0077.00032_kimtientang (type done) +thaole92 đã soát xong

10/5/16
0077.00032_kimtientang (type done) +thaole92 đã soát xong
  • :rose:

    2) Nó giá trị vì sự hiếm hoi : In vỏn vẹn 1.000 bản ; ra đời chỉ mấy hôm liền bị hủy diệt vì chiến họa, số lượng còn lại không đầy phân nửa. Từ đó đến nay người ta không thấy Trường ca tái bản.

    Vì lẽ trên, Trường ca bỗng trở thành tác phẩm giá trị cả hai phương diện nghệ thuật văn học và sự hy hãn của nó.

    Trong tập Trường ca, Xuân-Diệu đã chứng tỏ khả năng viết văn tình cảm của mình. Những truyện được góp mặt đều mang một sắc thái tình yêu qua lời kể chuyện của một cánh phượng chiều hè, một tâm sự chiều thu hay nỗi lòng của những người trai gái yêu nhau nhưng tình dang dở. Với tập Trường ca Xuân-Diệu tỏ ra chững chạc, nhàn nhã hơn, mới thì vẫn mới nhưng kín đáo, không sỗ sàng, lố bịch. Có những đoạn văn, Xuân-Diệu viết thật hay, dùng chữ thông thường, không kiểu cách để diễn tả tâm trạng của nhân vật, khiến câu chuyện nổi hẳn và được lồng vào đó nhiều câu văn thật tế nhị, êm đềm.

    Để dẫn chứng cho lời phê bình trên, chúng tôi xin trích một đoạn văn trong tác phẩm Trường ca khi Xuân-Diệu trình bày hình ảnh của một mùa thu :

    “ Lá không vàng, là không rụng, lá lại thêm xanh ; ấy là mùa thu đã về ; mùa thu mới về, yểu điệu thục nữ. Trời bớt nóng và thêm mát. Có ai thổi cơm mà khói nhẹ mơ hồ đâu đây... ”

    “ Chưa có sương mù chưa có hẳn sương mờ ; chỉ là đôi thoáng sương mơ, mỏng như chiêm bao. Mặt trời nhạt vừa khuất mây, thì khối lá biếc hơi nhòa ; mặt trời vừa ló lại ánh vàng, thì khối lá lại hiện nguyên sắc biếc ; không biết có phải sương thu mới nhóm, hay đó chỉ là sự huyền ảo của chính hồn tôi ? ”

    “ Mùa thu đến với cõi đời như một cô gái xưa đi về nhà chồng ; nàng thu bước rất khoan thai, tà áo thướt tha, chân không có tiếng. Thân hình nàng uốn éo rất thanh quý, mặt ngọc của nàng che sau cánh quạt mở, thỉnh thoảng cánh quạt khẽ chệch, để lộ đôi mắt êm như trời xanh buổi chiều.

    “ Mặc dầu bên tây cũng có mùa thu, thiên hạ vẫn cứ thấy mùa thu là ở bên Tàu. Mùa thu cũng đồng một quê quán với Tây-Thi với nàng Tây-Thi quá xưa cho nên quá đẹp, và cũng vì quá xưa cho nên không ai nhớ hình ảnh, không ai nỡ tưởng tượng nàng Tây-Thi với má hồng môi son, mà chỉ cảm nàng Tây-Thi như một áng mơ không màu sắc, chỉ có êm đềm tuyệt diệu mơ màng, cũng như mùa thu”.

    “ Mùa thu là cái gì xa xôi, cái gì kín đáo, và thanh tao bình dị, và xa xôi mênh mang. Nên thu bao giờ cũng xưa, ta thấy như thu ở thời xưa mà về ; và ta cũng thấy như rất thong thả, bình yên, thu ở trên trời mà xuống. ”

    “ Và cả nước Tàu cổ là một mùa thu bát ngát, bằng và rộng như một cánh hồ không có bờ bến. ”

    Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc

    Lạc hà dữ cô lộ tề phi.

    “ Trái lại, mùa thu cũng là một nước Tàu cổ mênh mông, làm ta nghĩ những cảnh xa vắng ngàn đời, ở sông Tiêu-tương cũng như ở bến Hà Nội. ”

    *

    “Nhưng tôi còn thấy mùa thu là mùa yêu. Với lòng tôi, trời đất chỉ có hai mùa : Xuân với Thu, hai mùa đặc biệt ý nhị, hai mùa có bình minh. Từ Xuân sang Hè là từ ấm sang nóng, từ Thu sang Đông, là từ mát sang lạnh, sự thay đổi làm ta bực tức mà lại không có gì thực mới cả ; Đông với Hè chỉ là sự thoái quá của Thu với Xuân. Chứ còn từ Đông sang Xuân, sao mà sung sướng thế ! Lạnh chuyển ngược sang ấm, từ một điều rất khó chịu chuyển ngược sang một điều rất dễ chịu. Theo lệ ấy, Hè sang Thu là bao nhiêu khoái trá cho giác quan ; được rời bỏ lửa chói chang mà vào trong nước hiền hòa, mát mẻ. Xuân với Thu là hai bình minh trong một năm, sự đổi thay hệ trọng nhất cho tâm hồn. Và bởi vậy Thu cũng là một mùa Xuân...”

    “ Thu cũng là một mùa Xuân ! Tôi tìm thấy cái khoái lạc đó. Tôi nghe rất đúng. Đầu Xuân là bình minh ấm của lòng tôi ; đầu Thu là bình minh mát của lòng tôi. Và ấm hay mát, Thu hay Xuân, lòng cũng rạo rực những tiếng mùa, ái tình ghé môi gọi lời trong gió... ”

    “ Mỗi lần thu sang, mắt tôi chưa thấy mờ chân trời, chưa thấy cây lá thêm xanh, mà da tôi đã nghe trước những mũi kim dịu dàng của không khí. Hơi mát kích thích, thoảng nghe lành lạnh, máu tôi vội vàng cưỡng lại, chạy hăng và khỏe lên. Sự sống trong mùa Xuân tưng bừng ra ngoài, thì giữa mùa thu, sự sống lại tiềm tàng lặn vào bên trong, sắp sẵn lò sưởi ở giữa ngực. Tôi hơi buồn mơ hồ, nhưng tôi cũng sống rất phơi phới. Ôi ! Xuân ý của mùa thu, sao mà đầy một vị mặn nồng kỳ dị, có hơi gượng gạo trong niềm sung sướng, và trong nỗi tràn dầy, phải chăng có lẩn một màu đắng cay...”

    “ Thu không phải là mùa sầu. Ấy chính là mùa yêu, mùa yêu nhau bằng linh hồn, mùa những linh hồn yêu mến nhau. Tiếng nói thành ra nhỏ hơn, cổ họng hơi chùng dây, âm nhạc của lời tình đàn theo một bậc thấp. Sự ngông cuồng bớt rất nhiều, người ta ngoan hơn, để mười hay hai mươi ngón tay đan với nhau, và lắng nghe sắc trời xanh xuống ôm lấy lứa đôi như một tấm áo che sương. Ấy là những giờ thân mật dạo qua hai hàng cây, bước như ngờ ngợ, hồn như giao hòa ; ấy là chiếc thuyền trễ trên hồ tàn sen, bị cảm buổi chiều tím ”.

    “Trời muốn lạnh, nên người ta cần nhau hơn. Và người nào chỉ có một thân, thì cần một người khác. Xuân, người ta vì ấm mà cần tình. Thu, người ta vì lạnh sắp đến mà cũng rất cần đôi. Cho nên không gian đầy những lời nhớ nhung, những linh hồn cô đơn thả ra những tiếng thở dài để gọi nhau, và lòng tôi nghe tất cả du dương của thứ vô-tuyến-điện ấy”.

    (Trích Trường ca – toàn bài Thu)

    Đọc thử đoạn văn trên chúng ta hẳn đã thấy Xuân-Diệu làm văn thật hay, hay vì ở những chỗ lựa chữ của tác giả, ông chỉ dùng những chữ nhẹ để gợi tình, gợi cảm. Kích động hình ảnh mùa thu trong tiềm thức ở xa xưa cũng như trong hiện tại. Đó chỉ là một khía cạnh mà thôi. Trong toàn tập, Xuân-Diệu còn trình bày những tâm sự khác mang dưới nhiều tiêu đề như Lệnh (1940), Đẹp trai (1942), Hoa học trò (1940), Trong vườn mơn trớn (gồm 3 phần: Đóa hồng nhung (1942), Đôi bướm (1942), Hương la đái (1941) v.v ở mỗi bài là một mẩu chuyện khác nhau, nhưng ở mỗi tiêu đề tác giả đã khéo hướng người đọc vào một thế giới khác nhau hơn, với những tiểu luận nhỏ nhặt nhưng thật ý nhị, chính những tiểu luận tầm thường ấy Xuân-Diệu càng chứng tỏ khả năng của mình trong phạm vi văn xuôi nhiều hơn là ở những bài ca tụng tình yêu của ông.

    ***

    Cuộc đời Xuân Diệu xuyên qua thi ca :

    Sở dĩ chúng tôi phải trịnh trọng đề cập vấn đề này vì chính Xuân Diệu đã “ làm một khúc quanh ” cho sự chuyển mình của lớp thanh niên, thiếu nữ thời tiền chiến, họ ưỡn ngực, mở rộng vòng tay tiếp nhận luồng gió mới ; Xuân-Diệu là cái “ mầm biến động ” làm lay chuyển gốc rễ những gì gọi là nho phong, tập tục, lễ giáo của thế hệ cũ, gây ra cuộc chống đối dai dẳng suốt năm năm trời (từ năm 1932 đến 1937).

    Người ta nói “văn tức là người”. Cái đó cũng gần đúng. Nó đúng là khi tư tưởng diễn đạt phát xuất tự tâm linh, mà không ở cơ trí. Trường hợp của Xuân-Diệu nhằm ở điểm trên, chẳng thế nó còn được thực thi qua thể xác nữa.

    Có cái gì chứa đựng trong đầu óc của “ chàng trai trẻ hiền hậu và say mê, tóc như mây vướng trên đài trán thơ ngây, mắt như bao luyến mọi người, và miệng cười mở rộng như một tấm lòng sẵn sàng ân ái ” ấy ?

    Nhân sinh quan (1) của Xuân Diệu rút gọn chỉ một câu này :

    “ Sợ chết nên hối hả sống. ”

    Trong các thú sống ở đời, Xuân-Diệu lại chọn Tình Yêu làm trọng tâm và lấy đó làm thí điểm.

    Nhật nguyệt thệ hỷ,

    Tuế bất ngã dữ


    ---

    (1) Xin tham khảo thêm ở hai bài Đẹp và thanh niên ở phần thi tuyển.


    “ Ngày giờ qua như nước chảy mà tuổi chẳng chờ ta ; biết rằng năm ngoái Tết, năm nay cũng Tết, nhưng mà Tết càng thêm tuổi chất càng cao, rồi lật bật lại tóc sương mày bạc ” (Theo N.V.V.)

    Một ngày trôi qua không bao giờ trở lại. Bước tiến của thời gian tuy từ từ và đều đều nhưng không bao giờ dừng bước. Nó giẫm tràn bừa lên tất cả uy quyền, bạo lực, tiền tài, danh vọng mà không từ bỏ một ai. Xuân-Diệu cũng nhận thế:

    Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,

    Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

    Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất

    hay:

    Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

    Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại !

    Nghĩ đến cái ngày bước đời của con người phải đặt chân nơi ngưỡng Hư-vô, Xuân Diệu bắt rùng mình :

    Tôi run như lá, tái như đông.

    Trán chảy mồ hôi, mắt lệ phồng.

    Năm đấy, tháng rồi, tôi đã đến

    Trước bờ lạnh lẽo của Hư-không.

    hay :

    Nhưng mà tôi sẽ chết ! than ôi !

    Tóc người mai mốt không đen nữa,

    Tuổi trẻ khô đi, mặt xấu rồi.

    hoặc:

    Ngày già vội vã mang sương đến.

    Tuổi chết rồi đây ! bóng lụt chân.

    còn kinh tởm hơn nữa :

    Thần chết thướt tha nương bóng héo

    Bắt đầu đi nhặt những hồn thơm.

    Nhận thấy kiếp phù sinh của con người như cái bóng câu, như sương đầu núi, thoáng đó mất đó, Xuân-Diệu đâm ra bất cần và giải thích :

    Sương với bóng, không nghĩa gì tỏ rõ.

    Xin đừng cười ! Đời có nghĩa chi đâu ?

    Ý thức nghĩa đời, như thế, Xuân-Diệu bèn tìm cách đối phó, thi nhân chỉ cho ta biết úp mở như sau :

    Xuân vội bước nhưng mà hương chẳng mất.

    Tôi với tay giam giữ ở trong này.

    Có bửu giáp hoặc bí quyết gì thần diệu thế ? Hay chăng lại phái người vượt biển sang Đông để tìm thuốc trường sinh như vua Tần Thủy-hoàng độ nọ ? – Không, người thi sĩ đa tình của chúng ta không cần tìm đâu xa, thi nhân chỉ vào thân mình và thú thật :

    Nhưng nghĩ lại sống vẫn hơn là chết.

    Gần hay xa, yêu mến ngọt ngào thay !

    Thôi biết rồi ! Giản dị quá ! Triết lý chỉ đúc kết hai chữ: Sống và Yêu. Tư tưởng này xuyên qua Bài thơ tuổi nhỏ của Xuân-Diệu :

    Làm sao sống được mà không yêu,

    Không nhớ, không thương một kẻ nào ?

    Hãy đốt đời ta muôn thứ lửa !

    Cho bừng tia mắt đọ tia sao !

    Xuân-Diệu quả là con người của trời đất, người đã nhận kiếp trước mình đã yêu và kiếp này ngọn lửa yêu ấy vẫn bất diệt :

    Tôi đã yêu từ khi chưa có tuổi,

    Lúc chưa sinh vơ vẩn giữa luân hồi.

    Tôi sẽ yêu khi đã hết tuổi rồi,

    Không xương xóc chỉ huyền hồ bóng dáng.

    Kẻ đa tình không cần đủ thịt da,

    Khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma.

    (Đa tình)

    Thi nhân nhìn thấy con chim líu lo trên cành, con bướm bay lượn nhởn nhơ, hoa kia đua nở, cho đó là luật thiên nhiên của vũ trụ, thì có lý nào con người, trời lại hẹp lượng bao giờ, cho nên thi nhân cũng tuân theo luật trời đất :

    Tôi réo rắt chẳng qua trời bắt vậy.

    Chiếc thuyền lòng, nước đẩy phải trôi theo.

    Gió đã thổi, cho nên buồm phải dậy,

    Hồn vu vơ, tội ấy ở mây đào !

    Thi nhân buông dòng đời mình trôi như triều nước theo định luật hấp dẫn của vũ trụ, vì chàng nhận xét mình chỉ là sinh vật nhỏ bé trong cái vô cùng cao rộng của trời đất :

    - Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ,

    Mà vạn vật là muôn đá kim châm ;

    Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm,

    Sao lại trách người thơ tình lơi lả ?

    Thì cứ sống theo luật tự nhiên, tội gì mà cứ lo xa nghĩ gần cho khổ người, mòn trí, hằn cả nếp trán :

    Cảm nếp trán của người lo sáu khắc,

    Thương năm canh nước mắt những ai phiền !

    Tư tưởng bất cần việc “ tích cốc phòng cơ ” này bị nhiều người đả kích. Họ mang cái triết lý sống của con chim én bay lượn trên trời xanh là để kiếm ăn, con bướm vàng chuyền hoa là để hút nhụy, giảng giải, nhưng Xuân-Diệu cười giả lả, đáp :

    Thôi thì đây, nói cùng nhau cho thỏa,

    Ai có thương thì tôi cũng cảm ơn,

    Ai có ghét tôi cũng cười khuây khỏa.

    Nhân sinh quan nói trên, Xuân Diệu đã ký thác vào những dòng thơ ở Lời nói đầu trong tập Gửi hương cho gió.

    Thi nhân chỉ ta xem vạn vật :

    Vườn cười bằng bướm, hót bằng chim ;

    Dưới nhánh, không còn một chút đêm :

    Những tiếng tung hô bằng ánh sáng

    Ca đời hưng phục trẻ trung thêm.

    hay :

    Hoa cúc dường như thôi ẩn dật.

    Hoa hồng có vẻ bận soi gương.

    hoặc:

    Vàng tươi, thược dược cánh hơi xòa ;

    Ửng rạng, phù dung nghiêng mặt hoa.

    Tư tưởng lạc quan về cuộc sống đã chiếm hầu hết thi phẩm của Xuân-Diệu; đâu đâu người ta cũng thấy một nguồn sống rạt rào. Lời yêu đương ít khi vắng bóng trong vần thơ Xuân-Diệu.

    Không bao giờ quên cái ngày tàn tạ, con người đa tình và ham sống ấy luôn tỏ ra vội vã, vì :

    Men trời sực nức, - nhưng mau tạ,

    Biết trước cho nên đã “ vội vàng ”.

    Ta hãy nghe lời tự nhận của chàng thư sinh phơi phới đang tìm " mấy vần thơ ”:

    Khi ấy lòng xanh mới đón tình,

    Rào tường ngăn giữ kín vườn xinh.

    Chàng trai nhỏ nhỏ, tôi khi ấy

    Đi giữa thiên nhiên để kiếm mình.

    Khi lòng xuân đang rạo rực, chàng thư sinh đâu chịu giam mình trong bốn bức tường của học xá, chàng vượt rào, vượt cổng, chàng tự thú lúc bấy giờ :

    Và lòng ta như ngựa trẻ không cương,

    Con người trẻ ngất ngây đường viêu viễn.

    Bởi vì đàn lòng của chàng có bao giờ chịu ngừng điệu để chết lạnh hay sao :

    Đàn ta đâu đã chịu ngừng âm,

    Cung bậc không vang, là hát thầm.

    Chết được làm sao trong lạnh lẽo !

    Đời ong nguyện chết giữa hoa tàn.

    Có những lúc vì lòng quá hăng hái của chàng trai, ra đi mà quên đem theo những gì cần thiết :

    Sẵn kho xuân quên cả túi không tiền

    Giày khẳng khái cứ vang trên mặt đất.

    Không tri kỷ, tri bĩ, cứ ngỡ tình yêu đâu đâu cũng sẵn sàng như mình, cho nên nhiều khi mang lấy thảm bại :

    Có phải chàng tơ đến tuổi rồi,

    Ra đường ngỡ được thấy hoa khôi.

    Uổng cho áo mới mừng xuân rộn !

    Ai đợi chàng đâu ? chỉ nắng cười.

    Bị hụt chân mãi, nên đâm ra yêu bâng quơ :

    Chỉ là gió nhưng lòng tôi thả bướm,

    Chỉ là trăng, nhưng tôi thấy thần tiên

    Như tuyệt diệu : bởi hồn tôi xanh quá.

    Hoặc do sự may mắn nào, bắt gặp đôi má hồng, ngọn lửa yêu đương như bừng đốt cháy tâm can :

    “ Ồ ! mới nghiêng mình xem nước trong,

    " Vui mừng em, thấy má em hồng... "

    Em tôi ăn nói vô duyên quá !

    Em đốt lòng anh, em biết không ?

    Đôi khi tiếp nhận được một nụ cười, một câu nói xã giao, lòng thi nhân đã ngất ngây :

    Nửa câu nói, một chút cười, đôi tiếng thở

    Tình cờ qua trên miệng nở quá xinh,

    Ta ngây thơ vội tưởng họ yêu mình

    Về dâng vội cả ân tình thứ nhất.

    Đang sống bình thản, chỉ vì chợt thấy đôi nét đẹp mà trở thành con người đi cầu cạnh, xin xỏ :

    Đương vương chủ ta bỗng thành hành khất,

    Chỉ vì nghe một lời hứa như chim.

    Rồi chủ nó không biết phục thiện nhận lỗi lại đi trách móc tớ :

    Ôi đôi chân ! sao mà chúng hay tìm.

    Ôi cái ngực ! sao mi thường đập mạnh.

    Tỏa thương nhớ để ta choàng bóng ảnh.

    Thôi đừng đổ lỗi cho ai nữa nhé ! Người ta đã bắt gặp thi nhân thấy thấp thoáng bóng giai nhân, người đã tình nguyện :

    Tôi trải yêu thương dưới gót giày,

    Ôm chừng bóng lạ giữa mê say.

    Xuân-Diệu cần yêu như ta cần lương thực để sống, không đắn đo, do dự, miễn sao thích ứng với khoái cảm của mình :

    Ai đem phân chất một mùi hương

    Hay bản cầm ca ! Tôi chỉ thương,

    Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc,


    Như thuyền ngư phủ lạc trong sương.

    Trong lúc lặn lội săn tìm bóng yêu, thi nhân bắt gặp cuộc đời đủ đôi của kẻ khác mà ngậm ngùi cho thân phận mình :

    Ta thấy em xinh, khẽ lắc đầu.

    Bởi vì ta có được em đâu !

    Tay kia sẽ ấp nhiều tay khác,

    Môi ấy vì ai sẽ đượm màu.

    hay :

    Anh chỉ là con chim bơ vơ,

    Lạnh lùng bay giữa gió, sương, mưa ;

    Qua gần tổ ấm đôi chim bạn,

    Bỗng thấy lòng cuồng yêu ngẩn ngơ.

    Vài khi thi nhân cũng chộp được đôi bóng yêu, và vì quá cần yêu nên nài nỉ :

    Mở miệng nàng...và hãy nói yêu tôi,

    Dầu chỉ trong một phút mà thôi.

    bởi vì :

    Gặp nhau đây, ai biết tự thời nào

    Xa nhau nữa, ai đoán ngày tái ngộ.

    Chỉ cần một tiếng “ yêu ” thốt từ đôi vành môi bé thắm của giai nhân, dù là lời nói suông hay dối trá cũng được, chàng vẫn coi như là lời thiết thạch vậy :

    Tôi lắng đợi ! Nhịp lòng tôi đứng lại ?

    Tôi cần tin ! Tôi khao khát được nhầm !

    Cho tôi mơ một ảo tưởng thâm trầm

    Và mặc kệ, nếu đó là dối trá !

    hoặc :

    Vì, khốn nạn ! Tôi vẫn còn tin mãi

    Sự nhìn kia : - Tôi không thể không yêu.

    Dầu không tin, tôi càng cứ yêu nhiều :

    Khi người nói, tiếng người êm ái quá...

    Nài nỉ xin cho được chữ “ yêu dối trá ”, chàng được người đẹp làm hài lòng, vì nghĩ không ra tốn kém bao nhiêu :

    Em đáp lại: “ Nói gì đau đớn vậy !

    “ Vừa gặp anh, em cũng đã mến rồi.

    “ Em phải đâu là ngọn nước trôi xuôi ;

    “ Chưa hy vọng, sao anh liền thất vọng. ”

    Nhưng đã là lời hứa gượng ép thì có bao giờ giữ đúng đâu, vì thế thi nhân mới giở giọng trách người :

    Đấy, ai bảo em làm anh mơ ước !

    Lúc đầu tiên, anh có mộng gì đâu !

    Tưởng có nhau ai ngờ vẫn xa nhau,

    Em ác quá, lòng anh như tự xé...

    Sau mấy lần “ hụt chân ” muốn chới với, người khách tình si tỏ ra thấm thía, chàng bèn tìm một công thức yêu sao cho chắc chắn hơn, quyết định từ bỏ cái lối sống sượng xin xỏ tình yêu trên đường ngoài ngõ. Đằm thắm hơn, thi nhân nhận thấy phải là một “ chân tình ” mới đáng quý, cho nên trong Tình thứ nhất, Xuân Diệu có vẻ kỹ lưỡng hơn không bốc đồng nữa :

    Giấy phong kỹ mang thầm trong túi áo.

    Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi.

    Đó là tình yêu chân thật thứ nhất, trong trắng như buổi bình minh nên chàng thận trọng lắm :

    Hoa thứ nhất có một mùi trinh bạch,

    Xuân đầu mùa trong sạch vẻ ban sơ,

    Hương mới thắm bền ghi như thiết thạch,

    Sương nguyên tiêu, trời đất cũng chung mờ.

    Như sẽ nói ở phần sau, tình yêu của Xuân Diệu là thứ gì quá mang mang, rộng rãi, không “ định cư ” một mối nào cả ; hết tình gần lại đến tình xa, xa ngoài ngàn dặm nữa, nó là một thứ tình “ du mục ” :

    Có những phong thư bủa trùm quang tuyến

    Đáng lẽ chim đưa, nhưng chờ mấy chuyến

    Mang ra ngoài nghìn dặm kết uyên ương !

    Kẻ biên thư mới sớm đã kêu thương.

    Đã tham thì thâm ; sự ham hố nhiều khi khiến kẻ chủ trương đã phải chuốc lấy rắc rối và một phen hoảng hốt khi vừa nhận được thư của người tình “ ngoài vạn dặm ” thì bỗng nhiên một người tình khác đến kêu cửa :

    Bóng áo vàng điềm tĩnh giật chuông to,

    Vía lên mây, vội vã xuống thành :

    - Ồ !

    Bởi quan niệm ái tình của Xuân Diệu có khác ; nó không giống như một Vũ hoàng Chương hay một J.Leiba tôn thờ mối tình đầu, lấy thủy chung làm cứu cánh của tình ái, coi sự yêu đương là gắn bó keo sơn, là chung mệnh của đời mình, cho nên hễ tình tan vỡ là khóc lóc, rỉ rên. Trái lại Xuân-Diệu xem tình yêu như một quán trọ bên đường ; nó chấp chứa những tình trăm ngả của lữ khách muôn phương. Ta hãy nghe Xuân-Diệu bày tỏ :

    Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió,

    Mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây.

    Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây,

    Hay chia xẻ bởi trăm tình yêu mến.


    Đây là quán tha hồ muôn khách đến ;

    Đây là bình thu hợp trí muôn hương ;

    Đây là vườn chim nhả hạt mười phương

    Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc.

    Xuân-Diệu ví đời mình như một khách lữ hành mà tình yêu là lữ quán. Quán có thể là một mái tranh ở nơi hiu quạnh, người lữ khách muốn được thoải mái phải chuẩn bị hành trang mình thật đầy đủ :

    Cuộc đời cũng đìu hiu như dặm khách

    Mà tình yêu như quán trọ bên đường.

    Mái tranh tàn đỡ rét một đêm sương,

    Vò nước lã mắt xoàng đôi phổi nắng.

    .........

    Giữa hiu quạnh, được nghỉ nhờ đã quý.

    Thiên đường cũng ở trong rương hành lý :

    Muốn say sưa, phải đem sẵn rượu nồng,

    Muốn êm đềm phải có sẵn gối bông,

    Muốn mơ mộng, phải sẵn trầm, sẵn nhạc.


    Tôi vốn biết cuộc đời thường đạm bạc

    Nên mang theo từng suối rượu, nguồn tình,

    Đem yêu mến làm cho cảnh thêm xinh,

    Cứ phong nhã để cho người bớt tục.

    Bởi thế, Xuân-Diệu bước vào đường tình là đem cả nguồn yêu lai láng ; càng nhiều càng tốt. Người ta có đôi đã cho là đủ, Xuân-Diệu thì :

    Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ,

    Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ,

    Trăng sáng! trăng xa, trăng rộng quá !

    Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ.

    Cùng nhau dưới ánh trăng, đã được người yêu trịnh trọng hứa sẽ yêu mình. Biết thế, tin thế, nhưng thi nhân vẫn lải nhải nhắc :

    Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ ?

    Anh tham lam, anh đòi hỏi quá nhiều.

    Anh biết rồi, em đã nói em yêu ;

    Sao vẫn muốn nhắc một lời đã cũ.

    Vì đã thấm chất yêu, chàng đã biết thế nào là tận cùng của tình ái :

    Này lắng nghe em khúc nhạc thơm,

    Say người như rượu tối tân hôn ;

    Như hương thấm tận qua xương tủy,

    Âm điệu thần tiên thấm tận hồn.

    hay :

    Tóc mịn đầy tay như suối mát,

    Lòng ta vui rợn thú chơi vơi.

    Những phút giây thần tiên ấy chỉ là một mảnh của thời gian ; thời gian trôi là thú vị mất, Xuân-Diệu sợ nên nảy ra ý nghĩ to lớn, muốn ghì thời gian lại :

    Tôi muốn tắt nắng đi,

    Cho màu đừng nhạt mất ;

    Tôi muốn buộc gió lại

    Cho hương đừng bay đi.

    để :

    Cho no nê thanh sắc của thời tươi.

    - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !

    Mà ác thay thời gian cứ đều đều nhịp bước, phút giây qua, qua mãi, khiến thi nhân không kịp yêu, vội hốt hoảng kêu lên :

    Hỡi năm tháng vội đi làm quá khứ !

    Trở về đây ! và đem trở về đây

    Rượu nơi mắt với khi nhìn ướm thử

    Gấm trong lòng và khi đứng chờ ngây.


    Và nhạc phấn dưới chân mừng sánh bước,

    Và tơ giăng trong lời nhỏ khơi ngòi,

    Tà áo mới cũng say mùi gió nước,

    Rặng mi dài xao động ánh dương vui.

    Trong những phút cuồng si, ngoan ngoãn tuân phục mệnh lệnh của thân xác, chàng không muốn nghe những lời hỏi về lý lịch của mình, cấp bằng đậu tới đâu :

    Xin đừng tìm biết rõ chàng ta,

    - Nhân loại xem gần, vẫn xấu xa –

    Có đến mà yêu thì hãy đến,

    Xem đầu mây gợn, mắt mây qua...

    Nhưng cũng rán cho người yêu biết qua loa :

    Hãy biết rằng anh lúc ở trường,

    Rất tồi toán pháp, khá văn chương,

    Chàng trai đi học nghe chim giảng,

    Không thuộc bài đâu, ấy sự thường.

    Dường như trời đất sinh ra Xuân Diệu chỉ để yêu, phải có yêu mới sống, hễ thiếu thì buồn :

    Hôm nay trời nhẹ lên cao,

    Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...

    hoặc :

    Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,

    Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn.

    hay :

    Trên trần lạnh thẩn thơ dăm bóng nhạt

    Gợn làn không, sầu lớp lớp đi qua...

    Ta nằm đây như một ải quan xa

    Suốt năm tháng chẳng có người tiếp nối ?

    Viên tướng trẻ đêm đêm nằm bó gối,

    Chăn giá đơn vang dội rét biên thùy.

    Quan niệm đời người như cõi mộng, phải mau vui hưởng kiếp sống. Trong bài Giục giã, Xuân-Diệu đã mời mọc, thúc giục người yêu :

    Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,

    Em, em ơi, tình non đã già rồi.

    Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi !

    Mau với chứ ! thời gian không đứng đợi.

    Sự tham lam, khao khát yêu đương của Xuân-Diệu quả là to tát ; vượt thời gian trở về dĩ vãng xa xôi. Xuân-Diệu muốn trải tình yêu dưới gót chân của những bóng dáng yêu kiều của các nàng cung phi, mỹ nữ vua chúa thời xưa :

    Tôi yêu Bao-Tự mặt sầu bi,

    Tôi mê Ly-Cơ hình nhịp nhàng.

    Tôi tưởng tôi là Đường Minh-hoàng

    Trong cung nhớ nàng Dương Quý-phi.

    Con người nhiều “ yêu ” thế, ta ngỡ đâu là chứa đựng cả quyển “ tự điển yêu ” ; giả sử ta có hỏi: “ Tình yêu là gì ? ” thì Xuân-Diệu chỉ mơ hồ trả lời ta :

    Làm sao cắt nghĩa được tình yêu :

    Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,

    Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt.

    Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.

    Vạn vật có chi là vĩnh viễn ; đến vũ trụ rộng lớn kia còn phải đổi thay. Con người là một điểm mong manh bé nhỏ trong cái bao la của thiên thể. Cuộc đời có lý đâu như hoa như mộng mãi. Ái tình dù có tàn tạ hay biến thay cũng là một lẽ đương nhiên.

    Trong một ngày chờ đợi, người yêu vẫn bặt tăm, Xuân-Diệu bắt đầu nếm cái vị đắng cay của tình ái :

    Hôm nay tôi đã chết trong người

    Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi ;

    Với bóng hình xưa, tăm tiếng cũ,

    Cách xa chôn hết nhớ thương rồi.

    và cảm thấy buồn mông mênh vì trống trải :

    Tôi giấu sẵn một linh hồn hiu quạnh,

    Cho nên, liền chiều đó, tôi hết vui.

    Không thấy người bằng không thấy mặt trời,

    Tôi ôm ngực thử tìm xem biên giới.

    Của sầu tủi. Nhưng, hỡi người yêu hỡi !

    Tôi một mình đối diện với tình không

    Để lắng nghe tiếng khóc mất trong lòng.

    Thất vọng. Buồn tình. Thi nhân đi tìm người yêu để hỏi duyên cớ và đã gặp nhau dưới ánh trăng :

    Chúng tôi ngồi, vây phủ bởi đêm thâu,

    Tay trong tay, đầu tựa sát bên đầu,

    Tinh yêu bảo: “ Thôi các ngươi đừng khóc,

    Các ngươi sẽ đoàn viên trong mộng ngọc. ”

    Cứ nhìn nhau rồi vẫn nhìn nhau.

    Hạnh phúc ngừng giữa đôi trái tim đau.

    Lần gặp gỡ ấy cũng là lần vĩnh biệt để người yêu đi xây giấc mộng vàng. Chàng chỉ còn trách ai kia hứa hẹn cùng mình. Trong bài Dối trá, Xuân-Diệu tỏ ra nỗi chán chường, tuyệt vọng :

    Nói chi nữa tiếng buồn ghê gớm ấy

    Để lòng tôi sung sướng muốn tiêu tan.

    .................


    Tôi chỉ sống để hoài hoài tưởng nhớ,

    Mãi mãi yêu, nhưng giấu diếm luôn luôn ;

    Mà người thì, lơ đãng, dậm trên buồn,

    Bận đi hái những cành vui xanh thắm.

    Tôi biết lắm, trời ơi, tôi biết lắm !

    Hỡi lòng dạ sâu xa như vực thẳm !

    Bây giờ biết ra thì đã muộn :

    Nghe nói tình yêu tưởng trái ngon ;

    Cho lòng, không nghĩ mất hay còn.

    Tay trầy, gai góc, chân đau sỏi,

    Anh bám, không thôi bám tuổi dòn.

    Sở dĩ có sự dở dang, tan rã của lứa đôi vì khi yêu họ chỉ nghĩ đến thể xác mà không chú trọng những yếu tố khác ; họ không cần tìm hiểu đối tượng yêu của mình. Trong bài Dại khờ, Xuân-Diệu cho ta biết đầy đủ ý nghĩa :

    Dại khờ

    Người ta khổ vì thương không phải cách,

    Yêu sai duyên, mà mến chẳng nhằm người,

    Có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi,

    Người ta khổ vì xin không phải chỗ.


    Đường êm quá, ai đi mà nhớ ngó !

    Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương ;

    Vì thả lòng không kiềm chế dây cương,

    Người ta khổ vì lui không được nữa.


    Những mắt cạn cũng cho rằng sâu chứa,

    Những tim không mà tưởng tượng tràn đầy.

    Muôn nghìn đời tìm cớ dõi sương mây,

    Dấn chân mãi để kiếm trời dưới đất.


    Người ta khổ vì cố chen ngõ chật

    Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào.

    Rồi bị thương, người ta giữ gươm đao,

    Không muốn chữa, không chịu lành thú độc !

    (Gửi hương cho gió)

    Trong khi yêu họ trở thành mù quáng, nào có biết gì nhau đâu. Xuân-Diệu đã tự nhận :

    Có thể nào qua Vạn-lý Trường-thành

    Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.

    .................................

    - Linh hồn ta u ẩn tựa ban đêm,

    Ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ.

    Kiếm mãi, nghi hoài, hay ghen bóng gió,

    Anh muốn vào dò xét giấc em mơ.

    Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ,

    Cũng như em giấu những điều quá thực...

    hay :

    Kể chi chuyện trước với ngày sau ;

    Quên ngó môi son với áo màu ;

    Thây kệ thiên đường và địa ngục !

    Không hề mặc cả, họ yêu nhau.

    Đến khi tìm cạn được nghĩa “yêu” thì đã trễ tràng. Xuân-Diệu nói với ta trong bài Muộn màng :

    Yêu ngẩn ngơ rồi đau xót xa,

    Số anh là khổ, phận anh là

    Suốt đời nuốt lệ vào trong ngực,

    Đem ái tình dâng kẻ phụ ta.

    Bị tình phụ, đau đớn ê chề, thi nhân một thân lầm lũi trong chốn sương, mưa :

    Thôi hãy để anh đi thất thơ,

    Mặc luồng gió lạnh, mặc mưa to

    Đánh vào thân thể run như sậy.

    - Tôi chẳng cần ai thương hại cho.

    Thất vọng não nề. Tai nghe tiếng gió vi vu, lòng cảm thấy thê lương :

    Có những lúc gió kêu thê thiết quá ;

    Như gió đau một nỗi khổ vô hình,

    Như bao điều ảo não của nhân sinh

    Đã in vết ở nơi hồn của gió.

    Gió vừa chạy, vừa rên vừa tắt thở,

    Đem trái tim làm uất cả không gian,

    Gợi bóng hình những thân thể cơ hàn,

    Với môi tím, với cảnh nghèo vạc mặt.

    Nhớ lại những phút tay lồng tay, má kề má, giờ đây bị phụ bạc, thi nhân điên lên vì uất hận :

    Tôi là một kẻ điên cuồng

    Yêu những ái tình ngây dại.

    Tôi cứ bắt lòng tôi đau đớn mãi,

    Đau vô duyên, đau không để làm gì.

    Quá đau đớn, và giận cho sự yêu không nhằm chỗ của mình, thi nhân muốn rứt trái tim bỏ đi :

    Nếu bỏ được trái lòng cho gió cuốn,

    Đem vứt đi, như là trái chua cay.

    Hồn thi nhân dật dờ ở giữa chợ tình, không còn biết đâu là bờ bến :

    Sương bạc lấp một mặt trời trắng sữa,

    Sương mông lung như giữa khoảng giang hà.

    Mắt tuy mờ mà lòng không thấy nữa,

    Hồn lạc rồi, không biết ngõ nào ra.
  • Đang tải...