người lại quá điên?
“Thân này cũng diệt, nữa là tên?”
Tưởng được nhìn thu nhờ bãi cát,
Tan tác nào hay vì sóng bạc,
Cuộc trăm năm đừng có đa mang:
Tình nhân chung kiếp dạ tràng.
*
Bâng khuâng
Ta còn thấy bóng kẻ thơ ngây,
Xe chồn gối mỏi trở về đây,
Trên đường hiu quạnh khách đau khổ
Chán nản hung hăng nện gót giày
Ngàn liễu xanh xanh con cò trắng,
Lạnh lẽo xa vời ủ rũ bay.
Ta còn thấy bóng kẻ thơ ngây,
Bẻ rau lạch suối tới am mây
Nắng trần chan chát, lòng tràn héo
Mịt mù dặm cát một chòm cây,
Dừng lại đây bóng im cửa Phật,
Dừng lại trong làn khói biếc bay
Dừng lại đây là nơi hiu quạnh
Là nơi nghe thấy tiếng cỏ cây
Là nơi quên những mùi trần sự
Là nơi quên những nỗi chua cay,
Nghe thấy tiếng ngọt ngào cõi Phật,
Rũ bụi trần, chàng dừng lại ngay
Trước Phật Đài, chàng lâm râm nguyện
“Tình xưa theo gửi, nước, mây trời”.
Một hôm thuyền định dưới gốc mai
Cảm thấy lòng vơi chốc lại đầy,
Thẫn thờ tay lần tràng chuỗi hạt
Mà như lần những hạt chua cay…
Chàng vừa nghe tiếng chuông chùa nện
Lạnh lùng từng tiếng não bên tai,
Lạnh lùng như những người cung Quảng,
Bâng khuâng chợt nhớ cảnh trần ai.
*
Khi thu lá rụng
Em có bao giờ nói với anh
Những câu tình tứ thuở ngày xanh,
Khi thu lá rụng bên hè vắng,
Tiếng sao ngân nga vẳng trước mành.
Em có bao giờ nghĩ tới anh,
Khi tay vin rủ lá trên cành?
Cười chim cợt gió, nào đâu biết:
Chứa chất lòng anh biết mấy tình?
Lòng anh như nước hồ thu lạnh,
Quạnh quẽ đêm soi bóng nguyệt tà…
Ngày tháng anh mong chầm chậm lại,
Hững hờ em mặc tháng ngày qua…
Mùa đông đến đón ở bên sông,
Vội vã cô em đã lấy chồng,
Em có nhớ chăng ngày hạ thắm:
Tình anh lưu luyến một bên lòng?
*
Mộng chiều về
Tặng người bạn cũ họ Phùng
Một hôm ta đứng bên hồ Kiếm
Quanh ta rộn rịp biết bao người
Mà ta chỉ thấy người hôm ấy
In giữa không gian một nụ cười.
… Dang tay ta đón nàng vào dạ
Giật mình ẵm phải cái không gian:
Dưới nước lâu đài tan tác vỡ
Bên bờ trơ lại giấc mơ tàn.
Lòng hỡi! nàng không còn đấy nữa.
Dưới nước sao cây chẳng thấy nàng.
Không biết còn mơ hay đã tỉnh:
Cảnh trời hôm nấy mờ mờ sương.
Nàng với ta chỉ thế thôi,
Theo dõi tơ duyên bốn góc trời…
Lúc mộng nhìn nhau cười ngặt nghẽo,
Mộng tàn trên gối lệ hoen rơi.
*
O tiếp tế (1)
Vừa học u tờ
O đi tiếp tế
Hai mươi xuân trẻ
Chẳng học chi sầu
Nhìn trước nhìn sau
O qua đồn địch
___
(1) Đây là bài thơ chuyển hướng của Lưu trọng Lư vào khoảng bắt đầu cuộc chiến tranh Việt-Pháp.
O đi một mạch
Hỏi chị hỏi em
Tầm bước êm êm
Chui qua đường trống
Lách sang bên đông
O hát O ca
Đồn địch đã xa
O cười O nói
Đường qua mấy dội
O sẽ nghỉ chân
Chẳng quản xa gần
O đi đi nữa
Bóng chiều vừa ngả
O lội sang khe
Quần ướt dầm dề
Bỗng O dừng bước
Mặt soi xuống nước
Cúc áo vội cài
Nhém lại tóc mai
Rồi O chợt thấy
Xuân gầy ba bẩy
Da tuyết vàng khè
O sợ chồng chê
Nhưng O vẫn bước
Mình lo việc nước
Chồng chê “Mược” chồng
1945
Lưu trọng Lư
~~~~~~~~~~~~~~
NGUYỄN THỊ
MANH-MANH
~~~~~~~~~~~~~~
NGUYỄN THỊ MANH-MANH là biệt hiệu, nữ sĩ thường ký tắt là Manh-Manh, tên thật là Nguyễn thị Kiêm, sinh năm 1914 tại tỉnh Gò-công (Nam-phần). Con của một công chức, tri huyện Nguyễn đình Trị, tục danh Huyện Trị; ông cũng là một cây bút trong làng báo lúc bấy giờ.
Thuở nhỏ nữ sĩ Manh-Manh học ở trường Áo Tím, tức trường Gia-long ngày nay. Sau khi tốt nghiệp bằng Thành-chung, gặp ngay lúc những nhát búa đầu tiên của ông Phan Khôi khai sơn phá thạch cho nền thơ mới; lúc bấy giờ nữ sĩ là phóng viên của một tờ báo ở Sài-gòn, một mặt cổ võ cho thơ mới và sáng tác thơ theo lối phá thể, một mặt gây phong trào Nữ-lưu và Văn-học, đánh thức giới phụ nữ, khơi động nguồn máu văn học của các bà Đoàn thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan, v.v..
Hoà nhịp, ta phải kể thêm nữ chiến sĩ, bà Phan văn Gia, đứng lên đòi giải phóng phụ nữ, đòi nam nữ bình quyền. Lại nữa, có Bùi thị Út với thiện chí cải tạo con người phụ nữ từ bấy lâu quan niệm phải ẻo lả, mảnh mai, cô hô hào phong trào Phụ-nữ Thể-dục.
Đây, ta có thể coi như một thời kỳ (từ 1932), những con người từ chốn buồng the đứng ra làm một cuộc cách mạng toàn diện mà nữ sĩ Nguyễn thị Manh-Manh đã đóng góp không nhỏ vào văn học nước nhà.
Sau cuộc khởi nghĩa 1945, nữ sĩ sang Pháp rồi không nghe thấy tin tức gì cho đến ngày nay.
GIỮA lúc đô thành Sài-gòn đang sống trong khung cảnh trầm lặng, đột nhiên xuất hiện trên tạp chí Phụ nữ tân văn số 122 ngày 10-3-1932, một bài thơ mới đầu tiên mang tên Tình già với lời giới thiệu của nhà “sáng tạo” Phan Khôi như sau: “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”. Lúc bấy giờ là thời kỳ hưng thịnh của báo Phụ nữ tân văn nên sức truyền bá rất rộng rãi. Sau đấy, độc giả khắp ba kỳ lại biết thêm bài thơ mới thứ hai Trên đường đời (ký Lưu trọng Lư) và thứ ba là Vắng khách thơ (ký Thanh-Tâm nhưng cũng là Lưu trọng Lư).
Sau ba bài thơ mới đầu tiên ra đời, kế tiếp là những thi bản của nữ sĩ Manh-Manh, thi sĩ Hồ văn Hảo v.v…
Lược qua, ta thấy trong hồi dậy men của nền thơ mới, nữ sĩ Manh-Manh là người đàn bà đầu tiên đáp ứng tiếng gọi đàn của nhà tiên phong Phan Khôi. Nữ sĩ hết đăng thơ, viết bài, lại đăng đàn diễn thuyết hô hào phong trào thơ mới. Sự cổ võ nồng nhiệt của nữ sĩ Manh-Manh, Hoài-Thanh đã không ngần ngại viết:
“Từ hai tháng trước, hôm 26 juillet 1933, một nữ sĩ có tài và có gan, cô Nguyễn thị Kiêm, đã lên diễn đàn Hội Khuyến-học Sài-gòn thành lập đến bấy giờ đã 25 năm. Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng là lần thứ nhất có cuộc diễn thuyết được đông người nghe như thế”.
Trong cuộc diễn thuyết này Nguyễn thị Manh-Manh có trưng ra làm điển hình bài thơ mới đâu tiên của cô như sau:
Canh tàn
Em ơi, nghe lóng nghe
Gió đêm thoáng qua cửa…
Lụn tàn một góc lửa,
Lạnh ngắt chốn buồng the.
Gió đêm thoáng qua cửa…
Não dạ dẽ tỉ te
Lạnh ngắt chốn buồng the…
Em ơi, khêu chút lửa.
Não dạ dẽ tỉ te
Gió ru! “… thiết chi nữa…”
Em ơi, khêu chút lửa
Rồi lại ngồi đây nghe.
Gió ru: “…thiết chi nữa…”
Sụt sùi mấy cành tre
Em ngồi đây có nghe
Tơ lòng chị đứt nữa
(Trích trong bài diễn thuyết tại Hội
Khuyến-học Sài-gòn ngày 26-7-1933)
*
Nối gót là những diễn giả trong nước, các ông Lưu trọng Lư, Đỗ đình Vượng, Vũ đình Liên, Trương-Tửu tổ chức những cuộc diễn thuyết với mục đích bênh vực lập trường thơ mới. Người chiến sĩ trẻ tuổi của chúng ta, cô Nguyễn thị Kiêm hay nữ sĩ Manh-Manh còn hăng say trong cuộc diễn thuyết tranh luận với ông Nguyễn văn Hanh (phái thơ cũ) tại Hội Khuyến-học Sài-gòn ngày 9-1-1935.
Thơ mới, chẳng những do cách phá thể đã làm long lở khuôn sáo xưa, mà còn gieo tư tưởng lãng mạn, bộc bạch quá lộ liễu nỗi lòng khao khát yêu đương mà bao thế kỷ nay người ta cố phong nhẹm trong thi ca. Vì thớ, thơ mới vừa tượng hình liền va chạm ngay sức đề kháng mãnh liệt của phái thơ cũ.
Đã phải xốn xang như bị đinh châm chọc vào mắt khi đọc bài Tình già của Phan Khôi, lại còn gặp Viếng phòng vắng của nữ sĩ Manh-Manh, dưới nhan đề còn chua thêm trong dấu ngoặc: “Một lối thơ mới” (nghĩa là còn hứa hẹn nhiều lối nữa) đã khiến phái thơ cũ lồng lộn điên tiết trước những dòng phá thể của một người con gái:
Gió lọt phòng không
Tạt hơi đông
Lạnh như đồng
Ngồi mơ tưởng
Ngày xưa phất phưởng
Dấy động tơ lòng …
. . . . . . . . . .
Gió lọt phòng không
Tạt hơi đông
Lạnh như đồng
Ngồi mơ tưởng
Ngày xưa phất phưởng
Ấm dịu cõi lòng … (1)
Cũng như bài Tình già của Phan Khôi, Trên đường đời của Lưu trọng Lư, những thi bản “sơ sinh” của nữ sĩ Manh Manh, ta có thể coi như những phát minh cơ khí hồi thế kỷ XIX. Nền thơ mới cũng đã trải qua bao cuộc chống đối cam go, chẳng khác nào chiếc xe hơi cổ lỗ đầu tiên đã bị xem như một quái vật kinh khủng khiến thiên hạ phải hốt hoảng chạy trốn hoặc như số phận chiếc tàu thuỷ đã bị những
___
(1) Các bạn lưu ý đến điệu thơ và cách trình bày.
chú lái chèo đò ganh tức vì quyền lợi bị chạm, nên đập phá tan tành một sáng kiến và công trình khoa học. Cái tác dụng của phát minh không phải ở sự hữu dụng cấp thời của nó, mà là sự đặt để viên gạch đầu tiên cho một nền tảng.
Cứ thế, phong trào thơ mới bành trướng nhanh chóng trong toàn quốc, và được các cơ quan ngôn luận nhiệt liệt ủng hộ. Những thi tài mới lạ xuất hiện, cấu tạo những vần thơ theo thể điệu tân kỳ, lời thơ như từ ở một tư thế đang bị nén ép, bỗng vun vút bay tuyệt mù lên trời bao la của những tâm hồn vừa giải thoát. Nó là một khúc quanh bừng chói nhất trong lịch sử văn học nước nhà.
Chúng ta ngày nay nhìn lại việc qua, giữa cái cũ kỹ từ nghìn đời sừng sững như cổ thành kiên cố; thế mà, bỗng chốc, một Phan Khôi táo bạo nổ phát súng cách mạng thi ca; người nữ chiến sĩ tiền phong anh dũng và hăng say hoạt động để bảo vệ và củng cố nền tảng thơ mới bén rễ và sống mạnh, ta phải kể Nguyễn thị Manh-Manh, một tay đã góp công lao không nhỏ cho nền văn học đất nước. (1)
(Tháng 4-1968)
___
(1) Xin tham khảo thêm ở phần thi tuyển bài diễn văn của nữ sĩ Manh-Manh nói về vấn đề Nữ-lưu và Văn học.
- Đang tải...