0077.00039_quyche (type done) + Lại Thị Thu Hà (soát xong) - retsroi đã bổ sung 768+769

1/6/16
0077.00039_quyche (type done) + Lại Thị Thu Hà (soát xong) - retsroi đã bổ sung 768+769
  • Tiểu thuyết thứ năm- Ngày nay- Hà-nội báo- Phụ nữ- Bạn đường v.v….

    Về thi-ca, Anh-Thơ chỉ có hai tập thơ được xuất bản, đó là: Bức tranh quê và Xưa. Tập Bức tranh quê do nhà Đời Nay Hà-nội ấn hành năm 1941, tập thơ Xưa là tập thứ hai, Anh-Thơ cũng soạn với Bàng bá Lân, do nhà xuất bản Sông Thương Bắc-giang ấn hành vào cuối năm 1941.

    Ngoài hai tập thơ trên , nữ sĩ Anh-Thơ còn viết một quyển tiểu thuyết thuộc loại đồng quê lấy tên Răng đen, do nhà xuất bản Nguyễn-Du ấn hành tại Hà-nội năm 1942.

    Với hai tập thơ và một tiểu thuyết là sự nghiệp văn chương của nữ sĩ Anh-Thơ, vì từ đó đến nay, không ai thấy Anh-Thơ cộng tác cho tạp chí nào, cũng như không hề có tác phẩm nào khác.

    Điểm đáng ghi nhất đối với thi nghiệp của nhà thơ đất Ninh-giang là năm 1939, trong một cuộc thi sáng tác văn chương do nhóm Tự lực văn đoàn tổ chức gồm nhiều bộ môn như kịch, thơ, truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, phóng sự v.v… tập thơ Bức tranh quê, nữ sĩ Anh-Thơ đã đoạt giải khuyến khích về bộ môn thi ca cùng với tập thơ Nghẹn ngào của Tế-Hanh, một nhà thơ miền Trung khá nổi tiếng trong phái mới.

    Về khuynh hướng thơ, nữ sĩ Anh-Thơ không giống như hầu hết các nhà thơ đương thời lấy tình yêu làm động lực chính, lấy sự ủy mị của tình cảm, sự gào thét của dục vọng làm yếu tố, ngược lại Anh-Thơ đã tạo thơ mình bằng một sắc thái riêng biệt, độc đáo: lấy thiên nhiên làm bối cảnh, lấy nếp sống nông thôn làm đề tài chính và lấy phong tục của miền thôn dã làm nguồn sáng tác.

    Chính vì những điểm khác biệt ấy mà Anh-Thơ đã chiếm một chỗ ngồi khá vững trên thi đàn.

    Ngày xưa, khi Anh-Thơ vừa góp mặt vào làng thơ tiền chiến bằng những bài thơ ghi lại nếp sống nông thôn, tả những hình ảnh thiên nhiên, những sinh hoạt sống thực của miền thôn dã thì đã có một số người chỉ trích, cho rằng thơ của Anh-Thơ không hợp với đường lối của số người trẻ đương thời. Tuy nhiên, đối với lập luận ấy, Anh-Thơ vẫn coi thường và không thay đổi ý định trong đường lối sáng tác của mình, bằng chứng cụ thể là sau đó không bao lần tập thơ Xưa (viết chung với Bàng bá Lân) được chào đời trong sự âm thầm gần như hờ hững của giới trẻ theo Âu-học. Những người yêu thơ lúc bấy giờ thích những tiếng kêu gào ái tình, sự thèm muốn yêu đương của những nhà thơ Xuân-Diệu, Lưu-trọng-Lư, Hồ-Dzếnh, v.v… Bởi thế, Anh-Thơ cũng như những nhà thơ ít ca tụng hoặc không ca tụng ái tình đều được ít người biết đến như một Minh-Tuyền, một Trần-Huyền-Trân v.v…

    Ngày nay, thời gian đã khá lâu, người ta không còn nghe giọng thơ của nhà thơ đất Ninh-giang nữa và cũng không hiểu vì sao Anh-Thơ lại im tiếng; sự sống còn của nhà thơ này cũng không được ai nhắc nhở nếu không bảo là đã bị lãng quên trong tiềm thức.

    Tuy nhiên, dù sao ta cũng phải nhận rằng Anh-Thơ đã có một cái gì để hãnh diện trong sự nghiệp thi ca của mình.





    THÁNG II, năm 1942, từ khi Hoài-Thanh và Hoài-Chân, hai nhà phê bình văn học đất Thần-kinh – cho ra đời tập phê bình văn học Thi nhân Việt-nam, trong đó hai ông đã giới thiệu Anh-Thơ và phê-bình nhà thơ này một cách đơn sơ. Từ dạo ấy đến nay, các nhà phê bình văn học ở đây gần như quên lãng Anh-Thơ, không mấy ai nhắc nhở đến nữ thi sĩ đồng quê độc nhất của phái thơ mới tiền-chiến nữa, có chăng cũng chỉ trích một vài bài thơ tiêu biểu hay chỉ một vài câu lấy lệ mà thôi.

    Ba mươi năm trôi qua, sự có mặt Anh-Thơ trên thi đàn Việt-nam làm cho nền thi ca dân tộc được thêm phần nào phong phú.

    Vì lẽ đó, chúng tôi thấy cần trình bày cùng quý vị vài nét độc đáo của nhà thơ đồng áng: Anh-Thơ.

    Những ai am tường về thi ca dân tộc phải công nhận rằng những vần thơ của Anh-Thơ là cái gạch nối liền về dĩ vãng ngàn xưa để tìm hiểu thế nào là đời sống cổ truyền của người dân Việt. Mỗi bài thơ của Anh-Thơ là một hình ảnh sống thực của đất nước, một phong tục của quê hương.

    Anh-Thơ là tượng trưng cho tình non, tình nước, cho quê hương xứ sở, cho đồng ruộng bao la, bát ngát. Anh-Thơ ca tụng cảnh núi đồi hùng vĩ của đất mẹ, mùi thơm của cánh đồng lúa chín, niềm vui của phiên chợ cuối năm; những điều đó chúng ta có thể tìm được trong thi phẩm của Anh-Thơ.

    Đọc Bức tranh quê mà ngay cả tập thơ Xưa cũng thế, đâu đây người ta cũng thấy những hình ảnh của nếp sống nông thôn: từ những phiên chợ chiều ba mươi ồn ào nhộn nhịp, đến ngày Tết vui vẻ của đàn trẻ ngây thơ vô tư lự, nô đùa chào mừng mùa xuân mới; rồi một hình ảnh chúc Tết, cảnh cười nói của một gia đình cùng nhau đi chúc thọ những người trong họ, một phong tục ngàn đời của người Á-đông; hay cảnh một chiều mùa gặt, khi người quê đã làm xong việc đồng áng vác liềm hái trở về, miệng vui vẻ hát bản ca thanh bình; rồi đến hình ảnh của một buổi trưa hè oi ả, những chiếc quạt phe phẩy cố tình xua đuổi cái nóng nhiệt bên ngoài; hay một sáng sang thu, cảnh trời mát mẻ, những câu hò giọng hát vang vang, rồi đến cảnh mùa mưa nước dâng sấm chớp, cảnh bão lụt tàn phá quê hương, những giọt nước mắt vắn dài thi nhau tuôn tràn trên đôi gò má hốc hác của những người lâm nạn, v.v… tất cả những hình ảnh đó đều được Anh-Thơ ghi lại đầy đủ bằng những nét linh động.

    Để quý vị có một ý niệm rõ rệt, chúng tôi xin trình bày những nét độc đáo của nhà thơ Vương Kiều Ân một cách tỉ mỉ hơn.

    Như bài Đêm trăng xuân, ngay phần đầu Anh-Thơ cho thấy cảnh một đêm mênh mông, huyền ảo, trên cánh đồng im lặng, sương mù rơi khắp đó đây, chị Hằng bủa ánh sáng huyền diệu xuống trần gian bằng một mầu vàng óng ả.

    Đồng lặng lẽ sương mù buông bát ngát,

    Ao âm thầm mây tối ngập mênh mang.

    Gió im vắng, từ từng không man mác,

    Mưa bay trăng nhè nhẹ dệt tơ vàng.

    Lối tả cảnh khéo léo, không dùng sáo ngữ, chỉ những chữ thông thường, nhưng thật hợp cảnh trí, Anh-Thơ thêm:

    Và nhè nhẹ trong tơ trăng phơ phất,

    Khóm tre xanh lướt gió uốn cung đàn.

    Trong ánh trăng thanh, từng làn gió thoảng qua làm cho những thân tre chao mình theo ngọn gió uốn cong như chiếc đàn (đây là loại đàn bầu, khi gió thổi cây tre nghiêng cong vòng cung như cây đàn bầu).

    Và trong khi đó thì:

    Làng xóm lặng say đi trong giấc ngát,

    Những hương đào, hương lý dậy miên man.

    Cảnh vật càng đi sâu vào đêm, mọi người đều yên giấc. Trong không khí êm ả của đêm trăng gió thoảng làm cho những loài thảo mộc như hoa đào, hoa lý tỏa một mùi thơm dễ chịu. Ý thơ rất tế nhị, hay ở chỗ tác giả đã làm một cuộc “nhân cách hóa đảo lộn” thật khéo léo, nhưng chữ : Làng xóm (người) say đi trong giấc ngátNhững hương đào hương lý (vật bất động) dậy miên man.

    Đó là hình ảnh một đêm xuân, sau đây là một buổi trưa hè dưới mắt Anh-Thơ:

    Nắng đã nực, cây vườn im hơi thở,

    Ngỏ đầy ruồi vắng bóng bướm ong qua.

    Khác hẳn với cảnh trí của đêm trăng xuân nhẹ nhàng im mát, một buổi trưa hè vào tiết tháng hai, cây vườn đứng im như bất động, trong không khí oi bức ngột ngạt của buổi trưa hè như muốn thiêu đốt mọi người lẫn cảnh vật chung quanh, trừ loài ruồi đang say nắng, ong bướm chẳng buồn qua lại.

    Nhưng dù có oi ả, khó chịu thế mấy, một việc quan trọng cần phải làm là:

    Các đình chùa đã bắt đầu dựng rạp
    Những vàng hương, mũ mã chất như non.
    Người từng lũ kéo nhau đi cầu mát.
    Mấy đêm ngày chuông trống xập xoèng luôn.


    Một tập tục thôn quê, vòa những ngày đầu mùa hạ, dù cho không khí oi bức nặng nề, đã là những người ở thôn quê quanh năm sống nhờ vào mảnh đất, khoảnh ruộng, đều đổ xô đến các đình chùa vái van cầu khẩn cho chóng mưa. Thật là náo nhiệt trong cái sinh hoạt tập thể ấy. Mà họ không lo âu sao được, khi :

    Trong đồng lúa cũng bắt đầu khát nước,
    Lũ gái tơ uể oải kéo dây gàu.


    Trong cảnh nóng bức như thế mọi công việc tiến hành quá chậm chạp, đồng ruộng thì " khát nước " mà lũ gái tơ lại uể oải, thậm chí việc lên tiếng chào nhau họ cũng lười biếng :

    Đã hết cả những hội hè đám rước.
    Vào việc làm họ chán cả chào nhau.


    Thật là hai hình ảnh khác biệt, một mùa xuân dễ chịu với gió thoảng, mây lành, trăng trong, cảnh đẹp ; ngược lại, hè sang thì bầu không khí trở nên nặng nề, oi bức ; người vật đều uể oải.

    Qua hai hình ảnh trên, chúng ta thấy Anh-Thơ tỏ ra xuất sắc trong lối tả cảnh mà lại là những cảnh đối chọi nhau những vẫn luôn bám vào đề tài đã gợi ra.

    Cái hay của Anh-Thơ là đã khéo đem những hình ảnh sống thực vào thơ của mình. Mỗi bài hay mỗi câu thơ đều phản ánh trung thực cho ngoại cảnh trong mọi khía cạnh mà tác giả muốn trình bày.

    Nhà tiểu thuyết lừng danh của Pháp, Guy de Maupassant đã nhaanj định về nghệ thuật viết văn như sau :

    "Làm văn, thi sĩ không phải là khó, mà chính cái khó nhất là phải làm thế nào nói lên được tất cả sự thật những gì mình muốn nói, tránh cho kỳ được những gượng ép giả tạo, không phải nói lên bằng văn mà đủ, trái lại nói lên bằng những hình ảnh chúng ta thừa hiểu những người viết văn, làm thơ hay là những người đã khéo chọn những hình ảnh sống thực, độc đáo để làm hình ảnh đem vào thơ và văn của mình. Chỉ có thế, nếu làm được như thế, chắc chắn người đó sẽ thành công không khó trên địa hạt văn-chương. "

    Lời nói đó đã được chứng minh một cách cụ thể qua thơ văn của Anh-Thơ và chính Anh-Thơ đã thành công trong thơ văn của mình cũng là thế.

    Đây, chúng ta thử đi vào thế giới của Anh-Thơ một cách rộng rãi hơn, ta hãy nghe Anh-Thơ tả lại cảnh nhộn nhịp của một ngày xuân :

    Lũ con gái rộn ràng cười, nói nói...
    Khoe hàm răng đen nhánh, mắt đa tình.


    hay :

    Trong vườn đào đã nhiều bông nở đỏ,
    Và đã nhiều nêu dựng khánh khua thi.


    Đó là cảnh nhà nhà vui trong ngày giáp Tết, và giờ đây cảnh dọn dẹp sử sang để đón mừng xuân :

    Và rất nhiều ông già ngồi lau quét,
    Trước bàn thờ thành kính thắp tuần nhang.
    Trong khi ấy tiếng lợn kêu eng éc,
    Khắp xóm làng lẫn tiếng chưởi nhau vang.

    Thật là xôn xao ! ai ai cũng đều lo trang hoàng nhà cửa để đón chào năm mới, cảnh sinh hoạt thật bất thường. Và nhìn xa hơn nữa :

    Trên sông nước trong khoan thuyền chở vội,
    Giữa những người về tết chuyện ba hoa.
    Một lữ khách lạnh lùng ôm chăn gối.
    Mắt mơ màng nhìn tiếng pháo xa xa.


    Hình ảnh thật nhẹ nhàng nhưng nổi bật khung cảnh rộn ràng của ngày Tết. Từ cảnh trên sống nước những chiếc thuyền chở khách vội vàng về hưởng ba ngày xuân, họ bông đùa, cười cợt như trút bỏ những lo âu khổ cực sau bao ngày lưu lạc. Chúng ta hãy lưu ý đoạn thơ này: trong cái vội vàng hối hả, nói cười nhộn cả lên ở hai câu đầu (Trên sông nước trong khoan thuyền chở vội. Giữa những người về tết chuyện ba hoa), Anh Thơ cho chen vào một hình ảnh tương phản (Một lữ khách lạnh lùng ôm khăn gói.Mắt mơ màng nhìn tiếng pháo xa xa) mà không ngượng ngập, lại còn gợi một niềm bâng khuâng là khác.

    Thêm một khung cảnh đặc biệt về Tết trong một đêm giao thừa trang nghiêm, đầy vẻ trọng đại:

    Trời tối quá, bên ngoài trời tối quá,

    Những cây nêu tiếng khánh khẽ khua thầm.

    Những cung vôi trong sân như mờ xóa

    Những giấy điều trước cửa dán đen thâm.

    Trời tối quá, bên ngoài trời tối quá”, những điệp tự được lập lại cho chúng ta thấy cái đêm cuối năm tối một cách khác thường; nêu đã được dựng lên, tiếng khánh khế khua theo nhịp gió đong đưa. Những cung vôi, những giấy điều dán làm phép lành trong dịp Tết, chỉ có bốn câu, Anh-Thơ đã khéo léo trình bày một tập tục ngày xưa, đầy đủ nêu cao, khánh đồng, cung vôi, tên cỏ tượng trưng cho sự tiến thân trên đường công danh, theo đúng câu tang bồng hồ thỉ. Và đây, cảnh nôn nao của mọi người từ trước giờ giao thừa:

    Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục,

    Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn.

    Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen rứt,

    Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm.

    trong khi đó:

    Bỗng tiếng pháo đẹt đùng xa nổ báo,

    Ngoài đình trung làng đã tế giao thừa.

    Cả nhà vội giật mình không ai bảo,

    Cùng đứng lên thăm bánh chín hay chưa.

    Đọc hết những đoạn thơ trên, chúng ta thấy Anh-Thơ có con mắt quan sát khác thường. Với những câu:

    Những cây nêu tiếng khánh khẽ khua thầm,

    Những cung vôi trong sân mờ xóa.

    Những giấy điều trước cửa dán đen thâm.

    Và những chữ: Nồi bánh chưng sùng sục; Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn; Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm; Bỗng tiếng pháo đẹt đùng v.v… là những chữ nổi bậc nhất trong bài thi, Anh-Thơ đã có cái nhìn thấu đáo, tinh vi khiến người đọc cảm thấy sự vật đang diễn biến trước mắt và đập mạnh vào tiềm thức.

    Như chúng ta thừa hiểu người nông dân nông thôn có cái lo âu thường xuyên là thiên tai tàn phá, những cảnh lụt lội, dông bão, hạn hán. Ở đây Anh-Thơ trình bày một hình ảnh của một mùa đại hạn qua bài thơ:

    Nắng, nắng, suốt trời vàng giải nắng,

    Gió theo mây không biết trốn phương nào.

    Vườn chuối rủ héo dần trong im lặng,

    Những rau bèo chết cạn ở trong ao.

    với bốn câu mở đề, cảnh “vườn chuối rủ héo dần trong im lặng”, “ những rau bèo chết cạn ở trong ao” cho ta hình ảnh cái nắng nung người, khiến ta có cảm tưởng như mình đang sống trong một lò lửa.

    Phần thứ hai, Anh-Thơ thêm:

    Ngoài đồng ruộng lúa vàng khô cháy xác,

    Nắng chang chang không một bóng râm chừa.

    Chó điên dại chạy rong tìm chỗ mát,

    Trâu buồn rầu nằm đợi vũng tràn mưa.

    Trình bày một cảnh nắng cháy xác lúa, chó điên rong chạy, cho đến “trâu buồn rầu nằm đợi vũng tràn mưa”, đã cho ta sự liên tưởng đến cái hậu quả tai hại của ngày đại hạn.

    Và đây cảnh của một vụ lụt:

    Đê đã vở một đêm mưa tầm tã.

    Nước băng sô ồ ạt chảy trôi đồng.

    Làng xóm lụt chìm đi trong mái rạ,

    Bao cây vườn mất tích giữa mênh mông.

    Hay:

    Nhưng dưới nước lững lờ theo tiếng quạ,

    Bao thây người vơ vẩn giữa dòng sông.

    Một thảm cảnh đau thương! Nạn lụt tàn phá, nhà cửa bị chôn vùi trong lòng nước đổ, những người xấu số bị nước cuốn trôi.Sau khi nạn lụt qua, cảnh vật thật tiêu điều xơ xác, thi hài kẻ bạc mạng còn phơi bày khắp đó đây, những đàn quạ bay luôn trên không để tìm thịt rỉa. Thật không còn gì đau xót bằng! Dưới ngòi bút của Anh-Thơ, cảnh vật được thể hiện tuần tự và đầy đủ. Nét nhìn tinh tường đó đã khiến cho ta thầm phục mắt quan sát của Anh-Thơ.

    Xuyên qua tập thơ Bức tranh quê, không ai phủ nhận sự nhận xét tinh tế của Anh-Thơ; nhưng có nhiều người chê Anh-Thơ làm thơ ca như ta chụp ảnh, những bức ảnh khô khan.

    Về điểm này, trong Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại quyển 1 của Bàng bá Lân có ghi:”Vâng, thì chụp ảnh, nhưng chụp ảnh mà được những tác phẩm như trên đây thì tưởng trong văn chương Việt-nam cũng nên – hơn nữa- cũng cần có những nhà thơ chụp ảnh như vậy.”

    Bàng quân thêm:” Với những người ấy, tôi xin đứng trên cương vị của một nhiếp ảnh gia có một đôi chút kinh nghiệm mà thưa rằng: Chụp ảnh không phải chỉ làm một việc có tính cách máy móc. Phải là một nghệ sĩ thực tài mới khám phá được những cái hỗn độn tầm thường của sự vật, những dáng hình khêu gợi và truyền cảm. Khám phá được rồi, lại phải lẹ mắt lanh tay mới có thể ghi kịp, nếu là một cảnh hoạt động. Và lại phải có kỹ thuật và nghệ thuật vững chắc già dặn mới có thể, trong chớp mắt, vừa bố cục vừa điều khiển ánh sáng để làm cho ảnh linh động có tinh thần. Ấy là chỉ mới nói có việc thâu hình, phải làm bao nhiêu công việc phải làm trong buồng tối đòi hỏi- ngoài kỹ thuật vững vàng- một nghệ thuật sâu sắc, một khiếu thẩm mỹ tế nhị mới tạo nên được một tác phẩm mỹ thuật khả dĩ làm đẹp mắt và rung cảm được người xem. Trái lại thế, người chụp ảnh chỉ sản xuất được những “tấm hình chết”, vụn vặt, không hồn.”

    Riêng chúng tôi xin mạn phép góp một ít ý kiến về nhà thơ đất Ninh-giang:

    Về thể thơ, Anh-Thơ thường làm theo lối 8 chữ, 3 đoạn, mỗi đoạn 4 câu; hầu hết mỗi bài đều trong vòng 12 câu, có bài vượt quá số đó, tuy nhiên ta có thể đếm trên đầu ngón tay.

    Khác với những nhà thơ chỉ hay khóc cho mối tình tan vỡ, cảnh biệt lý hoặc ca ngợi tình yêu nồng cháy v.v…. Anh-Thơ chỉ nhắm một chủ đề chính là đồng quê và phong tục. Đọc Anh-Thơ, người thành thị sẽ có ý niệm rõ rệt về nếp sinh hoạt sau những lũy tre và cảm thấy thích thú về sự tăng bổ hiểu biết của mình, nó tương tự mối khoái cảm của những trẻ con ở trong thành phố kỹ nghệ quanh năm chỉ thấy ống khói và khói mù, hân hạnh được người ta trịnh trọng tổ chức cho chúng lần đầu tiên gặp mặt… một con bò bằng xương bằng thịt vậy.

    Những vần thơ của Anh-Thơ là những bức tranh tả chân trong sáng, rõ rệt và linh động như cảnh thật; nó không phải là những bức “ảnh chụp” mà là một chuỗi hình ảnh linh động như một cuộn phim về hoạt cảnh được quay liên tục trước mắt ta. Mà đạt đến trình độ này đâu phải bất cứ ai cũng làm được.

    Có điều, tác giả Bức tranh quê đã dệt những vần thơ đơn sơ, tuy gói ghém được cả nếp sống của dân tộc nhưng vì quá tôn trọng tinh thần cảnh vật cũng như hoạt cảnh mà không hòa hợp sự rung động phải có của một thi nhân, nên đọc Anh-Thơ chúng ta “thấy” nhiều hơn là “cảm”.

    Điểm nữa, Anh-Thơ ít khi dùng đến nội tâm. Khảo sát suốt mấy chục bài thơ, chúng tôi chỉ bắt gặp được có một chữ “Ta” (một đối tượng có khả năng rung động trước cảnh), nhưng rất tiếc cái “Ta” của Anh-Thơ lại rung động vì một cái trừu tượng: “Ta nhớ nàng Thơ xưa yêu mến.”

    Giả sử Anh-Thơ chịu gởi hồn thơ, hay nói đúng hơn, cái cảm xúc vào tiếng thơ của mình, có lẽ Anh-Thơ sẽ tạo được hơn những gì hiện có.

    Cũng cùng một khuynh hướng thi ca đồng quê, nhưng chúng tôi lại thích thú được rung cảm theo tiếng thơ của Bàng bá Lân hơn.

    Xin trích dẫn hai bài thơ của hai tác giả đồng quê cùng đứng trước một cảnh như nhau, mặc dù đề tài của Anh-Thơ dễ gợi cảm hơn:

    Vườn xưa

    (của Anh-Thơ)

    Kính tặng hương hồn Bác tôi


    Đây một giàn lan che bóng lan,

    Dăm thân tùng trúc đứng nghiêm hàng.

    Vài hòn non bộ, nhiều đêm vắng.

    Biển cạn đầy trăng, cá đớp vàng.


    Và khi vườn chủ tóc như sương

    Gậy trúc lang thang dạo khắp vườn.

    Là lúc hồn thơ say ý rượu,

    Tìm hồn hoa lạc dưới trăng suông.


    Rồi cả vườn cây nghe tiếng ngâm,

    Nâng cao hồn mộng quyện hương trầm.

    Sau khi gót hạc dừng hiên nguyệt,

    Chén rượu hòa trăng rót mãi vần.


    Nhưng nay lạnh lẽo bóng trăng sang,

    Lan héo lòng hoa, trúc võ vàng.

    Cá chẳng đùa trăng, trong biển cạn

    Vài hòn non bộ đứng cư tang.


    Vì chưng vườn chủ tóc như sương,

    Gậy trúc chiều qua đã dắt đường

    Thơ rượu say về tiên giới ấy,

    Vườn xưa để lạnh bóng trăng suông!

    (Xưa)

    *

    Trở lại đồng quê

    (của Bàng bá Lân)


    Hôm nay về trại gió hiu hiu,

    Nhìn lớp mây qua nhuộm máu chiều,

    Nhớ lại lược xưa màu đỏ thắm

    Cài trong tóc lụa xõa liu diu


    Nhớ lại năm xưa còn ở quê,

    Chiều bên đường cỏ đợi trâu về:

    Em nhìn chim vút lên trời thẳm

    Anh lắng nghe diều than trong tiếng tre.


    Năm năm vội vã thoáng đi nhanh,

    Em nhãng quên quê luyến thị thành.

    Lược đỏ không cài trên búi tóc,

    Cỏ đường chẳng vướng gót chân xinh.


    Em biếng về quê, cây nhớ nhung,

    Lúa đồng rướn ngọn đứng như mong

    Đất đường luyến tiếc bàn chân ngọc,

    Cỏ rạc ven bờ mãi ngóng trông.


    Lòng rối như là cỏ rối bong,

    Tương tư! Trại vắng rộng hơn đồng.

    Em ơi! Vui thú phồn hoa mãi,

    Có biết đồng quê đang nhớ mong?

    (Tiếng võng đưa)

    Có phải các bạn cảm thấy một tình cảm lâng lâng không?

    Bàng bá Lân hơn Anh-Thơ là ở đó.

    Chúng tôi không có ý so sánh để phân đẳng cấp mà để trình bày với các bạn thấy sự đòi hỏi một tình cảm cần thiết trong thơ.

    Và đây, chúng tôi xin nêu thêm một thí dụ để chứng minh cho lập luận trên trong một bài thơ dịch mà chúng tôi mang máng nhớ tựa đề:

    Viếng nhà tổ phụ

    Mấy năm chẵn nợ trần đeo đuổi

    Nơi xứ người tạm gởi tấm thân.

    Về thăm tổ quán một lần,

    Đoái xem quê cũ tấm lòng xót xa.

    Dạng xa xa thấy nhà tổ phụ

    Dưới chòm cây bao phủ chung quanh,

    Cây sao cây lại rủ nhành

    Hay là sầu chủ, lòng thành của ngươi.

    Bước một bước càng khơi tấc dạ;

    Nẻo vô nhà đầy lá héo khô,

    Xưa kia xe ngựa ra vô,

    Dập dìu những khách rượu Tô thi thần.

    Nay dấu ngựa về rong đã đóng,

    Khách thi thần đâu vắng ai ơi!

    Trớ trêu chi lắm, bớ trời!

    Đổi xoay, xoay đổi khiến người châu sa

    Kìa trước mất vườn hoa chốn cũ,

    Mấy nhành hường lá ủ, bông khô.

    Hường ơi, có biết có ngờ,

    Có hay tiểu chủ bây giờ về thăm.

    Bước vô cửa, nhà sao lạnh ngắt,

    Nhìn vật xưa như cắt tấm lòng.

    Tư bề lưới nhện bủa giăng,

    Lòng ta bi thảm vui chăng, bớ trời!

    Lau giọt lệ, vào nơi viễn khách,

    Thơ xưa đề trên vách ở mô?

    Đây là chỗ ngủ năm xưa.

    Này nơi mẹ thác, chỗ đưa em nằm.

    Chân rảo bước ra thăm phần mộ,

    Thấy xanh vàng ngọn cỏ phất phơ.

    Mẹ ơi! Chín suối có ngờ

    Con nay khôn lớn dật dờ về thăm.

    Nghe tiếng dế đờn Nam lảnh lót,

    Hay vì ta ngươi khóc dế ơi,

    Hay vì chích bạn lẻ đôi,

    Hay vì lạc ổ, ngụ nơi mộ phần?

    Ôi cảnh thảm ruột trăm chiều rối!

    Nghĩ năm xưa thêm tủi tấm lòng.

    Càng xem càng giận Hóa-công

    Sanh chi trên thế khiến phần gian nan.

    Đang tức tửi ngùi than ngậm thở,

    Tiếng thu không tở mở bên làng

    Ngước lên xem thấy bóng trăng,

    Khăn lau nước mắt lui chân ra về.

    Đọc xong, các bạn có cảm thấy rung động đến một cao độ hơn?

    Chúng tôi cũng biết thật không phải khi nhận xét một nhà thơ này mà lại đem một nhà thơ khác để so đọ.

    Sự nghiệp thi ca của Anh-Thơ là tập Bức tranh quê đã được giải khuyến khích về bộ môn này cùng với tập Nghẹn ngào của nhà thơ Tế-Hanh cho ta thấy Anh-Thơ chỉ giữ một địa vị khiêm nhường trên thi đàn Việt-nam thời tiền chiến.

    Để giúp quí bạn hiểu rõ thêm trong hoàn cảnh nào đã tạo ra nhà thơ đất Ninh-giang, chúng tôi xin nhường lời cho Hoài Thanh:

    Một hôm tôi nhận được bức thư đề: M. Hoài – Thanh, Professeur, l’Instiwteur Thuận-hóa. Tôi đã không dám khinh thường người viết thư mà lại còn kính phục thêm nữa. Vì tôi biết người viết thư là một nữ thi sĩ có danh: Anh-Thơ. Đã đành trong làng thơ Việt không cần phải giỏi tiếng Pháp. Nhưng trong tình thế nước ta bây giờ một người thiếu niên muốn có một nền học vấn vừa vừa mà không cần đến tiếng Pháp quả là một thiên nan vạn nan. Thế mà cái lối viết rõ ràng và chắc chắn ấy, Anh-Thơ không từng học được tiếng Pháp. Càng kính phục người, ta càng mừng cho nền quốc văn.Quốc văn ta ngày một thêm phong phú và hiện nay đã có thể làm lợi khi đào luyện tinh thần cho một người như Anh-Thơ”.

    Như vậy chứng tỏ Anh-Thơ là một thi tài kết tinh bằng một sự cố gắng vượt bực, một sự trui rèn tinh thục trong loại thi ca đồng quê và phong tục, gợi cho ta ý niệm được nếp sống cổ truyền, những hình ảnh sống động từ ngàn xưa đã và đang diễn biến trên đất nước này.

    (Ấn bản kỳ nhì, 8-1968)









    Thi tuyển

    Đại hạn

    Nắng, nắng, suốt trời vàng giãi nắng.

    Gió theo mây không biết trốn phương nào.

    Vườn chuối rủ héo dần trong im lặng,

    Những rau bèo chết cạn ở trong ao.


    Ngoài đồng ruộng lúa vàng khô cháy xác.

    Nắng chang chang không một bóng râm chừa.

    Chó điên dại chạy rong tìm chỗ mát,

    Trâu buồn rầu nằm đợi vũng tràn mưa.


    Rồi chiều đến khi mặt trời lặn đỏ,

    Mây phương đoài tắm rực một bên sông.

    Các cô gái đưa nhau thăm ruộng nỏ,

    Cuộn dây gàu chán nản tát đồng không.

    *

    Chiếc nón quai thao

    Tua óng tơ ngà tha thướt gió,

    Vành vàng lá lụa nắng tươi xinh

    Khuôn hoa e lệ trong khuôn nón,

    Say mắt chàng trai liếc gửi tình.


    Nhưng dép cong nghiêm bước thẳng đường,

    Đâu ngờ tơ nón gió vương vương.

    Chàng về, mắt đắm sầu xa vắng…

    -Cả một trời xuân nhạt nắng hường!

    *

    Rằm tháng bảy

    Gió hiu hắt gieo vàng muôn cánh lá,

    Trời âm u mây xám bóng sương chiều.

    Làng xóm ngập nhà nhà trong khói tỏa,

    Vẳng đưa lời khóc mả lạnh hiu hiu.


    Trong chùa, điện hương đèn nghi ngút sáng,

    Tiếng mõ, chuông hòa nhịp trống bên đình.

    Lời cầu cúng truyền theo làn khói thoảng.

    Quyến cô hồn nương gió lại nghe kinh.


    Ngoài đê rộng bồ đài nghiêng đổ cháo,

    Lễ chúng sinh từng bọn một ăn mày,

    Cũng lẳng lặng như bóng ma buồn não,

    Dắt nhau tìm nơi cúng để xin may.

    *

    Vào hè

    Nắng đã nực, cây vườn im thở gió,

    Ngõ đầy ruồi, vắng bóng bướm ong qua.

    Tiếng cuốc gọi chiều chiều vang bụi cỏ.

    Và chiều chiều đom đóm rủ nhau ra.


    Các đình chùa đã bắt đầu dựng rạp,

    Những vàng hương, mũ mã chất như non,

    Người từng lũ kéo nhau vào cầu mát,

    Mấy đêm ngày chiêng trống chập choeng luôn.


    Trong đồng lùa cũng bắt đầu khát nước.

    Lũ gái tơ uể oải kéo dây gàu.

    Đã hết cả những hội hè đám rước,

    Vào việc làm.Họ chán cả chào nhau.

    *

    Đêm dông tố

    Mưa ồ ạt suốt trời tuôn đổ thác,

    Gió gầm gào khắp đất quật cây lên.

    Sấm náo động cả trời mây tan tác,

    Thoảng ánh lòe tia chớp vụt soi đêm.


    Đêm bí mật bỗng bừng trong sợ hãi,

    Những tà ma luống cuống chạy quanh đồng.

    Sét thịnh nộ từ trời cao giáng lại,

    Và mưa cầm, và gió giật cây rung.


    Khắp làng xóm nhà nhà xiêu tốc mái,

    Mưa như tên vun vút bắn tung hoành,

    Từng hồi ốc rú dài trong sợ hãi,

    Trong gió gầm riu rít lũy tre xanh.

    *

    Chiều ba mươi tết

    Trời lún phún mưa xuân, đường các ngõ

    Lấm những bùn và đầy những người đi.

    Trong vườn đào đã nhiều bông nở đỏ,

    Và đã nhiều nêu dựng khánh khua thi.


    Và rất nhiều ông già ngồi lau quét,

    Trước bàn thờ thành kính thắp tuần nhang.

    Trong khi ấy tiếng lợn kêu eng éc,

    Khắp xóm làng lẫn tiếng chửi nhau vang.


    Trên sông nước, trong khoang thuyền chở vội,

    Giữa bọn người về tết chuyện ba hoa.

    Một lữ khách lạnh lùng ôm khăn gói,

    Mắt mơ màng theo tiếng pháo xa xa.

    *

    Đêm ba mươi tết

    Trời tối quá, bên ngoài trời tối quá!

    Những cây nêu tiếng khánh khẽ khua thầm.

    Những cung vôi trong sân như mờ xóa,

    Những giấy điều trước cửa dán đen thâm.


    Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục,

    Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn.

    Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen rức,

    Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm.


    Bỗng tiếng pháo đẹt đùng xa nổ báo,

    Ngoài đình trung làng đã tế giao thừa.

    Cả nhà vội giật mình không ai bảo,

    Cùng đứng lên thăm bánh chín hay chưa.

    *

    Ngày tết

    Trước cổng làng chòm nêu vừa thức gió,

    Bụi mưa phùn đã đổ xuống sân vôi.

    Tràng pháo chuột đua nhau đì đẹt nổ,

    Xác giấy hồng bắn cả cánh hoa rơi.


    Trong nhà đỏ bàn thờ nghi ngút khói.

    Những đàn bà tíu tít chạy bưng mâm.

    Lũ con trẻ vui mừng thay áo mới,

    Bên ông già hương nến quá chuyên tâm.


    Ngoài đường ngõ bùn lầm theo nước chảy,

    Thằng cu con quần đỏ cưỡi lưng bà.

    Các cô gái đội vàng hương ôm váy,

    Miệng tươi cười mừng tuổi những người qua.

    *

    Bến đò ngày phiên chợ

    Trời mới sáng, sông còn yên nước lắng,

    Mấy vì sao thưa thớt đứng soi hình.

    Tiếng hò đò đã vang trên bến lặng,

    Trong sương mù chèo động sóng lung linh.


    Thuyền ghé bến người người chen chúc xuống,

    Tiếng chó kêu, lợn hét nổi vang lừng.

    Với tiếng người ồn lên trong luống cuống,

    Đặt gánh gồng bồ bịch đổ lung tung.


    Và cứ thế, đò đầy rời khỏi bến,

    Bác lái thuyền điềm tĩnh ngắm sương tan.

    Sốt ruột nhất những người đi lỡ chuyến,

    Đứng xếp hàng ngong ngóng đợi đò sang.

    *

    Chợ mùa hè

    Trời lòe nắng, chợ vào đầy những nắng,

    Đầy những người chen chúc họp… mồ hôi.

    Các mẹt bún đầy ruồi không hở trắng,

    Các sàng dưa bán nhặng kín xanh tươi,


    :rose:
  • Đang tải...